News Filters

PHẦN III : ĐỨC MẸ LÀM TA LỚN LÊN NHỜ CÁC BÍ-TÍCH *** Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR

27 Tháng Năm 2021

PHẦN III

ĐỨC MẸ LÀM TA LỚN LÊN

NHỜ CÁC BÍ-TÍCH

I-    ĐỨC MẸ ĐỨNG Ở ĐẦU NGUỒN BÍ-TÍCH.

II-   ĐỨC MẸ DỌN LÒNG TA LÃNH BÍ-TÍCH

III-  TIẾN ĐẾN BÀN THỜ NHỜ MẸ

 

 

 

ĐỨC MẸ LÀM TA LỚN LÊN

NHỜ CÁC BÍ-TÍCH

Bí-Tích làm đời ta phát triển.

Bí-Tích là phương-thế thần diệu để thánh hóa, song cũng là phương tiện thông thường nhờ đó Thiên Chúa đem nhân loại đến sự thánh thiện. Bí tích là nguồn suối chính của sự sống, và đã được ngôn sứ I-sa-ia báo trước: “Các người sẽ múc nước trong hoan lạc nơi nguồn suối Đấng Cứu độ” (Is 12.3): nguồn suối đó từ núi Sọ, từ thương tích của Chúa Kitô chảy ra. Mọi sự sống đều từ Máu và Nước từ Trái tim của Ngài vọt ra.

Chúa Kitô là Đấng thánh hóa ta, Ngài mà Thánh Phaolô nói là có Những giàu có vô phương dò thấu” (Ep 3.8), nên Ngài thánh hóa ta bằng cách cho những giàu có ấy chuyền qua các Bí-Tích mà đến với ta. Tin Mừng cho biết một hình ảnh gợi ý: “Một năng lực từ Ngài xuất ra chữa mọi bệnh tật.”(Lc 6.19). Ngày nay cũng còn xảy ra như vậy, khi chúng ta hết lòng tin cậy đến gần Ngài, như người đàn bà bị băng huyết nói trong Tin Mừng, ta cũng nhận được một hiệu quả cứu rỗi như vậy: “Ai đã đụng tới Ta, vì Ta cảm thấy một năng lực tự Ta phát xuất ra.” (Lc8.43).

Đời sống Kitô hữu là một đời sống Bí-Tích. Ta sinh ra bởi một Bí-Tích (Phép Rửa tái sinh), được nuôi dưỡng bởi một Bí-Tích (Thánh Thể), được tha thứ và chữa lành bởi một Bí-Tích (Phép Xá giải); được soi sáng và tẩm bổ bởi một Bí-Tích (Thánh Kinh Lời Chúa). Có đôi Bí-Tích còn ghi dấu ấn Chúa Kitô trong ta (Phép Rửa và Thêm sức). Nếu ta được kết hợp với Chúa Kitô là nhờ hiệu năng của Bí-Tích, mà đó cũng là mục đích của Bí tích: kết hợp ta với Chúa Kitô và thắt chặt mối dây liên kết ấy.

Ta sẽ rất ngỡ ngàng khi nhìn thấy sự sống ta được phát triển do các Bí-Tích: đó chẳng là gì khác mầu nhiệm Chúa Kitô lớn lên trong linh-hồn. “Đấng phán một lời làm lóe ánh sáng trong tăm tối, là Đấng đã tỏa sáng trong tâm hồn anh em”, thánh Phaolô nói thế (2 Cor 4.6). Linh-hồn lớn lên, rập theo khuôn Chúa Giêsu và sau cùng “đạt tới tầm vóc xứng với sự viên mãn của Chúa Kitô” (Ep. 4.13)

 

-I-

ĐỨC MẸ ĐỨNG Ở ĐẦU NGUỒN BÍ-TÍCH

Sự phát triển sức sống siêu nhiên bởi Bí-Tích nói trên cũng là nhờ môi giới của Đ.Maria mà ta được.

Đã hẳn những ai lãnh nhận cách xứng đáng thì các Bí-Tích phát sinh hiệu quả tự nó [1]. Ở đây, chúng ta không bàn đến sự can thiệp của Đức Mẹ theo nghĩa đó.

1) Nhưng tự đâu mà có các Bí-Tích phát sinh sự sống trong linh hồn? Từ nguồn bất tận của Chúa Giêsu đã làm vọt ra ở trên núi Sọ. Song với sự hợp tác của Đ.Maria. Đúng vậy, các Bí-Tích chứa đựng cuộc Tử Nạn Chúa Kitô, và mang ơn sủng của núi Sọ đến cho ta, song Đ.Maria là người đã đau khổ để lập công cho ta được ơn sủng ấy.

2) Bởi đâu mà ta có những tâm trạng cần thiết để lãnh Bí-Tích cách xứng đáng? Bởi lời bầu cử của Đ.Maria. Kế hoạch toàn diện của việc ban phát ơn sủng cũng bao hàm ơn sủng phát sinh bởi Bí-Tích nữa. Đ.Maria đã cộng tác vào việc thực hiện kế hoạch ấy, tất nhiên Người cũng cộng tác vào việc phân phát nữa.

Người là Mẹ, Mẹ các chi thể của Chúa Kitô. Mẹ của Hội-Thánh. Sứ mệnh của người mẹ là lan truyền sự sống. Nhưng chức vụ làm mẹ của Đ.Maria không biểu lộ ra bằng các dấu bề ngoài, không bao giờ người ta thấy Đ.Maria xuất hiện lúc phân phát Bí-Tích hay trong các phương thế mà thánh vụ của Hội-Thánh sử dụng. Đ.Maria không có quyền chức linh mục. Nhưng chức linh mục, do Chúa Kitô thiết lập để thông truyền sự sống, tìm thấy trong chức làm Mẹ của Người, sự nương tựa cho thánh vụ mình.

Hội-Thánh cũng là Mẹ, và phân phát sự sống thần linh bằng các Bí-Tích. Còn chức làm mẹ của Đ.Maria, tuy không thi hành bên ngoài bằng những Bí tích, nhưng cao cả hơn chức làm mẹ của Hội-Thánh: đúng vậy, Hội-Thánh kết hợp với Đức Kitô như vợ với chồng, như Thánh Phaolô ca ngợi: “Mầu mhiệm ấy cao trọng” (Ep 5.32), bởi đó các Kitô hữu được ơn sinh ra làm con Thiên-Chúa. Song Đ.Maria còn hơn Hội-Thánh, Mẹ được mời kết hợp với Thiên Chúa để sinh ra chính Con Một Thiên-Chúa. Chức làm Mẹ của Người không có giới hạn, dám so nó ngang với chức làm Cha của Thiên-Chúa! Thiên Chúa tạo nên cho mình một người nữ phụ tá giống mình, luôn thi hành ý muốn của mình là làm ta nên các con nghĩa tử của Thiên-Chúa, các anh em của Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã sáng tạo nên một chức làm Mẹ không giảm hoạt động của chức làm Cha của Người.

Tựu chung công tác của Bí-Tích là làm việc gì? Là thông truyền sự sống cho các chi thể của Nhiệm Thể. Phép Rửa tháp nhập ta vào Chúa Kitô. Phép Thánh-Thể đem lại cho ta sự sống của Ngài (x. Ga 6.31-58), và gây hiệp nhất trong Thân thể mầu nhiệm (x. 1 Cor 10.17). Mà đó chẳng phải là điều mà Đ.Maria cộng tác vào sao? Phận sự của người mẹ là gầy tạo sự sống và kết hợp trong dạ mình các chi thể để hợp thành thân thể. Cũng vậy, Đ.Maria là Đấng tạo sự kết hợp ấy: Chính ở trong dạ Người, mà Thần tính và Nhân tính kết hợp với nhau nên bản thân Chúa Giêsu; và cũng chính dưới ảnh hưởng Người mà các chi Thể của Chúa Kitô được hợp nhất với nhau và hiệp nhất với Đầu là Chúa Kitô.

Đem việc Chúa Ngôi Hai nhập thể so sánh với Phép Rửa và các bí tích, thánh Lêô Cả Giáo Trưởng nói: “Việc Chúa Thánh Thần ban hiệu lực cho các Bí-Tích, cũng chính là việc mà Ngài đã làm trong lòng Đức Mẹ, song được nới rộng ra mà thôi: Cùng một tác động của Thánh Thần, cùng một quyền năng của Đấng Tối Cao đã làm cho Đ.Maria sinh ra Đấng Cứu Chuộc, cũng làm cho người tín-hữu sinh ra trong nước Rửa tái sinh”[2] Như thế đủ thấy mọi sự đã khởi sự trong lòng Đ.Maria thật, và với sự cộng tác của Người.

Nhân-tính của Chúa Kitô là Bí-Tích cao cả của Thiên-Chúa, Người đã dùng nhân tính của Ngài mà thánh hóa ta.[3] Mà Nhân tính ấy thì lại đã được ban cho chúng ta nhờ Đ.Maria. Giám mục Bốt-su-ê nói:(Đ.Maria) là nguồn đầu tiên của máu thịt Chúa Giêsu, từ đó, dòng sông ơn sủng khởi sự chảy tràn vào trong ta qua các Bí-Tích, và đem sự sống vào trong cả thân thể Hội-Thánh.” Như thế chẳng phải Đ.Maria đứng ở đầu nguồn Bí-Tích hay sao?

Đối với phép Thánh Thể, điều đó lại càng xác thực một cách đặc biệt. Thân thể ẩn sau màn Bí-Tích là thân thể sinh bởi Đức Nữ Trinh Maria, vì vậy phụng vụ luôn nhắc nhở: phép Thánh-Thể là tặng phẩm của Đức Maria[4]. Thánh Phê-rô Đa-mi-a-nô nói: “Anh em thân mến, nơi đây anh em hãy suy xét xem chúng ta mắc ơn Mẹ Thiên Chúa chừng nào? Và chúng ta phải tạ ơn Người bao nhiêu sau Thiên-Chúa, vì đã ban cho ta ơn huệ cao cả đến thế: Thân xác Chúa Kitô mà Mẹ đã cưu mang trong dạ, đã sinh ra, đã vấn trong tã, nuôi bằng sữa mình với bao âu yếm và tình mẫu tử, chúng ta được rước lấy nơi bàn thờ. Ta ăn thịt và uống chính máu Ngài nơi Bí-Tích Cứu-Chuộc… Thật không có lời phàm nào có sức ca ngợi Đấng ban thân xác cho vị Trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại. Danh dự chúng ta tặng Người có lớn lao thế nào đi nữa, cũng vẫn còn kém xa các công đức của Người, vì chính Người đã lấy từ lòng trinh trong của mình mà dọn cho ta thịt máu tinh-sạch của Chúa Giêsu làm thần lương nuôi dưỡng chúng ta.”[5]

Như thế, là Đ.Maria muốn ban cho ta thần lương ấy, vì Mẹ nuôi con, đó là lẽ thường. Trong việc này, Người noi theo ý của Chúa Cha và của Chúa Con. Thánh Tô-ma diễn tả đại khái như sau: “Khi vì yêu thương nhân-loại, Thiên Chúa ban Con Một Người, và Người Con ấy cũng tự hiến mình, thì Đ.Maria cũng vì yêu thương đã ban Con của Người, là của riêng của Người, cho chúng ta ở Bê-Lem, nơi đền thờ, trên núi Sọ. Hiện giờ tất cả các công việc ban xuống kia đã hoàn tất, chỉ còn một việc “bổ túc các ơn Thiên Chúa ban kia”, tức là của ăn Thánh Thể, lẽ nào Người lại từ chối không ban cho con cái?”

Nhiều thánh còn nói mạnh bạo: Chính nhờ lời cầu của Đ.Maria mà Chúa Giêsu đã lập phép Thánh-Thể. Xem ra thì điều này cũng có lý: ngày Truyền tin, khi ưng thuận điều Thiên Chúa đề nghị, Đ.Maria đã chấp thuận lúc đó tất cả mọi hậu quả của việc Nhập thể… trong số đó có phép Thánh Thể. Đàng khác, vì đã liên kết mình cách mật thiết trong mầu nhiệm thập giá, Đ.Maria cũng liên kết với việc tái hiện của mầu nhiệm Thập giá, tức là hiến tế trên bàn thờ, hiến tế làm cho các con cái của Người được thông phần vào hoa quả do cuộc Khổ nạn của Chúa phát sinh, đó là “Bánh sự sống”, như chính lời Ngài phán : “Bánh Ta sẽ ban ấy là thịt mình Ta (hiến tế) vì sự sống thế gian” (x. Ga 6.33,35,51).

P.Hermann, sau khi trở lại, được Đức Mẹ hiện ra và nói những lời này:Con hãy đến ăn bánh Mẹ đã nhào với sữa trinh trong của máu trinh bạch Mẹ, hãy uống rượu Mẹ đã cất bởi máu rất tinh tuyền của Mẹ. Nếu con muốn hiểu biết người Mẹ mà con phải noi gương hơn ai khác, con hãy chú ý đến hoa quả, đến của ăn Người ban cho con. Con hãy nhìn đến hoa quả của lòng Mẹ.” Và Mẹ chỉ cho Hermann hào quang mặt nhật và nói: “Đó là hoa quả của lòng Mẹ, Phép Thánh Thể”.

 

-II-

ĐỨC MẸ DỌN LÒNG TA LÃNH BÍ-TÍCH

Nhưng phải đến lãnh Bí-Tích với tâm trạng cần phải có. Ơn sủng sinh hiệu quả nếu không gặp trở ngại và càng sinh nhiều hiệu quả, nếu các tâm trạng ta càng hoàn bị. Lúc Rước lễ, mỗi người đều nhận toàn vẹn Chúa Kitô: có người được ích lợi ít, đang khi người khác chuẩn bị hoàn hảo hơn được ngập tràn sự sống Thiên-Chúa.

Chính ở đây, sự can thiệp của Đ.Maria tỏ ra có hiệu lực phi thường: nhờ lời bầu cử của Người, chúng ta được có những tâm trạng do Người hiến cho để lãnh các Bí-Tích, cũng như lãnh các ơn sủng khác.

Thói thường các bà mẹ hay sửa soạn cho con cái để chúng nên đáng yêu, thì Đức Mẹ dọn lòng ta bằng các tâm trạng, các nhân đức Thiên Chúa muốn thấy có nơi ta. Trong sách “Các mặc khải” của Thánh nữ Giec-tru-đê, có một câu chuyện lý thú về Đức Mẹ sửa soạn cho các con cái lãnh Bí-Tích:

“Trong buổi lễ Giec-tru-đê dự và sắp rước lễ, Thánh nữ thấy Mẹ Chúa Giêsu, đầy ánh sáng và lộng lẫy do các nhân đức tô điểm; thánh nữ liền quỳ xuống xin Mẹ dọn lòng để lãnh Mình Thánh của Con Mẹ. Đức Nữ-Trinh ban cho thánh nữ một chiếc kiềng rất đẹp, có đính bẩy viên ngọc quý. Các hạt ngọc mang tên các nhân đức mà Chúa Giêsu đã lấy làm vui thích vì thấy có ở nơi Mẹ Ngài. Giec-tru-đê tiến ra trước mặt Thiên-Chúa, trang điểm với chiếc kiềng, Chúa Giêsu ra như ngây ngất vì vẻ sáng ngời của các viên ngọc-nhân đức ấy, và như bị tình yêu thúc đẩy, Ngài cúi mình xuống Thánh nữ, và kéo đến Ngài và khi đã kéo Thánh nữ vào lòng, Ngài ban cho Thánh nữ những cái vuốt ve trong sạch và tinh khiết”[6]

Dưới đây, Đức Mẹ dọn lòng ta bằng các tâm trạng, các nhân đức nào?

  1. a) Đức Khiêm-Nhường, và Tinh-Thần Khó Nghèo

Thánh nữ Giec-tru-đê, khi kể ra những nhân đức nhờ Đức Mẹ mà thánh nữ được, đã nói đến khiêm nhường trước tiên.

Ta lại quay về mầu nhiệm Nhập-thể, là khởi điểm của các mầu nhiệm Chúa Kitô, mầu nhiệm ấy giữ địa vị quan trọng trong đời sống thiêng liêng của ta. Đức Hồng-Y Bê-ruy-lơ nói: “Nhập thể là mầu nhiệm kết hợp Thiên Chúa với nhân loại và nhân loại với Thiên-Chúa, và ta phải kết hợp mình vào mầu nhiệm ấy… Mầu nhiệm ấy hoạt động rất hiệu lực, và ta phải mang và nhận lấy những hoa quả và các tác động bởi đó. (Mà) Ơn sủng do mầu nhiệm Nhập thể thì lại là một ơn từ bỏ mọi sự; và ơn của thập giá, là một ơn dứt lòng quyến luyến và hạ mình ra hư không”.[7]

Ơn ấy, Đ.Maria có tràn đầy. Đức Tin sâu xa của Người soi cho Người thấy sự cao cả của Thiên Chúa và phản chiếu lại cho thấy cái hư không của mình. Chúa nói cùng Thánh Ca-ta-ri-na Siên-na: “Con có biết con là ai và Ta là ai không? Ta là Đấng tự hữu và con là hư vô”. Không ai hiểu và trìu mến chân lý ấy bằng Đức Mẹ. Thiên Chúa là tất cả. Còn Maria không là gì. Điều đó Đức Maria không chỉ nhận thấy, Người còn yêu quý. Người biết rõ: Thiên Chúa muốn Người thế nào Người chỉ là như thế. Người yêu chuộng sự lệ thuộc tuyệt đối ấy.

Với ánh sáng chiếu soi đó, chẳng còn có thể có một tâm tình tự mãn nào được nữa, Người đã xa khỏi cái tính chiếm hữu các của thiêng liêng cho riêng mình. Như đức trong sạch lạ lùng của Người đã gìn giữ Người khỏi mọi thú vui xác thịt, đức khiêm nhường gìn giữ Người khỏi mọi tự mãn thiêng liêng. Đó là một phụ nữ khó khăn về chính mình, hoàn toàn từ bỏ mình, không còn thuộc về mình. Hoàn toàn thuộc về Thiên-Chúa, toàn hướng về Ngài. Đức Maria chờ đợi mọi sự từ Thiên-Chúa. Vì thế,quyền năng Đấng Tối Cao đã rợp bóng trên Người”(Lc 1.35), và Người đã thụ thai Đấng Lời. Thánh Bê-na-đô nói: Bởi khiết trinh, Đức Mẹ đã làm đẹp lòng Thiên-Chúa, bởi khiêm nhường, Người đã thụ thai Thiên-Chúa.

Cha Đờ-Con-Đren nói về thánh lễ: “Chúng ta phải hạ mình ra hư không trong việc siêu thánh ấy, được nên những Chi-thể của Chúa Kitô”. Đó là tinh thần cởi bỏ mọi sự, từ bỏ mình, là tinh thần của Nhập thể. Các Bí-Tích, việc Rước lễ làm ta “mặc lấy Chúa Kitô”, như Thánh Phaolô nói (x. Rm 13.14; Gal 3.27), nhưng với điều kiện là ta phải cởi bỏ con người cũ xấu xa ích kỷ của ta (x. Ep 4.22).

Bạn đợi chờ Thiên-Chúa, bạn muốn được đồng hóa trong Ngài? Hãy cởi bỏ con người bạn. Bạn hãy đến cùng Chúa Giêsu trơ trụi. Trong Bánh Thánh, Đấng là Lời Thiên Chúa không chỉ ở thinh lặng mà còn ở trong cảnh nghèo khổ siêu phàm. Mọi sự đều ẩn giấu, không những Thần tính, mà cả Nhân tính nữa. Đó là sự cởi bỏ cùng tột của Chúa Kitô.

Bạn hãy theo Đức Mẹ vào trong sự bỏ mình và khiêm nhường của Người. Khiêm nhường sẽ đặt bạn ở chỗ của bạn trước mắt Thiên-Chúa. Khiêm nhường là nền tảng các giao tiếp giữa ta và Thiên-Chúa, và như các thánh hay nói: là nơi Thiên Chúa ban phát ơn thánh (locus gratiae). Bí-Tích có thể làm gì trong một tâm hồn chỉ lo cho chính mình, và không hề có ý tưởng là mình nghèo khốn? – Hầu như không gì hết.

Thánh Tô-ma viết: “Vì đức khiêm nhường là một trạng thái chuẩn bị cho hồn được dễ dàng đón nhận các của cải thiêng liêng của Thiên-Chúa.”[8] Ai được kết hợp với Thiên Chúa trong Bí-Tích? Các kẻ khó nghèo, khiêm tốn. Chỉ mình họ thôi! Mực thước đo lường ơn huệ Thiên-Chúa: đó là đức Khiêm Nhường.

Ta hãy để Đ.Maria lôi kéo ta vào việc từ bỏ mình đó, vào sự khiêm nhường thật cắm rễ sâu trong lòng ta, làm ta yêu sự lệ thuộc của ta, và cho ta cảm thấy nhu cầu phải phụng sự Thiên-Chúa, yêu mến và tôn vinh Người, cuối cùng đó cũng chính là tình yêu.

***

b) Đức Mến

Phép Thánh Thể, chóp đỉnh của các Bí-Tích, là Bí tích kết hợp và tình yêu. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Corintô: “Vì chỉ có một bánh, chúng ta dù nhiều, chỉ hợp thành một thân thể vì chúng ta thông chia cùng một bánh.”(1 Cor 10.7). Thánh Au-gu-ti-nô viết tiếp: “Anh em hãy hiểu và vui sướng về sự hiệp nhất, lòng mộ mến, đức thương yêu: “Một bánh”. Bánh chỉ có một đó là gì? Một thân mình Chúa Kitô do nhiều người hợp lại. Anh em chắc cũng biết, chiếc bánh không thể do một hạt lúa làm thành, nhưng nhiều hạt. Trong nghi thức Thánh tẩy, lúc chịu phép trừ quỷ, anh em như ở trong cối xay. Khi dìm trong nước Rửa, anh em như đã được nhào với nước. Thánh Thần như lửa nướng bánh đã đến trên anh em. Hỡi anh em, hãy trở nên điều mà anh em đang trải nghiệm đó và hãy lãnh lấy cái là chính anh em… Cũng vậy về chén rượu, ta thấy do nhiều quả nho hòa lẫn tất cả vào thành một chất duy nhất”[9].

Xem thế đủ rõ đức mến thật thiết yếu cho Nhiệm thể của Chúa Kitô. Ta hãy nghĩ về điều này, khi tiến lên bàn thờ. Việc thông dự vào hiến tế phải làm trong tình huynh đệ. Nếu ai tưởng sự hiệp lễ (hay rước lễ) chỉ là chuyện lãnh riêng cho mình, hay chỉ là một việc đạo đức cá nhân là lầm. Đừng tách biệt mình khỏi anh em để hưởng Chúa Giêsu một mình. Hãy nghĩ đến các chi thể của Ngài. Sự hiệp lễ phải là việc thông hiệp của Nhiệm thể trước hết. Thông hiệp với Đầu của Nhiệm thể, tức cũng là thông hiệp với các chi thể, vì tất cả đã nên một. Thánh Au-gu-ti-nô nói: “Kẻ muốn sống thì biết chỗ nào có thể hưởng được sự sống và biết tìm thấy sự sống ở chỗ nào. Kẻ ấy hãy lại, hãy tin, hãy sát nhập vào Chúa Kitô, và sẽ tìm thấy sự sống. Nhưng cũng đừng lấy làm khó chịu phải kết hợp với các chi thể khác.”[10]

Ta thấy rõ sự cần thiết tuyệt đối của kết hợp và bác ái huynh đệ. Ta đừng cố đến lãnh Bí-Tích Thánh Thể nếu lòng ta không có tình huynh đệ.“Nếu khi ngươi đến nơi bàn thờ, ngươi thấy anh em có gì bất bình với ngươi, hãy đi hòa giải cùng anh em trước đã, sau đó, hãy đến dâng lễ của ngươi.”(Mt 5.23-24). Như thánh Phaolô tông đồ nói: Nếu anh em có “dạ thương yêu”, nếu lòng anh em đầy tha thứ và tình âu yếm (Col 3.12), anh em hãy đến và mở hồn ra, Thiên Chúa sẽ lấp đầy với sự sống của Người và anh em sẽ nghe Chúa Giêsu lập lại lời lạ lùng: “Lạy Cha Thánh, chớ gì tất cả chúng nên một, như Cha, lạy Cha, Cha trong Con và Con trong Cha, và chớ gì chúng nên một trong Chúng Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga. 17.22).

c) Khát khao Thiên Chúa

Thiên Chúa tự thông ban mình: đó là điều tất nhiên. Chẳng phải hạnh phúc của Chúa Cha và Chúa Con là ở trong tình yêu mà Hai Đấng yêu nhau trong một sự toàn hiến cho nhau, từ đó “nhiệm xuất” ra Ngôi Ba đó sao?

Mầu nhiệm sau đây cũng kỳ diệu: Thiên Chúa ban mình cho các tạo vật. Chúa Cha phú ban cho ta Con Một của Người (x. Ga 3.16). Cả hai Đấng ban cho ta Thánh Thần, mà phụng vụ nói là ân huệ của Chúa Chí Tôn ban cho trần thế.

Như thế, sống là thông ban. Thông ban trong Thiên-Chúa: Cha hằng hữu ban mình cho Con là Ngôi Lời, Ngôi Cha và Ngôi Lời đồng thông tỏa hơi thiêng là Ngôi Ba, Thánh Thần Tình yêu.

Trong mầu nhiệm Nhập thể cũng có sự thông ban và thông hiệp. Ngay lúc đầu tiên trong lòng Đ.Maria, Nhân tính Chúa Kitô mà Đ.Maria tạo nên, đã được thâu nhận bởi Ngôi Lời, kết hợp thành một thể với  Ngài[11] và do Ngài làm chủ thể. Thần tính đã chiếm lấy và tự ban mình cách toàn vẹn cho Nhân tính. Một sự thông ban và thông hiệp vĩnh cửu muôn đời đã chớm nở giữa Thần tính và Nhân tính.

Và ta có thể nói đó cũng là sự thông ban và thông hiệp của Đức Mẹ. Khi Quyền năng Đấng Tối Cao Rợp Bóng bao phủ Người (x. Lc 1.35), Người đón nhận trọn vẹn Đức Giêsu với Thần tính cũng như Nhân tính của Ngài.[12] Và với cả tâm hồn, Mẹ đã hiến dâng tất cả cái gì là Mẹ để đón nhận Ngài, biểu lộ việc đó ra bằng một lời đáp “xin vâng” toàn diện: “Này con là nữ tỳ Chúa, xin hãy thành sự nơi con như lời Chúa truyền.” Mẹ đã dạy ta biết đón nhận Thiên-Chúa.

Thiên Chúa muốn thông ban chính mình. Song, trong chương trình của Thiên-Chúa, người ta chỉ tìm thấy Thiên-Chúa, chỉ được thông phần sự sống Người nhờ Đức Mẹ. Nhờ Người, các mục đồng, các đạo sĩ đã được vào chầu Hài-Nhi trong nôi[13] (x. Lc 2.16; Mt 2.11), và được chiêm ngắm Ngài. Huống hồ khi ta muốn chiêm ngắm Ngài với mắt linh hồn và kết hợp với Ngài, chân lý kia càng phải đúng hơn nữa: Thiên Chúa ban mình nhờ Đ.Maria.

Ơn huệ Thiên Chúa ban cho nhân loại là Chúa Giêsu Kitô, nguồn mạch sự sống, cũng là ơn huệ của Đ.Maria ban. Kinh Tin kính dạy ta: Đức Nữ Trinh Maria thụ thai Chúa Giêsu bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, và sinh Ngài ra. Chân lý ấy sẽ còn đúng mãi cho đến tận thế: ở đâu Chúa Giêsu bởi ơn sủng mà sinh ra, thì luôn luôn Ngài sinh ra bởi phép Thánh Thần và bởi lòng Đức Nữ Trinh Maria. Việc Nhập thể đã ban cho Đức Mẹ quyền ban Chúa Kitô. Mỗi khi Đ.Maria đến gần một linh-hồn, là để ban Con của Người cho họ.

Đáp lại ý của Chúa Giêsu muốn thông truyền sự sống Ngài cho những ai đã thành chi thể của Ngài, chúng ta phải có lòng ước ao rước lấy Ngài. Và ơn để có thể ao ước rước Thiên Chúa lại được ban xuống cho ta bởi Đấng, khi vừa thụ thai Giêsu, đã vội vàng chỗi dậy để đem Chúa cho Gioan Tẩy Giả.

Người thắp bừng ngọn lửa khao khát Thiên Chúa trong lòng ta, cách riêng khao-khát Thánh Thể, là Bí-Tích phú ban Con Mẹ cho ta. Không cần phải một ao ước “có thể cảm giác được” như ít nhiều thánh đã có, nhưng một ước vọng thiêng liêng, ý muốn vươn lên tìm của nuôi thần thiêng sẽ siết chặt mối kết hiệp ta với Thiên-Chúa, sẽ bồi bổ sức lực ta, làm các tình dục ta lắng xuống.

Không gì có ích cho ta cho bằng lòng ước ao được Thiên-Chúa. Đó là tâm tình tuyệt hảo để dọn ta lãnh các Bí-Tích. Thiên Chúa ban mình cho ai khao khát và mời gọi Người. Chúa Giêsu phán: “Ai khát, hãy đến cùng Ta mà uống” (Ga 7.37). Ngài còn nói với Thánh nữ Mếch-tin-đa: “Con ong xán đến hoa để hút mật cũng không bằng lòng ta mong mỏi đến cùng linh hồn con, khi con ước ao đón nhận Ta.”[14]

Trong việc lãnh Bí-Tích, ơn thánh được thông ban cho hồn nhiều hay ít tùy theo mức độ của lòng nóng nảy ước ao. Càng mong đợi, càng nhận lãnh được nhiều. Vì lòng ước ao phát xuất từ khiêm nhường, lật đổ mọi chướng ngại, mở cửa linh hồn, ở đây, đã thực hiện lời đầy hoan lạc của sách Khải-Huyền: “Ta đứng ngưỡng cửa ta gõ: nếu ai nghe thấy tiếng Ta mà mở cửa cho Ta. Ta sẽ vào nhà, dùng bữa với người ấy.” (Kh.3.20). Chúng ta hãy sống trong ao ước, trong ước vọng. Thánh Grê-gô-riô thành Nít-sơ nói: “Thiên Chúa khao khát cái khao khát của ta.”

***

 

-III-

TIẾN ĐẾN BÀN THỜ CÙNG VỚI ĐỨC MẸ

Trong Kinh nguyện Thánh Thể 1, Hội-Thánh hằng nhắc nhở ta: “Chúng con thông hiệp và kính nhớ trước hết Đức Nữ Trinh Maria…”  Như thế, ta tiến đến bàn thờ tế lễ với sự kính nhớ Đức Mẹ trước hết.

Và chúng ta đến bàn thờ để tìm sự gì?

Tìm Đấng Ê-ma-nu-en, Đấng đã khấng làm vị “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”, sự hiện diện thực sự của Ngài là sức mạnh của đời ta, là “mạch nước trường sinh” như Sách Thánh nói (Gr 2.13). Nhưng nhờ ai ta được Đấng Ê-ma-nu-en hiện diện thực sự, nếu không phải nhờ Đ.Maria, Mẹ Ngài, với tấm lòng khiêm nhường và trong sạch đã kéo Ngài xuống?

Ai sẽ cho ta được tiến đến cùng Ngài, chẳng phải Đấng có sứ mệnh trình bày Chúa Kitô cho thế giới, Đấng đã đưa Ngài đến cho Gioan Tẩy Giả lúc còn trong lòng mẹ, cho các mục đồng, cho ba đạo sĩ, cho ông già Si-mê-ong được thấy? Chính Người ban Chúa Giêsu. Không những thế, khi ta đến bàn thờ tham dự hiến tế, Ta được thánh hóa nhờ việc Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng mình Ngài.” (Hr. 10.10)

Mọi ơn sủng, mọi thánh thiện đều do cuộc Tử nạn thập giá mà đến, và cũng do Thánh lễ là cuộc Tử nạn thập giá được làm tái hiện trên bàn thờ. Bàn thờ cũng là núi Sọ: cùng một của lễ dâng lên, cùng một tế vật, do cùng một vị Chủ tế dâng hiến, linh mục chỉ là người đại diện. Ai cho chúng ta tham dự vào hiến tế, là hiến tế sẽ trao phó Chúa Kitô với toàn thể các mầu nhiệm của Ngài cho ta? Đức Mẹ! Bởi Người mà có vị tư tế cũng như có tế vật.

Chính trong dạ Đ.Maria, Nhân tính Đức Giêsu  đã nhận được xức dầu của Thánh Thần, xức dầu đổ tràn trên Giêsu “như dầu hoan lạc” (Tv 45.8; Hr 1.9), xức cho Ngài làm “vị Thượng tế đời đời” (Hr 6.20). Lúc nào? Lúc Thiên sứ nói với Đức Mẹ:“Thánh Thần sẽ đến trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao trên Bà rợp bóng; bởi thế mà Trẻ bởi Bà sinh ra là Đấng Thánh”(Lc 1.35). Đ.Maria đáp: “Nguyện cứ thành sự cho tôi như lời Thiên sứ nói” (Fiat), lời đó là dấu hiệu về việc xức dầu và phong chức cho vị Thượng tế đời đời đang còn nằm trong lòng Đ.Maria.[15]

Đức Mẹ cũng ban tế vật, là Chúa Cứu Thế mà Mẹ đã sinh ra cho trần gian, Đấng sẽ cứu ta khỏi tội. Tế vật ấy đã bắt đầu tự hiến ngay từ trong dạ Mẹ. Thánh Phaolô cho chúng ta chắc chắn điều ấy: đó là lời đầu hết Ngài thốt ra ngay lúc Nhập thể: “Lạy Cha, Cha đã cho con một thân xác, để con tự hiến cho Cha, vì Cha chẳng ưa những hiến tế không đầy đủ: Này Con đến để thực thi ý Người.” (Hr 10.7-9). Lúc cuối đời, lời Đức Giêsu nói:“Mọi sự đã hoàn tất”(Ga 19.30) trên thập giá chỉ là sự hoàn tất của lời “Này con đến” (Hr 10.7) mà Ngài thốt ra trong dạ Đ.Maria hồi đầu lúc Nhập thể.

Đức Mẹ biết mình là Mẹ của tế vật. Tế vật này, Người đã dâng lên trong suốt cuộc đời. Nhất là trên núi Sọ: Ở đó Người đại diện cho Hội-Thánh. Mà vì Thánh Lễ là tái hiện tế hiến ở Núi Sọ, nên ở Thánh Lễ Đ.Maria cũng hiện diện, không bao giờ rời xa tế vật.

Có thể nói Người tiếp tục ban cho ta vị Chủ tế (Giêsu) đồng thời với tế vật cũng là Chúa Giêsu. Vì thế, khi ta nhận lấy Thịt Mình Chúa được tế hiến trên bàn thờ, và Máu Chúa làm giá cứu chuộc ta, mà ăn mà uống, làm sao ta lại không nghĩ tới Đ.Maria được? Làm sao ta không cảm thấy như đụng chạm tới Người Mẹ đã cho Ngài thịt máu đó? Thân mình ấy đã do Đ.Maria tạo nên, máu ấy Người đã ban cho Con của Người. Bây giờ Đấng ấy đã nên lương thực cho ta.

Thánh Giám mục Au-gu-ti-nô trình bày đạo lý đó cho giáo dân ông như sau: Đấng Lời, là ý tưởng của Thiên-Chúa, và là sự sống và ánh sáng để làm lương thực cho con cái Thiên-Chúa. Ngài là của nuôi các thần thánh trên trời. Ngài cũng muốn là lương thực như thế dưới đất. Nhưng, đó là một thứ bánh quá cứng đối với ta vốn là những trẻ nhỏ dại. Ai sẽ làm lương thực các thiên thần trở thành của nuôi các trẻ nhỏ? – Đức Maria.

Đó là phần việc của bà mẹ. Lương thực Đấng Lời phải làm sao trở nên dễ nuốt cho trẻ nhỏ, nên như sữa cho trẻ nhỏ là chúng ta. Mẹ chúng ta đã làm điều đó. Đấng Lời đã ngự xuống trong lòng Người, và như thế có thể nói là Mẹ đã “ăn bánh sự sống” đó (x. Ga 6.35), đã biến nên sữa, và sữa ấy nên của ăn cho trẻ nhỏ mà Người ban cho ta trong Bí-Tích Thánh Thể, vì thế phụng vụ mới hân hoan ca lên: “Người phàm đã ăn bánh của Thiên thần.”

Thánh Gioan Đa-ma-xê-nô gọi Đ.Maria là : “Đức Trinh Nữ có tâm hồn tư tế” [16], chúng ta hiểu được vì sao. Không phải Người đã nhận được ấn tín tư tế của Bí tích ban cho. Nhưng chức làm mẹ đã ghi trong Người một dấu thánh. Người cũng có tinh thần của Con là Đấng Cứu Chuộc, tinh thần ấy một cách cao siêu là tinh thần tư tế. Mẹ không thể đọc “lời truyền phép” trên bánh, rượu, nhưng Người đã đọc nhân danh chính mình lờiXin thành sự” có hậu quả vô cùng là ban Chúa Giêsu cho trần gian.

Chính Người còn được Thiên Chúa ủy thác việc phân phát sự sống Thiên-Chúa. Người hơn linh mục vì Người là Đấng Trung gian môi giới, và vì Người là Mẹ của Vị Thượng tế tối cao, Đấng đồng thời là Tế vật.

Thánh Lễ là việc cao trọng của Hội-Thánh; là việc cần thiết của Nhiệm thể Chúa Kitô. Đức Mẹ có mặt đó để kết hợp với Hội-Thánh và để phân phát hoa quả của Mình, Máu Chúa Kitô.

 

TXT

 

 

[1]  Thuật ngữ thần học chuyên môn: “Ex opere operato”. Đây là một khái niệm thần học, có ý nói rằng khi Bí tích  được cử hành đúng thể thức thì tự nó phát sinh hiệu quả (nhiều hay ít thì tùy tâm trạng người thụ lãnh), chứ không tùy thừa tác viên cử hành có xứng đáng hay không xứng đáng.

[2] In Nativ. Dom. S., PL. 54, 211.

[3]   Thánh hóa ta bằng cách cho Ngài chịu đóng đinh trên thập giá để đền tội cho ta, và cho Ngài lấy thịt máu mình ẩn thân trong phép Thánh Thể để làm thần lương nuôi sống linh hồn ta.

[4]   X. Thông điệp “Mẹ Đấng Cứu Thế” của Đức Giáo Trưởng Gioan-Phaolô 2, số 44.

[5] Sermo 45. PL 144.743.

[6] Vie et révélation de Sainte Gertrude. T II. p.96. Gabalda.

[7] Bérulle, Edit. Migne. p.914, 922

[8] Sum. Theo. IIa IIe 9.161, a.5. ad 4.

[9] Sermo 172

[10] In Joan. XXVI. 13

[11]   Thần học gọi việc đó là “ngôi hiệp”, (tiếng Pháp: “union hypostatique”).

[12]   Nói Đức Mẹ đón nhận, nhưng không có ý nói, khi ấy Người nhận biết Đức Giêsu là Thiên Chúa theo nghĩa mạnh thần học của ta bây giờ.

[13]  Họ chầu và bái lạy một Đấng siêu phàm trong hình hài một trẻ sơ sinh, nhưng họ chưa biết Hài nhi là Thiên Chúa thật.

[14] Ste Mechtilde. Révelations. P.III, ch, III. Oudin 1.877.

[15]   Kiểu nói xức dầu ở đây là lấy theo lời Chúa Giêsu nói tại Hội đường làng Na-da-rét: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, bởi Ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi…” (Lc 4.18). Qua câu đó Đức Giêsu nhắc đến biến cố sau khi chịu phép rửa tại sông Gióc-đan, Chúa Thánh Thần lấy hình chim câu ngự xuống trên Ngài, mà Ngài hiểu là xức dầu cho Ngài, thì ở ngày Truyền tin, khi Chúa Thánh Thần đến trên Đ.Maria và rợp bóng trên Mẹ, việc này được hiểu là Thánh Thần xức dầu và phong chức cho Đức Giêsu làm vị Thượng tế đời đời…lúc ấy đang còn nằm trong lòng Mẹ.

[16]    Có “tâm hồn tư tế” chứ không thể gọi Đức Mẹ là tư tế hay linh mục theo nghĩa ta hiểu bây giờ, dù bằng cách nào. Có sắc dụ của Bộ Thánh Vụ Tòa Thánh cấm xưng Đ.Maria là Nữ Trinh Tư-tế.

Tuy vậy, cũng như mọi tín hữu, vì họ là chi thể của Chúa Kitô Thượng tế, nên được thông chia quyền chức tư tế của Ngài một cách bí nhiệm, để hiệp cùng Ngài mà dâng tế lễ là Mình Máu Ngài, thì Đ.Maria cũng vậy, song một cách cao siêu hơn vô ngần,Người hợp một với Con mình mà dâng của lễ là Con của riêng mình lên Chúa Cha bởi lòng yêu mến và bởi sự đồng cảm thương với sự khổ nạn của Con Chí Thánh, để cứu chuộc thế gian và làm vinh quang Chúa Cha.

back to top
Filters