News Filters

VẤN ĐỀ 03: Chỉ những người ngu dốt mới tin có Thiên Chúa, còn những ai có kiến thức đều vô thần. *** Linh mục Đa minh Đinh Văn Vãng (Đan Vinh)

Thứ ba, ngày 23 tháng mười một năm 2021

 

VẤN ĐỀ 03:

Chỉ những người ngu dốt mới tin có Thiên Chúa, còn những ai có kiến thức đều vô thần.

GIẢI ĐÁP:

A.- TRÌNH BÀY:

1) Một số người nại vào khoa học để phủ nhận tôn giáo: Theo họ: “Tôn giáo bắt nguồn từ sự dốt nát của con người. Ngày xưa, vì thiếu hiểu biết, nên con người cảm thấy nhỏ bé tầm thường. Họ luôn cảm thấy sợ hãi trước những hiện tượng trong thiên nhiên như sấm chớp, bão táp, cháy rừng, động đất... và coi chúng như các thần minh quyền năng, mà muốn được yên thân, người ta phải thờ phượng, lễ bái, cúng kiến… Đó là nguồn gốc phát sinh ra tôn giáo thời sơ khai. Nhưng từ khi khoa học tiến bộ, khi trí óc con người được mở mang, thì những ý niệm về các vị thần minh nói trên cũng dần dần tan biến. Đến nay chỉ có những người ngu dốt mới tin Thiên Chúa, còn những ai có chút kiến thức đều vô thần”.

2) Chúng ta có thể đồng quan điểm phần nào với lập trường nói trên: khi nói về những tôn giáo tự nhiên đa thần, là những tôn giáo do trí khôn con người thời sơ khai tưởng tượng ra, lệ thuộc vào sự hiểu biết nông cạn của con người lúc đó. Dần dần, khi khoa học tiến bộ, lòai người đã giải thích được các hiện tượng trong thiên nhiên như mưa bão sấm chớp…, thì những sự mê tín dị đoan cũng không còn lý do tồn tại.

Trái lại, những tôn giáo độc thần, đặc biệt là Kitô giáo lại là các tôn giáo của con người văn minh: Càng có kiến thức cao, con người càng tin có Đấng Tạo Hóa là căn nguyên của mọi vật hiện hữu trong vũ trụ. Ngày nay, tuy con người đã đạt được trình độ văn minh kỹ thuật khá cao, thế mà đại đa số nhân loại, trong đó có các nhà bác học đều có niềm tin tôn giáo, chỉ có một thiểu số không tin mà thôi:

3) Theo Bách Khoa Tòan Thư Mở (Wikipedia) thì niềm tin và thực tiễn tôn giáo vô cùng đa dạng và có rất nhiều tôn giáo trên thế giới ngày nay, có tôn giáo chỉ hạn chế trong một vùng địa lý không lớn nhưng có những tôn giáo có thể gọi là tôn giáo thế giới với nhiều triệu tín đồ ở khắp nơi trên thế giới. Nói chung có khoảng 87 phần trăm dân số thế giới đang gắn bó với một tôn giáo nào đó; chỉ có khoảng 13 phần trăm là không tôn giáo.

Các tôn giáo trên thế giới hiện nay 2012

Tôn giáo

Số lượng tín đồ

Vùng lãnh thổ chủ yếu

Kitô giáo (gồm Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo và Anh giáo):

2,1 tỷ

Khắp thế giới, trừ một vài nơi ở Đông Phi, Bắc Phi, bán đảo Ả Rập, Trung Á, Đông Á, Đông Nam Á.

Hồi giáo

1,5 tỷ

Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á, Nam Á, Tây Phi, Đông Phi, Nam Á, Đông Nam Á, Albania, một phần lãnh thổ Nga, các tỉnh phía tây Trung Quốc.

Ấn Độ giáo

900 triệu

Nam Á, Đông Nam Á, Fiji, Guyana, Mauritus.

Đạo giáo

400 triệu

Trung Quốc, Singapore, Malaysia và cộng đồng người Hoa hải ngoại

Tôn giáo dân gian Trung Quốc

394 triệu

Trung Quốc

Phật giáo

365 triệu

Đông Á và Ấn Độ

Tôn giáo của các bộ tộc

300 triệu

Khắp thế giới trừ Châu Âu

Nho giáo

150 triệu

Đông Á và cộng đồng người Hoa ở hải ngoại

Tôn giáo truyền thống Châu Phi

100 triệu

Châu Phi

Shintō

30 triệu

Nhật Bản

Đạo Sikh

23 triệu

Ấn Độ, Pakistan, Canada, Mỹ, Anh

Do Thái giáo

14 triệu

Israel, Mỹ, châu Âu

Bahá'í giáo

9 triệu

Tín đồ phân bố rải rác nhiều nơi trên thế giới

Cao Đài

5 triệu

Việt Nam, Bắc Mỹ, Châu Âu, Úc

Đạo Jain

1,2 triệu

Ấn Độ, Pakistan, Canada, Mỹ, Anh

Ngoài ra, ngay các khoa học gia, những bộ óc thông minh nhất của nhân loại cũng chấp nhận có Thiên Chúa với một tỷ lệ rất lớn:

4) A. EYMIEU đã công bố một bảng thống kê bất ngờ về Đức Tin của 432 nhà khoa học thuộc thế kỷ 19 như sau:

- 34 người không rõ lập trường tôn giáo,

- Còn lại 398 vị thì 15 dửng dưng với tôn giáo hay thuộc phái bất – khả – tri (Chủ trương không thể dùng trí khôn nhận biết có Thiên chúa hay không).

- 16 vị công khai vô thần,

- Còn 367 vị tin có Thiên Chúa cách rõ rệt chiếm tỷ lệ 92%.

Hơn nữa, những vị có tín ngưỡng lại là những nhà bác học thời danh như: Ampère, Pasteur, Volta, Copernic, Newton, Edison, Galilê, Lavoisier, Marconi...

5) Mới đây trên trang web điện từ Vnexpress.net có đăng bài của T. An viết dựa theo tài liệu “Live Science” về niềm tin của các nhà khoa học hiện đại cho thấy đại đa số các nha khoa học đều tin có Thiên Chúa như sau:

- “Khoảng 2/3 các nhà nghiên cứu tin vào Đấng Tối Cao”. Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy sự khác biệt sâu sắc giữa họ phụ thuộc vào lĩnh vực mà họ đang theo đuổi: Những người làm trong ngành “khoa học xã hội” có xu hướng tin vào Chúa và tham dự các hoạt động tôn giáo nhiều hơn so với các học giả trong lĩnh vực “khoa học tự nhiên”.

- Chỉ có gần 38% các nhà khoa học tự nhiên (những người liên quan đến bộ môn vật lý, hoá học và sinh học) và 31% những người nghiên cứu xã hội cho biết họ không tin vào Thiên Chúa.

- Trong cuộc khảo sát, nhà xã hội học ELAINE HOWARD ECKLUND từ Đại học Rice đã tìm hiểu 1.646 thành viên tại các trường đại học chuyên nghiên cứu, đưa ra 36 câu hỏi về niềm tin và các hoạt động tinh thần. Ecklund nói: "Dựa trên các nghiên cứu trước đây, chúng tôi tưởng rằng các nhà khoa học xã hội sẽ ít thực hành tôn giáo hơn các nhà khoa học tự nhiên, nhưng dữ liệu thu được lại cho kết quả ngược lại", Một số kết quả nổi bật như sau: 41% các nhà sinh học không tin có Chúa, trong khi con số này chỉ là 27% ở các nhà khoa học chính trị. Trong một công trình độc lập tại Đại học Chicago, công bố tháng 6 vừa qua, 76% các bác sĩ nói họ tin vào Chúa, và 59% tin vào sự tồn tại của thế giới bên kia. Ecklund nói: "Giờ đây chúng ta phải tìm hiểu nguồn gốc của những khác biệt này… Nhiều nhà khoa học xem mình là người duy tâm lại không gắn với một tôn giáo cụ thể nào cả và không tin vào Thiên Chúa". Hiện nay Ecklund và cộng sự viên đang tiếp tục thực hiện những cuộc điều tra dài hơi hơn để tìm hiểu nguyên nhân của điều này.

KẾT LUẬN: Vậy có thể nói ngược lại rằng:

Hầu hết nhân loại thuộc đủ mọi thời đại, mọi dân tộc, mọi nền văn minh đều tin có Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, dựa vào một nguyên lý căn bản là nguyên lý nhân quả: “Có hậu quả tất phải có nguyên nhân”. Tuy nhiên Đấng Tạo Hóa đã được quan niệm một cách khác nhau tùy theo trình độ văn minh cao thấp. Ngày xưa, vì dốt nát, nên người ta đã quan niệm sai lạc về Thiên Chúa, nhưng dần dần với kiến thức mở mang, những ý niệm đa thần đã được thay thế bằng một vị Thiên Chúa là căn nguyên của mọi hiện tượng trong vũ trụ. Chỉ có một thiểu số do tự cao, hoặc chịu ảnh hưởng của nền giáo dục vô tôn giáo... mới phủ nhận Ngài mà thôi.

Một nhà nhân chủng học trứ danh của thời đại chúng ta đã viết trong cuốn “loài người” của ông như sau: “Tôi chỉ gặp thấy tình trạng vô thần ở cá nhân, và chỉ là trường hợp đặc biệt. Khắp mọi nơi, luôn luôn đại đa số đều tin tưởng. Không một chủng tộc nào trong các đại chủng mà vô thần. Và cũng không có một nhóm nào quan trọng một chút trong các chủng tộc nhân loại mà vô thần”.

THẢO LUẬN: Phải chăng chỉ một thiếu số người tin vào Thiên Chúa và gia nhập vào một tôn giáo, trong khi đại đa số nhân loại đều vô thần ?

B.- PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô viết: “Từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó họ không thẻ tự bào chữa được. Vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hóa ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ” (Rm 1,20-23).

2) LỜI CẦU:

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con xin tạ ơn Cha vì Cha đã dựng nên muôn loài muôn vật để chúng con hưởng dùng, Cha đã dựng nên vũ trụ thiên nhiên để chúng con có nhà để sống, có nơi để làm việc, có cảnh đẹp để chiêm ngưỡng… Xin cho chúng con mổi khi nhìn vào vũ trụ thiên nhiên biết nhận ra bàn tay Cha đã tác tạo nên chúng, tin vào tình thương của Cha, tạ ơn Cha và phó thác cuộc sống hiện tại và tương lai trong sự quan phòng của Cha. Chúng con cầu xin Cha nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.

 LM ĐAN VINH - HHTM

 

BÀI ĐỌC THÊM:

CUỘC TRANH LUẬN THÚ Vị VỀ THIÊN CHÚA có một không hai của EINSTEIN – Nhà khoa học vĩ đại nhất của mọi thời đại đã được ghi lại như sau:

Giáo sư : Con trai là một người tin có Thiên Chúa phải không?

Sinh viên : Dạ đúng thưa giáo sư.

Giáo sư : Vậy con có thực sự tin vào Chúa không?

Sinh viên : Tất nhiên rồi thưa giáo sư

Giáo sư : Chúa tốt lành chứ?

Sinh viên : Chắc chắn là như vậy

Giáo sư : Chúa có tòan quyền không?

Sinh viên : Dạ có

Giáo sư : Anh trai tôi chết vì ung thư mặc dù anh ấy đã nhiều lần tha thiết cầu xin Chúa chữa cho anh ấy được lành bệnh. Mọi người chúng ta ai cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác khi có thể. Còn Chúa đã không làm như vậy! Vậy cậu hãy nói xem: Chúa tốt lành ở chỗ nào?

(Sinh viên im lặng)

Giáo sư : Cậu không thể trả lời được phải không? Vậy chúng ta hãy bắt đầu lại với câu hỏi : Chúa có tốt lành không nhé?

Sinh viên : Dạ vâng.

Giáo sư : Quỷ Satan có tốt lành không?

Sinh viên : Không.

Giáo sư : Thế Quỷ Satan do đâu mà có?

Sinh viên : Dạ, từ …Thiên Chúa mà ra

Giáo sư : Đúng rồi. Con trai hãy nói cho ta biết, tội ác có tồn tại trên thế giới này không?

Sinh viên : Dạ có

Giáo sư : Tội ác ở khắp nơi phải không? Và Chúa tạo nên tất cả mọi thứ đó, đúng không?

Sinh viên : Đúng!

Giáo sư : Vậy ai tạo ra tội ác?

(Sinh viên không trả lời)

Giáo sư : Vậy còn bệnh tật? Sự đồi bại? Lòng thù hận? Sự xấu xa?... Tất cả những thứ kinh khủng đó vẫn luôn tồn tại trên thế giới phải không?

Sinh viên : Dạ đúng , thưa giáo sư

Giáo sư : Vậy, ai đã tạo nên chúng?

(Sinh viên không trả lời)

Giáo sư : Khoa học nói rằng chúng ta có 5 giác quan để nhận định và quan sát thế giới chung quanh chúng ta. Vậy hãy nói cho ta biết, mắt con đã từng thấy Chúa chưa?

Sinh viên : Dạ chưa.

Giáo sư : Nói cho ta biết tai con đã từng nghe thấy lời Chúa nói chưa?

Sinh viên : Chưa, thưa giáo sư

Giáo sư : Con đã từng cảm nhận thấy Chúa hiện hữu, nếm được vị của Chúa, ngửi được mùi của Chúa chưa? Con đã từng nhận thức được Chúa bằng bất cứ giác quan nào chưa con trai?

Sinh viên : Chưa thưa giáo sư. Con e là chưa cảm nhận được Chúa bằng bất cứ giác quan nào.

Giáo sư : Vậy cậu còn tin vào Chúa thôi?

Sinh viên : Dạ

Giáo sư : Theo kinh nghiệm, bằng sự thực nghiệm, bằng những phương pháp chứng minh khác, khoa học nói rằng: Chúa không hề tồn tại. Con nói về điều này thế nào hả con trai?

Sinh viên : Không gì cả. Con chỉ có niềm tin vào Thiên Chúa mà thôi.

Giáo sư : Đúng rồi, đức tin. Và đó là vấn đề mà khoa học gặp phải

Sinh viên : Thưa giáo sư, có tồn tại một thứ gọi là “nóng” không?

Giáo sư : Có!

Sinh viên : Và có tồn tại thứ gọi là “lạnh” không?

Giáo sư : Có!

Sinh viên : Không có, thưa giáo sư. “lạnh” không hề có.

(Giảng đường bỗng trở nên im lặng với câu trả lời bất ngờ của cậu sinh viên)

Sinh viên : Thưa giáo sư, giáo sư có thể có rất nhiều thứ gọi là nóng, nóng hơn, siêu nóng, cực kì nóng, nhiệt độ nóng trắng... Nhưng chúng ta không có bất cứ thứ gì gọi là lạnh cả. Chúng ta có thể đạt đến nhiệt độ dưới 0 đến âm 458 độ, nhưng chúng ta không thể đạt đến mức thấp hơn con số đó. Không có bất cứ thứ gì gọi là lạnh, lạnh là một từ ngữ chúng ta dùng để mô tả sự vắng mặt của nóng. Chúng ta không thể đo lường được lạnh, độ lạnh đến đâu ? Nóng là một loại năng lượng, và lạnh không phải là mặt trái của nóng, thưa giáo sư: Lạnh chỉ là sự vắng mặt của nóng mà thôi. (Giảng đường thinh lặng với những giải thích của cậu sinh viên)

Sinh viên : Còn về bóng tối thì sao thưa giáo sư ? Có thứ gì để gọi là “bóng tối” không?

Giáo sư : Có. Đêm tối là gì, nếu nó không phải là bóng tối ?

Sinh viên : Giáo sư lại sai nữa rồi. Bóng tối là sự thiếu vắng của một thứ khác là ánh sáng. Giáo sư có thể có được ánh sáng yếu, ánh sáng trung bình, ánh sáng mạnh, ánh sáng chớp. Nhưng nếu không có ánh sáng thường xuyên, giáo sư sẽ không có cái gì gọi là “bóng tối” .Trong thực tế, không có bóng tối, nếu có, giáo sư có thể làm cho bóng tối trở nên tối hơn không thưa giáo sư?

Giáo sư : Vậy vấn đề mà con đang muốn đề cập ở đây là gì , chàng thanh niên trẻ tuổi?

Sinh viên : Thưa giáo sư, điều mà con muốn nói đây là tiền đề triết học của giáo sư có chỗ sai sót.

Giáo sư : Sai sót? Cậu có thể giải thích rõ hơn không?

Sinh viên : Thưa giáo sư, giáo sư đang giải thích trên tiền đề của sự đối ngẫu 2 mặt. Giáo sư chỉ rõ rằng có sự sống và có cái chết, có Chúa tốt và Chúa xấu. Giáo sư đang nhìn vào khái niệm về Thiên Chúa chỉ như một vật thể hữu hạn, bằng một cái gì đó có thể đo lường được, thưa giáo sư. Khoa học thậm chí không thể giải thích về cách thức con người suy nghĩ như thế nào. Có thể là dùng những tín hiệu về xung điện và từ ngữ gì đó, nhưng chúng ta không bao giờ xem thấy được. Tuy nhiên, bằng cách nào đó chúng ta vẫn có thể hiểu được về người khác. Nếu chúng ta xem xét về cái chết là đối lập với sự sống, nghĩa là đang phớt lờ đi sự thật rằng cái chết không hề tồn tại như một thứ gì đó. Sự chết không phải là sự đối lập của sự sống, mà chính là sự vắng mặt của sự sống. Điều này giải thích rằng: bệnh tật, tội ác, tất cả những thứ kinh khủng trên thế giới này đều không hề tồn tại như những vật thể, mà là vì thiếu vắng tình yêu của 1 Đấng Tối Cao nào đó.

Bây giờ giáo sư hãy nói cho con biết, giáo sư có dạy cho sinh viên rằng họ tiến hóa như bây giờ là từ loài khỉ không?

Giáo sư : Nếu như cậu đang đề cập về quá trình tiến hóa tự nhiên thì dĩ nhiên là có.

Sinh viên : Đã bao giờ giáo sư quan sát, nhìn thấy quá trình tiến hóa bằng mắt thường chưa thưa giáo sư?

(Giáo sư lắc đầu và cười, bắt đầu nhận ra rằng vấn đề của cuộc tranh luận đang đi về đâu)

Sinh viên : Bởi vì không ai có thể quan sát được quá trình tiến hóa trong công việc và càng không thể chứng minh rằng quá trình này là một quá trình đang diễn ra. Vì thế thưa giáo sư, giáo sư đã chẳng dạy cho sinh viên bằng quan điểm cá nhân của giáo sư đó sao? Như vậy giáo sư đang là một nhà khoa học hay chỉ là một nhà thuyết giáo suông?

(Lớp học bỗng trở nên ồn ào)

Sinh viên : Có ai trong lớp học này đã từng nhìn thấy bộ não của giáo sư chưa?

(Lớp học ồ lên những tiếng cười lớn)

Sinh viên : Có ai đó đã từng nghe nói về bộ não của giáo sư, cảm nhận được vị của bộ não đó, chạm được vào nó, hoặc ngửi được mùi của nó chưa? Không ai có mặt ở đây đã làm điều đó cả. Vì thế, theo quy luật được thiết lập bởi kinh nghiệm, sự thử nghiệm, các phương pháp chứng minh khoa học, con có thể quả quyết giáo sư không có bộ não. Như vậy nếu chỉ có lòng kính trọng mà thôi, thì làm sao chúng con có thể tin những gì giáo sư giảng dạy được, thưa giáo sư?

(Căn phòng im lặng. Giáo sư nhìn chằm vào cậu sinh viên, không đoán được cậu ấy đang nghĩ gì )

Giáo sư : Tôi nghĩ là cậu hãy cứ để những thứ cậu nói đó cho niềm tin, con trai ạ.

Sinh viên : Đúng vậy, thưa giáo sư….Cũng vậy: Sự kết nối giữa con người với Thiên Chúa chính là Niềm Tin. Tất cả những điều đó giữ cho mọi thứ vẫn tiếp tục sống, tiếp tục tồn tạiphát triển.

Cậu sinh viên trong câu chuyện trên đây không ai khác hơn là EINSTEIN – Nhà khoa học được bình chọn là vĩ đại nhất của mọi thời đại đấy các bạn ạ.

NGUỒN TRÊN INTERNET

 

 

back to top
Filters