News Filters

TẠI SAO VIỆC TÔN THỜ TRỌN VẸN HƠN VIỆC SUY NIỆM

02 Tháng Mười 2022

TẠI SAO VIỆC TÔN THỜ TRỌN VẸN HƠN VIỆC SUY NIỆM

Tôi nhìn Thầy Chí Thánh, và Thầy Chí Thánh nhìn tôi. Rồi tình yêu nảy nở dạt dào.

Nếu các bạn bước vào ngôi nhà thờ giáo xứ của tôi vào bất kỳ ngày Thứ Năm nào trong khoảng từ 5 đến 6 giờ chiều, thì các bạn có lẽ sẽ lúng túng. Trong ánh sáng lờ mờ của buổi chiều tà, các bạn sẽ thấy từ bốn đến hai mươi người im lặng ngồi cách nhau một khoảng cách lịch sự, cúi đầu hoặc nhìn chăm chú lên bàn thờ, thậm chí còn có người có thể đang đọc sách kinh.

Các bạn có thể nghĩ rằng họ đang chờ xảy ra việc gì đó. Có lẽ là bắt đầu giờ Lễ trong nhà thờ ?

Nhưng không, không phải lúc này.

Thay vì thế, mỗi người sẽ im lặng ngồi cả tiếng đồng hồ. Và, đúng thế, các bạn sẽ thấy cùng một nhóm những người nòng cốt ấy vào mỗi tuần.

Tôi đã trở thành một người trong số những người ấy. Ngoài Thánh Lễ, đây là giờ mà tôi mong chờ nhất hàng tuần.

Trong bản tin hàng tuần của nhà thờ, giờ ấy được ghi là giờ “Chầu Mình Thánh Chúa”. Nó cũng còn được gọi là giờ Chầu Thánh Thể, một giờ cầu nguyện chiêm niệm khi chúng ta ngồi trước sự hiện diện của Thiên Chúa với việc trưng Bánh Thánh đã được truyền phép đựng trong mặt nhật (còn được gọi là Hào Quang) đặt trên bàn thờ.

Sau khi tham dự một cách rời rạc, lâu lâu mới có một lần, tôi đã bắt đầu nhận ra là trong giờ này tôi đã được lãnh nhận rất nhiều, và đã cố gắng tham dự đều đặn hàng tuần.

Chuyện là thế này : tôi có giờ kinh nguyện cùng Thiên Chúa mỗi sáng ở nhà. Tôi đọc Kinh Thánh, sau đó là đọc kinh, cầu nguyện. Nhưng có điều gì đó rõ ràng là khác thường xảy ra trong giờ Chầu Thánh Thể và không có cách nào khác để nói như thế, ngoại trừ khi ngồi trước Thánh Thể và để cho tâm trí mình tĩnh lặng, tôi cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa theo một cách hoàn toàn khác so với khi tôi đọc kinh cầu nguyện ở nhà.

Tôi nhìn Thầy Chí Thánh và Thầy Chí Thánh nhìn tôi. Rồi tình yêu nảy nở dạt dào.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi điều đó là “suối nguồn ân sủng”.

Lúc ban đầu, tôi nghĩ việc Thờ Kính và cầu nguyện chiêm niệm có cùng một mục đích tương tự như suy niệm (sự kết hợp giữa cầu nguyện và suy tư), một tình trạng lắng đọng trong tâm trí. Tuy nhiên, sau khi đọc một tập sách mỏng của Linh Mục Henri J.M. Nouwen, chẳng may lại có tựa đề oái ăm là “Làm trò hề ở Rôma”, sự hiểu biết của tôi đã thay đổi.

Trong suy niệm, mục tiêu là đạt được tình trạng cái tôi trở nên trống rỗng. Trong giờ Thờ Kính Thánh Thể, chúng ta làm cho tâm trí lắng đọng, bản thân trống rỗng, nhưng chỉ để cho chúng ta có thể trở nên được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Chúng ta không còn trống rỗng về tinh thần. Thay vì ngồi trong tình trạng  cô tịch, chúng ta được kết hiệp với Thiên Chúa; chúng ta hình thành nên một mối tương giao và hiểu được rằng Người cũng quan tâm đến những nỗi băn khoăn lo lắng của chúng ta như chúng ta.

Việc Chầu Thánh Thể hàng tuần đã thay đổi toàn bộ cách tiếp cận của tôi với việc cầu nguyện. Nó dạy cho tôi học hỏi được cái giá trị của việc dành một thời gian dài thành tâm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Thời gian một giờ là cần thiết bởi vì khi chúng ta mới đến Chầu Thánh Thánh Thể thì đầu óc chúng ta đầy những chuyện lảm nhảm, và chúng ta chúng ta mang cái tình trạng đáng phiền ấy đến Chầu Mình Thánh Chúa – và điều cuối cùng mà chúng ta chăm chú ngay vào việc Chầu Mình Thánh Chúa với chúng ta. Trong khoảng hai mươi phút đầu tiên, việc trò chuyện trong tinh thần Thờ Kính của tôi là tất cả mọi điều về tôi.

Cuối cùng, khoảng 30 phút sau, tâm trí tôi sáng tỏ và cuối cùng tôi có thể hướng sự chú ý của mình về phía Thiên Chúa. Trong cầu nguyện, đôi khi tôi lập lại Danh Thiên Chúa, hoặc Chúa Giêsu, hoặc thở ra Chúa Thánh Linh, như là một phương tiện tập trung cả sự chú ý lẫn ý định của mình vào sự hiện diện của Thiên Chúa.

Cuối cùng, khi tôi buông bỏ những điều huyên thuyên đáng phiền ấy trong đầu óc, tôi có thể chỉ đơn giản là thờ phượng Thiên Chúa.

Từ nền tảng này, giờ cầu nguyện chiêm niệm, chúng ta có thể phát triển thành điều mà Linh Mục Nouwen diễn tả là việc thực hành “cầu nguyện liên lỷ”. Chúng ta có thể biến những suy nghĩ không dứt trong tâm trí chúng ta trong ngày thành một cuộc đối thoại liên tục với Thiên Chúa, bằng việc mở ngỏ lòng trí chúng ta ra cho sự hiện diện liên tục của Người luôn ở cùng chúng ta, bằng việc dâng các suy nghĩ của chúng ta cho Người.

Khi các suy nghĩ của chúng ta chuyển từ “độc thoại lấy mình làm trung tâm sang đối thoại lấy Thiên Chúa làm trung tâm”, là chúng ta đi từ “sự cô tịch đáng sợ thành cuộc trò chuyện không có gì mà sợ hãi với Thiên Chúa.”

Mối giao tiếp này đã giúp tôi rất nhiều. Tôi khuyến khích các bạn hãy thử : dành ra một giờ mỗi tuần để cầu nguyện chiêm niệm và đối thoại với Thiên Chúa.

Nếu các bạn không thể đến nhà thờ Công Giáo để tham gia giờ Chầu Thánh Thể hàng tuần, thì có hai điều then chốt để đưa việc thực hành này vào tư gia của các bạn.

Dành ra ít nhất là một giờ để các bạn có thể ngồi trong im lặng, không bị quấy rầy, là tốt nhất. Nó cho phép làm dịu bớt cái tình trạng lan man trong tâm trí (những việc làm cho ta rơi vào tình trạng được gọi là lo ra) vốn rất cần thiết phải vượt qua.

Thứ hai, là để tâm trí các bạn đi vào sự hiện diện của Thiên Chúa, rất hữu ích khi đọc một hoặc hai đoạn Kinh Thánh trước khi bắt đầu thực hành. Đối với việc này, các bài Thánh Vịnh đặc biệt hữu ích.

Như Linh Mục Nouwen đã viết : “…cõi tịch liêu (trong tâm trí) là nơi Thiên Chúa tỏ hiện chính Người là Thiên Chúa ở cùng chúng ta; là Đấng Tạo Thành, Đấng Cứu Chuộc và Đấng Thánh Hóa chúng ta; Thiên Chúa là cội nguồn, là trung tâm và là mục đích sự hiện hữu của chúng ta; Thiên Chúa là Đấng muốn ban Chính Mình cho chúng ta với một tình yêu vô giới hạn vô điều kiện và không thể dằn lại được…

 “Trong cõi tịch liêu, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Trong cõi tịch liêu, chúng ta bỏ lại phía sau nhiều hoạt động, nhiều mối lo âu, nhiều kế hoạch và các dự án của mình, và bước vào sự hiện diện của Thiên Chúa hằng yêu thương chúng ta. Ở đó, chúng ta thấy rằng chỉ có Người là Thiên Chúa, thấy rằng Thiên Chúa là tình yêu.”

Sơ Briege McKenna có lời : Vua Badouin của nước Bỉ đã nhận xét là ngồi trước Mình Thánh Chúa giống như ngồi dưới ánh nắng mặt trời; chẳng có gì yêu cầu bạn ngoài việc đi ra khỏi bóng râm, và bạn chỉ cảm thấy được sức mạnh tác dụng của việc đó sau này.

Bài viết của Suzanne Elizabeth Anderson

(Jn. M. Vương Tế Ngôn dịch theo https://aleteia.org/)

 

back to top
Filters