News Filters

CỨU CHUỘC LÀ THẾ NÀO? *** Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR

15 Tháng Mười Hai 2021

 

CỨU CHUỘC LÀ THẾ NÀO?

 

Là được nhập vào trong Chúa Giêsu, trong đó, Thần khí tẩy sạch tội lỗi và thánh hóa ta.

Chúng ta lấy BA VÒNG TRÒN làm ví dụ để giải thích :

       Vòng tròn 1   -     Vòng tròn 3   -   Vòng tròn 2

 

          

 

 Ba Vòng Tròn này làm Biểu tượng về Thân mình Chúa Giêsu qua ba giai đoạn cuộc đời:

          VÒNG TRÒN 1 :

Biểu tượng Thân thể Chúa Giêsu trong giai đoạn trần thế trước Tử nạn và Phục sinh.

Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế nhận lấy cho mình một xác phàm trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, và đã trở thành người trần (Ga 1.14; Lc 1.26-38). Thể theo ý định của Chúa Cha, Chúa Giêsu đã mang tội lỗi loài người vào thân mình Ngài (1 Pr 2,24)..

----------------------------------

(trên vòng tròn 1, tội lỗi được biểu tượng bằng những chấm đen xì đầy dẫy trong thân thể Chúa)

------------------------------------

…để đem đóng đinh (tức là làm cho chết) tội lỗi trên thập giá. Kinh Thánh làm chứng :

“Tội lỗi của chúng ta, chính Ngài đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá… Vì Ngài phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. (1 Pr 2,24)

- HỎI : Do tư cách gì mà Đức Giêsu có thể mang tội của loài người vào thân mình Ngài ?

Xin trả lời : Theo luật thường, tội ai làm người ấy chịu, người khác không có thể gánh tội thay cho người ấy, vì tội là một hành động riêng tư của người ấy, và nó đeo bám vào bản thân người ấy. Xin lấy một ví dụ : trước tòa án, đứa con trai của bà kia can phạm tội và bị án tử hình, bà mẹ không thể xin quan tòa cho mình chết thay con, dù thương con hết sức.

Thiên Chúa cũng phán : “Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết ; con không mang lấy tội của cha ; cha cũng không mang lấy tội của con.” (Ed 18.20)

Nhưng nơi Chúa Giêsu thì khác, trong kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa, Người muốn cho Chúa Kitô liên đới một cách độc nhất vô nhị với loài người chúng ta, hầu có đủ tư cách mà mang lấy tội của chúng ta, và chịu chết để cứu ta khỏi chết và được sống muôn đời. Ngoài Ngài ra, không ai trên thế giới này có mối liên đới đặc biệt ấy.

Liên đới ấy như thế nào ?

  1. Liên đới của Chúa Giêsu với nhân loại trước tiên là do cùng chung máu huyết loài người:

“Thật vậy, Đấng thánh hoá (là Đức Giê-su) và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Ngài đã không hổ thẹn gọi họ là anh em. […] Như thế, vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giê-su đã cùng mang lấy huyết nhục đó…. Bởi thế, Ngài đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện.” (Hr 2.11-17)

  1. Sau đó, liên đới của Chúa Giêsu với nhân loại còn là liên đới trong tội lỗi nữa:

            “Điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm : khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta.” (Rm 8.3; xem thêm 2 Cr 5.21)                           c) Liên đới của Chúa Giêsu với loài người còn do tư cách là Thủ Lãnh của nhân loại, là Trưởng Tử của đoàn em, là Đầu của Thân thể

1- Tư cách là Thủ Lãnh: Chúa Kitô thâu họp dưới một đầu một mối muôn loài muôn vật :

“Thiên Chúa cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu :
… Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.” ( Ep. 1.9-10)

2- Tư cách là Trưởng tử của đoàn em :

Vì những ai Thiên Chúa đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. ”  (Rm 8.29)

3- Ngài còn có tư cách là
               “…. Đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh (tức là chúng ta)… (Cl 1.18-20)
           
Tóm lại, do sự tiền định của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã liên đới với loài người đến mức như thế, bởi vậy Ngài mới đủ tư cách mà mang lấy tất cả tội lỗi của họ vào mình mà chuộc tội cho họ.

*

VÒNG TRÒN 2 :

Biểu tượng Thân mình Chúa Giêsu trong giai đoạn Tử nạn và Phục sinh vinh hiển.

Trái ngược với loài người bất tuân phục Thiên Chúa, và trở thành tội nhân, Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha tuyệt đối, đến mức bằng lòng nhận chịu cái chết đau đớn, nhục nhã trên thập giá như phương thế để tiêu diệt tất cả tội lỗi loài người (Rm 3.23-24; Hr 9.26-28).

Vì Chúa Giêsu vâng phục đến mức không thể nào còn vâng phục hơn được nữa, Chúa Cha hết sức hài lòng, nên sau khi Ngài chịu Tử Nạn, Chúa Cha đã tôn vinh Ngài bằng sự phục sinh vinh hiển, ban tặng triều thiên vinh quang danh dự:

“Con người (chính là Đức Giê-su) đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. (Hr 2.9)

--------------------------------------

(trên vòng tròn 2, là biểu tượng thân thể Chúa Giêsu, hình thập giá bên trên nay có thêm hai gạch chéo biểu lộ vinh quang phục sinh, và nay không còn đen đủi vì mang tội lỗi của ta nữa, song trở nên trắng xóa, do tội lỗi của ta đã được xóa sạch. Việc xóa này được biểu tượng bằng những gạch xéo dài trong vòng tròn).

---------------------------------------

 Và ngay cả thể xác Ngài cũng nhận được tất cả sự viên mãn thần tính, nghĩa là Thiên Chúa có gì thì đều ban hết cả cho Chúa Giêsu.

“Thật vậy, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện nơi Ngài, ngay cả nơi thân xác. (Cl 2,9)

Nói tóm, Chúa Giêsu được tràn đầy Thần Tính, Thần Khí, Thánh thiện, và mọi ơn phúc…

*

Một khi trong Thân mình Chúa Giêsu đã có đầy tràn Thần tính, Thánh Thần, thánh thiện và mọi phúc lộc như thế, Ngài sẵn sàng tuôn đổ xuống, trước hết là Thánh Thần, cho các kẻ tin,:

 “Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Ngài lên, trao cho Ngài Thánh Thần đã hứa, để Ngài đổ xuống : đó là điều các ông đang thấy đang nghe. (Cv 2.32-33)

Không thể kể hết được những phúc lộc vô cùng quí báu, Chúa Cha sẽ ban cho ta trong Đức Giêsu phục sinh, Thánh Phaolô tạm tóm lược qua mấy câu sau đây :

“Theo ý muốn và lòng nhân ái của Thiên Chúa,… Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô…
Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra
chúng ta được cứu chuộc,
được thứ tha tội lỗi
theo lượng ân sủng rất phong phú của Người.
Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta
cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu.”

                                           (Ep 1.5-8)

                               *

VÒNG TRÒN 3 :

Giai đoạn ba, biểu tượng Thân mình Chúa Giêsu là nơi ta được nhập vào bởi lòng tin mà được tẩy sạch tội và thánh hóa.

Sau phục sinh, Chúa Giêsu đã có trong mình những phúc lộc thánh thiêng kể trên, và sẵn sàng ban cho ta… Nhưng chúng ta vẫn còn đang ở ngoài Chúa vì tội lỗi, nên ta vẫn tối tăm, đen đủi, tuột dốc hư vong…,

-----------------------------------------

 (việc chúng ta ở ngoài vòng tròn được biểu tượng bằng những hình vuông tượng trưng nam giới, hình tròn, nữ giới, tất cả đều nhuộm đen vì tội lỗi)…

----------------------------------------------  

Nhất thiết phải nhập vào trong Chúa Kitô mà lãnh các phúc lộc thánh thiêng của Ngài để được cứu chuộc và được sống!

 ---------------------------------------------------

 (xem vòng tròn 3, những hình vuông, tròn – tượng trưng loài người chúng ta – trước đây ở ngoài, nay dấn bước vào được trong Chúa Kitô, - những mũi tên tượng trưng sự dấn bước ấy -. Và một khi đã ở trong Ngài, ta sẽ được xóa sạch tội: những hình vuông tròn ấy nay đã trắng tinh…)

----------------------------------------- 

“Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su, thì không còn bị lên án nữa.”(Rm 8.1).

Tức là được tha thứ tội lỗi, và còn được thông chia tất cả những gì Chúa Giêsu phục sinh có: 

+ Thông chia Thần tính: “Thật vậy, nơi Ngài, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách thể lý, và trong Ngài, anh em được sung mãn (bởi được chia sẻ thần tính của Ngài”) (Col 2.9-10)

+ Thông chia Thần Khí: “…Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.”(1 Cor 12.13)

 + Thông chia sự sống: “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người.” (1Ga 5:11)  

+ Thông chia sự thánh thiện: “Giờ đây anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi… ; anh em thu được kết quả là được trở nên thánh thiện, và rốt cuộc được sống đời đời.” (Rm 6.22; xem thêm Col 1.22)  

+ Thông chia biết bao nhiêu sự giàu có khác nữa của Chúa Kitô: nào ánh sáng (Ga 1.4; 8.12), nào sự thật (Ga 1.17) nào quyền năng, nào sự khôn ngoan thông thái (1 Cor 1.24); được làm con Thiên Chúa và đồng thừa kế Nước Trời với Chúa Kitô (Rm 8.15-17); v.v…

 - HỎI : Biết rằng vào được trong Chúa thì hưởng được ơn cứu chuộc và mọi phúc lộc có trong Ngài, nhưng ta vào bằng cách nào?

THƯA :  Nhờ TIN và CHỊU PHÉP RỬA.

                “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ.” (Mc 16:16)  

Vì Tin là mở lòng ra cho Thiên Chúa, trước đây, ta co cụm lại trong tự mãn, tự trị, chẳng cần đến Thiên Chúa, nay mở lòng ra nhận mình nghèo nàn, bất lực, và nhìn lên Thiên Chúa, nhìn nhận Người toàn năng, nhân từ, tốt lành. Lòng tin ấy làm Thiên Chúa vui lòng hết sức: ông Abraham tổ phụ chúng ta, đã tin như thế nên ông đẹp lòng Thiên Chúa, đến nỗi Kinh Thánh nói: “Ông tin Đức Chúa, và vì thế Đức Chúa kể ông là người công chính (St 15.6; Gal 3.6), nghĩa là ông được Thiên Chúa đón nhận như thân nhân, như bạn hữu của Người, giữa hai bên không còn cách ly, trái lại là kết hợp, thông hiệp.

Thế là nhờ lòng ‘tin’ và chịu phép Rửa, chúng ta được nhập vào trong Chúa Kitô, trong đó là một Bể đầy Thần tính, đầy Thần Khí, đầy Thánh thiện, để được tẩy xóa mọi tội lỗi, được thánh hóa, được thần hóa, được đầy tràn muôn ơn. Chính Thánh Phaolô đã dạy: khi tin và chịu phép Rửa chúng ta được dìm vào trong sự chết của Chúa Kitô, được mai táng với Ngài, tội lỗi chúng ta như thể chết chìm trong nước, được xóa sạch, và ta như được chôn trong mồ với Chúa, ngõ hầu như Chúa được phục sinh thì chúng ta cũng được sống lại với Chúa trong cuộc sống mới.

 “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy …, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Ngài sao ?... đã cùng được mai táng với Ngài. Bởi thế, cũng như Ngài đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. (Rm 6.3-4).

Đời sống mới này là một đời sống tuyệt vời loài người chưa hề bao giờ dám mơ tưởng, đó là có trong mình ta chính bản tính thần linh của Thiên Chúa:

“Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian.”                         

Mà vì thông phần bản tính Thiên Chúa nên ta một cách nào như đồng bản tính với Thiên Chúa. Bởi vậy, một thánh Giáo phụ dám tuyên bố câu cực kỳ táo bạo này :

“Thiên Chúa làm người để cho loài người làm Thiên Chúa.”

Suy nghĩ một chút thì thấy trước khi tin và chịu phép Rửa, ta chỉ có 1 bản tính (là nhân tính, tính loài người) mang di truyền tội tổ tông, yếu đuối, nghiêng chiều về tội lỗi; sau khi chịu phép Rửa, ta được có 2 bản tính : nhân tính và thần tính. Vậy mà chúng ta không ý thức được chức vị vô cùng cao quí của mình: chúng ta được Thiên Chúa cho làm con Thiên Chúa, thông chia bản tính thần linh, tức là như thể mang dòng máu thần thiêng của Thiên Chúa trong mình, thành những hoàng tử, những công chúa thật sự của Vua Cha Trên Trời, Chúa tể Vũ trụ !

“Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào:
Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa…
Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa…”(1 Ga 3.1-2)

Thế nhưng chúng ta thường không sống theo đúng chức vị của mình, mà sống xa lìa hoàng cung của Cha, đi bụi đời, bệ rạc, rách rưới, tội lỗi đen đủi… mang đầy những tính xác thịt, những đam mê, nết hư tật xấu … Chúng ta như “thiên thần sa đọa”, “thiên thần gẫy cánh,” đầy mặc cảm, sống bấp bênh không biết mình có được cứu rỗi hay không và rất sợ chết.

Vậy điều cần thiết là chúng ta phải học và đọc Lời Chúa tức là ta ăn Lời Chúa, là ăn Bánh Sự Sống:

“Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng Ơn Cứu Độ, nếu anh em đã nghiệm thấy Chúa tốt lành”      (1 Pr 2,2);

Và nhất là cần ăn uống Thịt Máu Chúa trong Phép Thánh Thể, để có sự sống trong mình, mà có sự sống thì mới có sức đi hết con đường lữ hành tới thiên quốc mà không bị đuối sức gục ngã giữa đường :

Đức Giê-su nói với người Do Thái : “Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình … vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống … Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.” (Ga 6. 53-57)

Mà không có sự sống Thiên Chúa nơi mình có nghĩa là mất linh hồn, mất hết ơn cứu chuộc mà Chúa Giêsu đã đánh đổi bằng giá Máu cực thánh của Ngài!

š¬

 

back to top
Filters