NGÀY LỄ CÁC THÁNH DÀNH CHO BẠN TRẺ
20 Tháng Mười Một 2020
NGÀY LỄ CÁC THÁNH DÀNH CHO BẠN TRẺ
Tháng 01
Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ
Ngày 01: Thánh MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
Ngày 02: Thánh BASILIÔ và thánh GRÊGÔRIÔ NAZIANZÊNÔ
Ngày 04: Thánh ÊLIZABETH ANNA SITÔN
Ngày 06: Chân phước ANĐRÊ BESSET
Ngày 07: Thánh RÂYMUNĐÔ PENYAPHO
Ngày 09: Thánh JULIANÔ VÀ THÁNH BASILISA
Ngày 12: Thánh MAGUARIT BÔGÔIS
Ngày 16: Thánh BÊRA và các bạn tử đạo
Ngày 20: Thánh FABIANÔ và thánh SÊBASTIANÔ
Ngày 22: Thánh VINHSƠN SARAGÔSA
Ngày 24: Thánh PHANXICÔ SALÊSIÔ
Ngày 26: Thánh TIMÔTHÊÔ và thánh TITÔ
Ngày 1 tháng 1
Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Bạn hãy tưởng nhớ về một buổi sáng ngày lễ giáng sinh, chúng ta tìm đến với chuồng bò. Có thể là một chuồng bò nằm trên tấm áo choàng hay dưới cây Noel hoặc trong một xứ đạo nào đó của chúng ta. Chúng ta đang ngắm nhìn Chúa Hài Nhi nằm trong máng cỏ như trước đây các mục đồng đã chiêm ngắm. Chúa Hài Nhi hiện diện ở đó với Mẹ Maria và thánh Giuse. Hôm nay chúng ta bắt đầu một năm mới bằng việc cử hành phụng vụ Thánh Thể. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa thay cho Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Người đã mang Đấng Cứu Thế đến cho nhân loại. Bởi vì là Mẹ của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa nên Mẹ Maria đích thật là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ Maria đã cưu mang Chúa Giêsu nhờ quyền phép của Chúa Thánh Linh; và thánh Giuse là cha đồng trinh quý yêu của Đức Chúa Giêsu.
Thiên Chúa đã tuyển chọn Đức Maria làm Mẹ của Con Người. Lúc ấy Mẹ trạc tuổi thiếu nữ. Thánh Gioakim và thánh Anna là song thân của Mẹ. Mẹ Maria yêu mến Thiên Chúa và đạo Dothái của Mẹ. Có lẽ những người láng giềng đã coi Mẹ chẳng có gì đặc biệt đáng kể. Nhưng hoạt động của Thiên Chúa ở trong Mẹ thật đã làm cho Mẹ trở nên rất đặc biệt, nên đầy ơn phúc. Thiên Chúa đã sai đức tổng thần Gabriel đến thành Nazareth của Mẹ Maria. Đức tổng thần mời Mẹ chấp nhận một chương trình kỳ diệu – kỳ diệu với Mẹ và với tất cả mỗi người chúng ta. Mẹ Maria muốn làm hài lòng Thiên Chúa và Mẹ đã chấp nhận kế hoạch ấy. Mẹ trở nên hiền mẫu của Chúa Giêsu. Mẹ Maria và thánh Giuse, hôn phu của Mẹ, đã cố gắng nuôi dưỡng giáo dục Chúa Giêsu với tình yêu thật lớn lao. Chúa Giêsu đã sống qua nhiều năm hạnh phúc thân mật với Mẹ Maria và thánh Giuse ở Nazareth.
Khi Chúa Giêsu lên ba mươi tuổi, Người bắt đầu sứ vụ rao giảng và chữa trị các thứ bệnh tật. Giai đoạn này thường được gọi là “đời sống công khai” của Chúa Giêsu; có thể xảy ra ít lâu trước khi thánh Giuse qua đời. Chúa Giêsu không thể chỉ lưu lại trong ngôi nhà bé nhỏ và xưởng mộc nghèo hèn ở Nazareth. Mẹ Maria cùng với vài người bạn thân của Mẹ đã thường xuyên ở bên Chúa Giêsu. Mẹ đã tham dự bữa tiệc cưới tại Cana. Chúa Giêsu và các môn đệ của Người cũng đến. Khi hết rượu, Mẹ đã xin Chúa làm một việc. Mẹ muốn Người cứu giúp đôi tân hôn cho khỏi bẽ mặt xấu hổ trước khách mời của họ. Và Chúa đã làm phép lạ biến nước lã thành thứ rượu thơm ngon hảo hạng. Mẹ Maria rất yêu mến Đức Chúa Giêsu và tin tưởng nơi Người. Mẹ hiện diện khi Chúa bị đóng đinh vào thập giá. Thực ra, Mẹ đã ở ngay dưới chân thập giá và nhận lấy thân xác bất động của Chúa trong vòng tay Mẹ. Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Mẹ đã cùng với các môn đệ của Chúa đợi chờ Chúa Thánh Linh ngự xuống trong ngày lễ ngũ tuần. Các môn đệ cũng yêu mến Đức Mẹ. Họ biết rằng họ cần có nhiều can đảm hơn để trở nên những người tông đồ đích thực của Đức Chúa Giêsu. Và Mẹ Maria đã cầu nguyện cho họ cùng khích lệ họ. Mẹ dạy dỗ họ cách thức để trở nên môn đệ của Đức Chúa Giêsu Con Mẹ. Những ngày lễ của Mẹ Maria là những biến cố đặc biệt trải dài suốt năm. Ngày lễ hôm nay tôn kính tước hiệu Mẹ là Mẹ Thiên Chúa; và Mẹ cũng muốn được là Mẹ của mỗi người chúng ta.
Trong ngày đầu năm hôm nay, chúng ta hãy nài xin Mẹ Maria luôn hiện diện để giúp chúng ta như Mẹ đã luôn hiện diện bên Chúa Giêsu và các môn đệ của Người.
Ngày 2 tháng 1
Thánh Basiliô và thánh Grêgôriô Nazianzênô
Thánh Basiliô và thánh Grêgôriô sinh ở Tiểu Á năm 330. Ngày nay người ta gọi vùng này là Thổ Nhĩ Kỳ. Bà ngoại, cha, mẹ, hai em trai và một em gái của Basiliô tất cả đều là thánh. Song thân của Grêgôriô là thánh Nônna và thánh Grêgôriô cả. Tại trường học ở Aten bên nước Hy Lạp, Basiliô và Grêgôriô đã gặp nhau và các ngài trở nên đôi bạn tri kỷ rất đặc biệt.
Sau đó, thánh Basiliô trở thành một thầy giáo danh tiếng. Ngày nọ, em gái của ngài, thánh Macrina, đề nghị ngài làm một đan sĩ. Ngài đã nghe lời khuyên của cô em chuyển đến một sa mạc hoang vu và sống ở đó. Rồi ngài khởi xướng một đan viện đầu tiên. Những điều luật Basiliô ban cho các đan sĩ thật khôn ngoan uyên bác. Các đan viện ở Đông phương đã thực hành luật ấy và trải dài đến tận thời đại chúng ta. Cả Basiliô lẫn Grêgôriô đều trở nên những linh mục và sau đó giám mục. Các ngài đã can đảm rao giảng chống lại lạc thuyết Ariô phủ nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Lạc thuyết này đã làm cho nhiều người nhầm lạc.
Đang khi là giám mục thành Constantinôpôli, thánh Grêgôriô đã làm cho nhiều người trở lại đạo bằng tài giảng thuyết lỗi lạc tuyệt vời của ngài và ngài suýt nữa phải trả giá cho việc đó. Một gã đàn ông tìm kế giết Grêgôriô. Nhưng vào phút cuối anh đã ăn năn sám hối và xin Grêgôriô tha thứ cho. Thánh Grêgôriô tha thứ cho anh ta và đã thuyết phục được anh bằng chính đức hạnh hiền lành của mình. Bốn mươi bốn bài diễn văn, hai trăm bốn mươi ba lá thư và nhiều tác phẩm thi ca của thánh Grêgôriô đã được xuất bản. Ngày nay, các bản văn ấy vẫn còn có giá trị. Nhiều nhà văn nhà thơ đã viết những tác phẩm của mình dựa trên các bài huấn từ của ngài.
Thánh Basiliô, người bạn rất thân của thánh Grêgôriô, có một trái tim rất quảng đại và rộng lượng. Ngài luôn tìm thời giờ giúp đỡ những người nghèo khổ. Thậm chí thánh nhân kêu mời những người nghèo khó hãy rộng tay cứu giúp những người đói rách hơn. Ngài nài nỉ thúc giục: “Hãy trao ban ổ bánh cuối cùng cho người hành khất đến gõ cửa nhà bạn”; và “hãy tín thác vào lòng nhân lành của Thiên Chúa!” Thánh Basiliô đã bố thí hết phần gia tài của mình và đã mở một nơi phát súp miễn phí cho người nghèo, nơi mà người ta thường thấy ngài ở đó, mang áo hầu bàn và đang phân phát lương thực cho những người đói khổ.
Thánh Basiliô mất năm 379, lúc bốn mươi chín tuổi. Thánh Grêgôriô qua đời năm 390, thọ sáu mươi. Các ngài được chôn cất trong vương cung thánh đường thánh Phêrô ở Rôma.
Chúng ta sẽ không bao giờ hối tiếc khi dùng trí tuệ, thời giờ và các tài năng của mình để giúp những người chung quanh sống gần Thiên Chúa hơn.
Ngày 3 tháng 1
Thánh Giơnoa
Thánh nữ Giơnoa sinh vào khoảng năm 422 tại Nantê, một ngôi làng nhỏ cách thành phố Pari khoảng bốn dặm. Khi còn rất trẻ, thánh Giơnoa đã mơ ước dâng hiến đời mình cho Đức Chúa Giêsu. Sau khi cha mẹ qua đời, Giơnoa trẩy đến sống với bà ngoại. Hằng ngày, thánh nữ dành thời giờ để cầu nguyện. Ngài sống rất gần gũi mật thiết với Đức Chúa Giêsu và muốn giới thiệu sự tốt lành của Chúa cho mọi người. Thánh nữ Giơnoa có tấm lòng khoan dung rộng lượng. Ngài đã cố gắng hết sức mình để làm những việc tốt cho tha nhân.
Khi người dân Pari sắp phải chạy trốn khỏi địch quân khủng khiếp đến tấn công họ, thánh nữ Giơnoa liền tiến lên phía trước. Ngài phấn khích dân thành hãy tin cậy vào Chúa. Ngài nói rằng nếu họ ăn năn sám hối, họ sẽ được thứ tha. Dân thành đã làm theo lời Giơnoa nói và đột nhiên quân giặc Hungnô hung hãn đã không tấn công thành phố nữa. Không chỉ trong những khi cần thiết mà suốt cả cuộc đời, thánh nữ Giơnoa đã thực thi lòng yêu mến và tuân phục đối với ý muốn của Thiên Chúa. Và ngài luôn luôn cố gắng bồi đắp cho hoàn hảo hơn lên mãi. Can đảm và trung thành với Chúa Giêsu là những tặng ân đặc biệt trong chứng từ thánh nữ Giơnoa để lại cho mỗi người chúng ta.
Một trong những cách thế tối hảo để giúp đỡ quê hương đất nước là cầu nguyện cho các vị lãnh đạo. Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa hướng dẫn họ vì ích chung của tất cả mọi người.
Ngày 4 tháng 1
Thánh Êlizabeth Anna Sitôn
“Mẹ Sitôn” là danh hiệu mà mọi người đều biết khi Êlizabeth qua đời ngày mùng 4 tháng Giêng năm 1821 ở Emmitsbơ, Maryland. Cuộc sống đầy những ngạc nhiên bất ngờ đã trao tặng thánh nữ danh hiệu đó.
Êlizabeth sinh ngày 28 tháng Tám năm 1774 tại thành phố Niu Gioóc. Thân sinh của ngài, ông Richard Bơlây, là một bác sĩ danh tiếng. Thân mẫu của Êlizabeth, là bà Catarina, đã lìa đời khi Êlizabeth còn rất trẻ. Êlizabeth là một tín hữu theo đạo Tin lành, thuộc giáo phái Epiocopan. Khi còn là thiếu nữ, Êlizabeth đã làm nhiều việc tốt để giúp đỡ những người nghèo khổ.
Năm 1794, Êlizabeth kết hôn với William Sitôn. Ông là một lái buôn giàu có và là chủ của một đoàn tàu. Êlizabeth, William và năm người con cùng chung sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng đột nhiên chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, William mất hết gia sản và sức khỏe ông bị suy giảm. Người vợ của ông nghe nói khí hậu ở bên nước Ý có thể giúp ông khá hơn. Vì vậy, Êlizabeth, William và Anna, đứa con gái lớn nhất của họ, đã đáp tàu sang Ý. Nhưng sau đó ít lâu, William qua đời. Êlizabeth và Anna ở lại Ý như những người khách của gia đình Filicchi. Những người trong gia đình này rất tử tế, tốt bụng. Họ cố gắng xoa dịu nỗi đau đớn của Êlizabeth và Anna bằng cách chia sẻ cho hai người nghe biết về tình yêu thâm sâu của họ trong đức tin Công giáo. Êlizabeth trở về nhà ở Niu Gioóc với ý định sẽ trở nên một tín hữu Công giáo. Gia đình và bạn bè của ngài không hiểu được điều đó nên họ rất lấy làm khó chịu; thế nhưng với lòng can đảm, Êlizabeth cứ tiến hành điều mình đã quyết định. Êlizabeth đã gia nhập Giáo hội Công giáo ngày 4 tháng Ba năm 1805.
Ít năm sau, người ta mời Êlizabeth đến mở một trường nữ sinh ở Baltimo. Ở đó, Êlizabeth đã quyết định sống như một nữ tu. Cũng có nhiều chị em đến gia nhập nhóm của ngài, gồm cả cô em gái và người chị dâu nữa. Các con của Êlizabeth, Anna và Catarina cũng lần lượt tham gia nhóm ấy. Họ trở thành hội Nữ Tu Bác Ái Người Mỹ và người ta tôn tặng cho Êlizabeth tước hiệu “Mẹ Sitôn.” Êlizabeth trở nên nổi tiếng. Ngài đã thiết lập nhiều trường học Công giáo và một số viện mồ côi. Êlizabeth cũng dự tính sẽ lập một bệnh viện và viện này đã được khai trương sau khi ngài qua đời.
Êlizabeth yêu thích việc viết lách và ngài đã chuyển dịch một số sách giáo khoa từ tiếng Pháp sang tiếng Anh. Nhưng đặc biệt nhất là thánh nữ thích việc viếng thăm những người nghèo khổ, đau yếu.
Đức thánh cha Phaolô VI đã tôn phong Êlizabeth lên bậc hiển thánh ngày 14 tháng Chín năm 1975.
Nếu có điều gì xảy ra làm thay đổi cuộc sống của chúng ta từ hạnh phúc sung sướng sang khó khăn bế tắc, chúng ta hãy quay ánh nhìn về Thiên Chúa như Mẹ Sitôn và kêu xin Người giúp đỡ. Thiên Chúa có thể giúp chúng ta nhận thấy rằng những khó khăn đó có thể làm sáng tỏ những tài năng ẩn giấu bên trong chúng ta như thế nào. Và rồi chúng ta sẽ hoàn thành được điều chúng ta chẳng bao giờ mơ tới.
Ngày 5 tháng 1
Thánh Gioan Niumơn
Không chỉ là một người lặng lẽ, Gioan Niumơn còn là người lùn, chỉ cao khoảng 1,52 mét. Tuy nhiên, Gioan Niumơn có đôi mắt rất dễ thương và hay cười. Ngài sinh ngày 28 tháng Ba năm 1811 tại Bôhêmia, nay là phần đất của nước Cộng hòa Séc. Cha mẹ ngài là ông Philip và bà Annê. Gioan Niumơn có bốn chị gái và một em trai. Sau khi tốt nghiệp đại học, ngài gia nhập chủng viện. Tới ngày thụ phong linh mục, đức giám mục bị lâm bệnh. Và thế là ngày thụ phong ấy đã không bao giờ được ấn định nữa vì lúc đó Bôhêmia đã có đủ số linh mục. Từ khi Gioan Niumơn tìm hiểu về những hoạt động truyền giáo bên Hoa Kỳ, ngài quyết định trẩy sang nơi đây để xin được thụ phong. Gioan Niumơn đã đi bộ hầu hết đoạn đường tới Pháp rồi lên tàu mang tên “Europa” để sang Mỹ châu.
Ngày 9 tháng Sáu năm 1836, Gioan Niumơn đến Manhattan. Đức giám mục Gioan Đuyboa rất vui mừng khi gặp ngài. Hiện chỉ mới có ba mươi sáu linh mục giúp cho hai trăm ngàn tín hữu Công giáo sống ở bang Niu Gioóc và một phần ở bang Niu Jessi. Và chỉ trong vòng mười sáu ngày sau khi đến, Gioan được thụ phong linh mục và được gởi tới Buffalô. Ở đó, ngài phụ giúp cha Pax trông coi xứ đạo rộng khoảng 1400 km vuông. Cha Pax cho Gioan được tự do lựa chọn sống ở thành phố Buffalô hoặc vùng thôn quê. Lúc này chí khí anh hùng của Gioan bắt đầu thể hiện. Ngài đã chọn điều khó khăn hơn: ở thôn quê. Ngài quyết định lưu lại trong một thị trấn nhỏ có ngôi thánh đường chưa được xây xong. Ngay khi vừa khánh thành ngôi thánh đường này, Gioan lại chuyển tới một thị trấn khác nơi có một ngôi thánh đường được làm bằng những khúc cây. Ở đó, Gioan đã dựng một túp lều nhỏ bằng gỗ. Ngài hầu như không sử dụng lửa và thường sống nhờ bánh mì với nước lã. Mỗi đêm Gioan chỉ ngủ vài giờ. Khoảng cách giữa các nông trại và nơi Gioan Niumơn ở thì rất là xa. Gioan Niumơn đã phải trẩy bộ trên những lộ trình dài để đến với giáo dân của mình. Họ là những người Đức, Pháp, Iran và Scốtlen. Khi ở trường, Gioan Niumơn đã học được tám ngoại ngữ. Bây giờ ngài học thêm hai ngoại ngữ nữa: tiếng Anh và tiếng Gêlic. (Gêlic là loại ngôn ngữ của người Celte ở Ai Len.) Trước khi qua đời, Gioan Niumơn đã biết được tất cả mười hai ngoại ngữ.
Thánh Gioan Niumơn gia nhập dòng Chúa Cứu Thế và vẫn tiếp tục công việc truyền giáo của mình. Năm 1852, ngài được chọn làm giám mục giáo phận Philađenphia. Giám mục Niumơn đã xây cất năm mươi thánh đường và bắt đầu xây dựng nhà thờ chính tòa.
Gioan Niumơn đã mở gần một trăm trường học và số học sinh địa phương đã gia tăng từ năm trăm đến chín ngàn em. Sức khỏe của giám mục Niumơn không được tốt lắm nhưng người ta vẫn rất ngỡ ngàng khi ngài đột nhiên qua đời ngày mùng 5 tháng Giêng năm 1860. Đang trên đường đi họp về nhà, Gioan Niumơn đã ngã xuống đất vì chứng bệnh đột quỵ. Người ta mang Gioan Niumơn đến căn nhà gần nhất và Gioan đã mất lúc 3 giờ chiều tại đó. Tính đến tháng Ba, Gioan Niumơn vừa tròn bốn mươi chín tuổi. Đức thánh cha Phaolô VI đã phong thánh cho Gioan Niumơn ngày 19 tháng Sáu năm 1977.
Chúng ta không được thông minh sáng trí, khỏe mạnh hoặc năng động như chúng ta mơ ước. Điều đó không ngăn cản tình Chúa yêu thương chúng ta và dùng chúng ta làm những công việc phi thường đặc biệt. Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan Niumơn giúp đỡ khi chúng ta gặp phải những khó khăn.
Ngày 6 tháng 1
Chân phước Anrê Besset
Alfred Besset sinh ngày mùng 9 tháng Tám năm 1845 gần Montriơ, nước Canađa. Ngài là con thứ tám trong gia đình có mười hai người con. Khi Alfred lên chín, cha của ngài, làm nghề đốn củi, đã chết vì tai nạn nghề nghiệp. Ba năm sau, mẹ của Alfred cũng mất vì chứng bệnh lao phổi, để lại đàn con mồ côi. Bọn trẻ được gởi vào các gia đình khác nhau. Alfred thì đến sống với cô chú của mình.
Vì gia đình quá nghèo và bản thân lại hay đau bệnh nên Alfred chỉ được hấp thụ một nền học vấn ít ỏi. Bởi vậy, năm lên mười ba, Alfred phải cố gắng học lấy nhiều nghề khác nhau như: làm ruộng, đóng giày và nướng bánh. Thậm chí Alfred cũng làm việc trong một nhà máy ở Connecsien. Nhưng tình trạng sức khỏe luôn luôn làm cho Alfred phải bỏ lỡ công việc.
Khi lên hai mươi lăm, Alfred gia nhập dòng Thánh Giá và đổi tên là “thầy Anrê.” Thầy Anrê đã trải qua bốn mươi năm làm công tác quản thư và đưa tin. Những năm còn lại, Anrê làm người gác cổng cho học viện của dòng. Ở đây, năng lực chữa lành bệnh tật của thầy Anrê trở nên danh tiếng. Khi người ta tuôn đến xin thầy chữa trị, thầy nói với họ rằng trước tiên hãy cảm tạ Thiên Chúa vì được phúc chịu đau khổ bởi lẽ việc này rất hữu ích. Rồi thầy cùng với họ cầu nguyện. Hầu hết người ta đều được lành bệnh. Thầy Anrê luôn khước từ những tiếng khen hoặc danh dự người ta dành tặng ngài. Anrê luôn luôn khẳng định rằng đó là do lòng tin của họ và do quyền phép của thánh cả Giuse.
Thầy Anrê Besset có một tình yêu bao la vĩ đại đối với bí tích Thánh Thể và thánh cả Giuse. Lúc còn trẻ, Anrê nằm mơ thấy một ngôi thánh đường lớn nhưng không biết nó ở nơi nào. Rồi dần dần, Anrê nhận thấy Thiên Chúa muốn có một ngôi thánh đường để tôn kính thánh cả Giuse; và ngôi thánh đường đó phải được xây cất trên đỉnh ngọn núi Rôyal ở Montriơ, Canađa. Lời cầu nguyện và những hy sinh của thầy Anrê và của nhiều người khác đã làm cho giấc mộng ngày nào biến thành sự thật. Ngôi thánh đường nguy nga tráng lệ tôn kính thánh cả Giuse đã được xây cất. Đó là lời xác nhận hùng hồn về lòng tin tưởng phi thường của thầy Anrê. Khách hành hương từ các nơi xa xôi kéo đến quanh năm. Họ muốn tôn kính thánh cả Giuse. Họ muốn biểu lộ lòng tin tưởng vào sự bảo dưỡng yêu thương của thánh cả như thầy Anrê đã thể hiện.
Thầy Anrê Besset qua đời trong an bình ngày mùng 6 tháng Giêng năm 1937. Gần nửa triệu người đã lũ lượt kéo nhau lên ngọn núi Rôyal, đến nguyện đường thánh Giuse để dự đám tang của thầy dù cho những cơn mưa tuyết trút xuống dữ dội. Họ đến để nói lời từ biệt đối với người bạn quá cố của họ. Thầy Anrê Besset được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc chân phước ngày 23 thánh Năm năm 1982.
Như thầy Anrê Besset, chúng ta cũng có thể có được những chứng tích về sự phù trợ của thánh cả Giuse. Chân phước Anrê Besset và thánh cả Giuse sẽ giúp chúng ta biết cách trở nên những người bạn tốt của Đức Chúa Giêsu. Vậy chúng ta hãy năng cầu xin các ngài trợ giúp.
Ngày 7 tháng 1
Thánh Râymunđô Penyapho
Thánh Râymunđô Penyapho được sinh vào khoảng giữa những năm 1175–1180 trong một thị trấn nhỏ gần Barxêlôna, nước Tây Ban Nha. Ngài được học hành tại trường của nhà thờ chính tòa Barxêlôna; và sau đó trở thành linh mục. Râymunđô tốt nghiệp trường luật ở Bôlônha, nước Ý; và trở nên một thầy dạy danh tiếng. Năm 1218, Râymunđô Penyapho gia nhập dòng Đa Minh. Năm 1230, đức thánh cha Grêgôriô IX cho triệu vời vị linh mục đặc biệt này đến Rôma. Khi Râymunđô đến, đức thánh cha liền trao cho ngài nhiều công việc. Một trong những công việc đó là sưu tầm tất cả các lá thơ chính thức của các đức giáo hoàng kể từ năm 1150. Râymunđô đã thu thập và xuất bản tất cả thành năm tập. Ngài cũng tham gia vào công việc soạn thảo bộ Giáo Luật.
Năm 1238, thánh Râymunđô Penyapho được chọn làm bề trên tổng quyền dòng Đa Minh. Với sự tinh thông luật lệ, thánh nhân đã nghiên cứu lại luật dòng và đoan chắc là mọi điều luật đều am hợp với luật Giáo hội. Sau khi hoàn tất công việc, thánh nhân xin từ chức vào năm 1240. Giờ đây, Râymunđô thực sự có thể cống hiến phần đời còn lại của mình cho việc mục vụ xứ đạo. Đó là điều Râymunđô vẫn hằng mơ ước.
Đức thánh cha có ý đặt Râymunđô Penyapho làm tổng giám mục nhưng Râymunđô đã từ chối. Ngài xin trở về Tây Ban Nha và đã được mãn nguyện. Ngài vui mừng khôn tả khi lại tiếp tục phục vụ xứ đạo. Lòng cảm thương trắc ẩn của Râymunđô đã giúp cho nhiều người trở về với Thiên Chúa qua bí tích Hòa giải.
Trong suốt những năm sống tại Rôma, Râymunđô thường xuyên nghe biết những chuyện khó khăn mà các nhà truyền giáo đang gặp phải. Họ đang cố gắng vươn tới với những người không thuộc Kitô giáo ở Bắc Phi và Tây Ban Nha. Để giúp đỡ các nhà truyền giáo, Râymunđô Penyapho đã mở một trường dạy ngôn ngữ và văn hóa của những đối tượng sẽ được rao giảng Tin mừng cho. Hơn nữa, cha Râymunđô còn xin thánh Tôma Aquinô, vị tu sĩ danh tiếng thuộc dòng Đa Minh, viết một cuốn sách nhỏ. Cuốn sách này giải thích những chân lý đức tin cách giản dị mà ai ai cũng có thể hiểu được. (Chúng ta sẽ mừng lễ kính thánh Tôma Aquinô ngày 28 tháng Giêng.)
Thánh Râymunđô Penyapho sống thọ gần một trăm tuổi. Ngài qua đời tại Barxêlôna vào ngày 6 tháng Giêng năm 1275; và được đức thánh cha Clêmentê VIII tôn phong hiển thánh năm 1601. Vị giáo hoàng này đã công nhận Râymunđô Penyapho là bổn mạng của những luật gia trong Giáo hội vì ảnh hưởng lớn lao của ngài trên luật Giáo hội.
Trong cuộc đời, thánh Râymunđô Penyapho đã không thể làm được nhiều việc như thế nếu không có lòng yêu mến Đức Mẹ và sự chăm chỉ cầu nguyện. Khi làm công việc gì, chúng ta cũng hãy tưởng nhớ đến Mẹ và xin Người giúp đỡ.
Ngày 8 tháng 1
Thánh Tôphin
Người ta đã chỉ tìm ra những chi tiết về cuộc đời của thánh Tôphin rất lâu sau khi ngài qua đời. Tôphin mất năm 1285 trong một đan viện ở nước Bỉ. 50 năm sau, trong lúc xây dựng người ta đột nhiên cải ngôi mộ của ngài lên. Mọi người đều phải ngạc nhiên vì mùi thơm ngào ngạt dễ chịu bốc ra từ cỗ quan tài của Tôphin. Đức viện phụ bắt đầu điều tra sự việc. Ngài tìm đan sĩ cao tuổi tên là Waltơ Muđa, vị này là người còn nhớ về Tôphin. Thực ra, cha Waltơ đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đức tính tốt lành hiền hòa và lòng cương nghị vững vàng của Tôphin nên cha đã sáng tác một bài thơ về ngài. Waltơ đã đặt bài thơ viết về Tôphin trên ngôi mộ. Các đan sĩ đến tìm xem bài thơ. Và họ đã thấy tấm giấy da vẫn còn mới nguyên như ngày người ta đặt nó ở đó.
Các đan sĩ linh cảm rằng đây là dấu hiệu Thiên Chúa muốn cho Tôphin được kính nhớ. Rồi người ta cầu nguyện với ngài và các phép lạ lần lượt xảy ra. Họ đã xin cha Waltơ viết lại bất cứ những gì cha có thể nhớ về Tôphin. Và cha viết rằng Tôphin quê ở Na Uy. Khi làm linh mục, có lẽ ngài đã phục vụ tại nhà thờ chính tòa. Hình như Tôphin đã ký kết một chứng từ quan trọng lúc ở đây. Ngài đã là nhân chứng cho “bản hợp đồng Tônsbơ” năm 1277, bản hợp đồng giữa đại đế VI và đức tổng giám mục ký kết trả tự do cho Giáo hội khỏi quyền kiểm soát của nhà nước. Nhưng vài năm sau đó, vua Êric phế bỏ bản hợp đồng. Ông quay ra chống đối đức tổng giám mục và những người ủng hộ ngài. Đức tổng giám mục bị đuổi đi cùng với Tôphin, lúc ấy là giám mục giáo phận Hamar, Na Uy.
Tôphin khởi sự cuộc hành trình gian khổ tới Flăngđơ. Thậm chí ngài đã bị đắm tàu trong chuyến đi. Sau cùng, Tôphin đã đến sống trong đan viện và qua đời tại đây. Ngài đã viếng thăm Rôma nhưng khi trở về sức khỏe lại rất sa sút. Tôphin không có lắm của cải nhưng ngài cũng đã chia một số cho những người thuộc gia đình ngài; và số khác cho các nhóm giúp việc từ thiện. Rồi Tôphin qua đời ngày 8 tháng Giêng năm 1285. Những người Công giáo ở Hamar, Na Uy vẫn còn tôn kính thánh Tôphin và mừng lễ ngài.
Đôi khi những người tử tế lương thiện không được để ý lưu tâm và không được nhớ ơn. Nếu chúng ta đã từng cảm thấy như thế về bản thân hay về một người nào đó chúng ta yêu mến, chúng ta hãy cầu xin với thánh Tôphin. Ngài sẽ giúp chúng ta nhận biết được đâu là điều thực sự quan trọng trước mặt Chúa.
Ngày 9 tháng 1
Thánh Julianô và thánh Basilisa
Thánh Julianô và thánh Basilisa là hai vợ chồng. Các ngài sống vào khoảng nửa đầu thế kỷ thứ 4. Lòng mộ mến đạo đã khiến các ngài làm một việc cao cả anh hùng: các ngài chuyển nhà vào trong bệnh viện. Bằng cách này, các ngài có thể chăm sóc những người đau ốm và nghèo khó không ai giúp đỡ. Thánh Julianô chăm sóc những người nam, còn thánh Basilisa lo cho những người nữ. Cả hai cùng tìm gặp thấy Chúa Giêsu đang hiện thân trong những người mà các ngài phục vụ. Các ngài làm công việc này chỉ vì tình yêu, không vì tiền bạc hay bất cứ một phần thưởng nào khác.
Chúng ta không được biết nhiều chi tiết về đời sống tại thế của đôi vợ chồng thánh thiện này. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng thánh Basilisa đã ly trần sau cuộc bách hại khủng khiếp vì đức tin. Thánh Julianô sống lâu hơn. Ngài vẫn tiếp tục công việc quảng đại của mình là phục vụ những người đau yếu bệnh hoạn ngay cả sau khi thánh Basilisa qua đời. Sau này thánh Julianô cũng được phúc tử vì đạo.
Thánh Julianô và thánh Basilisa đã dùng cả cuộc đời của mình phục vụ tha nhân và Thiên Chúa. Các ngài đã gieo trồng hạt giống đức tin bằng cách sống cuộc đời thánh thiện và đã chăm bón vun xới đức tin ấy bằng chính việc đổ máu đào vì Chúa Kitô chịu đóng đinh.
Chúng ta có thể noi gương bắt chước hai vị thánh này bằng cách thăm viếng những người đau yếu và những người bơ vơ không nơi nương tựa. Chúng ta cũng có thể làm cho họ vui sướng qua việc lắng nghe và thông cảm với họ
Ngày 10 tháng 1
Thánh William
Thánh William xuất thân trong một gia đình người Pháp khá giả. Ngay từ thuở thơ ấu, William đã không lãng phí thời giờ vào những chuyện vô ích và đã không để cho mình nhàn rỗi biếng lười. Hằng ngày, William dùng thời gian cầu nguyện. Khi vào tu dòng Xitô, William cố gắng trở nên một đan sĩ tốt lành. Các thầy đồng tu rất khâm phục William mặc dù ngài không chủ ý gây ấn tượng cho bất cứ một ai.
Thánh William có lòng sùng kính rất đặc biệt đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Thánh nhân hăng say thực hành những việc khổ chế. Trông ngài luôn hạnh phúc bình an. Khi được chọn làm đan viện phụ của đan viện, William vẫn sống khiêm tốn. Ngài vẫn là ngài. Khi đức tổng giám mục giáo phận Boz qua đời, William được chọn lên kế vị. Thánh nhân tỏ lòng rất biết ơn khi được thánh hiến trong chức vị giám mục nhưng lại không vui vì phải tiếp nhận sự ưu ái lưu tâm của mọi người. William vẫn ở khiêm nhường qua việc ăn năn sám hối để cầu nguyện cho mình và xin ơn hoán cải cho các tội nhân.
Mặc dù ham thích được ở một mình với Chúa Giêsu hiện thân trong bí tích Thánh Thể, William vẫn biết nhiệm vụ của một tổng giám mục như ngài là phải sẵn sàng đi viếng thăm mục vụ trong giáo phận. William cử hành bí tích Thánh Thể và rao giảng đức tin. Ngài cũng thăm nom những người nghèo khó, đau yếu để an ủi họ và mang họ về với Chúa Kitô.
Đức tổng giám mục William qua đời ngày 10 tháng Giêng năm 1209; và được an táng tại nhà thờ chính tòa Boz. Nhiều người cầu nguyện tại mộ phần của William đã thuật lại những phép lạ ngài làm. William được đức thánh cha Hônôriô III tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1218.
Càng đọc truyện các thánh, chúng ta càng hiểu rõ được cách thế các ngài nên thánh. Các ngài đã cầu nguyện, vâng lời, hy sinh và tín thác vào Chúa.
Ngày 11 tháng 1
Thánh Thêôđôsiô
Thánh Thêôđôsiô sinh tại Tiểu Á vào năm 423. Khi còn trẻ, ngài đã hành hương đến thánh địa. Người ta nói rằng Thêôđôsiô được linh hứng bởi “hành trình đức tin” của Abraham trong sách Sáng Thế Ký.
Sau khi viếng thăm những nơi thánh, Thêôđôsiô quyết định sống đời cầu nguyện. Ngài đã xin một người thánh thiện tên là Longinô hướng dẫn. Chẳng bao lâu, người ta đều nhận biết sự thánh thiện của Thêôđôsiô và nhiều người trong số họ đã xin được thụ giáo ngài. Họ cũng muốn trở nên những đan sĩ.
Thánh Thêôđôsiô xây cất một đan viện lớn ở Catimô, gần Bêlem. Ít lâu sau, đan viện này đã đầy ắp những đan sĩ đến từ khắp các nước: Hy Lạp, Ácmênia, Ả Rập, Ba Tư và các nước nói tiếng Slavic (là Nga, Ba Lan và Tiệp Khắc). Cuối cùng, nơi đây đã trở nên một “thành phố nhỏ.” Có một tòa nhà dành cho những người cao tuổi và một khu vực dành riêng cho những người nghèo khổ vô gia cư.
Thánh Thêôđôsiô luôn luôn sống rộng rãi quảng đại. Ngài cung cấp thực phẩm cho rất nhiều người nghèo khó. Đôi lúc dường như không còn đủ lương thực cho các đan sĩ, nhưng Thêôđôsiô vẫn một lòng tín thác vào Chúa. Ngài không bao giờ loại bỏ hay ngoảnh mặt làm ngơ đối với các lữ khách ngay cả khi khan hiếm lương thực. Đan viện là nơi rất an bình. Các đan sĩ sống trong bầu khí thinh lặng và cầu nguyện. Thật có lý khi các thượng phụ giáo chủ của Giáo hội Công giáo Đông phương đã bổ nhiệm Thêôđôsiô làm người đứng đầu các đan sĩ ở Đông phương.
Thánh Thêôđôsiô mất năm 529, thọ 106 tuổi. Thượng phụ giáo chủ Giêrusalem và nhiều người khác đã đến dự đám tang của ngài. Người ta đã chôn cất Thêôđôsiô tại nơi ngài đã sống lúc còn là đan sĩ, nơi mà người ta gọi là “hang của các vị đạo sĩ Đông phương.” Họ đặt cho cái hang tên đó vì họ cho rằng những vị đạo sĩ Đông phương khi tìm kiếm Hài Nhi Giêsu đã lưu lại nơi đây.
Như thánh Thêôđôsiô, mỗi ngày chúng ta hãy cố gắng sống thân mật với Thiên Chúa hơn. Người sẽ ban cho chúng ta sự can đảm cần thiết.
Ngày 12 tháng 1
Thánh Maguarit Bôgôis
Thánh nữ Maguarit Bôgôis sinh ngày 17 tháng Tư năm 1620 tại thành Troy nước Pháp, nhưng thánh nữ đã sống gần tám mươi năm ở Montriơ, nước Canađa. Maguarit là con thứ sáu trong gia đình có mười hai người con. Song thân của Maguarit là những người rất mộ đạo. Khi Maguarit lên mười chín thì thân mẫu qua đời. Thánh nữ đã thay mẹ săn sóc các em trai và em gái của ngài. Thân phụ của Maguarit cũng về trời lúc ngài được hai mươi bảy tuổi. Khi việc gia đình được dàn xếp ổn định, Maguarit đã cầu nguyện xin Chúa cho biết phải làm gì trong cuộc sống của mình. Lúc ấy, nhà lãnh đạo thành phố Montriơ đến thăm nước Pháp. Ông đang gắng tìm những người dạy học cho Tân Thế Giới (gồm Mỹ châu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ). Ông mời Maguarit đến Montriơ dạy các lớp đạo và thánh nữ đã bằng lòng.
Sau đó, Maguarit Bôgôis phân phát phần tài sản thừa kế của mình cho các anh chị em trong gia đình. Họ không thể tin rằng ngài sẽ thực sự rời bỏ đất nước văn minh của họ để đi đến vùng hoang mạc khô cằn bên kia đại dương. Nhưng Maguarit đã ra đi. Ngày 20 tháng Sáu năm 1653, Maguarit vượt biển và đến Canađa vào khoảng giữa tháng Mười Một. Năm 1657, Maguarit Bôgôis tiến hành xây cất một nguyện đường dành để tôn kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Năm 1658, ngài mở một trường dạy học đầu tiên. Maguarit nhận thấy nhu cầu cần phải có thêm nhiều giáo viên hơn cho công việc. Vì thế năm 1659, Maguarit Bôgôis về Pháp và trở lại cùng với bốn người cộng tác. Đến năm 1670, ngài lại đi Pháp và đem về sáu người bạn nữa. Những người nữ can đảm này đã là những nữ tu đầu tiên của tu hội Nữ Tử Đức Bà.
Thánh Maguarit Bôgôis và các nữ tu của ngài đã giúp đỡ các kiều dân khi thực phẩm khan hiếm. Họ mở trường dạy nghề và huấn luyện cho các bạn trẻ biết cách điều khiển công việc ở nhà cũng như ngoài đồng. Cộng đoàn của thánh Maguarit càng ngày càng phát triển. Tính từ năm 1681, cộng đoàn có hết thảy mười tám nữ tu, trong đó có bảy chị người Ấn Độ. Rồi, họ lập thêm những nhóm truyền giáo và hai nữ tu đã đứng ra giúp hội truyền giáo Ấn Độ này. Chính thánh nữ Maguarit Bôgôis đã nhận hai chị người Ấn Độ đầu tiên này vào cộng đoàn.
Năm 1693, Mẹ Maguarit Bôgôis đã trao cộng đoàn lại cho người kế nghiệp Mẹ. Vị bề trên mới này là nữ tu Maria Babiê, người Canađa đầu tiên gia nhập cộng đoàn. Năm 1698, luật dòng của thánh nữ Maguarit Bôgôis được Giáo hội phê chuẩn. Maguarit dùng ít năm cuối đời của mình để cầu nguyện và viết tự truyện. Vào ngày cuối năm 1699, một chị nữ tu trẻ hấp hối. Mẹ Maguarit đã nài xin Thiên Chúa trao đổi sự sống của Mẹ cho chị nữ tu. Đến sáng ngày mùng 1 tháng Giêng năm 1700, chị nữ tu trẻ đã hoàn toàn bình phục. Đối lại Mẹ Maguarit Bôgôis phải chịu một cơn sốt cùng cực. Mẹ đã chịu đau suốt mười hai ngày và qua đời ngày 12 tháng Giêng năm 1700.
Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã phong thánh cho Mẹ Maguarit Bôgôis ngày mùng 2 tháng Tư năm 1982.
Khi không có đủ can đảm để thực hiện những điều mỹ hảo, chúng ta hãy cầu xin với thánh nữ Maguarit Bôgôis giúp chúng ta can đảm và quảng đại như ngài.
Ngày 13 tháng 1
Thánh Hilariô Poichiê
Vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo cũng đã có nhiều người không tin Thiên Chúa như thời đại chúng ta hôm nay. Họ tin có nhiều vị thần minh; và quyền năng của một số vị này thì mạnh mẽ hơn quyền năng của một số vị kia…
Những người này không xấu. Họ chỉ không biết rõ ai là vị thần cao cả quyền thế hơn. Người ta gọi họ là những người thờ ngẫu thần.
Thánh Hilariô được sinh ra trong một gia đình như thế ở Poichiê, một thị trấn của nước Pháp, vào năm 315. Gia đình thánh nhân rất giàu có và danh tiếng. Hilariô được học hành thông giỏi. Thánh nhân cũng đã kết bạn và gầy dựng một gia đình.
Trong suốt quá trình học tập, Hilariô nhận thức được rằng con người ta nên rèn luyện cho mình có những đức tính nhẫn nại, tử tế, công bằng và những tập quán tốt khác. Những hành động tốt lành này sẽ được ân thưởng trong cuộc sống mai hậu. Việc học tập nghiên cứu của Hilariô cũng thuyết phục ngài rằng chỉ có thể có một Thiên Chúa, Đấng hằng hữu, đầy quyền năng và nhân hậu. Lần đầu tiên Hilariô đọc Kinh Thánh. Và khi đọc tới truyện ông Môisê và bụi gai bốc cháy, Hilariô đã xúc động bởi danh xưng Thiên Chúa mạc khải: “Ta là Đấng Tự Hữu.” Hilariô cũng đọc những sách tiên tri. Rồi ngài đọc trọn bộ Kinh Thánh Tân Ước. Khi đọc xong, Hilariô đã hoàn toàn trở lại Công giáo và được lãnh nhận bí tích Thanh tẩy.
Hilariô Poichiê sống đức tin hoàn hảo đến nỗi ngài được cất nhắc làm giám mục. Điều này khiến cho cuộc sống của Hilariô không được thoải mái vì lúc ấy hoàng đế can thiệp vào nhiều vấn đề của Giáo hội. Khi Hilariô lên tiếng phản đối, hoàng đế đã trục xuất ngài ra khỏi quê hương. Đây là lúc các nhân đức nhẫn nại và can đảm tuyệt vời của Hilariô tỏa sáng. Hilariô bình thản chấp nhận án lệnh trục xuất và dùng thời gian viết nhiều sách giải thích đức tin.
Từ khi Hilariô nổi tiếng, các kẻ thù của Hilariô xin vua sai ngài về quê nhà của ngài vì ở đó ngài sẽ ít được người ta chú ý hơn. Bởi vậy, năm 360, Hilariô trở về Poichiê. Ngài tiếp tục viết sách và giảng dạy đức tin cho mọi người. Tám năm sau, Hilariô qua đời, thọ năm mươi hai tuổi. Các sách vở của Hilariô hiện vẫn còn ảnh hưởng đến thời đại chúng ta. Đó là lý do tại sao Hilariô Poisiơ được gọi là Tiến sĩ Hội Thánh.
Chẳng có cuộc sống nào là hoàn toàn dễ dàng! Nhưng khi học với thánh Hilariô Poichiê, chúng ta sẽ thấy cuộc sống không có quá nhiều việc quan trọng, nếu chúng ta chấp nhận giải quyết như chúng vẫn thường xảy đến.
Ngày 14 tháng 1
Thánh Macrina
Hôm mùng 2 tháng Giêng, chúng ta đã mừng lễ tôn kính “thánh cháu” của vị thánh hôm nay. Thánh Basiliô cả sinh khoảng năm 329, xuất thân từ gia đình có nhiều người làm thánh. Thánh nữ Macrina, bà nội của Basiliô, là một trong những người ngài yêu mến nhất. Dường như bà đã nuôi dưỡng Basiliô. Khi thành nhân, Basiliô đã ca ngợi bà nội vì những điều tốt hảo bà đã làm cho ngài. Đặc biệt Basiliô thành thật tỏ lòng cám ơn bà vì đã dạy mình biết mộ mến đức tin Công giáo ngay từ thuở niên thiếu. Macrina và chồng của bà đã biết cái giá thật cao phải trả cho niềm tin Công giáo là thế nào. Trong những cuộc bách hại Rôma của Galêriô và Maximinô, ông bà nội của Basiliô đã phải chạy trốn. Các ngài tìm được một nơi lánh nạn trong khu rừng cạnh ngôi nhà các ngài. Bằng mọi cách có thể, các ngài đã cố gắng xoay sở hầu trốn thoát những kẻ khủng bố. Các ngài luôn chịu đói khát và sợ hãi nhưng không bao giờ các ngài chối bỏ niềm tin. Thay vào đó, các ngài luôn nhẫn nại chờ đợi và cầu nguyện cho những người bách hại. Các ngài tìm kiếm và phải ăn cả đến những hoa cỏ dại để sống sót. Cuộc bách hại này kéo dài bảy năm. Thánh Grêgôriô Nazianzênô, được mừng lễ cùng ngày 2 tháng Giêng với thánh Basiliô, đã thuật lại những chi tiết này.
Trong một cuộc bách hại khác, thánh nữ Macrina và chồng ngài đã bị cướp đoạt hết tài sản. Các ngài đã mất tất cả ngoại trừ lòng tin và niềm hy vọng vào sự bảo dưỡng của Thiên Chúa.
Thánh nữ Macrina sống lâu hơn người chồng của ngài; nhưng cả hai qua đời chính xác vào năm nào thì không được ghi lại. Người ta cho rằng thánh nữ Macrina mất vào khoảng năm 340. Basiliô, cháu trai của ngài, mất năm 379.
Thánh nữ Macrina là người bà thật đáng mến. Ngài đã làm cho Basiliô và các thành viên khác trong gia đình cảm nhận được vẻ đẹp của đạo Kitô vì ngài đã thực sự sống những điều ngài nói. Chúng ta có thể nài xin thánh nữ Macrina giúp chúng ta có được bản chất Kitô giáo như ngài.
Ngày 15 tháng 1
Thánh Phaolô ẩn tu
Khi mất ở độ tuổi một trăm mười ba, thánh Phaolô ẩn tu có cả một quãng đời dài để nhìn về quá khứ. Chắc hẳn là lúc chết, ngài đã nhận được nhiều niềm hoan lạc và bình an. Đây là những lý do:
Thánh Phaolô sinh năm 229 trong một gia đình Công giáo. Họ sống ở vùng Têbê bên nước Ai Cập. Song thân của Phaolô đã hướng dẫn ngài cách yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa với hết cả tâm hồn bằng chính đời sống của họ. Chắc chắn Phaolô đã rất đau buồn khi mất cả cha lẫn mẹ lúc vừa tròn 15 tuổi.
Vài năm sau, năm 250, hoàng đế Đêsiô bắt đầu bách hại Giáo hội cách tàn bạo. Phaolô đã ẩn trốn trong nhà một người bạn nhưng không được an toàn. Người anh rể chiếm giữ tiền bạc và của cải của Phaolô; anh có thể dễ dàng nộp ngài cho các nhà cầm quyền. Vì vậy, Phaolô đã rời bỏ anh để vào ẩn trong sa mạc. Phaolô tìm được một cái hang gần bên cây cọ và dòng nước ngọt. Rồi Phaolô đã định cư ở đó. Phaolô đan những lá cọ lại với nhau làm quần áo. Phaolô sống nhờ trái cây và nước uống.
Phaolô dự định chỉ lưu lại đó cho tới lúc cuộc bách hại kết thúc. Nhưng khi cuộc khủng bố chấm dứt, thánh nhân đã bị cuốn hút say mê vào đời sống cầu nguyện. Phaolô cảm thấy thật gắn bó với Thiên Chúa. Làm sao lại có thể rời bỏ nơi này được? Phaolô quyết tâm ở lại sa mạc và không bao giờ trở về với nếp sống thành thị xa hoa nữa. Thay vào đó, Phaolô sẽ dùng đời sống hằng ngày để cầu nguyện cho những nhu cầu của hết thảy mọi người và cho các tội nhân được ơn hoán cải.
Cùng lúc ấy, có một vị ẩn tu thánh thiện khác tên là Antôn. Thánh Antôn tưởng rằng mình là ẩn sĩ duy nhất. Nhưng Thiên Chúa đã tỏ cho Antôn thấy Phaolô trong một giấc mơ và bảo ngài đến thăm Phaolô.
Thánh Phaolô rất đỗi vui mừng khi gặp được Antôn vì thánh nhân biết chỉ trong vài ngày nữa mình sẽ qua đời. Phần Antôn, ngài đau đớn buồn sầu bởi không muốn mất đi người bạn mới quen biết này sớm như vậy. Và Phaolô đã về trời ngày 15 tháng Giêng năm 342 như ngài tiên báo. Antôn chôn táng ngài trong tấm áo khoác ngoài của thánh Athanasiô. Sau đó, Antôn trở về nhà và cất giữ kỹ lưỡng bộ áo quần kết bằng những chiếc lá cọ mà Phaolô đã dùng. Thánh nhân không bao giờ quên người bạn thật phi thường tuyệt vời này.
Chúng ta có thể trân trọng giữ gìn một kỷ vật, thậm chí một ký ức đẹp của một người nào đó chúng ta yêu mến mà nay đã lìa đời. Chúng ta sẽ cảm thấy điều này rất gần gũi khi gặp lại trên thiên đàng.
Ngày 16 tháng 1
Thánh Bêra và các bạn tử đạo
Một nhóm tu sĩ dòng Phanxicô được thánh Phanxicô Assisiô trao cho công tác đến Môrôcô. Họ có nhiệm vụ truyền bá giáo lý Kitô giáo cho những người Hồi giáo. Vì vậy năm 1219, các tu sĩ Bêra, Phêrô, Ađatô, Accusiô và Ôđô đã vượt tàu ra đi. Môrôcô là một miền đất xa xôi nằm ở phía tây bắc Phi châu. Chuyến đi thật dài ngày và nguy hiểm! Nhưng sau cùng, các ngài đã đến Sêvil, nước Tây Ban Nha và lập tức các ngài rao giảng trên các đường phố và công trường. Người ta coi các ngài như những người mất trí và họ đã bắt giam các ngài. Để khỏi bị trở về quê hương, các tu sĩ đã nói rằng họ muốn được gặp đức vua các nước Hồi giáo. Vì thế, chính phủ Sêvil đã gởi các ngài tới Môrôcô.
Vua các nước Hồi giáo đã tiếp nhận các tu sĩ và cho phép các ngài được tự do rao giảng trong thành phố. Nhưng có một số người không thích chuyện này. Họ phàn nàn với các nhà cầm quyền. Do đó, nhà vua đã cố gắng cứu các ngài bằng cách gởi các ngài đến trú ngụ ở Marakê, phía tây vùng biển Môrôcô. Có một nhà quý tộc theo đạo Công giáo và là bạn của vua các nước Hồi giáo tên là Đôm Pêrô Phécnăngđô đã đem các ngài về nhà ông. Nhưng các ngài biết sứ mệnh của mình là phải rao giảng đức tin. Vì vậy, các ngài lại trở về thành phố. Điều này đã chọc giận một số người không muốn nghe sứ điệp của các ngài. Những lời than phiền đã làm cho vua các nước Hồi giáo giận dữ đến nỗi một ngày kia khi nhìn thấy các tu sĩ đang giảng dạy, vua liền ra lệnh cho các ngài một là phải ngưng ngay lại còn không thì phải rời khỏi đất nước. Khi trình bày việc phải thực hiện một trong hai điều là bất công, các ngài liền bị xử trảm ngay tại chỗ. Hôm đó là ngày 16 tháng Giêng năm 1220.
Đôm Pêrô đến nhận xác các thánh tử đạo. Cuối cùng, ông mang di hài các ngài tới thánh đường Thánh Giá ở Cômbra, nước Bồ Đào Nha. Sứ mệnh đến Môrôcô của các tu sĩ thật vắn vỏi và bề ngoài xem có vẻ như thất bại nhưng kết quả lại thật gây ảnh hưởng. Câu truyện của những vị anh hùng này đã thắp lên trong lòng các tu sĩ dòng Phanxicô ước muốn cũng được đi truyền giáo và tử đạo. Gương chứng nhân đặc biệt của các ngài đã thôi thúc một thanh niên khao khát muốn được hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa với danh hiệu là linh mục dòng Phanxicô. Chúng ta biết ngài chính là thánh Antôn Pađua, lễ kính ngày 13 tháng Sáu.
Chúng ta không phải lo lắng về sự thành đạt hay thất bại trong công việc chúng ta làm, miễn là chúng ta cố gắng với hết khả năng của mình. Thiên Chúa có thể dùng những nỗ lực và sự dâng hiến của chúng ta để giúp những người khác sống tốt hơn.
Ngày 17 tháng 1
Thánh Antôn Ai Cập
Thánh Antôn sinh năm 251 tại một ngôi làng nhỏ bên nước Ai Cập. Khi lên hai mươi tuổi, song thân Antôn qua đời. Họ để lại cho Antôn một gia sản lớn và giao cô em gái cho Antôn coi sóc. Antôn cảm thấy tràn ngập đau buồn và ngài đã cầu nguyện với Thiên Chúa. Dần dần, Antôn ý thức hơn về quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc đời của ngài. Khoảng sáu tháng sau, Antôn nghe được lời này của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh: “Hãy đi bán tất cả những gì anh có và hãy bố thí cho người nghèo; và anh sẽ có một kho tàng trên trời” (Lc 18,22). Antôn đã chiếm giữ những lời đó như một sứ điệp riêng hướng dẫn các kinh nguyện của mình. Ngài đã bán hầu hết của cải, chỉ giữ lại một phần nhỏ đủ để nuôi sống bản thân và người em gái. Rồi Antôn đem phân chia cho những người nghèo khổ hết số tiền ấy.
Sau đó, cô em gái của Antôn gia nhập nhóm các chị em sống đời cầu nguyện và chiêm niệm. Còn Antôn thì quyết định trở thành một ẩn sĩ. Ngài đã nài xin một thầy ẩn tu cao niên hướng dẫn mình về đường thiêng liêng. Antôn cũng viếng thăm những vị ẩn sĩ khác nhằm có thể học hỏi được các nhân đức nổi bật nơi mỗi vị. Rồi thánh Antôn bắt đầu đời sống cầu nguyện và sám hối riêng một mình với Thiên Chúa.
Khi được 55 tuổi, thánh Antôn xây một tu viện để giúp đỡ những người khác. Nhiều người nghe biết về danh của Antôn đã đến xin ngài những lời khuyên. Thánh nhân đã ban cho họ những lời khuyên thực tế như: “Ma quỷ sợ chúng ta khi chúng ta cầu nguyện và hy sinh. Nó cũng sợ chúng ta khi chúng ta sống khiêm tốn và nhân hậu. Nó đặc biệt khiếp sợ khi chúng ta yêu mến Chúa Giêsu thắm thiết. Nó chạy xa khi chúng ta làm dấu Thánh Giá.”
Thánh Antôn đã viếng thăm thánh Phaolô ẩn tu, là vị thánh chúng ta vừa mừng kính hôm 15 tháng Giêng. Nhờ bởi gương sáng đời sống thánh thiện của thánh Phaolô mà Antôn cảm thấy được can đảm mạnh mẽ thêm. Và rồi Antôn đã mất sau một cuộc đời dài chìm đắm trong cầu nguyện. Antôn sống thọ 105 tuổi. Thánh Athanasiô đã viết một cuốn tiểu sử nổi tiếng về thánh Antôn Ai Cập. Chúng ta sẽ mừng lễ kính thánh Athanasiô ngày 2 tháng Năm.
Chúng ta không bao giờ nên nản lòng thất vọng khi ma quỷ cám dỗ chúng ta làm những điều sai quấy. Hãy nhớ rằng Đức Chúa Giêsu luôn luôn ở ngay bên cạnh chúng ta. Nếu chúng ta cầu nguyện, Người sẽ trợ giúp. Người sẽ ân thưởng cho tình yêu và lòng trung thành bền đỗ của chúng ta.
Ngày 18 tháng 1
Chân phước Christina
Chân phước Christina sống vào thế kỷ thứ mười sáu. Ngài sinh ở Abruzi, nước Ý. Tên thánh của Christina là Mátthia. Khi lớn lên, Mátthia cảm thấy Chúa gọi mình sống đời cầu nguyện và ăn năn sám hối. Ngài muốn trở nên một nữ tu dòng kín. Vì thế, Mátthia đã xin vào tu viện kín Augustinô ở Aquila và đổi tên là “sơ Christina.”
Cuộc sống của sơ Christina thật âm thầm lặng lẽ; thế nhưng người dân miền Aquila dần dà đã nhận ra vẻ đẹp ơn gọi của ngài. Christina và những chị nữ tu khác đã mang nhiều phúc lành xuống cho người dân qua hiến lễ cầu nguyện của các chị. Sơ Christina tuy đang sống trong dòng kín nhưng cũng cảm hiểu được những nhu cầu thiết yếu của các người dân nghèo cư ngụ trong vùng ấy. Sơ và các chị em đã cung cấp cho họ những thứ có thể. Chính bản thân sơ Christina cũng nhận thức được những thánh giá và những đau khổ họ phải chịu. Sơ cầu nguyện và dâng các việc đền tội lên Thiên Chúa để cầu cho những ý chỉ của họ.
Chúa Giêsu đã chúc lành cho Christina qua những lần xuất thần và ban cho ngài khả năng biết trước tương lai. Thậm chí Thiên Chúa đã dùng Christina làm nhiều phép lạ cho những người dân lành. Khi Christina qua đời, các trẻ nhỏ miền Aquila đã chạy tràn ra đường phố và hô lớn tiếng: “Chị nữ tu thánh thiện đã qua đời!” Đó là ngày 18 tháng Giêng năm 1543. Một đám đông người đã đến tỏ lòng tôn kính và cảm ơn Christina vì tặng ân sơ đã sống nơi thành phố của họ.
Chúng ta hãy cầu xin chân phước Christina giúp chúng ta biết quý trọng lời cầu nguyện trong đời sống hằng ngày
Ngày 19 tháng 1
Thánh Canut
Thánh Canut là một quân vương khôn ngoan tráng kiện của nước Đan Mạch. Ngài sống vào thế kỷ thứ mười một. Canut là một vận động viên ưu tú, một tay kỵ mã cừ khôi và là một nhà chiến lược tuyệt vời.
Khởi đầu triều đại uy quyền của mình, vua Canut đã hướng dẫn một cuộc chiến chống lại những người man rợ, vì những người này đe dọa sẽ thống lãnh thế giới văn minh. Vua Canut và đội quân của ngài đã đánh bại bọn họ. Canut yêu mến đức tin Kitô giáo thật tha thiết đến nỗi ngài đã giới thiệu cho những người chưa bao giờ được nghe nói về Kitô giáo.
Thánh Canut thường quỳ gối trong thánh đường dưới chân bàn thờ và dâng cho Chúa Giêsu Vua các vua vương miện của mình. Canut rất giàu lòng khoan dung và kiên nhẫn đối với thần dân của ngài. Canut cố giúp đỡ họ giải quyết những vấn đề khó khăn. Nhưng trên tất cả, thánh vương Canut muốn giúp họ trở nên những môn đồ đích thực của Đức Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, xảy ra có một cuộc nổi loạn chống chính quyền trong vương quốc của Canut vì những khoản luật ngài đã ban hành ủng hộ Giáo hội. Ngày kia, vài người tức giận đã đến ngôi thánh đường nơi Canut đang cầu nguyện. Canut biết họ đến hãm hại mình. Trong lúc các kẻ thù vẫn còn ở ngoài, vua Canut đã lãnh nhận các bí tích Hòa giải và Thánh Thể. Ngài cảm thương cho những người bực tức muốn giết ngài. Với tất cả tấm lòng, Canut đã tha thứ cho họ. Rồi, đang khi Canut cầu nguyện, họ đã phóng một ngọn giáo qua cửa sổ đâm thẳng vào ngài và Canut đã chết. Đó là ngày mùng 10 tháng Bảy năm 1086.
Thánh Canut cố gắng trở nên một vị quân vương tốt đến nỗi ngài đã cám ơn Thiên Chúa vì những ơn phúc ngài được lãnh nhận. Hằng ngày chúng ta cũng hãy cảm tạ Thiên Chúa và tiến dâng Người một vương miện kết bằng những việc làm tốt hảo của chúng ta.
Ngày 20 tháng 1
Thánh Fabianô và thánh Sêbastianô
Thánh Fabianô là giáo hoàng tử đạo năm 250. Đó là thời bắt đạo của vua Đêsiô. Các văn gia tiên khởi đã viết rằng Fabianô là một người vĩ đại lạ thường và nổi tiếng thánh thiện. Trong một lá thư ngắn được viết sau cái chết của đức Fabianô, thánh Cyprianô đã giải thích cách thức đức Fabianô được chọn làm giáo hoàng như sau: nhóm người họp lại chọn vị giáo hoàng kế tiếp đã nhận được một dấu lạ là phải chọn Fabianô làm giáo hoàng. Fabianô là người giáo dân đầu tiên được làm giám mục, giáo hoàng và được phúc tử vì đạo. Những di tích của đức Fabianô hiện đang được lưu giữ trong vương cung thánh đường thánh Sêbastianô. Hai vị tử đạo này cùng được mừng chung một ngày lễ.
Thánh Sêbastianô trở nên rất nổi danh vào những thế kỷ đầu của Giáo hội sơ khai. Là sĩ quan Rôma, ngài được mọi người biết đến vì tấm lòng dũng cảm và tư cách tốt lành. Suốt thời kỳ bách hại của Điôclêsiô, Sêbastianô đã không chối bỏ đạo Công giáo. Những người bắn cung đã bắn các mũi tên vào thân xác Sêbastianô và bỏ ngài chết ở đó. Khi một bà góa thánh thiện đến táng xác Sêbastianô, bà rất kinh hoàng vì thấy ngài vẫn còn sống. Bà liền đưa Sêbastianô về nhà và băng bó các vết thương cho ngài. Rồi khi Sêbastianô bình phục, bà đã thuyết phục ngài trốn thoát cho khỏi những nguy hiểm của Rôma. Nhưng Sêbastianô là một sĩ quan gan dạ. Ngài không đào tẩu. Thậm chí ngài đã tiến lại gần Điôclêsiô và can đảm thuyết phục vua phải ngưng ngay việc bách hại những tín hữu Công giáo.
Nhà vua hoảng hồn khi nhìn thấy Sêbastianô vẫn còn sống. Ông không nghe những điều người sĩ quan nói và đã ra lệnh đánh đòn cho đến khi Sêbastianô tắt thở. Thánh nhân qua đời năm 228.
Thánh Fabianô là giáo hoàng và thánh Sêbastianô là binh sĩ. Các ngài dạy chúng ta rằng Chúa Giêsu yêu thương từng người chúng ta vừa khi chúng ta có mặt trên thế gian này. Như hai thánh Fabianô và Sêbastianô, mỗi người chúng ta cũng có một món quà để trao ban. Món quà ấy là thực hiện vai trò trách nhiệm lớn lao như Fabianô hoặc là một sĩ quan dâng hiến như Sêbastianô. Nhưng điều quan trọng là phải trao ban hoàn toàn như gương sống của các ngài.
Ngày 21 tháng 1
Thánh Annê
Thánh Annê là một thiếu nữ Rôma qua đời năm 304. Ngài chịu tử đạo vì đức tin khi mới mười hai tuổi. Thánh nữ Annê được rất nhiều người biết đến dù lịch sử chỉ kể lại được vài chi tiết về ngài. Điều này thật cá biệt vì thánh Ambrôsiô và các vị thánh thời danh khác trong Giáo hội sơ khai đã viết về đời sống của thánh nữ. Annê yêu mến Đức Chúa Giêsu cách tha thiết đến nỗi thánh nữ chỉ chọn Đức Chúa Giêsu làm bạn trăm năm của mình. Nhiều chàng thanh niên lúc ấy ao ước được kết hôn với Annê vì thánh nữ có sắc đẹp. Tuy vậy, Annê chỉ muốn dâng hiến trái tim của thánh nữ cho một mình Đức Chúa Giêsu. Annê luôn luôn nói rằng: “Chỉ mình Giêsu là hôn phu của tôi!” Ngài đã từ chối kết hôn với con trai của một vị thống đốc và việc này làm cho ông rất bực mình. Ông đã cố gắng thuyết phục Annê chấp nhận làm vợ của ông bằng những tặng vật và những lời hứa hẹn. Nhưng Annê vẫn nhất mực trả lời ông rằng: “Tôi đã đoan hứa với Thiên Chúa rồi!”
Thánh nữ Annê bị buộc tội là tín hữu Công giáo và người ta đã đem ngài đến với nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền hứa ban tặng Annê những món quà đẹp nếu chối bỏ Thiên Chúa. Nhưng thánh nữ đã từ chối. Rồi, nhà cầm quyền lại cố gắng làm cho Annê hoảng sợ bằng cách trói ngài lại. Annê vẫn không chịu khuất phục. Thánh nữ còn phải chịu nhiều cực hình tra tấn khác nữa. Sau cùng, Annê đã bị kết án và bị giết.
Thánh nữ Annê được chôn cất trong một nghĩa trang cùng mang tên với ngài (nghĩa trang Annê). Năm 354, con gái của hoàng đế Constantinô đã xây một ngôi thánh đường lớn ở đó và đã cho đặt thi hài của thánh nữ Annê bên dưới bàn thờ.
Thánh nữ Annê đã có những quyết định anh hùng và đã kiên tâm thực thi những quyết định ấy. Annê làm được việc này bởi ngài đã đặt Đức Chúa Giêsu làm trung tâm cuộc đời niên thiếu của ngài. Thánh nữ xin Thiên Chúa ban cho sức mạnh để sống trung thực với lời cam kết Kitô giáo của ngài. Chính tình yêu Chúa đã ban cho thánh nữ Annê sức mạnh cần thiết. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ Annê ban cho sự can đảm và lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu.
Ngày 22 tháng 1
Thánh Vinhsơn Saragôsa
Thánh Vinhsơn Saragôsa chịu tử đạo ở Tây Ban Nha năm 304, cùng năm với thánh nữ Annê chịu tử đạo ở Rôma. Cả hai vị thánh đều là những nạn nhân của cuộc bách hại dã man của vua Đasiô.
Thánh Vinhsơn sinh trưởng ở miền Saragôsa, nước Tây Ban Nha. Ngài được thánh giám mục Valêriô dạy dỗ và được nhận chức phó tế. Thậm chí dù khi Vinhsơn còn rất trẻ, Valêriô cũng nhận ra được những tài năng và đức tính quý báu nơi ngài. Giám mục Valêriô đã mời ngài giảng dạy các môn học về Chúa Giêsu và về Giáo hội.
Vua Đasiô đã bắt cả Valêriô lẫn Vinhsơn Saragôsa. Ông giam giữ các ngài suốt một thời gian dài nhưng cả hai đã không để cho tinh thần mình sa sút. Cả hai vẫn tin tưởng vào Đức Chúa Giêsu. Rồi, nhà vua trục xuất Valêriô nhưng ông lại dùng nhục hình dã man để tra tấn Vinhsơn.
Thánh Vinhsơn Saragôsa nài xin Chúa Thánh Linh ban thêm sức mạnh. Ngài muốn trung thành với Đức Chúa Giêsu dù phải chịu những khổ hình khủng khiếp. Và Thiên Chúa đã ban cho ngài sức mạnh. Thầy phó tế Vinhsơn vẫn bình an trong tất cả mọi đau khổ. Khi những cuộc hành hình tra tấn kết thúc, Vinhsơn được trở về nhà giam nơi ngài đã làm cho một người cai tù ăn năn trở lại. Sau cùng, nhà vua đành nhượng bộ và cho phép giáo dân vào thăm Vinhsơn. Các Kitô hữu đến băng bó vết thương cho ngài. Họ cố gắng làm cho Vinhsơn được thoải mái. Ít lâu sau, Vinhsơn Saragôsa qua đời.
Thánh Vinhsơn Saragôsa vẫn vững vàng can đảm trong suốt cuộc bách hại nhờ ảnh hưởng của Valêriô, vị giám mục thánh thiện. Vinhsơn Saragôsa đã học được ở nơi vị giám mục này cách thức để trở thành người môn đệ của Đức Chúa Giêsu. Thánh Vinhsơn Saragôsa sẽ giúp chúng ta nhận biết và dõi theo gương sáng của tha nhân nếu chúng ta cầu xin ngài.
Ngày 23 tháng 1
Thánh Gioan bố thí
Thánh Gioan là một nhà quý tộc trung thành với Kitô giáo. Ngài đã dùng của cải và địa vị của mình để giúp đỡ những người nghèo khó. Sau khi người vợ qua đời, Gioan trở thành linh mục, rồi giám mục. Năm 608, Gioan được tấn phong làm thượng phụ giáo chủ thành Alêxanđria bên Ai Cập. Người ta có thể kỳ vọng gì nơi vị giáo chủ này, là người hiện đang nắm giữ một vị thế quan trọng? Thánh Gioan khi lãnh nhận chức vụ mới đã tập trung vào việc hàn gắn những mối chia rẽ giữa các Kitô hữu. Chính ngài đã nài xin mọi người thực hành một “đức bác ái không biên giới.” Việc đầu tiên Gioan làm là xin một danh sách liệt kê đầy đủ những “chủ nhân” của ngài. Người ta xin Gioan cho biết lý do, và ngài ám chỉ về những người nghèo khổ. Khi tổng kết lại, số người dân nghèo trong vùng Alêxanđria có khoảng 7500 người. Và thánh Gioan đã tự nhận làm người bảo trợ mạng sống của họ.
Với tư cách là thượng phụ giáo chủ, thánh Gioan công bố những khoản luật và ấn hành chính sách canh tân. Ngài có tấm lòng khoan dung và đáng kính nhưng rất cương quyết vững vàng. Gioan đã bỏ ra hai ngày trong tuần, thứ Tư và thứ Sáu, để tiếp chuyện những người ước ao muốn gặp ngài. Họ xếp hàng và nhẫn nại chờ đợi đến lượt mình. Một số người thì giàu có, số khác nghèo khổ và vô gia cư. Nhưng mọi người đều được lãnh nhận cùng một sự ưu ái quan tâm và nhã nhặn lịch thiệp của Gioan.
Khi nhận biết trong ngân quỹ của Giáo hội còn tám mươi ngàn lượng vàng, thánh Gioan liền phân phát hết thảy cho các bệnh viện và tu viện. Ngài đã lập ra một quỹ từ thiện để nhờ đó những người nghèo khổ có thể nhận được số tiền tương xứng và những phương tiện cần thiết để chu cấp cho bản thân cũng như gia đình của họ. Những người tỵ nạn từ khắp các vùng lân cận cũng được tiếp đón cách nồng hậu. Sau khi những người Ba Tư cướp phá Giêrusalem, thánh Gioan đã gởi tiền bạc và những tiếp tế cần thiết cho các nạn nhân đau khổ. Thậm chí Gioan còn gởi những công nhân Ai Cập xuất sắc đến giúp khôi phục lại các ngôi thánh đường ở đó.
Khi dân chúng muốn biết làm thế nào mà thánh Gioan đã có thể quá vị tha và giàu lòng quảng đại đến như vậy, thì thánh nhân trả lời nghe có vẻ rất ngỡ ngàng: Một ngày kia lúc còn trẻ, Gioan đã nằm mộng. Ngài thấy một cô bé xinh đẹp và nhận ra cô chính là biểu hiện của “Lòng Bác Ái.” Cô bé nói với Gioan: “Tôi là nàng công chúa vĩ đại nhất của đức vua. Nếu ngài tin tưởng tôi, tôi sẽ dẫn ngài đến với Đức Chúa Giêsu. Không ai có quyền thế nơi Người như tôi. Hãy nhớ rằng chính vì tôi mà Người đã hóa nên một trẻ thơ để cứu rỗi nhân loại!” Thánh Gioan không bao giờ cảm thấy chán khi nói về thị kiến này. Ngài dịu dàng khuyên bảo những người giàu hãy có tấm lòng khoan dung rộng lượng. Ngài khuyên những người nghèo khổ hãy biết tín thác vào Thiên Chúa là Đấng luôn luôn hiện diện ở đó và đang sẵn lòng cứu giúp họ.
Thánh Gioan qua đời cách an bình thánh thiện vào ngày 11 tháng Mười Một năm 619. Vì lòng bác ái lớn lao mà Gioan được gọi là “người hay bố thí.”
Đôi khi chúng ta dễ bị cám dỗ phải chiếm cho được “địa vị đứng đầu.” Khi có những tư tưởng và thái độ như thế, chúng ta hãy cầu xin với thánh Gioan bố thí. Chúng ta hãy nài xin thánh nhân san sẻ cho chúng ta tấm lòng bao dung quảng đại của ngài.
Ngày 24 tháng 1
Thánh Phanxicô Salêsiô
Thánh Phanxicô sinh ngày 21 tháng Tám năm 1567 tại lâu đài Salêsiô ở Savoy, nước Pháp. Gia đình giàu có của Phanxicô đã lo liệu cho ngài ăn học thành tài. Năm lên 24 tuổi, Phanxicô Salêsiô đỗ Tiến sĩ luật. Sau đó, ngài trở về Savoy và làm việc hết sức cần mẫn. Dường như Phanxicô Salêsiô chẳng màng chi đến những địa vị quan trọng hay đời sống xã hội gì. Trong tâm hồn, ngài nghe thấy tiếng gọi “hãy trở về” như một lời vang vọng nào đó bên tai. Hình như đó là lời Thiên Chúa đang mời gọi ngài hãy trở nên một linh mục. Cuối cùng, Phanxicô Salêsiô đã cố gắng trình bày tình trạng chiến đấu nội tâm của mình cho gia đình biết. Nhưng thân phụ ngài rất đỗi thất vọng. Ông muốn Phanxicô của ông trở thành một vĩ nhân của thế giới. Ảnh hưởng của gia đình hẳn đã làm cho Phanxicô Salêsiô có thể thực hiện được mục tiêu này, nhưng thay vào đó, Phanxicô Salêsiô đã trở nên một linh mục ngày 18 tháng Mười Hai năm 1593.
Linh mục Salêsiô sống trong thời kỳ các tín hữu bị chia rẽ hết sức gay gắt. Ngài đã tình nguyện đi tới một nơi nguy hiểm nhất của nước Pháp để thuyết phục những tín hữu Công giáo theo phái Thệ phản trở về. Thân phụ ngài phản đối. Ông nói rằng ông đã quá ân hận khi cho phép Phanxicô làm linh mục; giờ đây ông sẽ không để cho Phanxicô phải chịu tử đạo nữa. Nhưng Phanxicô Salêsiô tin tưởng Thiên Chúa sẽ bảo vệ mình. Ngài và người cậu, cha Luy Salêsiô, đã trẩy bộ đến Đuchi Cablais. Hai linh mục sớm hòa nhập được lối sống với những bất tiện vật chất và những lời nguyền rủa xúc phạm đến phẩm giá của mình. Cuộc sống các ngài thường xuyên bị những nguy hiểm đe dọa. Tuy nhiên, giáo dân đã lần lượt trở về với Giáo hội.
Sau cùng, Phanxicô Salêsiô trở thành giám mục giáo phận Giơnêva, Thụy Sĩ. Năm 1610, với sự trợ giúp của thánh nữ Giăng Săngtan, thánh Phanxicô Salêsiô đã thiết lập một dòng tu dành cho các chị em. Người ta gọi những nữ tu này là các Chị Dòng Thăm Viếng. Phanxicô Salêsiô viết nhiều sách rất giá trị về đời sống nội tâm và cách thức nên thánh. Những sách Chuyên luận về tình yêu Thiên Chúa và Dẫn vào đời sống đạo đức hiện vẫn đang còn được tái bản. Chúng được coi như những “tác phẩm lưu danh” dạy đàng nhân đức.
Giám mục Phanxicô Salêsiô mất ngày 28 tháng Mười Hai năm 1622, thọ năm mươi sáu tuổi. Ngài được đức thánh cha Innôcentê X tôn phong hiển thánh năm 1665; và được ban tặng danh hiệu đặc biệt “Tiến sĩ Hội Thánh” vì sự tận hiến anh hùng của ngài đối với Giáo hội. Ngài cũng là thánh quan thầy của các nhà báo.
Chúng ta có thể học được rất nhiều kinh nghiệm nơi vị thánh đặc biệt này. Thánh Phanxicô Salêsiô nói rằng mỗi người chúng ta có thể làm được nhiều việc tốt trong cuộc đời của mình. Chúng ta hãy nài xin thánh Phanxicô Salêsiô giúp chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa và tin cậy vào sự trợ giúp của Người.
Ngày 25 tháng 1
Cuộc trở lại của thánh Phaolô
Thánh Phaolô sống cùng thời với Đức Chúa Giêsu. Nhưng như chúng ta biết, các ngài chưa bao giờ gặp mặt nhau. Lúc đầu, Phaolô có tên là Saolô. Khi còn trẻ, ngài là một sinh viên sáng dạ thông minh sống theo đạo luật Dothái. Lớn lên, Phaolô bách hại những người đi theo Đức Chúa Giêsu.
Chúng ta đọc thấy cuộc trở lại thật ngạc nhiên của Saolô (nơi những chương 9, 22, 26) trong sách Tông đồ Công Vụ. Điều gì đã xảy ra? Vào một ngày kia, đang lúc Phaolô hành trình tới thành Đamát để lùng bắt nhiều Kitô hữu hơn, thình lình một luồng sáng lớn chiếu thẳng vào ngài. Khi té xuống đất, Saolô nghe thấy một giọng nói: “Saolô, Saolô, sao ngươi bách hại ta?” Saolô trả lời: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Và giọng nói ấy đáp: “Ta là Giêsu, Người mà ngươi đang bách hại!” Saolô kinh ngạc và bối rối. Sau vài giây, Saolô hỏi: “Ngài muốn tôi làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Hãy đi tới Đamát và ở đó ngươi sẽ biết phải làm gì!”
Ngay chính giờ phút ấy, nhờ quyền năng của Thiên Chúa, Saolô đã được hồng ân tin nhận Đức Chúa Giêsu. Yếu ớt và run sợ, Saolô xin các đồng bạn của ngài giúp đỡ. Họ đã dẫn Saolô vào thành Đamát. Ánh sáng khi nãy đã làm lóa mắt Saolô. Giờ đây, chính trong lúc mù quáng mà Saolô có thể “nhìn thấy” sự thật. Và Chúa Giêsu đã đích thân gặp gỡ Saolô, mời gọi Saolô hoán cải cuộc đời. Saolô trở nên người yêu đặc biệt của Đức Chúa Giêsu. Sau khi chịu phép Thanh tẩy, Saolô chỉ suy tưởng đến việc giúp cho mọi người nhận biết và yêu mến Đức Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc.
Chúng ta biết được Saolô là nhờ bởi tên gốc tiếng Rôma của ngài: Phaolô. Ngài được gọi là “tông đồ.” Ngài đi khắp nơi rao giảng Tin mừng. Ngài đã làm cho rất nhiều người nhận biết và tin theo Đức Chúa Giêsu. Phaolô đã làm việc và chịu đau khổ vì Chúa. Nhiều lần những kẻ thù đã cố tìm cách giết ngài; nhưng không gì có thể ngăn cản được Phaolô. Lúc về già, có lần ngài bị tống giam và bị tuyên án tử, nhưng thánh Phaolô vẫn vui sướng chịu đựng cho dù phải chết vì Chúa Kitô.
Vị tông đồ cao cả này đã viết nhiều thư rất hay cho các tín hữu. Những thư này trong Kinh Thánh được gọi là những thánh thư, được trích đọc ở phần phụng vụ lời Chúa trong thánh lễ.
Sự trở lại của thánh Phaolô tông đồ rất quan trọng cho đời sống của Giáo hội. Chúng ta được nhắc nhớ rằng Thiên Chúa cũng đang kiếm tìm chúng ta. Người tìm chúng ta dọc theo con đường Đamát của mỗi người. Người mời gọi chúng ta hãy từ bỏ mọi sự trong cuộc sống để chỉ giữ lại mình Người. Chúng ta có nhận ra Người như Phaolô đã nhận ra không? Chúng ta có sẵn lòng trở nên những môn đệ đích thực của Đức Chúa Giêsu như thánh Phaolô không? Chúng ta hãy nài xin thánh Phaolô giúp đỡ chúng ta.
Ngày 26 tháng 1
Thánh Timôthêô và thánh Titô
Ngoài việc là những thánh nhân và là những giám mục trong Giáo hội sơ khai, Timôthêô và Titô còn có vài điểm giống nhau nữa. Cả hai đều nhận lãnh ơn đức tin do lời rao giảng của thánh Phaolô.
Thánh Timôthêô sinh ở Lycaonia thuộc vùng Tiểu Á. Thân mẫu ngài là người Dothái và thân phụ ngài là người dân ngoại. Khi Phaolô đến Lycaonia giảng dạy thì Timôthêô, thân mẫu và bà ngoại của ngài, tất cả đều được trở nên những Kitô hữu. Sau nhiều năm, Phaolô trở lại và nhận thấy Timôthêô đã khôn lớn. Phaolô cảm thấy Chúa muốn gọi Timôthêô làm tông đồ truyền giáo cho Chúa nên đã mời Timôthêô cộng tác với mình rao giảng Tin mừng. Sau đó, Timôthêô rời bỏ cha mẹ, nhà cửa và đi theo Phaolô. Ngài cùng chia sẻ đau khổ với Phaolô. Các ngài vui mừng ra đi mang lời Chúa đến cho mọi người. Timôthêô là tông đồ yêu quý đặc biệt của Phaolô; và Phaolô xem ngài như đứa con nhỏ của mình. Timôthêô đã cùng Phaolô đi khắp nơi cho tới khi được đặt làm giám mục thành Êphêsô. Rồi Timôthêô ở đó coi sóc đoàn chiên của ngài. Như Phaolô, Timôthêô cũng được phúc tử đạo.
Thánh Titô là người ngoại giáo. Ngài cũng là môn đệ của Phaolô. Titô có tâm hồn quảng đại và đức tính chăm chỉ. Ngài rất vui sướng khi được cùng với Phaolô rao giảng Tin mừng trong những chuyến mục vụ. Vì Titô rất đáng tín nhiệm nên Phaolô đã trao phó cho ngài “công việc rao giảng” cho các cộng đồng Kitô hữu. Titô giúp họ kiện toàn đức tin trong Chúa Giêsu Kitô. Ngài có thể kiến tạo hòa bình khi có những cuộc cãi vã hoặc tranh chấp giữa các tín hữu. Titô có ơn đặc biệt trong việc hòa giải. Phaolô rất quý trọng ơn này nơi Titô và ngài chân nhận đó là công việc của Chúa Thánh Linh. Ngài hay sai Titô đi dàn xếp những vấn đề khó khăn. Khi Titô xuất hiện giữa những Kitô hữu đang bất bình cãi vã nhau, thì họ liền hối hận và lại làm hòa. Họ xin Titô tha thứ và hứa sẽ đền bù những thiệt hại đã gây ra cho nhau. Khi hòa bình được tái lập, Titô trở về và thuật lại cho Phaolô nghe những thành quả tốt đẹp. Điều này đã làm cho Phaolô và những Kitô hữu tiên khởi vui mừng hạnh phúc.
Thánh Phaolô đã đặt Titô làm giám mục vùng quần đảo Crêta, nơi ngài định cư cho tới khi qua đời.
Thánh Timôthêô và thánh Titô đã dâng hiến cả cuộc đời, thời giờ và sức lực của mình cho Chúa Giêsu. Các ngài là những môn đệ đích thực của thánh Phaolô. Người ta rất dễ không mộ mến vì quá quen hoặc không để tâm đến những người như vậy. Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho hết thảy mọi người đang rao giảng Tin mừng như Phaolô, Timôthêô và Titô.
Ngày 27 tháng 1
Thánh Angiêla Merisi
Thánh nữ Angiêla Merisi được sinh ra trong thị trấn nhỏ Đêsenzanô bên nước Ý, vào khoảng năm 1474. Khi Angiêla lên 10 thì song thân qua đời. Angiêla và người chị gái lớn hơn ngài ba tuổi rất thương nhau. Một người chú họ giàu có đã đem hai chị em về nhà nuôi dưỡng. Đang khi sầu khổ vì sự ra đi của song thân, Angiêla lại phải chịu thêm một nỗi buồn nữa là người chị gái thân yêu của Angiêla cũng lìa đời. Chị đã ra đi trước khi linh mục đến ban các phép sau cùng. Angiêla lo lắng cho phần rỗi của chị. Nhưng Chúa Giêsu đã hiện ra mạc khải cho Angiêla biết người chị đã được cứu độ. Angiêla cảm thấy tâm hồn tràn ngập bình an. Thánh nữ tạ ơn Thiên Chúa. Rồi Angiêla muốn làm một điều gì đó để tỏ bày lòng biết ơn này. Và ước muốn này đã khiến Angiêla đoan hứa sẽ dùng hết phần đời còn lại của mình để hoàn toàn phục vụ Đức Chúa Giêsu.
Khi lên 22 tuổi, Angiêla quan sát và nhận thấy các trẻ em trong thị trấn của ngài được hiểu biết quá ít về đạo giáo. Vì thế, Angiêla đã mời vài người bạn nữa cộng tác với mình tổ chức giảng dạy các lớp giáo lý. Tuy nhiên, các bạn của Angiêla rất băn khoăn lo ngại trong việc giúp đỡ các trẻ em.
Lúc đó, chưa có những nữ tu viện dành cho các chị em và cũng chẳng có ai đã từng nghĩ đến chuyện này bao giờ. Thánh nữ Angiêla Merisi là người đầu tiên đã tụ họp một nhóm chị em và mở các trường dạy trẻ. Vào ngày 25 tháng Mười Một năm 1535, hai mươi tám chị em đã tận hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Họ tuân giữ luật dòng thánh Ursula. Angiêla đặt hội dòng dưới sự bảo trợ của thánh Ursula. Đây là lý do họ có được danh hiệu đó. Thoạt đầu, các chị đã cư ngụ tại nhà quê của mình. Bởi có nhiều khó khăn nên phải trải qua một thời gian dài sau họ mới có thể cùng được chung sống trong tu viện. Thánh nữ Angiêla Merisi mất vào ngày 27 tháng Giêng năm 1540 khi hội dòng của ngài vừa được phôi dựng. Lòng cậy trông phó thác nơi Thiên Chúa đã giúp Angiêla vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Ngài không hồ nghi gì về việc Thiên Chúa sẽ quan phòng lo liệu cho công việc ngài đã khởi sự. Và Thiên Chúa đã thực hiện.
Các nữ tu dòng thánh Ursula đã có mặt tại nhiều quốc gia. Hội dòng hiện vẫn tiếp tục hoạt động cho Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người; nhất là việc giáo dục các trẻ em và các thanh thiếu niên. Năm 1807, đức thánh cha Piô VI đã phong thánh cho Angiêla.
Thánh nữ Angiêla Merisi nhắc nhở chúng ta rằng những sự khó và những chán nản thất vọng có thể giúp chúng ta nhận ra những nỗi đau thương nơi người khác. Khi chúng ta sẵn lòng vươn tay ra, Thiên Chúa sẽ dùng chúng ta để thực hiện những công việc phi thường của Người. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ Angiêla Merisi giúp chúng ta biết cách tỏ lòng tế nhị và xót thương đối với tha nhân.
Ngày 28 tháng 1
Thánh Tôma Aquinô
Thánh Tôma Aquinô sống vào thế kỷ thứ mười ba. Ngài là con trai của một gia đình quí tộc người Ý. Tôma rất thông minh nhưng chẳng bao giờ ngài khoe khoang về điều đó. Tôma biết tri thức của mình là ân huệ Thiên Chúa ban. Tôma có tất cả chín anh chị em (gia đình Tôma gồm mười một người tất cả). Song thân Tôma hy vọng rằng một ngày kia Tôma sẽ trở thành đan viện phụ dòng Bênêđictô. Lâu đài của gia đình Tôma tọa lạc ở Rôca Sêca, phía bắc núi Casinô nơi các đan sĩ lưu ngụ.
Khi lên sáu tuổi, Tôma Aquinô được gởi đến đan viện để học hành. Lên mười tám, Tôma đến Napôli để hoàn tất việc học. Ở đó, ngài đã gặp một nhóm tu sĩ dòng Đa Minh; và thánh Đa Minh, đấng sáng lập dòng, hiện vẫn còn sống. Tôma biết rõ mình muốn trở thành một linh mục. Ngài cảm thấy mình được kêu gọi gia nhập vào nhóm các tu sĩ Đa Minh này, là những người rất nổi tiếng trong việc thuyết giáo. Khi biết được chuyện, song thân Tôma rất giận dữ. Trên đường sang Paris để học, Tôma Aquinô đã bị các anh ngài bắt cóc. Họ giam hãm Tôma như tù nhân tại một trong các lâu đài của họ hơn một năm trời. Trong thời gian đó, họ đã dùng mọi cách thế để làm cho Tôma thay đổi ý định. Một trong các cô em gái của Tôma cũng đến thuyết phục Tôma bỏ ơn kêu gọi. Nhưng thánh Tôma đã nói cho em nghe về niềm vui khôn tả khi được phục vụ Thiên Chúa một cách hấp dẫn thú vị đến nỗi cô em cũng thay đổi luôn ý hướng. Cô quyết định đi tu dâng mình cho Thiên Chúa. Sau mười lăm tháng, cuối cùng, Tôma cũng được hoàn toàn tự do để theo đuổi lý tưởng của mình.
Thánh Tôma Aquinô có biệt tài viết sách về Thiên Chúa đến nỗi khắp nơi trên thế giới và trải qua nhiều thế kỷ người ta đã sử dụng sách vở của ngài. Các bài giảng thuyết về Thiên Chúa và về đức tin của Tôma xuất phát từ tấm lòng yêu mến Thiên Chúa hết sức nồng nàn. Tôma rất gây ấn tượng vì ngài không cố ý tạo ảnh hưởng của mình trên bất cứ ai. Với trọn cả con tim, Tôma chỉ muốn hiến dâng đời sống mình phục vụ Chúa Giêsu và Giáo hội. Thánh Tôma Aquinô là một trong các vị Tiến sĩ thời danh nhất của Giáo hội Công giáo.
Vào khoảng cuối năm 1273, đức thánh cha Grêgôriô X đã triệu vời Tôma Aquinô đến tham dự cuộc hội nghị quan trọng của Giáo hội, tức Công đồng Liông. Trên đường tới cuộc họp, Tôma Aquinô đã ngã bệnh. Ngài phải nghỉ lại nơi một tu viện ở Fossanôva bên nước Ý; và Tôma Aquinô đã qua đời tại đây vào ngày mùng 7 tháng Ba năm 1274, hưởng thọ bốn mươi chín tuổi. Tôma Aquinô được đức thánh cha Bênêđictô XI phong thánh năm 1323.
Tất cả việc học hành, viết sách hay giảng dạy không phải là điều làm cho Tôma Aquinô nên thánh. Ngài trở nên một vị thánh là do sự chăm chỉ làm mọi việc với lòng kính mến Thiên Chúa. Nếu chúng ta cầu xin với thánh Tôma Aquinô, chúng ta sẽ được ngài trợ giúp.
Ngày 29 tháng 1
Thánh Gilđa
Vị thánh này được sinh vào khoảng năm 500 tại nước Anh. Lúc còn trẻ, Gilđa đã bắt đầu thực tập lối sống hy sinh, vị tha. Ngài làm điều này nhằm giúp bản thân sống kết hợp mật thiết hơn với Thiên Chúa. Gilđa rất nghiêm túc thực hiện những lời cam kết của mình. Ngài cảm thấy phải có trách nhiệm cầu nguyện và hy sinh cho các tội nhân sống trong thời đại của ngài. Gilđa viết những bài giảng thúc giục người ta bỏ đàng tội lỗi. Ngài hối thúc họ hãy từ bỏ đời sống xấu xa. Vì lòng ao ước điều thiện quá mãnh liệt nên những bài viết của Gilđa đôi lúc có vẻ như quá khe khắt. Thật ra, Gilđa chẳng có ý lên án ai mà chỉ van xin người ta trở về với Thiên Chúa mà thôi!
Thánh Gilđa là người có tinh thần tu đức sống đời ẩn khuất. Gilđa chọn lối sống thinh lặng, cầu nguyện vì ngài muốn trốn thoát khỏi thế giới ồn ào náo nhiệt. Gilđa chọn cách sống ấy vì nó giúp ngài dễ dàng kết hợp mật thiết hơn với Thiên Chúa. Ngài nhận thức được những điều sai trái, không phù hợp với đạo đức ở trong xã hội hơn những người bình thường. Đáng tiếc thay nhiều người đã không nhận biết đủ về Thiên Chúa và những quy luật của Gilđa. Thậm chí họ không nhận ra tội lỗi đang hủy hoại tâm hồn họ. Đó là lý do nhiều người trong Giáo hội – các linh mục, giám mục và giáo dân – đã đến xin Gilđa chỉ dạy về những vấn đề thiêng liêng.
Về cuối đời, Gilđa sống ẩn khuất trên một đảo nhỏ ở nước Anh. Các môn đệ của Gilđa cũng theo ngài đến đó dù ngài muốn được ở riêng một mình để dọn tâm hồn về với Chúa. Gilđa đã ân cần tiếp đón họ như một dấu chỉ Thiên Chúa muốn ngài chia sẻ những ân phúc thiêng liêng cho các linh hồn.
Thánh Gilđa giống như “lương tâm” của xã hội. Đôi khi chúng ta không thích nghe nói về những điều xấu nhưng điều xấu lại hiện diện thật sự. Đôi khi chúng ta cũng bị cám dỗ làm điều xấu hoặc sống chểnh mảng thờ ơ. Những lúc như thế chúng ta hãy đơn sơ cầu nguyện cùng thánh Gilđa. Hãy nài xin thánh nhân ban cho chúng ta nghị lực để dám thực hiện những điều tốt lành
Ngày 30 tháng 1
Thánh Batiđi
Câu truyện bắt đầu vào khoảng năm 630. Một cô bé Công giáo người Anh rất hoảng hốt lo sợ không thể tưởng tượng được tương lai của mình sẽ ra thế nào. Điều cô biết được là cô đã bị bắt cóc và hiện đang ở trên một chiếc tàu của bọn cướp biển. Cô đang đi đâu? Cô có thể hỏi ai được? Sau cùng, tàu cập bến và cô bé nghe người ta nói là họ đang ở trên nước Pháp. Người ta đã nhanh chóng bán cô bé Batiđi như một nô lệ cho ông quản đốc lâu đài của vua Clôvít.
Phần còn lại của câu truyện thật giống hệt như chuyện thần tiên Xinđơren, ngoại trừ một điều là truyện này có thực. Cô bé lặng lẽ để ý nghe những điều người ta cắt nghĩa cho cô. Ngày qua ngày, cô đã làm hết công việc này đến công việc nọ cách rất tốt đẹp. Cô có tính e thẹn và dịu dàng đến nỗi ngay cả vua Clôvít cũng bắt đầu để ý đến cô. Vua càng chú ý quan sát thì càng bị gây ấn tượng. Cô gái này sẽ là một người vợ đảm đang tuyệt vời, thậm chí sẽ là vợ của vua được chăng? Và vào năm 649, Clôvít đã kết hôn với Batiđi. Thật lạ lùng! Cô bé mới ngày nào là một nô lệ mà nay đã trở thành một bà hoàng! Họ có tất cả với nhau ba người con trai. Rồi Clôvít qua đời khi đứa con lớn nhất mới được năm tuổi, vì thế Batiđi đã đứng ra cai trị nước Pháp cho tới khi các con của ngài khôn lớn.
Dường như người ta đã phải hoàn toàn ngạc nhiên trước tài lãnh đạo khôn khéo của Batiđi. Ngài nhớ rất rõ về quãng đời nghèo khó của mình, những ngày bị bán làm nô lệ, một thứ “nô lệ rẻ tiền.” Batiđi muốn mọi người biết rằng họ thật quý giá chừng nào đối với Thiên Chúa. Với lòng yêu mến Chúa Giêsu và Giáo hội, Batiđi đã dùng địa vị của mình để giúp đỡ Giáo hội hết sức có thể. Ngài không yêu sách hay tự hào gì về điều đó. Hơn nữa, Batiđi quan tâm săn sóc những người nghèo khổ. Batiđi cũng bảo vệ cho người dân thoát khỏi cảnh bị bắt giữ hoặc bị xử tệ như những nô lệ. Batiđi đã cho xây nhiều bệnh viện trên nước Pháp. Ngài cũng lập một chủng viện để đào tạo các linh mục và một tu viện dành cho các nữ tu. Sau cùng, chính hoàng hậu Batiđi cũng vào ẩn mình trong tu viện. Khi làm nữ tu, Batiđi đã bỏ qua một bên địa vị hoàng tộc của mình. Batiđi cố gắng trở nên một nữ tu thật khiêm tốn và vâng phục. Ngài không bao giờ đòi hỏi điều gì và cũng chẳng trông mong người khác phục vụ mình. Batiđi rất dịu dàng và tử tế với những người đau ốm. Khi yếu bệnh, Batiđi đã can đảm chịu đựng trong suốt quãng thời gian dài cho tới khi qua đời vào ngày 30 tháng Giêng năm 680.
Cuộc đời của hoàng hậu Batiđi cho chúng ta thấy mỗi ngày là một khởi đầu mới. Nó có thể đem đến những điều ngạc nhiên kỳ thú. Vì thế, khi e ngại không biết điều gì sẽ xảy ra, chúng ta hãy cầu xin thánh nữ Batiđi hướng dẫn cho biết cách tin cậy vào Thiên Chúa.
Ngày 31 tháng 1
Thánh Gioan Bôscô
Thánh Gioan Bôscô sinh ngày 16 tháng Tám năm 1815 tại Turinô, nước Ý. Song thân của ngài là những nông dân nghèo khó. Khi Gioan lên 2 thì thân phụ qua đời. Thân mẫu Gioan phải cố gắng hết sức để nuôi cả gia đình. Vừa đến tuổi khôn lớn, Gioan Bôscô đã phải làm việc vất vả để giúp đỡ mẹ. Ngài là người thông minh và đầy tràn sức sống. Rồi Gioan bắt đầu nghĩ đến việc đi tu làm linh mục. Ngài không dám nói điều đó với mẹ vì biết gia đình không có khả năng chu cấp cho ngài theo học ở chủng viện. Hơn nữa, thân mẫu Gioan lại đang cần có người phụ giúp việc nhà. Vì thế, Gioan đã nhẫn nại chờ đợi, cầu nguyện và hy vọng. Cuối cùng, một linh mục thánh thiện là thánh Giuse Caphasô nhận thấy Gioan có ước mơ muốn làm linh mục. Ngài đã giúp Gioan Bôscô gia nhập chủng viện. Suốt quá trình học tập, Gioan đã phải vất vả làm việc. Ngài học đủ thứ nghề: thợ mộc, đánh giầy, nấu ăn, làm bánh, trồng trọt, chăn nuôi… Gioan cũng làm nhiều việc khác nữa. Gioan đã không thể nào nghĩ rằng những kinh nghiệm thực tế đây sẽ rất giúp ích cho nhiều người sau này. Năm 1841, Gioan Bôscô trở thành linh mục. Với tư cách là một linh mục, cha Đôn Bôscô bắt đầu sứ vụ lớn lao của mình. Ngài tập họp các em trai sống vô gia cư lại với nhau và dạy nghề cho chúng. Bằng cách này, chúng sẽ không phải đi ăn trộm ăn cắp hoặc quậy phá gây rối trật tự nữa. Khoảng năm 1850, đã có một trăm tám mươi em trai sống tại căn nhà dành cho các trẻ em của Đôn Bôscô. Mẹ của Đôn Bôscô là người giữ nhà. Thoạt đầu, người ta không hiểu được điều Đôn Bôscô đang làm. Họ cho rằng bọn trẻ sẽ không thể nào trở nên tốt được. Nhưng Đôn Bôscô xác nhận là chúng có thể.
“Em có muốn làm bạn của Đôn Bôscô không?” thánh nhân thường hay hỏi như vậy mỗi khi có một cậu nhỏ lạ đến với ngài. “Em muốn chứ?” Bôscô vui vẻ hỏi như thế và sau cùng ngài kết luận: “Rồi em sẽ giúp tôi cứu lấy linh hồn của em.” Ngài muốn các cậu trai của ngài mỗi tối phải đọc ba kinh Kính Mừng để Đức Mẹ giúp các cậu giữ mình khỏi tội. Ngài cũng dặn dò khuyên nhủ bọn trẻ phải thường xuyên lãnh nhận các bí tích Hòa giải và Thánh Thể với lòng yêu mến. Một trong các cậu nhỏ của Đôn Bôscô là Đa Minh Saviô sau này đã làm thánh.
Thánh Đôn Bôscô thiết lập một dòng tu chuyên đào tạo các linh mục và tu huynh theo tinh thần của thánh Phanxicô Salêsiô. Họ được gọi là các tu sĩ thuộc tu hội Salêdiêng Đôn Bôscô. Một dòng nữ dành cho các chị em Salêdiêng cũng được thiết lập với sự giúp đỡ của thánh nữ Maria Mazarêlô. Đôn Bôscô qua đời ngày 31 tháng Giêng năm 1888. Toàn thể dân thành Turinô đã xếp thành hàng dài trên các đường phố để tỏ lòng tôn kính, cảm phục, yêu mến và biết ơn ngài. Lễ an táng của Đôn Bôscô đã trở nên lời loan báo vui mừng tạ ơn Thiên Chúa vì đời sống kỳ diệu của con người này. Một linh mục trẻ coi xứ có lần gặp gỡ Đôn Bôscô về sau đã trở thành đức giáo hoàng Piô XI. Chính ngài đã sung sướng phong thánh cho Đôn Bôscô năm 1934.
Chúng ta hãy học hỏi nơi thánh Đôn Bôscô ảnh hưởng tốt mà ai ai cũng có thể thực hiện được, đó là vươn tay ra giúp đỡ người khác cách vui tươi quảng đại.
Thánh nữ Giơnoa sinh vào khoảng năm 422 tại Nantê, một ngôi làng nhỏ cách thành phố Pari khoảng bốn dặm. Khi còn rất trẻ, thánh Giơnoa đã mơ ước dâng hiến đời mình cho Đức Chúa Giêsu. Sau khi cha mẹ qua đời, Giơnoa trẩy đến sống với bà ngoại. Hằng ngày, thánh nữ dành thời giờ để cầu nguyện. Ngài sống rất gần gũi mật thiết với Đức Chúa Giêsu và muốn giới thiệu sự tốt lành của Chúa cho mọi người. Thánh nữ Giơnoa có tấm lòng khoan dung rộng lượng. Ngài đã cố gắng hết sức mình để làm những việc tốt cho tha nhân.
Khi người dân Pari sắp phải chạy trốn khỏi địch quân khủng khiếp đến tấn công họ, thánh nữ Giơnoa liền tiến lên phía trước. Ngài phấn khích dân thành hãy tin cậy vào Chúa. Ngài nói rằng nếu họ ăn năn sám hối, họ sẽ được thứ tha. Dân thành đã làm theo lời Giơnoa nói và đột nhiên quân giặc Hungnô hung hãn đã không tấn công thành phố nữa. Không chỉ trong những khi cần thiết mà suốt cả cuộc đời, thánh nữ Giơnoa đã thực thi lòng yêu mến và tuân phục đối với ý muốn của Thiên Chúa. Và ngài luôn luôn cố gắng bồi đắp cho hoàn hảo hơn lên mãi. Can đảm và trung thành với Chúa Giêsu là những tặng ân đặc biệt trong chứng từ thánh nữ Giơnoa để lại cho mỗi người chúng ta.
Một trong những cách thế tối hảo để giúp đỡ quê hương đất nước là cầu nguyện cho các vị lãnh đạo. Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa hướng dẫn họ vì ích chung của tất cả mọi người.
Tháng 02
Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ
Ngày 02: Đức Mẹ dâng Chúa trong đền thờ
Ngày 06: Thánh PHAOLÔ MIKI và các bạn tử đạo
Ngày 07: Chân phước GILÊ MARIA
Ngày 08: Thánh GIÊRÔNIMÔ ÊMILIANÔ
Ngày 09: Thánh APÔLÔNIA và các bạn tử đạo ALÊXANĐRIA
Ngày 14: Thánh XIRILÔ và thánh MÊTÔĐIÔ
Ngày 15: Thánh FAUSTINÔ và thánh GIÔVITA
Ngày 17: Bảy anh em lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ
Ngày 22: Lễ kính ngai toà thánh Phêrô
Ngày 24: Thánh MÔNGTANÔ, LUXIÔ và các bạn tử đạo
Ngày 25: Thánh XÊSARIÔ NAZIANZÊNÔ
Ngày 27: Thánh GABRIEL Mẹ Đau Thương
Ngày 28: Thánh RÔMANÔ và thánh LUPIXINÔ
Ngày 1 tháng 2
Thánh Brigita Ai Len
Một vài năm sau khi thánh Patriciô đến Ai Len thì Brigita chào đời. Thân phụ của Brigita, ông Đubta, là một chủ nhân người Ai Len; và thân mẫu của ngài là bà Brôca.
Khi khôn lớn, Brigita đào sâu thêm lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu. Brigita tìm kiếm Người nơi những con người nghèo khổ và ngài thường mang thực phẩm cũng như quần áo đến cho họ. Người ta nói rằng một ngày kia, Brigita đã cho họ cả một thùng sữa đầy. Và sau đó, Brigita bắt đầu băn khoăn lo lắng không biết thân mẫu ngài sẽ nghĩ sao về chuyện này. Brigita cầu nguyện xin Chúa bù lại phần sữa mà ngài đã bố thí. Thật lạ lùng thay! Khi trở về nhà, Brigita thấy chiếc thùng lại đựng đầy sữa!
Brigita Ai Len rất xinh đẹp. Thân phụ của Brigita tưởng rằng đã đến lúc Brigita phải lập gia đình. Tuy nhiên, sâu thẳm trong tâm hồn, Brigita đã quyết định dâng hiến cả cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Ngài không muốn kết hôn với bất cứ người nào. Khi nhận biết rằng sắc đẹp của mình là lý do quyến rũ các chàng trai, Brigita đã xin thực hiện một việc phi thường. Brigita xin Chúa cất đi sắc đẹp nơi ngài để được tự do dâng mình phụng sự Thiên Chúa. Và Chúa đã chấp nhận lời thỉnh cầu của Brigita. Khi thấy con gái mình không còn hấp dẫn xinh đẹp nữa, người cha đã vui lòng để cho Brigita đi tu.
Thánh nữ Brigita Ai Len đã theo tiếng Chúa gọi dấn thân trong bậc sống tu trì. Thánh nữ thiết lập một nữ tu viện để cho các chị em khác cũng có thể hiến thân phụng sự Chúa. Hình như một phép lạ đã xảy ra sau khi Brigita tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa trong chốn viện tu. Brigita lại trở nên xinh đẹp! Ngài gợi cho mọi người tưởng nhớ đến Mẹ Maria vì Mẹ rất dịu dàng và đáng mến. Một số người đã gọi Brigita là “Maria của người Ai Len.” Thánh nữ Brigita Ai Len qua đời năm 525.
Chúa Giêsu yêu thương mỗi người chúng ta. Hãy tìm thánh ý Chúa trong cuộc đời của mình. Thánh nữ Brigita Ai Len đã tập trung vào những giá trị quan trọng như ý nghĩa của đời sống và giúp đỡ những người nghèo khổ kém may mắn. Thánh nữ Brigita Ai Len nhắc nhở chúng ta đừng lãng phí thời giờ lo lắng không biết hình dạng chúng ta đẹp hay xấu. Hãy nhớ rằng mỗi người chúng ta là một tạo vật đặc biệt của Thiên Chúa.
Ngày 2 tháng 2
Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ
Sau khi sinh hạ Chúa Giêsu được bốn mươi ngày, Đức Mẹ và thánh Giuse đã đem Hài Nhi Giêsu vào đền thờ Giêrusalem. Ở đó, các ngài dâng tiến Chúa Giêsu lên Đức Chúa Cha. Đó là luật lệ của người Dothái. Thánh gia đã tuân giữ giới luật này với trọn cả tấm lòng yêu mến.
Khi các ngài ở trong đền thánh, Mẹ Maria cũng thực hiện một khoản luật khác. Sau khi sinh con, tất cả các bà mẹ Dothái cần phải lên đền thờ để làm nghi thức thanh tẩy. Mẹ Maria đã thực hiện bổn phận của mình cách rất chu đáo. Mẹ dạy mỗi người chúng ta hãy sống khiêm tốn và vâng phục như Mẹ đã sống.
Tại đền thánh Giêrusalem, có một cụ già thánh thiện tên là Simêon. Ông được Chúa cho biết Hài Nhi Giêsu thực sự là Đấng Cứu Thế. Bồng ẵm Hài Nhi trên tay với niềm vui khôn tả, Simêon thốt lên: “Mắt tôi đang được chiêm ngắm Đấng Cứu Độ của tôi!” Thiên Chúa đã cho cụ Simêon nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Chúng ta hãy tưởng tượng xem Đức Mẹ và thánh Giuse đang suy nghĩ gì? Rồi, được Chúa Thánh Linh thúc đẩy, cụ tiên tri Simêon nói với Đức Mẹ rằng Đức Mẹ sẽ phải chịu nhiều đau khổ. Ông muốn nói về nỗi đau đớn khủng khiếp mà Đức Mẹ sẽ cảm nghiệm khi Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh Giá.
Ngày lễ dâng Chúa hôm nay nhắc nhớ chúng ta rằng trên hết mọi sự chúng ta hãy thuộc trọn về Chúa. Vì Người là Cha dựng nên chúng ta, nên chúng ta hãy có bổn phận đáp trả ơn Người bằng cách sống vâng phục và yêu mến.
Chúng ta hãy bắt chước Mẹ Maria và thánh Giuse. Chúng ta hãy vâng lời cha mẹ, các người giám hộ và các thầy cô cách mau mắn vui vẻ trong những điều phải lẽ. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh gia giúp chúng ta biết sống tinh thần trách nhiệm hằng ngày.
Ngày 3 tháng 2
Thánh Blasiô
Thánh Blasiô sống vào thế kỷ thứ tư. Có vài người nói rằng Blasiô xuất thân trong một gia đình giàu có và được hấp thụ nền giáo dục Kitô giáo. Khi còn trẻ, lúc nào Blasiô cũng nghĩ tưởng về những nỗi khổ đau phiền muộn. Rồi dần dà ngài bắt đầu nhận ra rằng chỉ có những niềm vui thiêng liêng mới thực sự có thể làm cho người ta được hạnh phúc. Blasiô làm linh mục và rồi giám mục giáo phận Sêbastê ở Ácmênia (ngày nay người ta gọi miền đất này là Thổ Nhĩ Kỳ). Với tất cả nhiệt tâm của mình, Blasiô ra công hoạt động để bổn đạo của ngài sống thánh thiện và được hạnh phúc. Blasiô cầu nguyện và giảng dạy. Blasiô cố gắng giúp đỡ mọi người.
Khi nhà cầm quyền Lixihiô bắt đầu bách hại các Kitô hữu, thánh Blasiô cũng bị bắt giữ. Ngài bị tống giam và chờ ngày xử trảm. Trên đường phố, người ta tụ tập rất đông để chào vị giám mục thân yêu của họ lần cuối. Blasiô chúc lành cho tất cả mọi người, kể cả những người ngoại giáo. Rồi có một bà mẹ nghèo khổ chạy đến ngài. Bà nài xin Blasiô cứu lấy đứa con nhỏ của bà đang bị mắc nghẹn xương cá. Thánh Blasiô liền thầm thĩ cầu nguyện rồi chúc lành cho đứa trẻ. Và ngài đã làm phép lạ cứu sống đứa trẻ. Đó là lý do tại sao những người mắc bệnh đau cổ họng năng cầu khẩn với thánh Blasiô. Trong ngày mừng lễ kính thánh Blasiô hôm nay, chúng ta hãy xin ngài chúc lành cho chiếc cổ họng của chúng ta. Hãy xin thánh nhân phù trợ để khỏi mắc phải những chứng bệnh về họng.
Trong lao tù, vị giám mục thánh thiện này đã làm cho nhiều người ngoại giáo trở lại. Không nhục hình tra tấn nào có thể khiến Blasiô chối bỏ niềm tin vào Đức Chúa Giêsu. Thánh Blasiô bị xử trảm vào năm 316. Giờ đây, Blasiô mãi mãi được ở bên Đức Chúa Giêsu.
Hôm nay, chúng ta có thể mừng lễ kính thánh Blasiô mà không cần đến bánh kẹo hoặc kem như chúng ta định mừng.
Ngày 4 tháng 2
Thánh Giăng Vơloa
Thánh nữ Giăng Vơloa là công chúa của vua Luy XI, nước Pháp. Ngài sinh năm 1464. Vua Luy rất thất vọng khi sinh ra Giăng Vơloa vì ông muốn có một hoàng tử. Thậm chí ông không muốn cô công chúa bé nhỏ của mình sống trong cung điện chỉ vì cô dị hình. Khi lên năm tuổi, Giăng Vơloa được gởi đến sống với những người khác. Dù bị cha ruột của mình đối xử như thế, Giăng Vơloa vẫn cố gắng sống tử tế và hòa hợp với mọi người. Người ta nói cho Giăng Vơloa biết Chúa Giêsu và Đức Mẹ rất yêu mến Giăng. Giăng cũng tin là Chúa sẽ sử dụng mình làm những việc tốt sáng danh Chúa. Và Giăng Vơloa đã nghĩ đúng.
Khi trưởng thành, thánh nữ Giăng Vơloa quyết định không lập gia đình. Ngài hiến dâng trọn thân xác cho Đức Chúa Giêsu và Mẹ chí thánh của Người. Nhưng vua cha lại không để ý đến sự chọn lựa tư riêng của con gái mình. Ông buộc Giăng Vơloa phải kết hôn với vị công tước miền Orlins. Suốt hai mươi hai năm, Giăng Vơloa đã là một người vợ chung thủy. Tuy nhiên sau khi công tước lên ngôi vua, ông đã gởi Giăng đến sống bơ vơ tại một thị trấn nhỏ xa xôi. Hoàng hậu vẫn không bực tức! Thay vào đó, ngài kêu lên: “Xin chúc tụng Chúa! Chúa cho phép điều này xảy ra là để con có thể phục vụ Chúa tốt hơn ...!”
Thánh nữ Giăng Vơloa đã sống đời cầu nguyện. Ngài thực thi việc bỏ mình và sống thật bác ái. Thánh nữ bố thí cho những người nghèo khó tất cả tiền bạc của mình. Thậm chí Giăng Vơloa đã thiết lập một dòng nữ dành cho các chị em gọi là dòng Đức Mẹ Truyền Tin. Giăng Vơloa dành phần đời còn lại của mình phục vụ Chúa Giêsu và Mẹ Chí Thánh trong hân hoan vui mừng. Năm 1505, Giăng Vơloa qua đời. Ngài được đức thánh cha Piô XII phong thánh vào năm 1950.
Khi một người nào hoặc một tình cảnh nào đó làm chúng ta bị tổn thương, chúng ta hãy nhớ gương thánh nữ Giăng Vơloa. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ giúp chúng ta biết sống kiên nhẫn và tha thứ như ngài.
Ngày 5 tháng 2
Thánh Agatha
Cô gái Kitô giáo xinh đẹp tên Agatha sống ở Sicily vào thế kỷ thứ ba. Viên thống đốc vùng đó nghe biết về sắc đẹp của Agatha đã truyền bắt cô vào cung điện. Ông muốn cô phạm tội nghịch đức trong sạch, nhưng Agatha rất can đảm không chịu nhượng bộ. Ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa biết tâm hồn con và thấu hiểu ước muốn của con. Chỉ mình Chúa là đủ cho con vì Chúa là tất cả của con. Xin hãy cứu lấy con khỏi người đàn ông xấu nết này, và xin hãy ban cho con đủ sức để vượt qua cơn cám dỗ này!”
Rồi viên thống đốc đã gởi Agatha đến nhà một đàn bà tinh quái. Có thể cô gái sẽ bị tiêm nhiễm những điều xấu chăng? Nhưng Agatha đã tin tưởng mãnh liệt vào Thiên Chúa và luôn luôn cầu nguyện. Ngài đã giữ mình thanh sạch. Thánh nữ Agatha không để tâm nghe theo những ác ý của bà và các con gái bà. Sau một tháng, Agatha được mang về cho viên thống đốc. Ông này lại cố gắng thuyết phục thánh nữ Agatha: “Em là một phụ nữ quý phái,” ông nói rất tử tế, “sao em lại hạ mình xuống làm một Kitô hữu thấp hèn như vậy?”
“Dù tôi quý phái thật,” Agatha trả lời, “nhưng tôi là nô lệ của Chúa Giêsu Kitô!”
Viên thống đốc hỏi lại: “Thế quý phái thật nghĩa là gì?”
Agatha trả lời: “Nghĩa là phục vụ Thiên Chúa!”
Khi nhận thấy Agatha nhất quyết không chịu phạm tội, viên thống đốc tức giận. Ông liền truyền đánh đòn và hành hạ Agatha. Đang khi được mang đến nhà giam, Thánh nữ Agatha than thở với Chúa: “Lạy Chúa là Đấng Tạo Hóa của con, Chúa đã bảo vệ con từ khi con còn trong nôi. Chúa đã gìn giữ con khỏi tình yêu thế gian và đã ban cho con được kiên tâm chịu đựng đau khổ. Giờ đây xin Chúa hãy nhận lấy linh hồn con!”
Thánh nữ Agatha tử đạo tại Catania, Sicily năm 250.
Chúng ta có thể bắt chước gương thánh nữ Agatha. Như ngài, chúng ta hãy cầu nguyện với tất cả tâm hồn khi bị cám dỗ làm điều sai quấy.
Ngày 6 tháng 2
Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo
Người ta thường gọi 26 vị thánh tử đạo này là các thánh tử đạo Nagasaki và các thánh tử đạo Nhật Bản. Năm 1549, thánh Phanxicô Xaviê mang Tin mừng của Kitô giáo đến nước Nhật. Nhiều người đã lãnh nhận lời Chúa và được chính thánh Phanxicô rửa tội cho. Dù thánh Phanxicô Xaviê thay đổi vị trí truyền giáo và cuối cùng qua đời gần bờ biển Trung Hoa, thì tại Nhật Bản đức tin đã tăng triển. Vào năm 1587, nước Nhật đã có hơn hai trăm ngàn Kitô hữu. Công việc truyền giáo của các hội dòng ở đó phát triển mạnh mẽ. Các linh mục, các nữ tu và giáo dân Nhâït Bản sống đức tin của mình cách sung mãn.
Năm 1597, hơn 45 năm sau khi thánh Phanxicô Xaviê đặt chân đến miền đất này thì viên lãnh đạo đang nắm quyền người Nhật, Hiđêyôsi, nghe lời đồn nhảm của một ông lái buôn người Tây Ban Nha. Ông lái buôn này xì xầm rằng những nhà truyền giáo chỉ là những kẻ phản quốc. Ông gợi lên rằng những kẻ phản quốc này một mai sẽ tra tay giúp những người Tây Ban Nha và những người Bồ Đào Nha san bằng nước Nhật. Lời gợi ý thật xảo trá và lố bịch. Nhưng, như một phản ứng quá mạnh so với sự cần thiết, Hiđêyôsi đã cho bắt 26 người, gồm 6 tu sĩ dòng Phanxicô đến từ Tây Ban Nha, Mêhicô và Ấn Độ; 3 giáo lý viên người Nhật thuộc dòng Tên, kể cả thánh Phaolô Miki, và 17 giáo dân Nhật Bản tính cả trẻ em. Nhóm 26 người này được dẫn đến nơi hành quyết ở ngoại thành Nagasaki. Người ta trói chặt mỗi người vào một cây thánh giá bằng những sợi dây xích hoặc dây thừng và kẹp chặt những vòng sắt quanh cổ các ngài. Họ đã dùng dây và cần trục nhấc bổng mỗi thánh giá lên và đặt vào trong những chiếc lỗ được đào sẵn. Rồi, người ta lần lượt phóng những ngọn giáo vào các nạn nhân. Các ngài hầu như đã chết cùng một lúc. Cộng đoàn Kitô hữu đã trân trọng cất giữ những trang phục tẩm máu của các ngài và các phép lạ đã lần lượt xảy ra qua sự cầu thay nguyện giúp của các thánh.
Mỗi vị thánh tử đạo là một lễ vật của Giáo hội. Thánh Phaolô Miki, một giáo lý viên thuộc dòng Tên, thật là một nhà giảng thuyết vĩ đại. Bài giảng can đảm sau cùng của thánh nhân phát xuất từ thập giá như thể ngài hối thúc cộng đoàn Kitô hữu hãy trung thành với đức tin cho đến hơi thở cuối cùng. Đó là ngày mùng 5 tháng Hai năm 1597. Đức thánh cha Grêgôriô XVI đã tuyên phong Phaolô Miki và các bạn của ngài lên bậc hiển thánh vào năm 1862.
Mỗi ngày, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người sống ở các nơi trên thế giới đang bị bách hại vì đức tin Công giáo. Chúng ta cũng hãy nài xin với thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo giúp chúng ta được can đảm trung thành với Đức Chúa Giêsu.
Ngày 7 tháng 2
Chân phước Gilê Maria
Tên gọi trong dòng của vị chân phước này là thầy Gilê Maria Giuse. Thầy Gilê Maria Giuse sinh năm 1729 gần Tarantô, nước Ý. Lúc còn trẻ, Gilê học nghề đan dây thừng và ngài rất khá trong việc kinh doanh.
Khi lên 25 tuổi, Gilê nhận ra tiếng Chúa gọi đi tu dâng mình cho Chúa. Ngài gia nhập dòng thánh Phêrô Alcăntara ở Napôli. Vậy Gilê có những nhân đức đặc biệt gì để đáng được gọi là “chân phước?” Người ta đã tìm ra nơi Gilê Maria hai nhân đức cao quý hướng dẫn cả đời sống tu trì của ngài là đơn sơ và khiêm nhường.
Càng ngày thầy Gilê Maria càng hun đúc thêm cho mình lòng ham ước phục vụ Thiên Chúa. Thầy biết ơn Thiên Chúa đã gọi thầy đi tu và thầy biểu lộ lòng biết ơn ấy qua cuộc sống thường ngày. Thầy đi đi lại lại qua các căn phòng nơi khu vực thầy sống. Thầy là người giữ cổng. Thầy mở cửa mau lẹ và luôn nở nụ cười tươi mỗi khi có khách nhấn chuông. Thầy dịu dàng quan tâm chăm sóc những người nghèo, những người vô gia cư, những người đau yếu đến cổng nhà dòng xin của bố thí. Bề trên trao cho thầy trách nhiệm phân phát phần thức ăn và của bố thí nhà dòng tiết kiệm dành cho người nghèo. Thầy Gilê Maria vui thích làm công việc ấy. Càng cho những người nghèo đói túng cực bao nhiêu, thầy Gilê Maria lại càng có thêm nhiều của để bố thí cho kẻ khác bấy nhiêu. Thầy tin rằng chính thánh Giuse đã làm công việc này vì thánh Giuse cũng đã từng chăm lo cho Chúa Giêsu và Đức Mẹ cách chu đáo như vậy. Thầy Gilê Maria ân cần bày tỏ lòng sùng kính của mình đối với thánh Giuse qua suốt cuộc sống tu trì của thầy.
Sau một cuộc đời trung thành với Thiên Chúa và ơn gọi riêng của mình, thầy Gilê Maria Giuse đã qua đời ngày mùng 7 tháng Hai năm 1812. Năm 1888, thầy được đức thánh cha Piô IX tôn phong lên bậc chân phước.
Chúng ta có thể học hỏi điều này nơi đời sống của chân phước Gilê Maria Giuse: không phải cứ làm được những việc lớn lao hay nắm giữ những chức vụ quan trọng mới là có công trước mặt Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa tìm kiếm là tấm lòng quảng đại và sự trung thành trong công việc chúng ta làm.
Ngày 8 tháng 2
Thánh Giêrônimô Êmilianô
Thánh Giêrônimô Êmilianô sinh năm 1486, là con trai của một gia đình quý tộc thành Vêni, nước Ý. Giêrônimô là binh sĩ giỏi và được quyền chỉ huy một pháo đài cao trên tận miền sơn cước. Đang khi bảo vệ đồn bốt này cho khỏi đội quân của Maximilianô I xâm lược, Giêrônimô bị bắt làm tù binh và bị nhốt vào ngục tối. Bị xiềng xích trong chốn tù đày khốn khổ, Giêrônimô Êmilianô bắt đầu hối tiếc về quãng đời vô tư mà ngài đã sống. Giêrônimô hối hận là đã tưởng nghĩ quá ít về Thiên Chúa. Ngài ân hận vì nhiều năm qua đã sống trong tình trạng kém cỏi bệ rạc. Giêrônimô hứa với Đức Mẹ rằng nếu Đức Mẹ thương phù giúp thì sẽ thay đổi cuộc đời. Lời cầu nguyện của Giêrônimô được chấp nhận và ngài đã trốn thoát cách an toàn. Người ta nói rằng Giêrônimô Êmilianô, với tấm lòng biết ơn sâu xa, đã đi thẳng đến một ngôi nhà thờ. Ngài treo sợi dây xích đã giam hãm ngài trong tù trước bàn thờ Đức Mẹ.
Cuối cùng, chàng thanh niên trẻ tuổi này trở thành linh mục. Cha Giêrônimô Êmilianô đã hết lòng tận tụy với những công việc bác ái từ thiện. Điều quan tâm đặc biệt của Giêrônimô là chăm lo cho những trẻ em mồ côi vô gia cư sống lang thang trên các hè phố. Giêrônimô thuê một căn nhà cho chúng ở, cho chúng áo quần và thực phẩm. Ngài cũng hướng dẫn chúng bằng những chân lý đức tin.
Thánh Giêrônimô Êmilianô thiết lập một dòng tu gọi là hội Tôi Tớ Những Người Nghèo Khổ. Mục đích của dòng là tận tâm chăm sóc người nghèo, huấn luyện giới trẻ, đặc biệt các trẻ em mồ côi. Thánh Giêrônimô Êmilianô cũng ra sức giúp đỡ những người dân quê. Ngài làm việc với họ trên các cánh đồng. Thánh Giêrônimô chia sẻ cho họ nghe về sự tốt lành của Thiên Chúa khi làm việc bên họ. Năm 1537, thánh nhân qua đời đang khi chăm sóc cho những nạn nhân bệnh dịch. Đến năm 1767, Giêrônimô Êmilianô được đức thánh cha Bênêđictô XIV tôn phong lên bậc hiển thánh.
Thánh Giêrônimô Êmilianô là một tặng ân cho toàn thể Giáo hội và cách riêng cho những người sống ở thời đại của ngài. Nhìn lại toàn bộ đời sống của thánh nhân, chúng ta nhận thấy ngài thực là một hình ảnh sống động của Thiên Chúa yêu thương. Giêrônimô Êmilianô đem niềm hy vọng đến cho những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Năm 1928, đức thánh cha Piô XI đã đặt Giêrônimô Êmilianô làm thánh quan thầy của các trẻ em mồ côi vô gia cư.
Chúng ta hãy khẩn cầu thánh Giêrônimô Êmilianô giúp chúng ta ý thức tầm quan trọng trong việc trở nên một tấm gương tốt. Chúng ta hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta biết nhận ra những cơ hội mà chúng ta phải làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và đức tin của Giáo hội Công giáo.
Ngày 9 tháng 2
Thánh Apôlônia và các thánh tử đạo Alêxanđria
Apôlônia, một trinh nữ thánh thiện, sống ở Alêxanđria, bên nước Ai Cập vào thế kỷ thứ ba. Suốt triều đại uy quyền của vua Philipphê, các Kitô hữu bị bắt bớ bách hại. Apôlônia đã dùng cả cuộc đời mình phục vụ Thiên Chúa. Bởi vì đã già nua tuổi tác nên Apôlônia sắp sửa về nơi vĩnh phúc. Apôlônia đã anh dũng dám liều mạng sống mình để an ủi các Kitô hữu đang đau khổ trong chốn lao tù. “Hãy nhớ rằng những gian nan thử thách mà các bạn đang chịu đây sẽ không lâu,” thánh nữ nói, “còn niềm vui thiên đàng sẽ kéo dài mãi mãi!”
Chỉ một thời gian sau, thánh nữ Apôlônia cũng bị bắt giữ. Khi quan tòa hỏi tên, ngài đã can đảm trả lời: “Tôi là một Kitô hữu. Tôi yêu mến và phục vụ một Thiên Chúa chân thật!”
Bọn người căm giận đã dùng nhục hình tra tấn thánh nữ Apôlônia để ép buộc ngài phải chối bỏ đức tin. Trước tiên, họ vả rụng hết răng của Apôlônia rồi đánh ngài bất tỉnh. Chẳng lạ gì mà người ta thường hay cầu khẩn với thánh nữ Apôlônia khi bị đau răng! Nhưng dù đã dùng hết cách, họ vẫn không lay chuyển được lòng tin của một người phụ nữ. Rồi người ta nói với Apôlônia rằng nếu ngài không chối bỏ Chúa Giêsu, thì sẽ bị ném vào vạc lửa hung tợn. Nhưng Apôlônia vẫn không để cho bất cứ nỗi sợ hãi nào chế ngự được mình.
Thánh nữ quyết tâm thà chịu chết thiêu hơn là chối bỏ lòng tin vào Đức Chúa Giêsu. Khi thấy thánh nữ anh dũng can đảm như vậy, nhiều người ngoại giáo đã trở lại. Thánh nữ Apôlônia mất vào khoảng năm 249.
Các thánh tử đạo đã hết sức ham ước được đổ máu mình ra để tôn vinh Đức Chúa Giêsu. Phần chúng ta, chúng ta đã sẵn lòng làm gì cho Người? Chúng ta có đủ kiên tâm chịu đựng một sự phiền toái nho
Ngày 10 tháng 2
Thánh Scôláttica
Thánh Bênêđictô và thánh nữ Scôláttica là anh em sinh đôi sống tại miền Trung nước Ý vào năm 480. Người ta nói rằng suốt nhiều năm trời, song thân của các ngài đã cầu xin Thiên Chúa ban cho được có mụn con để nối dõi tông đường. Cuối cùng, họ đã sinh hạ Bênêđictô và Scôláttica. Họ đã yêu thương trìu mến cũng như đã cố gắng dưỡng dục con cái của họ.
Thánh Scôláttica là một cô bé thông minh và rất giàu tình bạn. Thánh nữ hứa sẽ dâng mình cho Đức Chúa Giêsu ngay từ lúc còn rất nhỏ. Sau khi song thân qua đời, Scôláttica đi thăm anh Bênêđictô của mình là người đã rời khỏi gia đình. Anh đã xây một đan viện thật lớn và hiện đang là bề trên của nhiều đan sĩ tốt lành. (Bênêđictô là người sáng lập nên dòng Biển Đức.)
Thánh Bênêđictô đối xử rất tốt với em gái của ngài. Khi nhận thấy cô em và nhiều thanh nữ khác muốn đi tu, ngài đã giúp xây cất cho họ một tu viện. Khi Bênêđictô ở Subjacô, Scôláttica đến sống ở một tu viện gần đó. Khi người anh song sinh của ngài dời đến vùng núi Cassinô, thánh nữ cũng chuyển sang sống trong một nữ tu viện bên cạnh.
Cứ mỗi năm một lần, thánh Bênêđictô đến thăm em gái mình và lưu lại cả ngày với em. Trong một chuyến thăm, khi Bênêđictô chuẩn bị ra về, Scôláttica năn nỉ xin anh ở lại lâu hơn nhưng Bênêđictô nói rằng không thể được. Cô em liền lặng lẽ cúi đầu nài xin Thiên Chúa kéo dài cuộc thăm viếng của anh. Rồi đột nhiên, một cơn giông bão nổi lên và Bênêđictô không thể bỏ đi được. Ngài đã ở lại và trò chuyện với người em suốt đêm. Các ngài trao đổi với nhau về sự thiện hảo của Thiên Chúa, về hạnh phúc sung mãn của các thánh trên thiên đàng. Sau đó ít lâu, Scôláttica qua đời. Thánh nữ mất vào năm 547.
Qua cách đối xử ân cần, Scôláttica và Bênêđictô đã kéo nhau lại gần Thiên Chúa hơn. Cũng thế, chúng ta hãy học hỏi gương sáng nơi các ngài và xin các ngài chia sẻ cho chúng ta những tinh thần đạo đức thiêng liêng.
Ngày 11 tháng 2
Đức Mẹ Lộ Đức
Vào ngày 11 tháng Hai năm 1858, một Bà Đẹp đã hiện ra lần đầu tiên với Bênađetta Sôbirô tại Lộ Đức, nước Pháp. Bênađetta là một bé gái đau yếu gầy còm. Gia đình cô quá nghèo đến nỗi họ phải sống trong một hầm chứa mà trước đây nó là nhà giam. Tuy đã lên 14 nhưng Bênađetta vẫn chưa hề biết đọc biết viết! Cô bé không thể nào nhớ được những bài học giáo lý nhưng Bênađetta lại là một cô bé rất ngoan. Bênađetta yêu mến Thiên Chúa nhiều lắm. Dù trí nhớ kém cỏi nhưng Bênađetta vẫn hết sức cố gắng học hỏi mọi điều về Thiên Chúa. Bênađetta cũng sống trong sạch và vâng lời nữa! Bà Đẹp mà Bênađetta xem thấy vận một chiếc áo dài trắng và một khăn thắt lưng màu xanh nhạt. Bà đội một chiếc lúp màu trắng phủ từ đầu xuống tới chân. Trên hai bàn chân có hai bông hồng vàng rất dễ thương. Hai tay chắp lại trước ngực và có một tràng chuỗi đeo trên bàn tay phải. Dây chuyền và Thánh Giá của cỗ chuỗi óng ánh tựa vàng ròng. Bà Đẹp đáng yêu khuyến khích Bênađetta lần chuỗi Mân côi. Bà đã hiện ra tất cả 18 lần với Bênađetta. Bà xin Bênađetta nói cho mọi người hãy cầu nguyện, hãy ăn năn sám hối và đọc kinh Mân Côi để cầu cho các tội nhân.
Trong lần hiện ra cuối cùng, Bênađetta hỏi Bà Đẹp là ai và Bà đã trả lời: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội!” Bà chính là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.
Người ta đã xây cất một vương cung thánh đường tại nơi Bênađetta trông thấy Đức Mẹ. Dù những lần hiện đến của Đức Mẹ đã xảy ra hơn một trăm năm trước, thì bây giờ ở nơi ấy các phép lạ hiện vẫn còn đang tiếp tục xảy ra. Nhiều bệnh nhân được ơn chữa lành. Người què được đi. Người mù được thấy. Những người đau khổ cô đơn tìm được niềm hy vọng. Ở đó, nơi Đức Mẹ đã hơn một lần hiện ra với thánh nữ Bênađetta, Đức Mẹ cũng đang bày tỏ lòng yêu thương của Người đối với tất cả chúng ta.
Mỗi ngày, chúng ta hãy cố gắng đọc kinh Mân Côi để tôn kính Đức Mẹ. Nhờ lời kinh nguyện này, chúng ta lãnh nhận được hết mọi ân sủng cần thiết cho bản thân và cho những người chúng ta yêu mến.
Ngày 12 tháng 2
Thánh Mêlêsiô
Thánh Mêlêsiô được kêu gọi coi sóc Giáo hội Chúa Kitô ở thế kỷ thứ tư. Những cuộc bách hại thảm khốc của người Rôma đã qua; và vào năm 315, hoàng đế Constantinô đã thừa nhận Kitô giáo là một tôn giáo hợp pháp. Vậy, điều gì đã làm cho sứ vụ của giám mục Mêlêsiô trở nên khó khăn? Có nhiều cơn giông tố đã tích tụ bên trong Giáo hội. Một số người tin nhận theo Công giáo, số khác theo bè rối Ariô. Ariô là bè rối phủ nhận thiên tính của Đức Chúa Giêsu. Một số người đã tin vào sự nhầm lẫn này bởi vì lúc đó sự việc chưa được các giới chức trong Giáo hội phân định rõ ràng.
Giám mục Mêlêsiô yêu mến Giáo hội và luôn luôn theo sát những giáo huấn của Đức Chúa Giêsu. Ngài tin nhận Đức Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và hiểu rằng Giáo hội sẽ phải tuyên bố cách minh bạch Đức Chúa Giêsu là ai. Năm 361, Mêlêsiô được chọn làm giám mục thành Antiôkia. Những người theo bè rối Ariô không hài lòng. Suốt 20 năm, Mêlêsiô là một giám mục kiên nhẫn và giàu lòng bác ái; nhưng những người không chấp nhận Mêlêsiô đã gây cho ngài nhiều sự khó khăn. Mêlêsiô đã thường phải chạy trốn vì họ muốn chiếm lấy chức vị giám mục giáo phận của ngài. Nhưng thánh Mêlêsiô là một giám mục nghiêm túc đích thực; ngài đã hết sức nhẫn nại chịu đựng để sớm trở về. Khi hoàng đế Valenxiô băng hà năm 378, bè rối Ariô cũng ngưng lại những cuộc bách hại Giáo hội.
Năm 381, Công đồng Constantinô danh tiếng, một Công đồng chung cho cả Giáo hội toàn cầu, được triệu tập. Các giám mục muốn bàn về những chân lý đức tin quan trọng. Giám mục Mêlêsiô được trao cho trách vụ khai mạc Công đồng và trực tiếp chủ tọa các buổi họp. Và ngài đã qua đời ở đó, tại một trong các buổi họp trước sự thương tiếc của tất cả các giám mục.
Các vị thánh danh tiếng như thánh Gioan Chrisôtômô và thánh Grêgôriô Nysê đã tham dự đám tang của ngài cùng với tất cả các giám mục tại Công đồng. Dân thành Constantinô cũng đổ dồn về tòa giám mục. Thánh Grêgôriô Nysê đã thuyết giảng trong thánh lễ an táng. Ngài nói về vị giám mục hiền lành đầy nhân hậu giống Chúa Kitô mà mọi người đều yêu mến. Sau cùng, ngài kết luận: “Ai yêu mến Giáo hội thì cũng yêu mến thánh Mêlêsiô.”
Thánh Grêgôriô Nysê cũng đã đề cập đến sự bình thản và nụ cười rạng rỡ tràn đầy niềm hy vọng của giám mục Mêlêsiô, cả đến giọng nói đáng yêu và phong thái dịu dàng của ngài. Thánh Mêlêsiô về trời ngày 12 tháng Hai năm 381.
Giám mục Mêlêsiô luôn luôn thân thiện và tốt bụng với hết thảy mọi người. Nhiều người cho rằng đời sống của thánh nhân tuy nghiêm nghị nhưng chưa bao giờ mất đi sự hiền từ nhã nhặn. Đây là tiêu chuẩn thực tế minh chứng lòng tốt của Mêlêsiô. Đây cũng là cách thế chứng tỏ tình yêu của thánh nhân đối với Đức Chúa Giêsu. Với những cố gắng bé nhỏ, chúng ta cũng có thể làm được như vậy.
Ngày 13 tháng 2
Thánh Catarina Rixi
Alêxanđrina sinh năm 1522 trong một gia đình họ Rixi ở Florentia, nước Ý. Lúc lên 13 tuổi, Alêxanđrina vào tu dòng nữ Đa Minh. Khi là nữ tu, Alêxanđrina chọn tên Catarina. Ngay lúc còn trẻ, Catarina đã có một tình yêu thâm sâu đối với cuộc khổ nạn của Đức Chúa Giêsu. Thánh nữ thường hay suy gẫm về những nỗi thống khổ của Chúa. Chúa Giêsu đã ban cho thánh nữ đặc ân lớn lao là được mang những thương tích của Chúa trong mình. Và Catarina rất đỗi sung sướng lãnh nhận mọi đau đớn nơi những vết thương này.
Thánh nữ Catarina Rixi rất có lòng cảm thương đối với các linh hồn tội nghiệp đang phải đau khổ trong chốn luyện hình. Thánh nữ nhận thấy họ đang khao khát mong mỏi được ở với Thiên Chúa trên thiên đàng biết bao. Thánh nữ cũng nhận thấy thời gian trong luyện ngục dường như kéo dài đến vô tận. Thánh Catarina cầu nguyện và làm việc sám hối thay cho họ. Lần kia, Chúa cho thánh nữ biết có một người đang ở luyện ngục. Catarina đã đặc biệt dâng hiến tình yêu của mình để chịu đau khổ thay cho linh hồn ấy. Thiên Chúa chấp nhận lời khấn xin của Catarina và thánh nữ đã phải chịu đau khổ dữ dội suốt bốn mươi ngày. Sau một cơn đau bệnh kéo dài, thánh nữ Catarina Rixi đã qua đời vào độ tuổi 68. Đó là ngày mùng 2 tháng Hai năm 1590. Catarina Rixi được đức thánh cha Clêmentê XII tôn lên bậc hiển thánh năm 1747.
Chúng ta có thể giúp đỡ các linh hồn đáng thương trong luyện ngục bằng những lời cầu nguyện như thánh nữ Catarina Rixi đã làm. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ chóng được hưởng nhan thánh Chúa. Khi ở trên thiên đàng, chắc chắn họ sẽ lại cầu bầu cùng Chúa cho mỗi người chúng ta.
Ngày 14 tháng 2
Thánh Xirilô và thánh Mêtôđiô
Hai anh em thánh này sinh ở Thessalônica bên nước Hy Lạp. Mêtôđiô sinh năm 815 và Xirilô 827. Cả hai anh em trở thành linh mục và cùng có những ước muốn thánh thiện là rao giảng đức tin. Rồi các ngài đã trở nên những nhà truyền giáo cho các dân tộc miền Đông và Trung Âu là Môravia, Bôhêmia và Bulgari. Câu chuyện xảy ra vào năm 862, bảy năm trước khi Xirilô qua đời. Vua nước Môravia đã xin được có các nhà truyền giáo nên các ngài đã đem Tin mừng của Chúa Giêsu và Giáo hội vào vương quốc của ông. Nhà vua thêm một đề nghị nữa là các nhà truyền giáo phải nói tiếng dân tộc của ông.
Hai anh em thánh Xirilô và Mêtôđiô tình nguyện xin đi và đã được chấp thuận. Các ngài nhận biết là sẽ phải rời xa quê hương thân yêu, ngôn ngữ và văn hóa của mình, phải bỏ lại tất cả vì tình yêu Chúa Giêsu. Và các ngài đã sẵn sàng tình nguyện làm công việc này.
Thánh Xirilô và thánh Mêtôđiô phát minh ra một bảng chữ cái Slavơ và các ngài đã chuyển dịch bộ Kinh Thánh và phụng vụ Giáo hội ra tiếng Slavơ. Nhờ việc này, người ta có thể tiếp nhận giáo lý Công giáo bằng những từ ngữ họ có thể hiểu được.
Một số người trong Giáo hội lúc ấy không chấp nhận phương thế sử dụng tiếng địa phương trong phụng vụ Giáo hội. Thế là hai anh em phải đối mặt với những lời phê bình chỉ trích. Các ngài được gọi về Rôma để gặp gỡ và trao đổi với đức thánh cha. Vài người đã rất ngạc nhiên vì cuộc họp mặt này. Đức thánh cha Ađriô II bày tỏ lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ đối với hai nhà truyền giáo. Ngài không những chấp nhận những phương thế truyền bá đức tin của hai anh em mà còn đặt các ngài làm giám mục. Hình như Xirilô đã qua đời trước khi được tấn phong giám mục, nhưng Mêtôđiô thì đã được tấn phong. Thánh Xirilô mất ngày 14 tháng Hai năm 869. Ngài được chôn cất tại nhà thờ thánh Clêmentê ở Rôma. Thánh Mêtôđiô thì trở lại các nước miền Trung Đông nói tiếng Slavơ và tiếp tục công việc của ngài thêm 15 năm nữa.
Ngày 31 tháng Mười Hai năm 1980, đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn nhận thánh Xirilô và thánh Mêtôđiô làm quan thầy của Âu châu cùng với thánh Bênêđictô.
Chúng ta có thể ngưỡng mộ tấm lòng rộng lượng hào hiệp của hai anh em thánh này. Hãy xin các ngài ban cho chúng ta lòng can đảm và sự tốt hảo của các ngài. Chắc chắn các ngài sẽ giúp chúng ta biết kính trọng hết mọi người dù họ khác chúng ta về tôn giáo, truyền thống, ngôn ngữ và văn hóa.
Ngày 15 tháng 2
Thánh Faustinô và thánh Giôvita
Thánh Faustinô và thánh Giôvita là hai anh em ruột sống ở Brêscia, nước Ý. Các ngài là những thành viên trong số những Kitô hữu tử đạo tiên khởi. Các ngài đã chịu đau khổ suốt cuộc bách hại của vua Hađrianô ở thế kỷ thứ hai.
Hồi còn niên thiếu, Faustinô và Giôvita rất được mọi người biết đến vì lòng mộ mến tôn giáo của mình. Các ngài cũng làm nhiều việc bác ái Kitô giáo. Các ngài cùng nhau giúp đỡ những người gặp cảnh khó khăn nghèo túng. Đức giám mục giáo phận Brêscia đã truyền chức linh mục cho các ngài và các ngài bắt đầu rao giảng khắp nơi cho cả người giàu lẫn người nghèo. Các ngài đã hy sinh hết mình để đem nhiều linh hồn về cho Thiên Chúa. Bởi vì lúc ấy đang là thời kỳ bắt đạo nên người ta rất dễ hoang mang lo sợ. Nhưng đối với Faustinô và Giôvita thì không thế, các ngài chẳng hề sợ hãi những binh lính dù những người này thực sự đã giết hại nhiều Kitô hữu.
Khi nhà vua nghe biết Faustinô và Giôvita dám công khai giảng dạy, vua liền ra lệnh bắt giam các ngài và cho lính tra tấn hành hạ các ngài. Vua hy vọng rằng nhục hình sẽ làm cho các ngài phải im lặng. Thế nhưng dù phải chịu đau khổ, hai linh mục vẫn cương quyết rao giảng về Chúa Giêsu. Các ngài vẫn giữ tư thế cầu nguyện ngay cả trong chốn lao tù khủng khiếp ấy. Các ngài thật sự sẵn lòng hiến dâng hết những đau khổ của mình cho Thiên Chúa. Faustinô và Giôvita đã khích lệ nhau hãy cứ can đảm dù có phải chết vì Đức Chúa Giêsu như các thánh tử đạo. Cả hai anh em vẫn một lòng cương quyết giữ vững niềm tin và tình yêu đối với Chúa Giêsu cho tới lúc chịu tử đạo. Chúng ta không biết được chính xác ngày về trời của các ngài. Tuy nhiên, tấm gương anh dũng của các thánh Faustinô và Giôvita thật là một ký ức thiêng liêng và là một hiệu lệnh đánh thức tất cả mọi người chúng ta.
Thiên Chúa hài lòng biết bao khi thấy anh chị em chúng ta giúp nhau học hỏi về đức tin của mình. Như thánh Faustinô và thánh Giôvita, anh chị em hãy khuyên bảo nhau yêu mến và sống cho Đức Chúa Giêsu.
Ngày 16 tháng 2
Thánh Ônêsimô
Thánh Ônêsimô sống vào thế kỷ thứ nhất. Ngài là một nô lệ ăn cắp của chủ mình và chạy trốn đến Rôma. Nơi đây, Ônêsimô gặp vị đại tông đồ là thánh Phaolô, hiện đang là tù nhân vì đức tin. Phaolô đã đón nhận Ônêsimô với tấm lòng nhân hậu và yêu thương của một người cha tốt lành. Phaolô giúp Ônêsimô nhận ra việc ăn cắp của chủ là hành vi sai trái. Và hơn thế nữa, ngài đã hướng dẫn Ônêsimô đón nhận đức tin Công giáo.
Sau khi trở nên Kitô hữu, Ônêsimô được Phaolô gởi về cho chủ nhân của Ônêsimô, ông Philêmôn, là bạn thân của Phaolô. Nhưng Phaolô không sai người nô lệ trở về một mình mà không bảo vệ anh ta. Phaolô đã “trang bị” cho Ônêsimô một lá thư ngắn gọn nhưng đầy thế giá. Phaolô hy vọng rằng lá thư của ngài sẽ làm cho Ônêsimô, người bạn mới quen biết của ngài, được hài lòng. Phaolô viết cho cụ Philêmôn rằng: “Tôi nài xin cho Ônêsimô, người con yêu dấu của tôi. Tôi gởi nó lại cho anh. Xin anh hãy tiếp nhận nó như tấm lòng của tôi vậy!”
Lá thư cảm động đó chúng ta gặp thấy ở trong Kinh Thánh Tân Ước. Cụ Philêmôn đã nhận lá thư của Phaolô và lời chỉ bảo của ngài. Khi Ônêsimô trở về với người chủ mình, ngài được trả tự do. Sau đó, Ônêsimô trở lại với Phaolô và nên người giúp việc trung thành của Phaolô.
Thánh Phaolô đặt Ônêsimô làm linh mục và giám mục. Người nô lệ năm xưa đã dâng hiến phần đời còn lại của mình để rao giảng Tin mừng là Lời đã làm thay đổi toàn bộ đời sống của ngài. Người ta cho rằng trong thời gian Giáo hội bị bách hại, Ônêsimô đã bị xiềng đến Rôma và bị ném đá.
Nếu đã lỡ làm cho ai bị tổn thương trong bất cứ cách nào, chúng ta hãy cố tìm dịp xin lỗi ngay. Thiên Chúa sẽ hài lòng khi thấy chúng ta biết nhận lỗi, và Người sẽ chúc lành cho chúng ta như đã chúc lành cho Ônêsimô.
Ngày 17 tháng 2
Bảy anh em lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ
Bảy vị thánh này sống vào thế kỷ thứ mười ba ở thành phố Florentia, nước Ý. Mỗi vị có một lòng yêu mến rất đặc biệt đối với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Các ngài là những thành viên năng động của hiệp hội Đức Trinh Nữ Maria.
Cách thức các ngài trở thành những người lập dòng Tôi Tớ thật đặc biệt. Vào ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, khi bảy anh em đang chìm đắm trong cầu nguyện thì Đức Mẹ đã hiện ra với các ngài. Đức Mẹ gợi hứng cho các ngài từ bỏ thế gian và sống cho riêng mình Thiên Chúa. Sau nhiều năm sống như các ẩn sĩ, các ngài đến gặp đức giám mục và xin đức giám mục một luật sống để tuân giữ. Vị giám mục khuyến khích các ngài hãy cầu nguyện và xin Đức Mẹ soi sáng hướng dẫn. Rồi một ngày kia Đức Mẹ lại hiện đến với các ngài, mình vận một áo dòng màu đen, bên cạnh là một thiên thần mang theo một cuộn giấy với hàng chữ: “Những Tôi Tớ Đức Mẹ.” Trong thị kiến này, Đức Mẹ nói rằng Đức Mẹ đã chọn các ngài làm tôi tớ của Người. Đức Mẹ xin các ngài mang tu phục màu đen. Và đây chính là bộ tu phục các ngài đã vận từ năm 1240. Các ngài cũng bắt đầu sống cuộc đời tu trì theo luật dòng thánh Augustinô.
Các ngài đã giúp nhau yêu mến và phục vụ Thiên Chúa. Sáu người trong nhóm được thụ phong linh mục. Tên của sáu vị là: Bôphiliô, Amađêô, Hiuzơ, Sôstơns, Manêtô và Buônagiunta. Vị sáng lập thứ bảy, Alêxis, ở lại làm tu sĩ vĩnh viễn. Với lòng khiêm nhượng, ngài đã không chọn làm linh mục.
Có nhiều anh em đã đến xin gia nhập hiệp hội của các ngài. Các ngài được biết đến dưới danh hiệu “Những Đầy Tớ của Đức Mẹ” hay “Những Người Tôi Tớ.”
Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ được tòa thánh Vatican chấp nhận năm 1259. Bảy vị sáng lập thánh thiện này đã được đức thánh cha Lêô XIII tôn phong hiển thánh năm 1888.
Như bảy vị thánh này, chúng ta hãy yêu mến Đức Mẹ và xin Người giúp chúng ta mỗi khi gặp gian nan khốn khó.
Ngày 18 tháng 2
Thánh Bênađetta
Thánh nữ Bênađetta sinh ngày 7 tháng Giêng năm 1844 tại Lộ Đức, nước Pháp. Song thân ngài rất nghèo; và Bênađetta thường hay đau bệnh.
Vào thứ Năm, ngày 11 tháng Hai năm 1858, Bênađetta được sai đi kiếm củi với người em gái và một người bạn khác. Một Bà Đẹp đã hiện ra với Bênađetta phía trên bụi hồng ở hang đá Masabilê. Bà vận một bộ đồ màu xanh trắng. Bà mỉm cười với Bênađetta. Rồi, Bà làm dấu Thánh Giá với chuỗi Mân Côi trắng ngà ánh vàng. Bênađetta liền quỳ xuống, lấy tràng chuỗi ra và bắt đầu lần hạt.
Bà Đẹp chính là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Bà đã hiện ra với Bênađetta hết thảy 18 lần và nói chuyện với Bênađetta. Bà nói Bênađetta hãy cầu nguyện cho các tội nhân và hãy sám hối ăn năn. Bà Đẹp cũng nói với Bênađetta hãy xin các linh mục xây một nguyện đường nhỏ nơi đó để tôn kính Bà.
Nhiều người đã không tin khi nghe Bênêđetta thuật lại thị kiến đó. Bênađetta phải đau khổ rất nhiều. Nhưng một ngày kia, Đức Mẹ nói với Bênađetta hãy đào sâu xuống bùn. Đang lúc Bênađetta đào thì một dòng nước bắt đầu vọt lên. Ngày hôm sau, nó càng chảy nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Và khi người ta dùng nước này, nhiều phép lạ đã xảy ra!
Đến tuổi trưởng thành, Bênađetta dâng mình cho Thiên Chúa. Thánh nữ luôn sống khiêm tốn. Bênađetta ao ước đừng có ai tôn vinh ca ngợi mình. Ngài không muốn được đối xử đặc biệt chỉ vì đã được nhìn thấy Đức Mẹ Maria. Dù sức khỏe yếu kém, Bênađetta cũng vẫn cố gắng giúp đỡ những chị em cao niên và đau bệnh. Thánh nữ qua đời năm1879, lúc được 36 tuổi. Những lời sau cùng của Bênađetta là: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho con là kẻ tội lỗi nghèo hèn!” Đức thánh cha Piô XI tôn phong Bênađetta lên bậc hiển thánh ngày 8 tháng Mười Hai năm 1933.
Như Bênađetta, chúng ta hãy sống thân mật với Đức Mẹ Maria bằng việc đọc kinh Mân Côi mỗi ngày. Chúng ta có thể dâng chuỗi Mân Côi với nhiều ý chỉ, nhất là cho những người sống trong tội lỗi được ơn hoán cải.
Ngày 19 tháng 2
Thánh Barbatô
Thánh Barbatô sinh năm 612 tại miền Bênêventô, nước Ý. Barbatô được hấp thụ nền giáo dục Kitô giáo; và vì thế, Barbatô có một đời sống đạo hạnh tốt lành. Barbatô sống đức tin của mình cách nghiêm túc và đặc biệt là ngài rất thích đọc Kinh Thánh. Barbatô được thụ phong linh mục ngay khi vừa đủ tuổi. Sau đó ngài được bổ nhiệm làm linh mục chánh xứ. Nhưng đời sống của một chủ chăn thật không được dễ dàng thoải mái! Một số người không thích Barbatô nói động đến lối sống của họ. Thánh Barbatô khuyên dụ họ hãy sống tốt hơn. Ngài nhắc họ hãy ăn năn hối cải những tội lỗi của họ. Có vài người đã tức giận. Họ hành hạ làm khổ Barbatô và cuối cùng ép buộc Barbatô phải rời khỏi xứ đạo.
Vị linh mục trẻ hối hận. Ngài trở về Bênêventô nơi ngài sinh trưởng. Ở đây, Barbatô được tiếp đón rất nồng hậu. Nhưng cũng có những khó khăn nơi thành phố này. Nhiều người theo đạo Công giáo vẫn giữ lại những ngẫu tượng trong nhà của họ. Họ thấy thực là điều khó khi phải bỏ đi những bùa ngải ấy. Họ tin vào quyền phép ma thuật. Thánh Barbatô rao giảng chống lại những mê tín dị đoan này. Nhưng do họ vẫn cương quyết giữ lấy những ngẫu tượng của họ, nên thánh Barbatô báo cho họ biết vì tội lỗi này, thành phố của họ sẽ bị quân thù tấn công; và đã xảy ra đúng như vậy.
Về sau, dân thành từ bỏ lầm lỗi của họ và hòa bình đã trở lại. Rồi, thánh Barbatô được tấn phong làm giám mục. Thánh nhân vẫn tiếp tục công việc cải hóa đoàn chiên của ngài. Ngày 29 tháng Hai năm 682, thánh Barbatô qua đời, thọ 70 tuổi.
Cũng như thánh Barbatô, các cha xứ của chúng ta muốn chúng ta trở nên tốt lành để được vào thiên đàng. Chúng ta hãy cố gắng lắng nghe và vâng theo lời khuyên dạy của các ngài.
Ngày 20 tháng 2
Thánh Êusêriô
Thánh Êusêriô sinh vào thế kỷ thứ tám tại thành phố Ôlanh, nước Pháp. Êusêriô được hấp thụ một nền giáo dục Kitô giáo. Câu nói trích trong thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côrintô: “Thế gian mà chúng ta xem thấy đây đang qua đi” (1 Cor 7,31) đã gây cho Êusêriô một ấn tượng rất sâu sắc. Câu nói ấy giúp Êusêriô nhận ra rằng cuộc sống của chúng ta trên trái đất này thật rất ngắn ngủi; thiên đàng và hỏa ngục mới là nơi vĩnh cửu. Ngài quyết định tìm kiếm những niềm vui thiên đàng bằng cách chỉ sống cho riêng mình Thiên Chúa.
Năm 714, thánh Êusêriô rời bỏ gia đình giàu có của ngài và vào tu trong đan viện Bênêđictô. Êusêriô đã trải qua 7 năm ở đó sống liên kết mật thiết với Thiên Chúa. Năm 721, sau khi người cậu là giám mục giáo phận Ôlanh qua đời, Êusêriô được chọn thay vào chức vị này. Êusêriô tuy lúc ấy mới chỉ được 25 cái xuân xanh nhưng rất khiêm tốn. Ngài không muốn rời xa đan viện thân yêu của ngài. Nước mắt dàn giụa, thánh Êusêriô đã xin đặc ân được ở lại một mình với Thiên Chúa trong đan viện. Nhưng sau cùng, Êusêriô đã chấp nhận vì lòng yêu mến đức vâng lời. Êusêriô là vị giám mục khôn ngoan, thánh thiện. Thánh nhân đã giúp ích nhiều cho các linh mục và bổn đạo trong giáo phận của ngài.
Carôlô Máctel, một nhân vật đầy quyền lực thuộc phe chính trị, thường hay lấy một số tiền của Giáo hội để ủng hộ và giúp đỡ những cuộc chiến tranh của ông. Và bởi giám mục Êusêriô nói cho Carôlô biết điều đó là sai, Carôlô đã tống giam Êusêriô vào tù. Êusêriô bị trục xuất lần thứ nhất đến Côlônha, rồi đến một pháo đài gần Liêzơ. Nhưng viên thống đốc coi sóc Êusêriô đã lợi dụng tấm lòng hiền lành và khiêm nhượng của vị giám mục để thu dụng các kẻ thù của ông. Sau đó ít lâu, ông lặng lẽ giải thoát vị giám mục khỏi cảnh tù đày và gởi ngài vào một tu viện. Ở đây, trong sự thanh vắng, thánh nhân đã dùng cả quãng thời gian còn lại để cầu nguyện cho đến khi qua đời năm 743.
Chúng ta hãy suy nghĩ về lời khuyên tốt lành của thánh Phaolô gởi cho các tín hữu Côrintô: “Thế giới của chúng ta đây đang qua đi.” Những lời này sẽ giúp chúng ta suy nghĩ nhiều hơn về mục đích vĩnh hằng của mình là thiên đàng.
Ngày 21 tháng 2
Thánh Phêrô Đamianô
Thánh Phêrô Đamianô sinh năm 1007. Khi còn rất nhỏ, Phêrô Đamianô đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Phêrô được một người anh lớn nhận cho ở trọ. Anh này đã lăng mạ chửi rủa và hay bỏ đói ngài. Một người anh khác cùng tên Đamianô, thấy hoàn cảnh thực tế của cậu em, đã dẫn ngài về nhà riêng của mình. Thế rồi, cuộc đời của Phêrô chuyển sang một bước ngoặt hoàn toàn mới. Phêrô được quan tâm và được đối xử yêu thương. Phêrô rất biết ơn người anh đến nỗi khi trở thành tu sĩ, ngài đã lấy tên là Đamianô theo người anh yêu quý của mình. Đamianô cung cấp cho Phêrô ăn học và khuyến khích việc học của em. Cuối cùng, Phêrô thành tài và đã giảng dạy tại đại học khi mới ở độ tuổi 20! Người ta đều biết Phêrô là một giáo sư ưu tú. Nhưng Thiên Chúa đã hướng dẫn Phêrô bằng những phương cách mà chính thánh nhân cũng không thể nào hiểu được.
Thánh Phêrô Đamianô sống trong thời đại mà nhiều người trong Giáo hội quá bị chi phối bởi những mục đích trần tục. Phêrô nhận thấy rằng Giáo hội thánh thiện có ân sủng từ Chúa Giêsu hầu cứu chuộc tất cả mọi người. Ngài mong ước Giáo hội chiếu giãi sự thánh thiện của Chúa Giêsu. Sau 7 năm giảng dạy, Phêrô Đamianô đã quyết định đi tu. Ngài muốn sống phần đời còn lại của ngài trong cầu nguyện và sám hối. Phêrô Đamianô sẽ cầu nguyện và hy sinh để nhiều người trong Giáo hội trở nên thánh thiện. Rồi Phêrô gia nhập đan viện của thánh Rômualđô. Phêrô Đamianô viết quy luật cho các tu sĩ. Ngài cũng viết tiểu sử về thánh Rômualđô, vị sáng lập thánh thiện của họ. Phêrô Đamianô cũng viết nhiều tác phẩm thần học để giúp người giáo dân đào sâu thêm lòng tin của mình. Đan viện phụ của Phêrô Đamianô đã hai lần sai ngài đến các đan viện lân cận. Ngài khuyến khích các đan sĩ thực hành những cải cách canh tân nhằm giúp họ dễ kết hợp thân mật hơn với Thiên Chúa. Các đan sĩ rất biết ơn Phêrô Đamianô vì ngài thật có lòng tốt và đáng kính trọng.
Sau cùng, từ đan viện, Phêrô Đamianô được gọi làm giám mục và hồng y. Suốt quãng đời của mình, Phêrô Đamianô được sai làm những nhiệm vụ quan trọng cho nhiều đức thánh cha. Năm 1072, thánh Phêrô Đamianô qua đời. Đến năm 1828, Phêrô Đamianô được tôn phong làm Tiến sĩ Hội Thánh vì ngài là nhà vô địch trong việc bảo vệ chân lý và kiến tạo hòa bình. Thi sĩ Đantê (1265-1321) đã nhận định sự cao cả của thánh Phêrô Đamianô. Trong vở kịch thơ Diệu Kỳ, thi sĩ đặt thánh Phêrô Đamianô trên “tầng trời thứ bảy.” Đó là nơi mà Thiên Chúa dành cho những người thánh thiện, những người ham thích suy niệm và chiêm ngưỡng Thiên Chúa.
Nhiều năm thơ ấu của thánh Phêrô Đamianô thật buồn thảm và kém may mắn, nhưng Phêrô Đamianô đã học biết cách tìm kiếm Thiên Chúa bằng sự tin cậy trẻ thơ. Phêrô Đamianô dùng những ân lộc của mình để làm cho Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người được yêu mến và trân trọng hơn. Chúng ta hãy cầu xin thánh Phêrô Đamianô chỉ cho chúng ta biết cách sống quảng đại với Thiên Chúa.
Ngày 22 tháng 2
Lễ kính ngai tòa thánh Phêrô
Thánh Phêrô là thủ lãnh của các Tông đồ và là giám mục đầu tiên của Rôma. Đức Chúa Giêsu nói với ngài: “Con là Phêrô, và trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Sau khi Đức Chúa Giêsu về trời, thánh Phêrô bắt đầu rao giảng Tin mừng. Ngài hướng dẫn một cộng đoàn kitô hữu nhỏ bé nhưng phát triển. Đầu tiên, thánh Phêrô hoạt động ở Giêrusalem và Antiôkia, hai thành phố lớn ở Đông phương. Sau đó, thánh nhân đến rao giảng Tin mừng ở Rôma, thủ đô của thế giới Công giáo.
Tại sao thánh Phêrô phải thực hiện nhiệm vụ lớn lao của mình đối với Thiên Chúa? Người Thầy của Phêrô đã bị người ta đóng đinh nhưng sau đó đã sống lại. Ai sẽ tin được điều đó? Những người ngoại giáo Rôma độc ác sẽ làm át đi tiếng nói của Phêrô dù ngài có thuộc hạng người trung thành thế nào đi nữa! Nhưng Chúa Thánh Linh vẫn hiện diện sống động trong thánh Phêrô. Ngài can đảm tiếp tục sứ mệnh mà Đức Chúa Giêsu đã ủy thác cho ngài. Phêrô không bao giờ chối bỏ Chúa của mình nữa! Phêrô không bao giờ đặt lợi ích riêng của cá nhân mình trên sự thiện hảo của Giáo hội nữa!
Lễ kính ngai tòa thánh Phêrô ở Rôma nhắc nhở chúng ta rằng thánh Phêrô thiết lập cộng đoàn kitô hữu trong thành phố ấy. Chiếc ghế đặc biệt này là biểu hiệu cho quyền bính mà Đức Chúa Giêsu đã trao cho thánh Phêrô. Trước đây, các vua chúa ngồi trên ngai vàng và cai trị dân chúng. Ngai tòa của thánh Phêrô cũng là biểu tượng cho quyền lực xuất phát từ Chúa Giêsu để cai trị Giáo hội.
Thánh Phêrô đã chết vì đức tin; nhưng trải qua các thời đại, luôn luôn có một giám mục Rôma. Ngài được gọi là Giáo hoàng. Đức giáo hoàng cai trị toàn thể Giáo hội như thánh Phêrô nhân danh Đức Chúa Giêsu. Chúng ta cũng gọi đấng kế vị thánh Phêrô là đức thánh cha.
Chúng ta yêu mến và tôn kính đức thánh cha. Ngài là hiện thân của Đức Chúa Giêsu trên trần gian này. Chúng ta có thể luôn luôn cầu nguyện cho đức thánh cha của chúng ta. Chúng ta cũng có thể xin Thiên Chúa ban cho ngài sức mạnh, ánh sáng và an ủi.
Ngày 23 tháng 2
Thánh Pôlycapô
Thánh Pôlycapô sinh vào khoảng giữa những năm 70-80. Ngài trở thành kitô hữu khi các môn đệ của Đức Chúa Giêsu mới chỉ là số ít người. Thực ra, thánh Pôlycapô là môn đệ của một trong các tông đồ đầu tiên là thánh Gioan. Pôlycapô giảng dạy cho người ta biết tất cả mọi điều ngài đã học được nơi thánh Gioan. Pôlycapô làm linh mục rồi giám mục thành Smina (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Thánh Pôlycapô là giám mục thành Smina suốt nhiều năm. Các kitô hữu đều nhận thấy Pôlycapô là một mục tử thánh thiện và can đảm.
Những kitô hữu ở thời đại của Pôlycapô phải giáp mặt với sự bách hại và giết chóc dưới triều đại hoàng đế Marêô Aurêliô. Có ai đó đã phản bội trao nộp Pôlycapô cho các nhà cầm quyền. Khi người ta đến bắt Pôlycapô, thánh nhân đã mời họ cùng dùng bữa với ngài trước hết; rồi sau đó, thánh nhân xin họ để ngài cầu nguyện một lát. Quan tòa đã thúc ép giám mục Pôlycapô hãy cứu lấy mình khỏi chết bằng cách nguyền rủa Đức Chúa Giêsu. “Tôi đã phục vụ Chúa Giêsu suốt cả đời tôi,” thánh nhân trả lời, “và Người chưa bao giờ đối xử bất công với tôi điều gì. Làm sao tôi lại có thể nguyền rủa Vua tôi, Đấng đã chết vì tôi?”
Sau đó, binh lính trói tay thánh Pôlycapô lại sau lưng. Rồi họ đặt vị giám mục già trên một đống lửa nóng bừng. Nhưng ngọn lửa không làm hại Pôlycapô. Sau đó, một người trong đám lính lấy ngọn giáo đâm vào trái tim ngài. Và thế là, vào năm 155, Pôlycapô đã tử vì đạo. Mãi mãi Pôlycapô được ở với Thiên Chúa, Đấng mà ngài đã phục vụ cách hết sức can đảm.
Thánh Pôlycapô được mời gọi để bênh vực Đức Chúa Giêsu đến cả mất mạng sống mình. Chúng ta có thể không phải hy sinh mạng sống của mình cho Đức Chúa Giêsu như các thánh tử đạo. Dù biết rằng nếu muốn được như thánh Pôlycapô, chúng ta sẽ phải thực hiện những chọn lựa thích hợp. Khả năng lựa chọn của chúng ta cũng sẽ quyết định loại ngôn ngữ chúng ta sử dụng, cách thức chúng ta cư xử với gia đình, người thân, với hàng xóm, bạn bè. Chúng ta sẽ chọn là loại Kitô hữu nào?
Ngày 24 tháng 2
Thánh Môngtanô, Luxiô và các bạn tử đạo
Suốt những ngày đầu của Giáo hội sơ khai, hoàng đế Valêriô bách hại các Kitô hữu thật khốc liệt. Ông đã cho hành quyết thánh Cyprianô vào tháng Chín năm 258. Viên thống đốc Rôma, người tuyên án Cyprianô, đã tự vẫn ít lâu sau đó. Viên tân thống đốc, Sôlôn, suýt là nạn nhân cuộc nổi dậy của một mưu đồ nhằm vào con người ông. Dường như ông nghi ngờ âm mưu phục thù cho cái chết của thánh Cyprianô nên đã bắt giữ 8 người vô tội. Hết thảy đều là Kitô hữu; đa số là giáo sĩ. Các ngài đã từng là môn đồ trung thành của thánh Cyprianô.
Các Kitô hữu được đem xuống những hầm ngục tối. Các ngài nhận thấy những người mà các ngài quen biết cũng có mặt ở đó. Môi trường nhơ bẩn và ẩm thấp bao quanh các ngài. Các ngài nhận ra rằng chẳng bao lâu nữa mình sẽ đối diện với cái chết và đời sau. Các Kitô hữu bị giam giữ nhiều tháng trong tù. Các ngài đã làm việc suốt ngày và thường không nhận được thức ăn và nước uống mà chẳng hiểu tại sao. Vì lý do nào đó mà ở trong những điều kiện dã man như thế, cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bé vẫn liên kết và giúp đỡ lẫn nhau. Những giáo dân đã che chở bảo vệ các giám mục, linh mục và các thầy phó tế, là những mục tiêu đáng chú ý cho lòng độc ác của hoàng đế.
Khi người ta điệu các Kitô hữu đến nơi hành quyết, mỗi người đều được phép nói vài lời cuối cùng. Môngtanô, có dáng người cao to khỏe mạnh, đã can đảm phát biểu trước tất cả đám đông Kitô hữu. Ngài nói với họ hãy trung thành với Đức Chúa Giêsu và thà chết còn hơn là chối bỏ đức tin. Luxiô, với vóc người bé nhỏ mảnh mai, bước tới nơi hành quyết cách khoan thai nhẹ nhàng. Ngài bị yếu nhược bởi những tháng tù khắc nghiệt. Thật ra, Luxiô đã phải tựa vào hai người bạn giúp ngài đến vị trí mà người đao phủ đang chờ sẵn. Những giáo dân đứng quan sát đã kêu to lên và nài xin thánh nhân hãy thương đến họ khi được về thiên đàng.
Đang khi từng người trong số những Kitô hữu lần lượt bị chém đầu, đám đông càng lúc càng trở nên can đảm hơn. Họ đã khóc thương những người phải chịu cảnh bất công như thế! Nhưng họ cũng vui mừng vì nhận biết rằng trên thiên đàng, các vị tử đạo này sẽ cầu phúc cho họ.
Thánh Môngtanô, Luxiô và những người bạn của các ngài đã chịu tử đạo năm 259.
Người ta nhận biết các Kitô hữu tiên khởi qua tấm lòng quảng đại và tình yêu thương họ trao cho nhau. Các ngài đã đặt những nhu cầu của tha nhân lên trước những đòi hỏi của bản thân; và đã cố gắng hết mình để vượt qua sự ích kỷ hẹp hòi. Chúng ta hãy nghĩ về một đôi lần nào đó trong cuộc đời của mình khi chúng ta cần quảng đại hơn và bớt ích kỷ hơn trong việc bắt chước các Kitô hữu tiên khởi.
Ngày 25 tháng 2
Thánh Xêsariô Nazianzênô
Thánh Xêsariô Nazianzênô sống vào thế kỷ thứ tư tại đất nước mà ngày nay gọi là Thổ Nhĩ Kỳ. Thân phụ ngài là giám mục thành Nazianzênô. Lúc đó, các giám mục và các linh mục có thể được phép kết bạn. Anh trai của Xêsariô là thánh Grêgôriô Nazianzênô, bạn thân của thánh Basiliô. Ngoài việc là một vị thánh, Grêgôriô Nazianzênô còn là một văn gia rất có thế giá trong thời Giáo hội sơ khai. Ngày nay người ta hiện vẫn còn đọc các tác phẩm ngài viết.
Cả Xêsariô và Grêgôriô đều nhận được một nền giáo dục xuất sắc tuyệt vời. Nhưng trong lúc Grêgôriô Nazianzênô muốn trở thành một linh mục thì Xêsariô lại muốn làm một bác sĩ y khoa. Cả hai cùng đi học để thực hiện những mục đích của mình.
Thánh Xêsariô Nazianzênô tốt nghiệp y khoa tại thành Constantinôp. Chẳng bao lâu ngài trở nên một lương y khoa nội rất danh tiếng và đáng tín nhiệm. Thật ra, hoàng đế Constansiô, sống ở Constantinôp, muốn vời Xêsariô đến làm bác sĩ riêng của ông. Xêsariô Nazianzênô cám ơn hoàng đế nhưng từ chối cách dịu dàng. Ngài muốn trở về Nazianzênô, quê thành của ngài.
Tuy nhiên, một thời gian sau, Xêsariô Nazianzênô lại được gọi lên Constantinôp phục vụ hoàng đế. Đây là thời kỳ lịch sử, thời kỳ Julianô bỏ đạo. Người bỏ đạo là người chối bỏ niềm tin vào Kitô giáo. Người đàn ông này đã ban bố nhiều khoản luật chính thức chống đối các Kitô hữu. Tuy thế, ông rất sẵn lòng miễn chuẩn cho Xêsariô vì ngài là một lương y giỏi. Julianô đã cố gắng dụ dỗ thuyết phục vị bác sĩ chối bỏ đức tin. Xêsariô được ban tặng những địa vị, tiền của hối lộ và những đặc ân ưu đãi. Thân phụ và người anh trai của Xêsariô Nazianzênô đã khuyên ngài hãy khước từ những tặng ân đó. Họ đề nghị Xêsariô nên trở về quê nhà để hành nghề thầy thuốc.
Năm 368, thánh Xêsariô Nazianzênô gần như bị thiệt mạng trong một cuộc động đất. Tuy ngài đã thoát nạn bình an nhưng biến cố ấy đã làm cho thánh nhân suy yếu trầm trọng. Xêsariô Nazianzênô cảm thấy như Thiên Chúa nói với ngài hãy sống đời cầu nguyện, xa lánh sự náo nhiệt và xu nịnh của triều đình. Và thế là Xêsariô Nazianzênô đã phân chia của cải mình cho các người nghèo. Thánh nhân bắt đầu sống cuộc đời chay tịnh và cầu nguyện.
Thánh Xêsariô Nazianzênô qua đời sau đó ít lâu vào năm 369. Người anh của Xêsariô Nazianzênô, thánh Grêgôriô, đã thuyết giảng trong thánh lễ an táng ngài.
Hết thảy chúng ta đều có một ơn kêu gọi riêng biệt trong cuộc đời. Thiên Chúa đã trao ban những ân sủng cho chúng ta để chúng ta thực hiện cách mỹ hảo ơn gọi đó. Như thánh Xêsariô Nazianzênô, chúng ta cần biết khôn ngoan lắng nghe những người chúng ta tin cậy. Chúng ta cũng cần phải từ chối nghe theo những người muốn dùng tài năng hay trình độ hiểu biết của chúng ta vào những mục đích sai trái.
Ngày 26 tháng 2
Thánh Pôphiriô
Thánh Pôphiriô sinh vào thế kỷ thứ năm trong một gia đình quý tộc giàu có. Khi lên 25 tuổi, Pôphiriô rời khỏi gia đình. Pôphiriô đến Ai Cập để vào tu trong một đan viện. Sau 5 năm, Pôphiriô hành trình tới Giêrusalem. Pôphiriô muốn viếng thăm những nơi mà Đức Chúa Giêsu đã ở khi Người sống trên dương thế.
Pôphiriô được ấn tượng sâu sắc của thánh địa. Lòng yêu mến Chúa Giêsu làm cho ngài ý thức cách sâu xa những nỗi khổ đau của những người dân quê nghèo khó trong thành Thessalônica mà Pôphiriô chưa bao giờ cảm nghiệm được cái nghèo là làm sao! Giờ đây, Pôphiriô vẫn làm chủ tất cả gia sản song thân để lại cho mình. Tuy vậy, chẳng bao lâu, Pôphiriô xin người bạn Marcô đến Thessalônica bán hết mọi thứ cho ngài. Ba tháng sau, Marcô cầm tiền trở về. Thế rồi Pôphiriô đã bố thí tiền bạc cho những người thực sự cần dùng nó.
Lên 40 tuổi, Pôphiriô trở thành linh mục và được trao cho công việc giữ gìn các thánh tích của Thánh Giá Chúa Giêsu. Sau đó, Pôphiriô được bổ nhiệm làm giám mục thành Gaza. Ngài nỗ lực hoạt động để lôi kéo người ta tin vào Đức Chúa Giêsu và chấp nhận đức tin. Nhưng những vất vả khó nhọc của Pôphiriô chỉ sinh hiệu quả chậm và vì vậy, đòi Pôphiriô nhiều kiên nhẫn. Đa số các cư dân lúc đó bị vướng vào những mê tín dị đoan và những tập tục của dân ngoại. Cho dù Pôphiriô có thể ngăn chặn được nhiều thói tục này nhưng thánh nhân cũng đã gặp phải những kẻ thù làm cho ngài hết sức đau khổ.
Cũng có những tín hữu Công giáo ngưỡng mộ và yêu mến Pôphiriô cách đặc biệt. Họ cầu nguyện và hy sinh cho ngài. Họ nài xin Thiên Chúa bảo vệ Pôphiriô. Giám mục Pôphiriô đã dùng nhiều năm để củng cố cộng đoàn Kitô hữu. Ngài rao giảng mọi điều Giáo hội ủy thác. Pôphiriô qua đời năm 420.
Tấm gương của vị thánh này thách đố chúng ta đừng liên can đến những điều mê tín dại dột. Những bùa ngải ma thuật và các vấn đề tương tự như thế chẳng có giá trị gì. Thiên Chúa trông nom chăm sóc chúng ta và ban cho chúng ta mọi trợ giúp cần thiết nếu chúng ta thành tâm cầu xin Người.
Ngày 27 tháng 2
Thánh Gabriel Mẹ sầu bi
Vị thánh đáng yêu này sinh ở Assisiô, nước Ý vào năm 1838. Lúc rửa tội, thánh nhân đã nhận tên thánh Phanxicô để tỏ lòng tôn kính thánh cả Phanxicô Assisiô. Thân mẫu Phanxicô qua đời lúc ngài mới lên 4. Vì vậy, thân phụ của Phanxicô đã thuê một cô giáo dạy trẻ về nuôi dưỡng ngài và những người con khác.
Phanxicô rất đẹp trai và dễ thương. Thông thường tại các đám tiệc liên hoan, Phanxicô là người được hâm mộ nhất. Phanxicô yêu thích trò vui đùa giễu cợt nhưng ngài cũng có tâm tưởng khác nữa. Đang khi vui vẻ, thỉnh thoảng Phanxicô cảm thấy chán nản. Ngài không thể hiểu được lý do tại sao. Ngài linh cảm thấy trong lòng mình có một sự khao khát Thiên Chúa rất mãnh liệt và những vấn đề quan yếu của cuộc sống.
Hai lần Phanxicô bị bệnh gần chết. Mỗi lần Phanxicô hứa với Đức Mẹ rằng nếu Đức Mẹ chữa cho khỏi thì sẽ đi tu. Cả hai lần, Phanxicô đều được ơn lành bệnh nhưng lại không giữ lời hứa!
Một ngày kia, Phanxicô nhìn thấy người ta đang kiệu bức ảnh Đức Mẹ sầu bi trong một đám rước. Hình như Đức Mẹ đang chăm chú nhìn ngài. Cùng lúc đó, Phanxicô nghe thấy một tiếng nói trong lòng: “Phanxicô, thế gian không ủng hộ con nữa đâu!”
Và điều đó đã xảy ra! Phanxicô vào dòng Thương Khó. Lúc ấy, ngài được 18 tuổi. Phanxicô chọn danh hiệu là Gabriel Mẹ sầu bi.
Thánh Gabriel có lòng yêu mến đặc biệt đối với bí tích Thánh Thể và Mẹ Maria, Mẹ sầu bi. Thánh nhân thích dùng thời giờ tưởng nghĩ về cuộc Thương Khó của Đức Chúa Giêsu và việc Chúa đã chịu đau khổ nhiều vì ngài. Gabriel cũng học cách thực hành đặc biệt hai nhân đức: khiêm nhường và vâng lời. Đặc điểm riêng của Gabriel là hồn nhiên và vui tươi. Trông Gabriel luôn luôn hạnh phúc và ngài lan tỏa niềm hạnh phúc ấy ra cho những người xung quanh.
Thánh Gabriel Mẹ sầu bi về trời ngày 27 tháng Hai năm 1862, chỉ sống được bốn năm trong dòng Thương Khó. Đến năm 1920, Gabriel được đức thánh cha Bênêđictô XV tôn phong lên bậc hiển thánh.
Chúng ta không nên chỉ nghĩ về việc tận hưởng cuộc sống. Chúng ta hãy cầu xin thánh Gabriel Mẹ sầu bi giúp chúng ta tìm ra niềm vui và ý nghĩa đích thực của đời sống chúng ta.
Ngày 28 tháng 2
Thánh Rômanô và thánh Lupixinô
Hai vị thánh người Pháp này là anh em ruột sống vào thế kỷ thứ 5. Khi còn trẻ, thánh Rômanô được mọi người mến mộ vì ngài rất tốt lành. Ngài có lòng ham ước nên thánh rất mãnh liệt. Từ khi nhận thức được trên thế giới này người ta quá dễ dàng quên lãng và coi thường Thiên Chúa, thánh Rômanô quyết định sống cuộc đời ẩn sĩ. Trước tiên, Rômanô bàn hỏi với một đan sĩ thánh thiện, rồi ngài tiến hành điều ngài đã quyết định. Rômanô đem theo một cuốn sách. Đó là cuốn Đời sống của các Giáo phụ nơi hoang mạc của tác giả Cassiô. Rômanô cũng mang theo hạt giống để gieo trồng và một ít dụng cụ. Với những thứ dự trữ này, Rômanô vào miền rừng có những dãy núi thuộc giải Jura giữa Thụy Sĩ và Pháp. Rômanô tìm thấy một cây linh sam to lớn và thế là ngài định cư ở dưới gốc cây này. Rômanô dùng thời giờ cầu nguyện và đọc sách. Ngài cũng gieo trồng và chăm nom khu vườn của ngài, một quang cảnh thiên nhiên yên tĩnh đầy thú vị!
Chẳng bao lâu sau đó, người em trai Lupixinô đến xin nhập cuộc với ngài. Rômanô và Lupixinô khác tính nhau. Rômanô thì nghiêm nghị với bản thân mình. Tuy vậy, ngài rất tử tế, hiền lành và đầy tình thông cảm hiểu biết người khác. Lupixinô thì khó khăn nghiêm khắc với chính mình và thường đối xử như vậy cả với tha nhân. Tuy nhiên, Lupixinô có ý tốt. Hai anh em hiểu nhau và sống với nhau rất hòa hợp.
Rồi có nhiều thanh niên đến xin gia nhập với các ngài. Họ cũng muốn trở nên những đan sĩ. Vì thế các ngài xây cất hai đan viện. Rômanô và Lupixinô, mỗi người là đan viện phụ của một đan viện. Các đan sĩ sống cuộc đời khó khăn và giản dị. Họ cầu nguyện nhiều và hy sinh làm việc cách vui vẻ. Họ ăn năn sám hối để củng cố ơn gọi của mình. Họ vất vả làm việc đồng áng để tăng thêm thực phẩm và luôn luôn giữ luật thinh lặng. Họ quyết định sống như thế vì mối quan tâm chính yếu của họ là kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Lối sống này giúp họ dễ hướng về cùng đích siêu nhiên.
Thánh Rômanô về trời năm 460. Người em trai của ngài, thánh Lupixinô, qua đời năm 480.
Thánh Rômanô và thánh Lupixinô, cả hai đều là những vị thánh dù các ngài có những cá tính khác nhau. Chúng ta hãy học nơi hai vị thánh điểm này là tất cả chúng ta đều có những ân sủng và những tài năng mà chúng ta có thể dùng để đem người khác đến gần Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa kiếm tìm là tấm lòng sẵn sàng hy sinh của chúng ta.
Tháng 03
Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ
Ngày 01: Thánh Phêlích II
Ngày 02: Chân phước Carôlô nhân hậu
Ngày 03: Thánh Catarina Đrêxel
Ngày 04: Thánh Casimia
Ngày 05: Thánh Gioan Giuse Thánh Giá
Ngày 06: Thánh Côlét
Ngày 07: Thánh Pécpêtua và thánh Phêlixita
Ngày 08: Thánh Gioan Thiên Chúa
Ngày 09: Thánh Phanxica Rômana và Thánh Đa Minh Saviô
Ngày 10: Thánh Simplixiôâ
Ngày 11: Thánh Êulôgiô Tây Ban Nha
Ngày 12: Thánh Phina (Sêraphina)
Ngày 13: Thánh Êuphrasia
Ngày 14: Thánh Matilđa
Ngày 15: Thánh Dacaria
Ngày 16: Chân phước Tôrêlô
Ngày 17: Thánh Patriciô
Ngày 18: Thánh Syrilô Giêrusalem
Ngày 19: Thánh Giuse
Ngày 20: Thánh Cubơ
Ngày 21: Thánh Sêrapiôntc
Ngày 22: Thánh Đêôgraxia
Ngày 23: Thánh Turibiô Môngrôvêjô
Ngày 24: Chân Phước Đađicô
Ngày 25: Lễ truyền tin cho Đức Maria
Ngày 26: Thánh Lugiơ
Ngày 27: Thánh Gioan Ai Cập
Ngày 28: Thánh Tutilô
Ngày 29: Thánh Giona và thánh Barakisiô
Ngày 30: Thánh Gioan Climacô
Ngày 31: Chân phước Gioan Tuluz
Ngày 1 tháng 3
Thánh Phêlích II
Thánh giáo hoàng này là vị tiền nhiệm của thánh giáo hoàng tương lai Grêgôriô cả (sống từ năm 540 đến năm 604). Thánh Grêgôriô cả viết rằng khi người cô của ngài, là thánh nữ Tarsila, đang hấp hối thì giáo hoàng Phêlích II đã hiện ra với cô. Ngài vẫy tay chào cô rồi ngài về thiên đàng. Vậy thánh giáo hoàng Phêlích II là ai? Và trong cuộc đời, những sự kiện thực tiễn nào đã làm cho Phêlích II nên thánh?
Dù không có nhiều chi tiết lắm nhưng chúng ta cũng biết được Phêlích là người Rôma. Ngài có tấm lòng tử tế đôn hậu và can đảm ngay trong những thời buổi khó khăn bất ổn. Phêlích II lên ngôi giáo hoàng năm 483. Vì những giáo huấn sai lầm mà nhiều nhóm người trong Giáo hội đã tự phân chia. Những nhân tố liên quan đến chính trị đã gây nhiều khó khăn cho sứ vụ của vị giáo hoàng này. Nhưng Phêlích vẫn một mực tỏ ra can đảm trong việc bảo vệ các chân lý đức tin và quyền lợi của Giáo hội. Nhiều người sánh ví Phêlích II với thánh giáo hoàng Lêô cả (về trời năm 461). Thánh giáo hoàng Phêlích II có một lối quan sát chung thật chính xác. Thánh nhân đã cố gắng nắm bắt và giải quyết nhiều vấn đề của Giáo hội nơi những miền khác nhau trên thế giới.
Thánh Phêlích II làm giáo hoàng được chín năm. Người ta sẽ tưởng nhớ đến thánh nhân như ngài đã luôn luôn trung thành với Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người. Thánh giáo hoàng Phêlích II qua đời năm 492.
Chẳng bao lâu hết thảy chúng ta sẽ nhận thức rõ được rằng cuộc sống phải có sự đóng góp và chia sẻ những trách nhiệm, những ràng buộc của nó. Đôi khi chúng ta nghĩ mình không muốn bị ràng buộc bởi bất cứ người nào hoặc vật gì có thể hạn chế chúng ta. Những lúc ấy, chúng ta hãy cầu khấn với thánh Phêlích II và xin ngài ban cho tấm lòng khoan dung quảng đại và can đảm trung thành với những điều chúng ta đã cam kết.
Ngày 2 tháng 3
Chân phước Carôlô nhân hậu
Bá tước Carôlô Flăngđơ được thần dân trong tiểu quốc của ngài gọi là “nhân hậu.” Họ đặt cho Carôlô Flăngđơ cái tên đó bởi vì họ thấy ngài thực sự đúng như vậy. Carôlô Flăngđơ là con trai của thánh vương Canut, vua nước Đan Mạch. Lúc vua cha bị ám sát năm 1086, Carôlô mới được 5 tuổi. Khi lớn lên, Carôlô cưới Magarita, một thiếu nữ trẻ đẹp tốt lành, làm vợ. Carôlô là nhà lãnh đạo có tính ôn hòa, hiền dịu và công bằng. Thần dân rất tín nhiệm Carôlô và luật lệ của ngài. Carôlô cố gắng trở nên tấm gương sáng mà ngài mong muốn thần dân noi theo.
Một số quý tộc đã tố cáo Carôlô hành xử bất công vì chuyện ưu đãi và bênh vực người nghèo hơn người giàu. Carôlô tử tế trả lời rằng: “Đó là vì tôi quá biết những cảnh khó khăn của người nghèo và niềm kiêu hãnh của người giàu!” Những người nghèo khổ trong vương quốc được nuôi ăn hằng ngày tại lâu đài của Carôlô.
Carôlô Flăngđơ ra lệnh cho những người giàu trồng cấy các vụ mùa để thần dân có nhiều của ăn với giá cả phải chăng. Một số nhà giàu đã cố tích trữ lúa thóc để bán với giá đắt đỏ. Carôlô “nhân hậu” nghe biết điều đó liền lập tức bắt họ phải bán với giá bình thường. Carôlô đã khiển trách một người cha có uy thế lớn và các con ông vì những sách lược bạo hành của họ. Và họ liền cấu kết với một nhóm kẻ thù nhỏ đang muốn hãm hại Carôlô.
Mỗi sáng, bá tước Carôlô đi chân không đến tham dự thánh lễ và thường tới nhà thờ thánh Đônasianô rất sớm. Ngài làm việc này với tinh thần sám hối và đền tội. Carôlô mong muốn đào sâu hơn đời sống thiêng liêng của ngài với Thiên Chúa. Các kẻ thù biết Carôlô thường cầu nguyện một mình trước giờ lễ. Có nhiều người yêu mến Carôlô đã lo lắng cho tính mạng của ngài. Họ báo cho Carôlô biết quãng đường dẫn đến nhà thờ Đônasianô có thể đưa ngài tới chỗ chết. Nhưng Carôlô đáp lời họ rằng: “Chúng ta luôn luôn ở giữa những nguy hiểm, nhưng chúng ta thuộc về Thiên Chúa!” Rồi vào một buổi sáng kia, đang khi cầu nguyện một mình trước bức ảnh Đức Mẹ, Carôlô Flăngđơ đã bị các kẻ thù tấn công và giết chết. Carôlô Flăngđơ được phúc tử vì đạo năm 1127.
Nếu chúng ta muốn làm một việc có ý nghĩa, chúng ta hãy noi gương bắt chước chân phước Carôlô nhân hậu. Ngài đã để cho tình yêu Đức Chúa Giêsu ảnh hưởng trên đời sống thường nhật của ngài. Mỗi sáng khi rời khỏi nhà thờ, Carôlô thật sự bắt đầu “sống thánh lễ.” Chúng ta cũng hãy nài xin chân phước Carôlô nhân hậu giúp chúng ta biết sống như ngài.
Ngày 3 tháng 3
Thánh Catarina Đrêxel
Thánh nữ Catarina Đrêxel sinh ngày 26 tháng Mười Một năm 1858 ở Philađelphia thuộc tiểu bang Pensylvania, nước Mỹ. Thân mẫu Catarina qua đời khi Catarina còn rất nhỏ. Thân phụ Catarina kết hôn lần hai với một người đàn bà tuyệt vời tên là Emma. Bà dưỡng dục Luy, đứa con riêng của họ. Bà cũng là một người mẹ đáng yêu đối với hai cô gái nhỏ của Đrêxel do cuộc hôn nhân trước. Chúng tên là Êlisabeth và Catarina. Các bé gái có tuổi thơ ấu thật dễ thương. Dù gia đình giàu có, các bé cũng được dạy bảo phải có lòng yêu thương đối với người đồng loại. Cách riêng, các bé được chỉ dạy phải quan tâm đến những người nghèo. Đây là cách thức biểu lộ lòng yêu mến của các bé đối với Thiên Chúa.
Khi lớn khôn, Catarina là một tín hữu Công giáo rất năng động. Catarina rất rộng rãi trong việc sử dụng thời giờ và tiền bạc của mình. Catarina nhận thấy rằng Giáo hội có nhiều nhu cầu cần thiết. Catarina dành hết mọi khả năng cũng như tài sản của mình để săn sóc những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Việc làm Catarina dâng cho Đức Chúa Giêsu là sống giữa những người Mỹ gốc Phi và những người Mỹ bản xứ. Năm 1891, Catarina lập một cộng đoàn thừa sai mới, gọi là dòng các Chị Em Tôn Sùng Bí Tích Thánh Thể. Catarina được mọi người biết đến với danh hiệu là Mẹ Catarina.
Các nữ tu trong dòng của Mẹ Catarina đặt Chúa Giêsu Thánh Thể làm trung tâm chính yếu của đời sống. Họ dâng hiến tình yêu và khả năng của mình để phục vụ những người Mỹ gốc Phi và những người Mỹ bản xứ. Sau đó, Mẹ Catarina nhận được phần gia sản của gia đình Mẹ và Mẹ đã dùng số tiền ấy cho những công việc bác ái cao cả. Mẹ và các nữ tu của Mẹ mở các trường học, các nữ tu viện và các cộng đoàn truyền giáo. Năm 1925, họ thiết lập trường đại học Xaviê ở Niu Ôlin. Suốt cả quãng đời dài lâu và hữu ích, Mẹ Catarina đã dùng hàng triệu đôla của phần tài sản gia tộc Đrêxel để lại cho những công việc cao cả mà Mẹ và các nữ tu dòng Mẹ đã làm cho người nghèo. Mẹ tin rằng Mẹ đã gặp được Đức Chúa Giêsu đang hiện thân thật sự trong bí tích Thánh Thể. Vì vậy, Mẹ cũng tìm gặp Người trong những người Mỹ gốc Phi và những người Mỹ bản xứ mà Mẹ đã phục vụ với đầy tình thương mến.
Mẹ Catarina Đrêxel về trời ngày mùng 3 tháng Ba năm 1955, hưởng thọ 97 tuổi. Ngày mùng 1 tháng Mười năm 2000, đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Mẹ Catarina Đrêxel lên bậc hiển thánh.
Mẹ Catarina Đrêxel đã dạy chúng ta một bài học thật quý. Chúng ta có thể dùng đời sống mình để chăm sóc bản thân và lo cho sự thoải mái dễ chịu riêng mình. Tuy nhiên, sống như Mẹ Catarina Đrêxel thật ích lợi hơn nhiều. Vì với cách này, chúng ta có thể giúp đỡ nhiều người khác.
Ngày 4 tháng 3
Thánh Casimia
Thánh Casimia sinh năm 1458, là con trai của Casimia IV, vua nước Ba Lan. Casimia là một trong mười ba người con. Với sự hướng dẫn của người mẹ rất mực đạo hạnh và cũng là người thầy tận tâm tận lực, Casimia nhận được một nền giáo dục thật tuyệt vời.
Khi lên mười ba tuổi, Casimia có cơ hội làm vua nước láng giềng Hungari nhưng ngài đã từ chối. Casimia dùng phần thời giờ còn lại của ngài để sống những lý tưởng Kitô giáo. Casimia sống rất vui vẻ, hòa mình và thân ái với mọi người. Ẩn dưới lớp mặt bên ngoài của cuộc sống bận rộn, Casimia đã cố gắng hết sức để trau dồi đời sống thiêng liêng bên trong. Casimia thường hay ăn chay và ngủ dưới nền nhà để sám hối đền tội. Ngài cầu nguyện mỗi ngày, đôi khi ngay cả giữa lúc đêm khuya thanh vắng. Casimia yêu thích việc cầu nguyện và tưởng niệm về cuộc Thương Khó của Đức Chúa Giêsu. Casimia nhận ra đây là phương thế tuyệt hảo để học biết để yêu mến Đức Chúa Giêsu hơn. Casimia cũng yêu mến Đức Mẹ Đồng Trinh Maria với một mối tình đặc biệt. Để tôn kính Đức Mẹ, Casimia đã năng đọc đi đọc lại bài thánh ca ý vị. Tên của bài ca là: “Ngày ngày, hãy hát mừng Mẹ Maria!” Sau này người ta đã chôn táng thánh Casimia cùng với bản viết tay bài hát ấy của ngài.
Tuy sức khỏe của Casimia không được khá lắm nhưng ngài có tính khí thật can đảm và mạnh mẽ. Casimia luôn luôn làm điều ngài nhận biết là phải. Thậm chí đôi khi Casimia đề nghị với thân phụ của ngài, là quốc vương, hãy cai trị thần dân cách công bằng. Casimia luôn luôn bày tỏ việc này với tấm lòng hết sức kính trọng nên vua cha đã làm theo những gì ngài nói.
Thánh Casimia có một tình yêu và niềm tôn trọng đặc biệt đối với đức trinh khiết. Song thân Casimia tìm cho ngài một thiếu nữ đức hạnh trẻ đẹp để làm bạn đường. Tuy thế, Casimia đã quyết định hiến dâng trọn trái tim ngài cho một mình Thiên Chúa. Đang khi ở Lituania trong chuyến công tác phục vụ cho đất nước này, Casimia đã ngã bệnh vì chứng lao phổi. Ngài qua đời lúc vừa được hai mươi sáu tuổi. Đức thánh cha Lêô X đã tôn phong Casimia lên bậc hiển thánh năm 1521.
Thánh Casimia giúp chúng ta nhận biết rằng dù thân xác chúng ta không được tráng kiện, chúng ta vẫn có thể mạnh mẽ trong tính cách của mình. Chúng ta luôn có thể ủng hộ và bênh vực lẽ phải với cách thức thân thiện tử tế.
Ngày 5 tháng 3
Thánh Gioan Giuse Thánh Giá
Thánh Gioan Giuse Thánh Giá sinh ở miền nam nước Ý vào ngày lễ Đức Mẹ mông triệu năm 1654. Gioan Giuse là một quý tộc trẻ tuổi nhưng lại ăn mặc giống như người nghèo. Ngài làm điều đó chỉ vì muốn sống khó nghèo như Đức Chúa Giêsu.
Năm lên 16 tuổi, Gioan Giuse vào tu dòng thánh Phanxicô nghèo. Ngài rất ham thích sống cuộc đời vị tha như Đức Chúa Giêsu. Điều này khiến Gioan Giuse làm nhiều việc hy sinh cách vui vẻ. Mỗi đêm Gioan Giuse chỉ ngủ ba giờ đồng hồ và chỉ ăn uống rất đơn sơ giản dị.
Rồi, Gioan Giuse được thụ phong linh mục. Gioan Giuse làm bề trên tu viện Santa Luxia ở Napôli, nơi ngài sống hầu như cả cuộc đời lâu dài ở đó. Cha Gioan Giuse luôn luôn đòi làm những công việc nặng nhọc nhất. Ngài vui vẻ chọn làm những phần việc mà không ai muốn làm.
Thánh Gioan Giuse có một tính tình rất đáng yêu nhưng ngài đã không gắng công lôi kéo sự chú ý của bất kỳ ai. Thay vì đợi cho người ta nhận ra những ân lộc của mình và tiến đến với mình thì Gioan Giuse đã đi đến với tha nhân trước. Hết thảy mọi anh em linh mục và tu sĩ đều xem Gioan Giuse là một linh mục đáng quý. Thánh nhân cũng đặc biệt yêu mến Đức Thánh Trinh Nữ Maria và cố gắng giúp cho người khác cũng yêu mến Đức Mẹ.
Vị linh mục yêu mến Thiên Chúa nhiều đến độ dù ngã bệnh cũng vẫn tiếp tục làm việc. Thánh Gioan Giuse Thánh Giá qua đời ngày mùng 6 tháng Ba năm 1734, thọ 80 tuổi. Năm 1839, ngài được đức thánh cha Piô VIII tôn phong lên bậc hiển thánh.
Tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân của thánh Gioan Giuse Thánh Giá thật quảng đại. Thánh nhân mời gọi chúng ta hãy vượt thắng sự ích kỷ hẹp hòi để giữ chúng ta lại trên cuộc hành trình đến với Thiên Chúa. Chúng ta hãy cố gắng cư xử với mọi người bằng tấm lòng tử tế và tôn trọng nhau trong sự bình đẳng dù chúng ta có thể yêu thích một số người này hơn một số người kia.
Ngày 6 tháng 3
Thánh Côlét
Sinh năm 1380, Nicôlét được đặt tên để tỏ lòng tôn kính thánh Nicôla Myra. Song thân yêu quý đặt cho ngài tên hiệu Côlét ngay từ khi thánh nữ còn là đứa trẻ sơ sinh. Thân phụ của Côlét làm nghề thợ mộc tại nơi mà trước đây từng là tu viện ở thị trấn Picacđi. Âm thầm và chăm chỉ, Côlét là người rất hữu ích trong việc giúp đỡ thân mẫu quán xuyến việc nhà. Cha mẹ Côlét chú ý theo dõi việc ham thích cầu nguyện và bản tính nhạy cảm, đáng yêu của Côlét.
Khi thánh nữ Côlét lên 17 tuổi, song thân qua đời. Người thiếu nữ này được đặt dưới sự quản nhiệm của đan viện phụ đan viện nơi thân phụ ngài đã giúp việc ngày xưa. Côlét đã xin và nhận được một túp lều dựng gần nguyện đường của đan viện. Côlét sống ở đó. Thánh nữ dùng thời giờ để làm việc hy sinh và cầu nguyện cho Giáo hội của Đức Chúa Giêsu. Càng ngày càng có nhiều người nhận biết về người thiếu nữ thánh thiện này. Họ đến thăm và xin Côlét lời khuyên về những vấn đề quan trọng. Họ biết Côlét khôn ngoan bởi vì thánh nữ sống gần gũi thân mật với Thiên Chúa. Côlét tiếp đón mọi người với tấm lòng thân ái dịu dàng. Sau mỗi cuộc thăm viếng, Côlét đã cầu nguyện để những người khách của thánh nữ tìm lại được bình an tâm hồn.
Thánh nữ Côlét là hội viên của dòng Ba Phanxicô. Thánh nữ biết luật dòng thánh Clara sống theo lối thánh Phanxicô. Họ được đặt tên theo danh xưng của thánh Clara, vị sáng lập của họ, cũng là môn đệ của thánh Phanxicô. Trong thời của Côlét, dòng thánh Clara cần phải quay trở về với mục đích chính yếu của dòng. Thánh Phanxicô Assisiô đã hiện ra với thánh Côlét và xin thánh nữ canh tân hội dòng. Hẳn là Côlét rất đỗi ngạc nhiên và lo sợ trước một nhiệm vụ khó khăn như thế! Nhưng thánh nữ tin tưởng vào ơn Thiên Chúa. Thánh Côlét hành trình đến các nữ tu viện. Ngài giúp các nữ tu sống khó nghèo và chuyên cần cầu nguyện hơn.
Đời sống của thánh nữ Côlét gợi hứng cho các nữ tu dòng thánh Clara. Côlét có lòng sùng kính đặc biệt đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Côlét cũng hay dùng thời giờ để suy gẫm về cuộc Khổ Nạn và Sự Chết của Đức Chúa Giêsu. Thánh nữ rất yêu mến Đức Chúa Giêsu và ơn kêu gọi tu trì của ngài.
Thánh nữ Côlét được ơn biết chính xác thời giờ mình sẽ chết và sẽ chết ở đâu. Thánh nữ qua đời tại một trong những tu viện ở Ghent, Flăngđơ vào năm 1447, hưởng thọ 67 tuổi. Năm 1807, Côlét được đức thánh cha Piô VI tôn phong lên bậc hiển thánh.
Thánh nữ Côlét khuyên dạy chúng ta rằng dù chúng ta bị yêu cầu làm những công việc khó khăn, chúng ta vẫn có thể tìm được niềm vui như ngài. Chúng ta hãy thực hiện việc này bằng cách mỗi ngày liên kết mật thiết hơn với Thiên Chúa.
Ngày 7 tháng 3
Thánh Pécpêtua và thánh Phêlixita
Pécpêtua và Phêlixita sống ở thành phố Cáctagô, Bắc Phi, vào thế kỷ thứ ba. Đây là thời gian các Kitô hữu bị bách hại khốc liệt bởi hoàng đế Septimô Sêvêrô.
Pécpêtua hai mươi hai tuổi là con gái của một nhà quý tộc giàu có. Khi lớn lên, Pécpêtua nhận được mọi thứ ngài muốn. Nhưng Pécpêtua hiểu được mình yêu mến Đức Chúa Giêsu và đức tin Kitô giáo của mình hơn bất cứ sự gì thế gian ban tặng. Vì lý do này, Pécpêtua coi mình như một tù nhân đang trên đường đến nơi hành quyết.
Thân phụ của Pécpêtua là một người ngoại giáo. Ông làm mọi điều có thể hầu thuyết phục cô con gái của ông từ bỏ đức tin Công giáo. Ông dùng thế lực cưỡng ép Pécpêtua hãy cứu lấy mạng sống của ngài. Nhưng Pécpêtua không chịu nhượng bộ dù biết rằng sẽ phải bỏ lại người chồng và đứa con yêu quý.
Phêlixita, người hầu gái của Pécpêtua, là một nô lệ thuộc Kitô giáo. Thánh nữ và Pécpêtua là hai người bạn rất thân. Các ngài cùng có chung một niềm tin và tình yêu dành cho Đức Chúa Giêsu. Phêlixita cũng sẵn lòng hy sinh đời sống mình vì Đức Chúa Giêsu và vì đức tin. Do bởi điều này, Phêlixita cũng nhận thấy bản thân mình chính là tù nhân trên đường hành quyết.
Phêlixita là một người vợ trẻ. Đang khi chịu tù vì đức tin, thánh nữ cũng trở nên một người mẹ. Đứa trẻ bé bỏng được một phụ nữ Công giáo tốt lành nhận làm con nuôi. Phêlixita cảm thấy thật sung sướng hạnh phúc vì giờ đây mình có thể chịu tử vì đạo. Pécpêtua và Phêlixita tay nắm tay cùng anh dũng đối diện với phúc tử đạo. Các ngài bị thú dữ giày xéo và sau đó bị xử trảm. Các ngài mất vào khoảng năm 202.
Các thánh tử đạo thật trung thành với Chúa Kitô đến nỗi các ngài đã thực hiện những hy sinh lớn lao. Thậm chí các ngài đã từ bỏ mạng sống mình vì Người. Chúng ta cũng hãy nài xin hai thánh Pécpêtua và Phêlixita giúp chúng ta biết vui vẻ chấp nhận những hy sinh nhỏ bé xảy đến trong đời sống thường ngày.
Ngày 8 tháng 3
Thánh Gioan Thiên Chúa
Thánh Gioan sinh ngày mùng 8 tháng Ba năm 1495 tại nước Bồ Đào Nha. Cha mẹ Gioan tuy nghèo khổ nhưng rất có tinh thần bác ái. Gioan là cậu bé vất vả: khi thì làm anh chăn cừu, lúc thì làm chú lính, lúc khác lại làm người thủ kho. Suốt những năm ở tuổi thanh niên, Gioan chẳng có lòng mộ đạo gì hết! Gioan và các bạn hữu của ngài đã lãng quên Thiên Chúa. Rồi khi bước vào tuổi 40, tâm hồn Gioan bắt đầu cảm thấy trống vắng. Ngài tiếc nuối về cuộc sống mà ngài đã hoang phí. Trong ngôi thánh đường, Gioan lắng nghe bài giảng của cha Gioan Avila, một vị thừa sai thánh thiện. Ấn tượng về cuộc đời của nhà truyền giáo này đã ảnh hưởng mạnh mẽ trên Gioan Thiên Chúa. Ngài bắt đầu khóc lóc nức nở. Suốt những ngày đầu, thánh Gioan Avila đã giúp Gioan làm lại cuộc đời trong niềm hy vọng và can đảm.
Gioan Thiên Chúa bắt đầu sống một đời sống khác lạ. Gioan cầu nguyện và sám hối hằng ngày. Người ta cho rằng một vị giám mục đã ban tặng cho Gioan tên gọi ấy, bởi vì Gioan đã hoàn toàn thay đổi lối sống ích kỷ để thật sự trở nên giống như “Thiên Chúa.” Dần dần, Gioan Thiên Chúa thấu hiểu được sự nghèo khó và nỗi khổ đau miên man tràn ngập cuộc sống con người. Thế là Gioan bắt đầu dùng thời giờ của mình chăm sóc bệnh nhân nơi các bệnh viện và các nhà thương điên. Rồi Gioan nhận thấy thật đáng buồn là có nhiều người quá nghèo khổ không đủ khả năng để được điều trị tại bệnh viện. Ai sẽ quan tâm chăm lo cho họ đây? Gioan quyết định, vì yêu mến Thiên Chúa, sẽ đảm nhận công việc này.
Khi 45 tuổi, thánh Gioan Thiên Chúa tìm được một căn nhà dành để chăm sóc những người đau ốm nghèo khổ. Căn nhà trở thành một bệnh viện nhỏ nơi mọi người lâm cảnh khó khăn nghèo túng sẽ được tiếp đón ân cần. Dần dà, người ta đến giúp Gioan lập nên một hội dòng chuyên chăm lo cho những người nghèo, gọi là dòng Gioan Thiên Chúa.
Vài người hẳn đã phân vân không biết Gioan có thực thánh thiện như vẻ bên ngoài không! Lần kia, có một vị hầu tước đã cải trang làm một người hành khất. Ông đến gõ cửa nhà Gioan xin của bố thí. Gioan vui vẻ trao cho ông mọi thứ ngài có, ước tính khoảng vài đôla. Lúc đó người hầu tước không tiết lộ tông tích của mình nhưng đã ra đi trong nỗi ấn tượng sâu sắc. Ngày hôm sau, người đưa thư đến trước cửa nhà của Gioan trao cho ngài lá thư giải thích và gởi trả lại số tiền Gioan đã bố thí. Hơn thế nữa, vị hầu tước còn gởi cho ngài 150 chiếc vòng nguyệt quế bằng vàng. Mỗi sáng ông cũng cho người đến bệnh viện phát trứng, thịt và bánh mì nóng. Số lượng đủ dùng cho tất cả các bệnh nhân và các nhân viên phục vụ.
Sau 10 chăm chỉ làm việc trong bệnh viện của mình, bản thân Gioan cũng bị đau bệnh. Năm 1550, Gioan qua đời vào đúng sinh nhật của ngài. Chân phước giáo hoàng Innôcentê XI đã tôn phong Gioan Thiên Chúa lên bậc hiển thánh năm 1690.
Thánh Gioan Thiên Chúa đã nghe lời khuyên bảo của thánh Gioan Avila và những vị linh hướng khác. Họ đã giúp ngài thực hiện những chọn lựa tối hảo. Hết thảy chúng ta cũng cần đến lời khuyên nhủ tốt lành của những người chúng ta tin cậy.
Ngày 9 tháng 3
Hôm nay, lịch Rôma hiện hành mừng lễ kính thánh nữ Phanxica Rômana. Bởi cuốn sách này có ý soạn cho các bạn trẻ, nên chúng tôi cũng thêm vào đây tích truyện thánh Đa Minh Saviô được các bạn trẻ rất yêu chuộng, mà lễ kính ngài mừng vào ngày mùng 9 tháng Ba theo lịch cũ kính các thánh.
Thánh Phanxica Rômana
Thánh nữ Phanxica Rômana sinh năm 1384. Song thân của ngài là những người giàu có nhưng họ đã dạy cho Phanxica biết quan tâm đến tha nhân và sống đời Kitô hữu tốt lành. Phanxica là một cô bé thông minh lanh lẹ. Phanxica cho cha mẹ biết khi lên 11 tuổi thì sẽ đi tu. Nhưng thay vào đó, họ lại khuyến khích Phanxica nghĩ tưởng đến chuyện kết hôn. Theo truyền thống, họ chọn cho Phanxica một thanh niên trẻ trung tốt lành làm chồng. Khi ấy, Phanxica chỉ mới được 13 tuổi!
Thánh nữ Phanxica và người chồng của ngài, ông Lôrenzô Ponzianô, đã say mê tha thiết yêu nhau. Dù cho cuộc hôn nhân được sắp đặt, họ đã sống đời đôi bạn thật hạnh phúc bên nhau suốt 40 năm. Lôrenzô rất khâm phục người vợ và người chị họ Vannôza của mình. Cả hai cùng cầu nguyện hằng ngày và làm các việc sám hối cho Giáo hội của Chúa. Lúc ấy, Giáo hội đang gặp nhiều thử thách gian truân. Phanxica và Vannôza cũng thăm viếng người nghèo. Họ chăm sóc những người đau ốm. Họ mang lương thực và củi đốt cho những người cần dùng. Các phụ nữ giàu có khác được gợi hứng bởi gương sáng của họ cũng hy sinh đời sống mình và phục vụ nhiều hơn. Phanxica lợi dụng mọi dịp để tăng triển đời sống cầu nguyện. Thánh nữ thực sự sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong cuộc đời của ngài.
Thánh nữ Phanxica và Lôrenzô là những người giàu lòng từ bi trắc ẩn. Các ngài biết phải chịu đau khổ là thế nào! Các ngài đã mất hai trong ba người con vì cơn bệnh dịch. Điều này làm cho các ngài dễ nhạy cảm hơn trước những tình cảnh khó khăn của dân nghèo. Trong suốt những cuộc chiến giữa giáo hoàng hợp lệ và các giáo hoàng đối cử, Lôrenzô đã dẫn dắt những đạo quân bảo vệ đức giáo hoàng đích thực. Đang lúc chiến đấu tại sa trường, các kẻ thù của Lôrenzô đã cướp phá tài sản của ngài. Dầu vậy, Phanxica cũng thu quén được một phần ngôi biệt thự của gia đình đã bị hư hỏng và dâng cho bệnh viện sử dụng. So sánh những khó khăn xảy đến cho gia đình của Phanxica Rômana, thì những cư dân sống trên đường phố vẫn hoạn nạn túng bấn hơn rất nhiều. Sau đó, Lôrenzô bị thương trở về nhà và được chính người vợ yêu quý của mình chữa trị. Ông qua đời năm 1436. Phanxica Rômana dùng bốn năm còn lại của đời mình sống trong hội dòng mà ngài đã giúp thành lập.
Thánh nữ Phanxica Rômana mất ngày mùng 9 tháng Ba năm 1440. Ngài được đức thánh cha Phaolô V tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1608.
Thánh nữ Phanxica Rômana thật hết lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người. Ngài nhận biết được cách tốt nhất để chứng tỏ tình yêu ấy là cầu nguyện cho Giáo hội. Những cách khác là trông nom chăm sóc gia đình và quan tâm đến những người nghèo khổ. Chúng ta hãy nài xin thánh Phanxica Rômana giúp chúng ta biết cách thể hiện tình yêu của mình đối với Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Chúa.
Thánh Đa Minh Saviô
Thánh Đa Minh Saviô sinh năm 1842 tại Bắc Ý. Khi mới được 4 tuổi thì vào một ngày kia, Đa Minh Saviô đột nhiên biến mất và thân mẫu của Đa Minh phải đi tìm ngài. Đa Minh đang quỳ gối, hai tay chắp lại... và cầu nguyện trong một góc phố thanh vắng. Lên 5 tuổi, Đa Minh Saviô trở thành một cậu giúp lễ. Khi lên 7, Đa Minh Saviô được rước lễ lần đầu. Trong ngày đó, Đa Minh đã chọn cho mình một phương châm để sống. Đa Minh hứa với Đức Chúa Giêsu trong lòng rằng: “Thà chết chẳng thà phạm tội!” Và hằng ngày, Đa Minh Saviô đã cầu nguyện cho được ơn trung thành với lời hứa ấy.
Khi lên 12 tuổi, Đa Minh Saviô đến học tại trường của thánh Gioan Bôscô ở Turinô, nước Ý. Đa Minh rất nhớ nhà nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được lưu lại trường của Đôn Bôscô. Nơi đây, Đa Minh Saviô học biết mọi điều cần thiết để trở nên một linh mục. Mục đích chính yếu của Đa Minh là làm linh mục. Đa Minh là một cậu trò giỏi nhưng cũng hay vui đùa giễu cợt. Ngài là mẫu người mà Đôn Bôscô và các bạn có thể nhờ cậy.
Lần kia, Đa Minh Saviô giải tán một trận đánh nhau giữa hai thiếu niên hung dữ. Cuối cùng, Đa Minh bị trói vào một cây thánh giá. Lần khác, Đa Minh thấy một nhóm thanh niên lớn hơn đang chụm đầu vào nhau thành vòng tròn. Đa Minh Saviô cất bước tiến lại xem có chuyện gì mà thú vị quá như thế, và biết được là họ đang xem những tranh ảnh khiêu dâm. Đa Minh Saviô liền chộp lấy và xé nát ra. Các cậu thanh niên chưa bao giờ nhìn thấy Đa Minh nóng giận như vậy. “Ồ, tóm lại, nhìn xem những bức tranh như thế này thì có gì sai trái hả?” một đứa trong bọn thanh niên lên tiếng. Đa Minh Saviô đáp lại cách buồn bã: “Thật là quá tệ! Thì ra các bạn thường hay xem những đồ nhơ bẩn như thế à?!”
Sau đó, Đa Minh Saviô yếu bệnh. Người ta gởi ngài về gia đình để được chăm sóc tốt hơn. Nhưng ngay tại quê nhà, sức khỏe của Đa Minh cũng không cải tiến. Thay vào đó, bệnh tình trở nên trầm trọng hơn và Đa Minh Saviô đã lãnh nhận các bí tích sau cùng. Rồi Đa Minh Saviô bắt đầu cảm nhận là mình sẽ không trở lại trường học của Đôn Bôscô được nữa. Hoài bão to lớn muốn làm linh mục của Đa Minh Saviô sẽ không trở thành hiện thực. Ngay trước lúc qua đời, Đa Minh Saviô cố gắng chỗi dậy và nói với thân phụ của mình: “Con đang xem thấy những điều kỳ diệu!” Rồi Đa Minh Saviô tựa đầu lên chiếc gối và nhắm nghiền mắt lại.
Thánh Đa Minh Saviô mất năm 1857, lúc được 15 tuổi.
Chúng ta có thể tạo ra những dự án phi thường và sắp đặt những mục tiêu lớn cho cuộc sống chúng ta. Nhưng Đa Minh Saviô nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta không biết mình sẽ sống được bao lâu trên trái đất này. Đa Minh Saviô không làm linh mục nhưng ngài lại trở nên một vị thánh. Đó là vì Đa Minh Saviô đã cố gắng hết sức để sống khẩu hiệu ngài đã chọn: “Thà chết chẳng thà phạm tội!” Chúng ta cũng có thể xin Đa Minh Saviô giúp chúng ta sống lời châm ngôn của ngài.
Ngày 10 tháng 3
Thánh Simplixiôâ
Thánh Simplixiô làm giáo hoàng năm 468. Đôi lúc, người ta nghĩ rằng hình như chỉ có mình ngài đang ra sức cố gắng chấn chỉnh lại những thói lệ xấu đang hiện diện khắp nơi. Những kẻ chiến thắng đã nắm quyền cai trị các địa hạt rộng lớn. Thậm chí quân xâm lăng chiếm giữ cả Rôma. Dân chúng đói khổ lầm than. Họ bị những cựu quan chức Rôma đàn áp và cướp bóc. Cảnh nghèo túng rình mò lảng vảng trên các đường phố và tước đi niềm an vui của mọi người. Dù sao thì những kẻ cai trị mới đã không đòi phải đóng sưu nộp thuế. Giáo hoàng Simplixiô cố tìm mọi cách để khuyến thiện và nâng đỡ đàn chiên của ngài. Simplixiô luôn hiện diện ở đó để nâng đỡ họ dù những cố gắng của ngài xem ra thật nhỏ bé và chẳng đáng kể gì. Và vì có tâm hồn thánh thiện, giáo hoàng Simplixiô đã không bao giờ chán nản tuyệt vọng. Hơn cả những lời nói, Simplixiô giảng dạy họ bằng chính gương mẫu đời sống thánh thiện của ngài.
Bởi là giáo hoàng, thánh Simplixiô đã phải rất đau khổ vì một nguyên do khác nữa. Một số bổn đạo của Simplixiô ngoan cố quyết giữ những quan điểm sai lạc của họ. Rồi, hết sức đau buồn, thánh Simplixiô đã phải đuổi họ ra khỏi Giáo hội. Ngài thật nhân hậu và khiêm tốn khi sửa dạy những con chiên làm điều sai quấy.
Thánh Simplixiô ở trong chức vụ giáo hoàng được 15 năm và 11 tháng. Rồi Thiên Chúa đã gọi ngài về lãnh nhận phần thưởng do những lao nhọc vất vả của ngài. Năm 483, thánh Simplixiô qua đời và được mai táng tại vương cung thánh đường thánh Phêrô ở Rôma.
Chúng ta được thánh Simplixiô nhắc nhớ rằng khi mang giữ trách nhiệm thì đòi cần phải có lòng can đảm. Chẳng có sự gì trong cuộc đời này xảy ra theo như cách chúng ta mong muốn. Chúng ta hãy học hỏi để chấp nhận những trường hợp đau khổ hoặc những hoàn cảnh khó chịu xảy đến với chúng ta. Một vài người dường như có vẻ cố ý đặt ra những chướng ngại hầu cản ngăn chúng ta thực hiện những việc tốt lành. Khi ấy, chúng ta hãy cầu nguyện với thánh Simplixiô. Chúng ta hãy khấn xin thánh nhân giúp chúng ta biết sống như ngài và không bao giờ chán nản thất vọng.
Ngày 11 tháng 3
Thánh Êulôgiô Tây Ban Nha
Thánh Êulôgiô sống vào thế kỷ thứ chín. Gia đình ngài rất có thế giá ai cũng biết đến; và Êulôgiô được hấp thụ một nền giáo dục thật tuyệt vời. Khi học những bài học, Êulôgiô cũng học luôn gương sáng của các thầy giáo. Êulôgiô thích đọc và nghiên cứu Kinh Thánh. Việc đọc Kinh Thánh giúp Êulôgiô yêu mến lời Chúa. Êulôgiô muốn mang Tin mừng của Chúa Kitô đến cho mọi người. Khi trưởng thành, Êulôgiô làm linh mục và làm hiệu trưởng của một trường danh tiếng.
Lúc này, các tín đồ Hồi giáo đã nắm quyền cai trị đất nước Tây Ban Nha. Họ chống báng Công giáo. Đầu tiên, họ cố gắng làm cho các Kitô hữu chối bỏ đức tin. Những giáo dân nào từ chối không chịu thay đổi tôn giáo liền bị tống giam. Thậm chí một vài người đã bị giết chết.
Êulôgiô và đức giám mục của ngài cũng bị giam tù cùng với nhiều Kitô hữu khác. Trong chốn lao tù, Êulôgiô đọc Kinh Thánh lớn tiếng để khuyến khích các tù nhân. Khi họ lắng nghe, họ không còn cảm thấy sợ chết vì Đức Chúa Giêsu nữa. Suốt thời gian này, thánh Êulôgiô viết một cuốn sách phấn khích các Kitô hữu thà chết còn hơn là chối bỏ đức tin thánh thiện của mình.
Chính thánh Êulôgiô cũng muốn được là một vị tử đạo hơn bất cứ điều gì khác. Nhưng thay vào đó, ngài lại bị mời ra khỏi tù. Ngay khi vừa được tự do, thánh Êulôgiô bắt đầu giảng dạy và hoán cải nhiều tâm hồn. Những người bắt giam Êulôgiô trước đây quá tức giận đến nỗi họ lại bắt giữ ngài lần nữa. Trước mặt quan tòa, Êulôgiô can đảm tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa. Êulôgiô bị họ kết án và ngài đã hiến dâng mạng sống mình cho Đức Chúa Giêsu. Êulôgiô về trời năm 859.
Chúng ta hãnh diện về những vị anh hùng thời chiến của đất nước chúng ta. Chúng ta mơ ước được làm những việc cả thể như họ đã làm. Cuộc sống của thánh Êulôgiô nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cũng rất có thể tự hào về những vị anh hùng của đức tin. Chúng ta hãy cố gắng trở nên giống họ.
Ngày 12 tháng 3
Thánh Phina (Sêraphina)
Thánh nữ Phina được sinh tại San Giêminianô, một thị trấn nhỏ thuộc nước Ý. Song thân Phina từng có một thời rất khá giả nhưng sự rủi ro đã làm cho họ trở nên nghèo khó. Sêraphina (hay Phina như gia đình vẫn thường quen gọi,) là con gái của họ. Phina rất xinh đẹp và có tính tình vui vẻ hoạt bát. Phina có tấm lòng bao dung quảng đại. Mỗi ngày Phina dành ra nửa phần ăn tối cho một ai đó trong thị trấn có tình cảnh nghèo khổ hơn mình. Suốt ngày, Phina may vá và dệt vải để phụ giúp gia đình trả nợ. Vào buổi tối, Phina thường dành ra một thời gian dài để cầu nguyện với Đức Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria.
Thân phụ Phina qua đời lúc ngài còn rất trẻ. Lại nữa, Phina phải chịu một chứng bệnh làm cho thân thể bị tê liệt và biến dạng. Phina hầu như không thể cử động được và phải nằm liệt suốt 6 năm trên những tấm ván gỗ. Nỗi đau đớn xâm chiếm toàn thể thân xác Phina. Cách duy nhất Phina có thể chịu đựng là hướng tâm trí lên Đức Chúa Giêsu lúc Người bị đóng đinh thập giá. Phina thì thầm: “Lạy Chúa Giêsu, con xin kết hợp những đau khổ của con với những nỗi thống khổ của Chúa!” Thỉnh thoảng, khi cơn đau lên đến cùng cực, Phina nói: “Ôi Chúa Kitô! Không phải là những nỗi đau của con nhưng chính sự thống khổ của Chúa làm con đau đớn!”
Mỗi ngày, thánh nữ Phina bị bỏ lại một mình trên giường hàng giờ vì thân mẫu ngài phải đi làm hoặc đi xin ăn. Những người láng giềng biết tình cảnh của Phina, nhưng các chỗ viêm nhức của Phina lại bốc mùi hôi thối quá đến nỗi người ta đành phải cáo lỗi không dám đến thăm ngài.
Rồi bất ngờ, thân mẫu Phina cũng lìa đời. Giờ đây, cô gái bị bỏ lại mồ côi một mình. Chỉ có một người hàng xóm, người bạn Bêlđia tốt bụng của Phina, đến chăm sóc ngài. Bêlđia cố gắng lưu tâm săn sóc Phina hết sức có thể nhưng Phina cũng thường bị bỏ rơi. Rõ ràng là Phina không thể sống lâu hơn được nữa. Phina không muốn làm mất đi nhiệt tâm của mình. Một người kia đã đề cập với Phina về những đau khổ khủng khiếp mà thánh Grêgôriô cả đã bền tâm chịu đựng. Phina liền dâng hiến tấm thân cho thánh nhân. Người ta nói rằng ngày kia, đang khi Phina rên rỉ đau đớn, thánh Grêgôriô cả đã hiện ra với ngài. Thánh nhân nói một cách đầy nhân hậu: “Hỡi con, trong ngày lễ kính cha, Chúa sẽ ban cho con được an nghỉ!” Lễ kính thánh Grêgôriô cả trong lịch cũ được cử hành ngày 12 tháng Ba bởi thánh nhân qua đời ngày 12 tháng Ba năm 604. Vì thế, ngày 12 tháng Ba năm 1253, thánh Grêgôriô cả đã đến đưa Phina về quê trời.
Thánh nữ Phina giúp chúng ta biết quý trọng ý nghĩa và giá trị đau khổ của Kitô giáo. Chúng ta cũng có thể thấy được giá trị của việc viếng thăm những người già nua, đau ốm, bị bỏ rơi. Chúng ta hãy nài xin thánh Phina ban cho chúng ta một trái tim biết nhạy cảm đối với những ai đang cô đơn hoặc sầu khổ.
Ngày 13 tháng 3
Thánh Êuphrasia
Thánh nữ Êuphrasia được sinh ra ở thế kỷ thứ năm trong một gia đình Công giáo gốc. Thân phụ Êuphrasia, là người thuộc dòng dõi hoàng tộc, qua đời khi Êuphrasia mới được một tuổi. Nhà vua trông nom săn sóc Êuphrasia và thân mẫu ngài. Khi lên bảy, thân mẫu đưa Êuphrasia sang Ai Cập. Ở đó, họ sống trong một ngôi nhà lớn tọa lạc gần bên một nữ đan viện. Êuphrasia bị hấp dẫn bởi các nữ tu. Ngài năn nỉ thân mẫu cho phép mình được phục vụ Thiên Chúa trong đan viện mà các chị nữ tu thánh thiện đang sống. Mới chỉ là một cô bé vậy mà Êuphrasia không lìa bỏ ý tưởng hoặc quên mất lời thỉnh cầu của mình. Chẳng bao lâu sau đó, thân mẫu dẫn Êuphrasia đến đan viện và trao gởi Êuphrasia cho đan viện mẫu chăm sóc.
Năm tháng trôi qua! Khi thân mẫu của Êuphrasia qua đời, nhà vua nhắc nhớ Êuphrasia rằng cha mẹ đã hứa gả Êuphrasia cho một nghị sĩ trẻ tuổi. Tuy nhiên, Êuphrasia chỉ muốn được thuộc trọn về một mình Đức Chúa Giêsu mà thôi. Vì vậy, Êuphrasia đã viết một lá thư hết sức cảm động cho nhà vua. Trong đó ngài nói: “Con thuộc về Đức Chúa Giêsu và con không thể trao thân gởi phận mình cho bất cứ một ai khác. Ước muốn duy nhất của con là được thế gian quên đi hoàn toàn. Con khiêm tốn nài xin bệ hạ đem phân phát cho người nghèo khó tất cả phần tài sản cha mẹ con để lại cho con. Con cũng xin bệ hạ trao trả lại tự do cho tất cả những người nô lệ của gia đình con!” Nhà vua thấy lá thư của Êuphrasia quá cảm động đến nỗi ông đã đọc to lên cho tất cả mọi nghị sĩ cùng nghe. Rồi vua thực hiện mọi điều Êuphrasia xin.
Êuphrasia sống phần đời còn lại của mình trong chốn viện tu. Êuphrasia chẳng bao giờ nuối tiếc vì Thiên Chúa đã chọn ngài làm nữ tu. Êuphrasia qua đời năm 420.
Thật là sung sướng hạnh phúc khi chúng ta có những áo quần đẹp và nhiều của cải tiện nghi đáng kể. Nhưng đừng bao giờ chúng ta quên rằng cuộc sống này còn có điều quan trọng hơn thế nữa. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ Êuphrasia giúp chúng ta biết quý trọng tha nhân không vì họ có cái gì nhưng họ là ai.
Ngày 14 tháng 3
Thánh Matilđa
Thánh nữ Matilđa sinh khoảng năm 895. Ngài là con gái của một bá tước người Đức. Lúc còn rất trẻ, cha mẹ của Matilđa đã xếp đặt việc hôn nhân của ngài với một chàng quý tộc tên là Henri. Sau đám cưới chẳng bao lâu, Henri làm vua nước Đức.
Khi trở thành hoàng hậu, Matilđa sống cuộc đời khiêm tốn đơn sơ với những giờ kinh nguyện hằng ngày. Ai trông thấy Matilđa thì đều phải chân nhận rằng Matilđa thật tốt lành và rất nhân hậu. Matilđa giống một hiền mẫu hơn là một nữ hoàng. Matilđa thích thăm nom và an ủi những người đau yếu. Matilđa giúp đỡ các tù nhân. Matilđa đã không để cho mình bị hư hỏng bởi quyền cao chức trọng nhưng đã cố gắng đến với những người nghèo túng hoạn nạn. Vua Henri nhận thấy hoàng hậu của ông là một người vĩ đại lạ thường. Nhiều lần ông nói với Matilđa rằng sở dĩ ông được là một người khá hơn và là một quốc vương tốt hơn là vì nhờ có Matilđa làm vợ. Dù cho cuộc hôn nhân của hai người bị xếp đặt đi nữa, Henri và Matilđa vẫn thật lòng yêu nhau.
Matilđa được tự do sử dụng vàng bạc của vương quốc làm việc bác ái và Henri chẳng bao giờ tra hỏi Matilđa về điều đó. Thật ra, Henri dần dần ý thức hơn về những nhu cầu cần thiết của thần dân. Henri nhận thấy ông có quyền giảm bớt nỗi đau khổ cho dân chúng nhờ chức vị của ông. Hai người sống đời đôi bạn thật hạnh phúc suốt 23 năm. Rồi vua Henri qua đời một cách bất ngờ khoảng năm 936. Hoàng hậu đã đau khổ rất nhiều vì sự mất mát này. Rồi ngay lúc ấy, Matilđa đã đoan hứa chỉ sống cho riêng mình Thiên Chúa. Vì thế Matilđa xin linh mục dâng thánh lễ cầu cho linh hồn của vua Henri. Rồi Matilđa trao cho vị linh mục tất cả đồ trang sức ngài đang mang. Matilđa làm như thế để cho biết rằng từ lúc này trở đi, Matilđa có ý từ bỏ mọi sự thế gian.
Dù là một vị thánh, Matilđa cũng đã phạm một lỗi nặng. Matilđa biệt đãi Henri hơn Ôttô trong việc tranh đấu lên ngôi vua. Và Matilđa đã hối hận vì chuyện này. Matilđa đền bù khuyết điểm bằng cách chấp nhận những đau khổ xảy đến mà không kêu ca phàn nàn chi.
Trải qua những năm đền tội và làm việc bác ái, thì đến năm 968, thánh nữ Matilđa qua đời trong an bình. Thánh nữ được chôn cất bên cạnh người chồng thân yêu của ngài.
Như thánh nữ Matilđa, chúng ta hãy học cách dâng lên những đau khổ nhỏ mọn để đền bù vì những lầm lỗi và khuyết điểm của chúng ta.
Ngày 15 tháng 3
Thánh Dacaria
Thánh Dacaria là tu sĩ dòng thánh Bênêđictô ở Hy Lạp. Ngài sống vào thế kỷ thứ tám. Dacaria được chọn làm hồng y rồi giáo hoàng. Vào thời đại của Dacaria, đã xảy ra một cuộc đấu tranh trên khắp nước Ý. Thánh giáo hoàng Dacaria nắm giữ việc xây dựng hòa bình và cứu lấy người dân thoát khỏi những cuộc chinh chiến thảm khốc. Đôi lúc, thánh Dacaria đã liều mạng sống mình để làm việc này.
Chính vì thánh Dacaria thật hiền lành và tử tế nên các nhà lãnh đạo đã thực hiện điều ngài yêu cầu. Dù là kẻ thù, Dacaria cũng vẫn làm ơn và đối xử với họ bằng tấm lòng hết sức quảng đại. Thánh nhân không bao giờ trả thù họ. Khi giáo hoàng Dacaria biết được những người thuộc phái Lômba sắp sửa tấn công thành Rôma, ngài liền xin đi gặp vị lãnh đạo của họ. Đức giáo hoàng Dacaria và Liut Prand, người cầm đầu phái Lômba, đã gặp gỡ nhau. Bất cứ điều gì họ thảo luận với nhau thì kết quả hai bên đều nhất trí đồng tình. Liut Prand bỏ đi kế hoạch xâm lược của ông. Ông cũng trao trả lại tất cả lãnh thổ mà ông đã chiếm lấy trong vùng đó trên ba mươi năm trước. Thậm chí ông đã phóng thích tất cả các tù nhân. Liut Prand ký một hiệp ước hai mươi năm bảo đảm cho người dân Rôma sẽ không bị những người thuộc phái Lômba tấn công.
Thánh Dacaria cũng được mọi người biết đến như một người cha đích thật đối với những người nghèo khổ. Ngài xây dựng nhà cửa cho họ và cho những lữ khách. Trái tim yêu thương của Dacaria không thể nằm yên khi thấy người ta đau khổ. Lần kia, Dacaria nghe biết có một vài thương gia đã mua các nô lệ ở Rôma và sẽ bán họ tại Phi châu. Thánh nhân liền cho gọi những thương gia ấy và quở trách họ vì tội quá ác độc. Rồi, ngài trả cho họ giá tiền họ đã mua các nô lệ và thả các nô lệ tự do.
Khi thánh Dacaria qua đời năm 752, hết thảy mọi người đều buồn bã thương tiếc vì đã mất đi một người cha đầy nhân hậu và thánh thiện.
Thánh Dacaria được mọi người yêu mến và kính phục vì ngài đã không để ý đến bản thân mình. Thánh nhân chỉ quan tâm đến những nhu cầu của người khác. Chúng ta hãy nài xin thánh Dacaria chỉ cho chúng ta biết cách sống quảng đại và vị tha.
Ngày 16 tháng 3
Chân phước Tôrêlô
Chân phước Tôrêlô sinh năm 1202 ở Pôppi, nước Ý. Cuộc đời của Tôrêlô khi còn là một cậu trẻ làng quê thật bình dị và chẳng có gì đặc biệt. Nhưng sau cái chết của thân phụ, Tôrêlô bắt đầu thay đổi toàn bộ lối sống. Tôrêlô quan hệ với phường bạn bè say xỉn. Chúng suốt ngày lang thang trong thành phố thay vì làm việc lao động. Tôrêlô thích những đứa bạn mới và gắng sức thu chiếm lòng họ.
Thế rồi, vào một ngày kia, đang khi chơi một môn thể thao ngoài trời, một con gà trống từ chỗ đậu của nó bay xà xuống. Nó đậu trên cánh tay của Tôrêlô rồi gáy ba hồi dài và lớn tiếng. Tôrêlô xúc động không nói lên lời. Ngài đã chuồn đi và bỏ dở cuộc chơi. Tôrêlô nghĩ rằng việc con gà trống vừa làm không phải là một chuyện ngẫu nhiên. Tôrêlô bị khuyến cáo y như thánh Phêrô ngày xưa. Lối sống vô trách nhiệm của Tôrêlô sẽ dẫn Tôrêlô quay trở về với Đức Chúa Giêsu.
Ngay lúc ấy, Tôrêlô quyết định thay đổi cuộc sống. Ngài đến gặp đức đan viện phụ San Phêđel và người đã giúp Tôrêlô xưng thú tội lỗi cách sốt sắng. Rồi Tôrêlô đi đến miền rừng núi tĩnh mịch và chọn một nơi gần cây cổ thụ. Tôrêlô trải qua tám ngày cầu nguyện liên lỉ. Vào cuối kỳ, Tôrêlô quyết định sẽ làm một ẩn sĩ. Ngài trở về Pôpi và bán tất cả của cải. Tôrêlô chỉ giữ lại số tiền vừa đủ để mua một mảnh đất vuông nhỏ xung quanh cây cổ thụ mà ngài đã tìm thấy trong rừng. Cạnh cây gỗ đó, Tôrêlô dựng một cái lều và chính tại đây, Tôrêlô đã trải qua phần đời còn lại của ngài. Tôrêlô trồng rau để ăn và múc nước từ dòng suối để uống. Tôrêlô cầu nguyện và sám hối. Đặc biệt nhất là mỗi đêm Tôrêlô chỉ ngủ có ba giờ đồng hồ.
Chân phước Tôrêlô cảm thấy rằng Thiên Chúa muốn ngài làm ẩn sĩ. Đây là điều làm cho Tôrêlô được bình an và thanh thản. Khi còn sống, rất ít người biết được cuộc đời ẩn tu của Tôrêlô. Chỉ có một người bạn biết được đời sống tu rừng kín ẩn của Tôrêlô mà thôi. Sau khi sống trên 50 năm như một ẩn sĩ, chân phước Tôrêlô qua đời năm 1282, lúc vừa tròn 80 tuổi.
Chân phước Tôrêlô dạy chúng ta chiếm thủ lấy số phận đời đời cách nghiêm túc bằng chính đời sống của ngài. Mỗi người đều phải chết và bị Thiên Chúa phán xét. Con đường chúng ta chọn lựa để sống chính là con đường chúng ta sẽ trải qua hạnh phúc đời đời.
Ngày 17 tháng 3
Thánh Patriciô
Người ta cho rằng thánh Patriciô sinh vào thế kỷ thứ năm ở nước Anh, bởi cha mẹ gốc người Rôma. Khi lên mười sáu tuổi, Patriciô bị bọn cướp biển bắt giữ và đưa về Ai Len. Ở đó, Patriciô bị bán làm nô lệ. Chủ nhân của Patriciô đã sai ngài đi chăn giữ đàn chiên trên miền đồi núi. Patriciô có rất ít thực phẩm để ăn và quần áo để dùng. Tuy nhiên, Patriciô chăm sóc đàn vật trong tiết trời mưa gió và bão tuyết rất tốt. Trên sườn đồi, Patriciô cảm thấy quá cô đơn nên thường hay than thở cầu nguyện với Đức Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Đời sống của Patriciô thật khó nhọc và bất công. Tuy vậy, niềm tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa của Patriciô vẫn luôn luôn tăng triển mãnh liệt.
Cuối cùng, khi trốn thoát khỏi Ai Len, Patriciô học làm linh mục. Nhưng Patriciô luôn có cảm nghĩ rằng phải trở lại Ai Len để đem xứ sở ngoại giáo này về với Chúa Kitô. Cuối cùng, niềm mơ ước của Patriciô cũng biến thành sự thực. Patriciô làm linh mục và sau đó được tấn phong giám mục. Patriciô đến Ai Len vào thời thánh Sêlestinô I đang làm giáo hoàng. Patriciô cảm thấy thật vui sướng khi được sai đem Tin mừng của Thiên Chúa đến cho những người mà trước đây đã bắt giữ ngài làm nô lệ.
Ngay từ lúc vừa khởi sự, thánh Patriciô đã chịu nhiều đau khổ. Các người bà con thân thuộc và bè bạn của Patriciô muốn ngài rời bỏ trước khi những người ngoại giáo Ai Len giết ngài. Nhưng thánh nhân vẫn cứ tiếp tục rao giảng về Đức Chúa Giêsu. Thánh Patriciô đi từ làng này qua thôn nọ. Patriciô hiếm khi nghỉ ngơi và ngài làm những việc đền tội đăïc biệt thay cho những người ngài yêu mến. Trước lúc qua đời, cả quốc gia đã trở về với đạo Công giáo.
Dù thành công lớn lao như thế, thánh Patriciô vẫn không bao giờ hãnh diện tự hào. Thánh nhân chỉ xem bản thân mình là một tội nhân đáng thương và dâng cho Thiên Chúa tất cả mọi lời tán dương khen ngợi.
Thánh Patriciô về trời năm 461.
Nhiều vị thừa sai hôm nay đang vất vả gắng công đem Tin mừng của Đức Chúa Giêsu đến cho thế giới chúng ta như thánh Patriciô đã làm. Chúng ta có thể cầu nguyện và dâng những hy sinh để công việc khó nhọc của các vị sẽ hướng dẫn và lôi kéo nhiều người tin yêu Đức Chúa Giêsu.
Ngày 18 tháng 3
Thánh Syrilô Giêrusalem
Thánh Syrilô Giêrusalem sinh khoảng năm 315 khi một giai đoạn mới bắt đầu hình thành trong giới Kitô hữu. Trước thời điểm ấy, Giáo hội bị các vua chúa bách hại. Hàng ngàn Kitô hữu đã tử vì đạo. Năm 315, hoàng đế Constantinô thừa nhận Công giáo là một đạo hợp pháp. Đây là chuyện thật kỳ lạ nhưng nó cũng chẳng tóm kết được mọi vấn đề rắc rối. Thật ra, suốt những năm sau “sắc lệnh năm 315” các Kitô hữu lại phải đương đầu với một vấn đề khó khăn mới. Đó là sự lúng túng về điều các Kitô hữu tin và không tin. Trong Giáo hội xuất hiện nhiều giáo thuyết sai lầm gọi là “những lạc thuyết.” Một số linh mục và giám mục trở nên những người rất can đảm sẵn sàng đứng ra bênh vực những giáo huấn của Giáo hội. Có một vị giám mục như thế tên là Syrilô Giêrusalem.
Khi thánh giám mục Giêrusalem là Maximô qua đời, Syrilô được chọn thay vào chỗ của thánh nhân. Syrilô là giám mục Giêrusalem suốt 35 năm. Trải qua 16 năm trời, Syrilô đã phải sống đời ẩn trốn và lưu đầy. Thánh nhân phải chạy ra ngoài thành phố ba lần bởi những người có thế lực muốn Syrilô phải chạy trốn. Họ cố bắt ép Syrilô chấp nhận những học thuyết sai trái về Đức Chúa Giêsu và về Giáo hội. Nhưng Syrilô Giêrusalem đã không bao giờ nhượng bộ.
Triều đại của hoàng đế Julianô là kẻ phản đạo bắt đầu từ năm 361. Julianô quyết định xây cất lại đền thờ danh tiếng Giêrusalem. Ông có một chủ đích rõ rệt chắc chắn trong tâm trí là muốn chứng minh rằng Đức Chúa Giêsu thật sai lầm khi tuyên bố đền thờ Giêrusalem sẽ không được xây dựng lại; và ông quyết chứng minh điều đó. Vì thế, Julianô gom góp thật nhiều tiền của và cung cấp tất cả những thứ vật liệu cần thiết cho việc phục hồi ngôi đền. Nhiều người đã giúp đỡ bằng cách dâng tặng những đồ trang sức và những kim loại quý hiếm. Tuy nhiên, thánh Syrilô đối phó với khó khăn này bằng dáng vẻ bình thản. Thánh nhân tin chắc rằng ngôi đền sẽ không thể nào được hồi phục vì Đức Chúa Giêsu, là Thiên Chúa, đã nói như thế. Vị giám mục yên lặng quan sát hết thảy những vật liệu và nói: “Tôi tin rằng việc này sẽ thất bại!” Và y như dự kiến, đầu tiên một cơn bão, rồi một trận động đất, rồi một vụ hỏa hoạn đã làm cản trở công việc của vua. Cuối cùng, ông đã phải bãi bỏ dự án.
Thánh Syrilô Giêrusalem về trời năm 386, lúc khoảng bảy mươi tuổi. Con người khoan dung, dịu dàng và tốt bụng này sống vào thời buổi đau buồn đầy biến động. Dầu vậy, Syrilô Giêrusalem đã không bao giờ đánh mất đi lòng can đảm phát xuất từ Đức Chúa Giêsu. Suốt cả cuộc đời, Syrilô Giêrusalem đã sống trung thành với Thiên Chúa. Syrilô Giêrusalem thật là anh dũng trong việc rao giảng những chân lý về Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người.
Thánh Syrilô Giêrusalem dạy chúng ta rằng Thiên Chúa trao ban cho mỗi người chúng ta những cơ hội để làm điều tốt. Chúng ta hãy nài xin thánh Syrilô Giêrusalem giúp cho can đảm để xả thân dù phải gặp cảnh gian nan khốn khó.
Ngày 19 tháng 3
Thánh Giuse
Giuse là một vị thánh rất đặc biệt. Ngài là cha đồng trinh của Đức Chúa Giêsu và là vị hôn phu của Đức Maria. Thánh Giuse được ban tặng đặc ân thật lớn lao là chăm sóc Đức Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa và Đức Maria, Mẹ yêu dấu của Người. Suốt cả một đời, thánh Giuse sống thật khó nghèo. Thánh Giuse phải làm việc rất vất vả trong xưởng mộc của ngài nhưng thánh nhân chẳng bận tâm lo lắng điều gì. Ngài sung sướng khi được làm việc phục vụ gia đình nhỏ bé của ngài. Thánh Giuse rất yêu mến Đức Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria. Bất cứ điều gì Thiên Chúa muốn thánh Giuse thực hiện, thì thánh nhân liền thi hành ngay dù cho công việc ấy có khó khăn thế nào! Thánh Giuse sống thật khiêm tốn, trong sạch, hiền từ và khôn ngoan. Đức Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria đã hết lòng yêu mến và vâng phục thánh Giuse vì Thiên Chúa đã đặt ngài làm gia trưởng. Đối với thánh Giuse, niềm vui sướng hạnh phúc là được sống với chính Con Thiên Chúa. Đức Chúa Giêsu cũng đã vâng lời, giúp đỡ và yêu mến ngài.
Chúng ta khẩn cầu cùng thánh Giuse như đấng che chở khi lâm cơn hấp hối là có lý do đặc biệt. Người ta tin rằng thánh Giuse đã được chết an bình trong tay Đức Chúa Giêsu và Đức Maria.
Thánh nữ Têrêsa Avila cũng chọn thánh Giuse làm đấng bảo trợ các chị em dòng Cátminh của ngài. Thánh nữ tin tưởng đặc biệt vào lời khẩn cầu vạn năng của thánh Giuse. Thánh nữ nói: “Mỗi khi tôi cầu xin thánh Giuse điều gì, thì tôi đều nhận được!”
Đức thánh cha Piô IX đã tôn phong thánh Giuse làm quan thầy của Giáo hội hoàn cầu.
Như Đức Chúa Giêsu đã vâng lời và giúp đỡ thánh Giuse trong công việc khiêm tốn và vất vả của ngài, chúng ta cũng hãy sẵn lòng giúp đỡ cha mẹ chúng ta làm những công việc nhỏ bé trong gia đình.
Ngày 20 tháng 3
Thánh Cubơ
Thánh Cubơ sống ở nước Anh vào thế kỷ thứ bảy. Ngài là một cậu bé chăn chiên nghèo khó, thích chơi đùa với chúng bạn. Cubơ chơi cũng rất khá. Một người trong nhóm bạn bè đã la rầy Cubơ vì tính quá mê chơi. Thật ra, anh bạn nói mà chẳng suy nghĩ gì về bản thân mình cả! Anh ta nói: “Cubơ, sao anh lại có thể phí phạm thời giờ để chơi những trò mà trong khi anh được chọn làm linh mục hay giám mục nhỉ?” Cubơ bối rối và rất xúc động. Ngài phân vân và tự hỏi rồi đây liệu mình sẽ thật là linh mục hay giám mục?
Vào tháng Tám năm 651, cậu bé Cubơ 15 tuổi nhận được một cảm nghiệm đạo đức. Cubơ nhìn thấy bầu trời hoàn toàn đen tối. Rồi đột nhiên, một luồng sáng chói lòa chiếu xuyên qua nó. Trong luồng sáng là các thiên thần đang mang một quả cầu lửa trên bầu trời. Một thời gian sau, Cubơ biết được ngay trong đêm xảy ra thị kiến, thánh giám mục Aiđen qua đời. Cubơ không biết làm sao toàn bộ việc này lại liên quan đến mình; nhưng Cubơ đã quyết định về ơn kêu gọi của ngài và đã vào tu trong một đan viện. Cubơ trở thành linh mục và giám mục.
Thánh Cubơ đã đi bộ hoặc có khi đi ngựa từ làng này sang thôn nọ, từ nhà này qua nhà kia. Cubơ thăm nom bổn đạo và giúp họ tinh thần. Đặc biệt thánh Cubơ có thể nói tiếng địa phương của những người dân quê vì xưa kia thánh nhân cũng đã từng là một cậu bé chăn chiên nghèo khổ. Cubơ làm phúc bố thí khắp nơi và đem nhiều người về với Thiên Chúa. Cubơ rất vui vẻ, bao dung và quảng đại. Người ta cảm thấy bị lôi cuốn đến với ngài mà không sợ sệt gì. Cubơ cũng là một đan sĩ thánh thiện và chuyên chăm cầu nguyện.
Khi được tấn phong giám mục, thánh Cubơ hoạt động rất tích cực nhằm giúp đỡ giáo dân của ngài. Thánh nhân cố gắng thăm nom họ dù phải vất vả hành trình trên những con đường lởm chởm gồ ghề hay trong những tiết trời khắc nghiệt. Đang khi thở hơi cuối cùng, thánh Cubơ khuyên nài các đan sĩ hãy sống an bình và bác ái với mọi người. Thánh nhân qua đời năm 687.
Thánh Cubơ đã vượt ra khỏi bản thân để quảng đại yêu mến bổn đạo của ngài. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh Cubơ giúp chúng ta biết hành động như vậy để không ai cảm thấy buồn sầu hoặc khó chịu khi sống với chúng ta.
Ngày 21 tháng 3
Thánh Sêrapiôntc
Thánh Sêrapiôn sống ở Ai Cập vào thế kỷ thứ bốn. Đối với Giáo hội và với thánh Sêrapiôn, đó là thời kỳ có những biến động lớn. Khi còn trẻ, Sêrapiôn được hấp thụ một nền giáo dục thâm sâu về khoa thần học Kitô giáo và các môn học đời. Chỉ trong một thời gian ngắn, Sêrapiôn đã làm giám đốc một trường Kitô giáo danh tiếng dạy khoa đức tin ở Alêxanđria. Sau đó, Sêrapiôn trẩy vào sa mạc sống đời ẩn tu. Ngài gặp một ẩn sĩ danh tiếng là thánh Antôn Ai Cập. Sêrapiôn cố gắng hết sức để học hỏi và bắt chước vị ẩn tu này. Khi qua đời, thánh Antôn đã để lại cho Sêrapiôn một trong những chiếc áo khoác của ngài và Sêrapiôn đã trân trọng giữ gìn nó suốt cuộc đời mình.
Thánh Sêrapiôn làm giám mục thành Tơmui, một thành phố thuộc vùng thấp. Năm 347, ngài đi dự buổi hội nghị rất quan trọng của các giám mục ở Sađica. Sêrapiôn tỏ ra là một giám mục rất can đảm. Ngài yêu mến các chân lý đức tin và gắng sức bảo vệ chúng khỏi những người muốn phế bỏ niềm tin Kitô giáo. Sêrapiôn làm việc với thánh Athanasiô, một vị giám mục can đảm khác. Cả hai cùng trổi vượt về lòng dũng cảm. Các ngài dùng những bài giáo huấn và chữ viết của mình để chống lại những lạc thuyết. Hầu hết các bản giáo huấn của thánh Sêrapiôn đều bị thất lạc. Chúng là những bài bình giảng cũng như cắt nghĩa đức tin và thánh vịnh rất phong phú. Tác phẩm quan trọng nhất của Sêrapiôn, gọi là Sách Phụng vụ của Giáo hội Chính thống Đông phương, đã bị thất lạc hàng trăm năm trước. Cuối thế kỷ thứ mười chín, nó mới được tìm thấy và được xuất bản.
Một vị thánh khác nổi danh vào thời đó, thánh Giêrônimô, nói rằng hoàng đế Constantiô đã trục xuất Sêrapiôn. Dường như thánh Sêrapiôn đã mất vào khoảng năm 370 tại nơi ngài bị đày ải.
Thánh Sêrapiôn chỉ cho chúng ta thấy cách thức mà ngài đã sống là trở nên người Kitô hữu đạo đức, can đảm và lương thiện. Thường thì chúng ta không hiểu biết hoặc không bằng lòng với những khả năng chọn lựa của mình. Nhưng nếu muốn được trung thành với Đức Chúa Giêsu và với Giáo hội, đôi lúc chúng ta cũng phải liều mình để chịu khinh chê coi thường. Chúng ta hãy nài xin thánh Sêrapiôn ban cho chúng ta một chút lòng can đảm của ngài.
Ngày 22 tháng 3
Thánh Đêôgraxia
Vào năm 439, thành phố Cáctagô bị những đạo quân man rợ chiếm giữ. Bọn chúng là những “kẻ phá hoại những công trình văn hóa nghệ thuật.” Chúng bắt bớ giám mục và các linh mục và đặt các ngài trên một chiếc bè gỗ lớn cũ kỹ rồi thả nó trôi lênh đênh trên biển cả. Thật chẳng ngờ, chiếc bè của các ngài lại tiến đến hải cảng Napôli và các ngài được cứu vớt. Nhưng suốt mười bốn năm, thành phố mà các ngài bỏ lại phía sau không hề có một giám mục nào!
Ở Rôma, hoàng đế Valentinianô xin Giênsênic, người lãnh đạo “những kẻ chiếm đoạt,” cho phép ông được chọn một giám mục cho thành Cáctagô. Giênsênic đồng ý và người ta đã chọn một linh mục trẻ tuổi của thành ấy. Vị linh mục này được “những kẻ chiếm đoạt” kính trọng và các Kitô hữu yêu mến. Tên gọi của ngài bằng tiếng Latinh là “Đêôgraxia” mà bên tiếng Anh có nghĩa là “Tạ ơn Thiên Chúa.” Giám mục Đêôgraxia đã gắng công hoạt động cho đức tin và cho hạnh phúc sung mãn của dân thành Cáctagô.
Sau đó, Giênsênic cướp phá Rôma. Ông trở về Phi châu với hàng trăm nô lệ gồm đàn ông, đàn bà và con trẻ. Tất cả các con cái trong gia đình đều bị bắt cóc và bị phân tán bởi “những kẻ phá hoại” và “những người Hồi giáo Bắc phi.” Giênsênic hoàn toàn làm ngơ chẳng đếm xỉa gì đến những quan hệ máu mủ ruột thịt. Các phần tử gia đình được bán riêng từng người một và bị tách biệt khỏi những người thân yêu.
Giám mục Đêôgraxia nghe biết bi kịch thảm khốc. Với hết khả năng, ngài mua lại các nô lệ khi những chiếc tàu chở nô lệ cập bến tại hải cảng Cáctagô. Đêôgraxia thu gom tiền bạc bằng cách bán các vật dụng thánh, lễ phục và những đồ trang trí. Đêôgraxia đã giải thoát được nhiều gia đình. Đêôgraxia tìm nơi sinh sống cho họ. Khi các nhà ở đã chứa đầy người, Đêôgraxia sử dụng hai ngôi thánh đường lớn vào mục đích này. Đêôgraxia sắm cho họ những bộ giường nệm và các vật dụng cần thiết khác để họ có thể cảm thấy y như nhà của mình dù đang sống trong môi trường mới lạ.
Giám mục Đêôgraxia qua đời khi mới làm giám mục của thành Cáctagô được ba năm. Ngài hoàn toàn mỏi mệt vì đời sống vị tha và các việc bác ái từ thiện. Những người được giám mục Đêôgraxia giúp đỡ sẽ không bao giờ quên ơn ngài. Đêôgraxia về trời năm 457.
Thánh giám mục Đêôgraxia giúp chúng ta nhận biết rằng chúng ta không bao giờ được phép định giá cho mạng sống con người. Mỗi một người đều là con của Thiên Chúa, là con của Người Cha rất đáng yêu mến. Chúng ta hãy cầu xin với thánh Đêôgraxia cho cuộc sống con người được tôn trọng hơn. Cách riêng, chúng ta cầu nguyện cho việc quảng bá thông tin đại chúng được ảnh hưởng nhiều đến mọi người.
Ngày 23 tháng 3
Thánh Turibiô Môngrôvêjô
Thánh Turibiô Môngrôvêjô sinh năm 1538 tại thành Lêôn, nước Tây Ban Nha. Ngài là giáo sư đại học và là một quan tòa danh tiếng. Turibiô là một Kitô hữu tốt lành trổi vượt về sự khôn ngoan và lòng trung thực.
Một điều bất thường xảy ra làm thay đổi cả cuộc đời của Turibiô Môngrôvêjô là người ta đã xin ngài làm tổng giám mục thành Lima, nước Pêru. Trước hết, Turibiô chưa là linh mục. Thứ nữa, Pêru lại ở tận bên vùng Nam Mỹ xa xôi. Việc này đã xảy ra vì Lima đang cần một tổng giám mục. Nhiều người trong Giáo hội nhận thấy Turibiô có những khả năng và tiêu chuẩn phù hợp với chức vị đáng tín nhiệm trên. Phần Turibiô thì lại xin được miễn thứ cho vinh dự ấy. Nhưng khi nghe biết tình cảnh đau khổ đáng thương của những người dân xứ Pêru, Turibiô đã không thể từ chối. Ngài muốn giúp đỡ và đem đức tin đến cho họ. Rồi, Turibiô được thụ phong linh mục, giám mục và sau đó đã lên đường trẩy đến Pêru. Với cương vị là tổng giám mục, thánh Turibiô kinh lý qua các miền đất nước. Ngài lội bộ qua những vùng đồi núi băng tuyết. Thánh nhân băng qua những dải cát nóng trên bờ biển. Turibiô xây cất nhiều nhà thờ và bệnh viện. Ngài cũng mở một trường đào tạo các linh mục đầu tiên ở Châu Mỹ La Tinh. Người ta gọi loại trường học như vậy là đại chủng viện. Turibiô học nhiều tiếng thổ âm khác nhau. Thánh nhân mong muốn giáo dân có thể nghe và hiểu được những bài giảng huấn trong thánh lễ và cáo giải bằng chính ngôn ngữ riêng của họ. Turibiô bảo vệ người dân bản xứ cho khỏi bị những kẻ thống trị đối xử tàn bạo.
Thánh Turibiô Môngrôvêjô yêu mến người dân Pêru. Thánh nhân đã dành trọn phần đời của ngài trong chức vị linh mục và giám mục cho họ. Turibiô Môngrôvêjô qua đời ngày 23 tháng Ba năm 1606, hưởng thọ 68 tuổi. Năm 1726, đức thánh cha Bênêđictô XIII đã tôn phong Tubiriô Môngrôvêjô lên bậc hiển thánh.
Chúng ta không muốn bị những người có thế lực lừa gạt bất công bởi tiền bạc hoặc những đồ xa xỉ đắt tiền của họ. Mỗi người chúng ta thật quan trọng vì Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người. Chúng ta hãy nài xin thánh Turibiô Môngrôvêjô giúp chúng ta cư xử với mọi người trong niềm kính trọng và tử tế như ngài.
Ngày 24 tháng 3
Chân Phước Đađicô
Chân phước Giuse Đađicô sinh ngày 29 tháng Ba năm 1743 ở Cađi, nước Tây Ban Nha. Ngài được đặt tên là Giuse Phanxicô. Song thân ngài yêu mến Giáo hội và rất trung thành giữ đạo. Họ lấy làm vui thích khi thấy con trai mình phục vụ và trang hoàng bàn thờ. Cậu bé thường hay quỳ gối cầu nguyện với Đức Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh cả Giuse.
Khi đến tuổi khôn lớn, Giuse học giúp lễ tại nhà thờ dòng Capuxinô ngay ở khu phố bên dưới. Giuse học cách yêu mến thánh lễ. Mỗi sáng, Giuse thường đi lễ rất sớm và đợi người ta mở cửa nhà thờ. Ngài không bao giờ bỏ lễ dù chỉ một ngày. Một cha hay một thầy dòng Capuxinô đã tặng cho Giuse một quyển sách nói về đời sống của các thánh dòng Capuxinô. Giuse đã cầm lấy và đọc đi đọc lại nhiều lần. Giuse học từng truyện một. Giuse yêu mến ngưỡng mộ những vị thánh đã sống cuộc đời khó nghèo và khiêm tốn như Đức Chúa Giêsu. Rồi đến ngày Giuse xin vào dòng tu. Giuse được nhận và được chuyển đến thành Sêvil, nước Tây Ban Nha để dự khóa huấn luyện, gọi là thời kỳ tập viện. Giuse bắt đầu một đời sống mới với tên gọi mới: thầy Điđacô.
Sau nhiều năm chuẩn bị tâm hồn, thầy Đađicô được thụ phong linh mục. Ngài được sai đi rao giảng Tin mừng của Đức Chúa Giêsu cho dân chúng. Cha Đađicô thích làm công việc này. Những bài giảng thuyết của cha thật rõ ràng, dễ hiểu và ý vị đến nỗi ai ai cũng muốn nghe. Thậm chí họ kéo cả bạn bè cùng tới nghe nữa! Chẳng mấy chốc ngôi thánh đường vắng lặng ngày nào bỗng trở nên quá bé nhỏ và chật hẹp đến nỗi không thể nào chứa hết những nhóm đông người. Khi cha Đađicô thuyết giảng, các lời của cha được truyền lan ra bên ngoài, thường là trong các quảng trường trung tâm thành phố hay nơi các phố xá. Cha Đađicô thích giảng về Thiên Chúa Ba Ngôi. Cha cũng luôn luôn sẵn lòng nghe những lời thú tội của các hối nhân. Cha Đađicô thật sung sướng khi thấy người ta tìm đến với bí tích Xá giải. Bất cứ khi nào có thời giờ rảnh, cha Đađicô liền đi thăm nom các trại tù và các bệnh xá. Cha cũng hay ghé thăm những gia đình bị xã hội bỏ quên.
Cha Đađicô qua đời năm 1801 và được đức thánh cha Lêô XIII tôn phong chân phước hồi năm 1894.
Cha Đađicô đã sống một cuộc đời phục vụ dân Chúa thật phi thường. Chúng ta hãy nài xin chân phước Đađicô giúp chúng ta biết khôn ngoan làm cho điều tốt ảnh hưởng trên đời sống chúng ta. Những ảnh hưởng như thế có thể là những người thánh thiện, những lời chỉ dẫn về đàng thiêng liêng, thánh lễ, các tạp chí hay sách vở đạo đức.
Ngày 25 tháng 3
Lễ truyền tin cho Đức Maria
Đã đến lúc Đức Chúa Giêsu giáng thế. Thiên Chúa sai đức tổng thần Gabriel đến thành Nazareth, nơi Mẹ Maria đang sống. Đức tổng thần với dung mạo rực rỡ huy hoàng tiến vào căn nhà bé nhỏ của Mẹ Maria và trông thấy Mẹ đang cầu nguyện.
“Kính chào Bà, hỡi Đấng đầy ân sủng!” thiên thần nói, “Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà có phúc giữa các người phụ nữ.” Mẹ Maria thật ngạc nhiên khi nghe những lời ca ngợi của sứ thần.
“Hỡi Maria, đừng sợ!” Gabriel trả lời. Rồi đức tổng thần nói với Mẹ rằng Mẹ sắp sửa làm thân mẫu của Đức Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ loài người. Mẹ Maria hiểu được vinh dự mà Thiên Chúa dành ban cho Mẹ thật lớn lao. Và Mẹ đã thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa!” Ngay lúc ấy, Mẹ Maria trở nên Mẹ Thiên Chúa và Mẹ vẫn xưng mình là nữ tỳ, là đầy tớ của Người.
Mẹ Maria cũng biết rằng khi chấp nhận làm Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ sẽ phải chịu rất nhiều đau khổ. Mẹ nhận biết Mẹ sẽ phải đau khổ khi Con của Mẹ chịu đau khổ. Thế nhưng với tất cả tâm hồn, Mẹ đã thưa lên: “Xin hãy thực hiện nơi tôi như lời sứ thần truyền!”
Trong dịp này, Mẹ Maria đã ban tặng cho chúng ta một mẫu gương khiêm nhượng và vâng phục thật cao cả. Cũng thế, chúng ta hãy bày tỏ lòng mến yêu Thiên Chúa qua việc vâng lời những vị đại diện của Người là cha mẹ và các thầy cô giáo của chúng ta.
Ngày 26 tháng 3
Thánh Lugiơ
Thánh Lugiơ sinh ở Bắc Âu vào thế kỷ thứ tám. Sau nhiều năm học hành vất vả, ngài được thụ phong linh mục. Lugiơ bắt đầu đi khắp nơi rao giảng Tin mừng. Lugiơ rất lấy làm vui sướng khi được chia sẻ những điều ngài đã học biết về Thiên Chúa cho mọi người. Nhiều người ngoại giáo được ơn trở lại và đời sống của các Kitô hữu được cải thiện. Thánh Lugiơ cũng xây cất nhiều nhà thờ và tu viện.
Rồi đột nhiên những người man rợ, cũng gọi là những người Xắc Xông, đến tấn công xứ sở của thánh Lugiơ và đuổi các linh mục đi. Dường như thể tất cả mọi việc Lugiơ đã làm đều ra thất bại. Nhưng thánh nhân không chịu bỏ dở. Trước hết, Lugiơ tìm một nơi an toàn cho các môn đệ của mình. Sau đó, Lugiơ tới Rôma để bàn hỏi với đức thánh cha về việc ngài sắp làm.
Hơn ba năm trời, thánh Lugiơ sống như một đan sĩ tốt lành thánh thiện trong đan viện Bênêđictô. Nhưng Lugiơ không quên được những người dân sống nơi quê hương của ngài. Vừa khi về tới đất nước, thánh Lugiơ tiếp tục lại công việc. Thánh nhân gắng sức hoạt động và đã làm cho nhiều người Xắc Xông ngoại giáo ăn năn trở lại.
Khi được tấn phong giám mục, thánh Lugiơ đã làm gương sáng đặc biệt hơn về lòng mộ đạo và tâm hồn hào hiệp quảng đại. Lần kia, những người ghen ghét Lugiơ tố cáo ngài với vua Samác. Nhà vua cho triệu Lugiơ đến hoàng cung để ngài tự biện hộ cho mình. Lugiơ vâng lời đến hoàng triều. Ngày hôm sau, khi nhà vua cho gọi ngài, Lugiơ nói rằng sau khi cầu nguyện xong thì sẽ đến ngay. Thoạt đầu, vua Samác tỏ vẻ giận dữ nhưng thánh Lugơ giải thích rằng mặc dù ngài rất tôn trọng đức vua nhưng ngài phải kính trọng Thiên Chúa trước hết. Lugiơ nói: “Tâu đức vua, xin đừng nổi giận với hạ thần! Vì chính đức vua đã bảo hạ thần phải luôn luôn dành cho Thiên Chúa phần ưu tiên mà!” Đứng trước câu trả lời đầy khôn ngoan như thế, nhà vua nhận biết rằng Lugiơ rất thánh thiện. Từ đó trở đi, vua Samác tỏ ra rất khâm phục và quý mến Lugiơ.
Thánh Lugơ qua đời nhằm ngày Chúa nhật lễ lá năm 809. Thánh nhân đã làm trọn bổn phận của ngài trong việc tôn thờ Thiên Chúa cho tới khi nhắm mắt lìa đời.
Thánh Lugiơ đã dồn hết sinh lực của mình phục vụ ơn kêu gọi linh mục. Đức Chúa Giêsu đã dùng thánh nhân để đem nhiều người tới gần Thiên Chúa hơn. Chúng ta có thể năng cầu xin Đức Chúa Giêsu giúp các linh mục sống thánh thiện và quảng đại như thánh Lugiơ.
Ngày 27 tháng 3
Thánh Gioan Ai Cập
Con người mơ ước được sống kết hợp với Thiên Chúa đã trở nên một trong số các vị ẩn tu danh tiếng nhất trong thời đại của ngài. Thánh Gioan Ai Cập sinh vào khoảng năm 304. Người ta không được biết nhiều về thời niên thiếu của thánh Gioan ngoài công việc thợ mộc. Khi lên 25 tuổi, Gioan quyết định lìa bỏ thế gian vĩnh viễn để dùng đời sống mình hy sinh, cầu nguyện và tôn thờ Thiên Chúa. Thánh Gioan chính là một trong số những vị tu rừng nổi danh vào thời ấy.
Suốt 10 năm trời, Gioan là môn đệ của một ẩn sĩ cao niên đầy kinh nghiệm. Vị ẩn tu thánh thiện này chỉ dạy Gioan cách thức sống cuộc đời đạo đức. Thánh Gioan gọi ngài là “cha linh hồn.” Sau khi vị ẩn sĩ già này qua đời, thánh Gioan trải qua 4 hay 5 năm nữa sống trong các đan viện khác nhau. Thánh nhân muốn làm quen với lối sống và cách thức cầu nguyện của các đan sĩ. Sau cùng, Gioan tìm được một hang đá khá sâu. Khu vực ấy thật yên tĩnh và được bảo vệ thật an toàn khỏi những cơn gió và sức nóng của sa mạc. Gioan chia chiếc hang làm ba phần: một phòng khách, một phòng làm việc và một nhà nguyện nhỏ. Dân cư trong vùng mua thức ăn và những thứ cần dùng cho Gioan. Nhiều người cũng đến nhờ Gioan khuyên bảo về những vấn đề quan trọng. Ngay cả hoàng đế Thêôđôsiô I cũng hai lần đến xin Gioan lời khuyên, một lần vào năm 388 và lần khác năm 392.
Những vị thánh danh tiếng như Augustinô và Giêrônimô đã viết sách nói về tinh thần thánh thiện của thánh Gioan. Trong số những khách tới thăm Gioan, có vài người đã trở nên môn đệ của ngài. Họ đã lưu lại nơi ấy và xây cất một nhà nghỉ. Họ trông coi nhà nghỉ để nhiều người có thể đến học hỏi sự khôn ngoan nơi vị ẩn sĩ này. Thánh Gioan được ơn tiên đoán những sự việc tương lai. Ngài có thể đoán biết được tâm hồn của những người tìm đến với ngài. Gioan có thể đọc được tư tưởng của họ. Khi Gioan xức dầu thánh trên những người mắc bệnh thể xác, họ thường được chữa lành.
Ngay cả khi nổi danh, thánh Gioan vẫn một mực giữ thái độ khiêm tốn và không bao giờ để cho mình được sống thoải mái dễ chịu. Thánh nhân chẳng khi nào dùng bữa trước lúc mặt trời lặn. Thức ăn của Gioan thường là rau quả sấy khô. Ngài không bao giờ dùng thịt hay những thức đã được nấu chín hoặc hâm nóng. Thánh Gioan tin rằng cuộc sống hy sinh hãm mình của ngài sẽ giúp ngài sống kết hợp mật thiết hơn với Thiên Chúa. Năm 394, thánh Gioan qua đời trong an bình, hưởng thọ 90 tuổi.
Chúng ta hãy cầu xin thánh Gioan ẩn tu chỉ cho chúng ta cách sống thân mật với Thiên Chúa. Thánh nhân sẽ giúp chúng ta quyết tâm để Thiên Chúa hoạt động trong và qua chúng ta.
Ngày 28 tháng 3
Thánh Tutilô
Thánh Tutilô sống vào cuối thế kỷ thứ chín đầu thế kỷ thứ mười. Thánh nhân được giáo dục tại đan viện Bênêđictô của thánh Gal. Hai người bạn cùng lớp với Tutilô vừa được phong “chân phước.” Cả ba lần lượt trở thành những đan sĩ tại đan viện nơi họ đã một thời cùng nhau cắp sách đến trường.
Thánh Tutilô là người có nhiều tài khéo. Thánh nhân vừa là thi sĩ, họa sĩ vẽ chân dung, nhà điêu khắc, nhà hùng biện và kiến trúc sư. Thánh Tutilô cũng là một công nhân cơ khí nữa!
Tài năng nổi bật nhất của Tutilô là âm nhạc. Tutilô có thể chơi tất cả các loại nhạc cụ được các đan sĩ biết tới trong phụng vụ. Tutilô và người bạn của ngài là chân phước Nôtkơ đã sáng tác những cung bậc cho các bài đáp ca phụng vụ. Trong tất cả những tác phẩm của Tutilô, chỉ còn sót lại ba bài thơ và một bài thánh ca. Thế nhưng, ngày nay người ta vẫn còn tìm thấy các bức vẽ và các tác phẩm điêu khắc của Tutilô trong nhiều thành phố của Âu châu. Các họa phẩm và các tác phẩm ấy được coi như đồng nhất với thánh Tutilô vì ngài luôn luôn để lại trên những tác phẩm của mình một câu châm ngôn thích hợp.
Nhưng không phải vì các tài năng kiệt xuất của mình mà Tutilô được tôn phong hiển thánh. Tutilô là người khiêm tốn chỉ muốn sống cho Thiên Chúa. Ngài biết tôn vinh Thiên Chúa bằng việc sơn vẽ, chạm trổ và sáng tác âm nhạc. Tutilô được tôn phong là “thánh” vì ngài đã khéo dùng đời sống mình để ca ngợi và yêu mến Thiên Chúa. Thánh nhân qua đời năm 915.
Dù chúng ta có nhiều hay ít tài khéo, dù chúng ta có óc thực tế hay không... thì điều quan trọng là hãy cố gắng hết sức có thể bằng chính cuộc sống của mình. Đây chính là cách thức để chứng tỏ tấm lòng chúng ta yêu mến Thiên Chúa.
Ngày 29 tháng 3
Thánh Giona và thánh Barakisiô
Vua Sapô nước Ba Tư lên ngôi cai trị vào thế kỷ thứ tư. Ông rất căm ghét những tín hữu Công giáo và đã bắt bớ tra tấn họ cách rất dã man. Ông phá hủy các nhà thờ và các tu viện của họ.
Có hai anh em tên là Giona và Barakisiô nghe nói về những chuyện bách hại và biết được nhiều Kitô hữu đã bị thiệt mạng. Các ngài đã quyết định đến giúp đỡ và khuyến khích họ giữ vững niềm tin vào Chúa Kitô. Giona và Barakisiô biết rằng mình cũng có thể bị bắt giữ, nhưng các ngài vẫn cứ tiếp tục công việc ấy. Tâm hồn các ngài tràn đầy lòng yêu mến tha nhân đến nỗi các ngài luôn luôn quan tâm tới họ.
Sau cùng, hai anh em cũng bị bắt. Người ta nói với các ngài rằng nếu không chịu thờ lạy mặt trời, mặt trăng, nước và lửa thì sẽ bị tra tấn hành hạ và bị giết chết. Dĩ nhiên, cả hai đã không thờ lạy bất cứ vật gì hoặc bất cứ ai khác ngoại trừ một Thiên Chúa chân thật. Hai anh em phải chịu những cực hình tra tấn thật ghê sợ nhưng các ngài đã cầu nguyện. Các ngài cứ suy gẫm về cách thức Đức Chúa Giêsu đã chịu đau khổ vì mình. Hai anh em nhẫn nhục vui chịu những nhục hình thật kinh khủng để bảo vệ đức tin. Cuối cùng, cả hai bị lên án tử và cả hai đã vui mừng hy sinh mạng sống mình vì Đức Chúa Giêsu.
Thánh Giona và thánh Barakisiô tử đạo năm 327.
Khi gặp một chút đau khổ nho nhỏ, chúng ta hãy nài xin các thánh tử đạo này giúp chúng ta biết phó dâng nó cho Đức Chúa Giêsu. Các ngài sẽ chỉ cho chúng ta biết cách làm thế nào để được can đảm.
Ngày 30 tháng 3
Thánh Gioan Climacô
Người ta cho rằng thánh Gioan Climacô được sinh tại Palestina vào thế kỷ thứ bảy. Hình như Gioan Climacô là một trong số những môn đệ của thánh Grêgôriô Nazianzênô. Gioan tuy là một giáo sư danh tiếng nhưng đã cương quyết phục vụ Thiên Chúa với tất cả tâm hồn. Khi lên mười sáu tuổi, Gioan Climacô gia nhập đan viện trên núi Sinai. Rồi ngài đã sống ở đó một mình suốt bốn mươi năm trời. Gioan dùng tất cả thời giờ để cầu nguyện và đọc truyện các thánh.
Thoạt đầu, thánh Gioan bị ma quỷ cám dỗ. Ngài cảm thấy đủ mọi thứ đam mê xấu xa đang chèn ép ngài nhượng bộ và phạm tội. Nhưng Gioan vẫn đặt trọn niềm tin tưởng của mình nơi Chúa Giêsu và tích cực chăm chỉ cầu nguyện hơn bao giờ hết. Vì vậy, những chước cám dỗ kia đã không thể nào làm cho Gioan phạm tội mà thật ra chỉ làm cho ngài càng thêm thánh thiện hơn thôi! Gioan sống mật thiết với Thiên Chúa đến nỗi nhiều người nghe biết về sự thánh thiện của Gioan đã đến xin Gioan những lời khuyên bảo.
Thiên Chúa ban tặng cho thánh Gioan Climacô một ân huệ kỳ diệu. Ngài có thể đem lại an bình cho những người đang bị bối rối và cám dỗ. Lần kia, có người gặp phải một cơn cám dỗ khủng khiếp đã chạy đến với Gioan. Ông xin thánh Gioan giúp mình và nói thật là đối với ông, việc chiến đấu chống lại cơn cám dỗ thật là điều khó. Sau khi cả hai cùng cầu nguyện, bình an lại tràn ngập tâm hồn người đàn ông đáng thương này. Ông không bao giờ bị khốn khổ bực dọc bởi cơn cám dỗ ấy nữa.
Khi bước qua tuổi bảy mươi tư, thánh Gioan Climacô được chọn làm đan viện trưởng của đan viện miền núi Sinai. Ngài là bề trên của hết mọi đan sĩ và ẩn sĩ sống trong miền ấy. Một đan phụ khác xin thánh Gioan viết ra những quy tắc ngài đã sống trong suốt cuộc đời của ngài. Với lòng khiêm nhượng sâu thẳm, thánh Gioan Climacô đã viết một cuốn sách nhan đề: Bậc trọn lành hay Đường trọn lành của Climax. Và đó là lý do tại sao thánh nhân được gọi là “Climacô.” Thánh Gioan Climacô qua đời năm 649.
Thật là khôn ngoan khi giữ lại một cuốn sách quý trong phòng ngủ của chúng ta. Mỗi ngày hoặc trước khi đi ngủ, chúng ta có thể đọc chút ít.
Ngày 31 tháng 3
Chân phước Gioan Tuluz
Vào năm 1240, một số tu sĩ dòng Cátminh từ Palestina đã thành lập một tu viện ở Tuluz, nước Pháp. Hai mươi lăm năm sau đó, thánh Simon Stóc, vị linh mục bề trên cả thuộc hội dòng Cátminh có dịp kinh lý qua miền Tuluz. Một bà đạo đức đến xin gặp ngài. Hết sức đơn sơ, bà tự giới thiệu mình là Gioan. Bà nghiêm túc xin vị linh mục: “Con có thể chia sẻ luật dòng Cátminh với tư cách là một hội viên không?” Lúc ấy thánh Simon Stóc đang là bề trên hội dòng. Ngài có quyền ban phép theo lời thỉnh cầu của bà ấy. Ngài trả lời: “Được chứ.” Và Gioan đã trở thành hội viên đầu tiên. Gioan lãnh nhận tu phục của dòng Cátminh. Gioan tuyên khấn giữ mình trinh khiết trọn đời trước sự chứng kiến của thánh Simon Stóc.
Gioan tiếp tục đời sống đơn sơ, trầm lặng ngay tại căn nhà riêng của ngài. Suốt phần đời còn lại, Gioan đã cố gắng hết sức để bền đỗ với những điều luật của dòng Cátminh. Gioan tham dự thánh lễ và đọc kinh cầu hằng ngày tại nhà thờ Cátminh. Phần thời giờ còn lại trong ngày sống, Gioan thăm viếng những người nghèo khổ, đau ốm và những người bơ vơ không nơi nương tựa. Gioan tập cho các bé trai giúp lễ. Gioan nâng đỡ những người già yếu bằng cách giúp họ làm những công việc lặt vặt hữu ích. Gioan cầu nguyện với họ và đã làm tươi sáng nhiều con tim bằng những câu chuyện vui.
Chân phước Gioan Tuluz luôn mang trong túi áo mình một tấm ảnh Chúa Giêsu Chịu Nạn. Đó là “cuốn sách” của ngài. Thỉnh thoảng Gioan Tuluz lấy tấm ảnh ra chiêm ngắm. Ánh mắt Gioan rạng rỡ hẳn lên. Người ta nói rằng Gioan Tuluz đọc được vài lời khuyên mới mỗi khi ngài học nơi tấm ảnh ấy.
Khi qua đời, chân phước Gioan Tuluz được chôn cất tại nhà thờ Cátminh miền ấy. Suốt một đời, Gioan Tuluz đã là một người con ngoan của xứ đạo.
Chúng ta hãy nài xin chân phước Gioan Tuluz chỉ cho chúng ta cách thức lan truyền tình yêu Đức Chúa Giêsu trong xứ đạo và nơi những người láng giềng của chúng ta.
Tháng 04
Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ
Ngày 01: Thánh Hiu Grênôp
Ngày 02: Thánh Phanxicô Paola
Ngày 03: Thánh Richơ Chichestơ
Ngày 04: Thánh Isiđôrô Sêvil
Ngày 05: Thánh Vinhsơn Phêriê
Ngày 06: Chân phước Nôtkơ
Ngày 07: Thánh Gioan Baotixita La Sal
Ngày 08: Thánh Giuliê Bilia
Ngày 09: Thánh Waltruđi
Ngày 10: Chân phước Antôn Nâyrôt
Ngày 11: Thánh Stanítlao
Ngày 12: Thánh Giuse Môscati
Ngày 13: Thánh Máctinô I
Ngày 14: Thánh Chân phước Liguyna
Ngày 15: Chân phước Đamien Môlôkai
Ngày 16: Thánh Bênêđictô Giuse lao động
Ngày 17: Thánh Têphanô khó khăn
Ngày 18: Chân phước Maria Nhập Thể
Ngày 19: Chân phước Giacôbê Đukê
Ngày 20: Thánh Annê Montêpulxianô
Ngày 21: Thánh Anselmô
Ngày 22: Thánh Sôtơ và thánh Caiô
Ngày 23: Thánh Giogiơ
Ngày 24: Thánh Phiđelis Simarigen
Ngày 25: Thánh ký Marcô
Ngày 26: Thánh Rabêtô
Ngày 27: Thánh Zita
Ngày 28: Thánh Phêrô Sanel
Ngày 29: Thánh Catarina Siêna
Ngày 30: Thánh Piô V
Ngày 1 tháng 4
Thánh Hiu Grênôp
Thánh Hiu Grênôp sinh năm 1052 tại Pháp. Ngài có thân hình cao lớn, đẹp trai với tính tình hiền lành và rất lịch duyệt. Thánh nhân được ban tặng những chức vị cao cả dù ngài luôn luôn muốn sống phục vụ Thiên Chúa như một tu sĩ. Hiu được thụ phong linh mục; và sau đó được tấn phong giám mục.
Với vị thế giám mục, thánh Hiu Grênôp lập tức điều chỉnh lại những thói tục xấu của một số giáo hữu trong giáo phận của ngài. Hiu Grênôp thực hiện những phương sách khôn ngoan nhưng đó chưa phải là tất cả. Để lôi kéo lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa xuống cho bổn đạo của mình, thánh Hiu đã cầu nguyện với tất cả tâm hồn. Ngài thực hiện những hành vi khổ chế. Và chỉ trong một quãng thời gian ngắn, nhiều người đã trở nên rất sốt sắng. Chỉ còn một ít quý tộc vẫn tiếp tục chống báng Hiu Grênôp mà thôi!
Giám mục Hiu Grênôp vẫn tưởng nghĩ về đời sống của người tu sĩ. Ngài thực sự mong muốn điều này. Và Hiu đã xin từ chức giám mục thành Grênôp để vào tu trong một đan viện. Cuối cùng, Hiu được toại nguyện. Thế nhưng thánh ý Thiên Chúa không muốn cho Hiu làm tu sĩ. Sau một năm, đức thánh cha yêu cầu Hiu phải trở về Grênôp. Thánh Hiu vâng lời. Ngài biết rằng làm vui lòng Thiên Chúa thì trọng hơn là làm theo ý riêng mình.
Suốt bốn mươi năm, Hiu Grênôp hầu như luôn luôn yếu bệnh. Ngài bị đau bao tử và nhức đầu kinh niên. Nhưng thánh nhân vẫn ép mình làm việc. Hiu yêu quý đàn chiên của ngài và thánh nhân đã giúp họ làm rất nhiều việc. Hiu cũng phải đau khổ vì những thử thách cám dỗ. Nhưng thánh Hiu luôn cầu nguyện và chẳng bao giờ chịu nhượng bộ cho tội lỗi.
Thánh Hiu qua đời ngày mùng 1 tháng Tư năm 1132, hai tháng trước sinh nhật lần thứ tám mươi của ngài. Suốt năm mươi hai năm trời, Hiu Grênôp là một giám mục thánh thiện và giàu lòng quảng đại. Năm 1134, chỉ hai năm sau khi qua đời, Hiu Grênôp được đức thánh cha Innôcentê II tôn phong hiển thánh.
Đôi lúc chúng ta nghĩ mình biết điều này điều nọ là rất tốt cho mình. Đôi lúc chúng ta cũng cảm thấy làm công việc này thì thoải mái dễ chịu hơn làm công chuyện kia. Nhưng giả như Thiên Chúa để cho chúng ta biết rằng Người đang hiện diện trong tâm trí của mình, chắc chúng ta sẽ vui sướng làm theo ý muốn của Người. Chúng ta có thể nài xin thánh Hiu Grênôp giúp đỡ chúng ta.
Ngày 2 tháng 4
Thánh Phanxicô Paola
Thánh Phanxicô được sinh tại Paola, một ngôi làng nhỏ thuộc nước Ý vào khoảng năm 1416. Song thân của Phanxicô rất nghèo nhưng thánh thiện và khiêm tốn. Ông bà đã cầu nguyện cùng thánh Phanxicô thành Assisiô cho đứa con trai của mình. Khi sinh hạ ngài, họ lấy tên thánh Phanxicô mà đặt cho ngài. Cậu nhỏ đi học ở trường của các cha dòng Phanxicô. Ở đó, cậu học môn tập đọc. Khi lên 15 tuổi, được phép của cha mẹ, Phanxicô trẩy đến sống trong một cái hang. Phanxicô muốn làm một ẩn sĩ và muốn dâng hiến đời sống mình phục vụ Thiên Chúa.
Khi lên 20, có những thanh niên khác tìm đến gia nhập với ngài. Sau đó, thánh Phanxicô rời bỏ chiếc hang của ngài. Người dân thành Paola xây cất cho Phanxicô và các môn đệ của ngài một ngôi thánh đường và một tu viện. Phanxicô Paola gọi hội dòng mới của ngài là “Minims.” “Minims” có nghĩa là “những anh em rất hèn mọn.”
Mọi người đều yêu mến thánh Phanxicô Paola. Thánh nhân cầu nguyện cho họ và làm nhiều phép lạ. Phanxicô Paola dạy các môn đệ của mình sống khiêm tốn, quảng đại và thực hành nhiều việc đền tội. Chính bản thân Phanxicô là mẫu gương ngời sáng các nhân đức ngài giảng dạy. Lần kia, có một người đến thăm thánh nhân và buông lời lăng mạ trước mặt ngài. Khi ông ta nói xong, Phanxicô Paola đã làm một cử chỉ hết sức phi thường. Phanxicô Paola lặng lẽ nhặt lên vài cục than nóng đỏ từ lò sưởi và nắm chặt chúng trong tay mình. Nhưng thánh nhân chẳng hề bị bỏng tí nào cả. “Đến đây, hãy sưởi ấm đi!” Phanxicô Paola nói với kẻ tố cáo ngài cách thân thiện. “Anh đang run lạnh và anh cần một chút tình khoan dung bác ái!” Và như một phép lạ, người khách liền thay đổi ý nghĩ về Phanxicô. Từ đó trở đi, ông hết sức ngưỡng mộ khâm phục Phanxicô.
Vua Luy XI của nước Pháp có một lối sống chẳng mấy đạo hạnh. Lúc gần chết, vua cho người đi mời thánh Phanxicô Paola đến. Chỉ tưởng nghĩ đến cái chết thôi cũng đủ làm cho vua khiếp sợ. Vua muốn Phanxicô Paola làm một phép lạ cứu chữa mình. Nhưng thay vào đó, thánh nhân lại ân cần giúp cho con người khiếp hãi này dọn mình thật tốt để được chết lành thánh. Nhà vua mềm lòng. Ông đã chấp nhận thánh ý Thiên Chúa và chết cách an bình trong vòng tay của thánh nhân.
Thánh Phanxicô Paola đã sống một cuộc đời dài lâu trong sự tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa. Thánh nhân qua đời nhân ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1507, hưởng thọ 91 tuổi.
Đôi khi chúng ta có thể bị vây phủ bởi những tiếng nhạc ồn ào, những cuộc trình diễn trên tivi, các loại băng từ và những trò chơi điện tử… làm cho chúng ta cảm thấy rằng mình chỉ sống cho cuộc đời tạm này. Thậm chí chúng ta không dành ra chút thời giờ nào để suy nghĩ về linh hồn bất tử của chúng ta. Chúng ta sẽ thêm được điều gì vào kế hoạch giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc đời đời bên Thiên Chúa? Thánh lễ hằng ngày? Kinh nguyện ban mai? Lời nguyện ban chiều? Làm những việc lặt vặt trong nhà cách tử tế và vui vẻ? Làm bài và chuẩn bị bài thật tốt? Và việc gì nữa?
Ngày 3 tháng 4
Thánh Richơ Chichestơ
Thánh Richơ Chichestơ được sinh tại nước Anh vào năm 1197. Richơ và anh trai của ngài phải mồ côi cha mẹ khi còn rất nhỏ. Người anh của Richơ có một số nông trại. Richơ nghỉ việc học hành để giúp anh bảo quản các trang trại khỏi cho bị phá sản suy vi. Ngài làm việc chăm chỉ đến nỗi người anh rất biết ơn muốn giao các trang trại lại cho Richơ, nhưng Richơ đã không nhận. Richơ cũng chẳng nghĩ gì tới chuyện lập gia đình bởi vì ngài muốn đi đại học để có được một nền học vấn khá hơn. Vì biết mình chẳng có nhiều tiền nên Richơ đã phải ra sức làm việc để có đủ số tiền trả học phí và sinh sống.
Richơ học ở đại học Oxphơt và cuối cùng đã được trao tặng một chức vị quan trọng tại trường. Sau đó, thánh Êman, tổng giám mục giáo phận Cantơbơri, trao cho ngài những công việc cao cả trong địa phận. Sau khi thánh Êman qua đời, thánh Richơ tham dự những lớp học của dòng Đa Minh tại Pháp. Ở đó, thánh nhân được thụ phong linh mục. Rồi Richơ được đặt làm giám mục giáo phận Chichestơ nước Anh; và đó là lý do tại sao người ta gọi ngài là Richơ Chichestơ. Vua Henri III chẳng bằng lòng để Richơ sống một mình trong nhà thờ chính tòa của ngài. Ông cũng đe dọa sẽ trừng phạt dân Chichestơ nếu họ quý mến tiếp đón Richơ. Nhưng dù thế nào đi nữa, một vài người đã can đảm giúp đỡ Richơ, như một trong số các linh mục thuộc giáo phận Chichestơ là cha Simon Taring. Hai vị đã trở nên những người bạn rất thân. Khi đức thánh cha ngăm đe rút phép thông công nhà vua, ông mới hết gây ngăn trở và chịu để cho vị tân giám mục được tự do thong dong.
Với tư cách là giám mục, thánh Richơ Chichestơ đã chu toàn rất tốt nhiệm vụ của mình. Thánh nhân luôn luôn cư xử dịu dàng và ân cần với hết mọi người. Đôi lúc Richơ Chichestơ cũng tỏ ra nghiêm nghị. Ngài can đảm đối chất với những người làm điều sai quấy mà chẳng chịu ăn năn hối cải.
Người ta nói rằng khi thánh Richơ Chichestơ ngã bệnh, ngài đã nói tiên tri về cái chết của ngài vì Thiên Chúa cho ngài biết chính xác thời điểm và nơi chốn ngài sẽ qua đời. Các đồng bạn của Richơ Chichestơ, cả cha Simon Taring cũng ở bên giường ngài. Richơ về trời năm 1253, thọ năm mươi lăm tuổi. Richơ Chichestơ được đức thánh cha Urbanô IV tôn phong hiển thánh năm 1262.
Khi là một nông dân, sinh viên, linh mục và giám mục, thánh Richơ Chichestơ đã chu toàn mọi việc thật tốt. Khi ở nhà hoặc lúc ở trường, chúng ta hãy cầu xin thánh nhân giúp chúng ta luôn luôn cố gắng làm mọi việc với hết khả năng của mình.
Ngày 4 tháng 4
Thánh Isiđôrô Sêvil
Vị thánh này được sinh vào năm 556. Hai người anh trai của Isiđôrô, Linđơ và Fulgensiô là những giám mục và là những vị thánh. Cô em gái của Isiđôrô là nữ tu Florentina cũng là thánh.
Gia đình của Isiđôrô có lẽ gốc Rôma. Isiđôrô làm giám mục thành Sêvil, nước Tây Ban Nha. Đây chính là nơi thánh nhân đã tạo một ấn tượng đáng chú ý cho Giáo hội vào thời đại của ngài. Isiđôrô giữ chức giám mục thành Sêvil suốt ba mươi bảy năm. Trong thời gian ấy, Isiđôrô tiếp tục công việc của vị giám mục tiền nhiệm là thánh Linđơ, người anh trai của Isiđôrô. Cả hai anh em cùng chịu trách nhiệm trong việc hoán cải những người Visigo trở về với Giáo hội Công giáo.
Từ thuở thơ ấu, Isiđôrô đã được hấp thụ một nền học vấn rất xuất sắc. Các anh của Isiđôrô đoan chắc điều đó. Isiđôrô được chính anh Linđơ giám sát việc học. Cậu nhỏ Isiđôrô lúc ấy tưởng rằng Linđơ là người hà khắc bủn xỉn nhất trên đời. Vì hết thảy mọi việc anh làm là bắt ép cậu bé học bài. Nhưng rồi một ngày kia, Isiđôrô hiểu rằng anh Linđơ thực là một ân nhân đặc biệt. Anh dạy Isiđôrô rằng chúng ta có thể làm được nhiều việc hữu ích cho Giáo hội của Đức Chúa Giêsu nếu chúng ta cố gắng học hành nghiêm túc. Isiđôrô sống trước Công đồng Trentê, là Công đồng đã khai mở những chủng viện đào tạo các linh mục. Isiđôrô nghĩ rằng mỗi địa phận nên có một chủng viện và một trường Công giáo để tăng cường việc học tập. Cả hai ước mơ đó đều biến thành sự thật khi các đại học Công giáo danh tiếng cũng như các chủng viện sau này được thiết lập.
Thánh Isiđôrô Sêvil cũng là một nhà tổ chức có tài. Thánh nhân được mời điều khiển hai cuộc hội nghị quan trọng của Giáo hội gọi là các Công đồng. Lần thứ nhất tại Sêvil, Tây Ban Nha, vào năm 619; và lần nữa ở Tôlêđô, Tây Ban Nha năm 633. Các Công đồng này đã giúp Giáo hội hợp nhất với nhau hơn. Isiđôrô Sêvil cũng viết nhiều sách vở. Ngài viết về những người nam và những người nữ anh thư trong Kinh Thánh. Isidôrô Sêvil còn viết cả một cuốn từ điển nữa.
Giám mục Isiđôrô rất dễ tiếp xúc với giáo dân của ngài. Những người nghèo khó thành Sêvil biết rõ nơi đâu họ sẽ tìm được sự an ủi giúp đỡ. Mỗi ngày đều có một đoàn người đứng xếp thành hàng dài và cả ngày trước cửa nhà của đức giám mục. Isiđôrô cũng chuyên chăm cầu nguyện và sống hy sinh hãm mình. Ngài thực là một giám mục thánh thiện và giàu lòng bác ái. Isiđôrô Sêvil qua đời năm 636. Đến năm 1722, thánh Isiđôrô Sêvil được đức thánh cha Innôcentê XIII tôn phong làm Tiến sĩ Hội Thánh.
Thánh Isiđôrô Sêvil nhắc nhớ chúng ta rằng Thiên Chúa ban cho mỗi người có một tâm trí. Đó là ân huệ mà chúng ta cần sử dụng cùng với sự đào luyện chuyên chăm. Chúng ta hãy nài xin thánh Isiđôrô Sêvil giúp chúng ta biết dùng tâm trí mình vào những việc hữu ích.
Ngày 5 tháng 4
Thánh Vinhsơn Phêriê
Thánh Vinhsơn Phêriê là một anh tài xuất chúng của Kitô giáo. Ngài được sinh tại thành Valenxia, nước Tây Ban Nha vào năm 1350. Vinhsơn Phêriê có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Trinh Nữ Maria. Thánh nhân rất lấy làm sung sướng khi nghe ai đó nói về Đức Mẹ. Khi lên mười bảy tuổi, Vinhsơn Phêriê vào tu dòng thánh Đa Minh. Vinhsơn Phêriê rất thông minh sáng trí và hết sức tấn tới trong việc học hành. Vinhsơn Phêriê cũng rất bảnh trai nhưng ngài không lấy làm hãnh diện hoặc khoe khoang về điều ấy bao giờ.
Thoạt đầu, cha Vinhsơn Phêriê giảng dạy ở các trường đại học. Rồi cha trở thành một nhà thuyết giáo danh tiếng. Các tu sĩ dòng Đa Minh được gọi là các tu sĩ dòng Anh Em Thuyết Giáo. Suốt hai mươi năm trời, cha Vinhsơn Phêriê giảng dạy trên khắp hai nước Tây Ban Nha và Pháp. Người ta vẫn có thể nghe được giọng nói của cha từ đàng xa dù thời đó chưa có micrô. Nhiều người vừa nghe cha Vinhsơn Phêriê thuyết giảng đã được ơn cải tà quy chính. Ngay đến Phaolô Bugô, một luật sĩ Dothái giáo danh tiếng, cũng trở nên một tín hữu Công giáo. Sau này, Bugô làm linh mục và giám mục thành Catagiêna, nước Tây Ban Nha.
Những bài giảng thuyết và gương sáng đời sống thánh thiện của Vinhsơn Phêriê đã gây ấn tượng sâu xa đối với nhiều Kitô hữu đến nỗi họ trở nên nhiệt thành hơn. Các tín hữu Công giáo chưa thường xuyên thực hành đức tin của mình cũng được ơn biến đổi. Họ sống nhiệt tâm hơn với quãng đời còn lại của họ.
Thánh Vinhsơn Phêriê tin cậy vào Thiên Chúa. Thánh nhân cũng hay xin những lời cầu nguyện và sám hối hy sinh của nhiều người cho các bài giảng của ngài được sinh hoa kết quả. Vinhsơn Phêriê biết rõ không phải do những lời nói hoa mỹ hay các tài khéo của mình mà thu phục được lòng người ta. Đó là lý do tại sao Vinhsơn Phêriê đã sốt sắng cầu nguyện trước mỗi bài giảng. Tuy nhiên người ta nói rằng một lần kia, khi biết được có một nhân vật rất uy thế đến nghe thuyết giảng, cha Vinhsơn Phêriê đã chuẩn bị chu đáo hơn thường lệ cho bài giảng của ngài mà đã không dùng thời giờ để cầu nguyện. Vì vậy, bài giảng mà Vinhsơn đã soạn thảo kỹ lưỡng lại không gây ảnh hưởng bao nhiêu. Thiên Chúa cho phép điều này xảy ra nhằm dạy cho Vinhsơn không được tin cậy vào tài sức riêng mình. Lần khác, cũng nhân vật quan trọng trên đến nghe cha Vinhsơn thuyết giảng. Nhưng lần này vị linh mục không hay biết điều ấy. Như thường lệ, Vinhsơn Phêriê cầu nguyện và tín thác vào Thiên Chúa. Người quý tộc chăm chú lắng nghe bài giảng và rất xúc động bởi những điều thánh nhân nói. Khi người ta kể cho cha Vinhsơn Phêriê biết điều này, ngài nói: “Trong bài giảng trước, chính Vinhsơn Phêriê là người giảng, còn ở bài giảng sau thì chính Đức Chúa Giêsu là Vị thuyết giảng!”
Vinhsơn Phêriê qua đời năm 1419. Đến năm 1455, ngài được đức thánh cha Nicôla V tôn phong hiển thánh.
Chúng ta đừng bao giờ khoe khoang về những điểm hay tốt của mình hoặc bất cứ thành công nào xảy đến trong đời sống chúng ta. Thiên Chúa vẫn tiếp tục nâng đỡ hết thảy cuộc đời chúng ta nếu chúng ta biết tín thác nơi Người. Chúng ta hãy nài xin thánh Vinhsơn Phêriê giúp chúng ta hiểu được điều này.
Ngày 6 tháng 4
Chân phước Nôtkơ
Vị tu sĩ dòng thánh Bênêđictô này đã có thời từng là một đứa trẻ hay đau bệnh. Ngài có đặc điểm đáng chú ý là nói cà lăm. Nôtkơ không những chẳng khó chịu gì mà thậm chí còn tỏ ra rất vui thích vì điều ấy.
Nôtkơ và hai người bạn khác, Tutilô và Rapơt, là những tu sĩ rất hạnh phúc. Các ngài khuyến khích và nâng đỡ nhau trong ơn gọi của mỗi người tại tu viện thánh Gal ở Đức. Tình yêu chung đối với Thiên Chúa và âm nhạc đã nối kết các ngài trở thành những người bạn chí thân. Bạn có thể đọc lại tiểu sử của vị thánh này được mừng kính ngày 28 tháng Ba. Thỉnh thoảng, vua Carôlô đến viếng thăm tu viện đặc biệt này. Vua rất kính trọng Nôtkơ và xin ngài khuyên bảo. Nhưng quả là hơi buồn vì họa hiếm ông mới thực hiện theo lời khuyên của Nôtkơ. Lần kia, vua Carôlô sai sứ giả của mình tới gặp vị tu sĩ. Nôtkơ đang trông nom thửa vườn của ngài. Nôtkơ gởi cho nhà vua lời nhắn như sau: “Hãy trông coi mảnh vườn của vua như tôi hằng chăm sóc thửa vườn của tôi đây!” Vua Carôlô hiểu ra rằng mình phải chăm giữ linh hồn và vương quốc của mình cách tốt hơn nữa.
Cha tuyên úy riêng của nhà vua là người uyên thâm học rộng nhưng rất kiêu căng tự phụ. Cha rất bất bình và khó chịu vì nhà vua quá nể trọng ý kiến của Nôtkơ. Một ngày kia, tại cung điện, cha hỏi Nôtkơ trước mặt mọi người: “Bởi ngài rất thông minh nên xin ngài nói cho tôi biết bây giờ Thiên Chúa đang làm gì?!” Linh mục nhoẻn miệng cười với vị tu sĩ và nghĩ rằng chắc ngài sẽ không trả lời được. Nhưng thay vào đó, Nôtkơ mau mắn đáp lại: “Bây giờ Thiên Chúa đang làm việc và Người luôn luôn làm việc. Người đang hạ bệ những ai tự đắc và đang nâng cao những người hèn mọn!” Và mọi người bắt đầu cười vang trong khi vị linh mục vội vã rời khỏi căn phòng.
Chân phước Nôtkơ đã sống trọn phần đời còn lại của mình trong ơn gọi đã chọn. Nôtkơ làm thêm nhiều việc nho nhỏ để giúp các anh em tu sĩ cảm thấy dễ chịu hơn với cuộc sống tu viện. Cùng với các bạn Tutilô và Rapơt, Nôtkơ đã sáng tác một số nhạc phẩm vui để tôn vinh Thiên Chúa.
Khi chân phước Nôtkơ qua đời năm 912, toàn thể cộng đoàn tu sĩ đã thương khóc ngài.
Mỗi người trong chúng ta đều có những tài khéo và những năng khiếu riêng. Vì vậy chẳng có lý do gì để ghen tị với những điều Thiên Chúa ban cho người khác. Chúng ta hãy xin chân phước Nôtkơ giúp chúng ta biết tự hài lòng với những tặng ân mình đã lãnh nhận.
Ngày 7 tháng 4
Thánh Gioan Baotixita La Sal
Thánh Gioan Baotixita La Sal sinh tại thành Rêms nước Pháp, vào ngày 30 tháng Tư năm 1651. Cha mẹ Gioan xuất thân từ dòng dõi quý tộc. Tuy Gioan là người quý phái lịch lãm nhưng ngài cũng thật là một cậu bé sốt sắng đạo hạnh. Gioan yêu mến Đức Chúa Giêsu và Giáo hội. Lúc Gioan đang theo học làm linh mục thì song thân qua đời. Vì thế, Gioan phải rời bỏ chủng viện để về nhà trông coi các em, nhưng Gioan vẫn tiếp tục nghiên cứu học tập đang khi dạy dỗ và huấn luyện chúng. Các em trai của Gioan đã trở nên những người tốt lành. Khi việc học của chúng hoàn tất, Gioan Baotixita La Sal cũng được thụ phong linh mục.
Lúc ấy, chỉ có các người quý tộc như gia đình của cha Gioan La Sal mới có cơ hội được học hành, còn những người dân thường thì vẫn phải sống cảnh nghèo đói ngu dốt. Họ chẳng có cơ hội nào để đến trường! Thánh Gioan Baotixita La Sal cảm thấy rất buồn cho những trẻ em con nhà nghèo. Thánh nhân quyết định phải làm một điều gì đó trước tình cảnh này. Thế rồi, cha Gioan La Sal bắt đầu mở các trường học dành cho chúng. Để có thêm các giáo viên, cha đã lập một hội dòng mới, là dòng Anh Em Sư Huynh Các Trường Kitô Giáo. Ngoài việc đích thân dạy dỗ bọn trẻ, cha La Sal dùng thời giờ còn lại để huấn luyện và đào tạo các anh em dòng. Ngài viết cho họ một quy luật sống và một cuốn sách trình bày về cách thức huấn luyện rất tuyệt hảo. Cha Gioan La Sal là một trong các nhà giáo dục nổi danh nhất của mọi thời đại. Ngài tin tưởng vào việc huấn luyện bằng chính ngôn ngữ của họ chứ không phải bằng tiếng Latinh như những người khác đã làm. Cha tập họp các học sinh lại thành các lớp. Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thinh lặng khi có giáo viên đang giảng bài.
Một thời gian sau, các anh em dòng mở thêm các trường học. Họ dạy dỗ các trẻ nam của những dân lao động cũng như của những người quý tộc. Nhiều vấn đề khó khăn đang xảy đến với hội dòng mới. Nhưng lời nguyện cầu bền bỉ trung thành và những hy sinh của thánh Gioan La Sal đã khiến Thiên Chúa chúc lành cho công việc. Hội dòng vẫn tiếp tục phát triển và lan rộng.
Sức khỏe của cha La Sal không được tốt lắm. Chứng bệnh hen suyễn và viêm khớp đã làm cho ngài phải đau đớn triền miên. Dầu vậy, Gioan La Sal vẫn không bao giờ cho phép mình chấp nhận một lối sống thoải mái. Cha Gioan La Sal qua đời vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nhằm ngày mùng 7 tháng Tư năm 1719, thọ sáu mươi tám tuổi. Năm 1900, đức thánh cha Lêô XIII tôn phong cha Gioan Baotixita La Sal lên bậc hiển thánh. Đến năm 1950, đức thánh cha Piô XII đã đặt Gioan La Sal làm thánh quan thầy của các nhà giáo dục.
Thánh Gioan Baotixita La Sal và hội dòng của ngài dạy cho chúng ta biết tầm quan trọng của việc giáo dục. Chúng ta có biết tận dụng những cơ hội để học hành không? Chăm học ở lớp? Làm bài ở nhà?… Khi cảm thấy không thích học, chúng ta hãy thầm thĩ một lời cầu nguyện xin thánh Gioan Baotixita La Sal trợ giúp.
Ngày 8 tháng 4
Thánh Giuliê Bilia
Thánh nữ Maria Rôsa Giuliê Bilia sinh tại nước Bỉ vào năm 1751. Người cậu của Giuliê là giáo viên trường làng đã dạy thánh nữ Giuliê tập đọc và tập viết. Giuliê đặc biệt ham thích môn giáo lý. Thực ra mới vừa bảy tuổi, Giuliê đã cắt nghĩa đức tin cho các trẻ em khác. Vì gia cảnh nghèo túng nên Giuliê phải vất vả làm việc để phụ giúp gia đình. Có khi Giuliê đã cùng cha mẹ thu hoạch các vụ mùa, nhưng Giuliê luôn luôn tìm giờ để cầu nguyện, thăm viếng những người đau ốm và dạy giáo lý.
Giuliê đã ngã bệnh rất nặng và hoàn toàn bị liệt đang khi còn rất trẻ. Dù cho không được khích lệ, thánh Giuliê cũng dâng những kinh nguyện của mình để cầu cho nhiều người tìm gặp được hạnh phúc vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Thánh nữ đã kết hợp với Thiên Chúa hơn bao giờ hết và tiếp tục giảng dạy giáo lý ngay trên giường bệnh. Giuliê là một người sống rất tu đức. Người ta đến xin Giuliê khuyên bảo vì thánh nữ chỉ cho họ biết cách sống kết hợp mật thiết với Đức Chúa Giêsu và yêu mến đức tin Công giáo hơn. Giuliê khuyến khích mọi người năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Lòng yêu mến Thiên Chúa của Giuliê đã gợi hứng cho nhiều thiếu nữ khác. Họ sẵn lòng dùng thời giờ và tiền bạc của họ vào những công việc tốt. Cùng với Giuliê, người lãnh đạo của họ, họ đã thành lập hội dòng Nữ Tử Đức Bà Namu.
Lần kia, có một linh mục đến giảng tuần đại phúc trong thị trấn nơi Giuliê cư ngụ. Vị linh mục xin Giuliê hợp ý với ngài làm một tuần cửu nhật mà không cho Giuliê biết rõ lý do. Sau năm ngày, đến ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngài nói: “Thưa Mẹ, nếu Mẹ có đức tin, hãy tiến lên một bước để tỏ lòng tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu!” Mẹ Giuliê, người bị bại liệt suốt hai mươi hai năm trời, đã đứng dậy và liền được chữa lành!
Thánh nữ Giuliê đã dùng phần đời còn lại của mình huấn luyện chị em thành các nữ tu. Thánh nữ đã trông coi hội dòng của ngài. Giuliê phải chịu nhiều đau khổ bởi những người không hiểu biết sứ mệnh của ngài; nhưng Giuliê luôn luôn tín thác vào Thiên Chúa. Những lời mà thánh nữ Giuliê ưa thích là: “Thiên Chúa tốt lành thật nhân hậu biết bao!” Đức Chúa Giêsu đã quả quyết với Giuliê rằng một ngày kia hội dòng của thánh nữ sẽ rất bành trướng và phát triển. Và điều đó đã trở thành hiện thực. Dù cho thánh nữ Giuliê mất ngày mùng 8 tháng Tư năm 1816, thì ngày nay đã có nhiều nữ tu của thánh nữ vẫn đang hoạt động trên khắp thế giới. Mẹ Giuliê được đức thánh cha Phaolô VI tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1969.
Khi có điều gì đó làm chúng ta băn khoăn lo lắng như một bài kiểm tra ở trường hoặc những chuyện phiền toái ở nhà, chúng ta hãy năng đọc: “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa!”
Ngày 9 tháng 4
Thánh Waltruđi
Thánh nữ Waltruđi sinh ở nước Bỉ vào thế kỷ thứ bảy. Thân phụ, thân mẫu và người em gái của Waltruđi, tất cả đều đã được phong thánh! Waltruđi là một cô gái xinh đẹp. Thánh nữ cũng tìm được cách để khai trí người khác ngay cả khi ngài được vui vẻ hạnh phúc. Nhiều chàng thanh niên đã muốn kết hôn với Waltruđi. Vào thời ấy, cha mẹ thường chọn chồng cho các con gái của họ. Song thân của Waltruđi đã chọn cho Waltruđi bá tước Mađelga làm chồng. Họ chẳng thể chọn người nào tốt hơn được nữa vì bá tước sau này cũng trở nên một vị thánh! Ngài chính là thánh Vinhsơn Mađelga. Hai vợ chồng sinh được bốn người con. Thật không thể tin được! Tất cả đều được Giáo hội Công giáo tôn phong hiển thánh!
Thánh nữ Waltruđi thật sung sướng hạnh phúc vì được Thiên Chúa ban cho một gia đình đặc biệt như vậy. Nhưng trong suốt cuộc đời, Waltruđi cũng đã phải chịu rất nhiều đau khổ. Các bà ghen tị đã loan truyền những truyện kinh tởm xấu xa về thánh nữ. Các bà chẳng có lòng thật thà và quảng đại như Waltruđi. Họ không muốn thiên hạ nghĩ rằng Waltruđi tốt lành hơn họ. Vì vậy, họ nói là Waltruđi cầu nguyện và làm những việc bác ái là chỉ cốt để che giấu đi những tội lỗi thầm kín của ngài. Dĩ nhiên, đó là những lời dối trá! Nhưng thánh nữ đã không tự biện minh cho mình. Waltruđi nghĩ về cách thức Đức Chúa Giêsu đã chịu đau khổ trên Thánh Giá và, như Chúa, Waltruđi cũng đã tha thứ cho các kẻ thù của ngài.
Sau khi sinh hạ người con cuối cùng được một thời gian, thánh Vinhsơn Mađelga thổ lộ là ngài rất muốn trở nên một tu sĩ. Thật ra, Vinhsơn mong ước được sống phần đời còn lại của ngài trong chốn viện tu. Người vợ hiểu biết tâm ý của chồng và đã chấp thuận cho chồng đi tu. Thánh Vinhsơn Mađelga đoan chắc là gia đình ngài đã được lo liệu đầy đủ rồi. Hai người thương nhớ nhau nhiều lắm! Nhưng Waltruđi không giữ chồng ở lại. Ngài dâng sự hy sinh cho Thiên Chúa.
Hai năm sau, thánh nữ Waltruđi cũng quyết định đi tu. Ngài đã sống một cuộc đời rất hy sinh và quảng đại với những người nghèo khổ. Người ta đến xin Waltruđi những lời khuyên bảo về đàng thiêng liêng; và vài người cho biết là họ đã được mãn nguyện. Thánh nữ Waltruđi mất năm 688. Sau khi thánh nữ qua đời, nhiều người đến cầu nguyện nơi ngôi mộ của ngài tuyên bố là đã được khỏi bệnh cách lạ thường.
Vị thánh này giúp chúng ta nhận biết rằng cuộc đời của chúng ta có nhiều điều tốt đẹp. Chúng ta nên cảm tạ Thiên Chúa vì những hồng ân ấy. Nhưng đôi khi cũng có những chuyện hơi buồn. Chúng ta hãy cầu nguyện để có can đảm hành động như Đức Chúa Giêsu trong những tình cảnh ấy.
Ngày 10 tháng 4
Chân phước Antôn Nâyrô
Chân phước Antôn Nâyrô sinh tại miền bắc nước Ý vào thế kỷ thứ mười lăm. Ngài gia nhập dòng thánh Đa Minh ở Florentia, nước Ý. Lúc ấy, bề trên của hội dòng là thánh Antôniô. Chúng ta cử hành thánh lễ kính ngài ngày mùng 10 tháng Năm. Vị thánh này đã gây một ảnh hưởng rất lớn trên cuộc đời của chân phước Antôn Nâyrô.
Thầy Antôn đang vượt tàu từ Napôli tới Sicily thì bị bọn cướp biển bắt giữ. Antôn bị đem tới Tuni và bị bán làm nô lệ. Sau đó, Antôn đã được trả tự do nhưng lại lìa bỏ Giáo hội. Antôn phủ nhận niềm tin vào Đức Chúa Giêsu và chối bỏ ơn kêu gọi tu trì của ngài. Antôn nhận một bản kinh Kôran là sách thánh của những người Hồi giáo. Suốt nhiều tháng, Antôn thực hành giáo thuyết đạo Hồi. Antôn Nâyrô cũng lập gia đình.
Trong thời gian ấy, bề trên dòng Đa Minh là thánh Antôniô qua đời. Điều này đã gây cho Antôn Nâyrô một cảm nghiệm rất đỗi dằn vặt. Một đêm nọ, hình như Antôn nằm mơ thấy thánh Antôniô hiện ra với mình. Cuộc đàm thoại giữa hai người đã làm cho Antôn Nâyrô thay đổi hoàn toàn. Antôn Nâyrô hết sức hối hận vì đã phản bội Thiên Chúa. Ngài biết không bao giờ có thể loại bỏ niềm tin vào Đức Chúa Giêsu ra khỏi lòng mình. Antôn Nâyrô biết mình vẫn có thể làm một tín hữu Công giáo và nhận thấy mình vẫn còn rất muốn làm một tu sĩ dòng Đa Minh.
Chân phước Antôn Nâyrô gởi trả người vợ về cho gia đình cô ấy. Rồi ngài vận tu phục trắng của dòng Đa Minh vào. Thay vì sợ hãi, Antôn Nâyrô đã đi gặp nhà cầm quyền của thành phố Tuni. Đám đông tụ họp và viên thống đốc bước ra sân nhà. Thầy Antôn Nâyrô công khai thú nhận là đã phạm một tội quái ác. Thầy là người Công giáo. Thầy tin nhận và yêu mến Đức Chúa Giêsu. Thầy là một tu sĩ dòng Đa Minh và muốn mãi mãi là tu sĩ. Viên thống đốc tức giận. Ông ngăm đe phản đối nhưng rồi lại hứa ân thưởng nếu Antôn Nâyrô rút lại điều ngài đã nói. Nhưng Antôn Nâyrô đã không làm theo. Antôn Nâyrô biết rằng điều này sẽ khiến ngài phải nhận lấy cái chết.
Antôn Nâyrô quỳ gối và bắt đầu cầu xin cho được ơn can đảm hiến mình vì Đức Chúa Giêsu. Thình lình Antôn Nâyrô thấy những tảng đá lớn dồn dập nện vào mình ngài. Antôn Nâyrô vẫn tiếp tục cầu nguyện xin ơn can đảm để được trung thành với Thiên Chúa. Rồi ngài không còn nhận biết gì nữa. Antôn Nâyrô chết như một vị thánh tử đạo năm 1460. Một số người lái buôn từ Giơnoa, nước Ý, đã mang xác Antôn Nâyrô về quê hương của ngài.
Chân phước Antôn Nâyrô để lại cho chúng ta một tấm gương can đảm. Khi chúng ta thật lòng ăn năn thống hối, Đức Chúa Giêsu luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta hết thảy những khuyết điểm và lỗi lầm đã phạm.
Ngày 11 tháng 4
Thánh Stanítlao
Thánh Stanítlao sinh năm 1030, gần thành phố Cracow, nước Ba Lan. Để sinh hạ Stanítlao, song thân ngài đã phải liên lỉ cầu nguyện suốt ba mươi năm trời. Lúc Stanítlao chào đời, song thân đã khấn dâng ngài cho Thiên Chúa vì họ rất biết ơn có được mụn con. Khi lớn lên, Stanítlao sang học ở Pari, nước Pháp. Sau khi song thân qua đời, Stanítlao đem cho người nghèo tất cả tiền bạc và của cải mà song thân để lại cho ngài. Sau đó, Stanítlao làm linh mục.
Năm 1072, Stanítlao được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Cracow. (Nhiều thế kỷ sau, trước lúc làm giáo hoàng, đức Gioan Phaolô II cũng là giám mục giáo phận Cracow.) Giám mục Stanítlao chiếm được tình cảm của mọi người. Họ hết sức cảm kích cách thức ngài quan tâm chăm sóc những người nghèo, những quả phụ và các trẻ mồ côi. Chính Stanítlao thường hay tiếp đãi phục vụ họ.
Lúc ấy, Bôlêlô II làm vua nước Ba Lan. Vua rất độc ác và sống vô luân. Dân chúng chán ghét lối sống của vua và ghê sợ vua. Thoạt đầu, giám mục Stanítlao sửa lỗi cho nhà vua cách tư riêng. Tuy Stanítlao rất tử tế và lịch duyệt, nhưng ngài cũng nhận định hết sức trung thực về việc làm sai trái của vua. Vua có vẻ hối hận nhưng chẳng bao lâu lại chứng nào tật nấy. Thậm chí vua đã sai phạm những tội còn quái ác hơn! Thế rồi giám mục đành phải loại vua ra khỏi Giáo hội. Vua Bôlêlô liền nổi cơn thịnh nộ. Để trả thù, vua truyền lệnh cho hai trong số những cận vệ của mình đến giết hại thánh Stanítlao. Họ đã cố gắng đến ba lần nhưng đều thất bại. Rồi chính nhà vua, trong một cơn cuồng giận, đã chạy vào nguyện đường của thánh giám mục. Vua đã giết chết thánh Stanítlao khi ngài đang dâng thánh lễ. Hôm đó là ngày 11 tháng Tư năm 1079.
Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ sau khi thánh Stanítlao qua đời. Mọi người đều gọi Stanítlao là vị thánh tử đạo. Năm 1253, đức thánh cha Innôcentê IV đã tôn Stanítlao lên bậc hiển thánh.
Chúng ta ngưỡng mộ và quý mến thánh Stanítlao. Điều ấy giúp chúng ta can đảm sửa lỗi cho những người xúc phạm đến tha nhân và gây gương xấu. Đôi khi chúng ta cũng được người khác giúp sửa chữa những lầm lỗi của riêng mình. Chúng ta hãy nài xin thánh Stanítlao giúp chúng ta quyết tâm sửa lại những khuyết điểm và thói xấu. Chúng ta cũng hãy xin ngài giúp chúng ta biết ơn những người dám thách đố chúng ta sống tốt hơn.
Ngày 12 tháng 4
Thánh Giuse Môscati
Thánh Giuse Môscati sinh ngày 25 tháng Bảy năm 1880 tại Bênêventô, nước Ý. Thánh nhân là con thứ bảy trong gia đình có chín người con. Thân phụ của Giuse Môscati là thẩm phán ở Napôli, vì vậy cả gia đình đã chuyển đến sống ở đó. Khi Giuse lên mười hai tuổi, người anh trai Albêtô của ngài bị té ngựa. Thoạt đầu, gia đình hy vọng chữa trị được, nhưng tình trạng của cậu nhỏ dần dần trở nên xấu tệ hơn. Giuse Môscati trải qua nhiều giờ rảnh rang bên giường của anh mình. Ngài cũng có mặt ở đó khi anh Albêtô qua đời.
Cái chết của người anh trai đã gây cho Giuse Môscati một ấn tượng sâu đậm. Ngài xin Đức Chúa Giêsu đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể và Mẹ Maria lời giải đáp. Đau khổ phải có mục đích của nó! Giuse Môscati cũng thử tìm đến với những phương dược chữa trị chuyên môn. Qua những phương thuốc tối hảo nhất, Giuse Môscati nhận thấy rằng trong cuộc đời này, chúng ta đang hành trình đến sự sống vĩnh cửu. Vì vậy, chúng ta có bổn phận phải giúp đỡ tha nhân và phục vụ họ đang khi chúng ta cùng nhau hành trình. Giuse Môscati phân vân do dự và đã cầu nguyện cho biết phải làm gì với cuộc đời của mình. Rồi Giuse quyết định muốn đóng góp chút tài lực để chữa trị nỗi đau khổ thể lý của con người. Giuse Môscati sẽ trở thành bác sĩ.
Năm lên hai mươi ba tuổi, bác sĩ Môscati bắt đầu công tác tại bệnh viện chuyên chữa những chứng bệnh nhân nan trị ở thành phố Napôli. Sau đó, ngài mở một phòng mạch tư. Hết mọi bệnh nhân đều được tiếp đón dù họ có thể hoặc không thể hoàn trả phí tổn. Giuse Môscati ghi toa thuốc cho những bệnh nhân nghèo, rồi trả tiền thuốc bằng chính tiền túi của ngài. Mỗi ngày sống trải qua thật dài và vất vả nhưng bác sĩ Môscati vẫn kiên nhẫn dịu dàng và sống bao dung quảng đại. Ngài cố gắng chăm chú lắng nghe các bệnh nhân. Ngài khuyến khích họ và cầu nguyện cho họ.
Không chỉ là bác sĩ ưu tú mà Giuse Môscati còn là một người thánh thiện nữa! Làm sao ngài làm được điều đó? Mỗi sáng, Giuse Môscati đi tham dự thánh lễ và dùng thời giờ đọc kinh nguyện. Rồi ngài thăm viếng những người nghèo khổ đau ốm sống trong những khu nhà ổ chuột của thành phố Napôli. Sau đó, Giuse Môscati tới bệnh xá và bắt đầu các phiên trực của ngài. Giuse Môscati đã làm việc và cầu nguyện cho các bệnh nhân của ngài suốt hai mươi bốn năm. Giuse Môscati đã dốc đổ hết sức lực cho ơn kêu gọi của đời ngài. Vào trưa hôm Thứ Tư ngày 12 tháng Tư năm 1927, bác sĩ Môscati cảm thấy yếu mệt, vì vậy ngài đã tới phòng mạch của ngài và ngồi nghỉ trên chiếc ghế bành. Tại đó, Giuse Môscati bị chứng đột quỵ và tắt thở, hưởng dương bốn mươi bảy tuổi.
Bác sĩ Giuse Môscati được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc hiển thánh ngày 25 tháng Mười năm 1987.
Chúng ta hãy khẩn nài thánh Giuse Môscati giúp chúng ta sống tử tế, lương thiện và giàu lòng thương cảm. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh Giuse Môscati dạy chúng ta biết quý trọng thánh lễ và yêu mến Đức Mẹ Maria như ngài.
Ngày 13 tháng 4
Thánh Máctinô I
Thánh Máctinô I là linh mục của thành phố Rôma. Ngài nổi tiếng là người thánh thiện và thông thái. Vào tháng Bảy năm 649, Máctinô lên ngôi giáo hoàng. Khi người ta tranh cãi nhau về những chân lý buộc phải tin, giáo hoàng Máctinô I liền triệu tập một hội nghị các giám mục. Cuộc họp này là Công đồng Lateranô, có mục đích giải thích cách rõ ràng minh bạch các chân lý mạc khải, những điều mà chúng ta phải tin. Tuy thế, có một vài Kitô hữu đã không hài lòng về việc này. Giáo hoàng Máctinô biết rằng sự giải thích cắt nghĩa của Công đồng là điều chân thật. Bổn phận của ngài với cương vị giáo hoàng là phải giảng dạy chân lý cho dân chúng.
Một số người có thế lực không hiểu rõ những việc làm của giáo hoàng Máctinô. Một trong số họ là hoàng đế Constan II thành Constantinôpôli. Ông đã sai thuộc hạ của ông tới Rôma bắt giáo hoàng Máctinô I và giải về Constantinôpôli. Những người thuộc hạ đã đến bắt cóc giáo hoàng. Lập tức họ đưa ngài ra khỏi đền thờ thánh Gioan Latran và đẩy ngài lên một chiếc tàu. Rồi, giáo hoàng Máctinô lâm bệnh nhưng họ vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Vào tháng Mười năm 653, họ giam ngài tại Constantinôpôli độ ba tháng. Trong thời gian này, mỗi ngày họ chỉ cho giáo hoàng Máctinô chút ít thực phẩm và nước uống. Thậm chí ngài không được phép tự mình tắm rửa. Sau đó, giáo hoàng Máctinô I bị đưa ra xét xử, bị công khai làm nhục và bị lên án tử. Nhưng sau đó, họ lại mang ngài trở về nhà tù và giam ngài thêm ba tháng nữa. Đức Thượng phụ Giáo chủ Phaolô của Constantinôpôli đã xin tha chết cho ngài. Vì vậy, Máctinô I đã bị án lệnh trục xuất thay vì phải chết. Người ta đặt giáo hoàng Máctinô I trên một chiếc tàu chở ngang qua Biển Đen. Vào tháng Tư năm 654, tàu đổ bộ trên bán đảo Nga gọi là “bán đảo Crinêa.”
Họ làm cho giáo hoàng Máctinô I phải chú ý trước sự thờ ơ lãnh đạm của những người phụ trách việc giam giữ ngài. Giáo hoàng Máctinô I đã viết một bài tường thuật về những ngày buồn thảm ấy. Ngài nói rằng mình cảm thấy rất đau buồn khi bị chính những người thân thuộc và các thành viên trong Giáo hội Rôma quên lãng. Ngài biết rằng họ sợ nhà vua. Nhưng ít ra, đức Máctinô I nói, hẳn là họ cũng có thể gởi cho ngài những đồ tiếp tế như ngũ cốc, dầu mè và các nhu cầu thông thường khác. Nhưng họ đã không làm. Họ đã bỏ rơi giáo hoàng chỉ vì sợ hãi!
Thời gian lưu đầy của giáo hoàng Máctinô I kéo dài hai năm. Ngài qua đời khoảng năm 656. Giáo hoàng Máctinô I được tôn phong là thánh tử đạo vì những đau khổ khủng khiếp ngài đã chịu. Cho tới hiện nay, thánh Máctinô I là vị giáo hoàng sau cùng được Giáo hội công nhận là thánh giáo hoàng tử đạo.
Đôi khi chúng ta bị rơi vào cạm bẫy ghen tỵ với những người có chức vị quyền hành. Chính lúc đó chúng ta hãy cầu xin với thánh giáo hoàng Máctinô I. Chúng ta hãy xin thánh nhân thay thế tham vọng ấy bằng một tâm hồn can đảm.
Ngày 14 tháng 4
Chân phước Liguyna
Danh xưng “Liguyna” có nghĩa là “đau khổ.” Liguyna quê ở Hà Lan. Ngài sinh năm 1380 và mất năm 1433. Khi lên mười lăm tuổi, Liguyna tận hiến trọn vẹn đời mình cho Thiên Chúa. Tưởng chừng như Liguyna đã là một nữ tu. Nhưng rốt cuộc vào một buổi chiều kia, toàn bộ cuộc đời của Liguyna đã bị thay đổi.
Đang lúc trượt băng cùng với các cô bạn, thì bất chợt, một trong các cô nhảy đâm sầm vào Liguyna. Liguyna té mạnh xuống nền băng và bị gãy một xương sườn. Liguyna chịu đau khổ. Nhưng cú ngã cũng gây ra những rắc rối khác. Những ngày tiếp đó, Liguyna bị chứng nhức đầu kinh khủng, khát nước, buồn nôn, cảm sốt và đau nhức khắp cả thân thể.
Liguyna than khóc nói với thân phụ là mình không thể chịu đựng nổi đau đớn nữa. Nhưng cơn đau ngày một gia tăng. Liguyna biểu lộ cơn đau nhức qua khuôn mặt và thân xác ngài. Rồi Liguyna bị mù luôn một mắt. Cuối cùng, Liguyna bị liệt giường.
Liguyna cay đắng và thất vọng! Tại sao Thiên Chúa lại để cho tình cảnh này xảy đến với mình? Thiên Chúa muốn điều gì nơi mình? Và tóm lại, mình có thể dâng cho Đức Chúa Giêsu điều gì đây? Cha Gioan, cha xứ của Liguyna, đã đến thăm hỏi và cùng cầu nguyện với Liguyna. Cha giúp Liguyna nghĩ về những đau khổ Đức Chúa Giêsu đã chịu. Liguyna bắt đầu nhận thức được món quà quý đẹp ngài sẽ dâng tặng Đức Chúa Giêsu: Liguyna sẽ chịu đau khổ vì Đức Chúa Giêsu. Liguyna sẽ dâng những nỗi đau của mình để an ủi Chúa, Đấng đã chịu khổ quá nhiều trên Thánh Giá. Đau khổ của Liguyna sẽ trở nên lời cầu nguyện tuyệt đẹp dâng cho Thiên Chúa. Dần dần, Liguyna bắt đầu hiểu ra.
Chân phước Liguyna đã chịu đau khổ suốt ba mươi tám năm trời. Người ta không thể tin được là Liguyna đã có thể sống được trong một tình trạng bi thảm như thế. Nhưng Liguyna đã vượt qua. Thiên Chúa đã an ủi Liguyna bằng nhiều phương thế. Tại căn phòng bé nhỏ nghèo nàn, Liguyna đối xử thật tốt bụng với mọi người đến thăm Liguyna. Liguyna cầu nguyện với Thiên Chúa và dâng đau khổ cho những ý chỉ đặc biệt của họ. Họ biết rằng Thiên Chúa sẽ nhận lời Liguyna khấn xin.
Chân phước Liguyna có một lòng yêu mến đặc biệt đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Suốt nhiều năm, dường như Liguyna chỉ sống nhờ vào bí tích Thánh Thể.
Chân phước Liguyna giúp chúng ta nhận biết rằng chúng ta có thể dâng những đau khổ thể xác lên Đức Chúa Giêsu với lòng yêu mến. Ngài cũng nhắc nhớ chúng ta rằng nếu chúng ta có sức khỏe tốt, chúng ta hãy nên thường xuyên tạ ơn Thiên Chúa.
Ngày 15 tháng 4
Chân phước Đamien Môlôkai
Giuse “Jép” Vơstơ, sinh năm 1840, là con trai của một gia đình nông dân gốc Bỉ. Ngài và người anh trai, Pamphilê, đi tu dòng Hai Thánh Tâm. Công việc của các vị thừa sai này là rao giảng đức tin Công giáo trên vùng đảo Haoai. Jép lấy tên là “Đamien.” Dung mạo thầy Đamien cao to và lực lưỡng. Những năm phụ giúp gia đình chăm lo công việc đồng áng đã tạo cho Đamien có một vóc dáng khỏe mạnh như vậy. Mọi người đều quý mến Đamien vì ngài sống tốt lành và nhân hậu.
Người ta đang cần thêm nhiều nhà truyền giáo tại lãnh địa Haoai. Năm 1863, một nhóm linh mục và tu sĩ dòng Hai Thánh Tâm được cử đi. Pamphilê, anh trai của Đamien, được chọn. Ngay trước ngày lên đường, Pamphilê bị sốt thương hàn nên không thể thực hiện được sứ mệnh truyền giáo. Thầy Đamien đang học làm linh mục đã xin thay thế vào chỗ của người anh. Cha bề trên tổng quyền chấp thuận lời thỉnh cầu của Đamien. Sau đó, Đamien trở về nhà và âu yếm từ biệt gia đình của ngài. Rồi, Đamien vượt tàu từ Bỉ đến Haoai, một cuộc hành trình kéo dài mười tám tuần lễ. Ít lâu sau, Đamien hoàn tất việc học hành và được thụ phong linh mục tại Haoai. Ngài trải qua tám năm sống giữa những cư dân thuộc ba huyện. Cha Đamien dùng ngựa hoặc thuyền nhỏ để làm phương tiện đi lại.
Dân chúng yêu quý vị linh mục cao to và giàu lòng quảng đại này. Đamien cũng nhận thấy họ năng thưa đáp kinh nguyện trong các nghi lễ. Sau đó, Đamien dùng một số tiền nhỏ quyên góp được để xây cất những nguyện đường. Chính Đamien và các bổn đạo đã tự xây lấy những nguyện đường này. Nhưng chẳng mấy chốc, phần đời đặc biệt nhất của Đamien được khai mở. Đức giám mục xin một linh mục tình nguyện tới đảo Môlôkai. Chỉ ngay cái tên thôi cũng đủ làm cho người ta khiếp hãi. Họ biết rằng một khu của hòn đảo tên Kalagao chính là một “bãi tha ma sống” của những người chết vì bệnh phong hủi. Họ chẳng hiểu gì về căn bệnh và rất sợ bị lây nhiễm đến nỗi phần lớn những bệnh nhân phong ở đây đã bị bỏ rơi. Nhiều người đã tuyệt vọng hoàn toàn. Không có linh mục, không có cơ quan đại diện thi hành luật pháp Môlôkai, không có những phương tiện thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe. Chính phủ Haoai có gởi một ít thực phẩm và thuốc men tới đây nhưng chẳng đáng kể gì! Cũng chẳng có những phương tiện tổ chức phân phát thực phẩm hàng hóa!
Cha Đamien đi Môlôkai. Ngài quyết đương đầu với sự nghèo khổ, hư hóa và thất vọng. Lắm lúc, Đamien dường như bị sốc; nhưng rồi Đamien quyết không bao giờ quay về. Dân chúng đang rất cần sự giúp đỡ. Đamien đi tới Hônôlulu để gặp những thành viên trong ủy ban chăm sóc sức khỏe. Họ nói với Đamien rằng ngài không thể trở lại Môlôkai nữa vì có thể sẽ bị lây bệnh. Chủ ý đích thật của họ chỉ là không muốn cho Đamien đến Môlôkai vì ngài đang gây ra quá nhiều vấn đề khó khăn cho họ. Vì vậy, Đamien phải chọn: nếu trở về Môlôkai, ngài sẽ không thể đi được nữa. Nhưng ủy ban chăm sóc sức khỏe không hiểu Đamien. Ngài đã chọn đi Môlôkai.
Đamien làm việc suốt mười tám năm cho tới khi qua đời tại Môlôkai. Với sự trợ giúp của các bệnh nhân phong hủi và các anh chị em thiện nguyện quảng đại, Môlôkai đã được biến đổi hoàn toàn. Tên “Môlôkai” giờ đây mang một ý nghĩa mới. Nó trở thành hòn đảo của lòng bác ái Kitô giáo. Rồi, chính cha Đamien cũng bị lây bệnh. Cha qua đời ngày 15 tháng Tư năm 1889 vào độ tuổi bốn mươi chín; và cha được chôn cất tại đó. Đến năm 1994, Đamien Môlôkai được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong lên hàng chân phước.
Chúng ta hãy nài xin chân phước Đamien Môlôkai ban cho chúng ta một chút lòng can đảm và hào hiệp của ngài. Còn có quá nhiều người đang cần đến tình yêu và sự nâng đỡ của chúng ta. Chân phước Đamien Môlôkai sẽ giúp chúng ta hành động với niềm vui tươi và với trái tim nhân ái của ngài.
Ngày 16 tháng 4
Thánh Bênêđictô Giuse lao động
Vị thánh người Pháp này, sinh năm 1748, có một cuộc đời đặc biệt khác thường. Ngài là con trai của một chủ tiệm và được người cậu linh mục dạy dỗ. Khi vị linh mục tốt lành này qua đời, Bênêđictô đã cố gắng xin vào một tu viện. Tuy nhiên, người ta nói rằng ngài còn quá nhỏ. Rồi Bênêđictô liên hệ với một dòng tu khác. Nhưng khi vào dòng, Bênêđictô trở nên yếu bệnh. Người ta đề nghị ngài hãy trở về nhà sống đời Kitô hữu gương mẫu. Bênêđictô về nhà và sức khỏe của ngài dần dần được hồi phục. Bênêđictô cầu nguyện xin Thiên Chúa giúp đỡ. Rồi Bênêđictô cảm nhận được câu trả lời. Bênêđictô sẽ trở thành một người du hành, một nhà du hành thánh thiện chuyên cầu nguyện và làm việc sám hối. Là người du hành, Bênêđictô sẽ đến thăm viếng những thánh đường danh tiếng của Âu châu.
Bênêđictô bắt đầu cuộc hành trình. Ngài lần lượt viếng từng ngôi thánh đường. Bênêđictô vận một áo choàng vải thô, đeo một Ảnh Chịu Nạn trên ngực và một chuỗi Mân Côi quanh cổ. Bênêđictô ngủ trên nền đất. Thức ăn duy nhất Bênêđictô dùng là những của người ta bố thí. Nếu họ cho Bênêđictô tiền, ngài liền đem cho người nghèo. “Vali” của Bênêđictô là một chiếc bao bố. Trong đó ngài đựng một cuốn Phúc âm của riêng ngài cũng như các ảnh tượng và sách thánh để tặng cho người khác. Thánh Bênêđictô chẳng để ý gì tới những cảnh đẹp nơi các thành phố ngài ghé thăm. Mối quan tâm duy nhất của Bênêđictô là các nhà thờ nơi Đức Chúa Giêsu đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể.
Năm tháng trôi qua! Thánh Bênêđictô trông càng ngày càng giống như một người hành khất. Ngài ăn mặc rách rưới và nhơ bẩn. Bênêđictô ăn vỏ bánh mì khô và vỏ khoai tây. Ngài chẳng bao giờ đòi hỏi bất cứ tiện nghi gì hầu giúp cho cuộc sống được dễ chịu. Tại một vài nơi, trẻ con đã lượm đá ném Bênêđictô và chọc ghẹo tên ngài. Những người không biết Bênêđictô dường như muốn xa lánh ngài. Nhưng khi thánh Bênêđictô quỳ gối cầu nguyện trước Nhà Tạm, ngài trở nên bất động như một pho tượng. Khuôn mặt tái xạm và mệt mỏi của Bênêđictô tỏa sáng. Bênêđictô truyện trò với Đức Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngài thầm thĩ: “Ôi Maria, Mẹ của con!” Bênêđictô thực sự hạnh phúc và vui sướng khi làm bạn với Đức Chúa Giêsu và Đức Mẹ.
Thánh Bênêđictô qua đời năm 1783, lúc được ba mươi lăm tuổi. Danh tiếng của người đàn ông nghèo khó thánh thiện này truyền lan khắp nơi. Cuộc hành trình của Bênêđictô chấm dứt. Chuyến hành hương qua đi và Bênêđictô được ở với Đức Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria mãi mãi. Sau khi chết đúng một thế kỷ, vào năm 1883, Bênêđictô Giuse lao động được đức thánh cha Lêô XIII tôn phong lên bậc hiển thánh.
Chúng ta không thể noi gương nghèo khó của Đức Chúa Giêsu theo lối thánh Bênêđictô Giuse lao động đã thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta có thể bắt chước lòng yêu mến đối với bí tích Thánh Thể của vị thánh này. Chúng ta hãy năng đến nhà thờ để viếng thăm và trò truyện tâm tình với Đức Chúa Giêsu. Người thật là bạn thân quý nhất của chúng ta!
Ngày 17 tháng 4
Thánh Têphanô khó khăn
Thánh Têphanô khó khăn sinh ở nước Anh vào thế kỷ thứ mười hai. Ngài là một sinh viên xuất sắc và chăm chỉ. Têphanô đặc biệt lưu tâm đến văn chương. Têphanô sống rất nghiêm túc và cầu nguyện hằng ngày. Lần kia, Têphanô và đồng bạn của ngài làm một cuộc hành hương đến Rôma. Khi trở về, Têphanô nhập bọn với một nhóm đan sĩ thánh thiện nghèo khó. Những người này chuyên chăm cầu nguyện, ăn chay và làm việc vất vả. Đó là cách thức họ bày tỏ lòng yêu mến của mình đối với Thiên Chúa. Têphanô nhận thấy họ sống rất hạnh phúc. Đan phụ của họ là thánh Rôbêtô.
Thoạt đầu, Têphanô cùng với những người này hân hoan phục vụ Thiên Chúa. Nhưng dần dần các đan sĩ chẳng muốn sống cuộc đời nghiêm nhặt như vậy nữa. Vì thế, thánh Rôbêtô cùng với thánh Têphanô và 20 đan sĩ khác tách ra rồi thiết lập một đan viện mới. Các ngài tự xây cất đan viện trên một vùng hoang mạc khô cằn trong nước Pháp gọi là Xitô. Họ sống đời lao động và hết sức khó nghèo. Họ muốn bắt chước mẫu gương nghèo khó của Đức Chúa Giêsu. Họ cũng giữ luật thinh lặng cách rất nhiệm nhặt.
Thánh Têphanô gặp nhiều vấn đề khó khăn khi ngài làm đan phụ. Các đan sĩ chỉ có chút ít thực phẩm để dùng. Rồi trên phân nửa số đan sĩ lâm bệnh và qua đời. Trông như thể đan viện đang đến hồi bị hủy diệt! Họ cần có thêm những thành viên trẻ mới để tiếp tục duy trì lối sống của họ. Têphanô cầu nguyện cùng Thiên Chúa với lòng tin tưởng. Và lời cầu xin của ngài đã được chấp nhận. Thiên Chúa gởi đến cho các đan sĩ Xitô này thêm ba mươi thanh niên nữa. Họ cùng nhau tới gõ cửa đan viện. Người lãnh đạo nhóm họ cũng sẽ là một vị thánh. Tên của ngài là Bênađô. Chúng ta mừng lễ kính ngài ngày 20 tháng Tám. Đây là một ngày kỳ diệu lạ lùng đối với thánh Têphanô và các đan sĩ.
Thánh Têphanô dùng ít năm cuối đời để viết tu luật cho các đan sĩ. Ngài cũng huấn luyện thánh Bênađô để đảm trách nhiệm vụ của ngài.
Khi gần tắt thở, thánh Têphanô nghe các đan sĩ đứng xung quanh giường ngài bàn tán. Họ nói rằng Têphanô không hề sợ chết vì ngài đã làm việc rất chăm và mến Chúa hết lòng. Nhưng thánh Têphanô nói rằng ngài sợ mình chưa tốt lành đủ. Và ngài nói rất nghiêm chỉnh. Điều đó cho chúng ta thấy thánh nhân thật khiêm nhượng chừng nào. Thánh Têphanô qua đời năm 1134.
Chúng ta thường sống trong sự ồn ào náo nhiệt cả ban ngày lẫn ban tối. Chúng ta nghe máy thu thanh, xem tivi, chơi vi tính và những trò chơi băng hình. Đầu óc chúng ta chứa đầy những tiếng động! Chúng ta hãy nài xin thánh Stêphanô đan sĩ giúp chúng ta mỗi ngày gắng tìm ra một ít giờ thinh lặng. Đó là lúc chúng ta để Thiên Chúa hoạt động trong tâm trí và con tim của mình. Nhưng chúng ta cần phải cầu nguyện để biết khôn ngoan lợi dụng thời giờ.
Ngày 18 tháng 4
Chân phước Maria Nhập Thể
Babara sinh tại nước Pháp năm 1566. Khi lên mười bảy tuổi, Babara kết hôn với Phêrô Acari. Babara và người chồng yêu quý sống niềm tin Công giáo. Hai vợ chồng sinh được sáu người con và đời sống gia đình thật hạnh phúc. Babara cố gắng trở nên một người vợ và người mẹ tốt. Gia đình học được nơi Babara lòng yêu mến cầu nguyện và tâm hồn bác ái cao cả.
Lần kia, khi người chồng của Babara bị người ta buộc tội cách bất công, chính Babara đã cứu giúp chồng. Babara đã đến tòa án và một mình thanh minh cho người chồng vô tội.
Dù bận rộn với công việc gia đình, Babara vẫn luôn tìm thời giờ để bố thí cho những người nghèo túng. Babara hướng dẫn họ sống đức tin. Babara giúp đỡ những người đau yếu và hấp hối. Babara dịu dàng hối thúc những người đang sống lây lất trong tội lỗi hãy thay đổi lối sốngï. Những việc tốt lành Babara thực hiện là những công việc bác ái.
Khi người chồng qua đời, Babara xin vào tu dòng Cátminh. Babara đã dùng bốn năm sau hết để sống đời tu trì. Ba cô con gái của Babara cũng lần lượt trở thành nữ tu Cátminh. Tên mới của Babara khi làm nữ tu là sơ Maria Nhập Thể. Sơ Maria sung sướng phục vụ nhà bếp với những thau chậu và xoong chảo. Khi người con gái của ngài làm bề trên tu viện, chân phước Maria đã hết lòng vâng phục người con. Ngài thật khiêm nhường đến nỗi lúc sắp qua đời, ngài đã nói: “Xin Thiên Chúa tha thứ những gương xấu mẹ đã gây ra cho con!” Các nữ tu thật rất ngạc nhiên vì sơ Maria đã hết sức cố gắng sống một đời tốt lành. Chân phước Maria Nhập Thể qua đời năm 1618, thọ năm mươi hai tuổi.
Chân phước Maria Nhập Thể đã sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa dù cuộc sống của ngài thật bận rộn. Ngài có nhiều nhiệm vụ ràng buộc. Ngài trông nom chăm sóc gia đình. Ngài quan tâm giúp đỡ tha nhân. Ngài cũng có thể giúp chúng ta sống bao dung quảng đại với tinh thần trách nhiệm.
Ngày 19 tháng 4
Chân phước Giacôbê Đukê
Giacôbê Đukê là người gốc Anh, sống vào thời trị vì của nữ hoàng Êlisabeth I. Lúc còn trẻ, Giacôbê Đukê là một thợ in tập sự ở Luânđôn. Ở đây, Giacôbê Đukê tình cờ gặp thấy cuốn sách nhan đề: “Nền tảng vững chắc của đạo Công giáo.” Giacôbê Đukê đã nghiên cứu sách đó cách cẩn thận và tin nhận rằng Giáo hội Công giáo là Giáo hội chân thật. Trong những ngày ấy tại nước Anh, các Kitô hữu bị bách hại. Dù sao đi nữa, Giacôbê Đukê quyết định muốn trở nên một tín hữu và muốn giáp mặt với những hậu quả thảm khốc này. Vị giáo sĩ tại nhà thờ cũ đến tìm Giacôbê Đukê vì ngài là người năng đi tham dự thánh lễ. Nhưng Giacôbê Đukê không trở về nhà nữa. Hai lần ngài đã phải vào tù vì tội bướng bỉnh. Cả hai lần, người giúp việc đều xin cho Giacôbê Đukê và ngài được trả tự do. Nhưng người giúp việc khuyên Giacôbê Đukê rằng tốt nhất hãy nên kiếm việc làm ở một nơi khác.
Giacôbê Đukê biết mình sẽ không trở về nữa nên đã tìm gặp một linh mục Công giáo đang hoạt động âm thầm trong nhà tù Ghếthaus. Vị linh mục cao niên cải trang là “ông Wics” đã hướng dẫn ngài. Giacôbê Đukê được gia nhập Giáo hội Công giáo. Ngài kết hôn với một quả phụ cũng người Công giáo và đứa con trai của họ sau này đi tu dòng Brunô. Chính người con đã ghi lại cho chúng ta biết nhiều điều về thân phụ của anh.
Chân phước Giacôbê Đukê không bao giờ quên được cuốn sách đã khai mở cho ngài con đường đến với Giáo hội. Ngài xem việc chu cấp sách vở đạo cho những người láng giềng là trách nhiệm của ngài. Đukê biết rõ những sách này sẽ khuyến khích và hướng dẫn họ. “Nghề” này quá nguy hiểm đến nỗi Đukê đã bị bỏ tù mười hai năm trời, trong đó chín năm ngài không được liên lạc gì với đời sống gia đình của ngài. Sau cùng, Đukê bị đưa ra xét xử và bị kết án tử hình bởi lời chứng gian của một người đóng sách tên là Phêrô Bullock. Ông này làm chứng rằng ông đã đóng các sách cho chân phước Đukê là tên “tội phạm nghiêm trọng.” Bullock đã phản bội bởi ông bị vào tù vì những vấn đề bí ẩn không được kể lại và ông đang mong muốn được trả tự do.
Cả hai người đều bị kết án tử trong cùng một ngày. Trên đoạn đầu đài ở Tybơn, chân phước Giacôbê Đukê đã tha thứ cho Bullock. Đang lúc cả hai sắp trút hơi thở sau cùng, Giacôbê Đukê đã cố gắng khuyến khích Bullock chấp nhận đức tin Công giáo. Rồi, người ta buộc những sợi dây thừng vào cổ họ. Chân phước Giacôbê Đukê được phúc tử đạo năm 1602.
Nếu muốn được lôi kéo bởi sức mạnh của các thông tin như sách vở, các buổi trình chiếu tivi, các chương trình phát thanh, các hình ảnh trên băng từ, cátxét... chúng ta hãy cầu khẩn cùng chân phước Giacôbê Đukê. Chúng ta hãy nài xin ngài giúp chúng ta nhận ra ảnh hưởng mà các phương tiện truyền thông này tác động trên cuộc sống chúng ta.
Ngày 20 tháng 4
Thánh Annê Montêpulxianô
Vị thánh nữ này sinh gần thành phố Montêpulxianô, nước Ý, vào năm 1268. Khi vừa lên chín tuổi, Annê đã xin song thân cho phép được vào sống trong tu viện cạnh bên nhà ngài. Annê cảm thấy rất hạnh phúc bên các nữ tu. Họ sống đời trầm lặng và cầu nguyện. Họ cũng làm việc vất vả. Dù còn trẻ, thánh nữ Annê cũng hiểu được lý do tại sao các nữ tu đã cầu nguyện và sống thật ân cần tử tế như vậy. Lý do là vì họ chỉ muốn được sống kết hợp mật thiết với Đức Chúa Giêsu.
Năm tháng trôi qua! Thánh nữ Annê Montêpulxianô được nhận vào sống đời tập sinh. Thánh nữ có nhiều đức tính quý báu đến nỗi các chị em khác đều cảm thấy rất hài lòng khi có ngài hiện diện ở bên. Annê cầu nguyện với tất cả tâm hồn. Annê là tấm gương sáng cho các chị em noi theo. Cũng có một số chị em nữa đến xin gia nhập với họ. Annê và các chị em nữ tu thuộc về dòng nữ Thuyết Giáo, cũng gọi là dòng nữ Đa Minh. Sau cùng, Annê được chọn làm bề trên tu viện. Annê cố gắng sống quảng đại và công bằng với mỗi chị em. Annê tự nhắc nhở mình rằng hết thảy mọi việc đều phải làm vì tình yêu Chúa Giêsu. Annê tin rằng Đức Chúa Giêsu hằng điều khiển hướng dẫn tu viện; và Người hằng chăm sóc đến từng chị em.
Mẹ Annê thực hành nhiều việc khổ chế. Mẹ vẫn sống quảng đại và dịu dàng ngay cả những khi Mẹ cảm thấy không thích. Thiên Chúa đã trào đổ niềm vui sướng trên Annê và thỉnh thoảng ban cho ngài những ơn an ủi thiêng liêng. Một lần kia, Thiên Chúa đã để thánh nữ Annê bồng ẵm Chúa Giêsu Hài Nhi trong vòng tay của thánh nữ.
Annê Montêpulxianô là người hay đau ốm; nhưng thánh nữ vẫn nhẫn nại chịu đựng ngay cả khi bệnh tình trở nên rất trầm trọng. Annê chẳng hề tiếc xót hay phàn nàn chi về thân phận của mình. Thay vào đó, Annê hiến dâng mọi sự cho Thiên Chúa. Về cuối đời, các chị em nhận thấy sức khỏe Annê cũng chẳng mấy khá hơn. Họ rất buồn. “Nếu các chị yêu quý em, các chị hãy vui mừng,” Annê nói, “em sắp được tham dự vào vinh quang của Đức Chúa Giêsu!”
Thánh nữ Annê Montêpulxianô qua đời năm 1317, lúc được bốn mươi chín tuổi. Ngài được tôn phong lên bậc hiển thánh vào năm 1726. Ngôi mộ của Annê Montêpulxianô trở thành một nơi hành hương. Nhiều người đã đến cầu nguyện với vị thánh nữ này và xin ngài giúp đỡ. Trong số những khách hành hương có Catarina Siêna, vị thánh nổi tiếng mà chúng ta sẽ mừng kính vào ngày 29 tháng Tư.
Nơi thánh nữ Annê Montêpulxianô, chúng ta được học biết rằng Thiên Chúa có một ý định trong thánh trí của Người về mỗi chúng ta. Người ban tặng chúng ta những tài năng và những cơ hội để chúng ta cố gắng làm triển nở ơn gọi của đời mình. Chúng ta hãy năng xin Thiên Chúa giúp chúng ta chóng trở nên điều mà Người mong muốn.
Ngày 21 tháng 4
Thánh Anselmô
Thánh Anselmô được sinh tại miền bắc nước Ý vào năm 1033. Từ ngôi nhà của mình, Anselmô có thể xem thấy những dãy núi Alpơ. Khi lên mười lăm tuổi, Anselmô cố gắng hết sức để xin gia nhập tu viện ở Ý. Nhưng thân phụ của Anselmô ngăn cản việc đó. Thế rồi Anselmô ngã bệnh. Sau khi Anselmô được khỏi bệnh ít lâu thì thân mẫu qua đời. Anselmô vẫn còn rất trẻ, giàu có và thông minh. Chẳng mấy chốc, Anselmô đã quên đi việc muốn phục vụ Thiên Chúa. Anselmô chỉ lo nghĩ đến chuyện vui chơi và hưởng thụ.
Dù vậy, sau một thời gian, Anselmô bắt đầu cảm thấy chán ngán lối sống này. Anselmô mong muốn làm một điều gì đó hữu ích hơn, cao đẹp hơn. Anselmô đến nước Pháp viếng thăm đức đan viện phụ thánh thiện Lanphrăng của đan viện danh tiếng miền Béc. Anselmô trở nên người bạn rất thân của Lanphrăng và đức đan viện phụ đã đem Anselmô đến với Thiên Chúa. Ngài cũng giúp Anselmô cách thức trở nên một đan sĩ dòng Bênêđictô. Anselmô lúc ấy được hai mươi bảy tuổi.
Thánh Anselmô là người nhiệt tâm tốt bụng luôn yêu mến quý trọng các anh em đan sĩ. Cả những đan sĩ trước kia cảm thấy bực tức với Anselmô chẳng bao lâu cũng trở nên bạn hữu thân tín với ngài. Năm 1078, Anselmô được chọn làm đan viện phụ. Khi phải rời Béc để lĩnh chức tổng giám mục miền Cantơbơry bên nước Anh, Anselmô đã nói với các đan sĩ rằng họ vẫn luôn luôn sống mãi trong trái tim của ngài.
Dân Anh yêu mến và quý trọng Anselmô. Tuy thế, vua William II lại bách hại ngài. Thánh Anselmô phải chịu lưu đày biệt xứ vào những năm 1097 và 1103. Thậm chí William II còn ngăn cấm Anselmô không được đến Rôma xin ý kiến của đức thánh cha. Nhưng dẫu sao chăng nữa Anselmô cũng đã đi. Anselmô lưu lại với đức thánh cha cho tới khi nhà vua qua đời. Sau đó, Anselmô trở về giáo phận của ngài ở nước Anh.
Dù phải bận rộn với trăm công nghìn việc, thánh Anselmô vẫn luôn luôn kiếm giờ để viết nhiều sách triết học và thần học quan trọng. Thánh nhân cũng ghi lại nhiều lời huấn thị về Thiên Chúa rất có giá trị mà ngài đã chia sẻ cho các anh em đan sĩ. Họ rất sung sướng về việc này. Anselmô thường nói: “Bạn có muốn biết bí quyết để sống hạnh phúc trong đan viện không? Hãy lãng quên thế gian và hãy sung sướng để quên nó. Đan viện là một thiên đàng thực sự trên trái đất này đối với những ai chỉ sống cho một mình Đức Chúa Giêsu.” Thánh Anselmô qua đời ngày 21 thánh Tư năm 1109. Năm 1720, ngài được đức thánh cha Clêmentê XI tôn phong làm thầy dạy lỗi lạc của Giáo hội hay còn gọi là Tiến sĩ Hội Thánh.
Chẳng có gì là sai lầm hoặc không hợp với đạo đức khi hoan hưởng những niềm vui thanh cao và thiện hảo. Dù vậy, điều chúng ta phải ghi nhớ là tất cả mọi thứ vui thú trên thế gian này sẽ không làm cho chúng ta được hạnh phúc. Chúng ta chỉ được hạnh phúc thực sự khi chúng ta biết dùng thời giờ làm những việc hữu ích cho Thiên Chúa và tha nhân.
Ngày 22 tháng 4
Thánh Sôtơ và thánh Caiô
Thánh Sôtơ làm giáo hoàng trước thời đại vua chúa Rôma. Sôtơ đích thật là vị cha chung của mọi Kitô hữu. Thánh nhân giúp đỡ rất nhiều người nghèo khó. Ngài đặc biệt quan tâm tới những người bị kết tội đang phải làm việc trong những hầm mỏ nguy hiểm. Họ bị đày tới đó vì đã không chịu chối bỏ niềm tin vào Đức Chúa Giêsu. Những Kitô hữu can đảm này luôn luôn phải chịu đói khát. Họ chỉ được phép nghỉ ngơi chút ít mà thôi. Các tín hữu khác thì bị giam hãm trong chốn lao tù. “Giáo hoàng Sôtơ tốt lành” đã làm mọi cách có thể để khuyến khích và giúp đỡ họ.
Thánh Sôtơ cũng trợ giúp những Kitô hữu ở xa Rôma. Vị giáo hoàng thánh thiện này là một nhà giảng thuyết danh tiếng. Mọi Kitô hữu đều ưa thích lắng nghe ngài cắt nghĩa về đạo giáo của mình. Thánh nhân chia sẻ với tất cả tâm hồn. Sôtơ gợi hứng nơi họ lòng can đảm dám liều chết vì Đức Chúa Giêsu hơn là tế lễ cho các ngẫu thần. Chính thánh Sôtơ cũng đã dâng hiến cuộc sống mình cho Đức Chúa Giêsu vào năm 174, sau khi làm giáo hoàng được mười năm.
Thánh Caiô làm giáo hoàng khoảng một trăm năm sau thánh Sôtơ. Ngài cũng sống trong thời kỳ Giáo hội bị bách hại. Vị giáo hoàng này đã làm mọi sự có thể để giúp cho dân chúa giữ vững đức tin dù phải gặp bất cứ một hy sinh nào. Để tiện lợi cho việc giúp đỡ bổn đạo của mình hơn, thánh Caiô đã sống tám năm liền trong những hầm buồng nằm dưới mặt đất, gọi là những hang toại đạo. Đây là những nghĩa trang nơi các Kitô hữu thường họp mặt bí mật để cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Đây là nơi ẩn náu của họ để trốn thoát khỏi những binh lính ngoại giáo độc ác. Các Kitô hữu biết rằng họ sẽ bị giết chết nếu họ bị bắt giữ.
Thánh Caiô làm giáo hoàng được mười hai năm. Rồi ngài cũng được phúc tử vì đạo. Thánh nhân đã qua đời năm 296.
Ngày nay, có những giáo dân ở nhiều nơi trên thế giới vẫn còn bị bách hại chỉ vì họ là những Kitô hữu mẫu mực. Chúng ta hãy dâng những lời cầu nguyện và hy sinh để nài xin Đức Chúa Giêsu an ủi và ban thêm cho họ lòng can đảm.
Ngày 23 tháng 4
Thánh Giogiơ
Những bức ảnh về thánh Giogiơ thường hay mô tả ngài đang giết chết một con mãng xà để cứu lấy một cô nương xinh đẹp. Con mãng xà ám chỉ tội lỗi xấu xa. Cô nương xinh đẹp tượng trưng cho chân lý thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh Giogiơ đang giết chết con mãng xà bởi vì ngài đã chiến thắng trong trận chiến đấu chống lại sự dữ.
Chúng ta không được biết nhiều chi tiết về cuộc đời của thánh Giogiơ ngoài sự kiện ngài là vị thánh tử đạo. Giogiơ là một binh sĩ trong đội quân của Điôclêsiô, một quân vương ngoại giáo. Điôclêsiô là kẻ thù rất ác độc của các Kitô hữu. Thật sự, ông đã giết chết mọi Kitô hữu ông gặp thấy.
Người ta cho rằng thánh Giogiơ là một trong những binh sĩ được Điôclêsiô yêu mến. Khi trở thành Kitô hữu, Giogiơ đã tiến đến trước mặt vua và la rầy vua vì lối sống quá độc ác của ông. Rồi Giogiơ rời bỏ chức vụ trong quân đội Rôma. Thánh Giogiơ đã phải trả một giá rất cao cho lòng dũng cảm của mình. Giogiơ bị tra tấn cách dã man và sau đó bị xử trảm.
Tấm gương gan dạ và vui vẻ trong việc tuyên xưng đức tin của thánh Giogiơ đã làm cho mọi người cảm thấy được vững lòng can đảm khi nghe biết việc này. Người ta đã sáng tác nhiều nhạc phẩm và thơ ca dành cho vị thánh tử đạo này. Đặc biệt các binh sĩ đã luôn luôn sùng kính ngài. Năm 1222, Giogiơ được tôn nhận làm thánh quan thầy của nước Anh.
Thánh Giogiơ bị xử tử ở Lyda, Palestina vào khoảng năm 303.
Hết thảy chúng ta đều có một vài “con mãng xà” mà chúng ta cần phải đánh bại. Có thể là tính ích kỷ hay nóng giận. Có thể là sự lười biếng hoặc tham lam, hoặc một thói xấu nào đó. Chúng ta hãy nài xin thánh Giogiơ giúp chúng ta chiến đấu chống lại những “con mãng xà” này. Thánh nhân sẽ trợ giúp nếu chúng ta cầu xin ngài.
Ngày 24 tháng 4
Thánh Phiđelis Simarigen
Tên của vị thánh này là Mác Rây. Ngài được sinh tại Đức vào năm 1578. Mác theo học tại trường đại học danh tiếng của thành phố Phrêbơ để trở thành luật sư. Ngay lúc còn là một sinh viên, Mác đã thích thăm viếng những người đau ốm và nghèo khổ. Ngài dùng thời giờ để cầu nguyện mỗi ngày. Người anh trai của Mác thì chọn làm một linh mục dòng Phanxicô Capuxinô. Còn Mác, sau khi tốt nghiệp đại học, đã trở thành một luật sư danh tiếng.
Mác hay đảm trách các vụ biện hộ cho những người nghèo không có tiền để trả. Vì rất giàu lòng quảng đại nên Mác thường bị những quan tòa bất lương ghét bỏ. Sau đó, Mác quyết định noi theo lối bước người anh của ngài và Mác đã trở thành linh mục. Mác nhận áo dòng và lấy tên là Phiđelis, nghĩa là “trung thành.”
Cha Phiđelis rất hân hoan vui mừng khi được chỉ định tới Thụy Sĩ để rao giảng Tin mừng. Lúc ấy, ở Thụy Sĩ có rất nhiều kẻ thù của đạo Công giáo. Cha Phiđelis muốn thuyết phục những người này trở về với Giáo hội. Lời giảng dạy của cha Phiđelis đã mang lại những thành quả phi thường. Nhiều người được ơn trở lại; còn các kẻ thù của Giáo hội thì rất tức giận trước thành công của ngài.
Thánh Phiđelis Simarigen thừa nhận rằng cuộc sống của ngài thật nguy hiểm nhưng thánh nhân vẫn cứ tiếp tục rao giảng. Một ngày kia, đang lúc giảng tới phần giữa của bài giảng, người ta đã bắn một phát súng vào Phiđelis nhưng viên đạn đã bay trượt đi. Cha Phiđelis biết rằng mình phải lập tức rời bỏ thị trấn; và ngài đã lên đường. Nhưng đang khi đi dọc theo lộ trình đến thị trấn bên cạnh thì một nhóm người hung ác giận dữ đã xông ra cản đường cha Phiđelis. Họ ra lệnh cho cha phải bỏ đạo Công giáo. Nhưng thánh Phiđelis Simarigen thẳng thắn trả lời họ rằng: “Tôi sẽ không chối bỏ đạo Công giáo!” Họ liền bất ngờ xông vào đánh cha Phiđelis Simarigen bằng những chiếc dùi cui và những dụng cụ thô bạo của họ.
Vị linh mục mình đầy thương tích cố gắng chỗi dậy, quỳ gối và nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con! Lạy Thánh Nữ Maria là Mẹ con, xin hãy giúp con!” Bọn họ lại đánh thánh nhân cho tới khi biết chắc là ngài đã chết.
Cha Phiđelis Simarigen đã tử vì đạo năm 1622, lúc được bốn mươi bốn tuổi. Năm 1746, đức thánh cha Bênêđictô XIV đã tôn phong cha Phiđelis Simarigen lên bậc hiển thánh.
Thật là một vinh dự lớn lao khi có thể giúp đỡ người ta trở về với Đức Chúa Giêsu và với Giáo hội của Người. Chúng ta hãy cố gắng trở nên những môn đệ đích thực, được thể hiện qua lời cầu nguyện, gương sáng và những lời nói tốt.
Ngày 25 tháng 4
Thánh ký Marcô
Thánh ký Marcô sống cùng thời với Đức Chúa Giêsu. Mặc dù không ở trong số mười hai tông đồ nhưng thánh Marcô có quan hệ bà con với thánh Barnaba tông đồ. Marcô nổi tiếng vì ngài đã viết một trong bốn sách Tin mừng. Đó là lý do Marcô được gọi là thánh ký, hay còn gọi là tác giả sách Tin mừng. Phúc âm của thánh Marcô tuy ngắn gọn nhưng cung cấp nhiều chi tiết nhỏ mà chúng ta không thấy có trong các sách Phúc âm khác.
Lúc còn trẻ, Marcô cùng với hai vị đại thánh Phaolô và Barnaba đi rao giảng Tin mừng của Đức Chúa Giêsu nơi những miền đất lạ. Dù thế, trước khi cuộc hành trình kết thúc, Marcô dường như đã không hài lòng với thánh Phaolô. Marcô đột nhiên trở về Giêrusalem. Sau này Phaolô và Marcô đã giải quyết với nhau những mối bất hòa của họ. Thật sự là Phaolô, khi bị giam tù ở Rôma, đã viết thư xin Marcô đến an ủi và giúp đỡ ngài.
Thánh Marcô cũng là người môn đệ rất yêu dấu của thánh Phêrô, vị giáo hoàng tiên khởi. Thánh Phêrô gọi thánh Marcô là “con.” Một số người cho rằng thánh Phêrô có ý nói là ngài đã rửa tội cho Marcô. Marcô được truyền chức giám mục và được sai đến Alêxanđria, nước Ai Cập. Ở đó, Marcô đã làm cho nhiều người trở lại đạo Công giáo. Ngài đã hoạt động tích cực nhằm rao giảng cho người ta nhận biết tình yêu của Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người. Họ cũng cho rằng trước khi qua đời, thánh Marcô đã chịu rất nhiều đau khổ.
Di hài của thánh ký Marcô được mang tới Vêni, nước Ý. Thánh nhân là vị thánh quan thầy của thành phố danh tiếng này. Giáo dân thường tuôn đến vương cung thánh đường xinh đẹp kính thánh Marcô để tôn kính và cầu nguyện với ngài.
Khi bất đồng ý kiến với một ai đó, chúng ta có thể tưởng nhớ đến thánh ký Marcô. Chúng ta cũng hãy nghĩ về ngài khi chúng ta không thể sống hòa hợp được với hết mọi người dù chúng ta rất muốn. Những lúc khó khăn như thế, chúng ta hãy nài xin thánh ký Marcô chỉ cho chúng ta bí quyết của ngài để dàn xếp những mối bất hòa.
Ngày 26 tháng 4
Thánh Rabêtô
Vị thánh này sống ở nước Pháp vào thế kỷ thứ chín. Chẳng ai biết được song thân của Rabêtô là ai. Họ đã đặt con trẻ mới sinh trên ngưỡng cửa của tu viện Nốtđam. Các nữ tu ở đây đã yêu mến và chăm sóc con trẻ. Họ đặt tên cho con trẻ là Rabêtô. Khi đủ tuổi đến trường, Rabêtô được gởi đến học với các tu sĩ dòng thánh Phêrô ở một miền gần đó.
Cậu bé Rabêtô yêu thích việc học hành, đặc biệt là ngài quý chuộng các tác phẩm Latinh cổ. Khi lớn lên, thánh Rabêtô sống cuộc đời âm thầm. Ngài vẫn sống đời giáo dân suốt nhiều năm. Sau đó, Rabêtô cảm thấy có ơn kêu gọi làm đan sĩ. Và Rabêtô đã gia nhập một cộng đoàn có hai đan viện phụ rất nhiệt thành là thánh Ađalha và người em kế vị ngài là viện phụ Wala. Rabêtô cố gắng trở nên một đan sĩ thánh thiện. Ngài thường đi theo hộ tống cho hai đan viện phụ trong các chuyến kinh lý của họ. Thánh nhân cũng đã viết tiểu sử của các vị sau khi các vị qua đời.
Sau đó, Rabêtô trở thành học giả Kinh Thánh. Ngài đã viết một bài bình luận dài dựa trên Tin mừng của thánh ký Mátthêu. Rabêtô cũng chú giải những đoạn Kinh Thánh khác. Nhưng tác phẩm danh tiếng nhất của Rabêtô là cuốn “Châu Thân và Bửu Huyết Chúa Kitô.”
Thánh Rabêtô không cảm thấy mình có ơn kêu gọi làm linh mục. Nhưng người ta đã thuyết phục Rabêtô nhận chức viện phụ suốt một nhiệm kỳ dài bảy năm. Rồi thánh nhân nhất định năn nỉ xin được trở về với đời sống cầu nguyện, suy gẫm, nghiên cứu và viết lách. Thời kỳ làm đan phụ đối với Rabêtô thật rất khó khăn vất vả dù ngài đã cố gắng hết sức mình. Sau đó, Rabêtô dùng phần còn lại của đời mình để cầu nguyện, soạn thảo văn bản và làm những công việc bề trên chỉ định.
Thánh Rabêtô về trời năm 860.
Thánh Rabêtô nhắc nhớ chúng ta về sự bất khả xâm phạm của mỗi đời sống con người. Tuy là một đứa trẻ bị bỏ rơi, nhưng hãy nhìn vào những ân sủng phi thường Thiên Chúa đã ban cho ngài! Chúng ta hãy nài xin thánh Rabêtô gợi hứng cho những nhà lập pháp biết đưa ra những khoản luật khôn ngoan nhằm bảo vệ đời sống con người trong mọi giai đoạn của nó.
Ngày 27 tháng 4
Thánh Zita
Thánh nữ Zita được mọi người biết đến với chức vị là quan thầy của những người giúp việc nhà cửa. Thánh nữ được sinh ra trong một ngôi làng thuộc miền Montê Sagrati, nước Ý, vào năm 1218. Song thân của Zita rất có lòng đạo đức và đã nuôi dạy Zita theo tinh thần bác ái Kitô giáo. Thói quen của những đôi vợ chồng nghèo là gởi những bé gái của họ đang trong độ tuổi niên thiếu vào những gia đình đáng tín nhiệm để chúng học biết cách thức trở nên những đầy tớ giúp việc. Các cô sẽ sống với các gia đình độ một thời gian và được thuê mướn làm những công việc nội trợ. Khi lên mười hai tuổi, Zita được gởi đến gia đình Phatinelli ở thành phố Lucca. Ông bà Phatinelli là những người quảng đại tốt bụng và có nhiều người làm thuê. Zita rất lấy làm sung sướng vì có thể làm việc và gởi tiền về cho cha mẹ của ngài. Zita cố gắng sống tinh thần trách nhiệm. Zita tạo cho mình thói quen cầu nguyện phù hợp với chương trình riêng của ngài. Hằng ngày, Zita dậy rất sớm để tham dự thánh lễ.
Zita chăm chỉ làm việc. Ngài cảm thấy đó là nhiệm vụ của ngài. Nhưng những người giúp việc khác thì lại bực dọc khó chịu. Họ chỉ cố làm chút việc để khỏi bị trừng phạt. Họ bắt đầu chửi mắng Zita và phản đối ngài mà chẳng chịu để ý gì đến công việc của họ. Zita cảm thấy bị tổn thương nhưng ngài đã cầu nguyện xin ơn nhẫn nại. Zita không bao giờ tố cáo họ. Dù họ có nghĩ thế nào thì Zita vẫn cứ tiếp tục làm phần việc của ngài cách hết sức tử tế.
Khi một trong các anh chàng giúp việc tìm cách hôn Zita, Zita đã kháng cự và đẩy anh ta ra. Anh đã rời khỏi căn phòng với nhiều vết trầy xước trên mặt. Ông Phatinelli cho gọi riêng Zita và hỏi về chuyện đã xảy ra. Zita đã thuật lại sự việc cách trung thực. Sau đó, Zita được bổ nhiệm làm bà quản gia. Con cái của gia đình Phatinelli được đặt dưới sự trông nom chăm sóc của Zita. Nhất là những người giúp việc khác đã thôi hành hạ Zita. Thậm chí có một vài người đã bắt đầu để ý và bắt chước Zita.
Thánh nữ Zita trải qua cả cuộc đời sống với gia đình Phatinelli. Ngài vẫn lưu lại trong khi các người khác đến rồi lại đi. Zita thích phục vụ họ. Zita yêu mến họ như ngài yêu mến gia đình của ngài. Bằng gương sáng, Zita giúp mọi người nhận biết rằng công việc sẽ thật thú vị khi được làm với tấm lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu. Zita qua đời cách an bình vào ngày 27 tháng Tư năm 1278, hưởng thọ sáu mươi tuổi.
Thánh nữ Zita là bài học tuyệt vời cho mỗi người chúng ta. Thánh nữ nhắc nhớ chúng ta rằng công việc chúng ta làm biểu hiện phần nào con người thực của chúng ta. Việc học hành và lao động của chúng ta đòi hỏi nhiều quyết tâm và nỗ lực. Tuy có chút phiền toái nhưng Thiên Chúa sẽ ân thưởng cho sự cố gắng của chúng ta trên thiên đàng.
Ngày 28 tháng 4
Thánh Phêrô Sanel
Thánh Phêrô Sanel sinh gần vùng Belley, nước Pháp vào năm 1803. Từ khi lên bảy, Phêrô Sanel đã phải đi chăn chiên giúp thân phụ ngài. Tuy nghèo khó nhưng Phêrô rất thông minh và rất yêu mến đạo giáo. Ngày kia, cha xứ tốt lành đến gặp Phêrô. Cha suy nghĩ nhiều về Phêrô rồi cha hỏi song thân của Phêrô xem liệu cha có thể nhận giáo dục đứa trẻ không. Phêrô đã chăm chỉ học hành tại trường tiểu học và sau đó tại chủng viện của vị linh mục này. Khi thụ phong linh mục, cha Phêrô Sanel được sai đến một giáo xứ chỉ có rất ít người Công giáo còn giữ đạo. Cha Sanel cầu nguyện. Cha có tấm lòng hiền lành và quảng đại đối với hết mọi người. Tuy chỉ mới ba năm, nhưng đã có sự cải tiến rất đáng kể. Nhiều người lại tận tình yêu mến Đức Chúa Giêsu và Giáo hội.
Thánh Phêrô Sanel có một ước muốn truyền giáo rất mãnh liệt. Ngài gia nhập một hội dòng gọi là dòng Truyền Giáo Đức Bà. Thánh nhân hy vọng sẽ được sai đi đem Tin mừng cho những người chưa tin nhận Thiên Chúa. Sau vài năm, ước mơ trở thành hiện thực. Phêrô Sanel và một nhóm các vị thừa sai thuộc dòng Truyền Giáo Đức Bà đã được gởi đến những hòn đảo thuộc vùng Nam Thái Bình Dương. Cha Sanel và một thầy dòng được chỉ định tới đảo Futuna. Ở đó, dân chúng rất sẵn lòng lắng nghe cha Sanel giảng dạy. “Vị linh mục này yêu mến chúng tôi,” một trong những người dân đã nói, “và chính ngài đã thực hành trước những điều ngài dạy chúng tôi làm!”
Không may thay, thủ lĩnh của bộ tộc này lại ghen tức với sự thành công của cha Sanel. Ông rất giận dữ căm hờn khi thấy người con trai của ông chịu phép Thanh tẩy. Ông đã sai một đội quân tinh nhuệ của ông đến giết vị thừa sai. “Đây thật là điều tốt cho tôi!” Đó là tất cả những gì cha Phêrô Sanel đã nói trước khi thở hơi cuối cùng. Thánh Phêrô Sanel bị giết ngày 28 tháng Tư năm 1841. Chỉ trong khoảng một thời gian ngắn sau cuộc tử đạo của cha Sanel, hết thảy mọi người trên đảo đã trở thành Kitô hữu. Năm 1954, đức thánh cha Piô XII đã tôn phong Phêrô Sanel lên bậc hiển thánh.
Tính ghen tị xui khiến người ta làm nhiều điều xấu. Nếu gặp thấy tha nhân làm việc tốt, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa. Chúng ta cũng hãy cố gắng bắt chước gương sáng của họ.
Ngày 29 tháng 4
Thánh Catarina Siêna
Vị thánh danh tiếng này, được sinh vào năm 1347, là nữ thánh bổn mạng của nước Ý, quê hương ngài. Catarina Siêna là cô gái út trong gia đình có hai mươi lăm người con. Song thân của Catarina mong muốn ngài có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tuy nhiên, Catarina Siêna chỉ ao ước đi tu. Để chứng tỏ ý định của mình, thánh nữ đã cắt đi bộ tóc dài xinh đẹp. Catarina Siêna không muốn sắc đẹp của mình hấp dẫn ai! Song thân Catarina rất tức giận và thường xuyên la mắng ngài. Họ cũng trao cho Catarina những công việc nặng nhọc nhất. Nhưng Catarina Siêna quyết tâm không từ bỏ ý muốn. Sau cùng, song thân Catarina đành phải nhượng bộ và thôi ngăn cản ngài.
Thánh nữ Catarina Siêna sống rất đơn thành với Đức Chúa Giêsu. Có lần thánh nữ hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con chịu những cám dỗ hãi hùng như thế?” Và Đức Chúa Giêsu trả lời: “Con của Cha, Cha ở trong trái tim con đó! Cha giúp con chiến thắng nhờ ân sủng của Cha!” Vào một buổi tối nọ, khi nhiều người dân thành Siêna đổ tràn ra các ngả đường để đón mừng lễ kỷ niệm, Đức Chúa Giêsu đã hiện ra với Catarina lúc thánh nữ đang cầu nguyện một mình trong phòng. Cũng có Đức Maria ở với Đức Chúa Giêsu. Mẹ nắm lấy tay Catarina Siêna và đưa lên cho Con của Mẹ. Đức Chúa Giêsu xỏ một chiếc nhẫn vào ngón tay thánh nữ và ngài trở nên “hiền thê” của Đức Chúa Giêsu.
Vào thời đại của thánh nữ Catarina Siêna, Giáo hội gặp rất nhiều vấn đề khó khăn. Những cuộc đấu tranh xung đột diễn ra trên khắp nước Ý. Catarina Siêna viết nhiều thư gởi cho các vua chúa và các bà hoàng. Thậm chí thánh nữ đã đến xin được các nhà cầm quyền hãy dàn xếp hòa bình với đức thánh cha và hủy bỏ chiến tranh. Catarina Siêna xin đức thánh cha rời bỏ thành Avignhông bên nước Pháp để trở về Rôma cai quản Giáo hội. Thánh nữ nói với đức thánh cha rằng đó là ý muốn của Thiên Chúa. Đức thánh cha đã nghe theo Catarina Siêna và thực hiện điều thánh nữ nói.
Chẳng bao giờ Catarina Siêna quên lãng hình ảnh Đức Chúa Giêsu đang hiện diện trong trái tim mình. Qua Catarina, Đức Chúa Giêsu giúp đỡ những người đau yếu mà thánh nữ đang chăm sóc. Qua Catarina, Đức Chúa Giêsu yên ủi những tù nhân mà thánh nữ viếng thăm trong các lao tù.
Vị thánh nữ vĩ đại này mất tại Rôma vào năm 1380, khi chỉ mới được ba mươi ba tuổi. Năm 1461, đức thánh cha Piô II tôn Catarina Siêna lên bậc hiển thánh. Đến năm 1970, đức thánh cha Phaolô VI tôn phong thánh nữ Catarina Siêna làm Tiến sĩ Hội Thánh. Thánh Catarina Siêna nhận được tước hiệu đặc biệt này vì thánh nữ đã phục vụ Giáo hội của Đức Chúa Giêsu cách anh dũng trong cuộc đời ngắn ngủi của ngài.
Chúng ta hãy dâng hiến trọn vẹn con tim của mình cho Thiên Chúa. Rồi, như thánh nữ Catarina Siêna, chúng ta sẽ khám phá ra rằng: yêu mến Thiên Chúa thật thú vị biết bao!
Ngày 30 tháng 4
Thánh Piô V
Vị giáo hoàng thánh thiện này được sinh tại nước Ý vào năm 1504. Ngài được đặt tên là Antôn Ghisliêri. Ngài muốn làm linh mục nhưng dường như niềm mơ ước ấy không bao giờ biến thành hiện thực. Song thân của Antôn rất nghèo. Họ chẳng có đủ tiền cho Antôn ăn học. Rồi vào một ngày kia, có hai tu sĩ dòng Đa Minh đến thăm gia đình Antôn và gặp thấy Antôn. Họ quý mến Antôn đến nỗi đã nhận chu cấp cho ngài ăn học. Và vì vậy, năm lên mười bốn tuổi, Antôn gia nhập dòng thánh Đa Minh. Lúc ấy, Antôn lấy tên là “Micael.” Sau cùng, thầy Micael làm linh mục, rồi giám mục và hồng y.
Hồng y Micael đã can đảm chống lại các người phản đối những giáo huấn của Giáo hội. Ngài sống đời hãm mình đền tội. Ngài được chọn lên ngôi giáo hoàng lúc sáu mươi mốt tuổi; và đã lấy hiệu là Piô V. Xưa kia, thánh nhân đã từng là một cậu bé chăn chiên nghèo khó; và giờ đây, tuy là thủ lãnh của toàn thể Giáo hội Công giáo, nhưng thánh Piô V vẫn ở khiêm tốn như ngày xưa. Ngài vẫn mặc bộ áo dòng trắng Đa Minh, vẫn bộ áo cũ kỹ mà ngài đã mang ngày trước. Và chẳng ai có thể thuyết phục được thánh nhân thay đổi hết!
Với cương vị là giáo hoàng, thánh Piô V phải đương đầu với nhiều khó khăn. Ngài kín múc nghị lực nơi Ảnh Chúa Chịu Nạn. Hằng ngày, thánh Piô V suy gẫm về những nỗi thống khổ và cuộc tử nạn của Đức Chúa Giêsu. Vào lúc này, những người Thổ đang cố chinh phục toàn thể thế giới Công giáo. Họ có một hạm đội lớn gồm các sĩ quan và binh lính đang đóng quân ở Địa Trung Hải. Một đội quân Công giáo đã chiến đấu với họ tại nơi gọi là Lêpant, gần Hy Lạp. Từ lúc đội quân lên đường ra trận, đức thánh cha đã cầu nguyện bằng kinh Mân Côi. Ngài khuyến khích mọi tín hữu cùng đọc kinh với ngài. Cảm tạ Đức Mẹ đã thương giúp, các Kitô hữu đã khải thắng. Để tỏ lòng biết ơn Đức Mẹ, thánh Piô V đã thiết lập lễ Đức Mẹ Mân Côi. Chúng ta mừng lễ này hằng năm vào ngày mùng 7 tháng Mười.
Đức thánh cha Piô V qua đời vào ngày mùng 1 tháng Năm năm 1572 tại Rôma. Ngày lễ của thánh nhân được mừng kính hôm nay vì mùng 1 tháng Năm là ngày lễ kính thánh Giuse lao động. Năm 1712, đức thánh cha Clêmentê XI đã tôn giáo hoàng Piô V lên bậc hiển thánh.
Bằng đời sống của mình, đức thánh cha Piô V nhắc nhớ chúng ta rằng Thiên Chúa chọn gọi chúng ta vì những lý do riêng tư của Người. Điều chúng ta phải làm là hãy giữ mối liên lạc thân tình giữa chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta thực hiện việc này qua kinh nguyện hằng ngày, qua việc lãnh nhận các bí tích Thánh Thể và Hòa giải. Chúng ta thực hiện việc này bằng cách xem và theo dõi những phương tiện thông tin lành mạnh. Chúng ta cũng thực hiện việc này bằng cách đi đây đó và chọn chơi với những bạn bè đứng đắn lịch thiệp.
Tháng 05
Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ
Ngày 01: Thánh Giuse lao động
Ngày 02: Thánh Athanasiô
Ngày 03: Thánh Philipphê và thánh Giacôbê
Ngày 04: Chân phước Maria Lêôni Parađi
Ngày 05: Thánh Giuđitha Prusia
Ngày 06: Chân phước Phanxicô Mônmôrency Laval
Ngày 07: Chân phước Rôsa Vênêrini
Ngày 08: Chân phước Catarina dòng thánh Augustinô
Ngày 09: Chân phước Nicôla Albergarti
Ngày 10: Thánh Antôniô
Ngày 11: Thánh Inhaxiô Lacôni
Ngày 12: Thánh Nêrô, Akilêô và Pancrasiô
Ngày 13: Thánh Anrê Phơnê
Ngày 14: Thánh Mátthia
Ngày 15: Thánh Isiđôrô nông gia
Ngày 16: Thánh Ubal
Ngày 17: Thánh Pascal Baylon
Ngày 18: Thánh Gioan I
Ngày 19: Thánh Celestinô V
Ngày 20: Thánh Bênađinô Siêna
Ngày 21: Chân phước Êugiêniô Magiênô
Ngày 22: Thánh Rita Cassia
Ngày 23: Thánh Gioan Baotixita Rôsi
Ngày 24: Thánh Đavít I Scốtlen
Ngày 25: Thánh Bêđa khả kính, thánh Grêgôriô VII và thánh Maria Mađalêna Pazzi
Ngày 26: Thánh Philipphê Nêri
Ngày 27: Thánh Augustinô Cantơbơri
Ngày 28: Thánh Chân phước Magarita Pôlê
Ngày 29: Thánh Maximiniô
Ngày 30: Thánh Giăngđắc
Ngày 31: Lễ thăm viếng của Đức Maria
Ngày 1 tháng 5
Thánh Giuse lao động
Đây là ngày lễ thứ hai của thánh Giuse trong lịch mừng lễ của Giáo hội. Chúng ta đã mừng lễ kính thánh nhân hôm 19 tháng Ba. Giuse là vị thánh rất quan trọng. Ngài là phu quân của Đức Trinh Nữ Maria Mẹ chúng ta và là cha đồng trinh của Đức Chúa Giêsu.
Hôm nay, chúng ta ca ngợi tấm gương chứng nhân về sự lao động chăm chỉ của thánh Giuse. Ngài là một bác phó mộc đã làm việc cần mẫn trong xưởng mộc nhỏ bé. Thánh Giuse dạy chúng ta rằng công việc chúng ta đang làm là rất quan trọng. Bởi qua việc đó, chúng ta góp phần vào việc phục vụ xã hội loài người. Hơn thế nữa, là những Kitô hữu, chúng ta nhận ra việc làm của mình như tấm gương phản chiếu chính bản thân chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải siêng năng chuyên cần làm việc.
Hằng năm, nhiều quốc gia dành ra một ngày để tỏ lòng biết ơn những người lao động. Điều này nói lên ý nghĩa và chân giá trị của việc lao công. Giáo hội ban cho chúng ta một mẫu gương lao công tuyệt hảo là thánh Giuse. Năm 1955, đức thánh cha Piô XII đã công bố ngày lễ thánh Giuse lao động phải được cử hành hằng năm.
Chúng ta hãy nài xin thánh Giuse lao động giúp chúng ta siêng năng chịu khó hơn trong công việc bổn phận của mình.
Ngày 2 tháng 5
Thánh Athanasiô
Thánh Athanasiô sinh vào khoảng năm 297 tại Alêxanđria, nước Ai Cập. Thánh nhân đã trung thành tận hiến đời mình để minh chứng Đức Chúa Giêsu là Thiên Chúa chân thật. Điều này quan trọng bởi vì một số người theo bè rối Ariô đã chối bỏ chân lý trên. Ngay trước khi làm linh mục, thánh Athanasiô đã đọc nhiều sách dạy về đức tin. Đó là lý do tại sao thánh nhân có thể dễ dàng vạch ra những giáo huấn sai lầm của bè rối Ariô.
Thánh Athanasiô làm tổng giám mục thành Alêxanđria khi chưa đầy ba mươi tuổi. Suốt bốn mươi sáu năm, Athanasiô là một mục tử hết sức anh dũng. Cả bốn vị hoàng đế Rôma đã không thể nào bắt ép Athanasiô thôi việc viết những bài giải thích rất hay và rất rõ ràng về đức tin thánh thiện của Kitô giáo. Các kẻ thù của Athanasiô thì tìm mọi cách để khủng bố ngài.
Trong cuộc đời, thánh Athanasiô bị đuổi ra khỏi giáo phận của ngài tất cả năm lần. Lần lưu đày đầu tiên kéo dài hai năm. Năm 336, Athanasiô bị đưa đến thành phố Triơ. Vị giám mục quảng đại tốt lành là thánh Maximiniô đã tiếp đón Athanasiô cách rất nồng hậu. Lễ kính thánh Maximiniô được mừng vào ngày 29 tháng Năm. Những lần lưu đày khác kéo dài lâu hơn. Thánh Athanasiô bị những kẻ thù ngài săn đuổi. Trong một kỳ lưu đày, các đan sĩ đã trông giữ Athanasiô cách an toàn trong sa mạc suốt bảy năm. Do đó, các kẻ thù của thánh Athanasiô đã không thể nào tìm được ngài.
Một lần kia, các binh lính của hoàng đế rượt đuổi Athanasiô trên bờ sông Nil. “Họ đang đuổi bắt chúng ta!” các bạn hữu của thánh nhân thét lên. Nhưng Athanasiô chẳng lo lắng gì cả. “Hãy quay thuyền vòng lại,” ngài nói cách bình thản, “và hãy chèo về phía họ!” Các binh lính ở trong thuyền kia la lên: “Các anh có thấy Athanasiô đâu không?” Đằng sau có tiếng trả lời: “Chúng ta chẳng còn cách xa ông ấy bao nhiêu!” Rồi chiếc thuyền của kẻ thù cố sức phóng nhanh hơn vận tốc bình thường; và thế là thánh Athanasiô đã an toàn thoát nạn!
Dân thành Alêxanđria rất yêu mến đức tổng giám mục tốt lành này. Ngài thực là một người cha của họ. Với những năm tháng trôi qua, họ hiểu rõ được những đau khổ mà thánh Athanasiô đã phải chịu vì Đức Chúa Giêsu và Giáo hội thật nhiều chừng nào. Chính giáo dân, những người đã cùng làm việc với thánh nhân, làm chứng rằng Athanasiô đã góp phần rất lớn vào việc kiến tạo hòa bình. Ngài đã sống bảy năm sau cùng với họ trong niềm vui thư thái. Các kẻ thù của Athanasiô đã lùng bắt ngài nhưng không thể nào tìm được ngài. Suốt thời gian ấy, thánh Athanasiô viết truyện “Cuộc đời thánh Antôn ẩn tu.” Thánh Antôn là người bạn chí thân của Athanasiô lúc Athanasiô còn trẻ. Lễ kính thánh Antôn được cử hành ngày 17 tháng Giêng.
Thánh Athanasiô qua đời trong an bình vào ngày mùng 2 tháng Năm năm 373. Ngài vẫn là một trong những vị thánh can đảm đặc biệt nhất qua mọi thời đại.
Vị thánh này thách đố chúng ta hãy khát khao học hỏi và nghiên cứu về đức tin của mình. Chúng ta hãy nài xin thánh Athanasiô ban cho chúng ta được lòng hăng say và yêu mến Đức Chúa Giêsu như ngài.
Ngày 3 tháng 5
Thánh Philipphê và thánh Giacôbê
Cả hai vị thánh này đều là thành viên trong nhóm Mười Hai tông đồ của Đức Chúa Giêsu. Philipphê là một trong số những môn đệ được chọn đầu tiên. Ngài sinh tại Bétsaiđa, miền Galilêa. Đức Chúa Giêsu gặp ngài và bảo “hãy theo Ta!” Philipphê cảm thấy rất hạnh phúc và sung sướng được ở với Đức Chúa Giêsu và ngài muốn san sẻ niềm vui sướng ấy với người bạn Nathanael của ngài. “Chúng tôi đã gặp thấy Người mà Môisê và các tiên tri đã viết,” Philipphê giải thích, “Người chính là Giêsu Nazareth!”
Xem ra Nathanael chẳng hồi hộp và bỡ ngỡ chút nào! Nazareth chỉ là một làng quê nhỏ bé. Nó không rộng lớn và quan trọng như Giêrusalem. Vì thế, Nathanael nói: “Nào có cái gì tốt lành xuất từ Nazareth đâu?” Nhưng Philipphê không tức giận trước câu trả lời của bạn mình. Ngài chỉ nói: “Hãy đến mà xem!” Và Nathanael đến gặp Đức Chúa Giêsu. Sau khi trò chuyện với Chúa, Nathanael cũng trở nên môn đồ nhiệt tâm của Đức Chúa Giêsu.
Thánh Giacôbê là con của ông Alphê. Ngài cũng được Đức Chúa Giêsu tuyển chọn làm một trong số mười hai tông đồ. Với tước vị là tông đồ, thánh Giacôbê được sai đi loan truyền Tin mừng và làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh. Cùng với các tông đồ khác, thánh Giacôbê đã góp sức xây dựng nền móng Giáo hội. Người ta rất coi trọng Giacôbê đến nỗi họ gọi ngài là “Giacôbê công chính,” nghĩa là “Giacôbê thánh thiện.” Họ cũng gọi ngài là “Giacôbê hậu” vì ngài nhỏ tuổi hơn một tông đồ khác cũng mang tên Giacôbê. Người ta gọi Giacôbê kia là “Giacôbê tiền” bởi vì ngài lớn tuổi hơn.
Hết thảy chúng ta đều có thể trở thành những tông đồ của Đức Chúa Giêsu bằng những cách thế riêng mình. Chúng ta có thể chia sẻ Tin mừng qua niềm tin vào Đức Chúa Giêsu trong đời sống chúng ta. Đó là cách thức để bắt chước hai thánh tông đồ Philipphê và Giacôbê.
Ngày 4 tháng 5
Chân phước Maria Lêôni Parađi
Êlôđiê Parađi được sinh ra trong ngôi làng Acađiê ở Quêbéc, nước Canađa. Đó là ngày 12 tháng Năm năm 1840. Song thân Êlôđiê tuy nghèo khó nhưng là những tín hữu rất có lòng sùng đạo. Họ yêu mến cô gái nhỏ của họ. Khi Êlôđiê lên chín, cha mẹ Êlôđiê quyết định gởi ngài vào một trường nội trú. Họ muốn cho Êlôđiê có được một nền học vấn xuất sắc. Các nữ tu dòng Đức Mẹ đã tiếp nhận em học sinh mới này với tấm lòng thiện cảm. Tuy vậy, cả Êlôđiê lẫn gia đình rất thương nhớ nhau.
Ông Parađi phải vất vả trông coi và điều khiển nhà máy xay bắp. Nhưng thật là tệ vì lợi tức của cả nhà máy cũng chẳng đủ để nuôi vợ nuôi con. Ông Parađi nghe biết những bài tường thuật kỳ lạ thật bùi tai về “cơn sốt vàng” ở California. Và ông đã liều mình quyết đi tới đó. Nhưng ở California, ông Parađi cũng chẳng tìm được của cải như lòng ông mong ước. Khi trở về Acađiê, ông rất kinh hoàng vì nhận thấy cô gái nhỏ Êlôđiê của ông đã đi tu. Êlôđiê đã gia nhập dòng Thánh Giá ngày 21 tháng Hai năm 1854. Ông Parađi liền đến tu viện. Ông năn nỉ cô bé về nhà nhưng Êlôđiê quyết chọn ở lại. Sau cùng, người cha cũng đành phải chấp nhận. Êlôđiê tuyên khấn năm 1857 và nhận tên là Maria Lêôni. Chân phước Maria Lêôni dạy học trong nhiều thành phố. Ngài cầu nguyện và sống rất vui vẻ.
Thời gian cứ thế trôi qua! Nữ tu Maria Lêôni Parađi được Đức Chúa Giêsu soi dẫn thiết lập một hội dòng mới trong Giáo hội. Năm 1880, các Nữ Tu Nhỏ, tức các chị Tiểu Muội dòng Thánh Gia, khởi sự hoạt động. Các chị dòng đáng yêu này dâng hiến đời mình phục vụ hàng linh mục. Công việc đặc biệt của họ là giúp các linh mục trông nom nhà cửa và công việc. Các Nữ Tu Nhỏ dòng Thánh Gia hiện có sáu mươi bảy tu viện ở Canađa, Hoa kỳ, Rôma và Hôđura.
Mẹ Maria Lêôni Parađi đã hy sinh phục vụ các nữ tu của Mẹ cho đến những giờ sau hết của đời Mẹ. Mẹ thường hay đau bệnh. Nhưng Mẹ chẳng bao giờ thôi việc chăm lo cho dân Chúa. Mẹ tu chỉnh lần cuối những trang hiến luật Mẹ đã viết. Rồi Mẹ nhờ người mang ra tiệm in. Cuốn sách ấy chỉ dẫn cho các nữ tu của Mẹ biết những nhu cầu cần thiết trong đời sống của họ. Vào thứ Sáu ngày mùng 3 tháng Năm năm 1912, Mẹ Maria Lêôni Parađi cảm thấy rất mệt. Mẹ đi nghỉ và vài giờ sau đó Mẹ đã qua đời. Mẹ Maria Lêôni Parađi sống thọ bảy mươi mốt tuổi.
Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho Mẹ Maria Lêôni Parađi. Sự kiện vui mừng này diễn ra tại Jarry Park, Montriơ, Canađa ngày 11 tháng Chín năm 1984.
Đôi khi chúng ta sợ thất bại hoặc lo lắng quá nhiều về tương lai của mình. Những lúc ấy chúng ta hãy nài xin chân phước Maria Lêôni Parađi giúp chúng ta biết sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa như ngài.
Ngày 5 tháng 5
Thánh Giuđitha Prusia
Thánh Giuđitha Prusia sống vào thế kỷ thứ mười ba. Ngài được sinh tại Turingia (ngày nay vùng này thuộc Trung Đức). Giuđitha muốn bắt chước mẫu gương của thánh nữ Êlizabeth Hungari. Lễ mừng kính vị thánh này được cử hành vào ngày 18 tháng Mười Một. Thánh nữ Êlizabeth Hungari đã sống từ năm 1207 đến năm 1231. Ngài được phong thánh năm 1235. Ở thời đại của Giuđitha, nhiều nữ Kitô hữu đã chịu ảnh hưởng bởi gương sáng thánh thiện của thánh nữ Êlizabeth.
Khi lên mười lăm tuổi, Giuđitha kết hôn với một chàng quý tộc giàu có. Giuđitha cố gắng trở nên một người vợ mẫu mực theo giáo huấn Kitô giáo. Đặc biệt Giuđitha rất quảng đại với những người nghèo khổ. Chồng của Giuđitha là một người tốt bụng nhưng lại thỏa mãn với lối sống giàu sang của ông. Ông mong muốn người vợ của ông cũng ăn mặc và trưng diện như một bà quý phái. Ông cảm thấy lối phục sức sang trọng của các bà phu nhân làm cho các bà được nể trọng. Nhưng Giuđitha dịu dàng thuyết phục chồng ngài hãy sống và ăn mặc giản dị hơn. Và khi làm điều này, họ sẽ có thêm nhiều của bố thí cho những người xấu số hơn họ.
Chồng của Giuđitha qua đời bất ưng đang khi hành hương tới thánh địa. Người quả phụ trẻ phải ở lại một mình nuôi con. Khi con cái khôn lớn, Giuđitha cảm thấy một sự khao khát thôi thúc trong tâm hồn mình qua những chuỗi ngày hạnh phúc và bận rộn của cuộc sống. Rồi Giuđitha đã bố thí hết mọi của cải và sống như một ẩn sĩ. Sau đó, Giuđitha đến Prusia, nơi người ta không biết ngài xuất thân từ gia đình giàu có. Ở đó, nơi túp lều bé nhỏ của mình, Giuđitha dùng thời giờ để cầu nguyện và chăm sóc những lữ khách rã rời yếu mệt. Đặc biệt ngài cầu nguyện cho những người vô tín ngưỡng được ơn trở lại. Giuđitha Prusia cũng cầu nguyện cho những Kitô hữu mới chịu phép Thánh tẩy được ơn trung thành với đức tin của họ.
Lần kia, thánh nữ nói: “Có ba điều có thể giúp chúng ta sống thân mật với Thiên Chúa, đó là: nhẫn nhục chịu những đau khổ thể xác, chấp nhận cuộc sống lưu vong nơi đất khách quê người và chọn lối sống nghèo khó vì yêu mến Thiên Chúa.” Thánh nữ Giuđitha Prusia qua đời vì cơn bệnh sốt vào năm 1260.
Bất cứ khi nào chúng ta lo lắng về ấn tượng cảm xúc chúng ta gây nên, chúng ta hãy cầu nguyện với thánh nữ Giuđitha Prusia. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ giúp chúng ta biết hướng nhìn về Thiên Chúa. Điều đó quan trọng hơn là lo lắng tới những chuyện người ta nói về chúng ta.
Ngày 6 tháng 5
Chân phước Phanxicô Mônmôrency Laval
Chân phước Phanxicô Mônmôrency Laval là giám mục đầu tiên của thành phố Quêbéc, nước Canađa. Phanxicô cất tiếng khóc chào đời năm 1623 trong một thị trấn nhỏ bên Pháp. Phanxicô được hấp thụ một nền giáo dục Kitô giáo tuyệt vời. Ngài học với các tu sĩ dòng Tên và sau đó tới Pari để hoàn tất việc chuẩn bị cho thiên chức linh mục. Phanxicô Mônmôrency Laval thụ phong linh mục vào tháng Năm năm 1647. Ngày mùng 8 tháng Mười Hai năm 1658, Phanxicô Mônmôrency Laval được tấn phong giám mục; và qua năm 1659, ngài đến vùng Đất Mới của nước Pháp.
Giám mục Phanxicô Laval rất giàu tinh thần truyền giáo. Ngài chấp nhận cuộc sống khai hoang của bổn đạo mình. Thậm chí, Phanxicô Laval đã can đảm tiếp nhận một nhiệm vụ lớn lao hơn thế nữa. Ngài thiết lập một Giáo hội ở Canađa, nơi trước đây chỉ là khu vực truyền giáo. Giám mục Phanxicô Laval xin các vị thừa sai dòng Tên giúp đỡ những cư dân bản xứ. Ngài lập ra những xứ đạo mới dành cho các Kitô hữu nói tiếng Pháp. Đến năm 1663, Phanxicô Mônmôrency Laval thành lập chủng viện Quêbéc. Đây là một việc rất quan trọng bởi vì chủng viện quý báu này sẽ giúp đào luyện các linh mục tương lai cho dân Chúa.
Giám mục Phanxicô Mônmôrency Laval yêu mến mọi con chiên trong giáo phận rộng lớn của ngài. Phanxicô là vị giám mục biết quan tâm lo lắng và là một người có tâm hồn cầu nguyện. Thánh giá đặc biệt nhất của Phanxicô là vấn đề cản trở liên tục từ phía các nhà cầm quyền dân sự. Cách riêng, Phanxicô thẳng thắn vạch ra những tai hại của việc buôn bán các loại rượu mạnh.
Năm 1688, Phanxicô về hưu và giám mục Valliê lên thay thế. Giám mục Phanxicô Laval cũng cống hiến trọn hai mươi năm sau cùng của đời ngài cho những hoạt động bác ái từ thiện. Phanxicô Mônmôrency Laval về trời năm 1708. Khách hành hương đến cầu nguyện tại ngôi mộ của Phanxicô; và họ đã thuật lại các phép lạ. Ngày 22 tháng Sáu năm 1980, đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn phong giám mục Phanxicô Mônmôrency Laval lên hàng chân phước.
Giám mục Phanxicô Mônmôrency Laval giúp chúng ta nhận thức được ý nghĩa của hai chữ “truyền giáo.” Ngài đã can đảm rời bỏ quê hương thân yêu của ngài để đi đến Canađa khi miền đất này mới chỉ là một cứ điểm truyền giáo. Chúng ta hãy nài xin giám mục Phanxicô Mônmôrency Laval giúp chúng ta nhận biết về Giáo hội trên khắp hoàn vũ. Chúng ta cũng hãy nhớ đến mọi người khi đọc kinh nguyện.
Ngày 7 tháng 5
Chân phước Rôsa Vênêrini
Chân phước Rôsa Vênêrini sinh tại thành Vitêô, nước Ý, vào năm 1656. Thân phụ của Rôsa là một thầy thuốc khoa nội. Rôsa Vênêrini gia nhập tu viện nhưng sau vài tháng lại trở về nhà. Rồi thân phụ Rôsa qua đời và Rôsa cảm thấy mình có bổn phận phải chăm sóc phụng dưỡng người mẹ góa.
Rôsa Vênêrini tuy vẫn sống độc thân nhưng nhận thấy mình có khả năng lãnh đạo. Vào mỗi buổi tối, Rôsa tập hợp các bạn thanh nữ trong xóm lại và cùng nhau đọc kinh Mân Côi. Khi đã hiểu nhau rồi, Rôsa thấy các bạn trẻ nhận biết về đức tin của mình còn quá kém. Vì vậy năm 1685, Rôsa Vênêrini và hai chị giúp việc đã mở một trường học miễn phí dành cho các trẻ nữ. Các bậc phụ huynh gởi con em của họ nơi đây rất hài lòng với bầu khí và phương pháp giáo dục.
Rôsa Vênêrini là một nhà giáo dục có tài. Nhưng trên hết, Rôsa có thể thông trao cho người khác cách thức truyền đạt của ngài. Vào năm 1692, đức hồng y Barbarigô mời Rôsa Vênêrini tới giáo phận của ngài. Đức hồng y muốn Rôsa thiết lập các trường học và đào tạo các giáo viên cho ngài. Chính nhờ ở trong giáo phận của đức hồng y Barbarigô mà Rôsa Vênêrini đã trở thành người bạn và là giảng viên của một vị thánh tương lai. Vị ấy là thánh nữ Luxia Philippini lập dòng. Nữ tu Luxia Philippini được tôn phong lên bậc hiển thánh vào năm 1930.
Rôsa Vênêrini cũng thiết lập các trường ở nhiều nơi khác nữa. Có vài người bực tức với công việc của Rôsa đã quấy phá Rôsa và các giáo viên của ngài. Nhưng các giáo chức vẫn luôn luôn tin tưởng vào thiện ích của việc giáo dục. Thậm chí Rôsa Vênêrini còn mở một trường học ở Rôma vào năm 1713. Đức thánh cha Clêmentê XI đã vui sướng chúc mừng Rôsa Vênêrini về việc đã thiết lập được một trường học tuyệt vời như vậy.
Người giảng viên trung tín này mất tại Rôma vào ngày mùng 7 tháng Năm năm 1728, lúc được bảy mươi hai tuổi. Sau khi qua đời, các chị giáo không thuộc giới tu sĩ của chân phước Rôsa Vênêrini đã trở thành các nữ tu. Các nữ tu Vênêrini tiếp tục thực hiện sứ vụ giáo dục của họ theo cách thức mà chân phước Rôsa Vênêrini đã làm. Năm 1952, Rôsa Vênêrini được đức thánh cha Piô XII tôn phong lên bậc chân phước.
Chân phước Rôsa Vênêrini đã nhận thức được chân giá trị của việc giáo dục. Nếu chúng ta muốn quyết tâm cố gắng hơn trong việc học tập của mình, chúng ta hãy nài xin chân phước Rôsa Vênêrini giúp đỡ.
Ngày 8 tháng 5
Chân phước Catarina dòng thánh Augustinô
Chân phước Catarina sinh ngày mùng 3 tháng Năm năm 1632 trong một ngôi làng nhỏ bên nước Pháp. Ngài được chịu phép Thanh tẩy cùng ngày hôm ấy. Các thành viên trong gia đình Catarina là những Kitô hữu rất đạo đức. Ông bà nội của Catarina đã nêu gương đặc biệt qua việc quan tâm đến những người nghèo khổ. Catarina chăm chú quan sát với đôi mắt tròn xoe ngây thơ khi bà nội của ngài dắt về nhà một người hành khất khuyết tật cả về thể chất lẫn tinh thần. Bà đã cho ông ta nước tắm, quần áo sạch và cả một bữa ăn ngon. Tối hôm ấy, khi Catarina và ông bà ngồi xung quanh bếp lửa, họ đã cùng nhau đọc to kinh Lạy Cha. Họ cảm tạ Thiên Chúa vì những phúc lành Người đã thương ban.
Bởi vì chẳng có bệnh viện nào trong thị trấn nhỏ bé của họ, nên những người đau bệnh đã được điều trị ngay tại căn nhà của ông bà nội. Catarina hiểu rằng bệnh tật và đau khổ đòi phải có lòng kiên nhẫn chịu đựng. Chỉ mới là một cô gái nhỏ nhưng Catarina cũng biết cầu nguyện xin Đức Chúa Giêsu cất bớt đau khổ cho họ. Ngay khi còn rất trẻ, Catarina đã gia nhập dòng nữ Augustinô, lúc ấy mới thành lập. Họ chăm sóc bệnh nhân trong các bệnh viện. Ngày 24 tháng Mười năm 1646, Catarina nhận áo dòng. Đó cũng là ngày người chị gái của Catarina tuyên lời khấn thánh. Năm 1648, Catarina nghe biết các linh mục thừa sai xin các nữ tu đến truyền giáo tại vùng Đất Mới của nước Pháp và Canađa. Chị của Catarina được chọn làm người đầu tiên trong hội dòng đi Canađa truyền giáo. Lúc ấy, Catarina chỉ mới được mười sáu tuổi nhưng cũng xin tình nguyện đi. Catarina tuyên các lời khấn thánh ngày mùng 4 tháng Năm năm 1648. Rồi ngày hôm sau, Catarina trẩy tàu đến Canađa. Hôm đó là ngày áp sinh nhật lần thứ mười sáu của ngài.
Cuộc sống nơi Quêbéc, Canađa thật khó khăn. Sơ Catarina yêu mến các cư dân sống ở đây. Những người thổ dân cảm thấy thật dễ chịu vì thái độ vui vẻ của Catarina. Catarina nấu nướng và chăm sóc những người đau ốm trong khu bệnh xá nghèo nàn của dòng. Nhưng Catarina cũng cảm thấy sợ hãi. Những người thổ dân Irôquơ đang giết chết nhiều người và đốt phá nhiều làng mạc. Catarina cầu nguyện cho thánh Brêbô, một linh mục dòng Tên, đã bị những người Irôquơ giết hại năm 1649. Catarina xin thánh nhân giúp mình trung thành bền đỗ trong ơn gọi tu trì. Trong lòng, Catarina nghe thấy thánh nhân khuyên hãy ở lại. Thế rồi, thực phẩm dần dần khan hiếm; và về mùa đông, khí hậu trở nên cực kỳ giá lạnh. Vài người trong số các nữ tu không thể chịu đựng nổi cuộc sống khắc nghiệt và sự đe dọa của thần chết. Và thật tiếc thay, họ đã trở về nước Pháp. Sơ Catarina cũng lo sợ. Đôi lúc sơ hầu như không thể cầu nguyện được. Sơ cảm thấy buồn sầu đang khi mỉm cười với hết thảy những người thân yêu mà sơ chăm sóc trong dãy nhà thương dành cho các bệnh nhân. Thế rồi, chính trong lúc mọi sự mù mịt và đen tối nhất xảy đến, sơ Catarina đã khấn là sẽ không bao giờ rời bỏ Canađa. Sơ đoan hứa rằng sẽ ở lại làm những công việc bác ái cho đến chết. Khi thực hiện lời khấn này, sơ Catarina mới chỉ có hai mươi hai tuổi.
Tuy cuộc sống khai hoang mở đường nơi vùng đất Pháp thuộc có nhiều khó khăn, thì càng ngày vẫn càng có thêm nhiều người đến đây cư trú. Giáo hội phát triển. Thiên Chúa chúc lành cho miền đất mới qua việc ban thêm các vị thừa sai. Vào năm 1665, sơ Catarina trở thành Mẹ tập sư của cộng đoàn. Sơ vẫn tiếp tục sống đời cầu nguyện và giúp việc bệnh xá cho tới lúc qua đời. Sơ Maria Catarina dòng thánh Augustinô mất ngày mùng 8 tháng Năm năm 1668, hưởng dương ba mươi sáu tuổi. Đến năm 1989, đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn phong sơ Catarina lên bậc chân phước.
Đức Chúa Giêsu không hứa với chúng ta rằng cuộc sống của chúng ta sẽ được thoải mái dễ chịu, không có đau khổ hoặc phiền toái chi. Người chỉ hứa sẽ luôn luôn ở với chúng ta. Khi gặp sợ hãi hay chán nản, chúng ta hãy cầu xin chân phước Catarina dòng thánh Augustinô ban cho chúng ta chút lòng can đảm của ngài.
Ngày 9 tháng 5
Chân phước Nicôla Albergarti
Chân phước Nicôla Albergarti sinh tại Bôlônha, nước Ý. Gia đình Nicôla đã chu cấp cho ngài đi đại học, nơi ngài sẽ học môn luật. Nhưng sau vài năm, Nicôla lại quyết định không chọn làm luật sư. Khi lên hai mươi tuổi, Nicôla Albergarti gia nhập dòng Brunô. Năm 1417, vị tu sĩ Brunô này được chọn làm giám mục giáo phận quê hương ngài. Nicôla không hề kỳ vọng điều đó bao giờ. Thậm chí, ngài cũng không thể tin rằng đó là ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng các bề trên của Nicôla thì quả quyết đây là thánh ý của Thiên Chúa.
Dân chúng yêu thích giám mục Nicôla. Ngài sống trong một căn nhà đơn sơ và bé nhỏ. Nicôla Albergarti sinh hoạt giống như họ. Ngài khởi sự thăm nom các bổn đạo trong giáo phận của ngài. Trước tiên, Nicôla Albergarti tới thăm các gia đình nghèo khổ bất hạnh. Ngài nói chuyện với họ và giúp đỡ họ những nhu cầu cần thiết. Nicôla Albergarti chúc lành cho gia đình của họ và họ rất biết ơn ngài.
Năm 1426, đức giám mục Nicôla Albergarti được phong làm hồng y. Ngài nổi tiếng là người khôn ngoan và thánh thiện. Hai vị giáo hoàng Máctinô V và Êugiêniô IV đã năng bàn hỏi với Nicôla Albergarti khi gặp những vấn đề quan trọng của Giáo hội. Chân phước Nicôla Albergarti cũng khuyến khích việc trau dồi kiến thức. Thực vậy, chính Nicôla Albergarti đã viết rất nhiều sách.
Hồng y Nicôla Albergarti qua đời trong chuyến công du tới Siêna, nước Ý. Đức thánh cha Êugiêniô IV đã tham dự thánh lễ an táng và chôn cất ngài.
Chân phước Nicôla Albergarti về trời năm 1443.
Có bao giờ bạn cảm thấy tức giận khi không được người khác lưu tâm đến? Lúc ấy bạn hãy cầu nguyện với chân phước Nicôla Albergarti. Ngài đã tiếp nhận sự ưu ái quan tâm mà chẳng bao giờ ngài muốn. Chân phước Nicôla Albergarti sẽ chỉ cho chúng ta biết rằng việc dùng thời giờ để tôn vinh Thiên Chúa thật sự quý giá biết là chừng nào!
Ngày 10 tháng 5
Thánh Antôniô
Thánh Antôniô sống vào thế kỷ thứ mười lăm. Ngay lúc còn trẻ, Antôniô đã tỏ ra là một người có năng lực tuyệt vời. Người ta kể truyện rằng khi lên mười lăm tuổi, Antôniô xin gia nhập dòng thánh Đa Minh. Trông Antôniô lúc ấy rất bé nhỏ và non trẻ. Cha bề trên chăm chú nhìn Antôniô hồi lâu rồi nói: “Được, ta sẽ nhận con với điều kiện con phải học thuộc lòng ‘Sắc lệnh về Ân sủng!’” “Sắc lệnh về Ân sủng” là một tập sách dầy hàng trăm trang. “Bằng không,” cha bề trên nói tiếp, “ta sẽ không nhận!”
Nhưng Antôniô đã chấp nhận lời yêu cầu khó khăn ấy. Một năm sau, Antôniô trở lại. Thật là khó diễn tả sự ngỡ ngàng của cha bề trên khi ngài nhận thấy Antôniô đã nhớ thuộc lòng toàn bộ sắc lệnh! Không cần nói thêm lời nào, Antôniô lập tức được nhận vào dòng. (Tuy nhiên, không phải do khả năng ghi nhớ của thánh Antôniô đã làm thay đổi ý định của cha bề trên mà là vì thánh nhân đã chứng tỏ mình thật nghiêm túc và chân thành đối với ơn kêu gọi tu trì.)
Dù chỉ mới mười sáu, Antôniô đã không ngớt làm cho mọi người phải ngạc nhiên bởi lối sống của ngài trong tu viện. Khi lớn hơn, Antôniô được trao cho hết nhiệm vụ quan trọng này tới nhiệm vụ quan trọng khác. Gương sáng đạo đức của Antôniô ảnh hưởng trên các anh em tu sĩ Đa Minh cùng tu với ngài. Họ yêu mến và kính trọng Antôniô. Điều này được minh chứng cách hùng hồn trong đời sống của chân phước Antôn Nâyrô, lễ kính ngày mùng 10 tháng Tư.
Vào tháng Ba năm 1446, thánh Antôniô được chọn làm tổng giám mục giáo phận Florentia, nước Ý. “Cha của những người nghèo khó” là danh xưng người ta đặt cho vị thánh này. Thánh Antôniô không bao giờ từ chối giúp đỡ ai. Khi hết tiền, thánh Antôniô đã bố thí cho họ áo quần, giầy ủng, đồ đạc hay cả con la duy nhất mà ngài đang cưỡi. Nhiều lần, con la này đã được bán đi để lấy tiền giúp đỡ người nghèo. Rồi những người dân giàu có lại giúp tiền chuộc lại cho ngài. Dĩ nhiên, thánh Antôniô lại bán nó để lấy tiền giúp đỡ những người nghèo khổ khác!
Thánh Antôniô thường nói: “Người kế vị các tông đồ không nên tích trữ cho mình bất cứ của gì ngoại trừ sự giàu có về các nhân đức.” Thánh Antôniô về trời năm 1459. Ngài được tôn phong hiển thánh năm 1523.
Thánh Antôniô sẽ giúp chúng ta giữ vững những điều quan yếu. Trong cuộc sống, thánh nhân biết rõ mình đang đi đâu. Thánh nhân đã muốn sống trung thành với lý tưởng của mình cho đến lúc mãn đời. Chúng ta hãy nài xin thánh Antôniô giúp chúng ta được trung thành với Đức Chúa Giêsu như ngài.
Ngày 11 tháng 5
Thánh Inhaxiô Lacôni
Thánh Inhaxiô là con trai của một gia đình nông dân nghèo khó miền Lacôni, nước Ý. Ngài cất tiếng khóc chào đời ngày 17 tháng Mười Hai năm 1701. Khi lên mười bảy tuổi, Inhaxiô bị bệnh rất nặng. Ngài hứa sẽ đi tu dòng Phanxicô nếu được khỏi bệnh. Nhưng khi lành bệnh, người cha lại thuyết phục Inhaxiô chờ đợi. Hai năm sau, Inhaxiô suýt bị tiêu đời bởi sự lồng lộn ngang bướng do con ngựa của ngài. Tuy nhiên, thình lình con ngựa đứng sựng lại và thong thả phi nước kiệu. Sau đó, Inhaxiô nhận ra rằng Thiên Chúa đã cứu chữa ngài; và ngay lập tức, Inhaxiô Lacôni đã quyết định theo đuổi ơn kêu gọi tu trì của ngài.
Thầy Inhaxiô Lacôni chẳng nắm giữ một địa vị quan trọng nào trong dòng Phanxicô. Suốt mười lăm năm trời, thầy làm việc trong xưởng dệt. Rồi trong bốn mươi năm tiếp theo, Inhaxiô Lacôni đã giúp việc cùng với một nhóm anh em đi từ nhà này sang nhà khác xin thức ăn và tiền bố thí để chu cấp cho các tu sĩ. Inhaxiô Lacôni thăm viếng các gia đình và tiếp nhận đồ biếu của họ. Nhưng chẳng bao lâu dân chúng đều biết là họ lại được nhận một món quà gởi trả lại. Thầy Inhaxiô Lacôni an ủi những người đau yếu và khích lệ những người sầu khổ. Thầy hòa giải các kẻ thù địch, làm cho những người tội lỗi trở về cùng Thiên Chúa và khuyên bảo những người gặp cảnh khó khăn. Tất cả mọi người đều mong mỏi sự viếng thăm của thầy.
Cũng có những ngày cơ khổ khác nữa! Lần kia, người ta đóng sầm cửa lại trước mặt Inhaxiô; và trong hầu hết các trường hợp như vậy, thời tiết trở nên xấu tệ. Thầy Inhaxiô Lacôni thường phải đi bộ hàng dặm nhưng vẫn luôn luôn trung thành với công việc của thầy. Lúc ấy, người ta quan sát thấy thầy Inhaxiô Lacôni hay bỏ qua một căn nhà. Chủ nhà là một người giàu có cho vay nặng lãi. Ông bắt những người nghèo phải trả lãi rất cao. Người đàn ông này cảm thấy tủi hổ vì Inhaxiô Lacôni chẳng bao giờ ghé thăm nhà ông để xin tiền bố thí. Ông phàn nàn với bề trên của thầy Inhaxiô. Vị bề trên không biết người cho vay nặng lãi này là ai nên đã sai Inhaxiô Lacôni tới nhà của ông. Thầy Inhaxiô Lacôni không nói lời nào nhưng đã vâng phục lệnh bề trên truyền. Inhaxiô Lacôni trở về kèm theo một giỏ thức ăn lớn. Lúc ấy, Thiên Chúa làm một phép lạ. Khi người ta trút thức ăn trong chiếc giỏ ra thì thấy máu me chảy ướt đẫm. “Đây là máu của những người nghèo,” Inhaxiô Lacôni đơn sơ giải thích. “Đó là lý do tại sao con không bao giờ xin bất cứ của gì nơi nhà người ấy!” Các tu sĩ bắt đầu cầu nguyện để người cho vay này được ơn ăn năn trở lại.
Thầy Inhaxiô Lacôni qua đời vào ngày 11 tháng Năm năm 1781, lúc được tám mươi tuổi. Đến năm 1951, Inhaxiô được đức thánh cha Piô XII tôn phong lên bậc hiển thánh.
Thầy Inhaxiô Lacôni là một tu sĩ Phanxicô hạnh phúc và trung thành. Thầy giúp chúng ta nhận biết rằng món quà quý nhất chúng ta có thể trao ban cho tha nhân chính là gương sáng của chúng ta.
Ngày 12 tháng 5
Thánh Nêrô, Akilêô và Pancrasiô
Thánh Nêrô và thánh Akilêô là những binh sĩ Rôma qua đời khoảng năm 304. Có thể các ngài là những vệ sĩ của hoàng đế Rôma dưới thời vua Trajanô. Chúng ta không được biết nhiều chi tiết về các ngài. Thế nhưng những điều chúng ta biết được là do hai vị giáo hoàng Sirisiô và Đamasô sống vào thế kỷ thứ tư kể lại. Vào năm 398, đức giáo hoàng Sirisiô đã xây một ngôi thánh đường ở Rôma để tôn kính các ngài. Đức giáo hoàng Đamasô thì soạn một bài viết tóm tắt cuộc đời của hai vị tử đạo này. Ngài giải thích rằng Nêrô và Akilêô được ơn trở lại với đức tin Công giáo. Các ngài đã vĩnh viễn từ bỏ vũ khí lại đằng sau. Các ngài là những môn đệ đích thực của Đức Chúa Giêsu dù phải trả giá cả mạng sống mình. Nêrô và Akilêô bị đày ra đảo Têraxina và bị xử trảm tại đó. Vào thế kỷ thứ bốn, ngôi thánh đường thứ hai đã được xây cất tại một nơi khác trong thành Rôma để tôn kính hai vị tử đạo này.
Thánh Pancrasiô, một trẻ mồ côi mười bốn tuổi, cũng sống vào thời gian này. Ngài có lẽ cũng bị giết chết cùng ngày với hai vị thánh trên. Pancrasiô không phải là người bản xứ Rôma. Người cậu trông coi Pancrasiô đã đưa ngài tới đó. Pancrasiô được chịu phép Thanh tẩy và trở nên môn đệ của Đức Chúa Giêsu. Dù mới chỉ là một cậu bé, nhưng Pancrasiô cũng bị bắt giữ vì lý do là Kitô hữu. Pancrasiô nhất định không chịu chối bỏ đức tin của mình. Vì vậy, ngài đã bị kết án tử hình. Pancrasiô bị trảm quyết. Pancrasiô là vị thánh tử đạo rất được sùng mộ và kính phục trong thời Giáo hội sơ khai. Người ta ngưỡng mộ Pancrasiô vì tuy tuổi đời non trẻ nhưng đã rất can đảm và anh dũng. Vào năm 514, người ta xây cất một ngôi thánh đường lớn tại Rôma để tôn kính thánh Pancrasiô. Đến năm 596, một vị thừa sai danh tiếng, thánh Augustinô Cantơbơri, đến đem đức tin Công giáo cho đất nước Anh. Ở đó, thánh nhân đã lấy danh thánh Pancrasiô để đặt tên cho ngôi thánh đường đầu tiên của mình.
Các thánh tử đạo Rôma nhắc nhớ chúng ta ý nghĩa quan trọng của đức tin Công giáo. Mỗi người chúng ta hãy biết quý mến, đề cao cũng như thực hành đức tin này. Nếu muốn kiện toàn đức tin của mình, chúng ta hãy nài xin các thánh Nêrô, Akilêô và Pancrasiô giúp đỡ.
Ngày 13 tháng 5
Thánh Anrê Phơnê
Thánh Anrê Phơnê sinh ngày mùng 6 tháng Mười Hai năm 1752. Quê thánh nhân ở Mailê, một thị trấn nhỏ gần Poichiê, nước Pháp. Song thân của Anrê là những tín hữu sùng đạo. Bà Phơnê ước mong cho Anrê trở thành linh mục. Đứa nhỏ được nghe điều này thường xuyên nhưng lòng cậu không muốn. Một lần kia, Anrê tuyên bố: “Con sẽ là đứa con tốt, nhưng con sẽ không làm linh mục hay tu sĩ gì hết!”
Khi lớn lên, Anrê Phơnê tới Poichiê để học các môn ở đại học. Nhưng việc học hành chẳng được lâu bền. Anrê chỉ lo ăn chơi đua đòi. Thân mẫu Anrê đã phải theo sau Anrê và đã hướng dẫn Anrê vào những nghề nghiệp tốt. Nhưng hết nghề này tới nghề kia, tất cả đều thất bại! Bà mẹ hết sức lo lắng. Chỉ còn duy một cơ hội nữa thôi. Bà thuyết phục Anrê Phơnê đến ở với người cậu, hiện là linh mục, một thời gian. Xứ đạo của cậu tuy nghèo nhưng cậu là một mục tử thánh thiện. Không hiểu vì lý do nào mà Anrê Phơnê đã đồng ý. Đây có lẽ là “cách thức huấn luyện” đặc biệt của Thiên Chúa.
Người cậu của Anrê nhận ra những đức tính quý hiếm nơi cháu trai mình. Gương sáng của cậu phản chiếu một điều gì đó vào tâm hồn Anrê và Anrê đã bình tâm lại. Anrê bắt đầu học hành nghiêm túc để bù lại quãng thời giờ đã đánh mất. Sau đó, Anrê thụ phong linh mục và được bổ nhiệm đến xứ đạo của người cậu. Năm 1781, Anrê được thuyên chuyển về xứ đạo quê nhà ở Mailê. Thân mẫu Anrê rất vui mừng. Anrê đã trở nên một linh mục tốt và có tâm hồn cầu nguyện.
Khi cuộc cách mạng Pháp xảy ra, thánh Anrê Phơnê vẫn giữ vững lời đã thề hứa trung thành với Giáo hội. Ngài bị người ta săn đuổi. Đến năm 1792, thánh nhân bị ép buộc phải chạy trốn sang Tây Ban Nha. Anrê lưu lại đó suốt năm năm. Nhưng vì lo lắng cho các bổn đạo của mình nên sau đó, Anrê đã tìm cách trở về Pháp. Mối nguy hiểm vẫn dâng cao như trước. Cha Phơnê được các giáo dân của ngài bảo vệ. Cha hầu như đã bảy lần thoát chết. Trong thời gian đó cha ban bí tích Hòa giải, cử hành bí tích Thánh Thể, ban các phép sau cùng cho những người hấp hối. Khi Giáo hội được tự do trở lại, thánh Anrê Phơnê không phải lẩn trốn nữa. Ngài luôn luôn kêu gọi các bổn đạo của ngài hãy yêu mến phục vụ Thiên Chúa. Một trong các phụ nữ tốt lành ở vùng đó là thánh nữ Êlisabeth Bikiơ đã giúp thánh Anrê Phơnê rất nhiều. Các ngài đã cùng nhau thiết lập một hội dòng nữ gọi là dòng Nữ Tử Thánh Giá. Lễ kính thánh Êlisabeth Bikiơ được cử hành ngày 26 tháng Tám.
Ngày 13 tháng Năm năm 1834, thánh Anrê Phơnê qua đời, thọ tám mươi hai tuổi. Đến ngày mùng 4 tháng Sáu năm 1933, Anrê Phơnê được đức thánh cha Piô XI tôn phong lên bậc hiển thánh.
Khi cần nhiều can đảm và nghị lực, chúng ta hãy nài xin thánh Anrê Phơnê giúp đỡ.
Ngày 14 tháng 5
Thánh Mátthia
Thánh Mátthia là một trong số bảy mươi hai môn đệ của Đức Chúa Giêsu. Ngài là môn đệ của Đức Chúa Giêsu trong suốt quãng đời sống công khai của Người. Thánh Phêrô đã xin 120 người họp lại để cầu nguyện và chọn một tông đồ thay thế Giuđa. Việc này rất quan trọng vì người ấy sẽ làm giám mục như các tông đồ khác. Thánh nhân nói rằng nên chọn một người đã từng ở với Đức Chúa Giêsu từ lúc Chúa chịu thanh tẩy nơi sông Giođan cho tới khi Chúa về trời.
Chương thứ nhất của sách Tông đồ Công vụ thuật rằng nhóm họ đã đề cử hai người. Một người là Mátthia và người kia là Giuse, gọi là Basaba. Người ta cũng gọi Giuse là Justô. Cả Giuse và Mátthia đều là những người rất được các môn đệ của Đức Chúa Giêsu ưu ái. Vì thế họ là hai người được đề cử thay thế cho Giuđa. Nhưng các tông đồ chỉ chọn có một người! Vậy các ngài đã làm gì? Đơn giản thôi, các ngài đã rút thăm và tên Mátthia được chọn.
Thánh Mátthia là một tông đồ rất tốt lành. Ngài rao giảng Tin mừng ở miền Giuđêa. Rồi ngài đến Cappađôxia (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Nhiều người đã nghe thánh Mátthia thuyết giảng. Họ tin vào sứ điệp kỳ diệu của ngài. Các kẻ thù của Đức Chúa Giêsu rất căm giận khi thấy người ta lắng nghe Mátthia. Họ quyết định ngăn cản ngài. Sau cùng, Mátthia đã chết như một vị thánh tử đạo.
Thánh Mátthia nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có phúc may vì được làm môn đệ của Đức Chúa Giêsu và là một chi thể trong Giáo hội của Người. Chúng ta hãy nài xin thánh Mátthia giúp chúng ta năng sống biết ơn đối với điều chúng ta được nhận lãnh.
Ngày 15 tháng 5
Thánh Isiđôrô nông gia
Vị thánh này sinh năm 1070 tại Mađriđ, nước Tây Ban Nha. Cha mẹ Isiđôrô là những tín hữu Công giáo rất nhiệt thành. Họ lấy tên vị thánh cả Isiđôrô, tổng giám mục thành Sêvil, nước Tây Ban Nha, để đặt cho ngài. Chúng ta đã mừng lễ kính vị thánh này hôm mùng 4 tháng Tư. Song thân của Isiđôrô rất muốn cho con trai mình được hấp thụ một nền giáo dục tuyệt nhất, nhưng lại không đủ khả năng. Họ là những tá điền; cho nên con trai họ cũng sẽ trải qua kiếp đời trong cùng nghề nghiệp ấy.
Thánh Isiđôrô làm thuê cho một địa chủ giàu có ở Mađriđ. Tên của ông là Gioan Vargas. Isiđôrô đã làm việc suốt đời cho ông Vargas. Ngài kết hôn với một cô gái tốt lành cũng xuất thân từ gia cảnh nghèo túng như ngài. Đôi vợ chồng trẻ rất yêu thương nhau. Họ sinh được một bé trai nhưng bé lại mất khi vừa mới chào đời. Qua cái chết của đứa con, Isiđôrô và người vợ dâng lên Đức Chúa Giêsu nỗi đau buồn của họ. Họ tin rằng con trai họ đang được hưởng hạnh phúc muôn đời bên Thiên Chúa.
Thánh Isiđôrô khởi đầu mỗi ngày sống bằng việc tham dự thánh lễ rồi mới bắt tay vào công việc. Ngài hết sức cố gắng làm việc dù không cảm thấy thích thú gì. Thánh nhân vừa cày xới, trồng tỉa, vừa cầu nguyện. Ngài cầu nguyện với Đức Mẹ, với các thánh và thiên thần bản mệnh của ngài. Các vị đã giúp Isiđôrô biến những ngày sống bình thường thành những phút giây hân hoan đặc biệt. Thế giới của niềm tin trở nên rất hiện thực đối với Isiđôrô cũng y như những cánh ruộng của ông Vargas. Khi có ngày nghỉ việc, Isiđôrô dùng thêm giờ để chầu kính Đức Chúa Giêsu trong nhà thờ. Thỉnh thoảng, vào những ngày lễ nghỉ, Isiđôrô và người vợ của ngài đi thăm viếng một vài giáo xứ lân cận nhân dịp có “ngày hành hương cầu nguyện.”
Lần kia, xứ đạo tổ chức khoản đãi một bữa ăn tối. Isiđôrô đến rất sớm và lên nhà thờ cầu nguyện. Ngài tới hội trường nhà xứ trễ. Rồi, Isiđôrô không đến một mình nhưng lại mang theo một nhóm hành khất. Giáo dân trong xứ đạo rất bực mình. Giả như không đủ thức ăn cho tất cả bọn khất thực đó thì sao? Nhưng lạ thay! Càng múc thức ăn vào các dĩa cho họ thì lại càng có dư thêm thức ăn cho mọi người khác. Bằng một giọng ân cần thân ái, thánh Isiđôrô nói: “Luôn luôn có đủ lương thực cho những người nghèo khổ của Đức Chúa Giêsu mà!”
Người ta bắt đầu loan truyền các mẩu truyện lạ về vị thánh nông gia này. Isiđôrô sống hoàn toàn vị tha. Ngài là người dễ thương và giàu lòng trắc ẩn. Isiđôrô là một trong số các vị thánh được người dân Tây Ban Nha yêu thích nhất. Isiđôrô về trời ngày 15 tháng Năm năm 1130. Vào tháng Ba năm 1622, đức thánh cha Grêgôriô XV đã tôn phong năm vị thánh một trật. Các ngài là: thánh Inhaxiô Lôyôla, thánh Phanxicô Xaviê, thánh Têrêsa Avila, thánh Philipphê Nêri và thánh Isiđôrô nông gia.
Thánh Isiđôrô nông gia đã để cho niềm tin vào Đức Chúa Giêsu và Giáo hội soi chiếu cả cuộc đời ngài. Chúng ta hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta cũng yêu mến Thiên Chúa như ngài.
Ngày 16 tháng 5
Thánh Ubal
Vị thánh này sống vào thế kỷ thứ mười hai ở nước Ý. Ngài là một đứa trẻ mồ côi được người cậu làm giám mục nuôi dưỡng. Ubal được hấp thụ một nền giáo dục rất khá. Khi hoàn tất việc học, Ubal gặp một dịp thuận tiện để lập gia đình. Nhưng thay vì bậc sống hôn nhân, Ubal đã chọn làm linh mục. Cuối cùng, đức thánh cha đặt Ubal làm giám mục giáo phận Gubbiô, là thành phố nơi ngài sinh trưởng.
Thánh Ubal nổi tiếng vì đức tính dịu dàng và nhẫn nại. Chẳng hạn, lần kia có một công nhân sửa chữa bức tường của trung tâm thương mại. Anh đã làm tổn hại nặng tới vườn nho của đức giám mục Ubal. Vị thánh dịu dàng chỉ cho anh ta xem. Nhưng anh công nhân chắc là đã thấm mệt. Thậm chí có lẽ anh không nhận ra đức giám mục. Anh thô bạo xô đức giám mục Ubal mạnh đến nỗi ngài đã ngã té vào đống xi măng ướt. Mình dính đầy xi măng, Ubal từ từ chỗi dậy, lau chùi sạch sẽ và trở về nhà. Vài người xem biết sự việc đã đòi anh công nhân phải ra tòa. Và chính đức giám mục Ubal có mặt trong phòng xử án đã biện hộ cho anh ta được tự do.
Đức giám mục Ubal thánh thiện rất yêu mến hòa bình và ngài đã can đảm gìn giữ nền hòa bình. Lần kia, khi dân chúng trong thành Gubbiô ẩu đả nhau trên đường phố, giám mục Ubal đã xông vào giữa hai nhóm người đang giận dữ. Dường như Ubal chẳng hề sợ gì những lưỡi gươm đang bổ nhau chan chát và những hòn đá đang liệng qua liệng lại! Rồi đột nhiên Ubal té xuống đất. Nhóm người đánh nhau lập tức ngưng lại. Họ tưởng đức giám mục đã bị giết chết. Nhưng Ubal chỗi dậy. Ubal làm hiệu cho họ biết rằng ngài không sao cả. Dân chúng tạ ơn Thiên Chúa. Họ thôi đánh nhau và trở về nhà.
Lần khác, khi biết hoàng đế Frêđêric Barbarôsa đang trên đường đến tấn công thành phố Gubbiô. Thánh Ubal đã không đợi cho Barbarôsa và đội quân của ông tới thành. Ubal liền ra nói chuyện với ông trên đường. Chẳng ai biết được giám mục Ubal đã nói điều gì. Họ chỉ biết là thánh nhân đã thuyết phục được hoàng đế Barbarôsa rời bỏ khỏi thành Gubbiô.
Đức giám mục Ubal có nhiều bệnh tật thể lý nhưng ngài chẳng bao giờ nói về chuyện ấy. Vào Chúa nhật phục sinh năm 1160, Ubal chỗi dậy dâng thánh lễ. Thánh nhân đã giảng một bài rất hay và chúc lành cho giáo dân. Sau đó, ngài trở về giường nằm và không thể chỗi dậy nữa. Đức giám mục Ubal đã qua đời vào ngày 16 tháng Năm năm 1160. Hết thảy giáo dân đã kéo đến tỏ lòng cảm mến tri ân ngài. Họ khóc thương và cầu khẩn thánh Ubal từ trời xin hãy phù trợ họ.
Nhiều lần, chúng ta dễ tức giận và khó tha thứ cho tha nhân khi họ xúc phạm đến chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin với thánh Ubal cho được sống hiền lành và dễ tha thứ như ngài.
Ngày 17 tháng 5
Thánh Pascal Baylon
Pascal Baylon là vị thánh người Tây Ban Nha, sinh năm 1540. Ngài phải chăn giữ đàn chiên từ khi lên bảy tuổi. Tuy Pascal Baylon chẳng có cơ hội để đi học nhưng ngài đã tự học đọc và học viết. Pascal Baylon làm việc này phần lớn là do sự giúp đỡ của những người ngài gặp gỡ. Thánh Pascal Baylon đã gắng sức rèn luyện để có thể đọc được các sách đạo đức. Ngài thường thầm thĩ cầu nguyện suốt ngày khi chăn giữ đàn chiên.
Khi lên hai mươi bốn tuổi, anh chàng giữ chiên này trở thành thầy dòng Phanxicô. Các bạn cùng chí hướng với Pascal Baylon rất quý mến ngài. Pascal Baylon có tấm lòng quảng đại rộng mở và dễ tính. Mọi người trong cộng đoàn đều nhận thấy Pascal Baylon thường làm những công việc khó khăn và vất vả nhất. Thậm chí ngài thực hành việc đền tội nghiêm ngặt hơn cả luật dòng đòi buộc. Tuy nhiên, Pascal rất sung sướng hạnh phúc. Khi còn là cậu bé chăn chiên, Pascal đã ao ước được ở trong nhà thờ cầu nguyện với Đức Chúa Giêsu nhưng không được. Giờ đây, Pascal đã có thể. Ngài yêu thích được làm bạn với Đức Chúa Giêsu đang ẩn thân trong phép Thánh Thể. Pascal Baylon cũng được vinh dự làm người giúp lễ. Hai mối tình đặc biệt của thánh Pascal Baylon là Chúa Giêsu Thánh Thể và Đức Mẹ Maria. Thánh nhân đọc kinh Mân Côi hằng ngày với lòng yêu mến sâu xa. Ngài cũng viết những lời nguyện sốt sắng dâng kính Mẹ thiên đàng.
Với những mẩu giấy vụn, thánh Pascal Baylon đã tự mình làm thành một quyển sổ tay nhỏ. Trong đó, thánh nhân viết một số lời nguyện và những tư tưởng hay. Sau khi Pascal Baylon qua đời, bề trên của ngài đã trình cuốn sổ nhỏ lên đức tổng giám mục địa phương. Đức tổng đã đọc và nói rằng: “Thật các tâm hồn đơn sơ dốt nát này đã cướp nước trời từ tay chúng ta!”
Pascal Baylon về trời năm 1592, hưởng thọ năm mươi hai tuổi. Đến năm 1690, đức thánh cha Alêxanđơ VIII đã tôn phong Pascal Baylon lên bậc hiển thánh.
Phải làm điều gì để trở nên một vị thánh? Pascal Baylon đã sống ơn gọi tu trì của mình cách hoàn hảo hết sức có thể. Ngài có được nghị lực để thực hiện việc này là nhờ lòng trung thành tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể và yêu mến Đức Mẹ Maria. Chúng ta hãy nài xin thánh Pascal Baylon giúp chúng ta sống thân mật với Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria hơn.
Ngày 18 tháng 5
Thánh Gioan I
Thánh Gioan I là linh mục của Rôma. Năm 523, thánh nhân làm giáo hoàng tiếp sau đức thánh giáo hoàng Hormisđa. Lúc ấy, nhà cầm quyền nước Ý là Thêôđôric, thuộc gốc người Gôtíc, theo bè rối Ariô. (Những người theo bè rối Ariô không tin nhận Đức Chúa Giêsu là Thiên Chúa.) Khởi đầu triều đại của mình, Thêôđôric đã để cho các tín hữu Công giáo được tự do. Tuy nhiên về sau, ông thay đổi ý định và trở nên kiêu căng nghi ngờ hết mọi người. Ông mường tượng ra có một âm mưu nào đó đang chống đối ông. Ít lâu sau, ông lại tin rằng tất cả mọi người đang chuẩn bị lật đổ ngai vàng và quyền cai trị của ông. Nhưng có một người chắc chắn không muốn điều đó là đức thánh cha.
Thêôđôric cố gắng làm cho đức thánh cha Gioan I can dự vào những vấn đề chính trị của ông. Ông đang có chuyện bực tức với hoàng đế Justinô I thành Constantinốp. Người ta đồn đại rằng Justinô I đang khó chịu với những người theo bè rối Ariô ở Đông phương. Thêôđôric cho người đại diện đến thương lượng với Justinô I. Đứng đầu đoàn đại biểu là giáo hoàng Gioan I. Hoàng đế Justinô I vui sướng tiếp đón đức thánh cha và những người đồng hành với ngài. Justinô I rất sẵn lòng thay đổi chính sách hà khắc của ông. Tuy sứ vụ của đức thánh cha Gioan I được hoàn thành hết sức tốt đẹp nhưng hoàng đế Thêôđôric vẫn không hài lòng. Ông tưởng đức thánh cha Gioan I và Justinô I hợp nhau chống lại ông. Rồi, đức thánh cha trở về Rôma và phải rời xa Ravenna, thủ phủ của Thêôđôric. Sau đó, đức thánh cha Gioan I đã bị các vệ sĩ của Thêôđôric bắt cóc và bỏ tù. Thánh nhân đã qua đời vì khát và đói ở đó năm 526.
Có bao giờ chúng ta nhận thấy mình nghĩ tưởng những điều xấu xa cho tha nhân không? Đó là lúc chúng ta cần cầu xin với thánh giáo hoàng Gioan I. Thánh nhân sẽ giúp chúng ta tránh được lỗi lầm khủng khiếp là thói để cho những tư tưởng ghen tị và sai lầm điều khiển các hành động của chúng ta. Thánh giáo hoàng Gioan I sẽ hướng dẫn chúng ta biết cách trở nên những Kitô hữu can trường và quả cảm như ngài.
Ngày 19 tháng 5
Thánh Celestinô V
Phêrô Môrôn là con thứ mười một trong gia đình có mười hai người con. Ngài được sinh khoảng năm 1210 ở Isênia, nước Ý. Thân phụ của Phêrô qua đời khi ngài còn rất nhỏ. Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng thân mẫu của Phêrô vẫn cố gắng nuôi dạy các con với một tình yêu thương đặc biệt. Bà cho Phêrô đi học bởi vì cậu hứa là quyết chăm chỉ học hành. Lần kia bà hỏi các con như thường lệ: “Ai trong các con sẽ làm thánh?” Cậu nhỏ Phêrô, người sẽ là giáo hoàng Celestinô V sau này, trả lời với tất cả tấm lòng của mình: “Mẹ ơi! Chính con, con sẽ làm thánh!” Và Phêrô Môrôn đã là thánh! Nhưng thật không dễ dàng chút nào!?
Lúc hai mươi tuổi, Phêrô Môrôn trở thành một ẩn sĩ. Ngài đã trải qua những chuỗi ngày cầu nguyện, đọc Kinh Thánh và làm việc. Các vị ẩn sĩ khác vẫn đến xin Phêrô Môrôn hướng dẫn. Sau cùng, Phêrô Môrôn thiết lập một dòng tu mới.
Khi tám mươi tư tuổi, Phêrô Môrôn được chọn làm giáo hoàng. Nhưng sự việc xảy ra thật lạ thường. Suốt hai năm trời, tòa thánh Vatican trống ngôi giáo hoàng. Lý do là vì các hồng y không đồng ý chọn ai cả. Phêrô Môrôn gởi cho các vị một bức tâm thư. Ngài khuyên các vị hãy quyết định nhanh chóng vì Thiên Chúa không hài lòng với việc trì hoãn lâu dài như vậy. Các hồng y đã thực hiện như lời vị tu sĩ nói. Ngay lúc ấy, họ chọn ẩn sĩ Phêrô Môrôn làm giáo hoàng! Vị tu sĩ khó nghèo đã rơi lệ khi nghe biết tin này. Phêrô Môrôn buồn bã chấp nhận và lấy tên hiệu là Celestinô V.
Thánh Celestinô V làm giáo hoàng chỉ được khoảng năm tháng. Vì quá khiêm tốn đơn sơ nên người ta đã lợi dụng ngài. Celestinô V không thể nói “không” với bất cứ ai. Chẳng bao lâu đã có sự lộn xộn đáng lo ngại. Đức thánh cha Celestinô V cảm thấy bị ràng buộc bởi mọi khó khăn trắc trở. Ngài quyết định chọn một việc tốt nhất mà ngài có thể làm được cho Giáo hội là xin từ chức. Và Celestinô V đã thực hiện. Thánh nhân xin mọi người tha thứ vì đã không cai quản Giáo hội cách chu đáo như lòng mong ước.
Thánh Celestinô V chỉ muốn sống an bình tại một trong các tu viện của ngài. Nhưng đức tân giáo hoàng Bôniphaxiô VIII nghĩ rằng để ngài sống ẩn mình trong căn phòng nhỏ của một lâu đài Rôma thì an toàn hơn. Thánh Celestinô V đã sống mười tháng cuối cùng của đời ngài trong một căn phòng đơn sơ giản dị. Nhưng thánh nhân đã rất vui. Ngài tự nhắc đi nhắc lại với mình rằng: “Hỡi Phêrô, anh chỉ mong muốn sống trong một căn phòng nhỏ bé... Giờ này anh đã được mãn nguyện rồi đó!” Celestinô V qua đời ngày 19 tháng Năm năm 1296. Đến năm 1313, Celestinô V được đức thánh cha Clêmentê VI tôn phong hiển thánh.
Thánh Celestinô V là một tu sĩ đặc biệt. Cách thức thánh nhân sẵn lòng giơ tay đón nhận lấy đau khổ khi làm giáo hoàng chứng tỏ rằng ngài thực sự thánh thiện. Thánh Celestinô V chỉ cho chúng ta biết rằng khi chúng ta đã hết sức cố gắng làm một việc gì đó, chúng ta hãy phó dâng kết quả cho Thiên Chúa và hãy cứ an tâm.
Ngày 20 tháng 5
Thánh Bênađinô Siêna
Thánh Bênađinô Siêna sinh năm 1380 tại một thị trấn gần thành phố Siêna, nước Ý. Ngài là con trai của một nhà chức sắc người Ý. Song thân Bênađinô qua đời khi ngài mới lên bảy. Những người bà con của Bênađinô quý mến ngài như con ruột của họ. Họ cũng cho Bênađinô ăn học đến nơi đến chốn. Bênađinô trưởng thành với dáng vẻ một cậu trai cao to đĩnh đạc. Bênađinô có tính pha trò nên các bạn bè của Bênađinô thích được ở bên ngài. Tuy nhiên, họ biết rằng không nên nói bất cứ lời thô tục nào khi có sự hiện diện của Bênađinô, vì ngài sẽ không khoan thứ cho điều ấy. Hai lần khi một gã thanh niên kia dụ dỗ Bênađinô phạm tội, cả hai lần Bênađinô đã tặng cho hắn một quả đấm và đuổi hắn đi.
Thánh Bênađinô Siêna có một tình yêu đặc biệt nồng nàn đối với Đức Trinh Nữ Maria. Chính Đức Mẹ là Đấng gìn giữ tâm hồn ngài trong sạch. Ngay khi còn ở tuổi niên thiếu, thánh Bênađinô Siêna đã đơn sơ cầu nguyện với Đức Mẹ y như một con trẻ thưa truyện với mẹ nó vậy.
Bênađinô Siêna có tâm hồn nhạy cảm. Ngài rất thương mến những người nghèo khổ. Lần kia, người cô của Bênađinô Siêna không còn thức ăn cho thêm một người hành khất nữa, cậu bé liền la lớn tiếng: “Thà con chịu bỏ đói còn hơn là để cho người đàn ông đáng thương ấy phải ra đi mà chẳng được chút gì!” Năm 1400, khi cơn dịch tả tấn công thành phố, thánh Bênađinô và các đồng bạn của ngài đã tình nguyện tới giúp bệnh viện. Họ ngày đêm săn sóc những người đau yếu và hấp hối suốt sáu tuần lễ cho tới khi cơn dịch chấm dứt.
Khi lên hai mươi hai tuổi, Bênađinô Siêna gia nhập dòng thánh Phanxicô khó khăn. Rồi Bênađinô Siêna làm linh mục. Sau nhiều năm phục vụ, thánh nhân được chỉ định tới các thị trấn và thành phố rao giảng. Thánh Bênađinô Siêna đã nhắc nhớ cho mọi người về lòng yêu thương của Đức Chúa Giêsu. Trong những ngày ấy, các thói xấu làm suy vi tinh thần đạo đức của cả người già lẫn con trẻ. “Làm sao con có thể tự mình cứu lấy những người này?” trong lời kinh, Bênađinô Siêna đã hỏi Thiên Chúa. “Con có thể dùng thứ vũ khí nào để chống lại ma quỷ?” và Thiên Chúa trả lời: “Thánh Danh Ta đủ cho con!” Vì thế, Bênađinô Siêna đã rao giảng lòng tôn sùng Thánh Danh Chúa Giêsu. Ngài sử dụng Thánh Danh này rất nhiều lần trong mỗi bài giảng. Thánh nhân xin người ta in Thánh Danh Chúa Giêsu và dán trên các cổng ra vào của thành phố, trên khắp các cánh cửa... Nhờ việc tôn sùng Thánh Danh Chúa Giêsu và lòng sùng kính Mẹ Maria, Bênađinô Siêna đã đem hàng ngàn người trên khắp nước Ý trở về với Giáo hội.
Thánh Bênađinô Siêna đã trải qua bốn mươi hai năm trong đời tu dòng Phanxicô. Thánh nhân qua đời ngày 20 tháng Năm năm 1444 tại Aquila, nước Ý, hưởng thọ sáu mươi tư tuổi. Chỉ sáu năm sau, năm 1450, Bênađinô Siêna được đức thánh cha Nicôla V tôn phong hiển thánh.
Thánh Bênađinô Siêna đã thực sự quan tâm đến mọi người. Thánh nhân đã dùng tất cả nghị lực và niềm vui của mình để phục vụ Đức Chúa Giêsu và làm cho người ta yêu mến Thánh Danh Chúa. Chúng ta cũng hãy năng cầu xin “Thánh Danh Chúa Giêsu.”
Ngày 21 tháng 5
Chân phước Êugiêniô Magiênô
Chân phước Êugiêniô Magiênô sinh tại Pháp năm 1782. Ngài được thụ phong linh mục năm 1811. Cha Êugiêniô Magiênô rất có lòng thương cảm đối với hoàn cảnh khó khăn của những người dân nghèo; và ngài đã giúp đỡ họ. Êugiêniô Magiênô luôn nhiệt tình xoay sở tìm những phương cách mới để vươn tới với giới trẻ. Ngài muốn họ yêu mến và sống đức tin của mình. Cha Êugiêniô Magiênô nhận thấy rằng các linh mục thừa sai trong mỗi xứ đạo có thể làm được rất nhiều việc ích lợi để thức tỉnh giáo dân trung thành giữ vững đức tin.
Năm 1826, cha Êugiêniô Magiênô thiết lập một hội dòng mới dành cho các linh mục và các anh em giáo dân. Họ được gọi là những nhà truyền giáo thuộc tu hội Tận Hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm. Sứ mệnh đặc biệt của họ là tiếp cận với những người chưa nhận biết Đức Chúa Giêsu và Giáo hội. Cha Magiênô và các anh em dòng ngài đã tỏ ra can đảm trong việc đáp ứng những lời thỉnh cầu của các đức giám mục đang cần sự giúp đỡ. Các giám mục ở Bắc Mỹ thao thức đợi chờ anh em hội dòng. Giám mục Inhaxiô Bơget giáo phận Montriơ đặc biệt thao thức hơn. Ngài rất hài lòng vì vị sáng lập đã gởi nhiều anh em của ngài đến đây phục vụ. Chỉ trong vòng mười năm, hội dòng đã phát triển mau lẹ. Họ phục vụ khắp đất nước Canađa và cũng bắt đầu thi hành thừa tác vụ ở Mỹ quốc.
Năm 1837, cha Êugiêniô Magiênô được tấn phong làm giám mục giáo phận Mácxây, nước Pháp. Ngài nổi tiếng về lòng trung thành và yêu mến đức thánh cha. Ngài cũng là nhà giáo dục và là một nhà tổ chức có tài. Giám mục Êugiêniô Magiênô vẫn làm bề trên của hội dòng cho đến khi qua đời năm 1861.
Công việc cao cả mà đức giám mục Êugiêniô Magiênô đã khởi xướng ngày nay vẫn còn được tiếp tục trên khắp thế giới qua các vị thừa sai thuộc hội dòng Tận Hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm. Họ phục vụ tại các điểm truyền giáo, các giáo xứ và các trường đại học.
Đức giám mục Êugiêniô Magiênô đã can đảm đáp ứng những đòi hỏi thiết yếu của dân Chúa khi ngài gặp gỡ họ. Chúng ta hãy nài xin giám mục Êugiêniô Magiênô giúp chúng ta ý thức rằng chúng ta cũng có thể giúp đỡ những người sống chung quanh mình.
Ngày 22 tháng 5
Thánh Rita Cassia
Thánh nữ Rita Cassia sinh năm 1381 trong một ngôi làng nhỏ bên nước Ý. Song thân của thánh nữ dù đã cao niên nhưng vẫn chưa sinh được mụn con nào. Họ nài xin Thiên Chúa ban cho một người con và Thiên Chúa đã nhận lời. Song thân dưỡng dục Rita hết sức chu đáo. Khi lên mười lăm tuổi, Rita Cassia muốn đi tu nhưng song thân lại quyết rằng ngài phải lập gia đình. Người đàn ông mà họ chọn cho Rita có một tính tình dễ nóng giận. Tuy vậy, suốt mười tám năm trời, người vợ đã kiên nhẫn đón nhận lấy tất cả mọi hành động xúc phạm của chồng. Sau cùng, những lời nguyện cầu, sự dịu dàng và đức hạnh của Rita Cassia đã biến đổi con tim người chồng. Ông xin lỗi Rita vì cách thức ông đã đối xử bấy lâu nay; và ông đã hoán cải trở về với Thiên Chúa.
Niềm vui sướng hạnh phúc của Rita Cassia qua sự cải tà quy chính của người chồng chưa kéo dài được bao lâu thì một ngày kia, ông bị ám sát. Rita Cassia xúc động và tan nát cõi lòng. Nhưng thánh nữ đã tha thứ cho những kẻ giết chồng ngài và cố gắng thuyết phục hai con trai mình cũng tha thứ cho họ.
Tuy vậy, Rita Cassia nhận thấy các con quyết định trả thù cho cái chết của người cha. Rita Cassia đã cầu xin cho các con thà chết còn hơn là phạm tội sát nhân. Rồi trong vòng vài tháng, cả hai người con đều ngã bệnh trầm trọng. Thánh nữ Rita đã âu yếm chăm sóc chúng. Suốt thời gian chúng chịu bệnh, thánh nữ đã thuyết phục chúng hãy tha thứ và ngài cũng tin là Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng. Hai người con bằng lòng và cả hai đã qua đời trong an bình.
Giờ đây, người chồng và các con của Rita đã chết. Chỉ còn lại một mình thánh nữ trên cõi đời này! Rita đã ba lần cố gắng xin vào một tu viện ở thành Cassia. Nhưng luật dòng không cho phép một phụ nữ đã có chồng được gia nhập hội dòng ngay cả khi người chồng đã qua đời. Tuy nhiên, Rita Cassia nhẫn nại chờ đợi và không tuyệt vọng. Cuối cùng, các nữ tu đã ban một phép ngoại lệ và đã nhận Rita Cassia vào dòng. Trong chốn viện tu, Rita Cassia nổi bật về hai nhân đức vâng lời và bác ái. Thánh nữ có lòng sùng kính rất đặc biệt đối với Chúa Giêsu Tử Nạn. Một lần kia, trong lúc cầu nguyện, Rita Cassia xin Đức Chúa Giêsu cho mình được chia sẻ một chút đau đớn của Chúa. Lập tức, một chiếc gai nhọn từ vòng gai của Chúa Giêsu nảy ra đâm xuyên qua vầng trán của Rita và gây cho ngài một nỗi đau không bao giờ lành. Thật vậy, sự việc trở nên tồi tệ vì đem lại một dấu vết làm cho thánh nữ Rita Cassia phải xa tránh mọi người. Nhưng thánh nữ cảm thấy rất hạnh phúc vì được chịu đau khổ để bày tỏ lòng yêu mến của mình đối với Đức Chúa Giêsu.
Thánh nữ Rita Cassia qua đời ngày 22 tháng Năm năm 1457, hưởng thọ bảy mươi sáu tuổi. Như thánh nữ Giuđê, thánh nữ Rita Cassia thường được người ta gọi là “vị thánh không thể.”
Có thể chúng ta biết được có một ai đó hiện đang sống xa lìa Thiên Chúa. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ Rita Cassia giúp người ấy. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh nữ Rita Cassia giúp chúng ta biết cách cầu nguyện cho người ấy.
Ngày 23 tháng 5
Thánh Gioan Baotixita Rôsi
Thánh Gioan Baotixita Rôsi sinh năm 1698 tại một ngôi làng gần Giơnoa, nước Ý. Gia đình Gioan rất quý mến ngài. Họ hãnh diện khi một đôi vợ chồng giàu có tới thăm thành phố của họ nhận cung cấp cho Gioan ăn học. Song thân Gioan biết vợ chồng này và tin tưởng họ. Gioan sung sướng vì có thể được đi đến nhà họ ở Giơnoa; và sau đó có thể tham dự lớp học. Mọi sự xảy đến cho Gioan thật xuôi xắn. Gioan trở thành một sinh viên chuẩn bị cho thiên chức linh mục tại học viện Rôma. Gioan nhận thấy đối với ngài việc học thật dễ dàng; và càng ngày Gioan càng thu lượm được thêm nhiều kiến thức.
Nhưng rồi Gioan Baotixita Rôsi ngã bệnh rất nặng và phải ngưng việc học một thời gian. Sau khi hoàn toàn bình phục, Gioan đã hoàn tất việc dọn lòng và được lĩnh chức linh mục. Dù sức khỏe không được khá lắm nhưng cha Gioan Baotixita Rôsi đã làm nhiều việc tốt cho người dân Rôma. Biết được đau khổ và bệnh tật là thế nào nên cha Gioan Baotixita Rôsi đã lưu tâm đặc biệt đến những người yếu bệnh. Ngài năng lui tới các bệnh viện ở Rôma. (Ngài là vị khách hay đến các bệnh viện ở Rôma nhất.) Đặc biệt cha Rôsi thích trải qua hàng giờ ở “nhà nghỉ thánh Gal” với những người nghèo khổ. Đây là nơi trú ngụ cho những người nghèo và những người vô gia cư. Thế nhưng cha Rôsi thích để tâm tới những người nghèo mà không ai chăm lo cho tinh thần của họ. Cha nhận thấy những người này mang chiên cừu và gia súc đến bán nơi hội chợ Rôma. Họ có đời sống thật nặng nề chừng nào! Cha Rôsi tiến đến giữa họ rồi ngừng lại nói chuyện với họ. Khi có thể, cha chỉ dạy họ đức tin và ban bí tích Hòa giải cho họ. Sứ vụ linh mục của cha Rôsi đã tạo được một thành quả lớn trong đời sống của họ.
Vị linh mục cũng có tấm lòng thương cảm sâu xa đối với các chị em vô gia cư. Ngày đêm họ lang thang qua các đường phố chầu chực xin ăn. Vấn đề này rất nguy hiểm và đáng thương thay! Đức thánh cha đã trao cho cha Rôsi tiền bạc để thiết lập một chỗ cư trú cho các chị em vô gia cư này. Khu nhà được xây cất ngay bên nhà nghỉ thánh Gal. Cha Rôsi đặt ngôi nhà dưới sự bảo trợ của thánh Luy Gonzaga, một trong các vị thánh mà ngài yêu thích. Lễ kính thánh Luy Gonzaga được mừng vào ngày 21 tháng Sáu. Cha Rôsi rất nổi tiếng về lòng khoan dung và dịu dàng trong việc ban bí tích Hòøa giải. Giáo dân xếp thành các hàng dài gần tòa giải tội của cha và nhẫn nại chờ đến lượt mình. Lần kia, cha Rôsi tâm sự với một người bạn: “Đối với một linh mục, phương thế hữu hiệu nhất để lên thiên đàng là giúp đỡ giáo dân qua bí tích Hòa giải.” Đức thánh cha Bênêđictô XIV cũng trao cho cha Rôsi một công việc lý thú nữa là giảng dạy các khóa học về tinh thần cho những người cai tù và những viên chức nhà nước.
Cha Gioan Baotixita Rôsi bị chứng đột quỵ năm 1763. Sức khỏe của cha chẳng sao hồi phục lại được. Cha Gioan Baotixita Rôsi vẫn có thể cử hành thánh lễ nhưng rất đau đớn. Vị linh mục phi thường này qua đời lúc được sáu mươi sáu tuổi. Đó là ngày 23 tháng Năm năm 1764. Đến năm 1881, đức thánh cha Lêô XIII tôn phong cha Gioan Baotixita Rôsi lên bậc hiển thánh.
Chúng ta có thể học được nơi đời sống của thánh Gioan Baotixita Rôsi lòng biết ơn đối với các linh mục. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện với vị thánh này và xin ngài an ủi các linh mục vì những điều thiện hảo mà các ngài trao ban.
Ngày 24 tháng 5
Thánh Đavít I Scốtlen
Thánh Đavít I sinh năm 1080. Ngài là người con út của thánh nữ Magarita, hoàng hậu xứ Scốtlen và vua Malcom tốt lành. Chính Đavít I cũng làm vua lúc khoảng bốn mươi tuổi. Ai biết rõ Đavít I thì đều nhận thấy rằng ngài chẳng muốn nhận lấy vương miện của hoàng gia chút nào. Nhưng khi lên ngôi, Đavít I đã là một quân vương rất tốt. Thánh Đavít I cai trị vương quốc ngài với quyền tài phán đặc biệt. Thánh nhân rất có lòng từ tâm độ lượng với những người nghèo khổ. Hết mọi thần dân được tự do thăm viếng ngài bất cứ lúc nào họ muốn. Thánh nhân nêu gương sáng cho mọi người bằng tấm lòng yêu mến cầu nguyện. Dưới sự trị vì của quân vương thánh thiện này, thần dân xứ Scốtlen càng ngày càng hiệp nhất hơn trong một đất nước. Họ cũng trở nên những Kitô hữu ngoan đạo hơn.
Vua Đavít I đã thiết lập nhiều giáo phận mới. Ngài cũng xây cất thêm nhiều tu viện. Trong thời gian khoảng hai mươi năm trị vì của mình, thánh vương Đavít I đã cung cấp cho Giáo hội rất nhiều tiền của.
Hai ngày trước khi qua đời, thánh Đavít I đã lãnh nhận các phép bí tích sau cùng. Thánh nhân dùng thời giờ cầu nguyện với những người hiện diện xung quanh ngài. Ngày hôm sau, họ nài xin thánh nhân nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng Đavít I trả lời: “Hãy để ta tưởng nghĩ tới những sự thuộc về Thiên Chúa, để linh hồn ta được kiện toàn trên hành trình tiến về quê nhà từ nơi lưu đày này.”
“Về quê nhà,” thánh vương Đavít I có ý nói đến “quê nhà trên trời” của chúng ta. “Khi ta đứng trước ngai tòa Thiên Chúa, các người đâu có thể trả lời hay biện hộ thay ta được,” ngài nói. “Không ai có thể cứu ta khỏi tay Thiên Chúa được!” Vì thế, thánh nhân cứ tiếp tục cầu nguyện cho tới lúc qua đời. Thánh Đavít I Scốtlen về trời ngày 24 tháng Năm năm 1153.
Chúng ta có thể bị cám dỗ tự khoan thứ cho những lầm lỗi của mình bằng cách nói: “Người ta cũng đều làm như vậy mà!” Nhưng chúng ta biết rằng sự tự miễn thứ này chẳng có giá trị gì khi chúng ta đứng chịu phân xử trước nhan Thiên Chúa. Chúng ta có thể nài xin thánh vương Đavít I Scốtlen giúp chúng ta có được tấm lòng chân thành và lương thiện như ngài trong mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.
Ngày 25 tháng 5
Lịch Rôma hiện hành ghi danh sách ba vị thánh mừng kính ngày 25 tháng Năm. Chúng tôi xin trình bày ngắn gọn tích truyện các ngài ở đây, lần lượt từng vị một.
Thánh Bêđa khả kính
Vị linh mục người Anh này nổi danh là một vị thánh, một linh mục, một đan sĩ, một thầy dạy và một nhà viết sử. Thánh nhân được sinh tại Anh quốc vào năm 673. Song thân Bêđa gởi ngài tới đan viện Bênêđictô ở miền ấy để học hành. Bêđa rất yêu thích đời sống của các đan sĩ đến nỗi khi lớn lên, thánh nhân đã đi tu làm đan sĩ. Bêđa đã lưu lại đan viện ấy trọn cả cuộc đời của ngài.
Thánh Bêđa rất yêu mến Kinh Thánh. Ngài nói rằng việc nghiên cứu Kinh Thánh đối với ngài quả thật là một niềm khoái thú. Bêđa thích giảng dạy và ghi chép Kinh Thánh. Khi về già, bệnh tật đã bắt Bêđa phải ở yên trên giường. Vì thế, các học trò của Bêđa phải đến học bên giường của ngài. Thánh Bêđa tiếp tục dạy học và làm công việc chuyển dịch bộ Phúc âm của thánh Gioan sang tiếng Anh – vì nhiều người không thể đọc được tiếng Latinh. Thánh nhân muốn họ có thể đọc được lời Chúa bằng chính ngôn ngữ riêng của họ.
Khi yếu bệnh hơn, thánh Bêđa nhận thấy mình sắp về với Thiên Chúa. Các đan sĩ thương nhớ Bêđa nhiều lắm. Ngài vẫn tiếp tục kiên trì làm việc ngay cả khi bệnh tình trở nên nguy kịch. Sau cùng, cậu bé giúp ghi chép nói với ngài: “Thưa cha, chỉ còn một câu nữa chưa được chép lại thôi!” Vị thánh trả lời: “Hãy viết mau đi!” và khi cậu bé nói: “Đã hoàn tất,” thánh nhân liền trả lời: “Tốt lắm! Được rồi, đã hoàn tất. Bây giờ hãy nâng đầu cha lên. Cha muốn được ngồi nhìn về chỗ mà cha thường hay cầu nguyện. Cha muốn réo gọi Cha trên trời của cha!”
Sau đó ít lâu, thánh Bêđa qua đời. Hôm ấy là ngày 25 tháng Năm năm 735. Cuốn sách nổi tiếng nhất của thánh Bêđa có nhan đề Lịch sử Giáo hội của dân tộc Anh là nguồn tài liệu cung cấp thông tin duy nhất về nhiều vấn đề lịch sử của Anh quốc thời sơ khai. Người ta gọi Bêđa bằng danh xưng kính trọng: “đấng khả kính.” Ngài cũng được Giáo hội tôn nhận là Tiến sĩ Hội Thánh.
Nếu đấng khả kính Bêđa còn sống, bạn thử nghĩ coi ngài sẽ dùng bao nhiêu giờ để xem tivi mỗi ngày? Hằng ngày, bạn dùng mấy tiếng đồng hồ để xem tivi? Bạn sẽ phải điều chỉnh những gì để dùng thời giờ cho những việc quan trọng như học hành, tham khảo tài liệu sách vở để tăng thêm kiến thức, phụ giúp công việc gia đình v.v ...?
Thánh Grêgôriô VII
Tên của vị giáo hoàng này là Hilđơbran. Ngài được sinh tại nước Ý vào khoảng năm 1023. Người cậu của Hilđơbran là một đan sĩ ở Rôma; vì thế, Hilđơbran đã đến đan viện của cậu để học hành. Sau này, Hilđơbran trở thành một đan sĩ thuộc nhà dòng Bênêđictô ở Pháp. Tuy nhiên chẳng bao lâu, Hilđơbran được gọi về Rôma. Tại đây, Hilđơbran nắm giữ những chức vụ rất quan trọng dưới nhiều triều đại giáo hoàng cho tới khi chính ngài được chọn làm giáo hoàng.
Suốt hai mươi lăm năm, Hilđơbran đã xin từ chối được bầu chọn. Nhưng khi đức thánh cha Alêxanđơ II qua đời, các hồng y đã quyết định chọn Hilđơbran làm giáo hoàng. Họ đồng thanh kêu lớn tiếng: “Hilđơbran là người được tuyển chọn kế vị thánh Phêrô!” “Và họ đã đưa tôi lên ngai,” vị thánh viết sau đó. “Những lời phản đối của tôi thật vô hiệu. Sợ hãi tràn ngập tâm hồn tôi và bóng tối vây hãm quanh tôi!” Hilđơbran lấy tên hiệu là Grêgôriô VII.
Đây thực sự là một thời kỳ đen tối đối với Giáo hội Công giáo. Vua chúa xen vào làm cản trở những vấn đề thuộc Giáo hội. Họ tự ý đặt lấy một số người làm giám mục, hồng y và cả giáo hoàng nữa. Nhiều người trong số được bổ nhiệm chẳng có đời sống tốt lành. Họ chỉ làm gương xấu cho giáo dân mà thôi!
Việc đầu tiên mà thánh giáo hoàng Grêgôriô VII làm là dùng nhiều ngày cầu nguyện. Thánh nhân cũng xin người khác cầu nguyện cho ngài. Grêgôriô VII nhận thấy rằng nếu không cầu nguyện, thì không thể làm được việc gì tốt cho Thiên Chúa. Sau đó, thánh Grêgôriô VII bắt đầu công việc canh tân giới tu sĩ. Ngài cũng dần dần loại bỏ những nhà cầm quyền chính trị ra khỏi những công việc thuộc quyền Giáo hội. Điều này rất khó bởi vì tất cả các chính trị gia đều chống lại sự thay đổi của ngài. Tuy nhiên, có một số vị đã nhượng bộ.
Có một chính trị gia, vua Henri IV của nước Đức, đã gây cho đức thánh cha Grêgôriô VII rất nhiều đau khổ. Ông vua trẻ này có tội mê tham vàng bạc. Không những ông chẳng ngưng việc xen vào những vấn đề của Giáo hội mà thậm chí ông còn sai người đến bắt giam đức thánh cha. Nhưng dân thành Rôma đã cứu thánh nhân thoát khỏi chốn ngục tù. Sau đó, đức thánh cha Grêgôriô VII phạt vạ tuyệt thông nhà vua. Việc này chẳng ăn nhằm gì đối với Henri IV hết! Ông tự chọn cho mình một giáo hoàng. Dĩ nhiên, người được ông chọn không phải là thủ lãnh thật. Thế rồi, một lần nữa, vua lại sai quân đi bắt thánh nhân. Đức thánh cha Grêgôriô VII bị ép phải rời bỏ Rôma. Người ta đã đem ngài tới Salênô cách an toàn và ngài đã qua đời tại đây năm 1085. Thánh nhân nói những lời sau cùng: “Tôi đã yêu mến công bình và ghét bỏ sự dữ. Đó là lý do tại sao tôi phải chết ở chốn lưu đày này!” Năm 1606, đức thánh cha Phaolô V đã tôn Grêgôriô VII lên bậc hiển thánh.
Đức thánh cha Grêgôriô VII (Hilđơbran) nổi tiếng vì tư chất can đảm phi thường. Ngài đã bảo vệ niềm tin vào Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người. Nếu chúng ta muốn là những Kitô hữu nhiệt thành thời nay, chúng ta cũng phải can đảm. Nhờ lời cầu nguyện, vị thánh này đã có được sự can đảm. Chúng ta cũng hãy bắt chước gương cầu nguyện của thánh nhân.
Thánh Maria Mađalêna Pazzi
Catarina Pazzi sinh tại Florentia, nước Ý, vào năm 1566. Thánh nữ là cô gái duy nhất của một gia đình rất giàu có. Khi lên mười bốn tuổi, Catarina Pazzi đến học nội trú tại một trường dòng. Ở đó, thánh nữ đã hấp thụ lòng mộ mến đời sống tu trì. Nhưng khoảng một năm sau, Catarina Pazzi được thân phụ đưa về nhà. Ông bắt đầu nghĩ đến việc chọn cho Catarina một người chồng giàu sang. Tuy nhiên, Catarina Pazzi đang chuẩn bị tâm hồn để trở nên một nữ tu. Catarina Pazzi làm cho cha mẹ của ngài hoảng hồn bằng cách nói rằng mình đã tuyên khấn giữ đức trinh khiết. Họ không thể tin nổi điều này! Sau cùng, song thân cũng đành chấp nhận để cho Catarina Pazzi vào tu dòng Cátminh. Tuy vậy, chỉ mười lăm ngày sau, họ lại đến bắt Catarina Pazzi về nhà. Họ hy vọng rằng lần này sẽ làm cho Catarina Pazzi thay đổi ý định. Nhưng sau ba tháng cố gắng, song thân của Catarina Pazzi đã phải nhượng bộ. Họ đành phải chúc lành và để cho Catarina Pazzi đi luôn. Đó là năm 1582, năm thánh nữ Têrêsa Avila qua đời tại Tây Ban Nha.
Khi là tập sinh, Catarina Pazzi lấy tên là Maria Mađalêna. Sức khỏe của Maria Mađalêna rất yếu. Mẹ bề trên sợ Maria Mađalêna có thể qua đời nên đã cho phép ngài được tuyên các lời khấn dòng trước hạn định. Khi thấy Maria Mađalêna đau khổ dữ dội, một trong các nữ tu hỏi ngài sao có thể chịu được nỗi đau mà chẳng ca thán lời nào. Maria Mađalêna liền trả lời: “Hãy coi tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa đã khổ sầu vì phần rỗi chúng ta. Chính tình yêu này hiểu biết sự yếu đuối của em và ban cho em sức mạnh.”
Thánh nữ Maria Mađalêna đã chịu nhiều đau khổ đặc biệt suốt cả cuộc đời. Thánh nữ cũng bị cám dỗ rất mạnh về tội nghịch đức trinh khiết và tính ham ăn; nhưng thánh nữ Maria Mađalêna đã chiến thắng mọi sự nhờ kết hợp tình yêu mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể và với Đức Mẹ Maria. Thánh nữ chỉ quen dùng chút ít bánh mì và nước lã. Thánh nữ cũng làm những việc hy sinh quên mình khác nữa. Tuy nhiên, tình yêu của Maria Mađalêna dành cho Đức Chúa Giêsu thật quá nồng nàn và mãnh liệt đến nỗi ngài nói: “Đấng Yêu Mến đã không được các thụ tạo của mình nhận biết và yêu mến!” Chìm ngập trong nước mắt, thánh nữ đã cầu nguyện và dâng những đau khổ trong suốt cuộc đời của ngài cho các tội nhân và những người vô đạo. Lần kia, Maria Mađalêna nói: “Ôi, Chúa Giêsu của con! Nếu con có một giọng nói lớn và vang đủ để cho mọi người trên khắp thế giới này nghe được, thì con sẽ hô to để mọi người nhận biết và yêu mến Chúa!”
Thánh nữ Maria Mađalêna Pazzi về trời ngày 25 tháng Năm năm 1607, lúc được bốn mươi mốt tuổi. Đến năm 1669, Maria Mađalêna Pazzi được đức thánh cha Clêmentê IX tôn phong lên bậc hiển thánh.
Thật là hữu ích khi thỉnh thoảng chúng ta nhìn lên Tượng Chịu Nạn. Việc này làm cho chúng ta dần dà cảm hiểu được tình yêu của Đức Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Chúng ta có thể cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu! Con yêu mến Chúa. Con cám ơn Chúa đã chết thay cho con!
Ngày 26 tháng 5
Thánh Philipphê Nêri
Thánh Philipphê Nêri sinh năm 1515 tại Florentia, nước Ý. Tên riêng của ngài hồi còn nhỏ là “bé Phil tốt lành.” Thánh Philipphê Nêri có tính tình vui vẻ và thân thiện đến nỗi ai gặp ngài cũng đều quý mến ngài. Suốt ba năm, Philipphê Nêri nghiên cứu môn thần học và triết học; và ngài đã là một sinh viên xuất sắc. Nhưng đặc biệt Philipphê Nêri là một Kitô hữu năng động. Ngài sống đơn sơ và rất chăm chỉ. Ngài cũng làm nhiều việc tốt cho những người sống xung quanh ngài. Philipphê Nêri giúp đỡ các trẻ em, thăm viếng những người đau yếu bệnh tật, làm bạn với những người cô đơn phiền sầu. Nói tóm lại, vì tình yêu Chúa Giêsu, Philipphê Nêri đã đến với mọi người mỗi khi có thể.
Thánh Philipphê Nêri giúp thiết lập một hội giáo dân chuyên giúp đỡ và chăm lo cho những người hành hương túng nghèo. Hội này vẫn từng bước hoạt động như một bệnh xá danh tiếng tại Rôma. Vị linh mục hướng dẫn ngài nhận thấy rằng Philipphê Nêri đã hy sinh rất nhiều để giúp các Kitô hữu Rôma hâm nóng lại lòng hăng say nhiệt thành. Nhưng phải đợi đến năm ba mươi sáu tuổi, Philipphê Nêri mới có ơn kêu gọi làm linh mục. Sau đó, thánh nhân bắt đầu thi hành thừa tác vụ hết sức cao cả của mình. Mỗi ngày, Philipphê Nêri sẵn lòng dành ra nhiều giờ để ban bí tích Hòa giải. Hối dân đến xưng tội với ngài ngày một đông hơn. Nhưng cha Philipphê rất bình thản. Ngài chẳng bao giờ đánh mất đi sự nhẫn nại dịu dàng!
Giáo dân dần dần nghiệm thấy rằng đôi lúc cha Philipphê Nêri có thể đọc được tâm hồn của họ. Trong một vài trường hợp, ngài có thể tiên báo tương lai. Thiên Chúa cũng đã dùng cha Philipphê Nêri để làm những công việc lạ lùng. Nhưng trên tất cả, điều mà Philipphê Nêri muốn làm là đem Đức Chúa Giêsu đến cho tha nhân. Để tránh sự ngưỡng mộ của họ, đôi lúc cha Philipphê Nêri đã hành động cách ngớ ngẩn. Thánh nhân muốn được mọi người làm lơ và quên đi việc họ nghĩ ngài thánh thiện.
Dù vậy, trông cha Philipphê Nêri vẫn toát ra một sự khác lạ và nhờ ngài mà cả thành phố Rôma đã sống tốt lành hơn. Có lần thánh Philipphê Nêri đã nghĩ đến chuyện muốn trở nên một nhà thừa sai truyền giáo nơi các miền đất lạ. Thánh nhân bị lôi cuốn mạnh mẽ bởi gương sáng đời sống của thánh Phanxicô Xaviê, người đã mất năm 1552 tại cửa ngõ nước Trung Hoa. Philipphê Nêri chỉ mới làm linh mục được một năm thì thánh Phanxicô qua đời. Vậy thánh nhân có bỏ Rôma để tình nguyện dấn thân cho những xứ truyền giáo không? Một đan sĩ Xitô thánh thiện đã nói với ngài: “Rôma chính là vùng đất truyền giáo của cha đấy!” Sau đó, cha Philipphê Nêri thấy tâm hồn mình tràn ngập bình an.
Thánh Philipphê Nêri dùng năm năm cuối đời của ngài để ban bí tích Hòa giải cho giáo dân. Thánh nhân về trời năm 1595, hưởng thọ tám mươi tuổi. Đến năm 1622, đức thánh cha Grêgôriô XV đã tôn phong Philipphê Nêri lên bậc hiển thánh.
Làm thế nào để chúng ta có thể sống vui tươi và khoan dung hơn? Đó không phải là điều mà hết thảy chúng ta đều thực sự mong muốn sao? Chúng ta có thể dâng một lời cầu nguyện đơn sơ lên thánh Philipphê Nêri. Thánh nhân sẽ chia sẻ với chúng ta bí quyết để sống hạnh phúc như ngài.
Ngày 27 tháng 5
Thánh Augustinô Cantơbơri
Thánh Augustinô Cantơbơri là đan viện phụ của đan viện thánh Anrê ở Rôma. Đức thánh cha Grêgôriô cả đã chọn ngài và bốn mươi đan sĩ khác thực hiện một sứ vụ truyền giáo cao quý. Họ sẽ đến rao giảng Tin mừng nước Chúa cho dân tộc Anh. Đan phụ Augustinô và các đan sĩ liền bắt đầu cuộc hành trình. Khi đến miền nam nước Pháp, người ta báo cho các ngài biết rằng dân Anh rất hung bạo. Các đan sĩ cảm thấy chùn chân, chán nản và thất vọng. Họ xin Augustinô trở về thưa với đức thánh cha hãy bỏ đi ý định. Và họ đã thực hiện. Nhưng đức thánh cha lại xin họ tới nước Anh một chuyến nữa. Đức thánh cha nói rằng dân Anh rất muốn lãnh nhận đức tin Công giáo. Vì thế, năm 596, các đan sĩ lại lên đường đến nước Anh.
Các vị thừa sai được vua Êtôbơ tiếp đón rất nồng hậu. Vợ của vua là một bà hoàng người Pháp theo đạo Công giáo. Khi vừa đặt chân lên đất liền, các đan sĩ đã xếp thành một cuộc rước. Họ vừa đi vừa hát thánh vịnh. Họ mang theo một cây Thánh Giá và một bức ảnh Đức Chúa Giêsu. Nhiều người đã lãnh nhận sứ điệp của các đan sĩ. Chính vua Êtôbơ cũng chịu phép Thanh tẩy vào dịp lễ Hiện Xuống năm 597. Cùng năm ấy, đan phụ Augustinô được tấn phong làm giám mục.
Thánh Augustinô thường gởi thư xin đức thánh cha những lời khuyên bảo. Và đức thánh cha Grêgôriô cũng ban cho ngài nhiều lời khuyên. Đề cập về các phép lạ thánh Augustinô Cantơbơri đã làm, đức thánh cha nói: “Con phải vui mừng trong niềm lo sợ và sợ hãi trong sự vui mừng vì hồng ân này!” Ngài có ý nói Augustinô hãy nên vui mừng vì nhờ các phép lạ mà dân Anh đã trở lại đường ngay nẻo chín nhưng cũng nên cẩn phòng để khỏi kiêu căng tự mãn.
Tại vùng Cantơbơri, thánh Augustinô xây cất một ngôi thánh đường và một đan viện mà đan viện này trở nên quan trọng nhất ở Anh. Augustinô cũng được chôn táng tại đó. Thánh Augustinô Cantơbơri qua đời ngày 26 tháng Năm năm 605, bảy năm sau cuộc hành trình đến nước Anh.
Khi cha mẹ hoặc những vị hữu trách bảo ta làm một việc gì đó, chúng ta hãy làm. Nếu công việc dường như khó khăn hoặc giả như chúng ta không thích công việc đó, chúng ta hãy xin thánh Augustinô Cantơbơri trợ giúp.
Ngày 28 tháng 5
Chân phước Magarita Pôlê
Chân phước Magarita Pôlê sinh năm 1471. Ngài là cháu gái của hai vị hoàng đế người Anh, vua Edward IV và Richơ III. Henri VII đã xếp đặt cuộc hôn nhân của Magarita với bá tước Rêginô Pôlê. Ông là một sĩ quan can đảm và là bạn thân của hoàng tộc. Khi vua Henri VIII lên nắm quyền, Magarita Pôlê là quả phụ có năm người con. Đối với ngai vàng và quyền cai trị, Henri VIII vừa trẻ trung vừa mới lạ. Ông gọi Magarita Pôlê là “người phụ nữ đức hạnh nhất nước Anh.” Vì chịu ảnh hưởng sâu sắc nơi Magarita Pôlê nên Henri VIII đã trả lại một số tài sản mà gia đình Magarita Pôlê đã mất trong quá khứ. Ông cũng phong cho Magarita Pôlê danh hiệu “nữ bá tước.”
Henri VIII rất tin tưởng nữ bá tước Magarita Pôlê đến nỗi ông đã bổ nhiệm ngài làm cô giáo dạy hoàng hậu Catarina và công chúa Maria, con gái của ông. Nhưng lúc ấy Henri muốn lấy Annê Bôlây làm vợ dù ông đã có vợ rồi. Magarita không chấp nhận lối hành xử của nhà vua; và vì vậy, vua đã bắt Magarita Pôlê phải rời khỏi hoàng cung. Ông cho Magarita biết là ông rất bực mình với ngài. Thậm chí ông đã tức giận hơn khi có một linh mục, là con trai của Magarita, đã viết một bài báo dài chống lại việc đòi hỏi của Henri VIII muốn đứng đầu Giáo hội Anh quốc. (Người con trai của Magarita sau này trở thành hồng y Rêginô Pôlê danh tiếng.) Henri VIII mất hết tự chủ. Ông trở nên độc ác và căm giận. Ông đe dọa sẽ khử diệt cả gia đình Magarita Pôlê.
Henri VIII sai người đến thẩm vấn nữ bá tước Magarita Pôlê. Họ có nhiệm vụ cần phải chứng thực Magarita Pôlê là một kẻ phản quốc. Họ tra hỏi Magarita từ trưa đến tối. Magarita không hề phạm một lỗi lầm gì! Magarita chẳng có gì để che giấu! Nhưng rồi, Magarita Pôlê cũng bị quản chế tại lâu đài của một nhà quý tộc. Sau đó người ta chuyển Magarita đến pháo đài vĩ đại của Luânđôn. Magarita Pôlê chẳng được xét xử. Suốt những tháng đông dài đằng đẵng, Magarita Pôlê đã phải chịu khổ rất nhiều bởi cái giá lạnh và thời tiết ẩm thấp. Magarita Pôlê chẳng có lò sưởi và quần áo ấm để dùng.
Cuối cùng, ngày 28 tháng Năm năm 1541, người ta đem nữ chân phước Magarita Pôlê ra khỏi pháo đài đến nơi xử tử. Tuy mệt mỏi và yếu bệnh nhưng Magarita Pôlê vẫn hiên ngang và hãnh diện được chết cho đức tin của mình. “Tôi không phải là kẻ phản bội,” ngài can đảm tuyên bố. Sau đó, Magarita Pôlê bị chém đầu, hưởng thọ 70 tuổi.
Khi chúng ta cảm thấy hèn nhát về một quyết định phải làm vì vinh danh Chúa, lúc ấy chúng ta hãy kêu nài chân phước Magarita Pôlê. Hãy xin ngài ban cho chúng ta được lòng can đảm như ngài.
Ngày 29 tháng 5
Thánh Maximiniô
Thánh Maximiniô là giám mục sống ở thế kỷ thứ tư. Người ta cho rằng ngài sinh ở miền Poichiê, nước Pháp. Khi còn trẻ, Maximiniô nghe biết tiếng tăm của vị thánh giám mục giáo phận Triơ ở Gaul. Maximiniô đã hành trình tới thành phố này; và sau đó trở thành môn đệ của thánh Agrisiô. Vị giám mục thánh thiện này đoan chắc rằng Maximiniô đã được giáo dục kỹ lưỡng. Sau nhiều năm học hành và chuẩn bị tâm hồn, Maximiniô được thụ phong linh mục; và sau đó được tấn phong giám mục. Thánh nhân coi sóc giáo phận Triơ. Giám mục Agrisiô hẳn là không thể hài lòng và vui sướng hơn được nữa vì biết rằng đoàn chiên của mình có một vị chủ chăn tuyệt vời.
Thánh Maximiniô sống vào thời kỳ rất căng thẳng. Bạn hãy đọc tích truyện của vị thánh kính ngày mùng 2 tháng Năm để biết thêm chi tiết. Khi thánh Athanasiô, tổng giám mục thành Alêxanđria nước Ai Cập, bị đày ải đến Triơ, chính Maximiniô đã đón tiếp thánh nhân. Ngài đã tạo mọi điều kiện để nâng đỡ thánh Athanasiô và giúp ngài bớt đau khổ hơn khi phải xa lìa đoàn chiên của ngài. Một giám mục khác trong thời gian ấy, thánh Phaolô, giám mục thành Constantinôp, cũng bảo vệ Maximiniô thoát khỏi cơn tức giận của hoàng đế Constantiô.
Thánh Athanasiô viết rằng Maximiniô là người can đảm và thánh thiện. Thậm chí ngài nói rằng người ta đều biết rõ Maximiniô là người hay làm phép lạ. Dù cho người ta tin vị giám mục này đã viết nhiều tác phẩm nhưng tất cả các tác phẩm ấy đều đã bị thất lạc. Cái còn sót lại là ý chí ngài dâng hiến cho Đức Chúa Giêsu và cho Giáo hội. Vì là con người có tâm hồn cao cả nên Maximiniô đã sẵn sàng đứng lên chống lại những kẻ bách hại Giáo hội. Ngài cũng sẵn lòng bảo vệ những vị giám mục can đảm là những người bị các thế lực chính trị ghét bỏ. Thánh Maximiniô đã sống thẳng thắn dù phải thiệt mất địa vị hoặc phải hy sinh cả mạng sống nếu cần. Thánh nhân qua đời khoảng năm 347.
Ở trường học, có bao giờ bạn thấy một người bạn nào đó bị la rầy hoặc bị đuổi học không? Nếu bạn muốn bắt chước gương thánh Maximiniô, hãy kết bạn với người ấy. Bạn sẽ thấy Thiên Chúa sẽ đối xử với bạn y như vậy.
Ngày 30 tháng 5
Thánh Giăngđắc
Thánh nữ Giăngđắc sinh năm 1412. Quê ngài ở Đômrêmi, một ngôi làng nhỏ bên nước Pháp. Thân phụ ngài, Giắcđắc, làm nghề nông vất vả. Thân mẫu ngài là một người phụ nữ hiền lành và dễ mến. Bà dạy Giăngđắc nhiều điều thiết thực trong cuộc sống. Có lần bà nói: “Mẹ có thể may vá và kéo sợi như bất cứ phụ nữ nào khác!” Giăngđắc có tâm hồn ham thích cầu nguyện, nhất là tại các đền thánh kính Đức Mẹ. Cô bé dân quê chất phác tốt lành này sẽ trở thành một nữ anh hùng. Ngày kia, đang lúc chăn chiên, đức tổng thần Micael, quan thầy của đất nước Giăngđắc, đã hiện ra và nói: “Hỡi nữ tử Thiên Chúa, con hãy đi cứu nước Pháp!” Suốt ba năm liền, Giăngđắc nghe thấy tiếng nói của đức tổng thần kêu gọi ngài hành động. Nhưng năm lên mười sáu tuổi, Giăngđắc mới bắt đầu thi hành sứ mạng.
Khi ấy, đang có một cuộc chiến xảy ra giữa quân Pháp và quân Anh. Người ta gọi đó là “cuộc chiến thế kỷ.” Quân Anh chiếm được rất nhiều vùng đất của Pháp đến nỗi vua nước Anh tự xưng mình cũng là hoàng đế nước Pháp. Ông vua của nước Pháp lúc ấy thật yếu nhược và thiếu nghị lực. Ông tưởng quân đội Pháp sẽ không thể nào cứu được đất nước mình.
Được phép của nhà vua, thánh nữ Giăngđắc dẫn một đạo quân tiến vào thành phố Ôlanh mà thành phố này hầu như đã bị người Anh chiếm giữ. Trong bộ áo giáp trắng rực rỡ, vị nữ anh thư trẻ tuổi này cưỡi ngựa kèm theo một lá cờ tung bay phía trên. Lá cờ ấy có ghi tên GIÊSU và MARIA. Trong trận đại chiến thành Ôlanh, Giăngđắc bị một mũi tên bắn trúng nhưng thánh nữ vẫn tiếp tục thúc giục binh lính của mình chiến đấu. Cuối cùng, họ đã thắng trận! Thánh nữ Giăngđắc và đội quân của ngài mỗi ngày mỗi thắng nhiều trận hơn. Và vì thế, quân Anh phải rút lui.
Sau những chiến công là thời kỳ đau khổ của Giăngđắc. Thánh nữ bị kẻ thù bắt giữ. Thậm chí ông vua nước Pháp vô ơn đã không tìm cách để cứu ngài. Giăngđắc bị bỏ tù và sau một án xử bất công, ngài đã bị thiêu sống tại cây cọc trói ngài khi chưa đầy hai mươi tuổi. Tuy bị ngọn lửa hung tợn thiêu đốt, Giăngđắc vẫn tỏ rõ một khí phách can trường cho tới khi tắt thở. Đó là ngày 29 tháng Năm năm 1431. Lời cuối cùng thánh nữ thốt lên là: “Giêsu!” Bốn trăm tám mươi chín năm sau, nhằm ngày 16 tháng Năm năm 1920, đức thánh cha Bênêđictô XV tôn phong Giăngđắc lên bậc hiển thánh.
Thánh nữ Giăngđắc được Thiên Chúa mời gọi thực hiện một sứ vụ rất khó khăn dường như không thể hoàn thành nổi. Thánh nữ Giăngđắc thật anh dũng quả cảm! Khi được nhờ làm công việc gì khó, chúng ta hãy nài xin thánh nữ Giăngđắc giúp sức.
Ngày 31 tháng 5
Lễ thăm viếng của Đức Maria
Lễ này chỉ một cuộc thăm viếng. Đức tổng thần Gabriel nói với Đức Trinh Nữ Maria rằng bà chị họ Êlisabeth của Mẹ sắp sửa sinh con. Êlisabeth đã cao niên. Mẹ Maria nhận thấy cần phải đến giúp đỡ người chị của mình, và lập tức Mẹ đã lên đường.
Cuộc hành trình của Mẹ Maria thật dài và nguy hiểm! Nó cũng không thoải mái chút nào! Nhưng, những lý do này không thể ngăn cản được Mẹ. Mẹ cưỡi trên mình một con lừa và Mẹ đã tới nhà bà chị. Đầu tiên, Mẹ Maria chào Êlisabeth. Lúc ấy, Thiên Chúa tỏ cho Êlisabeth biết rằng Đức Maria đã trở nên Mẹ Thiên Chúa. Êlisabeth hân hoan thốt lên: “Sao tôi lại được Mẹ Chúa tôi đến thăm tôi như vậy?” Nhưng Mẹ Maria vẫn một mực khiêm tốn. Mẹ vội vã dâng mọi lời chúc tụng tán dương lên Thiên Chúa và Thiên Chúa đã chúc phúc cho Mẹ thật dư đầy.
“Linh hồn tôi ca ngợi Thiên Chúa và thần trí tôi mừng rỡ trong Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi,” Mẹ nói, “vì Người đã trông đến sự thấp hèn của tôi tớ Người … và danh Người là Thánh!”
Ôi! Biết bao ân sủng Mẹ Maria đã đem đến cho gia đình người chị họ của Mẹ! Thánh Gioan được khỏi tội nguyên tổ ngay khi vẫn còn trong lòng mẹ. Dacaria được ơn nói trở lại, vì trước ông bị câm. Còn Êlisabeth thì được đầy tràn linh ân của Chúa Thánh Thần.
Mẹ Maria ở lại với gia đình này khoảng ba tháng. Mẹ đã giúp đỡ Êlisabeth với tấm lòng quảng đại và yêu mến đặc biệt.
Gia đình bà Êlisabeth được đầy tràn ân sủng nhờ sự viếng thăm của Mẹ Maria. Chúng ta cũng sẽ được đầy tràn ân sủng nếu chúng ta tận hiến mình cho Đức Mẹ.
Tháng 06
Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ
Ngày 01: Thánh Justinô
Ngày 02: Thánh Maxêlinô và thánh Phêrô
Ngày 03: Thánh Carôlô Lwanga và các bạn tử đạo
Ngày 04: Thánh Phanxicô Caraxiôlô
Ngày 05: Thánh Bôniphaxiô
Ngày 06: Thánh Nôbetô
Ngày 07: Chân phước Annê Batôlômêô
Ngày 08: Thánh William Gioóc
Ngày 09: Thánh Ephrem
Ngày 10: Chân phước Henri Trêvisô
Ngày 11: Thánh Barnaba
Ngày 12: Thánh Gioan Sahagun
Ngày 13: Thánh Antôn Pađua
Ngày 14: Thánh Mêtôđiô I
Ngày 15: Thánh Giơmanh Pibrac
Ngày 16: Thánh Gioan Phanxicô Rêgis
Ngày 17: Thánh Emily Vialar
Ngày 18: Chân phước Grêgôriô Barbarigô
Ngày 19: Thánh Rômualđô
Ngày 20: Chân phước Mikêlina
Ngày 21: Thánh Luy Gonzaga
Ngày 22: Thánh Paulinô Nôla
Ngày 23: Thánh Giuse Caphasô
Ngày 24: Lễ sinh nhật thánh Gioan tẩy giả
Ngày 25: Thánh William núi Đức Trinh Nữ
Ngày 26: Thánh Pêlagiô
Ngày 27: Thánh Xyrilô Alêxanđria
Ngày 28: Thánh Irênê
Ngày 29: Thánh Phêrô và thánh Phaolô
Ngày 30: Các thánh tử đạo tiên khởi Rôma
Ngày 1 tháng 6
Thánh Justinô
Thánh Justinô quê ở Samaria. Ngài sống vào thế kỷ thứ hai. Thân phụ của Justinô đã dưỡng dục ngài trong tinh thần ngoại giáo, không tin có Thiên Chúa. Khi còn trẻ, Justinô đọc các sách thi ca, sử ký và khoa học. Đến tuổi trưởng thành, thánh nhân tiếp tục tìm tòi nghiên cứu những sách ấy. Mục đích chính yếu của việc tra cứu là tìm hiểu chân lý về Thiên Chúa.
Một ngày kia, đang khi đi dạo trên bờ biển, Justinô gặp một cụ già. Cả hai bắt đầu trò truyện với nhau. Khi thấy Justinô có vẻ đăm chiêu suy tư, cụ già liền hỏi xem ngài đang suy nghĩ gì. Justinô trả lời cụ rằng mình thật bất hạnh vì chẳng tìm thấy được bất cứ chân lý chắc chắn nào về Thiên Chúa trong các sách ngài đọc cả. Và cụ già đã nói với Justinô về Đức Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ. Cụ khuyến khích Justinô cầu nguyện để có thể am hiểu những chân lý về Thiên Chúa.
Thánh Justinô bắt đầu cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Dần dà, ngài trở nên người rất mộ mến lời Chúa. Rồi thánh nhân cũng cảm động khi thấy các Kitô hữu thật can đảm trong việc dám hy sinh chết cho niềm tin và lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu. Sau khi học hỏi sâu hơn về đạo Công giáo, Justinô trở nên một Kitô hữu. Sau đó, thánh nhân đã dùng kiến thức đặc biệt của ngài để trình bày và bảo vệ đức tin qua nhiều bài viết.
Chính tại Rôma, thánh Justinô đã bị bắt vì là Kitô hữu. Quan tòa hỏi ngài: “Anh có nghĩ rằng khi chết đi anh sẽ lên thiên đàng và được ân thưởng không?” “Tôi không những chỉ nghĩ như thế,” vị thánh trả lời, “mà tôi còn tin chắc như vậy nữa!” Và thánh Justinô đã chịu tử vì đạo khoảng năm 166.
Để giữ đức tin vững vàng, chúng ta hãy năng cầu nguyện với lòng tin tưởng. Thỉnh thoảng chúng ta hãy lặp đi lặp lại tác động đức tin ngắn gọn và đơn sơ này: “Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa!”
Ngày 2 tháng 6
Thánh Maxêlinô và thánh Phêrô
Tên hai vị thánh này được nhắc đến ở kinh nguyện Thánh Thể thứ nhất trong thánh lễ. Các ngài được các Kitô hữu tiên khởi khẩn cầu và tôn kính khắp nơi. Lễ mừng kính hai vị tử đạo này được đức thánh cha Viligiô gồm chung trong lịch kính các thánh Rôma năm 555.
Thánh Maxêlinô là linh mục và thánh Phêrô giúp đỡ thánh Maxêlinô trong sứ vụ của ngài. Cả hai đều rất can đảm trong việc sống niềm tin Kitô giáo. Các ngài phục vụ cộng đoàn tín hữu với một lòng hy sinh quên mình đặc biệt. Trong suốt cuộc khủng bố bắt đạo của Điôclêsiô, nhiều Kitô hữu đã bị giết. Hai vị thánh này cũng ở trong số họ. Các ngài bị xử trảm. Tuy vậy, hình như trước khi chết thì người ta đã bắt chính các ngài phải đào các nấm mồ chôn mình. Các ngài được đưa tới một nơi bí ẩn để thực hiện nhiệm vụ khó nhọc ấy. Đó là khu rừng mang tên Silva Nigra. Một thời gian sau, người ta phát hiện ra mộ các ngài ở trong nơi sâu thẳm này. Người hành quyết các ngài sau cùng cũng sám hối ăn năn về sự giết chóc tàn bạo của mình; và ông đã trở nên một Kitô hữu. Ông đã dẫn các tín hữu mộ đạo đến nơi chôn cất các tử thi; và sau đó, họ mai táng các ngài trong hang toại đạo thánh Tibêriô. Vào năm 827, đức thánh cha Grêgôriô IV đã cho đem các thánh tích tới Frăngphơ, nước Đức. Ngài tin rằng các thánh tích của hai vị thánh tử đạo này sẽ mang những ân phúc đến cho Giáo hội ở quốc gia ấy.
Chúng ta có thể học hỏi nơi các thánh tử đạo để cuộc sống của mình trở nên những tấm gương phản chiếu niềm tin vào Đức Chúa Giêsu. Chúng ta có thể cầu nguyện với hai thánh Maxêlinô và Phêrô, và hãy xin các ngài ban ơn giúp sức để tăng triển thêm niềm tin và lòng yêu mến của mình.
Ngày 3 tháng 6
Thánh Carôlô Lwanga và các bạn tử đạo
Kitô giáo còn hoàn toàn mới lạ đối với Phi châu cho tới khi việc truyền bá đạo Công giáo bắt đầu khai mào từ năm 1879. Các linh mục là những tu sĩ dòng Thừa Sai Phi Châu. Các ngài được mọi người biết đến dưới tước hiệu “các cha áo trắng” vì các ngài mang bộ tu phục màu trắng. Vua Mwanga chẳng biết Kitô giáo rao giảng những gì nhưng ông cảm thấy bực mình khi một tín hữu Công giáo là Giuse Mkasa khiển trách lối sống của ông. Vua đã sát hại một nhóm Kitô hữu và cả vị giám mục thân yêu của họ. Vua cũng can dự vào sinh hoạt đồng tính luyến ái. Ông đặc biệt ưa thích các chú tiểu đồng. Rồi sự bực mình của vua Mwanga trở nên phẫn nộ và căm thù đối với Giuse Mkasa và tôn giáo của anh. Một số giới chức tham tham của nhà vua đã kích động tâm trạng vua với những lời xu nịnh gian trá. Thế là vào ngày 18 tháng Mười Một năm 1885, Giuse Mkasa bị đem ra xử trảm. Cuộc bách hại khủng bố bắt đầu. Trước khi nó kết thúc, hàng trăm người đã bị thiệt mạng. Hai mươi hai người trong số họ được tôn phong lên bậc hiển thánh.
Với cái chết của Giuse Mkasa, Carôlô Lwanga trở thành thầy dạy đạo chính yếu cho các chú tiểu đồng của vua. Vào ngày 26 tháng Năm năm 1886, vua Mwanga nhận thấy một số tiểu đồng của ông là tín hữu Công giáo. Ông cho gọi Đênis Sêbugwawo vào. Ông hỏi có phải Đênis đã dạy đạo cho các tiểu đồng không. Đênis trả lời phải. Nhà vua liền chụp lấy ngọn giáo của mình và phóng xuyên qua cổ họng chàng thanh niên. Rồi ông la lớn tiếng không cho phép ai được rời khỏi tổng hành dinh của ông. Tiếng trống đấu tranh vang lên thâu đêm. Trong một căn phòng kín ẩn, Carôlô Lwanga đã bí mật rửa tội cho bốn chú tiểu đồng. Một em trong bọn trẻ là thánh Kizitô, chú bé mười ba tuổi có tính tình vui tươi quảng đại. Kizitô là người bé nhất trong nhóm. Thánh Carôlô Lwanga thường hay bảo vệ Kizitô thoát khỏi lòng ham muốn dâm dật của vua Mwanga.
Hầu như hai mươi hai vị thánh tử đạo Uganđa này đã bị giết chết vào cùng ngày mùng 3 tháng Sáu năm 1886. Các ngài bị bắt đi bộ chừng năm mươi chín cây số đến nơi hành quyết. Sau ít ngày bị giam tù, người ta ném các ngài vào một đống lửa lớn. Mười bảy người trong số ấy là những chú tiểu đồng thuộc vương gia. Một trong các cậu bé tử đạo là thánh Mbaga. Hôm ấy chính thân phụ ngài là người đao phủ. Một vị tử đạo khác là thánh Anrê Kagwa, mất ngày 27 tháng Giêng năm 1887, cũng ở trong số hai mươi hai vị tử đạo được đức thánh cha Phaolô VI tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1964.
Carôlô Lwanga là thánh bổn mạng của giới trẻ da mầu Phi châu. Ngài và các bạn tử đạo đã hết sức hiểu rõ và quý trọng ơn đức tin của mình. Các ngài đã là những anh hùng! Chúng ta hết thảy hãy cầu xin cùng thánh Carôlô Lwanga và các thánh tử đạo Phi châu này. Hãy xin các ngài chỉ cho chúng ta biết cách làm chứng cho Đức Chúa Giêsu và Giáo hội như các ngài.
Ngày 4 tháng 6
Thánh Phanxicô Caraxiôlô
Thánh Phanxicô Caraxiôlô sinh ngày 13 tháng Mười năm 1563 tại miền Abruzi, nước Ý. Thân phụ ngài là một quý tộc vùng Napôli. Thân mẫu ngài có liên hệ bà con với tộc họ Aquinô; tộc họ này có một người làm thánh ở thế kỷ mười ba là thánh Tôma Aquinô. Phanxicô Caraxiôlô được hấp thụ một nền giáo dục tốt lành. Thánh nhân rất năng động trong các môn thể thao. Rồi khi lên hai mươi hai tuổi, một chứng bệnh giống như phong hủi đã làm cho Phanxicô Caraxiôlô gần chết. Đang lúc chịu bệnh, Phanxicô Caraxiôlô suy gẫm về sự giả dối của các thú vui trần thế. Ngài nhận thấy rằng hạnh phúc đích thực chỉ có thể tìm được trong một cái gì đó thâm sâu hơn. Phanxicô Caraxiôlô khấn hứa nếu được bình phục thì sẽ tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Chứng bệnh đã mau chóng rời khỏi Phanxicô Caraxiôlô như một phép lạ. Và Phanxicô Caraxiôlô đã giữ lời hứa. Ngài bắt đầu học làm linh mục.
Sau khi được thụ phong, cha Phanxicô Caraxiôlô gia nhập nhóm tận hiến phục vụ nhà giam. Họ trông nom coi sóc các tù nhân và chuẩn bị cho những người bị kết án tử được hưởng ơn chết lành. Rồi Phanxicô Caraxiôlô và một linh mục khác, cha Augustinô Ađônô, đã thiết lập một dòng tu mới. Khi cha Ađônô qua đời, Phanxicô Caraxiôlô được chọn làm bề trên tổng quyền. Ngài không cảm thấy được thoải mái chút nào trong chức vị này. Phanxicô Caraxiôlô thật khiêm nhường đến độ ở cuối mỗi lá thư, ngài thường hay ký tên: “Phanxicô, kẻ tội lỗi.” Thánh nhân cũng lần lượt làm các việc lau chùi nhà cửa, dọn giường và rửa chén dĩa cùng với các anh em linh mục khác.
Cha thánh Phanxicô Caraxiôlô thường hay trải qua cả đêm dài cầu nguyện trong nhà thờ. Ngài muốn hết thảy các linh mục của mình phải dùng ít nhất một giờ trong ngày để cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Thánh Phanxicô Caraxiôlô thường hay nói về tình Chúa yêu thương con người đến nỗi ngài nổi tiếng là “nhà giảng thuyết về tình yêu Thiên Chúa.”
Thánh Phanxicô Caraxiôlô sống không thọ lắm. Ngài qua đời năm 1607 khi mới được bốn mươi bốn tuổi. Ngay trước lúc chết, thánh nhân đột nhiên kêu lên: “Chúng ta hãy đi!” – “Cha muốn đi đâu?” Vị linh mục bên cạnh giường hỏi ngài. “Lên thiên đàng! Lên thiên đàng!” Phanxicô Caraxiôlô trả lời với một giọng đầy vui tươi và rõ ràng. Sau đó ít phút ngài qua đời. Năm 1807, Phanxicô Caraxiôlô được đức thánh cha Piô VII tôn phong lên bậc hiển thánh.
Trong lá thơ thứ hai gởi cho các tín hữu thành Côrintô, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương người trao ban cách vui vẻ. Đây chính là mẫu người mà thánh Phanxicô Caraxiôlô là điển hình. Nếu muốn cần một chút giúp đỡ trong việc dùng thời giờ và sức lực của mình cách quảng đại hơn, chúng ta có thể nài xin vị thánh này trợ giúp. Chúng ta cũng hãy xin thánh nhân làm cho chúng ta trở nên những người trao ban cách vui vẻ như thánh Phaolô đã mô tả.
Ngày 5 tháng 6
Thánh Bôniphaxiô
Vị tông đồ vĩ đại của nước Đức này sinh tại Wessit, nước Anh, vào khoảng giữa những năm 672 và 680. Khi còn nhỏ, có vài vị thừa sai đã lưu lại căn nhà của Bôniphaxiô. Họ kể cho Bôniphaxiô nghe về mọi công việc họ đã làm. Họ cảm thấy rất sung sướng và hăng say trong việc mang Tin mừng đến cho mọi người. Trong thâm tâm, Bôniphaxiô quyết định khi lớn lên cũng sẽ trở nên một người giống như họ. Lúc còn trẻ, Bôniphaxiô học tại một trường dòng. Vài năm sau, ngài trở nên một thầy dạy danh tiếng. Khi được thụ phong linh mục, thánh Bôniphaxiô trở thành một nhà giảng thuyết có ảnh hưởng đặc biệt vì thánh nhân có tấm lòng rất nhiệt thành.
Thánh Bôniphaxiô rất muốn cho mọi người có cơ hội được hiểu biết và yêu mến Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người. Thánh nhân là nhà truyền giáo tại vùng Tây Đức. Đức thánh cha Grêgôriô II đã chúc lành cho Bôniphaxiô và sai ngài đi thi hành sứ vụ này. Bôniphaxiô rao giảng và thu được thành quả đặc biệt. Thánh nhân có tính tình hiền hòa và tâm hồn quảng đại. Ngài cũng là người rất can đảm. Lần kia, để minh chứng rằng các phiếm thần chỉ là chuyện giả tạo, Bôniphaxiô đã đánh bạo một phen. Có một cây sồi cao to rắn chắc gọi là “cây sồi Thor.” Các người ngoại giáo tin là nó rất linh thiêng đối với các vị thần của họ. Trước mặt đám đông người, Bôniphaxiô dùng rìu đốn cây ấy một hồi lâu. Cây to đổ xuống. Những người ngoại giáo nhận ra các thần minh của họ chỉ là giả tạo vì chẳng có chuyện gì xảy đến cho Bôniphaxiô cả!
Thánh Bôniphaxiô rao giảng nơi nào thì nơi ấy đều có những thành viên mới xin gia nhập Giáo hội. Trong đời mình, Bôniphaxiô đã hoán cải được rất đông người theo đạo Công giáo. Để thay thế các tượng tà thần, thánh Bôniphaxiô đã xây cất các thánh đường và các tu viện. Năm 732, đức tân giáo hoàng, thánh Grêgôriô III, đã đặt Bôniphaxiô làm tổng giám mục và đưa ngài tới một vùng truyền giáo khác. Đó là Bavaria, (ngày nay là phần đất của nước Đức). Bôniphaxiô và một số bạn đồng hành đã đến đó dạy cho người ta nhận biết đức tin chân thật. Nơi đây thánh giám mục cũng rất thành công.
Rồi một ngày kia, đang khi dọn lòng để củng cố khuyến khích một số người mới gia nhập đạo thì một nhóm lính tráng hung tợn đột nhiên xông vào lều trại các ngài. Bôniphaxiô không cho các đồng bạn bảo vệ mình. “Thiên Chúa bảo chúng ta hãy lấy ân đền oán,” ngài nói. “Ngày mà cha mong đợi bấy lâu nay giờ đây đã đến. Hãy tin cậy vào Chúa và Người sẽ cứu thoát chúng ta!” Bọn người man rợ tấn công và Bôniphaxiô là người bị giết đầu tiên. Thánh Bôniphaxiô chịu tử đạo ngày mùng 5 tháng Sáu năm 754. Thánh nhân được chôn táng trong một đan viện danh tiếng mà ngài đã thiết lập tại Funđa, nước Đức. Thánh nhân muốn như vậy.
Ngày nay vẫn còn rất nhiều người chưa nhận biết một Thiên Chúa chân thật. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. Nếu Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên những nhà truyền giáo, chúng ta có thể nài xin thánh Bôniphaxiô giúp chúng ta thuận theo tiếng gọi.
Ngày 6 tháng 6
Thánh Nôbetô
Thánh Nôbetô sinh tại nước Đức vào khoảng năm 1080. Lúc ở tuổi thiếu niên, thánh nhân rất tốt lành. Nhưng rồi tại cung điện của vua Henri V, Nôbetô đã phung phí tất cả thời giờ của ngài vào những chuyện bỡn cợt phù phiếm. Nôbetô chỉ nghĩ tưởng đến việc dành cho được những địa vị sang trọng. Nôbetô là người đầu tiên có mặt tại các buổi tiệc và các cuộc lễ. Ngài hết sức sung sướng với “cuộc sống lý thú” này. Tuy thế vào một ngày kia, một tia chớp đã làm Nôbetô hoảng sợ. Con ngựa của Nôbetô lồng lên. Nôbetô bị hất tung xuống đất và bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, Nôbetô bắt đầu suy nghĩ cách nghiêm túc về lối sống của mình. Cảm thấy Thiên Chúa rất gần gũi, Nôbetô nhận ra rằng Thiên Chúa đang ban cho mình ân sủng để thay đổi đời sống. Dần dần, Nôbetô hồi tưởng về hoài bão mà ngài đã có cách đây nhiều năm. Nôbetô đã suy nghĩ đến việc làm linh mục. Giờ đây Nôbetô thực hiện ước vọng ấy; và Nôbetô được thụ phong linh mục năm 1115.
Cha Nôbetô ra sức hoạt động để làm cho người ta từ bỏ lối sống trần tục của họ. Cha làm gương sáng qua việc bán tất cả những gì ngài có để bố thí cho những người nghèo. Sau đó, thánh Nôbetô trở thành vị sáng lập dòng Thuyết Giảng Đức Tin. Nhóm tu sĩ đầu tiên gồm mười ba người bắt đầu sống đời tu trì dưới hình thức cộng đoàn. Họ sống trong thung lũng Prêmông. Đó là lý do tại sao họ được gọi là các kinh sĩ Prêmông. Họ cũng được gọi là các kinh sĩ Nôbetô, theo vị sáng lập của họ.
Sau đó, thánh Nôbetô được chọn làm giám mục thành Mađêbơ. Ngài ăn mặc rất đơn sơ nghèo khó và đi chân không vào thành phố. Người gác cổng nhà đức giám mục không biết Nôbetô nên đã không cho ngài vào. Anh ta bảo Nôbetô hãy nhập bọn với lũ ăn mày khác. “Nhưng ngài là đức tân giám mục đó!” những người biết vị thánh kêu lên. Anh gác cổng rất đỗi kinh hoàng và tỏ vẻ hối hận. “Không sao cả, anh bạn yêu quý ạ!” thánh Nôbetô nói với anh một cách thân thiện. “Anh đã cư xử với tôi đúng hơn những người mang tôi tới đây!”
Thánh Nôbetô phải đương đầu với một bè rối không tin nhận Đức Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Thánh Thể. Nhưng những lời giảng thuyết hùng hồn của thánh nhân về sự hiện diện của Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể đã làm cho người ta trở về với đức tin thánh thiện. Vào tháng Ba năm 1133, Nôbetô và một người bạn rất thân của ngài là thánh Bênađô (lễ kính ngày 20 tháng Tám) đã tham gia một đám rước khác thường. Các ngài cùng với đức vua và quân đội của ông hộ tống đức thánh cha thật là đức Innôcentê II trở về Vatican an toàn.
Thánh Nôbetô qua đời năm 1134. Đến năm 1582, đức thánh cha Grêgôriô XIII đã tôn phong Nôbetô lên bậc hiển thánh.
Chúng ta hãy học nơi thánh Nôbetô nhiều điểm hay, nhất là đời sống nghiêm túc. Chúng ta cũng hãy học hỏi nơi ngài lòng biết ơn và yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể; và tiếp rước Người với lòng tin yêu.
Ngày 7 tháng 6
Chân phước Annê Batôlômêô
Chân phước Annê Batôlômêô là con gái của một gia đình dân quê. Ngài chăn giữ chiên cừu cho tới khi lên hai mươi tuổi. Avila, thành phố nơi thánh nữ Têrêsa và các nữ tu dòng Cátminh đang sống, cách quê hương của chân phước Annê Batôlômêô ở khoảng sáu cây số. Rồi, Annê Batôlômêô được nhận vào dòng. Annê Batôlômêô là chị nữ tu ngoài nội vi hơn là chị nữ tu dòng kín theo luật nội vi; vì Annê có thể ra ngoài lo những công việc nho nhỏ cần thiết cho đan viện.
Suốt bảy năm cuối đời, thánh nữ Têrêsa Avila đã chọn chị nữ tu này, là chân phước Annê Batôlômêô, làm bạn đồng hành đó đây với mình. Thánh nữ Têrêsa Avila đi khắp nơi thăm nom các nữ tu viện của ngài. Đôi khi thánh nữ cũng thiết lập một tu viện mới. Thỉnh thoảng thánh nữ giúp các nữ tu sống hăng hái nhiệt thành hơn với ơn gọi đã chọn. Thánh nữ Têrêsa Avila rất coi trọng chân phước Annê và khen ngợi ngài với các chị em khác.
Dù chân phước Annê Batôlômêô không có cơ hội đi học nhưng ngài cũng biết đọc và biết viết. Annê ghi lại những chuyến tháp tùng của mình với thánh nữ Têrêsa Avila. Chính chân phước Annê đã ở bên thánh Têrêsa Avila lúc ngài lìa đời.
Đời sống của chân phước Annê Batôlômêô vẫn tiếp diễn cách hoàn toàn bình lặng suốt sáu năm sau cái chết của thánh nữ Têrêsa. Rồi các bề trên quyết định thiết lập một tu viện mới ở Pari, nước Pháp. Năm người được chọn đi và chân phước Annê Batôlômêô là một trong số họ. Đang lúc dân thành Paris chào đón các nữ tu cách nồng hậu thì chân phước Annê Batôlômêô liền vội chạy vào nhà bếp chuẩn bị bữa ăn cho các chị em đang đói mệt. Sau đó, bốn trong số năm chị nữ tu chuyển đến Hà Lan. Annê Batôlômêô ở lại vì họ chỉ định ngài làm bề trên nhà ấy. Dường như Annê đã thưa với Thiên Chúa rằng hầu hết các chị em người Pháp gia nhập cộng đoàn đều xuất thân từ các gia đình quý phái giàu có. Annê trình bày với Thiên Chúa rằng ngài chỉ là một cô bé chăn chiên nghèo nàn mà thôi! Và sau đó, chân phước Annê được nghe Thiên Chúa trả lời trong lòng rằng: “Với những cọng rơm, Ta sẽ đốt thành đống lửa của Ta!”
Rồi, Annê Batôlômêô được sai đến Hà Lan để lập thêm nhiều tu viện mới. Trước tiên, Annê đến Mons và sau đó tới Anwep. Các chị em đến tu dòng Cátminh đều xem Annê Batôlômêô như một vị thánh. Annê Batôlômêô qua đời tại Anwep năm 1626. Ngài được đức thánh cha Bênêđictô XV tôn phong lên bậc chân phước.
Chân phước Annê Batôlômêô không ham thích giữ địa vị gì quan trọng. Ngài chẳng hoài bão điều gì! Bất cứ khi nào chúng ta thấy mình ham muốn làm người quan trọng, chúng ta có thể cầu xin với chị nữ tu thánh thiện này. Chân phước Annê Batôlômêô sẽ giúp chúng ta biết để tâm vào việc làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn là làm mủi lòng người ta.
Ngày 8 tháng 6
Thánh William Gioóc
Thánh William Fizơbơ sinh tại Anh quốc vào thế kỷ mười hai. Ngài là cháu trai của vua Têphanô. Lúc còn trẻ, William thích sống vô tư thoải mái và hơi lười biếng. Dường như một số người có ấn tượng về William cho rằng ngài là người ít nghiêm chỉnh, chẳng quan tâm gì đến những trách nhiệm trong cuộc sống. Tuy thế, William rất được dân thành Gioóc hâm mộ.
Nhiều năm sau đó, khi đức tổng giám mục Gioóc qua đời, người ta đã chọn William thay thế địa vị này. Vào thời ấy, các nhà quý tộc thường hay xen vào công việc bầu chọn giám mục. Đây là lý do tại sao nhiều linh mục nghĩ rằng William đã không được chọn lựa cách hợp lệ. Chính nhà vua, người cậu của William đã chỉ định ngài. Ngay cả thánh Bênađô thời danh lúc ấy cũng góp ý thuyết phục đức thánh cha nên chọn một người khác làm tổng giám mục thành Gioóc. Người ta yêu cầu William không được nhận chức vì họ cảm thấy việc ngài được chỉ định không có căn cứ vững chắc. William rời khỏi tòa giám mục với cảm nghĩ mình bị xúc phạm và bị phế bỏ. Ngài tìm đến sống với một người cậu khác cũng làm giám mục. Hình như William đã trở nên một người sống nội tâm hơn nhiều. William chẳng nhận lấy bất cứ một thứ tiện nghi nào của cậu ban tặng. William sống trong tinh thần cầu nguyện và sám hối. William bắt đầu biểu lộ tấm lòng quan tâm đến Giáo hội và đức tin của mình.
Dân thành Gioóc rất tức giận về chuyện xảy đến cho đức tổng giám mục của họ. Họ không thể hiểu được tại sao một việc như thế lại có thể xảy ra! Đã có những cuộc ẩu đả trên đường phố giữa những người ủng hộ và không ủng hộ William. Sáu năm trôi qua! William vẫn sống trầm lặng cầu nguyện trong căn nhà của đức giám mục cậu ngài. William nài xin Thiên Chúa ban bình an xuống cho tổng giáo phận của ngài. Việc William bị đối xử cách bất công chẳng quan trọng gì. Quan trọng là đoàn chiên của William được yêu thương chăm sóc mà thôi!
Cuối cùng, lời khẩn nguyện của William đã được Thiên Chúa chấp nhận. Khi đức tổng giám mục kia qua đời, đức thánh cha sai William trở về thành Gioóc. Ngài đã tới thành vào tháng Năm năm 1154. Dân chúng rất đỗi vui mừng. Nhưng lúc này trông William đã già yếu; và khoảng một tháng sau William qua đời. Năm 1227, đức thánh cha Hônôriô III đã tôn phong William Gioóc lên bậc hiển thánh.
Đôi khi người ta thổi phồng quá đáng hoặc nói những chuyện không thật về chúng ta. Những lúc ấy, chúng ta hãy nài xin thánh William Gioóc giúp cho biết quảng đại tha thứ như ngài. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh nhân chỉ cho chúng ta biết cách điều hòa cuộc sống và không lãng phí thời giờ tưởng nghĩ về những nỗi thương đau của mình.
Ngày 9 tháng 6
Thánh Ephrem
Thánh Ephrem sinh ở Mêsôpôtamia khoảng năm 306. Ngài được chịu phép Thanh tẩy năm lên mười tám tuổi. Sau đó, Ephrem lui vào sa mạc và trở thành ẩn sĩ. Ephrem tìm thấy một cái hang gần thành phố Êđessa ở Syria. Quần áo Ephrem mang theo chỉ là những mảnh vải vụn chắp vá lại; và thức ăn thánh nhân dùng là những thứ hoa màu đất mẹ cung cấp.
Thánh Ephrem có tính hay nóng giận. Nhưng dần dần, thánh nhân đã làm chủ được mình. Và rồi, những ai gặp gỡ Ephrem đều nghĩ rằng con người của Ephrem thật là điềm tĩnh! Ephrem thường hay đi giảng ở Êđessa. Khi Ephrem nói về sự phán xét của Thiên Chúa, dân chúng đã cảm động oà khóc. Thánh nhân kể cho họ nghe rằng xưa kia ngài là một tội nhân rất khốn nạn. Ephrem thật sự có ý nói như vậy vì dù lầm lỗi ngài chỉ rất nhỏ mọn nhưng đối với Ephrem, chúng cũng được xem như là những tội phạm rất nặng. Khi thánh Basiliô gặp ngài, thánh nhân hỏi: “Có phải ngài là Ephrem, đầy tớ danh tiếng của Đức Chúa Giêsu không?” Ephrem liền vội trả lời: “Tôi là Ephrem, người kéo lê những bước bất xứng trên đường dẫn tới ơn cứu độ!” Sau đó, Ephrem nài xin và nhận được lời khuyên của thánh Basiliô về cách thức làm tăng triển đời sống nội tâm.
Thánh Ephrem dùng thời giờ để viết những sách thiêng liêng. Thánh nhân viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau: Syria, Hy Lạp, Latinh và Ácmênia. Những sách này rất hay và rất đạo đức đến nỗi chúng đã được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng. Ngày nay những sách ấy vẫn còn được người ta tìm đọc. Ephrem cũng viết những bài thánh ca dùng cho phần phụng vụ cộng đoàn. Những thánh ca này rất được ưa chuộng và mỗi khi hát lên, người tín hữu học hỏi được nhiều điều về đức tin. Đó là lý do tại sao Ephrem được gọi là “cây đàn hạc của Chúa Thánh Linh.” Vì là thầy dạy uyên bác qua các tác phẩm của mình, nên vào năm 1920, thánh Ephrem được tôn lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh.
Thánh Ephrem qua đời vào tháng Sáu năm 373.
Một cách để tôn vinh Chúa Giêsu Thánh Thể là cùng nhau hát những bài thánh ca. Đây là việc thánh Ephrem sẽ làm nếu như ngài quỳ gối bên cạnh chúng ta tham dự thánh lễ.
Ngày 10 tháng 6
Chân phước Henri Trêvisô
Henri Trêvisô sinh ở Bôlzanô, nước Ý. Ngài sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ mười ba đầu thế kỷ thứ mười bốn. Gia đình của Henri rất nghèo nên ngài chẳng có cơ hội để học hành. Đến tuổi niên thiếu, Henri trẩy đến thành Trêvisô tìm việc làm. Henri là người làm thuê tính theo công nhật. Một vài người nhận thấy rằng Henri đã bố thí cho người nghèo hầu hết số tiền kiếm được. Hằng ngày Henri tham dự thánh lễ và thường xuyên chịu lễ như được phép. Henri cũng yêu mến bí tích Hòa giải và cảm nghiệm nơi bí tích tha thứ này một Vị Thiên Chúa đầy tình khoan dung và hay thương xót.
Người ta bắt đầu để ý xem cách giữ đạo của Henri. Henri thực thi sám hối qua cách thức chăm chỉ làm việc. Mỗi ngày chân phước Henri Trêvisô dành ra nhiều giờ để cầu nguyện riêng, thông thường tại nhà thờ. Henri Trêvisô trổi vượt về hai đức tính dịu dàng và điềm tĩnh. Đôi lúc người ta trêu chọc Henri vì lối sống của ngài thật bình dị. Khi về già, Henri Trêvisô trông có vẻ tiều tụy. Trẻ con nhiều lúc nhạo báng diện mạo kỳ dị của ngài. Nhưng Henri Trêvisô chẳng màng chi cả! Ngài nhận thấy rằng họ chẳng ý thức được việc họ đang làm cho ngài đau lòng.
Khi Henri Trêvisô già nua và không còn đủ sức để làm việc nữa, có một người bạn tên là Giacôbê Castagnolis đã đem Henri Trêvisô về nhà của ông. Castagnolis cho Henri một căn phòng và có nhã ý muốn nuôi dưỡng ngài; nhưng chân phước Henri nhất định đòi chỉ sống nhờ vào những đồ bố thí của dân thành Trêvisô. Họ đã rộng rãi bố thí cho Henri nhiều thực phẩm vì họ biết ngài sẽ san sẻ quà bố thí của họ cho những người vô gia cư và những người nghèo khó. Về cuối đời, Henri Trêvisô hầu như không thể đi bộ được nữa. Người ta kinh ngạc khi xem thấy ông già mỗi ngày vẫn chậm chạp lê mình tới tham dự thánh lễ ban sáng. Henri Trêvisô cũng hay thăm viếng các nhà thờ lân cận dù cho việc di chuyển tới mỗi nơi làm cho Henri Trêvisô hết sức đau đớn.
Ông già tốt phúc này thật là một mầu nhiệm kỳ bí. Khi Henri Trêvisô qua đời ngày mùng 10 tháng Sáu năm 1315, người ta đã lũ lượt kéo đến căn phòng bé nhỏ của Henri Trêvisô. Họ muốn có một di vật kỷ niệm. Họ tìm thấy các tài sản của Henri Trêvisô: một chiếc áo vải thô gai, một khúc gỗ dùng để gối đầu, và một ít rơm dùng làm nệm giường. Xác Henri Trêvisô được đưa tới nhà thờ chính tòa để mọi người có thể tôn kính. Trên hai trăm phép lạ đã được ghi nhận chỉ trong vòng vài ngày sau khi Henri Trêvisô qua đời.
Đức thánh cha Bênêđictô XIV đã tôn phong Henri Trêvisô lên bậc chân phước.
Chân phước Henri Trêvisô dạy chúng ta rằng để làm thánh không nhất thiết phải làm được những việc to lớn. Chúng ta hãy xin chân phước Henri Trêvisô chỉ cho chúng ta biết cách hăng say sống đời Kitô hữu mỗi ngày.
Ngày 11 tháng 6
Thánh Barnaba
Dù không phải là một trong số mười hai tông đồ được Đức Chúa Giêsu tuyển chọn, nhưng thánh Barnaba được thánh ký Luca gọi là tông đồ trong sách Tông đồ Công vụ của ngài. Vì như tông đồ Phaolô, Barnaba cũng nhận được từ Thiên Chúa một sứ vụ đặc biệt. Thánh nhân là người gốc Dothái, sinh tại đảo Cyprô. Tên của ngài là Giuse nhưng các tông đồ đổi thành Barnaba. Danh xưng này có nghĩa là “con của sự an ủi.”
Ngay khi trở thành Kitô hữu, thánh Barnaba đã bán tất cả những gì ngài có và đem tiền dâng cho các tông đồ. Thánh nhân là người tốt bụng. Ngài rất nhiệt thành hăng say tin yêu Đức Chúa Giêsu. Barnaba được sai đến thành Antiôkia để rao giảng Tin mừng. Antiôkia là thành phố lớn thứ ba trong đế quốc Rôma thời ấy. Tại đây, những người tin theo Đức Chúa Giêsu lần đầu tiên được gọi là Kitô hữu. Barnaba nhận thấy mình cần sự giúp đỡ nên liền nghĩ tới Phaolô thành Tarsô. Ngài tin rằng Phaolô đã thực sự được ơn trở lại. Chính Barnaba đã đứng ra thuyết phục thánh Phêrô và cộng đoàn Kitô hữu; và đã xin cho Phaolô đến làm việc với mình. Barnaba là người khiêm tốn. Ngài không ngại chia sẻ năng lực và trách nhiệm. Ngài cũng biết Phaolô có một ân sủng rất đặc biệt và ngài muốn thánh nhân có cơ hội để trao ban.
Một thời gian sau, Chúa Thánh Linh đã chọn Phaolô và Barnaba để thực hiện một sứ vụ quan trọng. Sau đó không lâu, hai vị tông đồ đã lên đường thực hiện sứ mệnh anh dũng này. Các ngài đã phải chịu nhiều đau khổ và thường hay gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng giữa những thử thách cam go, việc rao giảng của các ngài đã thuyết phục được nhiều người trở về với Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người.
Sau đó, thánh Barnaba tiếp tục thực hiện một cuộc truyền giáo khác. Lần này với thánh Marcô, người bà con với ngài. Họ đi về Cyprô, quê hương của Barnaba. Qua việc rao giảng của thánh Barnaba, rất nhiều người đã trở nên Kitô hữu đến nỗi Barnaba được gọi là tông đồ của đảo Cyprô. Theo ý kiến chung, người ta cho rằng vị đại thánh này đã bị ném đá chết vào năm 61.
Thánh Barnaba đã nhận một danh xưng biểu hiệu đúng con người của ngài: một người tốt luôn luôn khuyến khích người khác yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện với vị thánh này và xin ngài làm cho chúng ta cũng được trở nên những “người con của sự an ủi” như thánh nhân.
Ngày 12 tháng 6
Thánh Gioan Sahagun
Thánh Gioan sinh tại Sahagun, nước Tây Ban Nha, vào thế kỷ thứ mười lăm. Ngài được hấp thụ nền giáo dục của các đan sĩ Bênêđictô trong thị trấn ngài ở. Sau đó, Gioan làm cha xứ một họ đạo. Hẳn là Gioan đã có thể sống một cuộc đời thoải mái tiện nghi trong nhà thờ chính tòa hay ở các xứ đạo giàu có khác. Tuy vậy, Gioan cảm thấy bị hấp dẫn bởi lối sống đơn sơ khó nghèo mà Đức Chúa Giêsu đã sống. Cha Gioan chỉ chọn coi sóc một họ đạo nhỏ. Ở đó ngài dâng thánh lễ, thuyết giảng và dạy giáo lý.
Cha Gioan Sahagun nhận thấy cần phải hiểu biết hơn về khoa thần học và ngài đã đăng ký học các lớp tại trường đại học Công giáo danh tiếng thuộc thành phố Salamanca. Sau bốn năm chăm chỉ học tập, cha Gioan trở nên một nhà giảng thuyết nổi danh. Chín năm sau, Gioan Sahagun gia nhập dòng Augustinô. Các anh em tu sĩ rất được ấn tượng bởi cách ngài thực hành các nhân đức Kitô giáo. Thánh Gioan cũng sống rất mực khiêm tốn và vâng phục các đấng bề trên của ngài. Thánh nhân vẫn tiếp tục công việc giảng huấn. Các bài giảng hay của Gioan Sahagun đã làm cho dân thành Salamanca được biến cải. Trước đây họ hay tranh chấp cãi vã nhau dữ dội. Những chàng trai quý tộc thường hay đánh trả thù nhau. Thánh Gioan Sahagun đã thành công trong việc chấm dứt những cuộc ẩu đả gay gắt này. Thậm chí thánh nhân đã thuyết phục được người ta tha thứ cho nhau.
Thánh Gioan Sahagun chẳng e sợ việc sửa chữa những tội ác xấu xa, ngay cả khi những người mắc tội là những người có thế lực và họ có thể trả thù ngài. Lần kia, thánh Gioan Sahagun sửa lỗi cho một công tước vì cách thức ông làm cho những người dân nghèo phải chịu khổ. Điều vị linh mục nói là sự thật! Nhưng trong cơn giận dữ, công tước đã sai hai người đầy tớ của mình tới giết thánh Gioan. Các ông này tìm thấy vị linh mục và tiến lại gần ngài. Cha Gioan Sahagun rất bình thản và phúc hậu. Cả hai ông tự nhiên cảm thấy bị chìm ngập trong nỗi sầu khổ và cả hai người đã xin thánh nhân tha thứ cho. Sau đó, vị công tước ngã bệnh. Qua những lời cầu nguyện của thánh Gioan Sahagun, ông đã ăn năn tội lỗi của mình và được bình phục.
Chính những ân sủng Gioan Sahagun nhận được từ lời cầu nguyện và thánh lễ đã giúp cho thánh nhân có được khả năng rao giảng. Thánh Gioan Sahagun đã cử hành thánh lễ với lòng rất sốt sắng.
Thánh Gioan Sahagun qua đời ngày 11 tháng Sáu năm 1479. Ngài được đức thánh cha Alêxanđơ VIII tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1690.
Chúng ta sẽ là những Kitô hữu gây ấn tượng hơn nhiều nếu chúng ta bình tĩnh và an hòa trong cả cách nói lẫn cách sống. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ rao giảng Tin mừng được nếu tâm tính chúng ta thô lỗ cộc cằn và bị đè nặng bởi lo âu sợ sệt. Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan Sahagun chỉ cho chúng ta biết cách sống bình thản và quảng đại như ngài.
Ngày 13 tháng 6
Thánh Antôn Pađua
Vị thánh rất được ưa chuộng này sinh tại nước Bồ Đào Nha năm 1195. Người ta đặt tên cho thánh nhân là “Phécđinăng.” Thánh nhân được hấp thụ một nền giáo dục tuyệt vời nơi các thầy dòng thánh Augustinô; và sau đó, thánh nhân đã gia nhập hội dòng này.
Lúc hai mươi lăm tuổi, cuộc sống của Phécđinăng lại chuyển sang một hướng đi kỳ thú. Ngài nghe biết có mấy tu sĩ dòng Phanxicô đã được phúc tử đạo bởi những người Mor ở Môrôcô. Các tu sĩ này là thánh Bêra và các bạn tử đạo. Chúng ta đã cử hành thánh lễ kính các ngài ngày 16 tháng Giêng. Từ lúc ấy trở đi, Phécđinăng cảm thấy một ham ước mãnh liệt muốn được tử đạo vì Chúa Kitô. Rồi ngài gia nhập dòng Phanxicô. Hội dòng này mới được thiết lập. Chính thánh Phanxicô Assisiô sáng lập dòng vẫn còn sống. Phécđinăng đổi tên là Antôn. Ngài tới Phi châu rao giảng cho người Mor. Nhưng chẳng bao lâu, thánh Antôn đã lâm bệnh rất nặng đến nỗi phải trở về nước Ý. Chẳng ai trong hội dòng mới của Antôn nhận biết được Antôn tài giỏi lỗi lạc đến chừng nào! Họ không biết Antôn đã được giáo dục và học hành đến đâu! Antôn không bao giờ tự nói về mình! Vì vậy các bề trên dòng Phanxicô đã bổ nhiệm ngài tới một đan viện âm thầm ở Ý. Nơi đó, Antôn làm công việc rửa chén dĩa xoong chảo. Rồi một ngày kia, Antôn đã giảng một bài thật hay cho một nhóm đông các linh mục nghe. Từ đó trở đi, suốt chín năm cho tới lúc qua đời, thánh Antôn đã thuyết giảng khắp nơi trong nước Ý. Người ta hâm mộ Antôn đến nỗi đã thường đóng các cửa tiệm của họ để đến nghe thánh nhân thuyết giảng.
Thánh Antôn Pađua hay được người ta cầu khấn trong những cơn bạo bệnh thể xác cũng như khủng hoảng tinh thần. Qua sự cầu thay nguyện giúp của thánh nhân, nhiều phép lạ đã xảy ra. Rất đông người đã nhận được các ơn lành nhờ sự bầu cử của ngài. Đó là lý do tại sao người ta hay gọi Antôn Pađua là “đấng hay làm phép lạ.” Người ta thường trình bày bức tượng thánh Antôn Pađua đang bồng ẵm Chúa Hài Nhi Giêsu bởi vì Chúa Hài Nhi Giêsu đã hiện ra với ngài. Những bức hình khác trình bày thánh nhân đang ôm một cuốn sách Kinh Thánh. Điều này cho thấy thánh Antôn Pađua rất thành thạo, yêu mến và năng rao giảng lời Chúa. Thật sự, thánh Antôn Pađua rất thông giỏi, đặc biệt về khoa Kinh Thánh, đến nỗi ngài được đức thánh cha Piô XII tôn phong là “Tiến sĩ Tin Mừng” hay còn gọi là “Tiến sĩ Kinh Thánh.”
Thánh Antôn Pađua qua đời tại Axêla gần thành phố Pađua, nước Ý, vào ngày 13 tháng Sáu năm 1231 khi mới được ba mươi sáu tuổi. Một năm sau, Antôn Pađua được đức thánh cha Grêgôriô IX tôn phong hiển thánh.
Đôi lúc chúng ta mong muốn mọi người nhận biết những việc tốt lành chúng ta làm hoặc chúng ta biết cách làm. Có thể chúng ta sẽ không luôn luôn nhận được nhiều sự chú ý. Đó là những lúc chúng ta nên cầu xin thánh Antôn Pađua dạy cho chúng ta biết tự hài lòng với chính mình. Chúng ta hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta đừng để tâm vào những cái chúng ta có thể nhận được nhưng hãy nhắm vào những cái chúng ta có thể trao ban trong đời sống này.
Ngày 14 tháng 6
Thánh Mêtôđiô I
Thánh Mêtôđiô I sống vào thế kỷ thứ chín. Ngài được sinh ra và lớn lên tại Sicily. Mêtôđiô được lãnh nhận một nền học vấn rất xuất sắc và ngài muốn có một địa vị xứng hợp với trình độ của ngài. Mêtôđiô quyết định trẩy tàu tới Constantinôp để tìm một công việc quan trọng tại triều đình nhà vua. Trong chuyến hải hành, Mêtôđiô gặp một tu sĩ thánh thiện và vị này đã chia sẻ với ngài về những điều bí ẩn. Tất cả mọi vấn nạn về Thiên Chúa và đời sau thấm nhập vào tâm trí Mêtôđiô. Vị tu sĩ giúp Mêtôđiô nhận thấy rằng để tìm được niềm vui đích thực trong cuộc sống thì phải hiến dâng mình cho Thiên Chúa trong bậc sống tu trì. Vì thế, khi đến Constantinôp, Mêtôđiô đã từ khước cung điện; và thay vào đó, Mêtôđiô I đã vào ẩn thân trong một đan viện.
Ở Constantinôp, các Kitô hữu đang gặp phải những vấn đề khó khăn. Một số người cảm thấy rằng thật sai lầm khi có các bức vẽ đạo đức và các ảnh tượng Chúa Kitô. Họ nghĩ lầm rằng giáo dân cầu nguyện với các bức tranh hoặc ảnh tượng chứ không phải với người mà các tranh ảnh biểu thị. Đã xảy ra những cuộc ẩu đả gay gắt và nhà vua cũng liên quan đến vụ này. Ông đồng ý với những người nghĩ rằng các bức vẽ và ảnh tượng là chuyện xấu. Ngược lại, thánh Mêtôđiô không đồng ý với nhà vua. Ngài hiểu được lý do tại sao các Kitô hữu cần đến ảnh tượng. Rồi người ta đã chọn Mêtôđiô tới Rôma để xin đức thánh cha làm sáng tỏ vấn đề này. Khi Mêtôđiô trở về, nhà vua đã trừng phạt ngài với án lệnh bảy năm tù. Thánh Mêtôđiô chấp nhận cảnh tù đày tăm tối và ẩm thấp, nhưng ngài không để cho tinh thần của mình bị đè bẹp. Ngài biết rằng Đức Chúa Giêsu có ý dùng các nỗi đau khổ ngài chịu để giúp đỡ Giáo hội. Sau cùng, vào năm 842, hoàng đế băng hà. Hoàng hậu Thêôđôra lên nắm quyền cai trị, bởi vì con trai của bà còn quá nhỏ. Thêôđôra có quan điểm khác quan điểm của chồng. Bà cho rằng người ta nên được tự do sử dụng các bức vẽ, ảnh tượng Chúa Kitô và các tranh ảnh đạo đức nếu họ muốn. Mêtôđiô và những người đã phải chịu đau khổ suốt một thời gian dài cảm thấy rất sung sướng. Giờ đây họ đã được tự do.
Một trong số những người đã làm cho Mêtôđiô đau khổ nhất đã bị hoàng hậu trục xuất khỏi xứ sở. Sau đó, Mêtôđiô làm thượng phụ giáo chủ Constantinôp. Giáo dân rất yêu mến ngài.
Thánh Mêtôđiô I viết nhiều bài tiểu luận rất hay về các lãnh vực thần học và đời sống thiêng liêng. Ngài cũng viết nhiều truyện về các thánh và thơ ca.
Sau bốn năm làm thượng phụ giáo chủ, thánh Mêtôđiô I đã qua đời nhằm ngày 14 tháng Sáu năm 847.
Thánh Mêtôđiô I đã khởi đầu sự nghiệp bằng việc tìm kiếm danh vọng, địa vị và của cải. Rồi ngài nghe theo vị tu sĩ thánh thiện và chọn lấy cho mình một cuộc sống đầy khó khăn. Khi được quyền tự chọn, ngay cả trong những điều thật bé nhỏ, chúng ta có thể dâng một lời nguyện đơn sơ lên thánh Mêtôđiô I. Ngài sẽ ban cho chúng ta sự khôn ngoan để biết chọn lựa điều tốt nhất cho đời tạm này và đời sau vĩnh cửu bên Thiên Chúa.
Ngày 15 tháng 6
Thánh Giơmanh Pibrac
Pibrac là một ngôi làng nhỏ bên nước Pháp nơi Giơmanh chào đời vào khoảng năm 1579; và thánh nữ Giơmanh đã sống cả cuộc đời ở đây. Bề ngoài trông Giơmanh không được xinh xắn và luôn luôn yếu bệnh. Thân phụ Giơmanh chỉ quan tâm chút ít tới ngài. Mẹ ghẻ của Giơmanh không muốn cho Giơmanh ở gần bên các đứa con lành mạnh của bà. Vì vậy, Giơmanh phải ngủ chung với đàn chiên trong nhà kho ngay cả khi tiết trời giá lạnh. Giơmanh vận những bộ đồ rách nát và thường bị các trẻ em khác nhạo cười. Giơmanh chăn chiên suốt ngày ngoài đồng. Ban đêm khi trở về nhà, Giơmanh thường bị mẹ ghẻ la rầy đánh đập.
Thế nhưng cô bé nghèo khó này học cách nói chuyện với Thiên Chúa và nhớ rằng Người luôn luôn hiện diện bên mình. Giơmanh Pibrac luôn luôn cố gắng xoay sở để tham dự thánh lễ mỗi ngày. Thánh nữ nhờ vị thiên thần bản mệnh của ngài coi sóc đàn chiên giùm. Vì thế, chẳng bao giờ có con chiên nào đi rong chơi lang thang khỏi ràn mà Giơmanh đã đặt để trên bãi đất!
Giơmanh Pibrac thường hay tập họp các trẻ em trong xóm lại xung quanh mình và dạy chúng học biết đức tin. Giơmanh muốn tâm hồn chúng được tràn đầy lòng yêu mến Thiên Chúa. Giơmanh cũng hết sức cố gắng giúp đỡ người nghèo. Giơmanh chia sẻ cho họ chút phần lương thực của ngài. Vào một ngày mùa đông nọ, mẹ ghẻ buộc tội Giơmanh vì đã ăn cắp bánh mì. Bà vác gậy rượt đuổi Giơmanh. Nhưng lạ lùng thay! Những thứ rơi ra từ chiếc tạp dề của Giơmanh không phải là bánh mì. Đó lại là những đóa hoa mùa hè xinh đẹp!
Từ đây, người ta không còn nhạo cười và chế giễu Giơmanh nữa. Thật ra họ rất quý mến và khâm phục ngài. Hẳn là Giơmanh đã có thể sống trong căn nhà của cha ngài, nhưng Giơmanh vẫn tiếp tục ngủ ở nhà kho. Rồi vào một buổi sáng năm 1601, lúc được hai mươi hai tuổi, người ta thấy Giơmanh Pibrac nằm chết trên một chiếc nệm rơm. Cuộc đời quá nhiều đau khổ của Giơmanh Pibrac đã khép lại. Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ để tỏ cho biết Giơmanh Pibrac là vị thánh.
Nhân đức chính yếu của vị thánh này là kiên nhẫn. Giơmanh Pibrac đã mang cây thánh giá to lớn của ngài cách dễ dàng vì thánh nữ đã năng chịu bí tích Thánh Thể. Khi gặp những đau khổ nhỏ mọn, chúng ta hãy quay ánh nhìn về Đức Chúa Giêsu đang hiện thân trong bí tích Thánh Thể và xin Người giúp đỡ.
Ngày 16 tháng 6
Thánh Gioan Phanxicô Rêgis
Vị thánh người Pháp này sinh năm 1597. Khi lên mười tám tuổi, Gioan Phanxicô Rêgis gia nhập dòng Tên. Ở chủng viện, lòng yêu mến Thiên Chúa và ơn gọi của Gioan được tỏ lộ qua cách ngài cầu nguyện. Thánh nhân cũng nhiệt thành ham thích dạy giáo lý trong các xứ đạo mỗi khi có thể. Sau khi được thụ phong linh mục, thánh Gioan Phanxicô Rêgis bắt đầu công việc truyền giáo. Những bài giảng thuyết của ngài rất đơn sơ nhưng phát xuất từ nội tâm. Thánh nhân đặc biệt hay giảng cho những người nghèo khổ và những người bình dân. Họ tập trung lại thành những đám đông để nghe ngài thuyết giảng. Thánh Gioan Phanxicô Rêgis dành thời giờ ban sáng để cầu nguyện, ban bí tích Hòa giải và thuyết giảng. Ban chiều, thánh nhân viếng thăm các trại tù và các bệnh viện. Với những người nói rằng các tù nhân và các phụ nữ trắc nết mà Gioan Phanxicô Rêgis đã cải tà quy chính sẽ không tốt lành mãi đâu thì thánh nhân trả lời họ: “Nếu những cố gắng của tôi dù chỉ ngăn cản được một tội khỏi bị sa phạm thôi, tôi vẫn sẽ coi chúng thật đáng giá!”
Thánh Gioan Phanxicô Rêgis hành trình đến các xứ đạo nơi miền thôn dã, ngay cả trong những ngày đông giá rét, để giảng thuyết. “Tôi đã thấy ngài đứng suốt ngày trên đống tuyết tận trên đỉnh núi để giảng dạy,” một linh mục đã nói, “và sau đó lại dùng cả đêm dài để giải tội!” Đôi khi mới ba giờ sáng, Gioan Phanxicô Rêgis đã lên đường trẩy tới một thị trấn hẻo lánh mà trong túi chỉ có vài quả táo dùng làm lương thực trong ngày.
Một lần kia, trên đường tới một ngôi làng, thánh Gioan Phanxicô Rêgis bị té ngã và gãy chân. Tuy vậy, thánh nhân vẫn tiếp tục hành trình dù một tay chống gậy và tay kia phải vịn lấy vai của một người bạn. Nhưng khi tới làng, thánh nhân liền ban bí tích Hòa giải cho các hối nhân. Gioan Phanxicô Rêgis chẳng nhờ người chăm sóc băng bó cái chân bị gãy của ngài. Vào cuối ngày, khi bác sĩ tới xem xét thì cái chân gẫy của Gioan Phanxicô Rêgis đã hoàn toàn được chữa khỏi từ lúc nào rồi!
Thánh Gioan Phanxicô Rêgis qua đời trong một chuyến đi truyền giáo. Ngài lâm bệnh rất nặng đang khi bị lạc trong rừng vào ban đêm. Ngay trước lúc trút hơi thở sau cùng, thánh Gioan Phanxicô Rêgis reo lên: “Tôi thấy Thiên Chúa và thân mẫu Người đang mở cửa thiên đàng cho tôi!” Thánh Gioan Phanxicô Rêgis qua đời ngày 31 tháng Mười Hai năm 1640.
Năm 1806, có một khách hành hương đã cùng nhập bọn với nhóm người tới cầu nguyện tại đền thánh Gioan Phanxicô Rêgis. Người khách ấy tin rằng vị thánh này đã đạt tới cùng đích của đời linh mục. Người khách ấy chính là thánh Gioan Maria Viannê, cha sở họ Ars. Lễ mừng kính ngài được cử hành ngày mùng 4 tháng Tám.
Đời sống của thánh Gioan Phanxicô Rêgis nhắc nhớ chúng ta rằng Thiên Chúa sẽ ban nhiều phúc lành và ân sủng của Người cho chúng ta nếu chúng ta sẵn lòng quên đi những đòi hỏi thiết yếu của riêng bản thân mình. Bằng lối này, chúng ta có thể giúp đỡ cha mẹ, gia đình và bạn bè của chúng ta những nhu cầu cần thiết.
Ngày 17 tháng 6
Thánh Emily Vialar
Emily Vialar là cô gái độc nhất trong một gia đình giàu có. Thánh nữ sinh tại Pháp năm 1797. Song thân của Emily gởi ngài đến học ở Paris. Khi thân mẫu qua đời, Emily trở về thị trấn Gailac nhỏ bé của ngài. Cô bé Emily mười lăm tuổi vừa là người con vừa là người bạn tốt đối với thân phụ của cô. Ông Vialar quan tâm tới chuyện tìm cho con gái ông một tấm chồng thích hợp. Ông rất giận dữ khi nghe thấy Emily từ chối chuyện lập gia đình. Thất vọng! Vỡ mộng! Ông đâm ra hay tranh luận và la rầy cô bé. Emily nhận thấy mình muốn làm một nữ tu đạo hạnh hiến dâng cuộc đời phụng sự Thiên Chúa
Khi Emily 21 tuổi thì có một linh mục tới thị trấn Gailac. Ngài là cha Mercier. Ngài hướng dẫn Emily theo đuổi ơn gọi của mình. Emily muốn giúp đỡ những người nghèo khổ và đau yếu. Cha Mercier giúp Emily thiết lập một địa sở dành cho các bệnh nhân ngoại trú ngay trên thửa đất của gia đình Vialar. Thân phụ của Emily rất bực bội. Tình trạng căng thẳng giữa Emily và người cha kéo dài suốt mười lăm năm trời. Sau đó ông nội của Emily, ông Baron Portan, qua đời. Ông để lại cho Emily một gia tài; và thế là, cuối cùng Emily đã có thể có được sự tự lập cần thiết để khởi sự làm công việc đặc biệt cho Thiên Chúa.
Với sự trợ giúp của cha Mercier, Emily mua một căn nhà lớn trong thị trấn quê hương của ngài. Rồi Emily và ba chị em khác bắt đầu thiết lập một hội dòng. Họ phác họa ra một bộ tu phục và chọn một tên gọi. Họ nhận tên là dòng Nữ Thánh Giuse Hiện Ra. (Phúc âm thánh Mátthêu thuật lại việc thiên thần đã hiện ra với thánh Giuse và bảo ngài rằng Người Con của Đức Trinh Nữ Maria sinh ra là do bởi Thiên Chúa.) Đức tổng giám mục đã chúc lành cho hội dòng và sứ vụ của họ. Các chị nữ tu này tận hiến cuộc đời phục vụ và chăm sóc những người đau yếu, nghèo khổ và giáo dục trẻ em. Trong khoảng ba tháng, đã có 12 chị em xin gia nhập hội dòng. Sơ Emily tuyên giữ các lời khấn năm 1835 cùng với 17 chị nữ tu khác. Đức tổng giám mục đã chuẩn y bản quy luật của các nữ tu.
Dòng Nữ Thánh Giuse bắt đầu thiết lập thêm các tu viện nhánh. Năm 1847, các nữ tu tới Burma; và năm 1854, họ tới Úc. Trong khoảng bốn mươi năm, Mẹ Emily Vialar đã xem thấy hội dòng mình phát triển từ sân nhà của Mẹ ở Gailac, nước Pháp dần dà lên tới khoảng bốn mươi cơ sở trên khắp thế giới.
Mẹ Emily Vialar viết nhiều thơ bày tỏ lòng yêu mến tha thiết đối với Thiên Chúa, với Giáo hội và các tín hữu. Mẹ quan tâm đến mỗi người. Trong trái tim mình, Mẹ Emily Vialar nhận thấy dân chúng khắp nơi đang cần Giáo hội đem chân lý Tin mừng và tình yêu thương đến cho họ. Mẹ nài xin Đức Chúa Giêsu ban thêm cho sức mạnh cần thiết để tiếp tục công việc.
Sức khỏe của Mẹ Emily Vialar bắt đầu suy giảm từ năm 1850. Rồi vào ngày 24 tháng Tám năm 1856, Mẹ qua đời. Đến năm 1951, đức thánh cha Piô XII đã tôn phong Mẹ Emily Vialar lên bậc hiển thánh.
Khi gặp những việc khó, thay vì bỏ cuộc, chúng ta hãy nài xin thánh nữ Emily Vialar làm cho chúng ta được mạnh mẽ và nhẫn nại như ngài.
Ngày 18 tháng 6
Chân phước Grêgôriô Barbarigô
Chân phước Grêgôriô Barbarigô sinh năm 1625. Ngài được nuôi dưỡng và giáo dục tại thành Vêni bên nước Ý, quê hương của ngài. Đang lúc còn ở tuổi 20, nhân một sự kiện quan trọng, Grêgôriô Barbarigô đã được các viên chức chính quyền thành phố Vêni chọn làm đại biểu thay mặt họ ở Munstơ, nước Đức. Vào ngày 24 tháng Mười năm 1648, các nhà lãnh đạo đã họp lại để ký bản Hiệp ước Wesphalia. Hiệp ước này sẽ kết thúc cuộc chiến “ba mươi năm.” Cuộc chiến này nổ ra ở Đức vào năm 1618. Nó bao gồm những đội quân láng giềng Pháp và Thụy Điển; và được gây nên bởi sự hiểu lầm căn bản giữa Công giáo và Thệ phản.
Tại Munstơ, chân phước Grêgôriô Barbarigô gặp vị đại diện của đức thánh cha. Vị này về sau trở thành đức thánh cha Alêxanđơ VII vào năm 1655. Ngài nhận thấy những phẩm chất đạo đức tốt lành của cha Grêgôriô. Ngài đặt cha làm giám mục và bổ nhiệm Grêgôriô đến giáo phận Bêgamô, nước Ý. Năm 1660, đức thánh cha lại gọi Grêgôriô Barbarigô về Rôma. Lần này, ngài đặt chân phước Grêgôriô Barbarigô làm hồng y và chỉ định ngài đến Pađua.
Chân phước Grêgôriô Barbarigô sống phần đời còn lại của ngài trong thành phố ấy, thành phố được nổi danh nhờ thánh Antôn. Người ta thường hay nói rằng hồng y Barbarigô trông giống như đức hồng y Bôrômêô thứ hai vậy. Chúng ta mừng lễ kính thánh Carôlô Bôrômêô ngày mùng 4 tháng Mười Một.
Hồng y Grêgôriô Barbarigô đã sống một cuộc đời hy sinh và giản dị. Ngài chi một số tiền lớn cho những nhu cầu bác ái từ thiện. Ngài luôn mở rộng cửa nhà để sẵn sàng tiếp đón những người lâm cảnh túng thiếu. Ngài mở một trường đại học danh tiếng và một chủng viện để đào luyện các chủng sinh thành linh mục. Ngài ban tặng chủng viện một phòng thư viện hạng nhất gồm nhiều loại sách quý của các giáo phụ thời Giáo hội sơ khai và các sách Kinh Thánh. Thậm chí Grêgôriô Barbarigô còn trang bị cho chủng viện một máy in.
Chân phước Grêgôriô Barbarigô qua đời ngày 15 tháng Sáu năm 1697, thọ bảy mươi hai tuổi. Ngài được đức thánh cha Clêmentê XIII tôn phong chân phước năm 1761.
Khi cầu nguyện, thật là ý tưởng hay nếu như chúng ta nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biết nhận ra kế hoạch của Người trong đời sống mình. Khi gặp khó khăn hay chán nản, chúng ta nên dùng ít phút suy nghĩ về cách thức chân phước Grêgôriô Barbarigô đã dùng thời giờ của ngài. Grêgôriô Barbarigô là một người đáng yêu và giàu lòng quảng đại. Ngài đã đem nhiều người tới gần Thiên Chúa hơn bằng gương sáng của ngài.
Ngày 19 tháng 6
Thánh Rômualđô
Thánh Rômualđô là một nhà quý tộc người Ý, được sinh khoảng năm 951 tại Ravenna, nước Ý. Khi lên 20 tuổi, Rômualđô bị sốc mạnh khi thấy thân phụ ngài giết chết một người đàn ông trong một cuộc đọ kiếm tay đôi. Rồi thánh Rômualđô vào tu trong đan viện Bênêđictô. Ngài quyết tâm sống cuộc đời ngay chính. Thánh Rômualđô cũng muốn sám hối thay cho hành vi bệ rạc của người cha. Đối với Rômualđô, môi trường và lối sống của đan viện thật mới lạ vì ngài đã quen với nếp sống sang trọng, xa hoa và vô công rỗi nghề ở gia đình. Nhưng dần dần, chàng quý tộc bị ảnh hưởng sâu sắc bởi gương sáng của nhiều đan sĩ. Rômualđô quyết tâm trở nên một đan sĩ. Ngài đã xin một ẩn sĩ tốt lành tên là Marinô dạy cho cách thức nên thánh. Cả Marinô và Rômualđô đã cố gắng dùng thời giờ mỗi ngày để ca ngợi, tôn vinh và yêu mến Thiên Chúa. Thân phụ của Rômualđô là ông Sêgiô đến quan sát lối sống của con trai mình. Ông bị đánh động bởi sự đơn sơ và tinh thần bỏ mình của người con. Sêgiô nhận thức rằng chắc chắn phải có một thứ hạnh phúc đặc biệt nào đó trong đan viện – bởi vì con trai ông đã tự tình chấp nhận sống ở đó. Và đó là mọi điều Sêgiô đang cần. Ông đã từ bỏ mọi thứ của cải mình có và cũng bắt chước người con sống phần đời còn lại như một đan sĩ.
Sau cùng, thánh Rômualđô thiết lập hội dòng Camalđôlêsêô Bênêđictô. Thánh nhân đi khắp nước Ý lập thêm các ẩn viện và các đan viện. Ở bất cứ nơi đâu, thánh Rômualđô cũng đều làm gương sáng cho các đan sĩ về lòng sám hối. Suốt một năm trời, mỗi ngày Rômualđô chỉ ăn chút ít đậu luộc. Rồi cả ba năm tiếp theo, thánh nhân chỉ dùng một ít thức ăn hầu nuôi sống mình. Nhờ những hy sinh này, thánh Rômualđô sống kết hợp mật thiết hơn với Thiên Chúa.
Thánh Rômualđô về trời ngày 19 tháng Sáu năm 1027, tại đan viện Valđi Castrô. Ngài ở một mình trong đan phòng của ngài và qua đời cách lặng lẽ âm thầm. Chắc hẳn thánh Rômualđô đã thầm thĩ lời nguyện rất được ưa chuộng này: “Ôi, lạy Đức Chúa Giêsu dịu hiền! Chúa đáng yêu mến của lòng con! Chúa là niềm khoái cảm vui thích của các linh hồn thanh khiết! Chúa là đối tượng của mọi sự con ước ao!”
Chúng ta hãy nài xin thánh Rômualđô giúp chúng ta biết quý trọng sự cầu nguyện và sự sống của Chúa Giêsu trong ta. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh nhân ban ơn để chúng ta đủ sức thực hiện những việc thiêng liêng cách liên lỉ. Thánh nhân biết khó khăn thách đố là làm sao mà!
Ngày 20 tháng 6
Chân phước Mikêlina
Chân phước Mikêlina sinh năm 1300 tại Pêsarô, nước Ý. Gia đình Mikêlina rất giàu có và Mikêlina kết hôn với một người đàn ông cũng rất giàu. Mikêlina là người sung sướng bẩm sinh. Dường như trên đời này Mikêlina chẳng bao giờ gây phiền toái gì cho ai! Nhưng khi chỉ mới 20 tuổi, chồng của Mikêlina qua đời. Đột nhiên, Mikêlina cảm thấy mình cô đơn trong việc nuôi dưỡng đứa con thơ nhỏ.
Người mẹ trẻ có vẻ lo lắng khi tìm kiếm hạnh phúc trong những sự vật xung quanh mình. Cuộc sống của Mikêlina trở thành một chuỗi liên hoan tiệc tùng với các bữa ăn vui lạ. Dường như Mikêlina cảm thấy chán ngấy những của tốt lành mà cuộc đời ban tặng. Sau đó, Mikêlina nhận thức được bổn phận của mình là phải chăm lo cho đứa con nhiều hơn. Mikêlina cũng ý thức sẽ phải trả lẽ về việc sử dụng tiền của và thời giờ của mình. Tâm hồn Mikêlina cảm thấy quá trống rỗng. Cuối cùng, Mikêlina đã hồi tâm và ngài trở nên một người trưởng thành và có trách nhiệm.
Có một bà đạo đức thuộc dòng ba Phanxicô sống ở Pêsarô tên là Syriaca. Bà nhận ra Mikêlina thực là một người nữ tuyệt vời đang cần sự hướng dẫn và giúp đỡ để sống đạo đức hơn. Sau đó, Syriaca và Mikêlina trở thành đôi bạn thân và gương sáng của Syriaca đã ảnh hưởng rất đặc biệt trên cuộc đời Mikêlina. Mikêlina sống cầu nguyện. Ngài năng quan tâm tới đứa con và nhà cửa. Mikêlina dùng thời giờ rảnh rỗi phục vụ những người nghèo túng. Mikêlina viếng thăm những người cô đơn và săn sóc những người quá đau bệnh hoặc quá cao niên không thể tự lo cho bản thân mình. Cuối cùng, Mikêlina trở thành một chị dòng ba Phanxicô. Thoạt đầu, những người thân của Mikêlina cảm thấy lo lắng khi Mikêlina cho đi hết những áo quần đẹp đẽ sang trọng và bắt đầu ăn uống giản dị. Nhưng sau đó, họ hiểu ra Mikêlina đã thực là một người nữ sống nội tâm.
Mikêlina sống cả cuộc đời trong căn nhà ở Pêsarô. Ngài qua đời năm 1356, thọ năm mươi sáu tuổi. Để tưởng nhớ nữ chân phước Mikêlina, người dân của thành phố này đã giữ một chiếc đèn dầu luôn cháy sáng trong căn nhà Mikêlina. Năm 1590, căn nhà của chân phước Mikêlina được kiến thiết thành một ngôi thánh đường.
Chân phước Mikêlina đã chọn một cuộc sống thoải mái và ích kỷ nếu không chọn làm một Kitô hữu hy sinh và yêu mến. Chính nhờ gương sáng của Syriaca mà Mikêlina trở nên thánh thiện. Chúng ta hãy nài xin chân phước Mikêlina giúp chúng ta dám can đảm học hỏi và bắt chước những người có đời sống mẫu mực tốt lành.
Ngày 21 tháng 6
Thánh Luy Gonzaga
Luy Gonzaga, vị thánh bổn mạng của giới trẻ Công giáo, sinh ngày mùng 9 tháng Ba năm 1568. Khi mới chào đời, thân phụ Luy Gonzaga đã có ý huấn luyện ngài thành một sĩ quan vĩ đại. Lúc Luy Gonzaga mới lên 5, người cha đã dẫn Luy vào trong doanh trại quân đội. Ở đó, cậu Luy học cách đi duyệt binh. Thậm chí vào một ngày kia, Luy Gonzaga đã cố gắng xoay sở để nạp đạn vào súng và tập bắn đang lúc các binh lính nghỉ ngơi. Luy Gonzaga cũng học được những tiếng thô tục của binh sĩ. Khi nhận biết ý nghĩa của những từ ngữ này, Luy Gonzaga cảm thấy rất hối hận vì đã sử dụng chúng.
Lớn lên, Luy Gonzaga được gởi vào triều đình sống với các hoàng tử và công tước. Sự gian dối, căm hờn và nhơ bẩn hiển hiện nhan nhản khắp nơi. Nhưng bệnh tật là yếu tố ảnh hưởng đáng kể nhất đã tác động trên thánh Luy Gonzaga và làm cho thánh nhân phải cẩn trọng để sống đời Kitô hữu của ngài. Và Luy Gonzaga đã lâm bệnh. Điều đó đã tạo cho ngài có được chút thời giờ để cầu nguyện và đọc các sách tốt. Khi lên 16 tuổi, Luy Gonzaga quyết định trở nên một linh mục dòng Tên. Thân phụ ngài không bằng lòng. Tuy nhiên, ba năm sau ông đã chấp thuận. Khi nhập dòng, Luy Gonzaga đã xin làm những công việc vất vả và hèn kém. Luy Gonzaga đã phục vụ trong nhà bếp và rửa chén dĩa. Luy thường nói: “Tôi là một miếng sắt cong queo. Tôi đến với Đạo để được chiếc búa khổ chế đền tội tán ra cho thẳng!”
Khi cơn bệnh dịch xâm chiếm Rôma, Luy Gonzaga xin phép bề trên để đi săn sóc những người đau ốm. Luy Gonzaga – một người trước đây đã từng có những đầy tớ hầu hạ phục dịch – vậy mà giờ đây lại đi tắm rửa cho các bệnh nhân và dọn giường chiếu cho họ! Luy Gonzaga đã phục vụ họ cho tới khi chính ngài cũng bị lây bệnh.
Thánh Luy Gonzaga qua đời lúc vừa tròn 23 tuổi. Đó là vào đêm 20 tháng Sáu năm 1591. Ngài đơn sơ thốt lên: “Tôi sắp về thiên đàng!” Xác thánh Luy Gonzaga được mai táng trong thánh đường dâng kính thánh Inhaxiô ở Rôma. Năm 1726, Luy Gonzaga được đức thánh cha Bênêđictô tôn phong hiển thánh.
Nếu áp lực của danh vọng địa vị bắt chúng ta phải nói và phải làm những điều không nên, chúng ta hãy xin thánh Luy Gonzaga ban cho lòng can đảm để thực thi những điều thiện hảo.
Ngày 22 tháng 6
Lịch Rôma hiện hành ghi danh sách ba vị thánh mừng kính ngày 22 tháng Sáu. Chúng tôi xin trình bày ngắn gọn tích truyện các ngài ở đây, lần lượt từng vị một.
Thánh Paulinô Nôla
Thánh Paulinô Nôla được sinh vào khoảng năm 353 tại Boócđô, nước Pháp. Thân phụ ngài là một quan chức nhà nước và là một địa chủ giàu có. Paulinô học hành đỗ đạt. Ngài trở thành luật sư và thi sĩ. Ngài đi du lịch khắp các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý và ở bất kỳ nơi nào mà công việc hoặc thú vui khoái lạc đòi hỏi. Năm 381, lúc hai mươi tám tuổi, Paulinô Nôla trở thành quan chức miền Campania, nước Ý.
Năm ba mươi sáu tuổi, thánh Paulinô Nôla trở thành tín hữu Công giáo. Thánh nhân và người vợ Têrêsia của ngài sinh được một cậu con trai. Sau khi đứa con qua đời, đôi vợ chồng bố thí tài sản mình cho những người nghèo đói. Họ chỉ giữ lại những gì cần thiết để nuôi sống bản thân. Paulinô và Têrêsia, cả hai đều bằng lòng muốn sống một đời đơn sơ bình dị. Hai người cùng cầu nguyện, hy sinh và làm những công việc hữu ích. Các ngài cũng quyết định tuân giữ lời khấn trong sạch để minh chứng tình yêu của các ngài dành cho Thiên Chúa. Cộng đoàn Kitô hữu hết sức nể trọng Paulinô và người vợ của ngài. Họ rất hài lòng khi Paulinô trở thành linh mục vào năm 394. Sau đó, thánh Paulinô và Têrêsia thiết lập một cộng đoàn nhỏ dành cho các đan sĩ ở Nôla, nước Ý. Các ngài cũng mở một nhà tế bần cho những người nghèo và các lữ khách.
Paulinô và Têrêsia quyết định ở lại Nôla. Paulinô muốn ở gần đền thánh Phêlích Nôla, một trong các đấng thánh mà ngài yêu mến. Thánh Phêlích, mất năm 260, đã làm linh mục và giám mục. Thánh nhân đã can đảm bảo vệ bổn đạo của mình trong suốt cuộc khủng bố bách hại của hoàng đế Đêsiô. Thánh giám mục Phêlích Nôla nổi tiếng về đời sống cầu nguyện, về tình yêu đối với đàn chiên và về lối sống đơn sơ nghèo khó. Qua một thế kỷ sau, Paulinô Nôla cầu nguyện với thánh nhân và viết sách về ngài. Paulinô Nôla cảm thấy hết sức tin tưởng vào quyền năng của thánh Phêlích. Vậy điều gì đã có thể làm cho cựu quan chức Rôma này trở nên giống như thánh Phêlích? Ngoài thánh Paulinô ra, hẳn là chẳng ai trong chúng ta có thể phỏng đoán được. Năm 409, Paulinô Nôla được chọn làm giám mục thành Nôla. Dân chúng rất sung sướng vui mừng. Paulinô Nôla là vị giám mục khôn ngoan, dịu dàng, hiền lành giống như thánh Phêlích trước đây. Nhiều vị thánh sống vào thời ấy đã ca ngợi Paulinô Nôla như thánh Ambrôsiô, thánh Augustinô, thánh Giêrônimô, thánh Martinô thành Tua và nhiều vị khác. Dù một số tác phẩm hay của Paulinô Nôla đã bị thất lạc nhưng hiện vẫn còn lại 32 bài thơ và 51 lá thơ.
Thánh Paulinô làm giám mục thành Nôla cho tới khi qua đời năm 431.
Thánh Paulinô Nôla đã trở nên một tín hữu Công giáo tuyệt vời như vậy bởi vì ngài rất quý trọng ơn đức tin. Chúng ta hãy khẩn cầu cùng thánh Paulinô Nôla và xin ngài giúp chúng ta tăng triển lòng biết ơn đối với đức tin đã lãnh nhận.
Thánh Gioan Phítsơ
Thánh Gioan Phítsơ sinh tại Gioócsi, nước Anh vào năm 1469. Gioan học tại trường đại học Cambrít và được làm linh mục. Cha Phítsơ cũng dạy học tại Cambrít. Ngài là một nhà giáo ưu tú chuyên giúp các sinh viên tăng triển và đào sâu thêm tri thức về đức tin của họ. Cha Phítsơ cũng là một thần học gia. Cha đặc biệt giúp ích trong việc chỉ ra những nhầm lẫn tôn giáo của thời đại mà những nhầm lẫn này đã làm cho một số người bối rối.
Năm 1504, cha Gioan Phítsơ trở thành giám mục thành Rôchétxtơ, nước Anh. Đó là một giáo phận nghèo và giám mục Phítsơ đã lưu lại với đàn chiên của ngài suốt ba mươi năm. Vì thế, giám mục Phítsơ kiêm một lúc hai nhiệm vụ quan trọng. Ngài vừa là giám mục của giáo phận vừa là hiệu trưởng của trường đại học Cambrít. Năm 1514, Phítsơ được chỉ định làm hiệu trưởng trường đại học vì sự sống còn của nó. Giám mục Phítsơ cũng là cha giải tội của thân mẫu vua Henri VIII. Tên của bà là Êlizabeth Gioóc.
Giám mục Gioan Phítsơ có nhiều bạn bè, gồm cả học giả danh tiếng Êrasmô và thánh cả Tôma Môrê. Ít người biết được thánh giám mục Gioan Phítsơ và thánh Tôma Môrê cùng được mừng kính chung một ngày lễ trong niên lịch kính nhớ các thánh.
Chắc chắn chưa có cuộc mừng khi đức giám mục Phítsơ bị giam tù năm 1533. Ngài bị bắt giam tù vì đã nhất định minh chứng cuộc hôn nhân giữa nhà vua và hoàng hậu Catarina là đúng đắn. Sau đó, vua Henri VIII ly dị Catarina và kết hôn với Annê Bôlây trong một nghi thức dân sự. Ông yêu cầu thần dân ký tên vào văn bản thề hứa trung thành với ông. Ông tự phong cho mình là thủ lãnh Giáo hội Anh quốc. Giám mục Phítsơ không ký tên. Và liền sau đó, ngài bị đem tới tháp đài Luânđôn, một chiếc tháp thật ẩm ướt và cách đối xử ở đó rất ư khắc nghiệt. Thánh giám mục Gioan Phítsơ tuy phải chịu đựng rất nhiều đau khổ nhưng ngài đã không phản bội niềm tin của mình. Thậm chí dù chưa có tivi và máy thu thanh nhưng người ta vẫn nhận biết được những việc mà giám mục Phítsơ, ngài Tôma Môrê và những người khác, đã thực hiện. Họ xúc động và đau buồn. Ngày 12 tháng Sáu năm 1535, đức thánh cha Phaolô III đã đặt giám mục Gioan Phítsơ làm hồng y. Đức thánh cha hy vọng rằng việc này sẽ làm cho Henri VIII trả lại tự do cho Phítsơ. Nhưng vua càng thêm tức giận và độc ác. Ông yêu cầu hồng y Phítsơ phải chết. Gioan Phítsơ bị giết chết ngày 22 tháng Sáu năm 1535.
Cùng với người bạn Tôma Môrê, hồng y Gioan Phítsơ được đức thánh cha Piô XI tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1935.
Đôi lúc bạn dễ đồng tình với đám đông hơn là đứng ra bênh vực chân lý. Khi thấy mình lâm vào tình trạng như vậy, bạn hãy cầu nguyện xin thánh Gioan Phítsơ ban cho một chút lòng can đảm của ngài.
Thánh Tôma Môrê
Thánh Tôma Môrê là một luật sư và là một văn gia danh tiếng. Ngài sinh tại Luânđôn vào năm 1477. Thân phụ của Tôma Môrê cũng từng là một luật gia và là một quan tòa. Tôma hằng biết ơn cha mình vì đã hết sức yêu thương và đã không làm ngài hư hỏng.
Người vợ thứ nhất của Tôma, bà Giên Côn, đã qua đời khi còn rất trẻ. Bà để lại cho Tôma bốn người con nhỏ. Tôma Môrê kết hôn lần nữa với một quả phụ, một quả phụ đơn sơ chất phác chẳng biết viết cũng chẳng biết đọc gì cả. Người chồng đã gắng công dạy dỗ vợ mình. Tôma làm cho bầu khí gia đình trở nên vui tươi dễ chịu bởi vì ngài có tính vui vẻ hòa nhã đối với mọi người. Có một trẻ đọc trích đoạn Kinh Thánh suốt bữa ăn. Sau đó, cả nhà vui đùa và nói chuyện khôi hài với nhau. Thánh Tôma Môrê cũng hay mời những người láng giềng nghèo khó xấu số hơn tới nhà ngài dùng bữa tối. Ngài luôn luôn giúp đỡ người nghèo theo khả năng có thể. Thánh nhân thích tạo sự ngạc nhiên bất ngờ cho các vị khách của ngài. Thậm chí Tôma Môrê cũng nuôi vài chú khỉ làm những con vật cưng trong nhà. Nhưng ít người có thể hình dung ra thánh Tôma Môrê thật đã sống nội tâm sâu xa đến độ nào. Ban đêm, ngài đã cầu nguyện hàng giờ và thực hành nhiều việc khổ chế. Thánh nhân ý thức rõ rằng để trở nên một Kitô hữu đích thực thì cần phải có ơn Thiên Chúa giúp đỡ.
Thánh Tôma Môrê nắm giữ những chức vụ chính trị quan trọng. Suốt ba năm, thánh nhân làm đại chưởng ấn (ngày nay gọi là thủ tướng). Vua Henri VIII thường khoác tay mình trên vai của Tôma Môrê cách yêu thương trìu mến. Tuy nhiên, dù Tôma Môrê là một thần dân rất trung thành, thì đối với Thiên Chúa, thánh nhân vẫn trung thành hơn. Thật sự là khi nhà vua cố làm cho Tôma Môrê vi phạm lề luật của Thiên Chúa, Tôma Môrê đã không chịu nhượng bộ. Henri VIII muốn được ly dị người vợ của ông để cưới một người đàn bà khác. Tuy nhiên, đức thánh cha không thể ban phép vì đi ngược lại luật Thiên Chúa dạy. Henri VIII thật bướng bỉnh và ngoan cố; và sau cùng, ông đã rời bỏ Giáo hội. Ông muốn mọi người tôn nhận ông là thủ lãnh của Giáo hội Anh quốc. Tôma không đồng ý chuyện đó. Ngài kiên quyết luôn trung thành với đức tin Công giáo và với Thiên Chúa. Và Tôma Môrê bị kết án tử vì lý do đó. Tuy vậy, Tôma Môrê đã tha thứ cho các kẻ xét xử ngài. Thậm chí thánh nhân còn nói rằng ngài sẽ gặp lại họ trên nước thiên đàng. Tôma Môrê thật sự có ý như vậy.
Trên đoạn đầu đài nơi ngài sắp sửa phải lìa đời, thánh Tôma Môrê đã hôn lên mặt của người đao phủ. Sau đó, thánh nhân nói đùa rằng không nên chém đứt bộ râu của ngài bởi vì nó chẳng làm điều gì nên tội. Thánh nhân được phúc tử vì đạo vào hôm thứ Ba ngày mùng 6 tháng Bảy năm 1533, thọ năm mươi bảy tuổi. Cùng với hồng y Gioan Phítsơ, Tôma Môrê được đức thánh cha Piô XI tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1935.
Vị thánh này được mọi người ngưỡng mộ vì ngài đã hết lòng tin tưởng vào chân lý đức tin; và ngài đã sẵn lòng hy sinh mạng sống vì chân lý ấy. Thánh Tôma Môrê đã liều mất hết mọi thứ: tài sản, địa vị, sự an toàn của bản thân và của những người ngài thương yêu nhất. Thánh Tôma Môrê đã giữ vững đức tin dù phải hy sinh cả mạng sống của mình. Thánh nhân thách đố chúng ta tự vấn lương tâm xem chúng ta sẽ làm gì nếu ở trong hoàn cảnh giống y như ngài.
Ngày 23 tháng 6
Thánh Giuse Caphasô
Thánh Giuse Caphasô sinh năm 1811 tại miền Bắc nước Ý, gần thành phố Turinô. Bốn năm sau, năm 1815, một trong các sinh viên danh tiếng của Giuse Caphasô là thánh Gioan Bôscô cũng được sinh ra trong thành phố này. Chúng ta đã cử hành thánh lễ kính thánh nhân hôm 31 tháng Giêng. Giuse Caphasô có song thân thật yêu quý. Họ sẵn lòng hy sinh cho ngài ăn học đến nơi đến chốn. Giuse Caphasô đến Turinô để học hành và làm linh mục.
Giuse Caphasô gặp Bôscô năm 1827, lúc Bôscô lên mười hai tuổi. Bôscô nói chuyện với chủng sinh Caphasô tại nhà thờ rồi chạy một mạch về nhà. “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” Gioan Bôscô gọi to, “con đã gặp Ngài, con đã gặp Ngài!” “Con đã gặp ai vậy? Thân mẫu Bôscô hỏi. “Mẹ ơi, Giuse Caphasô. Con nói cho mẹ biết ngài là một vị thánh đó!” Bà mẹ Bôscô chỉ mỉm cười với con mình và nhẹ nhàng gật đầu. Năm 1833, Giuse Caphasô được thụ phong linh mục. Thánh nhân bắt đầu thi hành công việc mục vụ của ngài và đến theo học tại trường dạy thần học danh tiếng dành cho các linh mục. Sau khi tốt nghiệp, cha Giuse Caphasô trở thành giáo sư thần học. Ngài dạy rất nhiều linh mục trẻ suốt nhiều năm. Họ có thể nói được rằng cha Giuse Caphasô đã thực sự yêu thương họ.
Cha Giuse Caphasô nổi tiếng là vị linh mục tin tưởng vào lòng thương xót dịu hiền và nhân hậu của Thiên Chúa. Vì có tấm lòng rất quảng đại nên Giuse Caphasô đã thông trao cho tha nhân sự can đảm và niềm hy vọng của ngài. Cha Giuse Caphasô hướng dẫn nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân. Giuse Caphasô giúp Gioan Bôscô khởi sự thừa tác vụ linh mục cao quý của ngài với các cậu trẻ; và cũng hướng dẫn Bôscô thiết lập hội dòng Salêdiêng. Cha Giuse Caphasô cũng hướng dẫn nhiều nhà sáng lập khác nữa.
Có nhiều nhu cầu xã hội trong thời đại của cha Caphasô. Một trong các vấn đề khẩn thiết nhất là hệ thống nhà tù. Tình trạng nhà tù thật kinh tởm! Nhưng điều làm cho cha Caphasô xúc động nhất là án lệ treo cổ các tù nhân nơi công cộng. Cha Caphasô đến với họ và giải tội cho họ. Cha ở lại với họ, nói cho họ nghe về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho tới lúc họ chết. Cha Caphasô đã giúp trên 60 người bị kết án. Tất cả đều ăn năn thống hối và được chết trong bình an của Đức Chúa Giêsu. Cha Caphasô gọi họ là “những vị thánh bị treo cổ.”
Năm 1848, cha Caphasô trở thành chủ chăn của giáo xứ thánh Phanxicô. Không ai có thể đo lường được ảnh hưởng lớn lao của cha trên cộng đoàn dân Chúa và các việc cha đã làm cho Giáo hội. Cha Caphasô qua đời ngày 23 tháng Sáu năm 1860. Người bạn trung tín của Giuse Caphasô là thánh Gioan Bôscô đã thuyết giảng trong thánh lễ an táng ngài. Năm 1947, đức thánh cha Piô XII đã tôn phong Giuse Caphasô lên bậc hiển thánh.
Chúng ta chẳng bao giờ có thể quảng đại và thông cảm với tha nhân cho đủ. Nếu chúng ta lỡ bị cám dỗ coi thường người khác vì quá quen, hoặc chỉ lo quan tâm đến bản thân mình thôi, chúng ta hãy cầu nguyện cùng thánh Giuse Caphasô. Ngài sẽ giúp chúng ta có được tấm lòng rộng rãi như ngài.
Ngày 24 tháng 6
Lễ sinh nhật thánh Gioan tẩy giả
Song thân của Gioan tẩy giả là ông Dacaria và bà Êlizabeth. Êlizabeth là chị họ của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Mẹ Maria đã đến thăm nom và giúp đỡ khi Êlizabeth già nua và sắp sinh con.
Thánh nữ Êlizabeth sinh con trai. Dacaria đặt tên cho trẻ là Gioan như thiên thần đã báo trước. Gioan có một ơn gọi đặc biệt quan trọng. Ngài dọn đường cho Đức Chúa Giêsu ngự đến. Vì thế ngay từ hồi niên thiếu, Gioan đã vào trong sa mạc để dọn lòng thinh lặng, cầu nguyện và sám hối. Chẳng bao lâu, dân chúng bắt đầu kéo đến với Gioan. Họ nhận thấy Gioan là người thánh thiện. Gioan khuyên dạy họ hãy thống hối về những lỗi lầm đã phạm. Gioan bảo họ hãy thay đổi lối sống; và Gioan ban cho họ phép rửa sám hối. Một ngày kia, chính Đức Chúa Giêsu đã đến với Gioan. Người muốn được nhận phép rửa của Gioan để đền bù tội lỗi chúng ta. Ngày hôm ấy, Gioan đã nói với dân chúng rằng chính Đức Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng mà họ đang trông đợi. Ngài bảo họ và mọi người khác hãy đi theo Đức Chúa Giêsu.
Sau đó, thánh Gioan biết được vua Hêrôđê đã kết hôn với một người đàn bà đã có chồng và đã sinh được một người con gái. Vua này là con trai của vua Hêrôđê, người đã giết chết tất cả các con trẻ ở Bêlem. Thánh Gioan nói với Hêrôđê rằng ông không được sống với người đàn bà ấy. Vua Hêrôđê tức giận và cảm thấy tủi hổ. Ông liền sai người bắt nhốt Gioan vào tù. Gioan đã lưu lại trong ngục tù tăm tối ẩm thấp cho tới khi Hêrôđê sai người đến giết ngài.
Châm ngôn của thánh Gioan là: “Chúa Giêsu phải lớn lên. Tôi phải nhỏ lại.” Thánh nhân nói rằng ngài chẳng xứng đáng để cởi quai dép cho Đức Chúa Giêsu.
Thánh Gioan tẩy giả là một tiên tri lớn. Nơi chương thứ 11 của Tin mừng, thánh ký Mátthêu đã ca ngợi thánh Gioan tẩy giả bằng chính những lời của Đức Chúa Giêsu. Khi chúng ta ham thích làm người “số một,” chúng ta hãy xin thánh Gioan tẩy giả dạy chúng ta biết sống khiêm tốn. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta nhận ra giá trị của sự khiêm tốn.
Ngày 25 tháng 6
Thánh William núi Đức Trinh Nữ
Thánh William sinh tại Vơsơli, nước Ý, vào năm 1085. Song thân của William qua đời khi ngài còn rất nhỏ. Những người bà con của William đã nuôi dưỡng ngài. Khi William trưởng thành, ngài trở nên một ẩn sĩ. William đã làm phép lạ chữa lành một người đàn ông bị mù lòa; và vì vậy, danh tiếng ngài vang xa. William hết sức khiêm tốn đến nỗi không vui thích sự ngưỡng mộ của người đời. Thánh nhân thật lòng muốn sống đời ẩn tu để có thể kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Thánh William đã ra đi sống ẩn mình trên một ngọn núi hoang cao vút. Bây giờ thì chẳng còn ai quấy rầy William được nữa! Nhưng ngay cả nơi ấy William cũng chẳng được yên thân. Người ta lại tìm đến tụ tập quanh thánh nhân và họ xây cất một đan viện dâng kính Đức Trinh Nữ Maria. Do bởi đan viện của William mà người ta đặt cho quả núi một tên gọi mới. Họ gọi nó là “núi Đức Trinh Nữ.”
Một thời gian sau, có vài đan sĩ bắt đầu kêu ca rằng lối sống thật quá khó. Họ muốn được dùng những món ăn khá hơn và thời gian biểu thoải mái hơn. Nhưng thánh William không tự giảm bớt hoặc châm chước kỷ luật cho mình. Thay vào đó, thánh nhân đã chọn một vị bề trên mới cho các đan sĩ. Rồi William và 5 đồ đệ trung thành đã ra đi và thiết lập một đan viện khác cũng giữ nguyên kỷ luật khắt khe như trước. Một trong các bạn đồng hành của William là thánh Gioan Mantua. Cả William và Mantua đều là những nhà lãnh đạo. Các ngài nhận thấy nếu chia tay nhau để mỗi người thiết lập một đan viện mới thì ích lợi hơn. Các ngài là những người bạn vĩ đại nhưng có lối nhìn sự việc khác nhau. Gioan tiến lên phía đông và William trẩy xuống phía tây. Cả hai đều rất thành công. Thật vậy, cả hai đều là những vị thánh.
Sau đó, vua Rôgiơ xứ Napôli giúp đỡ thánh William. Ảnh hưởng tốt của William trên nhà vua đã làm cho một vài người xấu bụng trong cung điện tức giận. Họ cố chứng tỏ cho vua biết William thật là một người xấu xa và ác độc, chỉ ẩn nấp sau lớp vỏ thánh thiện bề ngoài mà thôi. Và họ đã sai một đàn bà trắc nết đến cám dỗ William nhưng bà ta đã không thành công. Dường như bà đã ăn năn hoán cải và từ bỏ lối sống tội lỗi.
Thánh William núi Đức Trinh Nữ qua đời ngày 25 tháng Sáu năm 1142.
Nếu bạn có chuyện bực tức và giận ghét ai, bạn hãy nài xin thánh William núi Đức Trinh Nữ tỏ cho bạn thấy những điểm tốt nơi con người ấy. Thánh nhân sẽ gợi hứng cho bạn biết cách làm thế nào để sống thân thiện với người ấy.
Ngày 26 tháng 6
Thánh Pêlagiô
Vị thánh tử đạo trẻ tuổi gốc người Tây Ban Nha này sống vào thời những người Hồi giáo xứ Bắc Phi cai trị phần đất quê hương của ngài. Quân Hồi giáo xông đánh những tín hữu Công giáo Tây Ban Nha. Khi người cậu của Pêlagiô phải bỏ ngài ở lại để làm con tin trong thành Côđôva, Pêlagiô lúc ấy mới chỉ lên 10 tuổi. Pêlagiô không được phép tự do đi đâu cho tới khi người cậu gởi cho ngài những thứ mà bọn Hồi giáo yêu cầu.
Ba năm trôi qua và người Kitô hữu trẻ tuổi này vẫn bị cầm giữ như một tù binh. Lúc này, Pêlagiô là một cậu bé 13 tuổi bảnh trai và rất năng động. Dù nhiều anh bạn tù chung với mình có những hành vi xấu, nhưng Pêlagiô cũng không vì thế mà bắt chước họ. Thậm chí dù tuổi còn nhỏ nhưng Pêlagiô đã có một chí khí mạnh mẽ và biết cách giữ mình cho khỏi bị lây nhiễm những thói tục xấu xa ấy.
Nhà lãnh đạo quân Hồi giáo nghe biết những cách đối xử tốt lành của Pêlagiô. Ông đã cho gọi cậu bé. Pêlagiô trông thật bảnh trai và rất lịch duyệt. Ông tỏ lòng rộng rãi khoan dung muốn cho Pêlagiô ra khỏi tù. Rốt cuộc, Pêlagiô mới chỉ là một cậu nhỏ. Pêlagiô sẽ được thả tự do cộng thêm mấy bộ đồ tốt để mặc. Không những thế, Pêlagiô còn nhận được vài chú ngựa quý và tiền bạc nữa. Tất cả những thứ này sẽ thuộc về Pêlagiô nếu như Pêlagiô chối bỏ đức tin và trở nên một tín đồ Hồi giáo như những người bắt giam ngài.
“Tất cả những thứ mà ông ban tặng đó chẳng có nghĩa lý gì đối với tôi cả!” Cậu bé trả lời cách cương quyết và dứt khoát. “Tôi đã là một Kitô hữu. Hiện nay tôi đang là Kitô hữu và tôi sẽ tiếp tục là Kitô hữu!” Nhà lãnh đạo hết sức ngạc nhiên. Rồi ông thay đổi phương sách của mình. Ông ngăm đe nạt nộ thay vì hứa hẹn... . Nhưng kết cục chẳng ăn thua gì!
Cậu Pêlagiô 13 tuổi đã tử vì đạo năm 925.
Thánh Pêlagiô nhắc nhớ chúng ta rằng sự cam kết của chúng ta với Đức Chúa Giêsu rất can hệ và có ảnh hưởng trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Khi chúng ta thấy mình yếu đuối, không thể chịu đựng nổi áp lực xã hội, chúng ta hãy nài xin thánh Pêlagiô làm cho chúng ta được mạnh mẽ và trưởng thành trong đức tin như ngài.
Ngày 27 tháng 6
Thánh Xyrilô Alêxanđria
Thánh Xyrilô sinh tại Alêxanđria, nước Ai Cập, vào năm 370. Người cậu của Xyrilô, Thêôphilô, là thượng phụ giáo chủ hay còn gọi là tổng giám mục. Cậu ngài là người có khả năng nhưng tính tình dễ bực tức và đôi lúc cứng cỏi đến bướng bỉnh. Hẳn là người cậu đã không thể biết trước được, cũng như chúng ta, rằng Gioan kim khẩu thời danh một ngày kia sẽ là thánh. Chúng ta mừng lễ kính thánh Gioan kim khẩu ngày 13 tháng Chín. Đức tổng giám mục Thêôphilô có trách nhiệm về việc trục xuất Gioan khỏi xứ sở vào năm 403. Nhưng nhà vua lại đưa vị giám mục danh tiếng trở về tổng giáo phận Constantinôp của ngài. Dường như Xyrilô cũng bị ảnh hưởng bởi thành kiến của người cậu về Gioan; và Xyrilô đã tán thành việc trục xuất Gioan.
Năm 412, khi người cậu qua đời, Xyrilô lên kế vị chức tổng giám mục. Xyrilô có một lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu và Giáo hội rất bền chặt. Trong thời buổi rối ren lộn xộn, chính thánh Xyrilô là người can đảm luôn rao giảng những điều Giáo hội truyền dạy. Thánh Xyrilô sống chân thực, cởi mở và giản dị. Thánh nhân không tìm kiếm danh vọng hay địa vị nào. Tuy nhiên, đôi lúc Xyrilô cũng tỏ ra bốc đồng và rất cứng cỏi. Thánh nhân muốn diễn tả những chân lý của Giáo hội qua việc giảng dạy và viết lách của mình; và ngài đã thực hiện. Nhưng khi nóng giận, những điều Xyrilô nói thật không luôn luôn dễ hiểu chút nào. Dĩ nhiên, Xyrilô chẳng quan tâm đến việc nói năng cách dịu dàng nên đôi lúc ngài cũng thốt ra những lời giận dữ.
Điều này đã làm cho Xyrilô cảm thấy sầu khổ. Tuy nhiên, các Kitô hữu biết ơn và vẫn cảm thấy rất dễ chịu vì nhiều đức tính quý báu nơi ngài. Chẳng hạn, Xyrilô đã can đảm đứng ra bảo vệ Giáo hội và các điều Giáo hội truyền dạy phải tin.
Thánh Xyrilô là vị đại diện của đức thánh cha Celestinô I tại Công đồng chung Êphêsô năm 431. Đây là hội nghị Giáo hội chính thức của trên 200 giám mục. Các vị phải suy cứu những giáo huấn của một linh mục tên là Nestôriô. Công đồng cắt nghĩa rõ ràng là Nestôriô đã sai lầm về một số chân lý quan trọng buộc giáo hữu phải tin. Đức thánh cha cho Nestôriô mười ngày để xác quyết là ông sẽ không tiếp tục giảng dạy những ý tưởng sai lầm của ông nữa. Nhưng Nestôriô ngoan cố không chịu nhượng bộ. Công đồng đã giải thích cho cộng đoàn dân Chúa hiểu rằng không thể chấp nhận những ý tưởng sai lầm ấy. Các giám mục đã cắt nghĩa rất sáng sủa và minh bạch đến nỗi những giáo huấn sai lầm này về sau đã không trở thành những hiểm họa nghiêm trọng.
Dân chúng rất biết ơn thánh Xyrilô Alêxanđria là người đã chủ tọa những buổi hội thảo của Công đồng. Nestôriô âm thầm trở về đan viện của ông và chấm dứt việc làm cho dân chúng hoang mang lo lắng. Còn Xyrilô thì trở về tòa tổng giáo mục và tích cực làm việc phục vụ Giáo hội cho tới khi qua đời năm 444. Đến năm 1883, đức thánh cha Lêô XIII đã tôn phong thánh Xyrilô Alêxanđria làm Tiến sĩ Hội Thánh.
Chẳng có gì phải lo âu chán nản khi thấy chúng ta không làm được việc này việc kia như chúng ta phải làm. Chúng ta hãy nài xin thánh Xyrilô Alêxanđria giúp chúng ta biết sống với những giới hạn của mình.
Ngày 28 tháng 6
Thánh Irênê
Thánh Irênê là người gốc Hy Lạp, được sinh vào khoảng giữa những năm 120 và 140. Irênê có đặc ân lớn lao là được giáo huấn bởi thánh Pôlycapô, môn đệ thánh Gioan tông đồ. Lần kia, thánh Irênê nói với một người bạn: “Tôi rất cẩn trọng lắng nghe những lời chỉ dạy của thánh Pôlycapô. Tôi không ghi lại những hành động và lời nói của ngài trên giấy tờ nhưng trong tận trái tim tôi!”
Sau khi làm linh mục, thánh Irênê được sai đến thành Lyông, nước Pháp. Chính trong thành phố này, giám mục Pôtiniô đã được phúc tử đạo cùng với rất nhiều vị thánh khác. Lúc đó, thánh Irênê không được tử đạo vì các anh em linh mục của Irênê đã xin ngài chuyển giúp một sứ điệp quan trọng tới đức thánh cha ở Rôma. Trong thơ ấy, họ nói Irênê là một người đầy hăng hái và nhiệt thành đối với đức tin Công giáo.
Khi thánh Irênê trở về để nhận chức giám mục thành Lyông thì cuộc bách hại chấm dứt. Nhưng lại có một hiểm họa khác: đó là lạc thuyết gọi là thuyết Ngộ Đạo. Tà thuyết này đã hấp dẫn thu hút được một số người bởi nó hứa hẹn sẽ cho người ta được biết những mầu nhiệm huyền bí. Thánh Irênê nghiên cứu tất cả giáo thuyết của tà đạo này; và sau đó, thánh nhân đã chỉ ra những điểm sai lầm của nó trong năm cuốn sách. Irênê trình bày cách rất thanh nhã vì ngài muốn đem mọi người trở về với Đức Chúa Giêsu. Tuy thế, đôi chỗ Irênê cũng sử dụng những từ ngữ mạnh nghĩa. Chẳng hạn như ngài nói: “Khi một người vừa theo phái Ngộ Đạo, nó liền lên mặt hãnh diện kiêu căng. Nó có dáng vẻ oai vệ của một chú gà trống tập đi khệnh khạng…” Nhiều người đã đọc sách của thánh Irênê. Sau đó ít lâu, cả lạc thuyết bắt đầu tự phân tán hủy diệt. Thánh Irênê qua đời khoảng năm 202. Nhiều người cho rằng Irênê đã chịu tử vì đạo.
Thánh Irênê luôn luôn ghi nhớ những điều thánh Pôlycapô truyền dạy. Chúng ta cũng có thể tạo cho mình một tập quán biết ơn đối với những người đã dạy bảo chúng ta những điều hay lẽ phải. Chúng ta hãy cố gắng mang những điều đã học ra thực hành. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những người đã dạy dỗ chúng ta.
Ngày 29 tháng 6
Thánh Phêrô
Thánh Phêrô là một người đánh cá miền Galilêa. Đức Chúa Giêsu đã mời gọi Phêrô bước theo Người. Chúa nói: “Ta sẽ làm cho ngươi trở thành một ngư phủ lưới người!” Thánh Phêrô là người khiêm tốn, đơn sơ và chăm chỉ làm việc. Thánh nhân có tâm hồn quảng đại, tốt bụng và rất yêu mến Đức Chúa Giêsu. Tên của vị tông đồ này là Simon nhưng Đức Chúa Giêsu đổi thành Phêrô, nghĩa là “đá.” “Ngươi là đá,” Đức Chúa Giêsu nói, “và trên đá này Ta sẽ xây Hội Thánh của Ta!” Thánh Phêrô là thủ lãnh các tông đồ và là giám mục đầu tiên của Rôma.
Khi Đức Chúa Giêsu bị bắt, thánh Phêrô rất hoảng sợ. Lúc đó, thánh nhân đã phạm tội chối Chúa ba lần. Nhưng Phêrô đã ăn năn sám hối cách trọn. Suốt phần đời còn lại, Phêrô đã than khóc vì tội lỗi ấy. Đức Chúa Giêsu đã tha thứ cho Phêrô. Sau khi sống lại, Chúa hỏi Phêrô ba lần: “Con có yêu mến Ta không?” “Lạy Chúa,” Phêrô đáp lại, “Chúa biết mọi sự. Chúa biết con mến Chúa!” Chúa Giêsu biết rõ tâm hồn Phêrô; và bằng giọng nói dịu dàng, Chúa bảo Phêrô: “Hãy chăn dắt các chiên của Ta! Hãy chăn giữ các chiên mẹ của Ta!” Người nói Phêrô hãy chăm sóc canh giữ Giáo hội của Người vì Người sắp về trời. Đức Chúa Giêsu đã đặt thánh Phêrô làm thủ lãnh các môn đệ của Chúa.
Cuối cùng, thánh Phêrô đến sống ở Rôma là trung tâm của đế quốc La Mã. Tại đó, thánh nhân đã làm cho nhiều người ngoại giáo trở lại. Khi cuộc bách hại các Kitô hữu xảy ra, họ đã nài xin Phêrô rời bỏ Rôma để thoát thân. Người ta nói rằng thánh Phêrô đã thực sự ra đi; nhưng trên đường ngài đã gặp Đức Chúa Giêsu. Phêrô hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu vậy?” Đức Chúa Giêsu trả lời: “Ta đến để chịu đóng đinh thêm một lần nữa!” Sau đó, Phêrô quay trở lại. Ngài nhận ra rằng thị kiến này có ý cho biết ngài sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết vì Đức Chúa Giêsu. Rồi ít lâu sau, Phêrô đã bị bắt giam và bị kết án tử hình. Bởi vì không phải là công dân Rôma, nên như Đức Chúa Giêsu, Phêrô có thể bị đóng đinh. Lần này, ngài đã không chối Chúa. Lần này, Phêrô đã sẵn sàng chết cho Đức Chúa Giêsu. Thánh Phêrô xin được chịu đóng đinh ngược với cái đầu trút xuống đất, vì Phêrô cảm thấy mình chẳng xứng đáng được chịu đau khổ như Đức Chúa Giêsu. Quân lính Rôma cho đây là chuyện bình thường bởi vì các người nô lệ cũng bị đóng đinh với cùng một thể thức ấy.
Thánh Phêrô chịu tử đạo trên đồi Vatican khoảng năm 67. Vào cuối thế kỷ thứ tư, hoàng đế Constantinô đã xây cất một ngôi thánh đường lớn trên nơi thánh ấy. Các tài liệu khảo cổ xác nhận những sự kiện này.
Ngày nay, đức giám mục Rôma là vị kế nghiệp thánh Phêrô. Chúng ta gọi ngài là đức giáo hoàng, nghĩa là Cha.
Chúng ta hãy học hỏi nơi thánh Phêrô điều này là: khi đặt Đức Chúa Giêsu làm trung tâm của linh hồn và cuộc sống mình, thì mọi chuyện khác sẽ được giải quyết cách dễ dàng êm đẹp.
Thánh Phaolô
Thánh Phaolô, vị tông đồ vĩ đại, là người đã từng bắt bớ các Kitô hữu tiên khởi. Sau đó Phaolô được ơn trở lại. Chúng ta đã mừng lễ kính thánh Phaolô trở lại hôm 25 tháng Giêng. Lúc thánh nhân trở lại, Đức Chúa Giêsu nói: “Ta sẽ tỏ cho con biết con sẽ phải chịu nhiều đau khổ vì Ta!” Thánh Phaolô yêu mến Đức Chúa Giêsu rất nhiều, nhiều đến nỗi ngài đã trở nên bản sao sống động của Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Cả cuộc đời, đặc biệt trong suốt những chuyến đi truyền giáo, thánh Phaolô đã gặp đủ loại khó khăn và nguy hiểm. Thánh nhân bị đánh đòn, ném đá, đắm tàu, bị trôi dạt lênh đênh trên biển cả. Rất nhiều lần thánh Phaolô phải chịu đói, chịu khát và chịu rét.
Nhưng thánh Phaolô luôn luôn tín thác vào Thiên Chúa. Thánh nhân không bao giờ thôi việc rao giảng Tin mừng. Ngài nói: “Chính Tình Yêu Đức Chúa Giêsu đã thúc bách tôi!” Để ân thưởng Phaolô, Đức Chúa Giêsu đã ban cho ngài cảm nghiệm thấy niềm vui và an ủi đặc biệt trong những nỗi đau khổ ngài chịu.
Chúng ta đọc thấy những cuộc phiêu lưu mạo hiểm đầy kinh ngạc của thánh Phaolô vì danh Chúa Giêsu trong sách Tông đồ Công vụ của thánh ký Luca, khởi đầu từ chương thứ chín. Nhưng truyện kể của thánh ký Luca kết thúc khi Phaolô đến Rôma. Ngài bị bắt giam, chờ hoàng đế Nêrô xét xử. Một văn gia danh tiếng thuộc Kitô giáo tiên khởi là Téctulianô nói với chúng ta rằng Phaolô được trả tự do sau lần xét xử đầu tiên. Nhưng sau đó ngài lại bị tống ngục. Lần này thánh nhân bị kết án tử hình. Thánh Phaolô qua đời khoảng năm 67, trong thời kỳ Nêrô khủng bố các Kitô hữu.
Thánh Phaolô tự nhận mình là tông đồ của các dân ngoại. Thánh nhân rao giảng Tin mừng cho những người ngoài Dothái. Việc này đã làm cho thánh Phaolô được biết đến trên khắp thế giới. Cũng nhờ Phaolô mà chúng ta được nhận lãnh đức tin Công giáo.
Đôi khi chúng ta nhận thấy đức tin của mình thật yếu ớt. Chính lúc ấy chúng ta hãy cầu xin với thánh Phaolô. Ngài sẽ giúp chúng ta tin nhận và yêu mến Đức Chúa Giêsu như ngài.
Ngày 30 tháng 6
Các thánh tử đạo tiên khởi Rôma
Những người mà chúng ta mừng kính hôm nay đều có một điểm chung: đó là các ngài đã hy sinh từ bỏ mạng sống mình vì Chúa Kitô. Các ngài được phúc tử vì đạo bởi các ngài là những người đã noi theo lối Đức Chúa Giêsu. Vào năm 64, những vi phạm luật nhân quyền của hoàng đế Nêrô đã vươn tới những chiều kích nằm ngoài sự mô tả. Khi đám cháy bất ngờ phát tỏa trong thành Rôma ngày 16 tháng Bảy, thì người ta đều cho rằng chính hoàng đế là người phải lãnh trách nhiệm. Khi hai phần ba thành phố Rôma bị thiêu rụi, sự căm tức phẫn nộ bắt đầu dâng cao. Nêrô hoảng hồn lo sợ. Ông cần một người đứng mũi chịu sào; và thế là, ông đã đổ tội vụ gây ra hỏa hoạn cho các Kitô hữu.
Taxitô, một sử gia danh tiếng thời ấy, đã ghi nhận rằng các Kitô hữu đã phải chịu những cái chết thật dã man hiểm độc. Một số bị ném cho các thú hoang ăn thịt. Số khác bị trói vào các cột trụ và trở nên những “ngọn đuốc người” thắp sáng các đường phố Rôma. Chúng ta không biết được chính xác tổng số các vị anh hùng là bao nhiêu nhưng chứng từ đời sống và lễ vật của các ngài đã gây một ấn tượng đặc biệt cho mọi người. Cuộc bách hại khủng bố đầu tiên của Nêrô dù là hoàng đế Rôma cũng chẳng kéo dài mãi được. Giáo hội càng bị bách hại thì Giáo hội càng phát triển. Các thánh tử vì đạo đã trả một giá rất đắt để những ai bước theo các ngài sẽ có được cơ hội giữ vững đức tin.
Chúng ta hãy cầu xin các thánh tử đạo tiên khởi Rôma ban cho lòng can đảm để trung thành với những điều Giáo hội truyền dạy. Các thánh tử đạo này cũng nhắc nhớ chúng ta hãy nên nghiêm túc học hỏi về đức tin và đọc các sách vở Công giáo lành mạnh.
Tháng 07
Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ
Ngày 01: Chân phước Junipêrô Serra
Ngày 02: Thánh Ôlivơ Plunket
Ngày 03: Thánh Tôma
Ngày 04: Thánh Êlizabeth Bồ Đào Nha
Ngày 05: Thánh Antôn Maria Zacaria
Ngày 06: Maria Gôretti
Ngày 07: Chân phước Rôgiơ Đickensơn, Ralph Milnơ và Laurensô Humphrêy
Ngày 08: Chân phước Giorgiô Frassati
Ngày 09: Thánh Augustinô Zhao Rong và các bạn tử đạo
Ngày 10: Thánh Vêrônica Giuliani
Ngày 11: Thánh Bênêđictô
Ngày 12: Thánh Gioan Gaulbêtô
Ngày 13: Thánh Henry II
Ngày 14: Chân phước Kateri Têkakwitha
Ngày 15: Thánh Bônaventura
Ngày 16: Đức Mẹ núi Cátminh
Ngày 17: Thánh Lêô IV
Ngày 18: Thánh Camillô Lêllis
Ngày 19: Chân phước Phêrô Tôrô
Ngày 20: Thánh Apôllinariô
Ngày 21: Thánh Laurensô Brinđisi
Ngày 22: Thánh Maria Mađalêna
Ngày 23: Thánh Brigitta Thụy Điển
Ngày 24: Thánh Sabel Malốp
Ngày 25: Thánh Giacôbê tiền
Ngày 26: Thánh Gioakim và thánh Anna
Ngày 27: Chân phước Titô Bransma
Ngày 28: Chân phước Maria Mađalêna Matinengô
Ngày 29: Thánh Matta
Ngày 30: Thánh Phêrô kim ngôn
Ngày 31: Thánh Inhaxiô Lôyôla
Ngày 1 tháng 7
Chân phước Junipêrô Serra
Chân phước Junipêrô Serra sinh ngày 24 tháng Mười Một năm 1713 tại ngôi làng Pêtra, trên một hòn đảo mang tên Mallôca thuộc nước Tây Ban Nha. Khi còn nhỏ, Junipêrô học tại trường dòng thánh Phanxicô ở Palma, cách xa nhà hai mươi lăm dặm. Sau đó, Junipêrô gia nhập hội dòng này nhân ngày 14 tháng Chín năm 1730, vài tháng trước kỷ niệm sinh nhật lần thứ 17 của ngài. Suốt thời gian nhà tập, Junipêrô đọc tiểu sử các thánh dòng Phanxicô. Vị thánh mà đời sống đã làm Junipêrô say mê nhất là thánh Phanxicô Sôlanô, sống từ năm 1549 đến 1610. Vị linh mục truyền giáo cho dân Nam Mỹ này đã được đức thánh cha Bênêđictô XIII tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1726. Lúc đó, chàng tập sinh trẻ tuổi Junipêrô quyết tâm rằng nếu Chúa muốn thì chàng cũng sẽ trở thành một nhà truyền giáo.
Năm 1736, Junipêrô được thụ phong linh mục. Ngài là giáo sư dạy triết học tại học viện của dòng. Sau 20 năm làm việc, Junipêrô nhận được một cơ hội khá lý tưởng. Các linh mục dòng Phanxicô được kêu gọi tình nguyện đến truyền giáo tại những vùng đất “Tân Tây Ban Nha” (ngày nay là Mêxicô và California). Junipêrô và người bạn thân của ngài, cha Phanxicô Palô, đã tham gia nhóm truyền giáo tại Cađiz, một thành phố cảng thuộc Tây Ban Nha. Từ đó, các ngài vượt tàu từ Đại Tây Dương tới Vêra Cruz, Mêhicô. Các ngài đặt chân tới đất liền ngày mùng 6 tháng Mười Hai năm 1749. Junipêrô và một linh mục khác đã lội bộ tới phần tiếp theo của cuộc hành trình từ Vêra Cruz tới thành phố Mêhicô, một đoạn đường dài 240 dặm. Các ngài khởi hành từ ngày 15 tháng Mười Hai năm 1749 và tới thành phố ngày mùng 1 tháng Giêng năm 1750. Từ thành phố Mêhicô, cha Junipêrô và cha Phanxicô Palô lại được sai tới làm việc giữa những người Pamê Anhđiêng tại trụ sở truyền giáo của dòng ở Sierra Gorđa.
Nhiều linh mục lúc ấy được chỉ định tới các cứ điểm truyền giáo tại vùng thấp California. Junipêrô, Phanxicô và một nhóm nhỏ các tu sĩ Phanxicô khác thì được sai đem Tin mừng cho những dân bản xứ trên vùng cao California. Cha Junipêrô khởi sự việc mục vụ truyền giáo tại San Điêgô ngày 16 tháng Bảy năm 1769, lúc cha 56 tuổi. Cuộc truyền giáo là một lời mời gọi công khai những giáo dân thân yêu của ngài hãy đến gặp gỡ Chúa Giêsu. Dần dần, họ đã tin vào các linh mục truyền giáo này. Một số người đã chịu phép Thanh tẩy và bắt đầu sống đức tin Công giáo. Cha Serra và các linh mục dòng Phanxicô đã yêu mến và bảo vệ bổn đạo của mình. Rồi một chuỗi những chuyến mục vụ truyền giáo mới lại bắt đầu: San Carlos ở Montơri ngày 1 tháng Sáu năm 1770; San Antôniô Pađua ngày 14 tháng Bảy năm 1771; San Archangel Gabriel ngày 8 tháng Chín năm 1771; San Luis Ôbispô ngày mùng 1 tháng Chín năm 1772; San Phanxicô Assisi ngày 9 tháng Mười năm 1776; San Gioan Capistranô ngày 1 tháng Mười Một năm 1776; Santa Clara Assisi ngày 12 tháng Giêng năm 1777; San Bonaventura ngày 31 tháng Ba năm 1782. Cuối cùng, 6000 người dân bản xứ đã được lãnh nhận bí tích Thanh tẩy.
Chân phước Junipêrô thực hiện chuyến mục vụ sau hết của ngài tại vùng cao California từ cuối năm 1783 đến tháng Bảy năm 1784. Junipêrô qua đời trong an bình đang lúc thực hiện chuyến mục vụ San Carlos ngày 28 tháng Tám năm 1784; và Junipêrô được mai táng tại đó. Năm 1988, đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Junipêrô Serra lên bậc chân phước.
Thế giới của chúng ta sẽ trở nên rất bé nhỏ nếu mỗi người chúng ta tự thu gọn trong chính bản thân mình. Chúng ta hãy nài xin chân phước Junipêrô Serra chỉ cho chúng ta biết cách tỏ lòng thương cảm và quan tâm tới những người khác. Điều này sẽ giúp chúng ta khám phá ra những nhu cầu của tha nhân với tinh thần của Tin mừng.
Ngày 2 tháng 7
Thánh Ôlivơ Plunket
Thánh Ôlivơ Plunket sinh tại Ai Len vào ngày mùng 1 tháng Mười Một năm 1629. Ngài học tại trường thánh Maria thuộc đan viện Bênêđictô ở Đublin. Lên 16 tuổi, Ôlivơ Plunket sang Rôma để tiếp tục việc học và chuẩn bị cho thiên chức linh mục.
Ôlivơ được thụ phong linh mục năm 1654; và sau đó, ngài lưu lại Rôma suốt 15 năm phục vụ trong chức vị giáo sư thần học. Ôlivơ cũng là đại diện của các giám mục Ai Len tại tòa thánh. Vào năm 1669, cha Ôlivơ Plunket được đặt làm tổng giám mục giáo phận Armagh và là giáo chủ của toàn cõi Ai Len.
Vào thời gian này, vua nước Anh, Carôlô II, đang cố gắng tìm cách ổn định Anh giáo ở Anh quốc, Scốtlen và Ai Len. Ông thực hiện điều đó bằng việc thủ tiêu các tôn giáo khác, bao gồm cả Công giáo. Đức tổng giám mục Plunket trở về Ai Len trong tư thế ngụy trang. Ngài mặc thường phục và lấy tên là thuyền trưởng Brown.
Vào tháng Năm năm 1670, cuộc bách hại các Kitô hữu có phần dịu xuống, và đức tổng giám mục Plunket có thể công khai làm việc trong giáo phận của mình. Trong ba năm tiếp đó, ngài đã ban bí tích Thêm sức cho khoảng 10000 tín hữu; ngài tổ chức lại giáo phận, truyền chức thánh cho các tân linh mục và mở nhiều trường học.
Nhưng đến năm 1673, cuộc bách hại các Kitô hữu lại tiếp diễn. Đức tổng giám mục Ôlivơ Plunket bị ép phải lẩn trốn. Năm 1678, một người tên là Titô Oates tung tin rằng các Kitô hữu đang lập kế hoạch mưu sát nhà vua và sẽ đặt em trai của vua, người theo đạo Công giáo, lên ngai vàng. Sau đó, người ta nhận biết là Oates đã tạo ra toàn bộ câu chuyện, và họ đã bỏ tù anh ta vì tội khai man trước toà án (tức nói dối sau khi đã thề nói sự thật). Trong lúc đó, các giám mục và các linh mục Công giáo bị bắt buộc phải rời khỏi Ai Len.
Đức tổng giám mục Ôlivơ Plunket bị bắt ngày mùng 6 tháng Mười Hai năm 1679, và bị biệt giam suốt chín tháng tại Luânđôn. Trong một án xử bất công, ngài đã bị kết án vì tội phản quốc. Ôlivơ Plunket bị treo cổ ngày mùng 1 tháng Bảy tại Tybơn, và ngài là người Công giáo sau cùng được phúc tử đạo tại Anh quốc.
Ôlivơ Plunket được đức thánh cha Phaolô VI tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1975.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Giáo hội để các ngài có đủ can đảm và lòng nhiệt thành phục vụ những người đã được trao phó cho các ngài, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm. Chúng ta cũng hãy cầu xin để các ngài được các bổn đạo của mình an ủi và nâng đỡ.
Ngày 3 tháng 7
Thánh Tôma
Thánh Tôma là một trong số mười hai tông đồ của Đức Chúa Giêsu. Tôma bên tiếng Syria có nghĩa là “sinh đôi.” Một lần kia, khi Chúa Giêsu tỏ cho biết Người sẽ lên Giêrusalem để nộp mình chịu chết, thì các tông đồ khác đã ngăn cản Thầy lại, nhưng thánh Tôma nói với họ: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng hãy đi và cùng chết với Thầy” (Ga 11,16).
Khi thấy Đức Chúa Giêsu bị các kẻ thù của Người bắt giữ, Tôma đã mất hết nhuệ khí ban đầu. Ngài đã bỏ chạy cùng với các tông đồ khác. Trái tim Tôma buồn sầu tan vỡ trước cái chết bi thương của Thầy Chí Ái. Nhưng rồi vào Chúa nhật Phục Sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ sau khi chỗi dậy từ cõi chết. Người chỉ cho các tông đồ xem các vết thương ở tay và cạnh sườn Người. Lúc ấy Tôma vắng mặt. Khi Tôma tới, các tông đồ hồ hởi nói với Tôma: “Chúng tôi đã được xem thấy Chúa!” Họ tưởng là Tôma rất vui. Ai ngờ, Tôma lại không tin sứ điệp các ngài vừa loan báo. Lý do vì trừ các tông đồ, Tôma chưa được xem thấy Đức Chúa Giêsu cách tỏ tường.
“Nếu tôi không nhìn thấy các dấu đinh ở tay Người,” Tôma nói, “nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào lỗ đinh, nếu tôi không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin!” Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra với các tông đồ. Lần này có mặt Tôma. Chúa Giêsu gọi Tôma và bảo hãy chạm tay vào các lỗ đinh và vào vết thương ở cạnh sườn Người. Tôma liền sấp mình xuống dưới chân Thầy Chí Ái và kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa tôi! Lạy Thiên Chúa của tôi!” Sau đó, Chúa Giêsu nói: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin.” Bạn có thể tìm gặp mẩu truyện này trong sách Tin mừng của thánh ký Gioan, nơi chương 20, các câu 24-29.
Sau ngày lễ Hiện Xuống, Tôma được kiện cường trong niềm tin và thánh nhân đã tín thác vào Đức Chúa Giêsu hơn. Người ta nói rằng thánh Tôma đã sang tận Ấn Độ để rao giảng Tin mừng. Và Tôma đã tử đạo ở đó, sau khi rao giảng Tin mừng của Đức Chúa Giêsu cho nhiều người.
Chúng ta thường nghe truyện kể về thánh Tôma như một người “cứng lòng,” nhưng giây phút được nhìn xem Chúa Giêsu Phục Sinh chính là lúc thánh nhân đã tuyên xưng một niềm tin rất mực kiên vững. Trong thánh lễ, khi linh mục nâng cao Bánh Thánh, chúng ta cũng hãy cầu nguyện bằng những lời của thánh Tôma: “Lạy Chúa con! Lạy Thiên Chúa của con!”
Ngày 4 tháng 7
Thánh Elizabeth Bồ Đào Nha
Thánh nữ Êlizabeth, công chúa nước Tây Ban Nha, sinh năm 1271. Ngài được đặt tên theo người cô, là thánh Êlizabeth Hungary (lễ kính ngày 17 tháng Mười Một). Êlizabeth kết hôn với vua Đênis nước Bồ Đào Nha khi lên 12 tuổi. (Vì những lý do chính trị, lúc đó người ta xem là chuyện bình thường đối với những cuộc hôn nhân quan trọng, cô dâu hoặc chú rể thường rất trẻ, có khi mới chỉ là một em thiếu nhi.) Êlizabeth rất xinh đẹp và đáng yêu. Ngài cũng rất đạo đức và năng đi tham dự thánh lễ hàng ngày. Lúc đầu, vị hôn phu của Êlizabeth rất yêu quý ngài, nhưng chẳng bao lâu ông đã làm cho ngài phải đau khổ nhiều. Dù là một nhà lãnh đạo tốt, Đênis cũng không có được lòng yêu mến cầu nguyện và các nhân đức như người vợ của mình. Thực ra, các tội ô uế của ông là những vụ tai tiếng khắp nước ai ai cũng biết.
Thánh nữ Êlizabeth đã cố gắng trở nên người mẹ đáng yêu đối với hai đứa con của mình: Alphongsô và Côngxtăngxia. Thánh nữ cũng sống quảng đại và tỏ ra dễ mến đối với thần dân trong nước Bồ Đào Nha. Thậm chí dù chồng ngài có bất trung, thì Êlizabeth vẫn kiên tâm cầu nguyện để một ngày nào đó ông sẽ thay đổi tâm hồn. Êlizabeth không bao giờ tỏ ra bực dọc hoặc cay cú. Dần dần, vua Đênis bị xúc động bởi lòng kiên nhẫn và gương sống tốt lành của Êlizabeth. Ông bắt đầu cải thiện đời sống. Ông nhìn nhận tất cả là nhờ Êlizabeth; và ông tỏ lòng tôn trọng rất mực đối với ngài. Trong cơn bạo bệnh cuối đời của vua, hoàng hậu đã luôn luôn có mặt ở bên giường ông, chỉ trừ thời gian tham dự thánh lễ. Vua Đênis qua đời ngày 6 tháng Giêng năm 1325. Ông đã rất hối hận vì những tội lỗi của ông và qua đời trong an bình.
Êlizabeth sống thêm 11 năm nữa. Thánh nữ đã gia nhập dòng Ba Phanxicô, làm nhiều việc bác ái và đền tội. Êlizabeth là một mẫu gương tuyệt vời về lòng tử tế đối với những người nghèo khổ. Thánh nữ cũng là người kiến tạo hòa bình giữa các thành viên trong gia đình và giữa các quốc gia.
Thánh nữ Êlizabeth Bồ Đào Nha qua đời ngày mùng 4 tháng Bảy năm 1336. Ngài được đức thánh cha Urbanô VIII tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1626.
Thánh nữ Êlizabeth Bồ Đào Nha đã tìm được sức mạnh để chu toàn cuộc sống hàng ngày nhờ tham dự thánh lễ ban sáng. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ giúp chúng ta cũng biết trân quý kho tàng thánh lễ vô giá này, bằng cách tham dự với lòng yêu mến và sốt sắng.
Ngày 5 tháng 7
Thánh Antôn Maria Zacaria
Thánh Antôn Maria Zacaria sinh tại nước Ý vào năm 1502. Thân phụ Antôn qua đời lúc ngài còn rất trẻ. Thân mẫu Antôn khuyến khích ngài với một tình yêu thương đặc biệt, và chính nhờ tình yêu thương này mà Antôn rất dễ cảm thông đối với những đau khổ của người nghèo. Bà Zacaria đã gởi Antôn tới theo học tại trường đại học Pađua để sau này Antôn có thể trở thành bác sĩ. Và chỉ mới 22 tuổi, Antôn đã tốt nghiệp đại học.
Bác sĩ trẻ Antôn Maria Zacaria làm việc rất thành công. Tuy vậy, Antôn vẫn cảm thấy chưa thoả mãn. Antôn nhận thấy mình muốn trở thành một linh mục. Và Antôn bắt đầu học thần học. Ngài cũng tiếp tục chăm sóc những người đau bệnh, an ủi và khích lệ những người hấp hối. Antôn cố gắng dùng mọi giờ rảnh để đọc và suy niệm các thư của thánh Phaolô trong Kinh Thánh. Antôn đã đọc truyện về vị tông đồ vĩ đại Phaolô nhiều lần và cũng suy tư rất nhiều về các nhân đức của thánh Phaolô. Giờ đây tâm hồn Antôn Maria Zacaria đang trào lên một niềm khao khát mãnh liệt muốn trở nên một vị thánh để đem mọi người về với Chúa Giêsu.
Sau khi thụ phong linh mục, thánh Antôn Maria chuyển tới sống tại một thành phố lớn và rất nổi tiếng là Milan. Ở đó, thánh nhân có dịp giúp đỡ nhiều người hơn. Thánh Antôn cũng thiết lập một hội dòng gọi là dòng các linh mục. Các linh mục tu ở đây được gọi là các giáo sĩ dòng thánh Phaolô. Người ta cũng gọi các ngài là “các giáo sĩ Barnaba” vì Nhà Mẹ của hội dòng được xây cất gần nhà thờ kính thánh Barnaba ở Milan, nước Ý. Noi gương thánh tông đồ Phaolô, thánh Antôn và các linh mục dòng ngài đã đi rao giảng khắp nơi. Các ngài năng sử dụng và hay lặp lại những câu nói của thánh Phaolô. Các ngài giải thích sứ điệp của thánh Phaolô bằng những từ dễ hiểu. Dân chúng đã yêu thích và rất ưa chuộng lối giảng giải này. Thánh Antôn Maria Zacaria cũng có một tình yêu say mê đối với Chúa Giêsu Thánh Thể; và thánh nhân hay khuyến khích việc Chầu Thánh Thể Bốn Mươi Giờ.
Thánh Antôn Maria Zacaria qua đời ngày mùng 5 tháng Bảy năm 1539, lúc mới được 37 tuổi. Đức thánh cha Lêô XIII đã tôn phong ngài lên bậc hiển thánh năm 1897.
Thánh Antôn Maria Zacaria có một lòng mộ mến đặc biệt đối với thánh tông đồ Phaolô. Ngài thường nói: “Tôi chưa bao giờ xin thánh Phaolô điều gì mà lại bị từ chối.” Chúng ta cũng hãy đọc các thư của thánh Phaolô và nài xin thánh nhân ban cho những ơn cần thiết.
Ngày 6 tháng 7
Thánh Maria Gôretti
Maria Gôretti sinh năm 1890 tại nước Ý. Thân phụ của thánh nữ chết vì bệnh sốt rét lúc thánh nữ lên 10. Khi 12 tuổi, Maria Gôretti giúp mẹ trông coi các em và làm việc đồng áng ngay tại sân nhà. Maria không bao giờ ca thán điều gì vì biết rằng gia đình ngài rất nghèo. Thực sự, Maria đã luôn khích lệ thân mẫu và thánh nữ chính là nguồn an ủi lớn lao đối với bà. Maria Gôretti đi tham dự thánh lễ đều đặn dù cho con đường dẫn tới nhà thờ phải mất đến hai giờ đi bộ. Maria Gôretti cũng thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa giải.
Một anh hàng xóm trẻ tuổi tên là Alêxanđrô đã nhiều lần dụ dỗ Maria Gôretti phạm tội nghịch đức trong sạch. Và Maria Gôretti đã kịch liệt phản đối. Thánh nữ đã tìm mọi cách để xa tránh anh này. Vào ngày mùng 5 tháng Bảy năm 1902, một ngày hè oi bức, Maria Gôretti ở nhà một mình trong túp nhà nhỏ may vá quần áo. Alêxanđrô đã tiến lại và dụ dỗ Maria phạm tội. Một lần nữa, Maria Gôretti từ chối. Alêxanđrô liền tấn công và lôi Maria Gôretti vào căn phòng bên trong. Maria Gôretti cố gắng la to: “Không! Không! Điều anh đang làm là tội trọng. Thiên Chúa không muốn đâu! Nếu anh làm, anh sẽ xuống hỏa ngục!” Và Maria Gôretti chống trả quyết liệt. Alêxanđrô hoảng hốt. Anh tức giận đâm Maria Gôretti nhiều nhát bằng con dao găm anh tự chế. Rồi anh bỏ chạy.
Sau đó, Maria Gôretti được đưa vào bệnh viện; và thánh nữ đã qua đời sau 24 tiếng đồng hồ. Trong những giờ sau hết, Maria Gôretti đã tha thứ cho kẻ hãm hại mình. Thánh nữ chỉ thương tiếc cho thân mẫu của ngài. Maria Gôretti lãnh nhận Chúa Giêsu trong Của Ăn Đàng với niềm vui dào dạt. Sau đó, thánh nữ về trời. Rồi Alêxanđrô bị bắt. Suốt 8 năm, Alêxanđrô không hề hối cải và thừa nhận tội ác khủng khiếp của anh. Nhưng một đêm kia Alêxanđrô nằm mơ. Trong giấc mơ đó, anh thấy Maria Gôretti tặng anh một bó hoa. Và từ giây phút ấy, Alêxanđrô trở nên một người mới. Khi được ra khỏi tù 20 năm sau, việc đầu tiên Alêxanđrô làm là đến thăm gia đình của Maria Gôretti. Alêxanđrô xin thân mẫu của Maria Gôretti tha thứ cho mình. Rồi anh dùng phần đời còn lại của anh phục vụ như một người làm vườn tại một tu viện gần đó.
Ngày 27 tháng Tư năm 1947, Maria Gôretti được đức thánh cha Piô XII phong chân phước. Đức thánh cha xuất hiện trên ban công của đền thánh Phêrô cùng với bà Assunta, bà mẹ 82 tuổi của Maria Gôretti. Ba năm sau, vào ngày 25 tháng Bảy năm 1950, cũng đức thánh cha Piô XII đã tôn phong Maria Gôretti lên bậc hiển thánh. Đức thánh cha gọi thánh nữ là “vị tử đạo của đức trinh khiết.”
Chúng ta có thể tự giúp mình sống những giá trị Kitô giáo nếu chúng ta năng tham dự thánh lễ và lãnh nhận bí tích Hòa giải. Chúng ta cũng có thể chọn xem những phim ảnh tốt, những sách vở hay tạp chí lành mạnh. Khi cảm thấy yếu đuối, chúng ta hãy nài xin thánh nữ Maria Gôretti giúp chúng ta dám sống đời Kitô hữu đạo hạnh như ngài.
Ngày 7 tháng 7
Chân phước Rôgiơ Đickensơn, Ralph Milnơ và Laurensô Humphrêy
Cả ba vị chân phước tử đạo này sống ở nước Anh vào thời nữ hoàng Êlizabeth I bách hại Giáo hội Công giáo. Ralph Milnơ là người chồng và là người cha. Ngài là một nông dân lo việc đồng áng và được gia nhập Giáo hội vì có đời sống rất mực đạo hạnh. Ngày Ralph Milnơ được Rước lễ lần đầu cũng chính là ngày ngài phải ngồi tù vì tội danh là Kitô hữu. Tuy nhiên, người cai tù có cảm tình với Milnơ, vì thế, việc giam cầm đối với Milnơ thoạt đầu không mấy nghiêm ngặt. Suốt nhiều năm, Milnơ đã thực hiện tốt “lời cam kết của tù nhân” và giúp cung cấp thức ăn cũng như vật dụng cho các tù nhân bạn. Khi được tha vì đã cam kết tốt, Milnơ trở nên cánh tay rất đắc lực của cha Stanny, một linh mục thuộc dòng Tên, và “ông” Rôgơ Đickensơn, một linh mục triều đang hoạt động bí mật.
Rồi, cha Đickensơn cũng bị bắt. Cha và Milnơ bị đưa ra xét xử cùng ngày. Cha Đickensơn bị xử vì tội danh là linh mục Công giáo. Milnơ bị xử vì tội đã giúp cha Đickensơn thi hành sứ vụ. Viên quan tòa đưa mắt nhìn về phía đám đông đang ngồi trong phòng xử. Ông nghĩ tới bà Milnơ và tám người con. Ông muốn phóng thích Milnơ bằng bất cứ giá nào. “Việc ông phải làm,” viên quan tòa nói, “là tới viếng một nhà thờ Thệ phản, chỉ trong ít phút thôi, và hãy nói là ông đã ở đó. Tôi sẽ thả ông về với gia đình của ông.” Milnơ yên lặng và kiên quyết từ chối. Milnơ và cha Đickensơn đã anh dũng nhận lấy cái chết. Đó là ngày mùng 7 tháng Bảy năm 1591.
Vị tử đạo thứ ba, Laurensô Humphrêy, đã được cha Stanny đưa vào Giáo hội. Ngài cũng kiên quyết giữ vững đức tin đã lãnh nhận. Laurensô Humphrêy vừa tròn 21 tuổi khi chịu tử vì đạo.
Mỗi một vị tử đạo nhắc nhớ chúng ta rằng có một kho tàng quý giá rất đáng chúng ta ra công bảo vệ. Các ngài nhận thấy giá trị đích thực của đức tin Công giáo và không chịu bỏ mất vì bất cứ lý do gì. Chúng ta hãy cầu xin với các chân phước Rôgiơ, Ralph và Laurensô. Các ngài sẽ giúp chúng ta yêu mến và trân quý niềm tin của mình như các ngài.
Ngày 8 tháng 7
Chân phước Giorgiô Frassati
Pier Giorgiô Frassati sinh ngày mùng 6 tháng Tư năm 1901 tại thành phố Turinô, nước Ý. Cha của ngài, ông Alfređô, là nhà sáng lập và là giám đốc tờ báo Italia, đồng thời ông cũng là một chính trị gia. Mẹ của Pier Giorgiô, bà Ađêlaiđê, là một họa sĩ. Ông bà Frassati không phải là một mẫu cha mẹ lý tưởng chút nào. Ông Alfređô thì chống đối con cái và bà Ađêlaiđê thì có tính bối rối và hay phê phán. Họ tham dự thánh lễ chỉ vì đó là một bổn phận.
Từ thuở nhỏ, Pier Giorgiô đã rất nhạy cảm với những nhu cầu của người khác. Ngày kia, có bà hành khất nghèo khó tới gõ cửa nhà của gia đình Frassati. Bà ôm trong vòng tay một đứa trẻ không mang giày. Không chút do dự, cậu nhỏ Pier Giorgiô lúc ấy 4 tuổi liền cởi ngay giày đang mang ở chân ra và trao cho đứa bé nghèo khổ kia.
Pier Giorgiô có đời sống đạo hạnh hơn cha mẹ. Lên 14 tuổi, ngài bắt đầu tham dự thánh lễ và rước lễ hầu như mỗi ngày. Pier Giorgiô gia nhập dòng Ba Đa Minh do bị lôi cuốn bởi linh đạo vừa chiêm niệm vừa hoạt động của hội dòng này. Sứ vụ của Pier Giorgiô là chăm lo cho những người nghèo khổ. Ngài tới những căn nhà dơ bẩn của những người nghèo, lưu lại bên giường của những bệnh nhân và luôn luôn tâm niệm rằng mình đang thăm viếng Đức Kitô. Dù gia đình khá giả, Pier Giorgiô cũng chỉ ra đi làm việc bác ái với hai bàn tay trắng. Ngài không muốn sử dụng tài sản của gia đình.
Bạn bè của Pier Giorgiô nhận biết ngài như một người tinh nghịch, ham thích leo núi và trượt tuyết. Pier Giorgiô cũng là nhà hoạt động cho công bằng xã hội, tham gia các nhóm ủng hộ tôn giáo và chống lại chủ nghĩa Phátxít. Và Pier Giorgiô đã phải vào tù sau một trong nhiều lần biểu tình; tại đây Pier đã dùng nhiều giờ để đọc kinh Mân Côi và khích lệ bạn bè.
Đến năm 1925, Pier Giorgiô bị lây nhiễm bại liệt từ một bệnh nhân của ngài. Vào tháng Sáu, Pier Giorgiô bị ốm nặng nhưng ngài vẫn âm thầm chịu đựng; vì cùng lúc ấy tại gia đình Frassati, bà ngoại của ngài đang hấp hối. Pier Giorgiô cho biết là bị cảm sốt nhưng gia đình chẳng quan tâm nhiều tới ngài. Khi bà ngoại qua đời, chẳng ai biết được là Pier Giorgiô cũng sắp lìa bỏ thế gian này mà về cùng Chúa. Thân mẫu Pier, không đi dự lễ tang bà ngoại mà ở nhà với Pier, đã trách cứ Pier vì bị cảm cúm vào thời điểm bất tiện như thế. Nhưng chẳng bao lâu, bà nhận ra rằng con trai mình thật bị bệnh rất nặng chứ không phải chỉ là cảm sốt qua loa như bà tưởng. Ba ngày sau, Pier Giorgiô về trời!
Những giờ phút cuối đời của Pier Giorgiô diễn ra trong bầu khí thinh lặng cầu nguyện; và ngài đã để lại những chỉ dẫn sau cùng trong việc giúp đỡ người nghèo, những người luôn hiện diện trong trái tim của Pier. Thế rồi, buổi sáng ngày mùng 4 tháng Bảy năm 1925, Pier Giorgiô đã an bình ra đi sau khi lãnh nhận bí tích Xức dầu bệnh nhân. Khi ấy, Pier Giorgiô được 24 tuổi. Ít lâu sau cái chết của Pier Giorgiô, gia đình Frassati rất đỗi sửng sốt khi thấy từng đám đông người chen chúc nhau tới nhà thờ để tham dự thánh lễ an táng Pier Giorgiô. Họ là những người nghèo khổ mà Pier Giorgiô đã giúp đỡ trong cuộc đời vắn vỏi của ngài. Họ đến để bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với vị ân nhân trẻ tuổi rất đặc biệt này.
Pier Giorgiô Frassati được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước năm 1990.
Chân phước Pier Giorgiô Frassati đã đặt Đức Kitô làm trung tâm cuộc đời của ngài. Thay vì cảm thấy buồn tủi vì gia đình không hiểu mình, Pier Giorgiô đã dồn mọi quan tâm để lo cho những người kém may mắn hơn ngài. Với việc làm này, Pier Giorgiô là chứng nhân đích thực của niềm vui Tin mừng. Chúng ta hãy nài xin chân phước Pier Giorgiô Frassati giúp chúng ta cũng biết chia sẻ niềm vui của mình cho người khác.
Ngày 9 tháng 7
Thánh Augustinô Zhao Rong và các bạn tử đạo
Ngày hôm nay, Giáo hội cử hành thánh lễ tôn kính các vị tử đạo Trung Hoa. Các ngài là những người đã nêu gương anh dũng trong đời sống đức tin Kitô giáo dọc theo lịch sử của đất nước này. Thánh Augustinô Zhao Rong, đã anh dũng tử đạo để minh chứng đức tin, là một trong số 122 tín hữu Công giáo đã hy sinh suốt từ năm 1648 đến năm 1930.
Vào năm 1815, một giám mục tên Gioan Gabriel Đufresse bị bắt. Lúc ấy, việc thực hành đạo Kitô bị coi là một hành vi chống lại luật lệ của đất nước Trung Hoa. Một anh lính Trung Hoa canh giữ đức giám mục rất đỗi khâm phục ngài bởi sự bình thản và lòng kiên nhẫn đối với cuộc bách hại. Sau khi giám mục Đufresse bị giết, người lính này đã xin gia nhập Giáo hội. Anh được chịu phép Thanh tẩy và nhận tên là Augustinô. Sau này, Augustinô gia nhập chủng viện và học làm linh mục.
Thụ phong linh mục chẳng bao lâu, Augustinô cũng bị bắt vì là Kitô hữu. Người ta đã tra tấn Augustinô dữ dội hầu làm cho ngài chối bỏ niềm tin vào Đức Kitô. Thế nhưng, những đau khổ ấy lại chỉ giúp cho Augustinô Zhao Rong thêm can đảm và làm xác tín hơn niềm tin của ngài. Augustinô Zhao Rong bị lên án tử và tên ngài được ghi vào danh sách các tín hữu Trung Hoa anh dũng đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho niềm tin của mình.
Danh sách các vị anh hùng này bao gồm 76 giáo dân, một số em thiếu nhi thậm chí mới bảy tuổi, 8 chủng sinh, 24 linh mục và 6 giám mục. Trong số này, có 88 vị là người gốc Trung Hoa và 34 vị là các nhà truyền giáo đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng các vị đã nhận Trung Hoa là quê hương của mình.
Chúng ta hãy noi gương thánh Augustinô Zhao Rong và các bạn tử đạo Trung Hoa. Như các ngài, chúng ta hãy sống niềm tin của mình cách vui tươi. Chúng ta hãy can đảm sống cho sự thật dù đôi lúc đó không phải là điều dễ thực hiện.
Ngày 10 tháng 7
Thánh Vêrônica Giuliani
Thánh nữ Ursula Giuliani sinh tại nước Ý vào năm 1660. Ngay từ thiếu thời, thánh nữ đã ham ước sống cuộc đời thánh thiện. Dù cho thân phụ muốn Giuliani kết hôn, nhưng năm lên 17 tuổi Giuliani đã xin vào dòng nữ Capuxinô. Và ngài nhận tên là Vêrônica.
Năm 37 tuổi, dì Vêrônica bắt đầu cảm thấy có sự đau đớn trong thân thể mình, đó là những thống khổ mà Chúa Kitô đã chịu trong suốt cuộc tử nạn đau thương của Người. Sau đó, Vêrônica được nhận năm Dấu Thánh của Chúa Giêsu. Đức giám mục, sau khi điều tra về các vết đinh ở tay và chân của Vêrônica, đã tuyên bố đó là tặng ân siêu nhiên của Thiên Chúa.
Dì Vêrônica tận hiến đời mình để sống chiêm niệm và cầu nguyện. Dì cũng nhận một nhiệm vụ quan trọng là tập sư. Với cương vị tập sư, Vêrônica hướng dẫn các nữ tập sinh trong tu viện. Vêrônica thi hành chức vụ này suốt 34 năm. Rồi chị em trong dòng chọn thánh nữ làm bề trên; và Vêrônica đã hướng dẫn hội dòng suốt 11 năm sau cùng của cuộc đời ngài.
Lúc về già, cha giải tội của thánh nữ Vêrônica trao cho ngài nhiệm vụ ghi lại những kinh nghiệm thiêng liêng. Vêrônica Giuliani qua đời ngày mùng 9 tháng Bảy năm 1727. Ngài được phong thánh năm 1839 và được coi là một trong những nhà thần bí lớn nhất của thế kỷ thứ 18.
Thánh nữ Vêrônica Giuliani rất trung thành trong công việc chia sẻ những đau khổ của Chúa Kitô. Cách tuyệt hảo nhất để thực hiện lòng trung thành này là năng đọc sách về cuộc khổ nạn của Chúa trong Tin mừng. Điều này sẽ thúc đẩy chúng ta sống thánh thiện, yêu mến Thiên Chúa và tha nhân nhiều hơn.
Ngày 11 tháng 7
Thánh Bênêđictô
Thánh Bênêđictô sinh năm 480 tại Nursia, nước Ý. Thánh nhân là con trai của một gia đình người Ý giàu có. Cuộc đời của thánh Bênêđictô chứa đầy những mẩu truyện li kì và thú vị. Khi còn nhỏ, Bênêđictô tới Rôma và học nơi các trường công cộng. Lúc trưởng thành, ngài cảm thấy phẫn nộ với nếp sống đồi bại của thành Rôma ngoại đạo. Bênêđictô rời bỏ thành phố và đi tìm một nơi khả dĩ được ở một mình với Thiên Chúa. Và ngài đã tìm thấy một địa điểm tốt. Đó là một cái hang ở trong núi Subiacô. Một đan sĩ tên là Rômanô đã dạy cho Bênêđictô học biết về đời sống của một ẩn sĩ và trao cho Bênêđictô một bộ tu phục. Mỗi ngày, Rômanô cũng đem đến cho Bênêđictô một ít thực phẩm.
Thánh Bênêđictô đã trải qua 3 năm sống một mình trong núi. Ma quỷ thường hay cám dỗ ngài trở về quê nhà với đời sống tiện nghi và thoải mái. Tuy nhiên, thánh nhân đã vượt qua những cám dỗ này bằng các việc cầu nguyện và đền tội. Một ngày kia, ma quỷ lại tiếp tục cám dỗ Bênêđictô nghĩ tưởng đến một phụ nữ xinh đẹp mà có lần Bênêđictô đã gặp thấy ở thành Rôma. Ma quỷ cố gắng làm cho thánh nhân trở về tìm lại bà ấy. Bênêđictô dường như sắp nhượng bộ cơn cám dỗ này. Nhưng thay vào đó, thánh nhân đã sốt sắng cầu nguyện và đền tội nhiều hơn. Và từ đó trở đi, đời sống của Bênêđictô rất bình an. Bênêđictô không còn cảm thấy những cơn cám dỗ cuồng loạn như thế nữa.
Sau ba năm, người ta nhận biết Bênêđictô sống trong hang núi và họ bắt đầu kéo đến với ngài. Họ muốn ngài chỉ cho họ cách thức nên thánh. Cũng có vài đan sĩ, mà đan phụ của họ đã qua đời, đến xin Bênêđictô làm linh hướng cho họ. Nhưng khi thánh nhân bắt họ làm việc đền tội, họ lại bực tức. Người ta nói rằng thậm chí có lần họ đã đầu độc Bênêđictô. Thánh nhân đã làm dấu Thánh Giá trên ly rượu có độc và ly rượu đã vỡ tan thành từng mảnh.
Bênêđictô rời bỏ các đan sĩ ấy và quay về lại chiếc hang của ngài. Từ đó, thánh nhân thiết lập thêm mười hai đan viện nữa. Rồi Bênêđictô trẩy tới núi Cassinô nơi thánh nhân xây cất một đan viện rất danh tiếng. Và chính tại đây Bênêđictô đã viết một bộ luật tuyệt vời cho hội dòng Bênêđictô. Ngài dạy các đan sĩ của mình cầu nguyện và làm việc chăm chỉ. Đặc biệt, Bênêđictô dạy họ luôn sống khiêm tốn. Thánh Bênêđictô và các đan sĩ của ngài lúc ấy đã giúp đỡ người dân rất nhiều. Các ngài đã dạy họ tập đọc, tập viết, cách làm ruộng và kinh doanh nhiều nghề khác nhau. Thánh Bênêđictô đã làm được nhiều việc tốt vì ngài đã cầu nguyện không ngừng. Thánh nhân về trời ngày 21 tháng Ba năm 547. Đến năm 1966, đức thánh cha Phaolô VI tôn tặng Bênêđictô danh hiệu thánh bổn mạng của Âu châu.
Thánh Bênêđictô nhắc nhớ chúng ta rằng có một nhu cầu sâu xa nhất của con người là trải nghiệm những giờ cầu nguyện bên Thiên Chúa. Nhưng chúng ta không phải đi vào một hang động, mà có thể lưu lại ngay bên nhà thờ và viếng Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúng ta cũng có thể tạo một góc cầu nguyện trong căn phòng của chúng ta. Chúng ta sẽ sống mật thiết hơn với Thiên Chúa nhờ những lời cầu nguyện hàng ngày với Chúa Giêsu.
Ngày 12 tháng 7
Thánh Gioan Gaulbêtô
Thánh Gioan Gaulbêtô sinh tại thành Florentia, nước Ý, vào cuối thế kỷ thứ 10. Ngài và thân phụ đã phải choáng váng rụng rời khi nghe tin Hugh, người em trai duy nhất của Gioan, bị sát hại. Người gây ra án mạng được cho là bạn thân của Hugh. Bị thân phụ thúc giục và bị thúc đẩy bởi cơn nóng giận, Gioan bắt đầu tìm cách để trả thù cho cái chết của em trai mình. Gioan cảm thấy danh dự của ngài tùy thuộc vào chuyện đó.
Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, Gioan Gaulbêtô đã giáp mặt với kẻ sát nhân trong một lối đi hẹp của thành phố. Gioan rút gươm ra khỏi vỏ và bắt đầu xông vào tên giết người. Bấy giờ kẻ giết Hugh đã quỳ xuống dưới chân Gioan. Anh làm dấu Thánh Giá trên mình và, nhân danh tình yêu của Chúa Giêsu chịu tử hình thập giá, anh xin Gioan tha thứ. Với một cố gắng lạ thường, Gioan Gaulbêtô đã hạ gươm xuống! Ngài ôm hôn kẻ thù rồi đi xuống phía cuối đường. Khi tới nhà thờ của một tu viện nọ, Gioan Gaulbêtô đã bước vào và đến quỳ trước bức tượng Chúa Chịu Nạn. Ngài xin Chúa tha tội cho mình. Rồi một phép lạ đã xảy ra! Chúa Kitô trên Thánh Giá đã cúi đầu chào Gioan Gaulbêtô. Dường như Chúa nói với Gioan rằng Chúa rất hài lòng vì hành động Gioan tha thứ cho kẻ thù. Lúc ấy, Gioan Gaulbêtô cũng cảm thấy tội lỗi mình được tha. Một sự biến đổi bao phủ lấy Gioan Gaulbêtô khiến ngài lập tức đi thẳng tới gặp vị bề trên của tu viện ấy và xin gia nhập cộng đoàn.
Khi thân phụ của Gioan nghe biết việc này, ông tuyên bố sẽ đốt cháy cả tu viện nếu con trai ông không trở về nhà. Các tu sĩ lo lắng không biết phải làm gì?! Gioan Gaulbêtô liền giải quyết vấn đề bằng cách cắt tóc và mượn một bộ tu phục của một tu sĩ. Ngài mặc áo vào và ra gặp thân phụ. Quá khâm phục trước sự dấn thân của con mình, người cha đã để cho Gioan ở lại. Thánh Gioan Gaulbêtô về sau lại muốn sống cuộc đời khắc khổ hơn. Ngài đã ra đi và lập một hội dòng cho riêng mình.
Thánh Gioan Gaulbêtô là kiểu mẫu cho việc bắt chước lối sống giản dị của Chúa Giêsu. Thánh nhân cũng hết lòng quan tâm tới những người nghèo khổ đến xin ngài giúp đỡ tại cổng tu viện. Thiên Chúa đã ban cho Gioan Gaulbêtô ơn làm phép lạ và ơn hướng dẫn tâm hồn người khác. Ngay cả thánh giáo hoàng Lêô IX cũng đến với Gioan Gaulbêtô để xin lời khuyên bảo. Thánh Gioan Gaulbêtô về trời ngày 12 tháng Bảy năm 1073. Đến năm 1193, đức thánh cha Clêmentê III đã tôn phong Gioan Gaulbêtô lên bậc hiển thánh.
Ngay cả những tội nặng nề nhất cũng có thể được Thiên Chúa tha thứ. Nếu chúng ta tha thứ cho những người mắc lỗi với chúng ta, Thiên Chúa cũng sẽ tha thứ cho những lỗi phạm của chúng ta. Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan Gaulbêtô giúp chúng ta có được trái tim tha thứ như ngài.
Ngày 13 tháng 7
Thánh Henry II
Thánh Henry II sinh năm 972. Ngài trở thành công tước miền Bavaria năm 995. Một đêm kia, Henry nằm mộng. Henry thấy thánh Wolfgang, là thầy giáo rất yêu chuộng của Henry thời thơ ấu, hiện ra với ngài. Wolfgang chỉ tay vào hai chữ “sau sáu” được viết trên bức tường. Điều đó có ý nghĩa gì? Có lẽ sáu ngày nữa Henry sẽ chết chăng? Nghĩ như vậy nên ngài đã cầu nguyện hết sức tha thiết. Tuy nhiêu, sáu ngày trôi qua và sức khỏe Henry vẫn tốt đẹp. Vậy có lẽ là sáu tháng chăng? Vị công tước Bavaria lại tận tụy hết mình làm những việc thiện hơn bao giờ hết. Sau sáu tháng, Henry II vẫn mạnh khỏe hơn cả trước kia nữa. Vậy Henry II lại nghĩ rằng ngài chỉ còn sáu năm để sống ở trần gian này nữa thôi. Thế nhưng sáu năm trôi qua, thay vì qua đời, thánh Henry II lại được chọn làm hoàng đế nước Đức. Lúc đó, thánh nhân mới hiểu được toàn bộ ý nghĩa của thị kiến trước đây.
Thánh Henry II đã ra công làm việc để giúp cho thần dân của ngài được an vui và đất nước được hiệp nhất. Để bảo vệ sự công bình, Henry II đã tổ chức nhiều cuộc chinh chiến. Trong các trận chiến, Henry II rất có công tâm và ngài cũng yêu cầu các tướng sĩ của ngài phải biết quý trọng danh dự. Khoảng năm 998, Henry II kết hôn với một phu nhân hiền lành và dễ thương tên là Cunêgun. Đến năm 1014, Henry II và Cunêgun sang Rôma và được phong vương cai trị Rôma. Đó là một vinh dự lớn lao vì cả đức vua lẫn hoàng hậu được chính đức thánh cha Bênêđictô VIII đội vương miện cho.
Vua Henry II là một trong những nhà lãnh đạo tài giỏi nhất của Rôma. Ngài đã đề đạt việc canh tân Giáo hội, khuyến khích phát triển những tu viện mới thành lập và xây cất nhiều ngôi thánh đường nguy nga tráng lệ. Henry II bày tỏ lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu và Giáo hội bằng tấm lòng chân thành. Thánh nhân là một người năng cầu nguyện và rất ham mộ đời sống đạo đức. Ngài đã thực hiện vai trò làm chồng và làm người lãnh đạo với đầy lòng quảng đại và trách nhiệm. Khi qua đời năm 1024, Henry II mới 52 tuổi. Đến năm 1146, Henry II được đức chân phước giáo hoàng Êugiêniô III tôn phong hiển thánh. Đức thánh giáo hoàng Piô X đã đặt vua thánh Henry II làm bổn mạng của các hội viên sống tinh thần thánh Bênêđictô.
Thiên Chúa mời gọi mọi người, trong mọi nghề nghiệp và mọi lãnh vực của đời sống, nên thánh. Đừng ai nghĩ rằng mình quá bận rộn hoặc quá quan trọng đến nỗi không thể đặt Thiên Chúa lên trên đời sống của mình. Thật ra, khi Thiên Chúa được đặt lên trên hết, thì mọi thứ khác sẽ tự có chỗ cho riêng nó. Đối với chúng ta, Thiên Chúa phải được đặt ở vị thế ưu tiên số một.
Ngày 14 tháng 7
Chân phước Kateri Têkakwitha
Vào giữa những năm 1642 và 1649, thánh Isaac Giogiơ và các Bạn tử đạo đã từ Pháp trẩy tàu sang vùng Đất Mới để rao giảng Tin mừng. Các ngài đã bị những người Mohawk giết hại đang khi rao giảng lời Chúa cho những người Anhđiêng Huron. Mười năm sau khi thánh Isaac Giogiơ qua đời, Kateri Têkakwitha được sinh ra ngay tại ngôi làng mà thánh Isaac đã tử vì đạo. (Chúng ta cử hành thánh lễ kính thánh Isaac và các Bạn tử đạo vùng Bắc Mỹ ngày 19 tháng Mười.) Têkakwitha sinh tại Auriesville, Niu Gioóc, vào năm 1656. Thân mẫu ngài là một Kitô hữu người Mỹ gốc Algonquin. Thân phụ ngài, là tù trưởng của dân Mohawk, chưa gia nhập đạo. Cha mẹ và anh trai của Têkakwitha đã chết vì căn bệnh đậu mùa khi Têkakwitha lên 4 tuổi. Cũng căn bệnh này đã hủy hoại vẻ đẹp và làm cho khuôn mặt của Têkakwitha bị biến dạng. Người chú, cũng là tù trưởng của dân Mohawk, đã nuôi nấng Têkakwitha. Đây là cách Têkakwitha gặp gỡ các nhà truyền giáo. Vào một dịp kia, chú của Têkakwitha tiếp đón ba nhà truyền giáo thuộc dòng Tên. Têkakwitha được nghe những lời chỉ dạy về đức tin. Rồi ngài được chịu phép Thanh tẩy vào Chúa nhật Phục Sinh năm 1676. Đó cũng là dịp Têkakwitha nhận tên thánh Kateri, nghĩa là Catarina.
Ngôi làng Têkakwitha đang sống chưa phải là ngôi làng Công giáo. Thực sự, chẳng có Kitô hữu nào sống trong căn nhà của Têkakwitha. Việc Têkakwitha chọn lối sống độc thân đã làm cho những người Anhđiêng phật lòng. Họ đã lăng mạ Têkakwitha và có vài người đã phẫn nộ vì Têkakwitha không chịu làm việc trong ngày Chủ nhật. Nhưng Kateri vẫn giữ vững lập trường của mình. Ngài đã đọc kinh Mân Côi mỗi ngày, ngay cả khi bị người ta giễu cợt. Kateri đã nhẫn nại chấp nhận và âm thầm chịu đựng. Cuộc sống của Kateri càng trở nên khó khăn vì sự bách hại của những người cùng làng. Sau cùng, Kateri đã trẩy tới sống tại một ngôi làng Công giáo gần Montriơ. Tại đây, vào ngày lễ Chúa Giáng Sinh năm 1677, Kateri đã được Rước lễ lần đầu. Và đó là một ngày hồng phúc! Cha Phêrô Côlônec, một linh mục thuộc dòng Tên, đã hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho Kateri suốt ba năm sau đó. Kateti và một phụ nữ Irôquơ tên Anastasia đã sống đời Kitô hữu rất quảng đại và phấn khởi. Vào ngày 25 tháng Ba năm 1679, Kateri đã tuyên lời khấn tự giữ mình đồng trinh. Ngài mới chỉ được 24 tuổi khi phải lìa thế ngày 17 tháng Tư năm 1680. Sau đó đúng 300 năm, vào ngày 22 tháng Sáu năm 1980, Kateri Têkakwitha được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc chân phước. Người ta đã đặt cho Kateri Têkakwitha một tên gọi rất dễ thương, “bông hoa huệ của những người Mohawk.”
Chân phước Kateri Têkakwitha đã nhận được hồng ân đức tin vào Chúa Giêsu qua những hy sinh gian khó của các vị thừa sai. Chúng ta cũng hãy cảm tạ Chúa Giêsu vì Người đã sai các thừa tác viên đem Tin mừng đến cho chúng ta. Họ là ai? Là ông bà, cha mẹ, người thân, cha xứ, giáo lý viên… Chúng ta hãy nài xin chân phước Kateri Têkakwitha dạy chúng ta sống biết ơn qua việc chia sẻ đức tin của mình cho những người khác.
Ngày 15 tháng 7
Thánh Bônaventura
Thánh Bônaventura sinh năm 1221 tại Tuscany, nước Ý, và nhận tên thánh là Gioan. Bônaventura đi tu dòng thánh Phanxicô, lúc ấy mới được thành lập. Thực sự, thánh Phanxicô Assisi, đấng sáng lập dòng Phanxicô, lúc đó vẫn còn sống khi Bônaventura cất tiếng khóc chào đời. Là tu sĩ trẻ dòng Phanxicô, Bônaventura rời bỏ quê hương để du học tại trường đại học Paris ở Pháp. Bônaventura là một tác giả danh tiếng chuyên nghiên cứu về những vấn đề liên quan tới Thiên Chúa. Bônaventura rất yêu mến Thiên Chúa đến nỗi ngài đã được tôn tặng danh hiệu là “Tiến sĩ Đệ Nhất Phẩm Thiên Thần” hay gọi tắt là “Tiến sĩ Luyến Thần.”
Một trong các người bạn danh tiếng của Bônaventura là thánh Tôma Aquinô. (Chúng ta đã mừng lễ kính thánh Tôma Aquinô hôm 28 tháng Giêng.) Lần kia, thánh Tôma hỏi thánh Bônaventura tại sao lại viết được những ý tưởng cao siêu như thế. Thánh Bônaventura liền dẫn người bạn của mình tới bàn làm việc. Thánh nhân chỉ vào cây Thánh Giá lớn đặt ở trên bàn và nói với Tôma: “Chính Người đã nói cho tôi biết mọi sự. Người là Thầy dạy duy nhất của tôi!” Lần khác, khi viết tiểu sử của thánh tổ phụ Phanxicô Assisi, Bônaventura tỏa ra đầy lửa nhiệt tình đến nỗi thánh Tôma phải thốt lên: “Chúng ta hãy để cho một vị thánh ghi chép về một vị thánh!” Thánh Bônaventura vẫn luôn sống khiêm nhường ngay cả khi các tác phẩm ngài viết làm ngài nổi tiếng.
Năm 1265, đức thánh cha Clêmentê IV muốn đề cử Bônaventura giữ chức tổng giám mục. Bônaventura khiêm tốn từ chối. Đức thánh cha tôn trọng quyết định của Bônaventura. Tuy nhiên, Bônaventura đã chấp nhận làm bề trên tổng quyền dòng Phanxicô. Thánh nhân đã đảm nhận nhiệm vụ khó khăn này trong suốt 17 năm. Đến năm 1273, đức chân phước giáo hoàng Grêgôriô X đã đặt Bônaventura lên chức hồng y. Đức thánh cha gởi hai sứ giả thuộc giáo triều tới gặp Bônaventura. Đến nơi, các vị gặp thấy thánh nhân đang làm việc với những chiếc chậu rửa lớn. Hôm đó là tới phiên thánh nhân lau chùi xoong chảo. Hai sứ giả của giáo triều Rôma kiên nhẫn đợi chờ Bônaventura rửa xong chiếc nồi cuối cùng. Rồi sau khi Bônaventura rửa sạch và lau khô tay, họ long trọng trao cho ngài một chiếc mũ đỏ lớn, tượng trưng cho chức vụ mới của ngài.
Hồng y Bônaventura đã giúp đỡ rất nhiều cho đức thánh cha, là người đã triệu tập Công đồng Lyôn năm 1274. Thánh Tôma Aquinô đã mất khi đang trên đường tới dự Công đồng, nhưng thánh Bônaventura thì đã tham dự. Ảnh hưởng của Bônaventura tại Công đồng rất lớn. Tuy nhiên, thánh nhân cũng qua đời cách đột ngột vào ngày 14 tháng Bảy năm 1274, lúc được 53 tuổi. Đức thánh cha đã hiện diện ngay bên giường của thánh Bônaventura lúc ngài về trời. Năm 1482, đức thánh cha Sixtô IV đã tôn phong Bônaventura lên bậc hiển thánh. Đến năm 1588, đức thánh cha Sixtô V tôn tặng ngài danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh.
Như thánh Bônaventura, chúng ta cũng hãy đặt tượng Chúa Chịu Nạn trong căn phòng của mình để có thể thường xuyên hướng về Đức Chúa Giêsu cùng cầu xin Người giúp đỡ và ban thêm sức mạnh cho chúng ta. Các ảnh tượng Chúa Kitô, Đức Maria và các thánh là những nhắc nhở rất tốt, giúp chúng ta biết noi gương và sống như các ngài.
Ngày 16 tháng 7
Đức Mẹ núi Cátminh
Cátminh là ngọn núi trông xuống vùng đồng bằng Galilê. Đó là ngọn núi danh tiếng bởi vì tiên tri Êlia, vị tiên tri sống trước thời Chúa Giêsu, đã được sinh ra tại đây. Và tiên tri Êlia cũng đã làm một phép lạ ở đó. Chương thứ 18 trong sách Các Vua Quyển thứ I kể rằng Êlia đã đương đầu chống lại 450 nhà tiên tri của vị thần Baal. Bằng lời cầu nguyện, Êlia đã xin Thiên Chúa làm một phép lạ để minh chứng rằng Thiên Chúa của Êlia là Thiên Chúa chân thật. Và Thiên Chúa đã nhận lời Êlia cầu xin.
Sau đó nhiều thế kỷ, vào thế kỷ thứ 13, có một nhóm tu sĩ Âu châu bắt đầu đến sống trên núi Cátminh. Họ tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, với tước hiệu Đức Mẹ núi Cátminh. Vì lý do này mà người ta gọi họ là các cha dòng Đức Mẹ Cátminh. Đây là lý do dòng Cátminh được thành lập. Đức thánh cha Hônôriô III phê chuẩn tu luật của hội dòng vào năm 1226. Nhưng vào năm 1247, Simon Stock, một linh mục gốc Anh, trở thành bề trên của tất cả mọi tu sĩ Cátminh. Ngài đã giúp hội dòng phát triển và thích nghi với thời đại. Ngài đã hướng dẫn hội dòng bắt chước kiểu mẫu của Đa Minh và của Phanxicô.
Vào ngày 16 tháng Bảy năm 1251, Đức Mẹ đã hiện ra với thánh Simon Stock và trao cho thánh nhân Áo Đức Bà Nâu (còn gọi là Áo Đức Bà Camêlô). Lúc ấy, Đức Mẹ hứa sẽ bảo trợ những ai mang áo thánh này. Và nhiều phép lạ đã xảy ra để minh chứng cho lời Đức Mẹ đã nói. Thánh Piô X, được bầu làm giáo hoàng từ năm 1903 tới năm 1914, nói rằng người ta cũng nhận được những phúc lành tương tự như thế nếu họ mang ảnh đeo thay Áo Đức Bà. Ảnh đeo này một mặt có hình Đức Mẹ Camêlô và mặt kia có hình Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thánh Simon Stock qua đời tại Boócđô, nước Pháp, vào năm 1265.
Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, cũng chính là Mẹ của mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy nài xin Mẹ giúp đỡ để ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Mẹ sẽ bảo vệ chúng ta trong cuộc sống và giúp đỡ chúng ta lúc lâm tử. Chúng ta có thể bày tỏ lòng tôn kính Mẹ bằng việc mang Áo Đức Bà Nâu hay ảnh đeo thay Áo Đức Bà.
Ngày 17 tháng 7
Thánh Lêô IV
Thánh Lêô IV sống vào thế kỷ thứ 9. Thánh nhân sinh tại thành Rôma và đã sống trọn cuộc đời tại thành phố này. Lêô được giáo dục tại tu viện dòng thánh Bênêđictô tọa lạc gần vương cung thánh đường thánh Phêrô. Lêô được thụ phong linh mục và đã thi hành sứ vụ của mình tại vương cung thánh đường thánh Gioan Lateranô. Lêô rất ư nổi danh và được cả hai đức giáo hoàng ngưỡng mộ. Đức Grêgôriô IV truyền chức phó tế, và đức Sêgiô II đặt Lêô làm hồng y. Cái chết của đức Sêgiô II đã gây một hiệu quả trực tiếp trên Lêô. Những lời đồn đại về cuộc xâm lăng của quân mandi Saraxen đã làm cho người dân Rôma hoảng sợ. Họ không muốn bị đi đày mà không có giáo hoàng. Cả các hồng y cũng vậy. Họ đã nhanh chóng chọn một người kế nhiệm đức Sêgiô II. Và người kế nhiệm được lịch sử biết đến đó chính là đức thánh cha Lêô IV.
Với cương vị là giáo hoàng, thánh Lêô IV đã cho sửa lại các bức tường của thành phố. Những bức tường này đã bị quân Saraxen tấn công và làm hỏng hồi năm ngoái. Thánh nhân đã phục hồi nhiều ngôi thánh đường và đã đưa nhiều thánh tích về Rôma. Ngài bắt đầu chương trình canh tân hàng giáo sĩ. Thực ra, thánh nhân đã triệu tập hội nghị các linh mục Rôma vào năm 853. Ngài đã duyệt y 42 điều luật nhằm giúp các linh mục sống nhiệt thành hơn, ham mộ cầu nguyện hơn và vui sướng hơn với sứ vụ thánh thiện của mình.
Có vài giám mục đã làm cho đức thánh cha Lêô IV phải đau khổ vì gương xấu. Họ công khai chống đối giáo hoàng và không chịu thay đổi lối sống. Dù cho giáo hoàng Lêô bị lăng nhục cách nào thì ngài vẫn nhẫn nại và cương quyết. Thánh nhân vẫn không chịu để cho những khó khăn hay lo lắng nào thắng lướt ngài. Lêô vẫn tiếp tục dâng hiến thời giờ và sức lực cho Chúa Giêsu và Giáo hội. Ngài yêu thích những kinh nguyện hay trong phụng vụ; và ngài đã khuyến khích nền thánh nhạc và thánh ca phụng vụ.
Dân chúng yêu mến thánh Lêô. Trong cuộc đời của mình, hình như Lêô đã làm một phép lạ. Người ta kể rằng ngài đã dập tắt một đám cháy khủng khiếp ở Rôma chỉ bằng một dấu Thánh Giá. Đức thánh cha Lêô IV tiếp tục phục vụ Giáo hội với niềm hăng say phấn khởi cho đến tận giây phút sau cùng. Thánh nhân về trời ngày 17 tháng Bảy năm 855.
Thánh giáo hoàng Lêô IV đã sống trong một thời đại hoảng loạn. Thánh nhân đã gặp nhiều khó khăn và thử thách nhưng ngài đã luôn luôn bình thản và vui tươi. Mỗi khi nóng giận, chúng ta hãy nài xin thánh giáo hoàng Lêô IV giúp chúng ta biết tin cậy vào Thiên Chúa để tìm được niềm vui và bình an đích thực.
Ngày 18 tháng 7
Thánh Camillô Lêllis
Thánh Camillô Lêllis sinh tại thành Napôli, nước Ý, vào năm 1550. Cuộc sống thơ ấu của Camillô không mấy tốt đẹp. Tuổi thanh niên Camillô gia nhập quân đội và mắc phải thói cờ bạc. Nết xấu này làm cho Camillô lúc 24 tuổi phải nghèo xơ xác. Vì muốn thay đổi cuộc đời, Camillô đã xin vào tu trong dòng Capuxinô ở thành Napôli. Thế nhưng Camillô không thể tuyên khấn ở trong dòng được bởi cái chân của ngài bị trọng thương trong trận chiến hồi ngài là quân nhân mà cho tới nay vẫn không thể chữa trị được. Và thay vào đó, Camillô bắt đầu đi chăm sóc các người đau ốm trong thành phố Rôma; rồi ngài đã trở thành giám đốc bệnh viện thánh Giacôbê.
Vị hướng dẫn tinh thần của Camillô, thánh Philipphê Nêri (lễ kính ngày 26 tháng Năm), là một linh mục rất thánh thiện ở Rôma. Cha Philipphê đã giúp Camillô học làm linh mục. Sau đó, Camillô được thụ phong. Cha Camillô quyết định thành lập một nhóm đạo đức tình nguyện chăm sóc những người đau ốm. Cùng với hai người phụ tá, Camillô đã thiết lập một hội dòng chuyên lo cho những người đau bệnh, gọi là dòng Camêllô.
Các tu sĩ Camêllô phục vụ trong các bệnh xá ở Rôma và Napôli cũng như giúp các nạn nhân mắc bệnh dịch tả trên các boong tàu ở hải cảng Rôma. Camillô cùng các anh em linh mục và tu sĩ dòng ngài cũng đến với những người nghèo, người bệnh không ai chăm sóc. Các ngài đã liều mạng sống mình để đem an vui và hy vọng đến cho những bệnh nhân mắc bệnh lây nhiễm. Với thời gian, hội dòng phát triển và có thêm nhiều thành viên mới. Thánh Camillô Lêllis cũng gởi người tới giúp các binh lính bị thương tại Hungary và Croatia. Đây là đơn vị y khoa đầu tiên có mặt trên chiến trường.
Thánh Camillô Lêllis qua đời tại Rôma ngày 14 tháng Bảy năm 1614 sau một cơn bệnh lâu dài. Ngài được phong thánh năm 1746. Đức thánh cha Lêô XIII đã đặt thánh Camillô Lêllis làm thánh bổn mạng của các bệnh nhân. Đức thánh cha Piô XI thì tôn ngài làm thánh quan thầy của giới y tá.
Thánh Camillô Lêllis đã ước muốn phục vụ Thiên Chúa nhưng ý tưởng ban đầu của thánh nhân lại không thực hiện được. Thay vì buông xuôi mọi sự, thánh nhân đã cố gắng xoay sở để tìm một giải pháp khác. Đặt mình dưới sự hướng dẫn của thánh ý Thiên Chúa, thánh Camillô Lêllis đã thực hiện được giấc mơ là trở thành linh mục. Chúng ta không biết được chính xác Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì, nhưng nếu chúng ta cứ mở lòng đón nhận Ngài và phục vụ Ngài trong những anh chị em của chúng ta, thì lúc ấy Thiên Chúa sẽ thực hiện kế hoạch đặc biệt của Ngài trong cuộc đời chúng ta.
Ngày 19 tháng 7
Chân phước Phêrô Tôrô
Phêrô Tôrô sinh năm 1912 tại đảo Papua, thuộc Tân Guinêa. Thân phụ ngài, giữ chức trưởng làng, đã mời những nhà truyền giáo tới dạy dỗ dân làng. Cha mẹ của Phêrô là những tín hữu nhiệt thành, hay giúp đỡ những người nghèo khổ và mồ côi trong làng.
Vào độ tuổi niên thiếu, Phêrô rất ham thích cầu nguyện và viếng Thánh Thể. Cha xứ và thân phụ của Phêrô, nhận thấy niềm tin và những khả năng nơi Phêrô, đã khích lệ Phêrô trở thành một giáo lý viên. Hầu hết công việc rao giảng Tin mừng ở Tân Guinêa được thực hiện bởi các giảng viên giáo lý. Vai trò chủ yếu của họ là hướng dẫn các anh chị em tân tòng, tổ chức các buổi cầu nguyện và chăm sóc những người đau yếu tật nguyền.
Phêrô được giao cho công việc phục vụ trong làng. Ngài đã tổ chức các nhóm cầu nguyện và dạy các lớp giáo lý. Phêrô rất am hiểu Kinh Thánh, luôn luôn mang bên mình một quyển Phúc âm và ngài dựa vào đó để cắt nghĩa các bài học giáo lý. Đức tính hiền hậu và sự quan tâm chân thành đối với mọi người trong bộ tộc đã lôi kéo mọi người đến với Phêrô. Họ nói rằng Phêrô đã thực hiện hết mọi điều ngài giảng dạy.
Vào ngày 11 tháng Mười Một năm 1936, Phêrô Tôrô kết hôn với Paula LaVarpit, một thiếu nữ Công giáo ở ngôi làng cạnh bên. Họ đã có với nhau tất cả ba người con. Phêrô là người chồng và là người cha thật dễ thương và tuyệt vời. Mỗi ngày Phêrô cùng cả gia đình họp nhau đọc kinh và cầu nguyện chung.
Vào tháng Ba năm 1942, trong Đại Thế Chiến thứ II, người Nhật đã chiếm lấy hòn đảo nhỏ bé này. Sau một thời gian khoan nhượng với tôn giáo, người Nhật đã hạn chế các hoạt động truyền giáo. Chẳng bao lâu, tất cả các nhà truyền giáo, cả Công giáo lẫn Giám Lý hội, đều bị bắt giam. Khi vị linh mục ở làng của Phêrô bị ép phải ra đi, ngài đã bắt tay Phêrô và nói: “Cha trao công việc của cha lại cho con. Con hãy cẩn thận chăm sóc những người này. Đừng để họ lãng quên Thiên Chúa!”
Phêrô Tôrô đã thực hiện cặn kỹ điều đó. Ngài và các giảng viên giáo lý khác đã giúp giữ cho đức tin Công giáo được sống mãi. Phêrô cũng học được một ít tiếng Nhật và ngài có thể làm quen với các giới chức hải quân Nhật. Nhưng sau khi quân cảnh nắm quyền, họ tưởng là các Kitô hữu đã cầu nguyện cho quân Nhật bại trận. Và họ đã cấm chế các hình thức phụng vụ Công giáo. Rồi một sắc chỉ được ban hành, bắt buộc dân chúng phải quay về với phong tục cổ truyền là người đàn ông được phép lấy nhiều vợ. Phêrô đã công khai phản đối điều lệnh này.
Phêrô Tôrô tiếp tục tổ chức các buổi họp nhau cầu nguyện, nhưng với các nhóm nhỏ hơn để tránh sự chú ý. Ngài khuyến khích cộng đoàn xứ đạo hãy trung thành cầu nguyện để giữ vững đức tin. Đó là công việc của Phêrô với tư cách là giảng viên giáo lý.
Rồi Phêrô Tôrô bị quân cảnh Nhật bắt giữ trong khi đang tổ chức các nhóm cầu nguyện. Gia đình Phêrô đến nhà giam hàng ngày để đem thức ăn cho ngài. Các giới chức lãnh đạo Công giáo và Giám Lý hội của các bộ tộc khác đã tìm cách giải thoát Phêrô nhưng không được. Phêrô Tôrô nói với họ: “Anh em chớ lo lắng! Tôi là một giảng viên giáo lý. Nếu tôi chết, tôi sẽ chết vì đức tin!”
Vào tháng Bảy năm 1945, một bác sĩ người Nhật đã tiêm vào Phêrô Tôrô một mũi thuốc làm chết người. Một người bạn tù quan sát từ xa đã thông báo cho các tù nhân khác hay tin Phêrô Tôrô đã chết. Rồi người ta đã gọi gia đình của Phêrô đến lấy xác và an táng ngài. Nhóm người họp nhau tiễn biệt Phêrô trong đám tang giản dị này đã tôn kính Phêrô Tôrô như một vị thánh tử đạo. Sau khi điều tra, Giáo hội đã chấp nhận và đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn Phêrô Tôrô lên bậc chân phước ngày 17 tháng Giêng năm 1995.
Chân phước Phêrô Tôrô đã khiêm tốn nhận mình chỉ là một giảng viên giáo lý và chỉ chu toàn bổn phận của mình, nhưng ngài đã trung thành với bổn phận ngay cả trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Niềm tin của Phêrô Tôrô thật quyết liệt và trong sáng; và ngài đã anh dũng bảo vệ niềm tin ấy. Chân phước Phêrô Tôrô đã là một tấm gương trung kiên cho những học viên giáo lý của ngài. Ngài cũng nêu gương sáng cho mỗi người chúng ta học hỏi.
Ngày 20 tháng 7
Thánh Apôllinariô
Vị thánh này sống ở thế kỷ thứ nhất. Những điều chúng ta biết về thánh nhân được trích từ các tài liệu và bài giảng của hai thánh Bêđa và Phêrô kim ngôn.
Thánh Apôllinariô sinh tại Antiôkia. Ngài là môn đệ của thánh Phêrô. Thánh Phêrô đã đặt Apôllinariô làm giám mục và sai ngài tới truyền giáo tại Ravenna, nước Ý. Ở đó, Apôllinariô đã làm cho nhiều người trở về với Giáo hội bằng gương sáng đời sống thánh thiện cũng như bằng những lời ngài rao giảng. Nhân danh Đức Kitô, thánh Apôllinariô có thể chữa lành những người đau bệnh.
Thánh Apôllinariô làm giám mục trong thời trị vì của hoàng đế Vespasianô. Vì những cuộc bách hại các Kitô hữu, Apôllinariô đã bị đi đày bốn lần. Thực sự, không chắc là Apôllinariô đã bị chết vì đức tin, nhưng thánh nhân đã bị giam cầm và bị hành hạ rất nhiều lần trong suốt hai mươi năm làm giám mục giáo phận Ravenna. Thánh nhân được dân chúng tôn nhận như vị thánh tử đạo bởi những cuộc bách hại ngài chịu vì Chúa Kitô, thậm chí dù ngài đã làm ơn cứu sống những người bách hại ngài.
Các thánh tử đạo là những chứng nhân của Chúa Kitô và của Tin mừng. Hết thảy chúng ta cũng được mời gọi để trở nên những chứng nhân của Chúa qua cuộc sống đức tin. Đời sống của thánh Apôllinariô cho chúng ta biết các thánh tử đạo không chỉ là những người làm chứng cho Chúa Kitô vì đã dám hy sinh mạng sống, mà các ngài còn trung thành sống Tin mừng của Chúa suốt trọn cuộc đời, ngay cả trong những nghịch cảnh đau thương.
Ngày 21 tháng 7
Thánh Laurensô Brinđisi
Xêxarê Rossi sinh năm 1559 tại Brinđisi, nước Ý. Brinđisi là một phần lãnh thổ của tiểu quốc Napôli. Xêxarê nhận tên là Laurensô khi trở thành một tu sĩ dòng Capuxinô Phanxicô lúc 16 tuổi. Sau đó, ngài được gởi tới trường đại học Paris để học các môn thần học, triết học và Kinh Thánh. Laurensô cũng học các tiếng Latinh, Hy Lạp, Hípri, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Syria nữa.
Sau khi thụ phong linh mục, thánh Laurensô Brinđisi đã trở thành một thầy dạy danh tiếng. Vì biết nhiều ngoại ngữ, thánh Laurensô đã có thể tiếp cận với nhiều người khác nhau. Rồi, Laurensô được sai đi thiết lập tu viện của dòng tại Áo. Vua nước Áo, Ruđolph II, không muốn cho hội dòng đến đất nước của ông, nhưng sự quan tâm và dịu dàng của thánh Laurensô đối với các bệnh nhân dịch tả đã khiến cho hoàng đế Ruđolph cuối cùng phải ưng thuận.
Tiếp đến, hoàng đế lại xin thánh Laurensô Brinđisi thuyết phục các ông hoàng nước Đức chinh phạt quân Thổ, vì Thổ đang tìm cách chinh phục nước Hungary. Và Laurensô đã thuyết phục được các ông hoàng bên Đức. Tuy nhiên, các thống lãnh đã nài xin thánh Laurensô cùng họ ra trận để chiến đấu và chiến thắng. Khi các binh lính thấy lực lượng đông đảo và hùng hậu của quân Thổ, chân tay họ đã bủn rủn và muốn bỏ cuộc. Vì thế, thánh Laurensô đã phải cưỡi ngựa đi trước đoàn quân. Laurensô chỉ được trang bị bằng một cây Thánh Giá duy nhất. Rồi các binh sĩ Đức lấy lại nhuệ khí và đã chiến đấu rất can đảm. Cuối cùng, quân Thổ hoàn toàn bị bại trận. Thánh Laurensô Brinđisi được hoan hô nhiệt liệt, nhưng ngài chẳng bao giờ tự hào vì đã thành công. Laurensô Brinđisi đặt tin tưởng nơi Chúa là Đấng đã ban cho ngài chiến thắng.
Năm 1602, thánh Laurensô Brinđisi được cử làm tổng đại diện của hội dòng. Thánh nhân đã làm việc, giảng dạy và viết sách để truyền bá Tin mừng. Thánh nhân cũng thực hiện những cuộc đàm phán hòa bình quan trọng tại Munich ở Đức và Mađriđ ở Tây Ban Nha. Các vị lãnh đạo của những nơi này đã lắng nghe Laurensô Brinđisi và kết quả rất thành công. Sau đó thánh Laurensô Brinđisi trải qua một cơn bạo bệnh. Thánh nhân đã kiệt lực đang khi du lịch trong cái nóng mùa hè khắc nghiệt. Laurensô Brinđisi qua đời vào đúng ngày kỷ niệm sinh nhật của ngài, 22 tháng Bảy năm 1619. Laurensô Brinđisi được đức thánh cha Lêô XIII tôn phong hiển thánh năm 1881. Đến năm 1959, đức chân phước giáo hoàng Gioan XXIII đã ban tặng thánh Laurensô Brinđisi danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh.
Cầu nguyện là bí quyết để thành công trong cuộc sống. Chúng ta hãy nài xin thánh Laurensô Brinđisi giúp chúng ta mỗi ngày biết dành ra một chút thời giờ để trò truyện với Thiên Chúa.
Ngày 22 tháng 7
Thánh Maria Mađalêna
Thánh nữ Maria Mađalêna quê ở Magđala, gần biển hồ Galilêa. Thánh nữ bị quỷ ám cho tới khi Đức Chúa Giêsu đến trừ quỷ cho. Sau đó, Maria Mađalêna đi theo Đức Chúa Giêsu làm môn đệ và là một trong những phụ nữ thánh thiện đã giúp đỡ Chúa Giêsu và các tông đồ.
Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, thánh nữ Maria Mađalêna đã đứng dưới chân thập giá. Ngài ở đó cùng với Đức Maria và thánh Gioan, không sợ nguy hiểm gì! Tất cả những điều thánh nữ có thể nghĩ tưởng lúc ấy là: Thiên Chúa của tôi đang phải chịu đau khổ!
Sau khi thân xác Đức Chúa Giêsu được mai táng, Maria Mađalêna đã đến mồ Chúa ngay từ sáng sớm ngày Chúa phục sinh. Thánh nữ rất đỗi bàng hoàng khi nhìn thấy tảng đá to được lăn ra và ngôi mộ trống rỗng. Maria Mađalêna đã vội chạy đi báo tin cho Phêrô và Gioan: “Họ đã lấy mất xác Thầy và tôi không biết họ đã đặt Người ở đâu!” Phêrô và Gioan liền vội vã chạy tới mồ và nhận thấy mọi sự thật đúng như lời Maria Mađalêna đã nói. Rồi Maria Mađalêna ở lại bên mộ sau khi Phêrô và Gioan về nhà. Và Maria Mađalêna bắt đầu khóc! Đột nhiên, Maria Mađalêna thấy một người đàn ông mà ngài tưởng là người làm vườn. Maria Mađalêna liền hỏi người ấy xem có biết nơi để xác Thầy yêu quý của mình không. Và người đàn ông nói bằng một giọng mà Maria Mađalêna nghe rất quen: “Maria!” Và đó chính là Đức Chúa Giêsu, đang đứng ngay trước mặt thánh nữ! Chúa đã sống lại từ cõi chết! Maria Mađalêna liền quỳ phục xuống dưới chân Chúa Giêsu và kêu lên: “Lạy Thầy!”
Các thánh ký cho chúng ta biết Maria Mađalêna đã được Chúa Giêsu sai đi loan báo Tin mừng phục sinh cho Phêrô và các tông đồ. Ở những thế kỷ đầu của Giáo hội, lễ mừng kính thánh nữ Maria Mađalêna được cử hành cách long trọng y như lễ kính các thánh tông đồ.
Thánh nữ Maria Mađalêna là người đầu tiên được xem thấy Đức Chúa Giêsu phục sinh và là người đầu tiên đem Tin mừng phục sinh đến cho các tông đồ. Thánh nữ có thể giúp chúng ta loan báo cũng Tin mừng ấy qua việc sống cuộc đời vui tươi và đầy lòng tin tưởng.
Ngày 23 tháng 7
Thánh Brigitta Thụy Điển
Thánh nữ Brigitta sinh tại Thụy Điển vào năm 1303. Từ lúc còn rất nhỏ, Brigitta đã có lòng sùng kính các sự thương khó của Đức Chúa Giêsu. Khi chỉ mới lên 10, dường như Brigitta đã được nhìn thấy Đức Chúa Giêsu trên Thánh Giá và nghe Người phán bảo: “Hỡi con, hãy nhìn xem Ta!” “Ai đã đối xử với Chúa như thế?” Brigitta la to. Chúa Giêsu trả lời: “Chính những người đã khinh miệt Ta và khước từ tình yêu của Ta!” Từ lúc đó trở đi, Brigitta đã cố gắng ngăn cản không để cho người nào xúc phạm đến Chúa nữa.
Năm lên 14 tuổi, Brigitta kết hôn với Ulf, 18 tuổi. Cũng như Brigitta, Ulf đã dâng trái tim mình để phục vụ Thiên Chúa; và cả hai đã xin gia nhập dòng Ba Phanxicô. Họ sinh được tất cả tám người con, trong đó có một người là thánh nữ Catarina Thụy Điển. Brigitta và Ulf phục vụ trong đền vua Thụy Điển. Brigitta là tỳ nữ của hoàng hậu. Ngài đã cố gắng giúp vua Magnus và hoàng hậu Blăngsơ sống cuộc đời tốt hơn. Nhưng hầu như họ đã không đoái hoài gì tới lời thánh nữ nói.
Suốt cuộc đời, Brigitta đã được hưởng những thị kiến kỳ diệu và đã nhận được từ Thiên Chúa những sứ điệp đặc biệt. Để thi hành những sứ điệp này, thánh nữ đã thăm viếng nhiều vị lãnh đạo trong Giáo hội. Brigitta khiêm tốn giải thích những điều Thiên Chúa mong đợi họ thực hiện. Sau khi người chồng qua đời, Brigitta đem bố thí hết những áo quần sang trọng của mình. Thánh nữ sống như một nữ tu nghèo khó. Sau đó, Brigitta thiết lập dòng Đấng Cứu Chuộc, cũng gọi là dòng nữ Brigittin. Thánh Brigitta vẫn tiếp tục cuộc sống bận rộn, đi làm việc thiện ở nhiều nơi; và qua những hoạt động này, Chúa Giêsu mạc khải cho thánh nữ biết nhiều bí mật khác. Brigitta đã không bao giờ hãnh diện và tự đắc về những hồng ân này.
Trước khi về trời ít ngày, thánh nữ Brigitta đã hành hương tới thánh địa. Tại các đền thánh ở đây, thánh Brigitta được thị kiến về những điều xưa kia Đức Chúa Giêsu đã nói và đã làm trên mảnh đất này. Sau khi qua đời, tất cả các thị kiến của thánh nữ Brigitta về cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã được in thành sách. Thánh nữ qua đời ngày 23 tháng Bảy năm 1373. Đến năm 1391, đức thánh cha Bôniphaxiô IX đã tôn phong Brigitta lên bậc hiển thánh.
Thánh nữ Brigitta Thụy Điển đã rất quý trọng cuộc khổ nạn của Đức Chúa Giêsu. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ giúp chúng ta cũng biết nhạy cảm và trở nên những môn đệ cũng sống biết ơn Đức Chúa Giêsu như ngài.
Ngày 24 tháng 7
Thánh Sabel Malốp
Giuse Malốp sinh năm 1828 tại Lêbanon. Gia đình Giuse rất nghèo; và thân phụ Giuse đã qua đời khi ngài còn rất nhỏ. Giuse và các anh chị em được nuôi dạy bởi thân mẫu và người cậu. Vì được hấp thụ một nền giáo dục chân thành nên Giuse và các anh chị em đã cảm hiểu và yêu mến đức tin của mình cách rất tha thiết. Nơi nhà thờ, Giuse tham gia giúp lễ và ca đoàn. Ở nhà tư, Giuse giúp chăn giữ chiên cừu và dành nhiều thời giờ để cầu nguyện cũng như suy gẫm một mình.
Giuse có hai người cậu đi tu; và ngài thích viếng thăm các cậu để bắt chước lối sống của các cậu. Khi Giuse lên 23, ngài đã xin vào một tu viện và nhận tên là Sabel. Khấn dòng xong, Sabel theo học triết học và thần học. Sau đó, Sabel được thụ phong linh mục và ngài đã sống cuộc đời cầu nguyện, hãm mình đền tội và chăm chỉ làm việc. Đó là những công việc Sabel Malốp rất ưa thích và ngài cảm thấy rất hạnh phúc.
Năm 1866, Sabel lui vào trong một ẩn am để sống cuộc đời biệt lập. Sabel cảm thấy Thiên Chúa mời gọi mình sống thân mật với Người qua lối sống này. Và Sabel đã sống trong căn phòng nhỏ bé đó suốt 23 năm, dành hầu hết thời giờ để cầu nguyện và dâng thánh lễ. Dù đã cố gắng sống ẩn mình, nhiều người vẫn tìm đến với thánh nhân để xin ngài cầu nguyện và khuyên bảo.
Năm 1898, Sabel Malốp đã bị đột quỵ đang lúc cử hành thánh lễ. Ngài được đưa về phòng và không thể dâng lễ được nữa. Sabel Malốp qua đời tám ngày sau đó, vào dịp lễ giáng sinh. Ngôi mộ của ngài đã biến thành địa điểm hành hương. Trong năm 1950, mỗi ngày có khoảng 15000 người đã đến kính viếng mộ ngài. Đức thánh cha Phaolô VI đã phong thánh cho Sabel Malốp vào năm 1977.
Khi cầu nguyện, chúng ta làm một việc rất quan trọng và hữu ích không chỉ cho riêng bản thân chúng ta mà còn cho toàn thể thế giới. Khi gặp những khó khăn hay vấn đề nan giải, chúng ta hãy noi theo gương thánh Sabel Malốp và hãy dùng những phương thế thích hợp cho riêng mình.
Ngày 25 tháng 7
Thánh Giacôbê tiền
Giacôbê là một ngư phủ giống như cha Zêbêđê và em mình là Gioan. Ngài đang ở trên thuyền cùng cha vá lưới khi Đức Giêsu đi ngang qua. Chúa Giêsu gọi Giacôbê và Gioan theo Người để làm ngư phủ lưới người, để cùng với Chúa rao giảng Tin mừng. Cha Zêbêđê nhìn theo hai con trai khi hai ngài bỏ thuyền mà đi với Chúa Giêsu.
Cũng như thánh Phêrô và thánh Gioan, thánh Giacôbê là một người bạn đặc biệt của Đức Chúa Giêsu. Cùng với hai tông đồ này, Giacôbê được chứng kiến những dấu lạ mà các tông đồ khác không được xem thấy. Với hai tông đồ Phêrô và Gioan, Giacôbê được chứng kiến Đức Chúa Giêsu làm cho con gái ông Giairô sống lại. Với hai tông đồ, thánh nhân được đưa lên trên núi để xem Đức Chúa Giêsu biến hình xán lạn như mặt trời, với y phục trắng tinh như tuyết. Biến cố này gọi là phép lạ Chúa Giêsu hiển dung. Và trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, buổi tối trước lúc chịu nạn, Đức Chúa Giêsu dẫn các tông đồ vào vườn cây Dầu. Thánh ký Matthêu cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã mời riêng Phêrô, Giacôbê và Gioan đồng hành với Người tới một nơi tách biệt để cầu nguyện. Ba tông đồ được xem thấy nét mặt của Thầy mình trở nên âu sầu và lo lắng. Đối với Chúa Giêsu, đó là thời điểm rất đỗi cam go, thế mà các tông đồ thì lại mệt mỏi và thiếp ngủ. Sau đó, thánh Giacôbê đã hoảng sợ và bỏ chạy khi kẻ thù tới bắt Đức Chúa Giêsu. Giacôbê không hiện diện dưới chân thập giá trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Nhưng Chúa Giêsu đã gặp ngài vào buổi tối Chúa nhật phục sinh tại căn phòng trên lầu. Chúa Giêsu Phục Sinh đã bước vào và nói: “Bình an cho anh em!” trong khi cửa nhà vẫn đóng kín. Thánh Giacôbê và các tông đồ khác đã tìm lại bình an sau khi Chúa Thánh Linh hiện xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần.
Thánh Giacôbê đã bắt đầu sứ vụ của mình với cá tính của một người trực ngôn, bốc đồng. Thánh nhân đã thẳng thắn hỏi Đức Chúa Giêsu về chỗ danh dự trong nước trời. Ngài đã đòi Đức Chúa Giêsu giáng lửa từ trời xuống thiêu đốt các làng không đón tiếp Chúa. Nhưng thánh Giacôbê đã tin tưởng vào Chúa Giêsu rất mực. Sau cùng, thánh nhân đã trở nên khiêm tốn và hiền từ. Thánh Giacôbê đã trở thành “người đầu tiên chiếm chỗ danh dự” mà có lẽ thánh nhân chưa bao giờ nghĩ tới. Thánh Giacôbê được ban cho vinh dự là tông đồ đầu tiên được phúc tử đạo vì Chúa Giêsu. Chương thứ 12 sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta biết vua Hêrôđê Agrippa đã dùng gươm giết thánh Giacôbê. Vì là thánh tử đạo, thánh Giacôbê là chứng nhân vĩ đại nhất trong tất cả các chứng nhân sau này.
Để nhận ra những yếu đuối của mình, chúng ta hãy nài xin thánh Giacôbê Tiền ban cho sự khiêm nhượng và lòng chân thành. Ngài sẽ giúp chúng ta biết học nơi Đức Chúa Giêsu những điều cần thiết để cải hóa bản thân.
Ngày 26 tháng 7
Thánh Gioakim và thánh Anna
Thánh Gioakim và thánh Anna là song thân của Đức Trinh Nữ Maria. Các ngài đã dùng đời sống mình để tôn thờ Thiên Chúa và làm việc bác ái. Tuy vậy, các ngài cũng rất đau buồn vì suốt nhiều năm dài, các ngài vẫn không được phúc sinh con. Thánh Anna đã nhiều năm cầu xin Thiên Chúa ban cho có một người con; và thánh nữ đoan hứa sẽ tận hiến người con ấy cho Thiên Chúa. Đến khi thánh Anna đã già nua tuổi tác, Thiên Chúa mới nhận lời cầu xin của ngài và Thiên Chúa đã ban cho thánh nữ một người con vượt xa hơn rất nhiều so với điều thánh nữ mong ước. Người con ấy chính là Đức Rất Thánh Trinh Nữ Maria. Người con thánh thiện hơn hết tất cả các người nữ này sẽ trở thành Mẹ của Thiên Chúa. Thánh Anna đã yêu thương chăm sóc Đức Maria độ vài năm, sau đó ngài dâng Đức Maria vào đền thánh Giêrusalem để phục vụ Thiên Chúa, như trước đây ngài đã đoan hứa với Thiên Chúa.
Đức Maria đến sống tại đền thánh Giêrusalem; thánh Gioakim và thánh Anna thì tiếp tục cuộc sống cầu nguyện cho tới khi Chúa đem các ngài về trời. Các Kitô hữu vẫn luôn tôn kính thánh Anna cách đặc biệt. Nhiều nguyện đường xinh đẹp đã được xây cất để tôn kính thánh nữ. Có lẽ nguyện đường nổi tiếng nhất là đền thánh Anna Bốp ở Canađa. Tại đây luôn luôn có những nhóm đông người đến cầu xin thánh nữ Anna giúp đỡ trong những cơn đau khổ.
Thánh Gioakim và thánh Anna là song thân Đức Mẹ và là ông bà ngoại của Đức Chúa Giêsu. Chúng ta hãy nài xin các ngài giúp chúng ta ngày càng sống thân mật hơn với Chúa Giêsu và Mẹ Thánh Người.
Ngày 27 tháng 7
Chân phước Titô Bransma
Annô Bransma được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khổ tại Hà Lan vào năm 1881. Năm 17 tuổi, ngài vào tu dòng Cátminh và nhận tên là Titô. Khi còn là tập sinh, Titô đã xuất bản tập sách ngài chuyển ngữ qua tiếng Hà Lan với nhan đề “Thánh nữ Têrêsa thành Avila.” Titô cũng lập ra tờ tạp chí cho dòng Cátminh, mà sau này đã phục vụ đông đảo các tín hữu Hà Lan.
Titô được thụ phong linh mục lúc 24 tuổi. Sau khi du học Rôma, ngài trở về Hà Lan và tiếp tục công việc chuyển dịch các tác phẩm của thánh Têrêsa Avila. Titô lại thiết lập thêm tờ tạp chí truyền bá linh đạo Cátminh và ngài cũng biên tập cho tờ báo địa phương.
Từ năm 1923 tới 1942, Titô Bransma dạy triết học. Suốt thời gian này, Titô nổi danh như một phóng viên. Ngài đã thẳng thắn chống lại đảng Quốc xã, chống lại triết lý và các tội ác giết người Dothái của họ. Titô đã bảo vệ các trường Công giáo và không để cho các sinh viên gốc Dothái bị đuổi khỏi trường khi Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan. Lợi dụng tiếng tăm của mình như một phóng viên, Titô Bransma đã thuyết phục các biên tập viên tờ báo Công giáo không xuất bản những tập tin cho đảng Quốc xã.
Công an mật của Đức Quốc xã đã bắt giam Titô Bransma ngày 19 tháng Giêng năm 1942. Trong lúc ở tù, Titô đã sáng tác văn thơ và viết lại những suy niệm về các chặng đàng Thánh Giá. Vào tháng Sáu, Titô Bransma được gởi tới trại tập trung Đacô gần Munich, nước Đức. Titô chết vì bị tiêm thuốc độc ngày 26 tháng Bảy năm 1942.
Đến năm 1985, đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Titô Bransma lên bậc chân phước.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy yêu thương mọi người – không phân biệt quốc gia, chủng tộc, tôn giáo… vì Thiên Chúa là Cha của hết thảy mọi người. Chúng ta hãy nghĩ về mọi người như là anh chị em của mình. Là những Kitô hữu, chúng ta hãy cố gắng làm những gì có thể để mọi người được đối xử công bằng.
Ngày 28 tháng 7
Chân phước Maria Mađalêna Matinengô
Maria Mađalêna Matinengô sinh năm 1687 tại Brêscia, nước Ý. Thân mẫu Maria qua đời ít lâu sau khi sinh hạ ngài. Lúc còn nhỏ, Maria chịu ảnh hưởng của các vị thánh; và ngài đã cố gắng bắt chước họ trong cầu nguyện và thực hành các việc đền tội.
Lên 18 tuổi, Maria Mađalêna Matinengô gia nhập hội dòng các nữ tu Capuxinô tại quê nhà. Ngài đã sống một cuộc đời cầu nguyện, đền tội; và Thiên Chúa đã ban cho ngài những ân sủng đặc biệt, kể cả ơn làm được phép lạ. Sơ Maria đặc biệt tận hiến đời mình cho Chúa Giêsu Tử Nạn và thường hay suy gẫm từng cực hình mà Người đã chịu để cứu chuộc các tội nhân.
Nhiều người đã đến với sơ Maria xin lời cầu nguyện, và sơ đã khích lệ cũng như giúp họ nhận ra những điều cần làm để loại bớt những khó khăn trong cuộc sống. Đôi lúc, sơ Maria có thể đọc được những tư tưởng của họ và tiên báo cả những biến cố tương lai.
Sơ Maria Mađalêna Matinengô phục vụ cộng đoàn qua các chức vụ tập sư và giữ cổng; và chị em cũng chọn ngài làm Mẹ bề trên hai nhiệm kỳ. Maria là người khôn ngoan, quảng đại và có thể làm bất cứ việc gì khi chị em cần đến. Maria Mađalêna Matinengô qua đời năm 1737, lúc được 50 tuổi. Ngài được đức thánh cha Lêô XIII tôn phong lên bậc chân phước.
Chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu Tử Nạn bằng việc chu toàn thật tốt những nhiệm vụ được trao phó cho mình, nhất là những công việc chúng ta không ưa thích. Thay vì phàn nàn về những chuyện vặt vãnh trong nhà hay việc học ở trường, chúng ta hãy xem đó như các việc đền tội mà các việc này sẽ giúp chúng ta càng ngày càng trở nên giống Đức Chúa Giêsu hơn.
Ngày 29 tháng 7
Thánh Matta
Thánh nữ Matta là chị ruột của Maria và Lazarô. Các ngài sống tại một ngôi làng nhỏ bé tên Bêtania gần thành phố Giêrusalem. Các ngài là những người bạn rất thân của Đức Chúa Giêsu, và Đức Chúa Giêsu cũng thường hay đến thăm các ngài. Thật vậy, sách Tin mừng nói cho chúng ta biết: “Chúa Giêsu yêu Matta, Maria và Lazarô.” Chính thánh nữ Matta đã phục vụ Chúa Giêsu cách rất âu yếm khi Người đến thăm gia đình Matta.
Một ngày kia, thánh nữ Matta đang bận sửa soạn bữa ăn cho Chúa Giêsu và các tông đồ của Người. Thánh nữ nhận thấy rằng công việc sẽ dễ dàng hơn nếu cô Maria em ngài phụ giúp ngài một tay. Matta thấy Maria đang ngồi bên chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người. Matta liền đề nghị: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo em con giúp con với!” Chúa Giêsu rất hài lòng với công việc phục vụ dễ thương của Matta. Tuy vậy, Người muốn cho Matta hiểu rằng việc nghe lời Chúa và cầu nguyện thì có tầm quan trọng hơn. Vì thế, Chúa Giêsu đã dịu dàng nói: “Matta, Matta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện! Chỉ có một chuyện cần mà thôi! Maria em con đã chọn phần tốt nhất!”
Lòng tin tưởng mãnh liệt vào Chúa Giêsu của thánh nữ Matta còn được biểu lộ khi em trai Lazarô qua đời. Ngay lúc nghe tin Đức Chúa Giêsu đang đến Bêtania, Matta đã đi ra tiếp đón Người. Matta tin tưởng vào Chúa Giêsu và thốt lên cách rất tự nhiên: “Lạy Thầy, nếu Thầy ở đây thì em con không chết!” Sau đó, Chúa Giêsu nói với Matta rằng em Lazarô sẽ sống lại. Người nói: “Ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ sống. Con có tin điều đó không?” Và Matta thưa: “Lạy Thầy, vâng con tin rằng Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian.” Hôm ấy, Chúa Giêsu đã làm một phép lạ vĩ đại cho Lazarô sống lại từ cõi chết!
Sau đó, Chúa Giêsu lại đến dùng bữa với Lazarô, Matta và Maria. Thánh nữ Matta phục vụ bàn ăn như thường lệ. Tuy nhiên, lần này với thái độ đáng yêu hơn: Matta đã phục vụ với một trái tim thật vui tươi!
Thánh nữ Matta đã nêu cho chúng ta một tấm gương sáng về lòng hiếu khách. Khi chúng ta chào đón hay phục vụ ai, Đức Chúa Giêsu coi đó như là chúng ta làm cho chính bản thân Người. Thánh nữ Matta cũng nêu gương sáng về lòng tin tưởng và niềm trông cậy. Ngài là bạn thân của Đức Chúa Giêsu và ngài biết có thể tin tưởng vào lời Đức Chúa Giêsu đã nói. Xin thánh nữ Matta cũng giúp chúng ta biết tạo mối tương quan thân thiện với Đức Chúa Giêsu như ngài.
Ngày 30 tháng 7
Thánh Phêrô kim ngôn
Thánh Phêrô kim ngôn sinh trưởng tại một thị trấn nhỏ miền Imôla, nước Ý. Ngài sống vào thế kỷ thứ 5. Giám mục Cornêliô thuộc giáo phận Imôla đã dạy dỗ và phong cho Phêrô thừa tác vụ phó tế. Ngay từ nhỏ, Phêrô đã hiểu được rằng người ta chỉ thực sự vĩ đại khi biết mặc lấy tinh thần của Chúa Kitô và làm chủ các đam mê của mình.
Khi đức tổng giám mục Ravenna, nước Ý, qua đời, đức thánh cha Sixtô III đã chỉ định Phêrô lên thay thế ngài. Lúc ấy khoảng năm 433. Với cương vị là linh mục và giám mục, thánh Phêrô đã làm việc rất có hiệu quả. Ngài đã loại bỏ hết các thói tục của dân ngoại vốn tồn tại trong giáo phận suốt nhiều năm qua. Ngài nâng đỡ niềm tin của các Kitô hữu trong giáo phận của ngài.
Thánh Phêrô nổi danh nhờ tài giảng thuyết. Từ ngữ “Chrysologos” có nghĩa là “lời vàng.” Qủa vậy, các bài giảng lễ và các huấn từ của thánh Phêrô thật vắn gọn và súc tích; và sứ điệp của thánh nhân quả thật có giá trị hơn vàng. Thánh Phêrô thuyết giảng với lòng nhiệt thành bốc lửa đến nỗi người ta phải nín thở mỗi khi nghe ngài. Trong các bài giảng của mình, thánh Phêrô khuyến khích mọi người hãy năng đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể hơn. Ngài muốn mọi người nhận thức rằng Mình Thánh Chúa Kitô chính là lương thực hằng ngày nuôi sống linh hồn ta.
Đức tổng giám mục tốt phúc này cũng ra sức hoạt động cho sự hiệp nhất Giáo hội. Ngài đã giúp người ta phân biệt những điều thuộc và không thuộc đức tin Công giáo. Ngài cũng cố gắng gìn giữ hòa bình. Thánh Phêrô kim ngôn qua đời năm 450 tại Imôla, quê hương ngài sinh trưởng. Vì những bài giảng thuyết tuyệt vời kèm theo những giáo huấn rất mực sâu sắc, thánh Phêrô kim ngôn đã được đức thánh cha Bênêđictô XIII tôn nhận là Tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1729. Ngày nay người ta còn giữ lại được khoảng 180 bài giảng thuyết của ngài.
Thánh Phêrô kim ngôn đã rao giảng một sứ điệp đơn sơ dễ hiểu. Chúng ta hãy nên giống ngài qua việc đem Tin mừng của Đức Chúa Giêsu ra thực hành với lòng yêu mến và quảng đại. Đó là sứ điệp mà mọi người sẽ hiểu biết và trân quý.
Ngày 31 tháng 7
Thánh Inhaxiô Lôyôla
Vị sáng lập dòng Tên nổi danh Inhaxiô Lôyôla sinh năm 1491. Ngài xuất thân trong một gia đình quý tộc Tây Ban Nha. Khi còn nhỏ, Inhaxiô được gởi vào giúp việc trong hoàng cung. Ở đó, Inhaxiô nuôi dưỡng khát vọng một ngày nào đó sẽ trở nên một binh sĩ vĩ đại và sẽ kết hôn với một phụ nữ xinh đẹp. Về sau, Inhaxiô đã đạt được vinh dự này vì lòng can đảm chiến đấu trong trận đánh Pamplôna. Tuy nhiên, vết thương từ viên đạn đại bác đã buộc Inhaxiô phải trải qua nhiều tháng trời nằm bệnh tại lâu đài Lôyôla.
Rồi, Inhaxiô Lôyôla đã xin mượn một ít sách để đọc. Thánh nhân thích đọc truyện các hiệp sĩ hơn nhưng người ta chỉ có sẵn những truyện về Chúa Giêsu và gương các thánh. Vì không có gì để làm, Inhaxiô Lôyôla bèn đọc đỡ các sách truyện này. Dần dần, các sách này đã gây ấn tượng trên Inhaxiô và đời sống của Inhaxiô bắt đầu thay đổi. Ngài tự nhủ: “Các vị thánh nam và thánh nữ này cũng giống như tôi, vậy sao tôi không thể làm được những gì họ đã làm nhỉ?” Tất cả những vinh quang mà Inhaxiô Lôyôla ao ước trước kia thì giờ đây dường như chẳng còn giá trị gì. Inhaxiô Lôyôla bắt đầu noi gương các vị thánh cầu nguyện, đền tội và làm việc bác ái.
Khi lành bệnh, Inhaxiô Lôyôla hành hương tới Monsơrat. Ngài đặt thanh gươm của mình trước một bàn thờ và bố thí bộ đồ sang trọng của ngài cho một người hành khất nghèo khó. Inhaxiô tiếp tục tới Monsơrat và ngài đã lưu lại đó hai năm (1522-1523) để tĩnh tâm và cầu nguyện. Vì mơ ước làm linh mục, Inhaxiô bắt đầu ghi danh học văn phạm tại Barxêlôna. Hầu hết các sinh viên đều trẻ hơn Inhaxiô rất nhiều tuổi. Inhaxiô Lôyôla lúc ấy đã 33! Tuy vậy, Inhaxiô Lôyôla vẫn quyết tâm đến trường vì ngài biết ngài cần kiến thức này để thi hành sứ vụ linh mục. Với lòng kiên nhẫn và đôi khi thích thú, Inhaxiô chấp nhận những lời chế nhạo cũng như mắng nhiếc của bọn trẻ. Suốt thời gian này, Inhaxiô đã cố gắng dạy bảo và khuyến khích người ta cầu nguyện. Vì lý do đó, Inhaxiô đã bị nghi là lạc giáo, và đã bị giam tù một thời gian. Nhưng điều ấy cũng không ngăn cản nổi Inhaxiô. “Cả thành phố này không chứa nổi nhiều dây xích như tôi ao ước được đeo mang vì tình yêu Chúa Giêsu!” Inhaxiô nói. Sau đó, Inhaxiô Lôyôla được xử vô tội và được phóng thích.
Inhaxiô Lôyôla tiếp tục tới Paris để trau dồi thêm Latinh và học môn triết. Tốt nghiệp đại học Paris, Inhaxiô lúc ấy đã 43 tuổi. Vào năm 1534, Inhaxiô tuyên các lời khấn dòng cùng với sáu anh em sinh viên khác. Inhaxiô Lôyôla và các anh em chưa làm linh mục được thụ phong năm 1539. Các ngài đoan hứa sẽ phục vụ Thiên Chúa qua việc vâng phục đức thánh cha cách trọn hảo. Năm 1540, đức thánh cha chính thức ký sắc lệnh châu phê hiến pháp của hội dòng. Trước lúc Inhaxiô Lôyôla qua đời, số tu sĩ dòng Tên (hay còn gọi là dòng Chúa Giêsu) đã lên tới 1000. Các ngài đảm nhận công tác dạy học và truyền giáo. Inhaxiô thường hay cầu nguyện với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Ngài, và như thế là đủ cho con!” Thánh Inhaxiô qua đời tại Rôma hôm 31 tháng Bảy năm 1556. Đức thánh cha Grêgôriô XV đã tôn ngài lên bậc hiển thánh năm 1622.
Thánh Inhaxiô Lôyôla đã đọc nhiều truyện về gương Chúa Giêsu và các thánh. Các sách này đã giúp ngài có một nhận thức sâu xa về Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Giáo hội. Chúng ta cũng hãy chọn đọc những sách truyện các thánh để có thêm nghị lực hầu trở nên những môn đệ quảng đại của Đức Chúa Giêsu.
Tháng 08
Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ
Ngày 01: Thánh Alphongsô Ligôri
Ngày 02: Thánh Phêrô Julianô Eymard
Ngày 03: Thánh Philipphê Bênizi
Ngày 04: Thánh Gioan Maria Viannê
Ngày 05: Lễ cung hiến thánh đường Đức Bà cả
Ngày 06: Chúa Giêsu hiển dung
Ngày 07: Thánh Cajêtan
Ngày 08: Thánh Đa Minh
Ngày 09: Thánh Êđit Stêin
Ngày 10: Thánh Lôrenxô
Ngày 11: Thánh Clara
Ngày 12: Thánh Stanislao Kostka
Ngày 13: Thánh Pontianô và thánh Hippolytô
Ngày 14: Thánh Maximilianô Kolbê
Ngày 15: Lễ Đức Mẹ lên trời
Ngày 16: Thánh Têphanô Hungary
Ngày 17: Thánh Gioan Đilăng
Ngày 18: Thánh Giăng Săngtan
Ngày 19: Thánh Gioan Êuđê
Ngày 20: Thánh Bênađô
Ngày 21: Thánh Piô X
Ngày 22: Lễ Đức Maria nữ vương
Ngày 23: Thánh Rôsa Lima
Ngày 24: Thánh Batôlômêô
Ngày 25: Thánh Luy
Ngày 26: Thánh Êlizabeth Bichiê
Ngày 27: Thánh Monica
Ngày 28: Thánh Augustinô
Ngày 29: Lễ thánh Gioan tẩy giả bị trảm quyết
Ngày 30: Thánh Fiacrê
Ngày 31: Thánh Aiđan Linđisphan
Ngày 1 tháng 8
Thánh Alphongsô Ligôri
Thánh Alphongsô Ligôri sinh năm 1696 tại một nơi gần thành Napôli, nước Ý. Thánh nhân đạt được học vị cao trong ngành luật khi mới 16 tuổi; và đã trở thành một luật sư danh tiếng. Thế nhưng, một sai phạm trong một phiên tòa nọ đã khiến Alphongsô mất một nhiệm vụ quan trọng; và thế là Alphongsô Ligôri quyết định bỏ nghề để theo đuổi tiếng gọi đích thực là làm linh mục. Thân phụ Alphongsô đặt rất nhiều kỳ vọng nơi con trai mình đã cố gắng khuyên Alphongsô đừng bỏ nghề. Tuy nhiên, Alphongsô Ligôri đã quyết định. Ngài gia nhập hội dòng Diễn Giảng (do thánh Philipphê Nêri thành lập vào năm 1564); và sau đó, Alphongsô Ligôri được thụ phong linh mục năm 1726. Cuộc sống của Alphongsô Ligôri rất ư bận rộn! Thánh nhân giảng dạy và viết sách. Sau đó, thánh Alphongsô Ligôri thiết lập một dòng tu mới gọi là dòng Chúa Cứu Thế. Thánh nhân có những chỉ dẫn về đường thiêng liêng rất khôn ngoan; và ngài mang bình an đến cho tha nhân qua bí tích Hòa giải. Thánh Alphongsô cũng sáng tác thánh ca, chơi đàn và vẽ tranh nữa!
Thánh Alphongsô Ligôri viết tất cả sáu mươi cuốn sách. Điều này thật khó tin vì ngài phải chu toàn rất nhiều trách vụ. Vả lại, Alphongsô Ligôri thường hay đau bệnh. Ngài thường xuyên mắc chứng đau đầu; và để có thể làm việc liên tục, thánh Alphongsô Ligôri phải quấn một chiếc khăn lạnh trên trán.
Mặc dù bản tính tự nhiên rất nóng nảy, song Alphongsô Ligôri đã cố gắng làm chủ tính khí của mình. Alphongsô Ligôri khiêm nhường đến nỗi khi đức thánh cha muốn đặt ngài làm giám mục vào năm 1762, ngài đã dịu dàng từ chối. Khi các sứ giả của đức thánh cha đến gặp riêng Alphongsô để nói cho ngài biết ý định của đức thánh cha, và họ gọi ngài bằng tước hiệu “thông thái,” Alphongsô Ligôri đã trả lời: “Xin làm ơn đừng gọi tôi bằng danh xưng đó. Nó sẽ giết chết tôi mất!” Đức thánh cha biết rằng Alphongsô sẽ giúp ích được nhiều cho Giáo hội nên ngài đã chỉ định Alphongsô Ligôri làm giám mục giáo phận Agatha của người Goth. Thánh Alphongsô Ligôri đã cử nhiều nhà giảng thuyết đến làm việc trong giáo phận của ngài. Họ giúp chia sẻ về tình yêu Thiên Chúa và tầm quan trọng của niềm tin Công giáo. Alphongsô Ligôri xin các linh mục hãy giảng các bài thật đơn sơ để dân chúng dễ nắm bắt và dễ đem ra thực hành, ngài nói: “Tôi chưa khi nào giảng một bài mà người bình dân nhất trong nhà thờ không thể hiểu được!”
Khi về già, thánh Alphongsô Ligôri phải chịu nhiều bệnh tật. Ngài bị què quặt vì chứng thấp khớp, bị điếc và gần như mù lòa. Ngài cũng có nhiều nỗi thất vọng và mắc bệnh trầm cảm. Nhưng thánh Alphongsô Ligôri có một lòng sùng kính thật đặc biệt đối với Đức Mẹ Maria, như chúng ta biết cuốn sách nổi tiếng của ngài có nhan đề Vinh quang Đức Mẹ Maria. Sau các thử thách là niềm vui lớn lao, bình an sâu thẳm và cái chết thánh thiện.
Thánh Alphongsô Ligôri qua đời năm 1787, hưởng thọ 91 tuổi. Đến năm 1839, đức thánh cha Grêgôriô XVI tôn phong Alphongsô Ligôri lên bậc hiển thánh. Còn đức thánh cha Piô IX thì tôn tặng ngài tước hiệu Tiến sĩ Hội Thánh năm 1871.
Chúng ta hãy gia tăng lòng sùng kính đối với Mẹ Maria yêu quý của chúng ta bằng việc đọc các sách về Mẹ, nhất là năng cầu nguyện với Mẹ. Chúng ta hãy nài xin thánh Alphongsô Ligôri giúp chúng ta yêu mến Mẹ Maria như ngài.
Ngày 2 tháng 8
Thánh Phêrô Julianô Eymard
Thánh Phêrô Julianô Eymard sinh năm 1811 tại một ngôi làng nhỏ thuộc giáo phận Grênôp, nước Pháp. Phêrô đã phụ giúp thân phụ mình chế đúc và sửa chữa các loại lưỡi dao cho tới năm lên 18. Phêrô dùng các giờ rảnh rỗi để học hành. Ngài tự học Latinh. Phêrô được một linh mục có lòng quảng đại hướng dẫn đức tin. Trong thâm tâm, Phêrô mơ ước được làm linh mục. Năm 20 tuổi, Phêrô bắt đầu ghi danh học tại đại chủng viện Grênôp. Năm 1834, Phêrô Julianô được thụ phong linh mục và được trao cho coi liền một lúc hai xứ đạo suốt 5 năm sau đó. Dân chúng nhận biết cha Phêrô chính là món quà Thiên Chúa tặng ban cho họ. Sau đó, cha Eymard xin phép đức giám mục giáo phận để được gia nhập hội dòng Truyền Giáo Đức Bà do cha Colin mới sáng lập lúc ấy, và đức giám mục đã chấp nhận. Cha Eymard phục vụ hội dòng này với tư cách là linh hướng cho các anh em chủng sinh. Vào năm 1845, cha Eymard được bầu làm bề trên của hội dòng tại Liông, nước Pháp. Thế nhưng, dù cha Eymard đã kiên trì chu toàn nhiều trách vụ trong cuộc đời, lòng trí cha vẫn hướng về một điều gì khác.
Cha Eymard có một tình yêu bừng cháy đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài bị lôi cuốn vào sự hiện diện của Chúa trong bí tích cực trọng này. Eymard thích dùng thời giờ hàng ngày để tôn thờ Chúa. Trong một ngàylễ kính Mình Máu Thánh Chúa, cha Eymard đã trải qua một cảm nghiệm đạo đức rất đặc biệt. Đang khi Eymard đi kiệu Mình Thánh, ngài cảm thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu nóng ấm tựa như lò lửa hồng. Mình Thánh Chúa dường như bao chiếm lấy Eymard bằng tình yêu và ánh sáng. Trong tâm hồn, Eymard thưa lên với Chúa những nhu cầu tinh thần và vật chất của bổn đạo. Thánh nhân nài xin lòng thương xót và tình yêu của Chúa Giêsu chạm tới mọi người, cũng như ngài được Thánh Thể Chúa đụng chạm tới vậy.
Vào năm 1856, cha Eymard nương theo ơn linh hứng mà cha đã cầu nguyện trước đó nhiều năm. Với sự chấp thuận của các bề trên, cha đã thiết lập một hội dòng cho các linh mục chuyên tôn thờ Thánh Thể. Các ngài được biết đến với tước hiệu là những linh mục của bí tích Thánh Thể. Hai năm sau khi lập dòng nam, cha Eymard lập thêm một hội dòng nữ, gọi là dòng Nữ Tỳ Thánh Thể. Như những linh mục, các chị nữ tu này cũng có một tình yêu đặc biệt đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Họ tận hiến đời mình để tôn thờ Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Cha Eymard cũng lập thêm những lớp dạy giáo lý trong giáo xứ nhằm chuẩn bị cho bổn đạo rước lễ lần đầu. Ngài cũng viết nhiều sách về bí tích Thánh Thể, những sách này đã được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng; và ngày nay vẫn còn giá trị.
Cha Eymard sống cùng thời với thánh Gioan Maria Vianêy, vị thánh mà chúng ta mừng lễ kính vào ngày 4 tháng Tám. Cả hai cùng là bạn thân của nhau và cả hai đều rất ngưỡng mộ nhau. Cha Vianêy nói rằng cha Eymard là một đấng thánh; và ngài thêm: “Chà! Một cộng đoàn linh mục tận hiến đời mình để tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể! Thật tốt đẹp biết bao! Hằng ngày tôi sẽ cầu nguyện cho công việc của cha Eymard!”
Thánh Phêrô Julianô Eymard đã trải qua đau khổ rất nhiều trong bốn năm cuối đời. Ngài cũng gặp phải những khó khăn và những lời chê bai chỉ trích. Nhưng thánh nhân vẫn cứ tiếp tục tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể. Gương hy sinh và đời sống chứng tá của Eymard đã giúp cho nhiều người tìm thấy ơn gọi của họ trong hội dòng ngài đã thiết lập. Phêrô Julianô Eymard về trời ngày mùng 1 tháng Tám năm 1868, lúc được 57 tuổi. Đến ngày mùng 9 tháng Mười Hai năm 1962, đức thánh cha Gioan XXIII đã tôn phong Phêrô Julianô Eymard lên bậc hiển thánh.
Chúng ta hãy xin thánh Phêrô Julianô Eymard giúp chúng ta gia tăng lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta biết học nơi ngài cách tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể.
Ngày 3 tháng 8
Thánh Philipphê Bênizi
Thánh Philipphê Bênizi sinh ngày 15 tháng Tám năm 1233 tại Florentia, nước Ý. Philipphê trở thành bác sĩ khi mới 19 tuổi; và ngài đã mở một phòng khám bệnh tại quê nhà. Chỉ một năm sau, Philipphê Bênizi bỏ nghề bác sĩ và xin gia nhập hội dòng Tôi Tớ Đức Mẹ. Philipphê Bênizi được thụ phong linh mục tại Siêna năm 1258.
Chẳng bao lâu, cha Philipphê Bênizi trở nên rất nổi danh vì tài thuyết giảng. Ngài cũng phục vụ hội dòng với chức vụ tập sư và bề trên. Năm 1267, Philipphê Bênizi được bầu làm bề trên tổng quyền của hội dòng dù ngài đã cố gắng từ chối việc đề cử này. Philipphê Bênizi đã chăm chỉ làm việc để thiết lập quy luật của dòng; và người ta rất ngưỡng mộ Philipphê vì đời sống thánh thiện. Cha Philipphê Bênizi cũng được ơn làm nhiều phép lạ.
Năm 1268, đức thánh cha Clêmentê IV qua đời, và cha Philipphê Bênizi là một trong những ứng viên sẽ được chọn lên kế vị. Sợ rằng mình sẽ có thể đắc cử, Philipphê Bênizi đã chạy trốn vào một hang động và ẩn mình cho tới khi đức Grêgôriô X được chọn.
Do đức khiêm nhường và lòng yêu mến, cha Philipphê Bênizi đã đem nhiều người trở về với Giáo hội. Ngài cũng là người hay giải hòa. Về cuối đời, cha Philipphê xin từ chức bề trên tổng quyền; và cha đã sống những ngày cuối đời tại một căn nhà khiêm tốn và nghèo khó của dòng. Cha Philipphê Bênizi đã qua đời tại đó vào ngày 22 tháng Tám năm 1285. Ngài được tôn phong hiển thánh năm 1671.
Như thánh Philipphê Bênizi, chúng ta hãy cố gắng trau dồi những đức tính đơn thành và khiêm tốn. Những đức tính này giúp chúng ta tin tưởng vào Chúa chứ không vào mình; và cũng với đức tính này, chúng ta sẽ nên gương thánh thiện đích thực cho người khác.
Ngày 4 tháng 8
Thánh Gioan Maria Viannê
Gioan Maria Viannê sinh năm 1786 gần thành Liông, nước Pháp. Lúc còn nhỏ, Gioan chăn giữ đàn cừu cho thân phụ ngài. Gioan ham thích đời sống cầu nguyện; và khi lên 18 tuổi, Gioan xin phép thân phụ để đi học làm linh mục. Thân phụ lo lắng vì sợ mất đi nguồn lao động chính trong nhà. Tuy nhiên, hai năm sau, ông Viannê đã đồng ý. Lên 20, Gioan đến học với cha Ballê. Dù cha Ballê rất nhẫn nại nhưng đối với Gioan, Latinh là một môn học rất khó. Và Gioan đã nản chí. Sau đó, Gioan quyết định trẩy bộ suốt quãng đường dài 60 dặm tới viếng đền thánh Gioan Phanxicô Rêgis, một vị thánh rất nổi danh ở Pháp. (Chúng ta đã mừng lễ kính ngài hôm 16 tháng Sáu.) Gioan đã cầu nguyện và xin thánh Phanxicô Rêgis giúp đỡ. Sau cuộc hành hương này, Gioan vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc học như trước, nhưng Gioan không nản chí nữa.
Sau cùng, Gioan cũng được gia nhập đại chủng viện. Việc học hành đối với Gioan thật khó. Dù cố gắng đến đâu, Gioan cũng chẳng học tốt được. Khi cuộc thi cuối khóa tới, vấn đáp chứ không phải thi viết, Gioan phải đối diện với một ban giáo sư và phải trả lời các câu hỏi của họ. Gioan quá lo lắng đến nỗi đã bị hỏng ngay giữa cuộc thi. Cha Ballê đã lên tiếng thay cho Gioan. Ngài nói rằng Gioan là một người tốt lành và thánh thiện; Gioan có cảm quan bình thường và hiểu được những gì Giáo hội dạy về đức tin. Nghe thế, ban giáo sư chấp thuận những phẩm chất trên có thể bù lại những thiếu sót trong việc học tập của Gioan. Và Gioan Viannê đã được thụ phong linh mục.
Thoạt đầu, cha Gioan Viannê được chỉ định làm phụ tá cho cha Ballê, và ngài đã giúp cha cho tới khi cha qua đời năm 1817. Sau đó, cha Viannê được gởi tới một xứ đạo nhỏ tên là Ars, nơi cha Viannê phục vụ suốt cả cuộc đời. Khi Gioan Viannê mới tới, bổn đạo xứ Ars chẳng quan tâm gì đến đức tin của mình. Họ say xỉn, làm việc cả ngày Chúa nhật và không bao giờ đi lễ. Nhiều người thường xuyên nói tục chửi thề. Cha Viannê đã ăn chay và đền tội thay cho bổn đạo. Ngài cố gắng giúp họ không phạm tội. Cuối cùng, từng quán rượu một đã phải lần lượt đóng cửa vì buôn bán chẳng được.
Dân chúng bắt đầu tham dự thánh lễ Chúa nhật cách đều đặn hơn và tham dự cả thánh lễ ngày thường. Rồi người ta bớt nói tục chửi thề. Điều gì đã xảy ra tại xứ Ars? Người ta nói rằng: “Cha xứ của chúng tôi là một đấng thánh và chúng tôi có nhiệm vụ phải vâng phục ngài!”
Thiên Chúa cũng cho thánh Gioan Viannê khả năng thấu tỏ tâm hồn người khác và ơn đoán biết tương lai. Với tặng ân này, thánh nhân đã hoán cải được nhiều tội nhân và giúp người ta thực hiện những quyết định đúng đắn. Ngày ngày có đến hàng trăm khách hành hương đã lần lượt đổ về xứ Ars. Thánh Gioan Viannê thường dành ra mười sáu giờ mỗi ngày để giải tội. Dù Gioan Viannê đã có lần cảm thấy hạnh phúc hơn và bình an hơn nếu được sống trong một tu viện nào đó, nhưng thánh nhân vẫn ở lại xứ Ars suốt một quãng thời gian 42 năm; và sau cùng, Gioan Viannê đã qua đời tại đây vào năm 1859, hưởng thọ 73 tuổi. Đức thánh cha Piô XI đã tôn phong Gioan Maria Viannê lên bậc hiển thánh năm 1925.
Thánh Gioan Maria Viannê đã dành ra phần lớn thời giờ để ban bí tích Hòa giải. Trong bí tích này, tội lỗi của chúng ta được tha và chúng ta nhận được những ơn cần thiết để sống theo những giáo huấn của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy năng chạy đến với bí tích Hòa giải để lãnh nhận được nhiều ân sủng của bí tích này.
Ngày 5 tháng 8
Lễ cung hiến thánh đường Đức Bà cả
Hôm nay chúng ta cử hành thánh lễ cung hiến một trong những đại thánh đường ở Rôma. Thánh đường Đức Maria được xây cất vào thế kỷ thứ 4 dưới thời đức giáo hoàng Libêriô. Truyện kể rằng chính Đức Mẹ đã chọn nơi này để người ta xây ngôi thánh đường tôn kính Mẹ. Mẹ đã thân hiện ra với đôi vợ chồng sở hữu mảnh đất cũng như với đức giáo hoàng, bảo họ rằng khoảng đất trên ngọn đồi được bao phủ đầy tuyết kia chính là nơi Đức Mẹ đã chọn. Sáng hôm sau, nhằm ngày mùng 5 tháng Tám, một thời điểm rất nóng trong năm ở Rôma, có một lớp tuyết bao phủ ngọn đồi Esquiline. Đôi vợ chồng đã xin dâng phần đất cũng như tiền bạc cần thiết để xây ngôi thánh đường như là món quà dâng kính Đức Mẹ.
Thoạt tiên, ngôi thánh đường này mang tên là vương cung thánh đường Libêriô, theo tên của đức giáo hoàng Libêriô. Nó cũng được gọi là thánh đường Đức Mẹ Xuống Tuyết để nhắc nhớ sự kiện Đức Mẹ đã chỉ cho biết mảnh đất dành cho việc xây cất. Sau đó, ngôi thánh đường được đức thánh cha Sixtô III cung hiến cho Đức Maria sau khi Công đồng chung Êphêsô năm 431 tuyên bố tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Ngôi thánh đường chính là một nhắc nhở tuyệt đẹp về tình yêu và lòng tôn kính mà Giáo hội dành tặng cho Mẹ Thiên Chúa. Danh xưng “cả” được thêm vào danh hiệu “thánh đường Đức Bà” bởi vì đây là ngôi thánh đường đầu tiên được xây cất ở Tây phương để tôn kính Đức Mẹ.
Bên trong thánh đường có máng cỏ Bêlem nơi Đức Maria đã đưa nôi Chúa Hài Nhi Giêsu. Điều này biểu lộ lòng tôn kính ngày Chúa giáng sinh, với hình Chúa Hài Nhi nhỏ bằng bạc đang nằm trong máng cỏ.
Giáo hội tôn kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa với những ngôi đền và thánh đường rất đặc biệt để các Kitô hữu có thể đến viếng nhằm bày tỏ lòng yêu mến đối với Đức Mẹ và cầu xin Người ban cho ơn lành. Hành hương đến một trong các đền thờ hay thánh đường này chính là một cảm nghiệm đức tin thú vị.
Ngày 6 tháng 8
Chúa Giêsu hiển dung
Các Tin mừng nhất lãm (Matthêu, Marcô, Luca) đều thuật lại biến cố Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Hôm trước ngày chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã cho ba tông đồ của Chúa nhìn thấy vinh quang Người tỏ rạng. Người làm như thế nhằm kiện cường lòng tin của các tông đồ.
Chúa Giêsu đem Phêrô, Giacôbê và Gioan cùng với Người lên ngọn núi Tabor, ngọn núi nằm giữa miền Galilêa. Lúc đang ở với nhau, đột nhiên khuôn mặt của Đức Chúa Giêsu trở nên xán lạn như mặt trời; và áo Người trắng tinh như tuyết. Các tông đồ xúc động đến lặng người! Khi các ông còn đang mải nhìn thì có hai ngôn sứ rất nổi danh trong Cựu Ước hiện ra. Đó là Môsê và Êlia. Hai ngài đang đàm đạo với Đức Chúa Giêsu. Bạn hãy hình dung xem niềm vui mà các tông đồ được cảm nghiệm lúc ấy: “Thưa Thầy,” thánh Phêrô nói, “chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy muốn, chúng con sẽ làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê và một cho Êlia.” Thực sự, lúc ấy thánh Phêrô không biết mình nói gì nữa, vì ngài vừa run rẩy, vừa ngạc nhiên lại vừa kính sợ. Khi Phêrô đang nói thì một đám mây sáng chói bao phủ lấy các ngài; và từ đám mây có tiếng của Chúa Cha phán rằng: “Này là Con Ta yêu dấu! Hãy vâng nghe lời Người!”
Nghe lời đó, các tông đồ sợ hãi đến nỗi đã ngã nhào xuống đất. Rồi Chúa Giêsu đến gần và chạm tới các ông. Người nói: “Hãy chỗi dậy! Đừng sợ!” Khi nhìn lên, các ông chẳng thấy ai trừ ra một mình Đức Chúa Giêsu. Lúc xuống núi, Chúa Giêsu căn dặn họ đừng nói với ai về chuyện vừa xảy ra cho đến khi Người từ cõi chết sống lại. Lúc ấy, họ không hiểu lời Người nói. Nhưng sau khi Chúa Giêsu phục sinh vinh hiển, họ mới hiểu được lời của Người.
Chúng ta hãy lắng nghe điều Đức Chúa Giêsu nói với chúng ta. Người vẫn tiếp tục nói với chúng ta qua Kinh Thánh, qua đức thánh cha, các đức giám mục, các linh mục và qua những giảng viên giáo lý trong Hội Thánh của Chúa.
Ngày 7 tháng 8
Thánh Cajêtan
Thánh Cajêtan sinh tại Vicenza, nước Ý, vào năm 1480. Ngài là con trai của một bá tước. Cajêtan tốt nghiệp trường đại học Pađua với văn bằng cử nhân lưỡng luật, đạo và đời. Sau đó, Cajêtan phục vụ tại văn phòng của giáo triều Rôma. Cajêtan thụ phong linh mục năm 1516. Rồi ngài trở về thành phố quê hương Vicenza và làm việc mục vụ tại đây. Dù cho những bạn bè quý tộc của Cajêtan ra sức phản đối và giận dữ, thánh nhân vẫn tham gia với nhóm người khiêm tốn, chuyên phục vụ các bệnh nhân và những người nghèo khổ. Cajêtan đi khắp thành phố tìm kiếm những người bất hạnh và chính ngài đã tự phục vụ họ. Cajêtan vào bệnh viện săn sóc những người mang những chứng bệnh kinh tởm nhất. Tại các thành phố khác, thánh Cajêtan cũng làm các việc từ thiện ấy. Thánh nhân cũng thường khuyến khích mọi người hãy năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Ngài nói: “Tôi sẽ không bao giờ vui sướng cho tới khi nào được thấy các Kitô hữu cùng nhau tiến lên lãnh nhận Bánh Ban Sự Sống với lòng hăm hở vui mừng, chứ không lo buồn tủi hổ.”
Cùng với ba người đạo đức khác, thánh Cajêtan đã thiết lập một tu hội giáo sĩ dòng, gọi là tu hội Các Anh Em Dòng Thêatin, chuyên đi thuyết giảng. Họ khuyến khích việc năng xưng tội, lãnh nhận bí tích Thánh Thể, giúp bệnh nhân và làm những công việc từ thiện khác.
Thánh Cajêtan qua đời lúc được 67 tuổi. Trong cơn bạo bệnh cuối cùng, thánh nhân chỉ nằm trên những tấm ván thô cứng dù các bác sĩ khuyên ngài nên dùng nệm êm. Nhưng Cajêtan nói: “Đấng Cứu Chuộc tôi đã chết trên cây thập giá. Vậy ít ra, hãy để tôi được chết trên tấm gỗ này!” Cajêtan về trời ngày mùng 7 tháng Tám năm 1547 tại thành phố Napôli. Tới năm 1671, đức thánh cha Clêmentê X tôn phong Cajêtan lên bậc hiển thánh.
Để noi gương vị thánh này, chúng ta hãy đặt Chúa Giêsu Thánh Thể làm trung tâm đời sống của chúng ta. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh Cajêtan giúp chúng ta biết yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể như ngài.
Ngày 8 tháng 8
Thánh Đa Minh
Đa Minh sinh năm 1170 tại Castile, nước Tây Ban Nha. Đa Minh là thành viên của tộc họ Guzman và thân mẫu ngài là chân phước Gioan Aza. Khi Đa Minh lên 7, ngài bắt đầu tới trường. Đa Minh được một người cậu làm linh mục hướng dẫn việc học hành. Sau nhiều năm học tập, Đa Minh được thụ phong linh mục. Đa Minh ham thích đời sống thinh lặng cầu nguyện và chỉ thích được vâng phục các linh mục đạo đức khác. Thế nhưng Thiên Chúa lại có một chương trình dành riêng cho Đa Minh. Đa Minh sẽ thiết lập một dòng tu mới. Đó là dòng Anh Em Thuyết Giáo, hay còn gọi là dòng thánh Đa Minh.
Dòng Anh Em Thuyết Giáo có nhiệm vụ rao giảng về đức tin. Họ cố gắng sửa chữa lại những giáo huấn sai lầm, cũng gọi là các lạc thuyết. Tất cả được bắt đầu khi Đa Minh hành trình qua miền nam nước Pháp. Ngài nhận thấy giáo thuyết của giáo phái Anbigen là một giáo thuyết sai lầm, và nó đang gây nhiều nguy hại. Thánh Đa Minh cảm thấy tội nghiệp cho dân chúng, là những người đang bị lầm đường lạc lối. Và thánh nhân muốn giúp đỡ họ. Các anh em dòng Thuyết Giáo vừa rao giảng chân lý vừa hăng say cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện với kinh Mân Côi. Đa Minh cũng khuyến khích dân chúng sống khiêm tốn và làm nhiều việc hy sinh hãm mình. Lần kia, có người hỏi thánh Đa Minh đã dùng sách vở nào để soạn ra những bài giảng thật hay như vậy thì ngài liền trả lời: “Cuốn sách hay nhất tôi đã sử dụng là cuốn sách yêu thương.” Thánh Đa Minh luôn luôn cầu nguyện để được tràn đầy lòng yêu mến chân thành đối với tha nhân. Ngài khích lệ anh em dòng ngài hãy trung thành với việc nghiên cứu Kinh Thánh và cầu nguyện. Chưa một ai đã vượt hơn thánh Đa Minh và các anh em dòng ngài về việc rao giảng cách thực hành đọc lời kinh Mân Côi dễ thương này.
Thánh Đa Minh và thánh Phanxicô Assisi là hai người bạn chí thân. Cả hai hội dòng Đa Minh và dòng Phanxicô đều đã góp phần giúp cho các Kitô hữu sống thánh thiện hơn. Các linh mục dòng Đa Minh đã mở các cơ sở tại Paris, nước Pháp; Mađriđ, nước Tây Ban Nha và Rôma, nước Ý. Đa Minh được thấy hội dòng mình phát triển sang tận Ba Lan, Scanđinavia và Palestina. Các linh mục Đa Minh cũng đến Cantơbơri, Luânđôn, Oxford và trên khắp nước Anh. Đa Minh qua đời tại Bôlônha vào ngày mùng 6 tháng Tám năm 1221. Người bạn rất thân của Đa Minh, hồng y Ugôliô thuộc giáo phận Vêni, sau này là đức thánh cha Grêgôriô IX, đã tôn phong Đa Minh lên bậc hiển thánh năm 1234.
Chúng ta hãy nài xin thánh Đa Minh giúp chúng ta mỗi ngày biết yêu mến đức tin Công giáo hơn. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh nhân dạy chúng ta biết trung thành đọc kinh Mân Côi như ngài.
Ngày 9 tháng 8
Thánh Êđit Stêin
Thánh nữ Êđit Stêin sinh ngày 12 tháng Mười năm 1891 tại phần đất của nước Đức, ngày nay gọi là Ba Lan. Thân phụ Êđit qua đời khi Êđit mới lên 2; và vì thế thân mẫu ngài, một phụ nữ Dothái có đức tin sâu xa, đã cật lực xoay sở để nuôi sống gia đình và chăm lo cho những đứa con của bà.
Vào tuổi niên thiếu, Êđit bỏ đạo Dothái và sống như người vô thần. Năm 1911, Êđit bắt đầu học triết học tại trường đại học Breslaw, sau đó chuyển sang một trường khác để có thể ghi tên vào các lớp học của Edmund Husserl, một triết gia danh tiếng thời đó. Khi Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ, Êđit tạm gác việc học sang một bên và tình nguyện làm y tá săn sóc các thương binh. Sau cùng, Êđit cũng lấy được học vị tiến sĩ vào năm 1916; và nhận làm giảng viên phụ khảo cho Husserl.
Sau khi đọc tự truyện của thánh Têrêsa Avila, Êđit cảm thấy có một năng lực lôi kéo mình trở về với đức tin Công giáo. Êđit xin được rửa tội, và ngày mùng 1 tháng Giêng năm 1922, Êđit trở thành Kitô hữu. Gia đình cũng như bạn bè của Êđit cảm thấy khó hiểu trước quyết định của ngài; vì kể từ khi đảng Quốc xã đang dần lớn mạnh, họ cảm thấy Êđit đã quay lưng lại với Dothái giáo vào thời điểm mà những người Dothái đang cần được khích lệ và nâng đỡ hơn bao giờ hết.
Rồi Êđit trở thành người lãnh đạo phong trào phụ nữ Công giáo. Ngài dạy học tại một trường do các linh mục dòng Đa Minh điều hành; và Êđit cũng chuyển ngữ một số tác phẩm của thánh Tôma Aquinô.
Vào năm 1934, Êđit trở thành nữ tu dòng Cátminh Chân Đất ở Côlôgna, và nhận tên mới là sơ Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá. Êđit tiếp tục viết lách nhưng hầu hết các tác phẩm của thánh nữ không được xuất bản vào thời điểm ấy, vì lẽ Êđit thuộc giới nữ và có gốc là Dothái. Vì đảng Quốc xã ngày một bành trướng và đe dọa hơn, Êđit đã buộc phải trốn sang một tu viện Cátminh bên Hà Lan.
Khi Đức xâm lược Hà Lan, nhiều Kitô hữu có gốc Dothái đã bị bắt giam và bị đày tới các trại tập trung ở Auschwitz. Êđit cũng là thành viên trong số họ. Êđit qua đời ngày mùng 9 tháng Tám năm 1942 tại Auschwitz, bị chết ngạt trong phòng hơi đốt. Đến ngày 11 tháng Mười năm 1998, đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Êđit Stêin lên bậc hiển thánh.
Là triết gia, Êđit Stêin đã hăng say đi tìm chân lý. Niềm tin vào Đức Kitô đã giúp thánh nữ can đảm chấp nhận cái chết vì là người Dothái. Chớ gì niềm tin của chúng ta cũng làm cho chúng ta thêm can đảm khi nhìn thấy những người đang phải chịu kỳ thị vì niềm tin.
Ngày 10 tháng 8
Thánh Lôrenxô
Vị thánh tử đạo rất nổi danh của thành Rôma, thánh Lôrenxô, sống vào thế kỷ thứ 3. Ngài là một trong số bảy thầy phó tế được trao cho việc giúp đỡ những người nghèo khổ và những người túng thiếu. Khi cuộc bách hại nổ ra, thánh giáo hoàng Sixtô II bị lên án tử. Đang lúc thánh giáo hoàng bị dẫn tới nơi hành quyết, Lôrenxô đã theo sau ngài và khóc nức nở: “Cha ơi, sao cha đi mà không cho phó tế của cha đi theo?” “Cha không bỏ con lại đâu,” thánh giáo hoàng trả lời, “trong ba ngày nữa con sẽ được theo bước của cha.” Tràn ngập vui mừng, Lôrenxô đem phân phát cho người nghèo tất cả tiền bạc ngài có trong tay. Thậm chí, Lôrenxô còn đem bán một ít tài sản của Giáo hội để có thêm nhiều tiền bố thí.
Vị hoàng đế Rôma thời ấy là người rất tham lam đã nghĩ rằng Giáo hội có một kho tàng rất lớn đang được cất giấu. Và ông ra lệnh cho Lôrenxô phải mang kho tàng này đến cho ông ta. Thánh Lôrenxô đã nhận lời. Ngài hẹn ba ngày nữa sẽ đem tới. Sau đó, Lôrenxô đi khắp thành phố và thu gom tất cả những người nghèo khổ và bệnh hoạn, những người này đang được Giáo hội chăm sóc và nuôi dưỡng. Lôrenxô chỉ cho hoàng đế Rôma xem những người ấy và nói với ông: “Đây là tài sản của Giáo hội!” Hoàng đế tức giận. Ông đã trừng phạt Lôrenxô bằng cái chết từ từ và hết sức độc ác. Ông ra lệnh trói Lôrenxô lại và đặt ngài trên một vỉ sắt, đoạn đốt lửa bên dưới để nướng chín Lôrenxô. Thiên Chúa đã ban cho thánh Lôrenxô nhiều sức mạnh và niềm vui để thánh nhân nói với người hành quyết ngài: “Hãy lật tôi sang bên kia với! Thịt ở phía mặt bên này đã chín rồi!” Trước khi tắt thở, thánh Lôrenxô đã cầu nguyện cho dân thành Rôma được ơn trở lại với Chúa Giêsu. Ngài cầu xin để đức tin Công giáo được lan truyền ra khắp thế giới. Thánh Lôrenxô về trời ngày mùng 10 tháng Tám năm 258.
Việc sùng kính thánh Lôrenxô lan rộng ra khắp nước Ý và sang cả Bắc phi. Hoàng đế Constantinô đã xây một vương cung thánh đường nguy nga để tôn kính Lôrenxô. Trong lễ nghi, thánh Lôrenxô là một trong các vị được Giáo hội nêu danh nơi Kinh Nguyện Thánh Thể Thứ Nhất.
Khi chúng ta muốn phàn nàn về điều gì đó làm phiền lòng mình, chúng ta hãy cầu xin thánh Lôrenxô giúp cho kiên nhẫn. Các thánh tử đạo đã được ơn trung thành với Chúa Kitô trong những nghịch cảnh vì các ngài đã trung thành với Người trong những điều nhỏ mọn thường ngày mà tất cả chúng ta đều đã có lần đối diện.
Ngày 11 tháng 8
Thánh Clara
Thánh nữ Clara sinh vào khoảng năm 1193 tại thành Assisi, nước Ý. Thánh Phanxicô Assisi cũng sống tại thành phố này. Clara thường nghe Phanxicô thuyết giảng. Trái tim Clara bừng lên niềm khao khát mãnh liệt là muốn bắt chước tấm gương của Phanxicô. Như Phanxicô, Clara cũng muốn sống cuộc đời nghèo khó và khiêm nhường vì Đức Chúa Giêsu. Nhưng khổ nỗi song thân của Clara không bao giờ chấp nhận một dự định như vậy! Thế rồi, vào một buổi tối Chúa nhật Lễ Lá năm 1212, lúc vừa tròn 18, Clara đã rời bỏ gia đình thân thương và mái nhà sang trọng của mình. Và trong một nguyện đường bé nhỏ nằm bên ngoài thành phố Assisi, Clara đã dâng hiến mình cho Thiên Chúa. Thánh Phanxicô cắt mái tóc dài của Clara và trao cho Clara một tu phục nâu kết bằng vải thô. Clara ở với các sơ Bênêđictô cho tới khi có nhiều chị em cùng đến tham gia với ngài. Song thân của Clara đã cố gắng dùng mọi phương thế để bắt Clara về nhà nhưng không được. Chẳng bao lâu sau đó, cả Annê, cô em 15 tuổi của Clara, cũng đến xin gia nhập với ngài.
Cũng có nhiều thiếu nữ muốn trở nên những “phu nhân nghèo” của Đức Chúa Giêsu. Sau đó ít lâu, người ta thấy hình thành một cộng đoàn đạo đức nhỏ. Họ sống trong căn nhà tọa lạc gần bên nhà thờ thánh Đamianô, căn nhà được chính thánh Phanxicô Assisi sửa lại. Thánh nữ Clara và các chị em của ngài đã khấn không bao giờ ăn thịt, luôn đi chân không, sống trong căn nhà nghèo khó với bầu khí thinh lặng và cầu nguyện. Tuy nhiên, họ rất hạnh phúc vì được sống cuộc đời nghèo khó như Đức Chúa Giêsu. Lần kia, có một đội quân hung hãn đã tiến vào công phá thành Assisi. Dù đau nặng, thánh nữ Clara cũng nài xin chị em đưa mình tới cửa sổ. Thánh nữ cho đặt Mình Thánh Chúa ngay tại nơi các binh lính có thể trông thấy. Sau đó, thánh nữ Clara quỳ xuống và nài xin Thiên Chúa ra tay cứu thoát các nữ tu và thành phố. Thánh nữ nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy bảo vệ những chị em này, những người mà giờ đây con không thể bảo vệ nổi!” Và dường như có một tiếng nói bên trong phát ra: “Ta sẽ luôn gìn giữ chúng trong sự quan phòng của Ta!” Ngay lúc ấy, một sự sợ hãi thình lình giáng xuống trên kẻ địch, và họ đã nhanh chân rời bỏ thành phố.
Thánh nữ Clara làm bề trên hội dòng được 40 năm, trong đó suốt 29 năm chịu bệnh. Nhưng thánh nữ nói rằng dầu sao cũng rất vui vì được phục vụ Đức Chúa Giêsu. Một số người lo ngại rằng các nữ tu sẽ bị khổ vì phải sống quá nghèo. Nhưng thánh nữ Clara đã sống hầu hết đời mình để bảo vệ điều mà ngài gọi là “đặc ân thanh bần.” Đức thánh cha đã cố gắng giảm bớt những đòi hỏi của lời khấn thanh bần trong tu luật của Clara, nhưng thánh nữ đã giải thích rằng ngài và các chị em thuộc hội dòng của ngài được mời gọi sống từ khước hết mọi của cải, và chỉ hoàn toàn tin cậy vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Thánh nữ Clara về trời ngày 11 tháng Tám năm 1253. Chỉ hai năm sau, đức thánh cha Alêxanđơ IV đã tôn phong Clara lên bậc hiển thánh.
Đôi lúc chúng ta quên dành thời giờ cho Đức Chúa Giêsu. Chúng ta quá lưu tâm tới những chuyện thế gian đến nỗi để chúng lấn át cả tiếng nói của Đức Chúa Giêsu. Những lúc ấy, chúng ta hãy nài xin thánh nữ Clara chỉ cho chúng ta biết cách đặt Đức Chúa Giêsu làm trung tâm đời sống và trái tim của mình.
Ngày 12 tháng 8
Thánh Stanislao Kostka
Thánh Stanislao Kostka sinh năm 1550, là con trai của một thượng nghị sĩ Ba Lan. Song thân ngài đã thuê một gia sư riêng để giáo dục ngài. Năm lên 14 tuổi, Stanislao Kostka được gởi tới học tại đại học Vienna do các cha dòng Tên phụ trách.
Chẳng bao lâu, Stanislao Kostka nổi bật về lòng sốt sắng cầu nguyện và nghiên cứu học tập. Ngài mạnh mẽ phản đối những chuyện đùa giỡn thô tục. Gia đình Stanislao thường khuyến cáo những khách mời của họ đừng nói điều gì khiếm nhã trước mặt Stanislao, rằng: “Chúng tôi không muốn Stanislao bị ngất!” Phaolô, anh trai của Stanislao, thường hay chọc ghẹo và bắt nạt Stanislao cũng như chế giễu việc cầu nguyện của ngài.
Sau một cơn bạo bệnh, Stanislao Kostka cảm thấy Thiên Chúa mời gọi ngài vào tu trong dòng Tên. Thân phụ Stanislao khi biết chuyện này đã phản đối, và vị bề trên giám tỉnh dòng Tên Vienna cũng không muốn làm trái ý của ông thượng nghị sĩ. Nhưng điều này không ngăn cản được Stanislao. Tin rằng mình có ơn kêu gọi đi tu dòng Tên, Stanislao đã trẩy bộ suốt quãng đường 350 dặm lên miền thượng Đức, nơi thánh Phêrô Canisiô đã nhận ngài. Sau đó, Stanislao được gởi sang Rôma và được thánh Phanxicô Borgia, hiện đang là bề trên tổng quyền dòng Tên, đón nhận vào dòng. Lúc ấy, Stanislao Kostka mới 17 tuổi.
Stanislao Kostka bắt đầu cuộc sống của một tu sĩ dòng Tên với việc đền tội và cầu nguyện rất sốt sắng. Ngài coi trọng nhân đức tuân phục và luôn cố gắng chu toàn các việc bổn phận hằng ngày cách hoàn hảo hết sức có thể. Nhưng Stanislao cũng sớm nhận thấy cái nóng mùa hè của Rôma rất ư khắc nghiệt. Stanislao Kostka thường bị ngất xỉu. Vào ngày 10 tháng Tám, Stanislao bệnh nặng đến nỗi phải liệt giường. Đến ngày 15 tháng Tám, chỉ chín tháng sau khi gia nhập dòng Tên, Stanislao Kostka đã qua đời tại Rôma. Khi nghe tin em mình qua đời, Phaolô, anh trai của Stanislao, đã hối hận về cách xử tệ với người em. Sau đó, anh cũng xin gia nhập dòng Tên. Stanislao Kostka được phong thánh năm 1726; và ngài là một trong các vị thánh bổn mạng của đất nước Ba Lan.
Thánh Stanislao Kostka chẳng lo lắng gì khi bị chế giễu về việc thực hành niềm tin của mình. Thánh nhân đã có thể tha thứ cho những người nhạo báng ngài cũng như luôn kính trọng và cầu nguyện cho họ. Càng gần Chúa hơn, chúng ta sẽ càng bớt được những thành kiến về người khác.
Ngày 13 tháng 8
Thánh Pontianô và thánh Hippolytô
Thánh Hippolytô là linh mục và cũng là một học giả của Giáo hội Rôma. Thánh nhân đã viết nhiều tác phẩm danh tiếng về lãnh vực thần học; và ngài cũng là một giáo sư vĩ đại. Tuy nhiên, Hippolytô không hài lòng với thánh giáo hoàng Zêphyrinô vì ngài cảm thấy vị giáo hoàng này chưa mấy nhanh chóng ngăn cấm những người giảng dạy các học thuyết sai lầm. Khi thánh giáo hoàng Zêphyrinô tử đạo năm 217, thánh Callistô I được bầu lên kế vị. Hippolytô cũng không hài lòng với việc chọn lựa tân giáo hoàng này. Chính Hippolytô cũng có một đám đông người ủng hộ ngài, và ngài cũng đồng ý khi họ chọn ngài làm giáo hoàng. Hippolytô đã bỏ quan hệ với Giáo hội và trở thành ngụy giáo hoàng, hay còn gọi là giáo hoàng giả.
Thánh Pontianô được bầu làm giáo hoàng năm 230. Đến năm 235, Maximinô trở thành hoàng đế của Rôma. Hầu như ngay lập tức, ông bắt đầu bách hại các Kitô hữu. Hình phạt thông thường nhất dành cho các giám mục và các linh mục là đày các ngài tới những hầm mỏ nguy hiểm ở Sađinia, nước Ý. Giáo hoàng Pontianô là một trong số những người bị đày tới các hầm mỏ này. Và ngụy giáo hoàng Hippolytô cũng bị đi đày như vậy.
Giáo hoàng Pontianô và Hippolytô đã bị đày ải. Gương khiêm nhường của giáo hoàng Pontianô đã làm cho Hippolytô xúc động; và ngài đã xin trở lại với Giáo hội dù cảm thấy cơn giận vẫn dâng trào trong tim. Giáo hoàng Pontianô đã thông cảm và yêu mến cha Hippolytô. Ngài nhận thấy những nhu cầu cần giúp đỡ và khích lệ nhau trong tình yêu mà các ngài dành cho Chúa Giêsu. Cả hai cùng là thánh tử đạo và là những chứng nhân cho mọi thời đại về sự tha thứ và niềm hy vọng của mọi người tín hữu.
Nếu lúc nào chúng ta nóng giận về một điều gì đó, chúng ta có tới hai vị thánh này sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. Chúng ta hãy nài xin thánh Pontianô ban cho chúng ta quả tim biết cảm thông và thánh Hippolytô ban cho đức vâng phục dễ thương của ngài.
Ngày 14 tháng 8
Thánh Maximilianô Kolbê
Râymunđô Kolbê sinh năm 1894 tại Ba Lan. Ngài gia nhập dòng Phanxicô năm 1907 và nhận tên là Maximilianô. Maximilianô rất yêu mến ơn gọi của mình, đặc biệt thánh nhân rất yêu mến Mẹ Maria. Thánh nhân đã thêm thánh danh “Maria” vào tên của ngài khi tuyên khấn trọng thể vào năm 1914. Cha Maximilianô Kolbê Maria tin rằng thế giới của thế kỷ thứ 20 này cần đến sự bảo trợ và hướng dẫn của Đức Mẹ. Cha đã dùng các phương tiện báo chí để làm cho thánh danh Mẹ được mọi người nhận biết. Maximilianô Maria và các anh em dòng Phanxicô hàng tháng đã xuất bản hai bản tin về Đức Mẹ và gởi tới các độc giả khắp nơi trên thế giới.
Đức Mẹ đã chúc lành cho công việc của cha Maximilianô Maria. Cha đã xây một trung tâm Thánh Mẫu lớn ở Ba Lan. Trung tâm này được gọi là “Đô Thành Mẹ Vô Nhiễm.” Vào năm 1938, đã có tới 800 tu sĩ Phanxicô sống và truyền bá lòng yêu mến Đức Mẹ tại nơi đây. Cha Kolbê cũng thiết lập một Đô Thành Mẹ Vô Nhiễm nữa tại Ấn Độ. Vào năm 1939, đảng Quốc xã xâm chiếm Đô Thành Mẹ Thiên Chúa ở Ba Lan. Họ đã bắt mọi người phải ngưng công việc tốt đẹp này. Đến năm 1941, đảng Quốc xã bắt giam cha Kolbê. Họ giam ngài trong một trại lao động khốn khổ tại Auschwitz.
Cha Maximilianô Kolbê bị giam tại Auschwitz được ba tháng thì có một tù nhân vượt ngục. Đảng Quốc xã liền bắt các tù nhân còn lại phải trả giá cho vụ đào tẩu đó. Họ đã chọn ngẫu nhiên mười tù nhân để bắt xuống hầm giam và bỏ đói cho chết. Hết mọi tù nhân đều đứng nghiêm lặng trong khi mười người bị lôi ra khỏi hàng. Một tù nhân đã có gia đình, là người bị chọn, bấy giờ lên tiếng xin tha mạng vì đàn con của ông. Cha Maximilianô Kolbê, không phải là người bị chọn, đã nghe biết và cảm thấy xúc động mạnh đến nỗi ngài quyết định giúp người bạn tù kia. Maximilianô Kolbê tiến lên phía trước và hỏi anh chỉ huy xem liệu ngài có thể thay thế chỗ của anh bạn tù đáng thương này không. Và người chỉ huy chấp nhận đề nghị của cha Maximilianô Kolbê.
Thế rồi, cha Maximilianô Kolbê và các tù nhân khác bị giải xuống hầm giam. Họ chỉ sống được vài ngày vì thiếu thực phẩm và nước uống. Cha Maximilianô Kolbê đã giúp đỡ và an ủi từng người một. Và lần lượt chín người đã chết, cha Maximilianô Kolbê là người cuối cùng. Người ta đã tiêm cho Maximilianô Kolbê một mũi thuốc phenon (acid carbolic) và đã kết thúc cuộc đời của ngài hôm 14 tháng Tám năm 1941. Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn phong cha Maximilianô Kolbê Maria lên bậc hiển thánh và tuyên nhận ngài là thánh tử đạo năm 1982.
Thánh Maximilianô Kolbê Maria là vị thánh anh hùng đã hiến mạng sống mình cho người khác được sống. Thánh nhân là người đặc biệt như vậy vì ngài là bạn rất thân thiết của Đức Maria. Chúng ta cũng sẽ là những bạn thân của Đức Maria nếu chúng ta hết lòng tôn kính và cầu khẩn với Mẹ.
Ngày 15 tháng 8
Lễ Đức Mẹ lên trời
Hôm nay chúng ta cử hành thánh lễ kính một đặc ân chuyên hữu, đặc ân độc nhất vô nhị của Đức Maria, Mẹ chúng ta. Lúc ngày đời của Mẹ chấm dứt nơi dương thế, Mẹ đã được Thiên Chúa mời gọi lên trời và đưa vào hưởng vinh quang thiên đàng – không chỉ riêng có linh hồn mà là cả thân xác thánh thiện của Mẹ cũng được đưa lên trời. Con Thiên Chúa đã khởi đầu cuộc sống làm người ngay tại cung lòng trinh khiết của Mẹ Maria. Cho nên, thật hợp lý khi nghĩ rằng thân xác Đức Mẹ cũng được Thiên Chúa tôn vinh ngay khi ngày đời của Đức Mẹ chấm dứt tại thế.
Giờ đây Mẹ Maria đang ở trên thiên đàng. Mẹ là Nữ Vương của cả trời đất. Mẹ là Mẹ của Giáo hội. Mỗi khi Mẹ xin Đức Chúa Giêsu ban cho chúng ta những ơn sủng nào thì Thiên Chúa liền thực hiện theo lời Đức Mẹ kêu xin.
Sau khi sống lại từ cõi chết, thân xác chúng ta cũng được chia sẻ phần thưởng thiên đàng. Sau khi phục sinh, thân xác chúng ta sẽ nên hoàn hảo. Chúng không còn bị bệnh tật chi phối nữa. Chúng không cần thực phẩm và nước uống để sống nữa. Chúng không bị mỏi mệt hay kiệt sức nữa. Chúng có thể đi bất cứ nơi đâu mà không cần thời giờ hay cố gắng. Thân xác chúng ta sẽ trở nên xinh đẹp và diễm lệ.
Tín điều Đức Maria mông triệu thăng thiên, tức linh hồn và thân xác của Đức Maria được đưa lên thiên đàng ân thưởng, là một giáo huấn của Giáo hội Công giáo. Chân lý tuyệt vời này được đức thánh cha Piô XII công bố ngày mùng 1 tháng Mười Một năm 1950.
Thật là tuyệt vời khi nhớ rằng Đức Maria là Mẹ yêu dấu của mỗi người chúng ta trên thiên đàng. Mẹ thực sự yêu thương chúng ta. Mẹ vẫn ở đó để giúp đỡ chúng ta mỗi khi chúng ta kêu cầu đến Mẹ. Mẹ muốn giúp chúng ta để, khi lìa cõi đời này, chúng ta cũng được vui hưởng hạnh phúc thiên đàng. Trong ngày sống, chúng ta hãy năng cầu khẩn với Mẹ bằng kinh Kính Mừng.
Ngày 16 tháng 8
Thánh Têphanô Hungary
Thánh Têphanô sinh khoảng năm 970 tại Hungary. Thánh nhân tên là Vaik, nhưng khi trở thành Kitô hữu lúc 10 tuổi, người ta lại gọi ngài là Têphanô. Cùng lúc ấy, thân phụ ngài là công tước xứ Hungary và nhiều quý tộc nữa cũng gia nhập đạo Công giáo. Tuy nhiên, khi Têphanô lên ngôi vua, cả quốc gia vẫn còn thờ ngẫu thần. Một số người đã có lối sống rất bạo lực và hung tợn. Vì thế, Têphanô quyết định thiết lập Giáo hội cách vững chắc tại Hungary; và các nỗ lực của ngài đã được Thiên Chúa chúc phúc. Thánh Têphanô đã thành công cách lạ lùng trong việc dẫn đưa các thần dân của ngài tìm đến với đức tin Công giáo. Bí quyết đó là do lòng sùng kính của Têphanô đối với Đức Mẹ Maria. Thánh Têphanô đã đặt toàn vương quốc dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ; và ngài đã cho xây một thánh đường nguy nga để tôn kính Đức Mẹ.
Đức thánh cha Sylveste II đã gởi cho Têphanô một vương miện tuyệt đẹp. Báu vật này được biết tới như vương miện của thánh Têphanô. Suốt Đại Thế Chiến Thứ Hai, binh lính Mỹ đã chiếm lấy chiếc vương miện này. Họ đã cất giữ nó cách an toàn và đã gởi trả lại cho Hungary hồi năm 1978.
Têphanô là một nhà lãnh đạo khôn ngoan và kiên quyết. Ngài buộc mọi người phải giữ luật công bằng. Nhưng thánh nhân cũng có lòng quảng đại và tử tế đối với những người nghèo khổ. Têphanô thích bố thí cho những người hành khất những gói tiền mà không cho họ biết ngài là ai. Một lần kia, khi Têphanô đang ngụy trang phân phát những gói tiền này thì một đám ăn mày thô bạo đã xông tới đánh ngài. Họ kéo tóc, giựt râu và lấy cắp túi tiền của Têphanô. Họ chẳng ngờ rằng họ đang bắt nạt đức vua của họ, vì lẽ họ không nhận ra ngài. Têphanô đã chấp nhận tủi nhục một cách lặng lẽ và khiêm tốn. Ngài nâng lòng trí lên Đức Mẹ và cầu nguyện: “Lạy Đức Nữ Vương thiên đàng, Mẹ hãy coi thần dân của Mẹ đã xử với con, là người mà Mẹ đã đặt làm vua, như thế đó! Vì họ là thần dân của Con Mẹ, nên con sẽ vui vẻ chấp nhận việc này, và con cám ơn Mẹ về việc ấy!” Thực sự, vua thánh Têphanô lúc ấy đã hứa rằng sẽ bố thí cho những người ăn mày này nhiều tiền hơn thế nữa.
Thánh Têphanô làm vua nước Hungary suốt 42 năm. Ngài qua đời ngày 15 tháng Tám năm 1038. Đức thánh cha Grêgôriô VII đã phong thánh cho Têphanô năm 1083.
Không phải cứ làm vua hay làm tổng thống thì gương sáng của chúng ta mới gây được ảnh hưởng. Một số người hằng ngày đã giảng những bài thật tuyệt vời bằng chính lối sống của họ. Khi cần nhiều can đảm để bắt chước gương lành của những người sống thánh thiện, chúng ta hãy nài xin thánh Têphanô Hungary trợ giúp.
Ngày 17 tháng 8
Thánh Gioan Đilăng
Thánh nữ Gioan Đilăng sinh năm 1666 tại miền Samur, nước Pháp. Ngài là con út trong gia đình có 12 người con. Gia đình Gioan làm nghề buôn bán nhỏ nhưng rất thành công. Khi bà mẹ góa qua đời, Gioan đã làm chủ cửa tiệm này. Gioan ích kỷ và tham lam, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện làm tiền; và vì thế, đã phạm nhiều tội mọn. Gioan trước đây rất sốt sắng đạo đức, nhưng bây giờ thì chỉ còn lại một chút lòng yêu mến hời hợt trong trái tim mà thôi. Trước đây thân mẫu Gioan luôn luôn rộng rãi với những người hành khất. Gioan, thay vào đó, chỉ mua thức ăn vừa đủ cho bữa ăn tối. Như thế Gioan mới có thể nói với bất cứ người hành khất nào đến gõ cửa xin mình rằng: “Xin lỗi, tôi không có gì để bố thí cho bạn cả!”
Gioan Đilăng cũng chẳng thấy vui gì với lối sống này. Rồi, lúc được 30 tuổi, tấm gương sáng của một quả phụ tên Phanxica Sôxê đã giúp Gioan thay đổi cuộc sống. Gioan nhận thấy rằng “việc kinh doanh” của mình không phải là để tích trữ tiền bạc nhưng là dùng để giúp đỡ tha nhân. Gioan bắt đầu quan tâm tới những gia đình nghèo khó và chăm sóc các trẻ mồ côi. Sau cùng, Gioan Đilăng đã đóng hẳn cửa tiệm của mình để dành trọn thời giờ phục vụ tha nhân. Người ta gọi căn nhà chứa đầy trẻ mồ côi của Gioan là “nhà Chúa Quan Phòng.” Rồi, Gioan thuyết phục các phụ nữ khác cùng tới giúp mình. Và họ đã trở thành các nữ tu dòng thánh Anna Chúa Quan Phòng Samur.
Thánh nữ Gioan Đilăng sống rất mực hy sinh. Chính thánh Luy Gri-nhông Môngpho đã gặp ngài. Thoạt đầu Luy tưởng rằng niềm kiêu hãnh đã làm cho Gioan tỏ ra vẻ khổ sở như thế, nhưng rồi thánh nhân nhận thấy trái tim của Gioan thực sự tràn đầy tình yêu Thiên Chúa. Thánh Luy nói: “Con hãy cứ tiếp tục công trình mà con đã khởi sự. Thần Khí của Chúa sẽ ở với con. Hãy vâng theo tiếng Người và đừng sợ gì!” Gioan Đilăng qua đời cách an bình năm 1736, hưởng thọ 70 tuổi. Dân thành Samur nói rằng: “Người chủ cửa tiệm nhỏ bé này đã giúp đỡ những người nghèo khổ tại đây nhiều hơn tất cả các ông ủy viên của thành phố gộp lại. Ôi một phụ nữ! Ôi một vị thánh!” Năm 1947, Gioan Đilăng được đức thánh cha Piô XII tôn lên bậc chân phước; và đến năm 1982, đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước Gioan Đilăng lên bậc hiển thánh.
Hằng ngày có nhiều người phải chịu cảnh đói khát. Chúng ta có thể nhận thấy được tầm quan trọng của việc tiết kiệm thực phẩm. Thậm chí, có lần chúng ta được mời ăn một thứ gì đó mà chúng ta không thích, chúng ta cũng vẫn cứ dùng. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ Gioan Đilăng ban cho chúng ta tinh thần tự chế của ngài.
Ngày 18 tháng 8
Thánh Giăng Săngtan
Thánh nữ Giăng Săngtan sinh năm 1572 tại thành Đigiông, nước Pháp. Thân phụ ngài, ông chủ tịch quốc hội Bôgôn, là một người đạo hạnh. Ông đã nuôi dạy con cái rất chu đáo sau khi người vợ qua đời. Giăng, đứa con ông hết sức yêu quý, kết hôn với Christôphơ, nam tước vùng Săngtan. Giăng và Christôphơ đã tha thiết yêu nhau. Thiên Chúa đã ban cho họ sáu người con. Giăng bày tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa bằng việc yêu thương chồng con rất mực. Rồi đột nhiên, một đau khổ khủng khiếp đã ập xuống trên gia đình hạnh phúc ấy. Nam tước Christôphơ bất ngờ bị một người bạn bắn chết trong một chuyến đi săn. Giăng Săngtan rất đau khổ. Khi Christôphơ qua đời, Giăng Săngtan đã tha thứ cho người đã cướp đi sinh mạng của chồng và thậm chí, thánh nữ đã nhận làm mẹ đỡ đầu cho đứa con của người ấy.
Thánh nữ Giăng Săngtan xin Chúa ban cho một linh mục thánh thiện để hướng dẫn cuộc đời của ngài. Trong lúc chờ đợi, Giăng Săngtan đã cầu nguyện và nuôi dạy con cái với tình yêu thương của Thiên Chúa. Thánh nữ Giăng Săngtan thăm viếng những người nghèo khổ, bệnh tật và những người đang hấp hối. Khi gặp được thánh Phanxicô Salêsiô, Giăng biết đây chính là vị linh mục thánh thiện mà Thiên Chúa sai tới hướng dẫn ngài. Chúng ta đã mừng lễ kính thánh Phanxicô Salêsiô hôm 24 tháng Giêng.
Theo kế hoạch của thánh Phanxicô Salêsiô, Giăng Săngtan và ba người chị em khác đã thiết lập hội dòng Thăm Viếng. Nhưng trước tiên, Giăng phải lo cho con cái của mình, hiện đã khôn lớn, được an cư lạc nghiệp. Giăng Săngtan cũng có nhiều trách nhiệm và thách đố khác nữa. Nhưng Giăng đã cố gắng noi theo chương trình của Thiên Chúa lúc vừa kịp biết dù cho khó khăn đến mức nào. Thánh nữ Giăng Săngtan đã can đảm trong hết mọi gian khó ngài gặp phải. Thánh nữ mở nhiều tu viện mới và ngài cũng phải chiến đấu với những cám dỗ bản thân. Thánh Vinhsơn Phaolô viết: “Trong mọi khó khăn của cuộc sống, gương mặt Giăng Săngtan đã không khi nào để mất đi vẻ bình thản. Giăng Săngtan đã luôn luôn trung thành với Thiên Chúa. Vì thế, tôi cho rằng Giăng Săngtan là một trong số các linh hồn rất thánh thiện mà tôi đã từng gặp thấy.”
Giăng Săngtan về trời ngày 13 tháng Mười Hai năm 1641. Đến năm 1767, đức thánh cha Clêmentê XIII đã tôn phong Giăng Săngtan lên bậc hiển thánh.
Như thánh nữ Giăng Săngtan, chúng ta cũng hãy trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mình, dù cho có lúc phải hy sinh. Chúng ta hãy bắt chước lòng can đảm và chí cương quyết của thánh nữ.
Ngày 19 tháng 8
Thánh Gioan Êuđê
Thánh Gioan Êuđê sinh năm 1601 tại Normanđi, nước Pháp. Thánh nhân là con trai cả của một gia đình làm nghề nông. Ngay lúc còn rất nhỏ, Gioan đã cố gắng bắt chước gương Đức Chúa Giêsu trong cách đối xử với gia đình, bạn bè và những người láng giềng. Khi Gioan lên 9, một hôm có một cậu bé đã vả vào mặt Gioan. Gioan cảm thấy tức giận, nhưng nhớ lại lời dạy của Đức Chúa Giêsu trong Phúc âm, Gioan tiến lại giơ luôn cả má bên kia ra nữa. Điều này đã khiến cho cậu bé nọ rất đỗi ngạc nhiên.
Song thân của thánh Gioan Êuđê muốn ngài lập gia đình và sinh con cái. Gioan đã dịu dàng nhưng cương quyết thưa với song thân là mình đã có ơn kêu gọi làm linh mục. Rồi Gioan xin gia nhập dòng Giảng Thuyết và học làm linh mục. Sau khi Gioan được thụ phong, có một cơn dịch tả đã tràn vào thành phố Normanđi. Nó gieo rắc đau khổ kinh hoàng và chết chóc. Cha Êuđê đã tình nguyện giúp đỡ các bệnh nhân, săn sóc họ cả về phần xác lẫn phần hồn. Sau đó, cha trở thành nhà giảng thuyết trứ danh chuyên giúp các tuần đại phúc tại các giáo xứ. Thật sự, suốt cuộc đời thánh Gioan Êuđê đã thuyết giảng cho 110 kỳ tĩnh tâm. Thánh nhân đã thiết lập dòng Chị Em Con Đức Mẹ Bác Ái chuyên phục vụ những người tị nạn. Cha Êuđê cũng sáng lập một dòng nam, là dòng Chúa Giêsu Maria, cho các linh mục. Dòng này có sứ mạng chuyên huấn luyện các thanh niên thành những linh mục coi xứ tốt lành.
Thánh Gioan Êuđê có lòng sùng mộ rất đặc biệt đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu và Khiết Tâm Mẹ Maria. Thánh nhân đã viết một cuốn sách trình bày về lòng sùng kính này. Rồi, Gioan Êuđê đã ốm nặng sau một bài thuyết giảng ngoài trời trong điều kiện thời tiết giá lạnh. Và ngài đã không thể bình phục. Gioan Êuđê qua đời năm 1680. Ngài được thánh giáo hoàng Piô X phong chân phước năm 1908. Thánh Piô X đã gọi Gioan Êuđê là tông đồ của lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa và Khiết Tâm Mẹ. Đến năm 1925, Gioan Êuđê được đức thánh cha Piô XI tôn phong lên bậc hiển thánh.
Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan Êuđê chỉ cho chúng ta biết cách tăng triển lòng yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Khiết Tâm Mẹ Maria. Chúng ta cũng hãy tìm hiểu về việc sùng kính Chín Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng và Năm Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng để đem ra thực hành
Ngày 20 tháng 8
Thánh Bênađô
Thánh Bênađô sinh năm 1090 tại thành Đigiông, nước Pháp. Bênađô và sáu em trai em gái của ngài được giáo dục rất tốt. Khi Bênađô lên 17, thân mẫu qua đời. Biến cố này đã làm Bênađô rất đỗi đau buồn cho tới khi Humbêlin, người em gái có bản tính rất hoạt của Bênađô, đến tìm cách giúp ngài khuây khỏa. Rồi chẳng mấy chốc, Bênađô trở nên rất nổi danh. Bênađô vừa đẹp trai vừa thông minh, tính tình lại vui vẻ và hay pha trò, nên mọi người đều ham thích được ở với ngài.
Tuy nhiên, vào một ngày kia, Bênađô đã khiến cho bạn bè của ngài phải hoàn toàn ngạc nhiên: Bênađô sẽ xin vào tu trong dòng khổ tu Xitô! Bạn bè của Bênađô đã tìm đủ mọi cách để làm cho ngài từ bỏ ý định này. Nhưng rốt cục, chính Bênađô lại thuyết phục được các anh em mình, một người cậu và 26 đồng bạn nữa cùng tham gia với ngài. Lúc Bênađô và các anh em rời nhà ra đi, họ đã nói với Nivard, người em út đang chơi đùa với chúng bạn, rằng: “Tạm biệt em Nivard! Tạm biệt em! Bây giờ tất cả đất đai và tài sản là của em đó!” Nhưng cậu em đáp lại: “Sao? Các anh chọn trời và để đất lại cho em sao? Các anh có công bằng không?” Và sau đó ít lâu, Nivard cũng xin gia nhập với các anh mình trong đan viện.
Thánh Bênađô là một đan sĩ rất mực đạo hạnh. Sau ba năm, thánh nhân được sai đi thiết lập thêm một đan viện Xitô và làm bề trên nhà ấy. Đan viện mới tọa lạc dưới Thung Lũng Ánh Sáng và đan viện đã nổi danh nhờ bởi danh xưng này. Trong tiếng Pháp, Thung Lũng “Clairvaux” có nghĩa là Thung Lũng Ánh Sáng. Thánh Bênađô đã giữ chức đan trưởng tại đây suốt đời.
Dù Bênađô ham thích đời sống làm việc và cầu nguyện bên trong đan viện, người ta vẫn thường hay mời ngài ra ngoài làm những nhiệm vụ đặc biệt. Bênađô đã rao giảng, kiến tạo hòa bình cho các nguyên thủ quốc gia và là cố vấn cho các đức giáo hoàng. Thánh Bênađô cũng viết nhiều sách thiêng liêng rất hay. Vào thời ấy, Bênađô là người có nhiều ảnh hưởng quan trọng vào bậc nhất. Tuy vậy, ao ước lớn nhất của Bênađô vẫn là được sống thân mật với Thiên Chúa, được làm một đan sĩ thánh thiện. Ngài không muốn được nổi danh. Vị thánh này còn có một lòng sùng kính Mẹ Maria rất ư lạ lùng. Mỗi khi đi ngang qua ảnh tượng Đức Mẹ, thánh nhân thường hay chào Mẹ bằng câu: “Kính chào Mẹ Maria!” Người ta nói rằng một ngày kia, Đức Mẹ đã đáp lại lời chào của ngài: “Chào con, Bênađô!” Bằng cách này, Đức Mẹ cho biết tình yêu và lòng sùng kính thánh Bênađô dành cho Đức Mẹ thật lớn lao chừng nào; và Đức Mẹ cũng hài lòng biết bao!
Thánh Bênađô về trời năm 1153. Dân chúng rất đau buồn vì họ thương nhớ những ảnh hưởng tuyệt vời của ngài. Năm 1174, đức thánh cha Alêxanđơ III đã phong thánh cho Bênađô. Và đức thánh cha Piô VIII đã tôn nhận Bênađô làm Tiến sĩ Hội Thánh năm 1830.
Thánh Bênađô nhắc nhở chúng ta rằng mỗi chúng ta là một sự khác biệt. Mỗi người chúng ta có thể cống hiến tài năng của mình để làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Nếu bạn phân vân không biết mình phải đóng góp điều gì, bạn hãy tha thiết cầu nguyện xin thánh Bênađô trợ giúp.
Ngày 21 tháng 8
Thánh Piô X
Vị giáo hoàng vĩ đại này có tên là Giuse Sartô, sinh năm 1835. Ngài là con trai của một người đưa thư ở Riese, nước Ý. Giuse có biệt danh dễ thương là “Beppi.” Khi quyết định muốn làm linh mục, Giuse đã phải cố gắng hy sinh rất nhiều để học hành. Nhưng Giuse chấp nhận tất cả. Giuse thậm chí đã đi chân không hàng dặm tới trường để tiết kiệm đôi giày tốt của mình. Sau khi được thụ phong linh mục, cha Sartô đã phục vụ tại các giáo xứ nghèo suốt 17 năm. Mọi người đều quý mến Sartô. Cha Sartô đã từng bán mọi thứ mình có để lấy tiền giúp họ. Các em gái của Sartô đã phải cất giấu mấy chiếc sơ-mi của ngài đi kẻo không thì Sartô sẽ chẳng còn gì để mặc. Dù sau này làm giám mục và hồng y, Giuse Sartô vẫn bố thí cho người nghèo những của cải mình có. Ngài chẳng hề giữ lại điều gì cho riêng mình!
Khi đức thánh cha Lêô XIII qua đời năm 1903, hồng y Sartô được chọn lên kế vị. Ngài nhận tước hiệu là Piô X. Ngài là giáo hoàng của bí tích Thánh Thể. Đức thánh cha Piô X đã khuyến khích mọi người hãy rước Chúa Giêsu Thánh Thể cách thường xuyên. Ngài cũng hạ thấp mức tuổi cho trẻ em để chúng được phép rước Chúa Giêsu vào lòng sớm hơn. Trước kia, để được lãnh bí tích Thánh Thể, các trẻ phải chờ đợi trong suốt nhiều năm. Ngài cũng là giáo hoàng của những chỉ dẫn tôn giáo. Ngài tin kính và yêu mến đức tin Công giáo. Ngài muốn mọi Kitô hữu đều được chia sẻ vẻ đẹp của các chân lý đức tin. Ngài thực sự quan tâm đến từng người với những nhu cầu vật chất và tinh thần của họ. Ngài khuyến khích các linh mục và các giảng viên giáo lý hãy cố gắng giúp mọi người học hiểu về đức tin Công giáo.
Khi Đại Thế Chiến thứ nhất bùng nổ, thánh giáo hoàng Piô X đã phải đau khổ nhiều. Ngài biết nhiều người sẽ bị giết chết. Thánh Piô X nói: “Cha sẽ vui mừng dâng hiến mạng sống cha để cứu những em nhỏ đáng thương khỏi nỗi đau kinh khủng này!” Về cuối đời, thánh nhân cũng nói: “Cha đã sống nghèo, và cha ao ước cũng được chết nghèo!” Piô X chẳng bao giờ giữ lại cho mình bất cứ của gì cho tới ngày về gặp Thiên Chúa. Giáo hoàng Piô X về trời ngày 20 tháng Tám năm 1914.
Giáo hoàng Piô X được đức thánh cha Piô XII tôn phong hiển thánh năm 1954. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên được phong thánh trong suốt 242 năm.
Thánh giáo hoàng Piô X hiểu rõ được tầm quan trọng của việc huấn giáo. Dạy trẻ em yêu mến Thiên Chúa và chuẩn bị cho chúng lãnh các phép bí tích là những ưu tư hàng đầu của thánh nhân. Cộng tác vào chương trình huấn giáo của giáo xứ chính là một cách chúng ta đang đóng góp phần mình để bảo tồn gia sản quý đẹp của thánh giáo hoàng Piô X.
Ngày 22 tháng 8
Lễ Đức Maria nữ vương
Chúng ta hãy liên kết ngày lễ hôm nay với ngày lễ Đức Maria hồn xác lên trời, mà chúng ta đã mừng hôm 15 tháng Tám. Hôm nay, chúng ta hãy suy niệm về mầu nhiệm Đức Maria được hiệp nhất với Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Mẹ trên thiên đàng. Mẹ đang ở đó, với cả linh hồn và trọn thân xác của Mẹ.
Dù cho các chính phủ ngày nay thường là những chính phủ cai trị theo nguyên tắc của chế độ dân chủ, chúng ta cũng vẫn có thể hiểu được tầm quan trọng của các vua chúa cũng như các bà hoàng trong lịch sử của nhiều quốc gia. Một bà hoàng tốt thì luôn được thần dân hết lòng phục vụ và yêu mến. Đó là hình ảnh bà hoàng mà chúng ta gặp thấy nơi Đức Maria. Mẹ thật là một Bà Hoàng dễ thương và nhân hậu. Mẹ cũng là Mẹ và là Thầy của mỗi người chúng ta.
Với tư cách là Mẹ, Mẹ Maria luôn quan tâm săn sóc chúng ta. Đừng bao giờ xấu hổ khi phải cầu xin Đức Mẹ bất cứ điều gì. Đức Mẹ sẽ ban cho ta được những ơn phần hồn. Mẹ sẽ trợ giúp ta cả những ơn phần xác. Đức Mẹ cũng là người Thầy của chúng ta, vì Mẹ để lại cho chúng ta một mẫu gương, dạy ta biết cách trở nên những môn đệ đích thực của Đức Chúa Giêsu Con Mẹ. Nếu ta đón nhận Mẹ làm Nữ Vương của mình, ta sẽ được Mẹ dạy cho biết nhiều điều kỳ diệu về sự sống của Đức Chúa Giêsu trong ta. Mẹ sẽ dẫn ta đến với Con của Mẹ.
Chúng ta có thể tôn kính Mẹ Maria mỗi ngày bằng nhiều cách. Chúng ta có thể đọc kinh Kính Mừng trong ngày. Chúng ta có thể dùng một quãng thời gian thanh vắng nào đó để cầu nguyện và đọc kinh Mân Côi. Chúng ta có thể mang trong mình một mẫu ảnh hay một bức tượng nhỏ của Mẹ để nhắc nhớ ta tôn kính Mẹ bằng những lời kinh. Đó là phương thế chúng ta đặt Mẹ làm trung tâm và là Nữ Vương của lòng mình.
Chúng ta hãy năng đọc kinh Kính Mừng trong ngày: Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
Ngày 23 tháng 8
Thánh Rôsa Lima
Vị thánh nữ gốc người Nam Mỹ này sinh năm 1586 tại thành phố Lima, nước Pêru. Tên thật của ngài là Isabel, nhưng khi còn nhỏ thánh nữ rất xinh đẹp đến nỗi người ta đã gọi ngài là Rôsa. (Rôsa bên tiếng Latinh có nghĩa là hoa hồng.) Rôsa được thánh Turibiô, tổng giám mục thành Lima, ban phép Thêm sức. Chúng ta đã mừng lễ kính vị thánh này hôm 23 tháng Ba. Càng lớn Rôsa càng xinh đẹp. Một ngày kia, thân mẫu Rôsa kết một vòng hoa và đặt lên đầu Rôsa, có ý tỏ cho bạn bè biết Rôsa của bà thật đáng yêu chừng nào! Nhưng Rôsa không cảm thấy ấn tượng gì. Rôsa chỉ muốn được một mình Đức Chúa Giêsu nhận biết và yêu mến Rôsa mà thôi! Rôsa Lima không nghĩ mình là quan trọng vì có sắc đẹp hơn người. Thánh nữ nhận biết rằng diện mạo bên ngoài của con người thật chẳng là gì so với nét đẹp bên trong của tâm hồn. Vì lý do này, Rôsa Lima luôn tránh đề cập đến diện mạo xinh đẹp mà chỉ quan tâm tới vẻ đẹp của linh hồn mình thôi. Rôsa Lima nhận thức rằng linh hồn mình sẽ xinh đẹp hơn nếu biết cầu nguyện, đền tội và thực hành các nhân đức.
Thánh nữ Rôsa Lima đã chăm chỉ làm vườn và may vá để giúp đỡ song thân nghèo khổ. Thánh nữ sống khiêm tốn, luôn vâng lời song thân trừ việc song thân bắt ép phải lập gia đình. Điều này Rôsa cương quyết không nghe. Tình yêu của Rôsa dành cho Đức Chúa Giêsu thật lớn lao đến độ gương mặt Rôsa tỏa sáng mỗi khi ngài cầu nguyện. Rôsa Lima chỉ muốn sống cho riêng mình Đức Chúa Giêsu mà thôi. Thánh nữ gia nhập dòng Ba Đa Minh và sống trong một túp lều nhỏ, gia sản mà song thân để lại.
Thánh nữ Rôsa Lima cũng bị ma quỷ cám dỗ nhiều. Đó là những lần thánh nữ phải chiến đấu với nỗi cô đơn và buồn chán. Trong những lúc ấy, Thiên Chúa có vẻ như đang ở một nơi xa thật xa. Tuy nhiên, Rôsa Lima vui vẻ dâng hết mọi khó khăn cho Người. Thánh nữ tiếp tục cầu nguyện để niềm tin được vững mạnh hơn. Trong cơn bạo bệnh cuối đời, vị nữ anh thư này đã thường cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban thêm đau khổ cho con, và cùng với đau khổ, xin cũng gia tăng trong con lòng yêu mến Ngài!” Thánh nữ Rôsa Lima về trời ngày 24 tháng Tám năm 1617 tại thành phố Lima, lúc được 31 tuổi.
Rôsa Lima được đức thánh cha Clêmentê X tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1671, và ngài cũng đặt thánh nữ làm thánh bổn mạng của Mỹ châu, Tây âu và Philippin.
Thánh nữ Rôsa Lima không tự hào về nhan sắc của mình. Thánh nữ chỉ cố gắng tô bồi vẻ đẹp nội tâm vì Chúa Giêsu. Mỗi khi quá chú tâm tới diện mạo của mình, chúng ta hãy nài xin thánh nữ Rôsa Lima giúp chúng ta biết để tâm đến những gì thực sự là quan trọng trong cuộc sống.
Ngày 24 tháng 8
Thánh Batôlômêô
Thánh Batôlômêô là một trong các tông đồ đầu tiên của Đức Chúa Giêsu. Batôlômêô còn có tên gọi khác là Nathanael. Batôlômêô quê ở Cana, xứ Galilêa. Ngài trở thành môn đệ của Đức Chúa Giêsu khi anh bạn Philipphê mời ngài tới và gặp Đức Chúa Giêsu. Nathanael đã được Đức Chúa Giêsu khen ngợi vừa khi Chúa gặp ngài: “Đây đích thực là người không có gì gian dối!” (Ga 1,47). Chúa Giêsu biết Nathanael thật đúng là người lương thiện và chân thành. Ngài chỉ ước ao tìm biết chân lý mà thôi!
Nathanael rất đỗi ngạc nhiên khi nghe Đức Chúa Giêsu nói như vậy. Ngài hỏi Chúa: “Sao Người biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời: “Trước lúc Philipphê gọi ngươi, Ta đã thấy ngươi đang ở dưới cây vả.” Đó là một nơi cầu nguyện tuyệt vời. Nathanael hẳn là phải nhận thấy Đức Chúa Giêsu đã đọc được tâm hồn của ngài lúc ngài cầu nguyện. “Lạy Thầy!” Nathanael kêu lên, “Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel!” (Ga 1,49). Và Nathanael đã trở thành một trong các tông đồ trung thành của Đức Chúa Giêsu.
Như các tông đồ khác, Nathanael, hay còn gọi là Batôlômêô, đã rao giảng Tin mừng của Đức Chúa Giêsu và đã liều mất mạng sống mình vì Tin mừng. Người ta nói rằng thánh nhân đã tới Ấn Độ, Ácmênia và nhiều nơi khác nữa. Ngài đã rao giảng với tất cả nhiệt tâm cho đến khi liều mạng sống vì đức tin. Và vì thế, thánh Batôlômêô không những đã nhận được phần thưởng của bậc tông đồ, mà ngài còn lãnh được triều thiên tử đạo.
Chúa Giêsu đã ngưỡng mộ lòng chân thành của thánh Batôlômêô. Dù có những ý kiến khác biệt nhưng thánh nhân không phải là một người ngoan cố, do vậy, thánh nhân đã được Đức Chúa Giêsu khen ngợi. Chúa Giêsu cũng ban cho thánh Batôlômêô ơn đức tin và ơn làm tông đồ. Chúng ta hãy nài xin thánh Batôlômêô giúp chúng ta cứ mãi thăng tiến trong niềm tin của mình.
Ngày 25 tháng 8
Thánh Luy
Thánh Luy sinh ngày 25 tháng Tư năm 1214. Thân phụ ngài là vua Luy VIII cai trị nước Pháp; và thân mẫu ngài là hoàng hậu Blăngsơ. Người ta thuật truyện rằng khi hoàng tử Luy còn nhỏ, hoàng hậu Blăngsơ đã ôm ghì ngài vào lòng và nói: “Mẹ yêu con, hỡi con yêu dấu của mẹ, mẹ yêu con rất nhiều, nhiều như bất cứ người mẹ nào có thể yêu thương đứa con của mình. Nhưng mẹ thà thấy con chết dưới chân của mẹ còn hơn là thấy con phạm một tội trọng!” Luy hằng ghi tâm khắc cốt lời dạy của thân mẫu. Luy lớn lên trong sự dưỡng dục và ấp ủ của niềm tin Công giáo. Khi Luy lên 12, vua cha băng hà; và Luy lên ngôi kế vị cha. Tuy nhiên, hoàng hậu Blăngsơ đã nắm quyền trị nước cho tới khi Luy được 21 tuổi.
Thánh Luy là một vị quân vương rất đặc biệt. Ngài kết hôn với cô Margaret, con gái của một bá tước. Cả hai rất tha thiết yêu nhau. Họ sinh được 11 người con. Luy là người chồng và là người cha tốt lành. Khi hoàng hậu Blăngsơ còn sống, bà là cố vấn rất được Luy quý trọng. Dù bận rộn với trăm công nghìn việc, Luy cũng gắng xếp thời giờ để tham dự thánh lễ và nguyện kinh Thần vụ hằng ngày. Vua thánh Luy là hội viên của dòng Ba Phanxicô và ngài sống rất mực giản dị. Luy rất quảng đại và rất có công tâm. Ngài cai trị thần dân với đức khôn ngoan, bác ái theo giáo huấn của Chúa Kitô. Đối với vua thánh Luy, tin và sống chỉ là một. Luy biết cách dàn xếp những cuộc cãi vã và tranh chấp. Ngài lắng nghe những người nghèo khổ và thiệt thòi về quyền lợi. Ngài dành thời giờ cho mọi người chứ không cho riêng những người giàu có và quyền thế. Ngài cũng ủng hộ nền giáo dục Công giáo và đã xây cất nhiều tu viện.
Nhà sử học Joinville đã viết một cuốn tiểu sử về vua thánh Luy. Ông nói rằng mình đã trải qua 22 năm phục vụ nhà vua. Ông làm bạn hàng ngày với vua và ông nói rằng trong suốt những năm ấy, chưa bao giờ nghe thấy vua Luy chửi thề hay nói một lời tục tĩu nào. Vua Luy cũng không cho phép ai được dùng loại ngôn ngữ thô bỉ đó trong lâu đài của vua.
Thánh vương Luy cảm thấy phải khẩn trương giúp đỡ các Kitô hữu đang chịu đau khổ tại đất thánh. Ngài muốn tham gia các cuộc thánh chiến để dành lại đất thánh đang bị những người Hồi giáo chiếm giữ. Lần đầu vua Luy bị bắt làm tù binh. Thế nhưng ngay cả ở trong tù, Luy cũng sống như một hiệp sĩ của Chúa Kitô. Luy tỏ ra hiên ngang và cao thượng trong mọi lối hành xử. Sau đó, Luy được trả tự do và được trở về cai trị vương quốc của mình ở Pháp. Tuy nhiên, chớp lấy cơ hội, Luy lại sang đất thánh lần nữa, nhưng trên đường đi Luy bị mắc bệnh sốt thương hàn. Trước lúc qua đời, thánh Luy đã cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con sẽ tiến vào nhà Chúa, thờ lạy Chúa trong thánh điện của Ngài và dâng Chúa vinh quang xứng với danh Ngài!” Thánh Luy qua đời ngày 25 tháng Tám năm 1270, lúc được 56 tuổi. Đến năm 1297, đức thánh cha Bôniphaxiô VIII đã tôn phong Luy lên bậc hiển thánh.
Sống trọn vẹn những giá trị Tin mừng ở bất cứ thời đại lịch sử nào cũng thật là điều không mấy dễ dàng. Vua thánh Luy nước Pháp, bằng gương sáng của mình, đã dạy chúng ta phải dành thời giờ cho Thiên Chúa và cho việc cầu nguyện. Nếu bị cám dỗ là quá bận rộn với công việc đến nỗi không thể cầu nguyện được, chúng ta hãy nài xin thánh vương Luy chỉ cho chúng ta bí quyết của ngài.
Hôm nay chúng ta cũng mừng lễ kính thánh Giuse Calaxansiô.
Ngày 26 tháng 8
Thánh Êlizabeth Bichiê
Thánh nữ Êlizabeth Bichiê sinh năm 1773 tại nước Pháp. Khi còn nhỏ, Êlizabeth rất thích chơi trò xây các lâu đài trên cát. Nhiều năm sau, Êlizabeth phải xây các tu viện cho các chị em trong hội dòng ngài thành lập. “Tôi đoan chắc nghề xây cất là công việc của tôi,” Êlizabeth đùa vui, “vì tôi đã thực tập công việc này ngay từ thuở nhỏ!” Thực ra, vào năm 1830, tám năm trước khi về trời, thánh nữ Êlizabeth Bichiê đã xây được tất cả hơn 60 tu viện.
Trong thời gian cuộc cách mạng Pháp nổ ra, gia đình của Êlizabeth đã mất hết mọi sự. Lý do là vì những người theo chế độ cộng hòa đã chiếm hết tài sản của giới quý tộc. Nhưng Êlizabeth 19 tuổi lúc ấy rất thông minh. Ngài học luật và đã giúp gia đình làm đơn kiện và đòi lại tài sản. Khi Êlizabeth được kiện và đã cứu giúp gia đình thoát khỏi hoàn cảnh hoang tàn, thì có người thợ đóng giày ở cùng xóm nói với Êlizabeth: “Tôi thấy việc cô phải làm lúc này là hãy kết hôn với một ông đảng viên đảng Cộng hòa!” Tuy vậy, Êlizabeth không có ý định lập gia đình với bất cứ ai – dù là quý tộc hay đảng viên đảng Cộng hòa. Phía sau bức ảnh Đức Mẹ, Êlizabeth đã viết dòng chữ: “Con xin tận hiến mình con cho Chúa Giêsu và Đức Mẹ mãi mãi!”
Với sự trợ giúp của thánh Anrê Phơnê, Êlizabeth Bichiê đã thiết lập một hội dòng mới trong Giáo hội, gọi là dòng Nữ Tử Thánh Giá. (Muốn biết thêm thông tin về thánh Anrê Phơnê, xin bạn đọc tích truyện về thánh nhân ở ngày 14 tháng Sáu.) Mục đích của hội dòng là giáo dục trẻ em và chăm sóc bệnh nhân. Để giúp đỡ tha nhân, ÊlizabethBichiê đã phải đương đầu với bất cứ nguy hiểm nào. Lần kia, thánh nữ gặp một người đàn ông vô gia cư đang nằm liệt trong một chuồng ngựa. Êlizabeth đã đem ông vào bệnh viện của dòng để săn sóc cho tới khi ông qua đời. Sáng hôm sau, viên cảnh sát trưởng đến gặp sơ Êlizabeth Bichiê và nói rằng sơ có thể sẽ bị bắt vì đã cất giấu một tên tội phạm. Êlizabeth không tỏ ra chút gì sợ hãi. Thánh nữ nói: “Thưa ông, tôi đã chỉ làm một điều mà có lẽ bản thân ông cũng sẽ làm. Tôi đã tìm thấy bệnh nhân đáng thương này và đã săn sóc ông ấy cho tới khi ông ấy qua đời. Tôi sẵn sàng thuật lại cho quan tòa biết những gì đã xảy ra.” Dĩ nhiên, lòng bác ái và chân thành của thánh nữ Êlizabeth đã làm cho thánh nữ được nể trọng. Dân chúng rất khâm phục lối trả lời thẳng thắn và trong sáng của ngài.
Thánh Anrê Phơnê, đấng sáng lập hội dòng Nữ Tử Thánh Giá, qua đời năm 1834. Thánh nữ Êlizabeth Bichiê đã viết thư cho các chị em dòng ngài rằng: “Đây thật là nỗi đau buồn và mất mát to lớn đối với chúng ta!” Êlizabeth Bichiê về trời ngày 26 tháng Tám năm 1838. Ngài được đức thánh cha Piô XII tôn phong hiển thánh năm 1947.
Thánh nữ Êlizabeth Bichiê thật can đảm và giàu nghị lực. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ ban cho chúng ta ơn sống đời Kitô hữu cách nhiệt tình hơn nữa. Thánh nữ sẽ giúp chúng ta trở thành những môn đệ hào hiệp của Đức Chúa Giêsu.
Ngày 27 tháng 8
Thánh Monica
Thánh nữ Monica, thân mẫu của thánh Augustinô, sinh năm 332 tại Tagas, Bắc Phi. Thánh nữ được dưỡng dục trong một gia đình Công giáo đạo hạnh. Chính việc đào luyện nghiêm túc này đã giúp cho Monica có nhiều nghị lực khi kết hôn với Patriciô, một người ngoại đạo. Patriciô rất ngưỡng mộ vợ mình nhưng lại làm cho vợ phải đau khổ nhiều vì những nết xấu của ông. Monica đã chịu đựng điều này với lòng kiên nhẫn và ngài đã tha thiết cầu nguyện. Khi Patriciô về cuối đời, Monica mới nhận thấy những lời cầu xin của ngài được Thiên Chúa đoái nhận. Patriciô chồng ngài đã chấp nhận đức tin Công giáo vào năm 370. Một năm sau, ông được lãnh bí tích Thanh tẩy ngay trên giường bệnh. Mẹ của Patriciô, tức bà nội của Augustinô, cũng trở thành một Kitô hữu.
Niềm vui của thánh nữ Monica vì người chồng được ơn hoán cải chưa kéo dài được bao lâu thì lại biến thành niềm đau tột độ. Thánh nữ nhận thấy con trai Augustinô của ngài đang sống một cuộc đời ích kỷ và trụy lạc. Cậu thanh niên rất thông minh này đã ngả theo lạc giáo và đang sống một nếp sống vô luân. Monica cầu nguyện, khóc lóc và làm rất nhiều việc đền tội cho người con. Thánh nữ đã xin nhiều linh mục nói chuyện với cậu. Tuy nhiên, Augustinô rất thông minh nhưng cũng rất bướng bỉnh. Cậu không chịu từ bỏ lối sống tội lỗi của mình.
Thế nhưng Monica không sờn lòng nản chí! Khi Augustinô trốn ngài sang Rôma, Monica đã theo sau con mình. Tới Rôma, Monica nhận thấy Augustinô đang dạy học bên thành Milan, Monica lại sang Milan. Và trong tất cả những năm đó, Monica không ngớt cầu nguyện cho Augustinô con trai của ngài. Tình yêu và niềm tin của thánh nữ Monica vĩ đại biết bao! Sau những năm dài cầu nguyện và sống trong nước mắt, rốt cục Augustinô đã được ơn trở lại. Phần thưởng dành cho thánh nữ Monica thật lớn lao! Augustinô không chỉ là một Kitô hữu tốt lành như ước nguyện của Monica, mà ngài còn là một linh mục, một giám mục, một tác giả vĩ đại và là một vị thánh rất mực nổi danh. Chúng ta cử hành thánh lễ kính thánh Augustinô vào ngày mai, 28 tháng Tám, ngay sau lễ kính thánh nữ Monica.
Thánh nữ Monica qua đời năm 387 tại Ostia, bên ngoài thành phố Rôma. Augustinô đã ở bên giường thánh nữ lúc ngài về trời. Thánh Monica là bổn mạng của các bà mẹ, cách riêng các bà mẹ Công giáo.
Nếu lời cầu nguyện của chúng ta chưa được chấp nhận ngay, chúng ta cũng không nên vì đó mà sờn lòng nản chí. Như thánh nữ Monica, chúng ta hãy cứ tiếp tục cầu nguyện. Chúa Giêsu trong Tin mừng nói với chúng ta rằng hãy kiên nhẫn cầu xin, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được điều mình mong muốn.
Ngày 28 tháng 8
Thánh Augustinô
Thánh Augustinô sinh ngày 13 tháng Mười Một năm 354 tại Tagas, Tân Algiêria. Ngài được thân mẫu mình là thánh nữ Monica nuôi dưỡng trong bầu khí Kitô giáo. (Chúng ta vừa mừng lễ kính thánh nữ Monica hôm qua.) Augustinô đã tới thành Cáctagô để khởi sự con đường học vấn. Nhưng sau một thời gian, ngài bỏ đời sống đức tin Kitô giáo và đã trải qua nhiều năm sống trong tội lỗi và tin theo những giáo thuyết sai lầm. Thân mẫu ngài, thánh Monica, đã ngày đêm cầu nguyện cho ngài được ơn trở lại. Tại Milan, các bài giảng thuyết kỳ diệu của thánh Ambrôsiô cũng gây ảnh hưởng trên cả hai mẹ con Augustinô.
Sau cùng, Augustinô chân nhận rằng chỉ có Kitô giáo mới là tôn giáo đích thực. Tuy vậy, Augustinô chưa dám trở thành Kitô hữu vì nghĩ rằng mình không thể sống cuộc đời trong sạch được. Nhưng một ngày kia, thánh nhân nghe biết có hai người đột nhiên được ơn trở lại sau khi đọc truyện thánh Antôn Ai Cập (lễ kính thánh Antôn Ai Cập mừng ngày 17 tháng Giêng). Augustinô cảm thấy hổ thẹn. “Chúng ta phải làm gì đây?” Augustinô lớn tiếng hỏi người bạn của ngài. “Những người bé mọn đã nên thánh cách mạnh mẽ. Còn chúng ta, với những cái đầu chứa đầy kiến thức, chúng ta lại quá hèn nhát đến nỗi cứ để mình lăn hoài trong đống bùn nhơ!”
Hết sức buồn phiền cay đắng, Augustinô đi ra một góc vườn và cầu nguyện: “Lạy Chúa, tới bao giờ con mới thôi phạm tội?” Ngay lúc đó, Augustinô nghe thấy tiếng một em nhỏ hát những lời này: “Hãy cầm lấy và đọc!” Nghĩ rằng Thiên Chúa gởi cho mình sứ điệp qua em nhỏ này, Augustinô đã cầm cuốn Kinh Thánh lên và mở ra. Thánh nhân gặp ngay đoạn thư của thánh Phaolô ghi rằng anh em đừng sống vô luân mà hãy bắt chước mẫu gương của Đức Chúa Giêsu. Và đó là điều mà Augustinô đang cần. Từ lúc đó trở đi, Augustinô bắt đầu sống một đời sống mới.
Augustinô được lãnh bí tích Thanh tẩy vào Thứ Bảy Tuần Thánh năm 387. Bốn năm sau, ngài được thụ phong linh mục. Đến năm 396, Augustinô được đặt làm giám mục thành Hippôn thay cho giám mục Valêriô vừa qua đời. Augustinô viết nhiều tác phẩm giải thích và bảo vệ đức tin Công giáo. Cho đến nay, những lá thư, bài giảng và những giáo thuyết của thánh Augustinô vẫn còn rất giá trị trong lãnh vực nghiên cứu triết học lẫn thần học. Trên bức tường trong căn phòng của Augustinô, có một khẩu hiệu được viết như sau: “Nơi đây chúng ta không nói xấu ai!” Thánh Augustinô đã bảo vệ những giáo huấn của Giáo hội cho khỏi các sai lầm. Augustinô sống rất giản dị và năng giúp đỡ người nghèo. Thánh nhân thường giảng dạy và cầu nguyện cách rất tha thiết cho tới lúc qua đời. Có lần Augustinô đã kêu lên: “Lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng!” Nhưng thánh nhân đã dùng quãng đời còn lại của mình để yêu mến Thiên Chúa và làm cho người khác cũng yêu mến.
Suy nghĩ về đời sống các thánh, chúng ta hãy tự hỏi mình: “Sao tôi không thể làm được những điều mà các thánh đã làm nhỉ?” Chúng ta cũng có thể nên thánh nếu mỗi ngày chúng ta chăm chỉ cầu nguyện để biết được ý Chúa và thực hiện ý muốn của Người.
Ngày 29 tháng 8
Lễ thánh Gioan tẩy giả bị trảm quyết
Thánh Gioan tẩy giả là người anh họ của Đức Chúa Giêsu. Thân mẫu ngài là thánh nữ Êlizabeth và thân phụ ngài là ông Zacaria. Chương đầu tiên của Tin mừng theo thánh Luca thuật lại biến cố sinh nhật tuyệt vời của thánh Gioan. Và Tin mừng theo thánh Marcô, nơi chương thứ 6, các câu 14-29, kể lại những chi tiết tàn bạo về cái chết của Gioan tẩy giả.
Vua Hêrôđê lấy vợ của anh mình là bà Hêrôđia. Gioan nói cho Hêrôđê biết điều ấy là sai, nhưng Hêrôđê và Hêrôđia không muốn nghe và giữ giới luật của Thiên Chúa. Họ chỉ muốn làm theo ý riêng mình. Và Gioan tẩy giả đã phải trả giá cho lòng tốt của ngài! Tuy nhiên, thánh nhân không thể hành động theo cách khác được. Ngài không im lặng trước tội lỗi và bất công. Sứ mệnh của Gioan là mời gọi người ta cải hối cuộc đời; và ngài mong muốn cho hết thảy mọi người được ơn giao hòa cùng Thiên Chúa.
Hêrôđia đã giữ mối hận thù đối với Gioan. Và khi dịp thuận tiện xảy đến, bà đã ra tay sắp đặt để Gioan bị chém đầu. Gioan đã phải chấp nhận những hậu quả nghiệt ngã cho việc giảng dạy chân lý Phúc âm.
Thánh Gioan tẩy giả rao giảng phép rửa sám hối, chuẩn bị cho người ta đón nhận Đấng Mêsia. Ngài đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu trong dòng sông Giođan và được hưởng kiến niềm vui vì sứ mệnh công khai của Chúa Giêsu đã khởi sự. Gioan tẩy giả đã khích lệ các môn đồ của mình đi theo Đức Chúa Giêsu. Ngài biết rằng danh Chúa phải tỏa sáng ra, còn danh mình phải lu mờ đi. Trong chương thứ nhất Phúc âm theo thánh Gioan, thánh Gioan tẩy giả nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, chỉ thức tỉnh người ta hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng mà thôi! Thánh nhân mời gọi mọi người hãy sẵn sàng để chuẩn bị đón nhận Đấng Mêsia. Sứ điệp của Gioan tẩy giả phải chăng cũng là sứ điệp của mỗi người chúng ta?
Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan tẩy giả giúp chúng ta luôn sẵn sàng để đón nhận Chúa Giêsu ngự đến trong cuộc sống của mình.
Ngày 30 tháng 8
Thánh Fiacrê
Thánh Fiacrê sinh tại Ai Len vào thế kỷ thứ 7. Để tìm kiếm một nơi thanh vắng hầu được sống thân mật với Thiên Chúa, Fiacrê đã trẩy tàu sang Pháp. Đức giám mục Mêô đã ban cho Fiacrê một phần đất trong một khu rừng. Truyền thuyết kể rằng đức giám mục dẫn Fiacrê tới một cánh rừng và nói với Fiacrê: “Trong vòng một ngày con xới được bao nhiêu đất thì bấy nhiêu sẽ thuộc về phần con!” Nhưng thay vì dùng cày để xới cho được nhiều đất hơn thì thánh Fiacrê lại cho thấy ngài muốn sống thật giản dị bằng cách chỉ dùng đầu cây gậy đi đường của ngài để xới đất.
Thánh Fiacrê dọn dẹp khu đất và dựng một căn nhà nhỏ cho mình cũng như làm một căn nhà cho các du khách có chỗ dừng chân và nghỉ ngơi. Ít lâu sau, người ta tuôn đến với Fiacrê để xin ngài khuyên nhủ. Thánh Fiacrê chia sẻ cho người nghèo những gì ngài có, và ngài cũng chăm sóc những người đau yếu. Đôi lúc, Fiacrê chữa bệnh cho họ bằng những phép lạ.
Ngay cả sau khi qua đời, nhiều phép lạ đã xảy ra khi người ta đến thăm ngôi nguyện đường bé nhỏ của thánh Fiacrê. Thánh Fiacrê được đặt làm thánh bổn mạng của những người làm vườn.
Thánh Fiacrê chỉ cho chúng ta thấy việc giúp đỡ những người nghèo khổ không chỉ là bổn phận của riêng những người giàu có. Ngay cả khi không có nhiều, chúng ta cũng luôn luôn có thể chia sẻ cái chúng ta đang có với những người kém may mắn hơn mình.
Ngày 31 tháng 8
Thánh Aiđan Linđisphan
Thánh Aiđan Linđisphan là một tu sĩ gốc người Ai Len sống vào thế kỷ thứ 7. Thánh nhân sống tại một tu viện rất nổi tiếng ở Iôna do thánh Côlumba thiết lập. Thánh Oswald, lên ngôi vua cai trị miền Bắc nước Anh năm 634, đã xin các nhà truyền giáo tới giảng cho thần dân ngoại đạo của ngài. Người đầu tiên đến nhưng chẳng bao lâu đã trở về phàn nàn rằng dân Anh rất ư cục tính, bướng bỉnh và phóng túng. Rồi các tu sĩ họp nhau lại để cùng giải quyết vấn đề. Thánh Aiđan mới nói với vị tu sĩ đã trở về rằng: “Theo tôi nghĩ, anh đã xử quá nghiêm khắc với những người ấy.” Sau đó, thánh nhân giải thích rằng, như thánh Phaolô dạy, trước hết ta hãy trình bày những điều dễ hiểu. Rồi khi đức tin của họ trưởng thành hơn, lúc ấy ta mới có thể khuyên họ làm nhiều việc trọn lành hơn theo thánh luật của Thiên Chúa.
Khi các tu sĩ nghe những lời lẽ khôn ngoan ấy, họ mới quay sang nói với Aiđan: “Anh hãy là người tới đó rao giảng Tin mừng đi!” Và Aiđan đã nhận lời lên đường. Ngài lãnh nhiệm vụ mới với lòng khiêm nhượng và tinh thần cầu nguyện. Rồi Aiđan bắt đầu rao giảng. Chính vua Oswald đã phiên dịch các bài giảng thuyết của Aiđan ra tiếng Anh cho tới khi Aiđan sử dụng được ngôn ngữ này. Thánh Aiđan cũng du lịch đây đó, nhưng ngài luôn luôn đi bộ. Ngài giảng dạy và giúp đỡ nhiều người. Aiđan tử tế với người nghèo khổ và ham thích lối sống dung dị. Thánh nhân làm nhiều việc tốt và được mọi người yêu mến. Sau 30 năm kể từ lúc thánh Aiđan đặt chân tới truyền giáo tại vùng đất này, bất cứ tu sĩ hay linh mục nào đến đây cũng đều được người dân trong làng vui vẻ tiếp đón.
Trên đảo Linđisphan, thánh Aiđan đã xây cất một tu viện lớn. Vì có nhiều vị thánh đã xuất thân từ đây nên địa danh Linđisphan cũng trở nên nổi tiếng như đất thánh. Dần dần, ảnh hưởng của các nhà truyền giáo nhiệt thành này đã làm cho vùng đất phía Bắc nước Anh trở nên một vùng đất văn minh và Kitô hóa. Thánh Aiđan Linđisphan qua đời năm 651.
Chúng ta học được nơi đời sống của thánh Aiđan Linđisphan điều này: Lời chứng của người có tâm hồn vui vẻ và hào hiệp sẽ đích thực chạm tới tha nhân. Khi cần giúp sức để khám phá ra điều tốt nơi tha nhân, chúng ta hãy cầu xin với thánh Aiđan Linđisphan.
Tháng 09
Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ
Ngày 01: Thánh Gilê
Ngày 02: Chân phước Gioan Đuylô và các bạn tử đạo tháng Chín
Ngày 03: Thánh Grêgôriô cả
Ngày 04: Thánh Rôsa Vitêbô
Ngày 05: Chân phước Têrêsa Calcutta
Ngày 06: Chân phước Bêtran Garriguê
Ngày 07: Chân phước Gioan Đukê và chân phước Ralph Corby
Ngày 08: Lễ sinh nhật Đức Maria
Ngày 09: Thánh Phêrô Clave
Ngày 10: Thánh Nicôla Tôlentinô
Ngày 11: Thánh Laurensô Justinianô
Ngày 12: Thánh danh Đức Maria
Ngày 13: Thánh Gioan kim khẩu
Ngày 14: Lễ suy tôn Thánh Giá
Ngày 15: Lễ Đức Mẹ sầu bi
Ngày 16: Thánh Cornêliô và thánh Cyprianô
Ngày 17: Thánh Rôbertô Bellarminô
Ngày 18: Thánh Giuse Cupertinô
Ngày 19: Thánh Januariô
Ngày 20: Thánh Anrê Kim Têgon và thánh Phaolô Chong Hasang
Ngày 21: Thánh Matthêu
Ngày 22: Thánh Tôma Villanôva
Ngày 23: Thánh Piô Piêtrelcina
Ngày 24: Thánh Têcla
Ngày 25: Thánh Sêgiô
Ngày 26: Thánh Cosma và thánh Đamianô
Ngày 27: Thánh Vinhsơn Phaolô
Ngày 28: Thánh Laurensô Ruiz
Ngày 29: Thánh Micael, thánh Gabriel và thánh Raphael
Ngày 30: Thánh Giêrônimô
Ngày 1 tháng 9
Thánh Gilê
Thánh Gilê sinh vào thế kỷ thứ 8 tại thành phố Athen, nước Hy Lạp. Khi song thân qua đời, Gilê đã dùng phần lớn tài sản cha mẹ để lại mà đem cho người nghèo. Vì lý do đó, và nhất là vì làm nhiều phép lạ, Gilê rất được ngưỡng mộ. Nhưng Gilê lại không muốn những lời khen ngợi và tiếng tăm này. Do vậy, để có thể phục vụ Thiên Chúa với cuộc đời mai danh ẩn tích, Gilê đã rời bỏ quê hương và trẩy tàu sang Pháp.
Khi qua Pháp, Gilê tới sống một mình trong một khu rừng u ám. Ngài làm nhà trong một cái hang thô phía sau bụi gai rậm. Gilê sống ở đó và cảm thấy mãn nguyện, tránh được mối nguy hiểm tự cao tự đại khi nghe người ta khen lao mình. Nhưng một ngày kia, bỗng có ông vua lạ và đoàn tuỳ tùng của ông vào rừng săn bắn. Họ đuổi theo một con nai đang chạy về phía cái hang của Gilê. Con nai trốn thoát bằng cách phóng vào trong hang, cái hang nằm đàng sau bụi gai rậm rạp. Và một người trong đoàn đã bắn một mũi tên vào bụi gai, hy vọng giết được con nai. Nhưng khi cả đoàn người lao vào, họ mới phát hiện ra Gilê đang ngồi trong hang và bị thương bởi mũi tên.
“Ngươi là ai và đang làm gì ở đây vậy?” Nhà vua lên tiếng hỏi. Thánh Gilê liền thuật lại cho họ nghe toàn bộ câu chuyện về cuộc đời của ngài. Nghe xong họ liền xin lỗi Gilê. Rồi nhà vua đã sai các danh y của mình tới băng bó vết thương cho Gilê. Về sau, với lòng kính trọng, nhà vua đã tới thăm Gilê nhiều lần dù thánh nhân đã nài xin được sống thanh vắng một mình. Gilê không nhận quà biếu của vua bao giờ. Tuy nhiên, sau cùng Gilê đã bằng lòng để nhà vua xây cất một tu viện lớn tại đó. Và thánh Gilê là tu viện trưởng đầu tiên của tu viện này.
Tu viện đã trở nên nổi danh đến nỗi về sau cả một thị trấn đã được hình thành tại đây. Khi thánh Gilê qua đời, ngôi mộ an táng ngài nơi tu viện đã biến thành một ngôi đền danh tiếng và là nơi hành hương cho nhiều du khách.
Thánh Gilê nhận thức rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể làm cho chúng ta được hạnh phúc đích thực. Khi nào cảm thấy cái tôi của mình là hòn đảo, là trung tâm, khi ấy chúng ta hãy dâng lên thánh Gilê một lời nguyện. Thánh nhân sẽ giúp chúng ta biết cách đặt Thiên Chúa làm trung tâm cuộc đời và biết sống quảng đại với quỹ thời gian của mình.
Ngày 2 tháng 9
Chân phước Gioan Đuylô và các bạn tử đạo tháng Chín
Chân phước Gioan Đuylô là tổng giám mục giáo phận Arles, nước Pháp. Gioan và các bạn tử đạo của ngài được mừng kính hôm nay bởi vì các ngài đã anh dũng tử đạo trong suốt cuộc cách mạng Pháp.
Sự kiện là người ta bị ép buộc phải tuyên thệ giữ bản Hiến chương 1790, bản Hiến chương này có nội dung chống lại Giáo hội. Nếu ai không tuyên thệ thì sẽ bị tống ngục. Vào năm 1792, hình phạt được chuyển thành án tử hình. Có nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đã can đảm không ký vào bản tuyên thệ ủng hộ Hiến luật mới này. Và các ngài biết rằng làm như thế thì sẽ bị xử trảm. Đức thánh cha Piô VI đã ủng hộ các ngài và lên án bản Hiến luật. Đó là thời kỳ đau buồn nhất đối với người dân Pháp.
Vào ngày mùng 2 tháng Chín năm 1792, một đám đông gồm hàng trăm người đã bạo loạn và đột nhập vào một tu viện cổ, hiện là nhà giam các linh mục và tu sĩ. Đám đông hỗn loạn đã xông tới nhiều linh mục và bắt các ngài phải ký vào bản tuyên thệ. Từng linh mục đã kiên quyết từ chối. Lập tức, các ngài bị giết chết.
Trong số các vị tử đạo có chân phước Alêxanđơ Lenphan, một linh mục thuộc dòng Tên. Chỉ vài phút trước khi qua đời, Alêxanđơ đã giải tội cho một linh mục bạn. Lát sau, cả hai đều bị giết chết. Sau đó, những kẻ bạo loạn đi tới nhà thờ Cátminh, sau này cũng được dùng làm nhà tù. Chân phước Gioan tổng giám mục thành Arles cùng với các giám mục và linh mục khác đang bị giam tại đó. Tất cả đều từ chối tuyên thệ và tất cả đều bị sát hại. Vào ngày mùng 3 tháng Chín, cũng đám đông hỗn tạp ấy kéo nhau tới nhà dòng Lazarít. Nơi đây cũng bị biến thành nhà tù, gồm có 90 linh mục và các thầy dòng. Chỉ có bốn người thoát nạn được thôi!
Tính tới lúc cuộc cách mạng kinh khủng chấm dứt, đã có 1500 Kitô hữu bị giết hại. Nhiều vị là giám mục, linh mục và tu sĩ. Các vị tử đạo tháng Chín, mà chúng ta mừng kính hôm nay, có 191 vị. Các ngài được đức thánh cha Piô XI phong chân phước năm 1926.
Chúng ta hãy nài xin các vị tử đạo hôm nay giúp chúng ta hiểu biết và trân trọng ân huệ rất quý giá là đức tin Công giáo. Chúng ta đừng bao giờ tỏ ra xơ cứng với hồng ân này.
Ngày 3 tháng 9
Thánh Grêgôriô cả
Thánh Grêgôriô cả sinh năm 540 tại thành Rôma. Thân phụ ngài là thượng nghị sĩ Rôma và thân mẫu ngài là thánh nữ Xêlia. Grêgôriô học triết, và đang khi còn rất trẻ, ngài đã được trao cho chức vụ quận trưởng thành Rôma. Lúc thân phụ qua đời, Grêgôriô đã biến căn nhà to lớn của ngài thành một tu viện. Suốt nhiều năm Grêgôriô đã sống như một ẩn sĩ tốt lành và thánh thiện. Sau đó, đức thánh cha Pêlagiô II đã đặt ngài làm một trong bảy thầy phó tế của Rôma. Khi đức thánh cha qua đời, Grêgôriô được chọn lên thay thế địa vị của ngài. Grêgôriô thật lòng không muốn nhận vinh dự này chút nào. Tuy nhiên, ngài quá thánh thiện và khôn ngoan đến nỗi mọi người đều nghĩ rằng Grêgôriô chắc chắn sẽ là một giáo hoàng tốt.
Thánh Grêgôriô cả đã cai trị Giáo hội suốt mười bốn năm. Thánh nhân là một trong những vị giáo hoàng vĩ đại nhất của Giáo hội Công giáo. Thánh Grêgôriô là nhà giảng thuyết lừng danh và ngài cũng viết rất nhiều tác phẩm. Ngài chăm lo cho mọi người trên khắp cả thế giới. Thật ra, thánh Grêgôriô đã tự coi mình chỉ là tôi tớ của mọi người. Thánh nhân là vị giáo hoàng đầu tiên sử dụng tước hiệu “tôi tớ của các tôi tớ Chúa.” Và từ đó về sau, mọi giáo hoàng đều đã sử dụng danh xưng này.
Thánh Grêgôriô cả có lòng yêu thương và quan tâm đặc biệt đến những người nghèo khổ và những người vô gia cư. Trong suốt nạn đói, thánh nhân đã nuôi sống rất nhiều người nghèo. Ngài đã phục hồi thành Rôma, trước đó bị những trận động đất và những cuộc xâm lăng tàn phá. Ngài cũng nhạy cảm trước những bất công mà con người phải gánh chịu. Người ta nói rằng khi còn là tu sĩ, Grêgôriô nhìn thấy mấy em bé đang bị rao bán tại chợ nô lệ Rôma, thánh nhân đã tiến lại hỏi thăm và được biết các em đến từ Anh quốc. Grêgôriô cảm thấy lòng mình trào lên một niềm khao khát mãnh liệt muốn đem tình yêu Chúa Giêsu đến cho những người dân ngoại đang sống tại vùng đất này. Khi lên ngôi giáo hoàng, một trong các công việc đầu tiên Grêgôriô cả làm là gởi các tu sĩ xuất sắc tới rao giảng về Chúa Kitô cho những người dân thuộc Anh quốc.
Những năm cuối đời của vị giáo hoàng thánh thiện này đã trải qua rất nhiều đau khổ; tuy vậy, thánh Grêgôriô cả vẫn tiếp tục công việc phục vụ Giáo hội cho tới khi về trời. Thánh nhân qua đời ngày 12 tháng Ba năm 604.
Mỗi sáng, chúng ta hãy quyết tâm trong ngày hôm nay tôi phải làm được ít nhất một việc tốt lành nào đó. Rồi, chúng ta hãy noi gương thánh Grêgôriô cả tâm niệm rằng sự vĩ đại chính thực hệ ở chỗ yêu thương phục vụ tha nhân vì lòng mến Chúa Kitô.
Ngày 4 tháng 9
Thánh Rôsa Vitêbô
Thánh nữ Rôsa sinh khoảng năm 1235 tại thành Vitêbô, nước Ý. Rôsa là một thiếu nữ nghèo sống vào thời hoàng đế Phrêđêric đem quân chiếm đoạt đất đai của Giáo hội. Sứ mệnh đặc biệt của Rôsa là làm cho người dân trong thành Vitêbô và các thành lân cận vững tin vào Thiên Chúa và vào Giáo hội. Thánh Rôsa thực hiện sứ vụ này khi mới chỉ là một thiếu nữ. Thật vậy, khi lên tám tuổi, Đức Mẹ đã hiện ra với Rôsa khi Rôsa bị bệnh. Đức Mẹ bảo Rôsa phải nêu gương sáng trong lời nói và việc làm. Dần dần, sức khỏe Rôsa được hồi phục. Thánh nữ bắt đầu suy nghĩ nhiều đến những đau khổ Chúa Giêsu phải chịu vì tội lỗi loài người. Rôsa đã cầu nguyện và làm nhiều việc hãm mình để tỏ lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu.
Lúc lên 12 tuổi, thánh nữ Rôsa bắt đầu rao giảng tại các ngả đường thành Vitêbô. Thánh nữ kêu gọi mọi người đứng lên chống lại hoàng đế vì ông đã chiếm đất của Giáo hội. Nhiều người nghe theo Rôsa và điều này đã khiến cho thân phụ Rôsa hoảng sợ. Ông đe sẽ trừng phạt nếu Rôsa không chịu ngưng rao giảng. Nhưng Rôsa đã dịu dàng trả lời thân phụ rằng: “Nếu Đức Chúa Giêsu đã chịu khổ vì con, con cũng sẽ chấp nhận chịu khổ vì Người. Con chỉ muốn thực hiện điều Thiên Chúa nói với con và con phải vâng theo lời Người!”
Suốt hai năm sau, thánh nữ Rôsa vẫn tiếp tục rao giảng và ngài đã thành công đến nỗi các kẻ thù của đức thánh cha muốn tìm sát hại ngài. Cuối cùng, Rôsa và song thân phải rời khỏi thành Vitêbô. Thánh nữ tiên báo hoàng đế sẽ chết; và vài ngày sau đã xảy ra như vậy. Trở về Vitêbô, Rôsa đã xin vào dòng tu nhưng không được chấp nhận; vì vậy, thánh nữ phải về lại gia đình. Rôsa Vitêbô qua đời năm 1252, lúc mới 17 cái xuân xanh. Xác thánh nữ Rôsa hiện vẫn được lưu giữ và tôn kính tại thành Vitêbô.
Tuy cuộc sống ngắn ngủi nhưng thánh nữ Rôsa Vitêbô vẫn làm được nhiều công việc tốt. Điều gì biết là đúng thì thánh nữ quyết tâm làm dù phải gặp khó khăn hay phải thiệt vào thân. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ Rôsa Vitêbô giúp chúng ta có được can đảm và sức mạnh như ngài.
Ngày 5 tháng 9
Chân phước Têrêsa Calcutta
Annê Gonxha Bojaxhiu sinh năm 1910 tại miền đất trước đây là Yugoslavia. Song thân Annê gốc người Albani. Lúc 12 tuổi, Annê cảm thấy mình muốn trở thành nhà truyền giáo. Lên 18, Annê vào tu dòng Chị Em Con Đức Mẹ Lôrettô tại Calcutta, Ấn Độ; và Annê nhận tên là Têrêsa.
Sơ Têrêsa dạy môn địa lý tại trường trung học Thánh Maria ở Calcutta. Sau đó, Têrêsa làm hiệu trưởng trường này. Các học sinh của Têrêsa hầu hết là con nhà giàu. Còn những trẻ con nhà nghèo sống tại các khu ổ chuột của thành Calcutta lúc ấy không được nhận vào học. Có sự cách biệt rõ rệt giữa lối sống tiện nghi trong tu viện với lối sống cùng khổ ở bên ngoài.
Vào ngày 10 tháng Chín năm 1946, đang lúc ngồi trên xe lửa, sơ Têrêsa cảm thấy rõ rệt tiếng Chúa gọi hãy đi phục vụ những người cùng khổ. Mùa xuân năm 1948, Têrêsa nhận được phép rời khỏi bốn bức tường an ổn của nhà dòng và ngài đã ra đi phục vụ những người nghèo khổ. Vào tháng Tám, Têrêsa đắp lên mình tấm xari bông trắng viền xanh, về sau bộ áo này trở thành tu phục chính thức của các chị em thuộc hội dòng của Mẹ Têrêsa. Sau khi tham dự khóa huấn luyện y tá, Mẹ Têrêsa mở một trường học tại Moti Jheel, một khu nghèo nhất của thành phố Calcutta.
Chẳng bao lâu, có nhiều chị em cùng đến tham gia với Mẹ. Năm 1950, hội dòng Nữ Tử Bác Ái được thành lập và trở thành một hội dòng mới trong Giáo hội. Mẹ Têrêsa và các chị em dòng Mẹ chọn lối sống giữa những người nghèo nhằm để phục vụ họ tốt hơn. Mỗi chị em chỉ được phép dùng hai tấm sari, một tấm để mang trên mình và một tấm để thay đổi, mỗi tấm trị giá khoảng một đôla. Theo đó, chị em có thể nêu gương sống nghèo và giản dị. Mẹ Têrêsa đánh giá đức khó nghèo cao trọng đến độ Mẹ chỉ nhận quà biếu từ các nhà hảo tâm nếu những quà này được dùng để giúp đỡ người nghèo. Lần kia, Mẹ Têrêsa đã gởi trả lại số tiền cúng dường trị giá 500000 đôla vì lẽ người biếu số tiền này chỉ muốn nhà dòng giữ lại để lo cho sự an ninh của hội dòng. Mẹ Têrêsa biết chính Thiên Chúa sẽ lo liệu cho tương lai của dòng Mẹ. Cho tới nay, hội dòng của Mẹ Têrêsa vẫn hằng tiếp tục giúp đỡ những người nghèo khổ.
Mẹ Têrêsa biết rằng Mẹ và các chị em dòng Mẹ sẽ không có được nghị lực cần thiết để hoàn thành công việc nếu không sống kết hợp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể. Các chị em đã khởi sự mỗi buổi sáng với thánh lễ cùng việc rước Thánh Thể; và kết thúc ngày sống bằng một giờ chầu Thánh Thể.
Mẹ Têrêsa được trao tặng giải thưởng Nôbel hòa bình năm 1979. Khi trở nên nổi tiếng khắp thế giới, Mẹ Têrêsa vẫn sống khiêm tốn và khó nghèo. Mẹ đã lợi dụng mọi dịp để lên tiếng thay cho những người cùng khổ, những người bất lực, những người sống bên lề xã hội và những thai nhi vô tội. Mẹ thách đố những ai có khả năng và có đủ phương tiện hãy dám có trách nhiệm với những người nghèo khổ.
Mẹ Têrêsa Calcutta qua đời ngày mùng 5 tháng Chín năm 1997. Đến ngày 19 tháng Mười năm 2003, Mẹ được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc chân phước.
Chân phước Têrêsa Calcutta có lần đã nói: “Chúa Kitô sẽ xét xử ta theo mức độ lòng yêu mến ta dành cho Ngài, theo cách ta cho Ngài ăn, không chỉ bằng cơm bánh, nhưng bằng mối tình cảm thông mà ta thể hiện nơi gia đình, nơi cộng đoàn của mình.” Chúng ta cũng hãy cầu xin chân phước Têrêsa Calcutta giúp chúng ta biết cảm nhận và thể hiện tình yêu thương này.
Ngày 6 tháng 9
Chân phước Bêtran Garriguê
Bêtran Garriguê sống vào đầu thế kỷ thứ 13. Lúc ấy nước Pháp, quê hương của Bêtran, đang gặp nội chiến. Cũng có nhiều lộn xộn về vấn đề giáo huấn của Giáo hội. Song thân của Bêtran đã cố gắng sống cuộc đời thanh thản và họ đã nuôi dưỡng con trai mình trong niềm tin chân thật. Vào năm 1200, Raymunđô người thành Tuluz đã dẫn một đạo quân tấn công vào các đan viện Xitô. Ông tin vào một lạc thuyết gọi là lạc thuyết Anbigen. Ông tấn công những ai không có cùng niềm tin như ông. Raymunđô Tuluz đặc biệt bách hại các đan sĩ Xitô bởi vì các đan sĩ này đang rất nỗ lực giúp người ta tìm về và hiểu biết đức tin Công giáo.
Bêtran Garriguê là linh mục thuộc dòng Xitô. Vào khoảng năm 1208, ngài gặp thánh Đa Minh. Đó là lời mời gọi của Thiên Chúa để Bêtran bắt đầu một sứ vụ rất mực quan trọng. Bêtran là một trong số sáu thành viên cùng cộng tác với Đa Minh lập nên một hội dòng mới, dòng Anh Em Thuyết Giáo, vào năm 1215. Họ thường được gọi là “dòng Đa Minh” theo tên của thánh sáng lập. Sau đó, chân phước Bêtran Garriguê được sai tới Paris để thiết lập cơ sở. Sau một quãng thời gian ngắn, thánh Đa Minh lại sai cha Bêtran sang Bôlônha để lập thêm cơ sở tại đó. Bêtran Garriguê vui vẻ vâng lời. Lúc ấy, dòng Đa Minh phát triển mạnh. Họ rao giảng sứ điệp Tin mừng từ thành thị tới thôn quê. Họ mong muốn mọi người hiểu biết và yêu mến đức tin Công giáo. Năm 1219, Bêtran Garriguê tháp tùng thánh Đa Minh trong chuyến kinh lý Paris. Ngài cũng rất ngưỡng mộ và yêu mến thánh Đa Minh.
Năm 1221, anh em dòng Đa Minh tổ chức một cuộc họp lớn gọi là Tổng Tu nghị. Bêtran Garriguê cũng tham dự cuộc họp này. Hội dòng quyết định phân chia thành tám Tỉnh dòng nhỏ để sinh hoạt của các anh em tu sĩ cũng như các công việc của dòng mang lại kết quả hơn. Bêtran Garriguê được đặt làm bề trên giám tỉnh khu vực thuộc mạn nam nước Pháp. Ngài đã dùng phần đời còn lại của mình để lo giảng dạy và giúp tha nhân sống thân mật hơn với Thiên Chúa. Bêtran Garriguê qua đời năm 1230 và được đức thánh cha Lêô XIII tôn phong chân phước năm 1881.
Khi phân vân không biết phải làm gì cho cuộc sống này, chúng ta hãy cầu nguyện với chân phước Bêtran Garriguê. Bằng việc sống đức tin và cầu nguyện hằng ngày, chúng ta sẽ biết được chương trình của Thiên Chúa dành cho cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Ngày 7 tháng 9
Chân phước Gioan Đukê
và chân phước Ralph Corby
Đây là lần thứ hai chúng ta gặp thấy danh xưng Đukê xuất hiện trong lịch kính các thánh và chân phước. Chân phước Giacôbê Đukê, vị tử đạo người Anh, được mừng ngày 19 tháng Tư. Một cách nào đó, tích truyện của ngài cũng gần giống như tích truyện của các vị tử đạo hôm nay, cách riêng là Gioan Đukê. Cả Gioan Đukê và Ralph Corby đều là những linh mục. Các ngài sống vào thế kỷ thứ 17. Các ngài đã lấy máu mình để minh chứng đức tin hồi năm 1644.
Cha Gioan Đukê theo học tại đại học Đôê bên nước Anh và trở thành linh mục năm 1639. Ngài du học thêm ba năm nữa tại Pháp; và trong khi học hành, Gioan Đukê đã dành nhiều thời giờ trong ngày để cầu nguyện. Trước khi về lại đất nước thân yêu đang bị bách hại, Gioan Đukê đã trải qua hai tháng với các tu sĩ Xitô, sống cầu nguyện và chiêm niệm. Sau đó, vị linh mục trẻ này hoạt động một năm tại Anh quốc, và ngài đã bị bắt vì tội cất giữ quyển sách Các Nghi thức và lọ dầu thánh. Khi những kẻ bắt giam Gioan Đukê dọa sẽ làm hại đến gia đình và bạn bè nếu không khai rõ lý lịch, lúc ấy Gioan mới thú nhận mình là linh mục. Rồi Gioan Đukê bị nhốt vào một nhà tù tại Luânđôn. Ở đó, Gioan Đukê gặp lại một linh mục bạn, cha Ralph Corby thuộc dòng Tên. Cha Ralph Corby đã làm việc tại Anh quốc suốt 12 năm trước khi ngài bị bắt vì tội dâng thánh lễ. Dòng Tên đã ra sức tìm cách cứu cha Ralph Corby. Sau cùng, cha Ralph Corby nhận được lệnh ân xá. Ralph Corby nài nỉ cha Gioan Đukê, trẻ tuổi hơn, nhận lệnh ân xá thay mình, nhưng cha Gioan Đukê không cho phép mình ra đi mà để bạn ở lại.
Thực sự, không linh mục nào được phép ân xá cả! Quan tòa đã lờ đi và đã xử cả hai phải chết. Vào ngày mùng 7 tháng Chín năm 1644, lúc 10 giờ sáng, cả hai lên xe ngựa đi thẳng tới Tybơn, nơi hành quyết. Người ta đã cạo đầu các ngài và mặc áo chùng thâm cho các ngài. Trước lúc hành quyết, mỗi người được phát biểu vài lời; và sau đó, người này ôm hôn người kia. Các ngài sẽ gặp lại nhau trong vinh quang thiên quốc.
Có ai từng hiểu thấu được tại sao lại có bất công trên đời này? Thật khó mà tha thứ khi nhìn thấy những người vô tội phải chịu đau khổ! Chúng ta hãy cầu xin với chân phước Gioan Đukê và chân phước Ralph Corby mỗi khi chúng ta cảm thấy tức giận vì một bất công nào đó. Chúng ta hãy nài xin các ngài giúp chúng ta biết sống tha thứ như các ngài.
Ngày 8 tháng 9
Lễ sinh nhật Đức Maria
Chúng ta ít khi mừng lễ sinh nhật của các thánh. Thay vào đó, chúng ta lại mừng kỷ niệm ngày các ngài qua đời, vì đó là ngày mỗi vị được sinh vào trong vinh quang thiên quốc. Nhưng lễ sinh nhật của Đức Maria, Mẹ chúng ta, là một dịp ngoại lệ. Chúng ta mừng ngày sinh của Mẹ vì Mẹ đến thế gian này mang theo đầy tràn ân sủng và vì Mẹ chính là Mẹ của Đức Chúa Giêsu.
Lễ sinh nhật của Mẹ ví tựa như bình minh vậy. Khi bầu trời bắt đầu ửng hồng vào mỗi buổi sáng, chúng ta nhận thấy chẳng mấy chốc mặt trời sẽ ló rạng. Tương tự như thế, ngày Đức Maria chào đời đã đem lại cho nhân loại chúng ta một nguồn vui lớn. Ngày sinh của Mẹ mang ý nghĩa là Đức Giêsu, Đấng là Mặt Trời Công Chính, sẽ bắt đầu xuất hiện. Mẹ Maria là người nữ diệu kỳ được đặc ân đem Đức Chúa Giêsu đến cho nhân loại.
Cho tới nay, nếu chúng ta có Đức Maria, chúng ta ắt hẳn sẽ có Đức Chúa Giêsu. Lý do là vì Đức Mẹ luôn luôn mang theo mình Đức Chúa Giêsu Con yêu dấu của Mẹ. Khi chúng ta chạy đến với Mẹ, Mẹ sẽ dẫn chúng ta đến với Đức Chúa Giêsu. Ai sống mật thiết với Mẹ, thì cũng sẽ sống mật thiết với Thánh Tâm Con Chí Thánh Mẹ.
Chúng ta hãy làm cho ngày sinh của Mẹ Maria hôm nay trở nên một ngày thật đặc biệt bằng cách năng đọc đi đọc lại kinh Kính Mừng.
Ngày 9 tháng 9
Thánh Phêrô Clave
Vị thánh linh mục gốc Tây Ban Nha thuộc dòng Tên này sinh năm 1580. Thánh nhân được biết đến với tước hiệu là “tông đồ của những người nô lệ.” Đang lúc học hành để trở nên một tu sĩ dòng Tên, Phêrô Clave cảm thấy có một khao khát mãnh liệt muốn tới vùng đất Nam Mỹ để truyền giáo. Và thánh nhân đã được gởi tới hải cảng Cáctagiêna, nay là Côlômbia. Ở đó, có những chiếc thuyền lớn chất đầy nô lệ từ Phi châu sang để rao bán.
Phêrô Clave cảm thấy rất thương khi nhìn thấy cảnh những người nghèo khổ và bệnh nạn đang chen chúc nhau; và thánh nhân đã quyết định giúp đỡ họ bao nhiêu có thể. Vừa lúc có một chiếc tàu chở nô lệ cập bến, Phêrô liền len vào giữa hàng trăm nô lệ đau yếu. Ngài đem cho họ thuốc men và thực phẩm. Ngài dạy họ học biết về Đức Giêsu và rửa tội cho những ai chấp nhận đức tin Công giáo. Phêrô săn sóc những người đau ốm. Đó là công việc với điều kiện rất khắc nghiệt. Ngày kia, một người đồng hành với thánh Phêrô thú nhận rằng không thể đối diện với cảnh tượng đau buồn xé ruột ấy nữa. Tuy nhiên, Phêrô đã thực hiện công việc này ròng rã 40 năm. Thánh nhân đã rửa tội cho khoảng 300000 người. Ngài luôn có mặt ở đó mỗi khi có tàu bè cập bến. Phêrô Clave đã chăm sóc và yêu thương những người bị xã hội đối xử cách bất công và tàn tệ.
Mặc dù các chủ nô ra sức ngăn cản nhưng cha Clave vẫn cứ dạy đạo cho các nô lệ bằng bất cứ cách nào. Thật là công việc nhàm chán và mất thời giờ! Nhiều người đã phê bình cha Clave như thế. Họ nghĩ rằng các nô lệ sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu và giữ nổi đức tin. Nhưng thánh Phêrô Clave vẫn một lòng tỏ ra nhẫn nại và tin tưởng Thiên Chúa sẽ chúc lành cho các bổn đạo của ngài. Cha Clave cũng đến thăm các tân tòng sau khi họ rời hải cảng Cáctagiêna và đang ở trong các trại nô lệ. Ngài muốn chứng kiến tận mắt xem các nô lệ được đối xử thế nào và điều kiện sinh sống của họ ra sao. Cha Clave cũng luôn nhắc nhớ các chủ nô hãy quan tâm tới phần hồn của các nô lệ và chính họ hãy gắng trở nên những Kitô hữu ngày một tốt hơn.
Suốt bốn năm cuối đời, cha Clave bị đau nặng đến nỗi phải ở lại trong căn phòng của ngài. Cha thậm chí không thể dâng thánh lễ được nữa. Hầu như mọi người đã lãng quên cha! Nhưng cha Clave không bao giờ phàn nàn. Rồi đột nhiên, khi biết tin cha Clave qua đời ngày mùng 8 tháng Chín năm 1654, hầu như cả thành phố đã thức dậy. Họ nhận thấy họ đã mất đi một vị thánh. Và cha Phêrô Clave được mọi người nhớ mãi. Đến năm 1888, đức thánh cha Lêô XIII đã tôn phong cha Phêrô Clave lên bậc hiển thánh.
Thành kiến với người khác vì sắc tộc, tôn giáo, giới tính, văn hóa hay gốc gác là xúc phạm tới Thiên Chúa, người Cha nhân lành của hết thảy mọi người. Chúng ta hãy nài xin thánh Phêrô Clave giúp chúng ta biết yêu thương mọi người như con cái của Chúa. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta dẹp bỏ bất cứ loại thành kiến nào đang tồn đọng trong trái tim của mình.
Ngày 10 tháng 9
Thánh Nicôla Tôlentinô
Thánh Nicôla Tôlentinô sinh năm 1245 tại Ancôna, nước Ý. Song thân ngài đã phải lo lắng chờ đợi rất lâu cho tới khi có được mụn con. Nicôla là hoa trái của lời cầu nguyện và của chuyến hành hương kính viếng đền thánh Nicôla Bari. Song thân rất biết ơn thánh Nicôla Bari đến nỗi đã nhận tên ngài mà đặt cho con trai của mình.
Khi lớn lên, Nicôla cho biết ngài muốn làm linh mục. Nicôla đã cầu nguyện và sống thân mật với Thiên Chúa. Các bạn hữu của gia đình Nicôla thì muốn ngài làm linh mục trông coi một xứ đạo thật giàu có để dễ được thăng quan tiến chức. Phần Nicôla, ngài không nói nhiều mà chỉ im lặng tìm hiểu. Ngày kia, Nicôla ghé vào một nhà thờ. Ngài được nghe thấy vị linh mục rất nhiệt thành thuộc dòng Augustinô giảng rằng: “Đừng để lòng mình dính bén thế gian và những của cải đời tạm, vì thế gian này đang qua đi!” Nicôla suy nghĩ nhiều về câu nói ấy. Ngài đã bỏ đi mà những lời thuyết giảng của vị linh mục cứ vang mãi trong đầu. Nicôla nhận ra rằng chính Thiên Chúa đã dùng vị giảng thuyết này để tỏ cho ngài biết ơn gọi của ngài; đồng thời Nicôla cũng nhận biết tầm quan trọng của việc rao giảng lời Chúa. Và Nicôla quyết định xin gia nhập vào dòng của vị linh mục này.
Đó là dòng Augustinô và vị linh mục kia chính là cha Rêginô, sau này làm cha tập sư của Nicôla. Nicôla tuyên những lời khấn thánh khi mới được 18 tuổi trọn. Sau đó, Nicôla học làm linh mục. Ngài được thụ phong khoảng năm 1270. Rồi cha Nicôla đã thuyết giảng tại nhiều xứ đạo. Một ngày kia, đang lúc cầu nguyện trong một nhà thờ, Nicôla dường như nghe thấy một giọng nói: “Hãy tới Tôlentinô! Hãy tới Tôlentinô! Hãy ở lại đó!” Ít lâu sau, Nicôla được sai tới thành phố Tôlentinô, và ngài đã trải qua ba mươi năm sống tại đây.
Vào thời ấy, tình trạng chính trị không mấy ổn định. Nhiều người không chịu đi lễ để nghe giảng và tôn thờ Thiên Chúa. Các cha dòng thánh Augustinô thấy rằng cần thiết phải rao giảng ngay trên các đường phố; và thánh Nicôla được chọn để thực hiện quyết định này. Thánh nhân đã thuyết giảng tại các nơi có đông người tụ họp. Người ta lắng nghe Nicôla giảng giải và nhiều người đã từ bỏ lối sống tội lỗi và các đam mê xấu. Họ nhất quyết sống cuộc đời tốt hơn. Cha Nicôla đã trải qua hàng giờ mục vụ tại các khu nghèo nàn của thành phố Tôlentinô. Ngài viếng thăm những người cô thế, ban bí tích cho người bệnh hoạn và hấp hối, quan tâm đến các nhu cầu của trẻ em và thăm viếng tù nhân. Thánh Nicôla được ơn làm phép lạ ngay khi còn sống. Lần kia, thánh nhân đặt tay trên một em nhỏ và nói: “Xin Thiên Chúa nhân từ cứu chữa con!” Và lập tức em nhỏ được lành bệnh.
Thánh Nicôla Tôlentinô trải qua một năm chịu bệnh trước lúc qua đời ngày mùng 10 tháng Chín năm 1305. Ngài được đức thánh cha Êugiêniô IV tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1446.
Thánh Nicôla Tôlentinô là hoa trái lời cầu nguyện của song thân ngài. Vì lắng nghe tiếng Chúa, thánh nhân đã có thể giúp đỡ nhiều người thành tâm tìm kiếm Đức Chúa Giêsu. Chúng ta hãy nài xin thánh Nicôla Tôlentinô giúp chúng ta cũng biết để ý lắng nghe tiếng Chúa như thánh nhân.
Ngày 11 tháng 9
Thánh Laurensô Justinianô
Thánh Laurensô Justinianô sinh năm 1381 tại thành Vêni, nước Ý. Thân mẫu ngài đôi lúc đã nghĩ rằng con trai bà có ước vọng quá cao. Laurensô luôn nói với mẹ là mình muốn trở nên một vị thánh. Năm lên 19, Laurensô cảm thấy muốn phục vụ Thiên Chúa cách đặc biệt. Laurensô đã tới xin lời khuyên của người cậu, một linh mục thánh thiện thuộc dòng thánh Gioóc. “Cháu có can đảm khước từ những vui thú trần gian và sống cuộc đời sám hối đền tội không?” Người cậu hỏi cháu Laurensô. Laurensô thinh lặng hồi lâu. Sau đó, ngài nhìn lên tượng Chịu Nạn và nói: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa là niềm hy vọng của con. Trong Thánh Giá Chúa con gặp được an ủi và sức mạnh!”
Thân mẫu Laurensô muốn ngài lập gia đình nhưng Laurensô đã gia nhập dòng thánh Gioóc. Công việc đầu tiên Laurensô phải làm là đi ra các ngả đường của thành phố để xin của bố thí về nuôi cộng đoàn. Laurensô Justinianô không xấu hổ với việc hành khất. Ngài nhận thấy rằng những của dâng cúng dù tiền bạc hay thực phẩm của tha nhân đều giúp hoàn thành công việc của Thiên Chúa. Thậm chí Laurensô đã tới trước nhà mình và xin bố thí. Thân mẫu ngài chất đầy thức ăn vào chiếc túi của Laurensô để ngài có thể trở về tu viện sớm hơn. Thế nhưng Laurensô Justinianô chỉ nhận lấy hai ổ bánh mì và sau đó lại trẩy qua nhà khác. Làm như thế, Laurensô Justinianô học được cách bỏ mình trong những điều nhỏ mọn và sống mật thiết hơn với Thiên Chúa.
Ngày kia, người bạn của Laurensô Justinianô tìm cách thuyết phục ngài rời bỏ tu viện. Nhưng thay vào đó, thánh nhân lại nói về ý nghĩa của cuộc đời ngắn ngủi và thật khôn ngoan chừng nào khi biết sống cho nước trời. Nghe xong, người bạn rất cảm động và quyết tâm sống đời đạo hạnh.
Sau đó, thánh Laurensô Justinianô được đặt làm giám mục. Bổn đạo của ngài chẳng mấy chốc đã nhận biết đức giám mục của họ thật là một người tốt lành và thánh thiện. Mỗi ngày đều có rất nhiều người tới xin thánh nhân giúp đỡ. Giám mục Laurensô Justinianô nổi tiếng về lòng bác ái và rất thành công trong việc xây dựng hòa bình. Khi hấp hối, Laurensô Justinianô cũng chẳng cho phép mình được nằm trên giường nệm thoải mái. Thánh nhân khiêm tốn kêu lên: “Không được phép! Đức Giêsu yêu quý của tôi đã chỉ nằm giang tay trên cây gỗ thô cứng và đau khổ!” Thánh Laurensô Justinianô về trời năm 1455.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục để các ngài được tràn đầy lòng tin và yêu mến trong việc phục vụ dân Chúa là Giáo hội. Chúng ta cũng hãy nài xin Thiên Chúa ban cho các ngài sức mạnh, niềm vui và nhiều an ủi.
Ngày 12 tháng 9
Thánh danh Đức Maria
Việc tôn kính thánh danh Đức Maria trong phụng vụ bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, lúc ấy tại mỗi giáo xứ đã có lệ cử hành thánh lễ tôn kính thánh danh Đức Maria. Đến năm 1683, đức thánh cha Innôcentê XI mới chọn ngày 12 tháng Chín hàng năm làm ngày toàn thể Giáo hội hoàn vũ long trọng mừng lễ tôn kính thánh danh Đức Maria, để cám ơn sự bảo trợ của Đức Mẹ đối với Giáo hội.
Danh xưng Maria trong tiếng Dothái có nghĩa là “ngôi sao biển.” Khi các thủy thủ gặp phải bão tố ngoài biển khơi, họ sẽ nhìn xem các ngôi sao trên bầu trời để xác định phương hướng. Chúng ta có thể ngước trông lên Mẹ như “ngôi sao” chỉ lối soi đường mà Đức Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta. Nếu bị trệch đường, chúng ta hãy đưa mắt nhìn lên Mẹ Maria, Mẹ sẽ hướng dẫn chúng ta trở về với Chúa Giêsu và Giáo hội của Người.
Thánh Bênađô viết: “Khi bạn chiến đấu với bão táp trên biển cuộc đời, hãy ngước nhìn lên sao biển là Mẹ Maria. Nếu những ngọn gió cám dỗ thổi vào chiếc thuyền lòng bạn, hay nếu bạn bị va đụng bởi những tảng đá đau khổ, hãy nhìn lên ngôi sao – và hãy gọi tên Mẹ! Nếu bạn bị những đợt sóng tham vọng hay đố kỵ xô đẩy, hãy nhìn lên ngôi sao – hãy gọi tên của Mẹ! Nếu cơn nóng giận hay tham lam đánh bạt chiếc thuyền lòng bạn, hãy nhìn lên Mẹ Maria! Nếu bạn đang thất vọng vì tội lỗi quá nhiều, hãy tưởng nghĩ đến Mẹ! Trong những khó khăn và nguy hiểm, hãy nhớ đến Mẹ – hãy réo gọi Mẹ! Đừng để danh thánh Mẹ rời xa môi miệng bạn. Hãy tưởng nghĩ đến Mẹ luôn luôn! Có Mẹ, bạn sẽ không lạc lối. Được Mẹ chở che, bạn sẽ không sợ gì. Mẹ sẽ dẫn bạn đến với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của bạn!”
Lúc chúng ta trải qua những buồn nản, nghi ngờ hay thất vọng, chúng ta có năng tưởng nghĩ đến thánh danh Mẹ Maria và réo gọi Mẹ không? Chúng ta có tin rằng Mẹ Maria thực sự yêu thương chúng ta và luôn ao ước cho chúng ta được hạnh phúc không? Vậy Mẹ sẽ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu bằng cách nào?
Ngày 13 tháng 9
Thánh Gioan kim khẩu
Thánh Gioan kim khẩu sinh tại Antiôkia vào khoảng năm 344. Thân phụ Gioan qua đời lúc ngài còn rất nhỏ. Thân mẫu quyết định ở vậy không tái hôn. Bà dành tất cả sự quan tâm để giáo dục hai người con của bà, một trai và một gái. Bà đã cố gắng hy sinh và lo liệu để Gioan được học với các danh sư lỗi lạc thời ấy. Gioan rất đỗi thông minh và có thể cũng sẽ trở nên rất danh tiếng. Mỗi khi Gioan thuyết trình thì mọi người đều chăm chú lắng nghe. Thật ra, danh xưng kim khẩu có nghĩa là “miệng vàng.” Tuy thế, Gioan lại muốn tận hiến đời mình cho Thiên Chúa. Gioan được thụ phong linh mục; và sau đó được đặt làm giám mục cai quản thành phố rất vĩ đại là Constantinôp.
Thánh Gioan kim khẩu là một giám mục tuyệt vời và ngài đã làm được những việc rất phi thường. Mỗi ngày, Gioan thuyết giảng một hoặc hai lần, ngoài ra Gioan còn nuôi dưỡng những người nghèo và chăm sóc các trẻ mồ côi. Gioan đã sửa lại những tập tục sai trái và ngăn cấm việc trình chiếu những vở kịch xấu. Thánh nhân yêu thương mọi người, nhưng ngài không sợ lên tiếng phản đối ngay cả nữ hoàng mỗi khi bà làm điều sai quấy.
Vì chống lại tội lỗi nên thánh Gioan có nhiều kẻ thù, thậm chí chính nữ hoàng cũng trở nên kẻ thù của Gioan. Bà đã trục xuất thánh nhân ra khỏi thành Constantinôp. Trên đường đi đày, thánh Gioan đã bị sốt nặng, thiếu thực phẩm và thiếu ngủ. Tuy vậy, thánh nhân vẫn vui mừng chịu khổ vì Chúa Giêsu. Ngay trước lúc qua đời, thánh Gioan đã lớn tiếng thốt lên: “Xin sáng danh Đức Chúa!”
Thánh Gioan kim khẩu về trời ngày 14 tháng Chín năm 407 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Có một trận mưa đá khủng khiếp đã xảy ra tại Constantinôp khi Gioan qua đời. Bốn ngày sau, bà hoàng cũng băng hà. Nhưng con trai của bà đã tôn kính xác thánh Gioan và tỏ lòng hối hận vì những tổn hại mà mẹ ông đã gây ra.
Thiên Chúa biết rõ chúng ta hơn chính chúng ta biết ta. Nếu chúng ta làm mọi việc vì lòng yêu mến Thiên Chúa, chúng ta sẽ không lo sợ người khác nói xấu hay làm hại chúng ta. Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan kim khẩu ban cho chúng ta lòng can đảm của ngài.
Ngày 14 tháng 9
Lễ suy tôn Thánh Giá
Hôm nay chúng ta biểu lộ tình yêu mến và lòng biết ơn của chúng ta đối với Đức Chúa Giêsu qua việc suy tôn Thánh Giá Chúa. Ngày xưa thập giá là một trong các biểu tượng nhục nhã nhất. Hình khổ đóng đinh thập giá được dành cho những phạm nhân hết sức gian ác. Chúa Giêsu chấp nhận khổ hình thập giá là để giành lấy ơn cứu độ cho mỗi người chúng ta. Và khổ hình ấy dĩ nhiên đi kèm với sự nhục nhã.
Bằng vào cái chết trên thập giá, Đức Chúa Giêsu đã làm cho thập giá trở nên biểu tượng của vinh quang và sự sống bất diệt. Thập giá là biểu tượng thánh thiêng nhất của Kitô giáo. Khi thập giá có mang hình ảnh của Đức Chúa Giêsu chịu đóng đinh, lúc ấy nó được gọi là Tượng Chịu Nạn hay Thánh Giá Chúa. Thánh Giá trên bức tường trong phòng ngủ hay Thánh Giá mà chúng ta đeo quanh cổ của mình là những dấu hiệu nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Giêsu đã trả giá cho ơn cứu độ của từng người chúng ta.
Trải qua nhiều thế kỷ, các Kitô hữu đạo hạnh đã cất giữ cùng bảo quản tốt những thánh tích của Thánh Giá Chúa. Người ta tin rằng hoàng đế Hêraclitô đã tìm lại được những mảnh gỗ từ cây Thánh Giá của Đức Chúa Giêsu hồi năm 629. Chẳng những ông và cả đoàn du khách hành hương đã tôn kính các thánh tích này mà ông còn mời gọi tất cả mọi người trong miền ấy cùng tham gia với ông. Trước thời gian đó, các Kitô hữu cũng đã tôn kính và yêu quý biểu tượng thập giá này.
Từ ngữ “thánh giá” cũng mang ý nghĩa những đau khổ xảy đến trên đường đời của ta. Khi ta biết chấp nhận những đau khổ này với lòng nhẫn nại và yêu mến, thì như Chúa Giêsu đã vác thập giá của Ngài, ta cũng sẽ trở nên những “người-vác-thập-giá” như Đức Chúa Giêsu.
Chúng ta hãy suy nghĩ xem coi biểu tượng thập giá mang ý nghĩa gì đối với chúng ta là những Kitô hữu. Hôm nay chúng ta hãy ưa thích thưa lên với Chúa Giêsu lời nguyện tắt này: “Lạy Đức Chúa Giêsu, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.”
Ngày 15 tháng 9
Lễ Đức Mẹ sầu bi
Vì là Mẹ của Đức Chúa Giêsu, Mẹ Maria có rất nhiều niềm vui nhưng Mẹ cũng phải chịu nhiều đau khổ. Tình yêu quảng đại đối với Con chí thánh đã khiến Mẹ Maria phải đau khổ khi nhìn thấy Đức Chúa Giêsu bị các kẻ thù đối xử tàn bạo. Mẹ là Nữ Vương các thánh tử đạo vì Mẹ đã trải qua những đau khổ tinh thần mà những đau khổ này khủng khiếp hơn rất nhiều so với những khổ hình thể xác của các thánh tử đạo. Trái tim Mẹ ví tựa bàn thờ khi Mẹ dâng Con yêu quý của Mẹ là Đức Chúa Giêsu để cứu độ chúng ta trên ngọn đồi Canvê. Thật là đau khổ biết bao khi một người mẹ rất mực đáng yêu phải chứng kiến cảnh tượng con mình chịu chết trên thập giá!
Chúng ta đặc biệt tưởng nhớ bảy niềm đau lớn lao trong cuộc đời của Mẹ. Niềm đau thứ nhất là khi Mẹ dâng Chúa Hài Nhi Giêsu trong đền thánh. Tại đây, cụ tiên tri Simêon nói với Mẹ rằng một lưỡi gươm đau khổ sẽ đâm thấu tâm hồn của Mẹ. Việc đó sẽ xảy ra khi Đức Chúa Giêsu bị lên án tử. Niềm đau thứ hai là Đức Mẹ và thánh Giuse phải chạy trốn sang Ai Cập với Đức Chúa Giêsu vì quân lính của vua Hêrôđê đang tìm giết Người. Niềm đau thứ ba xảy ra lúc Đức Mẹ tìm kiếm Đức Chúa Giêsu suốt ba ngày tại đền thánh Giêrusalem. Sau cùng, Mẹ đã tìm thấy Chúa trong đền thờ. Niềm đau thứ tư của Mẹ là khi Đức Chúa Giêsu bị quân dữ đánh đòn và đội mão gai. Niềm đau thứ năm là khi Mẹ xem thấy Đức Chúa Giêsu bị treo trên cây thập giá, nơi Chúa tắt thở sau ba giờ hấp hối. Niềm đau thứ sáu của Mẹ là lúc thân xác bất động của Đức Chúa Giêsu được trao phó trong vòng tay Mẹ. Và niềm đau thứ bảy mà Mẹ phải chịu là lúc Đức Chúa Giêsu chịu mai táng trong mồ.
Mẹ Maria đã chẳng hối tiếc hay phàn nàn gì khi phải chịu đau khổ quá nhiều trong suốt cuộc đời Mẹ. Thay vào đó, Mẹ dâng lên Thiên Chúa những thống khổ của Mẹ vì chúng ta. Mẹ chính là Mẹ thật của mỗi người chúng ta. Bởi quá yêu thương chúng ta, Mẹ đã vui sướng cùng chịu đau khổ với Đức Chúa Giêsu Con Mẹ để một ngày kia chúng ta cũng được chia sẻ niềm vui của Mẹ cùng với Đức Chúa Giêsu trên thiên đàng.
Để tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ sầu bi, hôm nay chúng ta hãy dâng lên Mẹ vài hy sinh nhỏ mà không phàn nàn chi. Chúng ta cũng hãy suy ngắm từng niềm đau của Mẹ và cảm ơn Mẹ về tình yêu cao cả mà Mẹ đã dành cho mỗi người chúng ta.
Ngày 16 tháng 9
Thánh Cornêliô và thánh Cyprianô
Vào giữa thế kỷ thứ 3, Giáo hội vẫn còn bị đàn áp. Cuộc bách hại tàn khốc của hoàng đế Đêsiô đã cướp đi sinh mạng của thánh giáo hoàng Fabianô. Giáo hội phải trống ngôi giáo hoàng gần một năm. Vào năm 251, người ta đã bầu một linh mục thánh thiện của Rôma, là Cornêliô, lên làm giáo hoàng. Cornêliô chấp nhận vì ngài yêu mến Chúa Kitô. Ngài sẽ phục vụ Giáo hội với cương vị giáo hoàng ngay cả khi phải mất mạng sống mình vì nhiệm vụ. Đó là lý do thánh giáo hoàng Cornêliô được cả thế giới ngưỡng mộ. Các giám mục Phi châu đặc biệt tuyên xưng lòng trung thành và yêu mến đối với đức giáo hoàng. Giám mục Cyprianô giáo phận Cáctagô đã gởi cho đức giáo hoàng những lá thư an ủi và khích lệ. Cyprianô được ơn trở lại Kitô giáo lúc 25 tuổi. Ngài rất ngạc nhiên khi thấy các Kitô hữu thành Cáctagô tuyên khấn giữ đức trinh khiết trọn đời ngay trước lúc ngài chịu phép Thanh tẩy. Cuối cùng, Cyprianô thụ phong linh mục và năm 248, ngài được tấn phong giám mục.
Giám mục Cyprianô hết lòng khích lệ và nâng đỡ giáo hoàng Cornêliô. Các tác phẩm của thánh nhân minh chứng tình yêu mà các Kitô hữu đã dành cho toàn thể Giáo hội. Tình yêu này không chỉ dành riêng cho một mình giáo hoàng mà còn cho cả giáo phận và các giáo xứ địa phương. Cyprianô viết một tác phẩm sâu xa bàn về tính duy nhất của Giáo hội. Tác phẩm này vẫn là một chủ đề quan trọng đối với mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta.
Thánh giáo hoàng Cornêliô qua đời đang lúc bị lưu đày tại hải cảng Rôma vào tháng Chín năm 253. Vì phải chịu đau khổ rất nhiều với tư cách là giáo hoàng, Cornêliô được mọi người xem như là thánh tử đạo. Thánh Cyprianô qua đời 5 năm sau đó, trong thời bách hại của hoàng đế Valêrianô. Thánh nhân bị xử trảm tại thành Cáctagô ngày 14 tháng Chín năm 258. Việc thánh Cornêliô và thánh Cyprianô chia sẻ chung một ngày lễ nhắc nhở chúng ta về tính duy nhất mà Giáo hội luôn luôn vui hưởng. Tính duy nhất này là dấu chỉ sự hiện diện của Đức Giêsu, Vị thủ lãnh Giáo hội.
Chúng ta hãy nài xin hai thánh Cornêliô và thánh Cyprianô giúp chúng ta tăng triển lòng yêu mến đối với Giáo hội, với đức giáo hoàng, các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân khắp nơi trên hoàn vũ. Các đấng có thể giúp chúng ta sống trung thực với niềm tin Công giáo của mình ngay cả trong những nghịch cảnh của cuộc sống.
Ngày 17 tháng 9
Thánh Rôbertô Bellarminô
Thánh Rôbertô Bellarminô sinh năm 1542 tại nước Ý. Lúc còn nhỏ, thánh nhân không thích chơi các thứ trò chơi, mà chỉ thích dùng thời giờ thuyết lại cho các em trai và em gái của ngài các bài giảng mà ngài đã nghe được. Rôbertô Bellarminô cũng thích giảng giải các bài giáo lý cho các trẻ nhỏ ở trong xóm của ngài. Rồi Rôbertô được Rước lễ lần đầu; và ngài thường rước lễ vào mỗi Chúa nhật.
Ham ước lớn nhất của Rôbertô Bellarminô là được trở thành linh mục dòng Tên, nhưng thân phụ Rôbertô lại có những dự tính khác cho ngài. Ông hy vọng cậu quý tử của ông sẽ là một người hào hoa phong nhã. Vì lý do này, ông muốn Rôbertô phải trau dồi nhiều môn học, kể cả âm nhạc và nghệ thuật. Suốt một năm trời, Rôbertô Bellarminô đã gắng sức thuyết phục cha. Cuối cùng, năm lên 18, Rôbertô Bellarminô được phép gia nhập dòng Tên. Là tu sĩ trẻ tuổi, Rôbertô Bellarminô học hành rất giỏi. Ngài được sai đi thuyết giảng ngay cả khi chưa làm linh mục. Một bà đạo đức kia lần đầu tiên thấy một thanh niên, thậm chí chưa là linh mục, bước lên tòa giảng, bà đã quỳ gối cầu nguyện. Bà nài xin Chúa Giêsu giúp chàng để chàng khỏi hoảng sợ mà bỏ dở bài giảng. Lúc Rôbertô Bellarminô giảng xong, bà đạo đức vẫn còn quỳ gối. Tuy nhiên, lần này bà đang cảm tạ Chúa vì vừa được nghe một bài giảng thật hoành tráng.
Thánh Rôbertô Bellarminô là một văn gia, một thầy dạy và là một nhà giảng thuyết trứ danh. Thánh nhân đã viết 31 tác phẩm quan trọng. Mỗi ngày, thánh nhân dùng ba giờ đồng hồ để cầu nguyện. Rôbertô Bellarminô có một kiến thức sâu rộng về các vấn đề thiêng liêng. Tuy vậy, khi đã trở thành hồng y, thánh Rôbertô Bellarminô vẫn xem giáo lý là quan trọng nhất đến nỗi ngài đã đích thân dạy bộ môn này cho những người giúp việc trong nhà cũng như cho các bổn đạo trong giáo phận.
Đức hồng y Bellarminô về trời ngày 17 tháng Chín năm 1621. Đến năm 1930, đức thánh cha Piô XI tôn phong Bellarminô lên bậc hiển thánh; và vào năm 1931, thánh nhân được tôn tặng danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh.
Chúng ta hãy nài xin thánh Rôbertô Bellarminô giúp chúng ta nhận thức được tầm quan trọng mà các lớp giáo lý mang lại. Chúng ta cũng hãy cố gắng đi học đúng giờ, để ý nghe giảng, chu toàn nhiệm vụ và học hành nghiêm túc.
Ngày 18 tháng 9
Thánh Giuse Cupertinô
Thánh Giuse Cupertinô sinh ngày 17 tháng Sáu năm 1630 tại một ngôi làng nhỏ nước Ý. Gia đình Giuse rất nghèo và thời thơ ấu của Giuse rất bất hạnh. Thân mẫu của Giuse Cupertinô coi ngài là một mối phiền lòng và bà đã xử với Giuse rất ư ác nghiệt. Chẳng mấy chốc, Giuse trở nên trì độn và đãng trí. Giuse lang thang hết chỗ này tới chỗ nọ mà như thể chẳng đi đâu cả. Và Giuse cũng dễ nóng giận nên không được người khác quý chuộng. Rồi Giuse Cupertinô gắng sức học nghề đóng giày nhưng không thành công. Ngài đã xin vào tu dòng Phanxicô nhưng bị từ chối. Tiếp đến, Giuse gia nhập dòng Capuxinô; nhưng tám tháng sau, Giuse Cupertinô được khuyên nên về lại gia đình. Giuse dường như chẳng thể làm được việc gì cho đàng hoàng cả! Giuse đánh rơi nhiều chồng chén dĩa và sau đó lại quên hết mọi sự. Thân mẫu Giuse Cupertinô không hài lòng khi để cậu trai 18 tuổi của bà ở lại nhà. Sau cùng, bà cũng thuyết phục được Giuse nhận làm người giúp việc cho một tu viện của dòng Phanxicô. Giuse nhận tu phục của dòng và được chỉ định trông coi đàn ngựa.
Khoảng thời gian này, Giuse Cupertinô bắt đầu thay đổi. Giuse sống khiêm tốn và hiền lành hơn. Ngài làm việc cẩn thận hơn và thu lượm được nhiều kết quả. Giuse Cupertinô cũng bắt đầu làm nhiều việc hãm mình. Rồi người ta quyết định cho Giuse được làm thành viên chính thức của hội dòng; và Giuse bắt đầu học làm linh mục. Mặc dù rất chăm chỉ nhưng Giuse vẫn chỉ có chút ít thời giờ để học hành. Giuse tin tưởng vào sự trợ giúp của Thiên Chúa; và cuối cùng, Giuse Cupertinô được thụ phong linh mục. Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ qua cha Giuse. Hơn 70 lần người ta thấy cha Giuse được nâng lên cao khỏi mặt đất đang lúc ngài cử hành thánh lễ hay cầu nguyện. Giuse bị treo lơ lửng sát gần trần nhà giống như một ngôi sao treo ở đầu cành cây Nôel. Giuse thường hay xuất thần và hoàn toàn kết hợp đang lúc trò truyện với Thiên Chúa. Giuse sống thật thánh thiện! Mọi thứ Giuse Cupertinô xem thấy đều giúp ngài nghĩ tưởng đến Thiên Chúa.
Cha Giuse Cupertinô trở nên quá nổi danh vì làm nhiều phép lạ đến nỗi người ta đã gởi ngài tới thành Assisi để tránh cho thiên hạ biết đến. Điều này khiến Giuse rất hạnh phúc vì có dịp được sống thân mật với Đức Chúa Giêsu yêu quý của ngài. Chúa Giêsu luôn hiện diện trong trái tim của Giuse; và một ngày kia, Chúa đã đến đem Giuse về thiên đàng. Giuse Cupertinô qua đời năm 1663, lúc vừa tròn 60. Ngài được đức thánh cha Clêmentê XIII tôn phong hiển thánh năm 1767.
Có lẽ chúng ta cảm thấy rằng chúng ta không có tài nghệ gì đặc biệt lắm. Thậm chí có khi còn cảm thấy tuyệt vọng nữa! Đó là lúc chúng ta hãy cầu nguyện cùng thánh Giuse Cupertinô. Thánh nhân sẽ giúp chúng ta có được sự tự tin cần thiết. Ngài sẽ nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa Giêsu đang hiện diện trong trái tim chúng ta; và đối với Chúa Giêsu, chúng ta là những người rất ư đặc biệt.
Ngày 19 tháng 9
Thánh Januariô
Thánh Januariô sinh vào thế kỷ thứ 4 tại nước Ý. Quê hương của ngài là Bênêventô hoặc có thể là Napôli. Januariô làm giám mục giáo phận Bênêventô khi xảy ra cuộc bách hại của Điôclêsianô. Thánh Januariô được dân chúng gọi là “San Gennarô,” nghĩa là thánh Gennarô. Theo truyền thuyết, San Gennarô biết được một số thầy phó tế bị giam tù vì đức tin. Đức giám mục là một người hiền lành và có lòng trắc ẩn. Ngài thực lòng quan tâm đến bổn đạo và ngài đã đi tới nhà tù để thăm viếng họ. Người cai tù báo tin cho ông thống đốc, và ông này đã sai quân lính của mình tới tìm San Gennarô. Đức giám mục đã bị bắt cùng với một thầy phó tế và một diễn giả. Họ bị giam cùng với các tù nhân khác.
Thế rồi, San Gennarô và sáu người khác đã chịu tử đạo. Cái chết của họ xảy ra gần thành phố Napôli vào khoảng năm 305. Dân thành Napôli đã dành cho San Gennarô một lòng yêu mến và tôn kính đặc biệt. Thực ra, ngài được xem như thánh bổn mạng của họ.
Dân thành Napôli còn tưởng nhớ San Gennarô vì một lý do đặc biệt khác: máu tử đạo của thánh nhân đã được cất giữ hàng mấy thế kỷ trước trong một chiếc lọ nhỏ. Máu đã hóa nên sẫm và khô. Nhưng tại một vài thời điểm nào đó trong năm, máu lại hóa lỏng. Nó trở nên đỏ, đôi lúc đỏ tươi. Thỉnh thoảng máu cũng sủi bọt. Hiện tượng đặc biệt chứa trong lọ máu được tôn kính cách công khai vào thứ Bảy đầu tháng Năm, nhằm ngày 19 tháng Chín (lễ kính thánh San Gennarô), và kéo dài suốt tám ngày (tính từ sau lễ kính thánh nhân); đôi lúc cũng được kính vào ngày 16 tháng Mười Hai. Lọ máu hóa lỏng này được nhìn nhận và được tôn kính từ thế kỷ thứ 13.
Chúng ta hãy nài xin thánh Januariô ban cho chúng ta một trái tim biết yêu thương và biết rung cảm để nhờ đó chúng ta có thể đem niềm vui và an ủi đến cho những người sống chung quanh mình.
Ngày 20 tháng 9
Thánh Anrê Kim Têgon
và thánh Phaolô Chong Hasang
Thánh Anrê Kim Têgon là linh mục và thánh Phaolô Chong Hasang là một tín hữu Công giáo. Hai vị tử đạo này đại diện cho nhiều Kitô hữu đã hy sinh mạng sống vì đức tin tại Hàn quốc. Các ngài được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh năm 1984 nhân chuyến viếng thăm đất nước này.
Kitô giáo được những giáo dân đem vào Hàn quốc hồi thế kỷ thứ 17. Các tín hữu đã âm thầm nuôi dưỡng và tăng triển đức tin của họ dựa trên lời Chúa. Các linh mục thừa sai trẩy tàu từ Pháp sang Hàn và giới thiệu cho dân Hàn hiểu biết về đời sống bí tích của Hội Thánh. Thỉnh thoảng, suốt dọc thế kỷ thứ 19, đức tin Kitô giáo bị chính phủ Hàn bách hại. Từ năm 1839 đến năm 1867, đã có tổng cộng 103 tín hữu Hàn bị giết hại. Cũng có mười thành viên của hiệp hội Thừa Sai Pari nước ngoài chịu tử vì đạo: gồm 3 giám mục và 7 linh mục. Điều này đã nâng tổng số các thánh tử đạo lên 113 vị.
Thánh Anrê Kim Têgon và thánh Phaolô Chong Hasang là đại diện cho các Kitô hữu Hàn đã can đảm hy sinh mạng sống mình vì tình yêu Chúa Kitô. Thánh Anrê Kim Têgon, linh mục đầu tiên của Hàn quốc, đã tử vì đạo ngày 16 tháng Chín năm 1846, chỉ một năm sau khi được thụ phong. Thân phụ của Anrê đã tử đạo năm 1821. Thánh Phaolô Chong Hasang là một giáo lý viên rất anh dũng. Thánh nhân chịu tử đạo hôm 22 tháng Chín năm 1846.
Giáo hội vẫn tiếp tục phát triển nhanh chóng tại Hàn quốc. Món quà đức tin được tiếp nhận và được tô bồi nhờ công lao của các thánh tử đạo, những người đã hy sinh làm đá lát đường.
Mỗi vị tử đạo là một bài giảng âm thầm. Khi chúng ta suy ngắm cái chết của một vị tử đạo nào đó, chúng ta học được một sứ điệp. Chúng ta hãy nài xin các thánh tử đạo Hàn quốc giúp chúng ta cũng yêu mến Chúa Giêsu và Giáo hội cách tha thiết như vậy.
Ngày 21 tháng 9
Thánh Matthêu
Thánh Matthêu là một người thu thuế trong thành Caphanaum nơi Đức Chúa Giêsu sinh sống. Thánh nhân là người gốc Dothái nhưng lại làm việc cho người Rôma, lúc ấy đang cai trị những người Dothái. Vì lý do này, những người Dothái bản xứ rất căm ghét Matthêu. Họ không làm bất cứ thứ gì chung với “những hạng tội lỗi công khai” này, như những người thu thuế giống Matthêu vậy.
Thế nhưng, Đức Chúa Giêsu lại không cảm thấy như vậy! Ngày kia, thấy Matthêu đang ngồi ở bàn thu thuế, Đức Chúa Giêsu liền nói: “Hãy theo Ta!” Lập tức Matthêu bỏ lại tiền bạc và địa vị mà đi theo Đức Giêsu, trở thành một trong số mười hai tông đồ của Người. Sau đó, Matthêu đã làm một bữa tiệc rất thịnh soạn để thết đãi Chúa Giêsu. Ngài cũng mời các bạn bè cùng làm nghề thu thuế như ngài tới gặp Đức Chúa Giêsu và nghe Chúa dạy bảo. Có vài người đã bắt lỗi Chúa vì Người dám đồng bàn với những người mà họ cho là “quân tội lỗi.” Tuy nhiên, Đức Chúa Giêsu đã có sẵn câu trả lời: “Những người mạnh khỏe thì không cần đến thầy thuốc; chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu gọi những người công chính, mà là để kêu gọi những người tội lỗi biết ăn năn hối cải” (Mt 9,12).
Sau khi Chúa Giêsu về trời, thánh Matthêu đã ở lại Palestina. Thánh nhân lưu lại đó ít lâu và rao giảng cho dân chúng nghe biết về Đức Chúa Giêsu.
Chúng ta rất quen thuộc với sách Tin mừng theo thánh Matthêu, cuốn sách mô tả câu chuyện về cuộc đời của Đức Chúa Giêsu và những điều Người dạy. Tin mừng này được linh hứng và được đặt tên là Tin mừng theo thánh Matthêu, nhưng chúng ta không chắc là thánh Matthêu có thực sự là tác giả viết đã cuốn sách này hay không. Trong sách Tin mừng theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu được trình bày cho những người bản xứ Dothái như là Đấng Mêsia mà các ngôn sứ đã tiên báo là sẽ đến để cứu giúp chúng ta.
Sau khi rao giảng Tin mừng cho nhiều người, thánh Matthêu đã tử đạo để làm chứng cho đức tin ngài rao giảng.
Chúng ta có thỉnh thoảng dán nhãn cho ai là “hạng đồi bại” hay “quân tội lỗi” không? Nếu có, chúng ta hãy cầu xin với thánh Matthêu. Chúng ta hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta tránh dùng những nhãn hiệu đó. Chúng ta không muốn bắt chước các việc làm sai trái của họ, nhưng chúng ta không nên khinh bỉ họ. Chúng ta hãy thẳng thắn nói “không” với tội lỗi nhưng hãy đối xử với những người tội lỗi bằng tấm lòng hiểu biết và cảm thông.
Ngày 22 tháng 9
Thánh Tôma Villanôva
Thánh Tôma Villanôva sinh năm 1488 tại nước Tây Ban Nha. Thánh nhân được cha mẹ yêu quý dạy cho biết phải có tấm lòng bác ái đối với những người nghèo khổ. Tôma Villanôva học hành rất giỏi và ngài đã trở thành giáo sư dạy bộ môn triết sau khi tốt nghiệp ra trường. Rồi Tôma Villanôva gia nhập dòng thánh Augustinô. Sau khi thụ phong linh mục, ngài được trao phó cho nhiều chức vụ quan trọng. Cuối cùng, Tôma Villanôva được đặt làm tổng giám mục giáo phận thành Valenxia. Các anh em linh mục thuyết phục Tôma hãy đổi bộ tu phục cũ kỹ, đã vá víu nhiều chỗ để mặc những bộ áo đàng hoàng hơn. Tuy nhiên, thánh Tôma Villanôva nói với họ rằng những bộ áo cũ chẳng liên quan gì tới nhiệm vụ của ngài cả. Thánh nhân rất quan tâm đến những nhu cầu tinh thần của đàn chiên được trao phó cho ngài. Mỗi ngày, Tôma Villanôva cũng nuôi ăn hàng trăm người nghèo. Khi nhận được một số tiền lớn để mua những phương tiện trang bị cho căn nhà ngài ở, thánh Tôma Villanôva lại đem số tiền ấy biếu cho một bệnh viện. Ngài nói: “Một tu sĩ nghèo khó như tôi mà lại cần có đồ đạc gì?” Thật vậy, Tôma Villanôva được mọi người sống ở thời đại ngài gọi là “cha của những người nghèo khổ.”
Thánh Tôma Villanôva đối xử rất dịu dàng với các tội nhân, trong lúc mà hầu hết mọi người không làm được chuyện này. Lần kia, khi thánh nhân đang cố gắng khuyến khích một người đàn ông thay đổi những ý hướng bất chính, ông liền tức giận lăng mạ ngài và lao ra khỏi phòng. “Đó là lỗi tại tôi,” đức tổng giám mục khiêm tốn nói, “tại tôi hơi cứng cỏi!” Ngài không bao giờ cho phép ai nói xấu người vắng mặt. “Có lẽ họ có ý tốt khi làm chuyện đó,” thánh nhân nói, “tôi tin là như thế!”
Trước khi qua đời, thánh Tôma Villanôva đã bố thí cho người nghèo mọi thứ ngài có. Thậm chí thánh nhân đã cho chuyển chiếc giường ngủ của ngài vào nhà tù để cho các tù nhân sử dụng.
Thánh Tôma Villanôva về trời năm 1555. Ngài được đức thánh cha Alêxanđơ VII tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1658.
Chúng ta hãy ghi nhớ những lời của thánh Tôma Villanôva khi muốn sống quảng đại hơn. Thánh nhân thường nói: “Nếu bạn muốn Thiên Chúa ưng nhận những lời cầu xin của bạn, bạn hãy giúp đỡ những người nghèo khổ túng cực.”
Ngày 23 tháng 9
Thánh Piô Piêtrelcina
Phanxicô Forgiône sinh ngày 25 tháng Năm năm 1887 gần thành Napôli nước Ý. Song thân ngài rất nghèo khó và rất vất vả. Từ thơ ấu, Phanxicô Forgiône đã có một lòng yêu thích cầu nguyện sâu xa và một lòng khát khao nên thánh mãnh liệt.
Khi Phanxicô Forgiône lên 10, có một linh mục dòng Phanxicô Capuxinô tới Piêtrelcina. Phanxicô bị ấn tượng bởi lòng đơn sơ và khiêm nhường của ngài. Và Phanxicô quyết tâm rằng một ngày kia cũng sẽ là một linh mục dòng Capuxinô. Để giúp cho ước mơ của con thành sự thật, thân phụ của Phanxicô đã trẩy sang nước Mỹ tìm việc làm và kiếm tiền cho Phanxicô ăn học.
Vào ngày mùng 6 tháng Giêng năm 1903, Phanxicô Forgiône gia nhập dòng Capuxinô ở Morcôn. Phanxicô nhận tên là Piô. Vào năm 1910, Piô được thụ phong linh mục. Vì sức khỏe yếu kém, các bề trên tưởng là sẽ tốt hơn nếu để Piô sống một thời gian tại quê nhà. Và Piô được chỉ định về giúp cha xứ tại giáo xứ quê nhà. Chính thời gian này cha Piô nhận được một ơn đặc biệt. Để nên giống Đức Chúa Giêsu Tử Giá hơn, Piô bắt đầu cảm thấy những dấu đinh của Chúa ẩn trong tay và chân và vết thương của lưỡi đòng trong cạnh sườn mình. Sau một thời gian, các vết thương này xuất hiện thường xuyên hơn, nhưng vẫn vô hình. Vào ngày 20 tháng Chín năm 1918, năm Dấu Thánh này tỏ lộ ra bên ngoài và kéo dài suốt 50 năm sau cho tới lúc cha Piô qua đời.
Sau bảy năm sống ở Piêtrelcina, cha Piô được gởi đến đan viện Capuxinô ở Foggia. Cha cảm thấy rất hạnh phúc vì sau cùng cha cũng được ở với các anh em tu sĩ Phanxicô. Và cộng đoàn cũng vui mừng vì có sự hiện diện của cha, bởi Piô luôn vui tính và hóm hỉnh. Cha Piô bắt đầu ban bí tích Hòa giải và chẳng bao lâu từng nhóm đông người đã kéo đến xin cha lời khuyên bảo.
Vào tháng Bảy năm 1916, các bề trên của cha Piô gởi cha tới San Giovanni Rôtônđô, một ngôi làng hẻo lánh để cha được hưởng chút yên tĩnh. Ở đây, sức khỏe của Piô được bình phục, và Piô cũng được Thiên Chúa ban cho những ơn lạ. Piô đọc được tâm hồn của người khác, thậm chí cha có thể giúp họ xưng tội bằng cách nhắc họ nhớ lại những chi tiết mà cha nghe được từ nơi Thiên Chúa. Cha Piô cũng có ơn lưỡng tại (tức khả năng hiện diện ở hai nơi khác nhau trong cùng một lúc), và năm Dấu Thánh của cha tỏa ra một mùi thơm của hoa hồng và hoa tím.
Các bề trên của cha Piô đã hỏi cha những đặc ân này là có thực hay không, vì nếu như đó là trò chơi khăm thì Piô sẽ bị cấm dâng lễ công khai và cấm giải tội. Đây quả là một thánh giá nặng đối với Piô, nhưng cha Piô đã chấp nhận nó như một dịp để được nên giống Đức Chúa Giêsu. Một thời gian sau, cha Piô lại được phép cử hành các bí tích, và một lần nữa, rất đông người lại chen chúc nhau trong nhà thờ để xem cha Piô dâng thánh lễ cũng như xếp hàng để được xưng tội với ngài. Thông thường, mỗi ngày cha Piô giải tội cho trên 100 hối nhân.
Cha Piô Piêtrelcina đã dùng hầu hết cuộc đời linh mục của ngài để ban bí tích Hòa giải và khuyên bảo cùng động viên vô số bổn đạo đến từ khắp các nơi trên thế giới. Cha đã phục vụ như vậy cho tới khi về trời ngày 21 tháng Chín năm 1968. Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn cha Piô Piêtrelcina lên bậc hiển thánh năm 2002.
Chúng ta có tin rằng trong bí tích Hòa giải chúng ta được gặp chính Đức Chúa Giêsu, Đấng biết rõ chúng ta hơn chúng ta biết ta và yêu mến chúng ta hơn chúng ta có thể yêu mến mình không? Chúng ta hãy nài xin cha thánh Piô Piêtrelcina ban ơn soi sáng để chúng ta có thể nhận thấy những chuyện xảy ra trong đời sống của mình chính là những phương thế giúp chúng ta theo sát Đức Chúa Giêsu hơn. Như thế, chúng ta sẽ lãnh nhận bí tích Hòa giải cách hiệu quả hơn.
Ngày 24 tháng 9
Thánh Têcla
Theo truyền thuyết, thánh nữ Têcla là một nữ quý tộc ngoại giáo rất trẻ đẹp, sống vào thế kỷ thứ 1. Ngài là người thành Icôniô, nước Thổ Nhĩ Kỳ. Thánh nữ Têcla đọc nhiều sách triết học, tuy vậy những sách này chẳng thỏa mãn được khát vọng tìm hiểu về Đấng Sáng Tạo của thánh nữ. Khi thánh Phaolô tông đồ đến rao giảng Tin mừng của Đức Chúa Giêsu tại Icôniô, lời cầu xin muốn biết một Thiên Chúa chân thật của thánh nữ Têcla đã được khấng nhận. Nơi thánh Phaolô, Têcla cũng học biết được rằng một phụ nữ trẻ có thể sống độc thân và có thể trở nên hiền thê của Đức Chúa Giêsu. Và thế là Têcla chẳng ham ước gì hơn là tận hiến toàn thân để phụng sự duy một Thiên Chúa.
Song thân ngoại giáo của Têcla đã cố gắng hết sức để làm cho Têcla từ bỏ đức tin Công giáo nhưng không được. Vị hôn phu của Têcla, là Thamyris cũng nài xin Têcla đừng hủy bỏ việc đính hôn của hai người. Tuy nhiên, Têcla đã quyết định. Thánh nữ muốn trở nên hiền thê của Chúa Kitô chứ không phải của Thamyris. Cuối cùng, Thamyris đã tố cáo Têcla với những nhà cầm quyền. Khi Têcla vẫn cương quyết không chịu chối bỏ đức tin vào Chúa Giêsu, họ liền ra lệnh thiêu sống ngài. Người nữ trẻ đẹp này đã anh dũng chuẩn bị đón nhận cái chết. Tuy nhiên, người ta kể rằng khi lửa vừa được đốt cháy thì một cơn bão từ trời đã kéo tới dập tắt đi. Sau đó, Têcla bị đem cho sư tử ăn thịt. Tuy vậy, lại một lần nữa, Thiên Chúa đã cứu mạng sống của Têcla. Thay vì chồm lên cắn xé Têcla, những con mãnh thú chỉ nhẹ nhàng tiến tới phủ phục bên cạnh Têcla và liếm chân Têcla y như những chú mèo con nuôi trong nhà vậy. Sau cùng, hoảng sợ, quan tòa đã cho Têcla được tự do. Têcla tìm đến một cái hang và thánh nữ đã sống phần đời còn lại tại đây. Têcla cầu nguyện và nói về Đức Chúa Giêsu cho những người tới thăm hỏi ngài.
Nếu chúng ta muốn đào sâu thêm lòng tin và lòng yêu mến đối với Đức Chúa Giêsu, chúng ta hãy nài xin Người giúp chúng ta biết sống mỗi ngày một quảng đại hơn. Bằng việc đặt Thiên Chúa lên trên và yêu mến Người trên hết mọi sự, chúng ta mới có thể thực sự yêu mến tha nhân trong cuộc sống của mình.
Ngày 25 tháng 9
Thánh Sêgiô
Vị thánh người Nga nổi danh này sống vào thế kỷ thứ 14. Ngài được đặt tên là Batôlômêô khi chịu phép Thanh tẩy. Thánh nhân không được thông minh như hai anh trai của mình, nhưng ngài cũng biết đọc và biết viết. Điều này làm cho Batôlômêô rất hạnh phúc vì ngài rất ao ước được đọc Kinh Thánh. Song thân của Batôlômêô là những quý tộc. Lúc Batôlômêô còn nhỏ, gia đình đã phải chạy trốn quân thù. Họ phải lao động như những nông dân nghèo. Sau khi song thân qua đời, Batôlômêô và một người anh trai tên Têphanô đã trẩy vào trong núi sống như những ẩn sĩ. Hai anh em chặt cây và dựng một nhà thờ nhỏ. Nhà thờ được dâng kính cho Thiên Chúa Ba Ngôi.
Khi người anh trai tới Mátxcơva để xin gia nhập vào một đan viện, Batôlômêô vẫn tiếp tục sống một mình. Ngài mặc tu phục của đan sĩ và lấy tên là Sêgiô. Sêgiô lúc này là một thanh niên cao to vạm vỡ. Ngài có sức chịu được những cơn gió bão hung tợn và buốt lạnh của khu rừng nơi ngài sinh sống. Sêgiô sung sướng cầu nguyện cùng Thiên Chúa và yêu mến Người với tất cả tâm hồn. Sêgiô nói rằng lửa đốt và ánh sáng là những bạn đồng hành của ngài, và thậm chí Sêgiô còn làm bạn cả với những chú gấu!
Sau đó ít lâu, có những thanh niên cùng đến chia sẻ đời sống thánh thiện của thánh Sêgiô. Họ nài xin thánh nhân làm tu viện trưởng của họ và ngài đã đồng ý. Sêgiô được thụ phong linh mục và đã điều khiển tu viện cách rất khôn khéo. Lần kia, khi một số tu sĩ cùng với người anh trai của ngài, Têphanô, lúc này đã trở về, có chuyện bất đồng với Sêgiô, Sêgiô đã lặng lẽ bỏ đi để giữ bầu khí an hòa. Bốn năm sau, người ta xin Sêgiô trở về. Vừa thấy ngài, các tu sĩ rất vui mừng và họ chào đón ngài cách rất nhiệt tình. Các nhà cầm quyền trị nước cũng thường hay đến xin thánh Sêgiô khuyên bảo. Thánh nhân nổi tiếng đến nỗi người ta đã mời ngài làm giám mục một giáo phận lớn nhất bên Nga Sô. Nhưng thánh Sêgiô khiêm tốn từ chối. Lần kia, hoàng tử xứ Mátxcơva phân vân không biết có nên đem quân chinh phạt giặc Tatar đang đàn áp dân Nga hay không. Thánh Sêgiô nói: “Hoàng tử đừng sợ! Hãy dùng niềm tin mà tiến lên chống lại kẻ thù. Thiên Chúa sẽ ở với hoàng tử!” Và sau đó dân Nga đã toàn thắng.
Thánh Sêgiô về trời năm 1392.
Không phải do học hành thông giỏi mà thánh Sêgiô đã được nhiều người tin tưởng và yêu mến. Chính niềm tin vào Thiên Chúa và ước muốn giúp đỡ tha nhân đã khiến thánh Sêgiô có được vinh dự này. Khi có ai bất đồng ý kiến với chúng ta hay muốn tranh cãi với chúng ta, chúng ta hãy nhớ lại chính thánh Sêgiô cũng đã trải qua những hoàn cảnh giống y như vậy. Chúng ta hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta luôn sống an bình.
Ngày 26 tháng 9
Thánh Cosma và thánh Đamianô
Hai vị thánh tử đạo này là anh em song sinh, quê ở Syria, mất vào đầu thế kỷ thứ 4. Cả hai đều là những sinh viên khoa học nổi danh và là những y sĩ xuất sắc. Cosma và Đamianô nhìn thấy trong mỗi bệnh nhân là hình ảnh của một người anh em trong Chúa Kitô. Vì lý do này, các ngài đã chiếu tỏa một đức bác ái thật lớn lao đối với tất cả mọi người và cư xử với các bệnh nhân cách rất chu đáo. Tuy vậy, dù chăm sóc bệnh nhân hết sức nhiệt tình, nhưng cả Cosma và Đamianô không bao giờ lấy của ai một đồng tiền công! Vì thế, người ta đã đặt cho hai ngài một danh xưng bằng tiếng Hy Lạp là “những người nghèo khó.”
Mỗi khi có dịp, cả hai vị thánh đều kể cho các bệnh nhân của mình nghe biết về Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Và vì yêu mến cặp bác sĩ song sinh này, họ đã rất sẵn lòng lắng nghe hai ngài. Cosma và Đamianô thường mang lại sức khỏe cả phần xác lẫn phần hồn cho những người đến xin các ngài giúp đỡ.
Năm 303, khi cuộc bách hại các Kitô hữu của Điôclêsianô xảy ra tại thành phố nơi các ngài sinh sống, các ngài đã lập tức bị bắt. Cả hai vị thánh đã không che giấu lòng yêu mến tha thiết đối với đức tin Công giáo. Chẳng có gì khiến hai ngài có thể chối bỏ niềm tin vào Đức Kitô. Hai ngài đã sống cho Đức Kitô và đã làm cho rất nhiều người tin vào Đức Kitô. Cả hai cùng bị lên án tử một trật với ba người anh em khác. Những vị thánh tử đạo này được nêu danh trong Kinh Nguyện Thánh Thể Thứ Nhất.
Như thánh Cosma và thánh Đamianô, chúng ta hãy trở nên những dấu chỉ của niềm tin Công giáo cho những người chúng ta gặp gỡ hàng ngày. Bằng việc nhìn thấy Chúa Kitô trong tha nhân và cư xử với hết thảy mọi người cách công bằng và tử tế, chúng ta sẽ là một mẫu gương về lòng yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta.
Ngày 27 tháng 9
Thánh Vinhsơn Phaolô
Thánh Vinhsơn Phaolô sinh năm 1581. Ngài là con trai của một gia đình nông dân người Pháp nghèo khổ. Khi trưởng thành và được nổi danh, Vinhsơn thường hay kể cho người ta nghe về cách thức ngài chăn nuôi đàn heo của thân phụ ngài. Vì rất thông minh, thân phụ Vinhsơn đã cho ngài đi học; và sau khi hoàn tất việc học, Vinhsơn được thụ phong linh mục.
Thoạt đầu, Vinhsơn Phaolô được trao cho địa vị quan trọng là dạy dỗ những trẻ con nhà giàu, và ngài đã sống khá thoải mái. Rồi một ngày kia, Vinhsơn được mời tới bên giường một nông dân đang hấp hối. Trước mặt nhiều người, nông dân này đã tuyên bố rằng tất cả những lần xưng tội trước đây của ông đều không được kỹ càng. Rồi đột nhiên, cha Vinhsơn nhận ra những người dân nghèo của nước Pháp đang rất cần sự giúp đỡ về mặt tinh thần là chừng nào! Thế là Vinhsơn bắt đầu giảng dạy họ, và từng đám đông người kéo đến xưng tội với ngài. Sau cùng, cha Vinhsơn quyết định thiết lập một hội dòng gồm các linh mục chuyên giúp đỡ những người nghèo khổ.
Các công việc bác ái của cha thánh Vinhsơn Phaolô nhiều đến nỗi người ta tưởng rằng không thể nào chỉ một người lại có thể thực hiện được như vậy. Vinhsơn Phaolô giúp đỡ những nô lệ chèo thuyền làm việc trên những chiếc tàu đi biển. Cùng với thánh nữ Luy Marillac, Vinhsơn đã thiết lập hội dòng Nữ Tử Bác Ái. Ngài mở các bệnh viện, các nhà dành cho trẻ mồ côi và các viện dưỡng lão. Vinhsơn cũng thu gom những số tiền lớn để giúp đỡ những nơi nghèo khổ, gởi các nhà truyền giáo tới phục vụ tại nhiều quốc gia và chuộc lại nhiều nô lệ Công giáo Bắc phi. Dù cho Vinhsơn Phaolô là người đầy bác ái, tuy vậy, thánh nhân vẫn khiêm tốn nhìn nhận rằng theo sức tự nhiên, ngài chẳng thể làm được như thế. “Tôi là người cứng cỏi, cộc cằn và hay nóng giận,” thánh Vinhsơn nói, “tất cả là do bởi ơn Chúa!” Thánh Vinhsơn Phaolô về trời ngày 27 tháng Chín năm 1660. Ngài được đức thánh cha Clêmentê XII tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1737.
Chúa Giêsu xin chúng ta hãy sống tốt với tha nhân, nhất là với những người đau khổ. Ngài nói: “Khi các con làm cho một trong những người bé mọn nhất trong các anh em của Thầy đây, là các con làm cho chính Thầy” (Mt 25,40). Chúng ta hãy cùng thực hành những lời dạy của Chúa Giêsu và hãy noi theo gương thánh Vinhsơn Phaolô qua việc tiến tới với những người sống xung quanh mình khi nhận thấy họ cần chúng ta giúp đỡ.
Ngày 28 tháng 9
Thánh Laurensô Ruiz
Ngày lễ hôm nay dành để tôn kính một nam giáo dân gốc người Philippin. Thánh Laurensô Ruiz và 15 người bạn đã tử vì đạo để minh chứng đức tin tại Nagasaki, Nhật Bản, vào năm 1637. Sinh tại thành phố Manila, Laurensô lập gia đình và có ba người con. Ngài gia nhập với một nhóm người gồm 9 linh mục thuộc dòng Đa Minh, 2 tu sĩ và 4 giáo dân tình nguyện tới Nhật Bản rao giảng Tin mừng. Tất cả cùng liên kết với dòng Đa Minh và tất cả cùng thà hy sinh mạng sống hơn là chối bỏ niềm tin vào Đức Giêsu. Các ngài là những người nam, người nữ có quốc tịch khác nhau: Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Philippin. Các ngài quả thật là hình ảnh nhắc nhớ chúng ta: Giáo hội của Chúa Kitô đã lan rộng ra khắp hoàn cầu!
Các thánh tử đạo này đã chịu đau khổ nhiều trước lúc qua đời, nhưng các ngài vẫn một lòng giữ vững đức tin Công giáo. Người ta ghi nhận rằng thánh Laurensô Ruiz đã nói với các vị quan tòa xử ngài rằng: “Nếu tôi có 1000 mạng sống để dâng cho Đức Kitô, thì tôi sẽ vui mừng dâng từng mạng sống của tôi cho Người!”
Ngày 18 tháng Mười năm 1987, đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn phong nhóm các anh hùng này lên bậc hiển thánh.
Chúng ta hãy nài xin thánh Laurensô Ruiz và các Bạn tử đạo thôi thúc các Kitô hữu hôm nay biết trở nên những môn đệ nhiệt thành và quảng đại của Đức Chúa Giêsu. Càng học biết về đức tin bao nhiêu, chúng ta càng yêu mến và chia sẻ với tha nhân bấy nhiêu.
Hôm nay Giáo hội cũng mừng lễ kính thánh Venxétlao.
Ngày 29 tháng 9
Thánh Micael, thánh Gabriel
và thánh Raphael
Micael, Gabriel và Raphael được gọi là “các thánh” vì lẽ các ngài thực sự là thánh. Thế nhưng các ngài khác biệt với hầu hết các vị thánh khác bởi các ngài không phải là người. Các ngài là những thiên thần; cụ thể hơn, các ngài là những tổng lãnh thiên thần. Các ngài làm nhiệm vụ bảo vệ con người; và chúng ta biết đôi chút về mỗi vị từ kho tàng Kinh Thánh.
Tên của tổng thần Micael có nghĩa là “ai bằng Thiên Chúa?” Ba cuốn sách của bộ Kinh Thánh nói về đức thánh Micael là: Đaniel, Khải Huyền và thư thánh Giuđa. Trong sách Khải Huyền, nơi chương 12, các câu 7-9, chúng ta đọc thấy có một trận chiến vĩ đại xảy ra trên trời. Micael và các thiên thần của ngài giao chiến với Satan. Micael trở nên nhà vô địch về lòng trung thành đối với Thiên Chúa và là đấng bảo vệ Dân Thiên Chúa. Chúng ta hãy nài xin thánh Micael làm cho tình yêu của chúng ta ngày thêm thắm thiết đối với Đức Chúa Giêsu và với việc thực hành đức tin Công giáo.
Danh xưng Gabriel có nghĩa là “sức mạnh Thiên Chúa.” Ngài cũng được sách Đaniel đề cập tới. Gabriel rất quen thuộc đối với chúng ta bởi ngài là nhân vật quan trọng trong Tin mừng của thánh ký Luca. Vị tổng lãnh thiên thần này đã báo tin cho Đức Maria rằng Mẹ sẽ trở nên Mẹ của Đấng Cứu Thế. Gabriel cũng báo tin cho Dacaria rằng ông và vợ ông là bà Êlizabeth sẽ có một con trai và ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Gioan. Gabriel chính là sứ giả của Tin mừng. Chúng ta hãy nài xin ngài giúp chúng ta cũng trở nên những sứ giả tốt lành như ngài.
Tên Raphael có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành.” Chúng ta đọc thấy câu chuyện thương cảm nói về vai trò của Raphael trong sách Tôbia. Ngài đã chữa lành đôi mắt mù lòa của Tôbít và đã đồng hành cùng Tôbia, con trai Tôbít, trong cuộc hành trình của cậu. Cuối cuộc hành trình, Raphael đã mạc khải nhân dạng đích thực của mình. Raphael cho biết ngài là một trong bảy vị thiên thần luôn đứng chầu trước ngai Thiên Chúa. Chúng ta hãy nài xin thánh Raphael cũng bảo vệ chúng ta trong những cuộc hành trình, dù đó là một lộ trình ngắn, như đi tới trường học. Chúng ta cũng hãy nài xin ngài trợ giúp khi bản thân chúng ta hay một người thân yêu của chúng ta bị đau yếu.
Chúng ta hãy dâng một lời nguyện tắt lên ba vị tổng thần: Lạy thánh Micael, thánh Gabriel và thánh Raphael, xin hãy ở cùng con hôm nay. Xin hãy bảo vệ con cho khỏi những nguy hại tâm hồn và thể xác. Xin hãy giúp con luôn sống trung thành với Chúa Giêsu và trở nên chứng nhân tuyệt hảo của tình yêu Chúa. Amen.
Ngày 30 tháng 9
Thánh Giêrônimô
Giêrônimô là một Kitô hữu Rôma sống vào cuối thế kỷ thứ 4 đầu thế kỷ thứ 5. Thân phụ Giêrônimô đích thân chỉ dạy ngài đức tin Công giáo, nhưng lại gởi ngài vào học tại một trường ngoại giáo danh tiếng. Ở đó, Giêrônimô dần dà mộ mến các tác phẩm ngoại giáo và ngài đã đánh mất một chút lòng yêu mến Thiên Chúa. Tuy vậy, nhờ việc làm bạn với một nhóm tín hữu thánh thiện, trái tim Giêrônimô đã quay về hoàn toàn với Thiên Chúa và ngài được chịu phép Thanh tẩy.
Sau đó, người thanh niên ưu tú này quyết định ẩn thân trong một sa mạc hoang vu. Suốt bốn năm, Giêrônimô sống trong cầu nguyện, đền tội và chống trả các chước cám dỗ. Ngài học tiếng Hipri và viết tiểu sử thánh Phaolô thành Thêbê. Giêrônimô trở nên học giả nghiên cứu tiếng Hipri rất danh tiếng đến nỗi sau này ngài đã chuyển dịch bộ Kinh Thánh sang tiếng Latinh. (Lúc đó, chỉ những ai biết tiếng Hipri mới đọc được Kinh Thánh mà thôi!) Nhờ Giêrônimô, nhiều người đã có thể đọc và hiểu được Kinh Thánh. Sau thời gian sống trong sa mạc, Giêrônimô tới Antiôkia và được thụ phong linh mục. Rồi ngài đi Constantinôp để học Kinh Thánh và sau đó trở về Rôma. Ở đây, Giêrônimô đã sửa lại bản Kinh Thánh Latinh.
Thánh Giêrônimô đã trải qua nhiều năm sống trong một cái hang nhỏ ở Bêlem. Tại đó, thánh nhân đã cầu nguyện, nghiên cứu và chuyển dịch Kinh Thánh. Giêrônimô dạy cho nhiều người biết cách phục vụ Thiên Chúa. Ngài cũng viết rất nhiều sách vở và thư từ để giải thích đức tin Công giáo.
Thánh Giêrônimô qua đời tại Bêlem năm 419 hay 420. Ngài cũng được tôn tặng danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh.
Để vượt qua những cơn cám dỗ nặng nề, thánh Giêrônimô đã làm việc và học hành chăm chỉ. Ngài cũng đọc Kinh Thánh nữa. Chúng ta hãy bắt chước những thói quen rất tuyệt vời của thánh Giêrônimô là chăm chỉ làm việc, nghiêm túc học hành và ham đọc Kinh Thánh. Chính lời Chúa sẽ có sức biến đổi cuộc đời của chúng ta trở nên tốt hơn.
Tháng 10
Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ
Ngày 01: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Ngày 02: Lễ kính các thiên thần bản mệnh
Ngày 03: Chân phước Bartôlô Longô
Ngày 04: Thánh Phanxicô Assisi
Ngày 05: Thánh Maria Faustina Kowalska
Ngày 06: Chân phước Maria Rôsa Đurôsơ
Ngày 07: Lễ Đức Mẹ Mân Côi
Ngày 08: Thánh Simêon
Ngày 09: Thánh Gioan Lêônarđi
Ngày 10: Thánh Phanxicô Borgia
Ngày 11: Thánh Kennet
Ngày 12: Thánh Sêraphim Môngtêgranêrô
Ngày 13: Thánh Edward
Ngày 14: Thánh Callistô I
Ngày 15: Thánh Têrêsa Avila
Ngày 16: Thánh Margarita Maria Alacốc
Ngày 17: Thánh Inhaxiô Antiôkia
Ngày 18: Thánh Luca
Ngày 19: Thánh Isaac Giogiơ, thánh Gioan Brêbớp và các bạn tử đạo
Ngày 20: Chân phước Gioan XXIII
Ngày 21: Thánh Hilariôn
Ngày 22: Chân phước Timôthêô Giaccarđô
Ngày 23: Thánh Gioan Capistranô
Ngày 24: Thánh Antôn Maria Claret
Ngày 25: Thánh Richơ Gwyn
Ngày 26: Thánh Kính mười một vị tử đạo ở Almêria, Tây Ban Nha
Ngày 27: Chân phước Contarđô Ferrini
Ngày 28: Thánh Simon và thánh Giuđa
Ngày 29: Thánh Narcissô
Ngày 30: Chân phước Angelô Acri
Ngày 31: Thánh Alphongsô Rôđriguê
Ngày 1 tháng 10
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thường được gọi là Bông Hoa Nhỏ, sinh năm 1873 tại Normanđi, nước Pháp. Song thân ngài là ông Luy và bà Zêli Martin. (Luy Martin và Zêli Martin được phong chân phước hôm 19 tháng Mười năm 2008.) Têrêsa là cô gái út trong gia đình có năm chị em. Têrêsa rất hoạt bát và dễ thương. Thân phụ Têrêsa hay gọi ngài là “nữ hoàng nhỏ” của ông. Tuy nhiên, Têrêsa rất nhạy cảm. Trong truyện tự thuật, Một tâm hồn, Têrêsa nói chính Chúa Hài Nhi Giêsu đã giúp ngài vượt thắng sự yếu đuối này.
Têrêsa rất ao ước được gia nhập đan viện Cátminh, nơi có hai người chị của Têrêsa đã khấn dòng tại đây; nhưng vì chỉ mới 15 tuổi nên Têrêsa không được chấp nhận. Cảm thấy chắc rằng Chúa Giêsu muốn mình sống cho Chúa và chỉ yêu mến một mình Người, nên Têrêsa đã tiếp tục cầu nguyện và xin Mẹ bề trên nhận vào dòng. Thậm chí, trong chuyến đi Rôma, Têrêsa Hài Đồng đã dám trực tiếp xin đức thánh cha Lêô XIII ban cho đặc ân như lòng mong muốn. Và cuối cùng, Têrêsa đã được phép gia nhập đan viện Cátminh.
Dù chỉ mới 15, Têrêsa đã có một đời sống rất trưởng thành. “Vâng lời, cầu nguyện và hy sinh” là chương trình sống của Têrêsa. Thánh nữ có một lòng khao khát chịu đau khổ vì yêu mến Thiên Chúa. Têrêsa có tinh thần can đảm của một nữ anh thư đích thực. Thánh nữ viết: “Xin Chúa hãy cho con được chịu tử đạo hoặc trong tâm hồn, hoặc ngoài thể xác – hoặc tốt hơn, cả hai!” Và thánh nữ có ý muốn như vậy! Trong mùa đông giá rét, Têrêsa Hài Đồng phải chịu sự lạnh lẽo và ẩm thấp của căn phòng ngủ trống trải. Rồi cũng có những thứ đau khổ khác nữa. Bất cứ khi nào cảm thấy bị làm nhục hay bị hiểu lầm, Têrêsa liền dâng những đau khổ ấy lên Chúa Giêsu yêu quý. Têrêsa dùng nụ cười tươi để che giấu đau khổ của mình. Thánh nữ đã vượt ra khỏi chính mình để đến với những chị em khó hòa hợp. Têrêsa đã xin Chúa Giêsu cùng đồng hành với thánh nữ để chu toàn thánh ý Thiên Chúa.
Sơ Têrêsa cũng cố gắng sống khiêm nhường. Ngài gọi lòng tin cậy tuyệt đối vào Thiên Chúa là “con đường nhỏ” để nên thánh. Têrêsa luôn luôn có một khát vọng nóng bỏng là nên thánh. Vị nữ tu trẻ tuổi này muốn tìm một “con đường tắt,” hay một “chiếc thang máy” để dẫn ngài mau đạt tới sự thánh thiện. Vì vậy, Têrêsa đã tìm đọc Kinh Thánh và gặp thấy những lời này: “Hỡi tất cả những ai bé nhỏ, hãy đến với tôi!” (Mt 11,28). Khi hấp hối, Têrêsa đã nói: “Tôi đã chẳng cho Thiên Chúa tốt lành điều gì ngoài tình yêu, và Người sẽ trả lại cho tôi chính tình yêu. Sau khi tôi chết, tôi sẽ làm mưa hoa hồng. Từ thiên đàng, tôi sẽ tiếp tục làm phúc xuống cho trần gian!” Bông Hoa Nhỏ này đã về trời hôm 30 tháng Chín năm 1897. Têrêsa được đức thánh cha Piô XI tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1925; và đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tuyên nhận thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu là Tiến sĩ Hội Thánh năm 1997.
Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu dạy cho chúng ta biết “con đường thơ ấu” của ngài. Để theo con đường này, mỗi ngày chúng ta hãy vui vẻ dâng những hy sinh nhỏ mọn của chúng ta lên Đức Chúa Giêsu. Chúng ta hãy vượt qua chính mình để đối xử thật tốt với những người khó tính. Nếu cảm thấy bị tổn thương, thay vì bực mình khó chịu, chúng ta hãy dâng lên Đức Chúa Giêsu những bực dọc ấy.
Ngày 2 tháng 10
Lễ kính các thiên thần bản mệnh
Hôm nay, chúng ta mừng lễ tôn kính các sứ giả của Thiên Chúa, những đấng bảo vệ mỗi người và từng người chúng ta. Chúng ta đọc thấy các vị ở trong Kinh Thánh. Các thiên thần có nhiệm vụ phân phát các sứ điệp đặc biệt của Thiên Chúa, bảo vệ con người khỏi những nguy hại và cứu thoát họ. Trong Kinh Thánh Tân Ước, nơi chương thứ 12 sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta đọc thấy cách thức một thiên thần đã cởi xiềng cho thánh Phêrô và cứu thánh nhân thoát khỏi cảnh tù đày. Suốt nhiều thế kỷ, Giáo hội dạy rằng cuộc sống con người từ khi sinh ra cho tới lúc qua đời đều được các thiên thần canh giữ cẩn thận.
Bức họa về thiên thần bản mệnh mà chúng ta thường được xem thấy đã mô tả một thiên thần đang bảo vệ hai em nhỏ khi các em băng qua một cây cầu hẹp. Thực ra, thiên thần là thiêng liêng và không có thân xác như loài người. Đó là lý do chúng ta không trông thấy được thiên thần bản mệnh của chúng ta, các đấng không bao giờ lìa xa chúng ta! Năm 1608, đức thánh cha Phaolô V đã thêm ngày lễ hôm nay vào lịch mừng kính các thánh. Thật là rất đáng khích lệ khi biết rằng mỗi người trong chúng ta đều có một thiên thần bản mệnh đang gìn giữ chúng ta. Ngài chính là món quà mà Thiên Chúa yêu thương đã ban tặng cho chúng ta.
Trong ngày lễ hôm nay, chúng ta hãy năng đọc lời nguyện tắt này: “Lạy thiên thần của Thiên Chúa, ngài là đấng bảo trợ yêu quý của con, tình yêu Chúa đã trao phó con cho ngài. Xin ngài hãy ở bên con hôm nay để soi sáng và canh giữ, để cai trị và hướng dẫn con. Amen.”
Ngày 3 tháng 10
Chân phước Bartôlô Longô
Bartôlô Longô sinh ngày 11 tháng Hai năm 1841 tại vùng Nam Ý. Ngài được các cha dòng Piarist giáo dục rất kỹ lưỡng. Về sau, Bartôlô học luật, nhưng trường đại học mà Bartôlô theo học đã không mấy tôn trọng Giáo hội hay những giá trị của Tin mừng. Niềm tin của Bartôlô bắt đầu suy giảm; và ngài trở nên quan tâm tới những nghi lễ do ma quỷ bày ra. May thay, Bartôlô vẫn còn làm bạn với một vị giáo sư, là một Kitô hữu sùng đạo và là một người sống nội tâm sâu xa. Cùng với một linh mục dòng thánh Đa Minh, vị giáo sư này đã đưa Bartôlô về lại với lối thực hành đức tin Công giáo.
Bartôlô Longô đạt được văn bằng luật học và trở thành luật sư phục vụ tại quê hương ngài. Sau đó, Bartôlô bắt đầu sống cuộc đời thánh thiện, cầu nguyện và làm nhiều việc tốt. Bartôlô đặc biệt cầu nguyện bằng kinh Mân Côi.
Rồi, Bartôlô Longô đi sang Napôli để giúp đỡ những người nghèo khổ sống trong các khu ổ chuột của thành phố. Ngài làm gia sư cho các con trẻ của một quả phụ giàu sang. Bartôlô cùng đồng hành với bà mỗi khi bà thăm viếng các dinh cơ của bà; và Bartôlô trực tiếp thấy được sự nghèo khó và ngu dốt của các đám thợ làm công cho bà. Bartôlô Longô biết Thiên Chúa đang mời gọi mình đem đức tin và niềm hy vọng đến cho những người này. Ngài suy nghĩ và nảy ra quyết định rằng cách tốt nhất để giới thiệu đức tin cho những người ấy, những người không biết đọc biết viết, là dạy họ cầu nguyện với kinh Mân Côi. Bằng cách suy niệm những mầu nhiệm của kinh Mân Côi, họ sẽ học biết về cuộc sống, về sự chết và phục sinh của Đức Chúa Giêsu, cũng như vai trò quan trọng của Đức Maria trong việc đưa dẫn các Kitô hữu đến với Con của Mẹ.
Chẳng bao lâu, người ta tập trung tại một nhà thờ nhỏ ở Pompeii để cùng nhau đọc kinh Mân Côi trước một bức ảnh Đức Mẹ, bức ảnh mà Bartôlô Longô đã tìm thấy tại một chợ trời bán đồ nhi phế. Rồi ngôi nhà thờ được nới rộng thêm, và Bartôlô Longô bắt đầu kiếm tiền để xây cất một ngôi thánh đường lộng lẫy dâng kính Đức Mẹ Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi. Bartôlô cũng cho xuất bản một tạp chí, gọi là Nguyệt san kinh Mân Côi và tân Pompeii, đăng những bài giải thích đức tin Công giáo. Để sống sứ điệp Tin mừng cách triệt để chứ không chỉ loan báo bằng ngòi bút, Bartôlô Longô đã cho xây một viện mồ côi và một nhà dành cho các em có cha mẹ đang bị cầm tù.
Bartôlô Longô thường bị những người không đồng quan điểm hiểu lầm và chế nhạo. Lúc về già, ngài phải chịu những cơn bạo bệnh, nhưng Bartôlô vẫn tin tưởng vào quyền phép của kinh Mân Côi và cố gắng hoàn thành thật tốt những gì Thiên Chúa mong muốn nơi ngài. Bartôlô Longô đã trải qua những năm cuối đời trong kinh nguyện liên lỉ.
Ngày mùng 5 tháng Mười năm 1926, người tín hữu thánh thiện này đã về trời, hưởng thọ 85 tuổi, với tràng chuỗi Mân Côi còn dính chặt trong tay. Năm 1980, đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Bartôlô Longô lên bậc chân phước.
Kinh Mân Côi chỉ là một lời nguyện đơn giản, tuy nhiên, kinh Mân Côi giúp chúng ta tiếp xúc với những mầu nhiệm thâm sâu nhất của đức tin. Mỗi ngày chúng ta hãy cố gắng cầu nguyện với ít nhất một chục kinh Mân Côi, nhờ đó chúng ta có thể thường xuyên suy gẫm về cuộc đời, giáo huấn, sự chết và phục sinh của Đức Chúa Giêsu. Kinh Mân Côi chính là một hình thức tôn kính đặc biệt đối với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu và cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta.
Ngày 4 tháng 10
Thánh Phanxicô Assisi
Thánh Phanxicô sinh khoảng năm 1181, tại thành phố Assisi nước Ý. Là con trai của một thương gia buôn vải giàu có, Phanxicô luôn vận những bộ áo sang trọng nhất và tiêu tiền cách tự do. Phanxicô rất được bạn bè quý chuộng vì ngài năng dành nhiều thời gian và tiền bạc để mở tiệc thết đãi các bạn. Với tâm thức thích mạo hiểm và tìm kiếm danh vọng, Phanxicô Assisi đã xông pha chiến trận khi tuổi đời vừa tròn 20. Rồi Phanxicô bị bắt làm tù binh và bị bệnh rất nặng. Sau một năm, ngài được trả tự do và trở về nhà. Khi sức khỏe bình phục, Phanxicô lại cố gắng tham gia chiến trận với hy vọng sẽ trở thành hiệp sĩ. Nhưng trên đường tới chiến trường, Phanxicô nghe tiếng Chúa nói hãy trở về quê nhà ở Assisi, nơi đây Phanxicô sẽ được cho biết phải làm gì với cuộc sống của mình.
Về lại quê hương, Phanxicô Assisi mới nhận ra mình đã phung phí quãng thời giờ quý giá. Ngài ý thức được rằng mình phải phục vụ Giêsu. Phanxicô bắt đầu gia tăng cầu nguyện và làm nhiều việc hy sinh để trưởng thành trong đời sống tâm linh. Thánh nhân thường bố thí tiền bạc cho những người nghèo khổ. Có lần Phanxicô đã đổi bộ áo của mình để lấy bộ áo tơi tả của một người nghèo khó, Phanxicô Assisi muốn thực sự cảm nghiệm cái nghèo cùng cực của người ấy. Phanxicô cũng chăm sóc những người bệnh hủi trong một bệnh viện gần đó. Dẫu vậy, thánh nhân vẫn cảm thấy cần phải làm nhiều việc hơn nữa.
Thật dễ dàng hình dung được các người bạn quý phái cũ của Phanxicô giờ đây nhìn ngài với cặp mắt thế nào! Cả thân phụ của Phanxicô cũng phải xấu hổ vì đường lối mới lạ của con trai mình, và ông đã đem Phanxicô tới cho đức giám mục giáo phận Assisi, hy vọng đức giám mục sẽ khuyên dụ được chàng thanh niên theo ý muốn của ông. Ai ngờ, Phanxicô lại gởi trả cho thân phụ hết mọi thứ ông đã cho mình và tuyên bố rằng mình không thuộc về ông nữa. Và từ giờ phút đó, Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời, chính là người cha của Phanxicô; thánh nhân đặt mình dưới sự bảo trợ của đức giám mục giáo phận thành Assisi.
Thánh Phanxicô Assisi là “hiệp sĩ” của “Đức Mẹ Người Nghèo,” và thánh nhân bắt đầu sống như một người hành khất. Lương thực mà Phanxicô dùng hằng ngày là những thứ người ta bố thí cho ngài. Nơi nào đi qua, thánh Phanxicô Assisi cũng đều van xin người ta đừng phạm tội và hãy sám hối trở về với Thiên Chúa. Chẳng bao lâu, nhiều người bắt đầu nhận thấy người đàn ông nghèo khổ này sống thật tha thiết với Thiên Chúa, và họ đã xin được làm môn đệ của ngài. Đây là lý do mà đại gia đình dòng Phanxicô gồm các anh em linh mục, tu sĩ, nữ tu và dòng Ba hình thành. Họ giúp đỡ những người nghèo khổ và rao giảng khắp nơi. Ngay cả sau khi hội dòng đã lan rộng ra khắp nước Ý, thánh Phanxicô Assisi cũng luôn khuyên dụ con cái mình hãy cố gắng đừng sở hữu bất cứ của gì. Thánh nhân mong muốn các tu sĩ và linh mục dòng ngài hãy thực sự yêu mến đức khó nghèo như ngài.
Thánh Phanxicô Assisi đã sống Tin mừng cách hoàn hảo và rất vui sướng. Thánh nhân cố gắng biến đời sống mình thành bản sao sống động giống Đức Giêsu. Như một phần thưởng dành cho tình yêu lớn lao của thánh Phanxicô, Chúa Giêsu đã ban cho thánh nhân được mang năm Dấu Thánh của Chúa trên tay, chân và cạnh sườn ngài. Sự kiện này xảy ra hồi năm 1224, hai năm trước lúc thánh Phanxicô về trời.
Về cuối đời, thánh Phanxicô Assisi phải đau nặng. Nhưng với tinh thần vui tươi, Phanxicô Assisi đã chào đón cái chết như một người chị. Thánh nhân đã xin anh em đặt mình trên nền đất và chỉ phủ một tấm áo dòng cũ. Sau đó, thánh nhân nài xin anh em hãy yêu mến Thiên Chúa, yêu mến đời sống khó nghèo và hãy sống theo tinh thần Tin mừng. “Cha đã chu toàn phần việc của cha!” thánh Phanxicô Assisi nói, “xin Chúa Giêsu giúp các con hoàn tất phần của các con!” Thánh Phanxicô Assisi về trời ngày mùng 3 tháng Mười năm 1226. Chỉ một thời gian ngắn sau khi qua đời, Phanxicô Assisi được đức thánh cha Hônôriô III tôn phong lên bậc hiển thánh.
Cuộc sống nghèo khó của thánh Phanxicô Assisi là một dấu chỉ cho thấy những của cải vật chất đời này không làm cho chúng ta thỏa mãn và hạnh phúc. Còn niềm vui đích thực thì xuất phát từ lòng yêu mến Thiên Chúa và mô phỏng đời sống mình theo gương Đức Chúa Giêsu. Chúng ta hãy nài xin thánh Phanxicô Assisi chỉ cho chúng ta cách sống Tin mừng vui tươi và giản dị.
Ngày 5 tháng 10
Thánh Maria Faustina Kowalska
Khi vị thánh nữ này cất tiếng khóc chào đời tại Ba Lan ngày 25 tháng Tám năm 1905, thì song thân thánh nữ đã đặt tên cho ngài là Helen. Trong cuộc đời ngắn ngủi tại thế, Helen đã thực hiện một sứ vụ quan trọng là dạy cho thế giới biết về Lòng Thương Xót của Đức Chúa Giêsu. Ngay từ lúc lên 7, Helen đã muốn sống cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa như một nữ tu. Khi được 25 tuổi, Helen vào tu trong dòng Chị Em Con Đức Mẹ Thương Xót, và nhận tên là sơ Maria Faustina.
Công việc của sơ Maria Faustina thật giản dị. Sơ nấu ăn, làm vườn và giữ cửa cho tu viện. Chỉ có sự tốt bụng, trầm lặng và hồi tâm là đáng lưu ý. Và ít có người biết được những chiều sâu đích thực về đời sống tâm linh của sơ Faustina. Thiên Chúa đã chúc lành cho sơ Faustina Maria bằng nhiều ân sủng đặc biệt, kể cả ơn thị kiến, ơn tiên tri và ơn được nhận năm Dấu Thánh cách vô hình.
Trong một thị kiến mà sơ Maria Faustina nhận được, Chúa Giêsu đã hiện ra trong y phục màu trắng. Người giơ cao một tay để chúc lành và tay kia thì chạm vào Thánh Tâm Người. Có hai tia sáng phát ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, một màu đỏ và một màu nhạt. Tia sáng đỏ tượng trưng cho Máu cứu chuộc của Chúa Kitô, còn tia xanh nhạt biểu trưng nước thanh tẩy trong bí tích Rửa tội. Chúa Giêsu nói: “Con hãy cho vẽ lại bức ảnh như con xem thấy Cha, kèm theo dòng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa!” Chúa Giêsu đã nói với sơ Maria Faustina rằng Chúa nhật sau lễ Chúa Phục Sinh sẽ được gọi là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót.
Sơ Maria Faustina đã viết nhật ký, chép lại mọi điều Chúa Giêsu muốn cho thế giới biết về Lòng Thương Xót của Người. Trong đó, Maria Faustina đã viết những lời cầu nguyện thật dễ thương, biểu lộ mối tương quan rất mực thân thiết đối với Đức Chúa Giêsu. Và Đức Chúa Giêsu nói với Maria Faustina rằng thánh nữ chính là thư ký nhỏ của Người. Chính công việc đặc biệt của thánh nữ Maria Faustina đã khích lệ nhiều người tin tưởng vào Lòng Thương Xót vô hạn lượng của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu hứa ban ơn tha thứ và ân sủng dư tràn cho bất cứ ai tôn sùng lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Tận hiến cho Lòng Thương Xót Chúa bao gồm tin tưởng vào lòng nhân hậu Chúa, yêu thương tha nhân, năng lãnh nhận bí tích Hòa giải để luôn ở trong tình trạng có ân sủng và rước lễ ngày Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa.
Chỉ sau 13 năm sống trong bậc tu trì, sơ Maria Faustina Kowalska đã về trời vào ngày mùng 5 tháng Mười năm 1938 vì bệnh lao phổi, vừa tròn 33 tuổi.
Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Maria Faustina Kowalska: “Cha mong muốn con hãy luôn bày tỏ lòng thương xót ra khắp mọi nơi. Con không thể tự biện minh gì về điều này!” Phương thế tốt nhất để chứng tỏ chúng ta tin cậy vào Lòng Thương Xót của Đức Chúa Giêsu là biết tỏ bày lòng thương xót và luôn tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta. Chúng ta có sẵn lòng cùng nhau thực hiện như vậy không?
Ngày 6 tháng 10
Chân phước Maria Rôsa Đurôsơ
Chân phước Êulali Đurôsơ sinh năm 1811 tại Quêbéc, Canađa. Ngài là con thứ 10 trong gia đình có 11 người con. Khi lên 18, thân mẫu Êulali qua đời; và người anh trai của Êulali, là linh mục coi xứ, đã mời em gái Êulali tới giáo xứ của anh. Êulali trở thành một tông đồ giáo dân. Êulali trông nom việc nhà cho anh của ngài. Sau đó, Êulali thiết lập một hội tôn giáo tại giáo xứ trước hết ở Canađa. Mười ba năm trong đời sống phục vụ Giáo hội và xứ đạo cũng chính là thời gian chuẩn bị để Êulali Đurôsơ thi hành một sứ mệnh đặc biệt cho Thiên Chúa.
Năm 1843, khi Êulali Đurôsơ 32 tuổi, đức giám mục giáo phận Montriơ xin Êulali khởi sự một sứ vụ đặc biệt, đó là thiết lập một hội dòng gọi là dòng Chị Em Tôn Sùng Hai Thánh Danh Giêsu Maria. Công việc đặc biệt của họ là giáo dục các trẻ em cùng khổ và bị bỏ rơi. Êulali trở thành Mẹ bề trên Maria Rôsa. Cũng có nhiều chị em khác cùng đến tham gia với người nữ có tâm hồn quảng đại này. Họ cũng tin tưởng vào tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ em vì lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu.
Mẹ Maria Rôsa Đurôsơ chỉ sống được sáu năm sau khi thiết lập hội dòng. Tuy vậy, từ thiên đàng, Mẹ vẫn giúp đỡ các nữ tu của Mẹ vì hội dòng tiếp tục phát triển và mở mang nhiều tu viện mới. Hội dòng cũng bắt đầu truyền giáo sang tận nước Mỹ. Họ tới Oregon vào năm 1859. Ngày nay, các nữ tu dòng Chị Em Tôn Sùng Hai Thánh Danh Giêsu Maria đã có mặt trên khắp thế giới.
Mẹ Maria Rôsa Đurôsơ được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc chân phước ngày 23 tháng Năm năm 1982.
Chúng ta cảm ơn chân phước Maria Rôsa Đurôsơ vì đã đóng góp những hy sinh cho công việc giáo dục trẻ em. Khi bị cám dỗ lười biếng học hành, chúng ta hãy nài xin chân phước Maria Rôsa Đurôsơ ban cho chúng ta năng lực để cố gắng hết sức mình.
Hôm nay, Giáo hội cũng cử hành thánh lễ kính thánh Brunô.
Ngày 7 tháng 10
Lễ Đức Mẹ Mân Côi
Chính thánh Đa Minh, sống vào cuối thế kỷ thứ 12 đầu thế kỷ thứ 13, đã khuyến khích mọi người đọc kinh Mân Côi. Thánh nhân hết sức đau buồn vì sự lan tràn của một lạc thuyết rất nguy hại là lạc thuyết Anbigen. Cùng với các thành viên của hội dòng Thuyết Giáo do ngài thành lập, hay còn gọi là dòng Đa Minh, thánh Đa Minh đã nỗ lực hết sức để truyền bá chân lý và ngăn chặn lạc thuyết nguy hiểm này. Thánh nhân đã nài xin Đức Trinh Nữ Maria giúp đỡ, và người ta nói rằng Đức Mẹ đã dạy cho thánh nhân rao giảng về lòng sùng kính kinh Mân Côi rất thánh. Thánh Đa Minh vâng lời Đức Mẹ; và ngài đã rất thành công trong việc ngăn chặn lạc thuyết.
Kinh Mân Côi rất thánh là một việc sùng kính đơn giản, ai ai cũng có thể thực hành, người già cũng như trẻ nhỏ, thông thái cũng như kém trí. Người ta có thể đọc kinh Mân Côi bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào họ muốn. Trong lúc lặp lại một kinh Lạy Cha, mười kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh, chúng ta suy tưởng về những mầu nhiệm cao trọng trong đời sống của Đức Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Bằng cách này, chúng ta càng ngày càng sống thân mật hơn với Chúa Giêsu và Mẹ chí thánh của Người. Chúng ta học bắt chước gương sống thánh thiện của hai Đấng.
Mẹ Maria rất hài lòng khi chúng ta năng đọc kinh Mân Côi cách sốt sắng. Đức Mẹ đã từng nói điều này với thánh nữ Bênađetta khi Đức Mẹ hiện ra với thánh nữ tại Lộ Đức. Đức Mẹ cũng dạy cho ba trẻ Fatima nhận biết năng lực của kinh Mân Côi. Đức Mẹ dạy rằng kinh Mân Côi gồm chứa các ơn giúp người ta sống cuộc đời mật thiết với Thiên Chúa.
Một vị giáo hoàng dòng Đa Minh, thánh Piô V, đã thiết lập ngày lễ hôm nay, lễ kính Đức Mẹ Mân Côi. Ngày lễ nhắc nhớ chúng ta bày tỏ lòng biết ơn Đức Mẹ vì đã giúp cho chiến thắng quân Thổ tại vịnh Lêpan ngày mùng 7 tháng Mười năm 1571.
Chúng ta hãy tập cho mình có thói quen đọc kinh Mân Côi hàng ngày. Nếu mang theo một tràng chuỗi Mân Côi trong túi áo, chúng ta rất dễ tìm thời giờ mỗi ngày để đọc lời kinh quý đẹp này.
Ngày 8 tháng 10
Thánh Simêon
Cụ Simêon thánh thiện sống vào thế kỷ thứ nhất. Trong sách Phúc âm theo thánh Luca, nơi chương 2, chúng ta đọc thấy khi Đức Maria và thánh Giuse đem Chúa Hài Nhi Giêsu vào đền thánh Giêrusalem, các ngài gặp thấy cụ Simêon. Thiên Chúa đã hứa với cụ già thánh thiện này rằng trước khi về trời, cụ sẽ được chiêm ngưỡng Đấng Mêsia, Đấng Cứu Độ trần gian. Nhưng Simêon không được biết khi nào thì sự việc xảy ra.
Được Thánh Thần thúc đẩy, cụ Simêon vào đền thờ Giêrusalem đang lúc Đức Maria và thánh Giuse dâng Chúa Hài Nhi Giêsu trong đền thánh. Simêon nhìn vào đôi mắt của Chúa Hài Nhi và cảm thấy một niềm vui dâng lên trong lòng. Mắt cụ ngời sáng. Simêon bồng ẵm Chúa Hài Nhi trên tay rồi dâng lên và nguyện rằng: “Giờ đây, lạy Chúa, xin để con được ra đi bình an. Chính mắt con đã trông thấy Đấng Cứu Độ trần gian mà Chúa đã dành sẵn cho dân Chúa” (Lc 2,29-31).
Đức Maria và thánh Giuse đưa mắt nhìn nhau. Các ngài im lặng đến kinh ngạc. Sau đó, cụ Simêon hướng về phía Đức Maria. Đôi mắt cụ trở nên u buồn và cụ khẽ nói với Đức Mẹ: “Phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà!” (Lc 2,35). Lúc ấy, Mẹ Maria không hiểu lời cụ Simêon nói mang ý nghĩa gì. Mẹ chỉ nài xin Thiên Chúa ban cho được thêm can đảm.
Cụ già Simêon thánh thiện đã nhận được ân sủng Thiên Chúa hứa ban. Cụ vẫn vui mừng cảm tạ Thiên Chúa ngay cả khi Thánh Gia đã trở về quê nhà.
Chúng ta hãy bắt chước gương thánh Simêon luôn luôn tín thác vào Thiên Chúa. Bằng cách chăm chỉ đọc Kinh Thánh và mở lòng ra cho Chúa Thánh Linh hoạt động trong đời sống của mình, chúng ta sẽ có thể nên thánh. Như thánh Simêon, chúng ta hãy vững tin rằng hết thảy mọi lời Thiên Chúa đã hứa sẽ được thực hiện vào thời điểm Người muốn.
Ngày 9 tháng 10
Thánh Gioan Lêônarđi
Thánh Gioan Lêônarđi sinh vào khoảng năm 1540. Sau khi học xong, thánh nhân trở thành dược sĩ và phục vụ tại thành phố Lucca, nước Ý. Lên 25 tuổi, Gioan cảm thấy có ơn kêu gọi làm linh mục. Ngài bắt đầu việc học; và năm 1572, Gioan được thụ phong. Gioan dùng thời gian dạy đức tin cho các trẻ nhỏ và huấn luyện các giáo lý viên. Công việc năng động của Gioan cũng khiến ngài tìm đến các bệnh viện và các trại giam. Nhiều thanh niên ở thành Lucca cũng xin gia nhập với cha Gioan và giúp ngài thi hành công việc lý thú này. Rồi, nhóm anh em này về sau đã họp thành một hội dòng mới trong Giáo hội, gọi là dòng Giáo Sĩ Mẹ Thiên Chúa. Hội dòng chính thức được đức thánh cha Clêmentê VIII chuẩn nhận năm 1595.
Cha Lêônarđi được trao cho trông coi một giáo xứ ở thành phố Lucca. Anh em dòng ngài đã cùng góp sức chăm lo những nhu cầu tinh thần cho bổn đạo. Rồi cha Lêônarđi chuyển tới Rôma, nơi người bạn tốt lành của cha là thánh Philipphê Nêri đang sống. Thánh Philipphê là cha linh hướng của Lêônarđi. Đôi lúc công việc của cha Lêônarđi phải gặp khó khăn vì những rối loạn tinh thần và chính trị ở Âu châu. Nhưng thánh Philipphê tin tưởng vào công việc mà cha Lêônarđi cũng như các anh em linh mục tốt lành dòng ngài đang làm. Chính thánh Philipphê Nêri đã tặng cho cha Lêônarđi và hội dòng căn nhà của ngài ở Rôma. Căn nhà mang tên là “Nhà thánh William Bác Ái,” đó là căn nhà mà thánh Philipphê Nêri rất yêu thích. Và Gioan Lêônarđi đã vui mừng trông coi căn nhà.
Thánh Gioan Lêônarđi về trời ngày mùng 9 tháng Mười năm 1609 vì căn bệnh dịch tả. Thánh nhân bị lây nhiễm đang khi chăm sóc cho những người đau ốm. Năm 1938, Gioan Lêônarđi được đức thánh cha Piô XI tôn phong hiển thánh.
Vị thánh này dạy chúng ta nhận thức rằng con người cần được chăm sóc về phần tinh thần cũng như thể xác. Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan Lêônarđi nhắc nhớ chúng ta để ý tới những nhu cầu của tâm linh cũng như những nhu cầu thuộc thể xác chúng ta.
Ngày 10 tháng 10
Thánh Phanxicô Borgia
Thánh Phanxicô Borgia sinh năm 1510 gần thành phố Valenxia, nước Tây Ban Nha. Người chú của Phanxicô, là tổng giám mục thành Saragossa, đã trực tiếp giáo dục ngài. Phanxicô Borgia cảm thấy có ơn gọi sống bậc tu trì, nhưng ngài nhanh chóng bị lôi cuốn vào cơn lốc những cuộc hẹn hò xảy ra nơi cung đình của vua Carôlô V. Vào năm 1529, Thánh Phanxicô Borgia kết hôn với Êlêanor Castrô. Đôi vợ chồng trẻ sống rất hạnh phúc và họ có với nhau tất cả tám người con.
Năm 1539, Isabella, người vợ yêu quý của nhà vua, qua đời sau một thời gian ngắn chịu bệnh. Trong ngày lễ an táng hoàng hậu, khi nhìn thấy thân xác thối rữa của Isabella, thánh Phanxicô Borgia đã giật mình. Ngài nhận thấy sao cuộc đời trôi qua nhanh quá; và thánh nhân bắt đầu suy tưởng về đời sống vĩnh cửu trên thiên đàng.
Phanxicô Borgia trở thành cố vấn cho nhà vua; và sau đó làm phó vương Catalônia. Khi thân phụ qua đời năm 1543, Phanxicô lên nhận nhiệm vụ của cha là công tước xứ Ganđia và là trưởng tộc họ Borgia.
Năm 1546, người vợ yêu quý của Phanxicô Borgia qua đời, sau mười bảy năm sống hạnh phúc bên nhau. Phanxicô buồn khổ cùng cực vì sự mất mát, chỉ biết tìm an ủi trong lời cầu nguyện và các bí tích. Năm 36 tuổi, Phanxicô Borgia quyết định xin gia nhập dòng Tên. Ngài để gia tài lại cho người con trai; và năm 1550, Phanxicô được thụ phong linh mục. Cha Phanxicô Borgia du lịch vòng quanh Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, thuyết giảng cho từng đám đông người đến nghe ngài. Chính vị sáng lập dòng Tên, thánh Inhaxiô Lôyôla, đã trao cho Phanxicô Borgia chức vị lớn lao trong dòng. Năm 1565, Phanxicô Borgia trở thành bề trên tổng quyền dòng Tên. Suốt bảy năm sau đó, Phanxicô Borgia thiết lập nhiều cơ sở mới cho dòng và khuyến khích các anh em trong dòng hãy tập trung vào việc truyền giáo tại các nước hải ngoại, kể cả Hoa Kỳ.
Sau chuyến kinh lý mục vụ khắp đất nước Tây Ban Nha vào năm 1572, Phanxicô Borgia mệt mỏi trở về Rôma. Phanxicô Borgia qua đời hai ngày sau đó, nhằm ngày 30 tháng Chín. Vì luôn luôn hăng say làm việc để giúp cho hội dòng phát triển và lan rộng sang các quốc gia khác, thánh Phanxicô Borgia thỉnh thoảng được người ta gọi là vị sáng lập thứ hai của dòng Tên. Ngài được tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1671.
Ngay từ độ tuổi thành niên, thánh Phanxicô Borgia đã được người khác tín nhiệm và ủy thác cho những địa vị cao trọng. Thánh nhân đã thực hiện rất tốt công việc của mình vì ngài là người luôn sống đức tin và cầu nguyện. Chúng ta hãy bắt chước vị đại thánh này qua việc chu toàn thật tốt những gì được giao phó cho chúng ta thực hiện hàng ngày cũng như luôn hướng về đời sống mai hậu trên thiên đàng.
Ngày 11 tháng 10
Thánh Kennet
Vị thánh này, thỉnh thoảng được gọi là thánh Canis, sống vào thế kỷ thứ 6. Kennet sinh ở Ai Len và rất được nổi danh cả ở Ai Len lẫn Scốtlen. Thân phụ của Kennet là một nghệ sĩ, tức là một ca sĩ chơi nhạc balat chuyên nghiệp. Lúc còn trẻ, Kennet tới xứ Wales để học làm linh mục. Thánh Cađốc là giáo sư dạy ngài. Sau khi thụ phong linh mục, Kennet tới thăm Rôma. Rồi ngài trở lại Ai Len và vào trường thánh Finnianô để học thêm. Thánh Kennet làm bạn với ba vị thánh Ai Len khác, đó là thánh Kiêran, thánh Comgall và thánh Côlumba.
Sau khi thuyết giảng khắp xứ Ai Len, thánh Kennet cùng với thánh Côlumba tới Scốtlen để truyền giáo cho vua Brude. Khi ông hoàng này giận dữ nắm lấy thanh gươm để giết hai nhà truyền giáo, thì người ta nói rằng thánh Kennet đã làm dấu Thánh Giá và một phép lạ đã xảy ra. Cánh tay của nhà vua lập tức bị tê liệt; và hai vị thánh được cứu thoát. Thánh Kennet và thánh Côlumba luôn là những người bạn chí thân của nhau. Lần kia, Côlumba đang vượt thuyền cùng với vài người bạn trong khi Kennet thì ở một nơi rất xa, tại tu viện của mình ở Ai Len. Đột nhiên Kennet linh cảm thấy Côlumba đang gặp nạn ngoài biển. Ngài liền lập tức rời khỏi bàn ăn và chạy vào nhà thờ cầu nguyện cho người bạn rất mực quý mến của mình. Ngoài biển cả, Côlumba trấn an các bạn hữu đang hoảng sợ rằng: “Anh em đừng sợ! Thiên Chúa sẽ nhận lời cầu xin của Kennet. Giờ đây người đang vội chạy vào nguyện đường để cầu xin cho chúng ta!” Và, y như Côlumba nói, hết thảy mọi người đã được cứu thoát.
Thánh Kennet thiết lập nhiều tu viện và đã hoán cải nhiều người vô thần. Thánh nhân nổi danh vì lòng nhiệt thành rao giảng Tin mừng. Hơn nữa, thánh Kennet còn nổi danh vì đã thực hành đường trọn lành theo giáo huấn của Chúa Giêsu.
Thánh Kennet biết giải quyết những hoàn cảnh khó khăn một cách tuyệt hảo. Chính đức tính hòa đồng đã làm cho thánh nhân có nhiều bạn bè và nhiều trợ tá trong việc rao giảng Tin mừng. Chúng ta hãy nài xin thánh Kennet chỉ cho chúng ta cách thức trở nên một người bạn vui vẻ và dễ mến như ngài.
Ngày 12 tháng 10
Thánh Sêraphim Môngtêgranêrô
Thánh Sêraphim Môngtêgranêrô sinh năm 1540 tại nước Ý. Khi còn là cậu bé, Sêraphim phải đi chăn cừu thuê để kiếm sống. Song thân Sêraphim qua đời lúc ngài vẫn còn nhỏ; và Sêraphim được một người anh trai nhận về nuôi nấng. Nhưng anh này rất ư hà khắc với Sêraphim và thường hay xử tệ với ngài. Suốt thời thơ ấu và những năm vị thành niên, Sêraphim Môngtêgranêrô hằng tin cậy vào Thiên Chúa và dùng rất nhiều thời giờ để cầu nguyện. Thậm chí dù không có sự hiện diện của song thân yêu quý, Sêraphim cũng vẫn nhận biết Thiên Chúa là người Cha rất mực yêu thương hằng quan tâm chăm lo cho mình.
Khi lên 16 tuổi, Sêraphim Môngtêgranêrô cảm thấy Thiên Chúa mời gọi mình sống cuộc đời thánh thiện. Ngài quyết định xin gia nhập dòng Phanxicô Capuxinô với tư cách là một trợ sĩ. Cuối cùng, Sêraphim nhận thấy nơi đây thật là một gia đình mà trong đó các tu sĩ sống quý mến nhau. Chẳng bao lâu, Sêraphim trở nên nổi danh vì sự khôn ngoan và vì đời sống thánh thiện. Người người từ khắp nơi lần lượt kéo đến xin thánh nhân hướng dẫn những vấn đề thiêng liêng. Sêraphim Môngtêgranêrô đặc biệt tận tụy giúp đỡ những người nghèo khổ. Ngài lãnh nhận sức mạnh và ân sủng để tiếp cận với tha nhân nơi Chúa Giêsu Thánh Thể. Thánh Sêraphim Môngtêgranêrô về trời ngày 12 tháng Mười năm 1604. Ngài được tôn phong hiển thánh năm 1767.
Dù cho thánh Sêraphim Môngtêgranêrô không được tận hưởng thời thơ ấu hạnh phúc trong một gia đình đầm ấm, thánh nhân cũng vẫn nhận biết mình được Thiên Chúa yêu thương; và Thiên Chúa là Cha của hết thảy mọi người. Chính tình yêu mà Sêraphim Môngtêgranêrô từng trải nghiệm này đã giúp thánh nhân có thể yêu mến tha nhân. Nếu chúng ta tin nhận rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, chúng ta cũng sẽ mong muốn trao chuyển tình yêu thương ấy cho những người khác với tấm lòng cảm thông và quảng đại.
Ngày 13 tháng 10
Thánh Edward
Vua thánh Edward là một trong các vị quân vương cai trị nước Anh được thần dân quý chuộng nhất. Thánh nhân sống vào thế kỷ thứ 11. Vì các kẻ thù địch trong đất nước, Edward đã phải trẩy đến sống tại vùng Normanđi bên Pháp từ khi lên 10 cho tới lúc được 40 tuổi. Tuy vậy, khi trở về Anh quốc làm vua, mọi người đã rất vui sướng chào đón Edward.
Thánh Edward đã cai trị đất nước cách rất tốt đẹp và hầu như ngài luôn luôn giữ được nền hòa bình. Lý do là vì thánh nhân đã luôn tin cậy nơi Chúa và tỏ ra cương quyết trong những khi cần thiết. Vua Edward tham dự thánh lễ mỗi ngày. Ngài là một quân vương tốt lành, hiền hậu, chẳng bao giờ nói những lời cứng cỏi. Đối với những người nghèo khổ và các khách ngoại kiều, thánh Edward luôn đối xử với tấm lòng nhân ái bặc biệt. Edward cũng giúp đỡ các tu sĩ mỗi khi có thể. Chính vì lòng yêu mến Giáo hội và đối xử công bằng với mọi người mà thánh Edward trở nên rất nổi danh đối với người Anh. Họ vẫn chào đón Edward mỗi khi ngài cưỡi ngựa ra khỏi lâu đài.
Mặc dù làm vua với đầy đủ quyền hành, nhưng thánh Edward vẫn tỏ ra trung thực trong lời nói đối với Thiên Chúa và cả đối với thần dân của ngài. Trong lúc còn sống ở Normanđi, thánh nhân đã dâng một lời khấn với Thiên Chúa. Edward khấn rằng nếu gia đình được bình an, ngài sẽ hành hương tới viếng mộ thánh Phêrô ở Rôma. Sau khi lên ngôi vua, Edward muốn thực hiện lời khấn của mình; nhưng các quý tộc biết rằng nếu Edward rời khỏi đất nước, thần dân sẽ nổi loạn và không ai có thể giữ nổi hòa bình. Vì vậy, mặc dù họ rất trân quý tấm lòng trung thành của Edward, họ vẫn không muốn để ngài ra đi. Thế rồi, toàn bộ sự việc được trình lên đức thánh giáo hoàng Lêô IX; và đức thánh cha đã quyết định nhà vua nên ở lại đất nước. Thay vào đó, nhà vua hãy bố thí cho người nghèo số tiền mà ngài sẽ định dùng để chi tiêu và trang trải trong chuyến hành hương. Đức thánh cha cũng xin Edward xây cất một tu viện để tôn kính thánh Phêrô ở Westminstơ. Vâng lời, vua Edward đã thi hành ngay quyết định của đức giáo hoàng. Edward qua đời năm 1066 và được an táng ngay tại tu viện hoành tráng mà ngài đã xây cất. Đến năm 1161, đức thánh cha Alêxanđơ III đã tôn phong Edward lên bậc hiển thánh.
Thánh vương Edward, bằng vào đời sống của ngài, đã khuyên dạy rằng những ai có tiền của và quyền hành hãy nên sử dụng chúng một cách có trách nhiệm và vì lợi ích của người khác. Chúng ta hãy nài xin vua thánh Edward chúc lành cho các nhà lãnh đạo trên thế giới, cho họ biết sống như ngài, để tất cả mọi người được sống một cuộc đời an bình và vui sướng.
Ngày 14 tháng 10
Thánh Callistô I
Vị thánh giáo hoàng vĩ đại này sống vào nửa đầu thế kỷ thứ 3. Hồi trẻ, thánh nhân đã có lần là một nô lệ ở Rôma và gặp rắc rối nghiêm trọng. Người chủ của Callistô trao cho ngài công việc trông coi một ngân hàng. Không hiểu sao Callistô lại làm mất hết số tiền của ngân hàng này. Sợ hãi, Callistô đã bỏ chạy xa khỏi thành Rôma. Nhưng ngài đã bị bắt sau khi nhảy xuống biển tìm đường tẩu thoát. Người ta phạt Callistô bằng cách trói ngài lại và bắt phải làm việc cực nhọc trong một nhà máy xay.
Callistô được tha miễn hình phạt này chỉ vì các chủ nợ của ngài hy vọng họ có thể lấy lại được số tiền của họ. Nhưng Callistô lại bị bắt lần nữa, lần này liên quan tới một vụ đánh nhau. Ngài bị đày tới khu hầm mỏ Sarđinia. Khi hoàng đế ban lệnh phóng thích tất cả các Kitô hữu bị đày tới các hầm mỏ này, Callistô cũng được trả tự do. Và từ lúc đó, mọi sự bắt đầu trở nên xuôi thuận đối với Callistô.
Đức thánh giáo hoàng Zêphrinô nghe biết và đã tin cậy người nô lệ vừa được phóng thích này. Ngài đặt Callistô trông coi khu nghĩa trang Công giáo ở Rôma. Ngày nay, nghĩa trang này lấy theo tên thánh Callistô. Nhiều vị giáo hoàng đã được chôn cất tại đây. Callistô đã tỏ ra là người đáng tin cậy đối với đức giáo hoàng. Thánh Zêphrinô không những đã xức dầu thánh hiến Callistô trong chức linh mục mà còn chọn Callistô làm bạn hữu và làm cố vấn cho mình.
Sau đó, chính thánh Callistô cũng được chọn làm giáo hoàng. Một số người đã than phiền vì thánh nhân đã thương yêu các tội nhân cách quá đáng. Tuy nhiên, vị giáo hoàng thánh thiện này dạy rằng nếu cả những kẻ sát nhân mà thực lòng hoán cải, thì họ có thể được phép chịu Mình Thánh Chúa sau khi đã làm việc đền tội. Vị giáo hoàng vĩ đại này luôn luôn bảo vệ những giáo huấn của Đức Chúa Giêsu. Callistô I tử đạo năm 222. Thánh nhân bị sát hại trong một cuộc nổi dậy.
Vì thánh Callistô I đã quá nhận thức được sự tha thứ của Thiên Chúa trong đời sống tư riêng của mình, nên thánh nhân rất sẵn lòng tha thứ cho người khác. Chúng ta có tha thứ cho người khác với cùng một mức độ mà chúng ta mong muốn Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta không?
Ngày 15 tháng 10
Thánh Têrêsa Avila
Thánh nữ Têrêsa sinh ngày 28 tháng Ba năm 1515 tại thành Avila, nước Tây Ban Nha. Từ khi còn là cô gái nhỏ trong gia đình giàu có, Têrêsa và người anh trai là Rôđrigô đã ham thích đọc truyện các thánh và các đấng tử đạo. Dường như đối với hai trẻ, các vị thánh tử đạo vào nước trời thật là dễ dàng! Rồi hai trẻ bí mật trẩy tới một miền đất xa lạ, hy vọng ở đây có thể được chết cho Đức Chúa Giêsu. Nhưng may thay, chưa đi được bao xa thì hai trẻ đã gặp người cậu! Lập tức, ông đem các trẻ về cho bà mẹ đang lo lắng của chúng. Rồi hai trẻ lại quyết định làm hai vị ẩn sĩ trong khu vườn của mình, nhưng việc này cũng chẳng thành công. Các trẻ không có đủ đá để xây các túp lều cho mình.
Chính thánh nữ Têrêsa Avila đã viết lại các mẩu chuyện vui này khi kể về cuộc đời thơ ấu của ngài. Và sự việc là khi bước vào tuổi hoa niên, Têrêsa đã thay đổi hoàn toàn! Têrêsa Avila ham thích đọc quá nhiều truyện tiểu thuyết và các truyện lãng mạn ngốc nghếch đến nỗi ngài đã giảm lòng ham ước cầu nguyện. Têrêsa bắt đầu để ý nhiều về cách trang điểm để làm đẹp. Nhưng sau khi trải qua một cơn bạo bệnh, Têrêsa Avila đọc truyện thánh Giêrônimô. Và lập tức, Têrêsa Avila quyết định sẽ trở nên hiền thê của Đức Chúa Giêsu. Têrêsa Avila gia nhập dòng Cátminh năm 1536.
Cả khi đã khấn dòng, Têrêsa Avila vẫn thường cảm thấy khó cầu nguyện. Thêm vào đó, sức khỏe của thánh nữ rất yếu kém. Mỗi ngày, Têrêsa phung phí thời giờ vào những cuộc trò chuyện vô bổ. Thế rồi một ngày kia, khi đứng trước bức ảnh của Đức Chúa Giêsu, Têrêsa cảm thấy hết sức đau buồn vì đã chưa yêu mến Người cho đủ. Và thánh nữ bắt đầu tập sống cho riêng một mình Đức Chúa Giêsu dù phải hy sinh khó nhọc đến mức độ nào. Đáp lại tình yêu của Têrêsa, Chúa Giêsu đã ban cho thánh nữ đặc ân được nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn. Têrêsa Avila cũng học biết cầu nguyện cách tuyệt diệu. Thánh nữ nổi danh vì đã thiết lập thêm mười sáu tu viện Cátminh mới. Các tu viện này chứa đầy các nữ tu ham ước sống cuộc đời thánh thiện. Họ làm nhiều việc hy sinh vì lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu. Chính Têrêsa Avila đã nêu gương sáng cho các nữ tu này. Thánh nữ cầu nguyện với rất nhiều tình yêu và thi hành các nhiệm vụ hằng ngày cách chăm chỉ.
Thánh nữ Têrêsa Avila là nhà lãnh đạo đại tài cũng như là một người rất mực yêu mến Đức Chúa Giêsu và Giáo hội. Têrêsa Avila về trời năm 1582 và được đức thánh cha Grêgôriô XV phong thánh năm 1622.
Đến năm 1970, đức thánh cha Phaolô VI đã tôn nhận Têrêsa Avila làm nữ Tiến sĩ Hội Thánh đầu tiên của Giáo hội Công giáo.
Bất cứ khi nào cần một chút “sức đẩy tinh thần” để cầu nguyện cách tập trung và yêu mến hơn, chúng ta có thể cầu xin với thánh Têrêsa Avila. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ giúp chúng ta biết tìm những phương thế thực tiễn để có thể trung thành cầu nguyện mỗi ngày.
Ngày 16 tháng 10
Thánh Margarita Maria Alacốc
Thánh nữ Margarita Maria Alacốc sống vào thế kỷ thứ 17. Lúc còn nhỏ, thánh nữ là một cô bé hạnh phúc luôn yêu mến các nữ tu dạy học ở trường. Nhưng khi lên 10, Margarita Maria Alacốc bị bệnh rất nặng và năm năm sau mới bình phục. Sau khi thân phụ Margarita Maria qua đời, một người cô đã chuyển tới sống chung với gia đình của ngài. Hai vợ chồng cô chú này đã làm cho Margarita Maria và thân mẫu ngài phải chịu nhiều đau khổ. Hầu như ngày nào, thánh nữ cũng ẩn náu trong vườn để khóc lóc và cầu nguyện. Điều làm cho thánh nữ đau đớn hơn cả là nhìn thấy thân mẫu của mình phải đau khổ.
Tuy vậy, Margarita Maria Alacốc cũng biết cách lợi dụng thời giờ của ngài. Vài năm sau, thánh nữ phải quyết định chọn lựa giữa bậc sống tu trì và bậc sống gia đình. Thân mẫu Margarita Maria muốn ngài lập gia đình và những người thân của thánh nữ cũng muốn như vậy. Họ lo lắng cho Margarita Maria, nhất là khi thấy ngài đem các trẻ ăn xin vào trong vườn để dạy dỗ chúng. Margarita Maria Alacốc có lúc cũng do dự không biết nên kết hôn hay đi tu. Cuối cùng, thánh nữ đã quyết định dấn thân trong bậc sống tu trì.
Margarita Maria Alacốc gia nhập hội dòng Đức Mẹ Thăm Viếng và trở nên một nữ tu khiêm tốn, có tâm hồn quảng đại. Thánh nữ thường làm cho người khác phải khó chịu vì tính chậm chạp và vụng về. Nhưng Margarita Maria rất được Đức Chúa Giêsu yêu quý. Chính Chúa Giêsu đã thân hiện ra với Margarita Maria Alacốc và tỏ cho thánh nữ thấy Người yêu thương tất cả chúng ta là dường nào. Chúa Giêsu muốn thánh nữ loan truyền lòng sùng kính đối với Thánh Tâm Người. Đó thật là một điều khó! Quả vậy, nhiều người đã không tin chuyện sơ Margarita Maria Alacốc được xem thấy Đức Chúa Giêsu. Vài người đã tức giận với thánh nữ vì việc thánh nữ loan truyền thứ sùng kính mới mẻ này. Và sơ Margarita Maria Alacốc đã phải đau khổ nhiều. Tuy nhiên, thánh nữ đã hết sức cố gắng để thực hiện ước muốn của Chúa Giêsu. Và Đức Chúa Giêsu đã chúc lành cho công việc và nỗi thống khổ của Margarita Maria. Ngày nay, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được thực hiện trên khắp thế giới. Sơ Margarita Maria Alacốc được đức thánh cha Bênêđictô XV tôn phong hiển thánh năm 1920.
Chúa Giêsu đã mạc khải cho thánh nữ Margarita Maria Alacốc những lời hứa rất cao trọng dành cho những ai tôn sùng Thánh Tâm Người. Một số lời ấy là: “Cha sẽ an ủi họ trong những cơn phiền muộn. Cha sẽ thiết lập hòa bình trên nhà của họ. Cha sẽ chúc phúc dư đầy cho công việc họ làm. Cha sẽ chúc lành cho bất cứ nơi nào trưng bày và tôn kính ảnh tượng Thánh Tâm Cha.” Và lời hứa cao cả nhất của Đức Chúa Giêsu là: “Thánh Tâm Cha sẽ là nơi nương ẩn an toàn trong giờ phút lâm chung cho những ai đã rước Mình Thánh Chúa liên tiếp chín Thứ Sáu Đầu Tháng.” Chúng ta hãy nài xin thánh nữ Margarita Maria Alacốc giúp chúng ta hiểu biết được tầm quan trọng của việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Hôm nay Giáo hội cũng cử hành thánh lễ kính thánh Hétvích.
Ngày 17 tháng 10
Thánh Inhaxiô Antiôkia
Thánh Inhaxiô thành Antiôkia rất được nổi danh kể từ thời Giáo hội sơ khai. Thánh nhân được sinh vào giữa thế kỷ thứ 1. Inhaxiô là vị giám mục thứ ba của thành Antiôkia. Đây là thành phố nơi thánh Phêrô đã hoạt động trước khi chuyển tới Rôma. Đây cũng là thành phố mà các môn đệ của Đức Chúa Giêsu lần đầu tiên được gọi là Kitô hữu. Sau khi cai quản Giáo hội tại Antiôkia được 40 năm, thánh Inhaxiô bị lên án tử trong thời trị vì của hoàng đế Trajanô. Thánh nhân bị quân lính áp giải từ Antiôkia tới Rôma bằng đường thủy.
Trên đường tới Rôma, chiếc tàu đã dừng lại ở nhiều hải cảng. Tại mỗi hải cảng này, từng đám đông các tín hữu đã họp lại để chào đón vị giám mục thành Antiôkia thánh thiện. Hai trong số các thành phố đáng ghi nhận là Smyrna và Troa. Nơi mỗi thành, thánh Inhaxiô đã viết nhiều thư cho các cộng đoàn tín hữu. Theo cách này, thánh nhân đã sử dụng những phương pháp rao giảng Tin mừng giống như những phương pháp của vị đại tông đồ Phaolô. Một trong số các lá thư đó Inhaxiô từ thành Troa đã viết gởi cho thánh Pôlycarpô, một giám mục bạn, cũng được phúc tử đạo. Chúng ta đã mừng lễ kính thánh Pôlycarpô hôm 23 tháng Hai.
Khi thánh Inhaxiô yêu quý tới Rôma, ngài đã tham gia với các Kitô hữu can đảm đang bị cầm tù. Hôm ấy là ngày 20 tháng Mười Hai, ngày cuối cùng của cuộc chơi công cộng; và thánh giám mục bị đẩy vào hí trường. Hai con sư tử hung dữ đã lao vào cắn xé ngài. Inhaxiô Antiôkia đã để lại cho hậu thế một chứng từ hùng hồn về Tin mừng của Đức Chúa Giêsu, thể hiện qua đời sống và các lá thư ngài viết. Thánh Inhaxiô Antiôkia về trời khoảng năm 107.
Nếu cảm thấy bị một hoàn cảnh khó chịu nào đó trấn áp, chúng ta hãy cầu khẩn cùng thánh Inhaxiô Antiôkia. Thánh nhân sẽ chỉ cho chúng ta biết cách xoay chuyển những khó khăn thành những cơ hội, như ngài đã thực hiện, bằng cách dâng hiến chính mình cho Đức Chúa Giêsu vì yêu mến Người.
Ngày 18 tháng 10
Thánh Luca
Người ta thường tin rằng thánh Luca là một lương y ngoại đạo. Ngài là một người có tâm hồn hào hiệp, tốt lành, được biết Đức Giêsu qua vị đại tông đồ Phaolô. Sau khi trở thành Kitô hữu, thánh Luca thỉnh thoảng cũng đồng hành với thánh Phaolô. Luca giúp thánh Phaolô rao giảng đức tin cách rất hữu hiệu. Sách Thánh đã gọi Luca là “lương y yêu quý.”
Thánh Luca là tác giả của hai cuốn sách trong bộ Kinh Thánh: sách Tin mừng theo thánh Luca và sách Tông Đồ Công Vụ. Dù không được gặp gỡ Đức Chúa Giêsu khi Người còn sống, nhưng thánh Luca đã ghi chép về Người qua những cuộc trở lại của các tín hữu. Vì vậy, thánh nhân nói truyện với những người đã được nghe biết Đức Chúa Giêsu. Ngài viết lại tất cả mọi điều họ đã nghe Đức Chúa Giêsu nói và đã thấy những việc Người làm. Chính thánh Luca là người kể cho chúng ta biết về những mẩu truyện rất hay về cuộc đời Đức Chúa Giêsu. Thánh nhân kể cho biết về cuộc giáng thế của Chúa Giêsu, về việc Người bị lạc mất trong đền thánh Giêrusalem khi lên 12 tuổi. Luca cũng kể cho chúng ta biết về truyện ông Giakêu người thu thuế, ông đã trèo lên cây cao để được xem thấy Đức Chúa Giêsu. Thánh Luca cũng thuật lại những dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu và người Cha nhân lành.
Thánh ký Luca cũng kể lại mẩu truyện về cách thức các tông đồ bắt đầu rao giảng sứ điệp của Đức Chúa Giêsu sau khi Người về trời. Chính nhờ bộ sách của thánh ký Luca, Tông Đồ Công Vụ, mà chúng ta biết được cách thức Giáo hội lớn mạnh và phát triển ra sao.
Thánh ký Luca là bổn mạng của các họa sĩ và các lương y. Chúng ta không được biết rõ thánh nhân qua đời khi nào và ở đâu. Ngài là một trong bốn vị thánh ký, hay còn gọi là tác giả sách Tin mừng.
Tin mừng của thánh ký Luca đặc biệt nói về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những tội nhân biết ăn năn hối cải. Đôi lúc chúng ta cũng thất vọng vì những tội lỗi và khuyết điểm của mình. Chúng ta hãy nài xin thánh Luca chỉ cho chúng ta biết cách tin tưởng vào lòng thương xót của Đức Chúa Giêsu như thánh nhân đã thực hành.
Ngày 19 tháng 10
Thánh Isaac Giogiơ, thánh Gioan Brêbớp và các bạn tử đạo
Thánh Isaac Giogiơ sinh năm 1607 tại thành phố Ôlins, nước Pháp. Thánh nhân gia nhập dòng Tên năm 1624. Là nhà thừa sai dòng Tên, Isaac Giogiơ tới Quêbéc, nước Canađa. Ở đó, thánh nhân làm việc giữa những người Huron, giải thích cho họ biết về sứ điệp Tin mừng của Đức Chúa Giêsu và rửa tội cho những người xin gia nhập Công giáo. Năm 1642, một số chiến binh thuộc bộ tộc Irôquơ đã bắt giữ ngài cùng với 5 tu sĩ dòng Tên người Pháp và 2 tông đồ giáo dân Pháp khác.
Trong suốt một năm, thánh Isaac Giogiơ và các bạn của ngài đã bị tra tấn kinh khủng. Nhưng một người Hà Lan đã giúp Isaac Giogiơ trốn thoát và ngài đã trở về Pháp. Đến năm 1644, Isaac Giogiơ lại xin được tới Quêbéc. Đang lúc trên đường đến với những người Irôquơ, sau một hiệp ước hòa bình ngài đã ký với bộ tộc ấy, Isaac Giogiơ đã bị những người Mahawk bắt giữ và giết chết.
Thánh Gioan Brêbớp trở thành tu sĩ dòng Tên sau một cơn lao phổi dữ dội. Ngài và thánh Gabriel Lallơmông là những thành viên thuộc nhóm các tu sĩ dòng Tên can đảm bị những người Irôquơ bắt giữ và giết chết. Cha Antôn Đanien vừa mới cử hành xong thánh lễ cho những tân tòng thuộc làng Huron thì những người Irôquơ tới tấn công ngôi làng. Những người tín hữu Anhđiêng năn nỉ cha bỏ trốn, nhưng cha Đanien đã ở lại để rửa tội cho tất cả những người đang khóc lóc xin cha ban bí tích Thanh tẩy cho họ trước khi tất cả đều bị giết. Những người Irôquơ đã thiêu sống cha trong nguyện đường nhỏ bé của ngài. Thánh Carôlô Garniê, tuy bị bắn bởi phát súng hỏa mai Irôquơ trong một vụ tấn công đột xuất, vẫn cố gắng bò tới giúp một người bạn đang hấp hối. Sau đó, ngài bị chém chết bởi một nhát rìu. Cha Nôel Cabanel cảm thấy cuộc sống truyền giáo tại Tân Thế Giới thật khó khăn, nhưng cha đã thề nguyền sẽ ở lại Bắc Mỹ. Cha bị một kẻ phản bội thuộc bộ tộc Huron giết hại. Hai vị tông đồ giáo dân, Rênê Gupin và Gioan Laland, đều bị giết bởi những nhát rìu của người da đỏ. Tất cả các vị anh hùng của Chúa Kitô này đã can đảm hiến dâng mạng sống mình vì những người dân bản địa vùng Bắc Mỹ. Người ta thường gọi các ngài là các thánh tử đạo tại Bắc Mỹ. Các ngài được đức thánh cha Piô XI tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1931.
Ngày nay người ta phạm rất nhiều tội nghịch lại với nhân phẩm con người. Chúng ta hãy xin các thánh tử đạo hôm nay chia sẻ cho chúng ta tình yêu thương lớn lao và lòng kính trọng đặc biệt đối với tất cả mọi người. Chúng ta hãy nài xin các ngài ban cho chúng ta quả tim truyền giáo của các ngài.
Hôm nay Giáo hội cũng mừng lễ kính thánh Phaolô Thánh Giá.
Ngày 20 tháng 10
Chân phước Gioan XXIII
Angelô Giuse Rôncalli sinh tại miền Bắc nước Ý năm 1881 trong một gia đình nông dân nghèo khổ. Song thân ngài sinh được 13 người con. Rôncalli gia nhập chủng viện ở Rôma và bắt đầu chương trình học làm linh mục. Rôncalli học thần học và sau một thời gian ngài đỗ tiến sĩ giáo luật.
Trong suốt Đệ Nhất Thế Chiến, cha Rôncalli bị bắt tham gia quân đội Ý, và ngài đã phục vụ với tư cách là linh mục tuyên úy trong các tiền tuyến. Sau chiến tranh, cha Rôncalli được cử làm đại diện ngoại giao của tòa thánh Vatican; và ngài đã viếng thăm Bulgari, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, suốt Đệ Nhị Thế Chiến, cha Rôncalli đã giúp đỡ những người chạy trốn Đức Quốc xã. Năm 1944, cha được chọn làm đại sứ của tòa thánh tại Pháp. Vì thực hiện thành công những nhiệm vụ khó khăn, Rôncalli được đức thánh cha Piô XII đặt làm hồng y, và sau đó, làm giáo chủ thành Vênis lúc được 71 tuổi. Dường như vì tuổi cao, đây là chức vụ cuối cùng mà hồng y Rôncalli được ủy thác. Thế nhưng sáu năm sau, hết sức ngỡ ngàng, hồng y Rôncalli được chọn lên ngôi giáo hoàng khi đức thánh cha Piô XII băng hà vào năm 1958. Và Rôncalli đã lấy danh hiệu là Gioan XXIII.
Sau đó, Gioan XXIII đã làm cho cả thế giới phải ngạc nhiên qua việc triệu tập một Công đồng chung. Công đồng Vaticanô II, một Công đồng đầu tiên sau gần 100 năm, có mục đích canh tân và thích nghi Giáo hội Công giáo. Trong buổi khai mạc Công đồng, đức thánh cha Gioan XXIII đã phát biểu với niềm hy vọng và lạc quan về vai trò của Giáo hội trong thế giới văn minh. Với lòng chân thành và sự nồng nhiệt, đức thánh cha Gioan XXIII không chỉ đề cập đến những Kitô hữu mà còn vươn tới với tất cả cộng đồng nhân loại. Mọi người thuộc mọi tín ngưỡng từ khắp nơi trên thế giới đều coi Gioan XXIII là hiện thân của chân lý và sự thiện, yêu chuộng hòa bình và hiểu biết sâu xa các dân tộc và các quốc gia. Gioan XXIII canh tân truyền thống qua việc rời bỏ “chốn tù đày của Vatican” để du lịch ra bên ngoài thành Rôma. Trong các thông điệp Mẹ và Thầy và Hòa bình trên thế giới, Gioan XXIII nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo vệ nhân quyền và cùng làm việc vì hòa bình.
Công đồng chung Vaticanô II đã đem lại những thay đổi quan trọng trong Giáo hội, nhưng đức thánh cha Gioan XXIII không được nhìn thấy sự bế mạc tốt đẹp của nó. Ngài về trời ngày mùng 3 tháng Sáu năm 1963. Ngài là một trong các vị giáo hoàng được ái mộ nhất trong các thế kỷ gần đây. Đức Gioan XXIII được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước hôm mùng 3 tháng Chín năm 2000.
Nơi vị giáo hoàng yêu quý này, chúng ta hãy học cách sống hòa hợp với những người khác quan điểm và tín ngưỡng với chúng ta. Việc sống an hòa với những người đồng quan điểm với mình thật là điều dễ dàng! Đức chân phước giáo hoàng Gioan XXIII thách đố chúng ta dám sống cởi mở và tôn trọng những người khác quan điểm với mình.
Ngày 21 tháng 10
Thánh Hilariôn
Thánh Hilariôn sống vào thế kỷ thứ 4. Lúc rời bỏ quê nhà Palestina để đến học ở Ai Cập, thánh nhân vẫn chưa gia nhập Giáo hội Công giáo. Tại Ai Cập, Hilariôn học biết đức tin Công giáo, và chẳng bao lâu ngài được chịu phép Thanh tẩy. Khi ấy, Hilariôn mới chỉ 15 tuổi. Sự kiện Hilariôn trở về với Giáo hội đã bắt đầu một hành trình vinh quang dẫn ngài đến gần Thiên Chúa hơn. Sau đó, thánh nhân lên đường tới thăm viếng thánh Antôn tu rừng. (Chúng ta đã cử hành thánh lễ kính thánh Antôn ngày 17 tháng Giêng.) Như thánh Antôn, Hilariôn cũng muốn sống ở nơi thanh vắng để phụng sự Đức Chúa Giêsu, Đấng đã đến trần gian để yêu thương con người. Hilariôn lưu lại độ hai tháng với thánh Antôn nhưng ở đây không có đủ bầu khí thinh lặng vì có quá nhiều người tìm đến với thánh Antôn để xin ngài giúp đỡ. Không gặp được thứ bình an mình đang tìm kiếm, Hilariôn quyết định rời bỏ chỗ ấy. Sau khi phân phát hết tài sản cho người nghèo, Hilariôn tìm đến một nơi thanh vắng và sống ở đó như một ẩn sĩ.
Thánh Hilariôn cũng phải chiến đấu với nhiều cám dỗ. Đôi lúc dường như những lời cầu xin của ngài chẳng được Thiên Chúa ưng nhận. Tuy vậy, thánh Hilariôn không để cho những cám dỗ này ngăn cản mình cầu nguyện cách chăm chỉ hơn.
Sau 20 năm sống trong sa mạc, vị ẩn tu thánh thiện này đã làm một phép lạ đầu tiên. Chẳng bao lâu nhiều người bắt đầu tìm đến túp lều của Hilariôn để xin ngài giúp đỡ. Cũng có nhiều người xin thánh Hilariôn cho phép được lưu lại với ngài để học nơi ngài cách thức cầu nguyện và làm việc đền tội. Với lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân lớn lao, vị thánh đã mời họ ở lại với mình. Nhưng sau cùng, khi được 65 tuổi, thánh Hilariôn bắt đầu du lịch từ nước này sang nước kia để tìm bầu khí thanh bình và tĩnh lặng. Tuy nhiên, danh tiếng về các phép lạ mà thánh Hilariôn đã làm do lòng thương xót đã luôn khiến nhiều đám đông người tìm đến với ngài. Vài năm trước khi về trời, thánh Hilariôn đã tìm được sự thanh vắng mà ngài hằng ao ước; và Hilariôn cảm thấy thực sự được ở yên một mình với Thiên Chúa. Thánh Hilariôn qua đời năm 371, hưởng thọ 80 tuổi.
Khi chúng ta nghĩ rằng tha nhân và những hoàn cảnh sống chi phối việc kết hợp giữa chúng ta với Thiên Chúa, chúng ta hãy cầu nguyện cùng thánh Hilariôn. Thánh nhân sẽ chỉ cho chúng ta cách thức tìm kiếm Đức Chúa Giêsu, dù cho đôi lúc cũng phải quan tâm tới tha nhân và những vấn đề khác.
Ngày 22 tháng 10
Chân phước Timôthêô Giaccarđô
Giuse Giaccarđô sinh ngày 13 tháng Sáu năm 1896 tại miền Narzôle, nước Ý. Song thân của ngài là những nông dân lao động vất vả. Giuse đã hấp thụ được nhiều thói quen tốt lành nơi cha mẹ của mình. Họ yêu mến đức tin Công giáo và đã truyền lại gia sản ấy cho Giuse. Giuse thường hay cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể và với Đức Mẹ Maria. Ngài có một bức ảnh Đức Mẹ nho nhỏ đặt ở trên kệ sách trong căn phòng của ngài.
Giuse giúp lễ cách rất đều đặn. Đó là dịp thuận tiện để Giuse gặp gỡ vị linh mục trẻ hay đến giúp tại nhà thờ thánh Bênađô. Vị linh mục sắp sửa thiết lập một hội dòng mới, là dòng thánh Phaolô. Tên của ngài là cha Alberiôn. Giuse rất yêu mến cha Alberiôn. Cha Alberiôn cũng rất bị ấn tượng bởi Giuse. Ngài hướng dẫn Giuse về đường thiêng liêng. Sau đó, Giuse gia nhập chủng viện ở Alba để học làm linh mục. Năm 1917, Giuse xin vị giám mục của mình cho phép được rời bỏ chủng viện. Giuse mong muốn gia nhập hội dòng mới thành lập của cha Alberiôn, vừa tròn 3 năm tuổi. Vị giám mục đã miễn cưỡng cho phép Giuse tham gia hội dòng thánh Phaolô. Giuse tuyên những lời khấn thánh năm 1920. Ngài lấy tên là Timôthêô, theo tên của vị học trò rất mực yêu quý của thánh Phaolô. Sau đó hai năm, Timôthêô Giaccarđô được thụ phong linh mục, và ngài là linh mục đầu tiên trong hội dòng mới lập của cha Alberiôn.
Ơn gọi đặc biệt của cha Timôthêô Giaccarđô, với tư cách là linh mục dòng thánh Phaolô, là phục vụ như một tông đồ giảng đạo bằng các phương tiện truyền thông đại chúng. Timôthêô viết lách, biên tập, in ấn và phân phát lời Chúa. Ngài đảm nhận nhiều công việc quan trọng với lòng can đảm và khiêm tốn. Một số người không hiểu những hoạt động tông đồ của tập thể anh chị em dòng thánh Phaolô. Họ thắc mắc làm sao các linh mục, tu sĩ và nữ tu đều có thể là những người xuất bản? Làm sao họ có thể dùng các phương tiện như dụng cụ để truyền giảng Tin mừng? Cha Timêthêô Giaccarđô đã giúp họ hiểu rõ ơn gọi tuyệt vời của các anh chị em dòng thánh Phaolô. Cha cũng là bậc thầy vĩ đại của các linh mục và tu sĩ phục vụ trong ơn gọi tông đồ mới này. Timôthêô phục vụ Thiên Chúa tại Bắc Ý và Rôma. Ngài là phụ tá rất đắc lực của cha Alberiôn. Thực ra, cha Alberiôn gọi chân phước Timôthêô Giaccarđô là “người trung tín nhất trong các người trung tín.” Nhưng Timôthêô không là vị kế nhiệm của đấng sáng lập, như cha Alberiôn đã kỳ vọng. Cha Timôthêô Giaccarđô bị chứng bệnh tăng bạch cầu rất nặng. Ngài qua đời ngày 24 tháng Giêng năm 1948. Đến ngày 22 tháng Mười năm 1990, cha Timôthêô Giaccarđô được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc chân phước.
Đây là lời cầu nguyện chúng ta có thể nài xin chân phước Timôthêô Giaccarđô giúp chúng ta biết thận trọng chọn lựa những phương tiện chúng ta đang sử dụng: “Lạy chân phước Timôthêô Giaccarđô, ước gì những sách vở và tạp chí chúng con đọc, những chương trình chúng con xem, âm nhạc chúng con nghe và trò chơi chúng con chơi, ngày một dẫn chúng con tới gần Đức Chúa Giêsu hơn. Xin cũng giúp chúng con tránh xa những phương tiện nguy hại làm mất lòng Chúa. Amen.”
Ngày 23 tháng 10
Thánh Gioan Capistranô
Thánh Gioan Capistranô sinh năm 1386 tại nước Ý. Ngài là luật sư và là thống đốc thành phố Pêrugia. Khi những kẻ thù của thành phố bắt giam ngài trong tù, thánh Gioan đã có dịp suy nghĩ về ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Các kẻ thù của Gioan chưa vội thả ngài, nên Gioan có nhiều thời giờ để nhận thức được điều quan trọng hơn hết chính là ơn cứu độ của linh hồn mình. Vì thế, khi được trả tự do, Gioan Capistranô liền đến xin gia nhập dòng Phanxicô. Lúc ấy Gioan được 30 tuổi. Đối với Gioan, cuộc sống của một linh mục khó nghèo quả thực là một thay đổi lớn. Nhưng thánh nhân đã hy sinh ý riêng của mình vì lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu. Và Gioan Capistranô đã cố gắng với hết cả tâm hồn để thực hiện việc này.
Sau khi trở thành linh mục, Gioan Capistranô được sai đi giảng đạo. Gioan cùng với cha cựu tập sư của mình, thánh Bênađinô Siêna, đã rao giảng về lòng sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu khắp nơi. Gioan Capistranô rao giảng khắp Âu châu suốt 40 năm. Tất cả những ai đã nghe thánh nhân thuyết giảng đều được ơn biến đổi, yêu mến và phục vụ Đức Chúa Giêsu hơn.
Một điển tích nổi bật trong đời sống của vị thánh này đến từ trận chiến Belgrết. Quân Thổ đã quyết định chinh phục toàn cõi Âu châu và xóa sạch Giáo hội của Đức Chúa Giêsu. Đức thánh cha đã gởi thánh Gioan Capistranô đến với tất cả các quốc vương Công giáo ở Âu châu để xin họ cùng liên minh chống lại đội quân Thổ hùng mạnh. Các quân vương đã nghe theo lời của vị linh mục nghèo khó, đi chân đất này. Gioan Capistranô đã hâm nóng lòng yêu mến Thiên Chúa và lòng can đảm của họ bằng những lời giảng thuyết nảy lửa. Dù cho một đội quân Kitô hùng hậu tiến ra nghênh chiến với Môhammét II và quân đội của ông, thì dường như đội quân Kitô vẫn thua trận. Quân thù vẫn hùng mạnh hơn gấp nhiều lần! Rồi chính thánh Gioan Capistranô, dù đã 70 tuổi, đã chạy trước đội quân Kitô và ủy lạo tinh thần của các chiến sĩ. Giơ cao tượng Chịu Nạn trong tay, ông già với dáng người mảnh khảnh nhỏ nhắn này hô to: “Chiến thắng! Giêsu! Chiến thắng!” Và các chiến binh Kitô cảm thấy được tràn đầy can đảm hơn bao giờ hết. Họ đã chiến đấu cho tới lúc kẻ thù phải bỏ chạy vì hoảng sợ. Một thời gian ngắn sau đó, thánh Gioan Capistranô qua đời vì cơn bệnh dịch, nhằm ngày 23 tháng Mười năm 1456. Ngài được phong thánh năm 1690.
Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, người ta có thể làm được những công việc vĩ đại. Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan Capistranô san sẻ cho chúng ta lòng can đảm và nhiệt thành của ngài để thực thi những điều hay lẽ phải.
Ngày 24 tháng 10
Thánh Antôn Maria Claret
Thánh Antôn Maria Claret sinh năm 1807 tại đất nước Tây Ban Nha. Đó là năm hoàng đế Napôlêôn đem quân xâm lược đất nước này. Có lẽ đó là dấu chỉ của sự kiện náo động sẽ theo Antôn suốt cả cuộc đời. Antôn Maria Claret thụ phong linh mục năm 1835; và được sai đến phục vụ tại giáo xứ quê nhà. Trong mười năm sau đó, Antôn giảng tĩnh tâm và đại phúc tại Catalônia. Rồi ngài tới quần đảo Canary truyền giáo khoảng một năm.
Vào năm 1849, Antôn Maria Claret thiết lập một hội dòng mới gọi là dòng Thừa Sai Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, cũng gọi là dòng Claret. Hội dòng có sứ vụ giảng các tuần đại phúc tại các giáo xứ.
Nữ hoàng Isabella II nước Tây Ban Nha đánh giá rất cao về cha Antôn Maria Claret. Bà đã đề nghị cha làm tổng giám mục giáo phận Santiagô, Cuba. Việc tông đồ của Antôn tại Cuba lại mở ra bảy năm thú vị nữa. Đức tổng giám mục Antôn Maria Claret thăm viếng các xứ đạo, chống lại các thói xấu xã hội, nhất là tội buôn bán nô lệ. Ngài chúc lành cho bậc hôn nhân gia đình và ban bí tích Thanh tẩy cho các trẻ em. Vì là nhà cải cách nên Antôn Maria Claret luôn có những kẻ thù chống lại những thay đổi mà ngài đặt ra. Antôn thường xuyên nhận được những lời đe dọa sẽ bị xử tử, và thậm chí Antôn đã bị thương trong một vụ ám sát, nhưng thánh nhân vẫn tiếp tục công việc tốt đẹp của ngài cho tới khi được gọi về Tây Ban Nha năm 1857.
Trong thời gian làm linh mục, Antôn Maria Claret là giám đốc đại chủng viện ở Mađriđ. Ngài đã thiết lập trường thánh Micael để bảo vệ công trình nghiên cứu nghệ thuật và văn chương. Thậm chí cha còn cố gắng thiết lập một trường học để nghiên cứu nông nghiệp. Cha Antôn Maria Claret cũng có một năng lực viết lách đặc biệt. Ngài đã viết 144 cuốn sách và rất nhiều những tập sách nhỏ; Antôn thuyết giảng trên 25000 bài! Quyển sách danh tiếng nhất của Antôn Maria Claret, Lẽ phải, đã vươn tới với hàng triệu độc giả. Đức tổng giám mục Antôn Maria Claret tới Rôma tham dự Công đồng Vatican I năm 1869; và ngài đã qua đời năm 1870. Antôn Maria Claret được đức thánh cha Piô XII tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1950.
Thánh Antôn Maria Claret chỉ cho chúng ta biết cách có được trái tim truyền giáo. Chúng ta hãy cầu xin cho mọi người trên khắp thế giới, nhất là cho những ai đang đau khổ và chịu cảnh túng nghèo. Chúng ta cũng hãy giúp đem ánh sáng Tin mừng tới các miền đất lạ bằng cách giúp chút tiền tiêu dùng của mình cho công việc truyền giáo.
Ngày 25 tháng 10
Thánh Richơ Gwyn
Thánh Richơ là người xứ Wales, sống vào thế kỷ thứ 16. Richơ được nuôi dạy bên Giáo hội Anh giáo và ngài học tại hai trường đại học Oxford và đại học thánh Gioan ở Cambrít. Sau khi hoàn tất việc học, Richơ trở lại Wales và mở trường dạy học. Richơ kết hôn và sinh được sáu người con. Lúc này Richơ đã trở lại với đức tin Công giáo.
Hồi ấy nữ hoàng Êlizabeth I nước Anh cai trị xứ Wales. Nhiều người ở Wales là tín hữu Công giáo, nhưng nữ hoàng đã ra những đạo luật khắt khe nhằm làm cho Anh giáo trở nên tôn giáo duy nhất trong vương quốc của bà. Các linh mục Công giáo và các tín hữu trung thành với đức thánh cha đều bị bắt giam tù. Họ thường bị tra tấn và sát hại.
Một ít lâu sau, Richơ cũng trở thành người bị săn đuổi. Richơ đào ngũ một lần và năm sau lại bị bắt giam. “Anh sẽ được tự do,” người ta nói với Richơ, “nếu anh chịu chối bỏ đức tin Công giáo.” Richơ hoàn toàn từ chối. Rồi ngài bị áp giải tới một nhà thờ Anh giáo. Richơ bực mình với bài giảng của vị giảng thuyết và ngài đã khua xiềng xích loảng xoảng để phản đối. Tức giận, các quan chức liền tống giam Richơ vào các kho lẫm suốt tám giờ đồng hồ. Nhiều người đã đến nhạo cười và lăng nhục ngài.
Thời gian tù đày và các cuộc tra tấn thay nhau diễn ra sau đó. Các tay sai của nữ hoàng muốn Richơ cho họ biết danh sách những tín hữu Công giáo, nhưng thánh nhân không tiết lộ điều gì. Tại phiên tòa xử ngài, có nhiều kẻ bị mua chuộc đã vu oan cho Richơ, như một người trong bọn họ thừa nhận sau này. Các thành viên trong ban hội thẩm quá bất lương đến nỗi họ đã xin quan tòa lên án tử cho Richơ. Sau khi bị lên án tử, người vợ và đứa con nhỏ của Richơ được dẫn tới trước tòa. Người ta nói với người đàn bà tội nghiệp: “Đừng bắt chước chồng bà!” Bực mình, bà đã can đảm trả lời: “Nếu các người cần thêm máu, các người hãy lấy luôn mạng sống của tôi cùng với mạng sống chồng tôi. Nếu các người cho các nhân chứng của các người thêm chút tiền nữa, chắc họ cũng sẽ tìm thêm chứng cớ nào đó để vu oan cho tôi!”
Đang lúc Richơ chịu tử đạo, ngài đã kêu lên trong nỗi đau thê thảm rằng: “Lạy Chúa, cái gì vậy?” Một trong các quan chức trả lời cách mỉa mai: “Một cuộc xử tử nữ hoàng ạ!” “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con!” vị tử đạo kêu lên. Những bài thơ đạo đức trác tuyệt Richơ viết trong lao tù hiện vẫn còn được lưu giữ. Trong đó, thánh nhân kêu nài những người thôn quê xứ Wales hãy trung thành với đức tin Công giáo. Richơ Gwyn tử đạo năm 1584. Đến năm 1929, Richơ Gwyn được đức thánh cha Piô XI tôn phong lên bậc chân phước. Năm 1970, đức thánh cha Phaolô VI phong thánh cho ngài làm một trong số bốn mươi vị tử đạo của Anh quốc và xứ Wales.
Chúng ta có thể ngưỡng mộ thánh Richơ Gwyn về lòng dũng cảm của ngài. Việc sẵn lòng chịu đau khổ vì điều mình tin tưởng thật rất đáng khích lệ. Chúng ta hãy nài xin thánh Richơ Gwyn làm cho chúng ta nên mạnh mẽ trong những đau khổ và hiểu lầm như ngài.
Ngày 26 tháng 10
Kính mười một vị tử đạo ở Almêria,
Tây Ban Nha
Cuộc nội chiến của người dân Tây Ban Nha nổ ra hồi năm 1936. Nó được mô tả như một cuộc chiến giữa những người vô thần và những người tin vào Thiên Chúa. Đối tượng đặc biệt của cuộc bách hại là Giáo hội Công giáo. Trong suốt 3 năm, đã có 12 giám mục, 4184 linh mục, 2365 tu sĩ và 300 nữ tu đã anh dũng hy sinh vì đức tin. Hôm nay, chúng ta cử hành lễ kính 11 trong số những vị tử đạo ấy: 2 giám mục, 1 linh mục triều, 7 anh em dạy tại các trường Công giáo và một nữ giáo dân trẻ tuổi. Các giám mục thuộc giáo phận Almêria và Ganđix, Tây Ban Nha. Bảy anh em của những trường Công giáo là những giảng viên dạy tại đại học thánh Giuse ở Almêria. Cha Phêrô Castrôverđê là một học giả danh tiếng và là người sáng lập hiệp hội Têrêsa. Victoria Điez Môlina là thành viên của hiệp hội này. Ngài đã tìm thấy kho tàng thiêng liêng theo cách thức cầu nguyện của nhóm này và trong đời Kitô hữu của mình. Victoria là nữ giáo viên dạy học tại một trường thôn quê và là một Kitô hữu hoạt động rất tích cực trong xứ đạo.
Tất cả 11 vị tử đạo đã chấp nhận thà hy sinh mạng sống mình vì Chúa Giêsu hơn là chối bỏ đức tin Công giáo. Thầy Aurêliô Maria, giám đốc trường đại học thánh Giuse, nói: “Còn hạnh phúc nào hơn khi chúng ta được đổ máu đào vì lý tưởng cao quý của nền giáo dục Kitô giáo. Chúng ta hãy nhân đôi lòng nhiệt thành của mình để trở nên xứng đáng với vinh dự ấy!”
Giám mục Mêđina thuộc giáo phận Ganđix nói: “Chúng tôi chẳng làm gì để đáng phải chết cả. Nhưng tôi tha thứ cho các anh để Chúa Giêsu cũng sẽ tha thứ cho chúng tôi. Chớ gì máu của chúng tôi bị đổ ra lần này là lần cuối trên mảnh đất Almêria thân yêu này!” Giám mục Ventaja cai quản giáo phận Almêria có nhiều cơ hội để rời khỏi quê hương, nhưng ngài đã chọn ở lại với đàn chiên, với Giáo hội đau khổ của ngài. Cha Castrôverđê, sáng lập hiệp hội Têrêsa, viết trong nhật ký: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con suy nghĩ điều Chúa muốn con nghĩ. Xin cho con ao ước điều Chúa muốn con ước ao. Xin cho con nói năng như Ngài muốn con nói. Xin cho con làm việc như Ngài muốn con làm việc.” Cha đã tử vì đạo hôm 28 tháng Bảy năm 1936.
Victoria Môlina bị giam tù ngày 11 tháng Tám năm 1936. Ngài và 17 người khác bị đưa tới một hầm mỏ hoang và bị bỏ chết đói. Victoria an ủi những đồng bạn của ngài: “Nào, phần thưởng của chúng ta đang chờ đợi chúng ta!” Những lời cuối cùng của Victoria Môlina là: “Vạn vạn tuế Vua Giêsu!”
Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn phong các vị tử đạo này lên bậc chân phước hôm mùng 10 tháng Mười năm 1993.
Chúng ta hãy nài xin 11 vị anh hùng tử đạo hôm nay dạy chúng ta biết sống can đảm. Chúng ta có thể chọn lời cầu nguyện của chân phước Phêrô Castrôverđê làm lời cầu nguyện riêng của mình: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con suy nghĩ điều Chúa muốn con suy nghĩ. Xin cho con ao ước điều Chúa muốn con ước ao. Xin cho con nói năng như Ngài muốn con nói. Xin cho con làm việc như Ngài muốn con làm việc. Amen.”
Ngày 27 tháng 10
Chân phước Contarđô Ferrini
Chân phước Contarđô Ferrini sinh năm 1859 tại thành Milan, nước Ý. Thân phụ ngài là một giáo viên dạy môn toán và vật lý; và ông đã truyền lại cho cậu con trai bé nhỏ của ông niềm say mê học tập. Từ thuở bé, Contarđô đã có thể nói được nhiều ngoại ngữ, không kể tiếng Ý. Contarđô học rất giỏi kể cả khi lên đại học. Niềm đam mê học hành và yêu mến đức tin Công giáo đã khiến các bạn bè của Contarđô đặt cho ngài biệt danh là “thánh Luy Gonzaga.” (Thánh Luy Gonzaga là một vị thánh trẻ thuộc dòng Tên rất nổi tiếng về đời sống nhân hậu và quảng đại.) Chính Contarđô Ferrini là người khởi xướng các câu lạc bộ dành cho các sinh viên đại học nhằm giúp các sinh viên trở nên những Kitô hữu tốt lành.
Khi lên 21 tuổi, Contarđô Ferrini có cơ hội tiếp tục nghiên cứu ngành luật học tại trường đại học Berlin ở Đức. Đối với Contarđô Ferrini, việc rời bỏ quê nhà ở Ý là một chuyện rất khó, nhưng ngài cũng sung sướng vì được gặp gỡ những Kitô hữu đạo hạnh đến học tại nơi đây. Contarđô Ferrini viết lại trong một cuốn sách nhỏ những cảm nhận ban đầu khi lãnh nhận bí tích Hòa giải nơi xứ lạ quê người. Bí tích này giúp cho Contarđô Ferrini hồi hộp nhận ra rằng Giáo hội Công giáo thực sự là duy nhất dù ở bất cứ nơi đâu trên mặt địa cầu.
Contarđô Ferrini quyết định chỉ sống cho một mình Thiên Chúa. Dù lắm lúc bận rộn vì là một giáo sư luật học danh tiếng, Contarđô Ferrini cũng rất tích cực giúp đỡ những người nghèo khó, và ngài cũng hết sức cẩn thận chăm giữ đời sống thiêng liêng của mình. Contarđô Ferrini là thành viên của hội dòng Ba Phanxicô, và ngài cũng tham gia với tu hội của thánh Vinhsơn Phaolô nữa. Đang khi thưởng ngoạn với môn thể thao ưa chuộng là leo núi, Contarđô cũng tưởng nghĩ về Thiên Chúa, về Đấng Sáng Tạo của tất cả vẻ đẹp ngài đang ngắm nhìn. Rồi người ta bắt đầu nhận ra rằng có một điều gì đó khác lạ về giáo sư Ferrini. Lần kia, khi chứng kiến nụ cười thân thiện bình thường của Ferrini thì một người đã kêu lên: “Thật, ông này là một vị thánh!”
Contarđô Ferrini qua đời ngày 17 tháng Mười năm 1902 vì chứng bệnh thương hàn, lúc mới được 43 tuổi. Đến năm 1947, Contarđô Ferrini được đức thánh cha Piô XII tôn phong lên bậc chân phước.
Đời sống của Giáo hội thật quan trọng vì mỗi thành viên chỉ cần làm trọn phần việc của mình là có thể vào được nước trời. Đây không chỉ là công việc của riêng các linh mục và tu sĩ. Chân phước Contarđô Ferrini có thể thôi thúc chúng ta nhận lấy vị trí của mình trong Giáo hội và làm trọn tất cả những gì Thiên Chúa mời gọi chúng ta thực hiện.
Ngày 28 tháng 10
Thánh Simon và thánh Giuđa
Hai vị thánh tông đồ này được mừng kính chung một ngày. Thánh Simon được gọi là “người nhiệt thành” vì thánh nhân rất trung thành với lề luật Dothái. Lần kia, thánh Simon được Chúa Giêsu gọi đi làm tông đồ và ngài đã dâng hiến trái tim cùng mọi năng lực của ngài để rao giảng Tin mừng. Với các tông đồ khác, Simon nhận được Chúa Thánh Linh trong ngày lễ Hiện Xuống đầu tiên. Sau đó, người ta nói là thánh nhân đã đến Ai Cập để rao giảng đức tin. Rồi, Simon tới Ba Tư cùng với tông đồ Giuđa, và cả hai cùng chịu tử đạo tại đây.
Thánh Giuđa thường được gọi là Tađêô, nghĩa là “người can đảm.” Thánh nhân được biết tới vì câu hỏi ngài đặt ra cho Đức Chúa Giêsu trong Bữa Ăn Tối. Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” Và thánh Giuđa muốn biết: “Lạy Chúa, làm sao Chúa lại tỏ mình ra cho chúng con mà lại không tỏ cho thế gian?” Chúa Giêsu trả lời Giuđa: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến với người ấy và ở trong người ấy” (Ga 14,23).
Thánh Giuđa đôi lúc cũng được gọi là “vị thánh của những trường hợp tuyệt vọng hoặc không thể.” Người ta hay cầu khẩn với thánh nhân khi sự việc dường như vô vọng. Thông thường Thiên Chúa nhận lời những ai cầu xin qua lời bầu cử của vị tông đồ yêu quý này.
Hai vị thánh tông đồ Simon và Giuđa có những cá tính độc đáo và khác biệt nhau hoàn toàn, nhưng mỗi vị lại đều được Đức Chúa Giêsu rất mực yêu thương. Chúng ta hãy nài xin thánh Simon và thánh Giuđa chỉ cho chúng ta biết cách chấp nhận chính mình và biết dùng những tặng ân Thiên Chúa ban để giúp loan truyền những sứ điệp của Người.
Ngày 29 tháng 10
Thánh Narcissô
Thánh Narcissô sống vào thế kỷ thứ 2 và nửa đầu thế kỷ thứ 3. Khi được đặt làm giám mục thành Giêrusalem, thánh nhân đã cao tuổi. Narcissô là một giám mục tuyệt vời. Mọi người đều ngưỡng mộ những đức tính quý báu của ngài, chỉ trừ những người chọn lối sống tội lỗi! Có ba kẻ thù của thánh Narcissô đã cáo buộc ngài một tội ác kinh khủng. Người thứ nhất nói: “Tôi sẽ bị ngọn lửa thiêu đốt nếu như Narcissô không phạm tội ấy!” Người thứ hai nói: “Tôi sẽ bị phong hủi nếu Narcissô không phạm tội đó!” Và người thứ ba tiếp lời: “Tôi sẽ bị mù ngay lập tức nếu như Narcissô không phạm tội đó!” Tuy vậy, chẳng có ai tin lời vu khống của họ cả! Dân thành Giêrusalem đã chứng kiến đời sống tốt lành của Narcissô. Họ biết thánh nhân là loại người như thế nào!
Dù không ai tin vào câu chuyện xấu xa đó, nhưng Narcissô cảm thấy đây là lý do tốt nhất để ngài lui vào sống luôn trong sa mạc. Narcissô đặt trọn niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, Đấng mà ngài đã suốt đời yêu mến phụng sự. Sau nhiều năm, Narcissô trở về làm giám mục Giêrusalem trong niềm vui khôn tả của dân thành. Mặc dù trông có vẻ già hơn, nhưng dường như Narcissô lại nhiệt thành hơn bao giờ hết. Thực ra, trong suốt một vài năm, ngài dường như rất khỏe mạnh. Rồi Narcissô trở nên yếu dần, không thể một mình cáng đáng được công việc nữa. Thánh nhân đã xin Alêxanđơ thành Capađôxia, một vị thánh danh tiếng khác, đến trợ giúp ngài. Với lòng yêu mến và nhiệt tâm lớn lao, cả hai đã cùng nhau cai quản giáo phận. Narcissô sống thọ hơn 116 tuổi. Thánh nhân về trời năm 215.
Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi những ai tin cậy vào Người. Chúng ta thì thường hay lo lắng về những điều người ta nói về chúng ta. Đó là lúc chúng ta hãy cầu xin thánh Narcissô dạy chúng ta bí quyết sống bình an của ngài.
Ngày 30 tháng 10
Chân phước Angelô Acri
Vị chân phước này sinh năm 1669 tại miền Acri, nước Ý. Lúc còn nhỏ, Angelô đã quyết tâm tận hiến cuộc đời của mình cho Thiên Chúa trong bậc sống tu trì. Nhưng thoạt đầu Angelô Acri đã gặp một số trở ngại. Angelô cố gắng xin gia nhập dòng Capuxinô nhưng bị từ chối. Chắc rằng mình có ơn kêu gọi, Angelô lại tới xin lần thứ hai và lại bị khước từ. Angelô Acri không phải là một người dễ dàng bỏ cuộc. Ngài đặt niềm tin nơi Thiên Chúa và lại đến dòng Capuxinô để xin nhập tu. Cuối cùng, Angelô Acri được nhận và trở thành tu sĩ Capuxinô lúc 21 tuổi.
Dường như đây chính là khuôn mẫu cho cuộc đời của Angelô Acri. Sau khi được thụ phong linh mục, Angelô Acri bắt đầu rao giảng nhưng kết quả chỉ được chút ít hoặc chẳng thành công gì. Hình như Angelô Acri không có ơn gọi thuyết giảng! Thế nhưng một lần nữa, ngài lại đặt tin tưởng vào Chúa chứ không vào mình. Angelô Acri cứ cố gắng. Sau khoảng 10 năm, Angelô Acri được gởi đến Napôli giảng thuyết trong suốt mùa Chay năm 1711. Và lần đầu tiên, bài giảng của Angelô Acri mang lại thành quả tốt đẹp! Nhiều người đã tới nghe Angelô Acri và bị xúc động mạnh bởi lời giảng của ngài.
Phần còn lại của cuộc đời, Angelô Acri tận hiến mình phục vụ cho việc rao giảng tại Calabria và Napôli. Từng đám đông người tới nghe Angelô và hàng ngàn người đã bị thôi thúc phải thay đổi lối sống vì lời giảng giải của ngài. Thiên Chúa không những đã ban cho Angelô Acri ơn thuyết giảng tốt mà còn ban cho ngài nhiều ơn siêu nhiên, kể cả ơn chữa bệnh và nói tiên tri. Vì điều này, nhiều người từ rất xa đã đến nghe Angelô thuyết giảng và xưng thú tội lỗi với ngài. Cha Angelô Acri có thể đọc được tâm hồn của họ và trao cho họ những lời khuyên thật bổ ích.
Chân phước Angelô Acri qua đời tại nhà dòng Capuxinô ở Acri, thọ 70 tuổi. Ngài được tôn phong lên bậc chân phước năm 1825.
Đôi lúc chúng ta chịu chấp nhận bỏ cuộc chỉ sau có mỗi một lần cố gắng! Chân phước Angelô Acri có thể giúp chúng ta tránh được sự nản lòng thất vọng. Nếu cầu nguyện với ngài, chúng ta có thể nhận được ơn biết tin tưởng hơn vào Thiên Chúa và bớt tin tưởng vào chính mình. Việc kết hợp giữa lòng tin và khiêm tốn sẽ giúp chúng ta đạt được thành công.
Ngày 31 tháng 10
Thánh Alphongsô Rôđriguê
Vị thánh người Tây Ban Nha này sinh năm 1532. Lên 15 tuổi, Alphongsô Rôđriguê được gia đình gởi tới học tại Alcala. Khi thân phụ qua đời, Alphongsô phải nghỉ học để giúp thân mẫu trông coi tiệm len của gia đình. Ba năm sau, Alphongsô lập gia đình. Ngài và cô vợ Maria sinh được hai người con, một trai và một gái. Thế nhưng, giờ phút đau khổ bất chợt xảy tới cho Alphongsô. Công việc kinh doanh của ngài thất bại; thân mẫu và người vợ trở nên ốm nặng; và chỉ trong một thời gian ngắn, vợ con cùng cả thân mẫu của Alphongsô lần lượt qua đời. Alphongsô Rôđriguê bắt đầu nghĩ về điều Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho mình. Ngài luôn là một Kitô hữu ngoan đạo. Nhưng từ lúc đó trở đi, Alphongsô Rôđriguê cầu nguyện, hãm mình và siêng năng lãnh nhận các bí tích hơn trước.
Alphongsô xin gia nhập dòng Tên. Tuy nhiên, bề trên nói rằng ngài phải học trước đã. Vì vậy, Alphongsô đã đi học lại. Tại trường, các trẻ nhỏ đã chọc ghẹo ngài. Rồi Alphongsô phải đi xin thức ăn, vì ngài đã bố thí cho người nghèo hết thảy tiền bạc. Sau cùng, Alphongsô cũng được nhận vào dòng như một thầy trợ sĩ và được trao cho công tác giữ cửa tại một trường đại học của dòng Tên tại Majorca.
“Thầy đó không phải là một người bình thường – mà là một thiên thần!” bề trên của Alphongsô Rôđriguê đã nói về ngài nhiều năm sau đó. Các linh mục quen biết Alphongsô suốt bốn mươi năm cũng chưa bao giờ nghe ngài nói hay làm điều gì sai trái. Lòng tốt và sự tuân phục của Alphongsô ai ai cũng đều biết. Một lần kia, hết mọi chiếc ghế trong nhà, ngay cả những chiếc trong phòng ngủ, đều được dùng vào việc Chầu Thánh Thể Bốn Mươi Giờ. Rồi, do sự nhầm lẫn cách nào đó, chiếc ghế của thầy Alphongsô không được trả lại cho mãi tới năm sau. Tuy vậy, thánh Alphongsô Rôđriguê đã chẳng bao giờ đề cập chuyện này cho bất cứ ai. Alphongsô Rôđriguê sung sướng chịu thiếu thốn cả đến chiếc ghế cần dùng!
Nhiều người đã đến với Alphongsô Rôđriguê để xin lời khuyên bảo. Thánh nhân đã truyền cảm hứng cho một tu sĩ dòng Tên trẻ tuổi là Phêrô Clave để tu sĩ này sẵn sàng hy sinh sang tận bên Châu Mỹ La Tinh truyền giáo. (Chúng ta đã mừng lễ kính thánh Phêrô Clave hôm mùng 9 tháng Chín.)
Trong suốt cuộc sống lâu dài tại thế, thánh Alphongsô Rôđriguê đã phải khắc phục những cám dỗ nặng nề. Ngoài ra, thánh nhân cũng phải chịu cả những đau khổ thể lý. Khi hấp hối, Alphongsô Rôđriguê đã trải qua nửa giờ đau đớn kinh khủng. Sau đó, ngay trước lúc nhắm mắt, thánh nhân mới được tràn ngập niềm vui và an bình. Alphongsô Rôđriguê hôn kính Thánh Giá và đưa mắt nhìn các anh em đồng tu cách âu yếm. Và thánh nhân về trời năm 1617 đang lúc miệng còn kêu Danh Thánh Giêsu.
Thánh Alphongsô Rôđriguê dạy chúng ta nhiều bài học qua đời sống của ngài. Một bài học rất quan trọng là cách thức Alphongsô Rôđriguê chấp nhận hết mọi biến cố trong cuộc sống từ bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Thánh nhân không bao giờ đánh mất niềm hy vọng vào Người. Chúng ta hãy nài xin thánh Alphongsô Rôđriguê dạy chúng ta biết cách sống tín thác như ngài.
Tháng 11
Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ
Ngày 01: Lễ các thánh
Ngày 02: Lễ các đẳng linh hồn
Ngày 03: Thánh Martinô Porres
Ngày 04: Thánh Carôlô Bôrômêô
Ngày 05: Thánh Bêtilla
Ngày 06: Thánh Thêôphan Vênard
Ngày 07: Chân phước Giuse Antôniô Tôvini
Ngày 08: Thánh Philipphê Howard
Ngày 09: Lễ cung hiến đền thờ thánh Gioan Lateranô
Ngày 10: Thánh Lêô cả
Ngày 11: Thánh Martinô thành Tua
Ngày 12: Thánh Giôsaphát
Ngày 13: Thánh Phanxica Xaviê Cabrini
Ngày 14: Thánh Laurensô Ôtô
Ngày 15: Thánh Albêtô cả
Ngày 16: Thánh Magarita Scốtlen
Ngày 17: Thánh Êlizabeth Hungary
Ngày 18: Thánh Rôsa Philippine Đuchesne
Ngày 19: Chân phước Victoria Rasôamanarivô
Ngày 20: Thánh Edmund
Ngày 21: Thánh Lễ Đức Mẹ dâng mình
Ngày 22: Thánh Xêxilia
Ngày 23: Chân phước Miguel Augustinô Prô
Ngày 24: Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo
Ngày 25: Thánh Catarina Alêxanđria
Ngày 26: Chân phước Giacôbê Alberiôn
Ngày 27: Thánh Gioan Bécmăng
Ngày 28: Thánh Catarina Labôrê
Ngày 29: Thánh Phanxicô Antôn Fasani
Ngày 30: Thánh Anrê
Ngày 1 tháng 11
Lễ các thánh
Hôm nay, chúng ta kính nhớ tất cả những người nam, người nữ và các trẻ nhỏ, những người đã theo sát Chúa Kitô cách trung thành và anh dũng trong suốt cuộc sống mình và đang được hưởng kiến Người trên thiên đàng.
Một số vị thánh có ngày kính riêng. Giáo hội biểu dương gương chứng nhân của các ngài về đời sống anh dũng, vui tươi vì Chúa Giêsu. Nhưng không đủ các ngày trong năm để kính nhớ vô số các thánh đã sống làm chứng tá cho Chúa trong cuộc đời tạm này.
Có những vị thánh đã sống thân mật với Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời mình. Những vị khác chỉ gặp thấy Người trên hành trình sống. Một số vị đã sống cuộc đời rất tốt lành mà chẳng phải khó khăn gì. Số khác đã phạm những lỗi lầm nghiêm trọng, nhưng đã gặp thấy Chúa Giêsu trên bước đường ăn năn và sám hối chân thành.
Các thánh đã sống như thế! Và chúng ta xin các ngài cầu bầu cùng Chúa cho tất cả chúng ta để chúng ta cũng sống cuộc đời thánh thiện và đạt tới nước trời là quê hương vĩnh cửu. Chúng ta biểu dương hành trình sống đã đưa các ngài tới hạnh phúc viên mãn bên Thiên Chúa. Chúng ta cũng mừng kính những thành viên trong chính gia đình của mình, những người thân quen, hàng xóm và bạn bè, những người mà chúng ta tin rằng giờ đây đang hưởng kiến tôn nhan Thiên Chúa trên nước trời.
Hôm nay chúng ta hãy hoan hỷ cùng với chư thánh trên thiên quốc. Chúng ta hãy thưa truyện với các ngài, cảm ơn các ngài về tấm gương chứng nhân các ngài đã sống. Chúng ta cũng hãy cảm ơn các ngài vì đã giúp đỡ chúng ta vượt qua bao khó khăn và cám dỗ. Hãy nài xin các ngài phù trợ chúng ta trên mỗi hành trình sống của mình.
Ngày 2 tháng 11
Lễ các đẳng linh hồn
Ngày lễ hôm nay là một trong những ngày lễ đáng yêu nhất của lịch phụng vụ Giáo hội. Đó là ngày chúng ta đặc biệt tưởng nhớ đến hết mọi tín hữu đã qua đời – những người đã chuyển từ đời tạm này sang đời sống mai hậu.
Chúng ta không biết được chính xác mỗi linh hồn phải trải qua thời gian thanh luyện bao lâu. Tuy nhiên, chúng ta biết chắc một điều: luyện ngục là nơi có thật! Hôm nay chúng ta dừng lại ít phút để tưởng nhớ đến tất cả những tín hữu đã qua đời. Chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho các bậc tổ tiên của chúng ta, những người thân quen và các bạn hữu đã qua đời. Chúng ta cầu cho những người đã có công dạy dỗ chúng ta những điều tốt đẹp. Chúng ta cầu cho những người đã hy sinh cho chúng ta khi họ còn sống. Chúng ta cầu cho những linh hồn mồ côi, cho những người lúc ở đời tạm này đã giữ những chức vụ quan trọng.
Chúng ta tưởng nhớ đến những linh hồn thánh thiện trong luyện ngục và chúng ta nhận biết rằng các vị sẽ được cứu thoát. Giờ đây các vị đang chờ đợi, đang chịu thanh tẩy cho tới khi được ở bên Thiên Chúa, diện đối diện.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những linh hồn trong luyện ngục và hãy rút ngắn hành trình đến với Thiên Chúa của các ngài. Lạy Chúa Giêsu, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và xin ban ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Xin cho họ được an nghỉ trong bình an. Amen.
Ngày 3 tháng 11
Thánh Martinô Porres
Thánh Martinô Porres sinh tại thành Lima, nước Pêru, vào năm 1579. Thân phụ ngài là một hiệp sĩ người Tây Ban Nha. Thân mẫu ngài, gốc người Panama, là một nô lệ được phóng thích. Thoạt tiên, thân phụ Martinô đã bỏ mặc ngài, thân mẫu cùng người em gái mà chẳng cung cấp gì. Do vậy, họ đã phải sống cuộc đời rất nghèo khổ.
Rồi Martinô lớn lên, trở thành người rất đạo hạnh và tốt lành. Khi 12 tuổi, thánh nhân được gởi tới học nghề kinh doanh với một thợ hớt tóc. Martinô cũng học biết cách chữa nhiều thứ bệnh. Sau cùng, thân phụ Martinô cũng quyết định chu cấp cho con trai mình ăn học. Tuy nhiên, Martinô lại muốn dâng mình phụng sự Thiên Chúa trong hội dòng Đa Minh. Thầy Martinô Porres chẳng bao lâu đã chứng tỏ là một tu sĩ tuyệt vời. Không ai tốt lành hơn và không ai thánh thiện hơn hay vâng phục hơn thầy Martinô!
Thánh Martinô Porres phục vụ các anh em đồng tu với nghề hớt tóc và y tế. Thánh nhân cũng lãnh trách nhiệm phân phát thức ăn cho những người nghèo khổ đến xin của bố thí trước cổng nhà dòng Đa Minh. Martinô thiết lập một trại mồ côi và một bệnh viện, và thánh nhân đã săn sóc những người đau yếu trong thành phố Lima. Chẳng mấy chốc, Martinô Porres trở nên nổi tiếng về lòng quảng đại đối với những người nghèo khổ và đau bệnh. Người ta ngưỡng mộ ngài vì đời sống thánh thiện. Mọi người trong thành Lima đều tìm đến với thầy Martinô mỗi khi đau yếu. Martinô Porres yêu mến tất cả mọi người như những anh chị em trong Chúa Kitô. Người ta đã tặng những số tiền lớn cho vị tu sĩ đáng yêu và tốt lành này để ngài làm những công việc từ thiện. Họ nhận thấy Martinô Porres tổ chức những công việc bác ái thật tốt đẹp.
Thậm chí cả đến những con vật cũng được vị thánh có tấm lòng vàng này quan tâm săn sóc. Martinô Porres có lần xin lỗi một đàn chuột tới kiếm thức ăn: “Thật tội nghiệp! Những chú chuột bé bỏng nghèo hèn này không đủ ăn!” Trong căn nhà của cô em gái mình, thánh Martinô Porres đã giữ một “chỗ dành cho những chú chó và những chú mèo lang thang.”
Dù được nổi danh ở Lima, thánh Martinô Porres vẫn luôn luôn sống rất khiêm tốn. Thực sự, thánh nhân tự gọi mình bằng danh xưng “thầy chổi cùn.” Martinô Porres về trời ngày mùng 3 tháng Mười Một năm 1639. Khi Martinô Porres mất, các giám mục và các quý tộc trong thành Lima đã tới đưa xác vị thánh đáng yêu về nơi an nghỉ cuối cùng. Họ muốn tôn vinh vị tu sĩ khiêm tốn và thánh thiện này. Năm 1962, chân phước giáo hoàng Gioan XXIII đã tôn phong Martinô Porres lên bậc hiển thánh.
Cha trên trời của chúng ta không phân biệt hay ưu tiên những người da trắng hoặc da mầu, mà Người nhìn thấu tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy nài xin thánh Martinô Porres ban cho chúng ta lòng yêu mến tha nhân của ngài. Thánh nhân sẽ giúp chúng ta nhận thấy hết thảy mọi người thuộc mọi sắc tộc, mọi quốc gia và mọi tôn giáo đều là con cái Thiên Chúa.
Ngày 4 tháng 11
Thánh Carôlô Bôrômêô
Thánh Carôlô Bôrômêô sống vào thế kỷ thứ 16. Carôlô là con trai của một bá tước người Ý và là cháu trai của đức giáo hoàng Piô IV. Như các thanh niên quý tộc hồi ấy, Carôlô Bôrômêô tới học tại đại học Pavia. Tuy vậy, khác với nhiều người trong họ, Carôlô chẳng ham ăn chơi gì. Bề ngoài, dường như Carôlô Bôrômêô là một sinh viên chậm chạp vì ngài không phải là diễn giả khéo léo, nhưng Carôlô đã có nhiều tiến bộ.
Carôlô Bôrômêô chỉ mới 23 tuổi thì người cậu, là đức thánh cha Piô IV, đã trao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng. Carôlô cố gắng xoay sở và hoàn thành mọi việc cậu trao cách tốt đẹp. Carôlô Bôrômêô luôn sợ rằng mình sẽ lạc xa Thiên Chúa vì quanh ngài có rất nhiều cám dỗ. Vì lý do này, Carôlô Bôrômêô đã cẩn thận tập trung mọi chú ý để cầu nguyện và làm các việc bổn phận cũng như luôn cố gắng sống khiêm tốn và kiên nhẫn.
Khi thụ phong linh mục và sau đó, làm hồng y tổng giám mục giáo phận Milan, thánh Carôlô Bôrômêô đã trở thành gương mẫu cho bổn đạo của ngài noi theo. Thánh nhân bố thí những số tiền rất lớn cho những người nghèo khổ. Carôlô ăn mặc hết sức đơn sơ nhưng xứng bậc hồng y. Thánh nhân cử hành cách rất cẩn thận và trang nghiêm các nghi lễ của Giáo hội. Tại Milan, dân chúng quen thực hành nhiều thói lệ xấu xa và mê tín. Thế nhưng, bằng những luật lệ khôn ngoan, bằng tấm lòng hiền hậu quảng đại và nhất là bằng chính gương sáng tuyệt vời, thánh Carôlô Bôrômêô đã làm cho giáo phận của ngài trở thành khuôn mẫu cho cả Giáo hội noi theo. Carôlô không phải là diễn giả danh tiếng – chỉ vừa đủ để cho người ta có thể lắng nghe – nhưng ngôn từ ngài dùng thì rất gây hiệu quả!
Khi cơn bệnh hiểm nghèo cướp đi nhiều sinh mạng của người dân trong thành Milan, đức hồng y Bôrômêô chỉ nghĩ tới cách chữa trị cho bổn đạo của ngài. Thánh nhân đã cầu nguyện và sám hối. Carôlô Bôrômêô tổ chức những nhóm người phục vụ và ngài đã vay nợ để mua lương thực cho những người đói khổ. Thậm chí thánh Carôlô Bôrômêô còn cho dựng những bàn thờ ngay tại các ngả đường để những người đau bệnh có thể tham dự thánh lễ ngay bên cánh cửa sổ nhà họ.
Vị thánh vĩ đại này không bao giờ quá bận rộn đến nỗi không thể giúp đỡ những người bé mọn. Lần kia, thánh Carôlô Bôrômêô đã ở lại với một em bé chăn cừu cho tới khi dạy em đọc thuộc lòng kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng. Lúc hấp hối ở độ tuổi 46, thánh Carôlô Bôrômêô than thở cách an bình: “Lạy Chúa, này con xin đến!” Carôlô Bôrômêô qua đời ngày mùng 3 tháng Mười Một năm 1584, và được đức thánh cha Phaolô V tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1610.
Nếu bị cám dỗ chỉ mải lo kiếm tìm thoải mái và vui sướng trong cuộc đời, chúng ta hãy dâng lên thánh Carôlô Bôrômêô một lời nguyện. Chúng ta hãy nài xin thánh nhân ban cho chúng ta một tâm hồn quảng đại vị tha khi làm các công việc bổn phận và giúp đỡ những anh chị em thiếu thốn. Đời sống chúng ta sẽ có mục đích và ý nghĩa hơn nếu mỗi ngày chúng ta quyết tâm làm một điều gì đó thật hữu ích để góp phần cải thiện thế giới.
Ngày 5 tháng 11
Thánh Bêtilla
Thánh nữ Bêtilla sống vào thế kỷ thứ 7. Cuốn tiểu sử đầu tiên ghi chép về cuộc đời của thánh nữ bằng tiếng Latinh xuất hiện vào năm 800. Thánh nữ Bêtilla sinh tại Soissons, nước Pháp. Ngay ở tuổi hoa niên, Bêtilla đã cảm thấy có ơn gọi sống thân mật với Thiên Chúa. Bêtilla bắt đầu nhận thấy đời sống cầu nguyện và hy sinh mà ngài đang mong muốn có thể được tìm thấy trong chốn viện tu. Bêtilla đến gặp đức giám mục của ngài là thánh Ouwen và xin lời khuyên. Thánh giám mục khuyến khích Bêtilla hãy nên theo tiếng gọi của ngài. Sau đó, song thân Bêtilla gởi ngài tới một nữ đan viện sống theo quy luật của vị tu sĩ gốc người Ai Len là thánh Côlumba. Khi tới đan viện, Bêtilla biết mình đã thực sự tìm được bình an. Nhiều năm trôi qua! Bêtilla dùng thời giờ cầu nguyện và làm nhiều công việc khác nhau. Thánh nữ đặc biệt có lòng hiếu khách đối với những du khách và những bệnh nhân đến thăm tu viện. Thánh Bêtilla cũng chăm sóc những trẻ nhỏ sắp được giáo dục tại tu viện.
Thánh nữ Batilđi, hoàng hậu của vua Clôvis II, thiết lập một tu viện mới. Ngài đã xin Mẹ bề trên của tu viện Soissons gởi một số nữ tu đến tu viện mới này. Bêtilla là một trong số các nữ tu được chọn và thánh nữ được chỉ định làm bề trên nhà ấy. Bêtilla rất đỗi ngạc nhiên nhưng thánh nữ đã quyết định làm những điều tốt nhất theo sức có thể. Bêtilla biết rằng Chúa Giêsu sẽ giúp ngài giải quyết mọi vấn đề. Tu viện dần dần phát triển. Chính hoàng hậu Batilđi cũng trở thành nữ tu sau khi vua Clôvis II băng hà. Sau đó, một bà hoàng khác là Hêreswitha, quả phụ của một ông chúa vùng East Angles, cũng xin vào tu. Mẹ Bêtilla hẳn là đã rất ngạc nhiên khi có tới hai bà hoàng tìm đến sống trong tu viện của mình. Nhưng mọi người đã sống rất bình an vì các bà hoàng cũng sống khiêm tốn y như Mẹ bề trên vậy!
Thánh nữ Bêtilla sống rất thọ và đã cai trị tu viện Chelles suốt 46 năm. Thánh nữ về trời khoảng năm 705.
Chúa Giêsu có một chương trình dành riêng cho mỗi người chúng ta. Người ban cho chúng ta một ít công việc hoặc hướng đi trong cuộc sống. Như thánh nữ Bêtilla, chúng ta hãy cho Đức Chúa Giêsu cơ hội để Người trò chuyện với chúng ta. Phần chúng ta hãy lắng nghe tiếng Người. Chúng ta có thể nài xin thánh nữ Bêtilla giúp chúng ta nhận ra và dõi theo ý muốn của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta.
Ngày 6 tháng 11
Thánh Thêôphan Vênard
Ngay lúc còn trẻ, vị linh mục thánh thiện người Pháp này đã mơ ước được làm chứng cho Tin mừng của Đức Kitô. Ngài đi học làm linh mục. Sau đó, Thêôphan Vênard vào trường đại học chuyên đào tạo các nhà truyền giáo tại Paris, nước Pháp. Gia đình của Thêôphan, mà ngài hết sức yêu mến, đã rất đỗi buồn phiền vì nghĩ rằng sau khi trở thành linh mục, Thêôphan sẽ rời bỏ họ. Phần Thêôphan Vênard, ngài cũng nhận thấy cuộc hải hành rất dài tới vùng Viễn Đông có lẽ sẽ vĩnh viễn tách biệt ngài khỏi gia đình.
“Em yêu quý,” Thêôphan Vênard viết trong một lá thư gởi cho cô em gái, “anh đã khóc rất nhiều khi đọc thư em viết. Phải, anh biết rất rõ nỗi buồn anh mang tới cho gia đình. Anh nghĩ em sẽ rất đau khổ, có phải không em gái nhỏ của anh? Nhưng em không nghĩ rằng anh cũng phải trả giá bằng những dòng lệ đẫm máu hay sao? Khi quyết định như thế, anh biết anh đã đem đến cho gia đình mình niềm đau buuồn lớn lao. Còn ai yêu mến gia đình của mình hơn anh nữa? Gia đình chính là tất cả niềm hạnh phúc của anh trên thế gian này. Nhưng Thiên Chúa, Đấng liên kết tất cả chúng ta trong mối tình đáng yêu nhất, đã muốn kéo anh ra khỏi đó!”
Sau khi thụ phong linh mục, Thêôphan Vênard lên đường tới Hồng Kông. Ngài trẩy tàu vào tháng Chín năm 1852. Thêôphan học các thứ ngôn ngữ khoảng hơn một năm. Rồi thánh nhân tới Bắc kỳ, ngày nay là Việt Nam. Có hai thứ trở ngại đáng kể trong cuộc truyền giáo nhiệt thành này: sức khỏe yếu kém và bách hại khủng khiếp. Tuy vậy, thánh Thêôphan Vênard vẫn anh dũng vượt khó. Thánh nhân thường viết thư kể lại cho cô em dễ thương của ngài ở Pháp biết tất cả những mạo hiểm và các cuộc trốn thoát nho nhỏ khỏi tay những kẻ bách hại. Cuối cùng, sau khi phục vụ nhiều Kitô hữu ở Bắc kỳ, Thêôphan bị bắt và bị xiềng trong một chiếc cũi nhỏ suốt khoảng hai tháng.
Bản tính hiền lành của Thêôphan Vênard rốt cuộc đã chinh phục được cả những anh lính cai ngục. Thánh nhân cố gắng viết về nhà một lá thư, trong đó ngài kể: “Tất cả mọi người sống quanh con đều lịch sự và đáng trọng. Nhiều người đã yêu mến con. Từ vị quan chức có thế lực nhất cho đến anh lính bình thường nhất, mọi người đều lấy làm tiếc vì luật lệ của quốc gia phải lên án tử cho một ai đó. Con không bị tra tấn như các anh em đồng tu với con.” Thế nhưng sự cảm thông của họ vẫn không cứu nổi mạng sống của Thêôphan Vênard. Sau khi bị trảm quyết, rất nhiều người đã chạy lại và lấy khăn tay của mình thấm lấy máu của cha Thêôphan. Thêôphan Vênard chịu tử đạo ngày mùng 2 tháng Hai năm 1861. Cha Vênard được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc hiển thánh ngày 19 tháng Sáu năm 1988. Ngài là một trong số các thánh tử đạo Việt Nam được mừng kính ngày 24 tháng Mười Một hàng năm.
Thánh Thêôphan Vênard không sống được lâu tại Trung Quốc và Bắc kỳ. Tặng ân cao cả mà thánh nhân ban cho người dân các nước này khi anh dũng tử đạo là tấm gương chứng nhân về giáo huấn của Đức Chúa Giêsu. Thánh Thêôphan Vênard dạy chúng ta rằng gương sáng chính là một ảnh hưởng rất tuyệt vời trên người khác. Chúng ta hãy nài xin thánh Thêôphan Vênard ban cho chúng ta lòng can đảm để làm chứng cho Đức Chúa Giêsu qua lối sống của mình.
Ngày 7 tháng 11
Chân phước Giuse Antôniô Tôvini
Chân phước Giuse Antôniô Tôvini sinh ngày 14 tháng Ba năm 1841 tại nước Ý. Song thân ngài là những Kitô hữu đạo hạnh và đáng quý, họ đoan chắc rằng con cái của họ được hấp thụ một nền giáo dục và được lớn lên trong môi trường Kitô giáo tốt lành. Thân phụ của Giuse qua đời khi ngài lên 18; vì vậy, Giuse phải giúp đỡ thân mẫu chăm lo tài chính để nuôi các em trai và em gái của ngài. Trong khi ấy, Giuse vẫn tiếp tục việc học. Ngài nhận được văn bằng cử nhân luật vào chính lúc thân mẫu qua đời.
Sau đó ít lâu, Giuse Antôniô Tôvini bắt đầu hành nghề luật sư. Ngài đảm nhận chức vụ hiệu phó và giảng viên tại trường kỹ thuật. Giuse Antôniô Tôvini nổi tiếng là người đem đến những điều tốt nhất cho sinh viên của mình, đồng thời giúp họ nhận biết và sử dụng những tài năng đặc biệt của bản thân họ.
Vào năm 1876, Giuse Antôniô Tôvini gặp một phụ nữ trẻ tên là Êmilia Corbôlani. Chẳng mấy chốc họ yêu nhau và sau một thời gian họ lấy nhau. Cùng lúc ấy, Giuse trở thành thị trưởng của thành phố quê nhà; và Giuse đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp chính trị và giúp cải thiện điều kiện sinh sống của những người dân mà Giuse có trách nhiệm phục vụ. Là thành viên của hội dòng Ba Phanxicô, Giuse Antôniô Tôvini đặc biệt cảm thấy có bổn phận phải giúp đỡ những người nghèo khổ và túng thiếu. Giuse đã xây dựng những đường rầy xe lửa để nối kết nông thôn với thị thành; và để cải tiến đời sống tài chính của người dân, Giuse Antôniô Tôvini đã cho thiết lập những ngân hàng và liên hiệp các tài khoản. Giuse cũng thiết lập các trường học và ủng hộ việc xuất bản các loại tạp chí.
Giuse Antôniô Tôvini và Êmilia Corbôlani bắt đầu cuộc sống gia đình và hai người đã sinh được tất cả mười người con. Họ là những bậc cha mẹ tốt lành, nêu gương sáng về đời sống đức tin, kính trọng và thương yêu lẫn nhau. Ba trong số những người con của họ sau cùng đã tận hiến đời mình cho Thiên Chúa trong bậc sống tu trì.
Giuse Antôniô Tôvini đã hoạt động không mỏi mệt cho công bằng xã hội và thiện ích của những người nghèo khổ. Nhưng Giuse Antôniô Tôvini chỉ nhận được sức mạnh để thực hiện công việc này qua cầu nguyện. Giuse đọc Kinh Thánh hàng ngày và rút lấy cảm hứng cho đời sống mình từ lời Chúa. Giuse Antôniô Tôvini tham dự thánh lễ mỗi ngày và đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể với lòng yêu mến và tôn kính. Ngài đặc biệt tôn sùng Thánh Thể và thực hành việc tôn sùng bí tích này cách liên tục trong thánh đường giáo xứ nơi Giuse được an táng sau đó.
Vào ngày 16 tháng Giêng năm 1897, mỏi mệt vì hoạt động không ngơi nghỉ, Giuse Antôniô Tôvini đã qua đời lúc được 56 tuổi. Đến ngày 20 tháng Chín năm 1998, Giuse Antôniô Tôvini được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc chân phước.
Chân phước Giuse Antôniô Tôvini có biệt tài thấy được những nhu cầu của những người sống xung quanh ngài và ngài đã nghĩ ra được những giải pháp thực tiễn để giúp đỡ họ. Chúng ta hãy cầu nguyện với chân phước Giuse Antôniô Tôvini và xin ngài chỉ cho chúng ta một điều nhỏ bé có thể thực hiện ngay hôm nay để giúp cho cuộc sống của một ai đó được thăng tiến hơn.
Ngày 8 tháng 11
Thánh Philipphê Howard
Thánh Philipphê Howard là con trai của ông Tôma, một công tước miền Norfolk. Thánh nhân sinh ngày 28 tháng Sáu năm 1557, lúc nữ hoàng Mary đang nắm quyền trị nước; và lúc ấy, Anh quốc một lần nữa lại trở thành Công giáo. Philipphê Howard được rửa tội trong Giáo hội Công giáo. Nhưng một năm sau, nữ hoàng Êlizabeth I lên ngôi. Bà đã tái thiết Giáo hội Anh giáo, ngăn cấm người ta không được quyền hành đạo Công giáo. Thân phụ của Philipphê là ông Tôma và cả gia đình đều cải sang Anh giáo.
Ông Tôma tái hôn với một quả phụ tên Êlizabeth. Người ta đã sắp xếp cho ba người con trai của ông Tôma cưới ba cô con gái của bà Êlizabeth. Vì thế, Philipphê, lúc ấy 14 tuổi, đã kết hôn với cô Anna. Philipphê chỉ thích quan tâm đến đời sống chính trị xã hội, ít nghĩ tới Thiên Chúa và Anna. Ngài trở thành bá tước miền Arunđel năm 1580 và được chào đón tại hoàng gia với tư cách là một sủng thần của nữ hoàng Êlizabeth I.
Vào một ngày trong năm 1581, Philipphê Howard có mặt tại hoàng gia và chứng kiến một cuộc tranh luận giữa các nhà thần học thuộc Anh giáo và một linh mục dòng Tên là cha Edmund Campiôn. (Bạn hãy đọc tiểu sử cha thánh Edmund Campiôn, sẽ được mừng kính ngày 1 tháng Mười Hai.) Những lời của vị linh mục này, người đã chịu tử đạo sau khi tranh luận với họ, là nguồn mạch cho đức tin của Philipphê Howard. Dần dần, Philipphê Howard suy nghĩ nhiều hơn về ý nghĩa và giá trị khi được làm một Kitô hữu; và Philipphê cũng bớt để ý tới công việc của ngài. Philipphê cảm thấy mình đang ngụp lặn trong niềm tin Công giáo, và, cùng lúc ấy, Philipphê nhận ra mình đã làm cho người vợ phải đau khổ vì đã bỏ mặc cô ấy suốt nhiều năm trời. Sau đó, Anna gia nhập đạo Công giáo; và năm 1584, Philipphê cũng vậy. Philipphê sống rất trung thành với Thiên Chúa, với Giáo hội và với người vợ yêu quý của ngài.
Cùng lúc ấy, Philipphê Howard bắt đầu nhận thấy rằng mình không còn là sủng thần của nữ hoàng Êlizabeth I nữa. Ngài biết cuộc trở lại với Giáo hội Công giáo sẽ là một nguy hiểm cho bản thân ngài. Philipphê Howard viết một lá thư cho nữ hoàng, giải thích những lý do về sự chọn lựa, và sau đó ngài rời bỏ Anh quốc. Nhưng Philipphê Howard đã bị bắt đang khi vượt biển và người ta đã đem ngài tới tháp đài Luânđôn. Vì là bá tước, Philipphê Howard tránh được án tử hình nhưng phải bị án tù chung thân.
Nhà giam của Philipphê lại trở nên nhà nguyện đối với ngài. Philipphê dành nhiều giờ mỗi ngày để cầu nguyện và suy gẫm lời Chúa. Thánh nhân đã trải qua suốt mười năm sống như vậy. Philipphê nài xin cho được gặp mặt người vợ và con trai, sinh ra trong lúc ngài ngồi tù, nhưng đã bị từ chối. Ngài chỉ được phép gặp mặt người thân khi và chỉ khi từ bỏ đức tin Công giáo. Thế nhưng, đức tin của Philipphê Howard và của Anna có thể hy sinh một vài năm vắn vỏi hạnh phúc bên nhau để đổi lấy hạnh phúc đời đời trên thiên đàng.
Philipphê Howard mất trong tù ngày 19 tháng Mười năm 1595, lúc được 38 tuổi. Năm 1970, đức thánh cha Phaolô VI đã tôn phong Philipphê Howard lên bậc hiển thánh. Ngài là một trong số bốn mươi vị thánh tử đạo tại xứ Wales và Anh quốc.
Sau khi qua đời, người ta đã tìm thấy những lời này được Philipphê Howard ghi khắc trên bức tường xà lim của ngài: “Càng chịu đau khổ với Chúa Kitô trên thế gian này, chúng ta càng được hưởng vinh quang với Người trong đời sống mai hậu.” Việc tưởng nghĩ về thiên đàng có thể giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hay không?
Ngày 9 tháng 11
Lễ cung hiến đền thờ thánh Gioan Lateranô
Ngôi đền thờ thánh Gioan Lateranô ở Rôma là ngôi nhà thờ riêng của đức thánh cha. Nó được xem là nhà thờ mẹ của hết mọi nhà thờ trên toàn thế giới. Nhà thờ này được trang hoàng bởi các thánh tích của cuộc thương khó Đức Chúa Giêsu và của nhiều vị thánh tử đạo.
Ban đầu, ngôi đền này là cung điện của một nghị sĩ Rôma rất giàu có là Plautiô Lateranô. Khi ông qua đời, hoàng đế Constantinô đã thừa hưởng ngôi nhà. Constantinô cho xây một nguyện đường bên trong bốn bức tường của cung điện; và ông đã dâng hiến ngôi nguyện đường cho thánh Gioan thánh ký.
Các đức thánh cha đã lưu ngụ tại ngôi đền Lateranô này cho tới đời đức thánh cha Grêgôriô XI. Khi vị giáo hoàng này từ thành phố Avi-nhông trở về, ngài đã di dời nơi ở vào trong đền thánh Phêrô, hay còn gọi là tòa thánh Vatican; và các vị giáo hoàng đã lưu ngụ tại đây kể từ thời gian ấy.
Ngày lễ hôm nay nhắc nhớ chúng ta về giá trị của các ngôi thánh đường được cung hiến để phục vụ và tôn thờ Thiên Chúa.
Khi chúng ta trông thấy một ngôi thánh đường hoành tráng, điều đó nhắc nhớ chúng ta về việc tất cả mọi người được mời gọi để cùng nhau tôn thờ Thiên Chúa. Chúng ta, dân riêng của Thiên Chúa, chính là những viên đá sống động của tòa nhà Giáo hội Chúa Kitô. Chính đời sống thánh thiện và tinh thần phục vụ của chúng ta sẽ góp phần làm cho Giáo hội thêm xinh đẹp.
Ngày 10 tháng 11
Thánh Lêô cả
Thánh Lêô cả là công dân Rôma, sống vào thế kỷ thứ 5. Sau khi đức Sixtô qua đời, thánh Lêô được bầu làm giáo hoàng. Lúc ấy, Giáo hội gặp rất nhiều khó khăn. Quân mandi đang tấn công các Kitô hữu tại nhiều nơi. Bên trong Giáo hội, một số người cũng rao truyền những học thuyết sai lạc. Nhưng thánh Lêô cả là một trong các vị giáo hoàng vĩ đại nhất mà Giáo hội Rôma đã từng có. Thánh nhân tuyệt đối không khiếp sợ trước bất cứ thứ gì hay bất cứ nhân vật nào. Ngài có lòng tin tưởng lớn lao vào sự trợ giúp của thánh tông đồ Phêrô, vị giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội. Ngài thường hay cầu nguyện cùng thánh Phêrô.
Để ngăn chặn sự lan tràn của các lạc thuyết, thánh Lêô đã giải thích đức tin chính truyền qua các bài viết nổi tiếng của ngài. Thánh nhân đã triệu tập một công đồng để lên án các giáo thuyết sai lầm. Những ai không từ bỏ niềm tin nhảm nhí sẽ bị trục xuất ra khỏi Giáo hội. Và đức giáo hoàng Lêô cả cũng nhận lại vào Giáo hội những người biết ăn năn hối cải. Ngài xin mọi người hãy cầu nguyện cách riêng cho những người này.
Khi quân mandi, cũng gọi là giặc Hungnô, hung hãn tấn công thành Rôma, mọi người rất đỗi hoảng sợ. Họ nghe biết rằng giặc Hungnô đã đốt phá rất nhiều thành phố. Để cứu vớt Rôma, thánh Lêô cả đã cưỡi ngựa ra gặp vị lãnh đạo hung dữ là Attila. Vũ khí duy nhất thánh Lêô mang theo là lòng tin tưởng mãnh liệt vào Thiên Chúa. Khi gặp nhau, một điều kỳ diệu đã xảy ra! Attila, kẻ lãnh đạo man rợ, đã tỏ lòng tôn kính rất mực đối với đức giáo hoàng. Rồi, ông đã ký một hiệp ước hòa bình với thánh Lêô. Attila sau đó thú nhận rằng ông đã thấy hai hình tượng rất uy nghiêm đứng bên đức giáo hoàng trong lúc ngài nói. Người ta tin rằng đó chính là hai vị đại tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai vị này đã được Thiên Chúa sai tới để bảo vệ giáo hoàng Lêô cả và các tín hữu Rôma.
Đức thánh cha Lêô cả được mọi người yêu mến vì đức khiêm nhường và lòng bác ái phi thường. Ngài làm giáo hoàng cai trị Giáo hội được 21 năm. Đức thánh cha Lêô cả về trời ngày mùng 10 tháng Mười Một năm 461.
Chúng ta đọc thấy Giáo hội đang phải chịu bách hại tại một số quốc gia trên thế giới. Chúng ta hãy nài xin thánh Lêô cả ra tay bảo vệ đức giáo hoàng, các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và hết mọi tín hữu. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh nhân giúp các tín hữu biết sống can đảm như ngài.
Ngày 11 tháng 11
Thánh Martinô thành Tua
Vị thánh quân nhân này sống vào thế kỷ thứ 4. Ngài gia nhập quân đội Rôma ở Ý khi mới chỉ lên 15. Dù song thân ngoại đạo, Martinô vẫn kiên quyết truy tầm về Kitô giáo. Những người học hỏi đạo Kitô được gọi là những người dự tòng cho tới khi họ được lãnh nhận bí tích Thanh tẩy.
Vào một ngày tiết đông giá lạnh, Martinô cùng đồng bạn tới bên một người ăn xin nằm co ro trước cổng thành phố Amiens. Áo quần mà ông ăn mày đang vận chỉ là tấm giẻ quấn trên người và ông đang run lên vì lạnh lẽo. Các binh lính khác thấy vậy liền bỏ đi, nhưng Martinô cảm thấy cần phải giúp đỡ người hành khất này. Chẳng mang theo của gì, Martinô liền rút thanh gươm cắt tấm áo choàng đang mặc ra làm đôi. Có vài người đã chế nhạo hành vi buồn cười của Martinô khi thấy ngài cắt phân nửa manh áo để bố thí cho người hành khất. Song, cũng có vài người khác tự cảm thấy hổ thẹn vì sự ích kỷ của mình. Đêm ấy, Chúa Giêsu đã hiện ra với Martinô. Người mặc nguyên trên mình phân nửa manh áo mà Martinô đã bố thí cho người hành khất.
“Martinô, vẫn còn là một dự tòng, đã khoác cho Ta manh áo này đấy!” Chúa Giêsu nói. Và ngay sau biến cố kỳ diệu này, thánh Martinô liền đi xin lãnh bí tích Thanh tẩy. Sau đó ít lâu, ngài rời bỏ quân đội.
Rồi thánh Martinô trở nên môn đệ của thánh Hilariô, lúc ấy đang làm giám mục thành Poichiê, nước Pháp. Vì phản bác kịch liệt đối với lạc thuyết Ariô trong nhiều thành phố, Martinô đã bị giam tù. Nhưng thánh nhân lại cảm thấy hạnh phúc khi được sống trong nơi hoang vắng với các đan sĩ khác. Khi người dân thành Tua kéo đến xin Martinô làm giám mục của họ, thánh nhân đã từ chối. Tuy vậy, dân chúng vẫn không nhượng bộ. Họ đã mời Martinô tới thành phố để viếng thăm một bệnh nhân. Khi thánh Martinô đến đó, lập tức họ đã bắt thánh nhân vào nhà thờ. Martinô được đặt làm giám mục thành Tua năm 371. Với tư cách là giám mục, thánh Martinô đã làm mọi điều có thể để giúp nước Pháp thoát khỏi chủ nghĩa vô thần. Thánh nhân đã cầu nguyện, làm việc và rao giảng khắp nơi.
Chúa Giêsu cho thánh Martinô biết được giờ chết đã gần kề. Thoạt khi biết tin này, các môn đệ của thánh nhân đã oà khóc. Họ nài xin ngài đừng bỏ họ ra đi. Vì vậy, thánh Martinô đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu dân của Chúa cần con như thế, thì con không thể từ chối. Chỉ mong sao ý Chúa được nên trọn!” Rồi, thánh Martinô còn đang làm việc cho Thầy Chí Thánh ở một nơi hẻo lánh trong địa phận thì Chúa đã gọi ngài về năm 397. Ngôi mộ của thánh Martinô trở thành một trong những ngôi đền nổi tiếng nhất ở Âu châu.
Thật dễ dàng biết bao khi chỉ quan tâm tới những sở thích riêng của mình. Nhưng, như thánh Martinô thành Tua, chúng ta cũng muốn nhận thức được cả những nhu cầu của tha nhân. Chúng ta hãy nài xin thánh Martinô thành Tua giúp chúng ta biết nhận ra những nhu cầu của tha nhân và tìm cách giúp họ theo sức của mình.
Ngày 12 tháng 11
Thánh Giôsaphát
Thánh Giôsaphát sinh tại Ba Lan vào năm 1580; và ngài nhận thánh Gioan làm bổn mạng. Giôsaphát là tu sĩ dòng Ukraina, dòng của thánh Basiliô và ngài đổi tên là Giôsaphát. Ngài là một người rất hy sinh và can đảm. Vì có nhiều phẩm chất thiên phú, Giôsaphát hay được chọn giữ những nhiệm vụ thủ lãnh. Điều này sau cùng đã khiến Giôsaphát phải trả giá bằng chính mạng sống mình.
Giôsaphát là một tông đồ cho niềm tin thống nhất Công giáo. Thánh nhân rao giảng sự hợp nhất giữa các giáo hội Kitô ở Ukraina. Có ba thành phần Kitô hữu chính thức ở đất nước này: các Kitô hữu theo Giáo hội Latinh và hợp nhất với đức giáo hoàng, các Kitô hữu theo Giáo hội Chính thống Hy Lạp và các Kitô hữu theo Giáo hội Công giáo Hy Lạp.
Giôsaphát làm giám mục năm 1617; và ngài được trao cho trách nhiệm trông coi giáo phận Pôlotsk. Thánh nhân dùng gần mười năm sau đó để giúp đỡ bổn đạo hiểu biết và yêu mến đức tin Công giáo. Giôsaphát tổ chức những buổi cầu nguyện và những lớp giáo lý. Ngài năng họp các giáo sĩ trong giáo phận, trao đổi với họ để có được những nguyên tắc khả thi nhằm giúp dân chúng sống thân mật hơn với Chúa Giêsu.
Đức tổng giám mục Giôsaphát có nhiều ảnh hưởng lớn lao trên dân chúng. Ngài là một nhà lãnh đạo đầy năng động. Có vài người không muốn Giáo hội bị đặt dưới quyền cai trị của đức giáo hoàng đã xách động một băng nhóm chống lại Giôsaphát. Và thánh Giôsaphát đã bị giết hại ngày 12 tháng Mười Một năm 1623. Máu ngài bị đổ xuống một dòng sông gần đó. Năm 1867, Giôsaphát được đức thánh cha Piô IX tôn phong lên bậc hiển thánh.
Thánh Giôsaphát là một người xây dựng hòa bình và là một người chữa lành. Thánh nhân mong muốn tất cả mọi người được sống trong bình an. Giôsaphát xác tín rằng điều giúp hợp nhất mọi người không phải là điều làm chia rẽ họ. Chúng ta hãy cầu xin thánh Giôsaphát giúp chúng ta biết cố gắng sống như ngài.
Ngày 13 tháng 11
Thánh Phanxica Xaviê Cabrini
Thánh nữ Phanxica sinh ngày 15 tháng Bảy năm 1850. Hồi nhỏ sống tại Ý, có lần thánh nữ đã mơ ước mai ngày sẽ được sang Trung Hoa truyền giáo. Phanxica thả những chiếc thuyền giấy trôi theo dòng nước, giả vờ rằng đó là những chiếc thuyền đang chở những nhà truyền giáo sang Trung Hoa. Phanxica cũng bỏ luôn việc ăn kẹo, vì ngài lý luận rằng nếu muốn sống ở Trung Hoa, có lẽ ngài sẽ chẳng có kẹo để mà ăn. Khi trưởng thành, Phanxica đã cố gắng đến gõ cửa tới hai tu viện khác nhau. Nhưng vì sức khỏe yếu kém, Phanxica đều bị từ chối. Rồi Phanxica đi dạy học một thời gian. Sau đó, có một linh mục đến xin Phanxica tới giúp một ngôi nhà nhỏ dành cho các trẻ mồ côi. Nhưng mọi việc trở nên khó khăn cho Phanxica vì bà chủ nhà lại là người kinh doanh bất động sản. Cuối cùng, đức giám mục phải đóng cửa viện mồ côi vì bà chủ nhà rắc rối này.
Cùng lúc ấy, đức giám mục xin Phanxica thiết lập một hội dòng dành cho các chị em tận hiến lo việc giáo dục. Không chần chừ, Phanxica khởi sự ngay. Chẳng bao lâu, hội dòng Chị Em Thừa Sai Thánh Tâm bắt đầu phát triển, trước hết ở Ý rồi lan dần sang các nước khác. Phanxica, còn được mọi người gọi là Mẹ Cabrini, luôn có ý muốn sang Trung Hoa truyền giáo, nhưng dường như Thiên Chúa lại muốn thánh nữ qua Hoa Kỳ. Khi đức thánh cha Lêô XIII nói với Phanxica: “Con hãy đi về bên Tây, đừng sang bên Đông,” thì vấn đề đã được xác định. Thánh nữ Phanxica Xaviê Cabrini đã trẩy tàu sang Hoa Kỳ và trở thành công dân Mỹ quốc. Thánh nữ đặc biệt giúp đỡ nhiều nhóm lớn người Ý di cư. Ngài thực là một người mẹ và là người bạn của họ.
Mẹ Cabrini và các nữ tu của Mẹ khởi sự mọi việc rất khó khăn. Ngay cả đức tổng giám mục giáo phận New York cũng đề nghị Mẹ và các chị em nên trở về nước Ý. Nhưng Mẹ Cabrini trả lời rằng: “Kính thưa đức giám mục, đức thánh cha sai chúng con tới đây; và vì thế, chúng con phải ở lại!” Đức tổng giám mục khâm phục tinh thần dấn thân của Mẹ Cabrini; vì vậy, Mẹ và các nữ tu của Mẹ được phép khởi sự công việc vĩ đại là phục vụ Thiên Chúa. Họ đã thiết lập các trường học, bệnh viện và nhà trẻ tại nhiều tiểu bang trên nước Mỹ. Năm tháng trôi qua! Mẹ Phanxica Xaviê Cabrini đã thực hiện nhiều cuộc hành trình để phát triển hội dòng. Công việc luôn gặp khó khăn, nhưng Mẹ Phanxica Xaviê Cabrini đặt trọn niềm tín thác nơi Thánh Tâm Chúa. Mẹ nói: “Không phải chúng tôi mà là chính Người đang thực hiện mọi sự!”
Mẹ Phanxica Xaviê Cabrini qua đời tại Chicagô ngày 22 tháng Mười Hai năm 1917. Đến năm 1946, Mẹ Phanxica Xaviê Cabrini được đức thánh cha Piô XII tôn phong lên bậc hiển thánh.
Người phụ nữ yếu đuối và hay đau bệnh này đã múc lấy sức mạnh ở đâu để làm được những việc lớn lao như thế? Thưa đó là nhờ cầu nguyện. Chúng ta hãy nài xin Mẹ Phanxica Xaviê Cabrini dạy chúng ta cũng biết quý trọng việc cầu nguyện như Mẹ.
Ngày 14 tháng 11
Thánh Laurensô Ôtô
Thánh Laurensô Ôtô sinh tại đất nước Ai Len vào năm 1128. Thánh nhân là con trai của một tù trưởng. Khi mới lên 10 tuổi, ông lãnh chúa nước láng giềng đem quân sang xâm chiếm đất đai của thân phụ Laurensô Ôtô và bắt ngài đi đày. Laurensô phải chịu đau khổ suốt hai năm. Sau đó, thân phụ Laurensô bắt ông lãnh chúa phải trả lại con trai cho ông để cậu phục vụ đức giám mục. Ngay khi ông lãnh chúa bằng lòng, thân phụ Laurensô liền vội vã đến thăm con trai mình và ông đã biết ơn cùng đem con về nhà.
Tù trưởng mong muốn một trong số các con trai ông sẽ dâng mình phục vụ Giáo hội. Đang lúc phân vân không biết nên chọn ai thì Laurensô Ôtô mỉm cười và bảo thân phụ đừng băn khoăn nữa. “Đó là niềm mơ ước của con,” Laurensô Ôtô nói, “vì được phục vụ Thiên Chúa trong Giáo hội chính là gia nghiệp đời con!” Vì thế, thân phụ Laurensô Ôtô đã dẫn ngài tới và trao cho đức giám mục coi sóc.
Sau đó, thánh Laurensô Ôtô trở thành linh mục và đan trưởng của một tu viện lớn. Khi thực phẩm trở nên khan hiếm trong khắp vùng xung quanh tu viện, vị đan trưởng tốt lành này đã đem phân phát rất nhiều lương thực để giúp dân chúng thoát khỏi nạn đói. Vì là bề trên, thánh Laurensô Ôtô cũng phải giải quyết nhiều vấn đề khó khăn. Một số đan sĩ đã phê bình ngài vì quá nghiêm khắc. Nhưng Laurensô Ôtô vẫn một mực hướng dẫn cộng đoàn theo lối khổ chế dù bị chỉ trích. Sau đó là chuyện những kẻ cướp bóc và những tay tội phạm sống ở những quả đồi bên cạnh nhà dòng. Tuy nhiên, chẳng có gì làm cho Laurensô Ôtô phải lo sợ cả!
Thánh Laurensô Ôtô quá nổi danh đến nỗi ít lâu sau ngài được chọn làm tổng giám mục thành Đublin. Trong chức vị mới này, Laurensô Ôtô vẫn sống thánh thiện như trước. Mỗi ngày, thánh nhân đều mời những người nghèo khổ đến tiếp chuyện với ngài. Ngoài ra Laurensô Ôtô cũng giúp đỡ nhiều người khác nữa. Thánh nhân rất mực yêu mến dân tộc của ngài và đất nước Ai Len, và ngài đã làm việc hết sức mình để giữ cho quê hương được thịnh vượng. Lần kia, có một kẻ thù đã tấn công Laurensô Ôtô vừa lúc ngài đi lên bàn thờ dâng thánh lễ. Laurensô Ôtô bị đánh gục xuống sàn nhà bất tỉnh, nhưng ngay lập tức, ngài lại tỉnh dậy. Laurensô Ôtô nhờ người rửa vết thương, và ngài đi dâng thánh lễ liền sau đó.
Sau những năm vất vả làm việc cho Giáo hội, thánh Laurensô Ôtô bị bệnh rất nặng. Khi được hỏi có ao ước điều gì không, đức tổng giám mục thánh thiện chỉ mỉm cười và trả lời: “Thiên Chúa biết rõ tôi chẳng có lấy một đồng xu dính túi!” Thánh Laurensô Ôtô đã bố thí hết mọi thứ cho tha nhân ngay từ khi ngài tận hiến mình cho Thiên Chúa. Thánh nhân về trời ngày 14 tháng Mười Một năm 1180. Đến năm 1225, Laurensô Ôtô được đức thánh cha Hônôriô III tôn phong hiển thánh.
Bằng đời sống của mình, thánh Laurensô Ôtô nhắc nhớ chúng ta rằng mối quan tâm chính yếu trong mọi công việc của chúng ta là phải làm hài lòng Thiên Chúa. Chúng ta hãy nài xin thánh Laurensô Ôtô giúp chúng ta can đảm thực hiện những gì là chân thật ngay cả khi bị người khác chỉ trích phê bình.
Ngày 15 tháng 11
Thánh Albêtô cả
Vị thánh này sống vào thế kỷ thứ 13. Ngài được sinh ra trong một lâu đài bên bờ sông Đanub ở Swabia, thuộc miền tây nam nước Đức. Albêtô học tại trường đại học của thành Pađua, nước Ý. Tại đó, ngài quyết định trở thành một tu sĩ dòng Đa Minh. Người cậu của Albêtô cố thuyết phục cháu trai mình đừng theo đuổi con đường tu trì. Nhưng Albêtô đã quyết. Albêtô cảm thấy rằng đây là điều Thiên Chúa muốn về ngài. Thân phụ của Albêtô, bá tước miền Bollstadt, rất đỗi giận dữ. Các tu sĩ Đa Minh tưởng rằng ông sẽ đến bắt Albêtô về nhà. Và họ đã chuyển tập viện đến một nơi rất xa, nhưng thân phụ Albêtô không đến tìm ngài nữa.
Thánh Albêtô cả yêu chuộng việc học hành. Các môn khoa học tự nhiên, nhất là vật lý, thiên văn, địa lý và sinh học là những môn làm Albêtô say mê hơn cả. Thánh nhân đã viết rất nhiều sách về những môn học này. Trong một tác phẩm của mình, Albêtô khẳng định trái đất thì tròn. Albêtô cũng viết sách về triết học, toán học, Kinh Thánh và thần học. Thánh nhân cũng là một giáo sư danh tiếng dạy ở nhiều trường đại học.
Một trong các sinh viên thời danh của thánh Albêtô cả là thánh sư Tôma Aquinô. Hai vị thánh này là hai người bạn chí thân. Thánh Albêtô cả đã hướng dẫn thánh Tôma khởi sự công việc nghiên cứu vĩ đại về triết học và thần học. Thánh nhân cũng bảo vệ những giáo huấn của thánh Tôma sau khi thánh Tôma qua đời.
Lúc về già, thánh Albêtô cả càng sống thánh thiện hơn. Trước đây, thánh nhân diễn tả những tư tưởng uyên thâm của ngài qua các tác phẩm. Bây giờ, Albêtô lại quảng diễn những tư tưởng ấy qua lối sống dành cho Thiên Chúa.
Thánh Albêtô cả bị mất trí khoảng độ hai năm trước lúc ngài qua đời. Thánh nhân trút hơi thở cách an bình đang khi ngài ngồi trên chiếc ghế dựa nói truyện với các anh em tu sĩ Đa Minh. Thánh Albêtô cả là vị thánh bổn mạng của các sinh viên thuộc ngành khoa học tự nhiên.
Chúng ta hãy học nơi thánh Albêtô cả cách thức sử dụng và trân trọng trí tuệ của mình. Chúng ta hãy cầu nguyện cùng thánh nhân và xin ngài giúp chúng ta có được lòng ham biết lành mạnh về thế giới quanh ta, nhất là về Thiên Chúa, Đấng sáng tạo mọi sự và lập ra các luật lệ để cai trị thiên nhiên.
Ngày 16 tháng 11
Thánh Magarita Scốtlen
Thánh nữ Magarita là công chúa nước Anh. Thánh nữ sinh năm 1045. Magarita và thân mẫu của ngài đã trẩy tàu sang xứ Scốtlen để trốn thoát ông vua xâm lược đất nước của họ. Vua Malcolm xứ Scốtlen đã chào đón hai người. Ông có tình cảm với nàng công chúa xinh đẹp này. Ít lâu sau, Malcolm và Magarita đã nên duyên vợ chồng.
Với tư cách là hoàng hậu, Magarita đã cảm hóa được người chồng và đã giúp cho đất nước Scốtlen ngày thêm cường thịnh. Malcolm có tính tốt nhưng ông và các quần thần của ông lại cư xử rất thô lỗ cộc cằn. Khi nhận thấy vợ mình khôn ngoan, ông đã sẵn lòng nghe theo lời khuyên của hoàng hậu. Magarita đã giúp nhà vua chinh phục được tính nóng và thực hành những đức tính Kitô giáo. Magarita đã làm cho triều đình trở nên xinh đẹp và văn minh hơn. Đức vua và hoàng hậu là những tấm gương tuyệt vời vì họ thường cầu nguyện và cư xử rất tốt với nhau. Họ bố thí cho từng lớp người nghèo. Họ cố gắng bắt chước Đức Chúa Giêsu qua chính đời sống của họ.
Hoàng hậu Magarita là một ân ban cho hết mọi thần dân thuộc xứ Scốtlen. Trước lúc Magarita tới, cả xứ còn kém văn minh. Nhiều người có những thói quen xấu và vẫn thực hành như vậy khi sống thân mật với Thiên Chúa. Magarita đã hoạt động đắc lực để mời được những giáo sư tốt và chính hoàng hậu đã khuyến khích nền giáo dục tại đây. Magarita và Malcolm đã cho xây cất nhiều ngôi thánh đường mới. Thánh nữ thích làm những thánh đường đẹp để tôn vinh Thiên Chúa. Thực ra, chính hoàng hậu Magarita đã tự tay may lấy một số áo lễ cho các linh mục.
Magarita và Malcolm sinh được tất cả sáu con trai và hai con gái; và họ rất yêu thương con cái của mình. Cậu con út chính là thánh Đavít. Nhưng Magarita cũng phải chịu nhiều đau khổ. Đang khi chịu cơn bệnh sau cùng, thánh nữ nghe biết người chồng và cậu con trai là Edward đã tử trận. Magarita qua đời bốn ngày sau đó, nhằm ngày 16 tháng Mười Một năm 1093. Đến năm 1250, Magarita được đức thánh cha Innôcentê IV tôn phong hiển thánh.
Thánh nữ Magarita Scốtlen chỉ cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc thực hiện những điều phải lẽ vì những lý do chân thật. Gương sáng của thánh nữ chính là phản ảnh trung thực về niềm tin của ngài vào Đức Chúa Giêsu. Những việc tốt đẹp thánh nữ đã làm không cố ý để cho người ta ca ngợi. Magarita Scốtlen đã thực hiện những điều hợp lẽ phải và chỉ có ý làm hài lòng Đức Chúa Giêsu. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ Magarita Scốtlen giúp chúng ta cũng biết hành động như ngài.
Hôm nay Giáo hội cũng cử hành thánh lễ tôn kính thánh nữ Giêtruđê.
Ngày 17 tháng 11
Thánh Êlizabeth Hungary
Vị công chúa của nước Hungary này sinh năm 1207. Công chúa kết hôn với Luy, cai trị miền Turingia, đang khi còn rất trẻ. Êlizabeth là cô dâu xinh đẹp rất mực yêu thương người chồng điển trai của mình. Luy cũng đáp lại mối tình của Êlizabeth với trọn cả trái tim. Thiên Chúa đã ban cho họ tất cả ba người con; và họ sống hạnh phúc bên nhau suốt sáu năm.
Sau đó, thánh nữ Êlizabeth phải chịu nhiều đau khổ. Khi Luy qua đời vì căn bệnh dịch hạch, Êlizabeth quá đau đớn đến nỗi phải thốt lên: “Thế giới đối với tôi giờ như đã chết, và tất cả mọi niềm vui thú trong đó cũng tiêu tan!” Những người bà con của Luy không có cảm tình với Êlizabeth vì thánh nữ đã bố thí cho những người nghèo khổ quá nhiều thực phẩm. Khi Luy còn sống, họ không thể gây ra bất cứ phiền toái gì cho Êlizabeth. Tuy nhiên, lúc này họ đã có thể và họ đã thực hiện. Chỉ trong một thời gian ngắn, nàng công chúa xinh đẹp, hiền lành cùng với ba người con đã bị đuổi ra khỏi lâu đài. Họ phải chịu lạnh lẽo và đói khát. Tuy vậy, Êlizabeth không hề phàn nàn về những đau khổ khủng khiếp này. Thay vào đó, thánh nữ đã chúc tụng Thiên Chúa và cầu nguyện hết sức tha thiết. Êlizabeth chấp nhận những đau khổ cũng y như ngài chấp nhận những niềm vui vậy!
Những người thân yêu của Êlizabeth đã đến cứu giúp ngài. Êlizabeth và con cái của thánh nữ một lần nữa lại có nhà để ở. Người cậu của Êlizabeth muốn ngài tái hôn, lý do Êlizabeth còn quá trẻ và hấp dẫn, nhưng thánh nữ đã quyết định dâng mình cho Thiên Chúa. Êlizabeth muốn bắt chước gương sống nghèo khó của thánh Phanxicô Assisi; và ngài đã xin gia nhập dòng Ba Phanxicô. Êlizabeth đến sống trong một túp lều nghèo nàn và ngài đã dùng vài năm cuối đời để phục vụ những người đau yếu và nghèo khổ. Thậm chí thánh nữ Êlizabeth đã đi câu cá để kiếm thêm tiền cho những người nghèo. Êlizabeth qua đời khi mới được 24 cái xuân xanh. Trên giường bệnh, người ta đã nghe Êlizabeth dịu dàng ngâm nga những khúc hát. Thánh nữ tin tưởng cách mãnh liệt rằng Đức Chúa Giêsu sẽ đến đem thánh nữ về với Người. Êlizabeth Hungary về trời năm 1231. Ngài được tôn phong hiển thánh năm 1235. Êlizabeth Hungary là nữ thánh bổn mạng của hội dòng Ba Phanxicô.
Thánh nữ Êlizabeth Hungary là một kiểu mẫu về tình yêu gia đình. Các người làm chồng, làm vợ, làm con đều có thể học hỏi nơi thánh nữ để biết rằng nếu thật lòng yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, chúng ta sẽ có một câu chuyện thật tuyệt vời về lòng yêu thương đối với các thành viên trong gia đình. Chính tình yêu mà thánh nữ Êlizabeth Hungary dành cho người chồng và con cái của ngài đã giúp ngài có được nghị lực để vượt qua những khó khăn và mất mát.
Ngày 18 tháng 11
Thánh Rôsa Philippine Đuchesne
Thánh nữ Rôsa Philippine Đuchesne phục vụ Chúa Giêsu tại mảnh đất Hoa Kỳ. Thánh nữ sinh năm 1769 trong một gia đình người Pháp rất giàu có. Lúc còn trẻ, Rôsa chẳng có gì đặc biệt để được gọi là thánh thiện cả! Thực sự, Rôsa thường hay sống theo ý riêng của mình. Rôsa ra lệnh cho người khác phải làm những gì ngài muốn. Ở trường, môn học Rôsa yêu thích là môn lịch sử. Về sau, Rôsa rất thích đọc những mẩu truyện kể về những người dân Mỹ gốc bản xứ. Năm lên 17 tuổi, Rôsa xin vào tu trong một hội dòng. Rôsa Philippine Đuchesne không được phép tuyên những lời khấn thánh lúc mãn thời hạn nhà tập chỉ vì cuộc cách mạng Pháp. Tất cả các chị em có lời khấn thánh đều bị những người làm cách mạng trục xuất khỏi đất nước, và Rôsa phải trở về gia đình. Dù vậy, Rôsa vẫn không rời bỏ ước nguyện được thuộc trọn về Đức Chúa Giêsu. Nhiều năm sau đó, Rôsa gia nhập một hội dòng mới được thành lập, gọi là dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Ước vọng lớn nhất của Rôsa Philippine Đuchesne là được làm một nhà truyền giáo. Tuy nhiên, cho mãi tới 50 tuổi Rôsa mới được gởi sang nước Mỹ. Lúc ấy Mỹ quốc vẫn còn là vùng đất truyền giáo. Tại Mississipi, Rôsa và một số nữ tu đã thiết lập một trường học miễn phí dành cho các trẻ con nhà nghèo. Công việc quả thật là khó vì sự khác biệt về ngôn ngữ và lối sống của nhiều người. Nhưng dù cho có nhiều trở ngại, Mẹ Đuchesne vẫn không bao giờ để mất đi lòng hăng say nhiệt thành của tuổi trẻ. Lúc về già, Mẹ ít ra lệnh hơn và cư xử dịu dàng hơn.
Mẹ Đuches là một nữ anh thư đích thực. Mẹ đã phải gần chết vì căn bệnh sốt vàng da, nhưng Mẹ đã vượt qua mọi trở ngại để mở thêm các tu viện tại miền Đất Mới. Sau đó, lúc 71 tuổi, Mẹ từ nhiệm chức vụ bề trên. Mẹ sang Kansas để thiếp lập thêm một trường học ngay giữa những người dân Mỹ bản xứ yêu quý của Mẹ. Mẹ Đuchesne về trời năm 1852, hưởng thọ 83 tuổi. Mẹ được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh năm 1988.
Đôi khi chúng ta tìm cách hoãn lại những bổn phận khó nhọc. Chúng ta hãy nài xin Mẹ Rôsa Philippine Đuchesne thôi thúc chúng ta biết đặt năng lực và lòng kính mến Thiên Chúa vào công việc mình làm.
Hôm nay Giáo hội cũng cử hành thánh lễ cung hiến đền thờ hai thánh Phêrô và Phaolô ở Rôma.
Ngày 19 tháng 11
Chân phước Victoria Rasôamanarivô
Victoria Rasôamanarivô là người đầu tiên của Mađagasca được tôn phong chân phước. Victoria sinh năm 1848, là công chúa của một hoàng tộc thuộc dòng Hôvas. Victoria Rasôamanarivô được học hành và ngài theo tín ngưỡng thờ ngẫu thần của dòng tộc.
Sau đó, các nữ tu dòng thánh Giuse đến truyền giáo tại Mađagasca, và Victoria được nhận vào trường học dành cho các nữ sinh của họ. Victoria bị ấn tượng bởi niềm tin và lối sống của các nữ tu, và ngài đã xin họ dạy cho biết đức tin Công giáo. Năm lên 15 tuổi, Victoria xin được chịu phép Thanh tẩy. Cậu của Victoria, là người có trách nhiệm đối với ngài, đã không chấp nhận thứ tôn giáo Victoria mới theo và ông đã gắng sức làm cho ngài phải từ bỏ. Tuy nhiên, Victoria vẫn kiên định trong niềm tin của mình và thậm chí còn muốn tham gia với các nữ tu tận hiến mình cho Thiên Chúa trong bậc sống tu trì. Thế nhưng, các nữ tu lại nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu để Victoria ở lại sống đời Kitô hữu giữa thế gian và với gia đình của ngài. Họ biết chắc sẽ làm cho ông cậu đầy uy quyền của Victoria tức giận nếu chấp nhận cho Victoria đi tu.
Người ta đã xếp đặt một cuộc hôn nhân cho Victoria mà chính Victoria không bằng lòng, nhưng họ lại cho phép Victoria được mời một linh mục Công giáo tham dự nghi lễ cưới. Người chồng mà người ta chọn cho Victoria lại là một anh chàng nghiện rượu và có lối sống gây nhiều gương xấu. Ông cậu của Victoria và hoàng hậu đã cố gắng thuyết phục Victoria ly dị anh ta. Nhưng Victoria không muốn gây gương xấu cho các Kitô hữu khác. Với tư cách là công chúa, Victoria có thể, bằng đời sống của mình, dạy cho người khác cách thức tuân giữ lề luật của Thiên Chúa, nhất là giới luật hôn nhân gia đình. Victoria vẫn sống với cương vị là một người vợ trung thành, cầu nguyện cho chồng và dâng những đau khổ để người chồng được ơn hoán cải. Trước lúc người chồng qua đời năm 1887, Victoria đã thuyết phục được chồng lãnh nhận bí tích Thanh tẩy.
Victoria Rasôamanarivô sống thêm bảy năm nữa và đã là một quả phụ sống đạo mẫu mực. Đời sống đức hạnh của Victoria đã khiến cho nhiều quan chức trong giai cấp thống trị cũng như những dân thường trong bộ tộc phải ngưỡng mộ và kính trọng. Qua đời sống thánh thiện, Victoria là một nhà tài trợ về niềm tin Công giáo ở Mađagasca. Victoria trung thành cầu nguyện nhiều giờ mỗi ngày cũng như giúp đỡ những người nghèo khổ, những người bị cầm tù và những người phong hủi. Victoria về trời ngày 21 tháng Tám năm 1894, lúc được 46 tuổi. Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Victoria Rasôamanarivô lên bậc chân phước ngày 30 tháng Tư năm 1989, nhân chuyến viếng thăm Mađagasca.
Chân phước Victoria Rasôamanarivô đã sống chân thành với đức tin Công giáo ngay cả khi phải chịu những khó khăn thử thách. Đức tin chính là nguồn an ủi và là nguồn sức mạnh của chúng ta. Nhưng chúng ta có sẵn sàng tiếp nhận những thách đố xảy đến để minh chứng đức tin của mình không?
Ngày 20 tháng 11
Thánh Edmund
Thánh Edmund là một vị quân vương người Anh sống vào thế kỷ thứ 9. Thánh nhân lên ngôi vua khi chỉ mới 14 tuổi. Tuy vậy, địa vị cao cả đã không làm cho Edmund tự hào hay tự phụ gì. Thay vào đó, Edmund luôn bắt chước tấm gương của thánh vương Đavít. Thực ra, Edmund thậm chí đã học thuộc lòng các bài thánh vịnh của vua Đavít. Các thánh vịnh được viết trong Kinh Thánh là những bài ca trác tuyệt dùng để chúc tụng Thiên Chúa.
Vua Edmund cai trị đất nước cách rất khôn ngoan, biểu lộ tấm lòng nhân hậu qua tất cả những công việc ngài làm. Khi quân mandi Đan Mạch xâm chiếm vương quốc của Edmund, thánh nhân đã chống lại họ cách anh dũng. Đội quân của kẻ thù mạnh hơn rất nhiều lần so với đội quân của Edmund. Và rồi, vua Anh bị bắt giữ. Lãnh đạo quân mandi hứa sẽ tha chết cho Edmund nếu Edmund đồng ý chấp thuận một số điều luật của ông ấy. Tuy nhiên, vì những đạo luật này đi ngược lại với quốc gia và tôn giáo của Edmund, nên nhà vua đã từ chối. Edmund tuyên bố sẽ không cứu lấy thân mình nếu xúc phạm đến Thiên Chúa và thần dân. Tức giận, lãnh đạo quân mandi đã ra án tử cho Edmund.
Thánh Edmund bị trói vào một gốc cây và bị đánh đòn cách tàn bạo. Thánh vương đã nhẫn nại chịu đựng mọi sự, miệng kêu tên cực trọng Giêsu để xin Người ban thêm sức mạnh. Tiếp đến, những kẻ hành hạ thánh nhân đã bắn các mũi tên vào khắp các phần thân thể ngài. Họ đã cẩn thận không bắn trúng các cơ phận trọng yếu của Edmund để cho thánh nhân phải đau khổ lâu hơn. Sau cùng, thánh Edmund bị trảm quyết. Ngài qua đời năm 870.
Việc tôn kính thánh vương Edmund như vị thánh tử đạo rất phổ biến tại Anh quốc. Nhiều thánh đường đã được xây cất để tôn kính ngài.
Chúng ta hãy cầu nguyện xin thánh Edmund ban cho chúng ta lòng trung thành với Thiên Chúa và với tổ quốc. Chúng ta cũng có thể bắt chước gương sáng của thánh Edmund bằng cách năng đọc, cầu nguyện và suy gẫm các thánh vịnh trong Kinh Thánh.
Ngày 21 tháng 11
Lễ Đức Mẹ dâng mình
Tin mừng không thuật lại điều gì về thời thơ ấu của Đức Trinh Nữ Maria, nhưng Thánh Truyền đã cho chúng ta biết rằng Đức Mẹ là người con duy nhất của hai thánh Gioakim và Anna. (Chúng ta đã mừng lễ kính các ngài hôm 26 tháng Bảy.) Khi còn rất nhỏ, Đức Maria đã được song thân yêu quý đưa lên đền thánh Giêrusalem và tiến dâng cho Thiên Chúa. Từ đây, cả cuộc đời của Mẹ thuộc trọn về Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tuyển chọn Đức Maria làm Thánh Mẫu của Đức Giêsu, Con yêu dấu của Người. Trinh Nữ Maria rất sung sướng được phục vụ Thiên Chúa trong đền thờ. Phần thánh Gioakim và thánh Anna, các ngài rất hài lòng hiến dâng người con bé nhỏ thánh thiện của mình cho Thiên Chúa. Các ngài biết rằng Thiên Chúa đã gởi người con quý yêu này đến cho mình.
Trong đền thánh Giêrusalem, vị thượng tế đã tiếp nhận trẻ Maria. Mẹ được đặt sống chung với các trẻ nữ, các trẻ này cũng dâng mình để cầu nguyện và phục vụ đền thánh Giêrusalem. Trong khi Đức Maria được giáo dục tại đền thánh, Mẹ đã đặc biệt nêu gương sáng cho các trẻ đồng môn về hai nhân đức vui tươi và hiền hậu.
Thánh Gioakim và thánh Anna trở về nhà. Các ngài cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa vì người con thật tốt phúc. Và Đức Maria ở lại trong đền thánh Giêrusalem, nơi Mẹ lớn lên trong sự thánh thiện. Mẹ đã dùng những ngày tháng quý báu này để đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và phục vụ các tư tế trong đền thờ. Mẹ cũng thêu may các lễ phục xinh đẹp. Mẹ cố gắng thực hiện thật tốt từng nhiệm vụ của Mẹ để làm hài lòng Thiên Chúa. Mẹ lớn lên trong ân sủng và đã đem lại vinh quang lớn lao cho Thiên Chúa.
Mẹ Maria đã sống trọn cuộc đời phục vụ Thiên Chúa. Mẹ luôn ý thức được sự hiện diện thần linh của Người. Mỗi ngày, chúng ta hãy nài xin Mẹ Maria, người Mẹ yêu quý của mỗi người chúng ta, dạy chúng ta cách sống thân mật hơn với Đức Chúa Giêsu Con Mẹ.
Ngày 22 tháng 11
Thánh Xêxilia
Vị nữ thánh bổn mạng nền thánh nhạc này sống vào thời Giáo hội sơ khai. Muốn biết về tiểu sử thánh nữ Xêxilia, chúng ta hãy cùng trở về với thế kỷ thứ 4. Xêxilia là một nữ quý tộc Rôma đã dâng hiến trái tim mình cho Đức Chúa Giêsu. Thánh nữ muốn làm hiền thê của Đức Chúa Giêsu, nhưng thân phụ ngài lại sắp xếp để Xêxilia kết hôn với một chàng quý tộc ngoại đạo. Người ta nói rằng trong lúc cử hành hôn lễ, cô dâu đáng yêu này đã ngồi tách biệt ra. Trái tim ngài dâng lên Chúa Giêsu những lời hát và cầu xin Người trợ giúp. Khi Xêxilia và Valêrianô, vị hôn phu của ngài, ở một mình, thánh nữ Xêxilia mới lấy hết can đảm mà nói cùng Valêrianô rằng: “Anh Valêrianô! Em có điều muốn nói với anh! Anh phải biết em có một vị thiên thần của Thiên Chúa hằng canh giữ em. Nếu anh để em giữ trọn lời hứa là chỉ làm hiền thê của Đức Chúa Giêsu mà thôi, thì vị thiên thần của em sẽ yêu mến anh như ngài đã yêu mến em.”
Valêrianô đã nghe lời thuyết phục của Xêxilia và đã tôn trọng lời hứa trinh khiết của ngài; đồng thời anh cũng trở thành một Kitô hữu. Người em trai của Valêrianô, Tiburtiô, cũng học hỏi đức tin Công giáo nơi Xêxilia. Thánh nữ đã trình bày về Đức Chúa Giêsu cách rất tuyệt vời đến nỗi chẳng bao lâu, Tiburtiô cũng xin chịu phép Thanh tẩy. Cả hai anh em đã cùng nhau làm nhiều việc từ thiện. Khi bị bắt vì tội danh là Kitô hữu, hai anh em đã can đảm thà chịu chết còn hơn là chối bỏ đức tin mới lãnh nhận. Thánh nữ Xêxilia đã âu yếm chôn cất thi hài của hai anh em trước khi chính ngài cũng bị bắt giữ. Thánh nữ đã hoán cải nhiều quan chức, những người trước đây đã bắt ngài hy sinh tế các tà thần. Khi bị ném vào lửa đỏ, thánh nữ Xêxilia đã chẳng hề hấn gì. Sau cùng, người ta đã sai một tên đao phủ đến chém đầu Xêxilia. Người đao phủ đã chặt xuống cổ thánh nữ ba phát, nhưng Xêxilia không chết ngay lúc ấy. Thánh nữ quỳ xuống nền nhà cách bất động. Tuy vậy, qua việc chìa ra ba ngón của một bàn tay và một ngón bên bàn tay kia, thánh nữ Xêxilia vẫn tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa Ba Ngôi, nghĩa là Ba Ngôi cùng hiện diện trong một Thiên Chúa.
Đức tin của thánh nữ Xêxilia thật là mạnh mẽ và đã thuyết phục được người khác tin theo Đức Chúa Giêsu. Tình yêu của thánh nữ cũng thật lớn lao và vẫn trung thành với Đức Chúa Giêsu ngay cả khi phải đối diện với những mối nguy hiểm. Chúng ta hãy cầu xin cùng thánh nữ Xêxilia ban cho chúng ta cũng một đức tin và tình yêu đã làm cho ngài nên thánh.
Ngày 23 tháng 11
Chân phước Miguel Augustinô Prô
Chân phước Miguel Augustinô Prô sinh năm 1891 tại Guađalup, Mêxicô. Ngài là vị tử đạo của thế kỷ thứ 20. Cuộc bách hại Giáo hội của chính phủ Mêxicô bắt đầu vào năm 1910. Miguel gia nhập tập viện dòng Tên năm 1911. Lúc ấy, Miguel được 21 tuổi, rất can đảm, rất quảng đại và rất năng động. Vào năm 1914, cuộc cách mạng bắt đầu dâng cao. Các tập viện của dòng Tên đều bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ của Mêxicô. Và các tập sinh được gởi qua các chủng viện ngoại quốc để được đào tạo. Miguel Augustinô Prô hoàn thành chương trình học làm linh mục ở Bỉ; và ngài được thụ phong năm 1926.
Sức khỏe của vị linh mục trẻ này rất yếu kém, nhất là Prô thường xuyên bị đau dạ dày. Cuộc trở về Mêxicô một mặt là niềm vui đối với cha Prô, nhưng mặt khác lại là nỗi buồn. Ngài thấy cảnh dân chúng bị chính quyền áp bức mà lẽ ra họ phải được phục vụ. Cha Prô nhận thấy ngài có thể đem đến cho họ niềm an ủi tinh thần. Ngài có thể mang lại cho họ ơn tha thứ của Thiên Chúa qua bí tích Hòa giải. Ngài có thể đem lại cho họ sức mạnh nhờ Thánh Thể Chúa Giêsu. Và, như tất cả các linh mục ở Mêxicô lúc ấy, cha Prô cũng bị cảnh sát mật truy bắt. Vì thế, cha phải tự ngụy trang. Lúc thì cha ở nhà này, khi thì cha ở nhà kia. Cha Prô luôn luôn ở trong tình trạng suýt bị bắt. Rồi cha lại thoát khỏi sự săn lùng của họ!
Cha Prô thi hành công việc mục vụ của mình cách anh dũng cho tới ngày 23 tháng Mười Một năm 1927. Sau đó, cha bị bắt và không được đem ra xét xử, bị lên án vì là linh mục Công giáo. Khi đối diện với đội xử bắn, cha Prô đã giang tay ra cho tới lúc toàn thân của ngài là một cây thánh giá sống động. Sau đó, cha kêu lên một tiếng lớn: “Viva Cristo Rey!” (Vạn tuế Vua Kitô!)
Tổng thống Calles đã ra lệnh cấm người ta tổ chức đám tang công khai. Ông đe dọa sẽ trừng phạt bất cứ ai tới tham dự. Tuy vậy, dân chúng đã tràn ra ngập các ngả đường nơi thi hài của vị linh mục bị giết chết được rước qua. Họ đứng yên và thinh lặng cầu nguyện, cảm tạ Thiên Chúa về đời sống và gương chứng nhân của cha Miguel Prô. Cha Miguel Augustinô Prô được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 25 tháng Chín năm 1988.
Chân phước Miguel Augustinô Prô đã sống vào thời các tín hữu bị bách hại ở Mêxicô; và lúc ấy cha đã chọn sống theo ơn gọi tu trì. Chúng ta hãy nài xin chân phước Miguel Augustinô Prô ban cho chúng ta ơn yêu mến đức tin Công giáo cách tha thiết như ngài.
Hôm nay Giáo hội cũng cử hành thánh lễ tôn kính hai thánh Clêmentê I và Côlumban.
Ngày 24 tháng 11
Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo
Các nhà thừa sai lần đầu tiên đem đức tin Công giáo vào dân tộc Việt Nam hồi thế kỷ thứ 16. Trong những thế kỷ thứ 17, 18 và 19, các Kitô hữu đã phải chịu bách hại vì niềm tin của mình. Nhiều người bị lên án tử, nhất là trong suốt thời gian trị vì của hoàng đế Minh Mạng (từ năm 1820 đến năm 1840). Hôm nay, chúng ta cùng tưởng nhớ 117 vị anh hùng tử đạo đã làm chứng cho niềm tin vào Tin mừng tại Việt Nam. Các ngài được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc hiển thánh vào ngày 19 tháng Sáu năm 1988.
Nhóm các vị anh dũng này bao gồm 96 người gốc Việt Nam, 11 vị đến từ Tây Ban Nha và 10 vị gốc Pháp. Có 8 giám mục trong nhóm. Trong số 50 linh mục, thì một số thuộc dòng Đa Minh, số khác là các linh mục địa phận thuộc tu hội Thừa Sai Pari. Thánh Anrê Dũng Lạc, đại diện cho nhóm anh hùng này, là một linh mục giáo phận tại Việt Nam. Thánh Thêôphan Vênard, lễ kính ngày mùng 6 tháng Mười Một vừa rồi, cũng là một trong những linh mục giáo phận. Và có 59 giáo dân thuộc nhóm này.
Các thánh tử đạo Việt Nam đã anh dũng chịu đau khổ để bảo tồn và trao chuyển cho con em kho tàng quý giá mà các ngài sở hữu là đức tin Công giáo.
Chúng ta hãy liên kết lời cầu nguyện của chúng ta với lời cầu nguyện của các thánh tử đạo tại Việt Nam. Chúng ta hãy nài xin Chúa Giêsu chúc lành cho mảnh đất này, mảnh đất đã phải chịu biết bao đau khổ suốt nhiều thế kỷ.
Ngày 25 tháng 11
Thánh Catarina Alêxanđria
Thánh nữ Catarina sống vào thời Giáo hội sơ khai. Ngài là con gái của một gia đình dân ngoại giàu có ở thành Alêxanđria, nước Ai Cập. Thánh nữ là một cô gái rất đẹp và rất ham thích việc học hành. Catarina Alêxanđria say mê nghiên cứu những vấn nạn sâu xa của triết học và tôn giáo. Một ngày kia, thánh nữ Catarina Alêxanđria bắt đầu đọc các sách viết về Kitô giáo. Và chẳng bao lâu, Catarina Alêxanđria trở thành Kitô hữu.
Thánh nữ Catarina Alêxanđria được 18 tuổi khi hoàng đế Maxentiô bắt đầu bách hại các Kitô hữu. Rất mực can đảm, thánh nữ đáng yêu này đã đến nói cho nhà vua biết về sự độc ác của ông. Khi ông vua này bàn về các tà thần, Catarina đã minh nhiên chỉ cho ông thấy các thần ấy là giả tạo. Maxentiô không thể lý giải được các vấn nạn của Catarina; và vì thế, ông đã triệu vời 50 triết gia ngoại giáo hảo hạng nhất đến để đối phó với Catarina. Một lần nữa, Catarina lại làm sáng tỏ chân lý của đạo Công giáo. Tất cả 50 triết gia này đều phải công nhận rằng Catarina có lý. Hết sức tức giận, Maxentiô đã cho lính giết chết từng người trong họ. Sau đó, ông cố gắng chinh phục Catarina bằng cách tặng cho thánh nữ chiếc vương miện hoàng hậu. Khi biết Catarina Alêxanđria nhất mực từ chối, ông liền sai quân lính đánh đòn và tống giam Catarina vào ngục.
Đang lúc Maxentiô cắm trại ở nơi xa, vợ ông và một viên sĩ quan đã tò mò đến nghe cô bé Kitô hữu lạ lùng này thuyết giảng. Họ đã tới bên phòng giam của Catarina Alêxanđria. Kết quả là họ cùng 200 lính canh khác đã được ơn trở lại. Vì chuyện này, hết thảy cả bọn đã bị Maxentiô lên án tử. Bản thân Catarina thì bị đặt trên một bánh xe đầy đinh nhọn để chịu hành hình. Thế nhưng khi bánh xe bắt đầu quay, thì lạ lùng thay, nó cứ bị bật ra. Sau cùng, Catarina Alêxanđria bị trảm quyết. Thánh nữ được tôn tặng danh hiệu là thánh bổn mạng của các triết gia Công giáo.
Thánh nữ Catarina Alêxanđria đã trân quý vẻ đẹp của niềm tin Kitô giáo. Đó là lý do thánh nữ có thể thuyết phục cách hiệu quả những người khác tôn giáo cùng tin theo đạo. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ Catarina Alêxanđria giúp chúng ta tăng triển lòng yêu mến đối với các chân lý đức tin như ngài.
Ngày 26 tháng 11
Chân phước Giacôbê Alberiôn
Chân phước Giacôbê Alberiôn sinh ngày mùng 4 tháng Tư năm 1884 tại miền Bắc nước Ý. Ngài là con thứ năm trong gia đình làm nghề nông vất vả. Giacôbê lớn lên trong bầu khí Kitô giáo đạo hạnh, nơi đức tin không những được dạy mà còn được sống một cách cụ thể. Một ngày kia tại trường học, lúc Giacôbê lên 6, cô giáo của Giacôbê đã hỏi các học sinh của mình rằng muốn làm gì khi trưởng thành. Và tới lượt Giacôbê Alberiôn. Sau khi suy nghĩ một lát, ngài tuyên bố: “Thưa cô, em sẽ làm một linh mục!”
Lên 16 tuổi, Giacôbê Alberiôn gia nhập chủng viện Alba. Giacôbê đi tới đó với thân phụ ngài trên một chiếc xe bò. Có vài chủng sinh đã cười nhạo và nói: “Ê, cậu ấy tới đây học với bò kìa!” Nhưng Giacôbê Alberiôn, với trí thông minh lanh lẹ và vui đùa, đã trả lời họ rằng: “Ồ, miễn là con bò không gặm sách vở của tôi là được!”
Trong đêm 31 tháng Mười Hai năm 1900, một đêm chia tay với thế kỷ thứ 19 để bước sang thế kỷ thứ 20, Giacôbê Alberiôn đã nhận được một ơn gọi rõ rệt. Sau thánh lễ nửa đêm, các chủng sinh được tự do lưu lại trong nhà thờ bao lâu tùy thích. Mình Thánh Chúa được đặt cách trọng thể; và Giacôbê Alberiôn đã ở lại cầu nguyện suốt bốn giờ đồng hồ. Trong thời gian ấy, Giacôbê nhận được một ánh sáng đặc biệt nơi bí tích Thánh Thể. Giacôbê Alberiôn nghe thấy Đức Chúa Giêsu mời gọi mọi người hãy đến với Chúa và tất cả mọi người trong thế kỷ mới này đều đến với Đức Chúa Giêsu.
Rồi, Giacôbê Alberiôn được thụ phong linh mục ngày 29 tháng Sáu năm 1907. Và ngài đã dành trọn con tim cho sứ vụ linh mục. Giacôbê là cha linh hướng của chủng viện Alba. Ngài là giáo sư dạy môn sử học và là một giảng viên giáo lý. Năm 1913, Giacôbê Alberiôn cũng được mời làm giám đốc nhà xuất bản tờ tuần báo của giáo phận. Trong khi thực hiện tất cả những công việc này, Giacôbê cầu nguyện và chờ đợi Thiên Chúa sẽ dẫn dắt ngài trong sứ vụ đặc biệt phục vụ Giáo hội. Giacôbê Alberiôn nhận thấy rằng ngài đang được mời gọi để thiết lập một cộng đoàn tu trì với sứ mạng rao truyền lời Chúa bằng việc sử dụng các công nghệ hiện đại, nhất là qua việc xuất bản.
Giấc mơ của cha Giacôbê Alberiôn lúc đầu nhỏ bé như hạt cải, chỉ với sự giúp đỡ của vài cậu nhỏ đang học cách in ấn trong căn nhà thuê mướn. Nhưng thời gian cũng như lòng tin và lời cầu nguyện đã làm cho hạt giống này trở nên một cây to. Các tu sĩ và linh mục cũng như các nữ tu dòng thánh Phaolô không ngừng phát triển về nhân sự, trong nước cũng như ngoài nước. Họ dùng những kỹ thuật hiện đại để đem Tin mừng đến cho lớp người hiện đại như việc xuất bản, các chương trình truyền thanh, truyền hình… Và khi công nghệ mới được phát minh, họ liền sử dụng nó để phục vụ Chúa Kitô và Giáo hội của Người.
Khi hai hội dòng nam và nữ vừa được thành hình, cha Giacôbê Alberiôn lại thiết lập thêm mười cộng đoàn tu trì và nhiều tu hội đời khác nữa, tất cả làm thành đại gia đình Phaolô. Alberiôn trở thành cha linh hướng của hết thảy con cái mình, cả nam lẫn nữ, trao truyền cho họ niềm tín thác tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa và tận tình đối với Thánh Thể, với lời Chúa, với Giáo hội và với sứ vụ tông đồ qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Lúc Công đồng chung Vaticanô II được khai mở năm 1962, cha Giacôbê Alberiôn là một trong số các bề trên tổng quyền được mời tới tham dự. Từ ngày 11 tháng Mười năm 1962 đến ngày mùng 8 tháng Mười Hai năm 1965, cha Giacôbê Alberiôn đã tham dự tất cả các cuộc họp của Công đồng. Cha ngồi thinh lặng, hầu như bất động, lắng nghe và cầu nguyện. Cha đặc biệt quan tâm đến văn kiện về các phương tiện truyền thông đại chúng, được các nghị phụ Công đồng thảo luận. Đó là một sự xác nhận về công việc mà cha Giacôbê Alberiôn và gia đình Phaolô của ngài đã thực hiện trong Giáo hội suốt 50 năm qua.
Khi cha Giacôbê Alberiôn cao tuổi, công việc cũng như năng lực của ngài vẫn tiếp tục làm cho những người quen biết ngài phải ngạc nhiên. Ấn tượng nhất là cha phải đau khổ vì căn bệnh viêm khớp xương cấp tính hành hạ. Chỉ khi bước sang tuổi 80, người ta mới nhận thấy cha Alberiôn chậm dần và suy giảm nhanh chóng. Vì bị buộc phải bỏ bớt công việc, cha lại dành nhiều thời giờ và năng lực cho việc cầu nguyện, mà cha gọi là “làm việc bằng đầu gối.” Ngay cả khi không thể đọc sách được nữa, cha Alberiôn vẫn tiếp tục cầu nguyện bằng kinh Mân Côi.
Từ ngày 24 đến ngày 26 tháng Mười Một năm 1971, cha Giacôbê Alberiôn đã phải đau đớn vì căn bệnh cuối cùng, viêm phổi và nghẽn thận. Ngài rơi vào cơn hôn mê và không còn biết gì khi đức thánh cha Phaolô VI thình lình ghé thăm ngài. Đức thánh cha đã bày tỏ niềm kính trọng và biết ơn sâu xa đến cha Giacôbê Alberiôn và hết thảy mọi việc mà suốt cuộc đời cha đã thực hiện cho Giáo hội và cho cả thế giới. Khoảng nửa giờ sau chuyến viếng thăm của đức thánh cha, cha Giacôbê Alberiôn về trời. Cha được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc chân phước ngày 27 tháng Tư năm 2002.
Chân phước Giacôbê Alberiôn đã hiểu được giá trị của công nghệ tân tiến khi biết sử dụng đúng mức. Chúng ta có dùng các phương tiện truyền thông đại chúng để mở mang trí tuệ với những điều tốt đẹp và hữu ích không? Chúng ta có xa tránh những phương tiện nguy hại không?
Ngày 27 tháng 11
Thánh Gioan Bécmăng
Vị thánh người Bỉ này có lần đã nói: “Nếu tôi không nên thánh lúc còn trẻ, thì tôi sẽ chẳng bao giờ nên thánh!” Thực ra, thánh nhân đã về trời khi tuổi đời chỉ mới 22 cái xuân xanh; và chắc chắn Gioan Bécmăng đã đạt tới đỉnh cao của sự thánh thiện.
Gioan Bécmăng sinh năm 1599. Lúc còn nhỏ, ngài đã luôn ở bên thân mẫu đau bệnh của ngài. Tuy vậy, Gioan cũng thích chơi trò diễn lại các vở kịch Kinh Thánh với các bạn đồng lứa. Gioan Bécmăng đặc biệt xuất sắc trong vở diễn tiên tri Đanien bảo vệ bà Susanna vô tội. Năm lên 13 tuổi, Gioan Bécmăng muốn học làm linh mục. Tuy nhiên, thân phụ ngài, làm nghề đóng giày, lại cần sức lao động của Gioan để giúp đỡ gia đình. Nhưng cuối cùng, ông Bécmăng cũng quyết định để Gioan vào giúp việc nhà cho một linh mục. Từ đó, Gioan Bécmăng có thể tham gia các lớp học ở chủng viện.
Ba năm sau, Gioan Bécmăng gia nhập dòng Tên. Thánh nhân đã cầu nguyện, học hành chăm chỉ và nhiệt thành thực tập các vai diễn trong các vở kịch đạo đức. Gioan Bécmăng làm một khẩu hiệu: “Rất cẩn thận trong các việc nhỏ mọn!” Và thánh nhân đã sống trọn vẹn châm ngôn này. Thánh Gioan Bécmăng chưa bao giờ làm được bất cứ việc gì cao cả và anh hùng, nhưng thánh nhân đã làm mỗi việc một cách tốt đẹp, từ việc phục vụ bàn ăn cho tới việc ghi chép trong lớp.
Khi Gioan Bécmăng bị bệnh, chẳng bác sĩ nào có thể đoán biết được căn bệnh của ngài. Tuy nhiên, Gioan biết mình sắp sửa lìa đời; và ngài luôn luôn tỏ ra rất vui. Lúc bác sĩ đòi phải lau rửa cái trán của Gioan Bécmăng bằng rượu, thánh nhân đã cười đùa: “Mong sao cơn bệnh đắt tiền này sẽ không kéo dài!”
Gioan Bécmăng về trời năm 1621. Nhiều phép lạ đã xảy ra tại đám tang của ngài. Ngay lập tức, người ta bắt đầu gọi Gioan Bécmăng là thánh. Gioan Bécmăng được đức thánh cha Lêô XIII tôn phong hiển thánh năm 1888.
Vị thánh này là gương mẫu cho tất cả các bạn trẻ noi theo. Thánh nhân là một người con ngoan, một học trò chăm chỉ và là một Kitô hữu rất mực đạo hạnh. Gioan Bécmăng đã làm việc cần mẫn để nên thánh. Ngài đã cầu nguyện, nhất là cầu nguyện với Đức Mẹ Maria. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện với Mẹ Maria và xin Đức Mẹ chỉ cho chúng ta biết cách sống vui tươi và có ích trong đời sống hằng ngày.
Ngày 28 tháng 11
Thánh Catarina Labôrê
Zôê Labôrê, sinh năm 1806, là con gái của một gia đình nông dân người Pháp. Thân mẫu của Zôê qua đời khi thánh nữ còn rất nhỏ. Zôê phải điều hành các việc trong gia đình khi người chị gái của Zôê đi tu. Vì lý do này, Zôê là người duy nhất trong gia đình không được đi học. Zôê không biết đọc cũng chẳng biết viết!
Zôê cũng thích được sống trong dòng khi mới tuổi hoa niên. Tuy nhiên, vì gia đình cần người giúp việc nhà nên Zôê đã phải chờ đợi cho tới khi lên 24. Rồi Zôê xin gia nhập dòng Nữ Tử Bác Ái của thánh Vinhsơn Phaolô, và nhận tên là Catarina. Sau khi khấn dòng ít lâu, sơ Catarina nhận được một đặc ân. Một đêm kia, lúc đang ngủ, Catarina bị đánh thức dậy. Một “hài nhi sáng láng” đã dẫn Catarina Labôrê vào trong nguyện đường của nhà dòng. Ở đó, Đức Mẹ đã tiến đến gặp gỡ và nói truyện với Catarina. Đức Mẹ, trong một thị kiến khác, đã tỏ mình đứng trên một quả địa cầu với các nguồn sáng tỏa ra từ đôi tay của Mẹ. Bên dưới có dòng chữ: “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con là kẻ kêu cầu Người!” Đức Mẹ bảo sơ Catarina Labôrê làm một tấm ảnh họa lại bức ảnh vừa rồi. Đức Mẹ cũng nói rằng bất cứ ai đeo tấm ảnh này đều sẽ nhận được nhiều ơn lành từ Chúa Giêsu qua lời bầu cử của Đức Mẹ.
Sơ Catarina Labôrê thuật lại sự việc cho cha giải tội nghe và vị này đã trình lên đức giám mục. Vì thế, tấm ảnh, mà chúng ta vẫn gọi là Ảnh Phép Lạ, đã được đặt làm. Chẳng bao lâu, rất nhiều người trên khắp thế giới đã đeo tấm ảnh này. Tuy vậy, không một ai trong tu viện đã biết rằng sơ Catarina Labôrê khiêm tốn chính là người đã được Đức Mẹ hiện ra. Sơ đã sống 45 năm còn lại phục vụ những công việc thật bình thường trong tu viện. Sơ giữ cổng. Sơ nuôi gà để cung cấp trứng ăn cho các chị em. Sơ cũng trông coi người cao tuổi và những người đau ốm. Catarina vui sướng giữ kín đặc ân của mình; sơ chỉ quan tâm đến việc phục vụ Thiên Chúa cách chu đáo hết sức có thể. Catarina Labôrê về trời năm 1876. Đến năm 1947, đức thánh cha Piô XII đã tôn phong sơ Catarina Labôrê lên bậc hiển thánh.
Chúng ta hãy mang Ảnh Phép Lạ và hãy năng lặp lại lời nguyện: “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Tội, xin cầu cho chúng con là kẻ tin tưởng kêu cầu Người!”
Ngày 29 tháng 11
Thánh Phanxicô Antôn Fasani
Vị thánh sinh năm 1681 này hồi nhỏ có biệt danh là Johnny. Ngài là con trai của một gia đình nông dân người Ý. Thân phụ Johnny qua đời lúc ngài sắp lên 10. Người chồng kế của thân mẫu Johnny đã đối xử rất tốt với ngài. Ông đã gởi Johnny đến trường học của các cha dòng thánh Phanxicô.
Khi lên 15 tuổi, Johnny xin được gia nhập hội dòng. Ngài lấy tên là thầy Phanxicô Antôn. Phanxicô Antôn học rất giỏi tất cả các môn học; và sau đó, Phanxicô Antôn trở thành linh mục. Cha Phanxicô Antôn là một giáo sư và là một nhà giảng thuyết danh tiếng. Ngài cũng được chọn làm bề trên của hội dòng. Phanxicô Antôn đã cố gắng hết mình để yêu thương mọi anh em tu sĩ.
Cha Phanxicô Antôn Fasani quan tâm đặc biệt đến việc giúp đỡ các tù nhân. Các nhà tù lúc ấy thật kinh khủng! Cha Phanxicô Antôn đã dùng mọi cách để giúp các tù nhân đáng thương. Lòng bác ái của cha Phanxicô Antôn cũng vươn tới những người nghèo khổ. Chính cha đã khởi sự thói lệ gom góp quà bánh trong mùa giáng sinh để biếu tặng các gia đình nghèo. Tại Luxêra, thành phố mà cha Phanxicô Antôn sinh sống, người ta đã nói rằng: “Nếu bạn muốn xem thấy thánh Phanxicô Assisi, bạn hãy xem cha Phanxicô Antôn Fasani!”
Cha Phanxicô Antôn Fasani có một lòng yêu mến Đức Maria rất đỗi nồng nàn. Cha muốn bày tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt trong ngày lễ Đức Mẹ truyền tin. Chính lúc khởi đầu tuần cửu nhật kính Đức Mẹ, cha Phanxicô Antôn Fasani đã qua đời. Trước đó ít lâu, lúc còn mạnh khỏe, cha nói rằng cha sắp sửa được về với Chúa. Cha Phanxicô Antôn Fasani đã kể truyện này với một linh mục bạn rất thân. Vị linh mục tốt lành này đã đáp lại bằng một giọng hứng khởi: “Nghe đây, thưa cha, nếu cha muốn chết thì đó là việc của cha. Phần con, con chưa muốn đâu!” Vị thánh liền trả lời: “Chúng ta phải cùng nhau thực hiện cuộc hành trình này chứ! Con đi trước, cha đi sau!” Và mọi sự đã xảy ra đúng như vậy. Linh mục bạn chỉ sống thêm hai tháng sau khi cha Phanxicô Antôn Fasani về lãnh nhận phần thưởng đời đời. Cha Phanxicô Antôn Fasani qua đời năm 1742. Ngài được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1986.
Các thánh không hề sợ chết vì các ngài có một niềm tin vào nước trời cách sống động. Thiên đàng là một nơi ở đích thực, nơi đó chúng ta sẽ được vui hưởng hạnh phúc đời đời bên Thiên Chúa. Chúng ta hãy nài xin thánh Phanxicô Antôn Fasani chỉ cho chúng ta biết cách làm cho mỗi ngày sống trở thành một sự chuẩn bị cho nước trời.
Ngày 30 tháng 11
Thánh Anrê
Cũng như anh trai mình là thánh Simon Phêrô, thánh Anrê làm nghề đánh cá. Ngài là môn đệ của thánh Gioan tẩy giả. Tuy nhiên, khi Gioan giơ tay chỉ về phía Đức Chúa Giêsu và nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa,” Anrê đã lập tức rời bỏ Gioan tẩy giả mà đi theo Thầy Chí Thánh. Chúa Giêsu biết Anrê đang bước theo mình thì quay lại hỏi: “Anh tìm gì thế?” Anrê trả lời rằng mình muốn biết nơi ở của Đức Chúa Giêsu. Và Đức Chúa Giêsu trả lời: “Hãy đến và xem!” Anrê đã lưu lại với Chúa Giêsu một thời gian khi ngài nhận ra đây đích thực là Đấng Mêsia (x. Ga 1,35-39). Từ lúc ấy, Anrê quyết định bước theo Chúa Giêsu. Và ngài đã trở thành môn đệ đầu tiên của Đức Chúa Giêsu.
Sau đó, thánh Anrê đem anh mình là Simon (thánh Phêrô) đến với Chúa Giêsu. Đức Chúa Giêsu cũng nhận Simon làm môn đệ của Người. Đầu tiên, hai anh em vẫn tiếp tục nghề đánh cá và phụ giúp gia đình. Sau đó, Chúa Giêsu mời gọi họ bỏ luôn lối sống cũ để trở nên môn đệ “toàn phần” của Người. Chúa Giêsu hứa làm cho họ trở thành những ngư phủ đi lưới người ta, và lần này hai anh em đã bỏ chài lưới của mình luôn. Người ta tin rằng sau khi Đức Chúa Giêsu lên trời, thánh Anrê đã đến rao giảng Tin mừng tại Hy Lạp. Người ta cũng nói rằng thánh nhân đã bị giết chết trên một cây thập giá hình chữ X, chỉ bị trói chặt chứ không bị đóng đinh. Anrê sống hai ngày trong tình trạng đau khổ như thế. Thánh nhân vẫn tìm được đủ nghị lực để rao giảng cho những người đến tập trung quanh vị tông đồ dấu yêu của họ.
Hai quốc gia đã chọn thánh Anrê tông đồ làm thánh bổn mạng, đó là nước Nga Sô và xứ Scốtlen.
Khi thánh Anrê tông đồ trông thấy cây thập giá mà ngài sắp phải chịu chết trên ấy, thánh nhân đã kêu lên: “Ôi thập giá tốt lành! Thập giá đã trở nên xinh đẹp nhờ Thân Xác Chúa Kitô!” Chúng ta hãy cầu xin thánh Anrê giúp chúng ta biết nhận ra thập giá riêng của mỗi người chúng ta. Thánh nhân sẽ củng cố nghị lực cho chúng ta để chấp nhận thập giá ấy cách quảng đại.
Tháng 12
Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ
Ngày 01: Thánh Edmund Campiôn
Ngày 02: Thánh Bibiana
Ngày 03: Thánh Phanxicô Xaviê
Ngày 04: Thánh Gioan Đamas
Ngày 05: Thánh Sabas
Ngày 06: Thánh Nicôla
Ngày 07: Thánh Ambrôsiô
Ngày 08: Lễ Đức Mẹ vô nhiễm
Ngày 09: Thánh Juan Điêgô
Ngày 10: Thánh Gioan Rôbertô
Ngày 11: Thánh Đamasô I
Ngày 12: Thánh Đức Mẹ Guađalup
Ngày 13: Thánh Luxia
Ngày 14: Thánh Gioan Thánh Giá
Ngày 15: Thánh Maria Rôsa
Ngày 16: Thánh Ađêlaiđê
Ngày 17: Thánh Ôlympia
Ngày 18: Chân phước Anna Rôsa Gattônô
Ngày 19: Chân phước Urbanô V
Ngày 20: Thánh Đa Minh Silô
Ngày 21: Thánh Phêrô Canisiô
Ngày 22: Thánh Marguarit Youville
Ngày 23: Thánh Gioan Kanty
Ngày 24: Thánh Phêrô Nôlascô
Ngày 25: Lễ Nôen, sinh nhật Đức Chúa Giêsu
Ngày 26: Thánh Têphanô
Ngày 27: Thánh Gioan tông đồ
Ngày 28: Các thánh anh hài tử đạo
Ngày 29: Thánh Tôma Bécket
Ngày 30: Chân phước Vinhsơn Vila Đavít
Ngày 31: Thánh Sylveste I
Ngày 1 tháng 12
Thánh Edmund Campiôn
Thánh Edmund Campiôn sống vào thế kỷ thứ 16. Vì có gốc Công giáo nên thánh nhân được nhận một học bổng của trường đại học thánh Gioan ở Oxford. Edmund là một sinh viên trẻ rất xuất sắc và nổi tiếng. Thực ra, Edmund Campiôn đã được chọn để đọc bài diễn văn chào đón nữ hoàng Êlizabeth khi bà đến viếng thăm trường đại học. Nhóm sinh viên, vì bị lôi cuốn bởi bản tính vui vẻ và đa tài của Edmund Campiôn, đã chọn ngài làm lãnh đạo của họ. Ngay cả nữ hoàng và các vị bộ trưởng của bà cũng ngưỡng mộ chàng thanh niên hoạt bát này. Edmund Campiôn lãnh chức phó tế bên Anh giáo năm 1564.
Thế nhưng, chẳng bao lâu, Edmund Campiôn đã có những ngờ vực về giáo thuyết của giáo phái Thệ phản này. Edmund Campiôn liền tới Ai Len để học thêm. Bị thuyết phục bởi tính xác thực của Giáo hội Công giáo, Edmund tưởng như đã trở lại với Công giáo. Lúc bấy giờ, xảy ra một cuộc bách hại các Kitô hữu ở Anh quốc. Edmund Campiôn biết rằng mình sẽ thất sủng với nữ hoàng và mọi cơ hội thăng tiến bản thân sẽ bị bỏ lỡ nếu trở thành Kitô hữu. Chàng thanh niên đã cầu nguyện và quyết định. Edmund phải trở thành Kitô hữu với bất cứ giá nào!
Sau khi trốn khỏi Anh quốc, Edmund Campiôn học làm linh mục. Rồi ngài gia nhập dòng Tên. Khi đức thánh cha quyết định sai một số tu sĩ dòng Tên sang truyền giáo tại Anh quốc, cha Edmund Campiôn là một trong các linh mục đầu tiên đã ra đi. Đêm hôm trước ngày cha Campiôn lên đường, một linh mục bạn đã viết dòng chữ này trên ngưỡng cửa của căn phòng ngài: “Edmund Campiôn, thánh tử đạo!” Cho dù nhận biết nhiều nguy hiểm đang chờ mình phía trước, vị linh mục thánh thiện này vẫn khởi hành cách vui tươi. Thực ra, chính cha Edmund đã rất tức cười vì ngài phải ngụy trang thành một thương gia buôn bán nữ trang.
Tại nước Anh, thánh Edmund Campiôn đã thuyết giảng rất thành công cho các Kitô hữu bí mật tới nghe ngài. Và các gián điệp của nữ hoàng thì được cài đặt khắp nơi để truy nã Edmund Campiôn. Cha viết: “Tôi không thoát khỏi bàn tay của họ lâu nữa đâu! Thỉnh thoảng tôi lại đọc hàng chữ: ‘Campiôn đã bị bắt!’” Cuối cùng, một kẻ phản bội cũng đã làm cho cha Edmund Campiôn bị bắt giữ. Thánh nhân bị giam trong tháp đài Luânđôn, nơi thánh nhân được thăm bởi những quan chức trước đây đã có lần rất ái mộ ngài. Hình như cả nữ hoàng cũng đã tới thăm Edmund. Thế nhưng không một lời đe dọa hay hứa hẹn nào của họ đã làm cho Edmund Campiôn từ bỏ đức tin Công giáo, cũng như chẳng một hình khổ nào có thể làm cho thánh nhân bị lung lạc. Dù chịu rất nhiều đau đớn, Edmund Campiôn vẫn tìm cách tự bảo vệ mình và các linh mục bạn bằng một kiểu nói dí dỏm tuyệt vời không ai có thể bắt bẻ.
Tuy nhiên, các kẻ thù của Giáo hội đã lên án Edmund Campiôn bằng mọi cách. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, cha Edmund Campiôn đã tha thứ cho kẻ bắt nộp ngài. Thậm chí thánh nhân đã giúp ông cứu lấy mạng sống của ông nữa. Thánh Edmund Campiôn qua đời năm 1581, lúc được 41 tuổi. Đến năm 1970, đức thánh cha Phaolô VI đã tôn phong Edmund Campiôn làm một trong bốn mươi vị thánh tử đạo tại Anh quốc và xứ Wales.
Thánh Edmund Campiôn đã nghiên cứu đức tin, đã bị thuyết phục sâu xa bởi tính chân thực của đức tin và đã anh dũng làm chứng cho đức tin ấy. Như ngài, chúng ta cũng hãy tìm hiểu đức tin của mình ngày một sâu hơn. Chúng ta hãy nài xin thánh Edmund Campiôn ban cho những ơn cần thiết để chúng ta cũng sống chân thực với những giá trị và niềm tin của mình.
Ngày 2 tháng 12
Thánh Bibiana
Thân phụ của thánh nữ Bibiana, ông Flavianô, là một mẫu người lý tưởng của thành Rôma thời Giáo hội sơ khai. Flavianô và người vợ của ông nổi tiếng là những Kitô hữu nhiệt thành. Khi hoàng đế Julianô chối bỏ đức tin Công giáo, ông liền bắt bớ các Kitô hữu. Và khi đó, Flavianô bị bắt. Flavianô bị trát lên mặt với một thỏi sắt nung đỏ; và sau đó ông bị trục xuất khỏi thành phố.
Sau khi ông Flavianô qua đời, vợ ông, bà Đafrôsa, một Kitô hữu ngoan đạo, cũng bị quản chế tại nhà riêng của bà. Rồi bà cũng bị lên án tử. Sống một mình với người chị gái Đêmêtria, Bibiana cố gắng hết sức để tin vào Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Những gì Bibiana có thì đều đã bị lấy đi! Rồi cả hai chị em cũng lần lượt bị đưa ra tòa. Chị Đêmêtria tội nghiệp đã hoảng sợ đến nỗi suýt chết dưới chân một vị quan tòa. Phần Bibiana, thánh nữ bị trao cho một đàn bà tội lỗi để bà làm cho cô bé ra xấu xa như bà. Bà đã dùng những lời đường mật và cả những mánh khóe tinh ranh để làm cho Bibiana phạm tội nghịch đức trinh khiết. Tuy nhiên, bà đã không thể lay chuyển được thánh nữ. Bibiana lại bị dẫn về tòa và bị đánh đòn. Tuy vậy, thánh nữ Bibiana đã giữ vững đức tin và sự trinh khiết cách quả cảm hơn bao giờ hết.
Thánh nữ Bibiana bị đánh chết bằng roi chì. Một linh mục đã chôn xác thánh nữ ban đêm bên cạnh thân mẫu và người chị gái của ngài.
Đôi khi chúng ta không hiểu được lý do tại sao người tốt lại phải chịu đau khổ, còn người xấu thì dường như lại tránh được nó. Khi cảm thấy ngờ vực hoặc bực tức về chuyện này, chúng ta hãy nài xin thánh nữ Bibiana giúp đỡ. Từ trời cao, nơi Bibiana đang hoan hưởng phần thưởng dành cho lòng trung tín của mình, thánh nữ sẽ giúp chúng ta nhận biết rằng công bằng không luôn luôn tồn tại trên thế gian này, mà chỉ có được ở đời sau.
Ngày 3 tháng 12
Thánh Phanxicô Xaviê
Nhà truyền giáo vĩ đại này sinh năm 1506 tại lâu đài Xaviê bên nước Tây Ban Nha. Thánh nhân vào đại học Pari năm lên 18 tuổi. Tại đây, Phanxicô Xaviê đã gặp thánh Inhaxiô Lôyôla, lúc ấy sắp thiết lập dòng Tên. Thánh Inhaxiô Lôyôla đã cố gắng làm cho Phanxicô tham gia với mình. Thoạt tiên, chàng thanh niên vô tư này không suy nghĩ gì đến việc ấy. Nhưng thánh Inhaxiô đã lặp lại nhiều lần cho Phanxicô nghe những lời của Đức Chúa Giêsu trong sách Tin mừng: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn thì nào được ích gì?” Sau cùng, Phanxicô Xaviê nhận thức rõ ràng nơi nương náu của ngài trong cuộc sống tại thế này phải là mái nhà của các cha dòng Tên.
Khi Phanxicô Xaviê được 34 tuổi, thánh Inhaxiô sai ngài đi truyền giáo tại vùng Đông Ấn. Vua nước Bồ Đào Nha đã tặng cho Phanxicô các thứ quà cáp kèm theo một người đầy tớ để tháp tùng ngài. Nhưng Phanxicô Xaviê đã từ chối tấm lòng tốt của nhà vua và giải thích: “Cách tốt nhất để đạt được chân giá trị là giũ bỏ cả áo quần của mình và sống cuộc đời khó nghèo.” Trong suốt chuyến mục vụ lạ lùng ở Goa, Ấn Độ, Nhật Bản và các miền đất khác bên Đông phương, thánh Phanxicô Xaviê đã thâu nạp được hàng ngàn người trở lại Công giáo. Thực vậy, Phanxicô Xaviê đã rửa tội cho quá nhiều người đến nỗi thánh nhân không thể nhấc nổi hai cánh tay của ngài lên được nữa. Thánh Phanxicô Xaviê tập trung các trẻ em lại bên ngài và dạy cho chúng học biết đức tin Công giáo. Sau đó, thánh nhân mời gọi chúng hãy truyền bá điều chúng đã học biết. Chẳng có gì phải làm mà thánh Phanxicô Xaviê đã không làm để giúp đỡ người ta. Lần kia, thánh nhân phải diện đối diện với một băng cướp mà chẳng có vũ khí gì, ngoại trừ tượng Chịu Nạn. Kết cục, họ đã bỏ đi và không tấn công các bộ tộc Công giáo nữa. Vị thánh cũng hoán cải nhiều Kitô hữu có đời sống trắc nết. “Khí cụ” duy nhất của Phanxicô Xaviê là thái độ hiền lành, cung cách lịch sự và những lời cầu nguyện.
Trong các hành trình gian khổ và lao nhọc vất vả, thánh Phanxicô Xaviê được Thiên Chúa ban cho dư tràn những niềm vui đặc biệt. Thánh nhân mong ước được đến Trung Hoa, nơi không một khách ngoại kiều nào được phép đặt chân đến. Sau cùng, thánh Phanxicô Xaviê cũng sắp xếp được, nhưng nhà truyền giáo vĩ đại của chúng ta lại bị bệnh. Thánh Phanxicô Xaviê qua đời hầu như cô độc trên một hòn đảo bên ngoài hải phận Trung Hoa năm 1552. Lúc ấy, ngài vừa tròn 46 tuổi. Phanxicô Xaviê được đức thánh cha Grêgôriô XV tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1622. Ngài là một trong số năm vị được phong thánh ngày hôm ấy. Đó là thánh Inhaxiô Lôyôla, thánh nữ Têrêsa Avila, thánh Philipphê Nêri và thánh Isiđôrô Nông Gia.
Chúng ta hãy nài xin thánh Phanxicô Xaviê giúp chúng ta hiểu biết và yêu mến công việc truyền giáo. Vẫn còn có rất nhiều người đang chờ đợi sứ điệp Tin mừng; và họ cần những nhà truyền giáo có tấm lòng quảng đại ra đi loan báo Tin mừng ấy. Chúng ta hãy cầu nguyện cùng thánh Phanxicô Xaviê và xin ngài gởi thêm nhiều nhà truyền giáo thánh thiện hơn nữa đến với những người vẫn còn mong đợi sứ điệp Tin mừng.
Ngày 4 tháng 12
Thánh Gioan Đamas
Thánh Gioan Đamas sống vào cuối thế kỷ thứ 7 đầu thế kỷ thứ 8. Thánh nhân sinh tại thành phố Đamas trong một gia đình Công giáo tốt lành. Khi thân phụ qua đời, Gioan trở thành thống đốc cai thành Đamas. Lúc này, hoàng đế ra luật cấm các Kitô hữu không được trưng bày các ảnh tượng của Đức Chúa Giêsu và các thánh. Gioan cùng một số người nữa đã ra sức bảo vệ thói quen thực hành Kitô giáo này. Chính đức thánh cha đã xin Gioan Đamas cứ nói cho dân chúng biết việc trưng bày các ảnh tượng thánh là một điều tốt. Việc ấy giúp chúng ta dễ dàng suy tưởng về Đức Chúa Giêsu, Đức Maria và các thánh. Nhưng hoàng đế nhất quyết không nhượng bộ cả với đức thánh cha. Ông tiếp tục cấm đoán việc trưng bày các ảnh tượng tại các nơi công cộng. Thánh Gioan Đamas đã can đảm viết ba lá thư với nỗ lực giải thích cho hoàng đế nhận hiểu lối thực hành này.
Hoàng đế tức giận đến nỗi ông muốn trả thù. Thấy vậy, Gioan Đamas quyết định từ chức thống đốc. Ngài phân phát tất cả tiền bạc của mình cho những người nghèo khổ và đi tu. Rồi Gioan Đamas tiếp tục viết những cuốn sách tuyệt vời để bảo vệ đức tin Công giáo. Cùng lúc đó, thánh nhân cũng làm hết mọi công việc khiêm tốn trong dòng. Ngày kia, Gioan đi bán thúng mủng trên các đường phố thành Đamas. Nhiều người trước đây quen biết Gioan đã nhạo cười ngài. Chính nơi đây một người đã từng làm tới chức thống đốc vĩ đại của thành phố bây giờ lại đi bán thúng mủng! Nhưng Gioan Đamas biết rằng số tiền kiếm được sẽ đóng góp vào việc chi tiêu chung của tu viện. Thánh nhân nghĩ tưởng về Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, mà lại đã chọn sinh ra trong một chuồng bò hôi tanh! Gioan Đamas cảm thấy mình thật có phúc vì được bắt chước gương khiêm nhường của Đức Chúa Giêsu.
Thánh Gioan Đamas về trời cách an bình năm 749.
Bức tượng Chúa Chịu Nạn treo trên tường cùng với ảnh tượng các thánh trong nhà cũng như các ngôi thánh đường nhắc nhớ chúng ta rằng quê hương vĩnh cửu của chúng ta là thiên đàng. Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan Đamas giúp chúng ta biết sống cách nào để, một ngày nào đó, Đức Chúa Giêsu sẽ chào đón chúng ta vào ngôi nhà vĩnh cửu của Người.
Ngày 5 tháng 12
Thánh Sabas
Thánh Sabas, sinh năm 439, là một trong số các tu sĩ nổi danh nhất ở xứ Palestina. Thân phụ ngài là một sĩ quan quân đội. Khi vị quan chức phải sang Alêxanđria, Hy Lạp, ông đã trao cậu trai bé bỏng của ông cho người em rể trông nom. Và vì người cô đối xử bệ rạc, nên cậu bé Sabas đã phải trốn đi tới nhà một người chú khác. Khi hai người chú của Sabas tranh chấp nhau về tài sản của ngài, Sabas cảm thấy rất choáng váng. Sabas chỉ thích nhìn thấy mọi người sống hòa thuận với nhau mà thôi! Vì thế, Sabas đã bỏ đi và tìm đến sống tại một tu viện. Sau đó, cả hai người chú đều cảm thấy xấu hổ. Họ bảo Sabas hãy trở về và họ sẽ trao lại cho Sabas tất cả gia sản của ngài. Nhưng lúc này, Sabas rất hạnh phúc khi sống trong tu viện. Ngài muốn sống ở đây mãi mãi.
Khi lên 18 tuổi, Sabas trẩy tới Giêrusalem. Ngài muốn học cách sống thân mật với Thiên Chúa. Người ta đã khuyên Sabas nên sống ở một tu viện khác một thời gian vì thánh nhân còn quá trẻ. Sabas nghe theo và vui vẻ làm hết tất cả những việc vất vả. Sabas chặt củi và mang xách những thùng nước lớn. Ngày kia, thánh Sabas được gởi sang Alêxanđria, Ai Cập, đang khi đồng hành cùng với một tu sĩ khác. Tại đó, Sabas đã gặp lại thân phụ và thân mẫu của mình. Họ muốn cho Sabas được hưởng những vinh dự mà thân phụ ngài đang hưởng; nhưng Sabas chỉ quan tâm đến vinh quang có được khi thực thi ý Chúa. Thậm chí Sabas cũng không muốn nhận tiền của song thân. Cuối cùng, Sabas chỉ lấy ba đồng vàng. Sau đó, khi trở lại tu viện, Sabas đã đem tiền nộp cho tu viện trưởng.
Về sau, Sabas đã có thể trải qua bốn năm sống hoàn toàn cô độc như ngài ao ước. Nhưng có quá nhiều môn đệ đã tìm đến với thánh nhân để học cách sống đời tu sĩ đến nỗi Sabas đã phải thiết lập một tu viện mới cho họ. Chẳng bao lâu, Sabas được trao cho trách nhiệm trông coi tất cả các tu sĩ ở xứ Palestina.
Đôi lúc Sabas cũng được sai đến với hoàng đế để bàn thảo những vấn đề quan trọng liên quan tới Giáo hội. Ngay cả những khi ấy, thánh nhân cũng chỉ vận một mảnh vải thô nghèo khó và vẫn giữ đủ các giờ cầu nguyện. Thánh Sabas về trời năm 532.
Thánh Sabas là một người rất say mê cầu nguyện. Thánh nhân đã ra khỏi chính mình để kết hợp với Thiên Chúa. Nếu chúng ta cảm thấy tiếng ồn bên ngoài làm cho lãng trí và bối rối, chúng ta hãy dâng một lời cầu xin lên thánh Sabas. Thánh nhân sẽ giúp chúng ta lấy lại sự bình an để có thể lắng nghe được tiếng Chúa.
Ngày 6 tháng 12
Thánh Nicôla
Nicôla là vị thánh bổn mạng vĩ đại của các trẻ em và của việc tặng quà giáng sinh. Thánh nhân sống vào thế kỷ thứ 4. Tên ông già Nôel là một hình thức của người dân Hà Lan để gọi tên thánh Nicôla. Vị thánh nổi tiếng này sinh ở Tiểu Á, ngày nay là nước Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi song thân qua đời, thánh Nicôla đã dâng hiến tất cả tiền bạc để giúp việc từ thiện.
Lần kia, có một người nghèo nọ sắp sửa bỏ rơi những đứa con gái của mình trong đời sống tội lỗi chỉ vì ông không có đủ tiền để làm đám cưới cho chúng. Thánh Nicôla nghe biết vấn đề của ông. Ban đêm Nicôla tới nhà của ông và ném một túi vàng nhỏ vào qua cửa sổ. Phần này dành cho cô gái cả! Thánh nhân đã làm y như thế cho cô gái thứ hai. Người cha biết ơn đã rình xem ai mà lại quá tốt bụng với họ như thế! Khi thánh Nicôla đến lần thứ ba, thì ông đã nhận ra ngài. Và người cha đã rất biết ơn Nicôla.
Sau đó, thánh Nicôla làm giám mục. Ngài rất yêu mến sự công bằng. Người ta nói rằng lần kia thánh Nicôla đã cứu ba người đàn ông vô tội thoát khỏi cái chết. Lúc ấy, thánh nhân quay sang nhìn kẻ buộc tội. Ngài đã làm cho anh ta phải thú nhận rằng anh ta đã được tặng một số tiền để hãm hại ba người này.
Thánh Nicôla qua đời tại Myra. Người ta đã xây cất một ngôi đền ngay trên phần mộ của ngài. Nhiều thánh đường đã được cung hiến mang danh thánh Nicôla. Khi người ta mang các thánh tích của Nicôla tới Bari, nước Ý, thành phố này liền hóa nên một đền thờ nổi tiếng cho các khách hành hương từ khắp Âu châu đến kính viếng. Nicôla là thánh bổn mạng của các thủy thủ, tù nhân và của các em thiếu nhi. Cùng với thánh Anrê, thánh Nicôla cũng được nhận là thánh bổn mạng của nước Nga.
Chúng ta hãy học nơi thánh Nicôla cách sống bằng quả tim quảng đại và yêu mến. Thánh nhân đã ra khỏi chính mình để giúp ích cho tha nhân. Thánh Nicôla sẽ dạy chúng ta sống như vậy nếu chúng ta thành tâm cầu xin ngài.
Ngày 7 tháng 12
Thánh Ambrôsiô
Thánh Ambrôsiô sinh khoảng năm 340 tại nước Đức. Ngài là con trai của một quận trưởng gốc người Rôma trông coi thành Gaul. Khi thân phụ qua đời, thân mẫu của Ambrôsiô đã đem cả gia đình về lại Rôma. Bà và người con gái, là thánh nữ Marxêlina, đã nuôi Ambrôsiô khôn lớn. Sau đó thánh nhân trở thành một luật sư tại quê nhà. Rồi Ambrôsiô được đặt làm thống đốc thành Milan và cả địa hạt xung quanh đó. Nhưng, do một biến cố lạ lùng, Ambrôsiô thống đốc đã trở thành Ambrôsiô giám mục. Trong những ngày đó, dân chúng thường có thói quen đề cử một người họ muốn đặt làm giám mục. Vậy dân thành Milan đã chọn Ambrôsiô trước sự ngạc nhiên vô cùng của ngài. Ambrôsiô đã cố gắng từ chối, nhưng dường như ý Chúa lại muốn như vậy. Do đó, Ambrôsiô đã làm linh mục và rồi giám mục của thành Milan.
Ambrôsiô là một khuôn mẫu và là người cha tuyệt vời đối với dân thành Milan. Vì muốn sống xứng đáng với chức vị của mình, Ambrôsiô đã bố thí tất cả mọi thứ ngài có và bắt đầu sống giản dị hơn. Thánh nhân cũng nghiên cứu thần học và Kinh Thánh.
Thánh Ambrôsiô chống lại điều xấu với một lòng can đảm hiếm có. Thánh nhân đương đầu với một đội quân hùng hậu đang thẳng tiến và ngài đã thuyết phục được viên tướng lãnh đạo rút quân về. Lần khác, hoàng đế Thêôđôsiô từ Đông phương tiến quân lên. Ông muốn cứu nước Ý thoát khỏi nạn xâm lăng. Ông đã khuyên các binh sĩ của ông phải tôn trọng đức giám mục Milan. Tuy vậy, khi ông vua này ra lệnh tàn sát 7000 người dân thành Thessalônica, Ambrôsiô đã không ngần ngại đối đầu với ông. Thánh nhân đã bắt Thêôđôsiô phải công khai đền tội. Hoàng đế không tức giận và cũng chẳng trả thù! Ông nhận thấy vị thánh hành động đúng lý. Rất khiêm tốn, Thêôđôsiô đã công khai làm việc đền tội. Ambrôsiô muốn cho thế giới biết rằng không một người nào, dù là nhà lãnh đạo, có thể vượt trên lề luật của Thiên Chúa và luật của Giáo hội.
Dân chúng đã tỏ ra sợ hãi không biết điều gì sẽ xảy ra cho nước Ý khi Ambrôsiô qua đời. Lúc thánh nhân đau bệnh, họ đã nài xin ngài cầu nguyện để được sống lâu hơn. Nhưng thánh Ambrôsiô trả lời họ rằng: “Cha không xử với các con như là cha sợ sống lâu hay sợ chết đâu, bởi lẽ chúng ta cùng có Thiên Chúa là Vị tôn sư nhân lành!”
Giám mục Ambrôsiô về trời vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 397.
Thánh Ambrôsiô là một linh mục và là một giám mục vĩ đại. Thánh nhân đã dành trọn trái tim và năng lực của mình để phục vụ dân Chúa. Chúng ta hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta biết coi trọng chức linh mục. Ambrôsiô sẽ dạy chúng ta biết quý trọng các linh mục và sẵn sàng cầu nguyện cho các ngài.
Ngày 8 tháng 12
Lễ Đức Mẹ vô nhiễm
Ông Ađam và bà Evà, nguyên tổ của chúng ta, đã phạm tội trọng vì không vâng phục Thiên Chúa. Chúng ta gọi thứ tội đầu tiên này là “sự sa ngã của con người.” Vì thế, mọi người sinh bởi Ađam và Evà đều mang nguyên tội. Chúng ta là con cháu của Ađam và Evà, do đó, cả nhân loại chúng ta đều bị vương lây tội của nguyên tổ.
Thế nhưng, Thiên Chúa đã ban cho Đức Trinh Nữ Maria một đặc ân tuyệt diệu. Vì sẽ được trở nên Mẹ của Đức Chúa Giêsu, nên Đức Maria được đầu thai trinh khiết trong cung lòng thánh nữ Anna. Thiên Chúa đã giữ gìn Mẹ khỏi mọi tội lỗi, kể cả nguyên tội, nhờ hành vi cứu chuộc của Đức Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Chẳng bao giờ có một dấu vết tội lỗi nào, dù rất nhỏ mọn, nơi người Mẹ của chúng ta. Đó là lý do tại sao trong bài thánh ca của Giáo hội, chúng ta hát lên: “Ôi Maria, Mẹ thật xinh đẹp, vì Mẹ chẳng vương lây tội truyền!”
Đặc ân cao trọng này của Đức Trinh Nữ Maria được gọi là đặc ân vô nhiễm nguyên tội. Vào năm 1854, đức thánh cha Piô IX đã công bố cho toàn thế giới biết rằng Mẹ Maria được chịu thai vô nhiễm nguyên tội. Bốn năm sau, Đức Mẹ hiện ra cho thánh nữ Bênađetta tại Lộ Đức. Khi thánh Bênađetta hỏi Bà Đẹp là ai, thì Đức Mẹ đã chắp tay lại, ngước mắt lên trời và nói: “Ta là Mẹ vô nhiễm nguyên tội!”
Chúng ta hãy tôn kính Mẹ Maria với tước hiệu vô nhiễm nguyên tội bằng lời nguyện: “Ôi Maria, Mẹ vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con!” Chúng ta cũng hãy tôn kính Mẹ bằng việc dâng lên Mẹ ba kinh Kính Mừng trước lúc đi ngủ và sau khi thức dậy.
Ngày 9 tháng 12
Thánh Juan Điêgô
Chính nhờ Juan Điêgô mà Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa lần đầu tiên đã mạc khải chính mình cho thế giới với tước hiệu Đức Mẹ Guađalup. Juan Điêgô sống vào thế kỷ thứ 16 khi Mêxicô lúc ấy chỉ được biết đến với cái tên Thung Lũng Anahuac. Juan Điêgô thuộc gốc người Chichimeca, và có tên gọi là “con Đại Bàng biết nói.” Juan Điêgô là tên thánh của ngài.
Vào ngày 12 tháng Mười Hai, ngày lễ kính Đức Mẹ Guađalup, (chúng ta có thể đọc cuốn sách Các sự kiện lạ lùng về việc Đức Mẹ hiện ra với Juan Điêgô), khi nhiệm vụ đặc biệt của Juan hoàn tất, người ta nói rằng ngài đã đi tu làm ẩn sĩ. Juan dùng phần đời còn lại của mình để cầu nguyện và sám hối. Túp lều nhỏ của Juan nằm gần bên ngôi đền thờ đầu tiên được xây trên ngọn đồi Têpêyac. Juan rất được dân chúng quý trọng. Các bậc cha mẹ đều coi đó như niềm ao ước lớn nhất của họ nếu con cái họ cũng sống như Juan Điêgô.
Juan trông coi ngôi đền nhỏ và chào đón những khánh hành hương tới kính viếng Đức Mẹ Guađalup. Ngài chỉ cho họ xem tilma, hay còn gọi là tấm áo choàng kỳ diệu, có in hình Đức Mẹ.
Đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong Juan Điêgô lên bậc chân phước ngày 6 tháng Năm năm 1990. Đức thánh cha đã thân hành đến viếng ngôi thánh đường nguy nga dâng kính Đức Mẹ Guađalup. Ở đó, đức thánh cha đã cầu nguyện cho tất cả mọi người dân Mêxicô, cách riêng cho những người bị giết chết trong cuộc bách hại Giáo hội khủng khiếp vào nửa đầu thế kỷ thứ 20. Ngài cũng cầu nguyện cho hết thảy các khách hành hương đến viếng ngôi thánh đường xinh đẹp này với niềm tin vào Mẹ Thiên Chúa. Juan Điêgô được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh hôm 31 tháng Bảy năm 2002.
Thánh Juan Điêgô là một người rất nhạy cảm và hay cầu nguyện. Lối sống của thánh nhân đã giúp người khác nhận ra tình thương của Thiên Chúa đối với dân Người trong bức ảnh Guađalup kỳ diệu.
Ngày 10 tháng 12
Thánh Gioan Rôbertô
Thánh Gioan Rôbertô sinh năm 1577 tại xứ Wales. Mặc dù không phải là tín hữu Công giáo nhưng Gioan được một linh mục cao tuổi dạy dỗ. Vì thế, như Gioan bộc bạch sau này, Gioan đã luôn sống trong Giáo hội Công giáo. Gioan Rôbertô tới trường đại học Oxford ở Anh học một thời gian ngắn. Và dù là một người thuộc giáo phái Thệ phản nhưng niềm tôn trọng đối với Giáo hội Công giáo đã khiến Gioan Rôbertô không ký tên vào bản Lời Thề Tối Cao, có nội dung phủ nhận quyền bính của đức thánh cha. Gioan Rôbertô đã phải bỏ Oxford, và vì thế ngài tới Paris, nơi ngài gia nhập Giáo hội Công giáo.
Sau biến cố này, Gioan Rôbertô chẳng phải mất nhiều thời giờ để học làm linh mục. Thánh nhân tới ghi tên học tại một trường đại học của Anh tại Tây Ban Nha và trở thành tu sĩ Bênêđictô. Ba năm sau đó, ước mơ muốn trở về Anh quốc của Gioan đã biến thành sự thực. Gioan Rôbertô và một tu sĩ khác đã được phép về lại quê hương. Cả hai đều biết những đau khổ đang chờ mình phía trước. Thực sự, họ đã không phải chờ lâu. Họ tiến vào nước Anh với chiếc nón màu mận chín và thanh gươm đeo bên mình. Tuy vậy, cả hai đã sớm bị phát hiện là linh mục và lập tức bị đuổi ra khỏi đất nước.
Thánh Gioan Rôbertô trở lại Luânđôn lần nữa vào năm 1603 để giúp hàng ngàn người mắc bệnh dịch tả. Thánh nhân đã làm việc đêm ngày và đã giữ đức tin luôn ngời sáng trong suốt thời các Kitô hữu bị bách hại cách tàn nhẫn. Nhiều lần Gioan Rôbertô cũng bị bắt, bị bỏ tù và bị trục xuất, tuy nhiên thánh nhân luôn quay trở về nước Anh. Lần cuối cùng cha Gioan Rôbertô bị bắt giữ, lúc ấy cha vừa dâng xong thánh lễ. Lần này thì không thoát nổi! Khi được hỏi, cha đã thừa nhận mình là tu sĩ và là linh mục. Cha Gioan Rôbertô giải thích rằng cha tới Anh quốc là vì ơn cứu độ của dân chúng. “Nếu sống lâu hơn,” cha Gioan Rôbertô nói, “tôi sẽ tiếp tục làm những gì tôi đang làm!” Và khi từ chối không chịu ký vào bản Lời Thề Tối Cao, cha Gioan Rôbertô đã bị lên án tử.
Trong đêm trước lúc bị treo cổ, một phụ nữ Tây Ban Nha tốt bụng đã xếp đặt để người ta đem cha Gioan Rôbertô đến làm bạn với mười tám tù nhân khác. Họ cũng đang phải chịu đau khổ vì đức tin Công giáo. Trong suốt buổi ăn tối với nhau, thánh Gioan Rôbertô rất vui vẻ. Sau đó, thánh nhân nghĩ rằng có lẽ không nên gây quá nhiều trò vui nhộn nữa. Và thánh nhân đã hỏi cô phục vụ mình: “Cô có nghĩ là tôi đang làm gương xấu bằng niềm vui của tôi không?” Cô phục vụ trả lời: “Cha không thể làm điều gì tốt hơn là cho mọi người nhận thấy lòng can đảm vui tươi khi cha sắp được phúc tử đạo vì Chúa Kitô!”
Ngày hôm sau, mùng 10 tháng Mười Hai năm 1610, thánh Gioan Rôbertô bị treo cổ. Thánh nhân được đức thánh cha Phaolô VI tôn phong là một trong số bốn mươi vị tử đạo của Anh quốc và xứ Wales năm 1970.
Các vị truyền giáo cần những lời cầu nguyện của chúng ta để có thể thực hiện được nhiều hy sinh. Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan Rôbertô giúp chúng ta hiểu được vai trò quan trọng mà các nhà truyền giáo đã làm cho Giáo hội của Chúa Kitô.
Ngày 11 tháng 12
Thánh Đamasô I
Thánh Đamasô I sinh tại thành Rôma vào thế kỷ thứ 4. Thánh nhân là một linh mục quảng đại và hy sinh. Khi đức thánh cha Libêriô qua đời năm 366, Đamasô được bầu lên kế vị. Ngài đã phải đối diện với nhiều khó khăn nghiêm trọng. Lúc ấy có một ngụy giáo hoàng tên là Ursinô. Ông và những người theo ông đã bách hại thánh Đamasô. Họ vu oan cho Đamasô, kết tội ngài về đời sống luân lý. Đức giáo hoàng Đamasô đã phải chịu xét xử trước những nhà cầm quyền Rôma. Sau đó, Đamasô được chứng nhận là vô tội, nhưng ngài đã phải chịu rất nhiều đau khổ qua cuộc xử án này. Người bạn nổi danh của Đamasô, thánh Giêrônimô, đã nói nhiều về nhân đức của vị giáo hoàng này.
Đức thánh cha Đamasô I nhận thấy rằng giới giáo sĩ trong thành Rôma đang sống một lối sống quá giàu có. Các giáo sĩ phục vụ tại thôn quê thì sống giản dị hơn. Đamasô đã xin các linh mục đơn giản hóa lối sống của mình và đừng thu tích của cải cũng như tiền bạc. Về điểm này, chính thánh nhân đã nêu gương sáng thật tuyệt vời.
Cũng có nhiều học thuyết sai lầm xuất hiện trong thời Đamasô I làm giáo hoàng. Thánh nhân đã cắt nghĩa cho dân chúng hiểu về đức tin chính truyền. Ngài cũng triệu tập Công đồng chung thứ 2, tổ chức tại Constantinôp. Giáo hoàng Đamasô, một học giả về Kinh Thánh, đã hết sức khuyến khích dân chúng đọc Kinh Thánh. Chính vị giáo hoàng này đã cho xuất bản qui điển Kinh Thánh, còn gọi là danh sách chính thức gồm các sách Kinh Thánh. Ngài chỉ định cho thánh Giêrônimô dịch bộ Kinh Thánh sang tiếng Latinh và khuyến khích thánh nhân viết các lời bình, giải thích các phân đoạn của Kinh Thánh. Đức thánh cha cũng thay đổi ngôn ngữ chính thức của phụng vụ từ tiếng Hy Lạp – trừ kinh Thương Xót – sang tiếng Latinh.
Đức thánh cha Đamasô I qua đời vào khoảng 80 tuổi, nhằm ngày 11 tháng Mười Hai năm 384. Thánh nhân được chôn cất chung phần mộ với thân mẫu và em gái ngài trong nguyện đường nhỏ mà ngài đã xây cất.
Thánh giáo hoàng Đamasô I đã có thể làm được nhiều việc vĩ đại cho Giáo hội vì thánh nhân có một niềm tin và tình yêu lớn lao. Ngài nuôi dưỡng niềm tin và tình yêu này bằng cách đọc sách, nghiên cứu và suy niệm Kinh Thánh. Chúng ta hãy noi gương vị giáo hoàng thánh thiện này và tạo một giải pháp là dành ra mỗi ngày ít phút để đọc Kinh Thánh.
Ngày 12 tháng 12
Đức Mẹ Guađalup
Chúng ta vừa mừng lễ kính thánh Juan Điêgô hôm mùng 9 tháng Mười Hai. Hôm nay, chúng ta mừng kỷ niệm những cuộc hiện ra của Mẹ Maria trên ngọn đồi Têpêyac ở Mêxicô. Vị thượng khách từ trời cao xuống viếng thăm dân Người vào mùng 9 tháng Mười Hai năm 1531. Juan trở về với đức tin Công giáo lúc được 55 tuổi. Khi thánh Juan đang trên đường đi lễ thì Đức Mẹ chặn ngài lại ngay tại chỗ dốc của ngọn đồi Têpêyac. Đức Mẹ xin Juan đến thông báo cho đức giám mục rằng Đức Mẹ muốn ngài xây một ngôi thánh đường nguy nga tại nơi Mẹ đang đứng. Người đàn ông nghèo khó này đã bị choáng váng. Tận đáy lòng, Juan Điêgô rất muốn thực hiện điều Đức Mẹ yêu cầu, nhưng đến với đức giám mục làm sao đây? Ai có thể tin vào một lời thỉnh cầu lạ lùng như vậy được? Juan Điêgô đã đi gặp đức giám mục. Và đức giám mục, dù không biết là có nên tin vào câu chuyện lạ lùng hay không, đã nghĩ ra cách thức để xử lý tình cảnh này. Ngài nói với Juan: “Con hãy đi xin Đức Mẹ một dấu lạ!” Trước khi thực hiện yêu cầu của Đức Mẹ, đức giám mục muốn có sự kiểm chứng.
Sáng sớm ngày 12 tháng Mười Hai, Juan Điêgô đang vội vã men theo con đường mòn, vì người cậu của ngài đang hấp hối và cần gặp linh mục, thì Đức Mẹ đã hiện ra và bảo Juan rằng cậu đã khỏe rồi. (Một lát sau, Juan nhận ra là người cậu của mình đã được chữa lành ngay lúc ấy.) Đức Mẹ muốn Juan trở lại với đức giám mục để xin ngài xây một ngôi thánh đường. Và Juan thưa với Đức Mẹ rằng đức giám mục muốn xin một dấu lạ.
Rồi Đức Mẹ đem Juan Điêgô vào khu đồi đá gần bên và bảo Juan hãy thu gom tất cả những hoa hồng mọc ở đó. Juan hết sức ngạc nhiên, vì lẽ đang là mùa đông và hết mọi bụi cây đều trơ trụi! Nhưng Juan đã thực hiện theo lời Đức Mẹ và rất kinh ngạc khi nhận thấy thực sự có nhiều hoa hồng – và toàn những hoa hồng đẹp! Juan Điêgô hái hết mọi hoa hồng và lên đường tới gặp đức giám mục. Juan đã cẩn thận đựng hoa trong tấm tilma, tấm áo choàng của ngài. Vào nhà của đức giám mục, Juan Điêgô đã trải chiếc áo choàng của mình và những hoa hồng xinh đẹp ra nền nhà. Juan mỉm cười và sau đó nhận thấy một điều gì đó khác lạ đang lôi kéo sự chú ý của đức giám mục. Juan Điêgô theo dõi đôi mắt của đức giám mục, đôi mắt đang chăm chú nhìn vào tấm áo choàng. Ở đó, trên tấm tilma của Juan Điêgô, là một ảnh Đức Mẹ thật đẹp, giống hệt như khi Đức Mẹ hiện ra trên ngọn đồi Têpêyac. Đức giám mục đã nhận được dấu lạ và ngôi thánh đường dâng kính Đức Mẹ được xây cất.
Ngày nay có một thánh đường lớn, cũng gọi là vương cung thánh đường, được xây tại nơi Đức Mẹ Guađalup đã hiện đến với con dân của Mẹ. Đức thánh cha Bênêđictô XIV đã đặt Đức Mẹ Guađalup làm bổn mạng đất nước Mêxicô. Đức Mẹ Guađalup cũng là thánh bổn mạng của dân châu Mỹ Latinh và đất nước Philippin.
Chúng ta hãy cầu khẩn Đức Mẹ Guađalup ban cho những ơn cần thiết. Đức Mẹ là người mẹ dịu hiền và nhân hậu sẽ cầu xin Thánh Tâm Chúa Giêsu Con Mẹ cho chúng ta.
Ngày 13 tháng 12
Thánh Luxia
Người ta tin rằng vị thánh nữ đáng yêu này sống ở Syracusê, Sicily. Thánh nữ sinh vào cuối thế kỷ thứ 3, là con của một gia đình giàu có và quý phái. Thân phụ Luxia qua đời khi ngài còn rất trẻ.
Luxia là cô gái dễ thương và nhiều chàng quý tộc đã để ý đến ngài. Thân mẫu Luxia đã sắp xếp cho ngài kết hôn với một người mà bà nghĩ là rất xứng hợp với Luxia. Nhưng Luxia lại không ưng thuận. Luxia đã bí mật hứa với Đức Chúa Giêsu rằng sẽ không kết hôn với ai khác mà chỉ muốn được thuộc trọn về Người. Luxia đã tìm cách giải thích cho thân mẫu biết điều mong ước của ngài. Cả thân mẫu và Luxia đều bị bệnh xuất huyết. Luxia mời thân mẫu cùng đi đến viếng đền thánh nữ Agatha và cầu xin thánh nữ cứu chữa. Khi Thiên Chúa nhận lời và cho bà thân mẫu của Luxia khỏi bệnh, Luxia mới kể cho thân mẫu nghe về việc ngài đã khấn hứa làm hiền thê của Đức Chúa Giêsu. Thân mẫu nhận hiểu và, cũng vì được ơn lành bệnh, bà đã để cho Luxia theo đuổi ơn gọi của ngài.
Nhưng chàng quý tộc ngoại giáo, người mà thân mẫu Luxia đã hứa gả con gái cho, đã rất đỗi tức giận. Trong cơn giận dữ gay gắt, chàng đã buộc tội Luxia là Kitô hữu. Chàng đe dọa Luxia với hình phạt ghê sợ là sẽ bị móc mắt. Thế nhưng Luxia vẫn muốn thà mất cả đôi mắt sáng còn hơn là thuộc về một người nào đó mà không phải là Đức Chúa Giêsu. Thánh nữ Luxia thường được các họa sĩ vẽ hình đang cầm một đôi mắt dễ thương trong lòng bàn tay. Chúa Giêsu đã ân thưởng cho lòng yêu mến anh hùng của Luxia. Chúa đã làm phép lạ phục hồi đôi mắt cho thánh nữ, thậm chí còn đẹp hơn trước nữa!
Một vị quan án ngoại đạo đã tìm cách đem thánh nữ đến một nhà tội lỗi. Ông hy vọng rằng Luxia sẽ bị cám dỗ từ bỏ niềm tin vào Đức Chúa Giêsu. Nhưng khi các kẻ thù đến mang thánh nữ đi, Thiên Chúa đã làm cho thân xác thánh nữ trở nên nặng nề đến nỗi họ không thể nào lay chuyển được Luxia. Sau cùng, thánh nữ Luxia bị đâm chết và chịu tử đạo vì Chúa Giêsu năm 304.
Đôi mắt tuyệt đẹp của Luxia nhắc nhở chúng ta về đức tin tuyệt vời luôn bừng cháy trong tâm hồn thánh nữ. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ Luxia giúp chúng ta cũng được triển nở trong đức tin như ngài.
Ngày 14 tháng 12
Thánh Gioan Thánh Giá
Thánh Gioan Thánh Giá sinh tại đất nước Tây Ban Nha vào năm 1542. Thân phụ của Gioan là một thợ dệt và ông đã qua đời khi Gioan còn rất trẻ. Gioan đi học tại một trường dành cho các trẻ em nghèo và nhận làm người giúp việc cho một ông giám đốc bệnh viện. Cùng thời gian ấy, Gioan ghi danh học ở trường đại học do các tu sĩ dòng Tên phụ trách. Dù còn trẻ, Gioan cũng hiểu được giá trị của việc hiến dâng những đau khổ cho Tình Yêu Chúa Giêsu.
Khi lên 21 tuổi, tình yêu Thiên Chúa đã thúc đẩy Gioan vào tu dòng Cátminh. Cùng với thánh nữ Têrêsa Avila, thánh Gioan đã được Thiên Chúa tuyển chọn để đem đến cho các tu sĩ một tinh thần nhiệt thành mới mẻ. Thế nhưng cuộc đời của Gioan đã phải trải qua muôn vàn thử thách. Dù thành công trong việc thiết lập thêm nhiều tu viện mới, ở đó đường lối thánh thiện của Gioan được các tu sĩ thực hành, song chính bản thân Gioan cũng bị nhiều phê bình chỉ trích. Thậm chí thánh nhân đã bị giam tù và bị hành hạ kinh khủng. Dường như Thiên Chúa đã bỏ rơi Gioan và ngài đã phải chịu đau khổ dữ dội. Tuy vậy, khi những cơn bão khó khăn này qua đi, Đức Chúa Giêsu đã ân thưởng cho đầy tớ trung thành của Người. Chúa ban cho thánh Gioan bình an sâu thẳm và niềm vui tâm hồn. Gioan sống rất thân mật với Thiên Chúa. Sau chín tháng, thánh nhân đã tìm cách thoát khỏi cảnh tù đày.
Thánh Gioan có một cách đối xử thật tuyệt vời đối với các tội nhân. Lần kia, có một bà tội lỗi rất đẹp đến cám dỗ ngài. Gioan đã giúp bà ăn năn thống hối những lầm lỗi của bà và cuối cùng bà đã thay đổi đời sống. Một đàn bà khác có tính nết hung dữ đến nỗi người ta phải gán cho bà nhãn hiệu là “kinh dị.” Tuy vậy, thánh Gioan đã thuyết phục được bà bằng chính những đức tính tốt lành của ngài.
Thánh Gioan Thánh Giá nài xin Thiên Chúa vui nhận những đau khổ ngài chịu hàng ngày vì lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu. Vị thánh này được nhiều người biết đến vì các sách thiêng liêng ngài viết, những sách chỉ dẫn cách sống thân mật với Thiên Chúa. Thánh nhân về trời ngày 14 tháng Mười Hai năm 1591. Gioan Thánh Giá được đức thánh cha Piô XI tôn tặng danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh năm 1926.
Thánh Gioan Thánh Giá đã có thể vượt qua những đau khổ và trở ngại trong cuộc đời bằng việc sống thân mật với Thiên Chúa. Chúng ta hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta cải thiện đời sống cầu nguyện, là mối tương quan mật thiết của chúng ta đối với Thiên Chúa.
Ngày 15 tháng 12
Thánh Maria Rôsa
Vị thánh nữ này, Paula Rôsa, sinh năm 1813. Ngài xuất thân trong một gia đình đông con ở Brêscia, nước Ý. Thân phụ Paula là ông chủ rất thành công của một nhà máy dệt. Thân mẫu Paula qua đời khi ngài còn nhỏ, và Paula đã được chính các sơ sống trong miền Brêscia giáo dục.
Lên 17 tuổi, Paula Rôsa phải nghỉ học để giúp thân phụ trông coi việc nhà. Thân phụ nghĩ là đã đến lúc Paula nên lập gia đình, nhưng Paula lại muốn tận hiến đời mình để giúp đỡ tha nhân. Paula bắt đầu bằng việc tập trung một nhóm chị em làm việc ở nhà máy của thân phụ ngài lại. Họ cùng nhau cầu nguyện và làm các việc bác ái. Suốt thời gian căn bệnh dịch tả hoành hành, Paula đã săn sóc các bệnh nhân tại bệnh viện. Khi người ta dựng một nơi cư trú cho các thiếu nữ nghèo khó và vô gia cư, Paula Rôsa đã được mời tới điều hành ngôi nhà này. Paula cũng tạo những cơ hội cho các chị em làm việc và thiết lập một trường học dành cho những người khiếm thính.
Nhưng tất cả những hoạt động ấy mới chỉ là khởi điểm cho công việc vĩ đại sau này của Paula. Khi được 27 tuổi, Paula Rôsa thành lập một hội dòng dành cho các chị em, gọi là dòng Nữ Tỳ Bác Ái. Các nữ tu này tận hiến cuộc đời phục vụ cả hai nhu cầu thể xác lẫn tinh thần cho những người nghèo khổ và đau bệnh. Trong thời gian chiến tranh, Paula Rôsa và các chị em dòng ngài đã săn sóc những thương binh trong các trạm quân y và cả trên chiến trường.
Năm 1850, dòng Nữ Tỳ Bác Ái được giáo quyền chính thức phê nhận. Lúc ấy Paula Rôsa nhận tên là sơ Maria Thánh Giá. Sơ qua đời năm 1885, kiệt sức vì phục vụ các bệnh nhân.
Thánh nữ Maria Rôsa là một mẫu gương về niềm đam mê đối với mỗi người chúng ta. Thánh nữ có thể chỉ cho chúng ta cách nhìn những người sống xung quanh mình bằng cặp mắt của Đức Chúa Giêsu, nhận thấy những người đang đau khổ hay buồn chán và đến giúp họ với tình bạn chân thành.
Ngày 16 tháng 12
Thánh Ađêlaiđê
Thánh nữ Ađêlaiđê sinh năm 931. Lên 16 tuổi, vị công chúa của nước Burgunđia này đã kết hôn với hoàng đế Lothair. Ba năm sau, Lothair qua đời. Vị đại thần bị cho là đã đầu độc hoàng đế đã cố ép Ađêlaiđê lấy con trai của ông ta. Nhưng Ađêlaiđê nhất quyết từ chối. Tức giận, quan đại thần đã xử với Ađêlaiđê rất ác độc. Thậm chí ông đã nhốt giam ngài trong một lâu đài trên hồ.
Ađêlaiđê được trả tự do khi vua Ôttô cả của nước Đức đánh bại nhà cầm quyền nước Burgunđia. Dù nhỏ hơn mình 20 tuổi, nhưng Ôttô vẫn lấy Ađêlaiđê đáng yêu làm vợ vào ngày lễ giáng sinh. Khi Ôttô đem bà tân hoàng hậu này về quê nhà, cả dân Đức đã cảm thấy mến yêu Ađêlaiđê ngay tức khắc. Ađêlaiđê duyên dáng, dịu dàng cũng như rất đỗi xinh đẹp! Thiên Chúa đã ban cho đôi vợ chồng vương giả này năm người con. Họ sống hạnh phúc bên nhau suốt 22 năm. Khi Ôttô băng hà, con trai lớn của ông lên nắm quyền trị nước. Người con này, là Ôttô II, có ý tốt nhưng lại hành động quá nóng vội và chẳng suy nghĩ gì. Ông đã nghe theo lời khuyên của vợ mà chống lại thân mẫu mình; và Ađêlaiđê đã bị ép phải rời khỏi lâu đài. Nhưng thánh nữ Ađêlaiđê đã chẳng phải đi lâu vì Ôttô nhận thấy mình đã được mẹ khuyên bảo nhiều điều bổ ích. Chính đan viện trưởng đan viện Cluny, thánh Majôlô, đã giúp cho hai mẹ con làm hòa với nhau. Ađêlaiđê gặp lại con mình ở Ý và nhà vua đã xin mẹ tha thứ cho mình. Tới lượt Ađêlaiđê, ngài đã cầu nguyện cho người con và đã dâng nhiều tiền của xin lễ tại đền thánh Martinô thành Tua.
Lúc về già, thánh nữ Ađêlaiđê được mời cai trị đất nước vì cháu nội của ngài còn quá nhỏ. Ađêlaiđê đã thiết lập nhiều tu viện, đan viện và thánh nữ là tấm gương sáng về đức tin cho người dân Slavơ. Suốt cuộc đời, thánh nữ Ađêlaiđê đã noi theo lời khuyên của những người thánh thiện. Thánh nữ luôn sẵn lòng tha thứ cho những người làm ngài đau khổ. Thánh Ađô thành Cluny đã gọi Ađêlaiđê là “sự kỳ diệu về vẻ đẹp và ân sủng.” Ađêlaiđê về trời ngày 16 tháng Mười Hai năm 999.
Thánh nữ Ađêlaiđê xinh đẹp nhưng không phải chỉ đẹp về thể xác. Thánh nữ là người xinh đẹp vì là một Kitô hữu đạo hạnh đã sống thật tốt những chuẩn mực Kitô giáo. Như thánh nữ Ađêlaiđê, chúng ta cũng hãy cố gắng trở nên những Kitô hữu sống đúng với những giá trị của mình.
Ngày 17 tháng 12
Thánh Ôlympia
Vị thánh nữ này sinh khoảng năm 361 trong một gia đình quý tộc ở Constantinôp. Khi song thân qua đời, Ôlympia được một bà đạo đức dưỡng dục. Sau đó, Ôlympia, được thừa hưởng một gia tài kếch xù, đã kết hôn với Nêbriđiô, là thống đốc thành Constantinôp. Chính thánh Grêgôriô Nazianzênô đã có lời cáo lỗi vì không thể đến dự đám cưới của hai người được. Thậm chí thánh nhân đã gởi cho Ôlympia một bài thơ đầy những lời khuyên nhủ tốt lành.
Tuy vậy, chỉ ít lâu sau, Nêbriđiô qua đời, và nhà vua đã khuyến khích Ôlympia tái hôn. Nhưng thánh nữ trả lời: “Nếu Thiên Chúa muốn tôi làm vợ, thì Người đã chẳng cất mất Nêbriđiô xa khỏi tôi!” Và Ôlympia đã khước từ việc tái hôn. Thánh Grêgôriô đã gọi Ôlympia là “vinh quang của những quả phụ trong Giáo hội Đông phương.” Cùng với nhiều quả phụ đạo đức khác, Ôlympia đã dùng cuộc đời của mình để làm việc bác ái. Thánh nữ ăn mặc giản dị và cầu nguyện rất nhiều. Thánh nữ bố thí tiền bạc cho những người nghèo khổ. Cuối cùng, thánh Gioan kim khẩu đã phải nhắc nhớ thánh nữ Ôlympia nên cẩn trọng trong việc bố thí của cải. Thánh nhân nói: “Con không được phép khuyến khích sự lười biếng của những người sống dựa vào con cách không cần thiết. Việc đó giống như con ném tiền xuống biển vậy!”
Rồi thánh Gioan kim khẩu làm tổng giám mục thành Constantinôp. Với cương vị của mình, thánh nhân đã hướng dẫn thánh nữ Ôlympia và các môn sinh của thánh nữ trong việc thiết lập một ngôi nhà cho các trẻ mồ côi; và họ cũng xây cất được một nguyện đường. Họ đã giúp đỡ rất nhiều người. Thánh Gioan kim khẩu là người hướng dẫn rất quý mến của Ôlympia. Khi thánh nhân bị đi đày, Ôlympia rất đau buồn. Sau đó, thánh nữ cũng phải chịu bách hại. Cộng đoàn của thánh nữ, gồm các quả phụ và các chị em độc thân, bị bắt phải giải tán các hoạt động từ thiện. Ngoài ra, sức khỏe của Ôlympia không được tốt và thánh nữ thường hay bị phê bình. Tuy nhiên, thánh Gioan đã viết thư cho Ôlympia: “Cha luôn gọi con là đấng thánh. Sự nhẫn nại và thái độ bình thản của con trước những đau khổ cũng như sự khôn ngoan và bác ái của con đã giúp con chiếm được phần thưởng và vinh quang cao cả trên thiên đàng.”
Thánh nữ Ôlympia về trời năm 408, lúc mới chỉ hơn 40 tuổi. Thánh nữ được mô tả là một “người phụ nữ tuyệt vời, giống như chiếc bình quý chứa đầy Chúa Thánh Linh.”
Thánh nữ Ôlympia đã nhận được nhiều phúc lành từ nơi Thiên Chúa. Thánh nữ đã dùng những ơn ấy – thời giờ, tiền của, tài năng – để giúp đỡ tha nhân. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ Ôlympia giúp chúng ta nhận ra những đặc ân của mình để có thể chia sẻ với tha nhân.
Ngày 18 tháng 12
Chân phước Anna Rôsa Gattônô
Chân phước Anna Rôsa Gattônô sinh ngày 14 tháng Mười năm 1831 tại Genoa, nước Ý. Song thân ngài rất đạo hạnh và Anna Rôsa được lãnh nhận bí tích Thanh tẩy trong cùng ngày sinh. Vì gia đình khá giả nên Anna Rôsa được học hành ngay tại nhà của mình, thể theo truyền thống lúc bấy giờ. Anna Rôsa học rất giỏi. Ngài chăm chỉ lưu ý đến môn lời Chúa và sống theo lời Chúa dạy.
Khi lên 21 tuổi, Ann Rôsa kết hôn với Giêrôlamô Custô và đôi vợ chồng chuyển tới Mạcxây để sinh sống. Nhưng ở đó, vì gặp nhiều khó khăn về tài chính, nên cả hai đã quyết định về lại Genoa. Và nhiều cảnh thương tâm sắp xảy đến cho Anna Rôsa. Người con gái tên Carlotta bị bệnh rất nặng và kết quả là phải câm điếc suốt đời. Mới chỉ sau sáu năm kết hôn, và sau khi không ổn định được tài chính, Giêrôlamô qua đời. Ít lâu sau, đứa con trai út của Anna Rôsa cũng chết theo.
Dù phải chịu tất cả những thống khổ này, Anna Rôsa Gattônô vẫn tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Ngài phó thác bản thân, gia đình, sự sống, sự chết cho lòng yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Sau đó, Anna Rôsa nhìn lại quãng thời gian vừa trôi qua như một cuộc trở về của chính bản thân ngài. Anna Rôsa cảm thấy Thiên Chúa mỗi lúc một đem ngài tới gần Người hơn, ngay cả khi Anna Rôsa mất đi những người thân yêu nhất.
Anna Rôsa Gattônô tận hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô và đã sống cuộc đời cầu nguyện cùng làm nhiều việc bác ái. Anna Rôsa thiết lập một hội dòng gọi là dòng Nữ Tử Thánh Anna. Ngài mở các trường săn sóc bệnh nhân cũng như các trường dành cho người nghèo. Anna Rôsa thiết lập các trung tâm trông coi trẻ em cho các nông dân trong khi họ vất vả cả ngày trên đồng ruộng, và những nơi cư trú cho các đối tượng lỡ lầm muốn cải tà quy chính. Như một dấu chỉ chúc lành cho Anna Rôsa và các công việc ngài làm, Chúa Giêsu đã ban cho Anna Rôsa được phúc in năm Dấu Thánh của Người – mà Anna Rôsa chỉ được cảm nhận chứ không được nhìn thấy. Anna Rôsa Gattônô qua đời ngày mùng 6 tháng Năm năm 1900 tại Rôma. Ngài được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày mùng 9 tháng Tư năm 2000.
Qua đời sống của mình, chân phước Anna Rôsa Gattônô dạy chúng ta rằng không phải mọi sự xảy ra như ý chúng ta muốn thì chúng ta mới tin rằng Thiên Chúa đang ở với chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin cho mình được tăng thêm lòng tin để có thể cảm thấy Thiên Chúa gần gũi ngay cả trong những lúc thất vọng và đau khổ.
Ngày 19 tháng 12
Chân phước Urbanô V
Tên thật của chân phước Urbanô V trước khi làm giáo hoàng là William Grimôard. Ngài sinh tại Pháp vào năm 1313 và đi tu dòng Bênêđictô. Sau khi phục vụ Giáo hội với nhiều chức vụ cao cả, ngài đã được chọn lên làm giáo hoàng. Thời gian ấy, đức giáo hoàng sống ở một thành phố bên Pháp tên Avi-nhông. Tuy vậy, đức thánh cha Urbanô quyết định sẽ trở về Rôma vì nơi đây mới là giáo đô và là nơi an cư của đức giáo hoàng. Đức thánh cha Urbanô là giám mục giáo phận Rôma, và ngài biết Rôma mới là nơi ở của mình. Và đã có nhiều khó khăn xảy ra. Tuy người dân Pháp phản đối việc ra đi của ngài, nhưng đức thánh cha Urbanô vẫn thực hiện điều ngài biết là đúng.
Dân thành Rôma rất vui sướng chào đón đức thánh cha trở về. Họ đặc biệt vui mừng vì có một người thánh thiện là đức Urbanô V. Việc đầu tiên đức thánh cha làm là sửa chữa lại ngay các ngôi nhà thờ lớn của Rôma. Ngài giúp đỡ người nghèo và khuyến khích dân chúng lấy lại lòng nhiệt thành sốt sắng. Hoàng đế Carôlô IV rất kính trọng đức thánh cha. Nhưng đức Urbanô V đã phải gặp nhiều khó khăn, cộng thêm sức khỏe luôn yếu kém của ngài. Chiến tranh đang nổ ra giữa hai nước Anh và Pháp. Nhiều vị hồng y đã năn nỉ đức thánh cha trở về lại Avi-nhông. Vì vậy sau cùng, đức Urbanô V đã nhượng bộ. Đang lúc sửa soạn rời khởi Rôma, dân chúng đã kéo đến nài xin ngài ở lại. Đức thánh cha rất buồn nhưng dầu sao, ngài cũng đã ra đi. Khoảng ba tháng sau, đức Urbanô V qua đời. Đó là năm 1370.
Urbanô V là một người tốt lành và thánh thiện. Ngài đã làm được nhiều việc cho Giáo hội, cho các trường học, các đại học và cho dân chúng. Người ta đã gọi đức Urbanô V là “ánh sáng của thế gian và là đường dẫn tới chân lý.”
Đức Urbanô V đã có nhiều trách nhiệm cũng như công việc phải giải quyết. Hằng ngày chúng ta hãy nhớ cầu nguyện cho đức thánh cha đương kim của chúng ta. Chúng ta hãy thưa lên với Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy bảo vệ đức thánh cha của chúng con. Xin Chúa hãy trở nên ánh sáng, an ủi và sức mạnh cho ngài!”
Ngày 20 tháng 12
Thánh Đa Minh Silô
Thánh Đa Minh Silô, cậu bé chăn chiên người Tây Ban Nha, sinh vào đầu thế kỷ thứ 11. Thánh nhân đã trải qua nhiều giờ chăn chiên một mình tại thung lũng của dãy núi Pyrênê. Chính tại đây, Đa Minh đã triển nở lòng yêu mến cầu nguyện. Sau đó, Đa Minh đi tu và trở nên một tu sĩ rất thánh thiện. Rồi Đa Minh được chỉ định làm Bề trên tu viện và ngài đã canh tân rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên một ngày kia, ông hoàng Garcia III xứ Navar, nước Tây Ban Nha nói rằng một số tài sản của tu viện là thuộc về ông ta. Thánh Đa Minh đã không làm theo sự đòi hỏi của ông. Ngài nghĩ rằng thật vô lý khi trao cho ông hoàng những tài sản của Giáo hội. Và quyết định của Đa Minh đã làm cho ông hoàng Garcia III rất tức giận. Ông đã ra lệnh cho Đa Minh phải rời khỏi xứ sở của ông. Tu viện trưởng Đa Minh và các tu sĩ của ngài được một ông hoàng khác, Phécđinăng I xứ Castile, chào đón. Phécđinăng nói rằng các tu sĩ có thể sử dụng một tu viện cổ, gọi là tu viện thánh Sêbastianô ở Silô. Tu viện này tọa lạc tại một nơi hẻo lánh và rất tồi tệ. Thế nhưng, với tu viện trưởng Đa Minh, chẳng bao lâu tu viện cổ đã có một bộ mặt mới. Thực sự, tu viện trưởng đã làm cho nó trở thành một trong các tu viện nổi danh nhất trong toàn cõi Tây Ban Nha.
Thánh Đa Minh Silô đã làm nhiều phép lạ chữa mọi loại bệnh tật. Nhiều năm sau khi qua đời, Đa Minh Silô đã hiện ra với một phụ nữ tên là Gioan, tức nữ chân phước Gioan Aza. Thánh nhân nói với Gioan Aza rằng Thiên Chúa sẽ ban thêm cho bà một người con nữa. Khi sự việc xảy ra, Gioan Aza đã biết ơn thánh Đa Minh Silô và đã lấy tên của thánh nhân mà đặt cho con trai mình. Người con ấy chính là thánh cả Đa Minh, đấng sáng lập hội dòng Anh Em Thuyết Giáo. Chúng ta đã mừng lễ kính ngài hôm mùng 8 tháng Tám. Thánh Đa Minh Silô về trời ngày 20 tháng Mười Hai năm 1073.
Qua cuộc sống của mình, thánh Đa Minh Silô chỉ cho chúng ta thấy rằng việc cầu nguyện cũng thiết yếu như chuyện ăn uống và hít thở vậy. Mỗi ngày, chúng ta hãy xin thánh Đa Minh Silô nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cần dành thời giờ cho Thiên Chúa.
Ngày 21 tháng 12
Thánh Phêrô Canisiô
Thánh Phêrô Canisiô sinh tại Hà Lan năm 1521. Thân phụ của Phêrô muốn ngài trở thành một luật sư. Để làm hài lòng thân phụ, cậu nhỏ Phêrô đã học môn luật trước các môn học khác. Tuy vậy, Phêrô sớm nhận thấy mình không được hạnh phúc trong cuộc sống. Lúc ấy, dân chúng khắp nơi đang bàn tán về tài thuyết giảng tuyệt vời của chân phước Phêrô Faber. Ngài là một trong số các vị tổ phụ của dòng Tên. Sau khi Phêrô nghe cha Faber thuyết giảng, Phêrô cảm thấy sung sướng muốn xin đi tu để dâng mình phụng sự Thiên Chúa. Vì thế, Phêrô đã gia nhập dòng Tên. Sau nhiều năm học hành và cầu nguyện, Phêrô Canisiô được thụ phong linh mục.
Thánh cả Inhaxiô đã sớm nhận ra Phêrô Canisiô đích thật là một tông đồ rất hăng say nhiệt thành. Vì vậy, thánh nhân đã gởi Phêrô sang Đức, nơi Phêrô sẽ phục vụ suốt bốn mươi năm dài. Thật không thể kể hết được những hy sinh, những lời nguyện và những công việc cao cả mà thánh Phêrô Canisiô đã làm trong thời gian đó. Thánh nhân quan tâm tới việc làm sáng lên những giáo huấn của Giáo hội tại nhiều thành phố bên nước Đức. Phêrô Canisiô cũng nỗ lực đem những người lạc giáo trở về với đức tin chân thật. Người ta nói rằng thánh Phêrô Canisiô đã đi khoảng 20000 dặm trong ba mươi năm. Ngài thường đi bộ hoặc dùng ngựa để làm phương tiện. Dầu vậy, thánh nhân vẫn tìm thời giờ để viết các sách bàn về đức tin. Ngài nhận thấy sách vở thật quan trọng dường nào và Phêrô Canisiô đã tổ chức một chiến dịch ngăn chặn các sách vở có nội dung độc hại. Phêrô Canisiô cũng gắng hết sức mình truyền bá những sách báo tốt để dạy đức tin cho dân chúng. Hai cuốn sách giáo lý mà thánh nhân đã viết thật quá phổ biến đến nỗi nó đã được in ra trên hai trăm lần và được dịch ra mười lăm thứ tiếng.
Với những người nói Phêrô Canisiô đã làm việc quá vất vả, thánh nhân chỉ trả lời rằng: “Nếu bạn có nhiều việc để làm, thì với ơn Chúa giúp, bạn sẽ có nhiều giờ để hoàn tất những việc ấy.” Vị thánh tuyệt vời này về trời năm 1597. Thánh Phêrô Canisiô được đức thánh cha Piô XI tôn tặng danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh năm 1925.
Như thánh Phêrô Canisiô, chúng ta hãy nhiệt thành trao dồi một sự hiểu biết sâu xa về đức tin Công giáo. Học hỏi Kinh Thánh và các chân lý đức tin là tiến trình hằng ngày, liên tục và kéo dài trong suốt đời sống chúng ta.
Ngày 22 tháng 12
Thánh Marguarit Youville
Thánh nữ Marguarit Youville sinh ngày 15 tháng Mười năm 1701 tại Quêbéc, nước Canađa. Thân phụ thánh nữ qua đời năm 1708 và gia đình lâm vào cảnh túng thiếu. Những người bà con đã trả tiền học phí cho Marguarit. Marguarit học tại trường dòng thánh Ursulin ở Quêbéc. Hai năm học tại trường nội trú đã chuẩn bị cho Marguarit làm gia sư cho các em trai và em gái ngài. Thánh nữ có tấm lòng quảng đại và thân thiện. Ngài giúp đỡ gia đình bằng việc chế tác và bán các dải ren đẹp. Năm 1722, Marguarit kết hôn với Phanxicô Youville. Dường như cuộc hôn nhân của hai người rất hạnh phúc. Thế nhưng, con người thực của Phanxicô đã được bộc lộ dần qua năm tháng. Ông Phanxicô chỉ thích quan tâm tới việc làm và tiêu tiền hơn là chuyện sống với gia đình của mình. Ông đã bỏ mặc Marguarit một mình với con cái và chẳng đoái hoài gì đến họ.
Rồi Phanxicô Youville đột nhiên qua đời năm 1730, sau tám năm kết hôn. Ông để lại cho Marguarit những món nợ kếch xù phải trả. Một linh mục có tâm hồn quảng đại, cha Lescoat, đã khích lệ Marguarit. Cha đoan chắc với thánh Marguarit rằng Thiên Chúa yêu thương thánh nữ và muốn thánh nữ thực hiện một công việc cao cả cho Người. Ngày 21 tháng Mười Một năm 1737, Marguarit Youville nhận cho ở trọ một người đàn bà vô gia cư và bị mù lòa. Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu của công việc tuyệt vời là Marguarit sẽ chăm sóc cho những người bệnh hoạn nghèo khổ tại các bệnh xá, và sau đó là tại các bệnh viện thực sự. Marguarit Youville thiết lập một hội dòng dành cho các chị em; và người ta đã gọi họ là “các sơ áo xám,” vì tu phục của họ màu xám. Các sơ đã phục vụ tại bệnh viện đa khoa của Montriơ. Bệnh viện hiện rất tồi tàn và đang mắc nhiều nợ. Người ta đã chế nhạo các sơ! Thật khó để tin rằng các sơ có thể đảm nhận thành công một nhiệm vụ nhiêu khê như thế! Nhưng Mẹ Marguarit Youville và các nữ tu của Mẹ không hề nao núng. Các nữ tu đã làm việc, sửa chữa và xây dựng. Nhất là các sơ chào đón mọi người thiếu thốn. Không ai là người quá nghèo hoặc quá yếu đau mà không thể đến điều trị tại bệnh viện của các sơ được. Năm 1765, bệnh viện bị một cơn hỏa hoạn, nhưng Mẹ Youville và các nữ tu của Mẹ đã nhờ người ta xây dựng lại và sau bốn năm thì hoàn tất.
Hai người con trai của Marguarit Youville lần lượt trở thành linh mục: Carôlô, coi xứ Bôsêvil, và Phanxicô, chánh xứ thánh Aos. Năm 1769, cha Phanxicô bị gãy tay. Chính thân mẫu của cha đã vội vã đến săn sóc cho ngài. Mẹ Youville cũng tỏ lòng quảng đại phục vụ các vùng truyền giáo Anhđiêng của Montriơ khi các vùng này bị cơn dịch đậu mùa hoành hành. Và suốt Cuộc Chiến Bảy Năm nổ ra giữa Anh và Pháp, Mẹ Youville đã giúp đỡ các binh lính cả về nhu cầu vật chất lẫn tinh thần. Mẹ giấu các thương binh Anh trong các căn hầm tối của tu viện. Ở đó, các nữ tu của Mẹ đã âm thầm giúp họ cho tới khi họ được bình phục.
Mẹ Marguarit Youville về trời ngày 23 tháng Mười Hai năm 1771. Mẹ được đức thánh cha Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh ngày mùng 9 tháng Mười Hai năm 1990. Mẹ Marguarit Youville là vị thánh đầu tiên có nguyên quán tại Canađa.
Mẹ Marguarit Youville đã không để những khó khăn chế ngự được Mẹ. Mẹ nhìn thấy điều cần phải làm, tin rằng Mẹ có thể làm được; và, tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Mẹ đã tiến lên với niềm xác tín vững vàng. Chúng ta có để ý thấy ai cần giúp đỡ không? Chúng ta có thể làm được gì để giúp đỡ họ?
Ngày 23 tháng 12
Thánh Gioan Kanty
Vị thánh gốc người Ba Lan này sinh năm 1390, là con trai của một nông dân tốt lành. Nhận thấy con mình rất thông minh, song thân Gioan đã gởi ngài tới học tại trường đại học Kracow. Gioan Kanty học hành rất giỏi. Sau đó, Gioan trở thành linh mục, giáo sư và một nhà giảng thuyết. Thánh nhân cũng nổi tiếng về lòng yêu thương người nghèo. Lần kia, Gioan Kanty dùng bữa tại căntin của nhà trường. Bắt đầu bữa ăn, Gioan nhận thấy có một người hành khất đi ngang qua cửa sổ. Ngay lập tức, Gioan Kanty đã chạy ra và trao phần ăn tối của mình cho người ăn xin này.
Một số người đã ghen tức với sự thành công của thánh Gioan, vì ngài vừa là giáo sư vừa là nhà thuyết giảng. Và họ đã tìm cách tước khỏi ngài chức vị giáo sư đại học và chuyển ngài đến trông coi một xứ đạo. Tại đây, Gioan Kanty đã dồn hết tâm huyết vào nhịp sống mới. Tuy nhiên, thoạt đầu mọi sự chưa mấy tốt đẹp. Dân chúng chưa hết lòng cộng tác với ngài, và Gioan Kanty cũng sợ trách nhiệm. Dầu vậy, Gioan Kanty quyết không nhượng bộ; và cố gắng của Gioan Kanty đã đem lại nhiều kết quả. Lúc người ta mời cha Gioan Kanty về lại trường học, bổn đạo trong giáo xứ đã tỏ lòng thương mến ngài cách đặc biệt. Họ đã tiễn Gioan một đoạn đường dài. Thật ra, vì thấy họ rất buồn khi tiễn đưa mình ra đi, cha Gioan Kanty đã nói với họ: “Sự phiền muộn này không làm hài lòng Thiên Chúa đâu! Nếu trong những năm qua cha đã làm điều gì tốt cho các con, các con hãy ca lên bài ca hân hoan!”
Trở lại Kracow, thánh Gioan Kanty lại tiếp tục dạy các lớp Kinh Thánh; và thánh nhân lại trở nên rất nổi tiếng. Gioan được mời về làm gia sư cho các con em thuộc gia đình quý tộc. Tuy nhiên, thánh nhân vẫn ăn mặc hết sức giản dị; và ngài đã bố thí cho người nghèo tất cả những gì mình có. Lần kia, thánh Gioan Kanty vận một bộ áo dòng đen (cũng gọi là áo chùng thâm) cũ kỹ đến dự tiệc. Các người hầu tiệc đã không cho Gioan Kanty vào. Thánh nhân phải trở về nhà và thay một bộ áo mới. Trong buổi dạ tiệc hôm ấy, có người đã vô ý làm đổ dĩa thức ăn lên bộ áo của Gioan. “Đừng nghĩ ngợi gì,” vị thánh nói với giọng hài hước, “bộ áo dòng của tôi dù sao cũng đáng được dùng một chút thức ăn, vì không có nó, tôi đã chẳng được ngồi ở đây!”
Thánh Gioan Kanty sống thọ 83 tuổi. Trong suốt những năm ấy, rất nhiều lần thánh nhân đã bán những của ngài có để giúp đỡ người nghèo. Khi người ta bật khóc vì nghe biết Gioan Kanty đang hấp hối, thánh nhân đã an ủi họ: “Anh em đừng lo lắng cho cái nhà tù hay hư nát này; một hãy nghĩ tới linh hồn sắp sửa được thoát khỏi chốn ngục tù ấy!” Thánh Gioan Kanty về trời năm 1473; và được đức thánh cha Clêmentê XIII tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1767.
Chúng ta hãy học nơi thánh Gioan Kanty sự chuyên cần chu toàn việc học cũng như việc nhà. Thiên Chúa chỉ mong đợi chúng ta cố gắng hết mình và Người sẽ chúc lành cho những nỗ lực của chúng ta. Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan Kanty giúp chúng ta làm việc với tinh thần vui tươi phấn khởi.
Ngày 24 tháng 12
Thánh Phêrô Nôlascô
Thánh Phêrô Nôlascô sinh tại nước Tây Ban Nha, gần thành Barxêlôna, vào cuối thế kỷ thứ 12. Thánh nhân là con trai của một thương gia buôn bán tại vùng Địa Trung Hải. Khi Phêrô Nôlascô đi tàu, ngài nhận thấy có rất nhiều Kitô hữu đến từ Bắc phi bị bắt làm nô lệ. Trái tim Phêrô đã hướng ngay về những anh chị em này trong Chúa Kitô, và thánh nhân đã dùng tiền bạc của mình để chuộc lại những nô lệ này theo khả năng của ngài.
Thánh Râymunđô Penyapho, giám mục giáo phận Barxêlôna, đã tổ chức một nhóm giáo dân để lo công việc này, và ngài đã đặt Phêrô làm đầu. Nhóm này về sau trở thành một hội dòng, được đặt dưới sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi. Các thành viên của hội dòng được gọi là những người có tấm lòng thương xót. Họ tuyên giữ ba lời khấn thanh khiết, khó nghèo, tuân phục và thêm một lời khấn thứ tư – mà thánh Phêrô Nôlascô thêm vào – là dâng hiến sự tự do của mình, và nếu cần, kể cả mạng sống, để chuộc lại tự do cho những nô lệ Công giáo.
Thánh Phêrô Nôlascô dùng phần đời còn lại của mình đi khắp các nước Tây Ban Nha và Algiêria chuộc lại hàng trăm nô lệ. Thánh nhân qua đời khoảng năm 1256. Hội dòng mà thánh Phêrô Nôlascô thành lập hiện vẫn tồn tại cho đến ngày nay, vẫn đang hoạt động để giải phóng nhiều người trên khắp thế giới thoát khỏi các thể chế áp bức.
Chúng ta có biết ai đang bị bắt nạt hoặc bị đối xử bất công không? Chúng ta có được sự can đảm của thánh Phêrô Nôlascô là đứng về cùng phe với họ không? Chúng ta có dám trở nên những người quảng bá tình hữu nghị và sự thân ái không?
Ngày 25 tháng 12
Lễ Nôen, sinh nhật Đức Chúa Giêsu
Đã đến lúc Thiên Chúa sai chính Con Một yêu dấu của Người đến cứu độ trần gian. Đức Maria, thân mẫu của Đấng sắp giáng sinh được hứa ban cho nhân loại, và thánh Giuse, hôn phu của Đức Maria, đã phải rời bỏ quê nhà Nazareth để lên Bêlem. Lý do của cuộc hành trình này là vì lệnh kiểm tra dân số của hoàng đế Rôma: mọi gia đình có gốc Dothái đều phải về lại thành phố nơi tổ tiên sinh sống để làm cuộc đăng kiểm. Và do Đức Maria và thánh Giuse thuộc dòng dõi hoàng tộc Đavít, nên các ngài cũng phải trẩy về thành của vua Đavít là Bêlem. Chính hoàng đế là người ra sắc lệnh, nhưng lại giúp hoàn thành chương trình của Thiên Chúa. Theo Kinh Thánh, Đấng Cứu Thế phải được sinh ra tại Bêlem.
Thật là một hành trình buồn tẻ và gian khó vì phải băng qua miền đất có nhiều đồi núi! Nhưng Đức Maria luôn an vui và nhẫn nại. Mẹ biết rằng Mẹ đang thực thi ý muốn của Thiên Chúa. Mẹ sung sướng nghĩ tới người Con Chí Thánh của Mẹ sắp sửa giáng sinh. Khi Đức Maria và thánh Giuse tới Bêlem, các ngài đã không tìm ra được nơi nào để lưu trú. Sau cùng, các ngài tìm thấy một cái hang. Và ở đó, nơi chuồng lừa tanh hôi ấy, Con Thiên Chúa đã giáng sinh trong ngày lễ Nôen. Mẹ yêu quý của Đức Chúa Giêsu đã bọc Người trong chiếc khăn ấm và đặt Người nằm trong máng cỏ. Chúa Giêsu đã chọn giáng sinh trong khung cảnh nghèo nàn như thế là để dạy ta không nên đánh giá quá cao những của cải và tiện nghi đời này.
Trong đêm Chúa Giêsu giáng thế, các thiên thần đã được Thiên Chúa sai đi loan báo tin vui. Thiên Chúa đã không sai các thiên thần đến với hoàng đế hay các bậc vương công trần gian, cũng không đến với các tiến sĩ hay tư tế trong đền thờ Giêrusalem. Thiên Chúa sai các thiên thần đến với các mục đồng nghèo khó và khiêm tốn, đang canh giữ đàn vật trên sườn đồi cạnh thành Bêlem. Ngay khi nghe sứ điệp của các thiên thần, các mục đồng liền vội vã chạy tới thờ lạy Đấng Cứu Thế. Sau đó, họ trở về nhà, lòng tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa.
Các tổ phụ và các tiên tri thời Cựu Ước đã được an ủi khi biết một ngày kia Đấng Cứu Thế sẽ giáng sinh. Giờ đây, Người đã thực sự sinh ra giữa chúng ta. Chúa Giêsu giáng sinh vì loài người chúng ta. Kinh Thánh nói rằng: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3,16). Nếu những người sống trong niềm hy vọng đợi chờ cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu đã vui mừng, thì chúng ta còn phải vui mừng biết bao! Vì chúng ta có những giáo huấn của Đức Chúa Giêsu, có Giáo hội và có chính Đức Giêsu hiện diện trên bàn thờ mỗi khi chúng ta cử hành bí tích Thánh Thể. Lễ Nôen chính là thời điểm thuận tiện để mỗi người chúng ta nhận ra tình yêu thương lạ lùng của Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta.
Hôm nay chúng ta hãy dâng lên Đức Mẹ và thánh Giuse một lời cầu nguyện. Trong ngày lễ giáng sinh này, chúng ta hãy nài xin các ngài giúp chúng ta nhận ra món quà mà Chúa Giêsu mong muốn nhận được từ nơi chúng ta.
Ngày 26 tháng 12
Thánh Têphanô
Danh xưng “Têphanô” có nghĩa là “vương miện.” Vị thánh mà Giáo hội tôn kính hôm nay là môn đệ đầu tiên của Đức Chúa Giêsu được nhận lãnh triều thiên tử đạo. Thánh Têphanô là phó tế trong Giáo hội sơ khai. Chúng ta đọc thấy ngài nơi các chương 6 và 7 trong sách Tông đồ Công vụ. Trong sách này, thánh ký Luca thuật lại cho chúng ta biết khi những người theo Đức Chúa Giêsu tiếp tục gia tăng, thánh Phêrô và các tông đồ đã quyết định cần có thêm những người giúp việc để săn sóc các quả phụ và các người nghèo. Vì thế, các ngài đã truyền chức cho bảy phó tế. Têphanô là một trong các vị nổi tiếng nhất.
Qua thánh Têphanô, Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ. Thánh nhân nói năng rất khôn ngoan và đầy tràn Thánh Thần đến nỗi nhiều người đến nghe ngài đã trở nên môn đệ của Đức Chúa Giêsu. Các kẻ thù của Giáo hội thì tức giận khi thấy thánh Têphanô thuyết giảng thành công. Cuối cùng, họ lập mưu ám hại ngài. Họ không thể đối lại những lý lẽ khôn ngoan của Têphanô, do đó, họ đã sai người tố gian ngài. Những người này nói rằng Têphanô đã nói những điều quái gở chống lại Thiên Chúa. Sau đó, thánh Têphanô phải đương đầu với một hội đồng các kẻ thù mà không sợ hãi gì. Thực sự, Kinh Thánh nói rằng gương mặt của Têphanô giống như gương mặt của một thiên thần.
Thánh Têphanô đã nói về Thiên Chúa, tuyên xưng Người là Đấng Cứu Độ mà Thiên Chúa đã hứa ban. Thánh nhân trách mắng các kẻ thù ngài vì đã không tin vào Đức Chúa Giêsu. Lúc ấy, họ căm phẫn chỗi dậy và nguyền rủa ngài. Nhưng Têphanô ngước mắt lên trời. Thánh nhân nói rằng ngài nhìn thấy các tầng trời mở ra và Đức Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Các kẻ nghe ngài bịt tai lại và họ nhất định không muốn nghe một lời nào nữa. Họ kéo thánh Têphanô ra khỏi thành Giêrusalem và đã ném đá ngài. Thánh nhân cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy nhận lấy linh hồn con!” Rồi Têphanô quỳ xuống và nài xin Thiên Chúa tha thứ cho các kẻ thù giết ngài. Sau khi tuyên xưng đức tin như thế, vị thánh tử đạo đã tiến lên lãnh lấy phần thưởng nước trời dành sẵn cho ngài.
Thánh Têphanô có một quả tim hay tha thứ. Thánh nhân đã để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong ngài và đã không hề có tư tưởng hay hành động trả thù nào. Chúng ta hãy nài xin thánh Têphanô ban cho chúng ta ơn dễ tha thứ và dễ quên đi những điều tha nhân làm tổn thương mình.
Ngày 27 tháng 12
Thánh Gioan tông đồ
Thánh Gioan là một ngư phủ miền Galilêa. Thánh nhân được mời gọi làm tông đồ cùng với người anh trai của ngài là thánh Giacôbê. Chúa Giêsu đã ban cho hai người con ông Zêbêđê này biệt hiệu là “con của sấm sét.” Thánh Gioan là tông đồ trẻ nhất và người ta tin rằng thánh nhân là “vị tông đồ được Chúa Giêsu yêu quý.”
Trong bữa Tiệc Ly, chính thánh Gioan đã được tựa đầu vào ngực Đức Chúa Giêsu. Thánh nhân cũng là vị tông đồ duy nhất đứng dưới chân Thánh Giá. Chúa Giêsu, trong khi hấp hối, đã trao phó Mẹ yêu dấu của Người cho vị tông đồ yêu quý này. Và quay sang nhìn Mẹ, Chúa Giêsu nói: “Này là Mẹ con!” (Ga 19,27).
Sáng sớm ngày phục sinh, Maria Mađalêna và các phụ nữ khác đã tới mồ Đức Chúa Giêsu, đem theo hương liệu để ướp xác Người. Họ đã trở về báo tin xấu cho các tông đồ: xác Đức Chúa Giêsu bị đánh cắp rồi! Phêrô và Gioan đã lập tức chạy đi điều tra. Gioan tới mộ trước nhưng đã đợi Phêrô và bước vào sau Phêrô. Gioan thấy các khăn liệm đã được cuộn lại gọn gàng và thánh nhân hiểu là Đức Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Sau đó tám ngày, các tông đồ đang vất vả bắt cá ở biển hồ Tibêria mà chẳng được con nào. Bỗng có một người đàn ông đứng trên bờ biển và đề nghị các tông đồ hãy thả lưới bên kia mạn thuyền. Khi họ kéo lên lần nữa thì thấy lưới đầy các cá lớn. Bấy giờ Gioan, nhận ra người đàn ông này, đã nói với Phêrô: “Chính Chúa đó!”(Ga 21,7).
Cuộc hiện xuống của Chúa Thánh Linh đã làm cho các tông đồ được thêm nhiều can đảm. Sau khi Chúa Giêsu về trời, thánh Phêrô và thánh Gioan đã chữa lành cho một người què chỉ bằng việc kêu tên Đức Chúa Giêsu.
Người ta tin rằng thánh Gioan đã sống thọ gần 100 tuổi; và ngài là vị tông đồ duy nhất không phải chịu tử đạo. Thánh nhân đã giảng dạy Tin mừng và có lẽ làm giám mục thành Êphêsô. Người ta nói rằng trong những năm cuối đời, khi không còn rao giảng được nữa, các môn đệ của Gioan đã khiêng ngài đến với các nhóm Kitô hữu. Sứ điệp đơn giản của thánh Gioan là: “Các con yêu quý, các con hãy yêu mến nhau!” Thánh Gioan tông đồ qua đời tại Êphêsô khoảng năm 100.
Chúng ta hãy tôn kính thánh Gioan bằng cách đọc sách Tin mừng và các lá thư ngài viết. Càng đọc Kinh Thánh, Kinh Thánh càng trở nên một phần thiết yếu trong lối nhìn và lối nghĩ của chúng ta. Sứ điệp của thánh ký Gioan là chủ đề trung tâm của giáo huấn Chúa Kitô: “Anh em hãy yêu thương nhau!”
Ngày 28 tháng 12
Các thánh anh hài tử đạo
Theo sách Phúc âm của thánh ký Matthêu, khi Đức Chúa Giêsu giáng sinh tại Bêlem, thì có các đạo sĩ từ Đông phương tìm đến thờ lạy Người. Họ đã đến với vua Hêrôđê và hỏi xem có thể gặp được vua Dothái cũng là Đấng Cứu Thế mới sinh ra ở đây không. Hêrôđê là một bạo chúa độc ác và gian manh. Khi nghe các đạo sĩ nói về vị tân vương, ông bắt đầu lo lắng sợ mất ngai vàng của mình. Nhưng ông không cho các đạo sĩ biết điều ông đang suy nghĩ. Ông liền triệu tập các trưởng tế lại và hỏi họ xem Kinh Thánh nói Đấng Mêsia sẽ sinh ra ở đâu. Và họ đã trả lời: tại Bêlem!
“Hãy đi và tìm hài nhi này!” Ông vua độc ác nói với các đạo sĩ. “Khi các khanh tìm thấy nơi Người ở, hãy về và tin cho trẫm hay. Sau đó, trẫm cũng sẽ đến và triều bái Người!” Và ba đạo sĩ lên đường. Họ đã gặp thấy Chúa Giêsu là Đấng Mêsia và Đức Mẹ cùng với thánh Giuse. Họ liền sấp mình thờ lạy Người và dâng kính Người lễ vật của họ. Lúc ấy, trong một thị kiến, họ được báo rằng đừng trở về gặp Hêrôđê. Rồi một thiên thần đã hiện ra bảo thánh Giuse hãy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập. Bằng cách này, Thiên Chúa đã làm hỏng kế hoạch độc ác của Hêrôđê đối với Chúa Hài Nhi Giêsu.
Khi Hêrôđê nhận ra các đạo sĩ không trở lại với mình, ông rất đỗi tức giận. Ông vốn là một người quỷ quyệt và bạo tàn; và giờ đây nỗi sợ bị mất ngai vàng lại càng làm cho ông thêm quẫn trí. Ông đã sai các binh lính của mình đi sát hại tất cả các con trẻ ở thành Bêlem từ hai tuổi trở xuống, hy vọng rằng sẽ giết được Đấng Mêsia đang hiện diện giữa họ. Và quân lính đã thi hành lệnh truyền kinh khủng này. Có một nỗi đau lớn xảy ra trong thành Bêlem vì các bà mẹ khóc than những đứa con nhỏ của họ bị sát hại. Các hài nhi này hôm nay được Giáo hội tôn kính như các thánh tử đạo. Các ngài còn được gọi là các thánh anh hài.
Chúng ta hãy nài xin các thánh anh hài bảo vệ các trẻ em khỏi mọi điều nguy hại. Chúng ta hãy xin các ngài thay đổi lòng dạ những người ủng hộ việc phá thai. Chúng ta cũng hãy cầu xin cho những người bỏ rơi hoặc lạm dụng các trẻ em.
Ngày 29 tháng 12
Thánh Tôma Bécket
Thánh Tôma Bécket sinh năm 1118 tại Luânđôn, nước Anh. Sau khi song thân qua đời, thánh nhân nhận được một chức vụ nơi nhà của đức tổng giám mục giáo phận Cantơbơri. Tôma Bécket bắt đầu học làm linh mục. Chẳng bao lâu, thánh nhân trở thành một sủng thần của vua Henry II. Người ta nói rằng đức vua và Tôma – hai người chỉ có một con tim và một tâm trí. Họ là đôi bạn rất thân thiết của nhau.
Khi Tôma Bécket lên 36, vua Henry II đặt ngài làm thủ tướng trong vương quốc của ông. Với chức vị là thủ tướng nước Anh, Tôma có rất nhiều người giúp việc và được sống sung sướng. Khi đức tổng giám mục giáo phận Cantơbơri qua đời, Henry II muốn đức thánh cha trao cho Tôma Bécket chức vị này; và chức vị này đòi Tôma Bécket phải thụ phong linh mục. Nhưng Tôma Bécket đã nói thẳng thắn với vua Henry II rằng ngài không muốn nhận chức vụ tổng giám mục thành Cantơbơri. Tôma nhận thức rằng với chức vụ đó, ngài sẽ sống đối lập trực tiếp với Henry II. Tôma biết ngài phải bảo vệ Giáo hội chống lại Henry, và lúc ấy vấn đề sẽ rất phức tạp. Tôma cảnh báo Henry: “Lòng quý mến nhà vua dành cho tôi sẽ hóa thành sự thù hận đó!” Nhưng vua Henry II chẳng màng gì đến lời cảnh tỉnh đó và Tôma được đặt làm linh mục rồi giám mục năm 1162.
Tôma Bécket lập tức thay đổi cuộc đời. Thánh nhân sống giản dị hơn và dành nhiều thời giờ hơn để cầu nguyện. Trước hết, mọi sự diễn ra thật tốt đẹp. Tuy vậy, ít lâu sau, nhà vua bắt đầu đòi xin tiền của Giáo hội mà Tôma Bécket nhận thấy là không hợp lý. Henry II càng lúc càng trở nên tức giận với người bạn cũ của ông. Cuối cùng, ông đã xử với Tôma Bécket cách tàn nhẫn. Phần Tôma Bécket, lúc đầu ngài hơi nhượng bộ. Nhưng về sau, thánh nhân nhận thấy Henry II có ý muốn khống chế luôn cả Giáo hội. Tôma Bécket rất hối hận vì đã nhượng bộ nhà vua. Thánh nhân đã đền tội vì yếu đuối của mình và quyết tâm sau này sẽ cương quyết hơn.
Ngày kia, ông vua rất giận dữ lên tiếng: “Không ai giúp ta diệt trừ đức tổng giám mục này sao?” Và một số hiệp sĩ của Henry II đã xung phong đi thi hành án lệnh ngay tức khắc. Họ đã ám sát đức tổng giám mục. Họ tấn công Tôma Bécket ngay tại nhà thờ chính tòa của giáo phận. Thánh Tôma Bécket đã chết đang khi nói rằng: “Nhân danh Chúa Giêsu và để bảo vệ Giáo hội, tôi xin sẵn sàng chịu chết!” Hôm ấy là ngày 29 tháng Mười Hai năm 1170. Toàn thể thế giới Công giáo đều kinh tởm thứ tội ác này. Đức thánh cha Alêxanđơ III đã giúp vua Henry II ý thức được tội sát nhân đó. Một năm sau, Henry II đã xin đền tội cách công khai. Và các phép lạ bắt đầu xảy ra trên phần mộ của Tôma. Tôma Bécket được chính đức thánh cha Alêxanđơ III tôn phong hiển thánh năm 1173.
Thánh Tôma Beckét dạy chúng ta hãy biết đặt đức tin và lòng trung thành đối với Đức Chúa Giêsu lên trên cả những tình bạn riêng tư của mình. Nếu có người bạn xin chúng ta làm một điều gì đó mà chúng ta biết là phật lòng Thiên Chúa, chúng ta hãy cương quyết chỉ chọn làm điều tốt mà thôi. Hy vọng lòng can đảm và gương sáng của chúng ta cũng sẽ giúp các bạn bè của mình sống thân mật hơn với Thiên Chúa.
Ngày 30 tháng 12
Chân phước Vinhsơn Vila Đavít
Chân phước Vinhsơn Vila Đavít sinh ngày 28 tháng Sáu năm 1889 tại Valenxia, nước Tây Ban Nha. Ngài là con út trong gia đình có tám người con. Song thân Vinhsơn làm nghề gốm sứ; và họ là các Kitô hữu rất mực sùng đạo. Họ đào tạo con cái mình trong môi trường Kitô giáo. Sau khi học với các cha dòng Piarist, Vinhsơn Vila Đavít ghi tên vào học trường kỹ thuật và đỗ bằng kỹ sư công nghiệp.
Vinhsơn Vila Đavít kết hôn với một thiếu nữ tên Isabel và cả hai cùng sống đời Kitô hữu đạo hạnh. Vinhsơn quan tâm đến giáo xứ của mình và năng giúp các linh mục mỗi khi có thể. Ngài cũng đảm nhận việc quản lý công ty gốm của thân phụ ngài. Các công nhân giúp việc cho Vinhsơn không những coi ngài như ông chủ mà còn như một người cha hay thương yêu con cái. Vinhsơn Vila Đavít luôn quan tâm đến việc đối xử công bằng cũng như nhân phẩm và nhân quyền của công nhân.
Mùa hè năm 1936, tại Valenxia, cuộc nội chiến lên đến đỉnh điểm. Cuộc bách hại các Kitô hữu và Giáo hội của chế độ cai trị cũng rất ác liệt. Vinhsơn Vila Đavít, đang dạy học tại một trường kinh doanh đồ gốm, cũng bị nã súng vì là người Công giáo. Vinhsơn Vila Đavít vẫn anh dũng tiếp tục khích lệ các Kitô hữu khác và giúp đỡ các linh mục những gì có thể.
Ngày 14 tháng Hai năm 1937, Vinhsơn Vila Đavít bị mời ra trước tòa án và bị cấm thực hiện các hoạt động nhân danh Giáo hội. Vinhsơn trả lời rằng được làm Kitô hữu chính là một ơn gọi rất cao cả và ngài sẽ không từ bỏ ngay cả khi phải chết. Lập tức Vinhsơn bị mang đi xử tử. Vinhsơn được phép nhìn mặt người vợ thân yêu lần cuối và ngài đã khích lệ nàng với những lời lẽ đầy đức tin. Vinhsơn công khai tha thứ cho kẻ thù và những kẻ bách hại ngài. Rồi Vinhsơn bị bắn chết vào chính ngày ngài bị bắt giam.
Các công nhân nhà máy gốm như bị sỉ nhục. Họ đã đình công ba ngày liền để phản đối việc xử tử Vinhsơn Vila Đavít. Họ nói với các quan chức xã hội chủ nghĩa, những người đã gắng sức ngăn chặn cuộc đình công của họ, rằng: “Các ông đã cướp đi khỏi chúng tôi một người chủ và một người cha; vì Vinhsơn là người khôn ngoan, rộng lượng và luôn quan tâm đến điều kiện làm việc của chúng tôi. Chúng tôi không chỉ kính trọng mà còn yêu thương ông ấy nữa!”
Vinhsơn Vila Đavít được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày mùng 1 tháng Mười năm 1995. Cái chết của Vinhsơn Vila Đavít, do bàn tay hung bạo của kẻ thù, được xem như một cuộc tử đạo đích thực vì đức tin.
Đức tin của chúng ta áp dụng được cho mọi lãnh vực của đời sống. Trong gia đình cũng như ngoài xã hội, lúc ở trường cũng như khi làm việc, chúng ta đều được mời gọi hãy thực hành những giá trị mà Đức Chúa Giêsu đã dạy trong Tin mừng.
Ngày 31 tháng 12
Thánh Sylveste I
Vị thánh giáo hoàng này sống vào thời Giáo hội sơ khai, lúc hoàng đế Constantinô trị vì. Sylveste I đắc cử ngôi giáo hoàng năm 314; và ngài đã cai trị Giáo hội suốt thời gian 21 năm cho tới khi qua đời năm 335.
Truyện kể rằng thoạt đầu Constantinô bách hại giáo hoàng Sylveste I. Ông mắc bệnh phong cùi và, tuyệt vọng vì không chữa trị được, ông đã cho cử hành một nghi thức tà đạo. Dường như Constantinô đã nằm mơ thấy hai thánh Phêrô và Phaolô hiện ra nói truyện với ông. Hai vị bảo ông hãy đến với đức giáo hoàng Sylveste I để xin ngài chữa cho. Sau đó, Constantinô xin được chịu phép Thanh tẩy. Trong lúc lãnh nhận bí tích này tại đền thánh Gioan Lateranô thì Constantinô được chữa lành hoàn toàn. Kết quả là Constantinô không chỉ cho phép Kitô giáo được du nhập vào vương quốc của ông mà ông còn khuyến khích phát triển nó nữa.
Lòng sùng kính thánh giáo hoàng Sylveste I rất phổ biến trong thời Giáo hội sơ khai. Thánh nhân là vị giáo hoàng đầu tiên không phải chịu tử đạo. Trong đền thánh Gioan Lateranô ở Rôma, hiện vẫn còn một bức khảm rất ấn tượng treo trên tường. Bức khảm mô tả Đức Chúa Giêsu đang trao chìa khóa quyền cai trị thiêng liêng cho thánh giáo hoàng Sylveste I.
Trong ngày tất niên hôm nay, chúng ta hãy nài xin thánh giáo hoàng Sylveste I canh giữ chúng ta, các Kitô hữu của thời đại này, như thánh nhân đã canh giữ đàn chiên của ngài.
- Lưu hành nội bộ -