News Filters

Liên Sô cài gián điệp vào Vatican ra sao?

04 Tháng Mười 2021

Thế Giới Nhìn Từ Vatican02/Oct/2021


Liên Sô cài gián điệp vào Vatican ra sao?

Trong cuốn “The End and the Beginning” – “Kết thúc và Khởi đầu”, sử dụng các tài liệu gốc từ các kho lưu trữ của KGB, Stasi của Đức, SB của Ba Lan, và các tổ chức khác, Tiến sĩ George Weigel đã trình bày các thủ đoạn do thám Tòa Thánh của cộng sản Liên Sô. Chúng tôi sẽ trình bày với quý vị và anh chị em trong một dịp khác.

Trong chương trình này, xin giới thiệu một chi tiết đã được ghi lại trong cuốn “Spies in the Vatican: The Soviet Union's Cold War Against the Catholic Church”, nghĩa là “Các gián điệp tại Vatican: Chiến tranh lạnh của Liên Sô Chống Lại Giáo Hội Công Giáo”, của John O. Koehler. Ở trang 25, tác giả nhận định rằng:

Việc Hồng Y Casaroli ký các hiệp ước với Hung Gia Lợi năm 1964 và Nam Tư năm 1966 là lần đầu tiên Tòa thánh mở cửa theo cách này đối với các chế độ Cộng sản, là chế độ đã giết chết rất nhiều người Công Giáo kể từ khi lên nắm quyền. Mặc dù cuốn hồi ký năm 2000 của Hồng Y Casaroli vẽ nên một người đàn ông thù địch với chủ nghĩa Cộng sản, nhưng kỹ năng ngoại giao đáng nể của ngài đã khiến sự thù địch này dường như không tồn tại.

KGB và các “cơ quan anh em” của nó ở Đông Âu đã biết rõ về ý kiến và ảnh hưởng thực sự của Hồng Y Casaroli. Do đó, văn phòng của ngài là một trong những mục tiêu gián điệp chính bên trong Vatican.

KGB đã được hỗ trợ trong việc này bởi chính cháu trai của Đức Hồng Y, tên Marco Torreta, và người vợ Tiệp Khắc của Torreta là Irene Trollerova. Theo các quan chức tình báo Ý, Torreta là người cung cấp thông tin cho KGB từ năm 1950.

Irene trở về từ Tiệp Khắc vào đầu những năm 1980, với một bức tượng bằng gốm Đức Mẹ Đồng trinh, cao khoảng 10 inch, một tác phẩm tuyệt đẹp của nghệ thuật gốm nổi tiếng của Tiệp. Hai vợ chồng đã tặng bức tượng cho Đức Hồng Y Casaroli. Ngài đã đón nhận với lòng biết ơn. Nhưng đó chính là một sự phản bội của chính đứa cháu ruột của mình! Bên trong biểu tượng tôn giáo được tôn kính này là một “con bọ”, một máy phát siêu nhỏ nhưng mạnh mẽ, được giám sát từ bên ngoài tòa nhà bởi những người phụ trách cặp vợ chồng này từ Đại sứ quán Liên Sô ở Rôma. Bức tượng đã được đặt trong một chiếc tủ trong phòng ăn gần văn phòng của Hồng Y Casaroli. Một thiết bị nghe lén khác bên trong một mảnh gỗ hình chữ nhật được giấu trong cùng một chiếc tủ này. Cả hai đều không được phát hiện cho đến năm 1990 trong một cuộc điều tra lớn do Thẩm phán Rosario Priore khởi xướng sau vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Các “con bọ” đã nghe lén liên tục cho đến thời điểm đó.

John O. Koehler, Spies in the Vatican: The Soviet Union's Cold War

back to top
Filters