News Filters

GIA ĐÌNH VÀ LỜI CHÚA *** Linh mục Đa minh Đinh Văn Vãng

08 Tháng Giêng 2021

GIA ĐÌNH VÀ LỜI CHÚA

Linh mục Đa minh Đinh Văn Vãng

A,- Lời Chúa là Lời Yêu Thương

B.- Lời Chúa trong gia đình

C.- Một số Lời Chúa trong Giờ Kinh Tối

A.- LỜI CHÚA LÀ LỜI YÊU THƯƠNG

Thánh Kinh là bộ sách ghi Lời của Thiên Chúa nói với loài người. Khi đọc Thánh kinh, chúng ta sẽ hiểu được tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người qua Cựu ước và Tân ước như sau:

I.- CỰU ƯỚC: CHUẨN BỊ ƠN CỨU ĐỘ:

1.- Lời Thiên Chúa sáng tạo và quan phòng:

Lúc khởi đầu Thiên Chúa dùng Lời quyền năng để sáng tạo trời đất muôn vật và loài người, đồng thời tiếp tục quan phòng để chúng được tồn tại và ngày một tiến hóa. Khi loài người nghe theo ma quỷ cám dỗ ăn quả trái cấm để khỏi lệ thuộc vào Chúa và đã lãnh lấy hậu quả thảm khốc: bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng, vào trần gian là vũng đầy đau khổ nước mắt, bị bệnh tật hành hạ và cuối cùng còn phải chết nữa. Nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc loài người dưới quyền ma quỷ và sự chết. Ngài đã hứa ban Đấng cứu Thế đến đạp nát đầu con rắn ma quỷ để giao hòa loài người với Thiên Chúa và chuộc lại sự sống đời đời cho loài người.

2.- Thiết lập Dân riêng:

Thiên Chúa đã chọn Áp-ra-ham làm tổ phụ dân riêng Israen, là hình ảnh dân Israen mới là Hội thánh sau này. Sau các tổ phụ Ápraham, Isaac và Giacóp, con cháu Giacóp đã đi lưu lạc sang Ai cập và bị bắt làm nô lệ cơ cực, Thiên Chúa đã sai Môsê đến cứu họ khỏi cảnh nô lệ và đưa họ vào sa mạc để về Đất Hứa.

3.- Môsê Đấng giải phóng Dân Chúa:

Nhờ Môsê, dân Israen đã phát triển từ một dòng tộc Giacóp trở thành một dân tộc là dân Israen. Chúa đã ký kết giao ước cũ (Cựu ước) với dân này bằng máu chiên bò. Chúa nhận Israen là con dân của Chúa, con dân Israen nhân Chúa là Thiên Chúa độc nhất của mình và quyết tâm phụng thờ một mình Chúa. Trong thời gian 40 năm đi trong sa mạc về miền Đất Hứa, Chúa đã ban cho dân Israen lương thực nuôi phần xác là Manna, và lương thực nuôi phần hồn là Mười Điều Răn.

4.- Thành lập nước Israen:

Sau khi ông Gio-suê đưa dân Israen vào Đất Hứa là xứ Ca-na-an và biến dân này thành một nước có lãnh thổ, có vua cai trị là nước Israen. Vua đầu tiên được chọn là Sau-lê, rồi tới Đa-vít và Sa-lo-mon…

5.- Giáo huấn Dân riêng qua các Ngôn sứ:

Khi dân Israen phạm tội vi phạm Lề Luật, Chúa đã sai các tiên tri đến nói Lời Chúa răn đe kẻ có tội và an ủi động viên người công chính, để giúp dân hồi tâm quay về với Chúa. Rồi khi họ bị Chúa phạt đi lưu đày sang Babylon trong một thời gian dài. Chúa đã sai các Ngôn sứ đến tuyên sấm động viên an ủi và hứa ban Đấng Thiên Sai đến để “Cứu dân mình khỏi tội”. Cuối cùng họ đã được trở về tái lập nước Israen. Một thời gian sau, họ lại bị đế quốc Rôma xâm lược và thống trị. Đức Giêsu đã ra đời trong hoàn cảnh này.

II.- TÂN ƯỚC: THỰC HIỆN ƠN CỨU ĐỘ:

1.- Đức Giêsu: Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa:

@@@ Cuộc đời Đức Giêsu:

+ Đức Giêsu dưới mắt người đời là con của ông Giuse (x Lc 3,23). Nhưng thực ra Người là con của bà Maria đồng trinh, được thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (x Lc 1,27-38; Mt 1,18-25).

+ Ngày và nơi sinh: Đức Giêsu được sinh ra tại làng Be-lem miền Giu-đê, khi Hêrôđê Đại Vương đang trị vì nước Do thái (x Mt 2,1), và dưới triều đại của hoàng đế Rôma là Au-gút-tô đang cai trị nước Do thái (x Lc 2,1), cách đây 2008 năm.

+ Người sống ẩn dật ở Na-da-rét đến năm 30 tuổi thì đi giảng đạo (x Lc 3,23).

+ Ba năm sau hết Người đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường của dân Do thái, rao giảng Tin mừng Nước trời và chữa các bệnh hoạn tật nguyền của dân… (Mt 4,23-25).

+ Người được Chúa Cha phong làm Vua Mê-si-a hay Đấng Thiên sai, sau khi Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Người tại sông Gio-đan (x Mt 3,13-17).

+ Sứ mạng của Người là thiết lập Nước trời là Hội thánh sau này, là Dân Israen mới thay cho dân Israen cũ và mời mọi người gia nhập, hầu được hưởng ơn cứu độ.

+ Điều kiện gia nhập Nước trời là phải thuộc một trong tám hạng người trong Tám Mối Phúc Thật (x Mt 5.1-12).

+ Nước trời ấy bắt đầu từ 12 Tông đồ nhỏ bé tại Giê-ru-sa-lem, nhưng ngày càng lớn lên trong khắp các miền Giu-đê, Samari và cho đến tận cùng trái đất (x Cv 1,8).

+ Người đến không nhằm hủy bỏ Luật Môsê, nhưng để kiện toàn (x Mt 5,17). Người cho biết điều răn trọng nhất trong Luật Môsê là mến Chúa yêu người (x Mt 22,36-40).

+ Người đã thiết lập Giao Ước Mới (Tân ước), ký kết bằng máu của Chiên Thiên Chúa là chính Người trên thâp giá, thay thế cho Giao Ước cũ (Cựu ước), được Môsê đại diện dân Israen ký kết với Đức Chúa bằng máu của chiên bò (x Mt 26,27-28).

+ Người thiết lập 7 phép bí tích và trao cho Hội thánh cử hành để tiếp tục chương trình cứu độ loài người cho đến tận thế.

+ Cuối cùng Người đã bị các đầu mục Do thái thù ghét hãm hại. Vì Người đã dám chống lại lối giữ đạo hình thức của họ, cố tình vi phạm truyền thống tập tục của cha ông, và còn gọi Thiên Chúa là Cha của mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa (x Mt 15,1-9; 23,1-36; 26,1-5). Sau cùng họ đã thành công bằng cách mượn tay tổng trấn Philatô người Rôma để lên án tử hình thập giá cho Người.

+ Đức Giêsu đã chấp nhận con đường “Qua đau khổ vào vinh quang” mà Chúa Cha đã ấn định cho Người. Người đã can đảm chịu chết đau thương nhục nhã trên cây thập tự để đền tội thay cho loài người, bắt đầu từ tội của tổ tông Ađam Evà, cho đến tội của mỗi người chúng ta hôm nay.

@@@ Biến cố Tử Nạn và Phục Sinh:

+ Đức Giêsu cứu đô loài người bằng việc rao giảng con đường lên trời là đạo Công giáo. Đây là con đường chật hẹp, leo dốc và ít người chịu đi, nhưng lại là con đường duy nhất đưa loài người về trời gặp gỡ Thiên Chúa (x Mt 7,13-14).

+ Đức Giêsu đã vâng phục Chúa Cha để đi con đường khổ nạn và qua đau khổ Người đã vào vinh quang Phục Sinh (x Mt 20,17-19).

+ Người mời gọi mọi người hãy bỏ tính ích kỷ và các đam mê tội lỗi, rồi vác thâp giá mình là chu toàn việc bổn phận, mà theo Người (x Mt 16,24).

+ Ai tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa thì phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa (x Lc 11,27-28). Nhất là phải sống giới răn mới yêu thương (x Ga 13,34-35) bằng sự phục vụ tha nhân noi gương Người (x Ga 13,12-14).

+ Nếu ai chấp nhận cùng chết với Chúa Giêsu, chấp nhận đóng đinh tính xác thịt mình vào thập giá Chúa, chấp nhận loại bỏ các thói hư tật xấu, các đam mê bất chính để sống theo Chúa Giêsu, thì người ấy sẽ được sống lại vinh quang với Người sau này (x Rm, 6,2-11).

@@@ Tam Nhật Thánh:

+ Đang lúc ăn bữa tiệc ly Vượt Qua với các Môn đệ tối Thứ năm Tuần Thánh, Người đã rửa chân hầu hạ Môn đệ để nêu gương phục vụ cho các ông (x Ga 13,1-17).

+ Người thiết lập phép Thánh Thể bằng việc sử dụng bánh không men và rượu nho dùng trong bữa tiệc Vượt Qua của đạo Do thái để biến thành Mình Máu huyết của Người. Người cũng truyền cho Hội thánh phải tiếp tục cử hành bí tích Thánh Thể này để tưởng nhớ đến Người (x Lc 22,14-20).

+ Rồi Người cùng ba Môn đệ thân tín vào vườn Ghếtsêmani mà cầu nguyện với Chúa Cha (x Lc 22,39-46). Sau đó, Người đã bị Giu-đa phản bội, nhận tiền của các đầu mục Do thái, dẫn quân lính coi Đền thờ đến bắt Thầy giải cho các đầu mục Do thái xử tôi (x Lc 22,47-53).

+ Đức Giêsu đã chịu quân lính đánh đòn, sỉ nhục. Chúng cho Người khoác áo choàng đỏ giả làm vua hề, đội lên đầu Người mão gai nhọn giả làm vương miện, cho Người cầm một cây sậy giả làm phủ việt và đánh đập Người cách tàn bạo (x Lc 23,63-65).

+ Đức Giêsu bị đưa ra xét xử trước Thượng Hội đồng đạo Do thái trong đêm thứ Năm và bị tòa án này kết án tử hình (x Lc 22,66-71). Nhưng để thi hành án tử hình cho Người, sáng hôm sau là ngày Thứ sáu, các đầu mục dân Do thái đã giải Đức Giêsu sang tòa án đời do quan Tổng trấn Rôma là Pôngxiô Philatô để yêu cầu ông lên án tử hình cho Đức Giêsu (x Lc 23,1-2).

+ Philatô nghe dân Do thái tố cáo Đức Giêsu đủ điều về tôn giáo và còn tự xưng mình là Vua Mê-si-a của dân Do thái, xúi giục dân làm loạn chống lại đế quốc Rôma. Rồi chúng đòi Philatô phải lên án tử hình thập giá cho Người, một hình phạt chỉ dành cho các tử tội giết người và phản loạn chống lại Rôma (x Lc 23,13-25).

+ Sau khi Philatô kết án tử hình thì quân lính bắt Người vác cây thập tự lên đỉnh đồi Can-vê (núi Sọ). Tại đây Người đã bị lột trần trước khi bị đóng đinh tay chân vào thập giá rồi bị treo lên giữa hai tên trộm cướp vào giờ thứ sáu (12 giờ trưa). Đến giờ thứ chín (3g00 chiều) thì Người tắt thở (x Lc 23,26-46).

+ Môn đệ đến cất xác Đức Giêsu xuống khỏi thập giá và vội vã an táng Người trong mộ đục sâu trong tảng đá gần đó (x Lc 23,50-56). Các đầu mục Do thái được quan Philatô cho phép, đã cho lính Đền thờ đến mồ canh xác Đức Giêsu (x Mt 27,62-66).

+Tuy nhiên đến ngày thứ ba tức vào tảng sáng ngày Thứ Nhất trong tuần thì Đức Giêsu đã từ cõi chết sống lại. người đã chiến thắng thần chết bằng sự phục sinh vinh quang để trả lại sự sống cho loài người (x Lc 24,1-12.36-49).

@@@ Điều kiện để nhận được ơn cứu độ:

Để được hưởng Ơn Cứu Độ của Chúa Giêsu, phải có những điều kiện như sau:

+ Phải tin Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai (x Ga 3,16).

+ Phải chịu phép Rửa tội để được tái sinh làm con Thiên Chúa (x Ga 3,1-8) và được gia nhập Nước Trời.

+ Phải tuân giữ Lời Đức Giêsu truyền dạy, nhất là thực hành giới răn mến Chúa yêu người.

+ Nhờ năng lãnh nhận các phép bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, người tín hữu sẽ được Thánh Thần thánh hóa trở nên con Thiên Chúa, nên chứng nhân cho Chúa Giêsu, nên con của Hội thánh và nên anh chị em của mọi người. Sau này còn được về thiên đàng hưởng Tôn nhan Thiên Chúa (x Ga 3,35-36).

  1. Hội thánh tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu:

@@@ Thành lập Hội thánh:

+ Trong thời gian giảng đạo, Chúa Giêsu đã thâu nạp 72 Môn đệ, và trong số đó Người tuyển chọn 12 ông vào Nhóm Tông đồ, đứng đầu Nhóm là Phêrô (x Lc 10,1-16; Mt 10,1-16).

+ Trong thời gian giảng đạo gần ba năm, Đức Giêsu đã dạy dỗ huấn luyện đức Tin cho Nhóm 12 này. Người giải thích cho các ông hiểu ý nghĩa các dụ ngôn về Nước trời mà Người đã giảng cho dân chúng. Sau khi từ cõi chết sống lại, Người đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông (x Ga 20,19-23). Người còn hiện ra nhiều lần để củng cố đức tin của các ông.

+ Sau cùng Người đã từ giã các ông mà lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha (x Mc 16,9-18). Người hứa sẽ trở lại vào ngày tận thế để đón các ông về trời với Người.

+ Người ra lệnh cho các ông phải tiếp tục sứ mệnh cứu chuộc loài người bằng việc loan báo Tin mừng khắp muôn dân, làm phép Rửa tội để thâu nạp các dân nước vào trong Nước trời là Hội thánh. Người hứa sẽ cùng Hội thánh mọi ngày cho đến tận thế (x Mt 28,16-20).

@@@ Sứ mệnh của Hội thánh:

+ Ngôn sứ: Sau khi được Chúa Giêsu trao sứ mệnh rao giảng Tin mừng (x Ga 20,21) và đón nhận ơn Thánh Thần (x Cv 2,1-13), Hội Thánh đã vâng Lời Chúa Giêsu đi loan báo Tin mừng Nước trời đi khắp thế gian dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Sau bài giảng đầu tiên của Phêrô đã có ba ngàn người tòng giáo  (x Cv 2,41).

+ Tư tế: thánh hóa các tín hữu nên con Thiên Chúa bằng việc cử hành các phép bí tích như: Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể, Giải tội, Xức Dầu bệnh nhân, Truyền Chức thánh, Hôn phối (Xem thư Do thái).

+ Vương đế: chăm sóc đòan chiên noi gương Chúa Giêsu vị Mục Tử tốt lành. Dạy dỗ dân Chúa sống 10 giới răn Thiên Chúa, 6 Điều luật Hội Thánh, Tám Mối phúc thật, kinh Thương người có 14 mối, kinh Hòa Bình… và thực hành những lời Chúa Giêsu dạy, nhất là sóng yêu thương nhau, bảo vệ sự hiệp nhất và bình an trong Hội Thánh (Xem các thư thánh Phaolô, 7 Thư Chung Công Giáo).

@@@ Hy vọng một Trời Mới Đất Mới:

+ Đức Giêsu ban niềm hy vọng sống lại cho các Hội Thánh (x Ga 14,2-4) Đến ngày tận thế, Người sẽ tái lâm để phán xét nhân lọai và thiết lập một Trời Mới Đất Mới là Thiên đàng (x Kh 21,1).

+ Ngày nay các tín hữu chúng ta hy vọng ngóng chờ Đấng Cứu Thế đến biến đổi chúng ta (x Pl 3,1-21). Hãy năng tỉnh thức và sẵn sàng chờ Chúa đến bất ngờ (x Mt 24,42). Hãy sống đời sống mới trong Đức Giêsu (x Ep 4,22-32). Hãy luôn sống trong ánh sáng tin yêu (x Ep 5,1-20) và sự cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu xin ngự đến” (Kh 22,20).

 

 

B.- LỜI CHÚA TRONG GIA ĐÌNH:

I.- . SỰ CẦN THIẾT CỦA LỜI CHÚA:

  1. Lời Chúa là Lời Tình Yêu:

Thánh kinh là bộ sách ghi lại tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Khi đọc Thánh kinh chúng ta sẽ hiểu được tình yêu của Thiên Chúa như thế nào. Cho nên, càng hiểu biết Lời Chúa, ta càng thấm thía hơn tình yêu của Thiên Chúa. Từ đó ta sẽ sống tình yêu hôn nhân trong gia đình sâu sắc hơn.

  1. Lời Chúa là Lời cứu rỗi:

Thầy có những Lời làm cho chúng con được sống đời đời” (Ga 6,68). Nhờ Lời Chúa được ban như lương thực hằng ngày, gia đình tín hữu sẽ ngày một tiến triển trong đời sống đức tin và quyết tâm thực hành các nhân đức.

  1. Lời Chúa biểu lộ ý muốn của Chúa Cha:

Chúa Cha đã tác tạo vạn vật do tình yêu thương thôi thúc. Vì thế, nếu hiểu biết Lời Chúa, gia đình tín hữu sẽ biết cách sống phù hợp với thánh ý Chúa và đó chính là đường nên thánh mà Chúa Cha đã phán dạy trong cuộc biến hình của Đức Giêsu: “Đây là Con Ta yêu dấu, các người hãy nghe Lời Người” (Mc 9,7).

  1. Thánh Kinh là sách ghi Lời Thiên Chúa với loài người:

Do đó, mỗi gia đình nên sắm một cuốn Thánh kinh Công giáo. Sách thánh Kinh phải được lưu trữ bảo quản trong một cái hộc trên bàn thờ Chúa. Tôn kính Thánh kinh là tôn kính Lời Thiên Chúa nhập thể là Đức Giêsu. Tại nhà thờ Lời Chúa được tôn kính ngang hàng với Thánh Thể. Tại tư gia các thành viên trong gia đình cũng phải tôn trọng Sách thánh bằng việc đặt Sách thánh trên bàn thờ Chúa, và sẽ được mở ra đọc trong Giờ Kinh Tối Gia đình hay các Giờ Kinh dịp đặc biệt khác.

II.- .GIA ĐÌNH ĐỌC LỜI CHÚA THẾ NÀO?

1.- Tâm tình phải có khi đọc Lời Chúa:

Phải đọc Lời Chúa trong tinh thần đức Tin, với tâm tình khiêm tốn đơn sơ. Vì “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (Lc 1,51-52). Phải đọc với tâm tình khao khát lắng nghe Lời Chúa để tìm biết Thánh ý Chúa muốn như trẻ Samuel khi xưa trong Đền thờ đã thưa với Đức Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy phán dạy, vì tôi tớ Chúa đã sẵn sàng nghe” (1 Sm 3,10). Phải đọc trong thái độ sẵn sàng thi hành những điều Chúa dạy: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Không phải chỉ xưng đức tin ngoài môi miệng, mà còn phải sống đức tin trong cuộc sống hằng ngày (x Lc 6,46). Thi hành Lời Chúa là xây nhà Đức Tin trên nền đá. Người như vậy sẽ luôn kiên vững đức tin trong cơn nguy nan (x Lc 6,47-49).

2.- Cách thức đọc Lời Chúa:

Phải đọc cách chậm rãi, vì lối văn trong Thánh kinh nhiều khi khó hiểu đối với người Việt Nam chúng ta. Do đó, khi đọc xong một đoạn Kinh thánh, nên dừnglại suy nghĩ giây lát: “Chúa muốn nói với tôi điều gì qua đoạn Lời Chúa này? Tôi có thể áp dụng điều ấy thế nào vào đời sống cụ thể của gia đình tôi? Trong Giờ Kinh Tối Gia đình, sau khi cả nhà cùng nghe Lời Chúa, thì cha mẹ hoặc người có khả năng sẽ gợi ý để giúp mọi người xét mình và quyết tâm sống đức tin bằng việc thực hành Lời Chúa dạy.

3.- Thứ tự nên theo khi đọc Lời Chúa:

Khi đọc Lời Chúa hằng ngày, có thể đọc theo Tin mừng trong Thánh lễ mỗi ngày. Nên chọn một cuốn sách suy niệm Lời Chúa hằng ngày để giúp suy niệm. Có thể đọc Lời Chúa theo chủ đề phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của gia đình (Xem phần Chủ Đề Lời Chúa cuối bài này). Vào các Giờ Kinh Tối thứ bảy hay lễ trọng, gia đình nên chọn đọc bài Tin mừng của Thánh lễ chính ngày, để chuẩn bị nghe Chủ tế giảng trong Thánh lễ hôm ấy.

4.- Chia phiên đọc Lời Chúa:

Điều này có lợi vì người nào tới phiên đọc Lời Chúa sẽ phải xem trước. Cha mẹ nên biết điều này là ngày nay con cái có nhiều cơ hội đọc Lời Chúa và học giáo lý dựa vào Thánh kinh hơn mình ngày xưa. Do đó, cha mẹ cần bổ túc kiến thức tôn giáo bằng cách tìm đọc sách dẫn giải đơn sơ dễ hiểu về Lời Chúa, hoặc đọc thêm các bài trong sách Giáo lý Công giáo của con cái đang học tại nhà thờ…

III.- .GIA ĐÌNH SỐNG LỜI CHÚA THẾ NÀO?

1.- Đọc Lời Chúa trong gia đình:

Có điều lợi là mọi người sẽ được hướng dẫn để thực hành cùng một câu Lời Chúa trong ngày, và như vậy sẽ có thể giúp nhau thực hành Lời Chúa hơn. Khi răn dạy, thay vì nóng nảy la hét, cha mẹ sẽ ôn tồn dùng Lời Chúa mà giảng khuyên thuyết phục con cái sống theo gương Chúa làm và Lời Chúa dạy. Mỗi tối nhờ sự hướng dẫn và chia sẻ, mọi người đã hiểu ý Chúa muốn dạy và được gợi ý thực hành ngày hôm sau.

2.- Kiểm điểm:

Sau khi nghe đọc Lời Chúa, sẽ kiểm điểm xem gia đình mình đã thực hành quyết tâm ra sao? Có điều gi trong đọan Tin mừng mà chưa hiểu không? Hướng dẫn hoặc khích lệ thêm để cả nhà có thể sống Lời Chúa tốt hơn.

3.- Phương pháp ám thị:

Nên sử dụng phương pháp tâm lý “Ám Thị” bằng việc sắm một tấm bảng bằng mi-ca trắng treo tường nơi đọc kinh tối gia đình. Trao trách nhiệm cho một thành viên ghi lên bảng mỗi ngày một câu Lời Chúa trong Tin mừng đọc vào buổi tối để nhắc nhở mọi người thực hành ngày hôm sau. Nếu gia đình chỉ đọc kinh tối hằng tuần thì ghi một câu Lời Chúa để thực hành trong cả tuần sau.

4.- Xin ơn biến đổi:

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để sống được Lời Chúa dạy là luôn xác tín rằng: “Tất cả những gì viết trong Sách thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2 Tm 3,16). Do đó, gia đình phải cầu xin Chúa ban ơn giúp các thành viên canh tân cuộc sống: Loại bỏ tự ái, kiêu căng, cố chấp, và quyết tâm sống theo gương Chúa làm và Lời Chúa dạy.

5.- Phải kiên trì:

Việc từ bỏ các thói hư tật xấu, thực tập nhân đức, không thể hoàn thành trong thời gian một tháng một năm, nhưng là phải thực hành suốt đời. Do đó, cần kiên tâm bền chí, phải có tâm hồn lạc quan phấn khởi và hy vọng đạt được mục đích thánh hóa gia đình mình. Với các điều thực hành nói trên, nếu biết kiên trì thực hiện, chắc chắn gia đình sẽ được Chúa chúc phúc như Người đã phán: “Phúc thay những ai lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,28).

 

C.- MỘT SỐ LỜI CHÚA TRONG GIỜ KINH TỐI

I.- VỀ SỰ CẦU NGUYỆN:

1.- Lời Chúa Giêsu dạy:

+ Phải cầu nguyện như thế nào (x Mt 6,5-15).

+ Thiên Chúa lắng nghe lời cầu của chúng ta (x Mt 7,7-11).

+ Cầu nguyện và việc vâng theo thánh ý Chúa (x Mt 7,21-23).

+ Hãy xin Chủ ruộng sai thợ gặt lúa (x Mt 9,37-38).

+ Gương cầu nguyện của người đàn bà ngoại (x Mt 15,21-28).

+ Cầu nguyện tập thể (x Mt 18,19-20).

+ Nhà cầu nguyện bị tục hóa (x Mt 21,13).

+ Sức mạnh của lời cầu nguyện (x Mt 21,21-22).

+ Lời cầu nguyện xua trừ ma quỷ (x Mc 9,14-29).

+ Đức Giêsu nghe lời cầu của người mù (x Mc 10,46-52).

+ Giáo huấn của Đức Giêsu: Xin sẽ được (x Lc 11,9-13).

2.- Gương Chúa Giêsu cầu nguyện:

+ Khi làm phép lạ nhân bánh (x Mt 14,19).

+ Lên núi cầu nguyện (x Mt 14.23).

+ Đặt tay cầu nguyện cho trẻ em (x Mt 19,13-15).

+ Cầu nguyện ngay từ sáng sớm (x Mc 1,35).

+ Khi truyền phép Thánh Thể (x Mc 14,22-26).

+ Cầu nguyện tại nơi thanh vắng (x Lc 5,15-16).

+ Cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn Tông đồ (x Lc 6,12-16).

3.- Một số lời cầu nguyện tiêu biểu trong Tin mừng:

+ Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18.13).

+ Thầy bảo thật anh em: Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy” (Ga 16,23).

+ Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha (Mt 26,39).

+ Lạy Cha, nếu chén này không thể rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thể hiện” (Mt 26,42).

+ Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? (Mt 27,46).

+ Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23,34).

+ Lạy Cha, Con xin phó thác hồn Con trong tay Cha (Lc 23,46).

+ Nếu Ngài muốn Ngài có thể làm cho tôi được sạch (Mt 8,2).

+ Thưa Ngài, tôi chẳng đáng được Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8,8; Lc 7,6).

+Thầy ơi, xin cứu chúng con, kẻo chúng con chết mất (Mt 8,25).

+ Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống (Mt 9,18).

+ Thưa Ngài, xin cứu con với (Mt 14,30).

+ Lạy Ngài là con vua Đavít. Xin dủ lòng thương tôi (Mt 15,22).

+ Lạy Ngài xin cho tôi được sáng mắt (Mt 20,33).

+ Nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương giúp chúng tôi (Mc 9,22).

+ Tôi tin. Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi (Mc 9,24).

+ Lạy Chúa, xin tránh xa tôi, vì tôi là kẻ tội lỗi (Lc 5,6).

+ Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện (Lc 11,1).

+ Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con (Lc 17,5).

+ Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi (Lc 17,13).

+ Lạy ông Giêsu, khi nào vào Nước trời. Xin nhớ đến tôi cùng (Lc 23,42).

+ Mời ông ở lại với chúng tôi vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn (Lc 24,29).

+ Họ hết rượu rồi con ạ (Ga 2,3).

+ Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát (Ga 4,15).

+ Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy (Ga 6,34).

+ Bỏ Thầy chúng con biết đi với ai? Thầy mới có Lời ban sự sống đời đời (Ga 6,68).

+ Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện (Ga 14,8).

+ Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con! (Ga 20,28).

+T hưa thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy (Ga 21,15-17).

II.- VỀ NHỮNG PHÉP LẠ CHÚA GIÊSU ĐÃ LÀM:

1.- Phép lạ chữa bệnh:

+ Những cuộc chữa lành đầu tiên tại Galilê (x Mt 4,23-35);

+ Chữa bà mẹ vợ ông Phêrô (x Mt 8, 14-15).

+ Những cuộc chữa lành của thời kỳ Đấng Mêsia (x Mt 8,16-17; Mc 1,32-34);

+ Chữa hai người mù (x Mt 9,27-31);

+ Chữa người câm khỏi quỷ ám (x Mt 9,32-34);

+ Chữa lành mọi bệnh họan tât nguyền (x Mt 9,35);

+ Chữa người bại tay (x Mt 12,9-14);

+ Những cuộc chữa lành trên núi gần biển hồ (x Mt 15,29-31);

+ Chữa người đàn bà băng huyết (x Mc 5,25-34).

+ Chữa người câm điếc (x Mc 7,31-37);

+ Người mù ở Bétsaiđa (x Mc 8,22-26); Người động kinh (x Mc 9, 14-29);

+ Chữa người phong cùi (x Lc 5,12-14);

+ Chữa người đầy tớ của viên Đại đội trưởng (x Lc 7,1-10);

+ Chữa người phụ nữ bị còng lưng (x Lc 13,10-17);

+ Chữa người phù thủng (x Lc 14,1-6);

+ Chữa lành tai cho tên đầy tớ thầy Thương Tế (x Lc 22,49-51).

2.- Phép lạ trên thiên nhiên:

+ Dẹp yên bão tố (x Mt 8,23-27);

+ Đức Giêsu đi trên biển (x Mt 14,22-23);

+ Chữa con gái ông Giaia (x Mc 5,21-24.35-43);

+ Bánh hóa nhiều lần thứ nhất (x Mc 6,34-44);

+ Bánh hóa nhiều lần thứ hai (x Mc 8,1-10); +Mẻ cá lạ lùng (x Lc 5,1-11).

3.- Phép lạ trừ quỷ:

+ Chữa con gái người phụ nữ Canaan bị quỷ ám (x Mt 15,21-28);

+ Xua trừ ma quỷ ở Caphácnaum (x Mc 1,23-28);

+ Chữa người bị quỷ ám ở Ghêrasa (x Mc 5,1-20).

4.- Phép lạ phục sinh kẻ chết:

+ Phục sinh con trai bà góa thành Naim (x Lc 7,11-27);

+ Phục sinh Ladarô (x Ga 11,1-45);

+ và cuối cùng Đức Giêsu đã sống lại vào ngày thứ ba từ trong cõi chết (x Mt 28,5-7), đúng như lời Người đã báo trước (x Mt 16,21).

III.- NHỮNG LỜI CHÚA DẠY VỀ TÌNH THƯƠNG:

+ Hãy học với Chúa Giêsu hiền lành khiêm nhường trong lòng (x Mt 11,25-30).

+ Các dụ ngôn về lòng thương xót (x Lc 15,1-32).

+ Thiên Chúa đã yêu thế gian (x Ga 3,16-18).

+ Đức Giêsu là Mục tử nhân lành (x Ga 10,1-21).

+ Hãy rửa chân cho nhau noi gương Thầy (x Ga 13,1-20).;

+ Hãy luôn sống kết hiệp mật thiết với Thầy (x Ga 15,1-8).

+ Thầy ban giới răn mới là hãy thương nhau (x Ga 15,9-17).

+ Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi (x 2 Cr 5,14).

+ Tình yêu tha thứ, tin tưởng và chịu đựng tất cả (x 1 Cr 13,7).

+ Yêu nhiều thì được tha nhiều (x Lc 7,36-50).

+ Yêu là nghe Lời Chúa, cầu nguyện, phục vụ (x Lc 10,38-42).

+ Yêu là tuân giữ Lời Thầy (x Ga 14,23-29).

+ Lạy Thầy có. Thầy biết con yêu mến Thầy (x Ga 21,15-19).

+ Ai không yêu người là kẻ không mến Chúa (x 1 Ga 4,17-21).

+ Cho thì có phúc hơn nhận (x Cv 20,35).

+ Phải làm hòa trước khi dâng lễ (x Mt 5,21-26).

+ Hai điều răn trọng nhất:mến Chúa yêu người (x Mt 22,34-40).

+ Ta sẽ bị xét xử về tình yêu thương tha nhân (x Mt 25,31-46).

+ Phải yêu thương cả kẻ thù (x Lc 6,27-42).

+ Giúp tha nhân gặp nạn như người Samaria (x Lc 10,25-37).

+ Cầu cho kẻ thù: Lạy Cha xin tha cho họ (x Lc 23,33-34).

+ Sống chan hòa yêu thương như GH sơ khai (x Cv 2,42-47).

+ Bài ca đức ái (x 1 Cr 12,31-13,13).

+ Yêu là cho đi cách quảng đại (x 2 Cr 8,1-15).

+ Hãy tha thứ cho kẻ khác để được Chúa thứ tha (x Mc 11,25).

+ Noi gương Chúa thương và bênh vực tội nhân (x Lc 7,36-50).

+ Kẻ không biết tha thứ sẽ bị Chúa xét xử (x Lc 15,1-32).

+ Yêu nhiều sẽ được tha nhiều (x Ga 21,15-19).

IV.- VỀ NHỮNG LỜI DẠY LÀM MÔN ĐỆ CHÚA:

+ Ai muốn theo Tôi phải bỏ mình (x Mc 8,34);

+ Mau mắn đáp trả khi được ơn kêu gọi (x Mt 4,18-22);

+ Phải theo Đức Giêsu thế nào? (x Mt 8,18-22);

+ Hãy mang lấy ách của Ta (x Mt 11,28-30);

+ Hãy bán tài sản phân phát cho người nghèo rồi đi theo Ta (x Mt 19,21);

+ Người mù được chữa lành xin theo Đức Giêsu (x Mc 10,46-52);

+ Đức Giêsu kêu gọi các Môn đệ đầu tiên (x Lc 5,1-11);

+ Kêu gọi Lêvi người thu thuế theo Người (x Lc 5,27-32);

+ Các phụ nữ đi theo giúp đỡ Đức Giêsu (x Lc 8,1-3);

+ Phải đi theo Đức Giêsu thế nào? (x Lc 9,57-62);

+ Theo Chúa đòi phải từ bỏ (x Lc 14,25-35);

+ Muốn nên trọn lành phải từ bỏ của cải vật chất rồi đi theo làm môn đệ Chúa (x Lc 18,22); Lời Đức Giêsu cầu cho các môn đệ hiệp nhất (x Ga 17,20-23).

V.- VỀ VIỆC SỐNG NHƯ CON THIÊN CHÚA:

+ Luật sống của người môn đê là Tám Mối Phúc (x Mt 5,1-12).

+ Muối cho đời và ánh sáng cho trần gian (x Mt 5,13-16).

+ Đức công chính của người môn đê (x Mt 5,20).

+ Đừng giận ghét nhưng khoan dung tha thứ (x Mt 5,21-26).

+ Môn đệ Chúa phải khiêm nhường (x Mt 18,1-4).

+ Đừng làm cớ sa ngã cho người khác (x Mt 18,5-9).

+ Cộng tác với Chúa tìm chiên lạc (x Mt 18,12-14).

+ Sửa lỗi anh em cách nào hữu hiệu (x Mt 18,15-17).

+ Hãy hiệp thông trong lời cầu nguyện (x Mt 19-20).

+ Hãy quảng đại tha thứ cho nhau (x Mt 18,21-22).

+ Dụ ngôn tên đầy tớ thiếu lòng thương xót (x Mt 18,23-34).

+ Kêu gọi phải từ bỏ (x Mt 19,16-30).

+ Hai giới răn trọng nhất: mến Chúa yêu người (x Mt 22,34-40).

+ Phục vụ đức Kitô trong anh em (x Mt 25,31-46).

+ Noi gương Chúa khiêm nhường phục vụ (x Ga 13,3-15).

+ Phải đem Lời Chúa ra thực hành (x Gc 1,16-27).

 

back to top
Filters