Ý nghĩa nhẫn, mũ, gậy của Đức Giám Mục *** Nhánh Lan Rừng Sưu tầm
Thứ năm, ngày 21 tháng bảy năm 2022
Ý nghĩa nhẫn, mũ, gậy của Đức Giám Mục
Nhánh Lan Rừng : Sưu tầm
1.- Nhẫn
Nghi lễ phong chức Giám mục gồm có ba phần: mở đầu, bí tích và diễn nghĩa. Nhẫn cũng như mũ và gậy đều được trao trong phần diễn nghĩa này. Đúng như danh xưng, đây chỉ là một số biểu tượng diễn tả vai trò Mục tử trong cộng đoàn Dân Chúa, tự nó không góp phần làm nên bí tích, nhưng chỉ giải nghĩa một phần nào phận vụ mà người mang những biểu tượng ấy phải thể hiện trong đời sống hiến dâng. Khi xỏ nhẫn vào ngón đeo nhẫn tay mặt tân Giám mục, Đức Giám mục chủ phong nói: "Hiền đệ hãy lãnh nhận chiếc nhẫn, ấn tín của đức tin: với đức tin nguyên tuyền làm trang sức, Hiền đệ hãy giữ gìn vị Hiền thê của Thiên Chúa là Hội thánh được vẹn toàn". Như thế đã rõ, chiếc nhẫn bên ngoài vẫn cứ là chiếc nhẫn như tên gọi, nhưng đã trở thành ấn tín của đức tin.
Ngày xưa vua chúa vẫn có ấn tín và thường mang theo mình dưới hình thức chiếc nhẫn để một đàng không sợ thất lạc và đàng khác không sợ bị người khác mượn đỡ xài chơi. Đó là chiếc ấn để làm tin. Ngày nay, Giám mục cũng mang trên mình chiếc ấn tín ấy, chẳng để làm tin cho ai cho bằng để nhắc nhớ mình về những bổn phận phải chu toàn sao cho tương xứng với người mình yêu là Giáo hội. Như vậy, với chiếc nhẫn, Giám mục đại diện Chúa Kitô là Hôn phu kết hôn với Giáo hội là Hiền thê và đoan hứa mãi trung thành.
Đeo nhẫn vào tay, Giám mục đựơc trang sức bằng đức tin nguyên tuyền, để có nhiệm vụ gìn giữ đức tin ấy được vẹn toàn trong lòng Giáo hội. Nói như thế cũng là nói: kể từ nay Giám mục trong đời sống của mình, nhất là qua trách vụ giảng dạy, phải là người "gìn giữ kho tàng đức tin cho tinh tuyền và toàn vẹn đúng theo truyền thống đã được bảo tồn mọi nơi và mọi đời trong Hội thánh, ngay từ thời các tông đồ".
Là người bảo vệ trung thành, Giám mục giữ vai trò canh thức gìn giữ ngọn đèn đức tin của Giáo hội sao cho luôn có đủ dầu và luôn được thắp sáng. Ngày nào nhẫn Giám mục còn, ngày đó được phép hy vọng đức tin của Giáo hội vẫn còn được bảo vệ nguyên tuyền. Là người quản lý có khả năng, Giám mục chăm lo cho đời sống nơi cá nhân mình được vững mạnh toả sáng và chăm sóc cho đức tin nơi đoàn chiên được đầy đủ trưởng thành. Quản lý không chỉ để giữ mà còn để phát triển thêm lên: một thành hai; hai thành ba... Là người phân phát không mỏi mệt, Giám mục biết rằng có của mà chỉ lo ăn thì đến núi cũng lở, thế nên điều ghi tâm khắc cốt chính là "càng biết phân phát càng làm nhân tăng". Đó là cung cách quản lý của Giám mục vốn là người chăm lo cho sự sống dồi dào, giống như bà goá Sarepta biết phân phát ưu tiên cho người của Thiên Chúa, nên kể từ ngày ấy "hũ bột không cạn, bình dầu không vơi". Làm việc cho Thiên Chúa thì phân phát cũng đồng nghĩa với thu nhận phong phú.
Trên thực tế, đức tin và nhiệm vụ giảng dạy được nuôi dưỡng bằng nguồn mạch là Lời Chúa. Nên một khi đeo nhẫn vào tay, người ta được mời gọi quyết tâm tìm hiểu, suy niệm và sống Lời Chúa nhiều hơn. Thật ra, chẳng quan tâm thì vị trí Giám mục cũng bị quạc vào cổ nhiệm vụ phải giảng trong tư cách là thầy dạy. Nhưng một khi đã quan tâm thì cũng có nghĩa là sẽ đảm lĩnh nhiệm vụ ấy với lòng yêu mến, với niềm say mê hơn. Chiếc nhẫn sẽ có nhiệm vụ nhắc nhở, gợi nhớ trung thành.
Dẫu chiếc nhẫn vẫn có hai mặt của nó: mặt trong là đời sống cá nhân và mặt ngoài là lời được rao giảng. Cả hai mặt hợp thành một thực thể Lời Chúa sống động do đức tin dẫn khởi: "Người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4, 4).
Nhưng không phải hễ cứ đeo nhẫn ấn tín đức tin là tức khắc có ngay, có đủ kho tàng đức tin hệ thống để từ đó tha hồ bấu véo cho đi tuỳ thích mà không sợ thiếu hụt. Không, "ấn tin đức tin" là vì người khác, vì đoàn chiên, cho đoàn chiên chứ bản thân người mang nhẫn vẫn không thoát khỏi định luật cùn mòn. Vì thế mang nhẫn cũng là mang lấy trách nhiệm phải thể hiện đức tin, nhân đức đối thần, một cách hoàn hảo.
Hình thức cơ bản là trau dồi học hỏi huấn luyện gọi là "thường huấn". Hình như trong tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục 2001 cũng nhắc tới điều này một cách đặc biệt không chỉ cho các Linh mục mà còn cho các Giám mục nữa. Và nếu như vẫn có khoá học tập đặc biệt tại Rôma dành cho các Giám mục mới được tấn phong thì đúng là tuổi nào cũng phải học. "Bảy mươi học bảy mốt", đó là trau dồi đức tin.
Hình thức cụ thể hơn là thực hành đức tin qua những công tác gắn liền với chức vụ cũng như qua những việc đạo đức thường xuyên hằng ngày. Trước khi là Giám mục phải là Kitô hữu. Và cuối cùng, sống đức tin hay một đức tin làm lên hương đời sống hạnh phúc của kẻ tín thác nơi Thiên Chúa chính là cách thể hiện phải có cho một đời phục vụ. Giám mục mang nhẫn "ấn tín đức tin" tức là cùng lúc phải có đức tin sống động phong phú nơi mình và trở nên dấu chỉ khả tín cho đoàn chiên của mình. Quả là một trách nhiệm không nhỏ.
2.- Mũ
Nếu nhẫn có ý nghĩa biểu tượng dễ nhận ra bao nhiêu, thì mũ Giám mục phải nói là rất khó đoán ra. Một phần vì hình dạng mũ ngày nay tuyệt đối không thấy nơi đâu khác ngoài Giáo hội Công giáo Roma, tiếng chuyên môn gọi là mũ Mitra, tiếng lưu hành hội bộ Việt Nam gọi là mũ gàu vì nó giống như chiếc gàu tát nước hai quai, hoặc mũ cà cuống vì nó giống như mình con cà cuống. Một phần khác cũng vì ý nghĩa gán cho chiếc mũ còn lớn hơn chiếc mũ bội phần, nên đội vào cứ thấy nặng trịch.
Khi đội mũ cho tân Giám mục, Giám mục chủ phong nói: "Hiền đệ hãy lãnh nhận chiếc mũ này và làm cho ánh sáng thánh thiện rực lên nơi hiền đệ, để khi vị Thủ lãnh các Mục tử xuất hiện, hiền đệ xứng đáng lãnh nhận triều thiên vinh quang bất diệt ". Có thể ngày xưa đấy là chiếc vương miện lấp lánh hạt nọ hạt kia do vua chúa đặt trên đầu Giám mục của mình. Và hôm nay đã cách điệu chỉ còn là vải sợi kim tuyến lấp lánh thôi, nhưng lời trao gửi nhiệm vụ "làm cho ánh sáng thánh thiện rực lên" quả là một lời nghe mà vô cùng run sợ. Thánh thiện một chút từng ngày như đom đóm đã thấy khó, huống hồ thánh thiện sáng rực như đèn 1000w. Không dám đâu, đội mũ nóng lắm!
Như thế, chiếc mũ là biểu tượng sự thánh thiện nơi vị Giám mục, và sự thánh thiện này giúp liên tưởng đến nhiệm vụ thánh hoá vốn là nhiệm vụ quan trọng trong đời Mục tử. Chính lời nguyện Bí tích của nghi thức phong chức Giám mục cũng đã hữu ý tô đậm nhiệm vụ này : "Lạy Cha là Đấng thấu suốt mọi tâm hồn, xin ban cho tôi tớ mà Cha đã tuyển chọn lên chức Giám mục biết và thực hành chức Thượng tế trước mặt Cha cách hoàn hảo khi phục vụ Cha đêm ngày, ngõ hầu tôi tớ Cha luôn bày tỏ dung nhan hiền từ của Cha và tiến dâng lễ vật của Hội thánh Cha...".
Vì thế, khi mang trên đầu chiếc mũ Mitra, Giám mục thực hành chức Thượng tế không chỉ trước mặt cộng đoàn mà còn trước mặt Thiên Chúa kìa, nên qua đó Giám mục cho thấy tấm lòng thánh thiện, ít là qua cung cách cử hành nghi thức của mình. Thánh Augustinô đã có lần lý giải bằng cách phân biệt giữa thừa tác viên và tác vụ: dẫu thừa tác viên chưa thánh đủ, tác vụ vẫn đem lại ơn thánh hoá, vì tận bên trong, chính Thiên Chúa thực hiện. Mà nếu Thiên Chúa là tác giả chính của tác vụ đó, thì thừa tác viên nhân loại, một cách nào đó chỉ đóng vai trò của tác giả thứ cấp. Nếu để ý tham dự cử hành nghi thức Bí tích, trong phần trước là phần chính yếu thể hiện tác vụ thánh hoá, Giám mục luôn luôn đội mũ Mitra, từ Bí tích Thêm sức trước mấy em nhỏ đến Bí tích Truyền chức Giám mục. Đó là mũ thánh thiện, mũ thánh hoá.
Nhưng làm sao có thể yên tâm đội trên đầu mình cả một sức nặng thánh thiện toả sáng để thánh hoá mọi người? Hỏi tức là trả lời. Vì liên quan đến nguồn lương thực thứ hai do chính Chúa Giêsu bộc bạch "Thức ăn của Ta là thi hành thánh ý Đấng đã sai Ta" (Ga 3, 34). Vâng thật vậy, ý Chúa vô cùng kỳ diệu, chẳng ai biết rõ được, dù đã cố gắng tỉnh táo đợi chờ, nhưng cứ luôn luôn bị bất ngờ cả về thời giờ lẫn cung cách. Chúa có đồng hồ và có cách điểm nhịp của Ngài. Con người bó tay. Tìm một người cha cho Dân của Chúa, Ngài đã không chọn một người trai tráng, học cao mà lại chọn một ông cụ già chân quê cày sâu cuốc bẫm. Cũng thế, tìm người thánh hoá dân Chúa, đáng lẽ Chúa phải kiếm ra người ?có tóc? đức độ, đằng này Ngài lại chịt cổ những kẻ "trọc đầu" chân lấm tay bùn, dám đâu đưa tay thánh hoá người khác.
Nhưng mặc kệ, đó là ý Chúa. Nếu như cứ chờ phải kiếm ra người thánh đức, chắc chẳng ai dám đưa vai ra gánh vác, nhưng nhờ cậy vào tình thương thể hiện qua ý Chúa, mà người ta cúi đầu xin thưa ?này con xin đến để thực thi ý Chúa?. Cũng cần ghi nhận: một khi đã mệnh danh là ý Chúa thì đằng sau đó đã hàm chứa một điều gì đó khác với ý mình, có nghĩa là đường Thánh giá đã xuất hiện. Phải vất vả chiến đấu chống lại tội lỗi và sự cùn mòn theo năm tháng, cũng như còn phải vất vả hoài hoài để có thể đội lên đầu chiếc mũ thánh: mũ thánh hoá, mũ Thánh giá.
Từ những ý nghĩ ấy đã hình thành một nhận thức: bên ngoài chiếc mũ là hào quang thánh đức, nhưng bên trong là cả một niềm cậy trông. Càng cảm thấy mình bất xứng càng phải sống đức trông cậy nhiều hơn. Trông là trông vào một đỉnh cao để được soi sáng và cậy là cậy vào một bến bờ để được bình an không chao đảo giữa bộn bề công việc. Nếu đức tin là nhân đức cần vận dụng trước những thử thách thì đức cậy là nhân đức nhiều khi phải vận dụng trước những thành công, vì bị thử thách quá hoá ra ngã lòng và thành công quá hoá ra kiêu ngạo, chỉ cậy vào sức mình và chỉ nghĩ đến thành quả do tay mình làm ra. Trường hợp này, đội trên đầu chiếc mũ thánh thiện trong tác vụ thánh hoá, lần một còn lâng lâng nóng ấm, lần hai còn thấy toả nhiệt trên đầu, nhưng biết đâu từ lần ba trở đi, người ta cảm thấy dễ chịu và lờn quen. Dễ chịu vì nghĩ rằng cứ đội mũ thánh riết rồi mình cũng thánh, tương tự như kiểu nói ?chụp mũ? nhằm diễn tả muốn gán cho ai thuộc loại người nào, chỉ cần chuẩn bị cho người ấy chiếc mũ phù hợp và vấn đề còn lại là chụp lên đầu là xong, bất kể người ấy thế nào. Lờn quen vì nghĩ rằng đội mũ thánh mà mình chẳng thánh có sao đâu. Trong giới hạn, cả hai thái độ dễ chịu và lờn quen đều mang nguy cơ biến thành lực cản cho niềm trông cậy. Có lẽ khi đội mũ vào đầu hãy dâng niềm cậy trông: xin cho mình được thánh hoá để có thể chu toàn tác vụ thánh hoá người khác.
3.- Gậy
Về mặt biểu tượng, Gậy nói lên nhiều điều dễ dàng hơn cả. Vì đó đây hình ảnh người chăn chiên vẫn còn lên núi xuống khe với chiếc gậy bao nhiêu thế kỷ không thay đổi. Chất liệu có khác, nhưng gậy vẫn cứ là gậy thôi. Gậy giúp Mục tử đi đứng trên mọi địa hình, gậy giúp Mục tử vươn tay ra hiệu cho đoàn chiên, gậy còn trở thành vũ khí cho Mục tử trước những kẻ thù rình rập sát hại bầy đàn. Gậy bảo vệ, gậy canh gác, gậy dẫn đường, gậy sửa trị, gậy chống đỡ... Chả thế mà trong Thánh vịnh 22, Dân Chúa đã hát lên ?cây roi cây gậy của Người dẫn đường, hồn tôi bước an lành?.
Khi trao gậy cho tân Giám mục, Giám mục chủ phong nói: "Hiền đệ hãy lãnh nhận chiếc gậy, dấu hiệu nhiệm vụ chủ chăn, và hãy chú ý đến toàn thể đoàn chiên, nơi đó Chúa Thánh Thần đã đặt hiền đệ làm Giám mục cai trị Hội thánh Chúa".
Không còn úp mở nữa, với việc trao gậy, danh xưng Chúa Thánh Thần đã được nhắc tới và danh xưng Giám mục cũng được gợi lên. Kể từ nay, mỗi khi cầm gậy, Giám mục cầm trong tư cách là Mục tử không để múa gậy vườn hoang nhưng để đối diện với toàn thể đoàn chiên được trao phó cho mình chăm sóc. Đây không phải là việc bầu bán luân phiên mà là việc được thực hiện trong Giáo hội dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.
Cầm gậy vào tay là cầm lấy một trách vụ, một công tác, tiếng Việt gọi là Chủ chăn, Hán Việt gọi là Mục tử, và danh xưng Giám mục cũng không muốn nói đến điều gì khác, nói tóm lại là nhiệm vụ quản trị, cầm cương nẩy mực, không ra oai tác quái mà chỉ vì lợi ích cho đoàn chiên. Nhưng đoàn chiên nào? Tất nhiên là đoàn chiên có danh chính ngôn thuận được uỷ thác, được trao phó rõ ràng. Nếu không có đoàn chiên thì chủ chiên coi chừng trở thành ?chủ không? rất đáng ngại, vì thế bao giờ chủ chiên cũng đi liền với một Toà giám mục nào đó trong lịch sử, cho dẫu hiện nay toà đó không còn trên địa lý. Trường hợp các Giám mục chính toà thì gắn liền với toà các ngài cư ngụ, còn trường hợp Giám mục phụ tá thì chỉ có hiệu toà thôi, thường ở đâu đó tận Bắc Phi. Chả thế mà có người vui miệng bảo hiệu toà là một toà ảo, nghĩa là ngày xưa toà đó đã từng hiện diện nhưng nay không còn trên thực địa, chỉ còn tên trong Giáo sử thôi. Do đó, Giám mục có thể mang mũ đi khắp nơi, nhưng không làm như thế đối với gậy. Đoàn chiên nào chủ chăn nấy, không làm khác được. Cầm gậy sang đoàn chiên không được uỷ thác cho mình rất khó biện minh: về mặt pháp lý đã không được (Quyền chi chống gậy nơi này?); về mặt tâm lý cũng không xong (Lăm le dòm ngó ý đồ gì đây?); về mặt giáo luật thì xem ra phải có "phép" rõ ràng (nếu không có phép thì càng khó coi!). Đã đành, trên lý thuyết Giám mục phải "quan tâm đến toàn thể đoàn chiên" phổ quát, nhưng trên thực tế Giám mục tận tuỵ với đoàn chiên điạ phương được trao phó cho mình gánh vác đã là mệt đời rồi.
Nghĩ đến gậy là nghĩ đến sức lực phải bỏ ra trong đời Mục tử, nhưng cũng chính vì thế, lại nghĩ đến nguồn lương thực thứ ba không thể thiếu, đó là "Bánh bởi Trời" (Ga, 51). Vâng, đó là Bánh có đủ mọi mùi thơm ngon cần thiết bổ dưỡng tăng lực cho mọi người, cách riêng cho người Mục tử lao tâm khổ trí chăm chút cho đoàn chiên được sống để tìm đến với "Bánh hằng sống" mà sống dồi dào. Những khi cầm gậy đi đầu khai hoang, là khi Mục tử nghĩ đến bến bờ sự sống, sự sống Thiên Chúa, một sự sống đánh đổi bằng những nỗ lực yêu thương dành cho đoàn chiên, sẵn sàng ?đứng mũi chịu sào? miễn sao bầy đàn được sống yên ả không thiếu thốn gì. Đó là bánh tăng lực thiêng liêng Mình Máu Thánh Chúa Kitô, lương thực cho mỗi Mục tử đi đàng chăn dắt. Những khi cầm gậy đi ngay bên cạnh canh chừng ngay hàng thẳng lối đúng hướng chọn lựa dẫn về đồng cỏ non xanh, là khi Mục tử mải mê hạnh phúc của Thiên Chúa, hạnh phúc phải kiếm tìm như ngọc trong đá, vất vả nhưng có công mài giũa có ngày nên kim. Đó là Bánh Mana chỉ đủ một ngày để biết luôn tin cậy Chúa là Chủ chăn Độc Nhất. Những khi cầm gậy đi sau đùm bọc nhìn ngang ngó dọc xem chừng không con chiên nào bị lạc, là khi Mục tử thao thức rất nhiều với Hội thánh trong sứ mạng truyền giáo: chiên ta về chuồng, nhưng chiên khác về đâu? Đó là Bánh muốn nhân tăng ra nhiều cho ăn no thoả mà vẫn cứ dư dả ê hề phủ phê đầy ứ.
Tất nhiên cầm gậy là biểu lộ quyền Mục tử dẫn dắt đoàn chiên, nhưng quyền ở đây không phải tự mình mà có để vênh vang, không phải do chinh Nam phạt Bắc mà thủ đắc để tự tung tự tác, cũng không phải do ăn may cơ hội kiểu ?lão ăn trộm thứ ba? để mà vung vít múa tít tối ngày. Quyền Mục tử là quyền được uỷ thác; quyền Mục tử là quyền đi liền với một trách nhiệm nặng nề; quyền Mục tử là quyền phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa. Chính vì thế chữ ?cai trị? càng ngày càng ít được sử dụng, có chăng trong tinh thần Phúc âm: "cai trị là phục vụ".
Như vậy, đụng đến gậy không phải để giương oai phô trương thanh thế mà là đụng đến đức mến đối thần, vì yêu Chúa nên Mục tử nhận vào mình trách vụ chăn dắt đoàn chiên, không phải của mình mà là của Chúa, với lòng ân cần không phải của mình mà cũng là của Chúa kìa, và vì mến Chúa nên Mục tử cũng mến luôn cả đường đi tông chi bày đàn của Chúa, để sẵn sàng biết đến từng con chiên ngay cả những con yếu đau, yếu nhược, yếu mềm, yếu đuối nhất, và nếu cần, theo gương Mục tử của các mục tử đã hiến thân cho đoàn chiên, mỗi Mục tử hiện nay cũng hiến thân một cách nào đó cho Giáo hội địa phương mình, cho dẫu đó chỉ là những cách âm thầm nhất. Miễn là vì yêu thương.
Ba thứ tưởng là lỉnh kỉnh rốt cuộc lại là những hành trang giàu ý nghĩa biểu tượng có khả năng giúp đào sâu ý nghĩa và nhiệm vụ Mục tử. Nhẫn đức tin giúp kiên trung trong nhiệm vụ giảng dạy và gọi mời tìm đến nguồn lương thực thứ nhất: Lời Chúa; Mũ thánh thiện toả sáng giúp chu toàn nhiệm vụ thánh hoá, đồng thời bước đến nguồn lương thực thứ hai là thánh ý Thiên Chúa; Gậy Mục tử cứng cáp trên mọi địa hình giúp hết lòng cho nhiệm vụ chăn dắt, để với nguồn lương thực thứ ba là ?Bánh hằng sống?, Mục tử sẵn sàng chấp nhận thân phận hạt lúa phải mục nát đi cho sự sống trổ sinh.
Cũng nên ghi nhận rằng cả ba món đồ nghề này đều được trao với công thức "Hiền đệ hãy lãnh nhận...", không chỉ có nghĩa là không thể tự mình mua sắm nhưng được trao phó, mà còn ngầm hiểu tất cả là hồng ân Thánh Giá, nên không thể đón nhận bằng đôi tay mà bằng đôi vai sức vóc một đời.
Và cuối cùng, ba món đồ nghề ám chỉ ba ngón nghề Giảng dạy, Thánh hoá, và Chăn dắt về lâu về dài cũng còn là những biểu tượng nhắc nhở về một đời sống nội tâm xây dựng và phát triển trên cơ sở ba nhân đức đối thần: Nhẫn đức tin, Mũ đức cậy và Gậy đức mến.
Con xin đức tin để có thể giảng dạy, con trông cậy Chúa thánh hoá con mới dám thánh hoá đoàn chiên và bằng đức mến con can đảm lên đường chăn dắt. Xin Chúa kết thúc tốt đẹp những gì Ngài đã khởi sự nơi con. Amen.
Nhánh Lan Rừng : Sưu tầm