News Filters

MẶC KHẢI VỀ THÁNH THỂ *** BÀI II: PHỤNG VỤ THIÊN GIỚI *** PHẦN I: BÀI 29-44 *** Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR

01 Tháng Sáu 2021

MẶC KHẢI VỀ THÁNH THỂ

 

BÀI II: PHỤNG VỤ THIÊN GIỚI

 

PHẦN I: BÀI 29-34

 

@@@@@_BÀI 29_@@@@@

 

Bài hai :

 

PHỤNG VỤ THIÊN GIỚI

Học về Thánh Lễ

(Ga 6.51)

 

DIỄN TỪ VỀ BÁNH SỰ SỐNG (Tiếp theo)

B,- PHẦN THỨ HAI (Ga 6.51-58)

XIN NHẮC LẠI : ở Phần thứ nhất của Diễn từ (Ga 6.35-50), chúng ta đã được mời lãnh nhận :

       BÁNH SỰ SỐNG LÀ LỜI CHÚA hay BẢN THÂN CHÚA.

       Lãnh nhận bằng tâm trí và bởi lòng tin (tr.25tt).

       Ai lãnh nhận Bánh Giêsu và Lời Người thì không phải đói khát, thiếu thốn nhưng được no thỏa, được có ngay hiện thời trên trần gian sự sống của chính Thiên Chúa nơi mình, và ngày sau sẽ được sống lại toàn vẹn xác hồn trong Cõi Trời mới Đất mới, là Thiên Đàng hạnh phúc bất diệt.

Chúa Giêsu kết thúc Phần thứ nhất ấy của Diễn từ bằng cách lặp lại câu chủ lực ở đầu Diễn từ (c.35) : "Tôi là Bánh Sự Sống", và cho người Do Thái biết là cha ông họ vì không được ăn bánh thần linh này, mà chỉ được ăn Manna là cái bánh không thật từ trời xuống, nên họ vẫn phải chết (c.49). Sau đó, Người tái khẳng định mình chính là Bánh từ trời xuống thật, đúng như Người đã báo ở c.33: “Bánh của Thiên Chúa là cái từ trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”, bởi thế ai ăn mới khỏi chết. (c.50)

 

       Tới đây ở Phần thứ hai này của Diễn từ (6.51 đến 6.58), chúng ta sẽ được mời đến lãnh nhận :

       BÁNH HẰNG SỐNG LÀ THỊT MÁU CHÚA

       Lãnh nhận bằng cách ăn uống thật sự và tất nhiên cũng bởi lòng tin.

       Đến Phần thứ hai này, Bánh Sự Sống ấy không còn là hình bóng chỉ về Bản Thân Chúa Giêsu và Lời của Chúa mà người ta lãnh nhận bằng tâm trí, song đã mặc một dạng thức cụ thể là Thịt Máu thực sự của Chúa mà người ta sẽ lãnh nhận bằng việc ăn uống.

Thực vậy, trong Phần thứ hai này của Diễn từ, chữ “ăn uống” được nói đi nói lại nhiều lần, khác hẳn với Phần thứ nhất của Diễn từ nhấn mạnh đến ‘lòng tin’ của tâm trí.

Chúng ta cùng nhau đọc đoạn Diễn từ này (6.51-59):

51 "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống."

52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói : "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?" 53 Đức Giê-su nói với họ : "Thật, Tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.

54 Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,

55 vì thịt Tôi thật là của ăn, và máu Tôi thật là của uống.

56 Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.

57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ sống nhờ Tôi như vậy.

58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."

59 Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um.

 

*

Trước khi được ăn Thịt và uống Máu Chúa, (Rước Lễ), phải xem Thịt Máu ấy do từ đâu mà có, và ta sẽ thấy là do đã được Hiến Tế mà có. Vì thế, Phần hai này của Diễn từ gồm trong nó hai điều :

Hiến tế hay Thánh Lễ

Ăn uống Thịt Máu tế lễ hay Rước Lễ.

Bởi vậy chúng ta phải chia Phần hai này thành 2 Tiểu đoạn để học hỏi :

Tiểu đoạn một, gồm chỉ một câu 6.51, ta sẽ học về Thánh Lễ ;

Tiểu đoạn hai gồm các câu 6.52-58, ta sẽ học về việc Rước Lễ.

TIỂU ĐOẠN MỘT (6.51) :

HỌC VỀ THÁNH LỄ.

A – SAU KHI ĐÃ HIẾN TẾ TRÊN THẬP GIÁ, THỊT MÁU CHÚA GIÊSU MỚI TRỞ THÀNH CỦA ĂN CỦA UỐNG CHO TA.

Chúng ta thường nghe cũng như thường quen miệng nói: “Chúa lập phép Thánh Thể !” Và chúng ta nghĩ đó là chuyện quá dễ đối với Chúa : Chúa chỉ cần phán một lời và hóa phép một cái là bánh và rượu trở nên Thịt Máu Chúa hiện diện ngay trên bàn thờ. Một phép lạ ! Chúa quyền phép vô cùng, phán một lời liền có trời đất, huống chi là phép Thánh Thể nhỏ bé này!

Chính vì hiểu sơ xài như thế, không đi sâu vào mầu nhiệm, nên chúng ta không thấy sự cao cả của phép Thánh Thể, và không mấy quí trọng cho xứng.

Quả thật, chúng ta thường coi việc lập Phép Thánh Thể ở hình thức bên ngoài : là việc Chúa lập “một nghi thức” để các Tông đồ (và sau đó là các linh mục) thi hành mà làm cho Thịt Máu Chúa “hiện diện” (dưới hình bánh, hình rượu) trên bàn thờ. Khi linh mục vâng lệnh Chúa Giêsu, đọc lời truyền phép trên bánh rượu đúng “nghi thức” Chúa dạy : “Này là Mình Thầy”… “Này là Máu Thầy…” thì phép lạ xảy ra : trên bàn thờ Thịt Máu Chúa Giêsu hiện diện !

Nhưng vấn đề đâu có đơn giản như vậy ! Vấn đề đâu có phải chỉ là “nghi thức” đọc lời Chúa truyền, thì phép lạ xảy ra: tức thì Thịt Máu Chúa hiện diện trên bàn thờ.

Vấn đề là Thịt Máu Chúa bởi đâu mà có ?

Chúa quyền phép vô biên, phán một lời liền có trời đất, đúng vậy, nhưng Chúa không thể phán một lời liền có Thịt Máu Chúa để làm thần lương cho ta được. Muốn có Thịt Máu như thế, Chúa phải chết đã. Và cái chết của Chúa, Chúa cũng không thể phán một lời mà có. Cái chết của Chúa là một kinh nghiệm bản thân Người phải trải qua !

Đó là một quá trình hiến tế chính mình đầy đau đớn gian khổ : bởi vâng ý Cha mà chịu đóng đinh, chịu chết trên khổ hình thập giá, nên được Cha chấp nhận hiến tế, sau đó được Cha cho sống lại, khi ấy Thịt Máu Chúa mới có sự sống thần linh mà nuôi sống chúng ta.

Chính vì thế mà chúng ta viết tít đề trên đây :

Sau khi đã hiến tế trên thập giá, Thịt Máu Chúa Giêsu mới trở thành của ăn của uống cho ta !

Lấy ví dụ về hạt lúa cho dễ hiểu : muốn trở thành bánh người ta ăn mà sống, thì hạt lúa phải trải qua một quá trình làm bánh : người ta lấy hạt lúa đem phơi khô cho chết đi, nghiền nát thành bột, nhào với nước, rồi bỏ vào lò nướng mới thành bánh để người ta ăn (Đọc Tin Mừng theo Yoan, Tập III, trang 203).

Thì cũng vậy, Bánh Sự Sống, là Chúa Giêsu Con Một Thiên Chúa, cũng phải trải qua một quá trình chịu thử luyện gian khổ trong cuộc sống làm người, phải bị nghiền nát trong cuộc Thương khó, phải chịu nướng trong lò Tử nạn, rồi mới chỗi dậy trong sự Phục sinh, mà trở nên Bánh thần linh tuyệt diệu ban Sự Sống của chính Thiên Chúa cho nhân loại ăn mà được sống muôn đời.

Cái quá trình ấy được mệnh danh là cuộc Hiến tế mà chúng ta sẽ nghiên cứu dưới đây nhờ Khoa lịch sử tôn giáo (xem tr.169tt).

Công lao và tình yêu vô biên của Chúa trong việc này vĩ đại như thế, vậy mà từ trước đến nay, chúng ta chỉ thường hiểu việc Chúa lập Phép Thánh Thể đơn giản như làm một phép lạ, chẳng khác gì bao phép lạ còn hiển hách và vĩ đại hơn Chúa đã từng làm, vì thế ta coi thường, không mấy quí trọng Mình Máu Chúa cho xứng đáng ! Làm phép lạ chỉ là làm một việc ngoài bản thân Chúa, còn lập Thánh Thể, là bản thân Chúa bị đem vào cuộc.

Mặt khác, cũng do từ trước đến nay, ta chỉ nghe nói Chúa Giêsu chịu chết để đền tội thay cho nhân loại mà thôi, hầu như chưa bao giờ nghe nói Chúa có chịu chết thì Thịt Máu Người mới trở thành lương thực nuôi sống loài người ! Vì thế, mới được nghe lần đầu, quả thật là hơi lạ tai.

Vậy để hiểu biết tường tận, bây giờ ta khởi sự khảo sát câu 51 :

 

@@@@@_BÀI 30_@@@@@

Vậy để hiểu biết tường tận, bây giờ ta khởi sự khảo sát câu 51 :

Chúa Giêsu tuyên bố:

"Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.

Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.

Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống."

---------------------------------

**  Theo bản dịch của cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn:

“Bánh hằng sống bởi trời xuống, chính là Ta !

Ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời.

Và Bánh Ta sẽ ban, ấy là thịt mình Ta, sự sống thế gian."

Ở trên dịch “để cho thế gian được sống”, còn chúng ta chọn kiểu dịch dưới của cha Thuấn “ sự sống thế gian”, do chữ “vì” này có ý nghĩa rất quan trọng, dưới đây ta sẽ rõ.

------------------------------------

 - Trước hết, trong cụm từ “Bánh Sự Sống”, chữ “Bánh” hiển nhiên là một từ ngữ ẩn dụ ám chỉ con người Chúa Giêsu (Bánh Sự Sống ấy là Ta đây). Bánh này từ trời xuống, do đó mới là Bánh đích thật để ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.

Ngay sau đó có một sự chuyển ý : Bánh ấy lại là “Thịt (mình) Ta”. Tại sao ?

Tại vì ở đây, chữ “Thịt Máu” hàm ý một sự Hiến tế : Chúa Giêsu đã phải hy sinh thân mình, chịu chết trên thập giá, máu đổ thịt rơi nhờ đó tiến dâng mình làm Lễ vật đền tội lên Chúa Cha, và sau khi được Chúa Cha chấp nhận tế lễ Thịt Máu ấy, Người sẽ ban Thịt Máu ấy nay đã hóa thành thần thiêng xuống lại cho nhân loại, làm lương thực nuôi sống.

Tất cả ý nghĩa thâm sâu đó được Chúa Giêsu gói ghém trong câu 51c :

"Bánh Ta sẽ ban, ấy là thịt mình Ta, sự sống thế gian."

Vậy ta cần mổ xẻ từng chữ để nắm bắt được ý nghĩa ấy:

a/ Về chữ Bánh “sẽ” ban là thịt mình Ta : Nếu Bánh đó chỉ là Lời hay giáo lý của Chúa – mà chúng ta đã xem ở Phần thứ nhất của Diễn từ Bánh Sự Sống – Đức Giêsu có thể ban ngay lúc Người còn sốngđang rao giảng, vì chỉ cần dùng tâm trí là lãnh nhận được Lời Người, tiếp nhận được bản thân Người. Còn nếu Bánh đó là Thịt Máu Chúa, mà ta lãnh nhận bằng ăn uống, thì Chúa không thể ban ngay lúc ấy được, nhưng sẽ ban sau này. Chữ “sẽ” diễn tả một điều xảy ra trong tương lai, vậy phải chờ…

Giả như người ta không chịu chờ, mà sấn đến “ăn thịt uống máu” của Chúa ngay lúc Chúa đang nói (lúc ấy Người đang giảng tại Hội đường Ca-phac-na-um), thì sao ?

Thì không sinh hiệu quả thần thiêng gì cho họ, không khác gì ăn một miếng thịt bình thường, hay nói nặng hơn, không khác gì ăn thịt người ! Chính vì hiểu lầm như thế, mà người Do Thái hội họp trong hội đường ấy chống lại Đức Giêsu cách dữ dội !

Vậy phải chờ, chờ đến khi nào ? Thưa : Đến khi Đức Giêsu tế lễ mình chịu chết trên thập giá, và khi tế lễ ấy được Chúa Cha chấp nhận và thần hóa, Thịt Máu Đức Giêsu mới trở nên thần thiêng mà làm lương thực ban Sự Sống đời đời.

Hình Hội đường Ca-phac-na-um

Ở tiền cảnh, là các phế tích đổ nát của chính cái Hội đường ngày xưa, nơi Chúa Giêsu đã nói diễn từ về Bánh Hằng Sống này. Các nhà khảo cổ đã đào bới dưới lòng đất và phát hiện ra được.

Còn ở hậu cảnh là những bức tường và cột đổ nát của Hội đường được xây lại vào thế kỷ thứ IV sau Công Nguyên, hiện nay còn di tích.

b/ Về chữ “vì” sự sống thế gian : Giới từ “vì” (“huper” trong bản gốc Hi Lạp) [1]  ở đây không chỉ mục đích (“để cho…”), vì nếu chỉ mục đích, bản Hi Lạp sẽ dùng chữ "hina", nhưng muốn chỉ về việc tế lễ nói trên, bởi vì theo truyền thống Thánh Kinh, giới từ “vì” (“huper”) rất thường gợi ý về một sự hy sinh mạng sống, một hiến tế, một cái chết để cho người khác sống.

Bằng chứng :

- Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu bảo các môn đệ: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra muôn người” (Mc 14.24) ;

 

- "Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: Đây là mình Thầy, hiến tế anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy."

Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra anh em."  (Lc 22.19-20); Mt vạch rõ ý chữ “vì” ra hơn, khi viết “….đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26.28).

 

- “Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói : “Đây là Mình Thầy, hiến dâng anh em ; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” (1 Cr 11.24 ; xem thêm Rm 8.32; v.v…)

Như thế, qua c.51 "Bánh Ta sẽ ban, ấy là thịt mình Ta, sự sống thế gian", Chúa Giêsu muốn nói: "Bánh Sự Sống ấy là Thịt Máu Thầy, sau khi đã chịu chết làm hiến tế dâng lên Chúa Cha để chuộc tội thế gian, đã được Chúa Cha chấp nhận và thần hóa, đã trở nên thần thiêng và sẽ được ban xuống lại cho loài người ăn uống mà được sống muôn đời."

Nhưng vì sao Chúa Giêsu phải chịu chết như thế ?

Đó là vì muốn cứu loài người hết thảy đã vì phạm tội mà bị chết, bị cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên phận mình, mang án sa hỏa ngục đời đời kiếp kiếp, như Thánh Thư Rôma 5.12 cho biết :

“Vì một người duy nhất (ông Ađam), mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết ; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.”

Thánh thư Êphêsô nói thêm :

Anh em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi của anh em.  Xưa kia anh em đã sống trong đó, … theo tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục. Tất cả chúng tôi (người Do Thái) xưa kia cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi buông theo các đam mê của tính xác thịt… Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác.” (Ep 2.1-4)

Cho nên, trước tình cảnh thảm thương đó của nhân loại, thấy không còn có cách nào khác cân xứng để cứu họ, Thiên Chúa đành phải hy sinh Con Một của Người, sai Chúa Giêsu xuống thế làm người, rồi phải trải qua những gian nan, thử thách, đau khổ và chết treo trên thập giá để trở nên “Nguồn Ơn Cứu Độ vĩnh cửu” từ đó tuôn trào ra cho muôn người :

"Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang (cứu độ), nên Người đã làm một việc thích đáng, là (truyền) cho Đức Giêsu, Đấng khơi nguồn ơn cứu độ cho họ, phải trải qua nhiều gian khổ (và cả cái chết nữa) mà trở nên thập toàn." (Dt 2.10).

Đúng vậy, để trở nên thập toàn thì :

"Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ (và cả cái chết nữa) mới học biết vâng phục; và khi (nhờ hoàn toàn vâng phục) bản thân Người đã được thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người." (Dt 5.8-9)

Tuy Chúa Giêsu đã luôn luôn vâng phục ý của Chúa Cha : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga 4.34) nhưng chỉ khi đã trải qua đau khổ và cái chết thực sự : “Người lại còn … vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2.8), lúc ấy Chúa Giêsu mới tỏ ra vâng phục đến mức hoàn toàn, không còn thế nào vâng phục hơn được nữa, nhờ thế Người mới trở nên thập toàn, và bởi đó được trở nên nguồn ơn cứu độ, vì lúc ấy Chúa Cha mới hài lòngban cho Người được “có viên mãn thần tính Thiên Chúa ngay nơi thể xác» (Cl 2.9), được hoàn toàn thánh thiện, đầy tràn Thần Khí và Sự Sống thần linh.

Như vậy, đương nhiên Thân mình hay Thịt Máu Người trở nên “nguồn ơn cứu độ” –  tức là Sự Sống Đời Đời – cho những ai lãnh nhận Thịt Máu thánh thiêng ấy. Điều này sẽ được bàn giải rõ hơn dưới đây.

 

--ooOoo—

 

 

@@@@@_BÀI 31_@@@@@

Ai đo cho được vực thẳm hy sinh của Chúa Giêsu ?

Khi Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, vâng phục Thánh Ý Chúa Cha mà xuống thế thi hành việc cứu độ nhân loại chúng ta, Người đã phải cởi bỏ sự sáng, vinh quang của Người ở trên trời, mà trở thành người phàm, mặc lấy thân xác hèn hạ phàm trần để có thể chịu đau khổ và chết đóng đinh thập giá. Nghe những điều này nhiều lần, hầu như đã quen tai, nhưng có chắc là chúng ta thấu hiểu được Người đã phải từ bỏ địa vị cao sang bao nhiêu,đã hạ mình xuống tới vực thẳm chừng nào không ? Thiết tưởng chúng ta nên nghe lại các lời Thánh kinh cho biết.

Hãy nghe Tin Mừng theo Thánh Gioan:

"Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.

Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,

và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” (Ga 1.1)

  1. a) Trước hết, chữ “lúc khởi đầu” hay “từ nguyên thủy”, là nói từ thuở đời đời, Đức Giêsu-Ngôi Lời đã hiện hữu,
  2. b) Thứ đến, Đức Giêsu-Ngôi Lời là Thiên Chúa!

Nhưng Thiên Chúa là Ai ? Là như thế nào ?

Thư Thánh Phaolô ca tụng :

Người “Là Chúa Tể vạn phúc vô song,
là Vua các vua, Chúa các chúa.
Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử,
ngự trong ánh sáng vô phương đạt thấu,
không một người nào đã thấy hay có thể thấy.
Kính dâng Người danh dự
và uy quyền đến muôn đời. A-men.” (1 Tm 6.15-16)

Thư Do Thái tô sáng thêm bức tranh siêu phàm ấy, và cho biết Đức Giêsu dù xuống thế làm người, vẫn vượt trổi tất cả các Thiên thần :

“Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. …. Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu.” (Dt 1.3-4)

  1. c) Sau đó, Tin Mừng Gioan còn cho biết Chúa Giêsu-Ngôi Lời là Đấng quyền năng phép tắc đã tạo thành vũ trụ, vạn vật :

“Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,

và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.

Điều đã thành sự ở nơi Người là sự sống,

Và sự sống là ánh sáng cho nhân loại." (Ga 1.3-4)

 

đ) Thánh Phaolô ca ngợi : Người ở trên hết tất cả mọi sự, mọi loài, trên trời cũng như dưới đất :

“Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,
là Trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,

Trong Người, muôn vật được tạo thành
trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình.
Dẫu là hàng Dũng lực thần thiêng
hay là bậc Quyền năng thượng giới,
…. Người có trước muôn loài muôn vật,
tất cả đều tồn tại trong Người.” (Cl 1.14-17)

[….]  Người là khởi nguyên, là trưởng tử
trong số những người từ cõi chết sống lại,
để trong mọi sự
Người là đệ nhất vô song.
(Cl 1.18)

Trước những đoạn Thánh kinh huy hoàng, chói lọi diễn tả địa vị, phẩm giá và quyền năng của Chúa Giêsu, không biết chúng ta đã bị choáng ngợp chưa ? Nếu không được Thiên Chúa mặc khải cho, những điều này quả thật không thể tưởng tượng nổi, vì vượt quá trí khôn nhỏ bé của loài người.

Tuy vậy, muốn có một chút cảm giác về quyền năng và công trình tạo thành lớn lao của Chúa Giêsu-Ngôi Lời, mời nhìn vào vũ trụ bao la.

Trước tiên là trái đất chúng ta : Các nhà bác học, các nhà khoa học, các nhà thám hiểm… đã dùng những máy móc tối tân để khám phá cho chúng ta thấy biết bao nhiêu là điều đẹp đẽ, kỳ diệu, hoặc dưới đáy đại dương, hay trong rừng rậm âm u, hoặc trên những đỉnh núi cao mây mù tuyết phủ, v.v…đây không cần nói, vì chúng ta đã biết rồi nhờ sách vở báo chí, phát thanh, truyền hình…

Tuy chứa đầy những sự kỳ diệu như thế, song trái đất xinh đẹp của chúng ta vẫn chỉ là một hành tinh nhỏ tí xíu thuộc hệ thống mặt trời (Thái dương hệ), và mặt trời này và các hành tinh của nó lại là một phần tử nhỏ bé ở rìa một đám mây tinh tú khổng lồ, gồm hàng mấy trăm triệu ngôi sao, danh từ khoa học gọi là “Thiên Hà” (Galaxy), người Việt ta thường gọi nôm na là “Giải Ngân Hà”, vì khi trời đêm thanh trong, nhìn lên bầu trời, ta thấy lờ mờ một giải tinh tú chen chúc nhau, ánh sáng chan hòa vào nhau làm như thể một con sông trắng bạc.

Nguyên mình nó đã là một vũ trụ gồm có tới mấy trăm triệu ngôi sao, có những sao lớn hơn mặt trời chúng ta hàng trăm lần. Ở giữa các ngôi sao đó, mặt trời của ta chỉ là một ngôi sao bé bỏng, bằng một chấm nhỏ li ti ! (xem ở cuối hình)

Và muốn đi từ đầu này tới đầu kia của Giải Ngân Hà này, là cả một khoảng không gian hầu như vô tận, chúng ta không bao giờ có thể đi tới ! Thử làm một chuyện giả tưởng này : giả sử chúng ta “cưỡi” trên một tia ánh sáng với tốc độ khủng khiếp là 300.000 cây số một giây đồng hồ, thì cũng phải mất 100.000 năm mới tới nơi. [2]

   Chỉ một Thiên Hà (= Giải Ngân Hà chúng ta) gồm mấy trăm triệu ngôi sao mà đã mênh mông như thế, huống hồ vũ trụ còn có hàng mấy trăm tỷ Thiên Hà như thế, thì còn bao la lớn lao vĩ đại đến chừng nào ? Và trên đó có lẽ còn cất giấu những điều lạ lùng, kỳ diệu gì khác nữa…?? [3]

Vậy mà tất cả đã hiện hữu, đã hoạt động đều đặn, thứ tự lớp lang theo đúng qui luật đã được định sẵn cho chúng…  nhờ quyền phép toàn năng của Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành vạn vật !

 

@@@@@_BÀI 32_@@@@@

Thế mà chính Chúa Giêsu-Ngôi Lời – Đấng Tạo Thành Toàn Năng, cao cả, siêu việt, vĩ đại không lời tả xiết, đã tạo dựng nên muôn loài muôn vật ấy – lại đã xuống thế mặc xác thịt làm người ! Tin Mừng theo Thánh Gioan ghi nhận :

"Ngôi Lời đã trở nên người phàm

và cư ngụ giữa chúng ta.

Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người..."

(Ga 1.14)

Sự kiện một vị Thiên Chúa vĩnh hằng, siêu việt, vô hình, cao cả, xuống thế làm người và cư ngụ giữa loài người chúng ta là điều cực kỳ khó tin, vì thế biết bao người đã coi việc đó như một huyền thoại, hay chuyện hư cấu, tưởng tượng…May thay có những môn đệ đã thấy Người tận mắt, đã sờ đụng Người, đã sống bên Người, và đã ghi lại những gì họ đã thấy và đã nghe vào trong Sách Thánh để làm chứng :

 

Điều vẫn có ngay từ lúc nguyên thủy,
điều chúng tôi đã nghe,
điều chúng tôi đã thấy tận mắt,
điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,
và tay chúng tôi đã chạm đến,
đó là Lời sự sống.
Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày,
chúng tôi đã thấy và làm chứng,
chúng tôi loan báo cho anh em …”

(1 Ga 1.1-2)

“Điều có từ nguyên thủy” là một câu có ý nói Ngôi Lời đã hiện hữu từ thuở đời đời (Ga 1.1). Nhưng nếu các môn đệ có thể tai nghe, mắt thấy, và tay đã sờ đụng đến Người, thì hẳn là Người đã giáng trần làm một người thật 100%, giống như mỗi người chúng ta, có thân thể, có xương có thịt, mang tên là Giêsu, sinh bởi một người phụ nữ tên là Maria mà những người trong làng Nadarét thời ấy đều biết (x. Mt 13.55-56; Mc 6.3; Ga 6.42). Nếu Người không xuống trần mặc xác thịt làm người, mà vẫn ngự trên cõi vĩnh hằng siêu việt, thì Người sẽ vô hình, chẳng ai nghe, chẳng ai thấy, chẳng ai sờ đụng được bao giờ ! (Xem lại 1 Tm 6.15-16 đã trích dẫn trên kia)

Còn nữa, những kẻ được Người gọi làm môn đệ, sống bên Người mấy năm trường, họ đã tai nghe những lời giảng dạy thần linh của Người, mắt đã thấy, đã chiêm ngưỡng những điềm thiêng dấu lạ Người làm, nhất là việc Tử nạn và Phục sinh, nên đã nhìn nhận Người là Con Thiên Chúa :

“Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng
và làm chứng rằng :

Chúa Cha đã sai Con của Người đến
làm Đấng cứu độ thế gian.” (1 Ga 4.14)

Rồi sau khi các môn đệ đã sống các kinh nghiệm ấy, họ cả quyết rằng : “Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra.” (Cv 4.20), do đó họ hân hoan nói ra, làm chứng và loan báo cho mọi người, cho dù phải bị đánh đòn, ngục tù và chết.

 Đến đây ta biết rằng :

Ngôi Lời-Giêsu quyền năng cao cả vĩ đại đã giáng trần không phải để xưng hùng xưng bá !

Trước tòa án Rôma, trong một cuộc đối thoại với Tổng trấn Philatô, Người đã dõng dạc đính chính :

“Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” (Ga 18.36)

Vốn là Chúa Tể tạo dựng nên vũ trụ này, thế mà Người đền thế gian lại không phải để xưng hùng xưng bá như địa vị và quyền uy Người đáng được, trái lại, Thánh Phaolô trong một đoạn văn cô đọng súc tích, đã mô tả sứ mạng của Người cách bi đát khiến ta xúc động :

“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.” (Pl 2.6-8)

Từ thân phận và địa vị ngang hàng với Thiên Chúa cao siêu ngất trời như thế, mà vì để cứu loài người tội lỗi hư vong, Người đã lột bỏ hết đến mức có thể nói là “hủy mình ra không”, không còn gì, vì bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa thì coi như mất hết chẳng còn gì, nhất là lại mặc lấy xác phàm hèn hạ tội lỗi thì chẳng khác gì làm nô lệ ! Chưa hết, để đền tội loài người, Người còn hạ mình xuống tận đáy vực thẳm, là vâng lời Chúa Cha, bằng lòng hiến thân chịu chết, cái chết khổ đau kinh khủng bị đóng đinh trên thập tự giá.

Tất cả chỉ vì thương loài người chúng ta ! Một tình yêu vượt quá trí khôn loài người có thể hiểu. Chỉ nhờ Thánh kinh mặc khải chúng ta mới biết. Ám chỉ về mình, Đức Giêsu nói :

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu.” (Ga 15.13).

Yêu đến hy sinh tính mạng mà chết, là yêu không còn thể nào yêu hơn được nữa, thế mà Chúa Giêsu còn yêu thương chúng ta vượt quá cả sự chết : Thật vậy, sau khi chịu chết để cứu chuộc chúng ta, Người còn hiến Thịt Máu mình làm lương thực nuôi dưỡng hồn xác chúng ta được sống !

Chưa hết, Người còn thân thương hằng “ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28.20), đặc biệt bằng cách ẩn mình trong tấm bánh trắng bé nhỏ, đơn sơ của Bí Tích Thánh Thể, âm thầm ngự trong Nhà Tạm, để đồng hành với chúng ta trong cuộc lữ thứ trần gian nhiều đau thương, khốn khổ, cho đến lúc chúng ta đạt tới quê trời vĩnh cửu!

LỜI NGUYỆN TẠ ƠN

Lạy Chúa Giêsu ! Khi suy gẫm những điều đó, chúng con hết sức tôn kính, thờ lạy, chúc tụng và yêu mến Chúa. Chúng con sẽ để giờ cầu nguyện sâu lắng, và khấn xin Thánh Thần ban ơn để chúng con có thể cảm nghiệm được sự cao cả, sự khiêm nhường tự hạ, cùng tình yêu vô hạn của Chúa đối với chúng con : tình yêu tạo dựng và tình yêu cứu chuộc với biết bao thống khổ cùng cuộc Tử Nạn, mới có thể đem lại cho chúng con Ơn Cứu Độ ! Tạ ơn Chúa muôn muôn đời !

--o0O0o--

 

 

@@@@@_BÀI 33_@@@@@

B – THỊT MÁU CHÚA GIÊSU TẾ LỄ LÊN THIÊN CHÚA, ĐƯỢC CHIẾU NHẬN VÀ THẦN HÓA.

Thông thường ai cũng coi sự chết là một chấm hết vĩnh viễn của một đời người, và chẳng còn làm được việc gì nữa, vì còn sống thì mới làm cho người khác sống, chứ chết thì chẳng còn làm được gì. Thế mà tại sao, bởi cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu lại trở thành Bánh Sự Sống cho thế gian ?

Muốn hiểu tại sao, ta phải nhớ rằng : Cái chết của Chúa Giêsu không phải cái chết bình thường (chết vì bệnh tật, chết vì già yếu, …), song là cái chết tự nguyện hiến tế mình làm lễ vật.hiến tế là một quá trình mà Đức Giêsu phải trải qua, nhờ đó Thịt Máu Người trở thành thần thiêng, có Sự sống thần linh mà nuôi linh hồn nhân loại, như trên đây đã nói sơ qua và ví dụ bằng hạt lúa phải qua một quá trình mới thành bánh cho người ta ăn. Nay ta sẽ xem kỹ lưỡng hơn :

Quá trình ấy diễn ra thế nào ?

Chúng ta sẽ được biết, nhờ nghiên cứu

TRUYỀN THỐNG HIẾN TẾ CỔ TRUYỀN [4] 

mà Khoa lịch sử tôn giáo cung cấp.

Vào thời hồng hoang loài người còn ăn lông ở lỗ, núp trong hang động hay dưới mái lá thô sơ trống trải, các mãnh lực thiên nhiên như sấm sét, bão bùng, giông tố, mặt trời với sức nóng thiêu đốt, biển cả với sóng dữ, các loài kình ngư giao long khổng lồ hung tàn…làm cho con người vô cùng sợ hãi. Họ coi những uy lực mạnh mẽ trên trời, dưới đất và nơi biển cả ấy là các Thần linh : thần sấm, thần sông, thần mặt trời v.v…có thể ban phúc hay tác hại cho đời sống của họ.

Vì thế để lấy lòng các Thần linh, loài người đã nghĩ ra một cách : hiến tế lễ vật. Qua hiến tế đó, họ tỏ lòng sùng bái uy quyền siêu phàm của Thần linh, để :

1- tạ tội vì nghĩ rằng đã xúc phạm tới các Ngài, cần làm các Ngài nguôi giận…và mong được Thần linh cứu giúp.

2- được thông hiệp với các Ngài bởi việc thụ Lộc Thánh, là phần lễ vật mà sau khi chấp nhận của lễ dâng hiến, Thần linh ban xuống lại cho người dâng lễ thụ lãnh.

Như vậy, việc hiến tế có hai chiều :

Loài người dâng lên /

Thần linh ban xuống lại

Trước hết :

I - LOÀI NGƯỜI DÂNG LỄ VẬT LÊN

Lễ vật thường là một vật gì đối với con người rất thiết thân hay quí giá, chẳng hạn thực phẩm loại cao lương mỹ vị, hay con bò, con chiên, con dê v.v... Việc dâng lễ vật lên Thần linh được tiến hành qua 3 nghi thức :

  1. Sát tế : Để bảo đảm lễ vật dâng lên được trọn vẹn thuộc về Thần linh, loài người đã thực hiện nghi thức sát tế, qua đó, chấm dứt sự sống của lễ vật, để từ nay dứt khoát không còn sử dụng nó vào việc phàm trần nữa ; và sau đó chuyển lễ vật đó cho Thần linh chiếm hữu. Nhưng làm sao chuyển lễ vật tới Thần linh vốn là các đấng vô hình ở trên cao, còn lễ vật vốn là vật chất ? Loài người đã nghĩ ra được một cách thức rất hiệu nghiệm : đặt trên bàn thờ và hỏa tế.
  2. Tế vật được đặt trên bàn thờ : Loài người nghĩ rằng bàn thờbiểu tượng của Thần linh, hay là nơi Thần linh vô hình ngự, hay là bàn ăn, bàn tiệc của Thần linh. Người dâng hiến đặt lễ vật trên bàn thờ, như trên bàn ăn hay trên lòng của Thần. Còn máu tế vật được rưới quanh bàn thờ (hoặc các ‘sừng’ của bàn thờ : tiêu biểu quyền lực của Thần).
  3. Hỏa tế : Rồi người dâng lễ sẽ hỏa thiêu tế vật để ngọn lửa sẽ hoàn tất sự dâng hiến ấy. Với bản chất tinh anh, linh hoạt, lửa được coi như phương thế “chuyển” tế vật đến Thần linh. Khi lửa xâm chiếm tế vật và thiêu rụi nó, thì theo não trạng người xưa, tế vật ấy không phải là bị tiêu hủy, mà được lửa thiêu biến hóa thành làn khói hương thơm bay lên tới Thần linh. Và họ tin rằng khi các Thần hít lấy khói hương thơm ấy, như thế là dấu :

Tế vật đã được Thần linh chấp nhận.

Khi tế vật được Thần chấp nhận và chiếm hữu, nó thành sở hữu của Thần, và bởi đó được thấm nhuần thần tính, được nhiễm lấy các đặc tính của Thần, được mang tràn đầy sức thần thánh của Thần, nói tóm : ĐƯỢC THẦN HÓA, THÁNH HÓA.

 Lược qua lịch sử nhân loại, ta thấy các dân ngoại cũng như dân Israen đã thực hành việc hiến tế theo lối cổ truyền ấy. Về hiến tế cổ truyền của các người dân ngoại, ta không cần nói nhiều, vì khuôn khổ bài này không cho phép. (Ở Việt Nam mời xem : Việt Nam Phong Tục, của Phan Kế bính, Thiên nhì,  90tt, mô tả chẳng hạn lễ tế Kỳ phúc, Kỳ an).

Còn hiến tế cổ truyền nơi dân Israen thì Thánh kinh cũng cho biết :

a- Ngay từ thời tiền sử, ông Noê đã biết tế lễ. Sau khi thoát nạn Đại Hồng thủy, ông Noê và gia đình ra khỏi tầu:

“Ông Nô-ê dựng một bàn thờ để kính ĐỨC CHÚA. Ông đã lấy một số trong các gia súc thanh sạch và các loài chim thanh sạch mà dâng làm lễ toàn thiêu trên bàn thờ. ĐỨC CHÚA ngửi mùi thơm ngon, và ĐỨC CHÚA tự nhủ : “Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa.” (St 8.20-21)

b- Thời dân Israen rong ruổi trong sa mạc, sau khi xuất ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, cũng đã thiết lập qui chế việc tế lễ.

“ĐỨC CHÚA gọi ông Mô-sê, và từ Lều Hội Ngộ, Người phán với ông rằng :

“Hãy nói với con cái Ít-ra-en và bảo chúng : Khi một người trong các ngươi dâng lễ tiến lên ĐỨC CHÚA, nếu là gia súc thì các ngươi phải dâng bò hay chiên dê làm lễ tiến.
[….] Người ấy sẽ sát tế con bò tơ trước nhan ĐỨC CHÚA, và các con A-ha-ron là các tư tế, sẽ tiến dâng máu ; chúng sẽ rảy máu chung quanh bàn thờ đặt ở cửa Lều Hội Ngộ […]…. sẽ đốt tất cả cho cháy nghi ngút trên bàn thờ. Đó là lễ toàn thiêu, lễ hoả tế, là hương thơm làm vui lòng ĐỨC CHÚA.” (Lv 1.1-9)

c- Nhất là tế lễ long trọng ký kết Giao Ước giữa dân Israel và Thiên Chúa ở núi Sinai :

“Ông Mô-sê xuống (núi) thuật lại cho dân mọi lời của ĐỨC CHÚA và mọi điều luật (Người truyền). […] Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá (tượng trưng) cho mười hai chi tộc Ít-ra-en. Rồi ông sai các thanh niên trong dân Ít-ra-en - (hồi xưa ấy chưa thiết lập hàng tư tế) - dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế ĐỨC CHÚA. Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa (phần máu) kia thì rảy lên bàn thờ (biểu tượng Thiên Chúa). Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa : “Tất cả những gì ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.” Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói : “Đây là máu giao ước ĐỨC CHÚA đã lập với anh em, dựa trên những lời này.” (Xh 24.3-8).

Tất cả các hiến tế kể trên, cách riêng của dân Israen, đều cho thấy loài người dâng lễ vật là để mong được Thần linh hay Thiên Chúa nguôi giận, tha tội và ban ơn (như đã xem trên kia, 166tt), hoặc kết ước với họ.

 

***  

 

 

@@@@@_BÀI 34_@@@@@

Bây giờ

ỨNG DỤNG VÀO HIẾN TẾ

TRÊN THẬP GIÁ CỦA CHÚA GIÊSU

Trước tiên, ta phải xem cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá có phải là một hiến tế không ?

Thưa : Có.

Trong bữa Tiệc Ly trước khi chịu Tử nạn, chính Chúa Giêsu nói cho các môn đệ biết cái chết của Người là một Hiến tế. Sách Tin Mừng thuật lại rằng : Trong bữa tối đó, Người diễn trước cái chết hôm sau trên thập giá như sau :  

"Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói:

"Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy." Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em" (Lc 22.19-20), Tin Mừng Mt nói rõ thêm : "và cho muôn người được tha tội" (Mt 26.28).

Cả Tân Ước đều hiểu cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu là một việc hiến tế :

- "Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô, đã chịu hiến tế." (1C 5.7; xem thêm Ga 1.29 ;17.19)

- "… Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã hiến mình làm lễ vật và hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt." (Ep 5.2)

- “Đức Giê-su không cần phải mỗi ngày dâng hy lễ như các vị thượng tế (xưa), (họ phải dâng lễ tế), trước là vì tội của mình, sau là vì tội của dân; quả thật, Người đã thực hiện điều đó khi dâng chính mình chỉ một lần là đủ." (Dt 7.27)

- “Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.” (1 Ga 2.2)

Thắc mắc : Theo qui cách cuộc hiến tế cổ truyền là dâng một con vật, đem tế sát rồi hỏa thiêu…, mà ở hiến tế thập giá, không thấy dâng con vật, không thấy sát tế cũng không thấy lửa thiêu, chỉ thấy một người bị đóng đinh, thì sao gọi là hiến tế ?

Xin trả lời : Trước hết, xin nhớ lại mấy lời Thánh Kinh vừa nêu trên đây (1Cr 5.7; Ep 5.2; Dt 7.20; 1 Ga 2.2) khẳng định người bị đóng đinh đó - là Đức Giêsu – đã được hiến tế thực sự.

Thật vậy, việc Đức Giêsu chịu chết trên thập giá, tuy bề ngoài có vẻ như Người là một tên phản loạn, bị nhà cầm quyền Rôma toa rập với nhóm giáo trưởng Do Thái kết án tử hình, và bị lính Rôma đóng đinh trên thập giá, song theo cách nhìn của Thiên Chúa, diễn tả trong Thánh Kinh, thì lại đúng là một hiến tế thực thụ, thay thế và hoàn tất các hiến tế xưa :

“Đức Ki-tô nói : Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích (nữa), mà đó vốn là những của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài…. Theo ý đó, [5] chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.” (Dt 10.8-10)

Còn thắc mắc tại sao trong việc hiến tế của Đức Giêsu, không thấy có con vật bị tế sát ? Sở dĩ có thắc mắc đó là bởi vì người ta không để ý đến lời Thánh kinh vừa trích dẫn trên đây, đã cho ta biết một lý do xác đáng : Thiên Chúa bây giờ không còn ưa thích những tế lễ súc vật ngày xưa đó nữa (Dt 10.8), lý do là vì những tế lễ súc vật ấy không tài nào xóa bỏ tội lỗi loài người được (Dt 10.4,11).

Đúng vậy, Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, Người không thể nào ưa thích các hiến tế súc vật, Người chỉ tạm chấp nhận, vì trong thời dân chúng còn bán khai, người ta chưa đủ trình độ để hiểu một hiến tế cao siêu hơn được.

Biết được ý Thiên Chúa như thế, nên vào thời viên mãn, - nghĩa là thời mà Thiên Chúa đã chuẩn bị xong, cách riêng nhờ các ngôn sứ dạy dỗ, để sẵn sàng đón nhận thực tại cao siêu, mà những gì đi trước chỉ là hình bóng, hay phác họa mờ nhạt - Đức Giêsu tự hiến mình làm của tế lễ :

Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài…. Theo ý đó, …. Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, Lễ vật giờ đây là một con người, và lại chính là Con Một Thiên Chúa, cho nên của lễ mới có giá trị thực sự trước mắt Thiên Chúa !

Về thắc mắc tại sao không thấy lửa vật chất thiêu của lễ, như xưa trong các cuộc tế lễ truyền thống của loài người ? Xin giải đáp : Trong hiến tế một con người chứ không còn là một con vật, thì bây giờ không cần “lửa vật chất” để hỏa thiêu của lễ, biến nó thành làn khói hương thơm chuyển tới cho thần linh thụ hưởng nữa, mà là “lửa thiêng” của tình yêu, lửa Thánh Thần sẽ toàn thiêu tế vật Giêsu, dâng lên Thiên Chúa như hương thơm thiêng liêng tình yêu.

Vì thế Thánh Kinh viết :

"Đức Kitô, … nhờ Thần Khí hằng có (như lửa thiêng tình yêu thiêu đốt) mà tiến mình làm (lễ tế hy sinh) vô tì tích dâng lên Thiên Chúa" (Dt 9.14), “tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5.2)

Đọc những dòng trên đây, chúng ta có cảm tưởng các hiến tế súc vật cổ truyền mới thực tế, cụ thể, còn hiến tế Đức Giêsu trên thập giá là thiêng liêng, mơ hồ nếu không muốn nói là tưởng tượng !

Chúng ta là tín hữu, là kẻ tin, phải nghe theo Thánh kinh Lời Chúa dạy, mà theo Thánh kinh dạy tức là nhìn như Thiên Chúa nhìn, thì lúc ấy sẽ thấy ngược lại : các tế lễ cổ truyền kia, dù cụ thể, vẫn chỉ là hình bóng báo trước, hay những phác họa thô sơ để giúp nhân loại dễ hiểu hiến tế thực thụ là hiến tế của Đức Giêsu trên thập giá. Đây mới là thực tại, các hình bóng phải thoái lui.

Thánh kinh làm chứng :  Những lễ vật và hy lễ (súc vật Cựu Ước ngày xưa) dâng tiến Thiên Chúa không thể làm cho lương tâm người phụng tự trở nên hoàn thiện. Những cái đó chỉ liên quan đến […] nghi thức tẩy rửa, và là những quy luật chỉ có hiệu lực bên ngoài, … vốn chỉ là hình ảnh ám chỉ (tế lễ thực thụ của Đức Giêsu) vào thời hiện tại.” (Dt 9.9-10)

 

***

 

@@@@@_BÀI 35_@@@@@

Sau khi đã biết cái chết của Đức Giêsu trên thập giá thực sự là một hiến tế, hơn nữa, còn là hiến tế thực thụ mà các hiến tế của loài người chỉ là hình bóng, nay ta lại hỏi :

            Hiến tế của Đức Giêsu có được Thiên Chúa chấp nhận không ?

 Thưa : Hiến tế của Đức Giêsu

được Thiên Chúa chấp nhận và thần hóa

Cũng như trong các hiến tế cổ truyền, hiến tế chỉ hoàn tất khi được Thần linh “chấp nhận” tức là  chiếm hữu, nhận làm sở hữu của mình.

Hiển nhiên, hiến tế của Đức Giêsu đã được Thiên Chúa chấp nhận, là bởi vì hiến tế Thân mình của Đức Kitô – "Con chiên vô tì vô tật" (1 Pr 1.19) – là một hiến tế "dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt, rất đẹp lòng Người" (Ep 5.2).

Mà nếu đẹp lòng Thiên Chúa thì Người sẽ chấp nhận, và Người sẽ tỏ sự chấp nhận ấy ra bằng một dấu chỉ ! Trong các lễ tế vật chất xưa chỉ là hình bóng, thì một dấu chỉ nào đó là đủ, chẳng hạn lễ tế của Abilê được Giavê ngó đến (St 4.4-5), hoặc đôi khi Người cho lửa từ trời xuống thiêu đốt của lễ (xem tế lễ của tiên tri Êlia trên núi Cácmen, 1 V 18.38; cũng xem Lv 9.24). Song trong cuộc tế lễ chính mình của Đức Giêsu trên đồi Can-vê, giữa trời và đất, ngoài mọi khuôn khổ hình thức lễ nghi, tất cả đều thực, thì sự chấp nhận của Thiên Chúa cũng phải thực:

Chính thần tính của Thiên Chúa đón nhận Lễ vật và chiếm trọn lấy.

Và Người biểu lộ sự chấp nhận ấy, không bằng một dấu chỉ tầm thường như thường thấy, mà bằng sự tôn vinh Đức Giêsu bởi việc phục sinh. Như thế, lễ vật không bị thiêu hủy như nơi các hiến tế cổ truyền, mà lại được sống lại, phục sinh huy hoàng !

Đức Giêsu-Lễ vật phải sống lại vì hai lẽ này :

1) Vốn dĩ Đức Giêsu là Thiên Chúa hằng hữu (Ga 1.1; 8.24,58; Rm 9.5), tự bản chất là Đấng bất tử (1 Tm 6.16), nên Người không thể chết, nhưng chỉ vì thương nhân loại, Người đã xuống thế làm người, mặc lấy xác phàm để nhờ thân xác đó Người mới có thể chết mà cứu họ khỏi chết đời đời và được sống (x. Ga 3.14-16; Dt 2.9-10; 5.8-9; v.v…), bởi vậy nhất định Người phải được Thiên Chúa làm cho sống lại :

“Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van và khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.” (Dt 5.7-8)

“Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn muôn đời” (Kh 1.18)

2) Nếu Chúa Cha để Người chết luôn, là dấu Người có tội, vì ai có tội là phải lãnh án chết (St 3.19; Ed 18.4; Rm 5.12), vậy nếu Người cũng có tội và vì tội mà phải chết, thì Người còn cứu ai được nữa ? Không ! Đức Giêsu vô tội (1 Pr 2.22), và cái chết của Người là một sự vâng lời Chúa Cha (Mc 14.35; Pl 2.8), chấp nhận hy sinh thân mình để chuộc tội nhân loại : “Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa.” (1 Pr 3.18)  

Chính vì thế, Thiên Chúa Cha xúc động trước sự vâng phục tuyệt đối của Chúa Giêsu, không những đã bằng lòng hy sinh địa vị là Thiên Chúa của mình, lột bỏ hết vinh quang để xuống thế làm người hèn hạ, lại còn vui lòng tế hiến chính mình chịu chết trên khổ hình thập giá (Pl 2.6-8), để cứu nhân loại như ý Chúa Cha muốn (Dt 2.10). Vì thế, Chúa Cha đã ân thưởng cho Chúa Giêsu bằng việc phục sinh Người, và đổ tràn sung mãn Thần Tính, đầy ắp Thần Khí, Sự Sống và Thánh Thiện vào trong Người, tức là thần hóa Người.

Chúng ta thường chỉ chú ý đến việc phục sinh, nghĩa là Chúa Cha làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, mà ít lưu ý đến việc thần hóa. Phục sinh quả là một việc quyền năng vĩ đại thật, song xét kỹ thì việc thần hóa mới lớn lao khôn cùng, vì làm cho một con người là Đức Giêsu, được tôn vinh lên bằng Thiên Chúa !

Thánh Phaolô đã mô tả diễn biến ấy qua mấy câu tuyệt bút :

Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa …

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ,

Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi

bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.
         Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người

và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.

Như vậy, khi vừa nghe Danh thánh Giê-su,

cả trên trời dưới đất

và trong nơi âm phủ,

muôn vật phải bái quỳ ;  

và để tôn vinh

Thiên Chúa Cha,

mọi loài phải mở miệng
tuyên xưng rằng :

"Đức Giê-su Ki-tô là Chúa."

(Pl 2.6-11) 

Được siêu tôn thần hóa ngút trời như vậy, cho nên :

"Nơi Người, ngay trong thể xác, hiện diện tất cả sự viên mãn của thần tính" (Cl 2.9)

Nghĩa là Thiên Chúa dốc đổ tất cả thần tính của mình, tất cả những gì là Thiên Chúa, vào cho Chúa Giêsu hết, đến nỗi cả thể xác Chúa cũng được sung mãn thần tính của Thiên Chúa, trở nên Thiên Chúa, ngang hàng với Chúa Cha,

như thế là được thần hóa đến mức tột đỉnh.

Đến đây, kể như chúng ta đã được giải thích mà hiểu hiến tế của Đức Giêsu được Chúa Cha chấp nhận và thần hóa là như thế nào.

Và điểm cần nắm bắt là đây : Tại sao chúng ta nghiền ngẫm lâu dài về hiến tế của Đức Giêsu ?

Đó là vì muốn mọi người hiểu rằng : Chỉ sau khi hiến tế của Chúa Giêsu được Chúa Cha chấp nhận và thần hóa, tức là được đầy ắp Thần Khí và Thánh Thiện và gồm đủ mọi phúc lộc…, lúc ấy Chúa Cha mới ban Lễ vật ấy, tức là Thịt Máu Chúa Giêsu đã trở nên thần thiêng, xuống lại cho nhân loại dưới dạng Lộc Thánh, làm lương thực thần linh nuôi sống linh hồn họ. Đó là điều ta sẽ xem dưới đây.

wwwwww

 

@@@@@_BÀI 36_@@@@@

II – THẦN LINH (hay THIÊN CHÚA) BAN LỄ VẬT ĐÃ ĐƯỢC THẦN HÓA, NHƯ LÀ LỘC THÁNH, XUỐNG LẠI CHO NGƯỜI DÂNG LỄ THỤ HƯỞNG

Chắc chúng ta chưa quên rằng Hiến tế có hai chiều : Loài người dâng lên / Thần linh ban xuống (xem lại tr.170tt)  Chiều kích thứ nhất, chúng ta đã xem, đến đây ta đề cập đến chiều kích thứ hai :

Thường thường sau khi chấp nhận tế vật, chiếm hữu nó làm sở hữu của mình rồi, Thần linh sẽ ban một phần lễ vật nhiễm đầy phúc lộc thần thiêng, như là LỘC THÁNH, xuống lại cho người dâng lễ để họ ăn uống, như thế họ đuợc “đồng bàn” với Thần, và bởi đó họ được thông hiệp với Thần, vì đối với người xưa, đồng bàn với nhau là dấu thông hiệp thân tình với nhau.

+ Các tôn giáo thời xưa đều thực hành như vậy. Tỉ dụ trong việc tế tự tại đình miếu Á Đông, học giả Phan Kế Bính cho biết [6] , cũng có việc “ẩm phúc”, “thụ tộ”, uống rượu, ăn trầu và có khi cả thức ăn khác nữa… Ông viết : “Thần ban phúc lộc cho thì phải ăn uống ngay mới là kính trọng thần…” ; “Lễ xong… đem xuống làm cỗ ăn uống vui vẻ…”

+ Trong dân Israen thời Cựu Ước cũng vậy, chỉ xin trích một đoạn Sách Đệ Nhị Luật :

"Anh em sẽ đưa tới đó lễ toàn thiêu và hy lễ của anh em,

… phần dâng cúng của anh em, lễ vật anh em đã khấn hứa, lễ vật tự nguyện … của anh em. Ở đó, anh em sẽ ăn uống trước nhan ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, sẽ liên hoan với cả nhà anh em, ăn cùng với con trai con gái anh em, tôi tớ nam nữ của anh em, để mừng mọi công việc tay

anh em đã làm, nhờ được ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, chúc phúc." (Đnl 12.6-7,18 ; 16.14 ; 27.7 v.v…)

Sau khi dâng và tế sát chiên tại đền thờ, tín đồ Do Thái đem thịt chiên về chỗ ở và ăn tiệc chiên Vượt Qua. Hìnhbên:  Ăn tiệc chiên theo lối xưa : ngồi hay ngả mình trên chiếu trước bàn tiệc thấp…

Ăn tiệc chiên theo lối ngày nay….

Dù theo lối nào, những điểm cốt cán không thể bỏ qua : Ca hát Thánh vịnh ngợi khen Thiên Chúa ; đọc hay kể lại sự tích Thiên Chúa giải phóng họ khỏi nô lệ Ai Cập…

+ Và trong thời Tân Ước, Thánh Phaolô gợi đến việc liên hoan ăn uống lễ vật ở thời Cựu Ước nói trên – gọi là chia Lộc bàn thờ – mà ứng dụng vào việc Rước Lễ, nơi đây không còn ăn uống của lễ vật chất nữa, mà bây giờ là ăn uống Mình Máu Thánh đã trở nên thần thiêng của Chúa Giêsu:

"Anh em hãy coi Ít-ra-en (của Cựu Ước): Những ai ăn tế vật, há chẳng phải là những kẻ được chia lộc bàn thờ sao? (Cũng vậy, trong Thánh Lễ) khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa (rồi uống), há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư ? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh (rồi ăn), đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao ?" (1 Cr 10.18,16)

Vì đã được thông phần vào Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu cách thiết thực như thế, nên Thánh Phaolô mới cấm tín hữu không được ăn của cúng tế vì: nơi người ngoại, "khi họ cúng tế…là cúng cho ma quỷ… ; mà tôi không muốn anh em hiệp thông với ma quỷ (khi ăn của cúng lúc anh em dự các cuộc cúng tế của người ngoại). Anh em  không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỷ được ; anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỷ được." (1 Cr 10.20-21)

SUY NGHĨ VÀ SỐNG LỜI CHÚA

Nghe trong đoạn Sách Đệ Nhị Luật trích dẫn trên đây, thấy dân Israen vốn thuộc về thời Cựu Ước, thời còn làm nô lệ và khiếp sợ Thiên Chúa chứ chưa được làm con Thiên Chúa, thế mà họ đã được Thiên Chúa dạy là sau khi dâng tế lễ lên Thiên Chúa, họ sẽ được ăn uống trước nhan ĐỨC CHÚA, sẽ liên hoan với mọi người trong nhà…, chúng ta liên tưởng đến việc chúng ta Rước Lễ mà tự hỏi : chúng ta bây giờ đã được làm con cái Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là  “Áp-ba ! Cha ơi !” (Rm 8.14-15), thì không biết khi Rước Lễ, tức là lãnh Lộc Thánh Chúa Cha ban xuống lại cho chúng ta, chúng ta :

Có lấy làm vinh dự được ăn uống trước nhan Thiên Chúa Cha chúng ta không ?

Có cảm thấy vinh dự được đồng bàn với Thiên Chúa không ?

vui mừng hân hoan khi ăn tiệc thánh không ?

Đã đành phần chúng ta khi đã được lãnh ơn phúc thì phải cung kính, tạ ơn, thờ lạy, v.v… nhưng đừng quá cung kính đến nỗi khúm núm, quì gối, lạy lục, khụy lụy … Nên nhớ rằng Chúa đến với chúng ta là vì chúng ta, chứ không phải vì Chúa ! Cứ nghe những lời Chúa nói khi ban Mình Máu Chúa cho ta lãnh nhận có câu nào bảo phải thờ lạy, tạ ơn Chúa đâu, mà chỉ toàn là : Hãy ăn đi, uống đi mà có sự sống, mà được sống lại, hãy uống chén Máu Thầy đi để được tha tội v.v…Quả đúng như tục ngữ chúng ta có câu : “Nước mắt chảy xuôi”, Chúa Giêsu cũng vậy, nơi Người chỉ thấy toàn là xả thân chẳng hề đòi hỏi cho mình. Chẳng phải trong Tin Mừng, Chúa đã nói rõ: Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” đấy ư ? (Mt 20.28).

Vậy có thể hiểu ý Chúa mà áp dụng vào việc Rước Lễ như sau : Khi ta rước Chúa, là Chúa đến với ta trước tiên không phải vì Chúa, không phải vì để được chúng ta thờ lạy, tạ ơn Người, Chúa có các Thiên thần thờ lạy và phục vụ Người từ thuở đời đời rồi – cho bằng vì ta, tức là để làm ta được hạnh phúc. Và khi thấy ta hạnh phúc là Chúa được hạnh phúc! Vậy ta cứ mở lòng ra đón nhận mọi ơn của Chúa!

Giống như cha mẹ bầy tiệc mừng sinh nhật con cái, nếu chúng cứ cung kính, rụt rè sợ sệt… thì cha mẹ đâu có vui. Trái lại khi thấy chúng ăn mặc đẹp đẽ, cười nói vui vẻ, khoái chí ăn uống các thực phẩm cha mẹ dọn cho…, cha mẹ sẽ thấy vui lòng và hạnh phúc ! Thì Thiên Chúa cũng vậy.

Sách Đức Giêsu Phục Sinh viết : "Các nghi thức sát tế và (hỏa tế) dâng hiến đã (nhờ ngọn lửa) chuyển lễ vật sang quyền sở hữu của Thiên Chúa, thì sau khi nó đã được thánh hiến cho Người và được thần hóa, Người ban nó lại cho loài người thông phần. Người ta được đồng bàn với Thiên Chúa, ăn uống trước mặt Người. Tế vật đã được biệt hiến cho Thiên Chúa sẽ lôi kéo những ai ăn nó vào trong quỹ đạo thánh thiện của Người. Họ múc lấy sự sống từ thức ăn thánh, họ vui hưởng niềm thân mật với Thiên Chúa, và trong tiệc ấy, Thiên Chúa hòa niềm vui của Người với tiếng cười của nhân loại." (Đức Yêsu phục sinh, Tập I, 145).

Ở Bài 3 sau, chúng ta sẽ học hỏi sâu rộng hơn về việc ăn uống Mình Máu Thánh Chúa, tức Rước Lễ.

›ššš

 

@@@@@_BÀI 37_@@@@@

Trên đây là nghiên cứu việc hiến tế cổ truyền theo khoa lịch sử tôn giáođem áp dụng vào hiến tế thập giá của Chúa Giêsu (Loài người dâng tế vật lên / Thần linh ban Lộc thánh xuống lại).

Nhưng nay nhờ Thánh Kinh soi dẫn, ta đi vào chiều sâu mầu nhiệm thì mới khám phá ra điều này là : Thánh Kinh nhìn hiến tế ấy trong một viễn tượng thật là huy hoàng :

C – HIẾN  TẾ  CỦA  ĐỨC GIÊSU TRÊN ĐỒI    CAN-VÊ CŨNG LÀ HIẾN TẾ DIỄN RA TRÊN THIÊN GIỚI

Trước mắt người phàm, Chúa Giêsu chỉ là một kẻ tử tội bị đóng đinh trần trụi trên thập tự giá, tại đồi Canvê, chiều thứ sáu u ám của lễ Vượt Qua Do Thái năm ấy, và đã trút hơi thở cuối cùng, bây giờ đang im lìm bất động trong sự chết.

Nhưng trước mắt Thiên Chúa Cha thì Người lại nhìn thấy khác :

 Chúa Giêsu là vị Thượng Tế vĩnh cửu, mặc phẩm phục Thượng Tế, long trọng bưng trên tay chén Máu của chính mình, đang uy nghi tiến vào trong Cung Cực Thánh của Thiên Chúa, làm Chủ tế thi hành một Phụng vụ thiên giới trước Nhan Thiên Chúa. Người đã tự hiến tế mình như Lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa Cha, và đã lãnh được Ơn Cứu Chuộc vĩnh viễn cho loài người.

   Cái nhìn đó của Thiên Chúa, chẳng ai có thể biết được, nếu Thiên Chúa đã không soi sáng cho các tác giả Thánh Kinh viết ra cho nhân loại được biết, cách riêng qua mấy đoạn Thư Do Thái dưới đây.

Thánh Thư cho biết :

Việc tế tự ở Lều Tạm Cựu Ước là hình bóng

về tế lễ thiên giới của Chúa Giêsu

  • Đoạn thư thứ nhất :

Cấu trúc Lều Tạm và Đền thờ của Cựu Ước

9 1“Vậy, giao ước thứ nhất đã có những quy luật phụng tự và có thánh điện dưới đất.2 Quả thật, một cái lều, cái lều thứ nhất, đã được dựng lên; lều này được gọi là Nơi Thánh, có cây đèn bảy ngọn, có bàn và bánh dâng tiến.3 Đằng sau bức màn thứ hai, có một cái lều gọi là Nơi Cực Thánh.          4 Trong đó, có hương án bằng vàng và Hòm Bia Giao Ước hoàn toàn bọc vàng; Hòm Bia này chứa bình vàng đựng man-na, cây gậy trổ hoa của ông A-ha-ron và các tấm bia Giao Ước.5 Trên Hòm Bia, có hai tượng kê-ru-bim rạng ngời vinh quang Thiên Chúa, dang cánh che phủ nắp xá tội. Bây giờ không phải là lúc nói tỉ mỉ về các điều đó.

6 Mọi sự xếp đặt như thế rồi, các tư tế thường xuyên vào lều thứ nhất (Nơi Thánh) để cử hành việc phụng tự.7 Còn lều thứ hai (Nơi Cực Thánh), thì chỉ một mình vị thượng tế mới được vào mỗi năm một lần, đem theo máu để dâng làm của lễ đền tội cho chính mình và cho dân.”

      (Dt 9.1-7. – Sách Lv 16.2-6,11-19 tả chi tiết hơn.)

Giải thích :

Khi Thiên Chúa sai ông Môsê đi gặp vua Pharaô để bảo vua phải giải phóng cho dân Israen khỏi làm nô lệ, “Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: “Con là ai mà dám đến với Pha-ra- ô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập ?” Người phán : “Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi : khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này.” (Xh 3.10-12)

Hình trên : Thời dân Do Thái còn đi rong ruổi trong sa mạc, nơi thờ phượng Thiên Chúa là một Lều Tạm bằng vải.

Thoát khỏi làm nô lệ Ai Cập, họ sẽ được làm tôi thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng họ chưa thể xây một nơi thờ phượng chắc bền được, vì trong thời đi rong ruổi trong hoang địa tiến về Đất Hứa, phải dời chỗ từ nơi này đến nơi kia, nên họ chỉ dựng Lều tạm bằng vải.

Cấu trúc và cách bài trí của Lều Tạm đã được đoạn thư Do Thái trên kia mô tả vắn tắt : Không kể hàng rào bằng vải quây chung quanh bên ngoài, bên trong ở cuối sân, có một Lều có mái che, chia làm hai phần : phần ngoài được gọi là Nơi Thánh. Sau một bức màn là phần trong cùng gọi là Nơi Cực Thánh, trong đó có Hòm Bia Giao Ước, trên nắp có tạc hai tượng Kêrubim, là chỗ Thiên Chúa ngự. Nơi Thánh (hay Cung Thánh), các tư tế được vào để dâng hương, thắp đèn, dâng bánh trưng hiến v.v… Còn  Nơi Cực Thánh (hay Cung Cực Thánh) chỉ có một mình vị Thượng tế được vào, mỗi năm một lần, đem theo máu (tế vật) để dâng làm của lễ đền tội, còn dân chúng thì chưa được vào, phải đứng ở ngoài.

Mô hình Đền thờ do vua Salômôn xây ở Giêrusalem

(năm  960  C.Ng.).

Đoạn thư Do Thái trên chỉ mô tả về Lều Tạm, nhưng nên hiểu là ngay cả nơi các Đền thờ nguy nga vĩ đại hơn do vua Salômon và Hêrôđê Cả xây sau này, thì cũng như vậy.

Mô hình tái dựng lại Đền thờ Giêrusalem do vua Hêrôđê Cả xây thời Đức Giêsu. Tuy nguy nga vĩ đại hơn nhiều, song căn bản về cấu trúc và cách bài trí không có gì thay đổi, so với Lều Tạm và đền thờ do vua Salômon xây.

Như thế, điều đáng chú ý là tại Lều tạm và các Đền thờ này, nếu hiểu Nơi Cực Thánh có Thiên Chúa ngự là tượng trưng cho Thiên Đàng, vậy thì đã rõ là thời đó, dân chúng chưa ai được vào Thiên Đàng, cửa Thiên đàng vẫn còn đóng. Vì sao? Đoạn thư thứ hai dưới đây sẽ cho biết lý do.

 

 

@@@@@_BÀI 38_@@@@@

  • Đoạn thư thứ hai :

Nơi Cực Thánh chưa được mở cho dân chúng vào

8 “Như thế, Thánh Thần tỏ cho biết là lối vào Nơi Cực Thánh chưa được mở (vì Vị Thượng tế chính thức Giêsu chưa đến để mở cho dân chúng được vào), bao lâu lều thứ nhất vẫn còn đó.9 Điều ấy là tỉ dụ cho buổi hiện thời, cho thấy những lễ vật và hy lễ dâng tiến Thiên Chúa không thể làm cho lương tâm người cử hành việc phụng tự trở nên hoàn thiện.10 Những cái đó chỉ liên quan đến của ăn thức uống cùng các loại nghi thức tẩy rửa, và là những quy luật chỉ có hiệu lực bên ngoài, buộc phải giữ cho đến thời Thiên Chúa chấn chỉnh mọi sự.” (Dt 9.8-10)

Giải thích :

Đoạn thư này nói : vì chỉ có một mình vị Thượng tế vào mỗi năm một lần, thì qua việc đó chính Thánh Thần tỏ cho biết là lối vào Nơi Cực Thánh có Thiên Chúa ngự, chưa được mở cho dân chúng vào, bao lâu vẫn còn Cựu Ước với các lễ vật hồi đó chỉ là súc vật, chúng không thể làm cho lương tâm con người nên thanh sạch, hoàn thiện, vì không tẩy xóa được tội lỗi. Mà lương tâm không sạch tội, làm sao vào được Nơi Cực Thánh chỗ Thiên Chúa ngự, tức là Thiên đàng, mà phụng thờ Người là Đấng Chí Thánh ! Vậy phải chờ đến thời viên mãn, mọi chuẩn bị đã xong, “thời Thiên Chúa chấn chỉnh mọi sự”, lúc ấy Vị Thượng tế chính thức là Chúa Giêsu xuất hiện và tế lễ mình trên thập giá, mới tẩy xóa được tội lỗi nhân loại, và mở lối cho dân chúng được vào Thiên đàng.

  • Đoạn thư thứ ba :

Chúa Giêsu Thượng Tế bưng máu mình

vào Cung Cực Thánh

11 “Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế mang lại phúc lộc của thế giới tương lai. Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, (là thân thể Người), không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. 12 Người đã vào Cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.” (Dt 9.11-12)

Giải thích :

Thời viên mãn đã tới, Đức Giêsu đến chấn chỉnh những cái còn bất toàn : 1) Chính Người là Thượng tế đích thực, vì đem đến các phúc lộc vĩnh cửu của thế giới tương lai nghĩa là phúc lộc thiêng liêng và đời đời (của Thiên Đàng), đang khi các tư tế và Thượng tế Cựu Ước chỉ là những con người bình thường, vướng mắc nhiều tội lỗi, phải dâng tế lễ súc vật để đền tội mình và tội toàn dân, như thế tức là “phụng sự cái bóng lu mờ, mô phỏng những điều trên trời” (Dt 8.5), “chỉ phác hoạ lờ mờ những phúc lộc của thế giới tương lai, chứ không phản ánh chính xác những thực tại đó.” (Dt 10.1)

2) Chúa Giêsu Thượng tế đã vào Nơi Cực thánh, chỗ Thiên Chúa ngự, tay bưng chén Máu châu báu của chính mình, có giá trị vô cùng vì là Máu của Con Một Thiên Chúa, có hiệu lực xóa tội lỗi của thế gian, như ông Gioan tẩy Giả đã giới thiệu : Này là Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (Ga 1.29), chứ không như máu các con dê, con bò là các tế vật mà Thượng tế Cựu Ước dâng, nhưng không thể làm cho lương tâm người phụng tự trở nên thanh sạch để ra trước Nhan thánh Thiên Chúa mà phụng thờ Người.

3) Và khác với Thượng tế Cựu Ước, cứ “dâng mãi năm này qua năm khác những thứ hy lễ chẳng bao giờ xoá bỏ được tội lỗi.” (Dt 10.1,11). “Còn Đức Ki-tô, sau khi dâng lễ tế duy nhất (chỉ một lần thôi) để đền tội cho nhân loại, (đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta), vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo.” (Dt 10.12,14)

  • Đoạn thư thứ bốn :

Thượng Tế Giêsu Vào Cung Cực Thánh là vào Thiên Đàng

24 “Quả thế, Đức Ki-tô đã chẳng vào một Cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của Cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính Cõi Trời (tức là Thiên Đàng), để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta.25 Người vào đó, không phải để dâng chính mình làm của lễ nhiều lần, như vị thượng tế mỗi năm phải đem theo máu của loài khác mà vào Cung thánh.26 Chẳng vậy, Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.” (Dt 9.24-25)

Giải thích :

1) Đức Thượng tế Giêsu đã vào Cung Cực Thánh không phải của đền thờ ở trần gian, chỉ là hình bóng của Cung thánh thật, nhưng Người đã vào chính Cõi Trời (tức là Thiên Đàng), nơi Thiên Chúa ngự, và Người ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta.

2) Người vào đó, không phải để dâng mình làm của lễ nhiều lần, như vị thượng tế Cựu Ước cứ mỗi năm phải vào cung thánh đem theo máu của loài vật mà dâng lên Thiên Chúa làm của lễ, chỉ vì máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi (Dt 10.4) nên cứ phái dâng lại hoài. Nhưng nay, vào thời cuối cùng, Người đã xuất hiện và chỉ hiến tế chính mình một lần, là tiêu diệt được tội lỗi nhân loại.

  • Đoạn thư thứ năm :

Thượng Tế Giêsu Vào Thiên Đàng dâng Tế Lễ

8 1 “Điểm chủ yếu trong những điều đang nói ở đây là điểm này: chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả như thế ngự bên hữu ngai Đấng uy linh ở trên trời.2 Vị đó lo việc phục vụ trong Cung thánh, trong lều trại thật, do Thiên Chúa chứ không phải do người phàm dựng lên.3 Quả vậy, bất cứ ai được phong làm thượng tế cũng là để dâng lễ vật và tế phẩm; vì thế, vị này cũng cần phải có cái gì để dâng.4 Vậy, giả như Đức Giê-su ở dưới thế, thì Người chẳng phải là tư tế, bởi vì đã có những người dâng lễ vật như Luật truyền.5 Những người này lo việc phụng tự trong một thánh điện, mà thánh điện này chỉ là hình ảnh lu mờ mô phỏng thánh điện trên trời. Quả vậy, khi ông Mô-sê sắp dựng lều trại, thì ông được Thiên Chúa phán dạy rằng : Hãy nhìn xem và làm tất cả theo mẫu đã chỉ cho ngươi trên núi.” (Dt 8.1-5)

Giải thích :

"Chúng ta có Vị Thượng Tế cao cả như thế ngự bên hữu ngai Đấng uy linh ở trên trời. Vị đó lo phục vụ trong cung thánh, trong lều trại thật, do Thiên Chúa chứ không phải do người phàm dựng lên." Vị Thượng tế cao cả Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa, nghĩa là được nâng lên ngang hàng với Thiên Chúa, chứ không phải “ngồi” nghỉ ngơi, song làm thừa tác viên tức là “lo phục vụ trong cung thánh” thiên giới :

Và để cho thêm bằng chứng Người là Thượng tế phục vụ trên thiên giới, tức là Cung Thánh trên trời, chứ không làm Thượng tế dưới trần gian để thi hành phụng tự ở đền thờ dưới thế, Thánh thư nhấn mạnh : "Giả như Đức Giê-su ở dưới thế, thì Người chẳng phải là tư tế, bởi vì đã có những (tư tế tức là) người dâng lễ vật như Luật truyền” (Dt 8.4). Đúng vậy, khi Người ở dưới thế, bởi vì Người không thuộc chi tộc Lêvi đuợc nắm giữ chức tư tế chiếu theo Lề Luật truyền dạy, song Người thuộc chi tộc Giuđa, dòng dõi vua Đavít (Dt 7.14. Xem St 49.10; Mk 5.1; Mt 1.1t ; Rm 1.3), một chi tộc không được ông Mô-sê lập làm tư tế, do đó Đức Giêsu không là tư tế chiếu theo Lề luật. Vậy nếu Thánh Thư nói rằng ở dưới thế, Đức Giê-su chẳng phải là tư tế, thì phải ngầm hiểu Thánh Thư muốn nói rằng Người là Thượng tế ở trên trời, vì đang  ngự bên hữu ngai Đấng uy linh ở trên trời, và lo phục vụ trong Cung thánh, do Thiên Chúa chứ không phải do người phàm dựng lên ; khác hẳn những tư tế theo luật truyền, lo việc phụng tự trong một thánh điện chỉ là hình ảnh lu mờ mô phỏng Cung thánh trên trời.(Dt 8.5)

 

@@@@@_BÀI 39_@@@@@

+ Chúa Giêsu phục vụ bằng việc dâng lễ vật

Đoạn thư đó nói tiếp : "Quả vậy, bất cứ ai được phong làm thượng tế cũng là để dâng lễ vật và tế phẩm ; vì thế, vị này cũng cần phải có cái gì để dâng." (Dt 8.3).

Đúng vậy, phong chức là để thi hành chức vụ, không ai phong chức cho một người nào để người ấy ngồi chơi. Vậy Chúa Cha đã phong Chúa Giêsu làm Thượng tế : "Thiên Chúa đã thề…rằng : Muôn thuở, Con là Thượng tế…theo phẩm trật Men-ki-xê-đê" (Dt 7.17,21), thì cũng là "để dâng lễ vật và tế phẩm" (Dt 8.3; 5.1). Chỉ có điều là làm Thượng tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê (Dt 7.1-3,11; Tv 110.4 ; xem St 14.17-20), thì khác hẳn kiểu tư tế của ông Aaron theo Lề Luật truyền, vì sẽ dâng bánh rượu thay vì dâng súc vật. Do đó, một khi Chúa Giêsu đã được Chúa Cha phong làm Thượng tế, thì Thánh thư nhấn mạnh : "Vì thế vị này (Thượng tế Giêsu) cũng cần phải có cái gì để dâng."

+ Vậy Chúa Giêsu dâng cái gì làm lễ vật?

Đoạn thư trên đây (Dt 9.7,12) đã cho biết : "Người đã vào Cung Cực Thánh không phải với máu các con dê, con bò,

mà vị Thượng tế (Cựu Ước) đem theo để dâng làm của lễ đền tội – nhưng với chính máu của mình để dâng làm của lễ." Vậy lễ vật của Chúa Giêsu dâng là chính Máu mình. Mà dâng Máu mình lại chính là việc Chúa Giêsu đã làm khi hiến tế thân mình trên thập giá.

Như thế, qua mấy đoạn trên, thư Do Thái cho thấy việc dâng máu mình làm lễ tế của Thượng tế Giêsu trong Cung Thánh trên trời, đồng nhất với việc hiến tế đổ máu thân mình mà Người dâng trên thập giá ở dưới đất.

Bởi vì :

+ Chỉ có một Hiến tế duy nhất :

Để nhấn mạnh tế lễ của Chúa Giêsu cử hành trên trời đồng nhất làm một với hiến tế của Người dâng ở đồi Canvê dưới đất, Thánh thư viết :

"Người vào (Cung thánh) đó, không phải để dâng đi dâng lại chính mình Người nhiều lần, như vị thượng tế (Cựu Ước) hằng năm phải đem theo máu của loài khác mà vào cung thánh. Chẳng vậy, Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, bằng việc hiến tế chính mình, đã tiêu diệt tội lỗi." (Dt 9.24-26)

Vì Thánh thư khẳng định rõ ràng Chúa Giêsu hiến tế chính mình "duy nhất chỉ một lần", không bao giờ dâng hai lần, dâng một lần dưới đất rồi dâng lần nữa trên trời, vì vậy khi Thánh thư cho biết Người đang dâng lễ tế trên trời, tất nhiên lễ tế ấy cũng phải được hiểu là đồng nhất với tế lễ Người dâng dưới đất tại Đồi Canvê.

Như vậy, mấy đoạn thánh thư ấy cho thấy hình ảnh một

“PHỤNG VỤ THIÊN GIỚI”

đang cử hành trên trời trước Thánh Nhan Thiên Chúa, trong khi trước mặt thế gian lại là cái chết của một tử tội trên thập giá !

SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN

Trước mắt thế gian, Giêsu là ông Vua Do Thái bị đóng đinh trần trụi trên thập giá đớn đau, nhục nhã, nhưng trước Thánh Nhan Thiên Chúa Cha, lại là vị Thượng Tế đời đời với phẩm phục trang trọng, uy nghiêm tiến vào Cung Cực Thánh, tay bưng chén Máu vô giá, là Giao Ước vĩnh cửu đem lại Ơn tha thứ, cùng Ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho loài người. Vào Cung Cực Thánh trên trời, cũng có nghĩa là Người đã đi về cùng Cha, đi dọn chỗ cho chúng ta, vì nhà Cha còn nhiều chỗ ở cho con cái của Người.

   Khi ngước nhìn lên Thánh Giá, gẫm về tình yêu chịu đóng đinh, trái tim ta có khóc một niềm vui, niềm hạnh phúc? Vì dù sao, Con Người nhất định phải trải qua chặng đàng thập giá, thì chúng ta mới nhận được Ơn tha thứ, từ đau khổ thập giá mới trổ sinh Hoa Cứu Độ !

   Vậy lạy Chúa, cuộc đời chúng con hèn mọn như hoa cỏ "có gì mà dâng Chúa đâu", chỉ có tình yêu nhỏ bé xin tận hiến cho Người. Xin Người đổ vào tâm hồn chúng con tràn đầy Thần Khí và niềm vui phục sinh. Amen.

 

 

                                                    ■          

 

 

PHỤNG VỤ TRÊN THIÊN GIỚI

Trên đây vừa nói : Thư Do Thái vẽ ra trước mắt chúng ta hình ảnh một Phụng Vụ Thiên Giới đang cử hành.

Chữ ‘thiên giới’ gây đôi chút bỡ ngỡ, tuy nôm na nó chỉ có nghĩa là ‘trên trời’, nhưng phải hiểu cho đúng. Chúng ta là loài người, sống trong thời gian và không gian, chân đạp trên đất, cho nên khi nghe ‘thiên giới’, ‘trên trời’ hay “lên trời” là ta thường hiểu theo nghĩa địa lý, tức là nghĩ đến cái khoảng không gian cao tít trên mây xanh. Nhưng theo nghĩa thần học không phải như vậy.

Xin dùng một hình ảnh cho dễ hiểu : hãy tưởng tượng trái đất là một quả cầu có nam châm, treo lơ lửng giữa không trung (xem hình). Ta là người Việt Nam, thì theo khoa học, do sức hút của trái đất, chân ta được hút dính vào trái đất, đầu ta ngửng lên phía trên, nên khi ta nói : “trên trời” hay “lên trời”, ta chỉ tay lên trên (xem mũi tên).

Còn người Mỹ, họ ở nửa vòng trái đất (coi như ở đáy quả cầu), họ cũng bị trái đất hút vào, chân chạm đất, đầu ngửng lên trên, song vị trí của họ là ngược đầu với ta. Nếu ta hỏi họ : “lên trời” là đâu ? Họ sẽ chỉ tay lên trên phía đầu của họ. Thành ra đối với họ là trên, nhưng so với ta, thì lại là dưới.

Thế thì lên trời là lên trên hay xuống dưới ?

Hóa ra đó chỉ là một cách nói bình dân, chứ trời không ở trên, mà cũng chẳng ở dưới. Trời ở khắp nơi. Trên cũng là trời, dưới cũng là trời, bao bọc quanh ta là trời. Thông thường ta vẫn quen nói : chết rồi, linh hồn ta bay lên trời (và chỉ tay lên phía trên), song trí khôn ta phải hiểu là không lên đâu cả, song là vào trong giới của Thiên Chúa, tức là vào thiên giới hay vào “cõi trời” vậy. Thành ra “Thiên giới” hay “Cõi Trời” theo nghĩa này không còn là nghĩa địa lý, vật chất, một không trung cao vời thăm thẳm, bay lên mới tới, mà là nghĩa thần học, tức là vào lãnh vực siêu phàm, vào “Cõi thiên giới” của Thiên Chúa.

Mà cõi thiên giới / cõi trời / cõi thần linh của Thiên Chúa ở đâu ?

Thưa : Chỉ cần nhớ lại chân lý “Thiên Chúa ở khắp mọi nơi” thì sẽ thấy Thiên Chúa ở đâu là trời ở đó, không ở trên cao hay dưới thấp theo nghĩa địa lý, Trời không ở đâu xa, trời ngay bên ta, chung quanh ta, ở trong ta, chỉ có điều là hiện thời mắt thịt ta không thấy mà thôi.

Vì thế chẳng có gì lạ, khi Thánh Phaolô cho biết rằng hiện nay chúng ta đã được vào cõi trời ấy :

"Thiên Chúa đã cho ta (nhờ tin vào Chúa Giêsu) thì được cùng hồi sinh với Đức Kitô, và được cùng sống lại, được cùng ngự trị trên trời trong Đức Kitô" (Ep 2.5-6).

Chúng ta hiện nay đang ngồi hay đứng ở đây, trên trái đất này, thế mà lại nghe bảo là đang ngự trị trên trời ! Đâu có phải chúng ta đã leo lên trên chín tầng mây để vào được trong đó ! Hoá ra “Trời” có nghĩa là “lãnh vực của Thiên Chúa”, là “thiên giới”, giới của Thiên Chúa, khi ta tin (và chịu Phép Rửa) thì từ trần giới ta được vào [7] trong thiên giới ở với Chúa, cùng ngự trị với Chúa, không tin thì ở ngoài vùng trời hạnh phúc ấy.

Như thế, “thiên giới” hay “cõi trời” phải hiểu là một thực tại siêu phàm, thần linh, một thực tại của giới Thiên Chúa.

Một khi ta đã hiểu rõ thiên giới theo nghĩa thần học như thế rồi, sẽ dễ hiểu tại sao biến cố Tử nạn của Đức Giêsu xảy ra trong thời gian lịch sử cách đây 2000 năm và tại một địa điểm là Đồi Canvê, nhưng trước mắt Thiên Chúa, Người lại nhìn thấy biến cố ấy là một hiến tế đang dâng trên cõi trời, trên thiên giới, trước thánh Nhan Người. Gọi cách vắn tắt là :

PHỤNG VỤ THIÊN GIỚI.

 

@@@@@_BÀI 40_@@@@@

Lưu ý : Lặp lại của kỳ trước vài dòng, để có đầu có đuôi cho dễ hiểu.

…………………………….

 

Một khi ta đã hiểu rõ thiên giới theo nghĩa thần học như thế rồi, sẽ dễ hiểu tại sao biến cố Tử nạn của Đức Giêsu xảy ra trong thời gian lịch sử cách đây 2000 năm và tại một địa điểm là Đồi Canvê, nhưng trước mắt Thiên Chúa, Người lại nhìn thấy biến cố ấy là một hiến tế đang dâng trên cõi trời, trên thiên giới, trước thánh Nhan Người. Gọi cách vắn tắt là :

PHỤNG VỤ THIÊN GIỚI.

cái nhìn ấy của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã soi sáng cho các tác giả Thánh Kinh, cách riêng thư Do Thái (mà chúng ta đã dẫn giải trên kia), viết ra cho nhân loại biết. Và đặc biệt còn cho biết : chúng ta cũng được đưa vào tham dự Phụng Vụ Thiên Giới ấy, cử hành trước Nhan thánh Thiên Chúa Cha ! Thật là Kỳ diệu !

Trong cách diễn tả của các Sách thánh, vì những lý do văn chương hay lý do dạy đạo cho các tín hữu trong cộng đoàn, gồm nhiều người từ dân ngoại mới gia nhập Hội Thánh, hoặc những người Do Thái cải đạo từ Do Thái giáo vào đạo Chúa, các tác giả Sách Thánh thời đó buộc lòng phải sử dụng hình ảnh phụng vụ của cộng đoàn dưới thế, hoặc phải so sánh với nghi lễ của đạo cũ Do Thái, (chẳng hạn như ở thư gửi tín hữu Do Thái hay sách Khải Huyền), hoặc phải sử dụng những hình ảnh về không gian và thời gian, như thể các việc xảy ra trong thời gian cái trước cái sau, xảy ra ở chỗ này chỗ kia.

Dầu vậy, khi đọc các sách Thánh Kinh ấy, ta phải nhìn theo cách nhìn của Thiên Chúa nói trên kia, vì nơi Thiên Chúa mọi sự đều đơn thuần ; trong cái nhìn của Thiên Chúa, mọi sự đều duy nhất : Đức Giêsu tử nạn dưới đất, Thiên Chúa lại thấy là đồng thời Người đang dâng hiến tế trên trời. 

---oo X oo---

 

QUAN ĐIỂM CỦA CÁC NHÀ CHÚ GIẢI

Trước khi tiến xa hơn, xin trích dẫn quan điểm của một vài nhà chú giải Thánh Kinh có uy tín, để thấy rằng các vị không những cũng đồng quan điểm với chúng ta, mà hơn thế còn giảng giải cho ta hiểu vấn đề thêm sâu sắc.

Cha Spicq, OP (Dòng Đa Minh), căn cứ vào những đoạn thư Do Thái đã trích dẫn trên kia, viết đại ý thế này :

Lập luận của đoạn Dt 8.1-5 cho phép ta quả quyết rằng :

+ Có một việc dâng tế lễ trên thiên giới.

Đây ta hãy xem :

a/ "Chúa Giêsu Thượng tế đã đi vào cõi trời (Dt 9.12,24) để tiếp tục thi hành ở đó chức vụ tư tế dưới một hình thức mới (9.24)", Người thi hành chức vụ tư tế trong một phụng vụ ở Cung thánh thiên giới.

Mà đó là "điểm chính yếu" mà thư Do Thái muốn trình bày (8.1), tức là "chúng ta có một vị thượng tế... thánh, vô tội, tinh tuyền” (7.26-28), đang ngự bên hữu Thiên Chúa (8.1), không phải để nghỉ ngơi, song "phục vụ” trong Cung thánh và Nhà Tạm đích thực Thiên Chúa đã dựng lên, chứ không phải người phàm" (8.1-2).

b/ Thiết yếu Người là Thượng tế ở thiên giới, tác giả thư nói tiếp, còn ở trần gian, Người đã chẳng là tư tế vì đã có các kẻ khác thuộc dòng họ Lêvi, đã được Lề luật thiết lập làm tư tế (Dt 8.4). Thật vậy, Đức Giêsu thuộc dòng họ Giuđa không có phận sự phục vụ bàn thờ (7.13-14).

c/ Nếu Đức Giêsu làm Thượng tế ở thiên giới, thì quan niệm Do Thái đòi buộc rằng chức vụ Thượng tế phải đi kèm với việc hiến dâng lễ vật, hay hiến tế (xem Dt 5.1 ; 8.3), cũng như đền thờ đòi buộc phải có tư tế phục vụ : "Đối với tác giả thư Do Thái, một chức tư tế mà không có hiến dâng lễ vật là điều không thể quan niệm được… Vì thế ta thấy nói ở đoạn 8.1-5 là cần thiết Người phải hiến dâng một cái gì." (Spicq, Epitre aux Hébreux, quyển I. tr.311tt.)

Toàn cả cảnh trí là trên Thiên Quốc. Vị Thượng tế ngự bên hữu Thiên Chúa, không có nghĩa là ngồi bên hữu, song phải hiểu là được suy tôn lên địa vị ngang hàng với Thiên Chúa bởi vinh hiển phục sinh (Cv. 2.33 ; Pl 2.9-11; Dt 8.1-7,26), Người cũng lại là "Thừa tác viên của Cung Thánh và của Nhà Tạm đích thực" (Dt 8.2).

Chữ “thừa tác viên” đây [8], theo cha Spicq, là thuật ngữ tế tự và hàm ý hoạt động, chứ không phải là một chức (danh dự) suông không làm gì. Chính nhờ so sánh với công việc các tư tế Lêvi làm (“bất cứ ai được phong làm thượng tế cũng là để dâng lễ vật và tế phẩm”), mà tác giả Thánh thư rút ra kết luận: "Vậy Người cũng phải có gì để dâng" (c.3) : Dâng lễ vật là điều cần thiết (c.3). Không dâng lễ vật, thì chẳng (cần) tư tế làm gì ! [9]

+ Chúa Giêsu Thượng tế thiên giới dâng gì ?

Thư Do Thái viết : Dâng chính máu mình (9.12) tức là  mạng sống mình, và đặc biệt còn thêm câu này : "Chúa Kitô, nhờ Thần Khí hằng có mà tiến mình làm lễ hy sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa" (9.14). Mà Thần Khí hằng có là thực tại thiên giới, thực tại của Thiên Chúa, cho nên cha F.X.Durrwell, CSsR (Dòng Chúa Cứu Thế), lập luận : "Hiến tế được dâng lên nhờ Thần Khí hằng có (9.14) thì dù thập giá cắm ở trên đất, hiến tế ấy không còn là của trần gian nữa (8.4) vì được dâng bởi Thần Khí vĩnh hằng, nên đã vào cõi thiên giới..."

+ Hơn nữa, lại là một dâng hiến tồn tại vĩnh viễn

Cha Durrwell nêu ra một điểm quan trọng : Việc Đức Giêsu dâng mình chịu chết làm lễ tế lên Thiên Chúa, một khi được Chúa Cha chấp nhận một sự chấp nhận vĩnh viễn không bao giờ qua đi – thì lễ tế ấy được thành vĩnh cửu.

Xin giải thích :

  • Của lễ nào dâng lên Thiên Chúa mà đẹp lòng Người thì Người chấp nhận. / Mà việc Hiến Tế chính Mình Chúa Giêsu thì dĩ nhiên rất đẹp lòng Thiên Chúa, (vì vâng phục thánh Ý Cha hoàn toàn). / Vậy tất nhiên được Chúa Cha chấp nhận.
  • Khi đã chấp nhận thì Thiên Chúa tỏ sự ấy ra bằng một hành động : đó là phục sinh và tôn vinh Chúa Giêsu, hay nói cách khác, là thần hóa thân mình Chúa Giêsu (xem tr.179tt).
  • việc phục sinh và tôn vinh thần hóa Chúa Giêsu, tự nó là một hành động tồn tại vĩnh viễn :

Việc phục sinh : “Chúng ta biết rằng : một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa” (Rm 6.9) ; “Chúa Giêsu phán: “Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn muôn đời” (Kh 1.18) ; 

Việc thần hóa : “Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
 Như vậy, khi nghe danh Đức Giê-su,
cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ ;
và mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng :

“Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”,

để tôn vinh Thiên Chúa Cha.” (Pl 2.9-11)

Sở dĩ việc phục sinh và thần hóa Chúa Giêsu sẽ tồn tại vĩnh viễn, không bao giờ qua đi hay chấm dứt, là bởi vì nơi Thiên Chúa hằng hữu, không có gì là tạm bợ mau qua như nơi trần gian của chúng ta ! Nhất là việc thần hóa Đức Giêsu là việc nâng Chúa Giêsu lên bằng Thiên Chúa Cha, thì việc đó nhất thiết phải trường tồn vĩnh cửu muôn muôn ngàn đời ! Vĩnh cửu như Thiên Chúa là vĩnh cửu vậy !

Vậy nếu hành động phục sinh và tôn vinh ấy tồn tại vĩnh viễn, thì việc hiến tế đối tượng của việc phục sinh, tôn vinhcũng tồn tại vĩnh viễn, hai cái đó luôn đi đôi với nhau không thể phân ly. Chẳng lẽ hành động tôn vinh thì còn mãi, mà việc hiến tế là đối tượng của nó thì không còn nữa, vậy hành động ấy sẽ tác động vào chỗ trống không ? Như thế là không hợp lý. Nắm chắc được sự thật này, nên Thư Do Thái viết :

“Quả thế, Đức Ki-tô đã… vào chính cõi trời, … không phải để dâng đi dâng lại việc hiến tế chính mình nhiều lần, Nhưng chỉ một lần … thì đã đủ (vì hiến tế tồn tại vĩnh viễn)

- để tiêu diệt tội lỗi mãi mãi (Dt 9.24-26);

- Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người (5.9; 9.12) ;

- Mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo (10.14).

Vì vậy trên đây nói rất đúng rằng : đây là một điểm quan trọng, là bởi vì nếu việc hiến tế thiên giới của Chúa Giêsu tồn tại, thì mới có thể “tái hiện” trong Thánh Lễ dưới trần, để thờ phượng Thiên Chúa và đem lại ơn cứu độ cho loài người. (Sau này sẽ nói rõ hơn).*

-------------------------------------

** Như vậy, không được hiểu hiến tế đó là một việc Đức Giêsu lập công nghiệp và Thánh Lễ là nơi phân phát công nghiệp.

Đây là một điểm thần học khá lạ lẫm đối với giáo hữu VN. Vậy cần giải thích đôi chút. Có một nền thần học hồi trước chủ trương rằng : hiến tế của Chúa Kitô là một việc đã được làm xong và hoàn toàn chấm dứt trong thời gian (chiều thứ Sáu Tuần thánh trên Đồi Canvê), chứ không còn tồn tại và vĩnh cửu hóa như trên vừa nói. Nay Chúa Kitô đã phục sinh và về trời yên nghỉ bên hữu Chúa Cha, hưởng phúc đời đời, và chỉ còn lại hiệu quả là các công nghiệp do cái chết cứu chuộc Người lập được, (giống như có công làm việc mà tậu được của), và Chúa sẽ dùng các Bí tích như dụng cụ mà ban phát các công nghiệp ấy cho loài người hưởng.

Theo chủ trương đó, thì Thánh Lễ bàn thờ chỉ là việc “diễn lại” tế lễ xưa trên thập giá để ban phát Ơn Cứu Chuộc, là công nghiệp Chúa Giêsu đã lập được bởi cái chết đền tội của mình.

Chủ trương này không được Công Đồng Vatican II ủng hộ trong Hiến Chế Phụng vụ thánh, số 7 và 8 sẽ được trích dẫn dưới đây (tr.222tt), vì ngược với lời dạy của thư Do Thái chương 8.1-5 mà chúng ta đã xem trên đây.

-----------------------------------------

 

@@@@@_BÀI 41_@@@@@

- Thánh thư Do thái đưa ra một bằng cứ để minh chứng hiến tế Chúa Giêsu tồn tại vĩnh cửu :

Vì Người hằng sống

nên chức vụ Thượng tế của Người bất diệt

và Hiến tế của Người tồn tại đời đời

20 “Các tư tế Lê-vi đã trở nên tư tế mà không có lời thề; 21 còn Đức Giê-su khi trở nên tư tế, thì lại có lời thề của Đấng nói với Người: Đức Chúa đã thề ước, Người sẽ chẳng rút lời, rằng: Muôn thuở, Con là Thượng Tế. […]  23 Lại nữa, trong dòng tộc Lê-vi, có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó. 24 Còn Đức Giê-su, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên chức vụ tư tế của Người tồn tại mãi mãi. 25 Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.” (Dt 7.20-25)

Giải thích :

Chức Thượng tế muôn đời mà Thiên Chúa đã thề hứa ban cho Chúa Giêsu (Đức Chúa đã thề ước… : Muôn thuở Con là Thượng tế) không chỉ là một chức kéo dài trong thời gian vô tận, cho bằng đặt chức Thượng tế ấy vào trong sự vĩnh hằng của Thiên Chúa : "Chính vì Người hằng sống muôn đời, nên chức vụ tư tế của Người tồn tại mãi mãi”.

+ Mà nếu chức vụ Thượng tế của Người tồn tại mãi mãi thì việc tế lễ của Người cũng tồn tại mãi mãi. Lý do là vì – như trên đây đã xem – chức vụ phải đi đôi với việc tế lễ, người ta không thể nào quan niệm được một chức vụ tư tế mà không cử hành tế lễ ! Chẳng lẽ phong chức cho để ngồi chơi không làm gì ? Vậy, chức vụ tồn tại, tế lễ cũng tồn tại.

Chúng ta sống trong thời gian, cái gì cũng mau qua, chóng hết, ta không thể tưởng tượng làm sao một tế lễ lại có thể tồn tại mãi muôn đời. Ấy chính vì nơi Thiên Chúa hằng hữu thì khác : mọi sự đều trường tồn vĩnh cửu.

+              Mà nếu tế lễ tồn tại, thì tất nhiên tế vật cũng sẽ vĩnh tồn mãi mãi.

Cho dù hành động tế hiến (acte sacrificiel) theo mặt lịch sử là việc thuộc quá khứ (đã xảy ra tại đồi Canvê cách đây 2000 năm), thì nó lại luôn mãi tồn tại bởi đích nó đến. Đích ấy là nó được sự chấp nhận, tôn vinh và thần hóa luôn mãi trường tồn không qua đi của Thiên Chúa. (Durrwell, sđd, 173-174; Spicq, I. 315). Ở đây chỉ lặp lại điều đã xác lập ở trên kia, tr.202tt.

Có thể nói : Nơi Thiên Chúa vĩnh hằng mọi sự đều là hiện tại và tồn tại, không như chúng ta sống trong thời gian có quá khứ, hiện tại và tương lai, cái này qua đi, cái kia sẽ đến :

"Nơi Chúa ngàn năm cũng như một ngày, một ngày cũng tày ngàn năm" (2 Pr 3.9).

Cái gì đụng chạm đến Thiên Chúa hằng hữu, tức khắc trở nên vĩnh cửu !

Lấy một tỉ dụ giả tưởng để minh họa : một linh hồn sa hỏa ngục, mà giả sử được cho thấy nhãn tiền Thiên Chúa hằng hữu một tích tắc thôi, tức là được đụng chạm tới Thiên Chúa vĩnh hằng, lập tức linh hồn ấy cứ được thấy nhãn tiền Thiên Chúa mãi mãi, mà thấy nhãn tiền Thiên Chúa tức là ở Thiên Đàng rồi, hết còn ở hỏa ngục nữa.

Tóm lại, trong con mắt của tác giả Thánh thư, việc Chúa Kitô hiến dâng thân mình làm tế vật trên Đồi Canvê, đồng thời cũng được coi là đang dâng hiến trên thiên giới, thì nhờ bởi được sự chấp nhận và thần hóa luôn mãi tồn tại không qua đi của Thiên Chúa hằng hữu, [10] cho nên sẽ tồn tại đời đời, tồn tại đời đời nơi bản thân nó chứ không chỉ tồn tại theo tính cách là hiệu quả hay công nghiệp tậu được do việc cứu chuộc. Xin nhớ lại lời cha Durrwell nói trên kia (tr.202tt). 

 Minh họa : Thị kiến Khải huyền cho chúng ta thấy một dấu chỉ hay một minh họa rất ý nghĩa về trạng thái tồn tại vĩnh viễn nói trên của tế vật: Thánh Gioan thấy trong một thị kiến ở trên trời : Chúa Giêsu là "Con Chiên "đứng” như đã bị tế sát" (Kh 5.6). Thị kiến đó chứng tỏ rằng Chúa Giêsu-Con Chiên là tế vật vốn đã bị tế sát, nhưng vẫn “đứng” là dấu hiệu đang sống, như vậy Người là tế vật vẫn tồn tại vĩnh viễn muôn đời trong trạng thái tế hiến, dù hiện tại Người đang sống trong vinh quang trên trời.

Lạ thật, nơi Chúa Giêsu sau khi sống lại và lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, đang ở trong vinh quang và hạnh phúc vô tận, đáng lẽ thân thể Chúa phải vẹn toàn mọi dấu vết của cuộc Tử nạn ở dưới trần phải được xóa sạch chứ, vậy mà - theo các sách Tin Mừng thuật lại (Ga 20.25-29 ; Lc 24.39-41) - khi từ trời Người hiện ra cho các môn đệ và cho môn đệ được sờ đụng vào Chúa, thì họ thấy Chúa vẫn mang nơi bản thân phục sinh của Người, các dấu đinh nơi chân tay và dấu bị đâm thủng nơi cạnh sườn trong cuộc Tử nạn ở trần gian.

Nếu Người muốn xóa sạch mọi vết tích cuộc khổ nạn nơi  thân thể phục sinh của mình thì có gì là khó, song Người cứ vẫn giữ các dấu vết tế hiến ấy, chỉ vì Người muốn chứng tỏ cho biết, dù đang sống trong vinh quang trên trời, cuộc hiến thân làm tế vật trên thập giá xưa vẫn tồn tại vĩnh viễn không hề qua đi.

 

 

 

@@@@@_BÀI 42_@@@@@

Đ - HIỆU QUẢ TUYỆT VỜI CỦA HIẾN TẾ CHÚA GIÊSU LÀ CHO NHÂN LOẠI THEO VÀO THIÊN  ĐÀNG.

Để hiểu đoạn này, ta phải duyệt lại từ đầu :

  1. a) Cung cực thánh của Nhà Tạm cũng như của đền thờ Cựu Ước không cho ai khác được vào

9 …. 6 Mọi sự xếp đặt như thế rồi, các tư tế thường xuyên vào lều thứ nhất để cử hành việc phụng tự.7 Còn lều thứ hai, thì chỉ một mình vị thượng tế (Cựu Ước) mới được vào mỗi năm một lần, đem theo máu để dâng làm của lễ đền tội cho chính mình và cho dân.

8 Như thế, Thánh Thần tỏ cho biết là lối vào Nơi Cực Thánh (tượng trưng cho Thiên đàng) chưa được mở, bao lâu lều thứ nhất (tức là tế tự Cựu Ước) vẫn còn đó (Dt 9.6-8)… chờ đến thời Thiên Chúa chấn chỉnh mọi sự (Chúa Giêsu sẽ đến khai lối cho dân chúng được vào).

  1. b) Khi Thượng tế Giêsu đến, Người bưng máu của hiến tế chính mình vào Cung thánh trên trời...

11 Nhưng Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế đem lại phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn... 12 Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình,[…..]

24 Người đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời (tức là Thiên Đàng), để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta.

  1. c) Vào Thiên Đàng trước tiên, Người mở đường cho tín hữu cũng được theo vào

“…Nơi Đức Giê-su đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta…[…]

10 19 Vậy, thưa anh em, nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào Cung thánh. 20 Người đã mở ra cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người. ... Vì thế chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm... (Dt 6.20; 9.11,24 ; 10.19-22)

Duyệt xong rồi, chúng ta tự hỏi :

Chúng ta sẽ được hưởng gì trong tất cả những chuyện ấy ?

Chiêm ngắm, ca tụng hiến tế cao cả, trường cửu của Chúa Giêsu như chúng ta đã làm từ đầu đến đây, sẽ chẳng ích gì cho ta nếu chính loài người chúng ta chẳng được hưởng gì trong chuyện ấy.

Thiên Chúa không đối xử với ta bạc bẽo như vậy đâu. Tất cả mọi việc Người làm, đều là vì chúng ta, vì thiện ích của chúng ta, vì cứu rỗi và vinh quang chúng ta.

Đúng vậy, vì phần rỗi của chúng ta mà Thiên Chúa đã làm một việc kinh thiên động địa, vô tiền khoáng hậu, đến nỗi các Thiên thần đã nổi loạn vì không chấp nhận nổi (xem Kh 12.1-9), là truyền cho Con Một của Ngài phải bỏ trời, lột bỏ tất cả vinh quang của địa vị thần linh, xuống thế mặc xác thân nô lệ làm người, sinh bởi một người đàn bà (Gl 4.4) và sau một cuộc đời sống nghèo khó, vất vả giảng dạy lại đã bị các nhà lãnh đạo và chính dân mình từ rẫy (Ga 1.11), cuối cùng hy sinh chịu chết thập giá để làm giá chuộc tội nhân loại, cứu rỗi họ khỏi chết muôn đời, đem họ vào vinh quang trên trời. Đây ta hãy nghe lại đoạn Thư Do Thái diễn tả :

"Chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang (= cứu độ), Thiên Chúa … đã làm một việc thích đáng, là để ((hay bắt Đức Giêsu) Đấng khơi nguồn ơn cứu độ cho họ, trải qua gian khổ (và cả cái chết nữa) mà trở nên thập toàn." (Dt 2.10).

Mà để được trở nên thập toàn thì :

"Dầu là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ (và cả cái chết nữa) mới học biết vâng phục; và khi (bởi hoàn toàn vâng phục mà chịu chết trên thập giá) bản thân Người đã đạt mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người." (Dt 5.8-9)

Nghĩ đến việc ấy, thánh Phaolô đã bồi hồi xúc động mà thốt lên rằng :

"Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta…" (Rm 8.32)   

Ai chẳng bồi hồi xúc động khi thấy tình thương đó của Chúa Cha đối với nhân loại, có vẻ như thương họ hơn Con mình ; và khi thấy Đức Giêsu vâng lệnh truyền của Chúa Cha, xuống thế làm người, nhất là vâng phục đến mức bằng lòng chịu cái chết đau đớn khủng khiếp trên thập giá !

Song lại chính nhờ vâng phục đó Người đạt sự thành toàn, nghĩa là đạt tới độ giống Chúa Cha trọn vẹn mọi đàng, do đó đẹp lòng Chúa Cha hoàn toàn, bởi thế được Cha ban cho được :

"Có trong Người, ngay trong thể xác, tất cả sự viên mãn của Thần tính" (Cl 2.9)

để trở nên nguồn Ơn Cứu Độ muôn đời cho chúng ta.

Mà cứu độ - theo cách nhìn của thư Do thái - không như người ta thường hiểu, là Chúa Giêsu ban phát một thứ ơn huệ gì đó cho ta, do bởi công nghiệp Chúa lập được trong cuộc Tử nạn của Người,

nhưng là cho ta nhập vào trong Chúadẫn ta vào tận Thiên Đàng, trước thánh Nhan Thiên Chúa Cha, (đó chẳng phải là điều Thánh thư đã nói : “đưa muôn vàn con cái đến vinh quang” hay sao ? Dt 2.10).

Nhưng xin đừng hiểu việc Chúa Giêsu dẫn ta vào Thiên Đàng đơn giản như kiểu cha mẹ nắm tay con cái dắt vào nhà thờ, vào rạp hát, vào tham quan Thảo cầm viên v.v… nhưng phải hiểu là ta phải nhập vào trong Thân mình Người, và nhờ đó Người sẽ đem ta cùng với Người vào Thiên Đàng.

Làm cách nào Nhập vào Thân mình Người ?

Mời xem giải đáp dưới đây :

Ta hãy biểu tượng Thân mình Chúa Giêsu,

qua ba giai đoạn cuộc đời Người, bằng ba Vòng tròn :

 

 

 

           Vòng tròn 1   -   Vòng tròn 3   -   Vòng tròn 2

VÒNG TRÒN 1

biểu tượng Thân thể Chúa Giêsu trong giai đoạn

trần thế trước Tử nạn và Phục sinh.

Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế, nhận lấy cho mình một xác phàm trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, và đã trở thành người trần (Ga 1.14; Lc 1.26-38). Thể theo Ý Định của Chúa Cha, mà Thánh kinh cho ta biết, Chúa Giêsu đã mang tội lỗi loài người vào thân xác mình (biểu tượng bằng những chấm đen xì đầy dẫy trong vòng 1 - tượng trưng thân thể Chúa), để đem đóng đinh (tức là giết chết) tội lỗi trên thập giá. Thật vậy, qua miệng của ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa phán :

“Người tôi trung của Ta,…sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. […], đã mang lấy tội muôn người…” (Is 53.11-12)

Và Thư Thánh Phêrô xác nhận :

“Người không hề phạm tội ; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.” (1 Pr 2.22-24 ; cũng xem Thư Cl 2.14).

 

 

@@@@@_BÀI 43_@@@@@

- HỎI : Do tư cách gì mà Đức Giêsu có thể mang tội của loài người vào thân mình Người như thế ?

Xin trả lời : Theo luật thường, tội ai làm, người ấy chịu, không ai khác có thể gánh tội thay cho người ấy, vì tội là một hành động riêng tư của người ấy, và nó đeo bám vào bản thân người ấy. Xin lấy một ví dụ : trước tòa án, đứa con trai của bà kia phạm trọng tội và lãnh án tử hình, bà mẹ không thể xin quan tòa cho mình chết thay con, dù thương con hết sức.

Thiên Chúa cũng phán :

 “Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết ; con không mang lấy tội của cha ; cha cũng không mang lấy tội của con.” (Ed 18.20)

Nhưng nơi Chúa Giêsu thì khác, Người vốn là “Con Chiên Thiên Chúa đã tiền định từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên”, phải đổ máu mình ra để chuộc tội nhân loại (1 Pr 1.19-20 ; x. Ep 1.7), vì thế trong Kế Hoạch Cứu Rỗi nhân loại của Thiên Chúa (Ep 1.3-10), Thiên Chúa muốn cho Chúa Giêsu phải liên đới một cách độc nhất vô nhị với loài người chúng ta, hầu có thể mang lấy tội của chúng ta, mà cứu ta khỏi chết và được sống. Ngoài Người ra, không ai trên thế giới này có mối liên đới đặc biệt ấy.

Liên đới ấy như thế nào ?

  1. a) Liên đới của Chúa Giêsu với nhân loại trước tiên là do cùng chung máu huyết với loài người:

“Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em. […] Như thế, vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giê-su đã cùng mang lấy huyết nhục đó…. Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Áp-ra-ham. Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện.” (Dt 2.11-17)

  1. b) Kế đến, do quyết định của Thiên Chúa, Chúa Giêsu phải liên đới với nhân loại trong tội lỗi nữa :

 “Điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm : khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình.” (Rm 8.3)                                          

“Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cr 5.21):

  1. c) Do Thiên Chúa tiền định, Chúa Kitô còn liên đới với loài người nhất là bởi tư cách

là Trưởng Tử của đoàn em,

là Đầu của Thân thể,

là Thủ Lãnh,

là thủy tổ của nhân loại.

Chính vì liên đới với nhân loại bằng những tư cách ấy, mà do qui luật “tội qui vào người trưởng”, Chúa Kitô phải mang lấy tất cả tội lỗi của họ vào mình mà đền thay. Thật vậy, Thánh Kinh minh chứng :

+ Chúa Kitô là Trưởng tử của một đoàn em :

Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.”   (Rm 8.29)

+ Chúa Kitô là Đầu,
  “ Đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh (tức là chúng ta);
Người … là trưởng tử
trong số những người từ cõi chết sống lại,
để trong mọi sự Người là đệ nhất vô song.”
(Cl 1.18)

+ Chúa Kitô là Thủ Lãnh :

“Thiên Chúa cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu :
… Người đã định từ trước (= tiền định) trong Đức Ki-tô. Đó là …là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.” ( Ep 1.9-10)

+ Chúa Giêsu là thủy tổ :

Thánh Kinh cho biết : Nhân loại chúng ta không phải chỉ có một ông Thủy tổ, mà thật ra có hai ông Thủy tổ : Ađam và Đức Kitô :

“Như có lời đã chép : con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng là thần khí ban sự sống” (I Cr 15.45

Và chúng ta có quan hệ liên đới mật thiết với hai ông ấy và nhận được hai số phận khác nhau :

Trước hết, ta liên đới với Ađam người đầu tiên thì phải mang tội mà chết, bởi vì ông ấy đã phạm tội, chúng ta là con cháu nhiễm cái tội của ông giống như cái “gien” của ông ấy truyền lại, rồi cũng theo ông mà phạm tội, và phạm tội thì gây ra sự chết :

“Vì một người duy nhất (là Ađam, bất tuân lệnh Thiên Chúa), mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết ; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.” (Rm 5.12)

Nhưng nhờ liên đới với Chúa Kitô, Ađam cuối cùng là Thần khí ban sự sống, chúng ta lại được hòa giải với Thiên Chúa mà được sống :

“Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, mà được Thiên Chúa cho sống.” ( 1 Cr 15.22)

Xin tạm dùng một ví dụ ngày xưa cho dễ hiểu : một người phạm tội “khi quân” (khinh thường vua, kháng chỉ của vua) thì bị “tru di tam tộc” hay nặng hơn thì “cửu tộc”, nghĩa là cả ba hay chín nhánh họ hàng người ấy đều lây tội ông mà bị chém đầu. Ngược lại, “một người làm quan thì cả họ được nhờ”, được hưởng bổng lộc, vinh hoa, phú quí vua ban.

*

VÒNG TRÒN 2  

biểu tượng Thân mình Chúa Giêsu trong giai đoạn Tử nạn và Phục sinh vinh hiển.

Trái ngược với loài người bất tuân phục Thiên Chúa và trở thành tội nhân, Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha tuyệt đối, đến mức bằng lòng nhận chịu cái chết đau đớn, nhục nhã trên thập giá như phương thế để tiêu diệt tất cả tội lỗi loài người (Rm 3.23-24; Dt 9.26-28).

Vì Chúa Giêsu vâng phục đến tột cùng như thế, Chúa Cha hết sức hài lòng, nên sau khi Người chịu Tử Nạn, Chúa Cha đã tôn vinh Người bằng sự phục sinh vinh hiển (hình thập giá trên đầu vòng tròn 2 này, nay có thêm hai gạch chéo biểu lộ vinh quang phục sinh), và ngay cả thể xác Người cũng nhận được tất cả sự viên mãn thần tính :

“Thật vậy, có nơi Người, ngay cả nơi thân xác, tất cả sự viên mãn của thần tính (Thiên Chúa) (Cl 2.9)

nghĩa là Thiên Chúa có gì thì đều ban trọn cho Chúa Giêsu hết.

 (Vòng tròn biểu tượng thân thể Chúa Giêsu nay không còn đen đủi vì mang tội của ta nữa, song trở nên trắng xóa, những gạch xéo tượng trưng cho việc xóa tội lỗi của ta, tội mà trước đây Người mang vào thân mình).

Chúa Cha ban tặng cho Người triều thiên vinh quang danh dự :

“Con người (chính là Đức Giê-su) đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. (Dt 2.9)

Chúa Cha siêu tôn Người lên làm Đức Chúa, ngang hàng với Chúa Cha, vượt trên hết mọi loài mọi vật :

Đức Giêsu đã hạ mình xuống,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
mà chết trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu.
Như vậy, khi nghe danh Đức Giê-su,
mọi đầu gối phải bái quỳ,
trên trời, dưới đất và trong âm phủ,
và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng rằng :
“Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”

để tôn vinh Thiên Chúa Cha.” (Pl 2.8-11)

Tắt một lời, nay Chúa Giêsu được suy tôn lên chóp đỉnh vinh quang, được thần hóa sung mãn Thần tính, tràn đầy Thần Khí, Sự Sống, sự Thánh thiện và mọi phúc lộc….

 

 

@@@@@_BÀI 44_@@@@@

 

VÒNG TRÒN 3 

biểu tượng Thân mình Chúa Giêsu Tử nạn và Phục sinh, mà nhờ tin ta được nhập vào.

Như trên vừa nói, sau phục sinh, Chúa Giêsu được có trong mình sung mãn Thần tính, tràn đầy Thần Khí, Sự sống sự Thánh thiện và mọi phúc lộc thánh thiêng. Nhưng loài người chúng ta mắc tội lỗi, nên vẫn còn đang ở ngoài Chúa (ở ngoài vòng tròn) nên chúng ta tối tăm, đen đủi, hư vong…(hình vuông tượng trưng nam giới, hình tròn, nữ giới, tất cả đều nhuộm đen)…

Làm cách nào để nhập vào trong Chúa mà được tẩy sạch lương tâm khỏi tội lỗi, hầu xứng đáng được Chúa đưa ta cùng vào Thiên Đàng tế lễ Thiên Chúa Cha ? 

Thưa : Nhờ TIN và CHỊU PHÉP RỬA.

Nhờ ‘tin’ và ‘chịu Phép Rửa’, chúng ta được nhập vào trong Thân Mình Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu, trong đó ta như được dìm vào trong Bể mênh mông vô tận, sung mãn Thần tính và sự Thánh thiện ; trong đó Thánh Thần tràn đầy sẽ tẩy rửa hết mọi tội lỗi ta, ban sự sống mới cho ta, thánh hóa ta, và đổ đầy tràn muôn ơn cho ta. Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu gọi đó là “Phép Rửa trong Thánh Thần” (Mt 3.11; Ga 1.33; Cv 1.5).

 (Xem vòng tròn 3, bên cạnh có những hình vuông, hình tròn – tượng trưng loài người chúng ta – những mũi tên tượng trưng sự dấn bước gia nhập vào trong Chúa bởi lòng tin. Lúc ở ngoài thì đen đủi vì tội lỗi, khi vào trong Chúa thì được tẩy sạch trắng xóa).

Được cứu chuộc là như vậy !

Chúng ta phải quên đi lối diễn tả bình dân trước đây về sự cứu chuộc : như là Chúa Giêsu phải chịu chết đổ máu ra, làm cái giá để trả cho ông chủ (có người còn bảo ông chủ đó là ma quỉ !!) đã bắt ta làm nô lệ, mà chuộc chúng ta lại như người ta chuộc một tên nô lệ. - Không phải thế ! Lẽ nào Thiên Chúa lại phải làm một cuộc giao dịch mua bán với bất cứ ai, huống hồ lại với ma quỉ !

Được cứu chuộc là như chúng ta phác tả trên đây. Và Thánh Phaolô đã dạy chân lý ấy bằng những lời lẽ tuyệt vời: “Anh em không biết rằng : khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy,… là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô sao ? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.”  (Rm 6.3-4)

Khi chịu phép Rửa tội, ta được dìm vào trong cái chết của Chúa Kitô, được mai táng với Người : tội lỗi ta như thể bị chôn vùi trong bể nước Rửa tội trở nên như nấm mồ ; rồi như Chúa đã chỗi dậy từ cõi chết, chúng ta cũng chỗi dậy khỏi mồ, tức là được sống lại với Chúa để sống một đời sống mới.

- Và còn được thành một thân thể với Chúa Kitô : Chịu phép rửa không dừng lại ở việc thanh tẩy mọi tội lỗi để sống một cuộc sống mới như nói trên, mà còn nhờ Thần khí làm ta thành một thân thể với Chúa Kitô :

"Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể." (1 Cr 12.13)

Thế là vấn đề chúng ta đặt ra trên kia (206tt) đến đây được giải đáp hoàn toàn : Nhờ tin và chịu Phép Rửa, không những chúng ta nhập vào trong Đức Kitô, mà còn nên một Thân Thể với Người, bởi vậy khi Người vào Cung thánh trên Thiên Đàng, Người cũng đem ta – là thân thể Người – vào với Người, để cùng Người tế lễ phụng thờ Thiên Chúa Cha.

SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN

Trước đây, lối vào Cung Cực Thánh chưa được mở, còn phải chờ Chúa Giêsu đến, và khi Người đến rồi, Người đã mở ra một con đường mới, tượng trưng bởi thân thể rách nát khi chịu khổ hình vì tội lỗi chúng ta, với trái tim bị mở toang vì lưỡi giáo đâm thâu. Qua lối vào đau thương ấy, Chúa ân cần dẫn chúng ta – vốn là những kẻ tội lỗi đáng chết muôn đời nếu không được Chúa cứu thoát - qua con đường hay cái Lều là thân thể thánh thiêng của Người mà vào Cung Cực Thánh trên cõi trời.

Lạy Chúa, chúng con xin hết lòng cảm tạ Chúa vì ân sủng lớn lao Chúa ban cho chúng con. Chúa đã thí mạng sống mình không chỉ để xin Thiên Chúa Cha ban ơn tha thứ tội cho chúng con mà Chúa còn dẫn đưa chúng con vào Thiên Đàng cùng với Chúa.

   Và cho mãi về sau, một khi thế gian này còn tội lỗi, thì Chúa Giêsu vẫn là vị Thượng Tế đời đời, luôn luôn hiến tế đời mình với chén máu là Hy lễ dâng lên Thiên Chúa Cha, để tạ tội thay cho chúng con.

   Lạy Chúa Giêsu, vì chúng con mà Chúa phải chịu trăm ngàn cay đắng, xin cho chúng con biết sống thánh thiện, để Người không còn phải mang những vết thương đau đớn vì tội lỗi chúng con nữa. Amen.

--o0o-- 

Trước khi đi tiếp, ta hãy nhờ những đoạn Thánh Thư Do Thái nhắc lại tóm tắt từ đầu tiến trình đến đây :

Thời Cựu Ước, dân chúng không được vào Cung Cực Thánh, phải chờ đến thời viên mãn, Thiên Chúa sẽ chấn chỉnh lại. Vào đúng thời đã định, Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế đem lại phúc lộc chân thật đời đời của thế giới tương lai (Dt 9.11). Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa (9.14), bởi đó Người đã vào Cung thánh tức là vào chính cõi trời, để với chức vị Thượng tế lo việc tế tự trong Cung thánh, để dâng lễ vật và tế phẩm (8.2-3) ; Người vào đó không phải nhờ máu các con dê, con bò, nhưng nhờ chính máu của mình (9.12) đã đổ ra trong cuộc hiến tế ; và cũng nhờ con đường Máu ấy của Người khai lối cho, mà ta được mạnh dạn bước vào Cung thánh là Cõi Trời (10.19-20) tham dự tế lễ của Thượng tế Giêsu, sau khi đã nhờ Máu ấy thanh tẩy lương tâm ta khỏi những việc (đưa đến sự) chết, để ta xứng đáng được cùng với Người phụng thờ Thiên Chúa hằng sống (9.14).

 

ªªªªª

E - PHỤNG VỤ THIÊN GIỚI ẤY, CHÚNG TA THAM DỰ

Thế là nhờ tin và chịu Phép Rửa, chúng ta được tháp nhập vào trong Đức Kitô phục sinh vinh hiển, thành một thân thể với Người (Rm 6.5; 1 Cr 12.13), để khi Người vào trong Cung thánh trên trời là Thiên Đàng, lo việc tế tự, dâng lễ vật và tế phẩm (Dt 8.2-3), Người cũng đưa ta vào Thiên Đàng cùng Người mà tế lễ thờ phượng Thiên Chúa Hằng Sống.

Nhưng điều kỳ diệu là đây : Khi nói Chúa Kitô đưa ta vào Thiên Đàng cùng với Người mà tế lễ thờ phượng Thiên Chúa, thì không phải là bảo ta leo lên trên chín tầng mây, vào trong cõi trời xanh thăm thẳm mà tế lễ đâu, vì ta vẫn còn đang sống ở trần gian, chân vẫn còn đạp đất. Nhưng là thế này : Vì cuộc tế lễ của Chúa Giêsu, xưa diễn ra trên đồi Canvê ở dưới đất, song trước mắt Thiên Chúa lại được coi như đang dâng trên trời trước Thánh Nhan Chúa Cha, cho nên chúng ta, vì đã thành một thân thể với Người, cũng được vào tham dự hiến tế ấy của Người đang cử hành ở trên trời, khi chúng ta tham dự hiến tế ấy trong Thánh Lễ ở dưới đất!

Nếu chúng ta còn lưỡng lự và hoài nghi, thì xin mời nghe chính 

Lời dạy của Công đồng Vatican II  [11]

Trong Hiến Chế Phụng vụ thánh, số 8, Công Đồng xác nhận việc phụng vụ của chúng ta cử hành dưới thế là tham dự vào phụng tự Chúa Kitô cử hành trên thiên giới :

"Phụng vụ trần gian là nơi chúng ta tham dự, bằng cảm nếm trước, phụng vụ trên trời, được cử hành trong thánh đô

Giêrusalem (thiên quốc), nơi chúng ta là những lữ khách đang tiến về, ở đó Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa như một thừa tác viên của Cung thánh, của Nhà Tạm đích thực (x. Kh 21.2; Col 3.1; Dt 8.2); phụng vụ trần gian là nơi chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng thanh ca ngợi tôn vinh Chúa…" (Xem hình minh họa).

Lời Công Đồng đã cho thấy rõ : Trên trời, trong Thành đô Giêrusalem thiên quốc (Kh  21.2), đang cử hành một việc phụng vụ, ở đó Chúa Kitô, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, làm thừa tác viên của Cung Thánh, lo việc tế tự, dâng tế lễ (Dt 8.2-3), và tế lễ thiên giới đó “chúng ta tham dự.”

Nếu ở trên trời không diễn ra phụng vụ tế lễ, thì Công Đồng nói ‘chúng ta tham dự’ là tham dự vào cái gì ? Khi ta đi vào một rạp hát, hay rạp chiếu bóng mà không đang diễn ra vở kịch hay chiếu một phim nào trên màn bạc, mọi sự đều im lìm, màn nhung vẫn khép kín, thì ta đến xem cái gì, đến dự cái gì?

Vậy, trên thiên giới đang cử hành một việc phụng vụ, Phụng Vụ thiên giới mà “chúng ta tham dự”, nhưng xin lưu ý : chúng ta tham dự khi cử hành Phụng vụ Thánh Lễ ở trần gian.

 

*

 

 

 

[1]     Xem quyển "The Greek New Testament", của Kurt Aland & các cộng tác viên, Deutsche BibelGesellschaft, Germany, 1994; “Bibleworks NT”; v.v…

[2]     Chính vì khoảng không gian mênh mông quá lớn, nếu tính bằng cây số thì không đủ giấy mà ghi chép, nên các nhà khoa học tính bằng năm ánh sáng, nghĩa là, trong một năm, ánh sáng đi được bao nhiêu cây số với tốc độ 300.000 cây số một giây đồng hồ ? Đây : 1 giây 300.000 c/s x 60 (1 phút) x 60 phút (1 giờ) x 24 giờ (một ngày) x 365 ngày là một năm = ánh sáng đi được 9.460.800.000.000 cây số ! (khoảng gần 10 ngàn tỷ cây số). Nhân lên 100.000 năm ánh sáng là bao nhiêu cây số ! Từ đầu này đến đầu kia một giải Ngân Hà thôi mà đã mênh mông như vậy, còn nói chi đến khoảng cách với hàng trăm tỷ Thiên hà khác trong vũ trụ!

[3]    Tất cả những điều kỳ diệu này, mời xem những chương trình khoa học về thiên văn của Truyền hình, Kênh DISCOVERY: “How the Universe works ?” = “Vũ trụ hoạt động thế nào ?”

[4]       Hiến tế cổ truyền của nhân loại cũng như của dân Do Thái trong Cựu Ước.

- Phần này lược trích đoạn bàn về "Hiến tế" trong quyển ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH, Tập I, chương II, đoạn IV, 122tt.

[5]       Ý đó của Thiên Chúa là đây : “Chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Thiên Chúa đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giê-su, Đấng dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ, phải trải qua gian khổ mà trở thành thập toàn…” (Dt 2.10)

[6]       Trích từ quyển : Việt Nam Phong Tục, Thiên Nhì, Tế Kỳ phúc, trang 90tt

[7]  Nói chính xác hơn thì : Hồn ta đã được vào, còn hiện thời thân xác ta thì chưa. Và chắc chúng ta còn nhớ đấy sẽ là cõi Trời mới Đất mới, nơi ấy cũng có Thiên Chúa, vì Thiên Chúa xuống ở cùng chúng ta (Kh 21.1-4), (xem lại từ tr.95tt) !

[8]     Mà có bản dịch là "vị phục vụ”, cha G.Thuấn dịch thẳng thừng là “chủ tế”.

[9]    Cũng xem : F.X.Durrwell, La Résurrection de Jésus,  166.

[10]   “Bản văn của Thư Do Thái không nói trắng ra thế, ít nữa cũng gợi ý rất nhiều.” (Durrwell, sđd, tr 172).

[11]     Thánh Công Đồng Chung Vatican II, bản dịch Việt ngữ từ nguyên bản La ngữ, do Phân khoa thần học của Giáo Hoàng Học viện Thánh Piô X, Đà Lạt, thực hiện 1972.

back to top
Filters