SỐNG THEO 10 NHÂN ĐỨC CHÍNH CỦA ĐỨC MẸ *** Linh Mục Ed Broom – Tu Hội Tận Hiến Đức Trinh Nữ Maria (O.M.V.)
04 Tháng Năm 2021
SỐNG THEO 10 NHÂN ĐỨC CHÍNH CỦA ĐỨC MẸ
Linh Mục Ed Broom – Tu Hội Tận Hiến Đức Trinh Nữ Maria (O.M.V.)
Từ trên cây Thánh Giá, Chúa Giêsu đã trao ban người mà Chúa yêu thương nhất trên thế gian, Đức Mẹ Maria, cho Thánh Gioan cũng như cho tất cả chúng ta. Mẹ là Đức Mẹ Rất Thánh ! Thánh Lu-y Mông-pho trong kiệt tác thiêng liêng về Thánh Mẫu “Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria”, đã nêu bật 10 nhân đức quan trọng nhất của Đức Trinh Nữ Maria.
Chúng tôi xin nêu ra danh sách các nhân đức chính của Đức Mẹ Maria :
Trong tác phẩm “Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria”, chúng ta đọc thấy đoạn văn này : (#108)
“Lòng thành thực sùng kính Đức Mẹ Maria là điều thánh thiện, nghĩa là nó dẫn đưa chúng ta đến việc tránh xa tội lỗi và noi gương nhân đức của Mẹ Maria. Mười nhân đức chính yếu của Mẹ là : khiêm nhường thâm sâu, đức tin sống động, vâng lời tuyệt đối, cầu nguyện không ngừng, hy sinh bỏ mình không ngơi ngớt, trong trắng vượt trội, yêu thương tha thiết, chịu lụy một cách anh hùng, tốt bụng như Thiên Thần và có trí khôn ngoan siêu phàm.
Chúng ta hãy khiêm nhường cầu xin Đức Trinh Nữ Maria ban cho chúng ta ơn được hiểu biết 10 nhân đức này Mẹ đã luôn thực hành môt cách anh hùng tới mức độ hoàn hảo, và chúng ta cũng cầu xin ơn có thể thực hành những nhân đức này trong bước đường cuộc sống hàng ngày của chúng ta !
1/ Lòng khiêm nhường thâm sâu.
Người khiêm nhường nhận ra rằng tất cả những điều tốt lành họ đã làm và có thể làm, là kết quả Sự Hiện Diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Đức Mẹ Maria là người khiêm nhường bậc nhất khi gọi mình là tôi tớ hay là nữ tỳ của Chúa. Cũng vậy, trong bài ca ngợi khen tuyệt trần mà chúng ta gọi là bài Thánh Ca Magnificat (Lc 1,46-55), Đức Mẹ nói rằng Thiên Chúa đã đoái thương nhìn tới phận hèn mọn của nữ tỳ của Người. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ Mria cho chúng ta có một tấm lòng hiền lành và khiêm nhường, để giống như Mẹ, chúng ta sẽ quy những thành công của mình về Thiên Chúa và quy những nỗi thất bại của chúng ta về chính bản thân mình.
2/ Đức Tin sống động
Đức Tin là một trong ba nhân đức đối thần – tin, cậy, mến. Đức Tin là tin vào Thiên Chúa và Lời Người tuy không thấy bằng đôi mắt xác thịt của mình. Chúa Giêsu đã nhẹ nhàng quở trách Thánh Tô-ma có tính hay nghi ngờ bằng những lời này “Phúc cho những ai không thấy mà tin.” (Ga 20,29) Đức Mẹ Maria là Người Nữ có đức tin xuất sắc. Cho dù Mẹ đã chứng kiến cuộc Khổ Nạn, Đau Khổ và cái chết của Chúa Giêsu, Mẹ vẫn tin rằng Người sẽ chiến thắng tử thần. Vì thế, khi bị ma quỷ xúi giục nghi ngờ, chúng ta hãy hướng về Đức Mẹ Maria là Người Nữ Đức Tin và cầu xin sự chuyển cầu mạnh thế nhất của Mẹ.
3/ Tuyệt đối vâng lời (vâng lời không đắn đo)
Bằng sự ưng thuận của Mẹ trong Ngày Truyền Tin – “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38) – Đức Mẹ Maria thể hiện thái độ vâng theo Lời Chúa và tin tưởng vào Thánh Ý của Người một cách đáng khâm phục. Khi bị xúi giục nổi loạn chống lại Thiên Chúa, chúng ta hãy nhờ lời cầu nguyện và tấm gương vâng lời Thiên Chúa như Mẹ Maria và như Chúa Giêsu “đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập Tự.” (Pl 2,8)
4/ Không ngừng cầu nguyện
Cầu nguyện có thể được định nghĩa như là giao tiếp với Thiên Chúa. Ngoài Chúa Giêsu, trên thế gian không có tấm gương nào về mặt đời sống cầu nguyện liên lỷ hay đẹp hơn tấm gương của Đức Trinh Nữ Maria. Kinh Thánh cho chúng ta biết “Bà Maria hằng ghi nhớ những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2, 19) Trong tâm trí, Mẹ liên lỷ nghĩ đến Thiên Chúa và yêu mến Thiên Chúa hết lòng; Mẹ không ngơi ngớt thông hiệp với Ba Ngôi Thiên Chúa – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Con quỷ lười biếng có thể tấn công tất cả mọi người chúng ta. Nguyện xin Đức Mẹ Maria soi dẫn chúng ta liên lỷ, sốt sắng và trung thành cầu nguyện. Thật vậy, cầu nguyện là điều then chốt cho chúng ta được phần rỗi. Dưỡng khí đối với buồng phổi của chúng ta như thế nào, thì cầu nguyện cũng thế đối với linh hồn chúng ta vậy.
- Kiên định bỏ mình
Một cách diễn đạt khác về việc này là sự khổ chế, đời sống khổ hạnh, dẫn đến đời sống thần bí hiệp nhất với Thiên Chúa. Đức Mẹ Maria đã phủ nhận và hy sinh bản thân mình mọi lúc mọi nơi. Khi làm như thế, Đức Mẹ để cho Thiên Chúa hoàn toàn ngự trị để Người hành động trong toàn bộ cuộc đời mình. Trong những cuộc hiện ra ở Lộ Đức cũng như ở Fatima đã được Giáo Hội công nhận, Đức Mẹ mạnh mẽ khuyến khích việc cầu nguyện, Mẹ cũng mạnh mẽ khuyến khích việc hy sinh. Bằng việc thực hiện hy sinh, chúng ta đang noi gương Mẹ trong nghệ thuật từ bỏ bản thân mình. Từ bỏ mình làm cho chúng ta hướng về Thiên Chúa và ngoảnh mặt với bản thân mình, với cái tôi của mình. Đức Mẹ Maria luôn lấy Thiên Chúa làm trung tâm chứ không bao giờ lấy mình làm trung tâm. Ước gì đây cũng là cách sống của chúng ta !
- Tinh tuyền vượt trội.
Một trong các nhân đức cao cả nhất tiêu biểu cho Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh là nhân đức thanh sạch vô tỳ tích của Mẹ; Mẹ Maria được biết đến là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ở Fatima, Đức Mẹ đã buồn bã cho biết rằng hầu hết các linh hồn phải sa vào lửa hỏa ngục đời đời vì tội lỗi nghịch lại với nhân đức trong sạch thánh thiện. Đức Maria là Đấng Trọn Đời Đồng Trinh, Mẹ đồng trinh trước khi sinh hạ Chúa Giêsu, trong khi sinh hạ Chúa Giêsu và sau khi sinh hạ Chúa Giêsu. Lòng thành thực sùng kính Đức Mẹ Maria có thể giúp chúng ta duy trì sự trong sạch của mình, và nếu như chúng ta đã mất lòng trong sạch, thì hãy tìm cách phục hồi qua Bí Tích Giải Tội. Chiêm ngắm một tấm hình, một bức tranh vẽ hoặc một tượng Đức Mẹ đẹp đẽ có thể khơi dậy trong lòng chúng ta các khát vọng cao cả về sự trong sạch.
- Tình yêu nồng nàn
Trong tất cả các nhân đức chúng ta được kêu gọi thực hành, thì việc thực hành tình thương yêu nồng nàn, đôi khi còn được gọi là thực hành đức ái, là điều cao trọng nhất. (Xin đọc Bài Ca Đức Mến tuyệt hay của Thánh Phaolô trong Thư thứ nhất gửi giáo đoàn Cô-rinh-tô, chương 13). Đức Mẹ đã thực hành đức mến ở mức độ siêu phàm theo hai cách, vì tình yêu thương hay đức ái có hai chiều kích. Đức Mẹ Maria yêu mến Thiên Chúa trước hết ở mọi nơi mọi lúc. Tuy nhiên, Đức Mẹ Maria đã biểu lộ cụ thể tình yêu của Mẹ dành cho Thiên Chúa bằng việc yêu thương nồng cháy người đồng loại. Thí dụ về việc này là : trong Ngày Truyền Tin, qua lời “Xin Vâng” vô điều kiện của mình, Đức Mẹ Maria đã tỏ hiện tình yêu trọn vẹn và không dè dặt dành cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi vội vã đi thăm người chị họ Ê-li-sa-bét của mình, Đức Mẹ Maria đã biểu lộ tình yêu lớn lao dành cho đồng loại. Ước gì chúng ta nói được lời này, khi theo gương Đức Mẹ Maria và theo lời Thánh Phaolô : “Tình yêu Thiên Chúa thôi thúc tôi.” (2 Cr 5,14). Chớ gì chúng ta học được hai Điều Răn này : yêu mến Thiên Chúa và yêu thương đồng loại (mến Chúa và yêu người) và nỗ lực sống như thế hàng ngày. Thánh Gioan Thánh Giá nói rõ : “Cuộc sống chúng ta lúc xế chiều, chúng ta sẽ bị phán xét dựa trên tình yêu.”
- Kiên nhẫn (chịu lụy) một cách anh hùng
Không ai trong chúng ta có thể nói rằng mình kiên nhẫn trong mọi nơi mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh – trái ngược với Đức Mẹ Maria là Đấng đã biểu lộ sự kiên nhẫn đáng kể ! Hãy xem Đức Mẹ Maria trong thời kỳ mang thai, trải qua chuyến hành trình dài đến Bê-lem và sau đó bị từ chối (cho ở trọ) – nhẫn nại biết dường nào ! Lạc mất Con Trẻ Giêsu khi Người 12 tuổi trong ba ngày trước khi tìm thấy Người trong Đền Thờ – một biểu lộ khác của sự kiên nhẫn anh hùng ! Đặc biệt nhất là khi đồng hành với Chúa Giêsu trong cuộc Khổ Nạn của Người dẫn đến việc Người bị đóng đinh và chết tàn bạo, Đức Mẹ Maria đã biểu lộ một lòng kiên nhẫn vô song ! Khi lòng kiên nhẫn của chúng ta bị thử thách, chúng ta hãy kêu cầu Đức Mẹ Maria xin trợ giúp, Mẹ sẽ chẳng hề để chúng ta thất vọng !
- Sự ân cần tử tế của Thiên Thần
Đối ngược với ân cần là sự thô lỗ. Hãy thử hình dung cách thức và phương pháp mà Đức Mẹ đối xử với người đồng loại ! Một lời chào đón nồng nhiệt, một nụ cười tử tế có sức thuyết phục, nhã nhặn tối đa, một đôi tai chăm chú lắng nghe – tất cả những điều này là biểu hiện rõ ràng lòng ân cần, lòng ân cần tử tế của Thiên Thần. Đức Mẹ Maria đã làm tất cả những điều này ở mức độ cao nhất ! Thánh Phan-xi-cô thành Sales đã nhận xét về nhân đức này : “Người ta có thể thu hút nhiều ruồi chỉ bằng một thìa mật ong hơn là bằng một thùng dầy giấm.” Nói cách khác, sự ân cần tử tế thu hút người khác đến với Chúa Kitô hơn là các biện pháp quyết liệt và thô lỗ. Nguyện xin Mẹ Maria dạy cho chúng ta sống tử tế ân cần có nghĩa là gì và chớ gì chúng ta thực hành được điều ấy !!!
- Khôn ngoan tuyệt trần
Một trong những tước hiệu siêu phàm được trao cho Đức Mẹ Maria trong Kinh Cầu Đức Bà nổi tiếng là tước hiệu NGAI TÒA ĐẤNG KHÔN NGOAN. Người khôn ngoan biết điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời. Tình yêu sôi nổi dành cho Thiên Chúa và lòng ước muốn nồng nàn ơn cứu độ cho các linh hồn được bất tử là các dấu hiệu của sự khôn ngoan thực sự. Đức Mẹ có một tình yêu cháy bỏng dành cho Thiên Chúa và một ước muốn thiết tha cho kẻ có tội được ăn năn trở lại và ơn cứu độ đời đời của họ. “Đức Nữ Trinh trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá… dự phần vào hy lễ của Con với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra.” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân). Vua Sa-lô-môn đã từng rất khôn ngoan, nhưng ông đã vướng phải điểm yếu – đó là thèm muốn dục vọng – và đã kết thúc cuộc đời mình như một kẻ ngốc. Chúng ta hãy cầu xin lời cầu bầu của Đức Bà là Tòa Đấng Khôn Ngoan để chúng ta có được sự khôn ngoan không chỉ bây giờ, mà còn kiên trì trong nhân đức siêu phàm này cho đến giây phút cuối cùng !
Kết luận
Tóm lại, ước gì chúng ta có lòng ao ước nồng nàn được biết, yêu mến và noi gương Đức Mẹ Maria, được thúc đẩy một lòng quyết tâm thường xuyên và nhiệt thành suy gẫm các nhân đức của Đức Mẹ Maria Rất Thánh, và rồi cố gắng sống những nhân đức ấy trọn các ngày sống của cuộc đời chúng ta ! Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
(Jn. M. Vũ Sơn Bảo dịch theo Catholicexchange.com)