BUỔI PHỎNG VẤN ĐỨC CHA ALDO CAVALLI TÂN KINH LƯỢC SỨ TÒA THÁNH TẠI MỄ DU
02 Tháng Ba 2022
BUỔI PHỎNG VẤN ĐỨC CHA ALDO CAVALLI TÂN KINH LƯỢC SỨ TÒA THÁNH TẠI MỄ DU
Ngày 27-11 năm vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Aldo Cavalli làm Kinh Lược Sứ Tòa Thánh với vai trò đặc biệt đối với giáo xứ Mễ Du. Đức Cha Cavalli đã đến Mễ Du vào đêm qua, 10-02-2022, nhân ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức.
Mễ Du đã vui mừng chào đón vị Tân Kinh Lược Sứ, và chúng tôi cũng rất vui mừng vì ngày đầu tiên lưu lại nơi đây, Ngài đã tìm được thời gian để làm khách mời trên chương trình của Đài Phát Thanh MIR và trên các diễn đàn thính thị của Trung Tâm Thông Tin MIR Mễ Du .
Phóng viên – Hỏi : Kính thưa Đức Tổng Giám Mục, Ngợi Khen Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria ! Xin kính chào Đức Cha.
Đức Cha Aldo Cavalli – Đáp : Cảm ơn bạn ! Cảm ơn vì đã mời tôi tham gia buổi phỏng vấn này. Tạ ơn Chúa, Đức Trinh Nữ Maria và Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm tôi đến đây. Tôi chưa từng đến đây, nhưng nhiều người đã từ đất nước và giáo xứ của tôi đến đây. Khi họ trở về, tôi luôn nhận thấy có điều gì đó rất sâu sắc : họ trở về với ý ngay lành, với thành tâm thiện chí, với tràn đầy đức tin, tràn đầy ước nguyện sống ngay lành, đón nhận Chúa, tràn ngập trong lòng những điều tốt lành dành cho Đức Mẹ với lòng ước mong lần hạt Mân Côi. Tôi nhận thấy có nhiều điều tuyệt vời. Nhưng đích thân tôi chưa từng đến đây. Vì thế khi Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm tôi lúc tôi đang ở trong độ tuổi 75 (là tuổi về hưu đối với các giáo sĩ – chú thích của người dịch) nên tôi rất vui mừng đến đây. Tôi vui mừng đến đây, rất vui mừng.
Hỏi : Ấn tượng đầu tiên khi Đức Cha khi đến Mễ Du là gì ?
Đáp : Tôi muốn nói đến các Tu Sĩ Dòng Phan Sinh, là những người kỳ cựu đã ở nơi đây và đã làm nhiều việc tốt lành và còn tiếp tục hoạt động rất tốt. Các Cha Dòng Phan Sinh là những người tôi đã gặp đầu tiên và tôi nhận ra rằng các Cha đều yêu mến nơi này, rất niềm nở khi ngồi Tòa Giải Tội, rất hân hoan rao giảng Tin Mừng, sẵn sàng để cho ơn sủng Thiên Chúa sử dụng – đây là điều rất tuyệt vời.
Sáng hôm nay tôi đã đến thăm nhà thờ, có nhiều người đã đến và tôi luôn có một câu hỏi sâu sắc : Tại sao có rất nhiều người đến đây ? Và có một “lý do” thâm sâu. Họ không đến vì vui thích, vì những lý do khác… Tôi đã nhận thấy rằng họ đến với lòng ước muốn được gặp Chúa, cầu nguyện và được ở trong sự đồng hành của Đức Mẹ Maria. Hai điều kết hợp với nhau : gặp Chúa, cầu nguyện, thay đổi đời sống và ở trong sự đồng hành của Đức Trinh Nữ Maria. Khi người dân nước tôi từ nơi đây trở về nhà, những điều này là hai điều cơ bản.
Bây giờ nói về hậu quả : Tôi phải làm gì đây ? Các Cha Dòng Phan Sinh đang làm gì và các Cha làm điều đó rất tốt ? Chúng tôi uyển chuyển làm việc để trợ giúp, theo cách tốt đẹp nhất có thể, những người đếp gặp Chúa và được ở trong sự đồng hành của Đức Mẹ Maria. Đó là mục tiêu của chúng tôi. Cùng với các Cha Dòng Phan Sinh, Đức Giám Mục Mostar và nhiều giáo dân đang hoạt động ở đây giống như bạn, cùng làm việc với những người này, những người đến vì một mục tiêu duy nhất : để gặp Chúa ở nơi thánh – và đây là nơi thánh – để gặp Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, để gặp Người trong Tin Mừng, gặp Người trong phiên Chầu Mình Thánh Chúa, gặp Người trong Tòa Giải Tội và chờ được ở trong sự đồng hành của Đức Trinh Nữ Maria. Chúng tôi cần phải cộng tác trong việc này chứ không phải trong việc nào khác. Chúng tôi cần làm việc với Chúa Thánh Thần để giúp các tín hữu về mặt này.
Hỏi : Đức Cha nói rằng trước đây Đức Cha chưa bao giờ đến Mễ Du, nhưng Đức Cha đã có cơ hội gặp gỡ những người đến đây hành hương. Đức Cha có thân tình đối với hiện tượng Mễ Du và mọi điều đã xảy ra ở đây trong 40 năm qua không ?
Đáp : Này nhé ! Tôi là người Ý. Ở đất nước tôi, Mễ Du đã trở thành một điểm khởi đầu. Khi người ta có một điểm xuất phát, thì họ nhận ra rằng ở đó họ sẽ gặp người mà họ muốn gặp, đó là Chúa và Đức Mẹ Maria. Không ai có thể cản ngăn họ việc đó, không ai có thể chặn được họ. Đó là điều rất tuyệt vời. Người ta đã đến, đang đến và sẽ đến còn nhiều hơn nữa. Nhưng chúng ta phải bảo quản nơi này như là một nơi sâu thẳm về đàng thiêng liêng. Đó là lẽ tự nhiên, nếu người ta đến thì phải có các phương tiện tiếp đón, có nghĩa là khi người ta đến thì phải ở một nơi nào đó chứ. Họ sẽ ở lại đâu ? Do đó, cần phải xây dựng một cơ sở mà họ có thể ăn uống, một cơ sở khác mà họ sẽ có thể mua sắm các món quà có liên quan đến trải nghiệm của họ… Chúng ta cung cấp điều đó cho họ và điều này là bình thường, những điều thuộc về con người rất cần thiết để có thể sống ở đây, đó là chuyện bình thường, rất bình thường thôi ! Ở mọi thánh địa, người ta đều có nhu cầu về cơ sở vật chất và luôn luôn đúng là như thế. Điều này cũng tương tự ở Rôma. Người ta đến Rôma bởi vì Đức Giáo Hoàng ở Rôma. Đó là lý do quan trọng nhất, nhưng còn có rất nhiều điều tuyệt vời ở Rôma. Rôma thật đẹp, nhưng cũng có Đức Giáo Hoàng ở đấy. Rồi khi họ đến, thì họ sẽ ở lại đâu ? Trong các khách sạn, trong các trụ sở của các Dòng Tu. Những thứ ấy cũng rất cần thiết. Họ muốn mua sắm quà lưu niệm, và họ sẽ mua. Những món quà lưu niệm ấy sẽ nhắc nhở họ về cái môi trường linh thiêng mà họ đã đến đấy. Mễ Du thì cũng tương tự như vậy thôi.
Hỏi : Đức Cha đã dành phần lớn cuộc đời mình cho công việc ngoại giao. Vào cuối tháng Giêng vừa qua, Đức Cha đã hoàn thành sứ vụ của mình với tư cách là Sứ Thần Tòa Thánh tại Hà Lan. Giờ đây, Đức Giáo Hoàng đã trao phó cho Đức Cha chức vụ mà tính mục vụ là trên hết. Đức Cha đã nhận được tin bổ nhiệm Đức Cha làm Kinh Lược Sứ Tòa Thánh với vai trò đặc biệt đối với giáo xứ Mễ Du như thế nào ?
Đáp : Thế này này ! Kể từ khi tôi trở thành Linh Mục, đối với tôi mọi sự đều là mục vụ. Sự phân chia giữa việc ngoại giao và việc chăm sóc mục vụ không tồn tại đối với chúng tôi, đối với tôi. Tại sao vậy ? Bởi vì khả năng mục vụ ở một người chưa hẳn là một chức năng, một nhiệm vụ. Chức năng nhiệm vụ sẽ đến sau. Ở bên trong chúng tôi có một chức năng mục vụ để mọi sự chúng tôi làm đều trở thành việc chăm sóc mục vụ. Điều đó rất tuyệt vời. Tôi thường gặp các vị đại sứ, họ là những người đại diện cho cả một đất nước. Họ có tầm quan trọng của mình, bởi vì họ đại diện cho cả một quốc gia. Ở đây có một trách nhiệm rất lớn lao. Chúng tôi đến với việc này với tư cách là Sứ Thần Tòa Thánh, là các Đại Sứ, nhưng cũng với tư cách là các Linh Mục. Họ biết điều đó chứ, bất cứ nơi nào tôi đi, đến bất kỳ nơi nào trên thế giới, thì khi tôi gặp gỡ các Đại Sứ trong các bữa tiệc rượu trong các bữa ăn tối, trong những buổi mít-tinh, trong các ngày lễ quốc gia, tôi đều mặc trang phục như bây giờ (mặc bộ áo Tu Sĩ theo phẩm trật), và mọi người đều biết điều đó. Tôi nói chuyện như những người khác, tôi ăn uống như những người khác. Tôi nói chuyện với mọi người, nhưng họ luôn luôn, cứ luôn luôn, và luôn luôn bắt đầu nói về Chúa, về Đức Giáo Hoàng, về Giáo Hội…. Bởi vì đây là những đề tài thiêng liêng mà tất cả chúng tôi đều có trong bản thân mình. Và họ cũng có những đề tài ấy trong bản thân mình. Họ nắm lấy cơ hội bởi vì lúc đó có một nhân vật đại diện cho một thế giới quả là sâu thẳm và vô hình. Cuộc đàm luận phát triển và luôn luôn sâu sắc và thiêng liêng. Và đó là sự chăm sóc mục vụ.
Hỏi : Thưa Đức Tổng, việc tiếp tục nhiệm vụ của Kinh Lược Sứ Tòa Thánh có ý nghĩa gì đối với Mễ Du ?
Đáp : Đức Giáo Hoàng đại diện cho Giáo Hội hoàn vũ và vì thế mà Ngài cắt cử sứ thần, vị sứ thần này cùng với Đức Giáo Hoàng đại diện cho Giáo Hội hoàn vũ. Điều này có nghĩa là Giáo Hội hoàn vũ rất lưu tâm đến hiện tượng này, rất quan tâm. Ở nhà xứ của các Cha tại Mễ Du, tôi thấy có một bức tranh, một bức tranh đẹp, rất sâu sắc. Nó được đặt trong văn phòng của Kinh Lược Sứ Tông Tòa.. Nó mô tả Mễ Du, ngôi nhà thờ. Ngôi nhà thờ này là một dấu hiệu trên thế giới dễ dàng nhận ra được… Nó cho thấy Mễ Du, Đức Mẹ Maria, nó cho thấy cả thế giới đều gần gũi với Đức Mẹ Maria, và những tia sáng tỏa ra từ Mễ Du cho toàn thể thế giới. Đó là điều mà chúng ta phải trở nên : tia sáng của Chúa, tia sáng của Đức Mẹ Maria trên khắp thế giới. Và Đức Giáo Hoàng phải là đại diện cho toàn thể thế giới, cái thế giới tâm linh, là lời mời gọi của Con Thiên Chúa giữa chúng ta. Đó là ý nghĩa của Kinh Lược Sứ Tông Tòa. Toàn thể thế giới đang nhìn về Mễ Du. Mễ Du phải trông theo toàn thể Giáo Hội và quan sát toàn thể thế giới. Tôi đã nhận ra được cái tiềm lực ở đây rất quan trọng : đến với toàn thể thế giới. Ngày nay, những phương tiện này là bình thường, chúng phải được sử dụng một cách tuyệt vời nhất và với kỹ thuật tốt nhất có thể để đến với toàn thể thế giới. Đó là điều gì đó rất tuyệt vời.
Hỏi : Đức Cha đã gặp Đức Thánh Cha sau khi được bổ nhiệm Kinh Lược Sứ Tòa Thánh. Kể từ khi Đức Giáo Hoàng phái Đức Cha đến Mễ Du, chúng con biết rằng Đức Giáo Hoàng rất quan tâm về Mễ Du và mọi sự đang xảy ra ở đây. Vậy, Đức Giáo Hoàng đã nhìn nhận Mễ Du như thế nào và Ngài đã nói gì ?
Đáp : Đây này ! Đức Giáo Hoàng đã tiếp tôi rất tử tế. Ngài nói với tôi một vài lời về Mễ Du. Ngài bảo tôi : “Đức Cha hãy đến đấy, hãy ở đấy và hãy yên tâm, yên tâm và ổn định, hãy ở đó và trông theo mọi người.” Chỉ là vậy. Và phần còn lại trong cuộc trò chuyện với Đức Giáo Hoàng, Đức Giáo Hoàng luôn như vậy đối với tôi, tôi và Đức Giáo Hoàng nói chuyện với nhau về cách đem Tin Mừng đến cho mọi người.
Làm thế nào để đem Tin Mừng đến cho mọi người hôm nay và trong xã hội này, vốn là xã hội chúng ta. Các xã hội đều có nền văn hóa của nó, và văn hóa thì thay đổi. Khi văn hóa thay đồi thì chúng ta không được lên án, chỉ trích hay xét đoán. Chúng ta phải ở trong đó, bởi vì đó là văn hóa của chúng ta. Làm cách nào để loan báo Tin Mừng trong nền văn hóa đó ? Chúa đã làm điều đó như thế nào ? Người bước vào nền văn hóa và giảng dạy Tin Mừng trong lòng nền văn hóa đó : bằng lời nói, bằng cách Người cư xử, Chúa là người Do Thái, bằng cách cư xử cố hữu trong nền văn hóa đó.
Bằng cách nào để tiếp cận nền văn hóa đó ? Ở phần này của thế giới chúng ta, thế giới Tây Phương, nền văn hóa đó từng là của mọi Kitô hữu, tất cả mọi người, theo những phương cách khác nhau : Tin Lành, Anh Giáo, bất cứ đạo nào các bạn muốn theo, nhưng nền luân lý hoàn toàn là Kitô Giáo. Âu Châu là Kitô hữu. Chúng ta có một cuộc thay đổi văn hóa đáng kinh ngạc. Họ có xấu không ? Không, không hề, không hề. Họ chỉ sống theo một nền văn hóa khác, và họ rất dễ tiếp cận. Tôi đã ở Hà Lan và Hà Lan là một hình ảnh phản chiếu của cái nền văn hóa khác đó. Đó là một quốc gia hùng cường, tôi có thể nói với bạn một cách chắc chắn. Hùng cường có nghĩa dân chúng sản xuất, làm việc, có nhiều sáng kiến. Mỗi năm tôi đều tiếp đón giới trẻ, các nhóm bạn trẻ, các sinh viên trẻ từ khắp nơi trên thế giới tại Tòa Khâm Sứ.
Nói trắng ra là, tất cả các trường Đại Học ở Hà Lan đều sử dụng hai ngôn ngữ và ở đây bạn có thể dịch tất cả ra cho toàn thể thế giới. Tiếng Flemish (tiếng Hà Lan) và tiếng Anh là các tiếng chính thức được sử dụng tại tất cả các trường đại học. Các bạn rất trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới theo các nhóm 15 người. Họ đã biết gì về Chúa Giêsu ? Hầu như là không biết gì hết. Trong nền văn hóa ấy, Chúa Giêsu chỉ là một trong nhiều người. Họ biết gì về Thiên Chúa ? Đó là điều hoàn toàn không rõ ràng. Họ đã biết gì về Giáo Hội ? Nhưng họ biết về Vatican. Bởi vì Vatican là Vatican. Họ biết Đức Giáo Hoàng bởi vì Đức Giáo Hoàng là Giáo Hoàng và Ngài đã đi nhiều nơi. Họ muốn biết tại sao Đức Giáo Hoàng có các Tòa Đại Sứ và họ thường đến với tôi. Rồi tôi bắt đầu giải thích cho họ, bắt đầu với Chúa Giêsu Kitô. Nếu chúng tôi không bắt đầu từ Người, thì sẽ chẳng giải thích được điều gì cả.
Họ đã rất chăm chú lắng nghe, rất chăm chú. Tôi sẽ nói chuyện trong một giờ, giải thích cho họ nhiều điều từ Chúa Giêsu Kitô cho đến thời nay. Tôi đã giải thích cho họ rất rõ và họ rất chăm chú lắng nghe. Và có biết bao nhiêu câu hỏi tiếp theo sau đó ! Họ đã tỏ ra thích thú biết dường nào ! Không một ai chống lại chúng tôi cả, không một ai ! Nhưng họ đã không biết chúng tôi, bởi vì thông điệp của chúng ta hiếm khi đến được với cái nền văn hóa đó. Phải làm gì đây ? Chúng ta cần phải chấp nhận họ để sống với họ. Tôi đã nói chuyện với Đức Giáo Hoàng về lá thư quan trọng từ thế kỷ thứ nhất vào khoảng năm 100 đến năm 110. Lá thư của Đi-ô-gen. Người Kitô hữu sống như thế nào ? Ai là người Kitô hữu ? Lá thư này được viết vào thời đó, trong thời gian ngay sau thời của các Thánh Tông Đồ.
Chúng ta sống như những người khác : chúng ta mặc giống như những người khác, chúng ta ăn uống giống như những người khác, chúng ta làm việc giống như những người khác, chúng ta đóng thuế giống như những người khác, chúng ta cưới vợ gả chồng giống như những người khác, nhưng chúng ta sống như những người Kitô hữu. Đây là những gì chúng ta cần phải làm : sống với mọi người, không chỉ trích, không lên án, nhưng chúng ta phải sống như những người Kitô hữu, để truyền đạt sự sống của Chúa Giêsu Kitô như Người đã làm, chuyển sự sống ấy cho người khác. Nhưng chúng ta cần phải thay đổi thái độ của chúng ta. Không cần phải thay đổi phương pháp, bởi vì phương pháp không tạo ra đời sống Kitô hữu. Thái độ mới thay đổi đời sống Kitô hữu. Thái độ có nghĩa là điều gì đó ở bên trong thay đổi chúng ta, nhìn mọi người theo cách Chúa Giêsu đã nhìn. Con người cần phải được yêu thương và phục vụ. Chúng ta cần phải sống đời sống nội tâm không có một nỗi sợ hãi trong lòng khi sống hiệp thông với họ. Không sợ hãi, không e ngại, nhưng sống như là người Kitô hữu.
Hỏi : Mặc dù sứ vụ Kinh Lược Sứ Tông Tòa chủ yếu là mục vụ. Đức Tổng Giám Mục Hoser đã có những lời phát biểu tuyệt vời về hiện tượng Mễ Du, về các thị nhân, về lòng sùng kính Đức Mẹ Maria, đặc biệt là sự nhấn mạnh về tính chất quy hướng về Đức Kitô của Mễ Du và việc cử hành các Bí Tích. Đức Cha quen thuộc như thế nào với công việc của người tiền nhiệm Đức Cha là Đức Cố Tổng Giám Mục Hoser ?
Đáp : Tôi chưa bao giờ gặp Ngài. Nhưng tôi hiểu một điều về Ngài : đó là Ngài yêu mến Mễ Du. Đức Tổng Giám Mục Hoser đã yêu mến Mễ Du. Đó là thái độ yêu mến Mễ Du và hạnh phúc khi được sống ở Mễ Du. Đó là điều tôi đã nhận ra. Ngài đã yêu mến Mễ Du và đã mãn nguyện. Ngài đã có lòng sùng kính lớn lao đối với Đức Trinh Nữ Maria – rất lớn – và Ngài đã có lòng yêu mến nhiều dành cho Giáo Hội. Ngài đã ở Rwanda 20 năm, trong thời buổi khó khăn và tôi hiểu rõ Ngài, bởi vì tôi đã ở Burundi trong 5 năm, nơi rất gần với Rwanda và tôi hiểu rõ tình hình. Ngài là bác sĩ nên cũng làm rất tốt lãnh vực này. Ngài làm Giám Mục ở Warsaw. Và sau đó Ngài được cử đến đây khi bằng tuổi tôi. Ngài yêu mến nơi này. Tại Nhà Xứ, tôi đã nói : “Xin giữ lại bức hình của Đức Cha Hoser, hãy giữ lại tấm ảnh đó.” Đó là một câu chuyện, một câu chuyện đẹp về một người đã hiến cuộc sống của mình ở nơi đây và thực tế đã qua đời. Một câu chuyện hay và phải được giữ lại. Bởi vì lịch sự không cần phải bôi xóa, lịch sử không bao giờ được xóa. Tại Nhà Xứ, các Cha Dòng Phan Sinh đã cho tôi thấy biết bao người đã qua đời trong quá khứ, trước đây không quá lâu, họ đã chết như những vị Tử Đạo, rất nhiều người bị giết hại tại vùng này. Tôi đến đây sau khi Đức Cha Hoser làm tốt công việc ở đây trong 3,4,5 năm. Ngài đã làm tốt công việc theo ý nghĩa là Ngài đã hiến cuộc đời mình cho Mễ Du.
Hỏi : Ngay trong năm nay, vào đầu Tháng Tám ở Mễ Du sẽ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ vốn đưa hàng chục ngàn bạn trẻ trên khắp thế giới đến với nhau. Giới trẻ nhấn mạnh rằng họ đặc biệt có ấn tượng đối với lòng sùng kính trước việc Chầu Thánh Thể, Thánh Lễ đồng tế với hơn 500 Linh Mục từ khắp nơi trên thế giới. Trong những năm gần đây, các vị chức sắc của nhà thờ đã ở cùng giới trẻ tại Mễ Du trong Đại Hội Giới Trẻ và gửi các thông điệp của họ đến giới trẻ. Đại Hội Giới Trẻ năm nay cũng vẫn như vậy không, thưa Đức Cha ?
Đáp : Đâynày ! Có những ban tổ chức ở đây đều biết cách thực hiện việc đó như thế nào. Chúng tôi đã nói chuyện về việc gặp gỡ của giới trẻ đó vào Tháng Tám, và đối với tôi, dường như hai năm trước khi xảy ra trận đại dịch cô-vít đã có hơn 50 ngàn bạn trẻ tham gia suốt tuần lễ. Chúng tôi luôn tự hỏi : Tại sao họ đến ? Họ cầu nguyện, nhiều người ăn chay, lắng nghe những bài thuyết trình, tham dự Chầu Thánh Thể ngày và đêm. Tại sao điều này xảy ra ? Đây là những bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới. Tại sao điều này xảy ra ? Tại sao giới trẻ lại đến đây ? Họ mong đợi được đáp ứng điều gì ? Chúa Giêsu, chẳng nghi ngờ gì ! Và Đức Mẹ Maria, chẳng nghi ngờ gì nữa cả !
Còn chúng ta, làm thế nào chúng ta có thể làm việc với Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria để giúp đỡ giới trẻ gặp được Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria đây ? Cha Sở họ Ars (Thánh Gioan Vi-a-nây) hiểu được một thực tại sâu xa này : hàng ngàn người đến Tòa Giải Tội của Ngài, Ngài đã ngồi giải tội trong 15, 18 giờ một ngày và luôn làm tốt công việc này, một cách điềm tĩnh, thanh thản, lắng nghe mọi người và lắng nghe mọi sự, Ngài ân cần đón nhận tất cả những điều ấy. Ngài nhận ra Đấng đã kếu gọi tất cả những người ấy không phải là Ngài, mà chính là Chúa Giêsu Kitô. Mà Ngài chỉ là phương tiện để tất cả những người ấy gặp gỡ Chúa Giêsu. Vì thế, có Chúa Giêsu, thì tất cả những người ấy và Ngài chỉ là một công cụ. Ngài nhận ra rằng mình tài sản đáng giá, một tài sản rất có giá trị, cả về đàng thiêng liêng lẫn con người. Ngài luôn tiếp nhận mọi người một cách ân cần tử tế. Chúng ta cũng phải làm như thế. Ai mời gọi những bạn trẻ này ? Không phải chúng ta. Ai đang kêu gọi họ ? Đó là Chúa Giêsu đang dùng Đức Mẹ Maria, điều này rất quan trọng. Còn chúng ta là gì ? Chúng ta là những công cụ. Chúng ta phải khả năng mở lòng ra, chấp nhận, vui vẻ. Bằng cách đó chúng ta là những phương tiện hữu dụng và có giá trị để người khác gặp được Chúa Giêsu.
Hỏi : Bây giờ Đức Cha đã đến Mễ Du đây, vậy Đức Cha có những kế hoạch nào và những động thái đầu tiên của Đức Cha là gì ?
Đáp : Này nhé ! Thật đơn giản thôi ! Tôi cũng chẳng mong đợi gì được phái đến nơi đây đâu. Nếu tôi được Chúa, Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng, Giáo Hội được cắt cử đến, tức phải có lý do, nhưng tôi không biết lý do ấy là gì. Việc đầu tiên là phải cộng tác, phải hợp tác. Phải cộng tác với các Cha Dòng Phan Sinh đang ở đây và đang chăm chỉ làm việc; phải cộng tác với Đức Giám Mục giáo phận Mostar là Giám Mục của toàn bộ địa phận này của Giáo Hội; phải cộng tác với các giáo dân đang có những sinh hoạt tốt đẹp ở đây; nói chung là phải hợp tác. Đó là điều thứ nhất tôi phải thực hiện. Nhưng cộng tác có nghĩa là làm việc cùng nhau, nên tôi cần phải làm việc cùng với họ. Bởi vì cùng với nhau, có đoàn kết thì mới có thể làm được nhiều và làm được tốt công việc. Đó là việc đầu tiên tôi sẽ làm. Hơn nữa, phải cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện. Bởi vì chúng ta chẳng có gì ở bên trong nếu không cầu nguyện, chúng ta rỗng tuếch. Cha tôi, một người nghèo khổ chỉ biết đọc biết viết, chưa hề nói với tôi điều gì. Nhưng khi tôi trở thành Linh Mục, ông đã nói với tôi : “Con có biết tại sao ngày nay các Linh Mục không tốt lành vậy không ? Bởi vì các Cha không cầu nguyện !” Tôi nhận ra điều gì đó trong sự khiêm tốn và nghèo khó của cha tôi : sức mạnh của chúng ta là cầu nguyện. Đối với tôi, như đã nói, chỉ dại diện cho Chúa Giêsu, còn điểm cơ bản của chúng tôi, nền tảng của chúng tôi là Chúa Giêsu. Không cầu nguyện thì chúng tôi trở nên rỗng tuếch. Vì thế, phải cầu nguyện, và sau đó là làm những việc cần phải làm, không e ngại bất cứ điều gì.
Phóng viên : Kính Thưa Đức Tổng Giám Mục, xin cảm ơn Đức Tổng rất nhiều vì buổi phỏng vấn hôm nay và vì tất cả mọi thông điệp mà Đức Tổng đã gửi đến khán thính giả của đài chúng con. Con chân thành hy vọng rằng đây sẽ là sự khởi đầu việc cộng tác tốt đẹp với Đức Tổng ngay khi Đức Tổng đến Mễ Du. Ước gì các lời cầu nguyện của giáo dân trong giáo xứ và của khách hành hương sẽ là sức mạnh của Đức Tổng.
Đức Cha Cavalli : Cảm ơn bạn, cảm ơn các bạn rất nhiều. Cảm ơn tất cả các bạn, cảm ơn các bạn vì những gì các bạn đang làm cho toàn thể thế giới. Các bạn đã vươn đến được rất nhiều người mà chúng tôi không thể vươn tới được, nhưng các bạn đã làm được điều này bằng cách dùng các phương tiện truyền thông này. Nhiều người đang lắng nghe các bạn. Cảm ơn các bạn rất nhiều, xin cảm ơn về khả năng của các bạn, bởi vì dường như đối với tôi thì các bạn đang làm một công việc tốt đẹp. Điều tôi đang thấy là các bạn làm việc rất chuyên nghiệp, và đó là cách nên làm. Cảm ơn các bạn và nguyện xin Chúa, Đức Mẹ Maria chúc phúc cho các bạn. Cảm ơn.
(Jn. M. Mai Thy Sơn dịch theo Medjugorje.hr)