News Filters

VẤN ĐỀ 24: THIÊN ĐÀNG ĐỨC TIN VÀ THIÊN ĐÀNG TRẦN GIAN *** Linh mục Đa minh Đinh Văn Vãng (Đan Vinh)

25 Tháng Mười Một 2021

 

VẤN ĐỀ 24: THIÊN ĐÀNG ĐỨC TIN VÀ THIÊN ĐÀNG TRẦN GIAN

Chỉ có Thiên Đàng không có cảnh người bóc lột người ở trần gian, ngoài ra không còn Thiên Đàng nào khác ở đời sau?

 

GIẢI ĐÁP:

A.- TRÌNH BÀY:

I.- Thiên đàng là một thực tại:

1) Phù hợp với sự khôn ngoan và đức công bình vô cùng của Thiên Chúa, và đó cũng chính là cùng đích mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Giê-su: Người đến để trả lại cho loài người chúng ta sự sống mà nguyên tổ A-đam E-và xưa đã đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng, để phục hồi địa vị làm con Thiên Chúa cho chúng ta bắt đầu từ trần gian, và kéo dài mãi trên thiên đàng đời sau (x. Rm 5,12-21).

2) Một chân lý đức tin mặc khải:

  1. a) Đức Giê-su nhiều lần đề cập đến thiên đàng trong các bài giảng của Người:

- “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,2).

- “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

- “Anh em hãy vui mừng hớn hở, phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12).

-"Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không đào ngạch và lấy đi được (Mt 6, 19-20).

-Trong dụ ngôn “Những nén bạc”, ông chủ nói với người đầy tớ biết làm lợi thêm những nén bạc ông đã trao: “Khá lắm, hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !” (Mt 25,21).

  1. b) Đức Giê-su cũng nói với các Tông đồ về thiên đàng như sau: “Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó” (Ga 14,2-3).
  2. c) Đến ngày tận thế, Đức Giê-su Vua Thẩm Phán sẽ tái lâm để phán xét chung. Tin mừng Mát-thêu tường thuật như sau: “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25,34).
  3. d) Tin Mừng Lu-ca đã ghi nhận sự kiện Đức Giê-su lên trời như sau: “Chúa Giêsu được đem lên Trời" (Lc 24,51). Trời đây không phải trời xanh, mà là Thiên đàng, nơi Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần ngự trị muôn đời.
  4. e) Thánh Phao-lô cũng quả quyết có thiên đàng vĩnh cửu sau cuộc đời trần gian hôm nay: “Quả thật, chúng ta biết rằng: Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất là chiếc lều này bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2 Cr 5,1).

II.- Hạnh phúc thiên đàng ra sao ?

1) Những quan niệm sai lạc về hạnh phúc thiên đàng: Một số người có những ý nghĩ không đúng về thiên đàng. Chẳng hạn:

  1. a) Chỉ là phần thưởng của Thiên Chúa: Chúa hứa ban hạnh phúc thiên đàng để khuyến khích các tín hữu tin Chúa và ăn ngay ở lành, giống như cha mẹ hứa cho con cái mình bánh kẹo để khích lệ chúng chăm chỉ học tập. Như thế chẳng lẽ người ta chỉ tin Chúa và làm các việc lành chỉ vì lòng ích kỷ, để tìm lợi ích riêng cho bản thân mình mà thôi hay sao ?

Thực ra, thiên đàng tuy là một phần thưởng (x. Mt 5,12), nhưng trước hết, thiên đàng là hậu quả tất yếu của cuộc sống đức tin thể hiện qua đức cậy và đức mến  của mỗi người chúng ta. Con người chúng ta được Thiên Chúa dựng nên hướng về Chúa và chúng ta sẽ còn xao xuyến mãi cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa là được về thiên đàng, như thánh Au-gút-ti-nô đã nói. Sống mà không hướng về Thiên Chúa thì cuộc đời của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa. Chúng ta làm lành không phải chỉ để được thưởng công trên thiên đàng, nhưng để biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa. Hạnh phúc thiên đàng là hậu quả tất yếu, giống như người nông dân gieo hạt giống tốt, và nếu chăm chỉ làm việc thì đương nhiên sẽ gặt hái được hoa trái là hạnh phúc thiên đàng đời sau.

  1. b) Một số người lại tưởng tượng ra hạnh phúc thiên đàng theo sở thích của mình: Là nơi không còn phải ưu phiền thử thách, khỏi bị đau khổ, nhưng được sung sướng khoái lạc, được nhìn thấy những phong cảnh đẹp chưa từng được thấy, được nghe những điệu nhạc du dương chưa từng được nghe ở trần gian…

Thực ra, hạnh phúc Thiên Đàng trước hết là hạnh phúc siêu nhiên tinh thần, thỏa mãn được những như cầu của linh hồn chúng ta, được hưởng kiến tôn nhan Thiên Chúa “diện đối diện” như lời thánh Phao-lô dạy: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt” (1 Cr 13,12).

  1. c) Có người lại quan niệm thiên đàng theo kiểu tình cảm trần gian: Theo họ: khi lên thiên đàng chúng ta sẽ được gặp lại những người thân của mình khi còn sống, được nối lại tình xưa nghĩa cũ, vợ chồng con cái, cha mẹ anh em sẽ sống quây quần bên nhau như ở trần gian…

Thực ra, thiên đàng không phải chỉ là nơi để gặp gỡ các người thân của mình. Thiên Đàng tuy là một gia đình, nhưng là một đại gia đình thiêng liêng, là nhà của Thiên Chúa là Cha chung, trong đó mọi người đều là anh chị em với nhau.

2) Vậy hạnh phúc thiên đàng thực sự thế nào ? : Hiện nay chúng ta không thể diễn tả hạnh phúc Thiên Đàng như thế nào, vì chưa có ai được lên đó. Muốn hiểu hạnh phúc ấy, ta nên dựa vào Lời Chúa như sau:

  1. a) Theo sách Khải huyền: “Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Ðây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất" (Kh 21.3-4).
  2. b) Thánh Phê-rô cũng khuyên các tín hữu: "Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em sẽ được vui mừng hoan hỷ" (1 Pr 4,13).
  3. c) Thánh Phao-lô đã viết về hạnh phúc Thiên đàng như sau: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới. Đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9).

3) Sự tiếp nhận hạnh phúc thiên đàng nhiếu ít là do phấn đấu của mỗi người:

  1. a) Ơn cứu độ được ban cho hết mọi người: Trong dụ ngôn “Những người thợ đi làm vườn nho”, nhiều người đi làm vườn nho vào những thời điểm khác nhau trong ngày, nhưng đến cuối ngày, mọi người đều được chủ trả lương một đồng bằng nhau (x. Mt 20,1-15). Qua đó cho thấy: Người ta được ơn cứu độ là do tinh thương bao dung của Thiên Chúa, hơn là do công sức riêng của bản thân mình.
  2. b) Tuy nhiên, mọi người không được hạnh phúc bằng nhau: Mỗi người được hưởng kiến tôn nhan Thiên Chúa nhiều ít tùy theo công việc tốt đã làm khi còn sống ở trần gian. Ai yêu mến và làm các việc lành theo thánh ý Thiên Chúa nhiều thì ở đời sau sẽ được hưởng hạnh phúc nhiều hơn. Còn người yêu mến ít và làm ít việc lành khi còn sống, nên đương nhiên sẽ được hưởng hạnh phúc ít hơn trên thiên đàng.
  3. c) Đây cũng là điều hợp lý và phù hợp với đức công bằng vô cùng của Thiên Chúa. Thánh Kinh đã đề cập về vấn đề này như sau:

- Đức Giê-su đã nói với các môn đệ: ”Lòng anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó” (Ga 14,1-3).

- “Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời ” (Mt 5,19).

- Thánh Phao-lô trình bày mức độ hạnh phúc thiên đàng khác nhau như sau: “Ánh mặt trời thì khác, ánh mặt trăng thì khác, ánh tinh tú thì khác, bởi vì ánh sáng tinh tú này khác với ánh sáng tinh tú kia. Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,39-44).

- Về sau, Công đồng Florence (1414 -1418) cũng đã khẳng định: “các Đấng Thánh tùy theo công trạng khác nhau sẽ được thấy Chúa khác nhau, người này hoàn hảo hơn người kia”.

- Tuy không bằng nhau, nhưng sẽ không có phân bì ganh ghét, vì mỗi người đều được tràn đầy hạnh phúc, đều ý thức rõ ràng tình yêu và sự công bằng vô cùng của Thiên Chúa. Ta có thể ví hạnh phúc Thiên Đàng giống như nước được đổ vào các đồ chứa mỗi người mang theo lên thiên đàng. Ai ở trần gian làm được nhiều việc lành giống như người sắm cho mình một chiếc chậu to, đang khi người khác làm ít việc lành lại chỉ có được một chiếc tô hay chén nhỏ... Vì ai nấy đều được Chúa đổ đầy ân sủng, nên tuy được hưởng hạnh phúc nhiều ít khác nhau, nhưng không phân bì ganh ghét lẫn nhau.

4) Thiên đàng là nước tình yêu của Thiên Chúa:

  1. a) Sống trên trần gian người tín hữu hướng về Thiên Chúa bằng ba nhân đức đối thần là Tin, Cậy, Mến:

Đức Tin làm cho ta thấy Chúa hiện diện trong mọi tạo vật để ngợi khen cảm tạ Chúa.

Đức Cậy làm cho ta vững lòng cậy trông để cầu xin Chúa ban ơn cứu độ.

Đức mến làm cho ta yêu mến Chúa trên hết mọi sự và tìm cách đáp lại tình yêu ấy.

  1. b) Nhưng ở trên Thiên Đàng thì khác:

Đức tin không còn cần thiết vì ta đã được nhìn thấy Thiên Chúa “diện đối diện” (1 Cr 13,12).

Đức cậy cũng không còn, vì ta luôn có Chúa và không sợ phải lìa xa Chúa bao giờ.

Chỉ có đức mến sẽ tồn tại mãi mãi và là nhân đức trọng nhất (1 Cr 13,13).

Các thánh trên thiên đàng sẽ luôn yêu mến Thiên Chúa vả yêu mến nhau, nên các ngài luôn được hưởng hạnh phúc viên mãn.

  1. c) Thiên Đàng là Nước Tình Yêu: Các Thánh sẽ không ngừng yêu mến Thiên Chúa, và nhờ tình yêu sẽ có tất cả như thánh Phao-lô đã viết: “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại. Nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13). Các tín hữu đang sống ở trần gian vẫn có thể được hưởng hạnh phúc thiên đàng khi biết loại khỏi lòng trí các tội lỗi và các thói hư, để luôn sông tình mến Chúa yêu người. Khi sống trong tình yêu thương là chúng ta sẽ được sống trong Thiên Chúa, hưởng được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn, được hưởng hạnh phúc ngay từ đời này và sẽ kéo dài hạnh phúc ấy mãi mãi trên thiên đàng đời sau.

B.- PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA:

- Đức Giê-su đã nói với các môn đệ: ”Lòng anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó” (Ga 14,1-3).

- Đức Giê-su nói với người gian phi có lòng sám hối: “Tôi bảo thật anh: Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã được Chúa Cha sai đến để dạy loài người chúng con nhận biết tôn thờ Thiên Chúa Cha và ban ơn cứu độ cho loài người chúng con. Chúa đã mở ra cho chúng con con đường lên trời hưởng hạnh phúc đời đời. Chúa đã trải qua cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang, lên trời và hứa sẽ trở lại vào ngày tận thế để đón chung con lên trời hưởng hạnh phúc với Chúa. Chúa chỉ đòi chúng con tin Chúa là Đấng Thiên Sai và thành tâm sám hối tội lỗi, quyết tâm vâng đi theo con đường hẹp, leo dốc là “Qua đau khổ vào trong vinh quang”. Chúa đòi chúng con “phải bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa”, phải cùng chịu chết và cùng chịu mai táng với Chúa thì sẽ cùng được phục sinh vinh quang với Chúa. Xin cho chúng con tin theo Chúa và noi gương mẫu và sống theo lời Chúa dạy, hầu ngày một nên môn đệ thực sự của Chúa và cùng được chia sẻ hạnh phúc Nước Trời đời đời với Chúa trên Thiên Đàng đời sau. AMEN.

LM ĐAN VINH - HHTM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐỐI THOẠI VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN

IX.VẤN ĐỀ TỘI LỖI ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA VÀ VỚI XÃ HỘI

VẤN ĐỀ 25:

Không có tội lỗi theo nghĩa tôn giáo. Chỉ có những lỗi lầm đối với xã hội như lười biếng, hèn nhát, ích kỷ… mà thôi.

GIẢI ĐÁP :

  1. TRÌNH BÀY:
  2. Thế nào là tội lỗi theo nghĩa tôn giáo ?

Giáo lý Công giáo dạy rằng: Tội là khi cố tình lỗi giới răn của Thiên Chúa, hay lỗi các điều răn Hội Thánh dạy biểu lộ thánh ý của Thiên Chúa.

Lỗi giới răn Thiên Chúa là tội thực sự vì:

-Là một hành động phản nghịch: một người cố ý không tuân giữ luật lệ của quốc gia hoặc gia nhập các phe nhóm bạo loạn có tội với quốc gia thế nào, thì một người cố tình lỗi giới răn Thiên Chúa hoặc theo ma quỷ để chống lại Thiên Chúa và Nước Trời do Chúa Giê-su thiết lập cũng có tội phản nghịch Thiên Chúa và chống lại thánh ý Ngài là muốn ban ơn cứu độ cho loài người

-Là một hành vi bất hiếu: cũng như con cái không vâng lời cha mẹ … là một đứa con bất hiếu thế nào, thì một người cố tình không tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa cũng là đứa con bất hiếu với Ngài như vậy.

  1. Những hành vi nào là có tội ?

Đức Giê-su đã thâu tóm tất cả mọi giới răn của Thiên Chúa trong hai điều này: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là:  Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điểu răn ấy” (Mt 22,37-40).

Do đó, tất cả những hành vi nào cố tình lỗi hai giới răn mến Chúa yêu người nói trên đều có tội: Những lỗi lầm đối với xã hội như: lười biếng, hèn nhát, ích kỷ, gian dối bất công… là những tội lỗi giới răn “yêu người thân cận như chính mình”, nên đều có tội và đáng bị trừng phạt. Tội cứng lòng tin, cố tình nhắm mắt bịt tai để khỏi nhận biết những kỳ công của Ngài và không muốn tin thờ Ngài cũng là tội bất hiếu nặng nề nữa.

  1. Tội lỗi và ơn tha thứ:

Có hai thứ tội là tội trọng và tội nhẹ.

Tội trọng hay nhẹ tùy theo ba yếu tố cấu thành tội này:

Một là giống tội ta phạm tức là phạm điều luật của Thiên Chúa hay luật Hội thánh, là luật  cấm hay luật buộc, cấm buộc nặng nhẹ ra sao, tội phạm ấy đã gây ra thiệt hại nhiều hay ít cho Chúa, cho Hội thánh hay cho bản thân và tha nhân.

Hai là ta có biết có luật cấm hay luật buộc đó không?

Ba là ta phạm trong tình trạng ý thức hay vô thức? nếu phạm trong tình trạng vô thức bị mất lý trí (bị mộng du, bị say rượu) thì trước đó có đặt căn nguyên gây ra tội đó hay không?

Tội trọng dù nặng đến đâu cũng sẽ được Chúa tha thứ nếu có lòng ăn năn sám hối, vì Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu không chấp nhất những tội nhân thật lòng sám hối. Chẳng hạn trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện: Người thu thuế tuy đầy tội lỗi nhưng do thành tâm sám hối thể hiện qua lời cầu nguyện khiêm nhường nên được tha; Còn người Pha-ri-sêu do phô trương công đức và chỉ có lòng đạo đức giả hình bề ngoài nên đã không được ơn tha thứ (x. Lc 16,9-14). Ngoài ra những ai cứng lòng không tin Đức Giê-su và nói Người bị quỷ ám đều “mắc tội đến muôn đời” (x. Mc 3,28-29; Mt 12,32).

  1. Tội phạm đến Thánh Thần không bao giờ được tha là tội nào?

Đó là tội phản nghịch Thiên Chúa của ma quỷ và các người nào đi theo làm tay sai cho nó như sau:

- Tội của kẻ không tin nhận Thiên Chúa là Cha giầu lòng từ bi thương xót, sẵn sàng tha thứ cho các tội nhân thực lòng sám hối ăn năn; hoặc không tin Chúa Giê-su là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa, nên họ đã tìm giết Người như các đầu mục dân Do thái xưa đã được Đức Giê-su cảnh báo: “Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (x. Ga 8,24),.

- Tội của kẻ kiêu ngạo tự mãn, cho mình là tốt lành thánh thiện, nên không nhận tội đã phạm và cố chấp không xin Chúa tha thứ để được hưởng ơn cứu độ. Đây là các đầu mục dân Do thái đã bị Đức Giê-su cảnh báo theo lời ngôn sứ I-sai-a tuyên sấm tội cố chấp của dân Do thái: “Lòng dân này đã ra đần độn, chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Is 6,9-10; Mt 13,15).

- Tội của kẻ cứng lòng tin không tin nhận những chân lý đã được Thần Khí Sự Thật mặc khải trong Thánh Kinh và qua các giáo huấn chính thức của Hội Thánh.

- Tội của kẻ quyết tâm phản nộp Thầy như Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một trong nhóm Mười Hai đã được Đức Giê-su khuyến cáo: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho người nào nộp Con Người: thà người đó đừng sinh ra thì hơn !” (Mt 26,24).

  1. Những kẻ cứng lòng tin và không chịu sám hối sẽ bị phạt hỏa ngục muôn đời:

Đến ngày tận thế, khi mọi người được sống lại và chịu phán xét chung, những người cố tình không tin Thiên Chúa và Đấng Ngài sai đến là Đức Giê-su sẽ không tránh khỏi hình phạt cân xứng với tội cứng lòng của họ như lời Đức Giê-su đã nói với các người Pha-ri-sêu trong Đền thờ rằng: “Các ông chớ ngạc nhiên về điều này vì “Giờ” đã đến. “Giờ” mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó. Ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống. Ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28–29). Đức Giê-su cũng cảnh báo về các hình phạt những kẻ cứng lòng tin sẽ phải chịu như sau: “Tôi đã nói với các ông là: các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8,24). Chết ở đây là cái chết do bị mất ơn cứu độ và phải chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục, chung số phận với ma quỷ như lời Đức Vua Giê-su tái lâm phán với những kẻ không chịu làm điều thiện ở bên tay trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta, mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41).

TÓM LẠI: Những ai cố tình làm điều xấu hoặc nhất quyết không chịu làm điều tốt cho tha nhân đều phạm tội, không những đối với xã hội mà cả đối với Thiên Chúa nữa. Họ sẽ phải chịu hình phạt cân xứng như lời Chúa Giê-su trong ngày phán xét chung nhân loại: “Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,45). Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sông muôn đời” (Mt 25,45-46).

  1. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: Chúa Giê-su nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.  Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho, và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,5-6).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nói rằng: "Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn". Xin mở lượng hải hà xoá bỏ các tội của con. Xin tạo cho con quả tim trong sạch và gìn giữ con đừng cố tình phạm tội, để tâm hồn con luôn thanh sạch, hầu xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa và luôn được ở trong tình thương của Ngài. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. A-MEN.

LM ĐAN VINH - HHTM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐỐI THOẠI VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN

x.VỀ GIÁ TRỊ CỦA SỰ CẦU NGUYỆN

VẤN ĐỀ 26:  Bạn là người tin có Thiên Chúa. Vậy khi bạn đau ốm mà chỉ cầu khẩn suông thì có được Chúa cho khỏi bệnh không? Hoặc khi bạn đói mà chỉ cầu nguyện thì Chúa có ban cho bạn cơm bánh không? Còn tôi, tôi chẳng cần phải tin có Chúa hay thần Phật nào cả, thế mà tôi đâu có thua gì bạn? Khi đau ốm, tôi chẳng cần cầu xin ai, mà chỉ cần uống thuốc cũng khỏi. Khi đói tôi cũng chẳng cầu khấn ai mà chỉ cần làm việc là có ăn. Như vậy, tin thờ Thiên Chúa là hành động vô ích và ngu ngốc.

Hơn nữa, cầu xin Thiên Chúa ban ơn phúc còn là một thái độ nô lệ, mất tự do, bị vong thân, và mất quyền làm chủ đời mình.

GIẢI ĐÁP:

  1. TRÌNH BÀY:

Một số người đã quan niệm sai lầm về đức tin tôn giáo: Theo họ thì đức tin chính là một phương thế để con người dễ dàng thỏa mãn các nhu cầu mà không phải vất vả nhiều. Khi muốn được Thiên Chúa ban ơn, họ chỉ cần dâng ít hoa trái, nhang đèn, tiền bạc, kèm theo lời khấn nguyện giống như niệm thần chú, là hy vọng sẽ được thỏa mãn yêu cầu. Bên cạnh những người mê tín nói trên, một số khác lại dựa vào khoa học để phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và phi bác việc cầu nguyện. Theo họ, không có Thiên Chúa hay thần linh nào cả. Muốn thỏa mãn các nhu cầu, người ta chỉ cần tuân theo quy luật tự nhiên là đủ. Chẳng hạn: Muốn có lương thực, không cần phải cầu xin ai, chỉ cần lao động theo kỹ thuật và hợp thời vụ là đủ; Khi bị bệnh không cần phải cầu khấn ai mà chỉ cần uống thuốc theo toa bác sĩ sẽ khỏi… Từ đó họ đi đến kết luận: tin thờ Thiên Chúa là việc làm vô ích ngu ngốc, bị vong thân và mất quyền làm chủ đời mình…

Vậy ý nghĩa đích thực của cầu nguyện là gì? Thái độ cầu xin Thiên Chúa phải chăng là một việc làm vô ích, ngu ngốc, bị vong thân và mất quyền tự chủ ?

1) Cầu nguyện là gì ?

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công giáo cho biết, cầu nguyện là "một sự liên lạc sống động giữa cá nhân mỗi người với Thiên Chúa hằng sống... mối tương quan sống động của con cái Thiên Chúa với Cha trên trời" (số 2558, 2565). Cầu nguyện chính là một hành vi của người có đức tin. Là một cuộc nói chuyện tâm sự giữa con người với Thiên Chúa như con cái thưa chuyện với cha mình. Qua đó, họ ngợi khen những kỳ công Thiên Chúa đã làm, cảm tạ những ơn lành Ngài đã thương ban, ăn năn sám hối tội lỗi đã trót phạm, phó thác cậy trông vào tình thương cứu độ của Chúa, và cầu xin Chúa ban các ơn lành hồn xác cho mình và tha nhân.

2) Giá trị của sự cầu nguyện:

Cầu nguyện là một hành vi cao quí và khôn ngoan của con người có lý trí. Cầu nguyện không làm cho con người bị vong thân, mất quyền làm chủ đời mình như có người lầm tưởng:

  1. a) Một hành vi cao quí:

Cao quí vì là thái độ nhân linh: chỉ con người mới có khả năng suy luận, mới biết đặt câu hỏi “tại sao” trước mọi vấn đề… Triết gia Blaise Pascal (1623-1662) trong tác phẩm Suy tư (La Pensees) đã đề cao giá trị của con người biết suy tư như sau: “Con người chỉ là một cây sậy yếu đuối trong tự nhiên… Chỉ cần một chất hơi, một giọt nước cũng đủ kết liễu cuộc sống của nó. Tuy nhiên con người vẫn cao quý vô cùng, vì con người biết suy nghĩ, đang khi vũ trụ tuy to lớn nhưng lại chẳng biết gì…”.

Cao quí vì là thái độ hiếu thảo: Chỉ con người mới có lòng hiếu thảo biết ơn Thiên Chúa thể hiện qua lời cầu nguyện, giống như con cái tỏ lòng hiếu kính qua việc năng thưa chuyện với cha mẹ của mình.

  1. b) Một hành động khôn ngoan:

Khôn ngoan khi biết tự lượng sức mình và biết tiên liệu: Thực vậy, trong đời sống thường ngày, mỗi khi đứng trước một công việc lớn lao, người khôn ngoan sẽ biết suy nghĩ và sẵn sàng nhờ cậy người khác trợ giúp. Cũng thế, người tín hữu khi đứng trước một công việc trọng đại vượt quá sức tự nhiên, sẽ biết khôn ngoan xin ơn Chúa giúp như Đức Giê-su đã dạy môn đệ phải biết cậy nhờ vào sự trợ giúp của Người: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5c).

3) Những điều nên làm và nên tránh khi cầu nguyện:  

  1. a) Cần tránh thói lười biếng ỷ nại nhưng biết cộng tác với Thiên Chúa để làm mọi việc phù hợp với quy luật thiên nhiên do Thiên Chúa đã an bài:

- Tuy ý thức Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự, nhưng các tín hữu phải tránh thái độ lười biếng ỷ nại khi chỉ biết cầu khấn suông mà không chịu khó làm việc để đạt mục đích. Thiên Chúa đã dựng lên loài người có trí khôn và tay chân… không phải để họ khoanh tay đứng nhìn, nhưng để họ cộng tác với Ngài làm chủ thiên nhiên, như Ngài đã truyền cho nguyên tổ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28).

- Loài người phải tuân theo những định luật thiên nhiên do Chúa đã an bài. Chẳng hạn: khi đau ốm phải biết tìm phương thế chữa trị; Muốn có lương thực phải biết gieo trồng đúng thời vụ và dựa theo luật tự nhiên do Thiên Chúa đã an bài. Thiên Chúa chỉ làm phép lạ trong một vài trường hợp thật đặc biệt nhằm để biểu lộ quyền năng hoặc củng cố đức tin để ban ơn cứu độ cho con người mà thôi.

  1. b) Cần tránh đòi Thiên Chúa phải đáp ứng mọi nhu cầu theo ý riêng mình, nhưng phải sẵn sàng tuân theo ý Chúa:

- Vì sẽ là điều vô lý: Giả như một người xin Chúa cho trời mưa để ruộng mới gieo giống có thể nẩy mầm, đang khi người khác lại xin Chúa cho nắng ráo để sân lúa đang phơi được mau khô… Hoặc một người bán hòm người chết xin Chúa cho bán đắt hàng, đang khi người có thân nhân đau nặng lại cầu xin Chúa cho mau lành bệnh và khỏi phải chết… thì khi ấy không biết Thiên Chúa sẽ phải nghe lời cầu xin của ai ?

- Vì sẽ gây mất trật tự: Nếu Thiên Chúa phải đáp ứng mọi lời cầu để thỏa mãn theo nhu cầu riêng tư của con người thì mọi sự sẽ trở nên hỗn loạn: Các quy luật thiên nhiên như thời tiết nắng mưa, mùa màng… sẽ thay đổi liên tục và xã hội chắc chắn sẽ mất an toàn trật tự.

- Trong thực tế người tín hữu sẽ năng cầu xin Thiên Chúa ban ơn theo thánh ý Thiên Chúa thay vì đòi Chúa phải thỏa mãn theo ý riêng mình, noi gương Đức Giê-su trong vườn Ghết-sê-ma-ni đã cầu nguyên như sau: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Khi đau ốm các tín hữu chúng ta hãy cầu xin Chúa cho được “gặp thầy gặp thuốc” và sẵn sàng uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.

3) Giải đáp vấn đề:

  1. a) Phải ưu tiên tuân theo quy luật thiên nhiên của Thiên Chúa: Con người dù tin hay không tin Thiên Chúa cũng đều phải tuân theo các quy luật tự nhiên do Thiên Chúa đã an bài: Muốn có lương thực phải gieo trồng đúng thời vụ hợp với khoa học kỹ thuật. Muôn khỏi bệnh cần chữa trị tại bệnh viện và uống thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Ngoài ra, người tín hữu cần cầu xin Chúa cho được gặp thày gặp thuốc để mau khỏi bệnh thay vì chỉ cầu khấn suông hoặc uống nước suối Đức Mẹ thay thuốc chữa bệnh để đòi được hưởng phép lạ …
  2. b) Thiên Chúa muốn các tín hữu vừa phải cầu xin, lại vừa phải theo các quy luật thiên nhiên: Thiên Chúa chỉ can thiêp làm phép lạ khi muốn chứng tỏ quyền năng của Ngài, hoặc để củng cố đức tin của các tín hữu hầu giúp họ được hưởng ơn cứu độ mà thôi.

- Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đã làm nhiều phép lạ nhằm mục đích ấy như sau: Người biến nước lã thành rượu nho tại tiệc cưới thành Ca-na để “Bày tỏ vinh quang của Người, và các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11); Người truyên cho sóng gió Biển Hồ yên lặng để các môn đệ nhận biết quyền năng Thiên Chúa của Người, như các ông đã ngạc nhiên nói với nhau rằng: “Người này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?” (Mt 8,27); Người đi trên mặt Biển Hồ trong đêm tối để mặc khải Thần tính của Người qua lời Người trấn an các môn đệ: “Chính Thầy đây, đừng sợ !” (Ga 6,19-20); Người nhân bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người ăn no chỉ với năm cái bánh và hai con cá để chứng minh sứ vụ Thiên Sai khiến dân chúng đã thốt lên: “Hẳn ông này là vị Ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian (Ga 6,14);

- Đức Giê-su làm phép lạ để chứng minh sứ vụ Thiên Sai đã được các ngôn sứ tiên báo. Chẳng hạn: Để các đầu mục Do thái biết Người có quyên tha tội dưới đất, Người nói với kẻ bất toại: “Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà” (Mc 2,11). Tin Mừng Mát-thêu cũng viết như sau: “Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành. Khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en” (Mt 15,30-31).

  1. c) Còn những ai vô tín: cố tình nhắm mắt trước những thực tại chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa và không chịu bày tỏ lòng hiếu thảo biết ơn Ngài, cũng đừng vội tự mãn về thái độ vô ơn bất nghĩa của mình. Sở dĩ họ không bị thua kém những người có đức tin về phạm vi vật chất là do Thiên Chúa nhân từ vẫn đang nhẫn nại chờ đợi họ hồi tâm. Nhưng lòng nhân từ cũng có giới hạn: sẽ đến ngày vào lúc họ không ngờ, vào giờ họ không biết, Ngài sẽ gọi linh hồn họ ra trước tòa phán xét, bấy giờ họ sẽ không thể bào chữa về thái độ vô ơn bất hiếu, cố tình ngoảnh mặt làm ngơ trước tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Trong dụ ngôn “Mười cô trinh nữ”, chàng rể Giê-su đã nói với năm cô trinh nữ khờ dại không mang theo dầu đức tin rằng: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả !" (Mt 25,12). Những kẻ vô tín, chỉ lo tìm kiếm của cải vật chất ở đời này sẽ phải nghe lời quở trách của Thiên Chúa như sau: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó, sẽ về tay ai?” (Lc 12,16-21). Thái độ vô tín ấy mới thực là ngu ngốc, bị vong thân và mất quyên làm chủ đời mình.
  2. PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối." (Mc. 14,38).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa Cha từ bi nhân ái, chúng con nguyện xin cho Danh Cha luôn cả sáng và Nước Cha trị đến. Xin cho chúng con được bình an và gặp mọi sự an lành. Xin đừng để chúng con rơi vào cạm bẫy của ma quỷ. Xin ban sức mạnh để chúng con kiên tâm vững bước theo chân Chúa Giê-su đến cùng.- AMEN.

LM ĐAN VINH - HHTM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

back to top
Filters