News Filters

PHẦN II: ĐỨC MẸ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG TA *** Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR

27 Tháng Năm 2021

PHẦN II

ĐỨC MẸ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG TA

 

I-    ĐỜI SỐNG TA PHẢI PHÁT TRIỂN.

II-   ĐỨC MẸ ĐẤNG ĐẦU TIÊN THỪA HÀNH

       BAN ƠN THÁNH.

  • Đ.MARIA CHUYỂN CẦU CHO TA.
  • ĐỨC MẸ HÀNH ĐỘNG TRÊN TA.

V-   ĐỨC MẸ HIỆN DIỆN TRONG ĐỜI SỐNG TA.

 

 

-I-  

ĐỜI SỐNG TA PHẢI PHÁT TRIỂN

Tất cả mọi đời sống đều mạnh mẽ hướng đến phát triển và nảy nở: Luật của con trẻ là phải đạt đến tuổi thành nhân. Đời sống thiêng liêng cũng vậy: phải phát triển. Đã hẳn, Thiên Chúa đã có thể ấn định rằng: Như các Thiên thần, chúng ta quyết định về cuộc sống đời đời của ta bằng một hành vi của ý chí, một lần xong tất. Nhưng vì chúng ta không phải thiên thần, không phải hồn thiêng thuần túy, nhưng còn có thể xác nặng nề chậm chạp, nên Thiên Chúa muốn ta có cơ hội phát triển: Người cho ta thời giờ và phương tiện.

Ơn thánh ta nhận tại giếng Rửa tội là khởi điểm. Thánh-Kinh nói: “Đường đi của người công chính như ánh sáng rạng dần dần cho tới chính ngọ.” (Châm ngôn 4.18). Thánh Phaolô cũng thường lập lại chân lý này bằng nhiều cách, ông nói cho ta biết phải lớn lên trong ơn thánh và “đạt tới tuổi thành-nhân của Đức Kitô” thế nào: “… Xây dựng thân mình Đức Kitô, cho đến khi chúng ta hết thảy đạt thấu sự duy nhất trong kính tin và am tường về Con Thiên Chúa mà nên người thành toàn…”(Ep 4.13)

Đức Mẹ giúp ta lớn lên trong Chúa Kitô. Người là Mẹ, Người không chỉ ban sự sống cho con, còn trông nom sự lớn lên của con và còn muốn làm cho nó nên hoàn hảo. Sự phát-triển siêu-nhiên đòi mỗi lúc những năng-lực mới và ơn thánh kịp thời cho mỗi giây phút, nếu không chúng ta dừng lại ngay. Đức Mẹ ban các ơn đó cho ta, tất cả những ơn ta cần cho mỗi hoàn cảnh của đời sống, cho mọi khó khăn, cho mọi tiến bộ có thể được thực hiện.

Đến ngay cả Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các môn đệ và ban các ơn trọng đại mà cũng là nhờ lời cầu của Đ.Maria mà được (x. Cv 1.14; 2.1-4). Đó là mẫu mực về những gì sẽ xảy ra cho đến tận thế: thật vậy, từ đó về sau, sẽ cứ mãi mãi như vậy. Thánh Bê-na-đi-nô Siên-na nói: “Đức Mẹ đã nhận được một thứ thẩm quyền, có thể nói là một quyền hành trên tất cả những gì Chúa Thánh Thần muốn ban cho ta.”

Đã hẳn sự phân-phối ơn sủng thuộc quyền riêng vị Trung gian độc nhất, là Chúa Kitô. Duy mình Thiên Chúa có thể phát sinh ơn sủng trong linh hồn. Thánh Tô-ma nói: “Chỉ có thần tính có thể thần hóa.”[1] Nhưng Thiên Chúa muốn rằng bởi sự kết hợp chặt-chẽ của Chúa Kitô và Mẹ Ngài trong công cuộc Cứu Chuộc, thì hai Đấng cũng kết hợp trong việc phân-phối ơn sủng. Thiên Chúa có thể một mình ban phát ơn sủng: song Người đã ưng ban phát nhờ và qua Đ.Maria.

-II-

ĐỨC MARIA, ĐẤNG ĐẦU TIÊN THỪA HÀNH
VIỆC BAN ƠN THÁNH

“Tất cả những gì cuộc Tử Nạn Chúa Kitô đã lập công cho ta theo lẽ công bằng, thì sự Thông Phần Đau Đớn của Đ.Maria cũng đã lập công cho ta theo tình thân hữu. Nay Đức Mẹ phân phát cho ta những ơn sủng đã lập công được bởi biết bao đớn đau lớn lao. Sau khi đã cộng tác vào công cuộc Cứu Chuộc nhân loại, Mẹ lại đem sự cộng tác ấy vào việc phân phát ơn sủng từ thập giá luôn tuôn trào ra, với một quyền hành cao cả hầu như vô hạn mà Người đã được phong để làm.”[2]

Chúa Kitô đã chặt chẽ kết hợp Mẹ với toàn cả mầu-nhiệm của Ngài: Cứ xem, để có thể thực-hiện việc Nhập-thể, cần có sự ưng-thuận tự-do của Mẹ, vì thật là một điều rất cần cho nhân-loại là Đ.Maria cũng phải muốn phần rỗi họ[3]. Ở núi Sọ, Mẹ đã đau khổ cùng với Con để mưu phần rỗi cho ta. Nếu bây giờ Người không được phân-phát các hiệu quả - vốn là những ơn sủng thánh hóa - của các mầu-nhiệm ấy, thì sao có sự công bằng? Thiên Chúa không bất công như vậy đâu!

“Khi Thiên Chúa đã muốn ban Chúa Giêsu Kitô cho ta nhờ Đức Mẹ, đường lối ấy sẽ mãi không thay đổi. Thiên Chúa không bao giờ lấy lại các ân huệ Người đã ban (x. Rm. 11.29). Một điều thật và sẽ luôn mãi thật là: một khi ta đã nhận bởi Mẹ Nguồn mạch phổ quát các ơn sủng - là Chúa Giêsu bởi Mẹ sinh ra - thì nhờ Người chuyển giao, ta sẽ còn nhận mãi các ơn sủng từ nguồn mạch ấy mà đem ứng dụng vào mọi tình huống đổi thay của đời sống Kitô hữu chúng ta.

“Lòng yêu thương của Mẹ đã cộng tác vào sự cứu rỗi của ta bao nhiêu trong mầu-nhiệm Nhập thể, Mẹ cũng sẽ cộng tác luôn mãi bấy nhiêu trong tất cả những mầu nhiệm khác, vốn chỉ là những mầu nhiệm tùy thuộc mầu nhiệm trên.”[4]

Ngày nay từ trời, Chúa Kitô áp dụng cho ta những công nghiệp của đau khổ Ngài. Ngài là Trạng sư và “hằng biện hộ cho ta trước tòa Thiên Chúa” như lời Thánh Phaolô nói (x. Hr 7.25; 9.24), Đ.Maria cũng thế: dưới đất Đ.Maria đã hợp công cứu chuộc ta; trên trời, Người là Nữ Trạng-sư, liên lỉ bầu cử cho ta. Mọi ơn do Con của Người và Người lập công được, Người xin Thiên Chúa để chúng được ban xuống cho ta. Người đã giữ vai trò nào trong mầu nhiệm Nhập-thể và Cứu Chuộc, Người cũng giữ vai trò ấy trong mầu-nhiệm ban ân sủng thánh hóa.

Thánh Phaolô viết về Chúa Kitô: “Ngài sống luôn mãi để chuyển cầu cho ta… Ta có một vị Thượng-tế…, đã lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa oai nghi trên trời… Ngài thừa hành một thánh vụ… cao cả hơn vì Giao Ước mà Ngài là Trung gian hoàn hảo hơn.” (Hr. 7.25; 8.1-2,6).

Ta hãy đem những đoạn Kinh Thánh lớn lao nói về Chúa Kitô ấy ứng dụng cho Đ.Maria, nhưng với những châm chước cần thiết. Dám nói: Mẹ cũng “ngồi bên” Thiên Chúa để chuyển cầu cho ta, chuyển cầu tức là thi hành chức vụ trung gian. Mà theo nguyên tắc làm trung gian vốn là chức vụ của tư tế. Cho nên Đức Giáo Trưởng Piô X mới nói: “Người là thừa tác viên ban ơn sủng.” [5]

Tuy chức Thánh Mẫu Thiên Chúa mà Thiên Chúa đã phong cho Mẹ – xét về phẩm giá – là chức cao trọng hơn chức tư tế. Nhưng Mẹ không thi hành chức cao trọng ấy theo cách thông phần vào chức tư tế của Chúa Kitô như các linh mục. Mẹ Maria luôn vẫn là “người trợ tá” vị Thượng tế vĩnh cửu vốn là Đấng Trung gian phổ quát, và với tư cách ấy, Mẹ phân phát sự sống Thiên Chúa cho các kẻ Chúa Giêsu đã Cứu Chuộc.

Nếu không thế, Người có còn là Mẹ không? Thật Đ.Maria là Mẹ, Người là Mẹ trọn vẹn. Mẹ đã sinh ta ra trong đau khổ vô biên, không phải để rồi bỏ ta. Người muốn chu toàn tất cả chức năng của một bà mẹ: nuôi nấng, phát triển và làm nẩy nở đời sống của con cái Người, và làm nên những chi thể Chúa Giêsu. Tất cả phần rỗi ta do từ Mẹ đến.

“Khi Chúa Giêsu trên thập giá nói với Gioan và qua vị tông-đồ ấy nói với cả Hội-Thánh: “Đây là Mẹ con” (Ga 19.25), Ngài đã lập Mẹ làm Đấng quản trị tất cả Hội-Thánh. Như thể Ngài nói: Không ai có thể được cứu rỗi, nếu không nhờ công nghiệp của thập giá và sự chết của Ta; cũng vậy, không ai có thể thông phần vào Mình Máu Ta, nếu không  nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Ta. Chỉ kẻ nào có Đ.Maria làm Mẹ mới là con cái của các đau khổ Ta. Các thương tích của Ta đã nên nguồn mạch vĩnh-cửu của ơn sủng luôn luôn mở ngỏ, nhưng chỉ chảy qua máng thông của Đ.Maria. Ai không yêu Đ.Maria như Mẹ mình, cầu khẩn Chúa Cha vô hiệu…”[6]

 

-III-

ĐỨC MARIA CHUYỂN CẦU

CHO TA

          Lòng hiếu thảo của chúng ta được thỏa mãn chính đáng, khi nhận thức được cách rõ ràng:

Mẹ Maria phân phát sự sống Thiên Chúa,

rồi sau đó: -Mẹ Maria chuyển cầu cho ta,

 -và Mẹ Maria hành động trên ta.

  1. Lời cầu sáng suốt của người Mẹ

Trên trời, trong khi chiêm ngắm Đấng Lời, các thánh được biết tất cả những gì đang xảy ra ở dưới trần có liên can đến các ngài, nguyên do tại sứ-mệnh các ngài đã chu toàn ở đây. Đó cũng là điều làm cho hạnh phúc các ngài được trọn vẹn. Cha mẹ biết về ơn kêu gọi, về nguy hiểm và nhu cầu của con cái, và có thể ra tay trợ giúp chúng. Đó là một sự biết kịp thời mà điểm hoàn bị là tùy trình độ hưởng phúc của các ngài. Điều nói đây thuộc về đạo lý ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: tôi tin “Các thánh thông công.”

Đức Mẹ hiểu biết hoàn toàn về tất cả những gì liên can đến những kẻ được cứu chuộc, con cái Mẹ. Làm sao có thể thi hành chức vụ làm Mẹ thực sự, nếu Người không hiểu biết tường tận về ơn kêu gọi và các nhu cầu của ta? Toàn cả bản thân Người phải là dành để lo cho ta, tất cả cũng như từng người.

Một phần, Mẹ thấu suốt ta bởi trực giác kỳ diệu của người mẹ. Nhưng nhất là bởi Người nhìn thấy ta trong Đấng Lời Thiên-Chúa. Người biết ta một cách hầu như Thiên Chúa biết ta. Người phân biệt chúng ta mỗi người riêng, như một Chủ Chiên nhân lành nhận biết mỗi con chiên theo tên nó. Đừng ngạc nhiên: Sự hiểu biết của Người được đo theo mực thước đời đời. Người biết ơn kêu gọi của riêng tôi, ý định Thiên Chúa trên tôi, sự hoàn thiện tôi phải thực hiện, vinh quang tôi phải đạt tới.

Người biết cả câu chuyện đời tôi, các lỡ lầm, các nguy hiểm hiện tại và các ơn tôi cần, hôm nay, ngay lúc này, để được bền tâm tiến bước. Là người cộng tác trong công việc thánh hóa, Mẹ được Thiên Chúa thông ban cho ý tưởng của Người về các kẻ được cứu chuộc. Như một người mẹ thường làm, Đức Mẹ hết sức quan tâm đến vận mạng con cái, cách riêng phần rỗi của họ, vì họ là con cái của các nỗi đau khổ Người. Người sẽ ra như thiếu một cái gì trong hạnh phúc, nếu Người không thể coi sóc đến đời sống siêu nhiên của con cái.

Do được kết hợp hoàn toàn với Thiên Chúa, nên Người hiểu biết cực kỳ chính xác về tình yêu của ta, các nguyện vọng, các yếu hèn, cả các nhu cầu còn kín ẩn ngay cả đối với ta. Trên trần, các bà mẹ chẳng thường có tài đoán biết về các con cái của họ đó sao? Thường nghe các bà nói với con cái : “Mẹ đẻ con ra, thì sao lại không biết những gì nơi con?” Bí mật của ơn kêu gọi riêng của tôi, tôi không biết, Đức Mẹ biết tường tận để giúp tôi thực hiện.

Êm ái biết mấy khi nghĩ rằng Mẹ thường cầu xin để ta được những cái ta cần mà chính ta cũng không biết! Mù mịt về chính mình: đó là một trong những sự nghèo nàn của ta. Nhưng mắt của Người Mẹ thấu suốt hết. Đ.Maria nhìn thấy hết bởi chiêm ngắm Thiên Chúa, nói cách khác, Người nhìn thấy hết trong ánh sáng của Thiên Chúa. Nhiều lần dù không được khẩn cầu, Người chuyển cầu cho ta, cảm động vì nỗi đau khổ thầm kín của ta.

“Các con cái E-và lưu đày kêu đến Mẹ, lạy Mẹ đầy lòng thương xót, Mẹ của những kẻ khốn nạn. Các cực khổ của chúng con kêu lên Mẹ. Các cực khổ chúng con cũng có tiếng kêu. Thung lũng trần gian này vang lên lời kêu đầy nước mắt, đến nỗi nếu người ta không kêu, nỗi cực khổ ấy cũng kêu đến Mẹ. Nó không thể im lặng trước mặt Mẹ, và Mẹ cũng không thể không nghe vì Mẹ là Mẹ đầy thương xót.”[7]

  1. b) Lời cầu của lòng Mẹ yêu thương

 Nhưng nhất là vì Mẹ yêu ta.

“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4.8,16). Chúa Kitô đã cứu ta vì yêu: “Ngài đã yêu tôi và đã phó nộp mình vì tôi” (Gal 3.20), Đ.Maria cũng thế. Người đã bị lôi kéo bởi sức lôi kéo của tình yêu, và tình âu yếm hiền mẫu Người đã đem Người đến chỗ hy sinh Con mình để chịu chết vì ta.

Có cần gì phải nhấn mạnh về điều đó nữa? Nếu có một thực tại nào mà tín hữu bám chặt đến cùng, chính là thực tại của tình âu yếm khôn tả của Đ.Maria đối với nhân loại. Người yêu ta như người Mẹ, và nhất là một người Mẹ đã đau khổ nhiều vì ta: chúng ta là những đứa con đã làm Mẹ phải chịu một cuộc đau khổ khôn tả.

Người yêu ta với một tình yêu chân thật: Người muốn giải thoát ta khỏi các sự dữ, các nỗi khốn cực của ta, đem ta ra khỏi các nhục nhã, giáo dục ta như một người mẹ thường làm, kéo ta đến Thiên-Chúa, và đổ tràn lên ta sự sống. Nếu trong các kẻ thuộc về Người, có ai nhỏ bé, Người sẽ đến với họ, và Người sẽ động lòng thương xót họ, và tình lân ái Người tăng sức hoạt-động.

Hành động như thế thật ra là Người yêu Chúa Giêsu trong ta vì ta là chi thể của Thánh Tử Người. Người yêu kẻ ngay chính đang kết hợp với Chúa Giêsu. Người yêu kẻ tội lỗi để kết hiệp họ với Chúa Giêsu. Công việc chính của Người là thụ thai và nắn đúc Nhiệm Thể. Tình âu yếm mà Mẹ dâng cho Chúa Kitô, Mẹ tiếp tục đổ tuôn xuống trên các chi thể Chúa: Đã có ai thấy bao giờ một tình yêu và chức làm mẹ như thế chưa?

Phúc lạc Mẹ trên trời không làm Mẹ nhạt tình yêu thương, trái lại tăng thêm nồng nàn. Nguyện vọng cứu vớt những kẻ mà Chúa Giêsu đã chịu chết cho, và nguyện vọng thấy gia đình Thiên Chúa phát triển trong sự thánh thiện là nguyện vọng to tát xiết bao của Mẹ.

Tình yêu của Mẹ làm cho lời cầu nguyện Mẹ thêm nóng nảy.

Thánh Tô-ma nói: “Lời cầu nguyện cho tha nhân phát xuất từ lòng bác ái.” Trên trời, vì các thánh có một lòng bác ái hoàn hảo hơn, nên cầu nguyện nhiều hơn cho những người còn sống dưới thế, và giúp đỡ họ bằng các lời cầu nguyện ấy. Các ngài càng kết hợp với Thiên Chúa bao nhiêu, lời cầu nguyện các ngài càng hiệu nghiệm bấy nhiêu. Thiên Chúa ấn định rằng: sự cao quyền lớn thế của người ở trên cũng tràn xuống kẻ ở dưới. Vì thế, Thánh Phaolô nói về Chúa Kitô: “Ngài ở gần Thiên Chúa… để bầu cử cho ta” (Hr. 7.25). Đức Mẹ cũng ở gần Ngài, kết hợp với Ngài như xưa bên máng cỏ và bên thập giá, thi hành chức vụ làm mẹ trong tình âu yếm.

  1. c) Lời cầu rất quyền thế

Xét theo điều nói trên, người ta có thể đoán biết được thế lực lời cầu bầu của Đức Mẹ. Đã từ bao đời, truyền thống Kitô giáo đã xưng Mẹ là: “Đấng cầu khẩn quyền thế vô biên.”[8] Tất cả những gì Thiên Chúa có thể làm bởi ý muốn, Đ.Maria cũng có thể bởi lời cầu xin. Tước hiệu là Mẹ và Trung gian môi giới đã ban cho Người một quyền hành vô giới hạn bên Thiên-Chúa. Thánh Gio-an Đa-ma-xê-nô thưa với Mẹ: “Lời bầu cử của Mẹ không bao giờ bị Chúa loại bỏ, Chúa không từ chối gì khi Mẹ xin, vì Mẹ ở gần Thiên Chúa Ba Ngôi đáng thờ lạy đến như thế!”[9]

Thánh Tô-ma cho biết lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trước Chúa Cha là như thế này:Ngài chuyển cầu cho ta bằng cách giãi bày ra trước Cha Nhân tính Ngài đã nhận lấy vì ta, và tỏ bày nguyện vọng của linh hồn cực thánh Ngài mong muốn phần rỗi ta.”[10]

Không những thế, Ngài còn giơ ra cho Cha thấy những lỗ đinh trên tay chân và vết đâm thủng cạnh sườn nay Ngài còn mang trên thân mình vinh hiển, mà Ngài đã phải chịu vì vâng theo ý Cha và vì thương nhân loại. Đức Mẹ cũng vậy: là Mẹ Thiên-Chúa và Đấng cộng sự của Chúa Cứu Chuộc, Người nhắc đến các “mũi gươm” đâm thâu hồn” mà ông già Simê-on đã nói, những đau khổ và lòng yêu thương của Người, đau khổ và yêu thương liên kết mật thiết biết bao với đau khổ và yêu thương của Thánh Tử Mẹ.

Chỉ có thể đo thế lực lời cầu nguyện của Mẹ bởi công phúc và thánh thiện của Mẹ. Thế lực ấy vượt rất xa lời cầu của các Thánh. Thánh An-sen-mô[11] nói:  “Những gì các thánh hợp cùng Mẹ mà có thể làm được thì một mình Mẹ cũng có thể. Nếu Mẹ giữ thinh lặng, không ai sẽ cầu xin cho chúng con. Nhưng xin Mẹ hãy cầu nguyện, lúc ấy người khác sẽ cầu nguyện và giúp chúng con.”[12]

Thánh nữ Giec-tru-đê được Chúa cho xem thấy trong một thị kiến đẹp đẽ, sức mạnh lời cầu của Đ.Maria. “Trong lúc dân chúng còn hát câu: “Xin cầu cho dân Chúa”, Nữ-Vương các Trinh Nữ tiến đến (trước ngai Chúa), quỳ gối cách cung kính, và đặt mình như trung gian giữa Thiên Chúa và giáo đoàn, Mẹ cầu xin rất sốt sắng cho mỗi người.

“Nhưng Vua trên hết các vua, Con của Mẹ, đã nâng Người dậy với điệu bộ kính cẩn, và sau khi đặt Mẹ ngự trên ngai vinh quang cạnh Ngài, Ngài ban cho Mẹ quyền thế vô hạn để truyền khiến như ý muốn”.[13]

Tất cả những gì chúng ta được là nhờ lời cầu nguyện rất thần thế ấy. Tất cả những gì cần thiết cho ta về đời sống siêu nhiên:

  1. a) để được vào đời sống ấy là ơn thánh hóa;
  2. b) để giữ gìn ta trong đó và làm ta tiến bộ là các ơn hiện sủng (ơn kịp thời);
  3. c) để chống trả cám dỗ là các đức thiên phú, các ân tứ của Chúa Thánh Thần, các sự cứu giúp cách riêng…

Nói tóm tất cả những ơn huệ Thiên Chúa ban nhằm giúp phần rỗi ta, tất cả, phải tất cả đều bởi Đ.Maria mà ta được. Ta không thể tiến một bước mà không nhờ ảnh hưởng Người. Tất cả tiến bộ siêu nhiên là tùy thuộc quyền Người, vì chính nhờ ơn sủng Người phân phát mà ta tiến. Chính Người lãnh đạo sự đào luyện và tăng tiến của Nhiệm Thể Chúa Kitô, sự gầy tạo Hội-Thánh và các thánh. Vì Chúa Giêsu là hạt cải nhỏ đang lớn lên trong Hội-Thánh; và chính Đ.Maria chăm nom cho lớn lên, như đã chăm nom cho thân thể Chúa Giêsu lớn lên trong những ngày sống ở Bê-Lem và Na-da-rét.

Chúng ta luôn sống dưới ảnh hưởng Đ.Maria, dù ta nghĩ đến đó hay không. Sự trung gian của Chúa Cứu Chuộc chiếu lý là độc nhất cần thiết. Nhưng vì Quan phòng Thiên Chúa đã ưng liên kết sự trung gian của Đ.Maria với sự trung gian phổ quát của Thánh Tử Người mật thiết đến mức đã chỉ ban bất kỳ ơn sủng nào đều qua tay Maria, nên thực tế, sự trung gian môi giới của Đ.Maria đã trở nên cần thiết cho ta.

Thánh An-bê-tô cả nói: “Mẹ phân phát mọi của cải cho mọi người”; Thánh Bê-na-đi-nô Siên-na nói: “Đây là kế hoạch ban các ơn sủng xuống cho nhân loại: Thiên Chúa là Nguồn phổ quát của ơn sủng; Chúa Kitô là vị Trung Gian phổ quát, Đ.Maria là Đấng phân phát phổ quát. Đức Nữ-Trinh là “cổ bí nhiệm” của Đầu là Thiên-Chúa. Chính bởi cơ quan ấy mà các ơn trên trời đã được thông xuống thân thể.”[14]

Theo lời quả quyết của một vị tông đồ cả của Đức Mẹ thì: “Chúa Thánh Thần đã thông truyền cho Đ.Maria, Hiền Thê trăm năm trung tín của Ngài, các nhiệm ơn tuyệt diệu khôn tả, đã chọn Mẹ làm Đấng ban phát tất cả những gì Ngài có: đến nỗi Mẹ có thể phân phát tất cả các ơn huệ và nhiệm ơn ấy cho ai tùy ý, ngần nào, cách nào và bao lâu tùy ý Mẹ. Bởi đó không có ơn huệ thiên quốc nào không qua tay trinh khiết của Người. Vì đó là ý Thiên Chúa, Người muốn chúng ta được gì cũng nhờ Đ.Maria.”[15]

Tùy thuộc Đ.Maria và tình yêu Mẹ luôn mãi như thế: đó là một lý-do cho ta mạnh mẽ trông cậy và vui mừng.

Thánh nữ An-gien đơ Phô-lin-nhô kể lại: “Khi tôi chẳng nghĩ gì đến thì tôi lại ngất trí và thấy Đức Trinh Nữ trong vinh quang. Một phụ nữ mà được đặt lên ngai và trong oai nghi như vậy ư? Cảm nghĩ đó làm cho lòng tôi tràn ngập vui mừng khôn tả… Mẹ đang đứng cầu nguyện cho nhân loại: tư cách do lòng nhân hậu và tư cách do quyền lực mà có đã đem đến cho lời cầu của Người những thế lực khôn tả. Tôi ngây ngất hạnh phúc khi thấy lời cầu nguyện ấy.”[16]

Đức Mẹ nói với Thánh nữ Vê-rô-ni-ca: “Mẹ là người trợ tá tình yêu vĩnh cửu, là Đấng gìn giữ và là Bà chủ của hồn con: nhờ Mẹ, con sẽ biết yêu mến.”[17]

 

-IV-

ĐỨC MẸ HÀNH ĐỘNG TRÊN CHÚNG TA

Khi chủ trương: tất cả mọi ơn sủng đến với ta phải qua Đ.Maria là có ý muốn nói gì? Không phải ơn sủng ra như thể một món quà tặng, từ Thiên Chúa chuyển qua tay Mẹ đến với ta. Ta đừng tưởng tượng ơn sủng theo kiểu vật chất như thế. Đã đành, đôi khi phải ví như vậy để nói cho dễ hiểu. Thực ra, ơn sủng là một phẩm tính được phát sinh trong hồn ta. Và chính Đ.Maria nhận được từ Thiên Chúa ban quyền lực tác động ơn sủng trong ta bởi phép Chúa Thánh Thần.

Thực ra, đây cũng là việc Đ.Maria chuyển cầu cho ta. Đó là một quyền lực vô hạn trên ta mà Thiên Chúa ban cho Mẹ. Đó là Mẹ thi hành tích-cực quyền bầu chủ hiền mẫu của Người. Thi hào Đan-tê nói:  “Ôi lạy Nữ-Vương, Người là Đấng có thể làm những gì Người muốn.”

Trước nhan thánh Ba Ngôi Thiên Chúa, lời cầu ấy là một biểu lộ sự tùy thuộc và kết hợp của ý muốn của Mẹ với ý muốn Thiên-Chúa. Còn trên ta, lời cầu đó là dấu của quyền lực hiền mẫu và dấu kiến hiệu về ơn sủng. Khi chuyển cầu cho ta, Đức Mẹ phát sinh ơn sủng trong ta. Lời cầu của Người là một hành động phát sinh sự sống. Khi Người cầu xin, là Người làm cho người ta nên thánh.

Xem thế đủ biết, ảnh hưởng ấy của Đức Mẹ có một tính cách đặc biệt. Là một lời cầu, song là lời cầu kiến hiệu siêu vời. Lời cầu đã trở nên một quyền lực thi thố để mở mang Nước Thiên-Chúa. Lời cầu luôn liên kết với ý Thiên-Chúa. Đ.Maria là người trợ tá của Chúa Kitô: như Ngài và cùng với Ngài, Mẹ hoạt động trên các tín hữu không ngừng.

“Ngày Truyền tin, trong Mẹ và bởi hành động tích cực của Mẹ, Nhân tính Đức Giêsu đã được gầy tạo. Cũng trong Mẹ và với cộng tác hoạt động của Mẹ, Chúa Thánh Thần gầy tạo các chi thể của thân mình Chúa Giêsu. Thánh Thần, tuy vốn là Thiên-Chúa, không sinh sản gì trong Thiên Chúa [18], song đã nên phong phú sản lực bởi Đ.Maria, mà Ngài đã nhận làm Hiền thê. Với Mẹ, trong Mẹ và bởi Mẹ, Ngài đã tác tạo cái kiệt tác là một Thiên-Chúa-làm-người, thì  Ngài sẽ còn với Mẹ, trong Mẹ và bởi Mẹ sinh ra mọi ngày cho đến tận thế, các kẻ tiền định và là chi thể của Thân Mình Chúa Giêsu, vị Thủ Lãnh đáng thờ lạy.

“Vì thế, càng thấy Đ.Maria, Hiền thê yêu dấu và kết hợp bất khả phân ly với Ngài hiện diện trong một tâm hồn nào, Ngài càng tác động và phát huy thần lực để trổ sinh Chúa Giêsu Kitô trong hồn ấy và linh hồn ấy trong Chúa Giêsu Kitô.”[19]

Hành động của Đ.Maria như thế là những việc gì? Bạn hãy nghĩ đến những gì Người đã làm cho Giêsu lúc sinh thời: đã thụ thai, đã chăm chút săn sóc cho Ngài lớn lên, đã dâng Ngài cho Thiên Chúa và đã trình bày Ngài ra cho người thế, đã trợ tá Ngài trong việc tế hiến. Vậy thì các điều ấy, Mẹ cũng làm cho các chi thể của Nhiệm-Thể Chúa Kitô. Tất cả những mầu nhiệm của Người: Cuộc Nhập thể của Chúa Giêsu, việc Mẹ đi thăm viếng, dâng Con trong đền thánh, sự đồng thống khổ v.v… vẫn tiếp tục được lặp lại mỗi ngày hầu mưu ích cho chúng ta: để đào tạo chúng ta thành những chi thể thánh thiện của Chúa Kitô.

Để biết hoạt-động của Người có ảnh hưởng thâm sâu bao nhiêu, ta hãy nhớ Người là Mẹ: Người thụ thai ta khi thụ thai Ngôi Hai, vì thụ thai Ngài là Đầu thì không thể nào không cùng một lúc thụ thai thân mình và các chi thể của Ngài là chúng ta. Ta hãy xem: Bào thai trong lòng người mẹ là gì, nếu không phải tất cả sức sống của nó là do mẹ nó mà có? Tất cả bởi mẹ mà có, nó sống là nhờ mẹ. Các tác động đó có tính cách mẫu tử, và thực hiện trong kín đáo thân mật. Thì hành động của Đ.Maria cũng tác động trong thâm tâm của hồn ta một cách rất thâm sâu cẩn mật như thế.

Điều đó làm ta liên tưởng tới ảnh hưởng của phép Thánh Thể trong Hội-Thánh: Bánh thánh ấy bên ngoài có vẻ chẳng là gì, nhưng lại là nguồn mạch sự sống của Kitô giáo. Cũng như Con của Người, Đức Mẹ ẩn mình sau màn im lặng, nhưng không ngừng hoạt động bằng ảnh hưởng hoàn toàn bên trong. Đó là một luật của đời nội tâm: một ảnh hưởng càng cao, càng lớn bao nhiêu, lại càng thâm sâu bấy nhiêu. Ảnh hưởng âm-thầm của Đ.Maria là men làm ta bốc lên khỏi các tỳ ố của ta, là men làm lay chuyển hoạt động của ta.

 

-V-

ĐỨC MẸ HIỆN-DIỆN TRONG ĐỜI SỐNG TA

Điều này ai cũng biết: Đức Maria không ngừng hiện diện trong Hội-Thánh. Người hành động trong đời sống của Nhiệm-Thể. Phụng vụ áp dụng cho Người các lời của sách Châm ngôn: “Người chơi đùa trong vũ trụ trước nhan Thiên-Chúa, và vui khoái vì được ở giữa con cái loài người.” (Cn 7.30).

Nghe vậy, ta phải tự hỏi: Phần của Người trong Quan phòng Thiên Chúa là thế nào? Người quản cai loài người, cai trị toàn thể Kitô giáo và chăm nom đến các đoạn đường đời sống khác nhau và nhiều khi rất bão táp. Người cung cấp cho các nhu cầu của họ và đáp lại tiếng kêu gọi của họ. Người gầy tạo Nhiệm Thể, và đem tới đích tất cả mọi sự.

Tất cả những việc đó, theo lời Chúa Thánh Thần quả quyết, chỉ là “một việc chơi đùa” đối với Người, hoạt động bao quát ấy của Người trên tạo thành mà chỉ nghĩ đến đó ta đã thấy choáng váng, song lại không ngoài tầm sức có một không hai của Thánh Mẫu Thiên Chúa. Quyền thế vô biên của Người thi thố trong mọi giây phút bằng những tác động hoàn hảo, khác nhau vô cùng và nhiều vô kể, những tác động vừa mạnh mẽ, vừa êm dịu, để đi tới từng tâm hồn và tới toàn thể Kitô hữu mà Người đùm bọc trong tình yêu Người.

Một trong những thực tại mà Hội-Thánh đã nhận định mau chóng hơn cả, là Hội-Thánh được hướng dẫn bởi hành động vô hình và nhiễm đầy ảnh hưởng hiền mẫu của Đức Mẹ.

Người còn hiện diện với từng tâm hồn, một hiện diện thiêng liêng. Quả thật đây là một thực tại rất êm ái, ngọt ngào. Đ.Maria ở cùng chúng ta vì Người thấy ta, yêu ta, và săn sóc cho ta. Người gần ta, gần hơn vị Thiên-Thần Hộ thủ của ta, và một cách nào gần ta hơn chính ta: Người hiểu biết hoàn toàn về những đứa con của Người, Người biết ơn kêu gọi, biết các bí mật thầm kín nhất. Có một phần trong ta, ta giấu giếm với bất cứ ai, có khi cả ta cũng không rõ, nhưng Người thông suốt hết. Người có sẵn trong tay mọi phương thế để đi vào đời sống thường nhật của ta và điều khiển nó. Như thế chúng ta có biết bao sự dễ dàng để tiếp xúc với Người. Giữa Người và chúng ta, có một trao đổi thật sự về cảm nghĩ và tình yêu.

Có thể có ai đó nghĩ đến khoảng cách giữa ta và thể xác vinh hiển của Người bây giờ ở trên trời. Nhưng khoảng cách ấy nào có xá chi. Vì bởi sự hiện diện khắp nơi của Thiên Chúa mà mọi khoảng cách được lấp đầy, thì cũng nhờ quyền năng đó của Thiên Chúa, mà mọi xa cách giữa chúng ta và Mẹ trên trời được xóa bỏ. Ai cũng biết hai con người có thể ở sát cạnh nhau mà xa lạ với nhau [20], bởi vì hiện diện khởi sự bằng sự hiểu biết, và tình thân mật chỉ thể hiện khi người ta lấy trí khôn và con tim mà thông cảm nhau.

Phần chúng ta chẳng luôn kết hợp với Đ.Maria bởi cảm nghĩ và tình mến đó sao? Chúng ta nói với Người, Người nghe ta; ta kêu gọi Người đáp cứu, Người lấy ơn huệ mà đáp lại. Người tiếp xúc thường xuyên với con cái. Người thấy hết, lo liệu hết mọi sự. Người hiện diện với chúng ta, như người mẹ với đứa con mà bà đã thụ thai và cưu mang trong dạ.

Có vài vị tôi tớ Đức Mẹ đã nói đến một thứ hiện diện đặc biệt của Người trong linh hồn. Thánh Mông-Pho nói về việc ấy trong cuốn Bí mật của Mẹ Maria: “Bạn đừng buồn bã lo lắng vì bạn chưa hưởng được ngay sự hiện diện êm ái của Đức Nữ Trinh trong tâm hồn. Ơn đó đâu có phải hết mọi người đều được. đàng khác, khi nào, vì lòng thương xót lớn lao, Thiên Chúa ban ơn ấy cho một linh hồn, linh hồn ấy vẫn có thể dễ dàng đánh mất, nếu không trung thành sống trầm tĩnh luôn.” Chỗ khác thánh nhân gọi sự hiện diện ấy bằng một câu hình ảnh hơn: đó là “Chỗ ở trong tư thất của Đ.Maria”. Thánh Phi-li-phê Nê-ri-ô, Thánh I-nha-xiô, cha Ô-li-ê và nhiều vị khác đã được hưởng thường xuyên sự hiện diện đặc biệt ấy.

Sự hiện diện thiêng liêng của Đ.Maria trong các linh hồn và trong Nhiệm-thể là một trong những thực tại cao cả nhất và êm dịu nhất của đời sống Hội-Thánh.

Đã đành, sự hiện diện thiêng liêng ấy của Đ.Maria hẳn là một ơn huệ cao quí, song hình như không phải là một việc gì phi thường trong đời sống Kitô giáo, chung qui cũng chỉ là một hiện diện gây ảnh hưởng và nồng đượm tình yêu, vậy thì nó có thể trở thành một thực tại đầy êm ái trong đời sống của bạn và là khởi điểm cho những bước tiến thiêng liêng mới mẻ đấy!

Muốn hưởng được hiện diện của Mẹ Maria, chính linh hồn hãy hiện diện với Người bởi lòng tin. Linh hồn hãy tập cho có thói quen sống với Đ.Maria, hành động theo ý nguyện của Người, với lòng yêu mến, và đến cùng Thiên Chúa nhờ Người là Mẹ của mình.

 

ßßß

 

 

[1]   Somme Théologique. IIa IIae q.112, a.1

[2] Lêo XII, Thông-điệp: Adjutricem Populi, 5-9-1893.

[3] Bossuet

[4] Bossuet 3è Sermon pour la fête de la Conception. 1er point.

[5] Pie X: “Princeps gratiarum largiendarum ministra”.

- Lời nói trên đây của Đức Piô X là một kiểu dùng chữ “cách thích ứng” hơn là hiểu theo sát nghĩa đen. Không nên hiểu lầm Đức Mẹ làm “thừa tác viên” theo nghĩa Người thi hành một chức vụ thuộc trật tự Bí tích và chức thánh như các linh mục. Trong Hội-Thánh, việc trung gian của Mẹ là chuyển cầu cho ta. Vậy ta đừng hiểu sai điểm Thánh mẫu học này. Xem Dillenschneider. Marie dans l’Economie de la création rénovée. tr.306; M. J. Nicolas. Marie et l’Eglise dans le plan divin… dans: Marie et l’Eglise III. Bulletin de la société francaise, 1953, 64.

[6] Contenson, Théol. mentis et cordis, t.III. p.210. Edi. Vivès.

[7] Richard de Saint Victor, In Cant., PL. 116.457.

[8]   Omnipotentia supplex.

[9]   Hom. In Annunciatione B.M.V., PG. 96,647.

[10]   Comment. Ad. Rom. C.8, lect.4.

[11]   Nghiên cứu kỹ thì thấy lời này không phải của Thánh An-sen-mô như từ lâu vẫn tưởng. X.Dillenschneider, Marie dans l’économie de la création rénovée. Alsatia. Paris 1957, tr. 247.

[12]    Orat.49 ad B.M.V., PL. 158. col. 9.

[13]     Le héraut de l’amour divin, liv. IV, ch. IX.

[14]    Sermo X. in Quadr.

[15]    St G. Monfort: Traité de la vraie dévotion. Ière partie. ch. I.

[16]    Le livre des visions ch. XLIV. Trad. Hello.

[17]  Désiré des Planches: Le journal de Ste. Véronique Giuliani, p.259.

[18]   Có ý nói là không “nhiệm sinh” một vị Thiên Chúa nào, như Chúa Cha “nhiệm sinh” ra Chúa Con, và Hai Đấng “nhiệm xuất” ra Chúa Thánh Thần.

[19] St Grignion de Monfort: Vraie dévotion, art. II, n.20.

[20]   Các cụ thời xưa có một câu rất chí lý: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng.” Nếu thích nhau, thương nhau thì dù ở cách xa ngàn dậm, vẫn năng tìm gặp nhau, còn không thích, không cảm thông, thì dù ngồi đối diện mà vẫn không gặp nhau, vẫn xa lạ.

back to top
Filters