News Filters

CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN B LỄ TRUYỀN GIÁO *** Linh mục Đa minh Đinh Văn Vãng (Đan Vinh)

18 Tháng Mười 2021

CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN B LỄ TRUYỀN GIÁO

Xh 22,20-26; 1 Tx 1,5c-10; Mc 16,15-20

THI HÀNH SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY

I.- HỌC LỜI CHÚA

1.- TIN MỪNG: Mc 16,15-20

(15) Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi lòai thọ tạo. (16) Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ. Còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. (17) Đây là những dấu lạ sẽ di theo những ai có lòng tin: Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. (18) Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhầm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe. (19) Nói xong Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. (20) Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

2.- Ý CHÍNH:

Trước khi về trời, Đức Giê-su đã truyền cho các môn đệ tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Trời khắp thế gian. ai tin và chịu phép rửa thì sẽ nên dưỡng tử của Thiên Chúa và được hưởng ơn cứu độ. Còn kẻ không tin là đã tự loại mình ra khỏi Nước Trời và sẽ bị kết án. Cuối cùng Đức Giê-su còn hứa ban cho các ông quyền làm nhiều phép lạ. Các môn đệ đã vâng lời Thầy đi khắp nơi loan báo Tin Mừng.

3.- CHÚ THÍCH: 

- C 15-16: + Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ: Trong thời gian 3 năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su chỉ được sai đến cùng các con chiên lạc của nhà Ít-ra-en. nhưng sau khi phục sinh, Người đã trao cho các Tông đồ sứ mạng truyền giáo phổ quát là đến với muôn dân + Loan báo Tin Mừng: theo Hy ngữ, Tin Mừng ( Euaggelion) là một “Tin Vui, Tin Mừng”. Có thể hiểu Tin Mừng Đức Giê-su theo hai nghĩa: Một là chính “Tin Mừng được Đức Giê-su công bố”. Hai là “Tin Mừng về Đức Giê-su”, Đấng ban ơn cứu độ nhờ mầu nhiệm chết và sống lại của Người. + cho mọi loài thọ tạo: Nghĩa là mọi dân mọi nước (x. Mt 28,19). + Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ: Tin là mở lòng đón nhận Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa. Chịu phép rửa là nhận ơn tha tội và ơn tái sinh để nên người mới, nên dưỡng tử của Thiên Chúa để được sống đời đời.+ còn ai không tin thì sẽ bị kết án: Thực ra, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ (x Ga 3,17). Còn những kẻ không tin thì đã bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa. Họ giống như cành nho bị tách lìa khỏi thân cây là Đức Giê-su, nên sẽ bị khô héo và bị quăng vào lửa đời đời (x. Ga 15,5-6). + Riêng những người không tin Đức Giê-su nhưng không phải do lỗi của họ thì có được Chúa ban ơn cứu độ không?: Những ai tuy không biết Đức Ki-tô, nhưng theo lương tâm ăn ở ngay lành, thì Chúa sẽ lo liệu cho họ có đủ phương tiện cần thiết để được rỗi linh hồn. Chỉ những kẻ cố tình làm tay sai cho ma quỷ, ra tay làm điều gian ác và không chịu hồi tâm sám hối thì chắc sẽ bị sa vào hỏa ngục. Vì hỏa ngục được lập ra “dành cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41).

- C 17-18: + Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: Ngay trong thời gian giảng đạo, khi sai các Tông đồ đi thực tập truyền giáo, Đức Giê-su đã ban cho các ông quyền trên các thần ô uế để các ông xua trừ chúng và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền trong dân (x. Mt 10,1-5). Giờ đây trước khi về trời, Đức Giê-su lại trao quyền làm các dấu lạ cho các ông. + Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe: Khi viết Tin Mừng (khoảng năm 65), thánh Mác-cô đã nghe biết các phép lạ do các Tông đồ thực hiện. Chẳng hạn: vào lễ Ngũ Tuần, các ông đã được đầy ơn Thánh Thần, bắt đầu nói các thứ tiếng khác lạ (x. Cv 2,4). Thánh Thần cũng ngự xuống trên gia đình Co-nê-li-ô và cho họ nói các thứ tiếng lạ (x. Cv 10,44-46). Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân nhờ bàn tay của các Tông đồ (x. Cv 5,12). Ông Phê-rô đặt tay trên bệnh nhân hoặc chỉ cần bóng của ông phớt qua đã đủ để họ được lành bệnh, và thần ô uế cũng phải xuất ra (x. Cv 5,15-16). còn Tông đồ Phao-lô thì chữa lành một người bị bại chân tại Ly-tra (x. Cv 14,8-10); Tại đảo Man-ta, Phao-lô đã bị rắn độc bám vào tay mà không hề hấn gì (x. Cv 28,1-6); Ông cũng đã cầu nguyện và đặt tay chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 28,8-9); Ngay cả chiếc áo ông mặc qua cũng có năng lực làm cho cơn bệnh biến đi và tà thần phải xuất ra (x. Cv 19,11; 20,9-12).

- C 19-20: + Chúa Giê-su được rước lên trời: Như Ê-li-a thời Cựu Ước đã “lên trời trong cơn gió lốc”(2 V 2,11), thì thân xác Đức Giê-su cũng được rước lên trời trên các tầng mây, và từ nay Người không còn lệ thuộc vào không gian thời gian như khi còn sống nữa. + và ngự bên hữu Thiên Chúa: Đức Giê-su đã được Chúa Cha tôn vinh, được vào trong vinh quang của Chúa Cha, với quyền cai trị vũ trụ (x. Mt 28,18; Ep 1,21-22). + ra đi rao giảng khắp nơi: các Tông đồ đã vâng lời Chúa Giê-su, đi rao giảng Tin mừng, làm chứng cho Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8). + có Chúa cùng hoạt động với các ông...: Từ đây, Chúa Ki-tô sẽ luôn hiện diện trong Hội thánh (x Mt 28,20). Người ban Thánh Thần để Hội thánh tha tội cho người ta như Người đã làm (x Ga 20,21-22). Người cũng hứa ban cho Hội thánh làm được những việc lớn lao hơn Người nữa, đó là đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc với quyền năng Thánh Thần giúp sức (x Ga 14,12).

4.- CÂU HỎI:

1) Mầu nhiệm Phục sinh có tầm quan trọng thế nào đối với sứ mệnh được sai đi? Các Tông đồ được Đức Giê-su sai đến với những ai?

2) Tin Mừng Đức Giê-su có những ý nghĩa nào?

3) Phải có những điều kiện nào để được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su?

4) Những ai chắc chắn sẽ bị sa vào hỏa ngục? Những người chưa có đức Tin, nhưng theo lương tâm ăn ở ngay lành có được hưởng ơn cứu độ không?

5) Trong thời gian giảng đạo, khi sai môn đệ đi thực tập truyền giáo, Đức Giê-su đã ban cho các ông những quyền gì?

6) Trước khi về trời, Đức Giê-su trao sứ mệnh loan Tin mừng cho các Tông đồ kèm theo những dấu lạ nào?

7) Lời Chúa phán về các dấu lạ kèm theo Lời rao giảng của các Tông đồ đã ứng nghiệm như thế nào trong thời Giáo Hội sơ khai?

8) Thời Cựu Ước, Ngôn sứ nào được rước lên trời? Thời Tân Ước hai nhân vật nào cũng được lên trời? Chúa Giê-su thăng thiên khác với việc mông triệu của Đức MA-RI-A thế nào?

9) Người lương dân luôn ăn ngay ở lành mà chết, có được hưởng ơn cứu độ của Chúa Giê-su không?

10) So sánh Lời Chúa Giê-su truyền cho các Tông đồ trước khi lên trời là “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ...”(x Mt 28,19) và “Hãy nên chứng nhân của Thầy...” (x Cv 1,8) giống và khác nhau thế nào?

11) Sau khi lên trời, Chúa Giê-su còn hiện diện trong Hội thánh nữa không?

12) Từ đây, Chúa Thánh Thần được ban cho Hội thánh để làm gì?

 

II.- SỐNG LỜI CHÚA

1.- LỜI CHÚA: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

2.- CÂU CHUYỆN:

1) LỐI SỐNG PHẢN CHỨNG LÀ RÀO CẢN NGƯỜI LƯƠNG ĐẾN VỚI CHÚA:

Ngày nọ một người Tin lành bước vào một nhà thờ công giáo tìm hiểu cụ thể về đạo. Rủi thay, hôm đó ông chứng kiến cảnh tượng không mấy tốt đẹp: Một số người dự lễ thiếu nghiêm túc, nói chuyện với nhau và nhìn ngó loanh quanh. Ông ta cảm thấy bất bình và sau đó đã từ chối theo đạo với lý do: “Các người Công giáo không tin ở thánh lễ. Họ không tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su Thánh Thể thì làm sao tôi có thể tin được”.

Câu chuyện trên đây cho thấy: Nhiều khi những việc làm, lời nói vô tình hay cố ý của người tín hữu chúng ta đã thành rào cản, ngăn người khác đến với Chúa và Giáo hội.

2) VIÊN NHẠC SĨ VÀ CHIẾC VĨ CẦM QUÍ GIÁ:

PHÍT KÂY-DƠ-LÊ (fritz kreisler) (1875-1962) là một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng khắp thế giới. Ông đã tạo được một tài sản đồ sộ nhờ các buổi hòa nhạc và soạn nhạc, nhưng lại hào phóng cho đi gần hết những của cải kiếm được. Do đó, trong một chuyến đi lưu diễn, ông phát hiện ra một cây vĩ cầm rất đẹp và âm thanh của nó nghe thật tuyệt vời, nhưng ông lại không có đủ tiền để mua ngay. Sau một thời gian để dành, khi ông mang tiền đến mua thì cây vĩ cầm kia đã được bán cho một nhà sưu tầm nhạc cụ. Phít theo địa chỉ tìm đến chủ nhân mới của cây vĩ cầm để xin được mua lại. Nhà sưu tầm lúc đầu không muốn bán, vì theo ông ta cây đàn này là một bảo vật quí giá. Phít cảm thấy chán nản thất vọng. Tuy nhiên trước khi ra về, ông nảy ra sáng kiến và nói với người chủ mới của cây đàn như sau: “Tôi xin phép được chơi một bài trước khi cây đàn này bị rơi vào cỏi thinh lặng”. Được chủ nhân đồng ý, viên nhạc sĩ tài ba này đã làm cho ông chủ cây đàn vô cùng xúc động khi nghe được tiếng đàn du dương réo rắt của nó qua bàn tay tài hoa của nhạc sĩ, đến nỗi ông ta đã phải thốt lên: “Này Kây-dơ-lê ơi! Tôi không có quyền giữ cây đàn này. Nó thuộc về ông. Ông hãy đem nó đi khắp thế giới, để thiên hạ được thưởng thức âm thanh tuyệt vời của nó”.

Loan báo Tin Mừng là sứ vụ được Chúa Giê-su trước khi lên trời trao cho Hội Thánh, trong đó bao gồm các vị chủ chăn và mọi người tín hữu. Khi đã có đức tin, chúng ta không có quyền im lặng, nhưng phải loan báo cho mọi người tin theo Chúa với hết khả năng sức lực của mình.

3) TRUYỀN GIÁO BẰNG SỰ HY SINH QUÊN MÌNH PHỤC VỤ:

Một du khách Mỹ theo đạo Tin Lành đi du lịch qua nước An-giê-ri và đến thăm một nhà thương chuyên chữa bệnh phong cùi.

Thấy một nữ tu công giáo người Mỹ đang làm việc tại nhà thương nầy, ông quay sang nói với ông  bạn đi chung như sau:

- “Được trả lương một vạn đô-la cho mỗi năm làm việc tại đây, tôi cũng không ham !”

Nữ tu nghe được liền nói với ông ta:

- “Ông nói đúng. Có trả cho tôi lương mười vạn đô-la mỗi năm, tôi cũng không làm.”

- “Thế thì sơ đòi lương bao nhiêu? ”

- “Thưa ông, tôi không đòi gì cả!”

- “Vậy tại sao sơ lại có mặt ở đây để phục vụ những bệnh nhân cùi hủi đáng ghê tởm này?”

Vị nữ tu liền cầm lấy cây Thánh Giá trước ngực mình giơ lên và nói:

- “Ông có thấy Chúa Giê-su chịu đóng đinh này không? Sở dĩ tôi có mặt ở đây là do yêu mến Người. Trong các vết thương của những người cùi đáng thương nầy, tôi đều nhìn thấy các vết thương của Chúa Giêsu đã phải chịu xưa trên thánh giá. Sở dĩ tôi làm được công việc nầy, là nhờ mỗi ngày tôi đều kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu; nếu không, tôi sẽ không thể làm nổi những công việc ghê tởm ở đây, dù chỉ một ngày !” (Nguồn vietcatholic.net).

4) TRUYỀN GIÁO BẰNG PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG:

Năm 1939, tại Nữu Ước, một tối kia, cha Hall nghe một cú điện thoại. Lạ thay, người đang nói với cha là một người cha chưa quen biết. Ông nói ông đang có chuyện buồn trong gia đình và muốn được tâm sự.

Cho rằng ông ta đã quay lầm số, cha Hall định xin lỗi ông và gác máy. Nhưng được ơn Chúa soi sáng, cha đã cầm lấy cây Thánh Giá trên bàn viết của cha và dịu dàng nói tiếp với người đàn ông kia: " Xin ông cứ việc nói, tôi xin lắng nghe đây”.

Sau một tiếng đồng hồ tâm sự, ông khóc nức nở và cám ơn cha Hall rối rít.

Và từ đó, một cách truyền giáo mới bắt đầu: truyền giáo bằng điện thoại. Mỗi tuần, cha Hall được người ta gọi đến hỏi han tới ba ngàn lần!

Cha Hall đã được Giáo Quyền cho phép truyền giáo bằng việc tư vấn lắng nghe điện thoại để nói Lời Chúa với những ai cần được an ủi, hướng dẫn họ qua phương tiện truyền thông đại chúng nầy.

Ngày nay các bạn trẻ công giáo còn có thể loan báo Tin Mừng qua facebook. Có thể tải lên những câu chuyện ngắn hay và có ý nghĩa tìm thấy trên mạng, những bài thơ nội dung súc tích, những lời bình luận với cái nhìn đức tin dựa vào Lời Chúa về những vấn đề thiết thực giữa đời thường…

5) TRUYỀN GIÁO BẰNG GƯƠNG SÁNG PHỤC VỤ:

Chuyện kể rằng, trong một chuyến lên Đà-lạt, xe của Đức Cha Phao-lô Seitz (tên Việt là Đức Cha Kim), đang leo đèo Prenn thì gặp một đôi vợ chồng đang loay hoay với chiếc xe của họ bị trục trặc máy móc thế nào đó mà không chạy được. Đêm đã xuống. Trời tối om, không ai nhận ra ai. Đức Cha xuống xe, và khi đã hiểu cớ sự, ngài đã không nói không rằng, chui xuống gầm chiếc xe của hai vợ chồng, dùng đèn pin tìm chỗ trục trặc, và ít phút sau đã khắc phục được sự cố. Hai vợ chồng vui mừng và rối rít cám ơn vị ân nhân lạ mặt của mình. Khi họ hỏi ngài là ai, thì ngài trao cho họ một tấm danh thiếp rồi chào từ giã họ. Người chồng mở đèn trên xe và đọc:  +Paul Seitz, Tòa giám mục Kontum.

Ngưỡng mộ tấm lòng bác ái thật sống động của một chức sắc cao trong đạo, hai người và các con của họ đã đến xin theo đạo. Người chồng là bác sĩ Khiêm mà ai đã sống lâu năm ở Đà-lạt đều biết.

3.- THẢO LUẬN:

1) Thánh Tê-rê-xa nhỏ đã được tôn phong làm tiến sĩ Hội thánh. Bạn nghĩ gì về kiểu truyền giáo bằng cầu nguyện và hy sinh của chị? Bây giờ lối truyền giáo này có còn hợp thời không?

2) Mẹ Tê-rê-xa Can-quýt-ta đã hiến cả đời mình cho người cùng khổ, bệnh tật,... Bạn nghĩ phương cách đó có lay động trái tim của con người hôm nay không?

4.- SUY NIỆM:

1) TẠI SAO PHẢI TRUYỀN GIÁO?:

Có người lên tiếng chỉ trích công việc truyền giáo của Hội thánh Công giáo. Theo họ: “Đạo nào cũng tốt vì đạo nào cũng dạy người ta phải ăn ngay ở lành và đều bắt nguồn từ Trời, nên cần chi phải rao giảng về đạo Công giáo cho ngừoi ta? Tốt hơn là cứ khuyên họ hãy sống thật tốt theo đúng tôn chỉ của đạo giáo mà họ đang theo”.

- Thực ra, nếu xét về mặt luân lý tự nhiên thì xem ra mọi tôn giáo đều tốt và đều dạy người ta hướng thượng, ăn ngay ở lành, giữ đức công bình và sống từ bi nhân ái. Nhưng về mặt tín lý, giáo lý của các tôn giáo khác so với Ki-tô giáo chỉ là thứ chân lý chủ quan, hàm chứa nhiều sai lạc và làm méo mó hình ảnh của Thiên Chúa. Do đó, nói chung các tôn giáo không có giá trị ngang nhau về tín lý và luân lý.

- Ta có thể ví chân lý của các tôn giáo khác giống như ánh sáng lờ mờ của cây đèn dầu, và có tôn giáo lại còn đi đến chỗ lầm lạc khi dạy thờ lạy thần minh là người phàm hay thú vật để được chúng ban ơn… Còn chân lý của Ki-tô giáo do phát xuất từ Đức Giê-su là Con Thiên Chúa làm người nên đáng tin. Đức Giê-su đã khẳng định: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. ... Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Ki-tô giáo ví như ánh sáng chói chan của mặt trời chính ngọ, giúp các tín hữu nhận biết, tôn thờ yêu mến một Thiên Chúa tòan năng chân thật, nhờ đó, họ sẽ nhận được hạnh phúc và sự sống đời đời như công đồng Va-ti-ca-nô II đã khẳng định: “Tất cả những gì tốt lành chân thật trong các tôn giáo chỉ có giá trị như để chuẩn bị cho họ lãnh nhận Tin Mừng, và như một hồng ân mà Đấng soi sáng mọi người ban cho, để cuối cùng họ sẽ được sống đời đời” (LG số 16).

2) VỀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO CỦA HỘI THÁNH:

- Đức Giê-su đã trao sứ vụ truyền giáo cho các môn đệ trước khi lên trời “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Người cũng dạy môn đệ hãy làm chứng nhân cho Người: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri-a và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Như vậy sứ mạng loan Tin Mừng là một nhiệm vụ phải làm chứ không phải là việc tự do theo sở thích như tông đồ Phao-lô đã khẳng định: "Đối với tôi rao giảng Tin mừng không phải là lý do để tự hào, nhưng là một sự cần thiết buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng." (1 Cr 9,16).

-  Truyền giáo cụ thể là truyền điều gì?:

Truyền giáo không phải chỉ là rao giảng một số chân lý về Chúa Giê-su, nhưng là truyền đức tin mà chính mình đã nhận được sau khi gặp Chúa, cho những người chưa biết Chúa để họ cũng tin thờ Chúa như mình, giống như An-rê sau khi tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, đã giới thiệu Người cho em là Si-mon (x. Ga 1,40-42). Hoặc như Phi-lip-phê sau khi gặp và tin Đức Giê-su đã dẫn bạn là Na-tha-na-en đến gặp Người (x. Ga 1,45-51). Truyền giáo bằng cách truyền lòng tin yêu Chúa như thế sẽ có sức lay động lòng người hơn là chỉ trình bày giáo lý cho người chưa tin.

3) THỰC TRẠNG VIỆC TRUYỀN GIÁO HIỆN NAY:

- Công cuộc truyền giáo trên thế giới và tại Việt Nam còn nhiều giới hạn:

Suốt hai ngàn năm qua, Giáo Hội luôn nỗ lực truyền giáo, đã có tiến bộ nhiều: từ con số Mười Hai tông đồ, lớn dần tới hơn một tỉ người. Tuy nhiên, so với số dân thế giới thì con số đó chỉ khoảng 17%. Đặc biệt ở Việt Nam chúng ta, số giáo dân chỉ gần 8% dân số toàn quốc. Thế mà số người trở lại hàng năm thật ít ỏi. Theo niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam năm 2015 cho biết: Năm 2013 cả Giáo hội Viêt Nam với 6 606 495 giáo dân, với 29 152 Giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh mà chỉ có 41 395 người lớn trở lại đạo. Đó là chưa nói đến những người công giáo bỏ đạo theo các tôn giáo khác. Hơn nữa, phần lớn những người tân tòng chỉ để lấy vợ lấy chồng công giáo.

- Một số hàng rào cản bước đường người lương đến với Chúa:

Trong lịch sử hơn hai ngàn năm qua của Hội Thánh đã có những lầm lỗi của con cái Hội Thánh: Từ vụ án xét xử bất công nhà bác học Galileo Galilei, tới những nhóm người bị Tòa Dị Giáo kết tội, các người Hồi Giáo bị Thập Tự Quân sát hại và các người Châu Phi bị bắt làm nô lệ với sự góp tay của viên chức Giáo Hội. Các cuộc ly giáo chia rẽ Hội Thánh với Chính thống giáo, Tin Lành giáo, Anh giáo…

Trong thực trạng Hội Thánh Việt nam hiện nay chưa sống đức tin: Nhiều gia đình Công giáo thường xuyên bất hoà, anh em xâu xé nhau, vợ chồng không chung thuỷ,nạn phá thai, ly dị, … Một số người Công giáo đã hành xử bất công, rượu chè say sưa, cờ bạc đề đóm, chửi lộn đánh nhau, quyết ăn thua đủ với nhau… Đã có những người chồng người vợ tân tòng bỏ đạo vì gặp phải chồng vợ công giáo không nêu gương sống đạo.

4) PHẢI CHU TOÀN SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO HÔM NAY THẾ NÀO ?:

- Bằng việc củng cố đức tin:  

Để chu toàn sứ mạng thông truyền đức tin cho người khác, trước hết chúng ta cần củng cố đức tin của mình vào Đức Giê-su, bằng việc năng đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày dưới ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2013 đã kêu gọi các thành phần Dân Chúa, nhất là các linh mục, hãy nhiệt thành cộng tác để đổi mới phương cách loan báo Tin Mừng cho phù hợp với thời đại hiện nay. Nhờ canh tân đời sống và đổi mới nếp sống đạo, hy vọng sẽ đem lại cho Hội thánh Việt Nam một mùa lúa chín dồi dào. Cụ thể, các vị chủ chăn muốn mỗi người tín hữu chúng ta hãy dành thời giờ và tâm huyết cho việc “Phúc-Âm-hóa gia đình”, tức là liệu sao cho việc học giáo lý hôn nhân nghiêm túc hơn, và tổ chức thường xuyên giờ Kinh Tối gia đình theo hướng canh tân, thêm phần suy niệm Lời Chúa.

- Bằng việc chủ động “đi bước trước” đến với lương dân:

Chủ động làm quen với người lương chưa nhận biết Chúa, theo cách Đức Giê-su đã làm khi mở lời xin nước uống với người phụ nữ Sa-ma-ri để làm quen, rồi sau đó từng bước trình bày cho chị biết về Nước Hằng Sống (x. Ga 4,7-10).

Cụ thể, trong những ngày này, mỗi tín hữu sẽ noi gương Mẹ Tê-rê-xa Can-quýt-ta chủ động kết thân với một người lương, coi họ như anh chị em trong gia đình ruột thịt để quan tâm và giúp đỡ họ. Mỗi gia đình công giáo hãy kết thân với một gia đình lương dân, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với họ: Khi có kỵ giỗ, cưới xin hay lễ lạc, hai bên nên mời nhau đến chia sẻ tình hiệp thông để thắt chặt mối giây thân ái. Nhờ đó, Tin Mừng sẽ ngày một lan truyền giống như ánh nến Phục Sinh được lan truyền từ người này sang người bên cạnh trong thánh lễ đêm Vọng Phục Sinh.

- Bằng việc chia sẻ tình thương cụ thể:

Mẹ Tê-rê-xa Can-quýt-ta đã nêu gương truyền giáo bằng việc năng cầu nguyện và chia sẻ ngọn lửa yêu thương cho tha nhân. Mẹ không giảng Tin Mừng bằng lời nói, nhưng bằng tình yêu kèm theo cử chỉ thân ái với những người nghèo đói bệnh tật và bị bỏ rơi. Mẹ cũng không chủ trương yêu người chung chung, nhưng là yêu từng người cụ thể gặp trong cuộc sống. Với tâm tình này, Mẹ Tê-rê-xa đã nhận được sự cảm phục của rất nhiều người trên thế giới. Cũng bằng phương thức cụ thể nầy, Giáo hội công giáo Hàn Quốc đã gia tăng gấp đôi số tín hữu chỉ trong mười năm!

5.- NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giê-su, Tình Yêu của con, nếu Hội thánh được ví như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội thánh không thể thiếu một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất là trái tim, một trái tim bừng cháy tình yêu. Chính tình yêu làm cho Hội thánh hoạt động. Nếu trái tim Hội thánh vắng bóng tình yêu, thì các Tông đồ sẽ ngừng rao giảng, các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình... Lạy Chúa Giê-su, cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con chính là tình yêu. Con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong Hội thánh: nơi Trái Tim Hội thánh, con sẽ là tình yêu, và như thế con sẽ là tất cả. Vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội thánh. Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con, mọi ước mơ của con sẽ được thực hiện (Theo thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su).

  1. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM

back to top
Filters