News Filters

QUYỀN *** GIUSE TẠ VĂN DƯƠNG

10 Tháng Mười Một 2021

QUYN

 

Đạo Phật, Đạo Công giáo, Đạo Hồi, Đạo Tin lành và những tôn giáo khác đều có lịch sử hình thành riêng về thời gian, địa điểm và người khai sinh ra tôn giáo. Mặc dù, mỗi tôn giáo có những giáo lý, cách hành đạo khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là hướng con người đến điều thiện, yêu thương lẫn nhau, tránh xa và loại bỏ cái ác. Khi vượt ra ngoài điểm chung thì mỗi tôn giáo lại đi theo một hướng khác nhau. Đạo Phật khuyên nhủ con người cần có lòng từ bi, bỏ qua những tham sân si trong cuộc sống, không sát sanh, để đến khi chết sẽ được về Niết Bàn. Còn đối với Đạo Thiên Chúa, hướng các Kitô hữu dành tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa - "Thiên Chúa là tình yêu". Yêu Thiên Chúa chính là yêu mọi người và ngược lại yêu mọi người chính là yêu Thiên Chúa. Các Kitô hữu phải tuân theo Mười điều răn mà Thiên Chúa đã xác lập, không được phạm Mười điều răn để được lên Thiên đàng khi rời bỏ cuộc sống trần gian này.

        Tình yêu dành cho Thiên Chúa là tình yêu thiêng liêng, không toan tính. Tình yêu này phải được duy trì và vun đắp thường xuyên. Các Kitô hữu dành tình yêu cho Thiên Chúa với nhiều hình thái khác nhau, cầu nguyện thường xuyên, chăm đi nhà thờ, chăm làm việc thiện, yêu thương người thân, anh em Kitô hữu. Bên cạnh những Kitô hữu dành tình yêu chân chính cho Thiên Chúa thì cũng có những Kitô hữu thể hiện lòng yêu mến Chúa để mong muốn Chúa ban cho điều ước này, điều ước kia. Vậy tình yêu của những Kitô hữu đó có phải là tình yêu chân chính dành cho Thiên Chúa. Tình yêu có là chân chính hay không chân chính sẽ phụ thuộc vào lương tâm của mỗi người. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền để phán xét điều này.

        Hôn nhân với người theo đạo Công giáo: theo đó, người theo đạo Công giáo khi kết hôn với người không theo đạo Công giáo thì người còn lại phải cải đạo sang Công giáo. Đây là yêu cầu bắt buộc để cuộc hôn nhân được công nhận. Lý giải cho yêu cầu này là do để hai người yêu nhau, sau khi kết hôn trở thành vợ chồng sẽ có cùng đạo lý, quan điểm sống, để từ đó hướng dẫn, dạy bảo con cái tốt đời đẹp đạo. Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng, cần thiết phải có sự khác biệt và tôn trọng sự khác biệt, theo đó không nhất thiết phải bắt buộc người không có đạo phải theo đạo Công giáo để được cưới người theo đạo Công giáo. Bởi vì trong sâu thẳm mỗi con người đã có sự khác biệt về thể chất, tính cách, quan điểm, suy nghĩ riêng, việc theo đạo Công giáo không thể nào xóa bỏ được hết những khác biệt đó. Bởi vì, mỗi con người là một bản thể riêng biệt, độc nhất vô nhị, không thể sao chép, không thể đồng hóa. Chính sự khác biệt mới tạo nên một xã hội loài người với sự đa dạng vượt trội hơn so với những giống loài khác.

        Lựa chọn theo đạo Công giáo hay bất kỳ tôn giáo khác hoặc không theo bất kỳ tôn giáo nào là lựa chọn của mỗi cá nhân. Nhưng đích đến của bất kỳ tôn giáo nào cũng là hướng con người đến sự lương thiện, yêu thương con người, yêu thương đồng loại của mình với những cách thức thể hiện khác nhau, trên những quan điểm khác nhau.

 

GIUSE TẠ VĂN DƯƠNG

Lớp Giáo lý Dự Tòng và Hôn Nhân

Khoá I năm 2021 tại Giáo Xứ Chí Hòa

back to top
Filters