THỜ PHƯỢNG TRONG THẦN KHÍ VÀ SỰ THẬT *** Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
15 Tháng Ba 2022
THỜ PHƯỢNG TRONG THẦN KHÍ VÀ SỰ THẬT
Loài người không quen sống với thiêng liêng vô hình. Tích con bò vàng thời Cựu Ước là một ví dụ điển hình: Ông Môsê, người được Thiên Chúa hiện ra và sai đến giải thoát dân Israen khỏi làm nô lệ Ai Cập (Xh 3.2,10), một lần kia, ông đã lên núi để gặp Thiên Chúa quá lâu không thấy xuống, dân chúng bèn đến nói với anh của ông là Aharon: “Xin ông làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi”. Thế là ông Aharon lấy vàng từ dân gom góp, đẽo gọt thành một con bê rồi tuyên bố: “Đây là Thần của các ngươi.” Và họ đã dâng tiến những của lễ toàn thiêu và kỳ an lên “thần ấy”. (Xh 32.1-6)
Thấy chưa? Loài người không quen sống với thiêng liêng vô hình. Vắng mặt Thiên Chúa ư? Phải “làm cho chúng tôi một vị thần…” thay thế. Vì vậy, Thượng đế hay Thiên Chúa, Đấng vô hình vô tượng, người ta cũng nghĩ phải dựng một nơi, một đền thờ để Người ngự ở đó, để họ có thể đến đó bái thờ Người.
Não trạng không quen sống với những gì thiêng liêng vô hình ấy vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Nhớ lại thời gian sau 75, nhiều gia đình phải đi “Kinh tế mới”, có những giáo dân đến than với linh mục: “Cha ơi! nơi kinh tế mới không có nhà thờ, không có linh mục, không có lễ lạy làm sao chúng con giữ đạo được?”… Và thực tế đã cho thấy, nhiều người, nhiều gia đình phải sống trong tình cảnh thiếu thốn những yếu tố tôn giáo ấy, đã dần dần bỏ đạo, rồi sống không khác gì người ngoại đạo… Ôi! Giá mà họ được nghe lời Chúa Giêsu dạy hôm nay về thờ phượng Thiên Chúa trong Thần khí và sự thật!
Tuy hiện nay biện pháp “giãn cách” để bớt lây lan dịch bệnh đã bớt căng thẳng…, nhưng nếu nhớ lại mấy năm đại dịch Cô vít bùng phát vừa rồi, sẽ thấy tình cảnh thiếu thốn cũng khá tương tự với tình cảnh đi kinh tế mới nói trên: Có nhà thờ nhưng bị đóng cửa! Không có Thánh lễ vì không được tụ tập đông người. Có linh mục song không được tiếp xúc…, ngay cả việc giải tội cũng không thi hành được… Chỉ ít lâu sau mới nhờ những phương tiện truyền thông mà tổ chức những buổi phụng vụ, cầu nguyện, Thánh Lễ “trực tuyến”… Nhưng đa số giáo dân vẫn buồn nhớ Nhà thờ, nhớ cộng đoàn, nhớ Thánh lễ “trực tiếp” v.v… Vậy thì người ta vẫn cần phải có nhà thờ, có Thánh Lễ, có linh mục, có các Bí tích v.v… mới giữ đạo được.
Biết đâu sẽ có những thời kỳ gian truân thiếu thốn tương tự như thế xảy ra sau này… ai mà biết được? Hãy nghe lời dạy hôm nay của Đức Giêsu mà chuẩn bị tâm hồn!
Phải, lời cảnh báo không vô ích đâu, vì có những tín hữu vẫn in trí rằng: chỉ khi nào mặc áo đi nhà thờ mới yên tâm là có Chúa, mới thờ Chúa. Riết rồi thành ra lúc về nhà, họ không cảm thấy có Chúa để thờ Chúa trong gia đình, trong cuộc sống… Từ đó nảy ra thói quen sống đạo “chia ô”: trong nhà thờ là đạo, là có Chúa, thờ Chúa, ngoài đó ra là đời, sống sao cũng được… Lời Chúa Giêsu dạy về “thờ phượng trong Thần khí và sự thật” ghi rành rành trong sách Tin Mừng, họ chẳng hề được biết?
Thêm vào đó, theo tâm lý tự nhiên của các linh mục là muốn kéo giáo dân đến nhà thờ cho đông, nên xây dựng những thánh đường vĩ đại, nguy nga… ; lập ra không biết bao nhiêu lễ lạc để qui tụ giáo dân..., như thế càng làm cho đạo lý Chúa Giêsu dạy “thờ phượng trong Thần Khí” mất tác dụng hay bị lu mờ đi! Không chối rằng ngôi đền thờ gỗ đá – biểu tượng cho Hội Thánh - là nơi cần thiết để Dân Chúa được có chỗ tập họp chung nhau mà dâng sự phụng thờ cộng đồng, mà nghe lời Chúa, và dự tiệc Thánh Thể. Nhưng ngay cả ở đấy, Thiên Chúa cũng chỉ hiện diện nơi cộng đoàn sống động tức Dân Chúa chứ không phải nơi nhà gỗ đá.
Không dám lên mặt làm tiên tri loan báo tai họa, nhưng đôi khi vẫn nghĩ rằng: Biết đâu Thiên Chúa cố ý cho xảy đến những hoàn cảnh gian nan thiếu thốn những phương tiện tôn giáo hữu hình… để con cái Chúa tập sống việc thờ phượng trong Thần Khí…? Quả thật Thiên Chúa đã cho Dân Israen trải qua kinh nghiệm đó. Đây lời thú nhận của họ:
29 “Quả chúng con đã phạm tội,
đã làm điều gian ác khi dám lìa xa Ngài.
Trong mọi sự, chúng con đã nặng nề sai lỗi,
đã chẳng tuân theo mệnh lệnh Ngài.
31 (Vì thế), mọi sự Ngài đã bắt chúng con phải chịu,
… tất cả đều chính trực công minh.”
(Thiên Chúa cho xảy ra những sự gì mà họ phải chịu?)
38 “Nay chẳng còn vị thủ lãnh,
chẳng còn ngôn sứ, chẳng còn người chỉ huy.
Lễ toàn thiêu, lễ hy sinh đã hết,
lễ tiến, lễ hương cũng chẳng còn,
chẳng còn nơi dâng của đầu mùa lên Chúa
để chúng con được Chúa xót thương.”
(Mất hết những phương tiện vật chất hành đạo thường quen, họ mới hướng đến sự thờ phượng na ná sự thờ phượng trong Thần Khí và sự thật Đức Giêsu dạy sau này:)
39 Nhưng xin nhận tâm hồn thống hối và tinh thần khiêm nhượng của chúng con, thay của lễ toàn thiêu chiên bò, và ngàn vạn cừu non béo tốt. 40 Ước gì hy lễ (thiêng liêng) chúng con thượng tiến Ngài hôm nay cũng làm đẹp ý Ngài như vậy.”(Đn 3.29-40)
Bây giờ chúng ta mới thấm thía đạo lý Chúa Giêsu dạy một hôm kia, khi Ngài đi ngang qua xứ Samari (miền Trung đất Phalêtin), lúc các môn đệ vào làng mua thức ăn, phần Ngài, mỏi mệt nên ngồi xuống bên một cái giếng. Cũng lúc ấy, một phụ nữ trong làng đến giếng múc nước. Sau một hồi nói chuyện, thấy Đức Giêsu biết rõ cuộc đời tư tồi tệ của mình,
19“Người phụ nữ mới nói với Đức Giêsu: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ...(và chị ta đưa ra thắc mắc) 20 Cha ông chúng tôi (người Samari) đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi (Garidim) này ; còn các ông (người Do Thái) lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.”
21 Đức Giê-su phán : “Này chị, hãy tin tôi : Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. 22 Các người thờ Đấng các người không biết 23 […]
Nhưng giờ sẽ đến - và chính là ngay bây giờ - những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật, vì Chúa Cha chỉ muốn gặp thấy những ai thờ phượng Người như thế. 24 Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong Thần Khí và sự thật.”
25 Người phụ nữ thưa : “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” 26 Đức Giê-su nói : “Đấng ấy chính là Ta, người đang nói với chị đây.” (Ga 4.19-26)
Đức Giêsu nhận mình là Đấng Mê-si-a, tức là Đấng Thiên Sai thần linh Thiên Chúa sẽ sai đến loan báo những sự thật. Nay Ngài đến rồi, và loan báo đạo lý quan trọng này:
“Những người thờ phượng đích thực, sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật…”
Và Ngài nhấn mạnh: “Đã đến giờ… và chính là ngay bây giờ…” việc thờ phượng đích thật ấy phải bắt đầu thi hành. “Ngay bây giờ” là từ lúc nào? Là từ lúc Chúa Giêsu công bố việc ấy, hay đúng hơn từ lúc Ngài xuất hiện trên trần gian đem việc thờ phượng ấy từ trời xuống cải tạo việc thờ phượng cũ của Cựu Ước nói riêng và của loài người nói chung:
Sự thờ phượng cũ đó chủ yếu là phải dựng lên cho Thiên Chúa một nơi (như đền thờ Giê-ru-sa-lem) để Người ngự, và phải dâng lên Người những tế lễ súc vật chiên bò…[1]
Sự thờ phượng ấy nay phải chấm dứt, vì thờ như thế là
tỏ ra “không biết Đấng mình thờ.” Vậy “Đấng mình thờ” Người như thế nào?
- Thưa: Người là một vị “Thiên Chúa là Thần Khí”.
- Mà vì Người là Thần khí cho nên phải thờ phượng Người trong Thần khí và sự thật!
- Vì Người là Thần khí cho nên Người là Đấng Siêu việt, Người ở khắp mọi nơi, không bị “ghìm chặt” vào một nơi nào cố định. Bởi vậy, Đức Giêsu tuyên bố: Từ đây bãi bỏ việc thờ phượng Thiên Chúa ở một nơi vật chất dù là“trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem”.
Tiếp thu lời dạy của Thầy Thánh, ông Phaolô giảng cho người thành Athêna, nước Hy Lạp, là một dân văn minh nhất thời ấy rằng :“Thiên Chúa, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền đài do tay con người làm nên.” (Cv 17.24; cũng x. 7.48). Vì cả cõi trời vô biên kia là ngai Người ngự, cả trái đất rộng lớn kia chỉ là bệ chân Người (Is 66.1), thì làm sao người ta có thể xây một cái nhà nhỏ bé cho Người ngự khi trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Người (1V 8.27).
Và “Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, (dâng đồ ăn thức uống) như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự (Cv 17.25).
Thế là, Đạo lý Đức Giêsu ban bố đã bác bỏ tất cả những sự thờ bái cúng kiếng vật chất… không những của Cựu Ước nơi người Do Thái, mà còn tất cả mọi việc thờ bái cúng kiếng vật chất nói chung của nhân loại từ thời hồng hoang cho đến bây giờ.
Quả thật Đức Giêsu đã làm một cuộc cách mạng tôn giáo hoàn vũ!
Kết thúc lời dạy, Ngài phán một câu đanh thép:
“Thiên Chúa chỉ muốn gặp thấy những ai thờ phượng Người như thế!”
Những ai thờ phượng Người cách nào khác, là trật đường rầy không ăn khớp với bản tính Người, Người sẽ không chấp nhận…
Vậy “thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật” là thờ thế nào?
-Trước hết, không phải là một thờ phượng cao cấp hơn mà người ta đạt được nhờ công phu luyện lọc và tiến bộ tôn giáo, đến trình độ có thể rũ bỏ mọi phương tiện trợ giúp vật chất như các nhà thờ, các vật tế lễ…, để chuyển sang hướng “tâm linh hóa” thờ phượng.
-“Trong Thần Khí” nói đây cũng không chỉ về “tinh thần” hay “thần trí” của con người, để nhấn mạnh trên đặc tính nội tâm của việc thờ phượng, nói khác đi là “thờ Thiên Chúa một cách thiêng liêng” trong tâm hồn, không cần hình thức. Vịn vào đó, có người biện bạch: “Chúa bảo thờ phượng Chúa trong “tinh thần” thì tôi thờ phượng Chúa trong tâm trí, trong tâm thần là đúng rồi, không cần phải đến nhà thờ, phải dự các lễ nghi phiền phức do các ông cố đạo bày ra…”
-“Thần khí” Đức Giêsu nói đây là Thần Khí của Thiên Chúa (“Pneuma” x. Ga 4.24) mà Thiên Chúa thông ban cho ta (Gal 4.6; Rm 5.5) để ta có thể thờ phượng Người trong Thần khí của Người.
Người ban cho ta khi nào? -Khi ta chịu Phép Rửa tội, ta được Thần Khí tái sinh (Ga 3.3-6), nhấc con người lên khỏi giới xác thịt (“sarx”), tức là bình diện tự nhiên của loài người, yếu đuối, mỏng manh, nghiêng chiều về đam mê dục vọng tội lỗi, do nguyên tổ truyền lại, mà trở thành “thần khí”, được chuyển lên giới Thần Khí là giới của Thiên Chúa, như thế con người xác thịt được nâng lên ngang tầm Thiên Chúa, Đấng vốn là Thần Khí (Ga 4.24). Nhờ đó họ có khả năng thờ Thiên Chúa Cha cách thích hợp.
Henri van den Bussche, một nhà chú giải Kinh Thánh, đã dẫn giải: “Ai muốn cầu nguyện với Thiên Chúa (tức thờ phượng Người) cũng phải, trong một mức độ nào, được “thần-khí-hóa” bởi Thần Khí mà Thiên Chúa thông chia cho họ... Muốn tiếp xúc với Thiên Chúa là Thần Khí, cần phải có sự hỗ trợ của Thần Khí, vốn là một khả năng thần linh đến nâng ta lên, để có thể chiêm ngắm Cha trong Con và thờ phượng Người ở đó. Thánh Phaolô đã quả quyết: không thể cầu nguyện (thờ phượng) cho phải, nếu không có Thần Khí cầu cho ta bằng những cách thức thích hợp với Thiên Chúa.” [2]
Và cha Francis J.Moloney, Dòng Salêdiêng, Giáo sư Kinh Thánh kết luận: “Nay giờ đã đến, cho nên việc thờ phượng duy nhất được chấp nhận: chỉ có thể là một sự qui hướng toàn diện cuộc sống và hành động về Cha, một khi đã được thông chia vào ơn huệ của Cha, ơn huệ hoàn hảo đích thật (kai alêtheia).” [3]
Do đó, việc thờ phượng này không phải chỉ là những chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa suông mà thôi, nó phải thế nào để tất cả cuộc sống và cả con người trở thành một mối quan hệ sinh động, sống “có đạo, có nghĩa” đối với Cha trên trời trước hết, rồi đối với mọi người anh em chung quanh. Tất cả diễn ra trong đời thường của con người, với lao động, với vui chơi giải trí, ăn uống ngủ nghỉ, với tình yêu và bè bạn… song dưới sức linh động của Thần Khí, nhờ Thần Khí Thiên Chúa thúc đẩy, hướng dẫn thực hành, theo như lời dạy của thư Galát:
“Nếu đã được sống bởi Thần khí (nhờ ơn tái sinh), thì ta cũng hướng theo Thần khí mà tiến bước” (Gal 6.25).
Vì “bước đi theo Thần khí, anh em sẽ không làm thỏa đam mê của tính xác thịt…” (Gal 5.16),
trái lại sẽ luôn luôn tìm làm vui lòng Thiên Chúa Cha, tuân giữ các điều răn, luật lệ của Người, luôn tìm làm theo thánh ý Người: thi hành trọn vẹn những sự thật (những chân lý) mà Đức Giêsu đã lãnh từ Chúa Cha, để xuống thế gian bày tỏ (hay mặc khải) ra cho nhân loại (Ga 1.18) chiếu theo đó mà sống.
Đó là “thờ phượng trong sự thật”,
chứ không chỉ là một thờ phượng thành tâm, thật lòng, không giả hình, bôi bác mà thôi (x. Tv 145.18).
Chúa Giêsu công bố đạo lý “Thờ phượng trong Thần khí và sự thật” quan trọng này đã từ hơn hai ngàn năm nay, mà xem ra rất nhiều tín hữu Công giáo vẫn chưa ý thức…
Nhưng chẳng lẽ lời tuyên bố của Đức Giêsu, Phát ngôn viên tối hậu của Thiên Chúa: “Thiên Chúa chỉ muốn gặp thấy những ai thờ phượng Người như thế” chỉ là lời nói gió thoảng, bỏ ngoài tai vô tội vạ?
Không được. Lời hằng sống quan trọng đó của Chúa Giêsu, nhất định chúng ta, môn đệ Ngài, phải đem ra thực hành. Để không chỉ biết “thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật” trong những hoàn cảnh gian nan thiếu thốn như thời đi vùng Kinh tế mới sau năm 75, hay trong thời bùng phát dịch bệnh Cô vit mới đây; mà biết đâu còn trong những hoàn cảnh khủng hoảng gian nan thiếu thốn có thể sẽ xảy ra sau này…, không nhà thờ, không linh mục, không Bí tích, không Thánh lễ v.v…
Vậy là phải biết thực hành sự “Thờ phượng trong Thần Khí và sự thật” trong suốt cả đời sống đạo, lúc khó khăn, thiếu thốn… cũng như lúc bình an, có đầy đủ mọi phương tiện: có nhà thờ, có linh mục, có Thánh Lễ, có các Bí tích…
ooÈUÇoo
Lm. Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
[1] Thời Cựu Ước, dân còn bán khai, dân trí còn thô lậu, Thiên Chúa chấp nhận sự thờ phượng vật chất của họ, nay đến thời Thiên Chúa sai Đấng Lời là “Sự sáng thật” đến bày tỏ cho nhân loại biết Thiên Chúa là Đấng nào, nên việc thờ phượng phải đổi thay cho đúng với bản tính Người.
[2] Jean, commentaire de l’Evangile Spirituel, p.193. Desclée de Brouwer, 1967. Ông lấy ý từ đoạn thư này của Rm 8.26-27: 26“…Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải ; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. 27 Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.”
[3] Belief in the Word / Signs and Shadows (vol I & II), p.152, Fortress Press, Minneapolis [1999–1996] via Pelligrini Book Shop, Australia.