TINH THẦN TRUYỀN GIÁO CỦA HỘI DÒNG SỨC SỐNG CHÚA KITÔ
30 Tháng Mười 2020
TINH THẦN TRUYỀN GIÁO
CỦA
HỘI DÒNG SỨC SỐNG CHÚA KITÔ
I.- TRUYỀN GIÁO VỚI ĐẶC TÍNH CỦA HỘI DÒNG SỨC SỐNG CHÚA KITÔ
1.- Đặc tính Dòng Sức Sống Chúa Ki-tô là cầu nguyện cũng như “những cộng đoàn đan viện và chiêm niệm” (x. Tông khuyến thư “Giáo hội tại Á Châu” số 44), và hoạt động tông đồ.
2.-Hoạt động tông đồ để tiếp tục sứ vụ tình yêu và phục vụ của Chúa Giê-su tại Á châu (x. Tông khuyến thư “Giáo hội tại Á Châu” số 17).
2.1.- Tu sĩ Sức Sống Chúa Ki-tô bước sát hơn theo Đức Ki-tô khi Ngài sống với người ta giữa đời, nhưng luôn luôn làm trọn ý Chúa Cha (x. Giáo Luật Điều 577). Toàn thể đời sống của Anh Em phải được thấm nhuần tinh thần tông đồ, nhưng tinh thần tu trì phải là hồn của toàn thể hoạt động tông đồ (x. Giáo Luật Điều 675 § 1 ).
2.2.- Trong quyền lực của Chúa Thánh Thần, Tu Sĩ Sức Sống Chúa Ki-tô tiếp tục tình yêu và phục vụ của Chúa Giê-su tại Á Châu (x. Tông khuyến thư “Giáo hội tại Á Châu” số 17). Anh Em dấn thân trong các hoạt động tông đồ theo luật chung của Giáo Hội và luật riêng của Hội Dòng. (x. Hiến Chương của Dòng Sức Sống Chúa Ki-tô, Điều 4)
II.- TRUYỀN GIÁO VỚI CẦU NGUYỆN CỦA HỘI DÒNG SỨC SỐNG CHÚA KITÔ
1/ Sau những lời cầu của giờ kinh sáng và kinh chiều, Anh Em luôn đọc thêm ý nguyện sau: Ý cầu nguyện cho việc truyền giáo của Giáo Hội tại Á Châu, đặc biệt tại Việt Nam. Cầu cho những người tội lỗi được ơn hối cải, những người chưa nhận biết Chúa và không tin Chúa được nhận ra ánh sáng đức tin mà trở về cùng Chúa. (x. Hiến Chương của Dòng Sức Sống Chúa Ki-tô, Điều 24)
2/ Anh Em phải cử hành cách xứng đáng phụng vụ các giờ kinh theo các qui định của luật riêng của Dòng (x. Giáo Luật Điều 663 § 3) theo tinh thần cầu nguyện của “những cộng đoàn đan viện và chiêm niệm” (x. Tông khuyến thư “Giáo hội tại Á Châu” số 44). Thánh lễ được nối dài bằng Các Giờ Kinh Phụng Vụ (x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1178), và kinh Nhật Tụng là kinh nguyện công khai của Hội Thánh, qua đó Anh Em thực thi chức tư tế vương giả dành cho những ai đã được rửa tội (x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1174).
3/ Các Giờ Kinh Phụng Vụ chính là tiếng của Hiền Thê nói với Đấng Phu Quân, và hơn nữa là lời cầu nguyện của Chúa Ki-tô và Thân Thể Người dâng lên Chúa Cha (x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1174). Khi cử hành Thần vụ, Anh Em phải làm sao để nhận ra được tiếng nói của Anh Em nơi Đức Ki-tô, và tiếng nói của Đức Ki-tô trong Anh Em (x. Bài Ca Chúc Tụng 8). Kinh nguyện trở thành việc nhìn nhận, thờ lạy và liên lỉ ngợi khen sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ và trong lịch sử, khi nhờ Thần Khí tâm hồn của Anh Em mở rộng đến những thực tại của thế giới và của lịch sử (x. Chiều kích chiêm niệm của đời tu số 5).
Tu Viện Philip Phan Văn Minh, ngày 01 tháng 01 năm 2018
Tu Sĩ Giuse-Maria Trương Văn Trung, XV.
Người Sáng Lập
HỘI DÒNG SỨC SỐNG CHÚA KITÔ