TẬP SỐNG TRƯỚC NHAN THÁNH CHÚA *** THÁNH ALPHONSO DE LIGUORI
11 Tháng Mười Một 2021
THÁNH ALPHONSO MARIA LIGUORI
TẬP SỐNG TRƯỚC NHAN THÁNH CHÚA
LỜI GIỚI – THIỆU
Mục đích đời sống con người, là vui hưởng Nhan Thánh Thiên Chúa trong cuộc sống vĩnh cửu. Mỗi khi nhắc đến đời sống vĩnh cửu, người Công Giáo chúng ta lập tức liên tưởng ngay đến cuộc đời mai sau trên thiên đàng. Trong khi đó, tại thế gian này chúng ta phải gánh lấy thánh giá khổ đau mà bước theo chân Chúa Giê-su.
Thánh giá khổ đau không ai thoát được. Vì Chúa Giêsu quả quyết rằng ngày nào có cái khổ của ngày ấy (Matthêu 6,34) và mỗi người trong chúng ta phải tự vác khổ giá của mình hằng ngày để đi theo Chúa : “Ai muốn . theo Ta thì phải bỏ mình vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày mà theo Ta.” (Luca 9,23). Lời Chúa khẳng định rằng con người không thể thoát khỏi thánh giá khổ đau mỗi ngày.
Nếu Lời Chúa phán như thế thì phải chăng “khổ giá” mà ta phải vác mỗi ngày chính là mục đích cuộc đời của con người? Phải chăng con người sinh ra đời để chịu đau khổ? Phải chăng khổ đau là lẽ sống đời người hay sao?
Hẳn nhiên là không. Bởi vì “Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi đã thí ban Người Con Một, ngõ hầu phàm ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi nhưng được có sự sống đời đời” (Gioan 3:16). Do đó, đau khổ không phải là mục đích đời người. Theo Thánh Ý Chúa, cuộc sống sung mãn trong Chúa mới thực sự là mục đích đời người. Niềm vĩnh phúc này không phải chỉ tìm thấy được ở đời sau, trên thiên đàng mà ngay cả tại thế gian.
Khi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, xuống thế làm người, Ngài đã không lìa bỏ thiên đàng mà đem cả thiên đàng xuống trần gian. Và khi Ngài về trời, Ngài cũng không rời bỏ thế gian mà đã đem cả nhân loại lên trời với Ngài. Bởi thế, hạnh phúc thiên đàng đã bắt đầu và đang tiếp diễn ngay tại dương thế.
Vậy thì làm thế nào để ta có thể sống đời vĩnh phúc thiên đàng ngay ở dưới thế này?
Thánh An-phong Maria Li-gô-ri, vị Tiến Sĩ Nhiệt Thành, viết: “Cuộc sống vĩnh phúc trên thiên đàng gồm hai việc: chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa và yêu mến Chúa. Vì vậy nên tôi kết luận rằng, hạnh phúc của linh hồn ở đời này cũng gồm trong hai việc: yêu mến và nhìn ngắm Thiên Chúa.”
Ai muốn sống đời vĩnh phúc thiên đàng ngay tại trần gian, thì người ấy cần phải có chiếc chìa khóa mở cửa thiên đàng. Chiếc chìa khóa đó chính là việc “Tập Sống Trước Nhan Thánh Chúa.” Sống Trước Nhan Thánh Chúa tức là yêu mến và ngắm nhìn Thiên Chúa và là hưởng hạnh phúc thiên đàng ở tại dương thế này.
Vậy nay, chúng tôi xin giới thiệu cùng quý anh chị em: đôi lời giáo huấn của Thánh An-phong Li-gô-ri, về phương pháp “Tập Sống Trước Nhan Thánh Chúa.”
Hy vọng qua tập sách nhỏ này anh chị em sẽ tìm thấy Thiên Chúa trong mọi sự và được tràn đầy lửa yêu mến Chúa; và nhờ lửa yêu mến đó, anh chị em sẽ tìm được niềm vĩnh phúc ngay tại thế gian này.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần là Ngọn Lửa Yêu Mến ngự xuống và thiêu đốt tâm hồn chúng con.
Dịch giả.
Nhiều bậc thầy trong khoa linh hướng gọi việc “Tập sống trước Nhan Thánh Chúa” là nền tảng của đời sống thiêng liêng. “Sống trước Nhan Thánh Chúa” gồm có ba việc:
Một là: xa lánh tội lỗi.
Hai là: rèn luyện nhân đức.
Ba là: kết hiệp với Chúa Giêsu.
Một cuộc đời luôn “sống trước mặt Chúa sẽ phát sinh ba kết quả trên” , sẽ gìn giữ linh hồn khỏi sa ngã phạm tội, dẫn đưa ta vào con đường nhân đức và liên kết ta với Thiên Chúa bằng ngọn lửa yêu mến thánh thiện.
Không có một phương pháp nào giúp ta hãm dẹp dục tình, chống trả cám dỗ và lánh xa tội lỗi hữu hiệu hơn là: nhớ đến Chúa luôn ở trước mặt ta. Thánh Tô-ma A-qui-nô, Tiến Sĩ Thiên Thần, dạy: “Nếu chúng ta luôn luôn nghĩ rằng Thiên Chúa hằng nhìn thấy chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ làm những điều trái mắt Ngài.” Thánh Giê-rô-ni-mô dạy rằng nhớ đến Chúa hằng luôn hiện diện trước mặt sẽ xua đuổi mọi tội lỗi ra khỏi linh hồn con người ta. Ngài nói: “Việc nhớ đến Chúa hằng luôn hiện diện sẽ khóa kín linh hồn không cho tội lỗi xâm nhập vào.”
Nếu con người ta không dám làm những điều ngang trái trước mặt vua chúa, cha mẹ, hoặc bề trên, thì làm sao họ lại dám vi phạm luật Chúa khi họ biết rằng Chúa hằng nhìn thấy họ trong mọi sự?
Thánh Am-brô-si-ô kể lại: “Một hôm, trong khi A-le-xan-der Đại Đế dâng cúng của lễ trong đền thờ vào lúc ban đêm, có một thanh niên hầu cận được lệnh phải cầm đuốc soi sáng cho nhà vua. Mặc dù đuốc đã cháy gần hết, cháy xuống tận tay anh, vậy mà anh vẫn để cho lửa đốt cháy luôn cả tay của mình. Anh thà để cho tay cháy còn hơn là ném ngọn đuốc đi kẻo phải thất lễ với nhà vua.” Thánh Am-brô-si-ô kết luận rằng: “Nếu việc tôn kính nhà vua mà còn khắc phục được bản năng tự vệ của người lính hầu cận kia, thì huống chi việc tưởng nhớ đến Chúa luôn hiện diện trước mặt sẽ làm cho ta lướt thắng mọi khó khăn bội phần.”
Nhớ đến Chúa hằng luôn hiện diện sẽ ban cho những linh hồn trung tín sức mạnh để vượt thắng mọi cám dỗ. Linh hồn ấy sẽ thà chấp nhận mọi đau khổ còn hơn làm điều dữ trước mặt Ngài.
Tất cả mọi tội lỗi con người ta phạm đều bắt nguồn từ việc quên đi Chúa luôn hiện diện trước mặt mình. Thánh Têrêsa Avila dạy: “Tất cả mọi sự dữ xảy đến với chúng ta là bởi vì chúng ta không nhận thức được Thiên Chúa hằng luôn hiện diện với chúng ta mà lại nghĩ rằng Thiên Chúa đang ở đâu thật xa vời.”
Ngàn năm trước đây, vua Đa-vít cũng đã nói về điều này:
“Họ không nhìn thấy Thiên Chúa luôn ở trước mặt họ; nên đường lối họ sống luôn luôn nhơ nhớp.” ( Ps 10, 5 ).
Hầu hết những kẻ tội lỗi đều quên rằng Thiên Chúa đang nhìn thấy họ. Vì thế mà họ thường xuyên xúc phạm đến Ngài.
Đan viện trưởng Di-ô-cles còn đi xa hơn một bước; Ngài bảo: “Người nào để cho mình quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa, tất người đó sẽ trở nên quái vật hoặc quỷ dữ.” Thật thế, lời ngài nói rất chính đáng. Bởi vì, người nào quên lãng Chúa đang hiện diện trước mặt mình, người đó lập tức sẽ bị tình dục và ước muốn bỉ ổi tấn công dữ dội. Chắc hẳn, người đó sẽ không đủ sức mà chống cự. Trái lại, nhờ luôn ý thức rằng Chúa hằng nhìn xem mọi việc họ làm mà các thánh đã dũng cảm chống trả và vượt thắng mọi cuộc tấn công của kẻ thù.
Cũng nhờ ý tưởng “có Chúa luôn ở trước mặt” mà bà Su-san-na không những có đủ can đảm và nghị lực để chống cự lại quyến rũ của những vị trưởng lão, mà còn coi thường những hăm dọa trên tính mạng bà. Đối diện với hai lão dâm tặc, bà Su-san-na đã mạnh dạn nói với họ rằng: “Thà tôi chết trong tay các ông mà không phạm tội, còn hơn là phạm tội trước mặt Chúa.” (Đaniel 13,23). Thà rơi vào tay kẻ dữ mà chết cách vô tội, còn hơn là xúc phạm đến Thiên Chúa trước Thánh Nhan Ngài.
Ý tưởng “có Chúa luôn ở trước mặt” cũng là nguyên do hoán cải người đàn bà phóng đãng kia. Một hôm, có một cô gái thuộc loại gái giang hồ nghe đồn rằng thánh Ê-phrem là một người thánh thiện nhân đức. Cô ta muốn tìm hiểu hư thực như thế nào nên bèn tìm đến để thử thách ngài. Cô gái phóng đãng kia bảo thánh Ê-phrem rằng cô muốn phạm tội với ngài. Thánh nhân đã khiến cho nàng phải kinh ngạc khi ngài lập tức đồng ý phạm tội với cô. Nhưng ngài đã ra điều kiện: “Nếu cô muốn phạm tội thì hãy ra giữa chợ mà gặp tôi. Ở đó, ta hãy phạm tội trước mặt mọi người – ngay ở giữa chợ.” Cô gái phóng đãng kia sợ hãi đáp: “Làm sao tôi lại có thể phạm tội trước mặt mọi người như thế được?”
Thánh Ê-phrem liền tiếp lời: “Vậy thì, làm sao tôi có thể phạm tội trước mặt Thiên Chúa, là Đấng thông biết mọi sự và luôn nhìn thấy mọi việc tôi làm mọi nơi, mọi lúc được?” Nghe những lời ấy, cô ta bật khóc nức nở. Cô liền quỳ sấp xuống đất, xin thánh nhân tha thứ và van xin ngài chỉ dạy cho biết con đường cứu độ. Nếu ý thức được rằng Chúa luôn nhìn thấy việc ta làm vì ta hằng luôn ở trước nhan thánh Ngài thì chẳng một ai dám phạm tội.
Một trường hợp tương tự đã xảy ra cho Đan viện trưởng Paph-nu-ti-us và một người đàn bà tội lỗi tên là Thais. Một ngày kia, cô Thais cám dỗ vị Đan viện trưởng phạm tội. Cô bảo thánh nhân: “Ông đừng sợ! Mình cứ phạm tội đi. Chẳng có ai ở đây. Mà cũng chẳng có ai thấy chúng ta đâu, họa chăng chỉ có Chúa mà thôi.” Lập tức, thánh nhân nghiêm nghị đáp: “Cô cũng tin rằng Thiên Chúa hằng trông thấy cô à? Thế mà cô lại vẫn còn muốn phạm tội hay sao?”
Như một cú sét đánh ngang tai, cô Thais bỗng cảm thấy ghê tởm cuộc đời tội lỗi của mình. Cô liền thu thập tất cả gia tài của cải, áo quần, vàng bạc châu báu của cô mà thiêu đốt đi trước đình làng. Sau đó, cô xin gia nhập một dòng tu và ở đó cô hãm mình phạt xác, ăn bánh mì uống nước lã mỗi ngày trong suốt ba năm.
Lúc nào cô Thais cũng lập đi lại câu: “Lạy Chúa, Ngài đã tạo dựng nên con, xin Chúa hãy thương xót con. Xin dủ tình thương xót con.” Sau ba năm khổ tu, cô Thais đã qua đời trong ơn nghĩa Chúa. Về sau, Chúa đã mặc khải cho thánh Phao-lô là đại đệ tử của thánh An-tôn Sa Mạc, vị tổ phụ các đan sĩ, biết rằng cô gái sa đọa tội lỗi kia đã được Thiên Chúa đặt lên ngai vinh hiển ngang hàng với nhiều vị thánh cả. Bởi vì, trong đời tu của cô, cô đã không bao giờ quên Thiên Chúa hằng luôn hiện diện trước mặt.
“Lánh xa tội lỗi” chính là hiệu quả của việc nhớ đến có Chúa luôn hiện diện trước mặt. “Sống trước mặt Chúa” bảo đảm sẽ làm cho chúng ta xa lánh tội lỗi. Vậy, chúng ta hãy cùng với ông Gióp mà không ngừng cầu cùng Thiên Chúa rằng: “Xin hãy đặt tôi ở bên cạnh Ngài, lạy Chúa, rồi hãy để cho tay thế nhân tấn công tôi đi.” (Job 1, 3) Lạy Chúa, xin hãy đặt con ở trước nhan thánh Chúa; xin hãy luôn nhắc nhở con rằng Chúa trông thấy con khắp mọi nơi. Biết Chúa luôn nhìn thấy con, thì dù cho có bao nhiêu kẻ thù tấn công con, con sẽ không bao giờ nao núng. Vì với Chúa, con sẽ đánh bại họ.
Cũng vì thế, thánh Gioan Kim Khẩu kết luận rằng: “Nếu chúng ta luôn đặt mình trước nhan thánh Chúa, chỉ với ý tưởng Chúa thấu biết hết mọi ý nghĩ của ta, nghe biết mọi lời nói của ta và xem thấy mọi hành vi của ta, ý tưởng đó sẽ gìn giữ ta khỏi mọi ý nghĩ gian tà, mọi lời lẽ xấu xa và mọi việc làm độc ác.”
“Sống trước mặt Chúa” cũng là một phương pháp thượng đẳng để luyện tập nhân đức. Quả thế, quân sĩ sẽ biểu lộ lòng dũng cảm như thế nào trước sự hiện diện của nhà vua? Chỉ cần biết rằng nhà vua đang quan sát mình, thì quân lính sẽ gia tăng sức mạnh và can trường hơn. Cũng vậy, khi một thầy dòng hay một nữ tu ở trước mặt vị bề trên mình, họ sẽ tỏ lòng sốt sắng hơn khi cầu nguyện, khiêm nhu hiền từ hơn khi đối xử với anh chị em và hăng hái hơn khi thi hành mệnh lệnh của bề trên. Vậy nếu các tu sĩ luôn lưu giữ trong lòng ý tưởng: “Thiên Chúa hằng trông thấy mọi việc họ làm,” hẳn chắc họ sẽ chu toàn mọi công việc một cách hoàn thiện, mỹ mãn hơn. Họ sẽ làm việc với một chủ ý tinh tuyền trong sạch, không cần phải tìm cách lấy lòng bất cứ một ai ngoại trừ Thiên Chúa. Họ sẽ không màng đến sự nể nang của người khác.
Thánh Ba-si-li-ô nói rằng: “Nếu một người đầy tớ đứng trước mặt nhà vua và trước một người ăn mày, thì người đó sẽ chú tâm hầu hạ nhà vua để làm đẹp lòng ngài. Người đó sẽ chẳng màng để ý đến nhu cầu của người ăn xin kia. Do đó, ai đi trước mặt Chúa sẽ chẳng còn thèm thuồng ham thích mọi thú vui ở thế gian này. Họ chỉ tìm làm đẹp lòng Thiên Chúa là Đấng hằng luôn xem thấy họ.”
Sau cùng, hoa quả thứ ba của việc “sống trước mặt Chúa” là sự kết hiệp mật thiết giữa linh hồn với Thiên Chúa. Một luật căn bản bất di bất dịch của tình yêu là : tình yêu sẽ càng gia tăng, rực cháy hơn trước sự hiện diện của đối tượng tình yêu. Qui luật này áp dụng ngay cho cả bậc tu mi nam tử, mặc dù đàn ông càng đối thoại nhiều với nhau họ lại càng khám phá ra khuyết điểm của nhau. Dẫu vậy họ cũng không thoát khỏi quy luật tình yêu: càng ở gần người yêu, thì càng gia tăng lửa mến. Vậy thì, tình yêu của một linh hồn dành riêng cho Thiên Chúa sẽ gia tăng biết mấy khi linh hồn ấy hằng luôn nhìn thấy Ngài ở trước mặt. Linh hồn nào càng tiếp xúc và trò chuyện nhiều với Thiên Chúa, thì linh hồn đó sẽ càng hiểu thấu hơn vẻ đẹp tuyệt vời của Ngài. Họ sẽ thấu cảm hơn lòng thiện hảo ngọt ngào của Thiên Chúa.
Hai giờ chiêm niệm sáng và chiều thật không đủ để kết hiệp một linh hồn chặt chẽ với Thiên Chúa. Thánh Gioan Kim Khẩu dạy rằng: “Nếu ta rút lửa dưới ấm nước, tất nước trong ấm sẽ lập tức nguội đi và trở lại nhiệt độ bình thường. Cũng vậy, sau việc chiêm niệm ta cần phải bảo trì lòng sốt mến bằng cách luôn nhớ đến Chúa hằng ở trước mặt ta và thường xuyên dốc lòng yêu mến Chúa.”
Thánh Bê-na-đô chia sẻ rằng khi ngài bắt đầu trở lại với Chúa, lòng ngài thường hay bối rối phiền nhiễu và lửa nhiệt thành rất dễ nguội lạnh. Trong những lúc đó ngài hay tưởng nhớ đến khuôn mặt của những bậc thầy thánh thiện hoặc những vị thánh đã qua đời, tức khắc ngài hồi phục lại được bình an và lòng sốt mến Thiên Chúa. Cũng thế, đối với một linh hồn yêu mến Thiên Chúa, khi nhớ đến Chúa đang hiện diện và đang khát mong tình yêu của mình, thì linh hồn ấy sẽ tăng thêm lòng yêu mến Thiên Chúa biết là dường nào.
Vua Đa-vít tâm sự rằng mỗi khi ngài nhớ đến Thiên Chúa của ngài, tâm hồn ngài ngập tràn niềm vui và an ủi. “Tôi nhớ đến Chúa và lòng tôi đầy ngập niềm vui” (Ps 76:4). Cho dù có phải phiền sầu đớn đau đến đâu đi nữa mà nếu một linh hồn yêu mến Chúa thật, chỉ cần tưởng nhớ đến Thiên Chúa dấu yêu của mình, thì linh hồn ấy sẽ được tràn đầy an vui và thoát khỏi mọi cơn phiền muộn.
Vì vậy, những linh hồn nào say đắm Thiên Chúa chắc chắn sẽ luôn được sống trong bình an thư thái. Cũng như hoa hướng dương hằng luôn xoay mình theo ánh mặt trời, những linh hồn say mê Thiên Chúa sẽ luôn quy hướng mọi hoàn cảnh cuộc sống và mọi hoạt động của mình về trước tôn nhan Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và hoạt động, họ sẽ nhìn thấy Chúa hiện diện. Thánh Têrêsa Avila quả quyết: “Một con người biết yêu thật sẽ luôn luôn nhớ đến người mình yêu.”
Giờ đây, chúng ta bàn đến việc tập “Sống Trước Nhan Thánh Chúa” Phương thức tập “Sống trước Nhan Thánh Chúa” gồm hai phần. Phần một có liên quan đến hoạt động của trí khôn và phần thứ hai liên quan đến hoạt động của ý chí. Hai phần này thật sự chỉ là hai mặt của một diễn tiến trong việc “Sống trước nhan Chúa.” Nhờ trí khôn, chúng ta sẽ tập luyện nhìn thấy tôn nhan Chúa trong mọi sự. Và nhờ ý chí, chúng ta sẽ tập kết hiệp linh hồn mật thiết với Thiên Chúa bằng cách hạ mình trước nhan thánh Chúa, tôn thờ Chúa, yêu mến Chúa và ta sẽ theo những hình thức tương tự. Sau này, tôi sẽ bàn thêm chi tiết về những cách tương tự.
Có bốn cách để tập “sống trước nhan thánh Chúa” dựa vào trí thông minh:
* - Luyện Trí Tưởng Tượng
* - Luyện Mắt Đức Tin
* - Luyện Nhìn Thấy Chúa Trong Thiên Nhiên
* - Luyện Nhìn Thấy Chúa Trong Chính Mình
Bạn hãy tưởng tượng rằng Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta, luôn ở trước mặt bạn. Hãy tập nhìn thấy Ngài đang ở bên cạnh mình, đồng hành với mình và bầu bạn với mình. Ngài luôn nhìn thấy tất cả mọi nơi ta đi tới.
Bạn cũng có thể dùng trí tưởng tượng để tập nhìn thấy Ngài dưới nhiều hình dạng nhiệm mầu khác nhau. Thí dụ như nhìn thấy Ngài là một em bé sơ sinh đang nằm co rúm trong máng cỏ Bê-lem lạnh giá hoặc đang được Mẹ Maria bồng ẵm trốn sang Ai Cập; nhìn thấy Ngài là một thiếu niên cùng cha nuôi là Thánh Cả Giuse đang cưa gỗ xây nhà trong phòng củi; nhìn thấy Ngài là một tử tội đang rên xiết quằn quại khi chịu roi đòn xối xả trên lưng; nhìn thấy Ngài đang chịu đội mão gai và chịu đóng đinh trên thập giá trong cơn hấp hối.
Theo thánh Têrêsa Cả, dùng trí tưởng tượng để nhìn thấy Chúa hiện diện trong mọi sự là một cách cầu nguyện rất hữu hiệu và tốt lành. Nhưng theo tôi (Thánh An-phong) tuy cách dùng trí tưởng tượng để tướng nhớ đến sự hiện diện của Chúa thật là tốt lành đó cách này vẫn chưa phải là phương thức tuyệt hảo nhất và cũng không phải luôn luôn hữu ích cho người tập luyện. Lý do thứ nhất là vì trí tưởng tượng không phải lúc nào cũng phù hợp hay đi đôi với thực tế và sự thật. Sự thật là: Đức Giêsu Kitô chính là Thiên Chúa và là con người. Và thực tế là: Chúa Giêsu chỉ thật sự hiện diện với chúng ta sau khi linh mục truyền phép Thánh Thể hoặc là khi chúng ta quỳ lạy tôn thờ Thánh Thể Chúa trước Nhà Tạm.
Hơn nữa, trí tưởng tượng cũng có thể tạo ra những ảo ảnh hão huyền hoặc khi vận dụng trí tưởng tượng quá sức sẽ có thể làm cho ta nhức đầu hoặc bị choáng váng. Vì thế, nếu bạn muốn dùng trí tưởng tượng để tập “sống trước mặt Chúa,” bạn cần phải thận trọng khi áp dụng trí tưởng tượng và phải thật dịu dàng đối với chính mình trong khi tập luyện. Bạn chỉ nên tập luyện khi thấy có ích lợi cho mình và khi tâm hồn bạn an nhàn thư thái, không cần phải ép buộc đầu óc mình vẽ ra những chi tiết về Chúa Cứu Thế – như về khuôn mặt Ngài, dáng vóc Ngài hay là màu da của Ngài. Điều quan trọng là chỉ cần nhìn thấy Ngài đang ở trước mặt mình và đang quan tâm để ý đến chúng ta. Thế là đủ.
Phương pháp thứ hai để tập “Sống Trước Nhan Thánh Chúa” là luyện cặp mắt Đức Tin. Phương pháp này là một phương pháp an toàn và hoàn hảo hơn. Bởi vì phương pháp này dựa trên nền tảng chân lý của đức tin. Với phương pháp này bạn sẽ tập nhìn thấy Chúa với “cặp mắt Đức Tin,” trông thấy Chúa đang hiện diện với bạn khắp mọi nơi và nhận biết rằng Chúa đang bao trùm cả cuộc sống của bạn và Ngài đang chú tâm nhìn thấy mọi việc bạn làm.
Thực tế là ở đời này chúng ta không thể thấy được Chúa bằng cặp mắt xác thịt. Cũng như chúng ta không thấy được không khí, nhưng chúng ta biết chắc rằng không khí đang bao trùm chung quanh ta mọi nơi và chúng ta đang sống trong không khí. Không có không khí tất nhiên chúng ta không thể thở được mà không thở được thì cũng không thể sống được. Cũng vậy, mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy Thiên Chúa với con mắt xác phàm, Đức Tin thánh thiện dạy rằng Thiên Chúa hằng luôn hiện diện với chúng ta. Trong sách tiên tri Jeremia 23:24, “Thiên Chúa phán: các ngươi không biết rằng Ta bao trùm cả trời đất hay sao?” Qua câu này Chúa muốn nói rằng chẳng phải sự hiện diện của Chúa bao quát cả đất trời hay sao? Giống như bọt biển trôi dạt giữa lòng đại dương nhuần thấm nước biển vì nước biển bao bọc xung quanh ta. Thánh Phaolô nhắc nhở ta rằng: “Chúng ta sống trong Chúa, hoạt động trong Chúa và hiện hữu trong Chúa.” (Cv. 17:28)
Thánh Au-gus-ti-nô dạy rằng: “Thiên Chúa chúng ta hằng để tâm quan sát mọi hành vi, lời nói và tư tưởng của mỗi một người. Ngài quan tâm để ý đến mỗi người như Ngài quên hết tất cả mọi tạo vật khác mà chỉ chú trọng đến một mình ta mà thôi. Vì thế, Thiên Chúa luôn lưu tâm ghi nhận mọi lời ta nói, mọi việc ta làm và mọi ý tưởng ta suy nghĩ để trong ngày sau cùng Ngài sẽ đòi chúng ta phải trả lẽ trước mặt Ngài. Thiên Chúa sẽ xét xử và thưởng phạt ta tùy theo lối ăn nếp ở của chúng ta…”
Phương pháp tập “Sống Trước Nhan Thánh Chúa” thứ hai này bảo đảm sẽ không làm cho bạn mệt nhọc trí óc. Bởi vì, muốn tập luyện phương pháp này, bạn chỉ cần làm sống dậy lòng tin bằng một nỗ lực yêu mến của ý chí và nói với Chúa rằng: “Lạy Chúa, con tin thật Chúa đang hiện diện nơi đây. Con tin rằng Chúa đang mặt con.” Thêm vào đó, bạn có thể dễ dàng dốc lòng yêu mến Chúa hoặc phó thác đời sống mình trong tay Ngài, hoặc là giục lòng sống trong sạch hay làm những việc tốt lành khác tương tự.
3 - Luyện Nhìn Thấy Chúa Trong Thiên Nhiên
Phương pháp thứ ba giúp ta nhớ : Thiên Chúa luôn hiện diện là nhận biết Ngài trong các tạo vật. Nhất là nhận thức rằng vạn vật đều phát xuất từ Thiên Chúa, và nhờ Ngài mà chúng được hiện hữu để phục vụ bạn.
Bạn hãy nhìn xem Thiên Chúa đang ở trong nước để gội rửa ta, ở trong lửa để sưởi ấm ta, ở trong ánh nắng để soi sáng ta, ở trong cơm bánh để nuôi sống ta, ở trong áo quần để che thân ta và trong tất cả mọi vật tương tự khác mà Ngài đã tạo nên để phục vụ loài người chúng ta.
Khi nhìn thấy một vật đẹp như một vườn hồng xinh xắn hoặc một cánh hoa tươi đẹp, bạn hãy nghĩ ngay rằng bạn đang nhìn ngắm một tia sáng tuyệt mỹ vô biên của Thiên Chúa. Chính Ngài là Đấng đã ban cho vườn hồng và bông hoa kia được hiện hữu và vẻ đẹp tuyệt vời. Khi bạn đàm thoại với một con người thánh thiện khôn ngoan, bạn hãy tưởng nhớ rằng chính Thiên Chúa đã ban cho con người ấy một tí ti khôn ngoan thánh thiện của Ngài. Cũng thế, khi lắng nghe tiếng nhạc du dương hòa tấu, khi cảm biết mùi hoa hương dịu ngọt êm đềm hoặc khi nếm dùng những món ăn ngon, bạn hãy luôn nhớ rằng chính Thiên Chúa đang hiện diện và đã ban cho ta những cảm thức vui sướng đó. Căn cứ vào những cảm nghiệm đó, bạn có thể tự gợi lên cho tâm hồn mình những ước muốn đạt tới sự vui thú vĩnh cửu của thiên đàng.
Bạn hãy năng tập nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi vật, bởi vì Ngài biểu lộ chính mình Ngài trong mọi tạo vật. Và bạn hãy dâng lên Ngài tấm lòng tri ân cảm mến và hãy luôn nhớ lại rằng từ thuở đời đời, Thiên Chúa đã nghĩ đến việc tạo dựng nên muôn vật muôn loài tuyệt đẹp cho con người chúng ta để chúng ta chiêm ngưỡng mà yêu mến Ngài.
Thánh Au-gus-ti-nô dạy: “Anh em hãy tập mến Đấng tạo dựng nên anh em trong tất cả mọi loài thọ tạo. Nhưng anh em đừng quá chú tâm đến chúng, vì chúng chỉ là tạo vật do tay Thiên Chúa dựng nên. Đừng quá dính bén, lệ thuộc vào chúng mà mất đi Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng nên anh em.”
Đây chính là cách thức luyện tập “sống trước mặt Chúa” của thánh Au-gus-ti-nô. Khi nhìn thấy những loài vật tốt đẹp, ngài liền hướng lòng lên Chúa. Vì thế, khi lòng chứa chan tình yêu Chúa, thánh nhân đã phải thổ lộ với Chúa: “Trời, đất và tất cả mọi sự trong đất trời thôi thúc con yêu mến Ngài, lạy Chúa.” Và khi thánh nhân ngắm nhìn bầu trời trong lành, tinh tú long lanh, lúa đồng xanh mát, núi đồi hùng vĩ, thì dường như ngài nghe chúng nói với mình: “Anh Au-gus-ti-nô ơi, anh hãy yêu mến Thiên Chúa đi, vì Ngài đã dựng nên anh với một mục đích duy nhất là để anh yêu mến Ngài.”
Cũng vì vậy mà khi thánh Têrêsa Cả nhìn thấy đồng bằng, biển khơi, sông ngòi và mọi loài thọ tạo tuyệt đẹp, thánh nữ cảm thấy như chúng đang trách móc mình sao lại quá vô ơn đối với Thiên Chúa.
Vì thế mà khi thánh nữ Maria Magđalene Pazzi cầm trong tay một cành hoa hay một quả táo, thánh nhân ngắm nhìn mà phải ngẩn người vì cảm thấy tình yêu huyền diệu của Thiên Chúa đối với mình. Thánh nữ phải tự bảo mình rằng: “Vậy thì, từ đời đời Thiên Chúa đã tiền định sẵn, nên Ngài đã dựng nên quả táo và cành hoa này cho tôi để chứng minh rằng Ngài yêu thương tôi.”
Cũng một trường hợp tương tự xảy ra cho thánh Si-mon Sao-lô. Mỗi khi thánh nhân đi ngang qua cánh đồng, nhìn thấy hoa cỏ, ngài liền dùng cây gậy vừa đập vừa nói rằng: “Câm mồm! Câm mồm đi! Chúng bây trách ta không chịu yêu mến Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên vẻ đẹp của chúng bây để cho ta hưởng thụ và để thúc giục ta yêu mến Chúa. Ta nghe rồi; bây làm ơn đừng nói nữa; đừng phiền trách ta nữa; hãy câm mồm đi!”
4 - Luyện Nhìn Thấy Chúa Trong Chính Mình
Phương cách thứ tư và cũng là phương cách tuyệt hảo nhất để giúp bạn luôn nhớ Chúa hằng hiện diện trước mặt bạn là luyện tập liên tưởng đến Ngài đang cư ngụ trong lòng mình. Bạn không nhất thiết phải lên tận trời xanh mới tìm thấy được Thiên Chúa. Chỉ cần bạn hồi tâm và quay về tâm hồn của mình, bạn sẽ tìm thấy Ngài nơi cung lòng mình.
Khi cầu nguyện mà bạn lại coi như Chúa đang ở một nơi thật xa xăm, thì làm cho bạn rất dễ chia trí. Thánh Têrêsa Avila chia sẻ rằng: “Trước kia, tôi chưa bao giờ biết suy niệm cho đúng cách mãi tới khi Chúa chỉ dạy cho tôi cách cầu nguyện quy tâm hướng lên Chúa. Bất cứ lúc nào tôi hồi tâm hướng về Thiên Chúa, Ngài cũng luôn ban cho tôi tràn trề phúc lộc. Không khi nào tôi lại không được ban đầy tràn ơn lành.”
Thực tế hơn: bạn cần nhận thức rằng Chúa luôn ở trong bạn. Nhưng việc Chúa ở trong bạn khác hẳn với việc Chúa ở trong các loài thọ tạo khác. Thiên Chúa hiện diện trong tâm hồn ta như Ngài đang cư ngụ trong đền thờ Ngài và như đang ở ngay trong Nhà Ngài.
Thánh Phaolô hỏi: “Bạn không biết rằng bạn chính là đền thờ Thiên Chúa đó sao? Chẳng lẽ bạn không biết Thần Khí Thiên Chúa đang cư ngụ trong bạn sao?” (1 Cor 3:16). Vì thế, Chúa Giêsu Cứu Thế của chúng ta nói rằng Ngài cùng Cha và Thánh Thần sẽ đến cư ngụ trong linh hồn nào yêu mến Thiên Chúa. Ngài sẽ đến với linh hồn ấy không phải chỉ đến để tạm trú, nhưng để lưu ngụ nơi đó mãi mãi. Ngài sẽ thiết lập nhà Ngài nơi tâm hồn đó đến muôn đời muôn thuở. “Ai yêu mến Ta,... Cha Ta sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến và sẽ đặt chỗ ở trong người ấy.” (Gioan 14:23)
Tuy vua chúa ở thế gian này đều có những lâu đài nguy nga tráng lệ, họ vẫn có những căn nhà riêng tư để thường trú. Cũng vậy, Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Sự hiện diện của Ngài phủ đầy đất trời. Nhưng Ngài lại lưu ngụ một cách đặc biệt trong tâm hồn chúng ta. Và Ngài đã dùng miệng Thánh Phaolô mà cho ta biết rằng Ngài vui sướng lưu lại trong tâm hồn con người như trong khu vườn tươi mát, đầy thú vị. “Ta sẽ cư ngụ và sẽ đi lại với chúng. Và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta.” (2 Cor. 6:16)
Tâm hồn bạn chính là nơi mà Thiên Chúa muốn bạn yêu mến Ngài và nguyện cầu với Ngài. Bởi vì, Thiên Chúa là Đấng đầy lòng nhân ái yêu thương luôn lưu ngụ trong tâm lòng chúng ta để lắng nghe lời chúng ta kêu cầu. Ngài luôn ở đó trông chờ tình yêu của bạn. Ngài luôn ở đó để soi sáng và cai trị bạn. Và ngài ở đó để ban cho bạn mọi ơn lành và để giúp bạn đạt đến ơn cứu độ vĩnh cửu.
Vì thế, bạn hãy năng ra sức để làm sống dậy niềm tin vào chân lý vĩnh cửu này. Bạn hãy hạ mình trước sự oai nghiêm vĩ đại của Thiên Chúa là Đấng đã hạ mình xuống để lưu ngụ trong tâm hồn bạn. Mặt khác, bạn cần phải luôn lưu tâm đến sự hiện diện của Ngài trong mình bằng những cách thức sau đây: một lúc thì bạn giục lòng tin tưởng tín thác vào Chúa. Lúc khác, bạn hãy dâng hiến bản thân mình cho Ngài. Lúc khác nữa, bạn hãy giục lòng yêu mến sự thiện hảo vô biên của Thiên Chúa. Một lúc nữa thì bạn cảm tạ Ngài vì mọi ơn lành Ngài ban. Rồi bạn hãy vui mừng hoan hỷ trong vinh quang Ngài. Lúc khác nữa, bạn hãy cầu xin Ngài soi dẫn bạn trong những khi cuộc đời ngập tràn tối tăm, mù mịt. Hoặc bạn hãy luôn nhắc nhở chính mình rằng sự Trọn Lành Thánh Thiện của Thiên Chúa luôn thuộc về mình. Bạn cần phải xác tín rằng không có một thế lực hay quyền năng nào ở trên trời hoặc dưới đất có thể tước đoạt Thiên Chúa khỏi lòng bạn. Thiên Chúa sẽ không bao giờ lìa bỏ bạn, trừ phi chính bạn tự ý xua đuổi Ngài ra khỏi tâm hồn mình.
Tâm hồn con người chính là căn phòng bí mật mà thánh nữ Ca-ta-ri-na đệ Si-en-na đã xây cất nơi con tim thánh nữ. Nơi đây thánh nhân hay lui về để nghỉ ngơi và trò chuyện với Thiên Chúa. Nhờ đó mà thánh nữ đã khắc phục được chính bản thân và vượt qua được những lần bị cha mẹ đã ngăn cấm không cho thánh nữ trở về phòng riêng của mình để hầu chuyện và nguyện cầu cùng Chúa. Nhưng trong chính căn phòng của con tim, thánh nhân lại tiến triển vượt bực trong đàng nhân đức, hơn ở trong chính căn phòng của cha mẹ, bởi vì cha mẹ buộc thánh nhân mỗi ngày phải rời khỏi căn phòng nhiều lần. Tuy nhiên, thánh nhân không bao giờ rời bỏ căn phòng tâm hồn, mà lại luôn hồi tâm quy về với Chúa để trò chuyện với Ngài.
Cũng trong ý tưởng đó, thánh Têrêsa Avila đã miêu tả việc Chúa hiện diện trong nội tâm như sau: “Tôi tin rằng những ai có thể nhốt mình trong thiên đàng của linh hồn, nơi mà Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên họ hằng luôn lưu ngụ, những người ấy quả thật đang bước đi trên con đường tuyệt hảo. Chắc chắn, họ sẽ tiến bộ vượt bực trên đường nhân đức trong một thời gian ngắn ngủi.”
Nói cách khác, nhờ luyện tập “sống trước nhan thánh Chúa” bằng cách thức trên , các thánh đã chiếm được những kho tàng ơn sủng vĩ đại. Vua Đa-vít, cũng là một tiên tri của Thiên Chúa, nói rằng “Tôi luôn đặt Yavê trước mắt, vì có Ngài bên hữu tôi, tôi không bao giờ nao núng.” (Tv. 15:8) Tôi luôn gắng sức nhớ rằng Chúa hằng luôn ở trước mặt tôi và Ngài luôn để ý đến từng việc tôi làm.
Chân phước Hen-ry Su-sô áp dụng phương pháp “sống trước mặt Chúa” này đến mức không có việc gì ngài làm mà lại không đặt trước sự hiện diện của Chúa. Vì thế, trong tất cả mọi việc làm ngài liên tục hầu chuyện với Chúa với một tâm tình mến yêu nồng cháy.
Thánh Ger-tru-đê luyện được thói quen “sống trước mặt Chúa” một cách tuyệt hảo, đến nỗi Chúa Giêsu hiện ra nói cho thánh Mech-til-de biết về Ger-tru-đê rằng: “Người hôn thê yêu dấu đó luôn luôn đi trước mặt Ta, luôn luôn thi hành thánh ý Ta và luôn luôn làm tất cả mọi sự để tôn vinh Danh Ta.”
Và đó cũng chính là lối sống của thánh nữ Têrêsa, bởi vì không có một công việc nào thánh nhân làm mà lại quên đặt Chúa Giêsu yêu dấu trước mặt.
Như thế thì nếu quý bạn hỏi tôi các bạn cần phải nhớ đến Chúa ở trước mặt mình một ngày bao nhiêu lần, tôi xin lấy lời của thánh Bê-na-đô để đáp. Thánh Bê-na-đô dạy: “Anh em phải nhớ đến Chúa hiện diện từng giây, từng phút, từng khoảnh khắc trong ngày.” Bởi vì không có một khoảnh khắc nào mà Thiên Chúa lại không tuôn đổ muôn vàn ơn lành xuống trên ta, cho nên không có một giây phút nào mà ta lại được quên Ngài. Quên Ngài là lỗi phạm đến ân tình Ngài là mang tội vô ơn.
Nếu bạn biết rõ rằng nhà vua luôn luôn tưởng nghĩ đến bạn và quan tâm đến đời sống của bạn, dù ngài chưa bao giờ làm một việc gì tốt cho cá nhân bạn, thì khi nghĩ đến tình ngài đối với mình, bạn không thể nào lại không quý mến ngài. Cũng thế, bạn cần xác tín rằng Thiên Chúa lúc nào cũng tưởng nhớ đến bạn và Ngài không ngừng tuôn ban phúc lành xuống trên bạn. Có lúc Ngài ban cho bạn ánh sáng soi chiếu tâm hồn. Có lúc Ngài ban ơn nâng đỡ nội tâm. Còn lúc khác, Ngài thăm viếng tâm hồn bạn bằng tình yêu dạt dào, nồng thắm. Thế thì, bất cứ lúc nào bạn quên Ngài, thì có phải đó là bạn vô ơn hay không? Như vậy, tất cả chúng ta đều có bổn phận phải cố gắng nhớ đến sự hiện diện của Thiên Chúa luôn luôn. Hoặc ít nhất, ta cần phải cố gắng tập nhớ đến Ngài thường xuyên.
Đây chính là lời Thiên Chúa Yavê khuyên nhủ A-bra-ham: “Ta là El-shad-day, Thiên Chúa toàn năng, hãy bước đi trước mặt ta và hãy sống cho trọn lành.” (Kn 17:1). “Hãy luôn đi trước mặt Ta thì ngươi sẽ nên hoàn thiện.”
Ông Tô-bia cũng khuyên con cái ông như vậy: “Suốt mọi ngày đời con, hỡi con, con hãy nhớ đến Chúa.” (Tobia. 5:5) “Con ơi, trọn cả đời con, con hãy luôn đặt Chúa trước mặt con.”
Khi thánh Đô-si-theus hỏi thầy mình là thánh Đô-rô-theus cách gì để nên trọn lành, thánh Đô-rô-theus khuyên bảo đệ tử phải tập “sống trước mặt Thiên Chúa” một cách đặc biệt. Thánh nhân bảo: “Con hãy tưởng nhớ rằng Thiên Chúa hằng luôn ở trước mặt con và Ngài luôn nhìn thấy con.” Thánh Đô-rô-theus thuật lại rằng người môn đệ của ngài sống rất trung thành với lời chỉ dạy của thầy. Trung thành đến nỗi trong tất cả mọi công việc làm, dầu nhỏ bé cách mấy, và ngay cả trong những lần ngã bệnh, Đô-si-theus không bao giờ quên đi Chúa luôn hiện diện trước mặt. Vì vậy, sau một cuộc đời binh lính sống trong sa đọa, chỉ trong vòng năm năm Đô-si-theus đã đạt đến mức thánh thiện thật cao siêu. Sau khi qua đời, Đô-si-theus được đặt ngồi trên ngai vinh hiển ngang hàng với các thánh tổ trong giới ẩn tu.
Cha Giuse An-chie-ta, là một đầy tớ rất trung tín của Chúa, đã nhờ tập luyện “sống trước mặt Chúa” liên lỉ mà đã đạt đến mức thiện hảo thượng thừa. Ngài nói rằng không có bất cứ một điều gì có thể tách biệt chúng ta ra khỏi sự hiện diện của Thiên Chúa, ngoại trừ chính chúng ta không muốn tưởng nhớ đến Chúa nữa.
Tiên tri Mi-ca nói: “Tôi sẽ mặc khải cho ngươi, hỡi người, cái gì là thiện. Và Yavê đòi ngươi điều gì . . . là khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của ngươi.” (Mica 6:8) Này bạn ơi! Tôi sẽ chỉ cho bạn biết phải làm gì và biết Chúa đòi gì nơi bạn. Hãy lắng nghe đây: Ngài muốn bạn sống khiêm nhường và đặt tất cả mọi việc bạn làm trước mặt Ngài. Chỉ lúc đó mọi việc bạn làm mới được hoàn tất tốt đẹp.
Cũng vì thế mà thánh Grê-gô-ri-ô Na-zi-an-zen đã viết: “Ta phải tưởng nhớ đến Chúa như hơi thở ta thở.” Ngài thêm, làm như thế ta sẽ làm được tất cả mọi sự.
Một tác giả khác nói rằng nhiều lúc ta phải bớt đi thời giờ suy niệm, thí dụ như trong lúc mang bệnh hoặc trong khi phải chu toàn một công việc quan trọng, cần phải làm cấp bách; nhưng không lúc nào chúng ta có thể bỏ quên tập “sống trước mặt Chúa,” nhất là bằng cách dâng hiến con người và cuộc sống mình cho Chúa hoặc là dâng những ý tưởng trọn lành lên cho Thiên Chúa, hoặc những việc tương tự mà sau này tôi sẽ giải thích thêm.
Từ đầu đến đây, chúng ta đã bàn thảo về những hoạt động của trí khôn. Bây giờ, tôi xin bàn về cách áp dụng ý chí trong việc luyện tập “sống trước nhan thánh Thiên Chúa.”
Điều đầu tiên mà chúng ta cần biết là: “Luôn luôn được sống trước mặt Chúa và tưởng nhớ đến Chúa” chính là hạnh phúc tuyệt vời của các thánh. Tuy nhiên, trên thế gian này, “tưởng nhớ đến Chúa” luôn luôn mà không bị chi phối lại là một chuyện thật khó làm. Vì thế mà chúng ta cần phải tận dụng mọi khả năng sức lực để tập “sống trước mặt Chúa” liên tục.
Ta không nên “sống trước mặt Chúa” trong sự xôn xao náo động hay là bằng những nỗ lực gián đoạn của lý trí. Nghĩa là, hứng thì làm không thì bỏ. Nhưng ta phải tập “sống trước mặt Thiên Chúa” trong sự êm dịu ngọt ngào và an nhiên tự tại.
Có ba cách áp dụng ý chí để tập “sống trước nhan thánh Chúa”:
* Tập Nâng Tâm Hồn
* Tập Làm Đẹp Lòng Chúa Trong Mọi Sự
* Tập Thói Quen Lui Về Một Nơi Tịnh Vắng
Cách thứ nhất là tập thường xuyên nâng tâm hồn cùng Chúa bằng những lời nguyện ngắn nhưng thật nồng nàn. Hoặc tỏ lòng thiết tha yêu mến Chúa là Đấng đang ở trong ta. Bạn có thể tập nâng tâm hồn lên để yêu mến Chúa mọi nơi mọi lúc – khi đi dạo cũng như khi giải trí. Bạn có thể tập hướng lòng yêu mến Chúa bằng những cách như: quyết chí chọn một mình Chúa, ước ao được một mình Chúa, phó thác tất cả cho Chúa, dâng hiến trọn bản thân cho Chúa, yêu mến chỉ một mình Chúa, khước từ mọi sự để sống cho Chúa, cảm tạ Chúa vì những ơn lành Chúa ban, kêu cầu nài xin Chúa, hạ mình trước mặt Chúa, giục lòng tin tưởng tín thác vào Chúa, và những việc tương tự. Trong bất cứ việc gì bạn làm, bạn có thể tưởng nhớ đến Chúa một cách dễ dàng bất cứ lúc nào bạn muốn và bạn có thể dùng những câu sau đây:
Chúa ơi, con chỉ muốn một mình Chúa mà thôi.
Chúa ơi, con chẳng ước được gì, ngoại trừ con được thuộc trọn về Chúa thôi.
Chúa ơi, xin Chúa dùng con và tất cả những gì thuộc về con tùy theo thánh ý Chúa.
Chúa ơi, con dâng Chúa trọn cả con người con cho Chúa.
Chúa ơi, con yêu mến Chúa hơn chính mình con.
Chúa ơi, con từ bỏ hết mọi sự vì con yêu mến Chúa.
Chúa ơi, con cám ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho con.
Chúa ơi, xin Chúa cứu con; xin thương xót con.
Chúa ơi, con khao khát tình yêu Chúa.
Chúa ơi, đáng lẽ con phải sa hỏa ngục ngay bây giờ rồi.
Chúa ơi, được ở gần bên Chúa con sung sướng lắm.
Chúa ơi, ước gì tất cả mọi người đều yêu mến Chúa.
Chúa ơi, xin đừng bao giờ để con xa lìa Chúa.
Chúa ơi, con tin Chúa hết lòng con.
Chúa ơi, biết chừng nào con mới được gặp mặt Chúa, biết chừng nào con mới được yêu mến Chúa diện đối diện?
Chúa ơi, chỉ vì Chúa mà con làm tất cả mọi việc và chịu tất cả mọi khốn khó. Miễn sao Thánh Ý Chúa được thực hiện thôi.
Các thánh giáo phụ rất quý trọng những lời nguyện tắt trên. Nhờ những lời nguyện vắn tắt này mà họ có thể tập “sống trước mặt Chúa” luôn luôn. Những lời nguyện tắt dễ tập luyện hơn những lời nguyện dông dài. Thánh Gioan Kim Khẩu thường nói: “Ai hay dùng những lời nguyện tắt này hoặc năng giục lòng yêu mến Chúa, thì ma quỷ không thể xâm nhập vào tâm hồn người ấy mà quấy động lên những tư tưởng xấu.”
Có những giờ đặc biệt trong ngày mà bạn cần phải giục lòng tin tưởng Chúa đang ở trước mặt mình. Trước nhất, sáng sớm khi vừa thức dậy, bạn cần tập nói:
“Chúa ơi, con tin rằng Chúa đang ở với con nơi đây và con tin Chúa sẽ luôn ở với con mọi nơi mọi lúc bất cứ chỗ nào con sẽ đến trong suốt ngày hôm nay.
Xin Chúa gìn giữ con trong tất cả mọi nơi con sẽ tới và xin đừng bao giờ để con xúc phạm đến Chúa ngay trước mặt Chúa.”
Thứ hai, trước khi đọc kinh hay suy niệm, bạn cũng nên giục lòng tin tưởng Chúa đang ở với bạn. Đức Hồng Y Ca-rac-ci-ô-lô đáng kính, là Giám mục A-ver-sa, thường nói: “Ai hay chia trí trong giờ suy niệm là người không biết hoặc quên giục lòng tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa trước mặt.”
Thứ ba, trong những khi bị cám dỗ về đức nhẫn nại cũng như đức trong sạch, bạn cần phải lập tức nhớ đến Chúa đang hiện diện trước mặt bạn. Thí dụ như khi ban bị thương nặng, thật đau đớn, hoặc khi bạn phải chịu người ta sỉ nhục nặng nề, hoặc khi người ta trao cho bạn những hình ảnh xấu xa hay những vật dơ bẩn, bạn phải lập tức quay về Chúa và nhớ Chúa đang hiện diện trước mặt bạn. Bạn phải cố gắng nhớ đến Chúa đang quan sát bạn và nhìn thấy những gì bạn làm.
Đây chính là cách thánh vương Đa-vít chuẩn bị chống trả các cơn cám dỗ: “Mắt tôi luôn hướng về Yavê, vì chính Người sẽ gỡ chân toi khỏi mắc lưới.” (Tv 24:15). Tôi sẽ bám mắt vào Thiên Chúa của tôi và Ngài sẽ giải thoát tôi khỏi những cạm bẫy quân thù.
Bạn hãy tập làm như Vua Đavít, nhất là trong những khi bạn rèn luyện các nhân đức lớn – thí dụ như: khiêm nhường, nhẫn nhục, phó thác.
Bạn cũng nên bắt chước gương can trường, dũng cảm của bà Ju-dith. Khi nhà vua độc ác, Ho-lo-fer-nes, vừa thiếp ngủ, bà đã rút lấy gươm đặt trên đầu của tên hung vương và trước khi bêu đầu tên ác tặc kia, bà đã hướng lòng lên Chúa mà nói: “Chúa ơi, xin ban cho con sức mạnh trong giờ phút này.” (Judith 13:9) Rồi bà thẳng tay chém đầu tên hung vương. Cũng vậy, trước khi bạn chém đầu các cơn cám dỗ ma quỷ gợi lên trong lòng bạn, bạn cần phải hướng lòng lên Chúa và cầu xin cho được ơn sức mạnh để đoạn tuyệt với chúng.
2 - Tập Làm Đẹp Lòng Chúa Trong Mọi Sự
Cách thức thứ hai giúp chúng ta sử dụng ý chí để tập “sống trước nhan thánh Chúa” là: Trong tất cả mọi việc làm, dầu lớn hay nhỏ, ta phải luôn canh tân và giữ vững chủ ý làm tất cả mọi sự để vui lòng Chúa, nhất là sau khi bị chia trí phân tâm.
Trước khi làm việc: Trước khi bạn làm bất cứ một việc gì có thể là trước khi bạn rời khỏi nhà để đi làm hay bạn đi dùng cơm hoặc đi giải trí, đi nghỉ hè bạn cần tập nói với Chúa:
“Chúa ơi, con làm những việc này ,
không phải vì con ,
mà vì con muốn làm đẹp lòng Chúa
và tuân theo thánh ý Chúa.”
Trong khi làm việc: Ngay cả trong khi đang làm việc hay vui chơi, bạn cũng cần phải tập canh tân chủ tâm đó và nói với Chúa rằng:
“Chúa ơi, con làm tất cả những việc này để làm sáng Danh Chúa.”
Nhờ thường xuyên canh tân chủ ý làm mọi sự vì Chúa và sáng Danh Chúa, bạn sẽ luôn giữ được “sư hiện diện của Chúa” trước mặt mình, mà không phải mệt mỏi. Đó là vì khi bạn giữ chủ ý làm đẹp lòng Chúa, thì chính là bạn đang tưởng nhớ có Chúa ở trước mặt mình.
Dấu hiệu nhắc nhớ: Cụ thể hơn hết là bạn nên đặt ra một số thì giờ trong ngày hay một số dấu hiệu gì để nhắc nhở bạn Chúa luôn hiện diện. Thí dụ như khi tiếng chuông đồng hồ đổ, hay khi bạn nhìn lên thánh giá, hoặc khi bạn bước vào hay bước ra khỏi cửa phòng mình. Có một số người quen đặt một số hình ảnh, tượng ảnh hay vật dụng trong phòng để nhắc cho họ nhớ Chúa luôn hiện diện. (Thánh An-phong đặt “đầu lâu” người chết, 1 cây nến và 1 cây thánh giá trong phòng ngài).
3 - Tập Thói Quen Lui Về Một Nơi Tịnh Vắng
Cách thức thứ ba có thể giúp chúng ta dùng ý chí để tập luyện “sống trước mặt Chúa” là: lui về một nơi vắng vẻ mỗi khi tâm thần xúc động hay mỗi khi tâm trí bối rối. Nếu công việc dồn dập quá nhiều và bạn bắt đầu cảm thấy rối trí hoặc căng thẳng, bạn cần tìm một nơi thanh vắng để hồi tâm.
Nếu là tu sĩ, bạn nên xin phép Bề Trên cho một thời gian ngắn để tĩnh tâm. Bạn có thể ra ngoài vườn đi tản bộ, hoặc đi vào phòng tập hát hoặc lui về phòng mình để hướng tâm về Chúa. Cách tốt nhất là đi vào nhà thờ mà cầu nguyện với Chúa Thánh Thể.
Nếu có một ngày nào đó bạn cảm thấy khó chịu trong người, bởi vì phải làm việc quá sức hay hãm mình quá độ, tất nhiên bạn sẽ tự động tìm cách nghỉ ngơi dưỡng sức để còn có thể tiếp tục làm việc. Đối với thân xác mình đã thế, huống chi đối với tâm hồn của bạn. Khi tâm hồn bạn xao xuyến, hay bạn phải thất vọng nhụt chí, hoặc lửa nhiệt thành yêu mến nguôi đi trong lòng bạn vì thiếu của ăn thiêng liêng – tức là thiếu cầu nguyện và hiệp thông với Chúa – thì lúc đó bạn phải làm gì? Chẳng lẽ bạn cứ để cho linh hồn mình đói khát như thế mãi hay sao?
Một lần nữa, tôi xin lập lại lời của Cha Bal-tha-sar Al-va-rez, ngài bảo: “Linh hồn nào thiếu cầu nguyện thì cũng như một con cá thiếu nước. Như vậy, linh hồn ấy thật đang chết dần chết mòn.” Cũng vì thế, sau một thời gian làm đủ mọi thứ công việc, người Kitô hữu cần phải nghỉ ngơi (nếu tôi được phép dùng từ đó) để dưỡng sức và lấy lại sức khỏe. “Người đó cần phải hít thở lấy dưỡng khí của sự kết hiệp với Chúa trong tĩnh mịch, của việc giục lòng yêu mến Chúa và của lời kêu cầu cùng Chúa.”
Cuộc sống vĩnh phúc trên thiên đàng gồm hai việc: Chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa và yêu mến Chúa. Vì vậy nên tôi kết luận rằng hạnh phúc của linh hồn ở đời này cũng gồm trong hai việc: Yêu mến và nhìn ngắm Thiên Chúa.
Ở dưới thế này, tuy chúng ta không được chiêm ngưỡng Chúa trực tiếp, chúng ta vẫn có thể chiêm ngắm Ngài bằng cặp mắt Đức Tin. Nhờ cặp mắt Đức Tin, chúng ta có thể nhìn ngắm Chúa bất cứ lúc nào – mọi nơi mọi lúc. Và nhờ đó mà chúng ta mới có được
Lòng kính sợ Thiên Chúa thật thâm sâu, lòng tin cậy Chúa thật vững vàng và lòng yêu mến Chúa thật nồng cháy.
Ai sống được như vậy, ngay cả khi phải sống trong thung lũng đầy nước mắt khổ đau, người ấy đã bắt đầu sống như các thánh thiên thần ở trên đàng là những đấng luôn được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa. Vì họ “luôn được chiêm ngắm nhan thánh Cha Ta” (Mt 18:10) nên lòng yêu mến Thiên Chúa của họ không bao giờ vơi.
Do đó, ai luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, người ấy sẽ chê ghét mọi sự ở thế gian này, vì họ biết thật rằng tất cả mọi sự ở đời đều là sầu khổ, là phù vân mây khói trước mặt Chúa. Họ sẽ thật sự bắt đầu chiếm được sự Tuyệt Hảo ngay ở đời này. Đó chính là sự Tuyệt Hảo làm thỏa mãn tất cả mọi ước ao của tâm hồn và làm cho tâm hồn con người được vui thỏa hơn tất cả mọi của cải thế gian này.
Sự Tuyệt Hảo đó là gì?
- Chính là Thiên Chúa Toàn Năng, Chí Nhân, Chí Thánh!
YÊU MẾN VÀ NGUYỆN XIN :
Lạy Chúa Giêsu rất yêu dấu, * Chúa đã không màn hiến trọn cả máu thân Chúa cho con, * vậy thì sao con lại có thể không yêu mến Ngài? * Không! Như thế không được! * Lạy Đấng Cứu Chuộc dấu yêu, * giờ đây con xin dâng hiến trọn cả bản thân con cho Chúa. * Xin Chúa hãy nhận lấy con * và dùng con theo Thánh Ý Chúa.
Nhưng vì Chúa đã ban cho con ước muốn yêu mến Chúa, * xin Chúa dạy cho con biết phải làm gì, * rồi con sẽ mau mắn thi hành. * Xin hãy làm cho quả tim tàn úa * vì thiếu tình yêu của con, * không còn biết yêu mến * hay tìm kiếm bất cứ một điều gì,* ngoài Chúa mà thôi.
Xin ban cho ý chí con luôn ước muốn * tất cả những gì Chúa muốn.* Ôi con thật là kẻ vô phúc! *Vì trước đây, * lạc thú thế gian đã làm cho con chê ghét Thánh Ý Chúa* và quên lãng Ngài. * Xin ban cho con từ rày trở đi * được biết quên đi tất cả, * quên đi ngay cả chính mình con * để con chỉ tưởng nhớ đến một mình Chúa * và mong làm đẹp lòng Chúa mà thôi.
Ôi lạy Chúa, * Chúa là Đấng đáng được yêu mến trên hết mọi sự, * con hết lòng hối hận vì trong quá khứ * con đã lãng quên tình Chúa. * Chúa ơi, xin tha thứ cho con.* Xin đem con về với Chúa. * Xin đừng để con chỉ yêu mến Chúa nửa vời * và đừng để con yêu mến bất cứ một sự gì khác, ngoài Chúa. * Lạy Chúa Giêsu, * con chỉ trông mong được mọi ơn lành * cậy vào công nghiệp và lòng nhân từ của Chúa.
Lạy Mẹ Maria, * là Trạng Sư và là Nữ Vương lòng con, * con đặt trót cả niềm tin con vào Mẹ. * Xin Mẹ thương xót con * và dâng con cho Chúa Giêsu, Con của Mẹ, * bởi vì Ngài hằng luôn nghe lời Mẹ kêu xin * và không bao giờ từ chối Mẹ bất cứ điều gì. Amen.
Tập sống trước
NHAN THÁNH CHÚA
Thánh An-phong Maria Đệ Li-gô-ri
Lm. Michael J. Trường Luân,C.S.s.R., phỏng dịch
MỤC LỤC
TẬP SỐNG TRƯỚC NHAN THÁNH CHÚA_ 19
3 - Luyện Thấy Chúa Trong Thiên Nhiên 26
4 - Luyện Thấy Chúa Trong Chính Mình 31
2 - Tập Làm Đẹp Lòng Chúa Trong Mọi Sự_ 52
3 - Tập Thói Quen Lui Về Nơi Tịnh Vắng 54
CHƯƠNG I
HOA QUẢ CỦA VIỆC SỐNG
TRƯỚC NHAN THÁNH CHÚA....................... 4
XA LÁNH TỘI LỖI.......................................... 5
RÈN LUYỆN NHÂN ĐỨC................................ 13
KẾT HIỆP VỚI CHÚA..................................... 15
CHƯƠNG II
TẬP SỐNG TRƯỚC NHAN THÁNH CHÚA... 19
RÈN LUYỆN TRÍ KHÔN.................................. 20
1 - Luyện Trí Tưởng Tượng........................... 20
2 - Luyện Mắt Đức Tin.................................. 23
3 - Luyện Thấy Chúa Trong Thiên Nhiên......... 26
4 - Luyện Thấy Chúa Trong Chính Mình.......... 31
RÈN LUYỆN Ý CHÍ........................................ 44
1 - Tập Nâng Tâm Hồn................................. 45
2 - Tập Làm Đẹp Lòng Chúa Trong Mọi Sự...... 52
3 - Tập Thói Quen Lui Về Nơi Tịnh Vắng......... 54
YÊU MẾN VÀ NGUYỆN XIN ........................... 58