News Filters

Bộ Giáo Lý Đức Tin không chấp nhận công thức rửa tội chúng tôi rửa tội cho anh... *** Vũ Văn An

Thứ năm, ngày 17 tháng sáu năm 2021

 

Bộ Giáo Lý Đức Tin không chấp nhận công thức rửa tội chúng tôi rửa tội cho anh...

 

Vũ Văn An 07/08/2020


Theo Vtican News và Zenit, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã ra thông báo bác bỏ công thức rửa tội “chúng tôi rửa tội cho anh...”. Lý lẽ căn bản được nêu ra là chỉ một mình Chúa Kitô rửa tội mà thôi, chứ không phải cộng đồng. Những ai được rửa tội theo công thức sửa đổi ấy cần phải được rửa tội lại.

Sau đây là nguyên văn bản giải thích của Bộ Giáo Lý Đức Tin:

 



Gần đây, đã có các cử hành Bí tích Rửa tội được thực hiện với các lời như sau: “Nhân danh cha và mẹ, cha đỡ đầu và mẹ đỡ đầu, ông bà, các thành viên gia đình, bạn bè, nhân danh cộng đoàn, chúng tôi rửa tội cho anh (chị, em) nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Rõ ràng, việc cố ý sửa đổi công thức bí tích được du nhập để nhấn mạnh ý nghĩa cộng đồng của Bí tích Rửa tội, nhằm nói lên việc tham gia của gia đình và của những người hiện diện, và nhằm tránh ý niệm tập trung quyền lực thánh thiêng vào vị linh mục, làm giảm giá cha mẹ và cộng đồng mà công thức của Rituale Romano (Sách Nghi thức Rôma) dường như ngụ ý [1]. Với những động lực mục vụ đang gây tranh cãi [2], ở đây xuất hiện sự cám dỗ cổ xưa muốn thay thế công thức được Truyền thống truyền lại bằng các bản văn khác được cho là phù hợp hơn. Về vấn đề này, Thánh Tôma Aquinô đã tự hỏi câu hỏi sau đây “utrum plures possint simul baptizare unum et eundem” (liệu nhiều người có thể cùng một lúc rửa tội cho một người và cùng người đó không); ngài đã trả lời không, vì thực hành này trái với bản chất của thừa tác viên [3].

Công đồng Vaticano II tuyên bố rằng: “khi một người làm phép rửa thì chính Chúa Kitô làm phép rửa đó” [4]. Lời khẳng định của Hiến chế về Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, được gợi hứng từ một bản văn của Thánh Augustinô [5], muốn đưa việc cử hành bí tích trở lại với sự hiện diện của Chúa Kitô, không những theo nghĩa là Người truyền virtus (sức mạnh) của Người để mang lại hiệu quả cho nó, nhưng trên hết, để chỉ rõ rằng Chúa đóng vai trò chính trong biến cố đang được cử hành.

Thực vậy, khi cử hành một Bí tích, Giáo hội hành xử như Thân thể hành động không tách rời khỏi Đầu của mình, vì chính Chúa Kitô là Đầu, là Đấng hành động trong Thân thể Giáo hội đã do Người sinh ra trong mầu nhiệm Vượt qua [6]. Như thế, tín lý về việc chính Chúa lập ra các Bí tích, được Công đồng Trent [7] long trọng khẳng định, thấy sự phát triển tự nhiên và cách giải thích xác thực của nó trong lời khẳng định nói trên của Sacrosanctum Concilium. Như thế, hai Công đồng nhất trí với nhau trong việc tuyên bố rằng họ không có thẩm quyền bắt bảy bí tích lệ thuộc hành động của Giáo hội. Thực vậy, các Bí tích, được Chúa Giêsu Kitô thiết lập, đã được ủy thác cho Giáo hội để được Giáo Hội gìn giữ. Ở đây, điều rõ ràng là, mặc dù Giáo Hội được cấu thành bởi Chúa Thánh Thần, Đấng giải thích Lời Thiên Chúa, và ở một mức độ nào đó, có thể ấn định các nghi thức nhằm phát biểu ân sủng bí tích do Chúa Kitô ban tặng, nhưng không thiết lập chính các nền tảng của sự hiện hữu của mình: tức Lời Thiên Chúa và hành động cứu độ của Chúa Kitô.

Do đó có thể hiểu rằng trong suốt nhiều thế kỷ, Giáo hội đã bảo vệ hình thức cử hành các Bí tích, trên hết, trong các yếu tố được Kinh thánh chứng thực và làm ta có thể nhận ra một cách rõ ràng tuyệt đối cử chỉ của Chúa Kitô trong hành động nghi thức của Giáo hội. Công Đồng Vatican II cũng đã xác lập rằng không ai “dù là một linh mục, có thể thêm, bỏ hoặc thay đổi bất cứ điều gì trong phụng vụ bằng thẩm quyền của mình” [8]. Tự ý sửa đổi hình thức cử hành Bí tích không những là một sự lạm dụng phụng vụ, giống như sự vi phạm quy tắc thực chứng (positive norm), mà còn là một vulnus (một thương tích) gây ra cho sự hiệp thông của Giáo hội và việc xác nhận căn tính (identifiability) hành động của Chúa Kitô, và trong những trường hợp nghiêm trọng nhất làm chính Bí tích không thành hiệu, vì bản chất của hành động thừa tác đòi hỏi phải truyền tải một cách trung thành với điều đã tiếp nhận được (x. 1Cr 15: 3).

Thật vậy, trong việc cử hành các Bí tích, chủ thể là Giáo hội, Nhiệm thể Chúa Kitô cùng với Đầu của nó, tự tỏ mình ra trong cộng đoàn cụ thể đang tụ họp [9]. Do đó, một cộng đoàn như vậy hoạt động một cách thừa tác – chứ không phải một cách hợp đoàn - vì không có nhóm nào có thể tự biến mình thành Giáo hội, nhưng trở thành Giáo hội nhờ ơn gọi vốn không thể phát sinh từ bên trong cộng đoàn. Do đó, thừa tác viên là dấu chỉ sự hiện diện của Đấng tụ họp, và đồng thời là cứ điểm (locus) của sự hiệp thông của mọi cộng đoàn phụng vụ với toàn thể Giáo hội. Nói cách khác, thừa tác viên là dấu hiệu hữu hình cho thấy Bí tích không phải là hành động tùy tiện của các cá nhân hoặc của cộng đồng, mà nó thuộc về Giáo hội Hoàn vũ.

Dưới ánh sáng đó, phải hiểu lệnh truyền của Công đồng Trent liên quan đến việc thừa tác viên ít nhất phải có ý định làm điều mà Giáo hội làm [10]. Do đó, ý định không thể chỉ dừng lại ở mức độ bên trong, với nguy cơ gây xao lãng có tính chủ quan, nhưng phải được thể hiện qua hành động bên ngoài được cấu thành bởi việc sử dụng chất thể và mô thức của Bí tích. Một hành động như vậy chỉ có thể biểu lộ sự hiệp thông giữa điều được thừa tác viên hoàn thành trong từng cử hành bí tích riêng rẽ với điều được Giáo hội thực hiện trong sự hiệp thông với hành động của chính Chúa Kitô: Do đó, điều căn bản là hành động bí tích có thể không được hoàn thành nhân danh chính nó, nhưng nhân danh con người của Chúa Kitô, Đấng hành động trong Giáo hội của Người, và nhân danh Giáo hội.

Do đó, trong trường hợp chuyên biệt của Bí tích Rửa tội, không những thừa tác viên không có thẩm quyền sửa đổi công thức bí tích theo ý thích của mình, vì những lý do về bản chất Kitô học và giáo hội học đã được nêu rõ, nhưng ngài thậm chí còn không thể tuyên bố rằng ngài thay mặt cha mẹ, cha mẹ đỡ đầu, người thân hoặc bạn bè, cũng không nhân danh cộng đoàn tụ họp để cử hành, vì ngài luôn hành động như là dấu chỉ sự hiện diện của cùng một Chúa Kitô đã được thể hiện trong cử chỉ nghi thức của Giáo Hội. Khi thừa tác viên nói “Tôi rửa tội cho anh…” thì ngài không nói như một viên chức thi hành một vai trò được giao phó cho mình, nhưng ngài thi hành một cách thừa tác dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng hành động trong Thân thể của Người để ban ơn thánh và làm cho Cộng đoàn phụng vụ cụ thể trở thành biểu hiện của “bản chất thực sự của Giáo hội đích thực” [11], vì “các buổi phụng vụ không phải là những buổi lễ riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo hội, vốn là 'bí tích hợp nhất', tức là dân thánh hợp nhất và đặt dưới quyền các giám mục của họ”[12].

Hơn nữa, việc sửa đổi công thức bí tích bao hàm sự thiếu hiểu biết về chính bản chất của thừa tác vụ trong Giáo Hội là luôn phục vụ Thiên Chúa và dân Người chứ không phải việc thi hành một quyền lực có thể đi xa đến mức thao túng những gì đã được giao phó cho Giáo hội trong một hành động chỉ thuộc Truyền thống mà thôi. Do đó, trong mỗi thừa tác viên của Bí tích Rửa tội, không những phải có kiến thức sâu xa về nghĩa vụ phải hành động trong sự hiệp thông của Giáo hội, mà còn phải có cùng một xác tín mà Thánh Augustinô vốn gán cho Vị Tiền Hô, đối với “một tính đặc thù nào đó nơi Chúa Kitô, đến nỗi, dù nhiều thừa tác viên, bất kể là người công chính hay không công chính, đều có thể làm phép rửa, nhưng sức mạnh (virtue) của Phép Rửa phải được quy cho một mình Đấng mà trên Người chim bồ câu đã đậu xuống, và là Đấng đã có lời chép: 'Chính Người làm phép rửa bằng Chúa Thánh thần' (Ga 1, 33)”. Vì vậy, thánh Augustinô đã nhận định: “Thánh Phêrô có thể làm phép rửa, nhưng chính Người làm phép rửa; Thánh Phaolô có thể làm phép rửa, nhưng chính Người làm phép rửa; Thánh Giuđa có thể làm phép rửa, nhưng vẫn là Người làm phép rửa »[13].
_____________________________________________________________________________________________________
[1] Trong thực tế, một phân tích cẩn thận Nghi Thức Rửa Tội Trẻ Em cho thấy trong cuộc cử hành, cha mẹ, ông bà, người đỡ đầu và toàn thể cộng đoàn đều được kêu gọi đóng một vai trò tích cực, một nhiệm vụ phụng vụ đích thực (xem Rituale Romanum ex Decreto Sacrosancti Oecumenici Concilii Vaticani II instauratum auctoritate Pauli PP. VI promulgatum, Ordo Baptismi Parvulorum, Praenotanda, nn. 4-7); tuy nhiên, theo dự liệu của công đồng, nhiệm vụ này đòi “mỗi người, bất luận là thừa tác viên hay giáo dân, hễ có một chức phận phải thủ diễn, nên thi hành mọi, và chỉ những, phần thuộc chức phận này của mình do bản chất của nghi thức và các nguyên tắc phụng vụ” (Công Đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 28).

[2] Việc nại đến động lực mục vụ thường che đậy, dù một cách vô thức, một trệch hướng có tính chủ quan và một ý muốn thao túng. Ngay thế kỷ qua, Romano Guardini đã nhắc nhở rằng nếu trong lời cầu nguyện bản thân, tín hữu có thể tuân theo thúc đẩy của trái tim, thì trong hành động phụng vụ “họ phải mở lòng ra đón nhận một loại thúc đẩy khác phát xuất từ một nguồn mạnh mẽ hơn: tức là, trái tim Giáo Hội vốn đập qua nhiều thời đại. Ở đây, sở thích cá nhân ra sao là điều không đáng kể, không đáng kể việc họ muốn gì hay tâm trí họ quan tâm đến điều gì...” (R. Guardini, Vorschule des Betens, Einsiedeln/Zürich, 1948, tr. 258; Bản tiếng Anh: The Art of Praying, Manchester, NH, 1985, 176).

[3] Summa Theologiae, III, q. 67, a. 6 c.

[4] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 7.

[5] S. Augustinus, In Evangelium Ioannis tractatus, VI, 7.

[6] Cf. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 5.

[7] Cf. DH 1601.

[8] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium § 3.

[9] Xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1140: “Tota communitas, corpus Christi suo Capiti unitum, celebrat” (Toàn thể cộng đoàn, nghĩa là Thân Thể Chúa Kitô kết hợp với thủ lãnh của mình, cùng cử hành Phụng Vụ) và số 1141: “Celebrans congregatio communitas est baptizatorum” (Cộng đoàn phụng vụ là cộng đoàn của những người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy).

[10] Cf. DH 1611.

[11] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 2.

[12] Ibid., 26.

[13] S. Augustinus, In Evangelium Ioannis tractatus, VI, 7.

 

back to top
Filters