News Filters

Đức Giáo Hoàng Phanxicô Nói Chuyện Với Các Chủng Sinh Và Các Tập Sinh *** Lâm Phương chuyển ý

08 Tháng Giêng 2021

Đức Giáo Hoàng Phanxicô Nói Chuyện Với Các Chủng Sinh Và Các Tập Sinh
Lâm Phương chuyển ý  8/6/2013

 

Đây là bản dịch diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi đến những người tham dự cuộc gặp gỡ hôm thứ bảy với các chủng sinh, các tập sinh và những người trẻ trên con đường ơn gọi tham gia cuộc hành hương Năm Đức Tin với chủ đề "Con tín thác vào Chúa".

Chào các con!

TCha đã hỏi Đức Tổng Giám Mục Fisichella rằng liệu các con có hiểu tiếng Ý hay không và được ngài cho hay tất cả các con đã có bản dịch. Vì thế cha thấy được an tâm phần nào.

Cha xin cám ơn Đức Tổng Giám Mục Fisichella vì những lời ngài và cha cũng cám ơn ngài về những việc ngài làm: ngài đã làm việc hết sức mình không chỉ về việc này nhưng còn về tất cả những việc ngài đã và sẽ làm trong Năm Đức Tin. Cám ơn cha rất nhiều! Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Fisichella đã nói một từ, và cha không biết có đúng hay không, nhưng cha chọn lấy: ngài nói rằng tất cả các con mong ước được dâng đời mình cho Đức Kitô mãi mãi! Giờ đây các con vỗ tay, ăn mừng, bởi đây là thời gian hôn lễ... Tuy nhiên, khi tuần trăng mật qua rồi, điều gì xảy ra? Cha đã nghe một chủng sinh, một chủng sinh tốt lành nói rằng anh muốn phục vụ Đức Kitô, nhưng chỉ 10 năm thôi, và rồi anh sẽ nghĩ đến việc bắt đầu một cuộc sống khác... Thật nguy hiểm! Tuy tạm thời, nhưng điều này thật nguy hiểm bởi vì ta không đánh cược đời mình một lần cho tất cả. Tôi kết hôn chừng nào còn yêu; tôi sẽ là một nữ tu nhưng chỉ trong một "thời gian ngắn" thôi, trong "một khoảng thời gian nào đó" và tôi sẽ tính tiếp; tôi sẽ là một chủng sinh để trở thành linh mục, nhưng tôi không biết câu chuyện sẽ kết thúc thế nào. Thế này thì không phải với Đức Giêsu! Cha sẽ không trách cứ các con, cha trách cứ cái văn hóa tạm thời đang nện xuống tất cả chúng ta, bởi nó không làm cho chúng ta nên tốt đẹp: bởi vì đưa ra một lựa chọn dứt khoát ngày nay thật là khó. Thời của cha thì dễ hơn, bởi nền văn hóa ủng hộ một sự lựa chọn dứt khoát, dù là đời sống hôn nhân, hay đời sống dâng hiến hoặc linh mục. Tuy nhiên, trong thời đại này việc đưa ra một quyết định dứt khoát thật không hề dễ dàng. Chúng ta là những nạn nhân của nền văn hóa tạm thời này. Cha muốn các con nghĩ về việc học biết đóng cánh cửa của căn phòng nội tâm từ phía bên trong. Một lần nọ có một linh mục, một linh mục tốt lành, ngài không cảm thấy mình là một linh mục tốt lành bởi vì ngài khiêm tốn, ngài cảm thấy mình là một người tội lỗi và ngài đã cầu nguyện nhiều với Đức Mẹ, ngài và nói với Mẹ thế này - cha sẽ nói bằng tiếng Tây Ban Nha bởi vì nó là một bài thơ hay:

"Mẹ ơi, chiều nay con chân thành khấn hứa.

nhưng để phòng hờ, đừng quên để chìa khóa bên ngoài."

Nhưng điều này được thốt lên khi luôn nghĩ đến tình yêu đối với Đức Trinh nữ. điều này được nói với Đức Bà của chúng ta. Tuy nhiên, khi ai đó luôn để cái chìa khóa bên ngoài, phòng khi có điều gì bất trắc... như thế thì không đúng. Chúng ta phải học cách đóng cửa từ bên trong! Và nếu tôi không chắc chắn điều gì, tôi phải suy nghĩ, phải dành thời gian, và khi cảm thấy bảo đảm trong Đức Giêsu rồi, dĩ nhiên, bởi không ai được bảo đảm nếu thiếu Đức Giêsu. Khi tôi cảm thấy bảo đảm, tôi đóng cánh cửa. Các con có hiểu điều này không? Văn hóa tạm thời nghĩa là gì?

Khi cha vào đây, cha đã nhìn qua những điều cha đã viết. Cha muốn nói với các con một từ, và từ đó là niềm vui. Bất cứ nơi nào có những con người tận hiến, những chủng sinh, những nam nữ tu sĩ, những người trẻ, nơi đó có niềm vui, nơi đó luôn có niềm vui. Đó là niềm vui của sự tươi trẻ; đó là niềm vui khi đi theo Đức Giêsu; niềm vui mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, chứ không phải niềm vui của thế gian. Có niềm vui. Nhưng niềm vui sinh ra từ đâu? Nó được sinh ra... Dù thế nào đi nữa, vào tối thứ Bảy, tôi sẽ về nhà và sẽ khiêu vũ với những người bạn cũ của mình. Phải chăng niềm vui sinh ra từ đây, niềm vui của một chủng sinh, chẳng hạn, phải hay là không?

Một số người sẽ nói: niềm vui được sinh ra từ những thứ người ta có, và như vậy, người ta tìm kiếm mẫu điện thoại thông minh mới nhất, loại xe scooter nhanh nhất, chiếc xe hơi lôi cuốn sự chú ý... Nhưng cha nói cho các con hay, cha cảm thấy buồn khi thấy một linh mục hay một nữ tu đi chiếc xe hơi đời mới nhất: nhưng không thể như thế được! Các con đang nghĩ thế này: nhưng, thưa cha, chẳng lẽ bây giờ chúng con phải đi xe đạp sao? Xe đạp cũng tốt! Đức ông Alfred đi xe đạp, ngài đi bằng chiếc xe đạp của ngài. Cha nghĩ một chiếc xe hơi cũng cần thiết, bởi vì có nhiều việc cần làm nơi này nơi kia, nhưng hãy chọn một chiếc xe đạp giản dị hơn. Và nếu các con thích một chiếc xe xinh xắn, hãy nghĩ đến biết bao trẻ em đang chết đói, hãy nghĩ đến điều này thôi. Niềm vui không được sinh ra, cũng không đến từ những thứ người ta có!

Người khác nói: niềm vui đến từ những kinh nghiệm tột độ nhất: cảm giác rung động của những cảm xúc mạnh mẽ nhất; người trẻ thích những cảm xúc mạnh, quả thực họ thích như thế! Những người khác nữa thì nghĩ rằng: niềm vui đến từ việc ăn mặc thời trang hơn, từ việc vui chơi giải trí ở những địa điểm thời thượng nhất - nhưng khi nói điều này cha không có ý nói rằng các nữ tu đi đến những nơi như vậy, cha nói điều này về những người trẻ nói chung. Những người khác nữa nói niềm vui đến từ sự thành công chiếm được con trai này, con gái kia, có lẽ là đi từ đứa này đến đứa khác. Đó chính là sự bấp bênh của tình yêu, điều này vốn không bảo đảm; nó là một "thử nghiệm" tình yêu. Và chúng ta có thể nói nhiều thêm nữa... Các con cũng đang tiếp xúc với thực tại này mà các con không thể phớt lờ.

Chúng ta biết rằng tất cả những điều này có thể thoả mãn một khát vọng, có thể tạo ra những cảm xúc, nhưng rốt cuộc đó là niềm vui luôn hời hợt, nó không đi sâu hơn nữa, đó không phải là một niềm vui sâu xa: đó là một lúc say đắm không đem lại cho chúng ta hạnh phúc đích thực. Niềm vui không phải là một lúc say đắm, nó là một thứ gì khác!

Niềm vui đích thực không đến từ sự vật, từ việc "có", không! Nó sinh ra từ việc gặp gỡ, từ mối liên hệ với người khác. Nó đến từ cảm giác được chấp nhận, được thấu hiểu, được yêu thương và từ sự chấp nhận, sự thấu hiểu và tình yêu này, và không phải bởi vì sự hứng thú trong một lúc, nhưng vì thứ khác, thứ khác ở đây là một người. Niềm vui được sinh ra từ sự nhưng không của một cuộc gặp gỡ! Và từ việc lắng nghe lời này: "bạn thật quan trọng đối với tôi", không nhất thiết phải được diễn tả bằng lời. Điều đó thật tuyệt vời... và quả thế, chính đây là điều Thiên Chúa làm cho chúng ta hiểu. Khi kêu gọi chúng ta Thiên Chúa nói với chúng ta: "Con thật quan trong đối với cha, cha yêu con, cha tin tưởng nơi con". Đức Giêsu nói điều này với mỗi người trong chúng ta! Niềm vui được sinh ra từ đây, niềm vui của giây phút Đức Giêsu nhìn tôi. Hiểu và cảm nhận được điều này là bí quyết của niềm vui chúng ta. Cảm thấy được Thiên Chúa yêu thương, cảm thấy rằng đối với Người chúng ta không phải là những con số, nhưng là những con người, và cảm thấy rằng chính Người kêu gọi chúng ta. Trở thành linh mục, tu sĩ, trước hết không phải là sự lựa chọn của chúng ta. Cha không tin tưởng người chủng sinh, người tập sinh nói rằng: "Tôi đã lựa chọn con đường này" Cha không thích điều này. Điều đó không đúng! Nhưng đó chính là lời đáp trả đối với một tiếng gọi và đối với một tiếng gọi của tình yêu. Tôi nghe thấy điều gì đó trong tôi, làm cho tôi thao thức, và tôi thưa xin vâng. Chúa khiến chúng ta cảm nhận được tình yêu này trong cầu nguyện, nhưng cũng qua rất nhiều dấu chỉ khác mà chúng ta có thể đọc thấy trong cuộc đời chúng ta, qua biết bao nhiêu người mà Người đặt trên đường đi của chúng ta. Niềm vui của sự gặp gỡ với Ngài và tiếng gọi của Ngài không dẫn chúng ta đến chỗ khép kín bản thân nhưng mở lòng chúng ta ra; nó dẫn chúng ta tới việc phục vụ trong Hội Thánh. Thánh Tôma nói: "bonus est diffusivum sui" - đó không phải là thứ tiếng La tinh quá khó! - Sự thiện tự khuếch tán. Và niềm vui cũng tự khuếch tán. Đừng sợ phải diễn tả niềm vui vì đã trả lời tiếng gọi của Chúa, của sự lựa chọn yêu thương và làm chứng cho tin mừng của Ngài qua việc phục vụ Hội Thánh. Và niềm vui, niềm vui đích thực thì dễ lây, nó lây nhiễm, nó khiến chúng ta tiến lên. Trái lại, khi ta gặp gỡ một chủng sinh quá nghiêm nghị, quá buồn, hay một tập sinh như vậy, ta nghĩ: có điều gì đó không ổn! Niềm vui của Chúa bị thiếu vắng, niềm vui dẫn ta đến phục vụ, niềm vui của sự gặp gỡ với Đức Giêsu, nó dẫn ta đến gặp gỡ người khác để loan báo Đức Giêsu. Điều này bị thiếu đi! Chẳng có sự thánh thiện trong sầu não, không hề có! Thánh Têrêxa - mà nhiều người Tây Ban Nha biết rõ - từng nói: "Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn!" Ngài không nói quá đâu... Khi ta gặp một chủng sinh, một linh mục, một nữ tu, một tập sinh, với một khuôn mặt buồn thườn thượt, cứ như thể là một cái bao ướt phủ lên cuộc đời, một cái bao nặng nề đã kéo họ xuống.... Có điều gì đó không ổn! Nhưng làm ơn, đừng bao giờ cho chúng tôi những nữ tu, những linh mục với bộ mặt "hạt tiêu ngâm giấm", đừng bao giờ! Nhưng với niềm vui đến từ Đức Giêsu. Hãy nghĩ về điều này: khi niềm vui thiếu vắng nơi một linh mục - cha nói một linh mục, nhưng với cả chủng sinh nữa - khi niềm vui thiếu vắng nơi một nữ tu, khi họ buồn, bạn có thể nghĩ rằng: "Nhưng người ấy bị tâm thần" Không đâu, đúng là có thể như vậy, có thể lắm chứ. Có khả năng là một số nhỏ bị bệnh. Có thể là như vậy, nhưng nói chung không phải vấn đề tâm thần. Phải chăng đây là vấn đề bất mãn? Phải, đúng thế. Nhưng đâu là nguyên nhân sâu xa của sự thiếu vắng niềm vui này? Đó chính là vấn đề độc thân. Cha sẽ giải thích. Các con, những chủng sinh, những nữ tu, đã dâng hiến tình yêu cho Đức Giêsu, một tình yêu cao cả. Trái tim của các con dành cho Đức Giêsu, và điều này dẫn chúng ta đến lời khấn khiết tịnh, lời khấn độc thân. Tuy nhiên, lời khấn khiết tịnh và lời khấn độc thân không chấm dứt lúc khấn, chúng tiếp tục. Đó là một cuộc hành trình đem lại sự trưởng thành, thành người cha mục tử, thành người mẹ mục tử, và khi một linh mục không trở nên người cha đối với cộng đoàn của mình, khi một nữ tu không trở nên người mẹ với tất cả những ai họ cùng làm việc, họ trở nên buồn bã. Đó là vấn đề. Căn cứ vào đó, cha nói cho các con hay: cội rễ của buồn phiền trong đời sống mục vụ thực tế nằm ở chỗ thiếu cái tinh thần của người cha, cái tinh thần của người mẹ, do việc sống đời sống dâng hiến này cách tồi tệ, trong khi lẽ ra phải dẫn chúng ta đến việc sinh hoa kết trái. Chúng ta không thể nghĩ đến những linh mục, những nữ tu mà không sinh hoa kết trái: đây không phải là đạo Công Giáo! đây không phải là đạo Công Giáo! Vẻ đẹp của đời dâng hiến: đó là niềm vui, niềm vui...

Tuy nhiên, cha không muốn làm cho nữ tu thánh thiện này phải ngượng ngùng đâu [Đức Thánh Cha quay sang một nữ tu cao tuổi ở hàng ghế đầu]. Chị đang gặp trở ngại, thật là tội nghiệp, quả thực chị đang bị nghẹt thở, nhưng chị có một khuôn mặt hạnh phúc. Thật là ích lợi cho cha khi nhìn vào khuôn mặt của Sơ đấy, Sơ ạ! Có lẽ Sơ đã có nhiều năm sống trong đời dâng hiến, nhưng sơ có đôi mắt đẹp, sơ đã mỉm cười, sơ đã không phàn nàn về những áp lực. Khi các con tìm kiếm những gương mẫu thế này, nhiều, rất nhiều nữ tu, rất nhiều linh mục vui vẻ, đó là bởi vì họ trổ sinh hoa trái, họ trao ban sự sống, sự sống, sự sống. Họ trao ban cuộc sống vì họ tìm lại nó trong Đức Giêsu. Trong niềm vui của Đức Giêsu. Niềm vui, chứ không phải buồn phiền, hoa trái của đời mục tử.

Để trở nên những chứng nhân hân hoan của Tin Mừng chúng ta phải chân thật, mạch lạc (coherence). Và đây là một từ khác cha muốn nói với các con: sự chân thực (authenticity). Đức Giêsu khiển trách nặng nề những kẻ giả hình: những kẻ giả hình, những kẻ suy nghĩ ti tiện; nói trắng ra là những người hai mặt. Chẳng mất mát gì khi nói với người trẻ về sự chân thực, bởi người trẻ - tất cả họ - có lòng khát khao nên chân thật, mạch lạc. Và các con chán ngấy khi thấy trong chúng tôi có những linh mục không chân thực và những nữ tu không chân thực.

Trước tiên đây là một trách nhiệm của người lớn, của các nhà đào tạo. Chính các bạn, những nhà đào tạo đang hiện diện nơi đây, phải nêu gương về sự chân thực cho người trẻ. Chúng ta muốn có những người trẻ chân thực không? Chúng ta hãy trở nên chân thực! Bằng không, Chúa sẽ nói với chúng ta điều Người đã nói về những người Pharisiêu cho Dân Chúa: "Những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm thì đừng làm theo." Mạch lạc và chân thực!

Tuy nhiên đến lượt các con, các con cũng thế, phải tìm cách đi theo con đường này. Cha luôn nói điều mà thánh Phanxicô Assisi đã khẳng định: Đức Kitô đã mời gọi chúng ta loan báo Tin Mừng cùng với lời. Câu đó dường như thế này: Hãy luôn rao giảng Tin Mừng, và, nếu cần, bằng lời nói. Điều đó nghĩa là gì? Nó có nghĩa là loan báo Tin Mừng bằng sự chân thực của cuộc sống, bằng sự mạch lạc của cuộc sống. Tuy nhiên, trong thế giới này mà sự giàu sang gây ra nhiều sự dữ, điều cần thiết là chúng ta những linh mục, nữ tu, hết thảy chúng ta phải trở nên rõ ràng với sự nghèo khó của mình! Tuy vậy, khi các con thấy mối quan tâm hàng đầu của một cơ sở giáo dục, hay giáo xứ, hay bất cứ cơ quan nào là tiền bạc, thì điều đó chẳng đem lại cái gì tốt. Nó chẳng làm điều gì tốt! Nó không mạch lạc! Chúng ta phải mạch lạc, phải chân thực. Trên con đường này, chúng ta làm như thánh Phanxicô nói: chúng tôi rao giảng Tin Mừng bằng mẫu gương, sau đó mới bằng lời. Nhưng trước tiên là cuộc sống chúng ta, nơi mà tha nhân phải có thể đọc thấy Tin Mừng. Cả đây nữa, không chút sợ hãi, với những khiếm khuyết mà chúng ta cố gắng sửa chữa, với những hạn chế mà Chúa biết, nhưng cùng cả với sự quảng đại khi chúng ta để Ngài hành động trong chúng ta. Với những khiếm khuyết, những hạn chế của chúng ta - cha nói thêm - với tội lỗi của chúng ta...

Cha muốn biết: có ai ở đây trong căn phòng này không phải là một tội nhân không, ai không có tội? Hãy giơ tay lên nào! Hãy giơ tay lên nào! Không có ai. Không có ai. Từ chỗ này đến tận đằng cuối kia... tất cả! Nhưng tôi mang tội của mình, tội của tôi như thế nào? Cha muốn cho các con một lời khuyên: hãy luôn luôn thẳng thắn với cha giải tội của các con. Hãy nói với Ngài mọi sự, đừng sợ hãi. "Cha ơi, con đã phạm tội!" Hãy nghĩ đến người phụ nữ thành Samaria, người đã làm chứng, đã nói với đồng hương của mình rằng bà đã thấy Đấng Mesia, bà nói: "Người đã nói với tôi mọi điều tôi đã làm" và tất cả mọi người đều biết đời sống của bà này. Hãy luôn nói sự thật với cha giải tội của các con. Sự minh bạch này mang lại lợi ích cho các con, bởi nó làm cho ta nên khiêm nhường, tất cả chúng ta. "Nhưng thưa cha, con vẫn cứ tiếp tục trong điều đó, con đã làm điều đó, con đã căm ghét” - bất kể điều đó là điều gì. Hãy nói sự thật, đừng che giấu, lấp lửng gì cả, bởi các con đang nói với chính Đức Giêsu trong con người cha giải tội. Và Đức Giêsu biết sự thật, chỉ mình Ngài luôn luôn tha thứ cho các con! Tuy nhiên, Chúa chỉ muốn các con nói với Ngài điều Ngài đã biết. Hãy minh bạch! Thật là buồn khi thấy một chủng sinh, một nữ tu đi xưng tội với linh mục này để tẩy xóa vết nhơ; ngày mai lại đến với người khác, người khác, người khác nữa: một cuộc hành hương đến với các cha giải tội nhằm che giấu sự thật. Hãy minh bạch! Chính Đức Giêsu đang lắng nghe các con. Hãy luôn luôn có sự minh bạch này trước mặt Đức Giêsu nơi cha Giải tội! Tuy nhiên, đây là một ân sủng. Lạy cha, con đã phạm tội, con đã làm điều này, điều này... Và Chúa ôm các con, hôn các con. Hãy đi và đừng phạm tội nữa! Và nếu các con sa ngã lần nữa? Cha nói điều này từ kinh nghiệm. Cha đã nhận thấy nhiều người thánh hiến bị sa vào cái bẫy giả hình là thiếu minh bạch. "Con đã làm điều này", cách khiêm nhường, như người thu thuế đứng cuối đền thờ: "Con đã phạm tội này, con đã phạm tội này...." và Chúa che miệng bạn lại. Chính Ngài là người che miệng bạn lại. Nhưng các con đừng làm thế! Các con có hiểu không? Từ chính tội lỗi mà ân sủng dư tràn! Hãy mở cửa cho ân sủng, với sự minh bạch này!

Các thánh và những bậc thầy về đời sống thiêng liêng nói với chúng ta rằng thực hành việc xét mình hàng ngày rất hữu ích, thậm chí không thể thiếu, để giúp ta lớn lên trong sự chân thực trong đời sống chúng ta. Điều gì đang xảy ra trong linh hồn tôi? Do vậy, chúng ta phải cởi mở với Chúa và rồi với người giải tội của chúng ta, với cha linh hướng của chúng ta. Điều này thât là quan trọng!

Đến mấy giờ, thưa Đức Tổng Fisichella, chúng ta còn thời gian không?

[Tổng Giám Mục Fisichella: Nếu Cha nói như thế này, chắc hẳn chúng ta sẽ ở đây cho đến ngày mai.]

Cha nói đến ngày mai à. Vậy ít ra chúng ta hãy mang bánh Sandwich và một chai coca cola cho mỗi người chứ nếu đến ngày mai....

Để cho lời chứng của chúng ta đáng tin cậy, sự mạch lạc là cần thiết. Nhưng như thế chưa đủ. Chúng ta cũng cần chuẩn bị về văn hóa, cha nhấn mạnh sự chuẩn bị về văn hóa, đưa ra lý lẽ cho đức tin và đức cậy chúng ta. Bối cảnh trong đó chúng ta sống, hằng kêu gọi "đưa ra lý lẽ", và đó là điều tốt đẹp, bởi nó giúp chúng ta không coi điều gì là đương nhiên. Hôm nay đây chúng ta không thể xem bất cứ điều gì là đương nhiên được. Nền văn minh này, văn hóa này... chúng ta không thể. Tuy nhiên, điều đó chắc chắn là hợp thời; đòi hỏi phải có một nền đào tạo tốt lành và quân bình, liên kết mọi chiều kích của cuộc sống, nhân bản, tâm linh, trí thức và mục vụ. Có 4 cột căn bản của việc đào tạo: tâm linh, tức là đời sống thiêng liêng; trí thức, học biết “đưa ra lý lẽ”; tông đồ:bắt đầu ra đi để loan báo Tin Mừng; và thứ tư, đời sống cộng đoàn. 4 cột trụ. Và đối với điểm cuối cùng, cần đào tạo trong cộng đoàn, ở nhà tập, ở tu viện, ở các chủng viện... Cha luôn luôn nghĩ rằng: một chủng viện tồi tệ còn hơn là không có chủng viện! Tại sao? Bởi đời sống cộng đoàn thật cần thiết. Hãy nhớ 4 cột trụ: đời sống tâm linh, đời sống trí thức, đời sống tông đồ, và đời sống cộng đoàn. Bốn cột trụ này, các con phải xây dựng ơn gọi trên 4 cột trụ này.

* * *

Và giờ đây, cha xin nhấn mạnh tầm quan trọng của những mối quan hệ tình bạn và tình huynh đệ trong đời sống cộng đoàn vốn là một phần không thể thiếu của việc đào tạo này. Ở đây chúng ta đề cập một vấn đề khác. Tại sao cha lại nói đến mối quan hệ của tình bạn và tình huynh đệ? Đã biết bao nhiêu lần cha thấy các cộng đoàn, các chủng viện, các cộng đoàn dòng tu hay giáo phận, nơi đó lời nguyện tắt thông thường nhất là chuyện ngồi lê đôi mách! Thật kinh khủng! Họ “lột da” nhau.... Và đó là thế giới giáo sĩ, thế giới tu trì của chúng ta.... Xin lỗi, nhưng điều đó cũng bình thường thôi: ghen tương, đố kỵ, nói xấu lẫn nhau. Không chỉ nói xấu bề trên, điều này cũ rồi! Nhưng cha nói với các con rằng chuyện này rất hay xảy ra, nó phổ biến lắm! Cha cũng từng bị sa ngã vào chuyện này. Cha đã từng làm thế nhiều lần, rất nhiều lần! Và cha thấy xấu hổ! Cha xấu hổ về điều này! Thật không phải khi làm như vậy: đi ngồi lê đôi mách. " Chị đã nghe.. . chưa? Anh đã nghe...chưa?" Một cộng đoàn thế này quả là một địa ngục! Điều này chẳng mang lại lợi ích gì. Và vì thế, mối quan hệ của tình bạn và tình huynh đệ thật quan trọng. Có ít bạn bè. Kinh Thánh nói điều này: bạn hữu, một người, hai người... nhưng anh em với tất cả. Nếu tôi có điều gì chống lại một người anh một người chị, tôi sẽ nói trước điều đó trước mặt họ, hoặc tôi sẽ nói điều đó cho ai có thể giúp đỡ, nhưng tôi sẽ không nói với người khác để bôi tro trát trấu vào mặt họ. Và ngồi lê đôi mách thì thật kinh khủng! Đằng sau việc ngồi lê đôi mách, ẩn dưới việc ngồi lê đôi mách này là đố kỵ, ghen tuông, tham vọng. Các con hãy nghĩ về điều này. Một lần nọ sau khóa linh thao, cha nghe thấy một người - một người thánh hiến, một nữ tu... Điều này thì tốt. Nữ tu này đã nguyện hứa với Chúa rằng chị sẽ không bao giờ nói xấu người khác nữa. Đây quả là một điều đẹp đẽ, một con đường đẹp đẽ để nên thánh! Không nói xấu người khác. "Nhưng thưa cha, vấn đề là..." Hãy nói điều đó với bề trên, với giám mục là những người có thể sửa chữa. Nhưng đừng nói điều đó cho người không thể giúp ích gì. Tình huynh đệ: điều này thật quan trọng! Hãy nói cho cha hay, các con có nói xấu cha, mẹ hay anh em của mình không? Không bao giờ. Vậy tại sao các con lại làm như thế trong đời sống thánh hiến, trong chủng viện, trong đời sống giáo sĩ? Chỉ điều này thôi: hãy nghĩ về nó, nghĩ về nó... tình huynh đệ. Tình yêu huynh đệ.

Tuy nhiên, có hai thái quá trong khía cạnh tình bạn và tình huynh đệ này: sự cô lập (isolation) và sự phân tán (dissipation). Tình bạn và tình huynh đệ sẽ giúp tôi không bị rơi vào tình trạng cô lập hay phân tán. Những tình bạn được vun trồng, chúng là một tài sản quý giá: tuy nhiên, chúng phải dạy các con không khép mình lại nhưng biết mở lòng ra. Một linh mục, một nam tu, một nữ tu không thể nào là một hòn đảo, nhưng phải luôn là một người sẵn sàng gặp gỡ. Tình bạn cũng được nên phong phú nhờ những đoàn sủng khác nhau của các gia đình dòng tu. Nó là một sự phong phú tuyệt vời. Chúng ta nghĩ về tình bạn đẹp đẽ của biết bao vị thánh.

Cha nghĩ phải cắt bớt bài giảng, bởi lòng kiên nhẫn của các con thật lớn lao!

[Các chủng sinh: xin đừng…..!]

Cha muốn nói với các con: hãy ra khỏi bản thân mình để loan báo Tin mừng, nhưng để làm điều này các con phải ra khỏi chính mình để gặp gỡ Đức Giêsu. Có hai con đường để ra đi: một là hướng về gặp gỡ Đức Giêsu, hướng về tính siêu việt; cái kia là hướng về tha nhân để loan báo Đức Giêsu. Hai con đường này đi đôi với nhau. Nếu bạn chỉ thực hiện một trong hai thì chẳng ích lợi gì. Cha nghĩ đến mẹ Têrêxa thành Calcutta. Nữ tu này thật tốt lành... Mẹ không sợ bất kỳ điều gì cả, mẹ ra đi trên đường phố... Nhưng người phụ nữ này cũng không sợ phải quỳ gối hai giờ đồng hồ trước Chúa. Các con đừng sợ đi ra chính mình trong cầu nguyện và trong hành động.. .. Hãy can đảm trong cầu nguyện và trong việc đi loan báo Tin mừng.

Cha muốn một Hội Thánh ra đi truyền giáo nhiều hơn, một Hội Thánh không quá tĩnh lặng. Một Hội Thánh xinh đẹp biết ra đi. Trong những ngày này có nhiều nhà truyền giáo nam nữ đã đến tham dự thánh lễ sáng nơi đây, tại nhà thờ thánh Matta, và khi họ chào cha, họ nói: " Nhưng con là một nữ tu già, con đã ở Ciad 40 năm, con đã ở nơi này nơi kia..." Thật đẹp biết bao! Nhưng các con có hiểu rằng nữ tu này đã trải qua nhiều năm như thế bởi chị không bao giờ ngừng gặp gỡ Đức Giêsu trong cầu nguyện. Thật cần thiết để ra khỏi chính mình, để hướng về sự siêu việt của Đức Giêsu trong cầu nguyện, để hướng về sự siêu việt của tha nhân trong việc tông đồ, trong việc làm. Hãy đóng góp phần các con vào Hội Thánh như thế: trung thành với con đường mà Đức Giêsu đã ước muốn. Đừng học hỏi từ chúng tôi, từ chúng tôi là những người không còn trẻ nữa; đừng học từ chúng tôi cái môn thể thao mà chúng tôi, những người già cả, đã thường chơi: môn than vãn. Đừng học từ chúng tôi việc tôn thờ nữ thần luôn phàn nàn. Bà ta là nữ thần luôn than vãn. Hãy sống tích cực, nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và đồng thời, hãy ra đi, sẵn sàng gặp gỡ mọi người, đặc biệt những ai bị khinh rẻ và bất hạnh. Đừng sợ phải đi ngược dòng. Hãy trở nên những người chiêm ngưỡng và những nhà truyền giáo. Hãy luôn có Đức Mẹ bên cạnh các con, hãy lần chuỗi mân côi...đừng bỏ. Luôn có Đức Mẹ ở với các con trong ngôi nhà mình, như môn đệ Gioan đã luôn có Mẹ ở cùng. Nguyện xin Mẹ luôn đồng hành và bảo vệ các con. Và hãy cầu nguyện cho cha nữa, bởi cha cũng cần lời cầu nguyện, bởi cha là một tội nhân đáng thương, nhưng chúng ta phải đi về phía trước.

Cám ơn các con rất nhiều và chúng ta sẽ gặp nhau ngày mai. Các con hãy tiến về phía trước trong hân hoan, trong sự minh bạch, luôn can đảm nói lên sự thật, can đảm ra đi khỏi chính mình để gặp Đức Giêsu trong cầu nguyện và ra đi khỏi mình để gặp gỡ tha nhân và trao ban cho họ Tin mừng, với sự sinh hoa kết trái trong công tác mục vụ. Xin đừng trở nên những "cô gái già", những "chàng trai già". Hãy tiến về phía trước!

Đức Tổng Giám Mục Fisichella nói rằng hôm qua các con đã đọc kinh Tin Kính, mỗi người theo ngôn ngữ riêng. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều là anh em với nhau, chúng ta có chung một Cha. Giờ đây, mỗi người trong ngôn ngữ của mình, hãy đọc kinh Lạy Cha. Nào chúng ta hãy đọc kinh Lạy Cha.

[Đọc kinh Lạy Cha]

Và chúng ta cũng có chung một Mẹ. Chúng ta hãy đọc Kinh Kính Mừng, theo ngôn ngữ của mình.

[Đọc kinh Kinh Mừng]

 

back to top
Filters