GIA ĐÌNH TÍN HỮU LÀ GÌ? *** Linh mục Đa minh Đinh Văn Vãng
08 Tháng Giêng 2021
GIA ĐÌNH TÍN HỮU LÀ GÌ?
Linh mục Đa minh Đinh Văn Vãng
Một Cộng Đòan yêu thương
Một Hội Thánh tại gia
Một Cộng Đòan sống và chia sẻ Tin Mừng
A.- CỘNG ĐOÀN YÊU THƯƠNG
.Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8). Thiên Chúa không chỉ là Một, nhưng còn là Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi yêu thương và hiệp nhất với nhau trong cùng một bản tính và một quyền năng. Đó là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa đã dựng nên loài người từ cát bụi giống hình ảnh Ngài. Giống hình ảnh Thiên Chúa vì có linh hồn thiêng liêng bất tử và có tình yêu thương. Thiên Chúa đã dựng nên gia đình đầu tiên của nhân loại gồm hai vợ chồng là ông Ađam và bà Evà. Hai vợ chồng bình đẳng với nhau vì cùng do Thiên Chúa sáng tạo, nhưng chính tình yêu đã liên kết họ nên một xương một thịt gọi là gia đình. Tư tưởng này là được diễn tả qua việc bà Evà được dựng nên từ chiếc xương sườn của ông Ađam. Từ tình yêu hiệp nhất này mà loài người được sinh ra và từ thế hệ này qua thế hệ khác, mỗi ngày phát triển thêm đông đảo đầy trên mặt địa cầu theo định luật Thiên Chúa an bài. Trong gia đình, vợ chồng có bổn phận phải yêu thương nhau theo khuôn mẫu là tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
Cụ thể tình yêu giữa đôi vợ chồng cần có những đặc điểm như sau:
1/ Phải kết hiệp nên một:
Hai vợ chồng cần kết hiệp thành một thân xác khi thành thân với nhau và hiệp nhất về tâm hồn khi có cùng một lòng một ý với nhau. Do đó trước khi kết hôn, đôi thanh niên nam nữ cần tìm hiểu nhau trong một gia đình để hiểu rõ về nhau, trước khi quyết định kết hôn. Cần lựa chọn người có thể sống chung hòa hợp với mình sau này. Sau khi thành gia đình, vợ chồng cần có sự trao đổi nhất trí với nhau khi quyết định điều quan trọng.
2/ Phải tôn trọng nhau và xây dựng giúp nhau thăng tiến:
Chồng cần yêu mến tôn trọng vợ và ngược lại, vợ cũng phải kính trọng yêu mến chồng. Chồng không được cư xử với vợ theo kiểu phong kiến “Chồng chúa vợ tôi”. Có điều gì không phải thì nhẹ nhàng phê bình góp ý trong sự khôn ngoan và tuyệt đối không được thách thức đánh đập nhau, gây bầu khí căng thẳng là nguyên nhân gây ra đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Hai vợ chồng cần cùng nhau xây dựng gia đình ngày một thịnh vượng hạnh phúc hơn vì “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”.
3/ Phải mở rộng tình yêu chứ không khép kín ích kỷ:
Saint Exupery nói: “Yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau nhưng là cùng nhau nhìn về một hướng”. Vợ chồng không những yêu thương lo lắng cho nhau, mà còn phải biết đón nhân con cái mà Chúa ban cho và nuôi dạy chúng nên người công dân tốt và người tín hữu đạo hạnh. Ngoài ra họ cũng phải sống hòa hợp với các gia đình lân bang hàng xóm nữa.
4/ Phải quảng đại cho đi mà không tính toán:
Vợ chồng cần ý thức thực hành theo Lời Chúa dạy: “Cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20,35). Do đó họ phải quảng đại chia sẻ cơm áo vật chất cho người nghèo khó và nhất là chia sẻ niềm tin cho tha nhân, trước hết là cho những người thân ruột thịt của mình, để họ tin nhận Thiên Chúa và cùng được hưởng ơn cứu độ.
5/ Phải chịu đựng và tha thứ cho nhau:
Thánh Phaolô viết: “Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7). Vợ chồng nên chấp nhận những khuyết điểm và các thói xấu nho nhỏ của nhau, vì con người “nhân vô thập toàn”. Nhưng cần phải dứt khoát ngay từ đầu đối với những thói xấu nghiêm trọng, có nguy cơ gia tăng cường độ và chắc chắn sẽ gây ra đổ vỡ cho hạnh phúc gia đình sau này như: cờ bạc rượu chè, bia ôm trai gái, hút chích ma túy…
B.- MỘT HỘI THÁNH TẠI GIA
Thánh Phêrô viết: “Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng Tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người” (1 Pr 3,9) Ngay từ đầu, Hội thánh được hình thành từ những cá nhân “cùng với cả gia đình” trở thành tín hữu (x Cx 18,8). Khi bắt đầu theo đạo, người tín hữu thời Hội thánh sơ khai luôn liệu cho cả gia đình mình cũng được gia nhập Hội thánh để cùng được hưởng ơn cứu độ. Họ là những hòn đảo nhỏ sống mến Chúa yêu người giữa một vùng biển bao la ngoại giáo và trở thành những Hội thánh tại gia.
Các gia đình tín hữu thời Hội thánh sơ khai cũng ý thức sứ mạng sống đức tin và chia sẻ sự sống của Chúa Giêsu cho anh em lương dân bằng sự thực hành giới răn yêu thương như lời Chúa dạy: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là: Anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35). Họ cũng ý thức sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa bằng gương sáng bác ái để giúp lương dân nhân biết Thiên Chúa: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Thánh Phaolô cũng dạy các tín hữu như sau: “Giữa một thế hệ gian tà, anh em phải chiếu sáng như đuốc sáng trên trần gian” (Pl 2,15).
Quả thực, nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà Hội thánh sơ khai đã sống rất tốt đẹp và được sách Công vụ Tông đồ ghi nhận như sau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kính sợ, vì các Tông đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ Bẻ Bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho Cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42-47).
TÓM LẠI: mỗi gia đình tín hữu đều là Hội thánh tại gia, vì được tham dự vào sự sống ân sủng của Chúa Kitô giống như Hội thánh, và có bổn phận loan báo Tin mừng Nước Trời, bằng việc sống tình bác ái, như lệnh Chúa Kitô đã truyền cho Hội thánh trước khi về trời: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8).
C.- SỨ MỆNH SỐNG VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG
1/ Sứ mệnh của Chúa Kitô và Hội thánh:
Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để dạy con đường lên trời và chịu chết đền tội thay cho loài người để ban ơn phục sinh là được sống đời đời cho những kẻ có lòng tin. Người đã thi hành sứ mệnh cứu thế bằng ba chức vụ: Tiên tri, Tư tế và Vua Thiên Sai. Người cũng trao cho Hội thánh sứ mệnh tiếp tục chương trình cứu độ loài người với ơn soi dẫn phù trợ của Chúa Thánh Thần.
2/ Sứ mệnh của Gia đình tín hữu:
Gia đình Công giáo gồm các tín hữu. Vì đã được xức dầu trong phép Rửa tội và phép Thêm sức trở thành Kitô hữu, nghĩa là người được xức dầu giống như Chúa Kitô, nên có bổn phận góp phần thi hành sứ mạng của Chúa Kitô và của Hội thánh, là làm Tiên tri, Tư tế và làm Vua Thiên Sai như sau:
+ Làm Tiên tri để loan báo Tin mừng Nước trời: Mỗi tín hữu có bổn phận đón nghe Lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa muốn và quyết tâm thực thi theo thánh ý Chúa. Ý của Chúa là muốn cho hết mọi người đều được ơn cứu độ, nên gia đình tín hữu cũng phải nhiệt thành loan báo Tin mừng, rao giảng Chúa Kitô cho những người thành tâm đi tìm Chúa để họ tin theo và được lãnh phép Rửa tội gia nhập vào Hội thánh Công giáo.
+ Làm Tư tế để dâng lễ vật lên cho Thiên Chúa: Gia đình có bổn phận năng cầu nguyện với Thiên Chúa, siêng năng lãnh các phép bí tích, và thực thi công bình bác ái đối với tha nhân. Các việc bác ái hy sinh chính là của lễ thiêng liêng được dâng lên Thiên Chúa khi họ tham dự Thánh lễ. Của lễ của họ sẽ kết hiệp với lễ vật cao trọng nhất của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể, để nhờ đó tạ ơn và cầu xin với Chúa Cha tha tội cho bản thân và ban ơn cứu độ cho mọi người.
+ Làm Vương Đế để khiêm nhường phục vụ tha nhân: Gia đình cũng phải động viên nhau noi gương Đức Giêsu, Đấng tuy là Vua Thiên Sai, là Chúa và là Thầy nhưng đã khiêm nhường rửa chân cho các Môn đệ (x Ga 13,14). Người “đến không phải để đòi được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người”. Trong gia đình, vợ chồng con cái cũng phải quên mình và hy sinh phục vụ lẫn nhau. Đồng thời phải quan tâm phục vụ tha nhân, nhất là những người đau khổ, bất hạnh và bị bỏ rơi.
3/ Bổn phận tham gia hội đoàn:
Các gia đình tín hữu nên động viên nhau gia nhập các Hội đoàn Công giáo tiến hành trong Giáo xứ và năng tham dự các sinh hoạt Hội đoàn, như cùng nhau cầu nguyện dâng lễ, hội họp và làm công tác Tông đồ bác ái theo linh đạo của Hội đoàn mình.
4/ Các việc tông đồ khác:
Gia đình tín hữu cũng cần có tinh thần hiếu khách, sẵn sàng giúp đỡ và tiếp đón những người nghèo khó bơ vơ đến ở trọ, như Lời Chúa dạy, đã được tóm lại trong kinh “Thương Người có 14 mối”. Tuy nhiên cũng phải khôn ngoan đề phòng bằng việc đăng ký, để tránh những trường hợp bất trắc có thể xảy ra khi cho khách đến trọ nhà. Họ phải trở thành khí cụ của Chúa dùng để kiến tạo hòa bình khắp mọi nơi và cho mọi người như Lời Chúa dạy trong Tin mừng, đã được thánh Phanxicô tóm lại trong kinh “Hòa Bình”.
TÓM LẠI: Gia đình tín hữu phải luôn cố gắng phấn dấu để trở thành một cộng đoàn yêu thương và hiệp nhất với nhau, thành một Hội thánh nhỏ với việc chu toàn ba sứ vụ của Chúa Kitô là Tiên tri, Tư tế và Vương đế. Đặc biệt phải góp phần vào sứ mạng loan báo Tin mừng Nước trời đã được Chúa Kitô trao cho Hội thánh (x Mt 28,18-20).