HIỆP SỐNG TIN MỪNG LỄ SINH NHẬT THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ *** Linh mục Đa minh Đinh Văn Vãng (Đan Vinh)
22 Tháng Sáu 2022
HIỆP SỐNG TIN MỪNG LỄ SINH NHẬT THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ
Is 49,1-6 ; Cv 13,22-26 ; Lc 1,57-66.80
GIO-AN THI HÀNH SỨ VỤ LÀM TIỀN SỨ CỦA ĐỨC KI-TÔ
I.- HỌC LỜI CHÚA
1.- TIN MỪNG : Lc 1,57-66.80
(57) Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. (58) Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. (59) Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép Cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. (60) Nhưng bà mẹ lên tiếng nói : “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an. (61) Họ bảo bà : “Trong họ hàng của bà, chẳng có ai có tên như vậy cả”. (62) Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì ? (63) Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết : “Tên cháu là Gio-an”. Ai nấy đều rất bỡ ngỡ. (64) Ngay lúc ấy, miệng lưỡi của ông lại mở ra. Ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa. (65) Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. (66) Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi : “Đứa trẻ này rồi sẽ ra thế nào đây ?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em. (80) Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.
2.- Ý CHÍNH :
Bài Tin mừng hôm nay tập trung vào lễ nghi Cắt bì và Đặt tên con trẻ Gio-an. Khi được chứng kiến những sự lạ lùng, nhất là sự kiện Da-ca-ri-a được khỏi bệnh câm, mọi người đều bỡ ngỡ và thắc mắc về sứ mệnh của em nhỏ sau này. Về sau Gio-an đã vào sống trong hoang địa cho đến khi ra vùng sông Gio-đan thi hành sứ mệnh tiền sứ: giúp dân Ít-ra-en chuẩn bị đón Đấng Thiên Sai là Đức Giê-su.
3.- CHÚ THÍCH :
- C 57-58 : + Láng giềng và thân thích đều chia vui với bà : Bài tường thuật tập trung vào việc mặc khải diệu kỳ của tên Gio-an và biến cố cắt bì và đặt tên. Bà con láng giềng tụ tập lại trong sự chia sẻ niềm vui với đôi vợ chồng già. Nhờ đó tiếng đồn về sự cố lạ lùng nơi con trẻ lại càng lan rộng.
- C 59 : + Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép Cắt bì : Tám ngày là thời gian Luật định để làm phép cắt bì (x St 17,12; Lv 12,3; Pl 3,5). Cắt bì là một nghi lễ có từ lâu đời trong đạo Do thái, do lệnh Thiên Chúa truyền (x Gs 5,2). Đây còn là một dấu chỉ hữu hình của Giao ước giữa Thiên Chúa với dân Do thái mà mọi bé trai đều phải mang trên da thịt mình (x Xh 4,26). Tuy nhiên, Ngôn sứ Giê-rê-mi-a lại cho thấy cắt bì trong tâm hồn mới là điều quan trọng (x Gr 9,24; 4,4). Cũng như Gio-an, Đức Giê-su sau đó cũng đã chịu nghi lễ Cắt bì và được đặt tên là Giê-su (x Lc 2,21).
+ Về sau, trong thời Giáo hội sơ khai : Theo đề nghị của thánh Phao-lô, để các Ki-tô hữu gốc lương dân khỏi phải chịu đựng cái ách nặng nề của Luật Mô-sê mà họ không chu tòan được (x Gl 6,12.15), thì Công đồng Giê-ru-sa-lem năm 49 đã quyết định như sau : không buộc lương dân mới gia nhập đạo chịu phép cắt bì của đạo Do thái trước khi được lãnh bí tích rửa tội (x. Cv 15,5-6.10-11.28-29), mà chỉ đòi họ có một đức tin hành động nhờ đức ái trong Chúa Ki-tô là đủ (x. Gl 5,6).
+ Và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em : Người ta thường lấy tên ông nội hay một người thân trong họ hàng mà đặt cho cháu. Ở đây người ta lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho con trẻ.
-C 63 : + Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết : “Tên cháu là Gio-an” : Hai ông bà đã thống nhất chọn tên Gio-an cho con, đúng như sứ thần đã truyền cho Gia-ca-ri-a khi truyền tin cho ông trong Đền thờ (x Lc 1,13). + Ai nấy đều rất bỡ ngỡ : Phải chăng sự thống nhất ý kiến của hai ông bà về việc đặt tên khác thường cũng là một dấu lạ khiến mọi người ngạc nhiên.
-C 65-66 : + Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ : Trong Kinh Thánh, chữ “tâm” hay “lòng”chỉ nơi phát xuất ra tư tưởng, tình cảm, hòai niệm, quyết định và ước muốn của con người giống như Đức Ma-ri-a “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x Lc 2,19). Ở đây để tâm nghĩa là ra sức tìm hiểu ý nghĩa của lời sấm hay sự việc xảy ra. + Có bàn tay Chúa phù hộ em : Kiểu nói “bàn tay Chúa” mô phỏng Cựu ước, cho thấy Thiên Chúa bảo vệ những ai tin cậy vào Người, mà Gio-an là một trong số đó (x Tv 80,18).
- CÂU HỎI :
1) Tại sao bà Ê-li-sa-bét không đồng ý đặt tên cho con trẻ là Da-ca-ri-a nhưng là Gio-an ? 2) Hãy cho biết những sự lạ đã xảy ra trong nghi lễ cắt bì và đặt tên của Gio-an Tẩy giả ? 3) Cắt bì là gì ? Những ai được chịu phép cắt bì ? Mục đích của phép cắt bì ra sao ? 4) Tại sao ngày nay khi theo đạo công giáo, lương dân không phải chịu phép cắt bì trước khi chịu phép rửa tội để gia nhập vào Hội thánh ?
II.- SỐNG LỜI CHÚA
1.- LỜI CHÚA : “Đức Ki-tô phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30).
2.- CÂU CHUYỆN :
1) CUỘC ĐỜI CỦA GIO-AN TIỀN SỨ :
Gio-an là vị tiền hô của Chúa Giê-su (x.Mt 3,3). Gio-an là con của ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. Cả hai thuộc dòng tộc tư tế. Bà Ê-li-sa-bét là chị họ của Đức Ma-ri-a, nên Gio-an là anh bà con của Đức Giê-su. Cha mẹ của Gio-an sống ở miền núi xứ Giu-đê (x.Lc 1,39). Từ nhỏ, Gio-an đã sống cuộc đời ẩn tu khổ hạnh trong sa mạc. Đến năm thứ 15 thời Hoàng đế Ti-bê-ri-a, Gio-an mới xuất hiện tại vùng hoang địa miền Giu-đê cạnh sông Gio-đan để rao giảng và làm phép rửa sám hối cầu ơn tha tội (x.Mt 3,1). Phép rửa của ông là một nghi lễ thống hối kèm theo sự xưng thú tội lỗi (x. Mt 3,6). Gio-an nhìn nhận Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai khi ông giới thiệu Người với các môn đệ của ông : “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29). Có lần Đức Giê-su gọi Gio-an là Ê-li-a khác, là người lớn nhất trong Cựu ước, là tiên tri loan báo Nước Trời (x.Mt 11,2 –19; Lc 7,18-33).
Cuộc đời của Gio-an kết thúc bằng khổ hình bị chém đầu trong nhà tù, do ông can đảm bênh vực công lý, dám lên tiếng can ngăn vua Hê-rô-đê không được lấy bà chị dâu Hê-rô-đi-a-đê làm vợ. Do đó ông đã bị vua tống giam vào ngục và sau đó còn bị bà Hê-ro-đi-a-đê âm mưu giết hại (x. Lc 9,7-9).
2) TRÁNH TRÈO CAO ĐỂ KHỎI TÉ ĐAU :
Tác giả La-phông-ten đã viết nhiều câu chuyện ngụ ngôn, trong đó có câu chuyện về con ếch và con bò để dạy chúng ta bài học là đừng quá tự cao như sau :
Ngày kia có một con ếch thấy một con bò to lớn vĩ đại nên rất ngưỡng mộ và mong sao cho mình cũng được trở nên vĩ đại như vậy. Từ tư tưởng biến thành hành động, con ếch liền xuống ao để uống nước cho bụng phình to ra sao cho bằng con bò kia. Cứ thế, cứ thế, nó uống mãi uống hoài mà vẫn không sao to được bằng con bò. Nó lại cố uống thêm… cho đến khi một tiếng “Bốp” nổ vang lên và con ếch đã bị chết banh xác.
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy tự thẳm sâu trong cõi lòng, hầu như ai cũng muốn được người khác nể phục ca tụng. Ai cũng muốn tự nâng mình lên chứ không thích hạ mình xuống. Nhưng chúng ta ý thức giá trị của đức khiêm tốn và cần tập luyện nhân đức ấy, để việc tông đồ chúng ta làm được đẹp lòng Chúa và đạt được thành quả tốt đẹp.
3) CÁCH GIẢI THOÁT KHỎI BÓNG HÌNH CỦA MÌNH :
Có một anh khờ nọ muốn được giải thoát khỏi cái bóng của mình… Nhưng càng trốn chạy bao nhiêu thì cái bóng đó lại càng đeo đuổi phía sau không dứt ra được. Anh lăn lộn trên đất, nhảy xuống sông… nhung dù đi đâu, làm gì, thì cái bóng của anh vẫn luôn theo sát phía sau.
Một cụ già khôn ngoan nghe biết chuyện đã cố vấn cho anh khờ như sau : “Để thoát khỏi cái bóng của mình, anh chỉ cần đến núp dưới bóng của một cái cây lớn là được”. Anh khờ nghe lời đến núp dưới một cây lớn và từ ngày đó đã không còn bị cái bóng theo đuổi phía sau mình nữa.
Quả vậy, chỉ khi biết khiêm tốn nép mình dưới bóng cây Thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể thoát khỏi cái bóng là các thói hư, thói theo đuổi hư danh, khoái lạc, lợi lộc… trong cuộc sống.
Hôm nay Hội Thánh mừng kính trọng thể ngày sinh của một con người đã từng đến nép mình dưới cây Thập giá Chúa Giê-su. Con người ấy chính là Gio-an Tẩy Giả, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế. Ông đã luôn nép mình dưới bóng của Chúa Giê-su và hiến cả cuộc đời để phụng sự Người như ông đã nói với các môn đệ : “Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói : Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người. Ai cưới cô dâu, người ấy mới là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng nghe chàng rể, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã nên trọn : “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi “ (Ga 3,28-30).
3.- SUY NIỆM :
1) So sánh giữa thánh Gio-an Tẩy Giả và vua Hê-rô-đê :
Đây là hai khuôn mặt hoàn toàn đối lập nhau : Gio-an là người có chí khí mạnh mẽ đang khi Hê-rô-đê lại yếu đuối nhu nhược. Gio-an có lối sống khắc khổ giản dị, đang khi Hê-rô-đê lại sống trong xa hoa nhung lụa. Hê-rô-đê đã tống giam Gio-an vì ông đã dám lên tiếng tố cáo tội loạn luân của ông với bà chị dâu. Thật ra vua Hê-rô-đê cũng kính trọng Gio-an và coi ông là một nhà tiên tri. Nhưng nhà vua là người nhu nhược thiếu ý chí, dễ bị đam mê dục vọng khuất phục. Do áp lực của bà Hê-rô-đi-a-đê, nên vua Hê-rô-đê đã sai quân lính đến bắt Gio-an tống ngục. Rồi trong một bữa tiệc, do rất vui vẻ hài lòng với điệu múa của cô Sa-lô-mê là con gái của bà He-rô-đi-a-đê, nên nhà vua đã cao hứng hứa sẽ ban cho cô ta bất cứ điều gì cô xin. Đứa con gái nghe mẹ xúi đã xin vua cho cái đầu của Gio-an Tẩy Giả. Vua Hê-rô-đê tuy không muốn, nhưng đành phải giữ lời, nên vua đã sai lính vào ngục chém đầu Gio-an.
Vua Hê-rô-đê tiêu biểu cho những người để cho thú tính trong bản thân lấn lướt. Mặc dù lý trí và lương tâm luôn kêu gọi vươn lên, nhưng tiếng nói ấy vẫn không đủ sức kéo họ ra khỏi vũng bùn tội lỗi, vì đã quen chạy theo hưởng thụ lạc thú thấp hèn. Còn thánh Gio-an Tẩy Giả là một người sống có lý tưởng, luôn ý thức chu toàn trách nhiệm, chống lại sức lôi kéo của thú tính xúi giục.
2) Đức Giê-su đã đề cao con người và sứ mệnh của Gio-an Tẩy Giả :
Đức Giê-su nói : “Đây còn hơn ngôn sứ nữa ! Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng : “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến” (Lc 7,24-27). Gio-an chính là vị ngôn sứ, được Thiên Chúa sai đến trước để dọn đường cho Đấng Thiên Sai. Với sứ mệnh đó, Gio-an đã trở nên một nhân vật lớn nhất trong lịch sử cứu độ như Đức Giê-su đã khen ông : “Tôi nói thật với anh em : trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả…” (Mt 11,11).
3) Chu toàn sứ mệnh chiếu tỏa ánh sáng tin yêu trước mặt người đời :
Ngày sinh của Thánh Gio-an Tẩy giả mời gọi chúng ta nhớ lại ngày chúng ta được tái sinh làm con Thiên Chúa. Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta đã trở thành ngôn sứ của Chúa Ki-tô và cần chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Người. Ngọn nến Hội Thánh trao cho chúng ta khi chịu phép rửa tội tượng trưng cho đức ái phải giãi sáng trước mặt người đời. Dù sống trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng hãy làm các việc tốt, để người đời khi nhìn thấy các việc lành chúng ta làm sẽ ngợi khen Cha chúng ta trên trời (x. Mt 5,16).
4) Cụ thể chúng ta nên làm gì để noi gương thánh Gio-an ?
+ Khiêm hạ : Nói năng nhỏ nhẹ, tôn trọng tha nhân, năng khen các ưu điểm để khích lệ hơn là phê bình chỉ trích nhằm hạ giá trị những ai hơn mình. Tránh tự cao nhưng luôn làm mọi việc để tôn vinh Thiên Chúa như Gio-an đã làm cho Đức Giê-su và nói với môn đệ : “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,28.30).
+ Khó nghèo : Tránh đua đòi mua sắm quần áo giày dép xe cộ mới, nhưng luôn sống đơn sơ khó nghèo trong cách ăn ở noi gương Gio-an : “Mặc áo bằng lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và uống mật ong rừng” (x Mc 1,6-8).
+ Vâng phục : Sẵn sàng bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa, noi gương Gio-an vâng lời làm phép rửa cho Đức Giê-su tại sông Gio-đan (x Mt 3,13-15).
+ Trung tín : Luôn chu tòan sứ vụ tiền hô, giúp người đời nhận biết Đức Giê-su, noi gương Gio-an đã giới thiệu và khích lệ hai môn đồ bỏ mình theo làm môn đệ Đức Giê-su (x Ga 1,35-37).
+ Trung thực : Trung thực nhìn nhận khuyết điểm của mình và tu sửa, noi gương Gio-an đã tự nhận mình là tiếng người hô trong hoang địa : ”Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” như lời ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm. Gio-an thừa nhận phép rửa của ông chỉ giúp người ta sám hối, còn Đấng đến sau quyền thế hơn ông, mà ông không đáng xách dép cho Người. Đấng ấy sẽ “làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3,11; Ga 1,20-27).
+ Can đảm : Luôn can đảm làm chứng cho Chúa noi gương Gio-an khi mạnh dạn can ngăn vua Hê-rô-đê không được lấy chị dâu làm vợ mình (x Mt 14,3-4; Lc 3,7-9). Dù vì thế mà ông đã bị vua Hê-rô-đê hãm hại.
4.- THẢO LUẬN : Hôm nay mỗi người cần làm gì để bản thân mình lu mờ đi và để Chúa được tôn vinh ?
5.- NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Làm chứng trong cuộc sống hôm nay chính là noi gương Gio-an : Tự làm mình lu mờ đi bằng việc ít nói về mình, không khoe khoang thành tích, và để Chúa được lớn lên nơi tha nhân, sống tiết độ chừng mực, tránh lối sống xa hoa lãng phí, ưa chè chén say sưa, chỉ đường giúp nhiều người nhận biết và đi theo làm môn đệ của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con luôn sống đơn sơ khó nghèo, can đảm làm chứng cho sự thật và không bao giờ chịu lùi bước trước những khó khăn trở ngại gặp phải trong cuộc sống hằng ngày.- AMEN.
LM ĐAN VINH- HHTM