“Bài thơ của Con Người – Thiên Chúa” hay ”Tin Mừng như đã được vén mở cho Tôi”: một tác phẩm độc nhất vô nhị *** Linh mục Giuse Hoàng minh Thắng
08 Tháng Giêng 2021
“Bài thơ của Con Người – Thiên Chúa” hay ”Tin Mừng như đã được vén mở cho Tôi”: một tác phẩm độc nhất vô nhị
Linh mục Giuse Hoàng minh Thắng
“Bài thơ của Con Người – Thiên Chúa”hay ”Tin Mừng như đã được vén mở cho Tôi”: một tác phẩm độc nhất vô nhị
“Bài thơ của Con Người – Thiên Chúa” hay ”Tin Mừng như đã được vén mở cho tôi” của bà Maria Valtorta là một tuyệt tác độc nhất vô nhị trong nền văn chương của Kitô giáo. Tuy không được – hay đúng hơn chưa được – Giáo quyền công nhận là “mạc khải”, nhưng từ năm 1966 không còn bị cấm đọc và phổ biến nữa.
Các thị kiến không chỉ bao gồm toàn cuộc đời Chúa Cứu Thế, mà còn trình thuật quãng đời thơ ấu của Mẹ Maria. So sánh với các tác phẩm được mạc khải khác, tác phẩm của bà Maria Valtorta đầy đủ nhất và rất chính xác trong tương quan với bốn Phúc Âm. Các thị kiến đã được viết lại ngay lập tức và một cách trực tiếp sau khi được vén mở.
Các trình thuật rất trung thực với Phúc Âm, và giúp người đọc hiểu bối cảnh các giáo huấn của Chúa Giêsu với rất nhiều chi tiết súc tích, sống động hấp dẫn. Đặc biệt tác phẩm bao gồm các hiểu biết sự kiện lịch sử, địa lý, trắc địa, địa chất, khoáng chất và phong cảnh chính xác về Thánh Địa, khiến cho các chuyên viên kinh thánh và các học giả phải kinh ngạc.
Bạn không bị bắt buộc phải tin, vì đây không phải là tín lý. Nhưng cũng đừng bỏ lỡ một cơ hội đọc một tác phẩm hay, và đừng nản lòng vì mấy chục trang dẫn nhập khô khan. Hãy kiên nhẫn vượt thắng nó và hãy đọc tác phẩm với tâm trí rộng mở, không thành kiến, đơn sơ, chân thành, bạn sẽ nếm hưởng được tình yêu bao la của Thiên Chúa Ba Ngôi, sẽ yêu mến Chúa Giêsu, Mẹ Maria, Cha Thánh Giuse nhiều hơn và xót thương nhân loại sâu xa hơn. Và cuộc sống của bạn sẽ được biến đổi.
Roma 15-8-2012
Lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời
Linh mục Giuse Hoàng minh Thắng
Giáo sư Thánh kinh Đại học Giáo hoàng Urbaniana Roma (1991-2011)
- Thiên Chúa có ”trăm phương nghìn cách” để biểu lộ tình yêu bao la của Người cho nhân loại
Trong Thánh Kinh Cựu Ước có một tác phẩm trình bầy tình yêu của con người, tình yêu giữa một thanh niên và một thiếu nữ, một tình yêu với tất cả vẻ đẹp tinh tuyền trong sáng, cũng như sức thu hút, đam mê hấp dẫn và những âu lo kiếm tìm khắc khoải, trong tất cả mọi chiều kích tâm sinh vật thể lý của nó. Tác phẩm đó là sách ”Diễm Ca” thuộc thế kỷ thứ I trước công nguyên. Truyền thống chú giải Do Thái coi đó là hình ảnh tình yêu si mê giữa Thiên Chúa và dân Israel. Còn trong truyền thống Kitô nhiều thần học gia và các giáo phụ giải thích đó là tình yêu giữa Thiên Chúa và linh hồn con người.
Trước đó nữa vào thế kỷ thứ VIII sách Đệ Nhị Luật đã là tác phẩm kinh thánh trình bầy cả một nền thần học tình yêu. Thiên Chúa yêu thương giải thoát và che chở Israel dân riêng Người chọn, vì thế ơn gọi và cung cách sống của Israel cũng phải là yêu thương: yêu thương Thiên Chúa, yêu thương tha nhân, và yêu thương mọi loài thụ tạo Thiên Chúa đã dựng nên, từ súc vật cho tới cỏ cây và mọi loài thảo mộc.
Tuy nhiên, chỉ với thánh Gioan chúng ta mới có được định nghĩa thần học rõ ràng ”Thiên Chúa là tình yêu” và là Đấng mạc khải tình yêu. Thánh nhân viết trong chương 4 thứ thứ I: ”Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con Một của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta: (1 Ga 4,7-10).
Như thế, tình yêu bao la hải hà Thiên Chúa dành cho loài người không chỉ được biểu lộ ra trong công trình tạo dựng, qua đó muôn loài muôn vật đều vén mở cho thấy Đấng Tạo Hóa, mà nhất là được mạc khải trong công trình cứu chuộc, qua chính cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô.
Tình yêu của Thiên Chúa thiên hình vạn trạng và các mạc khải tình yêu đó cũng thiên hình vạn trạng và vô cùng tận. Vì mọi thụ tạo đều phản ánh quyền năng của Thiên Chúa nên có thể nói có bao nhiêu người, có bao nhiêu thú vật, cỏ cây hoa lá là hay chất liệu trong vũ trụ mênh mông bát ngát này là có bấy nhiêu mạc khải về Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong nghĩa hẹp và chuyên môn, việc mạc khải ấy có thể là “mạc khải công”, nhưng cũng có thể “mạc khải tư”.
- Mạc khải công
Giáo huấn của Giáo Hội phân biệt giữa “mạc khải công” và “mạc khải tư”. Giữa hai thực tại không chỉ có sự khác biệt về mức độ, mà cả về bản chất nữa.
Kiểu nói “mạc khải công” ám chỉ hành động của Thiên Chúa, được vén mở và dành cho toàn nhân loại, và được ghi chép lại thành văn bản trong Thánh Kinh Cựu Ước và Thánh Kinh Tân Ước. Gọi là “mạc khải” vì trong đó Thiên Chúa từ từ tỏ lộ ra cho con người cho đến chỗ nhập thể làm người để lôi kéo toàn thế giới tới với Người và hiệp nhất tất cả với Người qua Người Con nhập thể của Người là Đức Giêsu Kitô. Trong Đức Kitô Thiên Chúa đã nói tất cả, nghĩa là đã cho biết chính mình, và vì thế mạc khải đã kết thúc với việc hiện thực mầu nhiệm của Chúa Kitô, như được trình bầy trong Thánh Kinh Tân Ước. Mạc khải công kết thúc với cái chết của vị Tông Đồ cuối cùng. Tuy mạc khải công đã kết thúc, nhưng nó đã không được trình bầy một cách hoàn toàn rõ ràng. Đức tin kitô có nhiệm vụ tiếp nhận từ từ tất cả tầm quan trọng của nó dọc dài các thế kỷ (Giáo Lý Công Giáo, 66). Đó là ý nghĩa lời Chúa Giêsu nói với đoàn môn đệ trong Bữa Tiệc Ly: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con. Nhưng bây giờ, các con không có sức chịu nổi. Khi nào Thánh Thần sự thật đến, Người sẽ dẫn các con tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho các con biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho các con” (Ga 16,12-14).
- Mạc khải tư
Chính trong bối cảnh này chúng ta có thể hiểu “mạc khải tư” một cách đúng đắn. Số 67 sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo viết: ”Dọc dài các thể kỷ đã có các mạc khải gọi là “mạc khải tư”, một vài mạc khải đã được quyền bính Giáo Hội thừa nhận… Vai trò của chúng không phải là “bổ túc” Mạc Khải vĩnh viễn của Chúa Kitô, nhưng để giúp sống nó một cách tràn đầy hơn trong một thời đại lịch sử xác định”.
Như thế, Giáo Lý của Giáo Hội giúp chúng ta phân biêt hai điều: thứ nhất là uy tín của các mạc khải tư khác với uy tín của mạc khải công. Mạc khải công đòi buộc chúng ta phải tin, vì qua đó Thiên Chúa nói với chúng ta qua các lời của con người và trung gian cộng đoàn sống động của Giáo Hội. Thứ hai, mạc khải tư là một trợ giúp cho lòng tin ấy, và việc thừa nhận của Giáo Hội bao gồm ba yếu tố sau đây: thứ nhất, sứ điệp mạc khải tư ấy không chứa đựng điều gì trái với đức tin và phong hóa tốt lành; thứ hai, được phép công bố nó; và thứ ba tín hữu được phép tin với sự thận trọng. Một sứ điệp như thế có thể là một sự trợ giúp gía trị giúp hiểu và sống Tin Mừng trong bối cảnh ngày nay một cách tốt đẹp hơn. Nó là một sự trợ giúp được cống hiến, nhưng không bắt buộc phải tin. Một mạc khải tư có thể nhấn mạnh vài điểm nào đó, hay làm nảy sinh ra các hình thức đạo đức mới hoặc đào sâu và trải dài các hình thức cổ xưa. Nhưng trong tất cả mọi khía cạnh nó nuôi dưỡng đức tin, đức cây và đức mến, là con đường cứu rỗi đối với tất cả mọi người.
Các mạc khải tư có thể liên quan tới:
1) thị kiến về các biến cố trong tương lai (như các bí mật Fatima),
2) việc chiêm ngưỡng các biến cố qúa khứ (như trường hợp cuộc Khổ Nạn Chúa vén mở cho vài người mang năm dấu thánh Chúa trên mình),
3) việc giải thích các sự thật thần học đặc biệt (như trường hợp sứ điệp Lộ Đức),
4) lời khích lệ cá nhân hay cộng đoàn có các cung cách sống phù hợp với sự thánh thiện (như trường hợp các suy niệm của vài vị thần bí).
Ba hình thức nhận thức hay ”thị kiến”
1) Thị kiến của các giác quan (thị kiến cảm giác). Các biến cố được nhìn ở bên ngoài không gian. Ai cũng có thể trông thấy (như trường hợp mặt trời quay ở Fatima chẳng hạn). Nhưng các thị kiến này không hoàn toàn khách quan, vì đối tượng được biết qua sự lựa lọc của các giác quan diễn tả nó.
2) Nhận thức bên trong (thị kiến hình ảnh). Thị kiến này liên quan tới các “giác quan nội tại”. Linh hồn có được khả năng trông thấy điều không cảm được, không thấy được, nhưng các đối tượng có thật, mặc dù chúng không tùy thuộc thế giới hữu hình bình thường.
3) Thị kiến tinh thần (thị kiến tri thức). Thị kiến tri thức này không có hình ảnh như xảy ra trong các mức độ cao của thần bí.
Cho dù thuộc hình thức nào đi nữa, việc giải thích không phải là bổn phận của người được thị kiến, nhưng là của Giáo Hội, là cơ quan có thể lên tiếng về sự trung thực của các mạc khải tư, trong ba cách thức:
1) Do một chứng thực rõ ràng về tích cách siêu nhiên. Khi đó các mạc khải tư được thừa nhận một cách chính thức.
2) Do một chứng thực rõ ràng về tính cách không siêu nhiên. Khi đó các mạc khải tư không được chính thức thừa nhận, hay ”bị kết án”.
3) Do việc không chứng thực tính cách siêu nhiên. Khi đó Giáo Hội không lên tiếng, hoặc vì Giáo Hội chọn không lên tiếng, hoặc vì Giáo Hội cho rằng đây không phải là lúc thích hợp.
Tuy nhiên, không phải vì một mạc khải tư không được thừa nhận mà không đích thật. Và đôi khi vì lý do tranh luận, người ta cố tình lẫn lộn việc ”không được thừa nhận” với việc ”chưa được thừa nhận”.
- Các nền tảng lịch sử
Thánh Kinh Tân Ước kể lại nhiều mạc khải xảy ra sau khi Chúa Kitô về Trời. Chẳng hạn như sự hoán cải của thánh Phaolô như kể trong sách Công Vụ (Cv 9,3-16) hay việc gửi thánh nhân và Barnaba đi truyền giáo (Cv 13,1-3). Chính thánh Phaolô trong thư thứ II gửi tín hữu Côrintô cho biết người đã được nhắc ”lên tầng trời thứ ba”, “lên tận thiên đàng”, nơi thánh nhân “được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại” (2 Cr 12,2-4).
Một truyền thống có từ thời các Tông Đồ, được ghi lại trong một thủ bản thuộc thế kỷ XIII, kể lại việc Đức Trinh Nữ Maria viếng thăm Tông Đồ Giacôbê Cả đi truyền giáo bên Tây Ban Nha. Và đền thánh Đức Mẹ đầu tiên được xây cất là đền thánh Pilar tại Saragozza.
Tuy nhiên, dọc dài lịch sử Giáo Hội đã có nhiều vị thánh nam nữ nhận được các thị kiến và các mạc khải tư. Khó có thể đưa ra một danh sách đẩy đủ, vì nhiều thị kiến bị lẫn lộn với các vụ Đức Mẹ hiện ra. Trong số các vị được thị kiến có các thánh hay chân phước, tác giả của nhiều tác phẩm, như: thánh nữ Hildegard thành Bingen (1098-1179); thánh nữ Angela nước Boemia qua đời năm 1243; thánh nữ Angela thành Foligno (1248-1309); thánh nữ Gertrude thành Helfta (1256-1302); thánh nữ Brigida nước Thụy Điển (1302-1373); thánh nữ Terexa thành Avila (1515-1582); thánh nữ Maria Madalena de’ Pazzi (1568-1607); nữ chân phước Maria thành Agreda (1602-1665); nữ chân phước Anna Caterina Emmerich (1774-1824); thánh nữ Fausta Kowalska (1905-1938).
Trong thời đại ngày nay sau Yves Congar và Pierre Adnés, linh mục Gilles Berceville dòng Đaminh ghi nhận sự việc chú ý tới các mạc khải tư tái nảy sinh trong thời Công Đồng Chung Vaticăng II. Trên 56 tác phẩm đề cập tới các mạc khải tư xảy ra trong các năm 1866-1988 do học giả Pierre Adnés duyệt xét có hai phần ba các tác phẩm được viết ra giữa các năm 1937-1965. Chính trong thời gian cuối cùng này xảy ra cuộc tranh luận liên quan tới tác phẩm của bà Maria Valtorta và trường hợp của bà Terexa Neumann.
LM Giuse Hoàng Minh Thắng