News Filters

MẶC KHẢI VỀ THÁNH THỂ *** BÀI I : NIỀM HY VỌNG HẰNG SỐNG *** PHẦN II: BÀI 16 ĐẾN 28 *** Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR

31 Tháng Năm 2021

 

MẶC KHẢI VỀ THÁNH THỂ

 

BÀI 1: NIỀM HY VỌNG HẰNG SỐNG

 

PHẦN II: BÀI 16 ĐẾN 28

 

 

@@@@@_BÀI 16_@@@@@

Nhưng người đời thường vặn lại : “Nào có ai đã lên thiên đàng để về kể lại cho ta biết ?”

Thưa : Có đấy. Đây có một người đã được lên : Thánh Phaolô. Và ông đã kể lại trong thư 2 Cr 12.1-4 :

“Tôi cũng xin nói về những thị kiến và mặc khải Chúa đã ban cho tôi. Tôi biết có một người môn đệ Đức Ki-tô, trước đây mười bốn năm đã được nhắc lên tới tầng trời thứ ba – hoặc ở trong thân xác, tôi không biết, hoặc ở ngoài thân xác, tôi cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết… Người ấy đã được đưa lên tới thiên đàng - trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ có Thiên Chúa biết -, và người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại.”

Thánh Phaolô đã lên thật, đã thấy thật, song không kể lại được, không biết lấy ngôn ngữ nào mà tả lại những gì ông đã được thấy trên đó, vì loài người chúng ta chỉ có thể mô tả lại một việc gì hay một điều nào là nhờ những gì mình đã kinh nghiệm rồi, mắt đã thấy tai đã nghe rồi, thế mà đây lại là những : “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới” (1 Cr 2.9), thì làm gì có ngôn ngữ mà tả được !

Chúng ta chỉ còn biết dựa vào những đoạn Kinh Thánh Cựu Ước, chẳng hạn Is 11.6-9 trích dẫn trên kia, cũng như Tân Ước, đặc biệt sách Khải huyền chương 21-22, để qua những hình ảnh, những biểu tượng, mà mường tượng được phần nào :

Đó là một nơi tuyệt mỹ, tràn ngập trong ánh sáng, ở đó các người được cứu rỗi không còn thiếu một sự gì, bao nhiêu nguyện vọng ước mơ chính đáng của lòng họ đều được thỏa mãn.

Đó là một cuộc sống vô cùng hạnh phúc vì ở đấy người ta  hưởng một sự bình an khôn tả đến nỗi họ luôn vui mừng, hát ca, nhảy múa trong niềm cảm tạ, tri ân Thiên Chúa…

"Không còn đau khổ, khó nhọc, sợ hãi, ưu phiền, tội lỗi, khắc khoải xao xuyến, chỉ còn tình trạng thái bình, có Đức Chúa hiện diện bao bọc, ban phúc lành và hoan lạc trong cuộc sống. Không phải một hoan lạc tạm bợ như bong bóng xà phòng mau tan vỡ, song hoan lạc bền vững, sâu thẳm từ sự hiện diện của Thiên Chúa Toàn Năng mà đến…Đó là Trời mới Đất mới, ở đó Thiên Chúa đi đứng giữa dân Người, vì Người là Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta…

“Thế rồi suốt cả cuộc đời không có cùng tận đó, chúng ta sẽ cứ tăng trưởng lên mãi, cứ tiếp tục khám phá sự kỳ diệu vô lường vô hạn của Thiên Chúa mỗi lúc một thấy mới lạ hơn… Chúng ta không thể tưởng tượng nổi Thiên Chúa lạ lùng, kỳ diệu vô lường vô hạn đến thế nào đâu… Vậy đó, thế mà Thánh Kinh còn nói cho biết rằng, những gì Thiên Chúa dọn sẵn cho ta thì còn tuyệt đối vượt quá những gì chúng ta có thể nghĩ tưởng : "Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người." (1 Cr 2.9).

(Phỏng theo bài giảng của cha Zlatko Sudac, trích từ Medj. Magazine, Fall 2009, tr.13-14).

Dùng một ví dụ sau đây để minh họa về cuộc sống sinh động, luôn tăng trưởng và luôn có những điều mới lạ ở trên Thiên đàng :

Cuộc sống trần gian của ta hiện nay ví được như khi ta còn là bào thai nằm trong bụng mẹ, sống ở đó thật là tối tăm, chật chội, tù túng. Còn khi về Thiên Đàng cũng giống như khi ta chào đời, mở mắt ra trước ánh sáng chan hòa của cả một thế giới bao la đẹp đẽ kỳ diệu : trước tiên được bú dòng sữa mẹ ngọt ngào, rồi sẽ được thưởng thức những hoa thơm quả ngọt, lớn lên hưởng tình ái mặn nồng say đắm, và ngây ngất trước những cảnh đẹp nên thơ hay hùng vĩ của núi non, hang động, ngạc nhiên trước những sinh vật lạ lùng dưới biển, hay trong rừng rậm ; nhìn ngắm bao nhiêu điều lạ lùng kỳ diệu khác nữa của cuộc sống, của thế giới, của thiên nhiên… Ta cứ khám phá những điều mới lạ ấy suốt cả đời mà không hết.

Tại quê nhà xong rồi, ta còn đi du lịch các nước trên thế giới, mở tầm mắt ra trước biết bao nhiêu cái mới mẻ của thiên nhiên cũng như do loài người tạo nên, những cảnh đẹp, những kiến trúc đồ sộ, nguy nga, những nghệ thuật ca múa nhạc tuyệt vời, những tượng điêu khắc, những bức tranh, những phong tục tập quán lạ kỳ, những món đặc sản vô cùng hấp dẫn v.v… Cứ thế ta để cả một đời, đi hết nước này đến nước kia, khám phá mãi cũng chưa hết...

Đúng như vậy, Thiên Đàng là một cuộc sống sinh động luôn luôn tăng tiến, luôn luôn khám phá những sự mới lạ của Thiên Chúa cũng như của Nước Trời không bao giờ cùng, không bao giờ cạn, không bao giờ hết… cứ thế mãi cho đến đời đời !...

Mô tả sơ sơ như thế cũng đủ thấy Thiên Chúa dành để cho chúng ta một hạnh phúc tuyệt diệu biết bao, ta cùng nhau cầu xin Chúa đừng để chúng ta vì một chút lợi lộc tạm bợ của thế gian, hay những lạc thú phàm trần … làm chúng ta đánh mất hạnh phúc trên cả tuyệt vời ấy!

Bức bích họa của họa sĩ thời Trung cổ mô tả cảnh Thiên Đàng. Tranh diễn tả cách đơn sơ, nhưng thật cảm động, hạnh phúc của các người được cứu rỗi  trên Cõi Trời, cùng các Thiên thần vui chơi, nhảy múa, ca hát, giữa cảnh cây cỏ hoa lá xinh tươi.

Xem như thế Thiên Đàng không hề là một cõi tâm linh phiêu diêu, siêu thoát, mơ hồ huyền bí như có nhiều người thường nghĩ. Chỉ có điều là ta phải sống làm sao để chiếm được Phần Phúc Đời Đời ấy.

SUY NIỆM

Lấy gì mua được Thiên Đàng ? Chiếm được Thiên Chúa ?

Xin trả lời : Vật chất không thể mua hay giúp chiếm được các sự thần linh ! Chỉ còn có cách khiêm tốn hạ mình xuống trong cát bụi mà nhận mình vô cùng bất xứng, vốn là thân phận tội lỗi, “đã chết vì các sa ngã” (Ep 2.1-3,5; Cl 1.21; 2.13),“đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”, đáng sa hỏa ngục…Rồi hết lòng trông cậy vào lượng xót thương hải hà của Thiên Chúa, mà cầu xin Người phục hồi cho mình sự sống của Người :

“Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô….” (Ep 2.4-5)

Lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ còn đi xa hơn ước vọng của ta, vì chỉ tha thứ tội lỗi và ban sự sống cho ta, mà ngay từ lúc ta còn ở dưới thế này, Người cho ta nếm trước hạnh phúc Thiên đàng, khi cho linh hồn ta (thân xác thì chưa) được vào ngự trị trên cõi Trời trong Chúa Giêsu Kitô, chờ ngày cả xác hồn được vào cõi hạnh phúc bất diệt:

“Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị trong Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.” (Ep 2.6)

TÂM SỰ VỚI CHA TRÊN TRỜI

Lạy Cha chúng con đang ngự ở trên trời, chúng con thật là hạnh phúc khi biết rằng dù đang sống giữa bụi trần, chúng con luôn có Cha trong cuộc đời. Chúng con thấy ấm áp cõi lòng vì biết rằng mình không mồ côi. Hơn nữa chúng con an vui vì biết rằng qua khỏi đời này chúng con sẽ được cả hồn lẫn xác về với Cha, ở bên Cha mãi mãi trong Vương Quốc của Tình Yêu.

Biết như vậy, để cuộc đời chúng con từ nay chỉ còn biết trước là yêu mến một mình Cha trên hết mọi sự, và sau là không còn lo nghĩ bon chen, không tranh giành như kẻ mồ côi đói khát, không tích trữ cho riêng mình như kẻ tham lam, không ganh đua hơn thua quyền lực như kẻ điên cuồng khát vọng…, mà suốt cuộc đời chúng con chỉ biết sử dụng vũ khí Cha ban là Tình Yêu và Tha Thứ. Đó là vũ khí với sức mạnh thần thiêng vô địch không thể nghi ngờ, vì chính Chúa Giêsu, Con của Cha đã minh chứng hùng hồn về sức mạnh và quyền năng trổi vượt của vũ khí ấy khi Người thí mạng mình trên thập giá : “Không ai có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” Và từ trên thập giá, Người cũng minh chứng sự tha thứ cao cả mà thiên thần và loài người phải cúi đầu bái phục : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”

Xin cho chúng con vững tin rằng chỉ với Tình Yêu, và vì Tình yêu Cha, hận thù cùng với mọi điều xấu xa sẽ phải biến mất không còn đất sống ; chỉ với Thứ Tha, mọi lỗi lầm, xúc phạm của chúng con đối với nhau sẽ mất tích không còn dấu vết.

Cha ơi, chúng con biết rằng chúng con thường xuyên vô tình hay cố ý xúc phạm nhau, thì xin cho chúng con biết thực thi Lời Chúa Giêsu dạy tha thứ, không chỉ bảy lần mà tới bảy mươi lần bảy, chẳng khác nào Chúa bảo hãy tha thứ cho nhau luôn mãi, vì chúng con chỉ có một Cha Trên Trời và chúng con hiểu rằng không một Người Cha nào muốn cho con cái mình bất hoà, và Cha luôn yêu thương từng người chúng con như Con Một của Cha.

Và khi sống yêu thương và tha thứ ở trần gian, chúng con tập sống trước đời sống sau này chúng con sẽ sống chung với các con cái khác của Cha trong Vương Quốc Tình Yêu. Còn nếu không yêu thương bây giờ trên trần gian, ngày chung thẩm sẽ bị nghe lời phán quyết ghê sợ này : "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó, vì xưa Ta đói, Ta khát, Ta trần truồng, Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã không cho Ta ăn, Ta uống, Ta mặc… và đã chẳng thăm nom…" (Mt 25.41-43). Những kẻ ấy bị loại khỏi Vương Quốc Tình Yêu để bị đày vào nơi của Ác Quỉ ở đó muôn đời chỉ có ghen ghét, thù hận.

Không vâng lời Cha, nên thế gian này tràn ngập hận thù, bạo lực, chiến tranh, tội lỗi… bởi vắng bóng Tình Yêu và Tha Thứ. Thế nên, trái đất này cần được thanh tẩy để trở nên Thiên Đàng thanh sạch, tinh khôi.

*

 

 

@@@@@_BÀI 17_@@@@@

  • THIÊN ĐÀNG CỦA CHÚNG TA LÀ CHỐN NÀO ?

Thưa : “Cõi Trời Mới Đất Mới” mà Thánh Kinh đã loan báo :

“Theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị.” (2 Pr 3.13)

Và Thánh Gioan tuyên bố là ông đã thấy :

“Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. […] Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, […] Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết ; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.” (Kh 21.1,3-4; nên xem cả hai chương Kh 21.và 22.)

Nhưng đừng lầm “Cõi Trời Mới Đất Mới” tức là “Thiên Đàng của chúng ta” với “Cõi vĩnh hằng siêu việt của Thiên Chúa” tức là nơi Thiên Chúa ở từ thuở đời đời, từ trước vô cùng, trước cả khi tạo thiên lập địa, mà Thánh Kinh mô tả là : Người

“ngự trong Ánh sáng vô phương đạt thấu,

Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy”

(1 Tm 6.16; x. Xh 33.20).

Còn Thiên Đàng của chúng ta là một nơi đã được dựng nên cho chúng ta từ khi tạo thiên lập địa, như Mt 25.34 đã minh xác :

“Bấy giờ Đức Vua (Giêsu) sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng : ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.”

Bởi vì chúng ta đã quen nghe thành ngữ “trước khi tạo thiên lập địa”, chẳng hạn trong câu :

 “Đức Kitô  là Đấng đã được tiền định từ trước khi tạo thiên lập địa” (1 Pr 1.20); “Cha đã yêu thương Con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17.24) ; “Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ..” (Ep 1.4) ; v.v…, cho nên chúng ta cũng tưởng là ở đây Chúa Giêsu cũng phán như vậy : “Hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ trước khi tạo thiên lập địa.” Thực ra không phải vậy, chính xác Thánh kinh viết :

“Vương quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa" [1], chứ không phải từ trước khi tạo thiên lập địa

Ta có để ý thấy điểm độc đáo này không ?

“Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ” (Ep 1.4), nhưng “Hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa.”(Mt 25.34). “Chọn ta” thì từ trước khi tạo thành vũ trụ, còn “dọn Vương quốc cho ta ở” thì chỉ từ khi tạo dựng trời đất !

Như thế nghĩa là vương quốc làm chỗ cho ta ở thì được (Thiên Chúa) tạo dựng vào một lúc nào đó trong thời gian (theo các nhà khoa học cho biết chính xác là lúc tạo dựng vũ trụ, vào khoảng 14 tỷ năm trước đây, bắt đầu bằng vụ Nổ Lớn BIG BANG), còn Người đã “chọn ta” thì từ thuở đời đời, trước cả khi Người tạo thành vũ trụ, tức là từ khi Người là Thiên Chúa, ngự trong “cõi vĩnh hằng siêu việt”, “trong ánh sáng vô phương đạt thấu, không một người nào đã thấy hay có thể thấy” (1 Tm 6.16).

Thiên Chúa là Đấng hằng có từ thuở đời đời, lúc ấy chưa có trời đất vì chưa được tạo dựng, tất nhiên Người phải ngự trong cõi vĩnh hằng siêu việt của Người cũng hằng có từ thuở đời đời ; rồi một lúc kia, Người mới tạo dựng nên trời đất và dọn sẵn để làm nơi ở cho ta.

Thánh Giáo phụ Hypolitô đã viết như thế : “Thiên Chúa là Đấng duy nhất đã có từ trước muôn đời, không có (vật) gì đồng thời với Người, và chính Người đã muốn tạo thành thế giới. Người nghĩ, Người muốn, Người phán là thế giới được tạo thành…. Chỉ cần chúng ta biết điều này là không có gì đồng thời với Thiên Chúa. Ngoài Người ra, trước kia chẳng có gì...” (Trích bài Kinh Sách, ngày 23, tháng 12).

Có người sẽ thắc mắc : “Sao chúng tôi luôn nghe nói : “Thiên Chúa là Đấng ngự trên trời” chứ có nghe nói “Thiên Chúa ngự trên cõi vĩnh hằng siêu việt” bao giờ đâu ?

Xin trả lời : Nói “Thiên Chúa ngự trên trời” là nói theo lối bình dân dễ hiểu, để bảo rằng Thiên Chúa là Đấng ngự ở trên một cõi cao siêu muôn trùng, cao xa hơn trái đất hèn hạ chúng ta.

Nhưng câu nói ấy lại vấp phải sự hiểu lầm là Thiên Chúa ngự trên cõi trời vật chất, mà chính Người đã dựng nên. Vậy thử hỏi lúc Người chưa dựng nên trời đất thì Người ngự ở đâu, đang khi Người đã có trước từ thuở đời đời ? Do đó hẳn phải có một nơi nào để Người ngự, lại chẳng phải là nơi mà ta tạm đặt tên cho là “cõi vĩnh hằng siêu việt”, còn Thánh Kinh thì bảo là “Người ngự trong ánh sáng vô phương đạt thấu ?” (1 Tm 6.16; xem Xh 33.20; Ga 1.18)

 

*

 

Nếu Thiên Đàng của ta là cõi Trời Mới Đất Mới, vậy :

Cõi Trời Mới Đất Mới ấy ở đâu ?

Thưa : Ở chính vũ trụ này, nơi mà Thiên Chúa đã dựng nên và dọn sẵn làm Vương quốc cho ta sống mãi muôn đời, như Mt 25.34 đã nói, và đã cho ta quyền thống trị nó, và đặt ta làm bá chủ mãi mãi trên mọi loài mọi vật, từ những vật bé li ti cho đến những vật thể khổng lồ ngoài không gian bao la vô tận kia, nơi có các giải thiên hà qui tụ hàng ngàn hàng triệu tinh tú…Đây chính lời Thánh kinh viết :

"Thiên Chúa chúc lành cho họ (= loài người), và Thiên Chúa phán với họ : 'Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất." (St 1.28) [2]

Phản ứng : Khi nghe nói : Cõi Trời Mới Đất Mới là  Thiên Đàng của chúng ta ở đây, tại vũ trụ này, nhiều người tỏ ra không thích.

Giúp giải tỏa : Rất có thể họ là những con người có tâm huyết, có đời sống thanh cao, nên thường chán ngấy cái thế giới nhơ bẩn, tràn ngập những xấu xa và tội ác, những bất công, lừa đảo, đầy dẫy hận thù, bạo lực và chiến tranh này … Vậy mà bây giờ lại nghe bảo Thiên Đàng là ở đây, thì làm sao không chán ngán? Thiên Đàng là cái nơi đầy ô trọc bẩn thỉu này ư ? Không được! Chúng tôi mơ một cõi Thiên Đàng cao siêu, thanh khiết, thoát tục…Vì từ hồi nào đã được nghe giảng nghe dạy, cho nên in trí rằng Thiên Đàng phải là chỗ nào đó thanh thoát, phiêu diêu, huyền bí, kỳ diệu...

Nghĩ như vậy là vì quên hay không biết điều quan trọng này : Thánh kinh dạy rằng để trở thành Thiên Đàng cho ta, Thiên Chúa sẽ không để cái vũ trụ cũ này ở trong tình trạng xấu xa bẩn thỉu ấy mãi như hiện nay đâu, nhưng nó sẽ được biến đổi thành một vũ trụ mới vô cùng tốt đẹp, sạch hết mọi tội lỗi, tồi tệ nhơ nhớp:

“Quả thế, tạo thành đã phải lụy phục sự hư ảo phù phiếm, không phải vì nó muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt nó phải lụy phục ; tuy nhiên, nó hy vọng là cũng sẽ được tự do, thoát khỏi vòng nô lệ cảnh hư nát, để được hưởng tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa.” (Rm 8.20-21)

“Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết ; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.” Đấng ngự trên ngai phán : “Này đây Ta đổi mới mọi sự.” (Kh 21.4-5)

Vì thế mới gọi là “Trời Mới, Đất Mới !”

Vậy đã rõ : “Mới” có nghĩa là vũ trụ / trời đất này được Thiên Chúa biến đổi nên mới, chứ không phải “mới” là “trời khác, đất khác”, xin đừng hiểu lầm.

Để giúp hiểu vấn đề vũ trụ trở thành vũ trụ mới chứ không phải vũ trụ khác, xin lấy một ví dụ: Khi ta còn sống trong tội lỗi, ma quỉ làm bá chủ đời ta, ta là “con người cũ”. Đến khi ta tin và chịu Bí tích Rửa tội, ta được tẩy sạch tội lỗi, thoát quyền lực ma quỉ, Thánh Thần tái sinh ta thành “con người mới”, con người có Thần khí, nhưng vẫn chính là ta chứ không phải là ai khác. Thánh Kinh dạy như thế :

“Anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá…” (Cl 3.9-10; x. thêm Ep 4.23-24).

Vậy “cũ” là còn vướng mắc tội lỗi, “mới” là đã được biến đổi nên trong sạch.

 

 

@@@@@_BÀI 18_@@@@@

Ai sẽ thực hiện việc đổi mới hoàn vũ đó ?

Chính Chúa Kitô, Vua vũ trụ, sẽ dùng quyền lực toàn năng phục sinh của Người – khiến Người có thể làm cho vạn vật phải quy phục mình (Pl 3.21) – mà làm việc đổi mới đó :

“Này đây Ta đổi mới mọi sự.”(Kh 21.5)

“Phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.” (2 Cr 5.17)  

Ngay cả mọi thế lực hắc ám thường hoành hành tác quái trong thế giới : Satan quỉ dữ và các bộ hạ của nó, dần dà rồi Người cũng sẽ tiêu diệt hết, và sẽ tống chúng vào hỏa ngục lửa thiêu đời đời ; và sự chết là kẻ thù cuối cùng cũng sẽ bị Người hủy diệt :

“ Sau đó mọi sự đều hoàn tất,

khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần,

mọi quyền thần và mọi dũng thần,

rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.
Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền

cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết.”

                                                                       (1 Cr 15.24-28)

“Lửa từ trời rơi xuống thiêu huỷ chúng.

Ma quỷ, tên mê hoặc chúng,

bị quăng vào hồ lửa và diêm sinh,

ở đó đã có Con Thú và tên ngôn sứ giả ;

và chúng sẽ bị làm khổ ngày đêm đời đời kiếp kiếp.”                                                                        (Kh 20.9-10)

Ở cõi Trời mới Đất mới này, chỉ còn ngự trị sự bình an và hoan lạc vô tận tràn ngập, và cho đến muôn đời muôn kiếp, không hề còn thấy bóng dáng của đau khổ, chết chóc, lao nhọc, than van, khóc lóc và nước mắt.

 

Nhắc lại đoạn sách Khải huyền của Thánh Gioan để ta thêm vững tin :

Ở Cõi Trời mới Đất mới ấy,

[…] Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.

Sẽ không còn sự chết ;

cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa,

vì những điều cũ đã biến mất.” (Kh 21.1,4)

Chưa hết : Điều kỳ diệu nhất – mà sách Khải huyền cho biết – là Thiên Chúa từ cõi vĩnh hằng siêu việt của Người, sẽ xuống [3] ở cùng chúng ta nơi cõi Trời mới Đất mới đó, chúng ta sẽ thấy nhãn tiền Nhan thánh của Người, và sống trong tình yêu và hiểu biết thân mật với Người :

“Rồi tôi (Gioan) nghe từ phía ngai có tiếng hô to : “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ [4] cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là (Emmanuel) Thiên-Chúa-ở-cùng-họ.” (Kh 21.3)

“Các tôi tớ Người sẽ thờ phượng Người. Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ.” (Kh 22.3-4)

Điều lý thú – mà đoạn Khải huyền này công bố – là : Thiên Chúa đến “cắm lều” hay “dựng trướng” ở với chúng ta muôn đời nơi Cõi Trời Mới Đất Mới ấy. Chữ ‘lều / trướng’ gợi nhớ lại thuở xưa, khi dân Israen xuất ra khỏi Ai Cập, và đi loanh quanh suốt 40 năm trong sa mạc trên đường về Đất Hứa, thì Thiên Chúa cũng đi theo họ. Dân Israen liền dựng trướng, tức là dựng một Lều tạm bằng vải cho Thiên Chúa ở và đi lang thang cùng họ : đó là một hình ảnh hết sức êm đềm, thân thương giữa Thiên Chúa và Dân Người. Thì nay, sách Khải huyền dùng lại chữ đó, để gợi cho chúng ta thấy lại hình ảnh thân thương êm đẹp ấy của sự Thiên Chúa ở cùng chúng ta muôn đời trong cõi Trời Mới Đất Mới, vì Người mang Danh là Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

*

     Sau những bằng chứng của Thánh kinh khẳng định: Thiên Đàng hay cõi Trời mới Đất mới của chúng ta là vũ trụ này, sẽ được biến đổi nên mới vô cùng tốt đẹp kỳ diệu, thì cho những ai, theo thói thường phàm trần hay mơ những mộng đẹp, vẫn còn nghĩ tưởng rằng, sau khi chết họ sẽ đi đến ở một Thiên Đàng nào khác huyền diệu, thanh cao, siêu thoát đáng mơ ước hơn chứ không phải cái vũ trụ này, chúng ta sẽ lấy thêm bằng chứng của Phụng vụ Hội Thánh, để cho thấy cách nghĩ ấy không được đúng:

Đó là Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ.

Khi thiết lập lễ Chúa Kitô Vua, Hội Thánh đã phải tin chắc chắn chân lý ấy, vì tin rồi, mới diễn tả ra trong phụng vụ. [5] 

Vậy trước hết, xin hỏi  :

- Chúa Kitô là Vua vũ trụ, song là vũ trụ nào ?

Thưa : Vũ trụ này ! Vì Thiên Chúa chỉ dựng nên có một vũ trụ mà Thánh kinh gọi là “tạo thiên lập địa”!

Lại xin hỏi  :

  • Chúa Kitô làm Vua ở đấy mấy năm thì thôi ?

Thưa : Làm Vua mãi mãi đời đời (Đn 7.14; Lc 1.33).

Bây giờ lại hỏi :

  • Chúa Kitô là Vua, vậy ai là thần dân của Người ?

Thưa : Là chúng ta (Cl 1.13; Kh 5.9-10).

Xin phép kết luận : Nếu Chúa Kitô, Chúa chúng ta, là Vua vũ trụ này, và làm Vua đời đời, đời đời Người ở tại đây làm vua cai trị, mà ta là thần dân của Người, làm sao có ai lại dám nghĩ rằng sau khi chết, ta lên Thiên Đàng là đến một chỗ nào khác để sống ! Thần dân của Vua Giêsu đi ở chỗ khác, thì Người làm vua với ai ? Vua không dân ư ? Chưa kể Người với ta hợp thành một Thân thể (Ep 5.23) Người là Đầu, ta là chi thể không thể tách lìa Đầu được.

Còn lời nào có giá trị chân thật cho bằng lời chính miệng Đức Giêsu nói ? Người đã quả quyết hết sức minh bạch rõ ràng về sự ta được ở với Người mãi mãi đời đời :

“Lòng anh em chớ xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa, mà cũng hãy tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở – chẳng vậy, Thầy đã nói với anh em – vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Và nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, ắt Thầy sẽ đến lại mà đem anh em theo Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó (với Thầy).” (Ga 14.1-3) [6]

Chúa Giêsu Thầy chúng ta ở đâu ? Người là Vua ngự trị đời đời ở vũ trụ này. Vậy đương nhiên là chúng ta cũng sẽ ở đó với Người ! Ở đó mà chiêm ngắm vinh quang và chia sẻ vinh quang với Người như Người thưa với Chúa Cha :

 “Lạy Cha, những kẻ Cha đã ban cho Con, thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đó với Con, để chúng được ngắm vinh quang của Con, vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con từ trước tạo thiên lập địa.” (Ga 17.24).

Thiên Đàng là nơi có Chúa Kitô, Chúa Kitô ở đâu, chỗ đó là Thiên Đàng. Một nơi nào khác không có Chúa Kitô ở cùng, thì nơi đó không thể gọi là Thiên Đàng được. [7]

Nếu Chúa Kitô làm Vua đời đời trên vũ trụ này, thì Thiên Đàng của ta hiển nhiên phải là ở đây, vì Thiên Đàng chẳng phải là ở với Chúa Kitô sao? Thánh Phaolô viết :

Đây điều chúng tôi dựa vào lời Chúa mà nói với anh em : là … khi lệnh vang ra… thì tự trời chính Chúa sẽ ngự xuống và … chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây … để nghênh đón Chúa trên không trung. [8] Như thế chúng ta sẽ được ở với Chúa mãi mãi ! (1 Tx 4.15-17).

Tóm lại, nếu Thiên Đàng là ta được ở với Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu thì ở lại làm Vua vũ trụ này đời đời, thử hỏi ta sẽ đi tìm cõi Thiên Đàng ở đâu nữa ?

 

@@@@@_BÀI 19_@@@@@

-     Có người thắc mắc : Làm sao vũ trụ này có thể làm Thiên Đàng cho chúng ta ở đời đời, vì chúng tôi nghe nói ngày tận thế, Thiên Chúa sẽ cho lửa sinh diêm thiêu hủy cái vũ trụ này không còn nữa… ?

Xin trả lời : Sở dĩ có thắc mắc trên đây, là do chưa hiểu kiểu mô tả vũ trụ bị hủy diệt nêu trên là thuộc loại văn chương khải huyền Do Thái ! Các ngôn sứ Cựu Ước thường sử dụng thể văn này để báo về “Ngày của Chúa” kinh hoàng đáng sợ (xem : Is 13.9-10 ; 34.4; Gr 4.23-26; Ed 32.7tt; Am 8.9; v.v…); còn trong Tân Ước, Đức Giêsu và các thánh Tông đồ thỉnh thoảng cũng dùng thể văn khải huyền này.

Ta thử nghe một đoạn trong diễn từ của Đức Giêsu về ngày cánh-chung thuộc loại văn chương này :

“Ngay sau những ngày gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời ; bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến.” (Mt 24.29-30).

Thư thứ hai của Thánh Phêrô cũng viết :

“Nhưng Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ.” (2 Pr 3.10)

Dĩ nhiên là những hiện tượng đảo lộn vũ trụ, viết theo thể văn khải huyền ấy, không ai lại đi hiểu theo sát mặt chữ, sát nghĩa đen. Cứ thử nghĩ mà xem : cả ngàn năm trước, các ngôn sứ đã báo “Ngày của Chúa” đi kèm với các hiện tượng kinh khủng đó, thế mà bây giờ, ta có thấy trời đất vỡ lở ra đâu, núi đồi đâu có tan chảy ra như sáp ong gặp lửa, tất cả vẫn còn y nguyên đó, mặt trời đâu có mất sáng, mặt trăng chẳng bao giờ đỏ lòm như máu ; các tinh tú vẫn đầy đủ trên trời chẳng thấy cái nào rơi rụng cả !

Mục đích của loại văn khải huyền là muốn cho dân chúng kính sợ Thiên Chúa vô cùng oai nghi, khi Người ngự đến hay can thiệp vào lịch sử trần gian, để thăm viếng hay phán xét, cách riêng “Ngày của Chúa”, cho nên các tác giả Thánh Kinh mô tả cách cường điệu rằng trước Nhan Thánh uy nghi vô cùng của Người, trời đất vỡ lở, núi đồi nhảy cẫng lên như hươu nai, tinh tú trên trời rơi rụng như sung, mặt trời tối sầm, mặt trăng đỏ như máu, vòm trời cuốn đi mất tiêu, ngũ hành bị thiêu cháy v.v…

Không ! Vũ trụ này sẽ không bị hủy diệt !

Sau đây xin đưa ba luận chứng để chúng ta càng thêm xác tín về điều này.

Luận chứng thứ nhất : Nhớ lại điều đã nói trên đây về Chúa Kitô là Vua đời đời trên vũ trụ này, thì thấy rằng nếu vũ trụ này bị thiêu hủy tiêu tan, vậy Chúa Giêsu sẽ làm Vua đời đời trên đống tro tàn hay sao?

Nghĩ như thế không những đã vô lý, mà còn ngược với lòng tin của Hội Thánh, chưa kể vô tình đã lộng ngôn xúc phạm đến Chúa Giêsu !

Luận chứng thứ hai : Thánh Kinh cho biết : Thiên Chúa đã tạo dựng nên gì thì Người quí trọng và bảo tồn những công trình của Người đã làm ra. Mà Vũ trụ tạo thành này là một công trình kỳ diệu vô cùng vĩ đại Thiên Chúa đã tạo dựng nên và Người cũng nhìn nhận là tốt đẹp (St 1. – 3.). Nếu Thánh Kinh đã chứng thực như thế thì làm sao có thể sai lầm được :

"Quả thế, Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự cho chúng được tồn tại…

Thiên Chúa không làm ra sự chết,

Người không vui gì khi sinh linh bị diệt." (Kn 1.14,13)

“Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu,

không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra,
vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.”

                                                                 (Kn 2.24-25)

Luận chứng thứ ba là đoạn thư Thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Rôma, trong đó khẳng định vũ trụ tạo thành sẽ còn tồn tại và đang ngóng chờ ngày được hưởng tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa :

 “Muôn loài thọ tạo (= vũ trụ tạo thành) những ngong ngóng đợi chờ Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, tạo thành đã phải lụy phục cảnh phù phiếm, không phải vì nó muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt nó phải lụy phục ; tuy nhiên nó hy vọng cũng sẽ được tự do, thoát khỏi vòng nô lệ cảnh hư nát, để được hưởng tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa.” (Rm 8.19-21)

Nếu vũ trụ tạo thành này bị thiêu hủy, tức là nó không còn tồn tại, thì làm sao Thánh Phaolô nói nó vẫn ngong ngóng chờ mong con cái Thiên Chúa được hiển dương cách chung cục vĩnh viễn, và nó hy vọngcũng được vào hưởng tự do và vinh quang của hàng con cái Thiên Chúa ? Nó phải còn tồn tại thì nó mới hy vọng và ngóng chờ chứ ! (T.Ambrôxiô cũng nói vậy, x. Bài Kinh sách, Tuần 5, thứ 4)

Công Đồng Vatican II trong Hiến chế Giáo Hội, (số 48) đã xác nhận đạo lý nói trên :

“Giáo Hội chỉ kiện toàn trong vinh quang trên trời khi “thời phục hồi vạn vật “ đến (Cv 3.21)khi toàn thể vũ trụ cùng với loài người được thiết lập toàn vẹn trong Chúa Kitô, vì vũ trụ liên kết mật thiết với con người và nhờ con người mà đạt được cùng đích của nó. (x. Ep 1.10; Cl 1.20; 2 Pr 3.10-13)”

sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (số 1042-1047) cũng nhất trí, cách riêng số 1046 viết rõ ràng : “Mặc khải  xác nhận nhân loại và thế giới vật chất có chung một vận mệnh”, và liền trích dẫn đoạn Rm 8.19-23 trên đây làm bằng.

Qua những lý chứng kể trên của Thánh kinh, của Công Đồng Chung và của Giáo Lý, chúng ta biết chắc vũ trụ này sẽ còn tồn tại mãi [9].

Có chăng là Thiên Chúa sẽ thanh tẩy Vũ Trụ, như trên kia đã nói, khỏi tất cả những gì là cũ kỹ, xấu xa, ô uế, tội lỗi, lao nhọc, khổ sở, phiền muộn, khóc lóc (Kh 21.4) ; và giải thoát Vũ Trụ khỏi tất cả những thù địch xưa nay, "địch thù cuối cùng bị hủy ra không là sự chết" (1 Cr 15.24-26), để trở thành Cõi Trời Mới Đất Mới tuyệt vời tốt đẹp làm nơi ở muôn đời cho chúng ta. (x. lại tr.92 giữa cho đến tr.95)

Việc Thiên Chúa biến đổi cả vũ trụ cho ta thấy công trình cứu chuộc của Người không chỉ cứu rỗi linh hồn, tức là  chỉ trên phương diện thiêng liêng, mà còn bao hàm tất cả vũ trụ vật chất này nữa (Rm 8.19-21). Vì thế, ta mới thấy Công Đồng Vaticanô II kêu gọi ta làm sao cho việc lo phần rỗi linh hồn, cũng phải đi đôi với việc giáo dục, cải tạo xã hội, cải thiện các cơ chế, phát triển nhân sinh, v.v… nhờ các khoa học và kỹ thuật…:

“Nhưng sự (chúng ta) trông đợi một thế giới mới không được làm suy giảm, trái lại phải khích thích nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà thân thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một số hình ảnh nào đó của kỷ nguyên mới. Bởi vậy, tuy phải phân biệt rõ rệt những tiến bộ trần thế  với việc mở rộng vưoơng quyền Chúa Kitô, vẫn phải nhìn nhận rằng chính những tiến bộ này cũng có giá trị đối với Nước Thiên Chúa, trong mức độ chúng có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội loài người cho tốt đẹp hơn.” (Hiến chế “Giáo Hội trong thế giới ngày nay”, số 39). ộHội trong thế giới ngày nay”, số 39)Hội  

    Nhưng trước hết Thiên Chúa sẽ đổi mới chúng ta [10] đã được lập làm bá chủ vũ trụ này (St 1.28), và là những kẻ đã tin vào Chúa Giêsu và được cứu rỗi, để tất cả sẽ xứng đáng và xứng hợp được cư ngụ trong Cõi Sống bất diệt là Vương quốc Thiên Chúa dọn sẵn cho chúng ta, ở đó "Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự", Chúa Giêsu Kitô cũng là Vua đồng trị với Chúa Cha làm một với Chúa Thánh Thần là Tình Yêu và Quyền Lực đến muôn đời muôn kiếp (1 Cr 15.24-28).

 @@@@@_BÀI 20_@@@@@

Đổi mới không chỉ linh hồn do việc tái sinh bởi Thần Khí và được là thần khí” (Ga 3.6), nhất thiết cả thân xác “vật chất”, hiện nay của ta đang có để sống trên trần gian, cũng phải đổi mới hay biến đổi.

Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, Đức Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô, một bậc thầy trong dân Israen, về sự cần thiết phải biến đổi để có thể vào Nước Thiên Chúa : [11]

“Thật, Tôi bảo thật ông: Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra lại bởi trên... Thật vậy, không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.  (Vì) cái gì bởi xác thịt sinh ra (chỉ) là xác thịt ; cái gì bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.” (Ga 3.3-6)

Giải thích : Đức Giêsu nêu ra một nguyên tắc thông thường ở cuộc đời : “Giống nào sinh ra giống nấy”, cây ổi sinh ra quả ổi, không thể sinh ra quả cóc. Xác thịt sinh ra xác thịt, Thần khí sinh ra Thần khí. Đức Giêsu dùng từ “sinh ra lại” (tái sinh), còn Thánh Phaolô dùng từ “biến đổi”, song ý nghĩa cũng như nhau.

Nhưng Đức Giêsu hơn Thánh Phaolô ở chỗ ông này chỉ nói: "chúng ta sẽ được biến đổi…", không nói bởi ai, còn Đức Giêsu cho biết chính Thần Khí Thiên Chúa là tác nhân của việc Tái sinh ấy :

  1. a) Bởi cha mẹ trần gian là những người xác thịt sinh ra, chúng ta chỉ là con người xác thịt theo tính tự nhiên, yếu đuối, mắc nhiều đam mê xấu xa, dục vọng và tội lỗi ...
  2. b) Bởi Thần Khí Thiên Chúa “sinh ra lại”, thì ta được là thần khí (Ga 3.6), như "Thiên Chúa là Thần khí" (Ga 4.24t). Hay nói cách khác : khi ta được Thần Khí Thiên Chúa sinh ra lại, Thần khí thông chia cho ta Thần khí vốn là bản tính Thiên Chúa. Thế là thực hiện điều thánh thiêng vĩ đại mà Thánh Phêrô công bố trong Thư thứ hai của ông :

"Anh em được thông chia cùng một bản tính thần linh" của Thiên Chúa." (2 Pr 1.4).

Có thể nói : từ nay, giống Chúa Giêsu (giống nhưng không bằng), ta cũng có hai bản tính trong ta, bản tính nhân loại do cha mẹ trần gian sinh ra, bản tính thần linh, do Thiên Chúa tái sinh ta.

Xin lấy một chuyện trần gian mà ví von cho dễ hiểu : Cũng như người cha thế gian cho đứa con giọt máu của mình để đứa con ấy sinh ra được là con ruột của ông, thì ta cũng vậy, khi ta chịu Phép Rửa tái sinh, “Thiên Chúa vốn là Thần khí” (Ga 4.24t), Người lấy một chút Thần khí của Người ví như giọt máu rót vào trong ta, thế là ta được mang dòng máu của Thiên Chúa, mà mang giọt máu của Thiên Chúa thì hiển nhiên ta là con (ruột) của Thiên Chúa. Mà vì “Thiên Chúa là Thần Khí”, ta được là thần khí như Người.

Được có giọt máu (hay được có bản tính) Thiên Chúa trong mình, tất nhiên ta là con Thiên Chúa, và Thiên Chúa là Cha ta, cũng như đứa trẻ kia, có giọt máu của người cha, thì nó là con ruột của ông ấy và ông ấy là cha đẻ của nó vậy.

Như thế, ta không phải chỉ là “con hờ”, cũng không chỉ là “nghĩa tử” theo cách nói thông thường trong đạo chúng ta, song non nghĩa, nhưng vẫn phải dùng vì trong ngôn ngữ của nhân loại không còn từ nào thích hợp hơn. Tuy vậy, “nghĩa tử” chỉ là một đứa con được thừa nhận trên mặt pháp lý là con, nhưng xét nghiệm ADN thì chẳng có chút chi máu mủ của người cha.

Nơi chúng ta không phải thế ! Bởi tin và chịu Phép Rửa tái sinh, chúng ta được có Thần khí (ví như giọt máu) của Thiên Chúa rót vào trong ta, ta mang bản tính Thần khí của Người trong ta, ta nên “con thật sự” của Thiên Chúa trên trời, chính Thánh Phaolô đã xác quyết chân lý ấy trong thư gửi tín hữu Rôma :

"Anh em đã lãnh nhận… Thần Khí làm cho anh em nên con cái, nhờ đó chúng ta được kêu lên : “Áp-ba ! Cha ơi!” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa." (Rm 8.15-16);

Và Thư thứ nhất của thánh Gioan nhấn mạnh :

"Hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào : đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa… (Tuy) hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa (rồi)…, nhưng (vinh quang của chức vị ấy) chưa được bày tỏ.…(vì “sự sống của ta hiện còn đang tàng ẩn nơi Thiên Chúa” Cl 3.3). Khi nào Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, bởi vì chúng ta sẽ thấy Người, Người thế nào, ta thấy như vậy." (1 Ga 3.1-2; Cl 3.4)

Từ nay, vì đã cảm nhận được giữa Thiên Chúa là Cha và ta là con, có chung một dòng máu cho nên giữa hai Cha-con đã trở nên gần gũi thắm thiết, vì thế cùng với Thần Khí ta hãy dạn dĩ kêu lên đầy tin yêu và vui sướng :

"Áb-ba ! Lạy Cha chúng con ở trên trời !"

"Cha thực sự là Cha chúng con

và chúng con thực sự là con cái Cha !

Ôi sung sướng biết chừng nào !"

*

            Truyện : Không thể đọc : “Lạy Cha chúng con…”

Một ngày kia, một nhóm cầu nguyện được dạy nguyện kinh Lạy Cha với cả trái tim. Thế là họ chỉ đọc duy nhất kinh Lạy Cha trong suốt cả tuần lễ, hầu học cách nguyện kinh ấy với cả trái tim. Khi các bạn trẻ của nhóm cầu nguyện ấy bắt đầu cầu nguyện như thế, họ mới nhận ra rằng có một vài câu của kinh ấy họ không thể thành thật mà đọc được. Ví dụ, có bạn không thể đọc cách thật tình câu : “Nguyện ý Cha thể hiện”, bạn khác câu : “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”...

Helga thuật cảm giác của mình : “Câu chuyện tôi vừa đọc đánh động tâm hồn tôi cách mãnh liệt, và tôi cũng quyết định thử đọc kinh ấy từ ngày mai, trong một tuần lễ xem sao. Tôi kinh ngạc thấy tôi không thể đọc với tất cả tâm hồn câu : “Lạy Cha chúng con”. Tôi càng cố gắng, càng không thể gọi Thiên Chúa là Cha tôi. Để tâm suy nghĩ, tôi mới nhớ ra rằng vì cha mẹ tôi ly dị, nên tôi không hề thấy cha tôi bên cạnh tôi lúc tôi cần đến ông nhất. Thế là tôi cảm thấy trong lòng nổi giận với Thiên Chúa, đã để cho tôi mất một người cha, và tôi nói với Chúa :

-         Làm sao Chúa dạy con gọi Chúa là cha, đang khi con không biết thế nào là có một người cha ? Chúa biết cha con đã bỏ chúng con lúc con mới 6 tuổi, và con không biết ông thế nào cả, bởi vì ông đã đi lấy bà khác và chẳng bao giờ còn lưu tâm đến chúng con !

Trong suốt tuần ấy, tôi tiếp tục tố cáo Thiên Chúa như vậy, nhưng dần dần, từng chút một, tôi có thể bắt đầu tha thứ cho Chúa. Trước hết, tôi tha thứ cho Chúa vì đã để cho cha mẹ tôi ly hôn với nhau, rồi tôi xin Chúa giúp ơn cho tôi tha thứ cho cha mẹ tôi, đã không nỗ lực để cứu vãn cuộc sống vợ chồng của họ, và cuối cùng, tha thứ cho cha tôi vì đã bỏ chúng tôi mà đi.

Hôm sau, trong Thánh lễ, tôi ngỡ là tai tôi nghe lầm. Linh mục đọc chính bài Tin Mừng Chúa Giêsu dạy các môn đồ nguyện kinh Lạy Cha : “Khi cầu nguyện, các con hãy thưa lên rằng : Lạy Cha chúng con...” Trên đường về nhà, tôi cảm thấy trái tim tôi như muốn nổ tung, và tôi muốn hét to lên :

-         Lạy Cha chúng con ! Phải, Chúa cũng là cha của con, cha yêu dấu, Cha trên trời, con yêu Cha, yêu Cha vô cùng. Xin Cha vui lòng tha thứ cho con, vì xưa nay chưa hề bao giờ gọi Cha là Cha của con với tất cả trái tim con !

Năm năm sau, Helga được ơn mà cô vẫn cầu xin : gặp lại cha mình và nói với ông là cô tha thứ cho ông vì đã bỏ rơi hai mẹ con cô. Cô còn là người trực tiếp giúp cha cô được ăn năn trở lại cùng Chúa giờ sau hết trên giường bệnh. Cuối cùng, cha cô đã yên nghỉ trong bình an của Chúa, sau khi đã làm hòa với cả gia đình. (Trích: Các chứng từ về Mẹ, tr.530)

SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Khi ta tin và chịu phép Rửa, được thông chia bản tính Thiên Chúa, thành ra ta có 2 bản tính : nhân tính và thần tính. Vậy mà chúng ta không ý thức được chức vị vô cùng cao quí của mình: mang dòng máu thần thiêng của Thiên Chúa trong mình, chúng ta được Thiên Chúa cho làm con Thiên Chúa. Như thế, chúng ta là những hoàng tử, những công chúa thật sự của Vua Cha Trên Trời, Chúa tể Vũ trụ !

Thế nhưng ta thường không sống theo đúng chức vị của mình, mà sống xa lìa hoàng cung của Cha, đi bụi đời, bệ rạc, rách rưới, tội lỗi đen đủi…dù vẫn mang trong mình dòng máu Thần thiêng của Thiên Chúa. Ta như “thiên thần sa đọa, thiên thần gẫy cánh,” đầy mặc cảm, sống bấp bênh không biết mình có được cứu rỗi hay không, và rất sợ chết.

không ý thức thực tại cao quí đó, nên bao năm qua cho dù có đi dự Lễ, nguyện kinh Lòng Thương Xót Chúa, lần chuỗi Mân Côi, đi hành hương…cũng chẳng đem lại sự thay đổi gì khác. Ta vẫn nguyên si là ta với những đam mê xác thịt, nết hư tật xấu … Như vậy, chẳng khác nào ta đau gan, từ đó phát tiết ra bên ngoài thành mụn nhọt, ghẻ lở v.v…, thế mà ta chỉ dùng thuốc xoa bên ngoài chữa ghẻ, chữa mụn nhọt…, trong khi ta cần phải chữa tận căn của lá gan !

Vậy điều cần thiết là chúng ta phải dìm mình vào trong Chúa Giêsu, như vào trong bể đầy sự thánh thiện để được thanh tẩy, hay đúng hơn để được như thể tái sinh lại.

Rồi : “Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền thiêng liêng (là Lời Chúa), nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng Ơn Cứu Độ, nếu anh em đã nghiệm thấy Chúa tốt lành.” (1 Pr 2.2). Nói thế ta có thể hiểu là bảo siêng học và đọc Lời Chúa, tức là bảo ăn Lời Chúa, là Bánh Sự Sống, để nhờ đó mà sống, vì :

“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4.4)

Và cách đặc biệt, bảo chúng ta sẽ ăn uống Thịt Máu Chúa trong Phép Thánh Thể, để có sự sống trong mình, mà có sự sống thì mới có sức đi hết con đường lữ hành tới thiên quốc, mà không bị đuối sức gục ngã gẫy gánh giữa đường.

 

 

@@@@@_BÀI 21_@@@@@

Đổi mới hay biến đổi để làm gì ?

Để chuẩn bị cho ta được xứng hợp mà vào Cõi thần linh của Thiên Chúa.

Đúng vậy ! Cứ như bẩm sinh ta là con người vật chất xác thịt, (lại thêm nhiễm tính mê nết xấu và tội lỗi), làm sao có thể vào sống với Thiên Chúa là Thần Linh trong Thiên đàng tinh tuyền thánh thiện của Người được, nếu ta không được biến đổi, được “thần linh hoá” nên giống Người ?

Do đó, như trên kia đã nói, nhất thiết ta phải được "sinh ra lại bởi Thần khí, để được là thần khí" (Ga 3.5-6), tức là được thông chia Thần khí là bản tính của Thiên Chúa; mà có bản tính thần linh Thiên Chúa trong mình, ta trở thành con người thần thiêng, chuẩn bị ta nên xứng hợp cho ngày sau được vào Cõi Thần Linh mà sống với Thiên Chúa.

Ngay cả phần xác cũng phải được biến đổi nữa, vì có lần chúng ta đã nghe Thánh Phaolô xác quyết :

“Xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa được, cũng như cái hư nát không thể thừa hưởng sự bất diệt được. […] Tất cả chúng ta sẽ được biến đổi […] Cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt ; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử.” (1 Cr 15.50-53)

Công việc biến đổi toàn diện hồn xác nói trên, không phải chỉ làm một lần là xong, nó bắt đầu từ việc biến đổi căn bản nhờ việc Tái Sinh bởi Thần Khí ở Bí tích Thanh Tẩy thực hiện ở đầu cuộc đời. Sau đó, Thiên Chúa còn dự liệu cho ta những phương thế khác nữa, cách riêng hai phương thế quan trọng nhất là Lời Chúa và Mình Máu thánh Chúa, (ở tr.298t sẽ nói rõ hơn), sẽ tiếp tục giúp ta ‘biến đổi’ dần dần (2 Cr 3.18) trong suốt cuộc đời trần gian đầy nguy nan thử thách và tội lỗi, cho đến khi “Chúa Giêsu Ki-tô từ trời đến cứu độ. Người sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người, nhờ quyền năng khiến Người có thể làm cho vạn vật phải hàng phục mình.” (Pl 3.20-21)

Thánh Công Đồng Chung Vatican II xác nhận những điều bàn giải trên đây về vấn đề đổi mới nhân loại và vũ trụ :

"Chúng ta không biết được thời gian khi nào trái đất  và nhân loại chấm dứt [12], chúng ta cũng chẳng biết vũ trụ sẽ được biến đổi cách thế nào. Chắc chắn hình thù của thế gian, méo mó vì tội lỗi, sẽ qua đi, nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới, nơi công bằng ngự trị. Hạnh phúc nơi ấy sẽ thỏa mãn và lấp đầy mọi ước vọng hòa bình trào dâng trong lòng con người. Khi ấy sự chết bị hủy diệt, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Chúa Kitô, và những gì đã được gieo vãi trong yếu hèn, mục nát, sẽ mặc lấy sự bất hoại ; tình yêu và các hoạt động bác ái sẽ tồn tại, và toàn thể tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên cho con người, sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ phù vân.”  (Trích một đoạn trong Hiến Chế Mục vụ : ‘Giáo hội trong thế giới ngày nay’, số 39).

Được Chúa ban Thần Khí cho trở thành con cái Thiên Chúa, chúng ta sẽ được vinh hạnh muôn đời sống với Người là Cha chúng ta. Cuộc sống của chúng ta lúc bấy giờ đạt tới Chân, Thiện, Mỹ : Lương tâm của chúng ta sáng láng bởi luôn được ánh sáng của Sự thật chiếu soi; Tâm hồn ta tốt lành, thánh thiện vì được Lời Chúa hướng dẫn, Mình Máu Chúa biến đổi, từ khi còn ở trần gian này và đã hoàn thiện trước khi bước vào thiên giới. Lúc ấy đôi mắt chúng ta không còn là đôi mắt xác thịt nữa, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Thiên Chúa cách nhãn tiền (xem 1 Cr 13.12; Kh 22.4). Chính con người chúng ta được trở nên hoàn mỹ vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta là những hoa vương, hoa hậu, là hoàng tử, là công chúa vẹn toàn của Vương quốc vinh quang vĩnh cửu.

Chúng ta được xinh đẹp không chỉ trong tâm hồn mà còn được hoàn mỹ cả nơi thân xác sống lại : không tì vết, không khiếm khuyết, không tật nguyền nào còn sót lại. Khi nhắm mắt xuôi tay, thân xác vật chất này trở về bụi đất và tan rã (xem St 3.15), chúng ta sẽ sống lại với một thân xác biến hình Chúa sẽ ban cho nơi Thiên giới.

Thánh kinh xác nhận : “Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt ; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử.” (1 Cr 15.53). “Gieo xuống là thân thể khí huyết, mà trỗi dậy là thân thể thần thiêng” (1 Cr 15.44). Công Đồng Vatican II cũng nói: “Con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh, mặc lấy sự bất hoại”. Thánh Thư 2 Cr 5.1-5 viết rõ ràng và cụ thể hơn cả : “Ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều (tạm bợ) này (là thân xác phàm trần của ta) bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở, một ngôi nhà vĩnh cửu (thân xác sống lại) ở trên trời, do Thiên Chúa dựng lên,  không do tay người thế làm ra.”

Và không chỉ loài người chúng ta mới được toàn mỹ mà tất cả tạo thành cũng sẽ trở nên toàn mỹ như vậy :

"Muôn loài thọ tạo (tức vũ trụ tạo thành) những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã phải lụy phục cảnh phù phiếm, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt phải lụy phục ; tuy nhiên, chúng hy vọng cũng sẽ được tự do, thoát khỏi vòng nô lệ cảnh hư nát, để được hưởng tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa” (Rm 8.19-21)

Hiểu biết như thế, chúng ta mới thấy Đạo của chúng ta là con đường dẫn đến hạnh phúc sung mãn tròn đầy, trường cửu bất diệt. Làm sao không hân hoan vui sướng ?

Nói tóm tắt, chúng ta đã được Thiên Chúa ban cho :

  1. Quyền làm bá chủ vĩnh viễn vũ trụ tạo thành và muôn loài muôn vật này.
  2. Vũ trụ đổi mới sẽ là Cõi Trời mới Đất mới, nơi cư ngụ trường cửu của chúng ta.
  3. Được hưởng vinh quang vô tận của Thiên Chúa cùng triều thần thánh và với muôn loài trong tạo thành.

CẦU NGUYỆN

Cha ban cho chúng con làm bá chủ vũ trụ này, nhưng chúng con đã làm mất quyền làm chủ khi để cho tội lỗi chế ngự chúng con, càng ngày càng nhiều hơn, và như thế từ một người chủ, chúng con trở thành tên nô lệ hèn hạ của các sự vật chất, sa lầy trong tội lỗi. Cha ơi, chúng con thật đáng xấu hổ, phải kêu lên như người con hoang đàng: “Thưa Cha, con thật đắc tội với Trời và với Cha, chẳng còn đáng gọi là con Cha nữa…”(Lc 15.21)

Nhưng Tình Yêu bao dung của Cha còn to lớn hơn tội lỗi của chúng con (1 Ga 3.19-21). Kitô hữu nào cũng biết Chúa Giêsu, được Cha phái đến để chuộc tất cả các con chiên khờ khạo, bằng giá không hề rẻ là Máu của Con Một Thiên Chúa. Đó là một tin chấn động cho những ai chưa biết đến Tình Yêu Thiên Chúa. Đó là Tình Yêu cứu thoát vượt trên trí tưởng tượng của loài người, là Tin Mừng lạ thường mà khi loan báo khó có ai nghe nổi. Đó là Tin Vui nhưng lại ngập tràn trong Ly Rượu hóa Máu buổi Tiệc Ly Biệt rất buồn.

Từ đây, Máu Thánh Chúa Kitô, xưa dâng trên thập giá, nay hàng ngày được dâng lên Cha trong Thánh Lễ trên bàn thờ, nhưng thực ra là đang dâng tiến trước tôn nhan Cha trên Thiên Đàng, do vị Thượng Tế Đời Đời Giêsu là Chủ tế (Dt 8.1-5), để dần dần xóa đi tội lỗi của trần gian, đem nó trở lại vẻ tinh khiết, rạng ngời thuở nào.

Cha ơi, xin Cha kiên nhẫn, nán đợi chờ chúng con trong thời gian thanh tẩy đầy gai góc này.

“Xin Ngôi Ba Thiên Chúa, ngự xuống trên chúng con, ban hồng ân chan chứa, thấm nhuần hồn xác chúng con, biến chúng con thành những chiến sĩ theo Chúa Kitô, thành nhân chứng Nước Trời cho muôn người trong khắp nơi.” Amen.

 

@@@@@_BÀI 22_@@@@@

  • KHI NÀO KHAI MẠC CÕI TRỜI MỚI ĐẤT MỚI HAY VƯƠNG QUỐC VĨNH CỬU ẤY ?

Xin trả lời : Chính thức là Ngày Chúa Giêsu Tái Lâm (1 Cr 15.23-28), tuy Vương quốc ấy đã được sắm dọn cho ta ngay từ thuở tạo thiên lập địa (Mt 25.34), và nay đã có mặt rồi.

Nhưng tại sao lại phải chờ đến tận thế mà không khai mạc sớm hơn ?

Thưa : Có hai lý do.

Thứ nhất : Dành thời giờ cho kẻ có tội ăn năn hối cải. Thứ hai : Chúa phải bình định xong các địch thù.

. Về lý do thứ nhất: Dành thời giờ cho kẻ có tội ăn năn hối cải (và cho kẻ chưa biết Chúa được nhìn nhận Người). Thư của Thánh Phêrô nói rõ :

"Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa (sẽ Quang Lâm), như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải. […] Vì thế, anh em thân mến, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an. Và anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ." (2 Pr 3.9-15).

Để Tin Mừng và Ơn Cứu Độ của Chúa đạt tới mọi người, và để hàng mấy tỷ người trên trái đất có cơ hội ăn năn hối cải và sống đạo đức thánh thiện, đâu có phải là chuyện một sớm một chiều, cần phải có thời gian lâu dài…Do đó, Ngày Tái Lâm trong vinh quang còn được giãn ra, chưa đến ngay ! Chính Thiên Chúa cũng phải kiên nhẫn đối với chúng ta, huống chi chúng ta !

. Về lý do thứ hai: Chúa phải bình định xong các địch thù. Thánh Kinh cho biết thế này :

“Đức Ki-tô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho

nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời. Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân.” (Dt 10.12-13)….“Nhưng hiện nay chúng ta chưa thấy muôn loài muôn sự phục quyền Người.” (Dt 2.8)

Vì thế, 25"Đức Ki-tô phải nắm vương quyền (làm Vua) cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. 26Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết… 

 24 Sau khi Đức Kitô đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, (thì lúc ấy mới) sẽ là tận cùng, lúc Người trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.

 28“Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người ; và như vậy, Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự." (1 Cr 15.25-26,24,28)

Hiện nay, sau Phục Sinh và Thăng Thiên lên trời, Chúa Giêsu vẫn nắm giữ vương quyền làm Vua để từ trời - qua Hội Thánh là Vương quốc và cũng là dụng cụ của Người - chinh phục những người còn chưa tin theo Chúa, làm cho kẻ có tội ăn năn hối cải, cũng như chinh phạt những thế lực hắc ám (dù là loài người hay ác quỉ) thù địch với Chúa và Vương quốc của Người… cho đến khi Người tiêu diệt chúng hết thảy, cả thù địch cuối cùng là sự chết. (Xem mô tả ở Kh 19.11-21 và 20.7-10).

Khi đã bình định xong xuôi, và muôn loài đã qui phục Thiên Chúa, lúc ấy sẽ là tận cùng, Chúa Giêsu Tái lâm vinh quang, mới “chính thức” khai mở Cõi Trời Mới Đất Mới.

Xem như thế, những lời hứa của Thiên Chúa về tương lai nhân loại vẽ ra trước mắt chúng ta một viễn ảnh cực kỳ huy hoàng.

Thế nhưng, xem ra người Công giáo nói chung không mấy niềm nở chờ đón ngày Tái Lâm vinh quang ấy ! 

Vì sao ?

Vì họ thường nghĩ về ngày Chúa Tái lâm như ngày Chúa đến để phán xét, luận tội từng người, ngày kinh hoàng cho loài người với bao nhiêu cảnh tượng rùng rợn khủng khiếp, do lối văn khải huyền mô tả, nên thường sợ hãi không trông mong đến ngày đó.

Hiểu lầm như vậy, một phần là do người ta thường hiểu chữ “phán xét” cách đơn điệu : tiếng Hy Lạp “Krisis” có nhiều nghĩa, nhưng người ta lại chỉ chú ý một nghĩa là PHÁN XÉT, thực ra nghĩa gốc của chữ đó là sự phân tách, tách biệt hạng người này ra khỏi hạng người kia, như dụ ngôn trong Tin Mừng Mt 25.31-33 mô tả :

“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ phân tách họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái."

Tiếp theo Chúa phán lần lượt với hạng người bên phải rồi bên trái lý do tại sao họ được phúc hay phải phạt. Ấy thế mà chúng ta cứ nghĩ cảnh tượng ấy là một cuộc phán xét, theo nghĩa một tòa án xét xử tội phúc.

Đúng hơn, trong ngày Tái Lâm “Chúa đến trong vinh quang”, mà chúng ta thường gọi là ngày phán xét chung (hay ngày Chung thẩm), lại chỉ có nghĩa là ngày

Chúa phân tách, tách biệt chiên với dê, người lành với kẻ dữ…

ngõ hầu biểu dương cho toàn thể mọi loài mọi vật thấy: vinh hiển của Chúa và hạnh phúc của những kẻ tin, và ngược lại sự tủi hổ cùng số phận khốn nạn của kẻ ác,

chứ không có nghĩa là xét xử, hay lập tòa án để xét xử tội phúc nữa.

Tại sao có thể hiểu được như vậy ?

Đó là tại vì những lý do sau đây :

Giáo lý Hội Thánh Công giáo (số 1021-22) dạy chúng ta tin rằng : khi chúng ta qua đời có phán xét riêng từng cá nhân, và sau đó ngay tức khắc mỗi người, tùy theo tội phúc mình đã làm trong cuộc đời dưới trần, mà đi vào một trong ba nơi : Thiên Đàng, Luyện ngục và Hỏa ngục.

Chỉ trừ Luyện ngục, vì là một nơi thanh luyện cho những người chưa hoàn toàn tinh sạch tội lỗi trước khi được vào Thiên đàng, cho nên sẽ có lúc chấm dứt, còn ai được lên Thiên Đàng, và ai bị sa xuống Hỏa Ngục thì muôn đời sẽ không thể thay đổi số phận được nữa.

Nếu thế, làm sao chúng ta có thể nghĩ ngày Chúa Tái lâm trong vinh quang lại là một cuộc phán xét nữa, tức là xét xử lại ?

Chẳng lẽ người ở trên Thiên Đàng bị kéo xuống xét xử lại ; kẻ ở trong Hỏa Ngục cũng bị lôi lên xét xử lại hay sao?

Như vậy là cho rằng phán xét riêng trước đây của Thiên Chúa không đúng ?

Nghĩ như thế là lộng ngôn phạm thượng !

Vì Thiên Chúa tuyệt đối không bao giờ sai lầm và cũng không thể sai lầm. Phán quyết của Người công minh, chính trực. Phán xét một lần là đủ, không bao giờ phải duyệt xét lại.

Để xóa tan những sợ hãi vì hiểu lầm như trên, có những đoạn Thánh Kinh cho chúng ta một cách hiểu khác tuyệt vời và phấn khởi hơn nhiều về ngày Tái lâm trong vinh quang ấy:

+ Lc 21.25-28 :

Chúa Giêsu nói : "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét...

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.

“Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc."

+ 2 Tx 1.4-10 :

Thánh Phaolô viết : "Chúng tôi hãnh diện về anh em trước mặt các Hội Thánh của Thiên Chúa, vì anh em kiên nhẫn và có lòng tin mỗi khi bị bắt bớ hay gặp cảnh gian truân.

“Đó là dấu cho thấy Thiên Chúa xét xử công minh: anh em sẽ được coi là xứng đáng tham dự Nước Thiên Chúa, chính vì Nước Thiên Chúa mà anh em chịu đau khổ. Quả là điều công minh, nếu Thiên Chúa trả báo, nghĩa là bắt những kẻ gây gian truân cho anh em phải chịu gian truân, và cho anh em, những kẻ gặp gian truân, được nghỉ ngơi với chúng tôi.

“Việc ấy sẽ xảy ra, khi Chúa Giê-su từ trời xuất hiện cùng với các thiên thần hùng mạnh của Người,

[…] “khi Người đến, trong ngày ấy,

“để được hiển vinh giữa các thần thánh của Người, và được ngưỡng mộ giữa mọi kẻ đã tin."

Theo mấy đoạn Thánh Kinh nói trên, ngày ấy không phải là ngày phán xét, xét xử nhưng là

NGÀY KHẢI HOÀN,

"Chúa Giê-su từ trời xuất hiện cùng với các thiên thần hùng mạnh của Người, trong ngày ấy,

để được hiển vinh giữa các thần thánh của Người,

được ngưỡng mộ giữa mọi kẻ đã tin",

bắt kẻ dữ phải chịu gian truân,

còn cho anh em được nghỉ ngơi,

trước mặt toàn thể vũ trụ và nhân loại đã được Chúa sai các Thiên thần tập họp lại trước mặt Người (Mt 25.32).  

 

 

@@@@@_BÀI 23_@@@@@

  • Khải hoàn và vinh hiển trước tiên cho chính bản thân Chúa Giêsu !

Đúng vậy, cuộc đời của Người lúc ở dưới trần để thi hành việc cứu rỗi loài người, đã bị bao nhiêu hiểu lầm, bao nhiêu oan ức, và bản thân Người đã bị ngược đãi, đến nỗi phải chịu đóng đinh trên thập giá như một tên đạo tặc phản loạn… Tuy sau đó Người đã phục sinh vinh hiển, nhưng ngoại trừ nhóm người thân thuộc được biết việc đó, còn ngoài ra vẫn chỉ là một chuyện giấu ẩn trước mắt thế gian.

Vậy phải có một ngày Người được minh oan trước toàn thể nhân loại, và mọi vinh quang phải được trả lại cho Người.

Rồi đến Công Trình Cứu Chuộc của Người, mà Người đã phải khổ công thi hành, và trả bằng giá máu mới thực hiện được, cũng phải được tuyên dương là đã thành tựu vô cùng mỹ mãn : một đoàn người đông đảo đã được cứu chuộc :

“Sau đó, tôi thấy : kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô : “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.”  (Kh 7.9-10)

Chính vì sự thành tựu ấy mà đoạn thư 2 Texalônica trên đây viết :

"Người đến, trong ngày ấy, để được hiển vinh nơi các thần thánh của Người, và được ngưỡng mộ nơi mọi kẻ đã tin".

Giống như một anh hùng chiến sĩ, sau khi thắng trận trở về mang theo bao nhiêu chiến lợi phẩm. Người ta ngắm nhìn và trầm trồ khen ngợi các chiến lợi phẩm ấy bao nhiêu, người ta càng thán phục và ngưỡng mộ vị anh hùng chiến sĩ võ công hiển hách bấy nhiêu. Hoặc một nghệ sĩ đại tài đã tài tình tạo ra một tác phẩm trác tuyệt, người ta tán thưởng khen ngợi tác phẩm ấy bao nhiêu, người ta càng ngưỡng mộ và thán phục thiên tài của nghệ sĩ tác giả ấy bấy nhiêu.

Chúa Giêsu cũng vậy : Bao nhiêu các thánh và các kẻ tin là bấy nhiêu chiến lợi phẩm vinh hiển của Chúa. Khi nhìn ngắm các vị ấy trong ánh sáng huy hoàng các công nghiệp và nhân đức, nhờ ơn Chúa họ đã tạo lập được, toàn thể mọi loài mọi vật phải ngưỡng mộ, thán phục và tôn vinh Chúa ! 

. Kìa trước hết là Đức Maria Hồng Phúc trọn đời Đồng Trinh, công trình trác tuyệt vô song của Chúa, bởi Chúa đã tô điểm cho Người, từ khởi đầu cuộc sống, ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, không vướng chút tì tích, đầy tràn ơn sủng và mọi nhân đức, chói ngời như viên Kim cương óng ánh muôn sắc mầu, nhất là đức Khiêm nhường và Vâng phục, để xứng đáng làm Mẹ Ngôi Hai giáng thế, và nay được tôn làm Mẹ toàn thể nhân loại và làm Nữ Vương trời đất.

Bức bích họa cổ mô tả cảnh Chúa Giêsu được vinh hiển giữa các thần thánh. Và giữa hàng các thần thánh có Đức Maria.

. Rồi đến Thánh Cả Giuse, người công chính, được chọn làm Gia trưởng trung tín của Thánh Gia, thay mặt Chúa Cha làm Nghĩa phụ dạy dỗ Con Thiên Chúa xuống thế làm người, và Người đã vâng lời Thiên Chúa hi sinh mọi quyền lợi chính đáng của bản thân mình, để trọn đời tận tụy nuôi nấng và bảo vệ hai kho tàng quý báu nhất của Nước Trời là Maria và Giêsu, chuẩn bị cho Hai Đấng đến ngày thi hành Công Trình Cứu Chuộc.

. Kìa đoàn các thánh Tông đồ cũng như các môn đồ đã nghe lời Chúa giảng dạy, đã tin và đi theo Chúa trong ba năm Người giảng đạo, và sau đó, theo lệnh truyền của Người, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, đã tản mác đi khắp năm châu bốn bể, để loan truyền Tin Mừng cứu rỗi cho mọi loài thụ tạo, và cuối cùng đã chịu chết để làm chứng cho vị Thầy Thánh và Đức Chúa của mình, là Đấng đã tử nạn phục sinh và nên Nguồn Cứu Rỗi cho những ai vâng phục Người.

. Rồi đoàn thể các thánh tử đạo quang vinh hùng dũng, trong đó không chỉ có những nam nhân mạnh mẽ, còn có cả những ông già bà lão, có cả những trẻ vị thành niên, những thiếu nữ liễu yếu đào tơ, tất cả họ đều đã cam chịu bao nhiêu tàn xử, các cực hình gông cùm xiềng xích, và cuối cùng không ngần ngại hi sinh mạng sống, đổ máu đào để trung kiên giữ vững niềm tin vào Chúa Kitô và vào Sự Sống Đời Sau.

. Đến vô vàn vô số các thánh nữ đồng trinh, tu sĩ hay giáo dân, đã hi sinh mọi lạc thú chính đáng của cuộc đời, sống độc thân, giữ mình trong trắng, để dành trọn tình yêu của mình cho Chúa Giêsu, và phục vụ công việc của Người, như lời thánh Phaolô viết : "Người độc thân thì chuyên lo việc Chúa : họ tìm cách làm đẹp lòng Người… Cũng vậy, phụ nữ độc thân và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác…, được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co." (1 Cr 7.32-35)

. Cuối cùng là đoàn lũ hằng hà sa số các thánh hiển tu, trong bậc tu trì hay trong bậc hôn nhân, đã âm thầm hi sinh mọi chước cám dỗ để trung thành giữ trọn cam kết của đời mình, chu toàn âm thầm các bổn phận không tên của bậc sống mình, thực hành các nhân đức, tận tình phục vụ tha nhân phần hồn cũng như phần xác, cách riêng nơi những người nghèo khó, neo đơn, cô nhi, quả phụ hay những bệnh nhân tật nguyền…

. Không chỉ loài người con cái Thiên Chúa mà cả vũ trụ tạo thành, muôn loài muôn vật, từ bao lâu vẫn đã bị khai thác, lạm dụng cho những chuyện phù phiếm và bất chính, vì thế nó "rên siết và quằn quại… những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người, với hy vọng là nó cũng sẽ được thoát khỏi vòng nô lệ cảnh hư nát, để  được hưởng tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa." (Rm 8.19-22). Thì nay điều nó rên siết trông đợi ấy đã thành hiện thực, nó cũng được vào hưởng tự do và vinh quang cùng với các con cái Thiên Chúa.

  • Chúa đã được minh oan trước toàn thể nhân loại, và mọi vinh quang đã được trả lại cho Người, đến lượt những kẻ tin cũng được trả lại sự công bằng trước mọi điều oan ức, mọi nỗi u tình, những nỗi khổ nhục, bất hạnh, bất công…mà kẻ ác đã gây ra cho họ. Rồi họ cũng được tuyên dương công trạng vì đã suốt đời lắng nghe và thực hành Lời Chúa với lòng yêu mến thiết tha : nào đọc kinh, lần hạt, đi hiệp dâng Thánh Lễ, ăn chay, hãm mình đền tội v.v…; đã hy sinh đóng góp cho Nước Trời, đã trung thành theo Chúa đến cùng cho dù phải gặp bao nhiêu gian truân khốn khó… Từ nay họ sẽ được ở bên Người Yêu Dấu Giêsu thiên thu vạn đại...

Đang khi họ chờ đón ngày vinh quang này, Chúa Giêsu khuyến khích :

Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc." (Lc 21.28)

Đến ngày đó, người công chính ngẩng cao đầu, tỏa sáng, rạng ngời bao nhiêu thì kẻ bất chính gục đầu, tối tăm, tủi hổ bấy nhiêu. Người công chính lúc đó như những vì sao sáng rực rỡ, còn kẻ tội lỗi bất chính, độc dữ sẽ như kẻ phong hủi, phải xấu hổ che mặt trong bóng tối.

Ngày đó thật sự là ngày hiển dương, vinh hiển, vinh dự, vinh quang khải hoàn cho những ai tin yêu Chúa thế nào, thì ngược lại cũng là ngày đen tối cho kẻ ác, kẻ dữ đã rắp tâm ám hại người lành, đã làm biết bao điều xấu xa, ác hại, bất công… cho đồng loại.

Chúa đã hết sức cứu họ nhờ tiếng lương tâm, những lời khuyên của người lành, lời giảng dạy của các ngôn sứ. Chúa cũng đã chết cho họ nữa. Chúa cũng đã để cho họ biết bao nhiêu cơ hội để lấy công chuộc tội, nhưng họ đã bịt tai, nhắm mắt cứ liều mình làm điều dữ. Vậy họ sẽ phải ‘lãnh đủ’, phải vào nơi khóc lóc, nghiến răng, trầm luân muôn kiếp,

"trong ngọn lửa cháy bừng, để báo oán những kẻ không chịu nhận biết Thiên Chúa và những kẻ không vâng theo Tin Mừng của Chúa chúng ta là Đức Giê-su. Những kẻ ấy sẽ lãnh án diệt vong muôn đời, xa Thánh Nhan Chúa và quyền năng vinh hiển của Người".(2 Tx 1.8-9)

 

@@@@@_BÀI 24_@@@@@

NIỀM HY VỌNG CỦA KITÔ HỮU

Nghe những lời Thiên Chúa trên đây, hứa một viễn tượng xán lạn huy hoàng cho tương lai chúng ta, người Kitô hữu phải thấy mình thật hạnh phúc, vì là những người có hy vọng, một hy vọng hằng sống, Thánh Phêrô bảo thế (1 Pr 1.3). Chúng ta có hy vọng vì chúng ta có Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế. Người đã chiến thắng tử thần bởi cái chết và sự sống lại của Người, và đã cho chúng ta được thông phần vào sự sống và sự sống lại của Người khi chúng ta tin theo Người!

Hiện nay, từ trên cõi vĩnh phúc, Người vẫn còn tiếp tục cầm quyền làm vua (1 Cr 15.25) để chinh phục người ta vào trong Vương quốc, và chinh phạt tất cả các địch thù của Người và cũng là của chúng ta, cho đến khi Người đánh bại và nhốt chúng xuống “vũng lửa sinh diêm ở đó chúng bị gia hình ngày đêm đời đời kiếp kiếp” (Kh 20.10), “địch thù cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết” (1 Cr 15.25-26). Ngày ấy, Người khai mạc Cõi Trời Mới Đất Mới cho chúng ta sống vĩnh viễn hạnh phúc muôn đời (Kh 21.-22) như đã trình bày trên đây.

Như thế mới thấy :

"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ." (Ga 3.16-17)

Chúa đến để cứu thoát chúng ta, vì biết chúng ta không thể nào tự sức riêng mà cứu mình được. Tình cảnh của loài người như đang chìm vào vùng đất lún, nếu không có người từ trên bờ kéo lên, thì không thể nào thoát ra khỏi vũng lầy nguy hiểm đó được. Vì thế có thể nói rằng từ chối lời kêu gọi của Chúa là từ chối đi vào cõi sống mà trầm mình trong cõi chết !

Hiện thời sống trên trần gian, chúng ta thật hạnh phúc vì được Thiên Chúa Cha ban Con Một là Chúa Giêsu. Người đã đến để dạy dỗ loài người chúng ta, đã yêu chúng ta đến cùng, yêu đến chết, không thể nào yêu hơn được nữa, vì đã bằng lòng chịu chết trên thập giá để giải thoát chúng ta khỏi Cái Chết Đời Đời.

Như vậy, Người còn chưa lấy làm đủ, vì Chúa biết sau khi được cứu chuộc, chúng ta vẫn có thể bị gục ngã dọc cuộc hành trình về quê trời, cho nên Người lập Bí tích Thánh Thể, để ban chính Mình Máu Người, mà nuôi dưỡng chúng ta bằng sức sống thần linh có nơi Người, nhờ đó ta đủ sức băng qua cõi đời tạm này mà đạt tới Cõi Hằng Sống Vĩnh Cửu.

Người còn lập những Bí tích khác nâng đỡ linh hồn và thể xác yếu hèn của ta : Không kể lúc bắt đầu cuộc đời, Bí tích Thánh Tẩy tái sinh ta làm ta trở nên con của Thiên Chúa, rồi ta được Chúa thêm sức mạnh thần linh qua Bí Tích Thêm Sức ban Thánh Thần; khi ta sa ngã trong tội, Chúa chờ đợi ta đến với Bí Tích Hòa Giải để tha thứ ; lúc ta ốm đau, bệnh hoạn hay già lão, có Bí tích Xức Dầu bệnh nhân để ban sức khỏe thân xác và linh hồn… nâng đỡ ta trong những hoàn cảnh khó khăn cơ cực ấy.

Nhưng có một điểm làm cho bức tranh tình yêu Thiên Chúa tuyệt vời vừa mô tả trên đây, bị bôi đen trong tâm tưởng chúng ta, đó là : chúng ta bị ký ức tội lỗi ám ảnh dày vò, khiến luôn miệng chúng ta thốt ra những lời kêu xin ơn tha thứ của Chúa, giống như những tên tội đồ khốn nạn tội nghiệp lạy lục van xin lòng thương xót của ông quan tòa :

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm..
Vâng, con biết tội mình đã phạm,

lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.” (Tv 51.3-5)

Sợ tội là tốt, vì tội xúc phạm đến Chúa và đưa ta xuống nơi trầm luân muôn kiếp. Thống hối là tốt, nhưng để mình bị dằn vặt và ám ảnh bởi tội lỗi là phản Tin Mừng, vì Đức Giêsu đã nói cho biết nỗi vui mừng của Thiên Chúa qua ba dụ ngôn: người mục tử khi tìm được chiên lạc thì “vui mừng vác lên vai”, người đàn bà đánh mất đồng bạc, và khi quét nhà tìm được “bà mời bạn bè hàng xóm lại chung vui”, người cha khi đón nhận đứa con hư hỏng trở về thì ông quên hết tội của nó, và “mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15.1-32).

Chúng ta nghe tiếng lương tâm cáo tội, Thiên Chúa biết hết, nhưng lòng độ lượng khoan dung của Người đối với chúng ta còn lớn hơn lương tâm của ta nữa :

“Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta,
Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta,
và Người biết hết mọi sự.” (1 Ga 3.20)

 “Ôi lạy CHÚA, nếu như Ngài chấp tội,
nào có ai đứng vững được chăng ?”

“Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.” (Tv 103, 3,10)

“Nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm

mà… thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn

nó sẽ sống… Mọi tội phản nghịch nó phạm,           người ta sẽ không còn nhớ đến nữa.” (Ed 18.21-22)

Người trong Cựu Ước mà đã có một niềm tin tưởng nơi lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa như vậy, huống chi chúng ta, Kitô hữu ! Khi chúng ta sa ngã phạm tội xúc phạm đến Thiên Chúa, cho dù bởi những tội nặng nề mấy đi nữa, ta vẫn có hy vọng được tha thứ và cứu rỗi, nếu ta vẫn còn tin vào Chúa Giêsu, tin vào tình yêu của Người, Đấng đã chết để cứu ta (xem Ga 3.14-16), vì Thiên Chúa không nhìn chúng ta như chúng ta tự nhìn mình tràn ngập tội lỗi, song "Người nhìn chúng ta trên cơ sở này là : chúng ta có đang được ở trong Đức Giêsu bởi lòng tin hay không." (Đọc Tin Mừng theo Gioan, tập III đã dẫn, tr.165).

Điều nói trên, được sách Diễm ca diễn tả bằng mấy vần thơ sau đây :

“Này các thiếu nữ Giê-ru-sa-lem,
da tôi đen, nhưng nhan sắc mặn mà…
Xin đừng để ý đến da tôi rám nắng :

mặt trời đã làm cháy da tôi.” (Dc 1.5-6).

Dù làn da ta “đã rám nắng, ra đen đủi” vì những dục vọng thấp hèn và sa ngã tội lỗi trong trường đời đầy gian nan, thử thách và cạm bẫy, thế mà Thiên Chúa vẫn đi tìm tình yêu nhỏ bé của ta, vẫn “say mê sắc đẹp” của tạo vật Người. Nếu Thánh kinh không nói, làm sao ta dám tưởng nghĩ. Sách Diễm ca cho nghe lời gọi tình yêu đó của Thiên Chúa :

“Người yêu của tôi lên tiếng bảo :
“Dậy đi em, bạn tình của anh,
người đẹp của anh, hãy ra đây nào !
Tiết đông giá lạnh đã qua,
mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi.
 Sơn hà nở rộ hoa tươi
và mùa ca hát vang trời về đây.
Tiếng chim gáy văng vẳng khắp đồng.
Vả kia đã kết trái non,
vườn nho hoa nở hương thơm ngạt ngào.
Dậy đi em, bạn tình của anh,
người đẹp của anh, hãy ra đây nào !
Bồ câu của anh ơi,
em ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo.
Nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng,
vì tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng.”

                                                                   (Dc 2.10-14)

Yêu thương ta như vậy trọn cuộc đời, Thiên Chúa chưa cho làm đủ, tình yêu Người còn vượt qua cả sự chết, khi Người làm cho cả thân xác ta sau khi chết cũng được sống lại sáng láng, cùng với linh hồn hưởng hạnh phúc bất diệt muôn đời muôn kiếp bên Người chẳng bao giờ còn lìa xa nữa.

Chúng con xin tạ ơn Thiên Chúa muôn ngàn lần

vì đã cho chúng con được

NIỀM HY VỌNG HẰNG SỐNG tuyệt vời như thế !

Chúa ơi, chúng con là những người hạnh phúc,

sung sướng nhất trần gian !

 

@@@@@_BÀI 25_@@@@@

NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ NIỀM HY VỌNG

Đang khi Kitô hữu chúng ta được có Niềm Hy Vọng Hằng Sống tuyệt vời đầy an ủi, thì Thánh Kinh bảo những người ngoài Kitô giáo là những người không có hy vọng  theo nghĩa không có niềm hy vọng được sống đời đời như chúng ta :

“Thuở ấy (còn ngoại giáo) anh em không có Đấng Ki-tô, […] không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này.” (Ep 2.12 ; 1 Tx 4.13)

Chính vì không có niềm hy vọng hằng sống, cho nên họ có những thái độ, cách sống, và hành xử khác ta trong cuộc đời. Ta có thể tạm chia họ ra làm ba hạng :

Hạng người thứ nhất coi cuộc đời vắn vỏi này là để hưởng lạc. Từ hai ngàn năm trước, Thánh Kinh đã mô tả hạng người này bằng những lời lẽ không hề lỗi thời :

1“Thật vậy, … chúng bảo nhau :
Đời ta thật buồn sầu, vắn vỏi :
không thuốc nào chữa cho con người khỏi chết,
chẳng ai biết có kẻ nào thoát được cõi âm ty.
2 Bởi ngẫu nhiên ta đã ra đời, rồi lại như chưa hề có mặt.
Hơi thở của ta là làn khói,
tư tưởng loé lên từ nhịp đập trái tim.
3 Khi nó tắt đi, thân xác sẽ trở thành tro bụi,
sinh khí biến tan như làn gió thoảng.
4 Theo dòng thời gian, tên tuổi ta cũng chìm vào quên lãng,
chẳng còn ai nhớ đến việc ta làm.
Đời ta sẽ qua như một thoáng mây trôi,
sẽ biến đi như màn sương sớm
bị ánh nắng đẩy lùi và sức nóng mặt trời áp đảo.
5 Cuộc đời ta vụt mất tựa bóng câu,
đã qua rồi là không còn trở lại,
ấn đã niêm, ai quay về được nữa !
6 Vậy, nào đến đây, hưởng lấy của đời này,
tuổi còn trẻ, ta cố mà tận dụng
hết những chi đang có sẵn trên trần.
7 Nào, ta say rượu quý, ta ngất hương thơm,
những đoá hoa xuân, ta đừng bỏ phí.
8 Nụ hoa hồng, ta đem kết triều thiên trước khi hoa tàn lụi.
9 Đừng ai vắng trong các cuộc truy hoan,
dấu vết ăn chơi, ta để lại khắp nơi khắp chốn,
bởi đó chính là phần, là số ta được hưởng.”

(Kn 2.1-11)

Lời phê phán của Thánh kinh :

21 Chúng suy tính như vậy thật sai lầm,
vì ác độc mà chúng ra mù quáng.
22 Chúng không biết những bí nhiệm của Thiên Chúa,
chẳng trông chờ người thánh thiện sẽ được thưởng công,
cũng không tin kẻ tinh tuyền sẽ được ân thưởng.
23 Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người
cho họ được trường tồn bất diệt.
(Vì) họ được Người dựng nên như hình ảnh của bản tính Người.” (Kn 2.21-23)    

Lời phê phán ấy bảo hạng người đó sai lầm vì họ không có Lời Chúa dạy cho, nên sống không có hy vọng vào phần thưởng của Thiên Chúa dành cho những ai tin vào Người ; họ tưởng cuộc đời này vắn vỏi rồi sẽ chết là hết, nên vội vàng tìm hưởng mọi lạc thú :

“Chơi xuân kẻo hết xuân đi,

Cái già xồng sộc nó thì đến ngay”

chỉ vì không biết rằng : được tạo dựng theo hình ảnh bất diệt của bản tính Thiên Chúa, cho nên họ sinh ra không phải là để chết, mà để được sống trường tồn bất diệt.

Mặt khác, vì không có niềm hy vọng, không có Chúa trên đầu trên cổ để mà kính sợ, nên hạng người này không những chỉ sống buông thả, mà còn dễ đâm ra vô lương tâm, độc ác, hận thù, bạo lực, khủng bố, và gây ra nhiều tội ác khác nữa cho gia đình, cho xã hội…

Hạng người thứ hai, vì không được lời Chúa mặc khải, cho nên họ sinh ra và sống trên đời, mà không biết rồi cuộc đời sẽ đưa họ đến đâu nên hoang mang lo sợ.… Trước mắt thấy cái chết sẽ đến, mà không thấy bên kia cái chết là cái gì, chỉ thấy một sự vô định, mơ hồ…, không biết bám víu vào cái gì để hy vọng…

Cùng lúc ấy, họ thấy bao nhiêu công khó trong sinh thời họ đã bỏ ra, để tạo lập nên cơ nghiệp, sẽ coi như “dã tràng xe cát”, chết là phải bỏ hết, cho nên lòng tiếc công tiếc của khiến họ rất sợ chết, thậm chí chỉ nghe đến tiếng “chết” thôi thì họ cũng sợ không dám thốt ra….

Trong số này, đang khi ấy cũng có những người hay suy nghĩ về sự đời, thấy đời đầy dẫy những bất công, những áp bức, bạo lực, tranh giành, ghen ghét và đủ thứ tệ nạn xấu xa …. cho nên họ coi đời này là phi lý, họ đâm ra kẻ thì nổi loạn, quậy phá, và làm những điều càn dở… ; kẻ thì chán đời, sống thụ động tiêu cực, vô ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội…

Hạng người thứ ba, không hẳn họ không có hy vọng, họ cũng hy vọng, nhưng khác chúng ta. Chúng ta hy vọng được vào Thiên đàng, còn họ là vào Niết Bàn, (cõi Tịnh độ) tức là đạt được một trạng thái an nhiên tĩnh tại tâm linh, diệt hết mọi ham muốn, đam mê…bứt ra khỏi vòng luân hồi do luật nghiệp báo chi phối…

Chỉ có điều Niết Bàn là một chuyện hầu như vô vọng, đạt được là chuyện vô cùng khó khăn. Sách có kể lại, Đức Phật là người lành thánh suốt đời chỉ lo làm lành lánh dữ, cứu nhân độ thế, thế mà phải tu luyện đến 3000 kiếp mới thành chánh quả, thì những hạng người tầm thường thật khó mà hi vọng được.

Chính Đức Phật cũng đã nói : con người chỉ có thể đạt đến cõi Niết bàn, tức là tận điểm của tiến trình thăng tiến tâm linh sau một chuỗi dài các lần đầu thai (avatars) do luật nghiệp báo chi phối (Karma).

Tại sao vậy ?

Vì tự sức mình, không muốn nhờ vào một sức thiêng nào khác ngoài mình, làm sao họ có thể thắng được những dục vọng, ham muốn, tham sân si và bao nhiêu cám dỗ trong suốt cuộc đời, dù họ chịu khó đi chùa, ăn chay, cúng Phật, làm công quả, hành thiện, làm việc phúc đức...? Kinh nghiệm đã luôn cho thấy là không thể được ! Do đó, ai trong loài người lại không phạm tội ? Mà hễ phạm tội ác tức là tạo nghiệp, mà tạo nghiệp thì họ sẽ phải mang lấy cái nghiệp chướng ấy đeo bám vào mình. Nghiệp chướng giống như quả tạ, cứ mỗi lần phạm tội lại đeo thêm một quả tạ vào mình mà không ai gỡ ra được, không ai có thể gỡ cho họ được hết !

Thế là họ đành phải chịu luật nghiệp báo mà vào vòng luân hồi để tu lại từ đầu, mà không chắc kiếp sau sẽ sống tốt hơn kiếp này hay sẽ còn tệ hơn ? Và cứ như thế bao nhiêu ngàn kiếp mới có thể đạt được cõi Niết Bàn ?

Bởi thế ta mới nói, họ có hy vọng mà lại hầu như vô vọng là vì vậy.

Dẫu vậy, vô số người vẫn bám vào thuyết luân hồi – được đầu thai vào một kiếp khác để làm lại cuộc đời (xem hình) – vì thấy nó có vẻ từ bi và nhân đạo hơn là đạo lý Công giáo về một kiếp người độc nhất và sau đó là số phận cố định đời đời.

Nhưng xét kỹ mới thấy đạo lý Công giáo dạy chỉ có một kiếp mà thôi, một là được, hai là thua sạch, không còn hi vọng vay mượn ai để gỡ gạc, nương nhờ vào nơi nào để làm lại từ đầu..., là đúng đắn, nó khiến cho người ta phải coi cuộc sống này là nghiêm chỉnh và quí giá vô song, và phải thận trọng mà sống cho nghiêm túc ! “Vì cho dù người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống (tức là linh hồn mình), thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?” (Mt 16.26)

Vì thế, đạo Công giáo không chấp nhận có luân hồi !

 

 

@@@@@_BÀI 26_@@@@@

Vì Thánh kinh đã xác định :

“… Số phận người ta là phải chết một lần và sau đó là phán xét”. (Dt 9.26tt).

Nghĩa là người ta chỉ chết có một lần, và sau cái chết đó là chịu sự phán xét của Thiên Chúa, nó sẽ định đoạt số phận đời đời của họ, không có kiếp sống phàm trần nào khác nữa tiếp nối.

Đối với Đức Giêsu Kitô, cũng như với tất cả truyền thống Kitô giáo, con người khi còn sống ở trần gian, là những lữ khách có tự do chọn lựa hướng đi cho đời mình, và tùy sự chọn lựa ấy mà số phận mỗi người sẽ được định đoạt cho đến đời đời, khi cái chết là đích điểm chung cuộc của cuộc hành trình ấy xảy ra.

Sau cái chết, không còn có khả năng thay đổi đường đi hay sửa đổi vận mệnh đời mình được nữa. Sau khi chết, số phận của mỗi người được cố định cách chung quyết và vĩnh viễn đời đời.

Công Đồng chung Lyon II, năm 1274, định tín rằng : linh hồn, sau khi chết lìa xác, giữ lấy tình trạng công chính hay tội lỗi mà họ đã lập được khi còn sống trong thân xác thời trần gian, chứ không còn thay đổi được nữa (Denzinger, số 464).

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo số 1021tt dạy: “Ngay khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời ; tùy theo đời sống của mình (đã) tương quan (thế nào) với Đức Kitô (khi còn sống mà) linh hồn : 1) hoặc phải trải qua một cuộc thanh luyện,

2) hoặc được hưởng phúc trên trời ;

3) hoặc sa địa ngục vĩnh viễn”.

Các  Kitô hữu chúng ta cũng kinh nghiệm tất cả những thử thách và cám dỗ, những ngọt bùi và chua cay, những cái tốt cũng như những cái xấu của cuộc đời như ai, duy chỉ khác là một mặt vẫn phải nỗ lực như thể sự cứu độ hoàn toàn tùy thuộc nơi mình, nhưng mặt khác lại đặt niềm tin cứu độ vào Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế, như thể sự cứu độ hoàn toàn tùy thuộc ở nơi Chúa, vì Thánh Kinh đã công bố chân lý quan trọng này :

"Ngoài Đức Giêsu  ra, không ai đem lại Ơn Cứu Độ ; vì dưới gầm trời này, không có một Danh (tức là người) nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4.12) [13]

Trước tất cả những sự đời tốt có xấu có, và trước những yếu đuối, hèn kém của bản thân, người Kitô hữu được Thánh Kinh cho biết rõ ràng, con người cho dù tự mình có nỗ lực đến mấy, cũng không thể nào thắng được những dục vọng, ích kỷ, kiêu ngạo của mình, không thể cưỡng lại những cám dỗ của ma quỉ, những lôi cuốn của thế gian bày đặt ra… Thánh Phaolô đã phải thú nhận :Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7.18-19). Bản thân chưa tự làm chủ được, chưa thắng được, thì sức đâu mà muốn cải thiện tình trạng tham sân si trong cõi trần gian đầy dối trá và bất công này. Giống như ta không có cánh như chim làm sao bay lên khoảng không trung mênh mông, không có mang của cá làm sao có thể bơi lội trong đại dương ngàn trùng…

Bởi vì Thánh Kinh cho ta biết điều này : Từ sau Ađam-Eva nguyên tổ loài người nghe theo Satan mà phạm tội, thì

“Tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của ác thần.” (1 Ga 5.19)

Đã đành là ta không được phủ nhận những nỗ lực trong mọi phương diện của nhân loại, nhờ những kỹ thuật và khoa học tân tiến, để cải thiện bản thân và đời sống cũng như làm thăng tiến xã hội, nhưng Thánh Kinh còn mặc khải điều này nữa mà nhân loại chúng ta đã quên hay không thèm để ý, để cứ tiếp tục nuôi mộng tưởng là có thể tự sức thắng mình, hoàn thiện mình, và cải tạo xã hội, vốn là một việc quá sức loài người, đang khi ngay cả những cử động tầm thường ta cũng không thể tự mình làm được nếu không có Thiên Chúa giúp :

"Vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự… Thật vậy, chính ở nơi Thiên Chúa mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu…" (Cv 17.25,28)

Thiên Chúa đã cho phép tất cả những gian truân, thử thách trần gian ấy xảy ra như vậy, cốt để loài người phải đi đến chỗ nhận chân sự yếu đuối bất lực của mình không thể tự cứu mình, mà đặt niềm tin vào Chúa Giêsu để được ơn cứu độ, và nhờ đó, họ có được niềm hy vọng hằng sống, như Thánh kinh nói :

“Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta  đang được hiện nay ; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.” (Rm 5.2)

Chúng ta, người Kitô hữu, hãy như những trẻ nhỏ, lắng nghe được tiếng gọi của Người Cha từ cõi vô biên, và vô cùng mừng rỡ, hạnh phúc mà nắm bắt được tần số của Niềm Hy Vọng Cha đã ban. Một Người Cha luôn yêu thương, kiên nhẫn mạc khải cho các con của mình một Con Đường Sống. Đó là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, Đấng Giải Thoát.

 Hơn nữa, Người còn hứa ban cho ta Thánh Thần làm bảo chứng cho hạnh phúc vĩnh cửu, mà ta sẽ được hưởng, khi ở đời này ta tin vào Đấng Cứu Độ. Ta nghe như niềm hân hoan reo vui khi đọc đoạn Thánh thư sau :

"Trong Đức Kitô cả anh em nữa, … một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa." (Ep 1.13-14)

Như vậy, hiện nay điều quan trọng nhất – như đã nói trên đầu bài – là TIN, tin với trọn vẹn trái tim mình để đời mình luôn sống gắn bó mật thiết với Đấng Cứu Thế, đã yêu thương, đã thí mạng để cứu thoát mình khỏi cái chết do tội lỗi mang lại và được sống mà hưởng vinh quang. Than ôi ! Ta đã mất bao thời gian, bao công lao giữ luật thay vì đến gần Chúa với trọn niềm tin yêu. Hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu bảo :

       "Việc Thiên Chúa muốn (cho các ông làm,) là TIN vào Đấng Người đã sai đến." (Ga 6.29)

 

 

@@@@@_BÀI 27_@@@@@

A.2/ Đến đây, mời đọc đoạn cuối của Phần thứ nhất của Diễn từ về Bánh Sự Sống :

PHẢN ỨNG CỦA NGƯỜI DO THÁI (6.41-50)

Khi nghe Đức Giêsu nói đoạn đầu của Diễn từ (6.35-40), trong đó cách riêng có hai câu: “Tôi là bánh Sự Sống”, và “Tôi tự trời xuống”, đám dân chúng Do Thái phản ứng kịch liệt :

41 “Người Do-thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giê-su đã nói : “Tôi là bánh từ trời xuống.” 42 Họ nói : “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói : “Tôi từ trời xuống ?”

43 Đức Giê-su bảo họ : “Các ông đừng có xầm xì với nhau ! 44 Chẳng ai đến với Tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy, và Tôi, Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.

45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ : Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với Tôi. 46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.  47 Thật, Tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời.

48 Tôi là bánh Sự Sống. 49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. 50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.”

Người Do Thái phản ứng bằng thái độ không tin trước lời Đức Giêsu khẳng định Người là Bánh Sự Sống. Thế mà nếu ta nhớ lại : trên kia chính họ đã mở miệng ngỏ lời "xin cho chúng tôi ăn bánh ấy" (6.34) ! Tại sao bây giờ họ lại trở mặt phản đối ?

+ Trước hết, là tại vì khi nghe Đức Giêsu hứa ban bánh bởi trời của Chúa Cha (6.32-33), họ nghĩ là một bánh gì đó giống như manna hay một thứ gì vật chất tương tự, nhưng không ngờ lại nghe Đức Giêsu nói : bánh bởi trời đó chính là Bản Thân Người và Lời Người : "Tôi là Bánh Sự Sống" (6.35), thì họ đâm thất vọng.

Chúng ta thấy người Do Thái vẫn chưa nhận ra lương thực thần linh thường tồn Chúa muốn ban cho họ, họ vẫn lại chỉ loanh quanh với những gì vật chất, y như lúc đầu khi Đức Giêsu trách họ: "Các ông tìm Tôi… chỉ vì được ăn no chứ không vì đã thấy dấu lạ" (c.36).

Nếu ngược lại, thay vì mong được ăn bánh no nê như hôm trước, họ chú ý tìm hiểu dấu lạ, thì nó sẽ hướng dẫn họ khám phá những kho tàng phúc lộc ẩn giấu dưới dấu lạ hóa bánh kỳ diệu đó.

Chúng ta ngày nay cũng chẳng khác người Do Thái xưa mấy đâu, vì quả thật chúng ta quá bận tâm, có thể nói, quá bị ám ảnh về những điều vật chất, khó mà nhấc mình lên cao.

Cũng vì cái bệnh “duy vật chất” đó mà người Do Thái bị mờ mắt, chẳng để ý gì đến các phúc lộc tuyệt vời từ Bánh Sự Sống đó phát sinh, như Đức Giêsu hứa (“khỏi đói khát”, “được Sự Sống Đời Đời”, “sống lại ngày sau hết…”), trái lại họ thấy bị sốc vì hai câu của Đức Giêsu: "Tôi là Bánh Sự Sống" (c.35) "Tôi đã từ trời xuống…” (c.38) và họ ghép thành một để phản đối:

Làm sao ông ấy dám nói: Tôi là Bánh từ trời xuống ? (c.41)

+  Kế đến, họ phản đối là tại vì họ có một bằng chứng sờ sờ : họ biết cha mẹ, anh em của Người còn đang sống ở cùng làng quê với họ (6.42), do đó họ cho là Người cũng là người trần tục có cha sinh mẹ đẻ như họ, mà sao dám cuồng ngôn là: "Tôi từ trời xuống" ?

Chúng ta không thể trách họ là không biết lai lịch thần linh của Chúa Giêsu. Ở vào địa vị họ, vào thời họ, chúng ta cũng sẽ phản ứng như họ vậy. Làm sao họ hiểu được mầu nhiệm Người là một vị Thiên Chúa từ trời xuống, và khi giáng trần làm người thì phải có mẹ sinh ra ? Đây là một huyền nhiệm thần linh, trí óc loài người không thể biết được trừ phi Chúa mặc khải ra cho biết.

Có trách là trách họ không tin Người : “Tôi đã bảo các ông : các ông đã thấy tôi mà không tin” (c.36), dù chính họ đã xin “Người làm dấu lạ cho chúng tôi thấy mà tin” (c.30). Xin được thấy một dấu lạ ư ? Thì mới đây họ đã được thấy phép lạ hóa bánh, do quyền năng siêu phàm của Người, mà chính họ đã được hưởng ! Chưa kể họ còn nhiều lần chứng kiến những phép lạ khác nữa của Người (6.2), nếu không họ đâu có khờ dại mà chịu đi theo một người tầm thường để nghe giảng từ sáng đến chiều, đến nỗi phải nhịn đói, và Chúa phải làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi họ (cc.11-12).

Điều này khiến ta suy nghĩ : Trong đời, phép lạ vẫn không chắc đưa người ta đến với đức tin. Bao nhiêu người trông thấy phép lạ mà có chịu tin Chúa đâu ? Điển hình là người Do Thái, họ luôn đòi dấu lạ (1Cr 1.22) :

Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ” (Mt 12.38-39)…

“Vậy thì ông (Giêsu) làm dấu nào cho chúng tôi thấy và tin ông ?” (Ga 6.30).

Thế mà khi thấy dấu lạ, phép lạ sờ sờ trước mắt, họ có chịu tin đâu, các dục vọng đen tối đã làm mắt họ hoen mờ: chẳng hạn phép lạ anh mù bẩm sinh được sáng mắt (Ga 9.16tt) ; và phép lạ anh què ở cửa đền thờ đi được :

“Họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông (tông đồ Phêrô và Gioan), nên họ không biết đối đáp thế nào…. Họ nói (với nhau) : “Ta phải xử làm sao với những người này ? Họ đã làm một dấu lạ rành rành : điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, và ta không thể chối được.”

Trước phép lạ rành rành không chối được, họ cũng như mọi tay độc tài khác trên thế giới, đành dùng quyền lực mà bịt miệng các chứng nhân của Chúa. Mời nghe tiếp :

“Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh (ông Giêsu) ấy với ai nữa.” Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giê-su nữa.” (Cv 4.14-17).

Chúng ta thấy ở các nước Âu châu xảy ra bao nhiêu phép lạ tỏ tường ra đấy, chỉ lấy một ví dụ : Nước Pháp, có Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức và suối nước lạ, từ hơn  một trăm năm nay đã làm vô vàn vô số phép lạ, chữa lành những người bệnh hoạn tật nguyền nan trị, mà khoa học hiện đại cũng đành bó tay không chữa được, mà cũng không giải thích được, thế mà lại là quốc gia bỏ đạo nhiều nhất hiện nay.

 

 

@@@@@_BÀI 28_@@@@@

Trước phản đối kịch liệt của người Do Thái, Đức Giêsu không chùn bước : “Các ông đừng có xầm xì với nhau !” các ông bây giờ chưa hiểu được Tôi thực sự là Ai và Tôi từ đâu xuống. Trong một lần khác, Người tuyên bố minh bạch hơn nữa nguồn gốc thượng giới của Người:

“Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.” (Ga 3.13,31) ;

“Các ông bởi hạ giới, Tôi bởi thượng giới.” (Ga 8.23)

Buồn rầu trước sự cứng tin của người Do Thái – và gián tiếp của cả nhân loại – Đức Giêsu đưa ra lời nhận định rằng nếu Chúa Cha không ban ơn, thì chẳng ai đến với Người và tin Người được :

Quả thật "Không ai có thể đến với Tôi, nếu Chúa Cha, Đấng đã sai Tôi không lôi kéo họ" (6.44).

Dựa vào lời ấy, người ta có thể bào chữa cho người Do Thái – và gián tiếp cũng cho cả loài người chúng ta nữa – bằng lập luận này : Nếu Chúa Cha không lôi kéo, vì thế người ta không đến được với Chúa Giêsu và không tin vào Người, thì đâu có phải tại lỗi họ ? 

Đọc được ý ngấm ngầm ấy, Đức Giêsu giải đáp ngay : Không phải vậy,

"Hết thảy mọi người đều được Thiên Chúa dạy dỗ, các tiên tri đã bảo thế, ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với Tôi."  tức là tin Tôi. (6.45)

Câu ấy muốn nói, mọi người không trừ ai đều được Thiên Chúa dạy dỗ, như lời các tiên tri bảo thế, chẳng hạn như tiên tri Giêrêmia:

“Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. […] Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: “Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA“, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.” (Gr 31.33-34).

Đức Giêsu nói thế có nghĩa là mọi người tùy hoàn cảnh đều được Thiên Chúa âm thầm chỉ bảo trong tâm hồn, cách này cách khác, theo đường lối vô phương dò thấu của Thiên Chúa, nhưng cụ thể là qua tiếng lương tâm, rồi qua những ơn soi sáng thúc giục bên trong, còn bên ngoài nhờ những lời nhắc nhở dạy dỗ của cha mẹ, thầy giáo, lời Sách Thánh, lời giảng dạy của linh mục, của Hội thánh, của sách vở báo chí tốt lành v.v…

Đạo lý Công giáo gọi những điều đó là “Ơn thường sủng” hay “Ơn Túc Sủng”, tức là Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người "đủ những ơn" và phương tiện cần thiết để lo việc cứu rỗi của mình, đúng như lời Thánh Kinh dạy:

"Quyền năng thần linh của Chúa đã ban tặng cho chúng ta tất cả những gì cần cho sự sống và đạo hạnh…" (2 Pr 1.3). (Cũng xem : Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, số 2000)

Như thế Chúa muốn bảo người Do Thái – và tất cả mọi người – là bằng những cách ấy Thiên Chúa đang “lôi kéo” họ, nếu họ nghe và học theo những lời đó, những tiếng nói đó - âm thầm hay tỏ tường - của Thiên Chúa, họ sẽ “đến với Chúa Giêsu” và tin Người.

Thành ra họ cũng như bất cứ ai, không thể bào chữa mình là vô tội : nếu họ không nghe theo tiếng Thiên Chúa dạy dỗ trong tâm hồn, rồi bên ngoài không được cha mẹ để tâm dạy dỗ từ nhỏ, lớn lên lại theo chúng bạn xấu, chịu ảnh hưởng của sách báo, phim ảnh đồi bại, của lối sống buông thả đầy gương mù của xã hội, buông theo các xúi giục xấu xa của ác quỉ, v.v…, kết cục là tâm hồn càng ngày càng lún sâu vào tính mê nết xấu và lỳ lợm trong tội lỗi.

Sách Tam Tự Kinh nói rất đúng :

  1. a) Nhân chi sơ, tính bổn thiện ;
    b) tính tương cận, tập tương viễn ;
    c) cẩu bất giáo, tính nãi thiên ...

Nghĩa là

  1. a) con người ban đầu, khi mới sinh ra, đều tốt lành, giống như tờ giấy trắng tinh,
  2. b) ai ai cũng có tính giống nhau, nhưng rồi sau, vì học tập hoặc nhiễm những tập quán tốt hay xấu mà đâm ra khác xa nhau, người thì trở nên tốt, kẻ thì trở thành xấu ;
  3. c) nếu không được dạy dỗ, giáo dục, tính sẽ thay đổi, trở nên khác.

Đến lúc ấy cho dù Thiên Chúa và ơn của Người có muốn ‘lôi kéo’ họ, thì cũng chẳng còn được nữa. Không phải vì Thiên Chúa thiếu quyền năng, song chỉ vì tôn trọng tự do của họ,họ thì lúc ấy đã ra chai lỳ trong đàng xấu, chẳng thèm để tai nghe những ơn soi sáng và thúc giục bên trong, cũng như những lời chỉ bảo khuyên nhủ bên ngoài của những người thân hoặc có trách nhiệm. Nói cách khác, họ không cộng tác với ơn sủng nữa. Xin nhắc lại lời Thánh Aogutinô: “Thiên Chúa đã dựng nên bạn không cần có bạn (cộng tác), nhưng Thiên Chúa không thể cứu bạn nếu không có bạn (cộng tác) !”

Và đến nước ấy là hết hy vọng, dù có ai khẩn cầu giùm, có lẽ cũng chẳng được Thiên Chúa nhậm lời, như có lần Người phán bảo với dân Do Thái cứng lòng :

ĐỨC CHÚA phán với tôi (ngôn sứ Giêrêmia) : “Ngươi đừng cầu nguyện cho dân này được may lành nữa ! Chúng có ăn chay, cầu khẩn, Ta cũng chẳng thèm nghe tiếng; có dâng lễ toàn thiêu và lễ phẩm, Ta cũng chẳng tỏ lòng xót thương….” (Gr 14.11-12)

Cho dù Mô-sê và Sa-mu-en (những tôi trung và bạn thân của Chúa) có đứng trước nhan Ta (mà cầu khẩn), Ta cũng chẳng còn để lòng thương dân này nữa. Hãy xua chúng cho khuất nhan Ta.” (Gr 15.1)

***

 

Trước khi bước sang Phần thứ hai của Diễn từ Bánh Sự Sống, Đức Giêsu tóm tắt Phần thứ nhất bằng lời kêu gọi người ta tin vào Người là Bánh đem đến Sự Sống, và nhờ đó sẽ được Sống Đời Đời :

“Thật, Tôi bảo thật các ông, ai tin (Tôi) thì được sự sống đời đời. (Vì) Tôi là bánh (đem đến) sự sống.” (6.47-48).   

 Tiếp theo Người nhắc lại cho người Do Thái, và qua trung gian họ cho mọi người rằng : hãy coi gương lớp cha ông của họ, để đừng bám víu hay trông cậy vào bất cứ thứ bánh manna nào – ám chỉ những của vật chất của trần gian này – vì nó không đem đến Sự Sống:

"Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết” (c.49).

Hãy tìm Bánh đem đến Sự Sống, Bánh từ trời xuống là chính Chúa Giêsu, thì sẽ khỏi phải chết, cái chết đời đời :

“Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết." (c.50).

šš šš

 

 

 

[1]   Tiếng Việt : “từ thuở tạo thiên lập địa” ; Hy Lạp : “apo katabolês kosmou” ; La-tinh : “a constitutione mundi”; Anh : “from  the foundation of the world” ; Pháp : “depuis la fondation du monde” (BJ 2 ; TOB).

[2]     Thời kỳ những trang sách Sáng Thế tối cổ này ra đời (khoảng 2500 năm trước đây), chưa có khoa học, chưa có máy móc tối tân, chưa có viễn vọng kính vĩ đại…, để khám phá vũ trụ mênh mông bao la, gồm hàng tỷ những giải thiên hà khổng lồ (Galaxies), các tác giả Thánh Kinh chỉ biết có trái đất và trên trái đất là cái vòm trời có gắn những cái đèn : mặt trời là đèn soi ban ngày, mặt trăng và các tinh tú soi ban đêm… Ngày nay ta phải hiểu đó là vũ trụ …

[3]      Nói Thiên Chúa “xuống” là nói theo cách nhân loại, chứ Thiên Chúa đâu cần phải di chuyển như chúng ta, Người “ở khắp mọi nơi”, và Người muốn tỏ mình ra ở đâu là Người liền ở đó ngay.

[4]     Thay vì “Người sẽ cư ngụ…” cha Thuấn dịch sát bản gốc Hy Lạp “skênêôsei” : “Người sẽ dựng trướng” (= cắm lều ở với họ).

[5]  “Tin sao thì nguyện vậy” : “LEX ORANDI, LEX CREDENDI”.

[6]      Khi nào chúng ta đến tuổi già, gần đất xa trời, trước mắt đã thấy lởn vởn cái chết, mà nhớ đến lời Chúa Giêsu nói đây, ta sẽ rất được an ủi! Cám ơn Tin Mừng Gioan, đã ghi lại những lời Chúa nói thân thương, âu yếm như vậy. Ở đây, chúng ta không bị đe dọa bởi cảnh tòa phán xét… hay đối mặt với sự thịnh nộ của Thiên Chúa ! Chúng ta nên học thuộc lòng câu này, nó sẽ là niềm an ủi và khích lệ khi cần.

 

[7]    Từ cổ chí kim, mọi người nọi nơi, cách riêng Trung Quốc và Việt Nam, qua chuyện Lưu - Nguyễn lạc vào Thiên thai, hay Từ Thức được lên cõi tiên sánh duyên với nàng tiên Giáng Hương, người ta hằng mơ tưởng một cõi Thiên Thai, một cõi Bồng Lai tiên cảnh toàn những thần tiên và hưởng đủ mọi sự sung sướng khoái lạc, không còn phải lao động nhọc nhằn, không còn đói khát, đau khổ, chiến tranh loạn lạc, ghen ghét, hận thù… Nhưng tất cả những chuyện đó chỉ là mơ ước… Còn chúng ta, chính Thiên Chúa đã xuống trần mặc xác thịt làm người, để không những hứa cho ta, mà còn giúp cho ta những phương thế, để lên cõi Thiên Đàng hạnh phúc vô biên có thật mà chúng ta bàn ở đây, nhờ nghe tả trong Thánh kinh, cách riêng trong sách Khải huyền chương 21. – 22. Đoạn nêu trên (21.1-4) chỉ là khúc đầu.

[8]    Nên biết rằng Thánh Phaolô viết thư này vào thời đầu hết của Tân Ước (khoảng năm 50 sau Công Nguyên tức là sau Chúa Giêsu Tử nạn, Phục sinh và Thăng Thiên khoảng 15 năm thôi), cho nên tư tưởng của ông về cánh-chung tận cùng (lúc Chúa Quang Lâm thời tận thế) vẫn phải diễn tả theo loại văn chương khải huyền mơ hồ, huyền bí của người Do Thái  “được đem đi trên đám mây”… “nghênh đón Chúa trên không trung.” Ở đoạn thư đây, điều chúng ta cần biết là ông đã nói được điểm quan trọng này : “chúng ta sẽ được ở với Chúa mãi mãi !”

Đến Thánh Gioan (khi ông bị đày ở đảo Pat-mô vào cuối thế kỷ I), ông không như Phaolô chỉ diễn tả nhưng đã được thị kiến về Cõi Trời Mới Đất Mới, nơi mà nhân loại được cứu chuộc sẽ ở vĩnh viễn với Thiên Chúa mình, và ông đã mô tả ra trong sách Khải huyền ch.21-22.

[9]      Khoa thiên văn học cũng cho biết : khởi phát từ vụ Nổ Lớn “Big Bang” cách đây khoảng 14 tỷ năm, tới nay vũ trụ phát triển và cứ “giãn nở” ra mãi hầu như vô tận, thành hàng trăm tỷ thiên hà (Galaxies), mỗi thiên hà lại gồm hàng trăm triệu ngôi sao, trong đó nếu có ngôi sao nào, hay thiên hà nào bị tiêu diệt hay cháy hết năng lượng mà chết đi - (mặt trời và có lẽ cả giải Ngân hà của chúng ta sẽ chịu số phận như vậy vào khoảng 3-4 tỷ năm nữa) - thì những ngôi sao mới, thiên hà mới lại hình thành… Vì không biết đến những lời Thánh kinh nêu trên, các nhà khoa học đã nêu giả thuyết : Nếu vũ trụ có khởi đầu thì cũng có thể có chấm hết chăng? (Mời xem các buổi phát hình về khoa học của Kênh Truyền hình Discovery : “How the universe works ?”).

[10]   “Đổi mới”/ “biến đổi”, hay “phục sinh”, “nhận được một thân xác biến hình”…: những cách nói ấy đều đồng nghĩa, song tùy mạch văn mà sử dụng.

[11]    Nước ấy hiện tại là ở trần gian do Chúa Giêsu thiết lập, tuy còn bất toàn, và sau này sẽ là Nước Thiên Chúa hoàn hảo trên trời.

[12]     “Trái đất” – chứ không phải “vũ trụ” – sẽ có ngày chấm dứt do cái chết của mặt trời khi cháy hết năng lượng của nó, hay do Giải Ngân Hà của chúng ta bị nuốt chửng bởi một Thiên hà lớn hơn, vào khoảng vài ba tỷ năm nữa, theo dự tính của khoa học. Đó thật là tận thế ! Trừ phi loài người tìm được phương thế nào để di tản khỏi thái dương hệ hay giải Ngân Hà hiện nay để sống còn ? Đó là một chuyện không tưởng ! Dù thế nào, lịch sử nhân loại sẽ phải kết thúc, loài người sẽ có ngày phải chấm dứt cuộc sống thế trần, mà bước vào cuộc sống đời sau.

[13]   Trong Cựu Ước, trước nạn dân chúng thờ bái tà thần ngẫu tượng, Thiên Chúa cũng đã tuyên bố :

Chính Ta, chính Ta đây là ĐỨC CHÚA,

ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ.” (Is 43.11)

“Ngoài Ta ra, không có thần nào nữa,
chẳng có thần công minh cứu độ, ngoại trừ Ta.” (Is 45.21)

back to top
Filters