MỘT Ý NGHĨA QUAN TRỌNG CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ *** Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
02 Tháng Mười 2022
MỘT Ý NGHĨA QUAN TRỌNG CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Sứ Điệp Đức Mẹ Mễ Du :
25-09-1995 : “Các con yêu dấu ! Hôm nay, Mẹ mời gọi các con hãy yêu mến Bí Tích Thánh Thể trên Bàn Thờ. Các con bé nhỏ, hãy thờ lạy Người trong giáo xứ của các con và như thế, các con sẽ được kết hiệp với toàn thế giới. Chúa Giêsu sẽ là Bạn của các con, các con sẽ không còn nói về Người như một kẻ quen biết suông. Kết hiệp với Người sẽ là niềm vui cho các con và các con sẽ trở thành chứng nhân cho tình yêu Chúa Giêsu, tình yêu đó Người dành cho mọi thọ tạo. Các con bé nhỏ, khi các con thờ lạy Chúa Giêsu, các con cũng sẽ gần với Mẹ. Cám ơn các con đã đáp lại lời kêu gọi của Mẹ.”
MỜI ANH CHị EM SUY NIỆM
Trong Sứ Điệp của Đức Mẹ chúng ta đọc hôm nay, Mẹ kêu mời con cái “yêu mến Bí Tích Thánh Thể”. Khi nói : “Bí Tích Thánh Thể” là nói cách chung, thực tế Hội Thánh bày ra thành nhiều hình thức để chúng ta kính tin tôn thờ :
Là Bí Tích Thánh Thể :
1) khi Linh Mục đọc lời truyền phép làm Mình Máu Chúa hiện diện trên bàn thờ, tái diễn tế hiến xưa trên Thập Giá;
2) hay khi Chúa Giêsu ngự trong Nhà Chầu để chúng ta đến kính viếng;
3) hay khi trưng bày Mình Thánh trong mặt nhật hào quang cho chúng ta đến thờ lạy;
4) cũng như khi đem đi rước kiệu ngày lễ trọng kính Mình Thánh Máu Thánh Chúa hằng năm.
Hôm nay khi Đức Mẹ “mời gọi các con hãy yêu mến Bí Tích Thánh Thể” thì Mẹ có thêm chữ “trên bàn thờ”, vậy là Mẹ muốn nói đến Thánh Lễ. Tại sao Mẹ không dùng chữ Thánh Lễ cho đơn giản như nhiều lần khác mà lại nói kiểu cách “Bí Tích Thánh Thể trên bàn thờ” ? Anh chị em có đoán được lý do vì sao không ?
Có thể vì Mẹ muốn cho có vẻ long trọng ? Cũng được. Thật ra vì Mẹ muốn nhắc chúng ta đến một phép bí tích để chúng ta lưu ý đến tầm quan trọng, còn chữ Thánh Lễ, chúng ta thấy thường quen quá rồi.
Tầm quan trọng ấy như thế nào?
Tầm quan trọng ấy, chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu sau đây, xin amh chị em chú ý :
Chúng ta thường quen miệng nói : “Chúa lập Phép Thánh Thể”. Qua câu nói đó, chúng ta nghĩ lập Phép Thánh Thể là Chúa làm một phép lạ cho bánh rượu hóa thành Mình Máu Chúa. Vấn đề không đơn giản như thế ! Vì làm phép lạ là một chuyện quá dễ đối với Chúa là Đấng quyền phép vô biên ! Chẳng phải Chúa đã làm bao nhiêu phép lạ khác đấy ư : chữa lành những kẻ mù, què, câm điếc, quát một tiếng là sóng gió phải yên lặng, phán một lời là Ladarô chết chôn đã bốn ngày sống lại… !
Chính vì hiểu cách sơ sài lập Phép Thánh Thể như làm một phép lạ, nên chúng ta không thấy sự cao cả của Phép Thánh Thể, vì thế không trân trọng quí mến cho đủ. Giá chúng ta thử đặt câu hỏi như thế này thì mọi sự sẽ trở nên khác : Nếu Thánh Thể là Thịt và Máu Chúa được làm hiện diện trên bàn thờ thì :
Thịt Máu Chúa bởi đâu mà có ?
Có người mau miệng trả lời : “Do bởi Linh Mục đọc lời truyền phép Chúa dạy làm”. Không sai. Lời ấy chính là “lời truyền phép” Chúa Giêsu nói, mà Linh Mục lặp lại.
Vậy mà chữ “truyền phép” lại là một chữ gây hiểu lầm ! Sao vậy ? Chữ truyền phép là một chữ tóm tắt một quá trình cam go, gian khổ, bi đát…nhưng chúng ta đã vô tình hiểu như một lời “phù phép”, nói một cái là hóa ra có liền ! Chúa quyền phép vô biên, phán một lời liền có trời đất cơ mà ! Đúng vậy, Chúa phán một lời liền có trời đất, vì đó là những vật ngoại tại, ngoài Chúa, còn Chúa không thể phán một lời liền có Thịt Máu Chúa được.
Muốn có Thịt Máu như thế, Chúa phải chết đã !
Và cái chết của Chúa, Chúa cũng không thể phán một lời mà có. Cái chết của Chúa là một kinh nghiệm bản thân Người phải trải qua !
Đó là một quá trình hiến tế chính mình đầy đau đớn gian khổ : vì vâng ý Cha, Chúa chịu đóng đinh, chịu chết khổ hình trên thập giá, nên Cha rất đẹp lòng và chấp nhận hiến tế của Ngài, và cho Ngài được sống lại, ban cho thân mình Ngài được tràn đầy sung mãn thần tính, như Thư Côlôsê 2,9 xác nhận :
“Bởi chưng có ở trong Ngài tất cả sự viên mãn của tính Thiên Chúa – cách thể lý.”
Nghĩa là cái phần bản tính nhân loại nơi Đức Giêsu nay được đầy sung mãn Thần Tính Thiên Chúa, trở nên bằng Thiên Chúa, được ngự bên hữu Chúa Cha. Thánh Phaolô còn xác quyết mạnh hơn : “Đức Giêsu được Chúa Cha siêu tôn, ban cho Ngài Thần Danh là Danh chỉ dành cho một mình Thiên Chúa, đến nỗi muôn loài trên trời dưới đất phải bái quì thờ lạy Ngài là Đức Chúa như Đức Chúa Cha” (Pl 2,9-11)
Bây giờ Thịt Máu Chúa mới có sự sống thần linh mà nuôi sống linh hồn chúng ta. Bây giờ chúng ta mới có Bí Tích Thánh Thể !
Tuyệt vời chưa anh chị em ? Nếu chúng ta để tâm suy nghĩ một chút, sẽ thấy điều mà chúng ta thường nói cách thiếu thận trọng : “Phép Thánh Thể ! Phép Thánh Thể !” hóa ra đã phải trải qua một quá trình cam go, gian khổ và bi đát như thế. Và một khi đã hiểu rõ, chúng ta sẽ hết lòng cảm tạ, cung kính thờ lạy, và mến yêu “Bí Tích Thánh Thể !” như Mẹ kêu mời.
Và tất nhiên – theo lời Mẹ nói trong Sứ Điệp : “Chúa Giêsu sẽ là Bạn của các con, các con sẽ không còn nói về Ngài như một kẻ quen biết suông.” Lập Bí Tích Thánh Thể, ngoài việc tế lễ lên Cha để đền tội chúng ta, Chúa còn muốn làm Bạn với chúng ta nữa, nó cho phép Ngài “ở lại với chúng ta cho đến tận thế.” (Mt 28,20); cho phép Ngài ngự vào trong mình chúng ta, kết hiệp với chúng ta đến mức như “hai mà thành một”(x. Ep 5.31-32).
Và Mẹ còn bảo: “Trong niềm vui được kết hiệp với Ngài, các con sẽ trở thành chứng nhân cho tình yêu Chúa Giêsu…” ở giữa một thế giới đầy tranh chấp, hận thù, bạo lực và chiến tranh này.
Và cuối cùng Đức Mẹ cho biết có Mẹ dự phần trong việc này : “Khi các con thờ lạy Chúa Giêsu, các con cũng sẽ gần với Mẹ.”
CHÚNG TA CÙNG CHUNG LỜI NGUYỆN
Chúng con hết sức vui mừng và cảm tạ Mẹ,/ vì hôm nay nhờ Mẹ/ chúng con được biết việc thiết lập bí tích Thánh Thể gay go và bi đát đến chừng nào./ Hội Thánh dạy :/ Phép Thánh Thể là trung tâm của đạo Công Giáo/ thì việc hiểu thấu đáo mầu nhiệm ấy/ là một việc hết sức trọng đại trong đời sống thiêng liêng của chúng con./ Bởi vì chúng con sẽ yêu mến Chúa Giêsu hơn, sẽ tôn thờ, yêu mến Bí Tích Thánh Thể hơn, tất nhiên chúng con sẽ được gần Chúa hơn, nên thánh thiện hơn ! Vậy một lần nữa, xin cảm tạ Mẹ vô cùng !
THỰC HÀNH : Thi hành lời vừa cầu nguyện.
Lm. Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
(Trích Hạt Châu Ngọc 222 bis-bổ túc – Tựa đề do Tinh Thần Mễ Du Việt Nam đặt)