PHẦN I: ĐỨC MẸ SINH TA TRONG ƠN THÁNH *** Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
27 Tháng Năm 2021
Mẹ Trong Đời Tôi
Lm. Phêrô HOÀNG MINH TUẤN, CSsR
Nguyên tác:
NOTRE DAME DANS MA VIE.
M.V.Bernadot, op.
VỚI PHÉP GIÁO QUYỀN
Imprimatur
SaiGon, die 20-4-1963
F.X. Trần Thanh Khâm,
Vic. Gen.
Kiểm duyệt số 1701 H.Đ.K.T.Ư/PI/XB,
ngày 30-7-1963
Lời Giới Thiệu
Của Lm.Tu Viện Trưởng
Bạn đọc thân mến,
Bạn mến Mẹ. Bạn muốn hiến dâng cả đời sống, cả hoạt-động cho Mẹ. Bạn muốn sống nhờ Mẹ, với Mẹ, trong Mẹ. Nhưng bạn băn khoăn tìm phương pháp thực hiện chương trình êm ái tốt đẹp ấy. Có khi bạn còn đang tìm kiếm…
Bạn mến Chúa Giêsu. Bạn muốn đến với Ngài, sống mật thiết với Ngài. Và bạn cũng dư biết: Đ.Maria là con đường dẫn tới Giêsu. Song bạn cũng băn khoăn… Bạn muốn đi vào chi tiết. Bạn muốn biết cách thức áp dụng cho tư tưởng, lời nói, việc làm, cho tất cả đời sống. Mẹ đưa ta tới Chúa cách nào? Mẹ nắn đúc ta nên giống Chúa làm sao?
Cuốn sách “Mẹ trong đời tôi” sẽ được hân-hạnh đem ánh sáng vào trí bạn, phá tan nỗi băn-khoăn của tâm-hồn nhiệt thành bạn, và vạch cho bạn một lối đi dễ dàng và vững chắc. Bạn sẽ cầm trong tay cái bí-quyết thánh-hóa bản thân và thánh hóa đồng-loại. Bí-quyết sống cuộc đời trong Mẹ, với Mẹ và nhờ Mẹ. Bí-quyết để Mẹ chiếm lấy đời sống của bạn, sống với bạn, trong đời bạn.
Tác-giả, Cha M.V.Bernadot op, một nhà thần-học, một vị linh-hướng thời-danh, chúng tôi xin miễn giới thiệu. Ngài đã đem áp-dụng phương pháp của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort cho thế-kỷ và con người ngày nay, sống với những đòi hỏi mới.
Người chuyển ý, Cha Phêrô Hoàng Minh Tuấn, C.Ss.R. đã khéo duy trì, trong sách này, tất cả ý-tưởng tế-nhị của nguyên-tác. Chúng tôi hy-vọng cuốn sách bé nhỏ mà có giá-trị này sẽ đem đến cho các con cái Việt-Nam của Mẹ một phương-pháp thực-hiện lý tưởng Đ.Maria trong đời sống tín-hữu của mình.
Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang, 2 -2 -1963
F.M. Trần Văn Hưng CSsR
TU VIỆN TRƯỞNG
NHẬP ĐỀ
ĐỨC MẸ BAN CHÚA GIÊSU CHO TA
ĐỨC MARIA đứng ở đầu nguồn ơn thánh. Nếu Chúa Giêsu Kitô, nguồn mạch sự sống của ta, là ơn huệ Thiên Chúa ban cho nhân loại, Ngài cũng là ơn huệ Đức Mẹ ban nữa. Tin Mừng nhiều lần cho ta hiểu, qua những việc xảy ra, cái luật đầy tình yêu ấy của đời sống thiêng-liêng: Chúa Giêsu ban mình cho ta nhờ Đ.Maria. Vừa thụ thai Chúa, Mẹ đã vội vã đem Ngài đến nhà bà E-li-da-bét cho họ được phúc lành; mới sinh Ngài trong hang đá, Mẹ đã cho các mục đồng chăn chiên chiêm ngưỡng và ẵm Ngài ra cho ba Đạo sĩ được thấy; ở Cana, qua lời thỉnh cầu Ngài can thiệp giúp nhà đám cưới thiếu rượu, Mẹ làm dịp cho Ngài tỏ mình ra…
Nói tóm, ở mọi nơi, bằng cách này hay cách khác, Mẹ tỏ Chúa Giêsu ra. Đó là một trong những định luật của ơn thánh. Tin Mừng viết: “Họ đã tìm thấy Con trẻ và Mẹ Người” (Mt 2.11).
Hội-Thánh đã hiểu điều ấy ngay từ đầu. Thánh Bo-na-ven-tu-ra tóm tắt truyền thống Công-Giáo khi ông viết: “Người ta chỉ tìm thấy Chúa Kitô cùng với Đ.Maria và nhờ Đ.Maria”. Và viết tiếp: “Ai tìm Chúa Kitô ngoài Đ.Maria, là tìm mất công.”[1] Sứ mệnh Đ.Maria là tặng ban Chúa Giêsu, và Mẹ vẫn luôn luôn thi hành.
Thánh Gri-nhông đờ Mông-Pho nói: “Hoa trái lòng sùng kính Đ.Maria, là chính Chúa Giêsu Kitô. Ta có thể biết chắc rằng công việc của Đ.Maria có mục đích là Chúa Giêsu, Người làm sao để cho mỗi người cũng như cả nhân-loại được chiếm lấy Ngài. Cho nên nếu người tín-hữu nào được ơn thấy Chúa Giêsu sống trong lòng, đều có thể nói: Cám ơn Đức Mẹ Maria hết lòng. Cái tôi đang có bây giờ là do công ơn Mẹ và là hoa trái của Mẹ, vì không có Người, không bao giờ tôi sẽ có sự ấy.”[2]
Cuốn sách nhỏ này muốn chứng tỏ Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu và làm Ngài sống trong ta, chính Mẹ ban Giêsu cho ta, làm cho ta hiểu biết Ngài trong các mầu-nhiệm và trong việc tế-hiến của Ngài; thúc đẩy ta bắt chước Ngài. Nhờ Mẹ, ta thực hiện ơn thiên triệu Kitô hữu của mình, tức là “Nên các nghĩa-tử của Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô.” (Ep 1.5).
eeRff
PHẦN I
ĐỨC MẸ SINH TA TRONG ƠN THÁNH
I - ĐỨC MẸ VÀ SỰ TIỀN ĐỊNH VỀ PHẦN RỖI TA
II – ĐỨC MẸ ĐÃ LẬP CÔNG ĐỂ BAN ƠN THÁNH CHO TA
III – ĐỨC MẸ LÀ MẸ TÔI
IV - ĐỨC MẸ, MẸ CỦA HỘI THÁNH
V - TRONG DẠ MẸ MARIA
-I-
ĐỨC MẸ VÀ SỰ TIỀN ĐỊNH PHẦN RỖI TA
“Chúc tụng Thiên-Chúa, Cha Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta,… Người đã kén chọn ta trong Ngài từ trước tạo dựng vũ-trụ để ta nên thánh và tinh sạch trước nhan Người bởi lòng yêu mến…” (Ep 1.4).
Như thế, từ thuở đời đời, cả trước khi tạo dựng trời đất, Thiên Chúa đã nghĩ đến ta. Người đã yêu, đã chọn và kêu gọi ta.
Nhưng gọi ta để làm gì? Để ta nên con cái Người. Vì lòng thương yêu, Người đã tiền định [3] cho ta được làm nghĩa tử của Người nhờ bởi Chúa Giêsu Kitô, “để ngợi khen vinh quang của ơn sủng Người” (Ep 1.5). Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời nhập thể đã được ban cho ta như mẫu gương để ta chiêm ngắm và họa lại: “Những ai Thiên Chúa nhìn đến từ trước, Người cũng đã tiền định họ nên giống hình ảnh Con của Người” (Rm 8.29).
Nếu Chúa cứ ở trên trời, vô hình, cao xa, siêu việt, loài người làm sao thấy mà bắt chước để sống như Chúa muốn? Ngài phải xuống mặc lấy xác phàm, trở hành hữu hình, có trái tim, có tình cảm, biết thương yêu, biết vui buồn, biết đau khổ, giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi:“Đấng tác thánh và những kẻ được thánh hóa đều chung một nguồn gốc…, đều chung một
huyết nhục, nên Đức Giêsu đã cùng mang lấy huyết nhục như thế,… vì lẽ ấy, Ngài đã không hổ thẹn gọi họ là anh em,… trong mọi sự Ngài đã nên giống các anh em Ngài…, cũng trải qua đau khổ và thử thách…” (Hr 2.11,14,17-18). Ngài đã sống cuộc đời Ngài giữa chúng ta như thế [4], để chúng ta thấy được mà noi gương bắt chước.
Vậy ơn thiên triệu siêu nhiên của ta là trở nên giống Chúa Giêsu.
Nhưng, trong ý-định Thiên-Chúa, Giêsu và Maria không thể rời nhau. Người ta không thể giống vị này mà lại không giống vị kia. Cùng một việc tiền định Giêsu trở nên Đấng Cứu-Chuộc và gương mẫu cho ta, cũng tiền định Maria liên kết với Ngài chặt chẽ trong tất cả mầu nhiệm cứu chuộc, và vì thế cùng với Ngài nên gương mẫu cho đời ta[5].
Khi Thiên Chúa nắn đúc các kẻ được chọn, Người không chỉ thấy họ trong Đấng Lời Nhập-thể, nhưng còn trong Đấng đáng gọi là “bức gương phản chiếu sự công-chính”, phản ảnh tinh-tuyền của sự thánh thiện Thiên-Chúa: vì thế Thiên Chúa cũng muốn ta nên giống hình ảnh của Đức Maria nữa.
Vả, chính Đức Mẹ cũng lo in hình ảnh ấy vào hồn ta. Theo lời Gióc-giơ đơ Vơ-ni-dơ: Người là “Vị nữ chưởng ấn của phần cứu chuộc chúng ta”. Như vị chưởng ấn của vua ghi tên những sĩ quan vào sổ danh bộ hoàng triều và niêm ấn các đạo sắc vua ban, Đ.Maria ghi vào “sổ sự sống” các kẻ đã được Tình Yêu hằng-hữu tiền định, và niêm ấn Thiên Chúa trên họ. Hơn nữa, theo quả quyết của Chân phúc Huy-gơ đơ Xanh-Se: Người chính là “sổ sự sống” (Kh 21.27) trên đó Thiên Chúa ghi tên các kẻ được chọn, và trong Người, Chúa Thánh-Thần nắn đúc Chúa Kitô và họ là các chi thể Ngài.
-II-
ĐỨC MẸ ĐÃ LẬP CÔNG ĐỂ BAN ƠN
THÁNH CHO TA
Sự tiền định của ta bắt đầu thực hiện từ lúc chịu phép Rửa tội, là phép, khi ban ơn Thánh sủng thánh hóa ta, cũng làm cho ta thông hiệp đời sống thân mật của Thiên Chúa. Phép Rửa là lúc ta được sinh ra trong đời sống Thiên Chúa.
Nhưng ta được ơn huệ ấy, nhờ công-nghiệp Mẹ Maria.
Ta phải nói rằng sự sống đã từ Chúa Giêsu Kitô, Vị Cứu Thế độc nhất, mà đến với ta, do hiến tế Thập-giá của Ngài là nguyên nhân toàn-diện và duy-nhất, thiết yếu và đầy đủ cho phần rỗi ta. Dù một tạo vật thánh thiện nhất cũng không thể cứu chuộc ta; nhưng chỉ một giọt máu của Chúa Giêsu đổ ra, mà vì là của Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa thật, nên có giá trị vô cùng, thành ra dư đủ để đền các tội lỗi của ta và của tất cả nhân loại (x. 1 Ga 2.1). Vì thế Thánh Phaolô viết: “Như mọi người đã tìm thấy sự chết trong A-đam, tất cả cũng sẽ tìm được sự sống trong Chúa Giêsu Kitô” (1 Cor 15.22).
Nhưng nếu Quan Phòng của Thiên Chúa đã quyết định Đấng Lời Nhập-thể sẽ chỉ dâng hiến tế một mình mà thôi, không có tạo vật nào cộng tác với thì đã hẳn, chúng ta vẫn được nên công chính và được thánh hóa cách đầy đủ, được trở nên con cái Thiên-Chúa, ơn thánh và nguồn mạch sự sống cũng vẫn chảy tràn trên linh-hồn chúng ta.
Nhưng Thiên Chúa lại đã muốn liên kết một Đấng Hợp Công Cứu Chuộc với Chúa Cứu Thế.
Lý do tại sao? Là tại vì một người phụ nữ đã cộng tác vào việc làm ta hư đi, thì cũng phải có một người phụ nữ cộng tác vào việc cứu sống ta. Chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa thật thống nhất lạ lùng!
Đạo lý này, được Truyền Thống sống động của Hội Thánh lặp lại, và Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 xác nhận: “Bởi nghe xúi giục (của con Rắn Sa-tan), Bà E-và đã cộng tác với Người-đầu-tiên (A-đam) mà làm cho ta phải hư đi, thì bởi sự ưng thuận, Đ.Maria cũng cộng tác với Chúa Kitô mà ban phần rỗi cho ta.” [6]
Nhưng chúng ta nên biết cho rõ: việc cộng tác của Bà E-và-Mới (là Đ.Maria) không thêm gì vào công ơn Cứu chuộc giàu có vô cùng của A-đam mới (là Đ.Kitô). Dầu vậy, với Truyền Thống của Hội Thánh, ta phải nhìn nhận rằng: nếu Chúa Kitô là nguyên nhân chính của phần rỗi ta, Đức Maria là nguyên nhân phụ (nếu có thể nói được như thế). Vì Người Mẹ đã nhờ lập được những công nghiệp có tính cách xứng hợp và tình thân, mà đem lại cho ta những gì Người Con chiếu theo công bình đã lập công mà ban cho ta. Công nghiệp của hai Đấng cùng phổ-quát như nhau, song công nghiệp của Đ.Maria hoàn toàn tùy thuộc vào công nghiệp của Chúa Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, điều đó không những không xúc phạm đến Uy Danh Chúa mà còn tôn vinh sự tràn trề ơn Cứu Chuộc của Chúa, vì cũng do sự tràn trề ấy mà công nghiệp của Mẹ Chúa mới có hiệu lực[7]. Chúng con tin việc hiến tế của Chúa hoàn bị và phong phú ơn sủng đến nỗi không những có thể cứu chúng con, mà còn đặt thêm bên cạnh Chúa một Đấng Hợp Công Cứu Chuộc, cùng Chúa lập công để ban mọi ơn sủng cho nhân loại. Đó chẳng phải là hoa quả quý hóa nhất của Máu Chúa đã đổ ra sao?
a) Ngày Truyền Tin
Bởi một quyết định tự do từ đời đời của Khôn Ngoan Thiên Chúa, thì Mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô sẽ chỉ thực hiện bởi sự ưng thuận của Đấng sẽ trở nên “Người trợ tá A-đam-mới”. Đúng thế, nếu không có sự ưng thuận của Đ.Maria, Ngôi Hai đã không xuống thế, công trình cứu chuộc không thành. Loài người vẫn chìm sâu trong tội lỗi, và tuột dốc trầm luân muôn kiếp.
Chúng ta đừng tưởng rằng Đức Maria không ưng thuận, Thiên Chúa sẽ chọn một thiếu nữ Do Thái khác ngay tức khắc để thay thế. Đâu có dễ dàng như vậy. Thiên Chúa đã phải dành ra cả ngàn đời trong lịch sử dân Is-ra-en để chọn lựa, tẩy luyện, hun đúc, uốn nắn mới tạo được một tâm hồn tuyệt tác như Maria.
Khi tự do ưng thuận (lời Thiên Thần truyền tin) Đ.Maria bước vào mầu-nhiệm cứu chuộc với tư cách một người cộng tác, và đã lập công thực sự để ban cho ta ơn sủng. Lời Người đáp lại Thiên thần sứ giả Thiên-Chúa: “Này tôi là nữ tỳ Chúa, xin thành sự nơi tôi như lời Thiên-sứ truyền” (Lc 1.38), hẳn là một lời vâng phục đã đành, song hơn thế là một lời có tính quyết định đầy uy lực. Khi Người chưa ưng-thuận, mọi sự như còn lơ lửng. Nghị quyết đời đời của Thiên Chúa chỉ thực hiện với lời “Xin thành sự” (Fiat) mà Đ.Maria có quyền nói ra hay giữ lại.
Lời “xin thành sự” của Người khiêm tốn thật song có năng lực vô biên, ta có thể sánh với lời “Hãy có” (Fiat) của Thiên Chúa: lời này đã tạo thành nhân-loại, còn bởi lời “xin thành sự” của Đ.Maria, Mẹ cộng tác làm cho ta trở nên nhân-loại mới (x. 2 Cor 5.17), nên chi thể của Ngôi Lời Nhập Thể, nên Nghĩa tử Thiên Chúa.
Thánh An-sen-mô viết về sự cộng tác của Đ.Maria vào công cuộc cứu chuộc bằng giọng văn rất hùng hồn:
“Đấng có thể làm nên mọi sự từ hư vô, không cần ai trợ lực, lại không muốn tái tạo muôn loài đã bị hư hỏng mà không có Đ.Maria trợ tá. Vì thế,
-Thiên Chúa là Cha của muôn vật đã được tạo thành, còn Đ.Maria là Mẹ của muôn loài đã được tái tạo.
-Thiên Chúa là Cha tạo thành muôn vật, còn Đ.Maria là Mẹ cứu chuộc muôn loài.
-Thiên Chúa đã sinh ra Đấng tạo dựng muôn vật[8]; còn Đ.Maria đã sinh hạ Đấng cứu chuộc muôn loài.
-Không có Đấng do Thiên Chúa sinh ra[9] thì tuyệt đối chẳng có gì hiện hữu[10], còn không có Đấng do Đức Maria sinh ra, thì tuyệt đối chẳng có gì tốt lành.”
(Trích Bài Kinh sách, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm, ngày 8 tháng 12).
Lời “Xin thành sự” của Đ.Maria là hành vi cao cả nhất Người đã làm. Lời đó đã đem Người vào trong công cuộc thực-hiện các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mầu nhiệm Nhập thể sẽ không thể triển khai, nếu không có lời ấy: bởi lời ấy, Thiên Chúa sẽ thực hiện mầu-nhiệm to tát của Người: “Làm sáng chói ánh vinh-quang của ơn sủng” (Ep 1.6), tức là mầu-nhiệm “Chúa Kitô hiện diện trong chúng ta”.
Khi Thiên Chúa muốn ban mình cho tạo vật, Người ban cho họ trong Đ.Giêsu Kitô, Con của Người, và Người cũng sẽ ban nhờ Đ.Maria, trung-gian môi giới sự sống Thiên Chúa. Công việc kết hợp, công việc tình yêu, công việc ban phát ơn sủng, Thiên Chúa đều làm nhờ Đ.Maria.
Đ.Maria biết thế lắm. Khi đáp lời ưng thuận với Thiên Chúa trong ngày Truyền Tin, một tia sáng tiên tri đã chiếu soi cho Người thấy được cốt lõi của mầu nhiệm Con của Người, và Người đã dấn toàn thân vào, không chút e ngại. “Người biết, Người cảm, Người thấy chỗ Thiên Chúa muốn đem Người đến, kêu gọi Người đến và nâng Người lên, và Người bước vào địa vị đầy ơn sủng, đầy ánh sáng và nguyện-vọng phụng sự Thiên Chúa trong chức vị cao trọng đó.”[11]
Trên đây nói Đức Mẹ thấy được “cốt lõi của mầu nhiệm”, là vì chắc hẳn Đức Mẹ không biết ngay từ giờ phút Truyền Tin, tất cả nội dung phong phú của mầu nhiệm vĩ đại về thân thế Người Con mà Người mang thai, hết thảy các chi tiết, các hoàn cảnh đời sống của Ngài, nhưng Đức Mẹ thấy rõ cái chính yếu, căn nguyên và mục đích. Người biết, chiếu theo lời của Thiên Thần, không những Ngài là “Con Đấng Tối Cao” (Lc 1.32), và phần Mẹ, Người sẽ được làm Mẹ Đấng Thiên sai của Thiên Chúa, nhưng còn biết ngay cả Ngài là “Giêsu” nghĩa là “Cứu Thế”, và rồi dần dần qua nhiều biến cố trong cuộc đời[12], Mẹ sẽ được biết phải hi sinh hiến dâng Ngài để nhân loại được cứu rỗi. Dần dà, Chương trình của Thiên Chúa hiện ra trước mắt Mẹ : Ban tràn trề sự sống cho nhân loại bởi Người Con của Mẹ.
Không những vậy, Đức Mẹ còn hằng chuyên cần suy gẫm các lời Kinh Thánh (mà Mẹ đã nghe được trong những buổi cầu nguyện ngày Sa-bát tại Hội đường), qua đó Chúa Thánh Thần bày tỏ cho Mẹ tất cả những chiều kích sâu kín, vì thế Mẹ không thể không biết ý định cao cả của Thiên Chúa vẫn luôn được các tiên tri báo trước: Hôn ước bí nhiệm Thiên Chúa muốn kết giao với nhân loại.
Qua miệng tiên tri Giê-rê-mia, Người phán với họ, và cũng với chúng ta : “Ta đã yêu con với mối tình muôn thuở, nên Ta đã nới rộng lòng thương Ta cho con” (Gr 31.3); và bởi miệng tiên tri Hôsê : “Ta đính ước con với Ta cho đến muôn đời trong công bình và trong chính trực, trong ân nghĩa và ân tình, Ta đính ước con với Ta trong trung tín” (Hs 2.19).
Trong các đoạn đó cũng như nhiều đoạn khác chẳng hạn như sách Diễm Ca, Đức Mẹ thấu hiểu ý nghĩa thâm trầm, và biết rằng Con của Mẹ, chính là vị Hôn phu của kết-ước bí-nhiệm được báo trong sách đó. Và ngay từ khi ấy, trong lòng Mẹ, Mẹ đã đem cùng một tình yêu để yêu Con của Mẹ và những kẻ Ngài sẽ kết hợp với mình cách mật thiết.
Nếu sau này, Thánh Phaolô đã am hiểu tường tận (như ông đã cho ta biết) mầu nhiệm kết hợp giữa Chúa Kitô và các chi thể Ngài, ắt hẳn trước mắt Đức Mẹ, là Đấng sẽ giữ một địa vị siêu phàm trong đó, mầu nhiệm ấy sẽ còn chói ngời những ánh sáng tuyệt vời hơn biết bao!
Nhất là trong 30 năm chung sống với Đức Giêsu dưới một mái nhà thời Ngài ẩn dật, qua những cuộc chuyện trò thân mật giữa hai Mẹ-Con, rất có thể Đức Giêsu đã hé lộ cho Mẹ thấy, trong ánh sáng nhiệm mầu, Con của Người sẽ là Đầu của một Thân Thể to tát vô biên, và mầu nhiệm Nhập thể sẽ không chỉ hoàn thành ngay một lúc trong dạ Mẹ, nhưng vẫn tiếp tục hoàn thành mãi cho đến tận thế bởi việc gầy tạo những chi thể của Chúa Kitô.
Đức Mẹ hiểu rằng, được gọi làm Mẹ Đấng Lời Nhập thể, Mẹ phải thụ thai Ngài với cả toàn thân thể, tức là: Đầu với chi thể, như Thánh Au-gu-ti-nô sẽ nói sau này; và chức làm Mẹ của Người chỉ đạt mức độ hoàn bị khi sinh ra Chúa-Kitô-toàn-thể.
Tổng Lãnh Ga-bri-en, sứ giả của Thiên Chúa, đã mời Mẹ ưng thuận tất cả mầu nhiệm ấy. Và Mẹ đã ưng nhận tất cả. Tức là Người nhận làm Mẹ các chi thể của Chúa đồng thời với Chúa là Đầu: thế là từ ngày ấy, Người đã là Mẹ chúng ta.
Đ.Maria đã nói với Thánh nữ Giec-tru-đê: “Giêsu, Con rất dịu dàng của Mẹ, không là Con độc nhất (Unigenitus), nhưng là Con đầu lòng (Primogenitus), vì Mẹ đã thụ thai đầu tiên trong dạ. Nhưng sau Ngài, đúng hơn bởi Ngài, Mẹ đã thụ thai chúng con tất cả khi nhận lấy chúng con làm con cái trong dạ đầy tình hiền mẫu Mẹ, để chúng con nên anh em Ngài, đồng thời là con của Mẹ!” [13]
Đức Giáo Trưởng Piô X nói: “Trong dạ rất tinh tuyền của Đức Mẹ, Chúa Giêsu không những nhận lấy một thân xác có thể chết, nhưng cả một thân thể thiêng liêng, hợp thành bởi những kẻ sẽ tin vào Ngài. Vì thế ta có thể nói: Khi cưu mang Đấng Cứu Thế trong dạ, Đ.Maria cũng cưu mang tất cả những ai chỉ có sự sống vì được thông phần sự sống của Đấng Cứu Chuộc. Vậy chúng ta tất cả, khi được liên kết với Chúa Giêsu Kitô, là vì chúng ta được dạ Đ.Maria sinh ra như những chi thể nối kết với Đầu. Một cách thiêng liêng và bí nhiệm, nhưng thực sự, chúng ta được gọi là con Đ.Maria, và Người là Mẹ chúng ta tất cả.”[14]
b) Lúc Dâng Chúa Trong Đền Thờ
Chúa Cha trên trời đã ban Giêsu cho Đ.Maria, “Con cái thuộc về mẹ, nhưng không ai thuộc về Mẹ mình bằng Đức Giêsu, vì đây là trường hợp độc nhất, một mình Mẹ, không một người thế nào phụ giúp dù cách nào, Mẹ đã thụ thai, đã nắn đúc và sinh ra Con của Người.”[15] Giêsu là kho báu của Người, Người có toàn quyền thân mẫu trên Ngài.
Rồi đây, bởi một ánh sáng bên trong, Thiên Chúa nhắc cho Mẹ phải từ bỏ kho báu ấy, và Chúa Giêsu, Con lòng Mẹ và của trọng nhất đời Mẹ, phải trở nên Của Báu cho tất cả mọi người, như một Của chung và phú ban cho phần rỗi nhân loại.
Và Mẹ Thánh đã thi hành sự từ bỏ đó, khi Mẹ dâng Chúa Giêsu Con của Mẹ trong đền thờ. Hạ mình khiêm tốn trong việc phục tùng Lề-Luật, từ bỏ mình, đó là chính cuộc sống thường nhật của Người. Nhưng đòi hỏi ấy sẽ còn gắt gao hơn nhiều: đòi Mẹ hy-sinh Con của Mẹ. Ông Si-mê-ông ở đó để nhắc cho Mẹ nhớ Mầu Nhiệm Cứu Chuộc cao cả: Con của Mẹ là Đấng Cứu thế và Cứu Chuộc, Ngài phải chết thay các anh em Ngài. Mẹ phải dâng hiến Ngài làm của lễ hy sinh, và để Ngài chịu chết.
Và Mẹ đã không ngần ngại, không tiếc nuối, không lấy lại: Mẹ phú Con của Mẹ cho uy quyền tuyệt đối của Công lý nghiêm nhặt Thiên Chúa, để mưu phần rỗi cho nhân loại, Mẹ hiến Ngài để làm của tế lễ. Và chính Mẹ tự hiến mình để theo Thánh Tử của Mẹ khắp những nơi mà Ngài muốn gọi Mẹ đến.
Thánh Tô-ma Vi-la No-va diễn tả bi kịch ấy một cách vừa huyền diệu vừa lâm li: “Tới gần bàn thờ, Đức Nữ Trinh quỳ xuống, lửa mến nồng nhiệt hơn các Thần sốt mến trên trời, Người bồng Con trên tay, và dâng tiến Thiên Chúa như của lễ hương thơm ngào ngạt, Mẹ nguyện: “Lạy Chúa Cha toàn năng, xin đoái nhận lễ vật con dâng lên Cha, con, nữ-tỳ Cha, cho cả vũ-trụ được nhờ, xin hãy nhận lấy Người Con chung của Cha và của con đây, Con của con trong thời-gian, Con của Cha từ đời đời. Con dâng lên Cha muôn lời tạ ơn vì đã nâng con lên làm Mẹ của Đấng mà Cha là Cha thật. Xin nhận lấy từ tay con Của lễ hy sinh rất thánh này. Đó là Của lễ ban mai sẽ trở nên sau này trên cánh thập giá Của lễ ban chiều. Cha nhân ái, hãy ghé mắt khoan nhân nhìn của lễ con dâng.”[16]
Tuy vậy, sau khi hoàn tất những điều Luật truyền, Đ.Maria đã nhận Con lại và đem về Na-da-rét. Mẹ sống cuộc đời gia đình êm ấm với Giêsu. Nhưng chắc Mẹ không quên lời tiên-tri của Si-mê-ông, Mẹ sống trong ý tưởng hiến-tế của Giêsu, trong viễn ảnh núi Sọ. Cụ già thánh thiện kia đã dựng thập giá lên trước mặt Mẹ, và Mẹ đã không ngừng nhìn ngắm.
Là Mẹ rất dịu hiền, Mẹ lo săn sóc cho Con mình lúc thơ ấu và lúc thiếu thời, song như một vị tư tế, Người sửa soạn lễ vật làm lễ hy sinh. Như A-bra-ham leo núi nơi ông sẽ phải tế lễ con, Đ.Maria mỗi ngày cũng tiến một bước về núi Sọ.
Ngày dâng Con trong đền thờ, Đức Mẹ thật đã lặp lại lời ưng thuận sống mầu nhiệm hy-sinh Con của Mẹ để cho ta được rỗi. Chính vì ta mà Mẹ phải đau khổ.
- c) Trên Núi Sọ
Thánh Gioan Tiền hô, nhờ được ánh sáng tiên tri, đã nhận thấy Chúa Giêsu là vị Cứu Thế, Đấng sẽ phải chịu chết để đền tội nhân loại. Ông chỉ cho dân chúng thấy Ngài bằng những lời này: “Đây là chiên Thiên Chúa, này là Đấng tẩy xóa tội trần gian” (Ga 1.29).
Trước mắt Đức Mẹ chân lý ấy càng chiếu sáng rõ ràng! Nhờ nghe lời sách Thánh được giảng giải trong Hội đường ngày Sa-bát, hay trong những buổi kinh nguyện thấm nhuần Lời Chúa trong gia đình, Mẹ cũng đã đủ hiểu cuộc khổ nạn mà Thánh Tử của Mẹ đang đi tới. Mẹ đã chẳng nghe thấy lời tiên tri rõ ràng này trong I-sa-ia sao: “Bao kẻ đã kinh ngạc khi thấy Ngài, vì thật Ngài chẳng còn hình tượng người nữa. Dáng dấp Ngài không còn là dáng dấp người ta, diện-mạo không còn là diện-mạo nhân thế… Ngài đã bị khinh miệt và ruồng bỏ; là con người đau khổ và chịu đau đớn, Ngài như một vật người ta che mặt ghê tởm không dám nhìn.” (Is 53.2-3).
Lời tiên-tri ấy, cũng như các lời khác, Đức Mẹ nghe đọc, Mẹ suy gẫm, và sớm biết sẽ thực hiện nơi Con của Mẹ. Chắc Đức Giêsu cũng thường đàm đạo với Mẹ về các điều ấy, như một công cuộc chung cùng làm. Nếu nhiều lần, Ngài đã báo trước về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài ở Giê-ru-sa-lem cho các môn đệ (x. Mt 16.21; 17.22-23; 20.18-19), sao Ngài lại có thể im lặng với Mẹ Ngài, Đấng sẽ chung phần quan trọng trong đó? Ngài nói với Mẹ một cách nhẹ nhàng, từ từ, theo nhịp sống để Mẹ sống trong ý tưởng hiến tế với Ngài.
Ai có thể tưởng-tượng được những tâm tư, nỗi niềm nào đã gây nên trong lòng Đức Mẹ, do ý tưởng cuộc khổ nạn ghê sợ và do cái linh cảm trước về cây thập giá đã được dựng nên trước mắt tâm-hồn Mẹ? Ta hãy nghĩ đến cơn hấp-hối của một người mẹ, khi biết trước các hình khổ của con mình sẽ chịu…, để có thể đoán biết được một chút cuộc tử đạo của tâm hồn Đ.Maria khi nghe đọc trong Sách Thánh những lời này:
“Ngài đã bị đâm thủng vì tội ta, bị nghiền nát vì sự ác ta… Người ta hành hạ Ngài, nhưng Ngài không hé miệng, như con chiên bị điệu đi giết… Thiên Chúa đã ưng nghiền nát Ngài trong đau khổ… Ngài đã bị liệt vào hàng các ác nhân…” (Is. 53.5-9)
Thánh nữ An-gien đơ Phô-li-nhô nói về Chúa Giêsu: “Ngài cư ngụ trong đau đớn”. Người ta cũng có thể nói như thế về Đức Mẹ; Người cảm thấy mỗi ngày, mỗi năm tháng đều đưa Người đến gần giờ ghê sợ mà Con của Người sẽ bị nộp làm mồi cho lòng độc ác của người ta.
Mà chính vì chúng ta mà Me đã chấp nhận sự tử đạo ấy. Cùng một lời tiên tri kia bày tỏ cho Mẹ thấy đau khổ não nề của Con của Mẹ, cũng nói cho Mẹ mục đích của các đau khổ ấy là phần rỗi của nhân loại:
“Thật Ngài đã gánh lấy các tật bệnh ta,
Đã mang lấy các đớn đau ta,
Phần phạt để ban lại bình an cho ta đã đổ xuống trên Ngài, bởi các vết thương Ngài, chúng ta đã được chữa lành…
Nếu Ngài dâng mạng sống làm hiến tế đền tội,
Ngài sẽ được thấy nẩy lên một dòng dõi…”
(Is 53.5,10)
Đức Mẹ đi vào đường lối ý định Thiên Chúa, và đã nhận lấy trước sự hy sinh kia vốn là cửa mở ra ban nguồn sự sống. Dù tim Mẹ bị đâm xé, Mẹ vẫn như Giêsu mong giờ ấy đến, vì nó sẽ là giờ, khi nó ban cho Con của Mẹ và Mẹ một “Dòng dõi”, cũng sẽ hoàn lại cho Thiên Chúa những đứa con đã hư mất.
Khi Giờ đáng hãi-hùng ấy đến, Đ.Maria đã sẵn sàng, và người ta thấy Mẹ “đứng thẳng”, cạnh Con mình: “Mẹ Đức Giêsu đứng dưới chân thập giá.”(Ga 19.25). “Đứng thẳng” nghĩa là như một vị Chủ tế, Mẹ dâng lễ vật hy sinh cách tự do, cách ý thức. Không ai có thể hiểu thấu nỗi đớn đau của Đức Mẹ trong những giờ ghê sợ ấy, đau khổ không kể xiết: do tình âu yếm khôn tả của lòng Người, đồng thời cũng do sự thanh nhã tế nhị của bản thân Mẹ; do ánh sáng Mẹ đã nhận; nhất là do Mẹ là Mẹ và liên kết với Con của Mẹ bởi một đặc ân độc nhất vô nhị về thánh thiện và hoàn thiện.
Câu “Stabat”, Mẹ “đứng thẳng” không cho phép chúng ta tưởng Mẹ rầu rĩ ngất lịm, phải nhờ các phụ-nữ đạo đức nâng đỡ. Không! Mẹ “đứng thẳng” như vị tư tế trên bàn thờ, hoàn toàn làm chủ các ý tưởng, tâm tình và ý chí. Mẹ không chỉ nhẫn nại nghe theo đòi hỏi của Công Lý nghiêm nhặt Thiên Chúa, Mẹ còn không e ngại đi theo đường lối các ý định của Chúa Cha hằng hữu, hy sinh Con một của Mẹ để trần gian được cứu rỗi.
“Mẹ phải hợp với Chúa Cha hằng hữu để cùng đồng ý phú Con chung của hai Ngài cho cực hình. Chính vì thế mà Quan phòng Thiên Chúa đã gọi Mẹ đến đứng dưới chân thập giá.”[17] Mẹ đã hoàn tất lời ưng thuận ngày Truyền Tin, được xác nhận lúc dâng Con trong đền thờ, và lặp lại trong suốt cả cuộc đời: Mẹ phú ban Con Mẹ vì chúng ta.
Ý tưởng việc Cứu chuộc chúng ta xâm chiếm đầy tâm hồn Mẹ lúc đó, đến nỗi Thánh Am-brô-si-ô nói: “Khi Mẹ nhìn đến các thương tích của Con với cặp mắt Mẹ hiền, điều Mẹ nghĩ tưởng, không phải là cái chết của Con yêu dấu, nhưng là phần rỗi của nhân loại.”[18]. Giả sử có thể tháo Giêsu khỏi thập giá, và cứu Ngài khỏi khổ hình, Mẹ cũng không làm, như chính Giêsu cũng không muốn thoát khỏi các hình khổ của Ngài: “Các thượng tế cùng với ký lục và hàng niên trưởng chế diễu Ngài và nói:“Bây giờ nó hãy xuống khỏi thập giá, và ta sẽ tin vào nó.”(Mt 27.41-42). Quyền năng Ngài dư sức thắng lời thách thức ấy, nhưng Ngài đã không làm. Mẹ cũng có thể thầm nói trong lòng lời Con của Mẹ: “Chén đắng Cha trao, sao Ta không uống?” (Ga 18.11)
Nếu trọn đời, Mẹ mật thiết kết hợp với Con để muốn tất cả những gì Ngài muốn, chưa bao giờ sự kết hợp ấy lại hoàn hảo bằng lúc Chúa Kitô hoàn thành sứ mệnh Ngài trên thập giá. “Ý muốn của Chúa Kitô và Đ.Maria hợp làm một, hai của lễ toàn thiêu cũng chỉ hợp làm một. Giêsu và Maria dâng lễ hy-sinh cho Thiên Chúa cách giống nhau: Giêsu trong máu của thân xác, Đ.Maria trong máu của tâm hồn.”[19]
Chúng ta thường chú ý nhiều đến việc Đức Mẹ sầu bi đau đớn khi đứng dưới chân thập giá, nhìn Con yêu dấu của mình bị đóng đinh trên khổ giá và đang hấp hối, mà quên mất mũi gươm ông già Si-mê-ong tiên báo: “Cháu bé có mệnh làm cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy trong dân Is-ra-en, và sẽ là dấu hiệu bị người đời chống đối - và hồn bà một mũi gươm sẽ đâm thâu…”(Lc 2.34-35). Giờ đây Mẹ đang thấy diễn ra thực sự cảnh loài người, cách riêng Is-ra-en dân tộc Mẹ chia rẽ nhau, người theo kẻ chống Con của Mẹ để bổ nhào vào hư vong trầm luân muôn kiếp, cảnh này quả là “mũi gươm đâm thâu tâm hồn” khiến Mẹ đau đớn như xé lòng…
Thánh Bê-na-đô, Viện phụ, có một bài giảng bổ túc thêm đại khái được tóm tắt như sau: “Khi Mẹ nghe lời: “Thưa Bà, đây là con Bà!” thì mũi gươm còn đâm thâu tâm hồn Mẹ hơn nữa. Sao thế? Gioan được trao cho Mẹ để thế chỗ cho Giêsu? Tên đầy tớ thế chỗ cho ông chủ, người môn đệ thế chỗ của Thầy, con ông Dê-bê-đê thế chỗ Con Thiên Chúa, một người phàm thay vì Thiên Chúa thật! Làm sao nghe lời này, lòng Mẹ đầy âu yếm không bị đâm thâu, trong lúc chúng con, dù lòng chúng con chai cứng như sắt như đá mà chỉ nhớ tới lời đó thôi, cũng cảm thấy lòng mình tan nát?
Chưa hết, “lưỡi gươm còn đâm thâu lòng Mẹ lần nữa.… Thật vậy, Con của Mẹ, sau khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài đã bị mũi giáo tàn bạo của tên lính đâm vào thân Ngài, mở cạnh sườn Ngài, nhưng nó không đâm thấu lòng Ngài, nó không còn làm hại được một người đã chết, nhưng chính lúc đó lại đâm thâu lòng Mẹ. Linh hồn của Chúa chắc chắn không còn ở đó nữa, nhưng tâm hồn Mẹ thì không tránh trút đi đâu được, nên đã bị lưỡi giáo ấy đâm thâu, vì vậy chúng con có lý mà tuyên bố rằng Mẹ còn hơn cả vị tử đạo, bởi vì nỗi đau xé lòng ấy chắc hẳn đã vượt quá muôn ngàn lần sự đau đớn của thân xác…” [20]
Đau đớn vậy mà Đức Mẹ vẫn đứng thẳng dưới chân thập giá, trong điệu bộ một tư-tế, tế lễ Con của mình để cho ta được sống. Cùng một lúc, Mẹ tự hiến, trái tim tan nát và linh hồn sầu thảm, trong một nỗi đau đớn “mênh mông như trùng dương”.
-III- ĐỨC MẸ LÀ MẸ TÔI
Đ.Maria sinh hai lần, lần thứ nhất ở Bê-Lem, trong niềm hoan lạc ngây ngất và đầy êm ái: Ngôi Hai nhập thể giáng trần. Lần thứ hai, trên núi Sọ trong đau đớn cùng cực. Thế là cả một đoàn dân đông đảo được dự vào đời sống Thiên Chúa. Chúng ta nhận sự sống tự nhiên từ người mẹ trần gian, và được sinh ra trong ơn sủng bởi Đức Mẹ. Công Đồng Va-ti-căng 2 xác nhận chân lý ấy: “Mẹ đã cộng tác theo một cách thức hoàn toàn đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế [….] để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Chính vì thế, Người quả thật là Mẹ của chúng ta trên bình diện ân sủng”[21].
Vậy Người thật là Mẹ tôi. Tôi không nên hiểu danh chức ấy theo nghĩa bóng, nhưng theo nghĩa đen và thực sự. Một người đàn bà đã ban cho tôi sự sống phần xác, Đ.Maria ban cho tôi sự sống linh hồn, sự sống này kết hợp tôi với Thiên Chúa. Đức Mẹ đã yêu tôi, đã đau khổ vì tôi. Lòng Đức Mẹ trào trên tôi, một tấm lòng đầy tràn yêu thương, một tấm lòng phụ nữ, một tấm lòng Mẹ.
Người là Mẹ hoàn toàn: Sự sống Thiên Chúa mà tôi phải sống, Mẹ đã có đầy tràn, và Mẹ thông qua cho tôi. Chức làm Mẹ của Người được chiếu theo hình ảnh chức làm Cha của Thiên-Chúa. Mẹ ban cho tôi tất cả mọi sự. Và với bao tận tâm, bao âu yếm! Vì Thiên Chúa đã ủy thác cho Mẹ ban phát các ơn của Người cho ta, Người cũng ủy thác cho Mẹ ban phát với cả tình yêu của Mẹ. Đó là sứ mệnh Mẹ, Mẹ không là Mẹ để trừng phạt, để phán xét: Mẹ yêu, Mẹ là Mẹ.
Người là Mẹ đến nỗi ở đâu Người thi hành chức làm Mẹ ấy đối với Chúa Giêsu, ta cũng thấy Người thi hành chức làm Mẹ ấy đối với ta. Ở máng cỏ, Người bồng bé Giêsu đưa ra cho các mục-đồng và các đạo sĩ chiêm bái. Ở đền thờ, Người dâng Con lên Thiên Chúa nhưng vì ta. Trên Núi Sọ, Người trợ tá Con của Người và hy sinh Ngài cho ta được rỗi. Chính lúc Người thi hành bổn phận làm Mẹ lần cuối ấy đối với Giêsu, Chúa Giêsu đã đặt Người làm Mẹ của các linh hồn: “ Hỡi Bà, đây là con Bà!” (Ga 19.26).
-IV- ĐỨC MARIA, MẸ CỦA HỘI-THÁNH
Chức làm Mẹ của Người bao trùm cả Hội Thánh. Sứ mệnh Người mới chỉ khởi sự khi Người ban cho Chúa Kitô thân thể xác thịt: đã đến giờ, Mẹ ban cho Chúa một thân thể thiêng liêng. Với thịt máu và sữa mình, Mẹ đã tạo nên thân thể của Đức Giêsu; với tấm lòng Người, với tình âu-yếm luôn hoạt động, Mẹ đã tạo nên Nhiệm thể của Chúa, Giêsu chỉ là “Con đầu lòng” (Lc 2.7). Như E-và, Mẹ là “mẹ các kẻ sống” (St. 3.20). Mẹ tìm các kẻ được tiền định để đính kết họ với Chúa Kitô. Tất cả những ai được tiền định có ơn thánh, cũng được tiền định làm con cái Mẹ.
Mẹ gắng công để làm các Kitô hữu nên một trong Nhiệm Thể. Đó là công việc thuộc nhiệm vụ người mẹ: người mẹ tạo các chi thể trong lòng mình, và kết hợp chúng thành một thân thể. Đức Mẹ cũng gầy tạo các chi thể bí nhiệm của Chúa Giêsu và kết hợp họ cách sống động với Đầu, thành Nhiệm Thể.
Sau ngày Chúa lên trời, chính vì Hội-Thánh mà Mẹ đã nán lại trần gian. Thánh Au-gu-ti-nô trong cuốn “Tự thuật”, đã kể lại những lời bà thánh Mô-ni-ca, mẹ ông, nói trong giờ phút cuối đời: “Mẹ chẳng biết còn lý do nào mà ở lại nơi trần gian này nữa… Trước đây, lý do duy nhất khiến mẹ ước mong được nán lại thêm một chút trong cuộc sống này là để nhìn thấy con (trở lại) thành một Kitô hữu trong Hội Thánh Công giáo trước khi mẹ nhắm mắt lìa đời…”[22] Lòng mẹ là thế đấy, chỉ sống vì con, chỉ nghỉ đến con.
Đức Mẹ cũng vậy, Người nán lại trần gian là chỉ vì Hội Thánh là con cái Người. Và Người làm cho Hội-Thánh những gì Người đã làm cho Chúa Giêsu thời thơ ấu. Người lo lắng chăm sóc Hội-Thánh sơ sinh. Thánh Kinh đã ghi lại cho ta một cảnh: Các Tông đồ và anh em Chúa Giêsu tụ họp quanh Mẹ trong cùng một tinh thần và trong kinh nguyện (x. Cv. 1.14). Họ cần có Mẹ để bảo tồn tinh thần Chúa Giêsu và để khỏi nao núng trong các cuộc bắt bớ đang chớm bộc phát.
Những nguy hiểm đang rình hại trẻ sơ-sinh ở Bê-lem, nay cũng rình hãm hại Hội Thánh, Nhiệm Thể Ngài mới được thành lập. Người Mẹ đã bế Hài-Nhi Giêsu chạy trốn khỏi vua Hê-rô-đê tìm giết, lại ở đây để coi sóc Hội-Thánh sơ khai trước những cơn bách hại! Nói một cách khác, lúc Chúa Kitô sinh ra bé bỏng đã được sự ân cần chăm nom của Mẹ Maria, thì nay Thân Thể mầu nhiệm của Ngài là Hội Thánh mới sinh ra, nên cũng phải nhờ sự tận tâm săn sóc của Mẹ mới được toàn vẹn.
Trong Kinh cầu Đức Bà, ta cầu khấn Mẹ dưới tước hiệu “Hòm bia Giao Ước”. Hòm bia Giao Ước chứa đựng trong thầm lặng của Cung Cực Thánh hai bia đá ghi 10 Điều Răn Thiên Chúa là kho báu quí giá nhất, và đồng thời là sức phù hộ và sự trông cậy của dân Chúa. Đức Mẹ cũng vậy, luôn ẩn mình trong âm thầm, nhưng lại đứng ở đầu nguồn sự sống của Hội-Thánh. Như mọi bà mẹ, Người ẩn mình, nhưng Người ban phát sự sống. Là Hòm bia Giao Ước của Hội-Thánh, Người cũng là mãnh lực thầm kín của Hội-Thánh, là quả tim của sự thánh thiện Hội-Thánh.
-V- TRONG DẠ MẸ MARIA
Biết bao lần, Thánh Phaolô đã giảng dạy cho các tín hữu trong các giáo đoàn tiên khởi: Chúng ta sống “trong Chúa Kitô”. Chúng ta nhập tịch vào trong Chúa Kitô, dìm vào trong Chúa Kitô, mặc lấy Chúa Kitô. Chúa Kitô như một bầu khí để trong đó các chi thể của Nhiệm-Thể Ngài được bao bọc, được sống và sinh hoạt.
Cũng thế, chúng ta có thể nói: chúng ta sống trong lòng Đ.Maria. Chức làm mẹ của Đức Mẹ chẳng phải là một bầu khí, trong đó cả đoàn thể Kitô giáo sống sao?[23] Hết thảy các kẻ được chọn đều được nắn đúc trong lòng Đức Mẹ. Đời sống ơn thánh không phải là một đời hoàn thành ngay từ lúc đầu. Đời sống ấy phải phát triển dần, có thời thơ ấu, rồi thời niên thiếu và cứ thế phát triển lên… Đó là một sự sống đang tự tạo. Cần một người mẹ trong thời còn non nớt ấy.
Trên bình diện siêu nhiên, thời thơ ấu thiêng liêng sẽ kéo dài suốt cuộc đời dương thế của ta. Khi nào ta còn trong đời chịu ơn sủng, là ta còn trong thời kỳ sơ sinh, đang thành hình. Ơn sủng chẳng phải là mầm của vinh quang sẽ đến sau này sao? Đức Mẹ cưu mang ta trong ấm nóng của tình Người, cho đến ngày ta sinh ra trong đời vĩnh cửu. Người nuôi ta với ơn sủng mà Người có tràn trề. Với Máu Chúa Giêsu, Mẹ làm thành sữa ơn sủng và dọn cho hợp tuổi thơ của ta. Các Thánh cũng là trẻ thơ trước mắt Mẹ. Nhờ đó người ta thấy rõ sự thân mật trong liên lạc giữa ta với Mẹ, bởi chính trong dạ Mẹ mà ta được nắn đúc, chẳng phải bao lâu đứa trẻ còn sống trong dạ mẹ, nó làm một với mẹ, tất cả cái nó có, là bởi mẹ sao?
Người tín hữu nào lại không cảm thấy sống và lớn lên trong bầu khí ấm nóng tình mẫu tử của Mẹ Maria? Nữ Chân phúc An-gien đơ Phô-lin-nhô kể: “Nữ Vương đầy ơn sủng và giàu lòng thương xót cúi mình xuống trên đoàn con cái nam nữ của Người. Người cúi xuống và ban cho họ một phép lành lớn lao, và kéo họ vào lòng, Người âu yếm hôn họ nhưng không ai như ai. […]
“Toàn thân Người sáng rực, và Người như đang lôi cuốn các con cái Người vào trong mình bằng một làn ánh sáng vô biên, chứ không phải tôi nhìn thấy những cánh tay bằng xương thịt đâu: tất cả là ánh sáng, và một ánh sáng huyền diệu. “Đức Trinh Nữ ghì chặt các con cái Người trên lòng, và bởi đức bác ái từ lòng Người trào ra, Người thu hút tất cả vào trong Người”[24] §
Chú thích ……………………………………
[1] Spec. Mor. Lib. VI.
[2] Trích sách: Lòng sùng kính chân chính.
[3] Xin xem cuối sách có BẢNG GIẢI NGHĨA MẤY CHỮ ĐẶC BIỆT, xếp theo thứ tự a, b, c.
[4] Nếu bạn đọc các sách Tin Mừng, sẽ nghe thuật lại từng chi tiết. Cho ai không quen đọc lối văn cổ và nghiêm nghị của Sách Tin Mừng, xin giới thiệu một quyển đã tiểu thuyết hóa cuộc đời Chúa, với nhan đề: CUỘC ĐỜI CHÚA CỨU THẾ GIÊSU, của Lm. Gioan Lâm Quang Trọng (Diệp Hải Dung sưu tầm) – Nguồn: Thanh Linh.net.
[5] Công Đồng Vaticanô 2, Hiến Chế Gíáo Hội (HC GH), số 61.
[6] Hiến Chế Giáo Hội, số 56
[7] Công Đồng Vat.II, Hiến Chế Giáo Hội, số 60
[8] “Nhờ Ngài (Chúa Kitô-Ngôi Lời) vạn vật được tạo thành” (Ga 1.3)
[9] Là Chúa Giêsu Kitô.
[10] “Không có Ngài, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1.3).
[11] Bérulle, “Vie de Jésus”, ch. 15.
[12] Chẳng hạn như lúc viếng thăm bà chị họ Ê-li-da-bét, nghe bà tuyên bố: đã được phúc “Mẹ Chúa tôi” đến thăm (Lc 1.43); lúc sinh Đức Giêsu tại hang đá Bê lem, các mục đồng thuật lại cho Mẹ nghe lời các thiên sứ nói : Hôm nay “vị Cứu Chúa” đã sinh ra (Lc 2.11); rồi sau đó vào lúc dâng Hài Nhi Giêsu trong đền thờ, Mẹ được ông già tiên tri Si-mê-ong công bố : bé Giêsu là “ơn cứu độ”, là “ánh sáng mặc khải cho dân ngoại”, sau đó còn tiên báo về vận mệnh nghiệt ngã của Con của Mẹ, và Mẹ sẽ phải bị mũi gươm đâm thâu tâm hồn…(Lc 2.34-35).
Rồi không kể biết bao lời nói và hành động của Đức Giêsu khi rao giảng, bộc lộ cho dân chúng hé thấy thần tính của Ngài (như : mẻ cá lạ, Lc 5.1-1 ; lúc Ngài đi trên nước, Mc 6.45; lúc Ngài quát bảo sóng gió im lặng, Mc 4.39; v.v… ) và đã được các môn đệ nam nữ Ngài kể lại cho Mẹ.
[13] Sainte Gertrude, Le héraut de l’amour divin. L. IV. Ch. III.
[14] Pie X. Ad Diem illum. 2 Fév. 1904.
[15] Mgr. Gay, Conf. XXXV.
[16] St. Thomas Vill. Sermon sur la purification de Marie.
[17] Bossuet, Sermon I sur la Compassion.
– Đây là một việc bất thường, vì không khi nào người ta lại để một người mẹ đến xem con mình chịu cực hình, bị xử tử…Làm sao một bà mẹ có thể chịu nổi cảnh ghê sợ khủng khiếp ấy!!
[18] Ambrosio, In Luc. L.X. No 152; PL.15.185.
[19] Arnoldus Bonaeval.
[20] Trích Bài đọc 2, Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Sầu bi, ngày 15 tháng 9.
[21] Hiến Chế Giáo Hội, số 61
[22] Trích Bài đọc 2, lễ thánh Mô-ni-ca, ngày 27 tháng 8.
[23] Trên đây chỉ là một so sánh đạo đức tạm thời, vì hai công thức “trong Chúa Kitô Giêsu” (In Christo Jesu) và “trong dạ Đ.Maria” (In Sinu Mariae) không đồng nhất trên phương diện Kinh Thánh và thần học. Chúng ta ở trong Chúa Kitô, nhập tịch vào Ngài để sống, để làm một với Ngài, làm chi thể của Ngài cách thực sự tuy bí nhiệm. Còn ta ở trong Đ.Maria là trong ảnh hưởng ân sủng và tình yêu của Người mà thôi.
[24] Visions et Révélations Ch. 48-éd. Hello.