GIA ĐÌNH VÀ ĐẠO HIẾU *** Linh mục Đa minh Đinh Văn Vãng
08 Tháng Giêng 2021
GIA ĐÌNH VÀ ĐẠO HIẾU
Linh mục Đa minh Đinh Văn Vãng
A.- Đức Tin và Đạo Hiếu
B.- Bổn phận con cái với cha mẹ
C.- Quan hệ họ hàng hai bên
A.- ĐỨC TIN VÀ ĐẠO HIẾU
Có người nghĩ rằng: Theo đạo là phải từ bỏ việc cúng giỗ ông bà tổ tiên, là thái độ bất hiếu đối với cha mẹ ông bà, những người đã có công sinh thành dưỡng dục nên mình. Thực ra không phải thế: Theo đạo không những không bất hiếu mà còn thể hiện lòng hiếu thảo cách đúng đắn hơn và phù hợp với đạo lý làm người hơn như sau:
-Mười điều răn Đức Chúa Trời chỉ tóm lại trong 2 điều trọng yếu: một là mến Chúa và hai là yêu người. Ngoài ba điều răn đầu về lòng mến Chúa, còn bảy điều răn sau đề cập đến bổn phận yêu người mà trước hết là “Hãy thảo kính cha mẹ”. Chúa Giêsu khi xuống trần gian cũng đã nêu gương hiếu thảo cho chúng ta. Người luôn yêu mến vâng lời và làm đẹp lòng Chúa Cha (x Mt 3,17). Người cũng thảo kính vâng lời cha mẹ như Tin mừng ghi lại: “Sau đó Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51a). Thánh Phaolô cũng khuyên các tín hữu phải quan tâm chăm sóc cho người thân thuộc của mình như sau: “Ai không chăm sóc người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn người không có đức tin” (1 Tm 5,8).
-Tuy nhiên, hiếu thảo không có nghĩa là phải tôn thờ cha mẹ. Vì cha mẹ cũng chỉ là người phàm như chúng ta, cùng là tạo vật của Thiên Chúa. Bằng chứng là cha mẹ chẳng hiểu gì về sự hình thành của con cái xảy ra nơi mình. Cha mẹ cũng không hiểu rõ về các bộ phận như tim gan… nằm chỗ nào trong cơ thể của con cái và không hiểu gì về sinh hoạt của mỗi bộ phận ấy, dù đứa con là của mình và do mình đẻ ra. Nhiều khi việc sinh con lại không theo ý muốn của cha mẹ: Muốn có con trai thì lại sinh ra con gái. Không muốn mà vẫn có thai, hoặc ngược lại muốn có mà lại không thể có con được… Như vậy có thể nói rằng: Cha mẹ chỉ là bộ máy trung gian để qua đó, Chúa tiếp tục tạo dựng nên con cái loài người. Chúa dùng mẹ như phương tiện để sinh con và trao cho cha mẹ quyền thay Chúa mà nuôi dạy và chăm sóc con cái. Do đó, tuy phải biết ơn cha mẹ, nhưng con cái còn phải biết ơn Thiên Chúa là nguồn phát sinh sự sống, là Đấng Tạo Thành vũ trụ vạn vật, trong đó loài người là loài cao trọng nhất. Thiên Chúa cũng đặt ra những định luật thiên nhiên để vạn vật tuân theo hầu có thể tồn tại lâu dài và tiến hóa theo ý định an bài của Thiên Chúa. Loài người có bổn phận phải biết ơn Thiên Chúa, thể hiện qua thái độ nhận biết, tôn thờ yêu mến và quyết tâm sống theo thánh ý Ngài.
B.- BỔN PHÂN ĐỐI VỚI CHA MẸ:
Đối với cha mẹ ông bà, là những đấng Chúa dùng để sinh thành và nuôi dạy chúng ta, chúng ta có bổn phận phải tỏ lòng biết ơn và phụng dưỡng các ngài. Những bổn phận đối với cha mẹ ông bà tổ tiên ấy gọi chung là Đạo Hiếu. Vậy đôi vợ chồng có bổn phận tỏ lòng hiếu thảo biết ơn cha mẹ ông bà khi sống khi chết và đối xử với bà con anh em họ hàng đôi bên như thế nào cho phải đạo làm con?
I.- KHI CHA MẸ CÒN SỐNG:
1.- Hiếu thảo biết ơn:
Lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ phát xuất từ sự biết ơn đối với công ơn sinh thành dưỡng dục mà cha mẹ dành cho mình. Con cái phải bày tỏ lòng hiếu thảo qua việc yêu mến, tôn kính, vâng lời, chăm sóc và giúp đỡ cha mẹ. Tránh làm buồn lòng các ngài như sách Huấn ca đã dạy như sau: “Hãy hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ cha mẹ mà con mới được sinh ra. Làm sao con báo đền được những điều cha mẹ làm cho con?” (Hc 7.27-28). Công đồng Va-ti-ca-nô II cũng dạy “Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy. Họ phải theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh” (MV 48).
2.- Yêu mến tôn kính:
+ Trong tư tưởng, con cái phải nhìn nhân công ơn cha mẹ và tỏ lòng kính trọng vì các ngài đã hy sinh tất cả để sinh thành dưỡng dục và kiến tạo hạnh phúc cho ta.
+ Trong lời nói, con cái phải chọn cách xưng hô xứng hợp và trò chuyện khiêm cung mềm mỏng. Đừng khi nào nói chuyện với cha mẹ cách trống không mà không thưa gửi, đừng nói xỏ nói xiên, chửi chó mắng mèo, hoặc dùng những lời lẽ cứng cỏi, xẵng giọng to tiếng khi thưa chuyện với cha mẹ.
+ Trong việc làm, con cái phải năng thăm viếng, hoặc gọi điện thư từ hỏi han. Nên bày tỏ lòng yêu mến bằng quà biếu nếu có khả năng, và tìm mọi cách làm vui lòng cha mẹ. Khi cần, nên hỏi ý kiến các ngài trước khi có những quyết định quan trọng liên quan đến cuộc đời mình như chọn bạn sống, chuyện cưới hỏi, chọn trường học, chọn chỗ làm việc, chọn cách đối xử với chồng hay vợ khi có tranh chấp cãi vã… và sẵn sàng nghe theo những lời khuyên khôn ngoan xác đáng của cha mẹ.
Dù khi không còn sống chung một nhà với cha mẹ, nhưng con cái vẫn phải tỏ lòng hiếu kính đối với cha mẹ vì các ngài là đại diện tình yêu phụ mẫu của Thiên Chúa đối với chúng ta.
3.- Phải vâng lời và làm vui lòng cha mẹ:
Lòng hiếu thảo được bày tỏ qua sự ngoan ngoãn và vâng phục. Tác giả Sách thánh đã viết như sau: “Hỡi con, hãy giữ lấy lời huấn dụ của cha, và đừng ruồng bỏ giáo huấn của mẹ. Chúng sẽ hướng dẫn con khi con đi, canh giữ con khi con nằm, và khi con thức dậy, chúng chuyện trò với con” (Cn 6,20-22). Hoặc: “Con ngoan thì mến chuộng lời cha quở mẹ mắng. Kẻ nhạo báng thì chẳng nghe những lời khiển trách răn đe” (Cn 13,1).
+ Khi chưa trưởng thành, con cái phải mau mắn vâng lời cha mẹ trong tất cả những gì hợp luật Chúa. Không nên trách móc phàn nàn như lời thánh Phaolô đã viết: “Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì điều đó đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20).
+ Khi đã ở riêng, nếu ta có làm điều gì sai trái mà được cha mẹ nhắc nhở, cần mau mắn vâng theo. Hơn nữa, người con trưởng thành cần biết đoán trước những gì cha mẹ muốn để làm đẹp lòng các ngài.
+ Khi cha mẹ lâm chung, nếu cha mẹ có trăn trối điều gì, con cái phải sẵn lòng tuân giữ. Ngược lại, nếu cha mẹ có ép buộc điều gì trái lương tâm, thì con cái cần tìm cách giãi bày để cha mẹ cảm thông, và không làm theo điều sai trái ấy (x Mt 10,34-37).
Sách Huấn ca dạy: “Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi. Chớ làm phiền lòng người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng. Ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn. Ai chọc giận mẹ mình, thì sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa” (Hc 3.12-16).
4.- Bổn phận cô dâu trong gia đình chồng:
Khi lập gia đình, thông thường trong thời gian đầu, cô dâu phải từ giã nhà cha mẹ đẻ để được chú rể đón về nhà chồng. Từ đây, cô dâu trở nên thành viên chính thức của gia đình nhà chồng. Cô có bổn phận phải coi cha mẹ chồng như cha mẹ đẻ của mình và phải ăn ở thế nào cho trọn đạo hiếu với cha mẹ chồng. Cô dâu cần có thái độ khôn khéo trong cách ăn nết ở, phải thực lòng tôn kính yêu mến cha mẹ chồng và phải chăm lo quán xuyến các công việc nhà chồng như một thành viên thực sự của gia đình nhà chồng.
+ Khôn ngoan trong ứng xử:
Muốn được cha mẹ chồng yêu mến và coi mình như con đẻ, thì cô dâu phải biết khôn ngoan đi bước trước: Phải tỏ lòng kính trọng và yêu mến cha mẹ chồng, thể hiện qua cách ăn nói lễ phép, qua thái độ khiêm nhường vâng phục và qua việc ân cần chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ chồng, nhất là khi các ngài đau yếu. Phải cư xử hiếu thảo với cha mẹ chồng giống như với cha mẹ đẻ của mình. Được như vậy thì chắc chắn cô sẽ gây được thiện cảm của cha mẹ chồng, và sẽ tránh được cảnh “mẹ chồng nàng dâu khác máu tanh lòng” như vốn thường hay xảy ra tại các gia đình Việt Nam có truyền thống lễ nghĩa gia phong.
+ Thực lòng tôn kính cha mẹ chồng:
Trừ những gì quan trọng, còn bình thường, cô dâu nên tránh đem chuyện bên gia đình chồng nói lại cho gia đình nhà mình, để khỏi sinh ra đối nghịch giữa hai bên sui gia.
Tránh đừng để chồng lâm vào hoàn cảnh khó xử: bên vợ bên mẹ. Được vợ thì mất mẹ mà được mẹ thì lại mất vợ. Lòng tôn kính yêu mến thể hiện qua cách nói chuyện có thưa gửi, không nói chuyện trống ngôi, biết quan tâm đến miếng ăn giấc ngủ của cha mẹ chồng, biết mua quà biếu tặng trong những dịp lễ tết. Tránh trở thành gánh nặng về kinh tế cho cha mẹ chồng, nhưng biết khéo léo làm việc để có thể góp tiền vào ngân quỹ chi thu của gia đình chồng.
+ Chu toàn bổn phận dâu con:
Tránh ươn lười, nhưng chăm chỉ lo việc bổn phận của mình. Vui vẻ hòa đồng với anh chị em chồng, nhất là chị chồng hay em gái chồng.
II.- KHI CHA MẸ QUA ĐỜI:
1.- Việc hậu sự:
Sau khi cha mẹ qua đời, con cái sẽ tỏ lòng hiếu kính bằng cách chung nhau lo việc an táng cho các ngài cách chu đáo. Cần đọc kinh cầu nguyện và xin lễ cầu nguyện cho cha mẹ sớm được về thiên đàng. Anh chị em trong nhà cũng cần phải sống hòa thuận yêu thương nhau, tránh sự xung đột và chia rẽ nhau, nhất là trong vấn đề phân chia nhà cửa tài sản.
Các bậc làm cha mẹ khi thấy mình có nguy cơ chết, trong lúc còn tỉnh táo nên nhờ người khôn ngoan giúp soạn di chúc phân chia tài sản và đem đi công chứng để được hợp lệ. Tránh để xảy ra tình trạng chết mà không có di chúc, vì dễ làm cho con cái chia rẽ hận thù nhau sau khi cha mẹ qua đời. Trường hợp không có bản di chúc cụ thể, gia đình nên nhờ người khôn ngoan có uy tín đứng ra giúp phân xử. Nếu giải quyết nội bộ không ổn thì mới nên đem ra tòa đời. Ngoài ra con cái cũng phải noi gương cha mẹ sống đạo đức lành thánh. Trong các ngày giỗ hay ngày đầu năm mới, con cái cần hợp nhau xin lễ cầu nguyện cho cha mẹ tại nhà thờ và đọc kinh giỗ chung tại tư gia. Cũng nên xin cha mẹ cầu bầu cùng Chúa cho con cháu được các ơn lành hồn xác giống như khi các ngài còn sống.
2.- Việc cúng giỗ:
Ngày xưa vì việc cúng giỗ ông bà cha mẹ có nhiều yếu tố mê tín dị đoan, làm cho các tín hữu yếu đức tin lầm lẫn tôn thờ ông bà cha mẹ giống như tôn thờ Thiên Chúa nên bị Hội thánh cấm. Vì điều đó trái nghịch với Điều thứ nhất trong Mười Điều Răn Đức Chúa Trời: “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”.
Nhưng ngày nay, đức tin nơi các tín hữu đã trưởng thành hơn, phân biệt được việc tôn thờ Thiên Chúa khác với việc tôn kính ông bà tổ tiên, nên Hội thánh nhìn nhân việc thờ cúng này chỉ là một cách bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công sinh thành dưỡng dục con cháu.
Hội thánh khuyến khích các tín hữu phát huy những tinh hoa trong nền văn hóa dân tộc. Tuy nhiên Hội thánh đòi người tín hữu phải thanh luyện để loại trừ những điều mê tín dị đoan, trái nghịch với đức tin Công giáo.
Đây cũng là điều anh em lương dân đặc biệt quan tâm. Nếu họ thấy người Công giáo thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ như trên, thì người lương sẽ không còn nghi ngại khi quyết định theo đạo hoặc khi chấp thuận cho con cái kết hôn với người Công giáo.
3.- Lập Gia Phả:
Cần ý thức bảo vệ truyền thống gia đình bằng việc lập bảng Gia Phả. Nếu bảng Gia Phả bị mất thì phải lo liệu sớm dựng lại những gì còn biết được. Gia đình nên làm bảng Gia Phả càng sớm càng tốt khi các bậc cao niên trong dòng họ còn đủ minh mẫn tỉnh táo để cung cấp thông tin.
Cũng nên quan tâm lưu giữ hình ảnh, nhất là hình chụp bán thân từng thành viên và những giấy tờ quan trọng, như sổ Gia đình Công giáo để sử dụng khi cần. Cần giữ lại các Sổ Gia đình Công giáo của các thế hệ trước, để con cháu mai sau có được dữ liệu chính xác về ông bà cha mẹ của mình. Bảng Gia Phả nên bảo quản trong hộp và đặt tại vị trí trang trọng như bên cạnh bàn thờ Ông Bà Cha Mẹ đã qua đời để tránh bị mối mọt hay ẩm mốc làm hư hại.
C.- HỌ HÀNG ĐÔI BÊN:
Đối với người Việt Nam, liên quan với bà con họ hàng trong gia tộc là điều rất quan trọng. Lâp gia đình không phải là chỉ lấy chồng hay vợ, mà còn lấy cả gia đình dòng tộc nhà chồng hay nhà vợ nữa. Cách cư xử của đôi bên thông gia không những liên quan đến cá nhân mà còn đến cả họ hàng đôi bên nữa.
Do đó, đôi vợ chồng cần gây thiện cảm bằng cách thuộc tên và hiểu rõ vai vế của từng người trong gia tộc mà xưng hô cho phải phép như: ông bà, chú bác, cậu mợ, cô dì, và anh chị em, con cháu. Cũng nên viếng thăm họ hàng gia tộc đôi bên trong những dịp hiếu hỉ, lễ tết để thắt chặt tình thân trong họ hàng gia tộc.