News Filters
THÁNH GIUSE TRONG THÁNH KINH
31 Tháng Mười 2020
THÁNH GIUSE TRONG THÁNH KINH
Bài 01 : Người Được Chọn
"Ông Gia-Cóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, Bà là Mẹ Đức Giêsu" (Mt.1,16).
1. Người được Thiên Chúa tuyển chọn
Thiên Chúa đã kêu gọi Abraham và đã hứa ban cho ông một dòng dõi con cháu. Dòng dõi đó, trải qua suốt 18 thế kỷ với biết bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu sự bất trung của Dân cũng như với biết bao nhiêu "điềm thiêng dấu lạ" mà Thiên Chúa đã làm cho dân, đã được thánh Matthêu tóm lại trong một chuỗi gia phả từ A-bra-ham, qua Đa-vít, đến tới Giuse: "Ông Giacóp sinh ông Giuse, chồng bà Maria, bà là Mẹ Đức Giêsu". Qua bản gia phả khô khan đó, chúng ta thấy được lịch sử của cả một dân tộc, cũng như lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại. Trong dòng lịch sử đó, Giuse được tuyển chọn như người ôm lấy tất cả niềm chờ mong của dân tộc, như người đứng nơi cửa ngõ của thế giới con người để chào đón hồng ân cứu độ nơi Đức Giêsu. Giuse chính là người, thay mặt nhân loại, đón chào Thiên Chúa để Ngài có thể thực hiện lời hứa ban một Đấng Cứu Tinh xuất thân từ dòng dõi Đa-vít.
Đó chẳng phải là một tước hiệu suông, hoặc chỉ là một niềm danh dự mà thôi, nhưng là một sự tuyển chọn của Thiên Chúa; sự tuyển chọn này vừa là hồng ân vừa là sứ mệnh. Như cả một dân Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng, Thánh Giuse cũng được chính Thiên Chúa tuyển chọn để làm cha Đấng Cứu Thế; như cả một dân tộc Israel được giao cho trách nhiệm gìn giữ niềm tin vào một Thiên Chúa, thì thánh Giuse cũng chỉ sống theo niềm tin vào sự hướng dẫn của một mình Thiên Chúa; như cả một dân tộc được Thiên Chúa uốn nắn, sửa dạy để thực sự là một dân trung tín, thì thánh Giuse cũng thực sự là đầy tớ tín trung hằng tận tâm coi sóc gia sản Thiên Chúa giao phó; như một dân tộc được Thiên Chúa ban lời hứa và hằng chờ mong Ngài thực hiện lời hứa Cứu Độ, thì nay Thiên Chúa cũng giao cho thánh Giuse quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa, chăm sóc Đức Giêsu, là Đấng hoàn thành Giao Ước Cứu Độ.
Sứ mệnh Thiên Chúa trao phó không phải là dễ dàng sung sướng gì; Thánh Giuse đã chu toàn trách vụ Chúa trao phó cách âm thầm, kín đáo và trọn vẹn. Xưa kia dân Israel, khi gặp những khó khăn, thử thách, thì kêu than oán trách, còn thánh Giuse, khi phải đảm nhận những công việc gian lao, lại chẳng một chút kêu than; xưa dân Israen bị cám dỗ của văn minh dân ngoại và nhiều lần rắp tâm muốn từ bỏ Thiên Chúa; còn Thánh Giuse lại luôn vâng nghe lời Thiên Chúa chỉ dạy qua các sứ thần, và đã hoàn thành trách nhiệm cho đến hơi thở cuối cùng.
2. Ơn Gọi Kitô hữu
Như Dân Israen xưa, cuộc sống của mỗi người kitô hữu cũng chính là một ơn gọi để sống giao ước cứu độ với Thiên Chúa; cuộc sống đó đã được Thiên Chúa đưa qua biển đỏ nhờ bí tích Thánh Tẩy và đưa vào hành trình của sa mạc cuộc đời. "Quân thù" vẫn theo đuổi, những cơn khát cũng vẫn dằn vặt, sự cô đơn sâu xa vẫn trở đi trở lại mãi, những cám dỗ của "củ hành củ tỏi nước Ai Cập" vẫn không ngừng mời gọi. Tuy nhiên, cũng như dân Israel xưa, 40 năm sa mạc cuộc đời đó cũng thực sự là thời kỳ trăng mật trong mối tình của chúng ta với Thiên Chúa. Ánh lửa và cột mây vẫn luôn theo sát cuộc đời chúng ta. Bánh Manna-Thánh Thể, nước mạch Lời Chúa vẫn luôn được ban cho chúng ta nhưng lúc đói lòng. Cuộc hành trình tiến về Đất Hứa thật là gian nan, nhưng cũng thực là hạnh phúc, nhiều cám dỗ nhưng cũng đầy hồng ân. Tất cả cuộc đời là một cuộc hành trình và là việc thi hành sứ mệnh Chúa trao cho chúng ta.
Như thánh Giuse đã được Thiên Chúa kêu gọi và đã đáp lại cách trọn vẹn, mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa kêu gọi để hoàn thành kế hoạch cứu độ của Người. Như thánh Giuse, Thiên Chúa cũng mong muốn chúng ta đáp lại lời mời gọi của Ngài như một người tôi tớ tận tâm, kiên trung, hết lòng tuân phục Thiên Chúa. Ngài ban cho chúng ta những nén vàng, Ngài muốn mỗi người hãy biết sử dụng nén vàng đó cách xứng đáng. Tất cả tài năng, hoàn cảnh, gia sản, những mối tình, những bạn bè, thân thuộc, họ hàng gia tộc, gia đình của mình, con cái... tất cả đều phải được hoàn thành nhờ thái độ người tôi tớ biết sử dụng gia sản Thiên Chúa ban, để góp phần vào công trình cứu độ của Ngài.
Làm sao có thể chu toàn sứ mệnh của Thiên Chúa nếu như ta vẫn còn than van về hoàn cảnh của mình ? Làm sao lắng nghe được ý định của Thiên Chúa nếu như ta vẫn còn thấy mình như "sinh lầm thế kỷ" ? Làm sao có thể trung tín với Thiên Chúa được nếu như ta chỉ yêu mến Chúa khi mà mọi sự xảy đến theo đúng ý mình; còn nếu không, ta lại chạy đến với những phương cách nhân loại khác, các ngẫu thần, các "con bò vàng" mà Thiên Chúa không thể nào chấp nhận được?
Thiên Chúa kêu mời con người cùng cộng tác với Ngài để Ngài có thể ban Đức Giêsu cho nhân loại và hoàn thành chương trình cứu độ trong dòng lịch sử, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống con người.
Lời nguyện
Lạy Chúa, Xin soi lòng mở trí để chúng con nhận ra ơn gọi và sứ mệnh Chúa trao ban; nhận ra cuộc đời chúng con là cuộc hành hương tiến về Đất Hứa; nhận ra bao lần chúng con đã bất trung, và nhận ra bao nhiêu hồng ân cao quí của Chúa. Lạy Chúa, Xin Chúa ban cho chúng con
một thái độ sẵn sàng như thánh Giuse để Chúa có thể cho con được góp phần vào mầu nhiệm cứu độ; và để chúng con trân trọng, gìn giữ ơn gọi Chúa thương ban.
Xin Chúa cũng ban cho chúng con một tấm lòng trung kiên như thánh Giuse, để chúng con luôn biết đón nhận Thánh Ý của Chúa trong cuộc đời, để chúng con biết sống cuộc đời này cách tươi vui, hạnh phúc, trong niềm tạ ơn sâu xa.
Bài 2 : Cuộc Hôn Nhân Với Đức Trinh Nữ Maria
"Bà Maria, Mẹ Người, đã kết hôn với ông Giuse" (Mt.1,18).
1. Cuộc Hôn Nhân mẫu mực
Cuộc hôn nhân giữa Đức Maria và thánh Giuse là một cuộc hôn nhân độc nhất trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, dù có khác lạ, cuộc hôn nhân đó vẫn có đầy đủ tất cả những yếu tố của một cuộc hôn nhân đích thực: tình yêu giữa hai người, giao ước hôn nhân đầy đủ theo luật và việc sinh sản con cái. Đó không phải là cuộc hôn nhân giả, không phải chỉ là bức bình phong bên ngoài để che mắt nhân loại. Vì thế, Kinh Thánh cũng như các Giáo Phụ đều đồng ý gọi thánh Giuse là chồng bà Maria, bà Maria là vợ của thánh Giuse, và hai người đã thực sự kết hôn với nhau (Xc Mt.1,16.18-24; Lc.1,27...). Sự việc hai người không ăn ở với nhau chẳng làm mất đi giá trị của cuộc hôn nhân này; ngược lại, sự việc đó lại là thái độ rộng mở để Thiên Chúa có thể can dự cuộc sống nhân loại; và sự can thiệp của Thiên Chúa lại trở thành mối giây thắt chặt thêm tình yêu giữa hai người và làm cho cuộc sống hôn nhân trở nên thật tốt đẹp. Hơn nữa, chính sự can thiệp của Thiên Chúa lại làm cho ý nghĩa tình yêu hôn nhân giữa hai người đạt đến ý nghĩa cao nhất của nó : sứ vụ của tình yêu hôn nhân là làm cho Chúa Giêsu được hiện diện và tăng triển trong cuộc sống nhân loại.
Để nêu lên chứng tá của một tình yêu hôn nhân tuyệt hảo, Thiên Chúa đã kêu gọi đức Maria cũng như thánh Giuse, những con người có thể đảm nhận được sứ mệnh đặc biệt Ngài giao phó, can đảm đi đến cùng ý nghĩa của hôn nhân. Cứ theo cái nhìn bình thường của nhân loại, cuộc hôn nhân của thánh Giuse và Mẹ Maria không dễ gì được êm đềm, xuôi xắn. Thánh Giuse đã có thể hoàn toàn xử trí như những người khác : hoặc tố cáo bà Maria, hoặc từ bỏ bà Maria, hoặc đòi hỏi bà Maria đáp ứng những nghĩa vụ vợ chồng bình thường. Nhưng thánh Giuse đã không làm như thế, ngài hết sức tôn trọng Đức Maria, ngài đã nhận thấy một huyền nhiệm nơi cuộc đời Đức Maria và đã hoàn toàn tự nguyện chấp nhận một cuộc sống hôn nhân như vậy để thánh ý Thiên Chúa được thực hiện.
Vì Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Đức Maria đã chấp nhận làm vợ và làm mẹ; cũng vì Chúa Giêsu, Thánh Giuse đã chấp nhận làm chồng và làm cha. Đối với Maria và thánh Giuse, chính Thiên Chúa đã nối kết nên tình yêu giữa hai người và làm nên ý nghĩa của cuộc hôn nhân. Ngược lại, qua cuộc hôn nhân đó, Chúa Giêsu đã sinh ra làm người, đã lớn lên trong tình yêu thương gia đình và được chuẩn bị để gia nhập vào xã hội loài người.
Như thế, Đức Maria và thánh Giuse đã rộng mở tâm hồn để Chúa Thánh Thần có thể tạo nên một đời sống gia đình; và sự hiện diện của Đức Kitô làm cho đời sống gia đình trở thành nơi Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ của Ngài; cuộc hôn nhân đó lại trở thành gương mẫu, vì đã đạt được trọn vẹn ý nghĩa siêu nhiên. Cuộc hôn nhân đó thực sự được Thiên Chúa làm chứng, được Thiên Chúa chúc lành, và thực sự thể hiện tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, đúng như quan niệm Kitô giáo về đời sống hôn nhân.
2. Tình yêu nhân loại
Con người được Thiên Chúa sáng tạo là để hưởng đời sống Thần linh của Ngài. Như thế, cuộc sống nhân loại, trong nhưng lo toan tính toán bao điều, vẫn không đủ và không thể giúp con người hoàn thành vận mệnh đời đời của mình. Các công trình của con người, dù lớn lao đến đâu; các thành quả của con người, dù hữu ích thế nào, cũng không thể đạt tới ý nghĩa đích thực của ơn gọi làm người. Tất cả cuộc sống con người đều chỉ thành đạt, khi được đưa vào trong đời sống thần linh của Thiên Chúa. Cũng vậy, mọi tình yêu nhân loại, tình bạn bè, tình cha mẹ hay tình yêu hôn nhân,... tất cả đều cần đạt tới tầm mức siêu nhiên, cần được chính Thiên Chúa ngự ở giữa, được Chúa là bảo chứng vững bền, và thể hiện được tình yêu của Thiên Chúa.
Cũng thế, hôn nhân, theo ý nghĩa Kitô giáo, không phải chỉ là sự cam kết giữa hai người, không phải chỉ là tình yêu giữa người nam với người nữ, nhưng đó là một sự cam kết được Thiên Chúa làm chứng và chúc lành, đó là cách thức thể hiện tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội.
Trong đời sống hôn nhân, người Kitô hữu thường coi bí tích hôn phối chỉ như là một sự ràng buộc bất cả phân ly, một kỷ luật phải chấp hành, một gánh nặng phải mang vác. Nhưng Thiên Chúa đâu có nối kết người nam và người nữ lại với nhau rồi bỏ đi "chơi", để mặc hai người, bị cột vào nhau, tha hồ cấu xé, tha hồ dằn vặt, đấu đá nhau mà không thể cởi bỏ được. Không phải như thế. Bí tích hôn nhân chính là bảo chứng cho tình yêu vợ chồng, trong đó Thiên Chúa chúc lành cho tình yêu của hai người; Ngài vẫn luôn hiện diện trong đời sống gia đình để nâng tình yêu nhân loại lên mức độ tình yêu siêu nhiên, để làm chứng cho một tình yêu dứt khoát, trọn vẹn; và để hai người, qua tình yêu đó, đạt tới sự sống vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho.
Sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống hôn nhân không thể nào lại bị coi như một gánh nặng, như một kỷ luật khắt khe. Sự hiện diện đó không làm hao mòn tình yêu hôn nhân một chút nào cả, nhưng là để ban phúc lành cho nhân loại mà thôi. Tin vào bảo chứng của Chúa trong tình yêu hôn nhân, người Kitô hữu hiểu rằng : tất cả mọi sự trục trặc đều có thể giải quyết được, bất cứ một khó khăn nào cũng có thể vuợt qua được, bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng có thể giữ vững được tình yêu chung thủy với nhau được; miễn là mình biết trung tín với nền tảng siêu nhiên của bí tích hôn nhân.
Nhìn vào tấm gương của thánh Giuse, chúng ta có thể khám phá ra được một mẫu gương đời sống hôn nhân, để có thể vượt qua được mọi khó khăn và thể hiện được trọn vẹn ý nghĩa của tình yêu hôn nhân Kitô giáo.
Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa biết rõ đời sống gia đình thật là khó khăn phức tạp; và chính vì thế, Chúa đã lập Bí Tích Hôn Nhân để nâng đỡ và chúc lành cho những ai được kêu gọi sống đời sống hôn nhân.
Nhưng hình như nhiều người trong chúng con vẫn cảm thấy khó khăn trong đời sống gia đình vượt quá sức chịu đựng;những rắc rối trong gia đình mình không thể giải gỡ được; nhưng đổ vỡ trong gia đình mình không thể hàn gắn được. Nhiều người trong chúng con lựa chọn thái độ chán nản, bực dọc, và đôi khi còn muốn từ bỏ cuộc hôn nhân của mình.
Lạy Chúa, Nhìn vào mẫu gương thánh Giuse, chúng con tự cảm thấy rằng mình chẳng có lý do gì để kêu than, trách móc cả; chỉ có một điều phải kêu than, đó chính là kêu than về thái độ ích kỷ và yếu tin của chúng con mà thôi.
Lạy Chúa, Xin cho chúng con biết trân trọng đời sống gia đình và biết khám phá ra huyền nhiệm của Thánh Ý Chúa trong hôn nhân. Xin Chúa ngự trị trong gia đình chúng con, xin gìn giữ mọi người trong gia đình chúng con trong ơn nghĩa Chúa. Xin Chúa mang lại cho chúng con một tình yêu siêu nhiên, để chúng con luôn biết quảng đại với nhau và biết tin tưởng vào Chúa trong những lúc khó khăn của đời sống hôn nhân.
Bài 3 : Hoa Trái Của Thánh Thần
"Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần" (Mt 1,16).
1. Sự can thiệp của Thiên Chúa
Trong cuộc hôn nhân lạ lùng giữa thánh Giuse và Mẹ Maria, người ta thường tìm nhiều cách để giải thích cho hợp lý về thái độ của Đức Maria : dù đã kết hôn, nhưng Maria vẫn muốn giữ đồng trinh; cũng như thái độ của thánh Giuse : là người chồng của Đức Maria, nhưng vẫn chấp nhận cho vợ mình mang thai một cách lạ kỳ. Thật ra, các đoạn Kinh thánh về cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu, thiết yếu, là những văn bản thần học, nhằm diễn tả chân lý Đức Tin, chứ không muốn trình bày các sự kiện khách quan rõ ràng, hợp lý.
Như thế, chúng ta có thể thấy những điểm chính mà Thánh-ký muốn trình bày ở đây là : Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại qua cuộc hôn nhân này; và Đức Maria cũng như thánh Giuse là những người đã hoàn toàn rộng mở cuộc đời mình để cho Thiên Chúa có thể thực hiện chương trình cứu độ của Ngài.
Việc Đức Maria đã thụ thai không do quyền phép của Chúa Thánh Thần là dấu chỉ sự can thiệp dứt khoát và trọn vẹn của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại; Ngài không chỉ còn hướng dân bằng những lề luật và lời ngôn sứ, nhưng bằng hiện thân của vị "Thiên Chúa làm người"; Ngài không còn muốn ở trên Thiên Quốc để ban ơn trợ giúp, nhưng muốn đồng hành cùng con người trên con đường trở về Quê Thật; Ngài không xuê xoa tội lỗi của con người nhưng muốn tự mình gánh lấy ách tội lỗi đè nặng trên nhân loại.
Khi Thiên Chúa muốn can thiệp vào đời sống con người, Ngài cần những tâm hồn rộng mở, thuận thảo theo Thánh Ý Ngài. Ngài đã không lầm khi chọn Maria và Giuse để góp phần vào công trình của Ngài. Để có thể can thiệp vào lịch sử nhân loại, Thiên Chúa Thiên Chúa chờ đợi tiếng "xin vâng" nơi Đức Maria; và chờ đợi Giuse "làm như sứ thần Chúa dạy".
Khi Đức Maria nói tiếng "xin vâng", ngài hiểu rằng cuộc đời của mình từ nay thuộc về Thiên Chúa; thánh Giuse cũng vậy; đứng trước một hoàn cảnh "éo le"; ngài có thể đòi hỏi "quyền lợi" của mình; ngài có thể có nhiều lý do để hoài nghi sự sự kiện này là của Thiên Chúa; ngài sẽ tìm thấy rất nhiều luật lệ hậu thuẫn cho tính toán của mình. Tuy nhiên, dù tất cả những lý lẽ con người có đưa đẩy thế nào, Giuse đã nghe và đã tin vào lời Thiên Chúa; Giuse đã dám từ bỏ ý định của mình để tuân theo ý định của Thiên Chúa; từ bỏ tương lai của mình để đón nhận cuộc sống phục vụ cho Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.
2. Những tâm hồn rộng mở
Thánh Ý của Thiên Chúa làm đảo lộn cuộc sống con người. Ngôn sứ Isaia đã nói : 'nhưng Thánh Ý của Ngài vẫn luôn luôn là lòng yêu thương và phúc lộc cho con người. Chương trình của Thiên Chúa không phải là chương trình của loài người; Thánh Ý của Thiên Chúa vượt xa những tính toán khôn ngoan của con người. Khi người ta như ếch ngồi đáy giếng, người ta dễ loay hoay một cách luẩn quẩn trong những toan tính rồ dại của mình. Chỉ những tâm hồn nhận ra Thiên Chúa đang hoạt động trong cuộc đời mình, trong thế giới chung quanh mình, thì mới có thể vươn lên khỏi nhìn hẹp hòi và luẩn quẩn đó.
Đức Maria cũng như của thánh Giuse đã biết để cho Thiên Chúa làm việc trong cuộc đời mình; và hoa trái của Chúa Thánh Thần chính là Đức Giêsu. Đức Giêsu trở thành ý nghĩa cuộc đời Maria và Giuse; trở thành lý tưởng để hai ngài hiến dâng tất cả cuộc sống; là niềm vui và ơn phúc dành cho hai ngài. Cũng vậy, chúng ta không thể để cho Thiên Chúa làm việc nếu không rộng mở tâm hồn vượt qua "đáy giếng" của mình. Đã biết bao lần chúng ta phàn nàn vì Chúa đã không làm đúng ý của mình ! Đã bao lần chúng ta khăng khăng xin Chúa thực hiện những "sở nguyện" của mình ! và từ chối sự dẫn dắt của Ngài khiến chương trình của mình bị đảo lộn.
Bài 4 : Người Công Chính
"Ông Giuse, chồng bà, là người CÔNG CHÍNH và không muốn tố giác bà" (Mt 1,19).
Khi tường thuật thái độ của thánh Giuse trước sự kiện thụ thai "lạ lùng" của Đức Maria, thánh Matthêu đã gọi ngài là người công chính. Từ ngữ đó vắn vỏi, nhưng thật sự đã diễn tả được điều trọn vẹn đức tính chính yếu nơi thánh Giuse.
Các nhà chú giải thường cố gắng giải thích sự công chính của thánh Giuse dựa trên hành vi "không muốn tố giác" Đức Maria. Điều đó đúng nhưng chắc chắn là không đủ. Thực sự, công chính không phải chỉ là do một hành vi nào đó, nhưng thiết yếu là một trạng thái của tâm hồn, là một thái độ nền tảng của mọi hành vi, lúc này hay lúc khác của con người, nhất là sự công chính phải là một sự sẵn sàng đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình.
Sự công chính đích thực, trước tiên phải là một sự thành thực với chính mình, lắng nghe tiếng lương tâm và can đảm thi hành những gì lương tâm nói cho biết là chính đáng, là điều Thánh Ý Thiên Chúa. Đó là một sự công chính sâu xa trong tâm hồn chứ không phải chỉ là hành vi bên ngoài. Tin mừng nói rằng thánh Giuse không muốn tố giác...nên định tâm lìa bỏ cách kín đáo...Điều đó cho thấy thánh Giuse không hành động theo thói quen của người đời, theo phản ứng ích kỷ của lòng mình, theo sự tức giận vì bị mất mát, nhưng do sự suy nghĩ sâu xa và thành thực đi tìm cách giải quyết đúng đắn nhất.
Thứ đến sự công chính đích thực được tỏ hiện ra trong sự tôn trọng người khác. Thánh Giuse thực sự đã phải có một sự tôn trọng rất lớn đối với Đức Maria thì mới có thể tin nơi sự thụ thai huyền nhiệm của Đức Maria. Hoặc thánh Giuse không hiểu, nên cũng chẳng dám kết án Đức Maria cách võ đoán; hoặc ngài hiểu rằng có một huyền nhiệm trong việc thụ thai này, nhưng chưa biết phải xử trí thế nào; dù với giả thiết nào, ta cũng thấy được rõ ràng có một sự tôn trọng đặc biệt đối với Đức Maria, người mà thánh nhân đã kết hôn.
Sau cùng chính nhờ thái độ thành thực với chính mình, tôn trọng Đức Maria như vậy, nên thánh Giuse mới nghe được lời của Sứ thần và tin vào chương trình Thiên Chúa muốn thực hiện nơi người Bạn đời của mình. Sự công chính đích thực không là gì khác hơn một tấm lòng luôn mở rộng để đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa và can đảm và thi hành Thánh Ý Người. Thánh Giuse đã tin lời Sứ thần truyền và đón Đức Maria về nhà mình.
Cũng thế, khi Đức Maria sinh con ở Bêlem, được thiên thần báo mộng về mưu chước của Hêrôđê, thánh Giuse cũng tin và sẵn sàng đưa Mẹ và con lên đường trốn sang Ai-cập. Những điều đó cho thấy tâm hồn thánh Giuse luôn thẳng thắn, luôn rộng mở đón nhận sự thật; thái độ của ngài luôn sẵn sàng thi hành điều THIÊN CHÚA muốn và tinh thần của ngài luôn can đảm, ý thức trách nhiệm của mình một cách rõ ràng, mạnh mẽ.
Trong Cựu ước, sự công chính thường được hiểu là sự tuân giữ trọn vẹn lề luật; như chúng ta thấy đoạn Tin Mừng thánh Luca nói về ông Giacaria và bà Elisabét: "Cả hai ông bà là những người công chính trước mặt Thiên Chúa, đi theo đúng đường lối Người truyền dạy, không ai chê trách được điều gì" (Lc 1,6). Vì thế những người Do thái đua nhau giữ kỹ mọi lề luật cũng như những truyện của cha ông để mong đạt được đức công chính.
Trái lại, phản ứng của thánh Giuse không qui chiếu vào một điểm lề luật nào cả. Sự công chính của thánh Giuse không phải là sự "liêm chính" bình thường; đó không phải chỉ là tư cách : không gian dối, không lừa đảo, không trộm cướp; đó cũng chẳng phải lo tuân thủ lề luật một cách cứng nhắc như người Do-thái.
Sự công chính của thánh Giuse chính yếu là thái độ luôn mở lòng ra để đón nhận sự thật, ở đây nghĩa là sẵn sàng đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa. Dù Thánh Ý đó có vẻ khó hiểu, dù nếu chấp nhận Thánh Ý đó, đời sống có vẻ vất vả, dù Thánh Ý Chúa có trái ngược điều mình mong muốn, có làm đảo lộn tất cả dự định cuộc đời, Thánh Giuse vẫn thành thực và can đảm đón nhận trọn vẹn. Chính điều đó làm cho thánh Giuse trở nên mẫu mực của một sự công chính mới, một sự công chính không do nhận định của xã hội, không do qui luật nào của nhân loại, nhưng chỉ qui chiếu vào một mình Thiên Chúa mà thôi.
Cuộc đời chúng ta luôn có nhưng điều bất ngờ, trái ý, kỳ quặc, khó hiểu. Nếu chỉ suy nghĩ theo sở thích ích kỷ, hèn nhát của mình, chúng ta sẽ dễ dàng bực dọc, tức tối, phản kháng, chửi bới hoặc nguyền rủa cuộc đời. Tức tối như thế, thực ra chỉ là một cách đầu hàng cuộc đời, một cách tự dối lòng mình.
Trong cuộc đời cũng có những lúc các người chung quanh ta, người thân của mình, bạn bè của mình...lại không sống đúng như ta tưởng. Vì thần tượng nào rồi cũng có lúc bị sụp đổ hoặc sứt mẻ, người thân nào cũng có lúc ra như xa lạ. Nếu ta đóng cửa lòng lại, không còn muốn nghe sự thật, không còn muốn đón nhận một lời giải thích nào, ta sẽ chẳng có thể nhận ra được huyền nhiệm của mỗi con người và liệu mình kết án người khác theo lòng của mình.
Thánh Ý Thiên Chúa không phải lúc nào cũng hợp với ý thích của chúng ta. Nhờ sự công chính, thánh Giuse đã hiểu được điều đó, Người luôn sẵn sàng, mau mắn thi hành ý Chúa. Chúng ta cũng học với thánh Giuse để hiểu được cách thức Thiên Chúa muốn thực hiện chương trình của Ngài trong đời ta. Chỉ có một sự sẵn sàng lắng nghe ý Chúa mới có thể làm cho ta nên công chính, mới có thể giúp ta khám phá ra những điều huyền nhiệm của cuộc đời con người. Hãy để Thiên Chúa dẫn dắt cuộc đời ta qua những nẻo đường bất ngờ, từ đó ta mới có thể cảm nhận được tình yêu bao la của Chúa dành cho ta.
Bài 05 : Truyền Tin Cho Giuse
"Thiên thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông" (Mt 1,20).
Khởi đầu mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời, Đức Maria đã được Thiên Chúa mời gọi, khi Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến báo tin cho biết Thánh ý của Người (Lc 1,26-38). Đức Maria đáp lại bằng lời thưa "Xin vâng" trước lời mời gọi nhận sứ mạng cộng tác vào mầu nhiệm Nhập thể và cứu độ của Thiên Chúa.
Đức Giêsu nhập thể và thực hiện công cuộc cứu độ nhân loại: đó là Người thực hiện sứ mạng Người lãnh nhận từ Chúa Cha, "Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài" (Dt 10,9).
Thánh Giuse cũng được Thiên Chúa mời gọi ngay từ buổi đầu của công trình ấy; người cũng đã được Thiên Chúa mời gọi và trao sứ vụ. Sách Tin Mừng thánh Matthêu viết: "Này ông Giuse, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang bởi Chúa Thánh Thần" ( Mt 1.20).
"Hiện ra trong giấc mộng", "báo mộng", đó là những kiểu nói quen thuộc trong Kinh Thánh, tuy hơi xa lạ với chúng ta và cũng dễ bị chúng ta cho là chuyện vu vơ, ít có giá trị; những kiểu nói đó để chỉ một người được Thiên Chúa soi sáng, trao trách nhiệm. Đáp lại lời mời gọi đó thánh đã Giuse mau mắn thi hành: "Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như thiên thần Chúa dạy và đón vợ về nhà" (Mt 1,24). Thái độ cung kính lắng nghe lời Chúa và mau mắn thi hành sứ mạng đó còn kéo dài trong suốt cuộc đời của người, đặc biệt trong những biến cố quan trọng được Tin Mừng thuật lại: khi đưa Đức Giêsu đi trốn sang Ai-cập, ông Giuse "liền chỗi dậy, và đang đêm đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-cập" (Mt 1,14): khi được lệnh đưa Hài Nhi và Mẹ Người về lại đất Israel, "ông liền chỗi dậy đưa Hài Nhi và Mẹ Người về..."(Mt 1,21).
Đức Giêsu lãnh nhận sứ vụ từ Chúa Cha và Người đã tận lực thi hành cho đến những giây phút cuối cùng cuộc đời Người: "Mọi sự đã hoàn tất" (Ga 19,30). Những nhân vật đầu tiên trong nhân loại được Thiên Chúa mời gọi tham gia vào công cuộc cứu độ, Đức Maria và thánh Giuse, cũng đã tận tụy phục vụ mầu nhiệm các ngài được mời gọi cộng tác. Các ngài là những tấm gương cho các Kitô hữu, cho những người môn đệ của Chúa Kitô.
Cách riêng đối với thánh Giuse, "ngoài sự bảo trợ hữu hiệu của người, Hội Thánh còn tin tưởng vào mẫu gương đặc biệt của Người, không chỉ là tấm gương cho một bậc sống riêng biệt nào đó, nhưng được nêu lên trong tất cả cộng đoàn Kitô hữu, dù trong hoàn cảnh và trách vụ nào của mỗi người..."
"...thái độ nền tảng mà toàn thể Hội Thánh phải có, đó là thái độ cung kính lắng nghe lời Thiên Chúa" (Hiến chế Mặc Khải, số 1); thái độ đó là tuyệt đối sẵn sàng để trung thành phục vụ ý định cứu độ của Thiên Chúa, được mặc khải qua Đức Giêsu. Ngay từ lúc khởi đầu việc cứu độ con người, chúng ta đã thấy được, sau Đức Maria, mẫu gương vâng lời thể hiện nơi thánh Giuse, Đấng đã đặc biệt trung thành thực thi các luật điều của Thiên Chúa" (Tông huấn: Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế của ĐGH Gioan-Phaolô II, số 30).
Công đồng Vatican II đã soi sáng cho ta để ta ý thức rằng mình cũng được Thiên Chúa kêu gọi tham gia, lãnh nhận, thực hành và công bố mầu nhiệm cứu độ cho thế giới: "Giáo hữu được qui tụ trong Dân Thiên Chúa và làm thành một Thân Thể duy nhất của Chúa Kitô, dưới quyền một Đầu duy nhất; dù họ là ai, họ vẫn được kêu gọi dùng hết sức lực đã nhận lãnh do lòng từ ái của Đấng Sáng Tạo và do ân huệ của Đấng Cứu Thế để, như những chi thể sống động, phát triển và thánh hóa Hột Thánh không ngừng... Người giáo dân thông phần vào việc tông đồ của Hội Thánh, tức là làm cho mầu nhiệm Chúa Kitô được loan truyền ra khắp thế giới, và họ được đặc biệt kêu mời thi hành sứ vụ : "làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại..." (Hiến Chế: Ánh Sáng muôn dân, số 33)
Sứ vụ cao cả thật, cho thấy lòng Thiên Chúa yêu thương muốn cho chúng ta tham dự vào công trình của Người. Nhưng cũng không phải không có những khó khăn, không thiếu những lúc do dự và muốn thoái lui, chùn bước. Tuy nhiên, noi gương thánh Giuse, người đã "lắng nghe" tiếng gọi và mau mắn thi hành, bất chấp khó khăn, những người tín hữu môn đệ Chúa Giêsu cũng tin tưởng rằng nhờ ơn Chúa, nhờ gương sáng và sự bảo trợ của thánh Giuse, họ sẽ hoàn tất được lời mời gọi đón nhận mầu nhiệm Đức Giêsu, hoàn tất được sứ mạng trình bày Mầu Nhiệm Chúa Giêsu cho thế giới, cụ thể là cho những người chung quanh, những người họ có liên hệ họ hàng, làng xóm, nghề nghiệp...
Bài 6 : Người Thực Hiện Lời Hứa Của Thiên Chúa
"Này ông Giuse là con cháu Đa-vít" (Mt 1,20).
Việc Ngôi lời nhập thể và cứu chuộc là một giai đoạn và là một đỉnh cao trong một quá trình lâu dài Thiên Chúa hứa sẽ thực hiện ơn cứu độ. Sau khi con người sa ngã, tự ý lìa bỏ tình thân hữu với Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn không ngừng tạo cơ hội để con người trở về, không những thế, Người còn hứa sẽ tạo một cơ hội chót, một cơ hội có thể nói là tất cả những gì Người có thể làm được thì Người đã làm: Ngôi lời nhập thể nơi con người Đức Giêsu.
Suốt dòng lịch sử Cựu Ước, dân Israel hằng chờ mong một vị vua cứu thế sẽ giải phóng mình những cảnh ngộ không tốt. Mỗi lần có một vị vua lên ngôi là một lần niềm hy vọng lại bừng lên, mỗi lần quốc gia dân tộc gặp cơn nguy biến là mỗi lần niềm mong đợi lại được hâm nóng.
Chính vì thế, trong những câu chuyện truyền tin cho Đức Maria và thánh Giuse, các tác giả tin mừng không quên nhắc đến Đức Giêsu trong tương quan với dòng dõi vua Đa-vít. Khi truyền tin cho Đức mẹ, sứ thần Gáp-ri-en đã nói: "Người (Đức Giêsu) sẽ làm lớn và được gọi là con Đấng Tối Cao, và Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai Đa-vít, cha người; Người sẽ làm vua trên nhà Gia-cóp cho đến đời đời, và vương quyền của Người sẽ vô cùng vô tận !" Khi thuật lại chuyện thánh Giuse, thánh Matthêu cũng viết: "Này ông Giuse là con cháu Đavít !".
Trước đó, trong bản gia phả, thánh Matthêu cũng đã nhằm một mục đích là chứng minh Đức Giêsu, xét về phương diện con người, là con vua Đavít (x.1,1); thánh Matthêu chứng minh điều đó khi ông đặt thánh Giuse trong một bản gia phả khởi đầu bằng ông Abraham, người bắt đầu lịch sử cứu độ rồi tới vua Đavít và những vị vua nối tiếp, sau cùng đến thánh Giuse.
Trong suốt lịch sử đó, trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử dân Israel, Thiên Chúa vẫn trung thành gìn giữ cho dòng dõi của vua Đavít được tồn tại, có những lúc tưởng chừng như không còn một ai trong dòng dõi ấy.
Đọc lại Tin Mừng thánh Matthêu nói về thời thơ ấu của Đức Giêsu, trong hai chương đầu, ta thấy đầy dẫy những trích dẫn Cựu Ước, từ câu chuyện truyền tin cho thánh Giuse (1,23), cho tới việc Đức Giêsu ra đời (2,6). trốn qua Ai-cập (2,15.18) và trở về Na-da-rét (2,23). Thánh Matthêu muốn nói đến biến cố Đức Giêsu là đỉnh cao của một lời hứa Thiên Chúa vẫn giữ đối với dân của Người.
Thánh Giuse được tham gia vào việc hoàn tất lời hứa ấy. Nhưng cũng nên nhớ lại rằng: Thiên Chúa thực hiện lời hứa ấy không như con người vẫn mơ tưởng: Đây là một vị vua mà "nước của Người không thuộc về thế gian này" (Ga 18,36), một vị vua không lên ngôi để thống trị, nhưng để phục vụ như một người tôi tớ. Cha mẹ Người cũng không phải là những người giàu có, quyền thế trong xã hội, nhưng là những con người "nghèo", tức là những người hằng giữ lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, hy vọng nơi Thiên Chúa, đặt tất cả nơi Thiên Chúa.
Bài 7 : Tình Yêu Thanh Khiết
"Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu" (Mt 1, 25)
Thánh Giuse chăm sóc Đức Maria cho đến ngày Đức Maria sinh con mà "không ăn ở với bà". Trong suốt cuộc đời, chính một tình yêu thanh khiết đã giúp thánh Giuse can đảm chu toàn những nhiệm vụ khó khăn của mình đối với Đức Maria.
Chính nhờ tình yêu thanh khiết đó, Thiên Chúa đã có thể thực hiện công trình cứu độ trần gian. Chính nhờ tình yêu thanh khiết của thánh Giuse, Thánh Thần đã có thể làm cho cuộc hôn nhân đó nảy sinh những hoa trái siêu nhiên, biến tình yêu giữa hai người thành một mẫu mực của tình yêu vợ chồng, nghĩa là một tình yêu có Thiên Chúa ở giữa, có Thiên Chúa hiện diện để làm cho tất cả những gì còn chưa trọn vẹn của tình yêu nhân loại sẽ trở nên toàn hảo, để làm cho tất cả giới hạn của một gia đình nhân loại bình thường, sinh con rồi qua đi...trở thành trường tồn, trở thành nguồn ơn ích cho những người khác nữa.
Tình yêu nhân loại, tự nó, không đủ sức mang lại thỏa mãn cho niềm mong ước tuyệt đối của con người. Tình yêu đó dễ bị bao vây do tội lỗi, nên thường hay đóng kín trong chính mình, trong gia đình của mình, và dễ bị héo úa, khô cằn, mất đất sống. Thiên Chúa muốn can thiệp vào tình yêu nhân loại để làm cho tình yêu đó trổ sinh hoa trái thiêng liêng. Để được như vậy, con người cần để cho Thiên Chúa tham dự vào trong tình yêu của mình, cần để cho Thiên Chúa hoạt động hướng dẫn, và thông ban sức sống Thần linh của Ngài. Điều đó chỉ có thể có được nhờ một tình yêu thanh khiết, nghĩa là một tình yêu có sự tiết độ, từ bỏ, một tình yêu tôn trọng nhau, tôn trọng Thiên Chúa và hiểu rằng chính Thiên Chúa vẫn hiện diện trong tình yêu vợ chồng; một tình yêu luôn tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng chúc lành cho tình yêu vợ chồng, luôn tuân phục Thánh Ý Ngài để Ngài làm cho tình yêu nhân loại trở thành dụng cụ rao truyền tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Về phương diện tự nhiên, tất cả mọi thành tựu con người đều cần có một thứ khổ chế, một thứ kiêng cữ, hãm mìmh, từ bỏ nào đó.
Trong tình yêu vợ chồng, một thứ tình yêu cao quí nhưng cũng khá dòn mỏng, thì lại càng cần sự từ bỏ hãm mình hơn hết để tình yêu được vững mạnh. Sự từ bỏ đó, tỏ cho thấy sự tôn trọng lẫn nhau, kính trọng những hoàn cảnh, tâm lý cũng như những ước muốn của nhau. Nhưng hơn hết, sự từ bỏ đó còn có ý nghĩa là con người biết dành cho Thiên Chúa một khoảng trống để Ngài thực hiện chương trình của Ngài. Khi con người muốn làm tất cả, thành quả của con người sẽ chỉ quanh quẩn trong mức độ nhân loại. Nhưng, với tình yêu thanh khiết, tôn trọng nhau và tôn trọng những qui luật của đời sống hôn nhân, con người tin tưởng rằng chính Thiên Chúa cùng cộng tác với con người.
Trong Tông Huấn về đời sống gia đình, Đức Gioan Phaolô II nói: "Hội Thánh xác tín sâu xa rằng chỉ khi nào biết chấp nhận Tin Mừng người ta mới có thể bảo đảm thực hiện được trọn vẹn tất cả những gì mà con người đang hy vọng một cách chính đáng nơi hôn nhân và gia đình" (s.3). Trong số 32, tông huấn đó lại viết : "Khi đôi bạn, bằng cách thuận theo những thời kỳ không thụ thai, tôn trọng mối dây bất khả phân ly giữa hai mặt kết hợp và truyền sinh cho tính dục con người, họ đã coi mình là những "người thừa hành" ý định của Thiên Chúa".
Như vậy, chỉ có Thiên Chúa mới có thể bảo đảm cho tình yêu con người; và chỉ có một tình yêu thanh khiết trong đời sống vợ chồng mới có thể mở rộng tâm hồn con người cho Thiên Chúa hoạt động.
Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã muốn sinh ra làm con của nhân loại. Sự hạ mình của Chúa là một tình yêu không điều kiện, bởi vì Thiên Chúa yêu thương con người ngay khi con người là tội nhân.
Nhưng để đón nhận tình yêu Chúa, chúng con cần phải biết sống một tình yêu thanh khiết, để cho Chúa hoạt động trong cuộc sống hôn nhân cũng như trong mọi tình yêu nhân loại.
Chúng con thường tự hào mình có thể xây dựng cuộc sống tốt đẹp, tự mình có thể xây dựng tình yêu trọn vẹn. Nhưng đã bao lần chúng con thất bại ê chề. Rồi cũng có khi, trong lúc thất bại, buồn sầu, chúng con lại tưởng rằng trong nhân loại chẳng thể có một tình yêu thực sự được, rằng người ta chỉ nói với nhau những lời giả trá, trong lúc ngẫu hứng mà thôi.
Lạy Chúa,
Những thứ tình yêu như vậy nhuốm đầy tính tự nhiên ích kỷ của chúng con,
nó không phải là một tình yêu thanh khiết, nó đóng kín mình lại và không còn chỗ nào cho Chúa hiện diện cả.
Xin Chúa hướng dẫn tình yêu của chúng con, xin Chúa thâm nhập vào tình yêu của chúng con.
Xin Chúa biến tình yêu nhân loại chúng con thành tình yêu của Chúa.
Xin Chúa hãy sử dụng tình yêu của chúng con để bày tỏ tình yêu cao vời và ơn cứu độ của Chúa. Amen.
Bài 8 : Sự Cao Cả Của Chúa Trong Đời Thường
"Xẩy ra là đang khi ông bà ở đó, thì đã mãn những ngày thai nghén,
đến buổi lâm bồn, và bà đã sinh ra con trai đầu lòng" (Lc 2,6).
Khi Đức Maria mang thai, thánh Giuse đã băn khoăn, thắc mắc và tìm cách xử trí. Lúc này đây, khi bà Maria, bạn mình, sinh con trong một hang đá nghèo hèn, thì chắc hẳn thánh Giuse cũng hết sức băn khoăn thắc mắc, nhưng không phải thắc mắc về cách xử trí của mình, mà là về cách thức Thiên Chúa làm. Một hài nhi được hoài thai một cách lạ lùng trong lòng một trinh nữ, hài nhi ấy, cứ theo lẽ thường phải là Đấng Thiên Chúa dùng để làm nhiều điều lạ lùng cho Dân Người.
Thế mà giờ đây, bà Maria bạn mình lại không tìm được chỗ trọ, không tìm được một nơi ở xứng đáng cho Hài nhi mà Thiên Chúa đã giao sứ mệnh cao cả. Điều đó chắc hẳn phải là một thắc mắc lớn đối với Giuse trong lúc này. Nhưng ở đây cũng vậy, chúng ta thấy thánh Giuse chẳng nói một lời, không kêu than trách móc, không bối rối nghi nan gì cả. Trong sự im lặng huyền nhiệm của giờ phút lịch sử này, chắc hẳn thánh Giuse phải suy gẫm về đường lối của Thiên Chúa, và ngài hiểu rằng mầu nhiệm Thiên Chúa đã cất dấu từ muôn thủơ, nay lại được tỏ bày ra cho mình, mầu nhiệm cao cả với dáng vẻ bình thường mầu nhiệm cứu độ dưới dáng vẻ yếu ớt của một Hài nhi.
Thiên Chúa cao cả mà lại chấp nhận một hoàn cảnh éo le như vậy: sinh ra trong hang bò lừa, được sưởi ấm nhờ hơi thở của bò lừa. Điều đó vừa hết sức mâu thuẫn lại cũng vừa hết sức tuyệt vời. Vì Thiên Chúa đâu có cần những nhà cửa gấm vóc để tìm lại một chút gì an ủi. So địa vị Thiên Chúa mà Ngài đã dám lìa bỏ để trở thành một con người, thì sá gì những tiện nghi của cuộc sống con người. So với địa vị Thiên Chúa cao sang thì vàng bạc, châu báu, gấm vóc, lụa là cũng chẳng hơn gì bao nhiêu những nắm cỏ rơm, những hơi thở bò lừa.
Thiên Chúa đã muốn chọn một nơi khó nghèo để lại càng làm nổi bật sự cao cả của Ngài. Sự cao cả đó không phải do vàng bạc, châu báu, lụa là mang lại. Sự cao cả đó không là gì khác hơn tình thương bao la của Ngài đối với Dân Israel, đối với con người.
Suy gẫm về đường lối Thiên Chúa đã chọn để tỏ mình ra như vậy, chắc hẳn thánh Giuse và Mẹ Maria cũng hiểu được rõ hơn thân phận tôi tớ của mình. Vai trò cao cả mà Thiên Chúa đã giao phó cho mình cũng chẳng do điều gì khác hơn là tình yêu bao la của Chúa. Tất cả là hồng ân. Tất cả là tình yêu, và thánh Giuse hiểu rằng phải đón nhận tất cả hồng ân của Thiên Chúa trong một niềm tạ ơn sâu xa. Lời Đức Maria cất tụng Thiên Chúa: "Phận nữ tì hèn mọn. Người đoái thương nhìn tới !" Lời đó chắc hẳn diễn tả tâm trạng của hai người đúng đắn biết bao.
Thiên Chúa cao cả, mầu nhiệm được dấu kín từ bao thuở nay được tỏ bày cho con người; niềm mong ước bao đời của các thế hệ Dân Israel, giờ đây được bày tỏ ra trước mặt Giuse trong một con trẻ, bình thường như một con trẻ, trong một hoàn cảnh có lẽ còn bi đát hơn các hoàn cảnh bi đát khác. Mầu nhiệm đó chỉ có thể im lặng chiêm ngắm chứ không thể giải thích; mầu nhiệm đó chỉ có một sự phó thác hoàn toàn để ngài dẫn đưa, chứ không nhìn thấy được rõ ràng sáng sủa đường lối phải đi.
Thiên Chúa luôn luôn hành động như thế, Ngài không muốn nhẩy từ trên núi xuống cho mọi người trông thấy mà tin theo, Người không muốn biến cục đá thành tấm bánh để dùng cho đở đói. Ngược lại, Ngài muốn trở thành một người, cũng bị đau đớn khi chịu khổ hình, cũng run sợ khi thấy cô đơn, và cũng xin miếng ăn, thức uống nơi con người. Chúa Giêsu thực sự đã không chìu theo cơn cám dỗ lớn nhất của đời Ngài, đó là thi hành đường lối cứu thế vinh quang theo ý mình chứ không theo ý Thiên Chúa Cha.
Đường lối đó, lúc này đây, trong hang đá Bêlem, thánh Giuse cũng đứng chiêm ngắm, cũng học dần dần để hiểu đường lối của Chúa Cha khóc vì đường lối loài người. Đường lối của Chúa không dựa vào vinh quang bên ngoài, nhưng luôn kêu gọi người ta mở lòng ra để tin, để đón nhận Thánh Ý Chúa, để thực hiện Thánh ý cao cả của Người trong âm thầm, trong sự bình thường. Đó là mầu nhiệm của tình yêu bao la, tình yêu tặng không của Thiên Chúa mà thôi.
Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta phải làm những việc cao cả, lớn lao. Nhưng Thiên Chúa muốn chúng ta ý thức địa vị cao cả lớn lao của mình. Được làm con cái Chúa. Địa vị cao cả đó cũng đòi buộc chúng ta phải anh dũng thi hành những đòi hỏi của Đức tin ngay trong những việc hết sức nhỏ mọn, hết sức tầm thường hằng ngày. Chẳng cần phải rao báo một Thiên Chúa oai phong lẩm liệt, nhưng là một Thiên Chúa hiện diện âm thầm, nhỏ nhoi giữa loài người, một sự nhỏ nhoi đầy cao cả, một sự im lặng đầy huyền nhiện, một sự bình an, đơn sơ, mộc mạc, nhưng lại toát ra một sức mạnh chinh phục con người. Như thánh Giuse, người Kitô hữu mang Chúa trong lòng, mang mầu nhiệm lớn lao trong lòng, mang địa vị cao cả trong lòng. Điều đó kêu gọi mỗi người phải biết chiêm ngắm, phải biết tạ ơn, phải biết để cho lòng mình thấm nhuần tình yêu bao la của Chúa.
Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa vẫn ở trong lòng con, Chúa vẫn đồng hành với chúng con trong những lo toan cuộc sống, trong những khó khăn của nếp sống gia đình, trong những nỗi éo le, trớ trêu của cuộc đời.
Chúa hiện diện ở đó, nhỏ bé quá, đơn sơ quá, nên chúng con nhiều khi chẳng nhận ra. Từ nơi Chúa vẫn tỏa ra một sự bình an sâu xa mà chúng con chẳng cảm nhận được. Tình yêu nồng nàn của Chúa vẫn chiếu tỏa mà sao chúng con cứ cảm thấy đời bất hạnh.
Xin Chúa cho chúng con cũng có được niềm tin như thánh Giuse, để chúng con nhận ra sự hiện diện âm thầm của Chúa trong cuộc đời chúng con.
Bài 9 : Sứ Mệnh Cao Cả
Người Cha Nuôi Đấng Cứu Thế : "Ông phải đặt tên con trẻ là Giêsu" (Mt 1,21).
Khi làm phép cắt bì cho Hài Nhi Giêsu, thánh Giuse đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu, đó là tên duy nhất mang lại ơn cứu độ (Cv. 4,12) và ý nghĩa chính của tên ấy đã được tỏ cho thánh Giuse vào lúc "truyền tin" cho người : "Ông phải đặt tên cho Con Trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi" (Mt 1,21).
Khi đặt tên cho Hài Nhi theo dòng họ mình, thánh Giuse đã tỏ ra quyền làm cha hợp pháp của mình đối với Đức Giêsu, và, khi đặt tên đó, thánh Giuse công bố sứ vụ cứu độ của Hài Nhi" (Tông huấn Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế của ĐHG Gioan Phaolô II, số 12).
1.- Tên của một người là chính con người ấy.
Quan niệm của người Do thái và của cả chúng ta, coi trọng tên của một người, nhất là khi phải mở miệng đọc tên của Thiên Chúa, người Do thái đã đọc tránh đi. Làm như thế là họ tôn trọng chính tên gọi của Người, cũng giống như chúng ta khi tôn trọng một người trên, ta gọi người ấy theo chức vụ, tên thánh hoặc họ của người ấy thay vì chính tên tục.
Vâng lệnh thiên thần truyền mà đặt tên cho Đức Giêsu, thánh Giuse cũng là vâng lệnh Thiên Chúa để đón nhận Đức Giêsu vào trong xã hội, vào trong gia đình nhân loại; thánh Giuse vâng lệnh Thiên Chúa để giữ vai trò nuôi nấng dưỡng dục Đức Giêsu trong cuộc đời trần gian.
Ở đây, chúng ta thấy nổi bật thái độ vâng phục Thiên Chúa: Đức Giêsu đã" vâng phục chúa Cha cho đến chết, chết trên thánh giá" (Pl 2.6-11), Đức Maria cũng đã vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa khi người thưa với sứ thần:" Tôi là tôi tá Thiên Chúa, xin thực hiện cho tôi như lời người nói" (Lc 1,38). Chính thánh Giuse, không phải bằng lời nói, nhưng bằng thái độ bằng việc làm, đã tỏ thái độ vâng phục đối với Thánh ý Thiên Chúa. Cả ba vị, ở đầu công trình nhập thể, cứu chuộc, đã nêu tấm gương sáng chói về Đức vâng phục Thánh ý Thiên Chúa cho mỗi người tín hữu trong Hội Thánh.
2. Tên "Giêsu" nói lên sứ mạng của Người: cứu dân Người thoát khỏi tội lỗi (Mt 1,21).
Khi đặt tên cho Hài Nhi Giêsu, thánh Giuse đưa Hài Nhi vào thế giới, có một tên gọi để có thể xác định được trong nhân loại: hơn thế nữa, tên ấy còn mang theo một sứ mạng lớn lao là cứu thoát nhân loại. Vì thế đặt tên cho Hài Nhi cũng chính là công bố mầu nhiệm cứu độ ấy.
Cũng cần suy gẫm thêm điều này: Đức Giêsu đã thực hiện công trình cứu thoát nhân loại bằng con đường hạ mình hoàn toàn, như thánh Phaolô đã ghi lại trong một bài thánh thi cổ kính:
"Người vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa
Nhưng đã làm cho mình hoá ra không, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân,
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã suy tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu,
Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quì: và mọi loài phải mở miệng tuyên xưng: "Đức Giêsu Kitô là Chúa"
để tôn vinh Thiên Chúa Cha." (Pl.2,6-11)
Tên mà thánh Giuse, vâng lệnh thiên thần truyền, đặt cho Đức Giêsu, nay đã trở thành một Danh Hiệu khiến muôn loài trong vũ trụ phải xưng tụng, trở nên Danh Thánh mang lại ơn cứu độ cho mọi người, ngoài ra, "không có một Danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để nhờ vào đó mà nhân loại được cứu độ" (Cv.4,12). Hành trình công bố Tin mừng cứu độ của Đức Giêsu của người Kitô hữu không thể không lấy gương vâng phục của Chúa Giêsu, của Đức Maria và thánh Giuse làm mẫu mực.
Bài 10 : Can Đảm Và Sẵn Sàng Tuân Phục
"Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như điều Chúa dạy" (Mt 1,24)
Cộng tác vào công trình cứu độ là một vinh dự. Thánh Giuse đã được vinh dự che chở gia đình thánh, được danh dự bồng ẵm, dưỡng dục Đức Giêsu... Nhưng niềm vinh dự đó không chuẩn chước cho người khỏi gặp phải những do dự, âu lo và sợ sệt:
1. Khi đính hôn với Đức Maria và được biết mầu nhiệm cứu độ cao cả, thánh Giuse đã lâm vào tình trạng do dự, không dám đón nhận một mầu nhiệm, một sứ vụ mà người thấy mình không xứng. Và chỉ tới khi được Thiên Chúa mặc khải cho biết thánh ý của Người, thánh Giuse mới can đảm đón nhận Đức Maria cùng với tất cả mầu nhiệm Thiên Chúa đang thực hiện (Mt 1,19-21)
2. Khi tuân hành sắc chỉ của hoàng đế, thánh Giuse đưa Đức Maria từ thành Nagiarét lên xứ Giuđê, để đăng ký kiểm tra dân số. Trong biến cố này, thánh Giuse đã được chiêm ngưỡng Hài Nhi Giêsu chào đời, trong cảnh nghèo khó, bên những người mục đồng khiêm hạ. Nhưng cũng lúc đó, thánh Giuse lại tin rằng người con bé bỏng, ra đời nơi nghèo hèn này là "Đấng Cứu Thế" là "Đấng được Thiên Chúa xức dầu", tức là Chúa của nhân loại và là Chúa của mình (Lc 2,1-20)
3. Tám ngày sau khi Hài Nhi chào đời, thánh Giuse đã làm phép cắt bì cho Hài Nhi, theo đúng như Lề Luật tôn giáo dạy (Lc 1,21). Dẫu biết Đức Giêsu là Chúa, có quyền trên vũ trụ, trên mọi Lề Luật, nhưng thánh Giuse vẫn tuân hành mọi nghi thức Lề luật truyền dạy, để Đức Giêsu thành một con người như mọi con người trong nhân loại, trở thành Đấng "không phải không thể cảm thông với nỗi yếu hèn của ta, song là Đấng đã dãi dầu thử thách, giống anh em Người mọi sự, ngoại trừ tội lỗi" (Dt.4,15). Đến ngày Luật dạy phải dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa (Xh.13,2-12; Lv.12,8; 5,7...), thánh Giuse đã cùng với Đức Maria đưa Hài nhi Giêsu lên đền thờ Giêrusalem để tiến dâng Người cho Thiên Chúa, đem theo lễ vật của người nghèo mà chuộc lại. Cũng trong dịp này, thánh Giuse đã cùng với Đức Maria, những chứng nhân đầu tiên, được nghe những lời ngôn sứ nói về Hài Nhi và sứ mạng của Hài Nhi sau này. "Hai ông bà kinh ngạc", không nói và chỉ biết thinh lặng gẫm suy trong lòng tin. ( Lc 2,22-38)
4. Khi mầm ơn cứu độ có nguy cơ bị hủy diệt vì sự tàn ác và vì lòng ham hố của con người, thánh Giuse đã mau mắn tuân hành ý Thiên Chúa, để gìn giữ và bảo vệ mầm mống ấy cho thế giới. Người đã đưa Hài Nhi và Mẹ người trốn đi giữa ban đêm, sang Ai-cập và ở lại đó cho tới khi vua Hêrôđê, người tìm giết Hài Nhi, qua đời. Sau đó,người lại vâng lệnh Thiên Chúa, đưa Hài Nhi và Mẹ Người về Israel, lập cư tại thành Nagiarét. (Mt 2,13-23)
5. Khi Đức Giêsu lên mười hai tuổi, thánh Giuse đã đưa Người hành hương Đền Thờ Giêrusalem như thói quen một người Do-thái đạo đức vẫn làm. Thánh Giuse hướng dẫn Đức Giêsu sống tâm tình tôn thờ Thiên Chúa trong dân tộc, trong thời đại của Người (Lc 2,41-50)
Có thể tóm tắt cuộc đời của thánh Giuse theo như lời thánh Luca ghi lại : "Đức Giêsu theo cha mẹ trở về Nagiarét và hằng vâng phục các ngài" (Lc 2,51). Cả một đời thánh Giuse là một đời trong lòng tin. Không sống trong lòng tin sao được khi người con trước mặt người, người biết đó là Chúa, là Đấng Cứu Độ nhân loại và cứu độ cả mình nữa, nhưng đồng thời Người cũng lại phải chăm sóc, nuôi dưỡng và đón nhận cả sự vâng phục của người con đó nữa. Sống đức tin giữa những suy nghĩ, do dự, lo âu và cả sợ sệt, nhưng khi đã biết trước ý Thiên Chúa, thánh Giuse can đảm và mau mắn thi hành.
Bài 11 : Thiên Chúa Hiện Diện Giữa Lòng Cuộc sống
"Ông Giuse thuộc xứ Galilê cũng từ thành Nagiarét lên xứ Giuđêa, tới thành Đavít gọi là Bêlem, vì ông thuộc về nhà và dòng họ Đavít để khai tên sổ bộ với Maria đã đính hôn với ông hiện đang mang thai" (Lc 2,4-5)
Nghe lời thiên thần báo mộng, thánh Giuse đã đón Maria về nhà và chẳng bao lâu, sau đó, Giuse đã gặp phải thử thách đầu tiên trong sứ vụ mới: "Hoàng đế César Augustô ra chiếu chỉ kiểm tra dân số... ai nấy phải về nguyên quán để khai tên tuổi".
Một sắc chỉ vua ban hành, thế là cả một quốc gia xôn xao náo động. Bao nhiêu quan chức tất bật với giấy tờ, sổ sách , gìn giữ an ninh; người dân thì tất bật với trăm công nghìn việc, bao nhiêu công việc phải bỏ dở, bao nhiêu toan tính phải hoãn lại, bao nhiêu công việc phải sắp xếp: nhà cửa, vật dụng đi đường, quần áo, hành lý, người thân... Quyền bính và ảnh hưởng của một vị vua quá rõ ràng, ai cũng nhận thấy được.
Còn Giuse, trong những bước đầu của một sứ vụ mới, chắc hẳn ngài cũng có chút ngỡ ngàng. Giờ đây không còn là một thanh niên độc thân, tự do, nhẹ gánh, thoải mái, nhẹ nhàng, nhưng là một người chồng và sắp sửa là một người cha. Có biết bao nhiêu công việc phải lo toan đối với một người mới làm chồng và sắp sửa làm cha như vậy. Tuy nhiên với tinh thần của một thanh niên trai trẻ, chắc hẳn thánh Giuse cũng chu toàn được những công tác đó như bao nhiêu người thanh niên khác. Nhưng ở đây, thử thách thách đầu tiên của thánh Giuse không phải là một thử thách về sự khôn khéo, không phải là thử thách về sức chịu đựng gian khổ, nhưng là một thử thách của lòng Tin. Giuse đã tin lời thiên thần truyền và đã lãnh nhận sứ vụ, rồi chẳng mấy chốc, sứ vụ đó đã đòi buộc Giuse phải cất bước lên đường.
Ngay những bước đầu của sứ vụ, Giuse đã cảm nhận được rằng đây chẳng phải là một công việc đầy vinh quang hay dễ dàng sung sướng gì. Thiên Chúa đã trao cho Giuse trách vụ bảo bọc cho Mầu nhiệm cao cả đang diễn ra nơi người bạn đời của mình, che chở gìn giữ cho Đấng Cứu Tinh trong lòng người vợ của mình. Và mầu nhiệm cao cả đó nay đang bị tác động cho thế lực của vua chúa trần gian, Đấng Cứu Tinh của Dân tộc nay như đang chịu sự khuất phục luật lệ, quyền bính của vua chúa. Mầu nhiệm đó sâu kín quá nên cũng tỏ ra bình thường quá, chẳng ai nhận ra được, ngược lại một sắc chỉ của vua thì đã làm đảo lộn bao nhiêu toan tính của mình rồi.
Trên bước đường hành trình xa xôi đó, chắc hẳn Giuse phải suy nghĩ về sự nghịch thường như vậy và nhờ đó ngài có thể hiểu được rằng, bên dưới những lao xao của cuộc sống vẫn có huyền nhiệm của Thiên Chúa âm thầm lên lên; bên dưới những thế lực, quyền bính của vua chúa trần gian, còn có sự hiện diện của Đấng Cứu Tinh cho cả thế giới, dù rất nhỏ bé, dù rất âm thầm, rất kín đáo. Dưới cái nhìn của bao người, người ta chỉ thấy có những khó khăn, những vất vả và có thể bực tức, hằn học, người ta chỉ có thể thấy được ảnh hưởng của thế lực trần gian, thì với con mắt Đức tin, thánh Giuse nhìn ra được kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đang thể hiện ngay trong những toan tính, những lao xao của người đời.
Như thế, đang khi vua chúa trần gian lo củng cố quyền bính, đang khi bao người khác chỉ biết chịu khuất phục và tuân theo quyền lực của trần gian, thì thánh Giuse lại hiểu được rằng mình đang phục vụ quyền bình trên trời. Và khi lo lắng chăm sóc cho Mẹ Maria đang mang thai, thánh Giuse hiểu rằng mình đang thi hành một sứ vụ của Chúa ở giữa lòng đời, ở dưới những lao xao nhộn nhịp của cuộc đời. Sống giữa cuộc đời, nhưng Giuse, giờ đây, đã là người của Chúa; thi hành công việc trần gian,nhưng Giuse lại thực sự đang thi hành sứ vụ Chúa trao cho.
Ơn cứu độ của Thiên Chúa không phải để dành cho những người sống ở trên mây, lâng lâng thoát tục, không vướng bận công việc trần thế. Ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho mọi người, đặc biệt là những người "đang vất vả mang gánh nặng nề" (Mt 11,28). Ơn cứu độ không tách biệt người ta ra khỏi thế gian, không miễn chước cho khỏi những lo âu tính toán. Chúa Giêsu sai các môn đệ vào trần gian nhưng lại không thuộc về trần thế. Cũng vậy, người Kitô hữu phải đảm nhận công việc trong chức bậc của mình.
Tuy nhiên, người Kitô hữu không hoàn toàn là người trần gian, vì họ, như thánh Giuse, nhìn thấy trong trần gian có sự hiện diện của Chúa. Khi thi hành công việc trần gian: làm việc, xây dựng gia đình, tìm kiếm miếng cơm manh áo ...Người Kitô hữu cũng hiểu rằng mình đang đưa Chúa trong cuộc đời. Thiên Chúa tỏ hiện cách bình thường, đôi khi thật khiêm tốn, nhỏ bé, bình thường, đó lại thật sự là Đấng chi phối nhân loại chứ không phải một thế lực nào khác. Chỉ có một lòng tin tưởng như thánh Giuse mới có thể giúp ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong dáng vẻ bình thường như vậy. Chỉ có một lòng tin như thánh Giuse mới giúp chúng ta không hoàn toàn bị tác động do các biến cố xảy ra bên ngoài, dù những biến cố long trời lỡ đất đi nữa, vì thực sự trong mọi biến cố, đều có sự hiện diện của Chúa,và chính Chúa lại dùng những biến cố đó để thực hiện chương trình của Ngài.
Thiên Chúa hoà nhập vào trong lòng đời. Người tông đồ của Chúa sẽ được Chúa thúc dục để mãi mãi lên đường, dám từ bỏ những cái gì là của riêng mình, công việc, niềm vui, hay bất cứ điều gì, để tiến bước vào trong những điều có Chúa, những điều nằm trong chương trình cứu độ của Chúa. Thiên Chúa vẫn luôn cùng chúng ta tiến bước trên đường đời. Như thánh Giuse, chúng ta cần phải biết chiêm ngắm, tin tưởng để ủng hộ cho chương trình của Ngài được thể hiện trọn vẹn.
Lời nguyện
Lạy Chúa, nhiều lần chúng con
than van rằng mình quá bận rộn lo chuyện gia đình,
lo miếng cơm manh áo cho chồng, cho vợ. cho con,
và chúng con tự bào chữa rằng
mình không rảnh rang để lo việc Chúa.
Chúng con vẫn mang cảm tưởng công việc của Chúa
là những gì khác công việc chúng con làm.
Chúng con xin Chúa "thông cảm"
vì đã trót mang gánh nặng gia đình, xã hội...
Thánh Giuse cũng lo chuyện gia đình,
nhưng đó thực sự lại là công việc của Chúa.
Điều đó chắc hẳn chúng con noi gương Ngài được chứ.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng
chẳng có công việc nào của Người Kitô hữu
lại không phải là công việc của Chúa trao phó,
để từ đó, cũng với những công việc thường ngày,
nhưng chúng con lại thi hành như là người của Chúa,
để chúng con hết mình làm việc với lòng hăng hái của Chúa,
để chúng con biết yêu thương gia đình, làng xóm
bằng chính tình yêu của Chúa như thánh Giuse vậy.
BÀI 12 : QUYẾT TÂM BẢO VỆ CHÚA
"Ông Giuse liền chỗi dậy, đưa con trẻ sang Ai Cập" (Mt 2,13)
Trong biến cố Giáng sinh của Chúa Giêsu, ta thấy có nhiều thái độ khác nhau: những người mục đồng đơn sơ, nghe lời thiên thần báo tin tuốn đến thờ lạy, các vị đạo sĩ từ phương xa đến dâng lễ vật cho Hài Nhi; những người chủ quán từ chối đón rước Hài Nhi trong lòng Mẹ Maria; Hêrôđê sợ mất ngôi vua, lập mưu giết Chúa; các nhà thông luật Do thái học hỏi Kinh Thánh, biết được nơi Chúa sinh; Mẹ Maria trầm lặng trước mầu nhiệm cao cả trong lòng mình và thánh Giuse hết lòng tận tụy che chở cho Hài Nhi. Môt loại người có một cách phản ứng riêng, tuỳ theo tấm lòng của mình trước biến cố Đấng Cứu Tinh giáng thế, những cách phản ứng đó không phải tình cờ, ngẫu nhiên, nhưng chính là thái độ nền tảng của mỗi người.
Những thái độ đó bộc lộ cho thấy rõ ràng con người của mìnhmột cách sâu xa. những mục đồng đơn sơ dễ dàng nghe thiên thần loan tin; các đạo sĩ khao khát chân lý thì sẽ phải lên đường tìm kiếm; Vua Hêrôđê chỉ lo giữ địa vị của mình thì đương nhiên phải tiêu diệt những gì có thể de dọa đến ngai báu; các người chủ quán lo tính toán lợi lộc chẳng thể đón nhận một ai vào nhà mà không thu được đồng nào; các nhà thông luật chỉ biết lời Chúa trong trang sách thì chỉ mãi mãi cắm đầu vào trang sách, không thể nào cất bước lên đường khám phá điều mình đã đọc trong sách ...Và thái độ của Giuse và Maria, hai ngài đang đứng trước cánh cửa huyền nhiệm nên âm thầm chiêm ngắm và dùng hết sức mình để bảo vệ mầu nhiệm cao cả mà mình đã cảm nhận được.
Điều Đức Maria và thánh Giuse nhận thấy trong mầu nhiệm cao cả này là: Thiên Chúa cao cả xuất hiện một cách quá bình thường, quá mỏng manh, yếu ớt; mầu nhiệm cao cả đó của Thiên Chúa đang cần tới bàn tay và khả năng tầm thường của mình. Mẹ Maria sau khi sinh con, lấy tã quấn Hài Nhi cho ấm, nhẹ nhàng đặt trên máng cỏ để Hài Nhi có được một chỗ nằm; thánh Giuse lo tìm chỗ cho Hài Nhi sinh ra, Ngài đã tìm thấy được một hang dành cho súc vật, và khi thấy ngay cả chiếc hang này, người ta cũng chẳng muốn dành để cho Chúa, thì Ngài lại đưa con trẻ trốn sang Ai cập.
Thiên Chúa là chủ tể đất trời, nhưng Ngài lại xuất hiện quá bé nhỏ, quá yếu ớt, mỏng manh. Lòng yêu mến, trân trọng mầu nhiệm đã giúp các ngài nhận ra điều gì phải làm trong lúc này: phải bảo vệ Chúa. Thiên Chúa là Đấng uy quyền, nhưng Ngài lại cần tới sự giúp đỡ của con người. Đó thực là một đường lối tỏ mình ra lạ lùng của Thiên Chúa. Người không đương nhiên tỏ bầy sức mạnh quyền uy khiến người ta phải run khiếp hãi hùng. Ngài muốn con người được góp phần vào cách thế tỏ hiện của Ngài. Ngài muốn có bàn tay con nguời cùng cộng tác để Ngài được tiếp tục hiện diện với con người, để Ngài được lên trong lòng con người. Thiên Chúa chẳng vương vãi những hạt ngọc cho những người không biết giá trị và có thể giơ chân dày đạp. nhưng Ngài đến như một hạt mầm, Ngài kêu gọi mỗi người chăm sóc hạt mầm đó, vun tưới chăm lo cho hạt mầm đó được mọc lên và sinh hoa kết quả. Sáng kiến cứu độ là của Chúa quyền năng để thực hiện ơn cứu độ cũng chỉ là Chúa, thật vinh dự cho con người biết bao khi Thiên Chúa lại muốn đặt quyền năng của Ngài vào tay con người, để chính con người đồng trách nhiệm với Thiên Chúa trong công trình cứu độ này.
Hạt mầm ơn cứu độ được Thiên Chúa gieo vào trần gian, nhờ thánh Giuse và Mẹ Maria chăm sóc. Hạt mầm đó Thiên Chúa gieo vào lòng mỗi người mỗi người chúng ta, và Ngài cũng muốn nhờ tới bàn tay của chúng ta để bảo vệ Ngài, để chăm sóc cho Ngài. Người ta chẳng thể nào đón nhận được hạt mầm đó, nếu như tất cả cuộc đời chỉ lo đi tìm tiền bạc, tính toán lời lỗ; người ta sẽ chẳng gặp những hạt mầm đó nếu như họ không chịu bước ra khỏi chiếc tháp ngà của sách vở của kiến thức để gặp thấy Thiên Chúa sống động, an bình nhay trong dáng vẻ bề ngoài của nhưng người ta gặp được. Người ta sẽ giết chết hạt mầm đó khi cảm thấy tiếng nói của Thiên Chúa làm cho mình bị mất hết tự do, mất địa vị, mất danh giá...
Muốn đón nhận Thiên Chúa và để Ngài chiếm hữu lòng ta, người ta chỉ có thể học hỏi sống theo thái độ của thánh Giuse và Mẹ Maria: nhận ra mầu nhiệm của ơn cứu độ đang ở ngay trong lòng mình và ra sức bảo vệ mầu nhiệm đó bằng tất cả sức lực của đời mình. Thiên Chúa chẳng chịu là một phần của đời mình, dù là một phần lớn đi nữa. Thiên Chúa phải là tất cả, Thiên Chúa phải chiếm hữu trọn vẹn con người. Như thế không có nghĩa là người Kitô chẳng cần phải làm việc, xây dựng gia đình, cải tạo thiên nhiên, cộng tác với người khác... Và đó cũng chẳng phải là một tình cảm ướt át nhớ thương, khóc lóc nhưng chính yếu là chọn lựa căn bản của tâm hồn. Và khi đã chọn Chúa là nền tảng người ta sẽ cùng với Ngài xây dựng thế giới, củng cố gia đình, giáo dục con cái...
Tất cả là vì Thiên Chúa, nhờ Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Phải cất xa khỏi lòng mình những đam mê phóng đảng vì nó sẽ giết chết dần Thiên Chúa trong lòng. Phải loại bỏ những gian dối, bất cố, vì Thiên Chúa chẳng thể vào ngự trong tâm hồn chỉ biết tính toán lo toan ích kỷ. Phải biết ra khỏi thái độ an tâm giả tạo, tự kiêu vì tôn giáo, vì gia đình hay tài năng của mình, vì nó không thể nào đưa ta tới cõi miền thâm sâu nơi Chúa ngự trong lòng ta được.
Thiên Chúa cần ta bảo vệ cho Ngài, chẳng phải vì có điều gì có thể mạnh mẽ hơn Ngài, nhưng chỉ vì nếu ta không chống lại tội lỗi và những mầm mống của nó trong lòng mình, thì Thiên Chúa chẳng thể ngự trị ở đó để ban ơn cứu độ cho ta được.
Lời nguyện
Lạy Chúa, có phải vì chúng con quá coi thường địa vị làm con cái Chúa nên chúng con mãi mãi vẫn chưa trở nên một Kitô hữu chân chính ? Có phải vì chúng con đã đặt nhẹ Thiên Chúa hơn sự việc trần gian, đã coi thường những hồng ân của Chúa hơn sự giúp đỡ của người đời, đã bận tâm tới sự an toàn sung sướng của con hơn là sứ vụ Chúa trao phó, và biết đâu trong cuộc đời, chúng con cũng đã có lần từ chối đón Chúa về nhà, từ chối ra khỏi tháp ngà của lòng con để lên đường gặp Chúa; và biết đâu cũng có lần chúng con đã lập mưu giết Chúa trong lòng con ?
Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy rõ thái độ nền tảng của chúng con. Xin cho chúng con thấy rõ mình thuộc hạng người nào khi đối diện với mầu nhiệm cứu độ của Chúa. Để chúng con cũng học được tấm gương của thánh Giuse mà hết lòng hăng say bảo vệ hạt mầm của Chúa trong lòng chúng con.
Bài 13 : Trở Về Đất Hứa
"Sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Thiên Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai-Cập" (Mt 2,19).
1. Người bảo trợ cho cuộc sống trần gian
Do sự ghen tương, đố kỵ của các anh em mà tổ phụ Giuse, con ông Gia-cóp, đã bị bán sang Ai-cập. Nhưng ở đây, ông lại leo đến tột đỉnh danh vọng, được làm thừa tướng của vua Ai-cập, nắm quyền cai quản tài sản trong nước và có thể trợ giúp được gia tộc của mình trong thời gian đói kém.
Thế nhưng, tại Ai-cập, dù uy thế của Giuse có to lớn đến đâu đi nữa, ông cũng không thể mãi mãi bảo bọc cho gia tộc. Và cũng chính vùng đất Ai-cập, vùng đất của sự trù phú, của của nền văn minh rực rỡ của con người, cuối cùng lại trở thành vùng đất lưu đày. Giavê đã muốn giải cứu Dân của Ngài ra khỏi vùng đất lưu đày này và Ngài đã chọn Maisen làm vị thủ lãnh để giải cứu Dân.
Khi thuật lại trình thuật Thánh Giuse đưa Chúa Giêsu ang Ai-cập để lánh nạn, thánh Matthêu đã trích lời ngôn sứ Osê: "Ta đã gọi Con Ta từ Ai-cập trở về" để nói lên rằng chính Đức Giêsu thực sự là Dân Mới của Thiên Chúa. Dân Israel xưa chỉ là hình bóng của Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu cũng đã bị lưu đày trên đất Ai-cập, quê hương của trần thế, vùng đất của những thành tựu con người. Vùng đất đó đã nuôi sống Dân Israel xưa kia, và cũng đã cứu Đức Giêsu khỏi bàn tay của Hêrôđê lúc này. Đức Giêsu đã muốn chia sẻ thân phận con người ở trần gian, ngài muốn nhận lấy tất cả những tội lụy của con người như Dân Israel xưa bên Ai-cập. Nhưng rồi cuối cùng, chính Thiên Chúa sẽ giải cứu, dẫn đưa vào vùng Đất Hứa.
Trong cuộc hành trình này, thánh Giuse vừa thể hiện vai trò của tổ phụ Giuse trước kia, vừa góp phần để Maisen Mới, là Đức Giêsu, đưa Dân Chúa vượt qua nơi lưu đày để trở về Đất Hứa. Thánh Giuse là người được Thiên Chúa tuyển chọn để bảo bọc cho ý định cứu độ của Thiên Chúa; ngài nuôi dưỡng Đức Giêsu trong thời gian sống thân phận con người; đồng thời ngài cũng góp phần chuẩn bị để Đức Giêsu thi hành chương trình giải phóng con người.
2. Người mở lối về vùng "Đất Hứa"
Thánh Giuse đã đưa Chúa Giêsu trốn sang Ai-cập, rồi đã được sứ thần gọi để lại đưa Chúa Giêsu trở về; đó cũng là vai trò của thánh Giuse trong lịch sử cứu độ của mỗi người chúng ta. Chúng ta bước vào đời, sinh sống, làm ăn, bôn ba đây đó, đổ mồ hôi, vắt trí não để thực hiện cuộc đời của mình. Trong cuộc sống lao động vất vả đó, thánh Giuse có thể hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Mẫu gương chăm chỉ lao động, mẫu gương của một người sống hết mình để bảo bọc cho Đức Giêsu trong cuộc lưu đày sang Ai-cập thực sự là một mẫu gương cho cuộc sống trần thế của chúng ta. Nhất là khi chúng ta cũng cảm nhận được rằng, trong tất cả những bon chen tính toán, trong tất cả những kế hoạch, chương trình cho cuộc đời mình, hình như một điều quan trọng nhất, rốt cùng, lại là một điều gì đó nhỏ nhoi, nhen nhúm âm thầm trong lòng mình. Phải chăng đó là hình ảnh Đức Giêsu ? là tác động của Chúa Thánh Thần ? là hạt mầm cứu độ vẫn âm thầm mọc lên giữa những lo toan tính toán của con người ?
Chính thánh Giuse đã được Thiên Chúa chỉ định để trở nên "người làm vườn", người ươm mầm cho hạt giống cứu độ đó âm thầm mọc lên trong tâm hồn. Chính thánh Giuse có thể giúp chúng ta biết thế nào là vâng nghe Thánh Ý Chúa, đâu là điều cần phải làm để nuôi dưỡng sự sống của Chúa như hạt cải trong lòng mình. Noi gương thánh Giuse, chúng ta cũng phải trung tín cùng Thiên Chúa trong cuộc sống trần thế, bám sát vào Chúa Giêsu trong cuộc đời. Đức Giêsu vẫn có đó trong cuộc đời ta. Ngài có thể còn rất nhỏ, rất yếu ớt trong ta. Nhưng Ngài cũng mong muốn được lớn lên.
Hơn nữa, thánh Giuse theo lời sứ thần, đã đưa Chúa Giêsu trở về Đất Hứa. Ngài cũng muốn đưa dẫn cuộc sống trần thế của chúng ta trở về với vùng trời của Thiên Chúa. Cuộc sống này là một cuộc lưu đày, cho dù cuộc lưu đày này cũng có những giá trị của nó. Cuộc sống trần gian không phải là hoàn toàn vô nghĩa, vì Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa cũng đã muốn chia sẻ cuộc sống đó với con người.
Nhưng cuộc sống trần gian không phải là tất cả, đó không phải là quê hương đích thực của con người. Cuộc sống trần gian phải hướng tới vùng trời mà Thiên Chúa hứa ban. Trong cuộc hành trình này, chỉ có Đức Giêsu là hạt mầm cứu độ đã được gieo vào trong lòng đời và lòng mỗi người mới có thể mang lại ơn giải thoát cho con người mà thôi. Nhưng Thiên Chúa lại muốn thánh Giuse cùng cộng tác vào chương trình đó. Thiên Chúa muốn dùng những con người trung tín, tận tụy để góp phần vào chương trình của Ngài.
"Hãy đến cùng Giuse", lời của vua Ai-cập nói với những người đi tìm lương thực trần gian, chắc hẳn cũng là một lời nhắn nhủ chúng ta trên bước đường đi tìm lương thực cho đời sống vĩnh cửu của mình. Đến cùng Giuse, không phải chỉ để xin ơn này ơn kia mà thôi, nhưng chính yếu là để nhờ Ngài ươm trồng hạt giống cứu độ trong lòng ta, và học với ngài để biết theo chân Chúa Giêsu trong hành trình cứu độ.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là chúa tể vũ trụ, nhưng Chúa đã muốn tuyển chọn con người để cộng tác vào chương trình của Chúa. Chúa đã chọn tổ phụ Giuse để phù trợ cho Dân Israel xưa. Chúa đã tuyển chọn thánh Giuse để bảo trợ Dân mới của Chúa là Giáo Hội. Xin Chúa cho chúng con cũng biết chạy đến với thánh Giuse để nhờ Ngài hứơng dẫn chúng con trên con đường dương thế, để học nơi Ngài tấm lòng hy sinh tận tụy trong ông việc trần thế, và nhất là để luôn biết mình đang đi trên hành trình về quê hương đích thực mà Chúa muốn ban cho chúng con. Amen.
Bài 14 : Chu Toàn Giới Luật Của Chúa
"Vào lúc ấy, cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để cử hành những nghi lễ liên quan đến Người, như thiên hạ thường làm theo luật dạy" (Lc 2,27).
Theo luật Israel, người con đầu lòng phải được dâng lại cho Chúa. Luật này vừa để nhắc nhở người dân về biến cố Vượt qua, vừa để tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã cứu thoát các con đầu lòng của Dân; khi đó sứ thần Thiên Chúa đã giết chết các con đầu lòng tại Ai Cập, của loài vật cũng như của loài người, chỉ nhà nào có bôi máu chiên vượt qua trước cửa mới được an toàn.
Thánh Giuse là một người Israel chân chính, nên không thể nào không chu toàn giới luật đó với một niềm tạ ơn sâu xa đối với Thiên Chúa. Con đầu lòng phải thuộc về Chúa, thánh Giuse cũng như Mẹ Maria chắc hẳn phải hiểu hơn bất cứ người Israel nào khác về luật này, chẳng những vì con trẻ Giêsu là con đầu lòng của hai ông bà, nhưng hơn nữa, các ngài hiểu rằng con trẻ Giêsu là một hồng ân đặc biệt Thiên Chúa ban cho gia đình hai ngài, cũng như cho toàn thể dân Israel, con trẻ có một sứ mệnh đặc biệt do chính Chúa giao phó.
Như vậy việc dâng hiến Đức Giêsu vào đền thờ, các ngài đã thi hành "như thiên hạ thường làm", mà lại mang lại một ý nghĩa hết sức đặc biệt, sâu xa hơn những cuộc tiến dâng khác nhiều. Các người khác dâng con để tưởng nhớ một biến cố dĩ vãng, còn thánh Giuse và Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu là để Ngài thi hành điều sẽ thực hiện trong tương lai. Các người khác dâng con để tạ ơn Chúa đã cứu thoát Dân, còn hai ngài dâng con là để Chúa Giêsu sẽ lại cứu độ cả nhân loại. Và khi mang con trẻ lên đền thờ, hai ông bà đã gặp cụ già Simêôn tiên báo: "Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng" (Lc 2,34). Như thế, thánh Giuse và Mẹ Maria chắc hẳn thấy được rằng việc dâng Chúa Giêsu trong đền thờ cũng có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận một sứ vụ khó khăn Chúa trao cho, một sứ vụ cao cả, nhưng cũng làm mình đau lòng biết bao. Con trẻ thực sự thuộc về Thiên Chúa, nên sẽ phải thi hành chương trình của Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa hiến dâng thực sự chứ không còn phải chỉ là việc tuân giữ một lề luật, không chỉ là niềm tạ ơn, không chỉ là tưởng nhớ dĩ vãng.
Con cái Chúa ban cho cha mẹ, đó là hồng ân của Chúa, đó là tình yêu thương của Ngài đối với các bậc cha mẹ. Nhưng hồng ân đó không phải để các bậc cha mẹ giữ riêng con cái cho mình, chỉ để vui cho mình, để thực hiện công việc của mình. Theo tiến trình phát triển bình thường, con cái phải được sinh ra từ lòng mẹ, rồi được lớn lên, và đến lúc phải gánh vác công việc của xã hội,phải liên đới trách nhiệm đối với những người khác nữa. Giữ con cái cho mình mãi, đứa con sẽ chẳng thể trưởng thành được và mãi mãi vẫn chỉ là một đứa trẻ, hoặc vẫn chỉ như một "bào thai" hoàn toàn lệ thuộc vào lòng mẹ mà thôi. Con cái là hồng ân của Chúa, con cái được Chúa giao cho cha mẹ chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ, nhưng chỉ có một mình Thiên Chúa mới thực sự là chủ của nó mà thôi.
Hiến dâng con cho Thiên Chúa, đó là hoàn toàn chấp nhận chương trình của Ngài đối với những gì thân thiết nhất của mình, đối với chính máu, thịt, ruột rà của mình. Ngày xưa Abraham đã can đảm dự định sát tế Isaac để dâng cho Chúa, hành động của Abraham đã làm cho ông trở nên cha của những kẻ có lòng tin. Cũng thế, người Kitô hữu, nhất là các bậc cha mẹ, là con cái của Abraham theo lòng tin, thì cũng phải thâm tín rằng con cái là của Chúa ban, chỉ mình Ngài có hoàn toàn quyền hành trên con người. Bởi vậy, tin tưởng vào Thiên Chúa, các bậc cha mẹ cũng hiểu rằng phải để cho con cái ra đi thi hành những công việc Chúa đã trao cho nó.
Hơn nữa, suy niệm về thái độ của thánh Giuse trong biến cố dâng con này, chúng ta hiểu rằng cuộc sống của mỗi người Kitô hữu đều đã được Thiên Chúa chuộc lại rồi. Thay vì làm nô lệ cho ma quỉ. Con người được Thiên Chúa cho làm con và được gia nhập vào Giáo Hội. Mỗi người Kitô hữu đều phải dâng lại cho Chúa, để cũng được nghe lời tiên báo về đời mình: "Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống đối", đó là ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc đời mỗi người. Chỉ khi thực hiện ý định của Chúa thì cuộc sống của ta mới trở nên có ý nghĩa được. Chúa dùng ta để ban cho người khác, và lại ban người khác cho ta. Mỗi người phải hoàn toàn ra khỏi cái tôi ích kỷ, luôn chỉ muốn bo bo giữ gìn những điều quí báu nhất cho riêng mình, nhưng ngược lại, biết sống vì Chúa, vì mọi người.
Khi dâng đời mình cho Chúa, đó thực sự là ta trả lại cho Ngài những điều thuộc về Ngài. Cuộc sống của người Kitô hữu không còn phải là của mình nữa, và mỗi người đều phải nói được như thánh Phaolô: "Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi" . Cuộc sống của người Kitô hữu không phải là sống cho mình, nhưng là sống cho Chúa, sống vì Chúa và sống để thực hiện chương trình của Chúa trong cuộc đời mình.
Khi dâng đời mình cho Chúa, thực sự chúng ta phải cảm tạ Ngài, vì chính Ngài đã đón nhận con người hèn mọn của ta và thực hiện những chương trình cao cả của Ngài. Khi được Thiên Chúa tiếp nhận, chúng ta trở thành những người cùng cộng tác với Thiên Chúa. Cuộc hiến dâng đó bao giờ cũng có mất mát, bao giờ cũng cảm thấy đau xót, tiếc nuối, nhưng đó lại là nẻo đường tìm được chính mạng sống của mình, như lời Chúa Giêsu đã nói: "Ai muốn tìm mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai muốn hy sinh mạng sống mình thì sẽ tìm lại được". Dâng lại cuộc đời mình cho Chúa, đó là cách thức duy nhất để cuộc đời ta được hoàn thành tốt đẹp, được đi vào chương trình cứu độ của Ngài và khi đã được cứu độ thì ta cũng trở thành người tông đồ mang Chúa đến cho những người khác nữa.
Lời nguyện
Lạy Chúa, chúng con cũng đã nghe nói: sống là hy sinh, yêu thương là trao ban. Nhưng tự sức chúng con, điều đó khó quá. Chúng con muốn nhận hơn là cho, muốn hưởng thụ hơn là chấp nhận hy sinh. Cả một cuộc đời, chúng con cứ đi tìm mình, tìm sung sướng thỏa mãn cho mình. Còn thánh Giuse, Ngài đã dám từ bỏ mình để chấp nhận sứ vụ gian lao, khó nhọc. Xin Chúa cho chúng con luôn ý thức cuộc đời mình đã được Chúa chuộc lại bằng cái chết của Chúa Giêsu, để chúng con được sống dâng hiến trong niềm tạ ơn và thật can đảm chấp nhận bất cứ điều gì Thánh Ý Chúa muốn.
Bài 15 : Cha Của Đức Giêsu
Đức Maria nói : "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ?
Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con !" (Lc 2, 48)
Cũng như trong cuộc hôn nhân với Đức Maria, vai trò làm cha của thánh Giuse đối với Đức Giêsu vừa là một vai trò có một không hai trong lịch sử, vừa là một mẫu gương cho mọi người cha trong gia đình.
Tuy Đức Giêsu không được sinh do máu huyết của Thánh Giuse, nhưng Ngài vẫn được sinh ra trong cuộc hôn nhân hợp pháp giữa Đức Maria và Thánh Giuse, nên Ngài cũng thực sự là con của thánh Giuse. Đức Maria đã xác nhận điều đó khi nói rằng: cha con và mẹ phải cực lòng (Lc 2,48). Và Đức Giêsu cũng như vậy: sao cha mẹ lại tìm con ? (Lc 2,49).
Thế nhưng, vai trò đó không đương nhiên đến với thánh Giuse như với những người cha trần gian nào khác. Thánh Giuse đã không dám tự mình nhận lãnh trách nhiệm cao cả làm chồng của Đức Maria và làm cha của Hài Nhi trong lòng người bạn đời của mình. Chỉ khi được sứ thần loan báo, khi hiểu rõ ý định của Thiên Chúa muốn trao phó cho mình, thì thánh Giuse mới lãnh nhận Đức Maria và Hài Nhi về nhà mình. Và từ đó, thánh Giuse đã chu toàn trọn vẹn vai trò làm cha của mình. Chúng ta nhận thấy thánh Giuse đã trách vụ đó gương mẫu. Ngài đã bảo bọc Đức Giêsu trong những lúc khó khăn nhất, từ lúc sinh ra ở Bêlem, thời gian lưu lạc ở Ai Cập cho đến những ngày tháng bình lặng ở Nagiarét. Tất cả những gì bổn phận của một người cha đòi buộc, thánh Giuse đã chu toàn bổn phận.
Tuy nhiên, như chúng ta thấy, vai trò làm cha của thánh Giuse phát xuất là sứ mệnh của Thiên Chúa trao phó. Thánh Giuse hiểu rõ ý nghĩa vai trò của mình. Nhờ vậy, cộng với ý thức trách nhiệm của một người cha, cộng với tình yêu thương tự nhiên của một người cha đối với con cái, thánh Giuse còn ý thức rõ ràng rằng con trẻ Giêsu là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa ban cho mình. Ngài chu toàn trách vụ làm cha trong tâm tình tạ ơn, và chu toàn trách vụ như là một sứ mệnh được Thiên Chúa giao phó.
Con cái là hồng ân của Thiên Chúa. Cho dù các người cha trần gian có góp phần sinh ra: giáo dục, dạy dỗ, dưỡng nuôi chúng đi nữa, thì vẫn phải luôn ý thức rằng con cái là hồng ân Thiên Chúa ban cho. Niềm vui sướng khi được chăm sóc dạy dỗ con cái, niềm tự hào khi thấy con cái ngoan ngoãn, thành đạt, trưởng thành... Điều đó cũng phải một lời nhắc nhở các người cha về ơn huệ Thiên Chúa ban cho và phải sống trong tâm tình tạ ơn Ngài. Người cha có khổ sở vì con cái, vất vả, cực lòng vì con cái... thì cũng cần nhớ rằng trách vụ của mìng cũng là do Chúa trao phó, không thể nào buông xuôi, phó mặc, nhưng luôn luôn tin tưởng rằng, nếu biết cậy dựa vào Ngài thì chẳng khó khăn nào là không thể vượt qua.
Cuối cùng thì đứa con cũng phải lớn lên, trưởng thành và có một đời sống tự lập, có những lý tưởng riêng để theo đuổi. Người cha không được quyền giữ con cái lại mãi trong vòng tay của mình. Con cái là của Chúa và chúng sẽ được lãnh nhận chương trình của Thiên Chúa trong cuộc đời riêng của nó. Thiên Chúa trao cho cha mẹ những đứa con để yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ. Nhưng con cái của mình cũng là thành viên của xã hội và nhất là chúng là con cái của Thiên Chúa. Các người cha cần noi gương thánh Giuse để học biết nhìn ra mầu nhiệm của Thánh Ý Thiên Chúa nơi con cái của mình, để hiểu rằng Thiên Chúa đã dùng mình để thể hiện thánh ý yêu thương của Ngài trên con cái, bởi vì chính Thiên Chúa mới thực sự là nguồn gốc của mọi tình phụ tử trên trời, dưới đất.
Vai trò làm cha của thánh Giuse đối với Đức Giêsu vừa biểu lộ tình yêu của Chúa Cha, nhưng cũng vừa cho thấy rằng, cuối cùng Đức Giêsu phải ưu tiên cho việc thi hành thánh ý của Chúa Cha trong công cuộc cứu độ nhân loại. Cũng thế, các người cha trong gia đình cũng phải học mẫu gương của thánh Giuse để vừa biểu lộ tình yêu thương cho con cái, giáo dục và cho chúng cảm nghiệm được những bài học đầu tiên của tình yêu thương. Nhưng cũng phải mở cho chúng biết nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng và biết dấn thân vào con đường mà Thiên Chúa dẫn đưa.
Lời nguyện
Lạy Chúa, xin cho những người cha trong gia đình biết nhìn thấy bàn tay của Thiên Chúa đang hướng dẫn.
Trong lúc vui mừng, xin cho các người cha biết dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn sâu xa. Những lúc khó khăn xin cho các người cha biết can đảm nhờ ý thức trách nhiệm của mình được Thiên Chúa giao phó, và nhất là xin Chúa soi sáng để các người cha trong gia đình biết hướng dẫn con cái việc thi hành thánh ý của Chúa là niềm vui, là niềm bình an, là hạnh phúc đích thực của con người.
Xin Chúa cho cha mẹ biết nhìn ra hình ảnh Đức Giêsu nơi con cái của mình và biết mặc lấy tâm tình của thánh Giuse cùng Đức Mẹ để đón nhận mầu nhiệm của thánh ý Chúa nơi con cái mình.
Bài 16 : Để Thiên Chúa Lớn Lên Trong Mình
“Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. (Lc 2,40)
Đức Giêsu sống trong gia đình Nagiarét, và Ngài tăng trưởng theo một tiến trình, có thể nói được là bình thường. Một hài nhi thì mỗi ngày một lớn lên, mỗi ngày thêm vững mạnh và mỗi ngày phải thêm sự khôn ngoan, hiểu biết. Đôi khi ta thấy có những trẻ em không có một tiến trình phát triển bình thường như vậy, hoặc càng lớn thì càng bệnh tật, càng lớn lại càng nhiễm các thói xấu làm cho thêm ngu muội, thấp hèn. Đó là một sự lệch lạc trong cuộc sống, cách này hay cách khác, về phương diện thân xác hay tinh thần.
Còn một con người bình thường, theo như chương trình Thiên Chúa muốn thì phải càng lớn lại càng vững mạnh, càng khôn ngoan. Và thánh Luca thêm:" Đức Giêsu hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa ". Vâng, cuộc sống của Chúa Giêsu là gương mẫu cho cuộc sống nhân loại, cuộc sống đó đã diễn ra đúng chương trình của thánh ý Chúa Cha, ở đây cũng thế, trong sự phát triển ở tuổi thiếu niên, Đức Giêsu đã là khuôn mẫu của sự phát triển cả thể xác, tinh thần và nhứt là sống đượm thuần ân nghĩa của Thiên Chúa.
Điều chúng ta cần suy niệm ở đây là sự phát triển gương mẫu đó đã thể hiện trong gia đình thánh, dưới sự chăm sóc, dạy dỗ của thánh Giuse và Mẹ Maria. Thiên Chúa đã muốn để lại một mẫu gương cho con người, không phải là một con người cô lập, một mình, nhưng là con người sống trong xã hội, trong những tương quan tự nhiên của cuộc sống nhân loại. Vì thế, không phải chỉ một mình Đức Giêsu là gương mẫu nhưng cả gia đình thánh gương mẫu cho các gia đình nhân loại một gia đình biết thương yêu chăm sóc cho nhau để tất cả được tăng triển đúng đắn, trọn vẹn như ý định của Thiên Chúa. Trong cuộc sống đó, mỗi người đều phải trở nên một nhân tố tích cực, mỗi người đều được kêu gọi góp phần vào sự tăn triển của nhân loại, tăng triển người khác. Thánh Giuse đã sống đúng với ơn gọi đó. Ngài đã góp phần vun tưới để cuộc sống của con trẻ Giêsu phát triển tốt đẹp. Sống trong ơn nghĩa của Chúa, sống đúng với chương trình của Chúa không có nghĩa thụ động, ỷ lại, nhưng lại càng cần phải nỗ lực, tích cực góp phần của mình để Thánh ý Thiên Chúa được thực hiện.
Tuy vậy, sự tăng triển thể xác và tâm hồn không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Không phải ở đâu, trong hoàn cảnh nào con người cũng có thể giúp nhau tăng triển, không phải gia đình nào cũng có thể nuôi nấng dạy dỗ con cái của mình càng lớn lên, càng vững mạnh và khôn ngoan. Có những khó khăn, giới hạn hoặc do chính khả năng hạn hẹp của mình, hoặc do môi trường xã hội vượt tầm tay của mình. Điều Thiên Chúa kêu mời mọi người và mọi người đều có thể thực hiện được, đó là: để cho Thiên Chúa lớn lên trong lòng mình. Đây là ý nghĩa thiêng liêng của bản văn. Mỗi người đều có nhiệm vụ và đều có thể để cho Thiên Chúa lớn lên trong lòng mình, nếu thực sự thiện chí, thực sự biết chăm lo, săn sóc mảnh đất trong tâm hồn mình, để hạt giống của Chúa gieo vãi có thể mọc lên. Để Thiên Chúa mỗi ngày mỗi lớn lên, vững mạnh hơn, mỗi người cần biết lo sao để càng ngày càng nhận ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong lòng mình, trong cuộc đời mình nhiều hơn, mỗi ngày ơn nghĩa với Chúa lại tỏ lộ ra phong phú hơn trong tấm lòng của mình.
Đức Giêsu đã làm con của nhân loại, từ một em bé, Ngài muốn được nuôi nấng, săn sóc trong gia đình nhân loại, thì ngày nay, Ngài cũng muốn "làm con" của mỗi người, Ngài muốn sinh ra trong lòng mỗi người, muốn mỗi người biết chăm lo, săn sóc để hình ảnh Đức Giêsu mỗi ngày mỗi lớn lên trong lòng mỗi người. Thiên Chúa không nhẩy từ trời xuống để chịu chết, cứu chuộc nhân loại, nhưng Ngài đã tuân theo tiến trình phát triển của một con người. Cũng thế, đều tự nhiên trở thành thánh nhân, nhưng Ngài đã là hạt giống trong lòng mỗi người, Ngài vẫn sống và vẫn chờ đợi mỗi người biết vun xới hạt giống đó. Ngài muốn mỗi người phải vun xới, tưới tắm để mầm sống của Thiên Chúa sẽ lớn lên trong lòng họ.
Chẳng phải thánh Giuse chỉ biết chăm sóc dạy dỗ một Đức Giêsu bằng xác thịt, nhưng chính khi con trẻ Giêsu càng lớn càng thêm vững mạnh, thêm khôn ngoan và hằng được ơn nghĩa với Thiên Chúa, thì hình ảnh Thiên Chúa, hình ảnh Đức Giêsu trong tâm hồn của Giuse cũng lớn lên, vững mạnh, khôn ngoan và đầy ơn nghĩa của Thiên Chúa. Hồng ân làm cha nuôi của Đức Giêsu không đương nhiên làm cho thánh Giuse trở nên cao cả, cũng như Đức Maria "có phúc" không phải vì đã sinh ra thể xác Đức Giêsu, nhưng thánh Giuse và Mẹ Maria có phúc vì đã "nghe và giữ lời Thiên Chúa ". Hồng phúc đó của hai Đấng không phải là chỗ dành riêng, nhưng là địa vị cao quí Thiên Chúa muốn kêu gọi mọi người đạt đến, Thiên Chúa muốn mọi người đều có phúc, vì đã nghe và giữ lời Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn mọi người đều để cho Chúa nhập thể và lớn lên trong lòng mình và được sự chăm sóc của mình. Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta là một Giuse, một Giuse ân cần, công chính, tận tụy với Chúa Giêsu mà mình đã nhận lãnh khi lãnh Bí tích Rửa tội.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu, biết bao lần chúng con đã lãnh nhận Chúa vào lòng. Ngày lãnh Bí tích Thánh Thể, Chúa đã ngự ở trong con và con đã được làm con Chúa. Rồi bao lần con rước Thánh Thể Chúa, Chúa nên một với con, Chúa tan biến vào máu thịt và linh hồn con. Thế mà hình như Chúa vẫn chưa lớn lên trong lòng con được bao nhiêu. Thật khốn khổ cho con, vì nếu Chúa không lớn lên trong lòng con, thì thực sự chính con cũng chẳng lớn lên được, tâm hồn con vẫn còn ấu trĩ, vẫn còn còi cọt, lệch lạc, bệnh hoạn. Thế mà con không nhận ra được con người thật của mình, con cứ nhởn nhơ, thỏa mãn, tưởng rằng đời mình tự mình có thể lo được. Lạy Chúa, xin cho con biết chăm lo cho tâm hồn mình, như thánh Giuse đã chăm lo cho Chúa trong gia đình Nagiarét, để Chúa được lớn lên trong con và để Chúa trở thành ý nghĩa cuộc đời của con.
Bài 17 : Mẫu Gương Người Gia Trưởng
"Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ gọi là thành Nagiarét, miền Galilê" (Lc 2,40)
Trong gia đình thánh, vai trò của thánh Giuse thật là khiêm tốn. Chúng ta thấy cuộc đời của ngài thật là âm thầm , giản dị. Có thể tóm gọn lại trong hai nhiệm vụ: làm chồng và làm cha, một cuộc đời như biết bao nhiêu người chồng và người cha khác. Nhưng chính trong cuộc sống giản dị đó, thánh Giuse lại thể hiện một cách tốt đẹp vai trò người gia trưởng của mình và xứng đáng là mẫu gương cho mọi người gia trưởng.
Làm chồng, thánh Giuse hết lòng tôn trọng Đức Maria, tin tưởng nơi Maria, dù trong hoàn cảnh gay go nhất, khi không hiểu được sự kiện làm mẹ rất ngạc nhiên của người bạn đời. Làm cha, thánh Giuse đã hết sức can đảm, chịu đựng gian khổ đưa Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập, tận tụy với con trong những năm tháng sống nơi đất khách quê người cũng như những ngày tháng vất vả ở Nagiarét. Chính nhờ thái độ tin tưởng tôn trọng với Đức Maria như vậy,nên thánh Giuse đã có thể lắng nghe được, chấp nhận được lời báo mộng của thiên thần và giải quyết vấn đề khó khăn đúng theo Thánh Ý Thiên Chúa. Chính nhờ can đảm, hết lòng tận tụy với con như vậy mà thánh Giuse mới chu toàn được vai trò "người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa".
Cuộc đời gia trưởng của thánh Giuse, dù là gia trưởng của một gia đình thánh, nhưng không phải hoàn toàn êm ả, không phải mọi chuyện đều rõ ràng, minh bạch, thuận buồm xuôi gió. Với những người khác, những khó khăn như thế có thể đã là nguyên nhân của sự tranh tụng, kêu than, đổ vỡ rồi. Nhưng với thánh Giuse thì khác. Ngài đã chẳng tính toán, phân bì, đòi hỏi trách nhiệm, nghĩa vụ của những người khác. Thánh Giuse đã chấp nhận trách vụ gia trưởng và ngài đã đảm nhận tất cả những hệ lụy của trách nhiệm đó. Điều đó chỉ có thể có được nhờ một tình yêu thương nồng nàn đối với Mẹ Maria và Đức Giêsu, một tình yêu thương có trách nhiệm, một tình yêu thương đích thực chứ không phải chỉ là tình cảm ủy mị hoặc đầy tính cách vị kỷ.
Hơn thế nữa, khi chu toàn trách vụ gia trưởng với tình yêu thương có trách nhiệm như vậy, thánh Giuse đã chẳng sống hoàn toàn như một người chồng, người cha mà thôi. Ngài còn chu toàn sứ mệnh đó như một người được thừa ủy trách nhiệm từ Thiên Chúa. Tình yêu thương trách nhiệm của thánh Giuse được gồm gói trong sứ mệnh lãnh nhận từ Thiên Chúa. Điều đó giúp ngài luôn biết lắng nghe sự hướng dẫn của Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày cũng như trong những lúc khó khăn nhất. Tất cả những tính toán của con người, tất cả tình yêu thương của con người, tất cả trách nhiệm của một con người lại được củng cố, thăng tiến nhờ ý thức trách nhiệm như là một người thi hành sứ mệnh của Thiên Chúa. Điều đó thực sự làm cho thánh Giuse trở thành mẫu gương đặt biệt cho những người gia trưởng công giáonữa.
Trong đời sống gia đình hiện nay, những yếu tố khác biệt hoặc xung khắc trong gia đình càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Nếu như các thành viên trong gia đình mà chỉ sòng phẳng với nhau, tôi làm cái này, anh phải làm cái kia, tôi thay đổi thái độ nếu như em thay đổi tính tình... thì chuyện đổ vỡ là điều khó tránh được. Hôn nhân không phải chỉ là một khế ước công bằng, nhưng còn là một cộng đoàn yêu thương, trong đó, các thành viên, đặc biệt người gia trưởng phải đảm nhận những khó khăn nhưlà của chính mình. Tính tình, hoàn cảnh may rủi, mọi sự việc liên quan đến gia đình đều là "gia sản" mình lãnh nhận được, lãnh nhận với tất cả tình yêu thương có trách nhiệm.
Nhiều lúc trong đời sống gia đình, người gia trưởng có cảm tưởng như con thuyền gia đình không hoàn toàn tuân theo sự điều khiển của mình. Sự cách biệt về tuổi tác làm cho người cha không mấy khi hiểu được con cái. Những tương giao rộng mở làm cho sinh hoạt của người bạn đời không đúng theo sự tính toán sắp xếp của mình. Trong hoàn cảnh đó, người gia trưởng càng cần phải học với thánh Giuse để có thể nhìn ra thánh ý Thiên Chúa trong gia đình, trong những người thân của mình. Một con người là một huyền nhiệm và mỗi người đều được Thiên Chúa kêu gọi, dẫn đưa vào một nẻo đường theo thánh ý khôn ngoan của Ngài. Người gia trưởng, nếu ý thức trách nhiệm của mình là sứ mệnh Chúa trao phó, thì cũng cần chạy đến với Chúa để biết được đâu là cách thức ứng xử của mình, đâu là cách thức giải quyết đúng theo ý Chúa. Mẫu gương thánh Giuse có thể giúp cho các người gia trưởng công giáo chu toàn được sứ mệnh này một cách tốt đẹp.
Lời nguyện
Lạy Chúa, đời sống gia đình của chúng con đang gặp nhiều khó khăn. Cơn khủng hoảng về đời sống gia đình của thế giới của xã hội cũng đang ít nhiều ảnh hưởng trên các gia đình công giáo chúng con. Chúa đã gọi chúng con vào đời sống hôn nhân, thì Chúa cũng chúc lành, ban ơn cho những nỗ lực của chúng con để xây dựng một gia đình thánh thiện. Xin Chúa cho chúng con biết nhìn nơi gia đình thánh những bài học hướng dẫn. Nhất là với các người gia trưởng, xin Chúa cho các gia trưởng của các gia đình Công Giáo cũng biết noi gương thánh Giuse, thật hết tình yêu thương, thật hết lòng tận tụy chu toàn trách nhiệm và nhất là luôn biết tìm kiếm thánh ý Chúa như mẫu gương thánh Giuse.
Bài 18 : Thánh Giuse : người Israel Gương Mẫu
Phụng Thờ Một Mình Thiên Chúa: "Khi Người được 12 tuổi, cả nhà đều lên đền thờ" (Lc 2,42)
Dân Israel đã được Chúa chọn làm Dân riêng. Thiên Chúa đã giao ước với Dân và Dân cũng ký giao ước với Chúa. Bản văn tự giao ước là Mười điều răn, trong đó, giới răn thứ nhất là: Hãy thờ phượng và kính mến Thiên Chúa hết lòng hết sức. Các nhà chú giải cho rằng giới răn thứ nhất cũng có thể coi được là giới răn duy nhất, vì tất cả những giới răn khác đều như một cách thức thể hiện, cụ thể hoá giới răn thứ nhất mà thôi.
Thiên Chúa kêu gọi Dân Israel làm Dân riêng để họ chỉ thờ lạy, phụng sự một mình Ngài mà thôi. Dân Israel chỉ xứng đáng là Dân riêng của Chúa, Dân được tuyển chọn, khi họ tuân giữ giới răn phụng thờ kính mến một mình Thiên Chúa. Người Dân Israel hiểu rõ điều đó. Ta có thể nói được một người Israel gương mẫu là người luôn hết lòng tôn kính phụng thờ Thiên Chúa.
Thánh Giuse đã thực sự mang một tấm lòng thờ kính Thiên Chúa, nên khi Đức Giêsu được 12 tuổi, ngài đưa cả gia đình lên đền thờ Giêrusalem theo đúng như luật dạy. Hơn nữa, tinh thần tôn thờ Thiên Chúa của thánh Giuse còn vượt qua nhãn giới Cựu Ước để bước sang lãnh vực Tân Ước. Dân Israel được kêu gọi để phụng thờ Thiên Chúa, nhưng sự phụng thờ của Dân chỉ là giai đoạn chuẩn bị, sự phụng thờ đó chỉ được hoàn tất trong Đức Giêsu. Thiên Chúa kêu gọi Dân Israel là để dẫn họ tới sự nhận biết Đức Kitô và tin vào Ngài là Đấng hoàn thành lịch sử ơn cứu độ đã được bắt đầu với lịch sử Dân Israel. Không ít người Israel đã chẳng vượt qua được giai đoạn quyết định này, họ đã bám chắc vào lề luật, họ đã tự hào về địa vị Dân riêng của Chúa, họ đã biến giao ước của Thiên Chúa với Dân thành một thứ sở hữu của riêng mình và do đó, họ từ chối Đức Giêsu Kitô là trung tâm điểm của lịch sử cứu độ, là đích điểm của giao ước cũ, là ý nghĩa đích thực của Dân Israel.
Như vậy, thánh Giuse quả thực là một người Israel gương mẫu. Không phải chỉ vì Giuse đã tuân giữ tỷ mỷ, kỹ lưỡng các luật lệ của Dân Israel, nhưng vì ngài đã đón nhận Đức Giêsu Kitô. Thánh Giuse đã sử dụng sự cộng chính của Israel để biến thành sự công chính của Tân Ước. Ngài đã trung thành với việc phụng thờ Thiên Chúa của dân tộc mình, nhưng lại mở ra để đón nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu độ cả nhân loại. Thánh Giuse đã đưa Chúa Giêsu lên Đền thờ theo luật Do thái, nhưng Ngài hiểu rằng chính Đức Giêsu mới là đền thờ mới thay thế cho đền thờ của giao ước cũ.
Thánh Giuse đã trở thành một người Israel lãnh hội được trọn vẹn ý định của Thiên Chúa khi kêu gọi dân Israel. Ngài không bám lấy danh giá của một dân riêng, vì Thiên Chúa có thể làm cho những viên đá biến thành con cái Abraham. Ngài là một người Israel trung thực với mình, trung thực với ơn gọi của Dân riêng, trung thực với đường nẻo Chúa dẩn đưa và từ đó có thể đón nhận được Chân Lý của Chúa được tỏ hiện trong Đức Giêsu Kitô.
Người Kitô hữu được Chúa kêu gọi gia nhập Giáo Hội, để thay thế cho Dân cũ, làm nên một Dân mới. Đó là một niềm vinh dự lớn lao nhưng đó cũng có thể là một cớ vấp ngã, là mối nguy cơ. Cơn cám dỗ của Dân Israel vẫn có thể xuất lại y nguyên đối với Kitô hữu ngày nay, với những người con cái Chúa, những người đạo gốc, những người tự hào mình là đạo đức, thánh thiện...
Tôn giáo là phương tiện để đưa con người tới Thiên Chúa. Các nghi lễ phụng tự, lễ lạc, rước sách, các tổ chức trong giáo xứ, trong giáo phận hay trong Giáo hội nói chung là những cách thức giúp người Kitô hữu mở lòng ra với Thiên Chúa mà hết lòng phụng thờ Ngài. Như vậy, tất cả mọi nghi lễ phụng tự, thái độ căn bản của người Kitô hữu luôn phải là sự gắn bó với Chúa Giêsu, là đưa "Chúa lên đền thờ" như thánh Giuse đã thi hành, nếu không tất cả các nghi lễ sẽ trống rỗng, vô nghĩa. Nếu người ta cứ bám víu vào đó với niềm tự hào về tôn giáo của riêng mình về địa vị của mình, thoải mái, an tâm với kinh sách, lễ lậy, hoặc chỉ coi đó là những luật lệ bó buộc, thì Đức Giêsu không còn ở trung tâm ở hành vi tôn giáo của chúng ta nữa.
Một người Israel gương mẫu là một người sống tinh thần phượng thờ một mình Thiên Chúa và mở lòng ra để đón nhận Đức Giêsu. Người Israel đó là chính thánh Giuse. Đấng đã hết mình tuân giữ tinh thần của Israel và đã đưa Chúa Giêsu vào trong sinh hoạt tôn giáo của Dân mình. Thái độ đó của thánh Giuse cũng làm cho Ngài trở thành như một người Kitô hữu thứ nhất.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là trung tâm của lịch sử, là trung tâm sinh hoạt của con người và cũng là trung tâm của mỗi người chúng con. Sự hiện hiện của Chúa trong chúng con làm cho tất cả cuộc đời chúng con được thống nhất, được đầy tràn sung mãn. Với sự hiện diện của Chúa trong nghi thức phụng tự được trở thành như nơi hẹn hò của Chúa với chúng con. Xin cho chúng con được gặp Chúa thực sự. Xin cho chúng con biết đón nhận Chúa vào ngự ở trung tâm cuộc đời của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con chưa phải là một người Kitô hữu gương mẫu, vì chúng con đã làm mọi sự công chính, nhưng lại không có Chúa. Xin Chúa cho chúng con, như thánh Giuse biết chọn cho mình một điều cần duy nhất : đặt Chúa vào trung tâm cuộc đời mình.
Bài 19 : Tìm Chúa Mãi Mãi
"Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm" (Lc 2,45).
Theo tục lệ người Do thái, trong những cuộc hành hương như vậy, người ta chia thành hai nhóm, nhóm đàn ông và nhóm phụ nữ. Hai nhóm đi riêng nhau, Còn các trẻ em thì có thể nhập vào nhóm nào cũng được. Chính vì thế mà có sự việc hai ông bà lạc mất Chúa Giêsu, vì hai người đều tưởng con trẻ Giêsu đi trong nhóm bên kia. Thế mà, do một chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên, tình cờ mà hai ông bà lại lạc mất con mình.
Lạc con, sự việc đó là một nỗi khổ đau dường nào với các bậc cha mẹ. Tình thương của cha mẹ với con cái càng bao la bao nhiêu, thì việc lạc con lại càng là nỗi đau đớn bấy nhiêu. Thánh Giuse và Mẹ Maria chắc hẳn cũng không ra ngoài qui luật yêu thương đó. Nhưng ở đây, với Giuse và Maria, lạc mất con còn có nghĩa là lạc mất Chúa. Con trẻ Giêsu, món quí báu mà Thiên Chúa ban cho hai người, có thể nói được đó là gia sản quí báu nhất của hai ông bà, nay hai người lạc mất con, lạc mất Chúa...
Ý nghĩa của bản văn chắc chắn không chỉ nói tới vấn đề cha mẹ lạc mất con cái, nhưng là vấn đề người Kitô hữu lạc mất Chúa. Người ta có thể lạc mất Chúa bằng nhiều cách: do tội lỗi, do thờ ơ, do quá chú tâm tới một điều gì khác mà chỉ coi Chúa là một phần nhỏ của cuộc đời mình, hoặc, như thánh Giuse và Mẹ Maria, do một chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên tình cờ mà thôi. Khi phạm tội, người ta giống như người con thứ, từ bỏ cha mình để ra đi, lạc xa tình yêu của Cha để mê lầm vào trong những vui thú bên ngoài. Những "cuộc vui thâu đêm", những "trận cười suốt sáng" làm cho người con tưởng chừng như mình đã tìm được nơi ở lý tưởng, tìm được cách sống thích hợp nhất với mình. Chỉ khi mà cuộc vui chẳng còn vui được nữa, trận cười chỉ là cười ra nước mắt, khi anh ta không được dùng ngay cả những thực phẩm dành cho heo ăn, khi phẩm giá cao quí của một người con lại bị hạ thấp hơn giá trị một con vật, thì anh ta mới sực tỉnh và hiểu ra được rằng mình đã lạc xa ngôi nhà của cha, lạc xa tấm lòng yêu thương của cha mất rồi.
Khi người ta thờ ơ, coi thường Thiên Chúa, thì người ta giống như hạt giống rơi vào bụi gai, tưởng rằng gai góc đó sẽ bao bọc chở che mình, tưởng rằng nơi mảnh đất đó mình có thể mọc lên, sát vai cùng bạn bè gai góc. Nhưng rồi gai góc của sự lo lắng trần tục lại bóp nghẹt cuộc đời. Cuộc đời trở nên khô cằn, còi cọt, xanh xao bệnh hoạn. Làm sao có thể nảy sinh thành một cây tươi tốt khi cuộc đời sống bám vào những điều giả trá ? Điều nguy hiểm là những người mà ta lại rất ít khi nhìn ra sự lạc đường của mình, họ rất ít khi nhớ nhung về quê hương đích thực để có thể cất bước từ bỏ con đường lầm lạc để quay về chính lộ.
Nhưng ngay cả khi người Kitô hữu sống một đời sống công chính, đạo đức, như thánh Giuse và Mẹ Maria thì đôi khi, người ta vẫn cảm thấy như mình lạc mất Chúa. Nhiều lúc người Kitô hữu cảm thấy Thiên Chúa không đáp ứng mong mỏi của mình, không thực hiện chương trình mà mình dự định. Thiên Chúa ra vẻ như không nghe lời mình cầu xin. Những tai họa xảy đến, những hoàn cảnh éo le, những hoàn cảnh đau lòng ...những điều đó có vẻ như không phải là cách thức thực hiện của một Thiên Chúa luôn yêu thương, chăm sóc con cái gì cả. những đêm tối của linh hồn làm cho người Kitô hữu phải bước đi dò dẫm, mù mờ, không biết bám víu vào đâu.
Thực sự Thiên Chúa có cách thức hành động riêng của Ngài. Sự khôn ngoan của Ngài chắc chắn vượt xa tính toán của ta: lòng yêu thương của Ngài chắc chắn lớn lao hơn điều ta có thể tưởng. Bởi vậy, đường lối của Ngài không phải bao giờ ta cũng có thể hiểu rõ được. Như Chúa Giêsu cần phải ở lại đền thờ Giêrusalem như nhà của Chúa Cha, thánh Giuse và Mẹ Maria không thể ngờ tới chuyện đó. Việc hai ngài lạc mất Chúa Giêsu, đó thực là cách Thiên Chúa dẫn dắt để hai ngài mỗi ngày mỗi hiểu được đường lối của Chúa hơn.
Nhưng dù lạc mất Chúa cách nào đi nữa, điều người Kitô hữu phải làm là: noi gương thánh Giuse:"trở lại Giêrusalem mà tìm". Không phải như Phêrô, khi thấy Chúa Giêsu lên Giêrusalem để chịu chết, khi thấy đường lối Chúa không giống đường lối mình, ông lên tiếng can ngăn, ông tìm cách thuyết phục, lôi kéo Chúa. Thánh Giuse và Mẹ Maria thì không như vậy, các ngài không kêu ca, không trách móc, không bực bội, các Ngài chỉ tức tốc lên đường tìm Chúa. Các ngài đã sẵn sàng bỏ hướng đi của mình để tiến về phía Chúa, bỏ chương trình của mình để tìm ra chương trình của Chúa.
Lên đường tìm Chúa, đó là thái độ cơ bản của người Kitô hữu. Thánh Giuse và Mẹ Maria, hai người thân thiết nhất của Chúa Giêsu, thế mà các ngài cũng chẳng đương nhiên hiểu thấu chương trình của Chúa. Thiên Chúa không đương nhiên xuất hiện rõ ràng với chúng ta. Đường lối của Ngài luôn huyền nhiệm, thánh ý của Ngài luôn cao vời. Đó chẳng phải là Thiên Chúa trốn tránh chúng ta, nhưng đó là cách thức Thiên Chúa dẫn dắt ta trên từng hoàn cảnh cuộc đời. Chỉ có thể thực hiện đúng ý Chúa khi chúng ta biết noi gương thánh Giuse, tin tưởng và lên đường tìm Ngài, tìm kiếm luôn luôn, tìm kiếm mãi mãi và tìm kiếm Thiên Chúa như là mục đích duy nhất của đời mình, để từ đó, như thánh Giuse, chúng ta mỗi ngày được chìm sâu hơn vào thánh ý đầy yêu thương của Ngài.
Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã từ trời cao đến với loài người, Chúa đã tự ví mình như người mục tử nhân lành lên đường tìm con chiên lạc. Chúa đã và vẫn đang đi tìm từng người chúng con để đưa về đàn chiên của Chúa. Nhưng Chúa không muốn làm thay tất cả. Chúa không muốn chúng con trở nên ù lì, thụ động, ỷ lại, nên Chúa cũng muốn chúng con cất bước đi tìm Chúa.
Lạy Chúa, ơn cứu độ của Chúa là một cuộc hẹn hò, gặp gỡ, yêu thương. Trong cuộc hẹn hò này, Chúa tìm con và con tìm Chúa. Chúa yêu con nên đã đến tìm con thì con cũng phải lên đường tìm Chúa trong lòng yêu thương cảm mến. Xin Chúa cho chúng con, như thánh Giuse, cũng biết lên đường tìm Chúa mãi mãi.
Bài 20 : Sự Kỳ Diệu Của Chúa Trong Cuộc Đời
"Khi thấy Con, hai ông bà sửng sốt" (Lc 2.48)
"Ngôi lời đã làm người và ở giữa chúng ta" (Ga 1,14)
Đức Giêsu đã đến trong thế gian để nói cho biết Thiên Chúa là ai. Hay nói theo Thánh Phaolô khi viết gửi cho giáo đoàn Côlôsê:" Nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể". (Cl 2,9). "Và đây là cách Thiên Chúa biểu lộ tình yêu đối với chúng ta: Người đã sai con một giáng trần để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống" (1Gs 4,9). Và Thánh Phaolô cũng đã nói:"Mầu nhiệm của Thiên Chúa, tức là Đức Kitô" (Cl 2,2).
Biến cố "trẻ Giêsu ở lại Giêrusalem vào dịp lễ Vượt qua khi lên 12 tuổi mà cha mẹ Người không hay" (Lc 2,43) đã cho thấy Chúa Giêsu có ý thức sứ mạng Chúa Cha đã trao phó cho Ngài và Ngài đã hoàn toàn tự do tự quyết trong việc thi hành sứ mạng đó để nói lên việc Ngài triệt để vâng theo Thánh Ý Chúa Cha. Và chính khi cha mẹ Ngài sửng sốt ngạc nhiên thì Ngài đã tỏ cho biết ý định muôn đời Chúa Cha đã định đoạt cho Chúa Con.
Nói cách khác, Đức Giêsu đã tỏ ra hoàn toàn tuân phục Thánh Ý Chúa Cha và cũng uốn mọi người tuân phục Thánh ý đó. Thái độ sửng sốt thất kinh trước những điều Kỳ diệu của Thiên Chúa được thực hiện nơi Người Con đã nói lên thái độ thuần phục trong Đức tin của Cha Mẹ Đức Giêsu. Đó cũng là một lối đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa bằng một sự tuân phục của lòng tin (Rm.1,5;16,26; 1Cr.10,5-6). "Nhờ sự tuân phục đó, con người phó thác toàn thân cho Thiên Chúa một cách tự do, dâng lên Thiên Chúa mạc khải sự qui phục hoàn toàn của lý trí và ý chí, đồng thời sẵn sàng chấp nhận mạc khải Người ban cho" (Hiến chế Tín lý và Mạc khải số 2, CĐ. Vatican II).
Thánh Giuse của chúng ta cũng đã kinh ngạc sửng sốt trong thinh lặng trước kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa nơi Người Con. Và như thế, hiểu rộng ra, Thánh Giuse đã đặc biệt trở thành Người quản lý mầu nhiệm "đã được giấu kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa" (Ep 3,9). Phải, chính qua biến cố "trẻ Giêsu ở lại Giêrusalem". Thánh Giuse đã hiểu thêm được rằng mình là người quản lý mầu nhiệm của Thiên Chúa: "Con có bổn phận ở nhà của Cha Con" (Tông huấn "Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế" số 15 của Đức Gioan Phaolô II).
Quả thật, ai trong chúng ta cũng có thể nói được như Đức Maria: "Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả" (Lc 1,49). Nhưg chúng ta có nhận ra biết bao điều cao cả kỳ diệu ấy mà cất lên lời ca khen Thiên Chúa chăng ?
Thiên Chúa đã cho ta làm người và được làm con cái Thiên Chúa với biết bao hồng ân thông ban cho ta qua các nhiệm tích, qua lịch sử nhân loại và qua chính lịch sử đời mình.
Trong cuộc lữ hành đức tin, chúng ta hẳn đã không khỏi ngạc nhiên về những biến cố liên quan đến đời sống Đức Tin của chúng ta. Thái độ duy nhất của chúng ta phải có đó là "sự tuân phục của Đức tin". Thánh Giuse khi đứng trước mầu nhiệm của Thiên Chúa, Người đã chẳng "làm như thiên thần Chúa dạy" đó sao ? (Mt 1,24)
"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Ga 3,16) Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu của Người nơi Người Con, và Người đòi hỏi con người đáp trả tình yêu ấy bằng chính niềm tin tưởng tuyệt đối và trọn vẹn nơi Người Con. Và chính khi đặt cả niềm tin nơi Người Con ấy, chúng ta được chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa (1Ga 5,11). Thánh Giuse đã thinh lặng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Người con bằng chính hành động cụ thể: làm theo sứ thần Chúa dạy. Noi gương Thánh Giuse, chúng ta hãy lắng nghe, đón nhận và đáp lại những lời mời gọi của Thiên Chúa bằng tất cả niềm tín thác vào kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa, và để cho Người hành động...
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất, Chúa đã sai Ngôi Lời đến ở với chúng con, Người chính là mặt trời chiếu tỏa vinh quang rạng ngời của Chúa. Ước gì mỗi người chúng con biết lắng nghe, đón nhận và thực thi lời Chúa Con truyền dạy và nhất là khi nhận ra biết bao điều kỳ diệu Chúa đã làm cho chúng con, chúng con biết dâng lời ngợi ca lên Thiên Chúa để mai này chúng con cũng được ngợi ca Người trên cõi trời vinh phúc. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
Bài 21 : Đức Tin Trong Tăm Tối
"Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói" (Lc 2,50).
Theo Thánh Kinh Đức tin là nguồn gốc và trung tâm của đời sống tôn giáo. Thiên Chúa đã thực hiện việc cứu độ con người ngay trong chính lịch sử của con người và con người phải đáp trả kế hoạch của Thiên Chúa thực hiện trong thời gian bằng Đức tin.
Tuy nhiên, đường lối của Thiên Chúa dưới cái nhìn của nhân loại thường không thể hiểu thấu. Trước một biến cố vốn đã gây kinh ngạc cho hai ông bà (Lc 2,46-48), ông bà còn dường như không hiểu nổi trước lời đáp của trẻ Giêsu:" Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà con sao?"
Là người quản lý mầu nhiệm của Thiên Chúa, thánh Giuse đã hoàn toàn qui phục chương trình của Thiên Chúa trong thinh lặng bằng một Đức tin trọn vẹn cả về lý trí lẫn ý chí.
Sự kiện hai ông bà "lạc mất con"(Lc 2,41-51) đã dẫn hai ông bà từ ngạc nhiên đến không hiểu. Nhưng như thế không có nghĩa là Đức tin của hai ông bà "nơi người con sinh ra do quyền năng của Chúa Thánh Thần và sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi" (Mt 1,20-21) lại tùy thuộc vào sự "ngạc nhiên sửng sốt" hoặc "không hiểu" đó...
Ở một thời đại mà người ta muốn "đưa ra ánh sáng" tất cả những gì còn trong tăm tối. Người ta muốn chứng minh, muốn thực nghiện những đêm tăm tối của Đức tin. Đức tin vốn đã là một đòi hỏi về phía con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa mà nó còn bị thử thách bởi chính những đêm tăm tối của chính nó: những thử thách về niềm tin. Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội những nhiệm tích để đem lại sự sống đời sống Kitô hữu. Thậm chí, ai không tin sẽ bị phán xét (Ga 5,24) và ai tin sẽ được bước đi trong ánh sáng (Ga 12,46), và chiếm hữu được đời sống vĩnh cửu (Ga 3,16; 6,47)
Như thế, Đức tin mặc lấy sự cao cả bi thảm của việc chọn lựa khẩn khiết giữa cái chết và sự sống, giữa ánh sáng và tối tăm. Sự chọn lựa này càng gay go hơn vì nó tùy thuộc vào cuộc sống luân lý của người thực hiện sự chọn lựa đó (Ga 9,19-21)
Đó chính là Đức tin vào Đức Giêsu (Ga 2,23-27; 5,1) và phải triển nở trong một cuộc sống không tì ố (Ga 3,9), được sinh động nhờ tình yêu thương huynh đệ (Ga 4,10) và nhất là dẫn đến việc nhận biết tình yêu của Thiên Chúa (1Ga 4,16)
Nếu Thánh Giuse là người công chính (Mt 1,19) thì trước hết và trên hết, Người phải là Đấng được công chính hóa nhờ Đức tin, vì qủa thực Người đã liên kết mật thiết với Đức Kitô trong Đức tin (Rm.3,28 tt).
Đức tin luôn vượt khỏi những giới hạn của tầm hiểu biết của con người. Người ta không thể lý trí ra để lý giải thực thi thuộc phạm vi Đức tin. Đức tin trước hết là một ân ban và cũng là thái độ đáp trả duy nhất của con người trước một thực tại cao siêu.
Noi gương Thánh Giuse, bằng một Đức tin sáng suốt và phó thác, chúng ta hãy vâng theo Thánh ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời, để đến ngày Đức tin kết thúc, "ta sẽ thấy một Thiên Chúa như chính Ngài hiện hữu" (1Ga 3,2). Chính khi không hiểu nổi những việc Thiên Chúa làm với lòng tin tưởng tuyệt đối để cho Người hành động, thì Người sẽ thực hiện nơi chúng ta muôn điều kỳ diệu. Thánh Giuse đã làm theo mệnh lệnh của Thiên Chúa không một oán trách thở than, dù biết rằng đường lối của Chúa chẳng mấy dể tiếp thu đối với con người với những giới hạn nhất định của mình.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu độ chúng con, là ánh sáng chiếu soi nơi tăm tối mịt mù. Chúng con được ở gần bên Chúa thì còn sợ gì ai. Xin Chúa dẫn đường chỉ lối và giúp chúng con biết luôn tin tưởng cậy trông vào Chúa trên bước đường lữ thứ trần gian. Vì dù mắt phàm không nhận ra sự quan phòng kỳ diệu của Chúa, nhưng mắt Đức tin sẽ giúp chúng con can đảm buớc đi. Xin cho chúng con biết noi gương Thánh Giuse, Đấng đã được công chính hóa nhờ Đức tin, mà tiến bước đi theo đường lối của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
Bài 22 : Gia Đình Thánh Gia
"Sau đó, Người theo Cha mẹ trở về Nagiarét và hằng vâng phục các Ngài" (Lc 2,51).
Hôn nhân và gia đình là tế bào đầu tiên và đồng thời là nền tảng của xã hội cũng như của Giáo Hội. (MV số 47)
"Gia đình Kitô hữu lãnh trách nhiệm phải gìn giữ mạc khải và thông truyền tình yêu thương, là phản ảnh sống động và dự phần thực sự vào tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, vào tình yêu của Đức Kitô là Chúa đối với hiền thê của Người là Hội Thánh" (Tông Huấn về gia đình số 17 của Đức Gioan Phaolô II)
Nếu xét "gia đình là một cộng đoàn thân mật của sự sống và tình yêu thương" thì Thánh Gia Thất phải là một gia đình kiểu mẫu. Đức Giêsu "lớn lên thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa" (Lc 2,52), điều đó được thực hiện trong khung cho gia đình, dưới sự chăm sóc của thánh Giuse, người có trách vụ cao cả là dưỡng dục Chúa Giêsu theo trách nhiệm của một người cha, mà Đức Giêsu "hằng vâng phục Cha mẹ"(Lc 2,51), kính cẩn đền đáp những chăm sóc của Cha Mẹ. Như thế, Người muốn thánh hóa những bổn phận của đời sống gia đình cũng như của công việc lao đo65ng mà Người thực hiện cùng với Thánh Giuse" (Tông huấn "Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế" của Đức Gioan Phao lô II số 16)
Hơn bao giờ hết, xã hội cũng như tôn giáo luôn cần đến cái nôi của xã hội, của tôn giáo. Một tế bào lành mạnh, thánh thiện trong một xã hội lành mạnh và thánh thiện. Mà dưới quan điểm Kitô giáo, một gia đình thánh thiện là một gia đình sống đúng với ý định của Thiên Chúa, "kính sợ và ăn ở theo đường lối của Chúa" (Tv 127),"sống thân mật và yêu thương" (MV số 48). Mà ý định của Thiên Chúa lại không dễ hiểu đối với giới hạn của con người. Và như thế, một sự thuần phục của Đức tin vẫn luôn cần thiết. Bao lâu còn sống cuộc đời lữ hành trần gian, con người phải luôn tìm kiếm Thánh ý Thiên Chúa bằng việc lắng nghe, đó nhận và thực thi đường lối của Chúa. Chính khi cố gắng vươn tới việc thực thi thánh ý Chúa và ăn ở theo đường lối của Người, con người sẽ lập lại trật tự đã bị tội lỗi làm đảo lộn. Và như thế, con người sẽ biết vâng phục nhau để thực thi ý Chúa. Chính Chúa Kitô đã đến trần gian để thực thi Thánh ý Chúa Cha bằng chính cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của mình.
Cuộc sống gia đình trong xã hội hôm nay luôn đối diện với bao thách đố dường như không vượt qua nỗi: thách đố về sự hiệp thông bất khả phân ly, về việc truyền thông sự sống và về việc dưỡng dục con cái... Chính vì thế, Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta hãy xin Chúa đoái thương ban cho được thấy những gương sáng lạn của Thánh Gia Thất mà bắt chước Thánh Gia Thất thực hiện các nhân đức thuộc đời sống gia đình và tình yêu thương để có thể được hưởng niềm vui vĩnh cửu trong nhà Chúa (Lời nguyện Thánh lễ Thánh Gia Thất )
Chính Thánh Giuse, bằng cuộc đời âm thầm lặng lẽ với niềm tín thác tuyệt đối vào đường lối của Thiên Chúa, Ngài đã sống trọn vẹn chức vị làm cha nuôi Chúa Giêsu ngay trong khung cảnh sống của Người. Người đã ý thức luôn mãi là Người gìn giữ mầu nhiệm của Thiên Chúa và hằng gẫm suy những việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm nơi chính người con yêu qúi của Người. Một gia đình thánh thiện với những phần tử thánh, luôn thực thi Thánh ý Chúa.
Và như thế, xét cho cùng, một gia đình thánh thiện, một gia đình hạnh phúc đích thực là một gia đình luôn "có Chúa" (Tv 127) tức là một cộng đoàn của sự sống và tình yêu thương đang vươn lên và sẽ gặp được sự hoàn thành trong Nước Thiên Chúa, như một thực tại được sáng tạo và cứu chuộc. (Tông huấn về Gia đình số 17 của Đức Gioan Phaolô II).
Lời nguyện
Lạy Đức Kitô là con Thiên Chúa, Ngài đã xuống trần gian để biểu lộ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại, và Ngài mong mỏi cho con người được hạnh phúc hơn chính con người mong mỏi ước ao. Xin giáng phúc cho công việc chúng con làm, cho ngôi nhà chúng con ở, cho những người thân trong gia đình, cho mọi tín hữu trong Hội Thánh. Xin cho mọi gia đình biết đùm bọc yêu thương nhau và biết chu toàn phận vụ của mỗi phần tử trong gia đình theo đúng như ý Chúa muốn, để một khi sống trong sự kính sợ và luôn tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa trong gia đình, xã hội được yên vui, người người được hạnh phúc như gia đình Thánh Gia xưa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
(Nguồn : www.simonhoadalat.com)