News Filters

ĐÔI LỜI VỀ "SỨ ĐIỆP TỪ TRỜI" *** Lm. Augustino Hoàng Đức Toàn

30 Tháng Mười Hai 2020

ĐÔI LỜI VỀ "SỨ ĐIỆP TỪ TRỜI"

 Lm. Augustino Hoàng Đức Toàn

 

4/29/2015 10:41:08 AM

...người tín hữu công giáo phải thực hiện NĂM KHÔNG với "điều được gọi là sứ điệp từ trời": "Không nghe, Không đọc, Không lưu giữ, Không phát tán, Không rao giảng". Phải dứt khoát, không do dự, loại trừ ra khỏi đời sống đức tin của người công giáo.

 

 

Vấn đề.

 

Ngay ngày thứ hai trong Hội Nghị thường niên kỳ I-2015 của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, 14/4/2015, Uỷ Ban Giáo lý Đức tin, trực thuộc Hội Đồng Giám mục, đã ra "Thông Cáo về điều được gọi là Sứ điệp từ trời", có chữ ký của Đức Tổng Giám Mục  Chủ tịch Hội Đồng Giám mục và Đức Giám mục Chủ tịch Uỷ Ban Giáo lý Đức tin với khuyến cáo: "các tín hữu công giáo sẽ không đọc, không phổ biến và không rao giảng các "sứ điệp từ trời".

 

Cũng chính trong ngày ra Thông Cáo đó, Đức Cha giáo phận nhà, dù ở xa, đang họp Hội nghị Hội Đồng Giám mục tại Sàigòn, cũng đã cho phổ biến trong giáo phận Thông Cáo nêu trên, có thể bởi ngài thấy tính cách nguy hiểm của phong trào, gây hoang mang trong anh chị em giáo dân, thậm chí đã xuất hiện ở một vài giáo xứ, kể cả nơi một ít tu sĩ, giáo sĩ trong giáo phận.

 

Một số vị chưa biết hoặc chưa biết rõ về nội dung "sứ điệp từ trời" đã nêu thắc mắc: vụ việc nguy hiểm và quan trọng thế nào mà ngay ngày thứ hai của Hội nghị Hội Đồng Giám mục, vừa khai mạc tối hôm trước thì ngày hôm sau Uỷ Ban Giáo lý Đức tin đã "khẩn trương" ra Thông Cáo cấp bách phổ biến rộng rãi trên toàn quốc như vậy? Và Đức Cha nhà (Ban Mê Thuột) cũng cho phổ biến Thông Cáo trên cả giáo phận cũng trong chính ngày ra Thông Cáo. Vì những sai phạm gì về giáo lý đức tin mà Giáo quyền đã phải quan tâm đến vậy?

Nhân dịp bản "Thông Cáo về điều được gọi là Sứ điệp từ trời" của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin được phổ biến, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tìm hiểu ít điều về phong trào được mệnh danh là "Sứ điệp từ trời" này đang lan tràn trên thế giới và ngay tại Việt Nam, kể cả tại một vài nơi ở Ban mê thuột.

 

Sẽ có ba tiểu mục được bàn đến: Thứ nhất, Nguồn gốc và tác giả của phong trào "Sứ điệp từ trời", Thứ hai, Một số sai phạm trong giáo lý đức tin của phong trào (xin nhớ chính vì những sai phạm về đức tin giáo lý mà Uỷ Ban Giáo lý Đức tin mới phải ra Thông Cáo ngày 14/4/2015), và Thứ ba, Phản ứng của Giáo quyền. Cuối cùng là một lời Kết luận.

 

I.- Nguồn gốc và tác giả của "Sứ điệp từ trời".

 

Nguồn gốc phong trào. Phong trào mệnh danh là "Sứ điệp từ trời" đã xuất hiện từ tháng 11 năm 2010 tại Châu Âu, và cho đến nay đã được quảng bá hầu như rộng khắp trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, phong trào "Sứ điệp từ trời" cũng đang rộ lên như một hiện tượng đáng quan ngại. Tại Banmêthuột, phong trào cũng đã xuất hiện và dường như đang lây lan tại một số giáo xứ. Điểm nổi bật và đang quan ngại nhất trong "Sứ điệp từ trời", được lặp đi lặp lại nhiều lần là thái độ chống báng Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô.

 

Tác giả phong trào . Tác giả của "Sứ điệp từ trời" là người tự xưng là "Maria Divine Mercy, được dịch sang tiếng Việt là Maria Lòng Chúa Thương Xót" hoặc "Maria Tông đồ Lòng Chúa Thương Xót". Bà tự giới thiệu mình là một phụ nữ Châu Âu, theo đạo Công Giáo, đã có gia đình, và là một doanh nhân. Theo bà, tên gọi "Maria Divine Mercy" chỉ là một biệt danh, ẩn danh. Hiện nay người ta đã xác định được khá chắc chắn rằng bà Maria Divine Mercy là một phụ nữ người Ai Len, hiện sống tại thành phố Dublin.

Kể từ tháng 11 năm 2010, bà Maria Divine Mercy cho biết đã liên tục nhận được các sứ điệp từ trời. Theo bà các sứ điệp này, chủ yếu do Chúa Giêsu nhưng cũng có khi do Chúa Cha hoặc do Đức Mẹ Maria mạc khải cho bà. Tính đến nay đã có hơn 1.100 sứ điệp khác nhau, được một số người dịch sang tiếng Việt rồi in rất công phu trong một cuốn sách dày cộm, khổ 14x21, cỡ chữ li ti mà dày hơn cả ngàn trang, gọi là "Sách Sự Thật". Cho đến nay, bà Maria Divine Mercy vẫn không ngừng nhận được các sứ điệp mới.

 

II.- Những sai phạm đáng quan ngại.

 

"Sứ điệp từ trời" xoay quanh ba chủ đề chính: Thứ nhât, Cảnh cáo thế giới về tội lỗi; Thứ hai, Kêu gọi ăn năn thống hối; Thứ ba, Loan báo sự gần kề của biến cố Chúa đến lần hai. Thoạt nghe những nội dung đó chẳng có gì đáng quan ngại. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu cụ thể, người ta thấy lộ ra rất nhiều điểm sai lạc về Mầu nhiệm Đức Kitô, huấn quyền, bí tích, luân lý, phụng vụ... Điều nguy hiểm là những điểm sai lạc được đan xen với những giáo lý chân thực, tạo nên tình trạng "vàng thau lẫn lộn", khiến người đọc dễ nhiễm độc mà không hay biết trở thành hoang mang trong đức tin, lo sợ vì những lời hù dọa bà Maria Divine Mercy đưa ra. Ở đây xin được tự giới hạn chỉ nêu lên một số sai phạm chính yếu, cụ thể và nghiêm trọng mà thôi.

 

1.- Vấn đề về Mạc khải.

 

Xin nhắc lại giáo lý công giáo về Mạc khải. "Mạc khải là gì? - Mạc khải là việc Thiên Chúa tỏ cho con người biết Ngài và ý định yêu thương của Ngài đối với con người" (Bản Hỏi Thưa 6). Việc Đức Giê-su  con Thiên Chúa xuống thế làm người, là Mạc Khải trọn vẹn và dứt khoát, chính Người là Lời duy nhất và hoàn hảo của Chúa Cha". (x. Bản Toát yếu 9). Ta gọi đó là Mạc Khải công. Mạc Khải công chấm dứt với cái chết của Thánh Gioan Tông Đồ.

 

Nói công thì cũng phải nói tư. Có Mạc Khải tư không? Có Mạc Khải tư. Mạc Khải tư không thuộc kho tàng đức tin, chỉ có thể giúp chúng ta sống đức tin. MK tư cần có 2 điều kiện: một là phải liên hệ chặt chẽ với Đức Kitô, hai là phải được Huấn quyền của GH công nhận. (x. Bản Toát Yếu 10). Hai điều kiện trên có hay không trong các sứ điệp của bà Maria Divine Mercy, chúng ta sẽ nói sau.

 

2.- Vấn đề Kinh Thánh.

 

Xin trưng dẫn ra đây các luận điểm chính yếu trong một số "Sứ điệp từ trời" rồi tiếp ngay sau mỗi trích dẫn SỨ ĐIỆP là NHẬN ĐỊNH, ý kiến phản biện.

 

*SỨ ĐIỆP 13-09-2011. "Đừng bao giờ cho phép mình chấp nhận bất kỳ sự thật nào khác ngoài những điều có trong Kinh Thánh".

 

NHẬN ĐỊNH. Đây là chủ trương "duy Kinh thánh, Sola Scriptura" của hệ Tin Lành Luther. Lập trường này hiển nhiên chối bỏ giá trị của Thánh Truyền và Huấn Quyền của Hội Thánh.

 

*SỨ ĐIỆP 09-02-2013. "Con phải dồn hết tâm lực để viết cuốn sách. ... Con là người viết. Ta là Tác giả. ... Ta muốn con xuất bản cuốn sách trên toàn thế giới. Cuốn sách đó phải được phổ biến rộng khắp, đầy sức mạnh, và được hằng triệu người tìm đọc cũng như sách Kinh Thánh vậy".

 

NHẬN ĐỊNH. "Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói với chúng ta, được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần" (Bản Hỏi Thưa 15). Bà Maria Divine Mercy tuyên bố cuốn sách bà viết có Thiên Chúa là tác giả thì cũng đồng nghĩa với việc cho rằng cuốn sách đó được viết ra với ơn linh hứng chẳng khác gì Kinh Thánh vậy. Sách mình tự viết ra lại cho là của Thiên Chúa, Thiên Chúa là tác giả, Thẩm quyền nào xác thực chuyện đó? Quả là một mạo nhận. Người ta có thể đặt nghi vấn về thần kinh của bà Maria là bình thường hay bất bình thường? Tâm thần? Hoang tưởng?

 

3.- Vấn đề Mầu nhiệm Nhập thể.

 

*SỨ ĐIỆP 24-12-2010. "Việc Ta đến trần gian đã được sắp đặt như một cơ hội cuối cùng để thức tỉnh thế gian, ngõ hầu mọi người nhận ra rằng Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi. Vai trò của Ta là để chỉ cho các con con đường lên Trời, nhờ vào giáo huấn và cái chết của Ta trên thập giá".

 

*NHẬN ĐỊNH. Đây là một cái nhìn sai lạc về công trình cứu độ của Đức Giêsu. Việc nhập thể và cái chết của Đức Giêsu chính là đem lại hiệu quả ơn cứu độ, là ân sủng tha tội và tái sinh con người vào đời sống mới chứ không chỉ có giá trị thức tỉnh thế gian mà thôi.

 

4.- Vấn đề Chúa Quang lâm.

 

*SỨ ĐIỆP 20-05-2011. "Nhiều người tin rằng Cuộc Quang Lâm của Ta chỉ ra rằng thời tận cùng của thế giới đã đến. Nhưng không phải như vậy, thay vào đó Cuộc Quang Lâm của Ta có nghĩa nói về thời kỳ cuối khi Satan và thuộc hạ của hắn, những kẻ đã tạo ra những đau khổ không kể xiết trên thế giới, sẽ bị trục xuất khỏi Trái Đất trong vòng 1.000 năm. ... Ta sẽ cai trị trái đất trong 1.000 năm...".

 

*NHẬN ĐỊNH. Đây không phải là quan niệm quang lâm mà Hội Thánh dạy, đánh dấu thời cùng tận của thế giới để rồi khai mào cảnh "Trời mới đất mới" kéo dài đến đời đời. "Hội Thánh đã bác bỏ sự giả mạo này về Vương quốc tương lai, và cả dưới một hình thức ... có tên là thuyết ngàn năm, nhất là dưới một hình thức chính trị của một chủ thuyết Mêssia đã bị tục hóa "đồi bại tự bản chất" (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 676).

 

Trong Thông Cáo của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin ký ngày 14/4/2015, ở số 2 có nói đến "Thuyết Ngàn Năm" là lạc thuyết đã bị Hội thánh lên án". Vậy lạc Thuyết Ngàn Năm là gì, chủ trương ra sao?

 

Thuyết ngàn năm, cũng được gọi là Thuyết thiên niên, Millénarisme. Là niềm tin phát sinh trong giới Do thái – Kitô giáo từ sự khăng khăng một niềm mong đợi Đấng Thiên Sai trần thế và từ một sự giải thích từng chữ, Kh 20, 3-6, (Triều đại một ngàn năm), theo đó Đức Kitô, có các thánh bao quanh, phải trở lại trần gian này một lần nữa để cai trị trên mặt đất thời gian là một ngàn năm. Thuyết này suy tàn vào thế kỷ thứ III, nhưng xuất hiện lại một lần nữa trong lịch sử Hội Thánh.

 

Thuyết thiên niên kỷ theo tiếng nước ngoài, cũng có tên khác là Chiliasme (do từ Hy lạp chilioi = một ngàn). Như đã nói ở trên, Thuyết này cho rằng Chúa Kitô và các thánh sẽ thiết lập một Vương quốc ngàn năm trên trái đất này, trước khi đến ngày tận thế.

 

5.- Các vấn đề liên hệ đến Hội Thánh.

 

5.1.- Chối bỏ Huấn quyền của Hội Thánh.

 

*SỨ ĐIỆP 06-04-2011. "...không một ai trong các con xứng đáng để phán xét hoặc tra xét về người khác. Không ai có quyền hạn hoặc hiểu biết thiêng liêng để đưa ra bất cứ sự đánh giá nào về đạo đức nơi người khác"

 

NHẬN ĐỊNH. Nói như thế bà Maria Divine Mercy rõ ràng đã phủ nhận Huấn quyền của Hội Thánh.

 

5.2.- Phủ nhận vài trò của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh.

 

*SỨ ĐIỆP 12-04-2012. "Cơ mật viện Hồng Y bầu Giáo hoàng mới là những người theo bè Tam điểm, là tổ chức độc ác của Satan."

 

NHẬN ĐỊNH. Rõ ràng bà Maria Divine Mercy không tin rằng Thánh Thần của Đức Kitô vẫn đang hiện diện và hoạt động trong Hội Thánh, không ngừng hướng dẫn Hội Thánh đạt đến chân lý toàn vẹn của Đức Kitô.

 

5.3.- Phủ nhận vai trò quản lý và phân phát mầu nhiệm của Hội Thánh.

 

*SỨ ĐIỆP 31-01-2012."Việc ban ân toàn xá không phải do Hội Thánh mà là do chính Chúa Giêsu ban cho một số người được tuyển chọn để kêu gọi người khác hoán cải. Việc nhận ơn toàn xá này đi kèm với điều kiện phải đọc một kinh đặc biệt trong bảy ngày liền..."

 

NHẬN ĐỊNH. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho ta biết: "Để hưởng nhờ ân xá, Kitô hữu phải hội đủ những điều kiện được thẩm quyền của Hội Thánh quy định, vì với tư cách là thừa tác viên của Ơn cứu chuộc, Hội Thánh có thẩm quyền phân phát và chia sẻ kho tàng công phúc của Đức Kitô và các thánh" (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1471). Không thể "nhận ơn toàn xá với điều kiện phải đọc một kinh đặc biệt trong bảy ngày liền" đo bà Maria Divine Mercy đặt ra và chính bà qui định.

 

5.4. Phủ nhận kỷ luật bí tích của Hội Thánh.

 

+/ Sai lạc về việc rước lễ trên tay.

 

*SỨ ĐIỆP 06-07-2011. "Bí Tích Thánh Thể Chí Thánh phải được đón nhận trên lưỡi và không được phép đón nhận một cách ô nhơ bởi bàn tay con người. Tuy nhiên, điều này chính là những gì các tôi tớ đã được thánh hiến của Ta đã và đang thực hiện. ... Các tôi tớ đã được thánh hiến của Ta đã bị dẫn dắt trên một con đường không phù hợp với các Giáo Huấn từ các Tông đồ của Ta".

 

NHẬN ĐỊNH. Việc Hội Thánh cho phép tín hữu rước lễ bằng tay được xác định rõ ràng trong các Tông thư Ecclesia de Eucharistia của Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Huấn thị Redemptionis Sacramentum của Bộ Phụng tự và Bí tích.

 

+/ Sai lạc giáo lý về Bí tích Cáo Giải.

 

*SỨ ĐIỆP 09-07-2012. "Đối với những người Công Giáo, các con phải lãnh nhận bí tích Cáo Giải hai tuần một lần nếu các con muốn tiếp tục sống trong Ân sủng".

 

NHẬN ĐỊNH. Đây là một quan niệm sai lạc về tình trạng ân sủng vì cho rằng tình trạng ân sủng không tùy thuộc vào tình trạng sạch tội trọng, nhưng tùy thuộc vào tần suất nhất định của việc thực hành bí tích.

 

+/ Sai lạc về ơn tha tội.

 

*SỨ ĐIỆP 09-07-2012. "Người nào đọc một kinh đặc biệt (do bà chỉ dẫn) trong 7 ngày liên tục thì được ơn xá giải mọi tội lỗi".

 

*NHẬN ĐỊNH. Điều này hiển nhiên đi ngược với giáo lý của Hội Thánh vốn cho rằng ơn tha tội được ban thông thường bằng việc lãnh nhận bí tích Cáo Giải, hoặc trong trường hợp khẩn cấp, bằng việc ăn năn tội cách trọn, chứ không chỉ đơn thuần bằng việc đọc bất kỳ kinh đọc nào hoặc đọc trong mấy ngày (x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1446; 1452).

 

+/ Sai lạc về việc người chết trong tình trạng mắc tội trọng.

 

*SỨ ĐIỆP 09-07-2012. "Kinh đọc đặc biệt khác để xin ơn tha tội cho những người chết trong tình trạng mắc tội trọng" .

 

*NHẬN ĐỊNH. Giáo lý của Hội Thánh dạy những ai chết trong tình trạng mắc tội trọng thì sẽ rơi vào sự hư mất đời đời. Do vậy, tất cả những sự hy sinh, công phúc, lời cầu nguyện của người sống cũng không làm thay đổi được số phận đời đời của những người đã chết trong tình trạng mắc tội trọng (x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1035).

 

5.6.- Phủ nhận tính hợp pháp của Đấng kế vị thánh Phêrô.

 

*SỨ ĐIỆP 22-07-2013) "Chỉ có một vị chủ chăn của Hội Thánh trên Trái Đất được Con Mẹ trao quyền, người vẫn cứ phải là Giáo hoàng cho đến chết. Bất cứ ai khác là kẻ giành quyền ngồi trên Ngai Tòa Thánh Phêrô đều là kẻ mạo danh".

 

*NHẬN ĐỊNH. Có một điều mà ai đọc các sứ điệp của bà Maria Divine Mercy cũng đều dễ dàng nhận thấy, đó là sự chống báng mạnh mẽ nhắm vào Đức Giáo hoàng Phanxicô. Trong nhiều sứ điệp khác nhau, bà đã dùng những lời lẽ chống báng rất gay gắt đối với Đức Phanxicô. Bà gán cho Đức Giáo Hoàng những nhãn hiệu rất xúc phạm, gọi ngài là "ngôn sứ giả", là "đầu của Con Mãng Xà" (Sứ Điệp 13-11-2012); là "kẻ mạo danh" (Sứ Điệp 22-07-2013); là "cái sừng nhỏ, kẻ huênh hoang tự đắc ngồi trên Tòa Phêrô" (Sứ Điệp 18-02-2013); là "con của Satan"... "kẻ mạo danh" trên ngai tòa Phêrô... "tên phản Kitô" (Sứ Điệp 25-02-2013) vv...

Thái độ chống Giáo hoàng của bà Maria Divine Mercy phải được coi là một dạng ly giáo, (x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2089) khi bà không ngừng rêu rao rằng vị đương kim Giáo Hoàng là ngôn sứ giả, là Giáo Hoàng mạo danh.

 

Xin được trưng thêm ra đây mấy NHẬN ĐỊNH của một số các vị đã nghiên cứu tường tận "Sứ điệp từ trời".

 

Đức Giám Mục Fabbro. Trả lời trong một cuộc hội thảo mở rộng tại Corunna ngày 15/8/2013 về câu hỏi liên quan tới bà Maria Divine Mercy, Đức Giám Mục Fabbro, quản nhiệm giáo phận London, Canada cảnh báo người Công Giáo trong giáo phận rằng: "Maria Divine Mercy không được Giáo Hội chuẩn nhận. Các giám mục nghiên cứu những thông điệp của bà đã tuyên cáo rằng Thông điệp này là dị giáo và ngăn cấm các linh mục tham gia hay hợp tác công việc có liên quan tới Maria Divine Mercy. Tín hữu nên biết rằng hậu quả tin theo những lời dạy của bà sẽ có thể dẫn đến tội trọng".

 

Dr. Miravalle, Canada, tiến sĩ Thánh Mẫu học. "Những thông điệp của Maria Divine Mercy, bao gồm nhiều thực tế sai lầm nặng nề xét về phương diện thần học, lịch sử với hơn 650 cái được cho là thông điệp - những sai lầm mâu thuẫn với giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.... Thông điệp sai lầm này cực kỳ nguy hiểm cho các thành viên của Giáo Hội Công Giáo, khi nó truyền đi nguy cơ dẫn đến hình thức "ly giáo" hay tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo, mà việc "chối bỏ sự vâng phục vị Giáo hoàng tối cao hay sự hiệp thông với các thành phần của Hội thánh dưới quyền Ngài" (x. can 751). Bất kỳ người công giáo nào chọn lựa sự ly giáo cũng dẫn đến kết qủa bi thảm là việc dứt phép thông công và không được lãnh nhận các Bí Tích (x. can 1364 .1)".

 

III.- Phản ứng của giáo quyền

 

Kể từ khi phong trào "Sứ điệp từ trời" khai sinh và được phổ biến rộng rãi, nhiều vị Giám mục các giáo hội địa phương thuộc các châu lục khác nhau đã lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm cũng như chỉ ra những sai lầm của phong trào này. Bộ Giáo lý Đức tin của Tòa Thánh chưa lên tiếng. Tuy nhiên nếu phong trào sai lạc này xâm nhập vào giáo phận nào, thì bản quyền địa phương đó sẽ lên tiếng.

 

HĐGM/VN đã lên tiếng. Có thể kể ra một số vị tiêu biểu đã phản bác "Sứ điệp từ trời" như sau :

Đức Tổng Giám mục Denis J Hart, Giáo phận Melbourne, Úc;

Đức Giám mục Fabbro, Giáo phận London, Ontario, Canada;

Đức Giám mục Stephen Secka, Giám mục phụ tá Giáo phận Spisska, Slovakia;

Đức Giám mục Richard. J. Malone, Tổng Giáo phận Buffalo, NY;

Đức Tổng Giám mục Mark Coleridge, Giáo phận Brisbane, Úc;

Đức Giám mục Greg O'Kelly SJ , Giáo phận Port Pirie, Nam Úc;

Đức Giám mục Andreas Laun of Salzburg, Giám mục Phụ tá Giáo phận Áo.

 

Vì bà Maria Divine Mercy được cho là người đang sống tại Dublin, nên cuối cùng Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo Phận Dublin, tức vị chủ chăn có thẩm quyền trực tiếp đối với bà, cuối cùng cũng đã lên tiếng. Một năm trước đây trong một bản Tuyên cáo ra ngày 16-04-2014, Đức Tổng Giám mục Diarmuid Martin tuyên bố như sau:

 

"Tòa Tổng Giám mục Dublin đã nhận được nhiều thỉnh nguyện thư xin xác minh về tính chân thực của những điều tự nhận là thị kiến và sứ điệp do một người tự xưng là "Maria Lòng Chúa Thương Xót" nhận được, và người này được cho là đang sống tại Tổng Giáo phận Dublin. Nay Tổng Giám mục Diarmuid Martin muốn khẳng định rằng các sứ điệp này cũng như các thị kiến đi kèm không được Hội Thánh chuẩn nhận, và nhiều điều trong các bản văn đi ngược lại với thần học Công Giáo. Vậy, không được phổ biến hay sử dụng các sứ điệp này trong các hội đoàn thuộc Hội Thánh Công Giáo".

 

VIỆT NAM. Hội Đồng Giám mục Việt Nam, (qua Uỷ Ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám mục) đã ra Thông Cáo ngày 14/4/2015, khuyến cáo "các tín hữu công giáo sẽ không đọc, không phổ biến và không rao giảng các "sứ điệp từ trời" này".

 

Kết luận.

 

Qua những trưng dẫn, phân tích và nhận định về các sứ điệp của phong trào "sứ điệp từ trời" trên đây cũng như dựa vào phản ứng đầy thẩm quyền và thuyết phục của các đấng bản quyền nhiều giáo hội địa phương nêu trên, đặc biệt là Thông Cáo vừa qua của Uỷ Ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam của chúng ta, thiết tưởng đã quá đủ để chúng ta kết luận không sợ sai lầm rằng "Sứ điệp từ trời", mang nội dung chứa đầy những sai phạm nghiêm trọng trong giáo lý, đức tin, thần học, huấn quyền, phụng vụ... là một dạng ly giáo hoàn toàn không thể chấp nhận được.

 

Về phong trào "sứ điệp từ trời" này, một cách nhẹ nhàng nhưng đầy quyết liệt, suaviter sed fortiter, người tín hữu công giáo phải thực hiện NĂM KHÔNG với "điều được gọi là sứ điệp từ trời": "Không nghe, Không đọc, Không lưu giữ, Không phát tán, Không rao giảng". Phải dứt khoát, không do dự, loại trừ ra khỏi đời sống đức tin của người công giáo.

 

Shalom! "Nguyện chúc Dân Chúa được thái bình" của Đấng Phục Sinh!

Ban mê Thuột, Chúa Nhật III Phục Sinh, 19/4/2015.

 

Lm. Augustino Hoàng Đức Toàn

Nguồn: VP. TGM - BMT

 

back to top
Filters