News Filters

BÀI VÀ VIẾT CỦA ANH CHỊ EM LỚP GIÁO LÝ DỰ TÒNG VÀ HÔN NHÂN TẠI GIÁO XỨ CHÍ HÒA, KHOÁ I NĂM 2020: VÌ LỠ ĂN “BÁNH” *** Giuse Huỳnh Thái Quang Phước

08 Tháng Mười Hai 2020

VÌ LỠ ĂN “BÁNH”

 

Em được sinh ra trong một gia đình nghèo và giáo dục nghiêm khắc từ nhỏ. Em được ba tuổi thì ba mẹ em không còn ở với nhau, mỗi người một nơi. Do khó khăn, nên mẹ gửi em ở bên nội để được giáo dục, lo lắng, nuôi nấng em nên người. Vào thời điểm học hết lớp một thì em nhận biết rằng truyền thống gia đình em là Phật giáo, nên em thường đi lễ chùa vào những ngày rằm, quan trọng. Sau khi lớn hơn chút nữa, em từng nghĩ về tôn giáo mình theo, nhưng về đạo Thiên Chúa thì em từng nghe nhiều người nói là không thờ tổ tiên, ông bà nên em không để tâm, thậm chí có thành kiến với đạo Thiên Chúa vì em nghĩ không thờ tổ tiên, ông bà thì sau này không biết tổ tiên, ông bà sẽ đi về đâu và không còn biết nguồn gốc mình từ đâu. Suy nghĩ đó luôn ở trong đầu em nên cứ mỗi ngày đi học em đều nghe những đứa bạn nói chuyện về đạo Thiên Chúa thì em luôn phản đối và nói những điều trái lại với đạo Thiên Chúa, thậm chí còn cự cãi, đôi co nhiều lần xém xảy ra đánh nhau nữa. Cũng như bên Phật nói có duyên sẽ gặp và rồi có một ngày, người bạn cùng lớp do hợp tính nên chơi rất thân với nhau. Có chuyện gì hai đứa cũng nói, chia sẻ, đùm bọc với nhau. Vào một ngày nọ, người bạn đó có hỏi em: “Ê, ngày mai sáu giờ sáng mày có rảnh không, đi lễ nhà thờ với tao.” Em trả lời: “Đi nhà thờ bên Chúa hả, tao thấy bên đạo đó không thờ tổ tiên, ông bà mày đi làm gì.” Bạn em nói: “Làm gì có! Vẫn thờ tổ tiên, ông bà nhưng Chúa đầu tiên, do mày không biết thôi. Đi với tao, nhà thờ vui lắm.” Thế là em nhận lời vì tò mò. Hai đứa hẹn nhau đúng sáu giờ sáng có mặt tại nhà thờ, tên là Tân Chí Linh. Hai đứa vào nhà thờ ngồi bên trong những chiếc ghế được làm bằng gỗ xếp ngay ngắn theo từng hàng ở trong nhà mà em không biết phải gọi là nhà gì. Một lát sau, em thấy có một người biết lên bục, đọc những lời dạy về đạo Thiên Chúa, về cách sống của Chúa Kitô. Người đó được gọi là Cha. Sau một hồi nghe giảng dạy thì thấy tất cả mọi người đang ngồi ở những hàng ghế gỗ đều đứng dậy đọc gì đó xong rồi quỳ xuống, miệng thì đọc gì đó, xong một lát sau ngồi lên ghế. Em thấy từng người ở những hàng ghế đều đi lên chỗ những người phát bánh, gọi là “Bánh Thánh”. Em liền rủ bạn em lên: “Ê, lên lấy Bánh Thánh ăn, mày.” Và hai đứa đi lên lấy bánh ăn xong rồi về chỗ ngồi. Ngồi được một lúc, em thấy mọi người đều về hết thì hai đứa cũng đi về. Khi đi về, em có hỏi bạn ấy: “Bánh gì mà lạt, không có mùi vị, sao người ta phát miễn phí không lấy tiền nữa vậy.” Bạn em trả lời: “Bánh đó là Bánh Thánh dành cho người rước lễ, ăn vô để được Chúa phù hộ, che chở.” Em còn chọc nó: “Vậy sao mày không xin Bánh đó nhiều nhiều để mày ăn vào, học cho giỏi, chứ tao thấy mày ngu quá.” Bạn em không trả lời, chuyển qua nói chuyện khác. Thế là lần đó xong, chẳng bao giờ em nghe nó rủ em đi nhà thờ nữa và em cũng hiểu ra chuyện gì rồi xin lỗi. Và hai đứa vẫn chơi với nhau đến tận khi chuyển cấp lên lớp mười. Từ đó, không còn gặp nhau nữa nhưng trong khoảng thời gian chưa lên lớp 10 thì hai đứa không còn bàn việc đi lễ hay trò chuyện về đạo Thiên Chúa nữa.

Thời gian từng ngày trôi qua đến mấy năm sau, em đi làm ở một quán nhậu “Phục Vụ”. Tình cờ em lại gửi yêu thương, quý mến đến một cô gái. Cứ thế mỗi ngày đều gặp được mặt nhau, nói chuyện sau khi hết giờ làm và quen nhau. Sau khi quen gần được ba tháng hơn gì đó thì em mới biết cô ấy là người có đạo Thiên Chúa. Lúc đó, trong đầu em lại có suy nghĩ: Kệ, quen chơi nhằm nhò gì, Đạo cũng mặc kệ. Nào ngờ ngày tháng trôi qua, em thấm dần và yêu cô ấy thật lòng đến hiện giờ cũng gần ba năm. Vào một hôm, cô ấy nói: “Chúng mình cưới nhau đi.” Em trả lời: “Ừm, bên Đạo em cưới cần những gì.” Cô ấy nói: “Đi học lễ lấy bằng, rửa tội xong là cưới được.” Thế là hai đứa rủ nhau đi học. Vào hôm đầu tiên, em được gặp “thầy Châu” với những người bạn có đôi có cặp học chung, ngồi cạnh nhau (thầy có đọc cho em xin lỗi, nhưng tính em nói thẳng). Những buổi học đầu tiên em cảm thấy rất buồn ngủ, và nghe những lời thầy nói về Đạo Phật sai với cách nghĩ của em (lúc em chưa hiểu) làm em cảm thấy khó chịu và bực mình, muốn cãi lại. Nhưng khi em lấy bình tĩnh lại và nghĩ: Thôi, thầy Châu nói gì kệ thầy, coi như nói gì cũng mặc kệ.

Qua từng ngày đi học, ngày này sang ngày kia, em chợt nhận và hiểu ra rằng mọi chuyện, suy nghĩ về Đạo Thiên Chúa và lời thầy Châu giảng dạy, nói cho tất cả học viên ở khoá học nghe đều là đúng hết, do em nghĩ sai và có thành kiến mà thôi. Đạo Chúa, Đạo Phật như thầy Châu nói đều dạy cho ta cách sống, đối xử, ăn nói có chừng mực, đúng đạo nghĩa con người. Bên Phật có cái này cái kia, bên Chúa cũng vậy, nhưng theo niềm tin bên Đạo, Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi thứ được tạo ra. Tình yêu Thiên Chúa rộng lượng và bao la biết dường nào. Luật lệ bên Đạo Thiên Chúa đôi khi còn gắt gao hơn bên Đạo Phật, nhưng khi những lúc con người cảm thấy bất an thì đọc kinh cầu nguyện với Thiên Chúa đều cảm thấy bình an trở lại. Đối diện với Thiên Chúa vô hình, gặp Ngài ở trong tâm hồn, lắng nghe và giãi bày lòng mình với Ngài. Mỗi khi cầu nguyện như thế, Thiên Chúa đều biến cải tâm hồn và cuộc đời khác hẳn, biến đổi một cách toàn diện. Đúng là chỉ có Ngài mới thay đổi được tất cả. Được biết hơn nữa, Đạo Thiên Chúa không chỉ là lời nói mà là đời sống, việc làm để chứng tỏ tình yêu Thiên Chúa qua cách sống của mỗi người Công giáo. Con người chẳng những sống nhưng còn suy nghĩ về cuộc đời và cơm áo, gạo tiền…. Lẽ sống còn cao quý hơn chính sự sống, một cuộc đời vật chất, sung túc, tiện nghi chưa chắc đã có hạnh phúc. Muốn hạnh phúc thật phải sống theo một lý tưởng. Chủ đích của tôn giáo là chân lý chứ không phải là chỉ dạy luân lý. Khi học giáo lý hôn nhân, em hiểu được nhiều điều do thầy (cô) dạy, biết được nhiều cái chưa từng nghe tại trường lớp nào hết. Gặp được nhiều học viên và làm bạn với họ cũng như sinh hoạt tập thể. Nhân đây, em xin cảm ơn các thầy (cô) đã hướng dẫn chúng em trong bước ngoặc cuộc đời để em vào cuộc hôn nhân sắp tới được tốt hơn khi chưa biết gì và tinh thần làm cha mẹ trong tương lai.

Nguyện xin Chúa che chở cho con được bước vào làm con của Ngài. Xin Chúa ban hồng ân, sức khoẻ và đức tin vững vàng cho các Cha, các thầy, và các vị giảng viên để các ngài rao giảng Tin Mừng Thiên Chúa cho nhiều thế hệ sau. Nguyện xin Thánh Gia củng cố đức tin của chúng con để chúng con bước vào đời sống mới được mang tên “Kitô hữu”.

 

Giuse Huỳnh Thái Quang Phước

 

* Thông báo: Khoá Giáo Lý Dự Tòng và Hôn Nhân mới sẽ bắt đầu vào thứ ba đầu tháng Ba năm 2021, học từ 19g-21g các tối thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy mỗi tuần và kéo dài khoảng 6 tháng (theo đúng yêu cầu của Toà Giám mục Sài Gòn).

back to top
Filters