News Filters

GIA ĐÌNH VỚI VIỆC THỜ PHƯỢNG *** Linh mục Đa minh Đinh Văn Vãng

08 Tháng Giêng 2021

GIA ĐÌNH VỚI VIỆC THỜ PHƯỢNG

Linh mục Đa minh Đinh Văn Vãng

A.- Về việc tôn thờ ảnh tượng

B.- Về việc thiết lập bàn thờ Chúa

A.- TÔN THỜ ẢNH TƯỢNG

THẮC MẮC:

Có người nêu thắc mắc về việc thờ ảnh tượng như sau: “Điều răn Thứ Nhất trong 10 điều răn cấm người ta tạc vẽ các ảnh tượng của Đức Chúa để thờ (x Xh 19,4-5), và Đức Chúa đã phạt thật nặng tội thờ bệ vàng của dân Do thái (x Xh 32,19-20). Vậy tại sao Hội thánh Công giáo lại cho giáo dân thờ ảnh tượng của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh?”.

GIẢI ĐÁP:

1.- Hội thánh không tạc tượng Thiên Chúa vô hình:

Tin mừng Gioan viết: “Không ai xem thấy Thiên Chúa bao giờ, chỉ người Con Một hằng ngự trong lòng Cha đã cho biết về Ngài” (x Ga 1,18). Tiên tri Hôsê cũng khẳng định: Ngài là Thiên Chúa chứ không phải người phàm (x Hs 11,9). Chúa Giêsu cũng nói với người phụ nữ Samaria về cách thờ phượng Thiên Chúa như sau: “Thiên Chúa là Thần Khí và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong Thần Khí và Sự Thật” (Ga 4,24).

Trong thực tế, người Công giáo không tạc vẽ ảnh tượng của Thiên Chúa để thờ, vì Ngài thiêng liêng vô hình. Nhưng Hội thánh cho tạc vẽ ảnh tượng của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh là những con người đã sống trên trần gian.

2.- Lý do cho phép tạc tượng ảnh:

Tạc tượng Chúa Giêsu để tôn thờ vì Người là Thiên Chúa. Còn tạc vẽ tượng ảnh của Đức Mẹ và các Thánh do Thiên Chúa dựng nên để kính nhớ. Việc Hội thánh cho tạc tượng và thờ kính này không trái với Lời Chúa dạy trong Thánh kinh như sau:

+ Vì Đức Chúa không cấm tạc tượng ảnh:

Khi hiện ra phán dạy Môsê, Đức Chúa chỉ cấm tạc vẽ ảnh tượng của Ngài theo hình dạng của người phàm hay thú vật để tôn thờ, giống như dân ngoại tôn thờ các thần tượng của chúng. Nhưng Đức Chúa không cấm tạc tượng, khi Ngài truyền cho Môsê như sau: “Hãy làm hai tượng thần hộ giá bằng vàng. Ông đã làm bằng vàng gò và đặt ở hai đầu nắp: một tượng ở đầu này, một tượng ở đầu kia. Ông làm các tượng thần hộ giá gắn liền với nắp ở hai đầu. Các tượng thần hộ giá có hai cánh giương lên và phủ trên nắp. Hai tượng đối diện nhau, cùng cúi mặt xuống nắp” (Xh 37,7-9).

+ Vì rắn đồng thời Môsê là hình ảnh Chúa Giêsu

Khi dân Do thái nản chí kêu trách Đức Chúa và Môsê vì đã đưa họ ra khỏi Ai cập để vào nơi hoang địa không thức ăn ngon, không đủ nước uống, nên họ đã bị Đức Chúa trừng phạt cho rắn độc bò ra cắn chết nhiều người. Bấy giờ dân nhận ra tội của mình và yêu cầu Môsê kêu xin Đức Chúa tha tội. Đức Chúa đã ra lệnh cho Môsê: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được cứu sống. Ông Môsê bèn làm một con rắn bằng đồng, và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng ấy, thì đã được sống” (Ds 21,8-9). Sau này, Chúa Giêsu cũng nói với Nicôđêmô: “Ai tin vào Tôi thì sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,17). Người cũng tiên báo Người sẽ bị treo trên cây thập giá, giống như Môsê đã treo con rắn đồng nơi sa mạc, để những ai phạm tội lẽ ra phải chết, nhưng nếu tin tưởng nhìn lên và kêu cầu Người trên thập giá, là biểu tượng tình thương tha thứ của Thiên Chúa thì sẽ được tha tội (x Ga 3,14-16). Quả thật, khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, kẻ trộm lành bên phải đã tin Người là Đấng Cứu Thế và cầu xin Người tha tội, nên đã được Người hứa cho vào Thiên đàng (x Lc 23,43).

+ Vì Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa và người phàm:

Sở dĩ Hội thánh Công giáo cho phép tạc tượng của Chúa Giêsu vì Người là “Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Người đã trở thành Đấng “Emmanuen”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Đàng khác, việc thờ lạy trước tượng ảnh của Chúa Giêsu không phải là thờ bức tượng bằng gỗ đá, nhưng qua tượng ảnh đó, các tín hữu tôn thờ chính Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa, giống như các đạo sĩ đã làm khi đến dâng lễ vật lên Hài Nhi Cứu thế: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi và thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người. Rồi mở bảo tráp lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11). Hoặc thái đô của các Môn đệ khi gặp Chúa Phục Sinh trước khi Người lên trời: “Khi thấy Người, các ông bái lạy. Nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,17; Lc 24,52).

TÓM LẠI: Thiên Chúa không cấm tạc tượng ảnh, mà chỉ cấm tạc tượng người hay thú vật để ám chỉ Ngài và cấm thờ lạy Ngài qua thần tượng đó. Tuy nhiên đến thời Tân ước, Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể đã kiện toàn Luật Môsê, nên Hội thánh cho tạc tượng của Người trên thập giá để thờ phượng, hầu nhận được ơn tha thứ tội lỗi và được tham phần vào sự sống đời đời do Người ban cho. Người giống như con rắn đồng thời Môsê đã được treo trên cây cột, chịu chết đền tội thay nhân loại và sống lại để ban sự sống đời đời cho những ai tin và cầu khẩn Người. Ngoài ra, Hội thánh Công giáo cũng cho phép tạc tượng ảnh Đức Mẹ và các Thánh là những Đấng đã sống trên trần gian. Tượng ảnh chỉ là biểu tượng chứ không phải là hình ảnh thực sự của các Ngài. Hội thánh cho đặt tượng ảnh Đức Mẹ và các Thánh lên bàn thờ không phải để tôn thờ mà chỉ để các tín hữu kính nhớ, noi gương các nhân đức và cầu xin các Ngài bầu cử (x Ga 19,25-27).

B.- LẬP BÀN THỜ CHÚA TẠI TƯ GIA

1.- Bàn thờ Chúa:

Người tín hữu Công giáo nên lập một bàn thờ Chúa tại nơi xứng hợp trong nhà mình. Có thể là phòng khách, tại sân thượng hay dành một phòng dành riêng cho việc thờ phượng. Trên bàn thờ luôn phải có một tượng Chúa Giêsu. Tốt nhất là tượng Chúa Chịu Nạn hay tượng Chúa Phục Sinh ở vị trí trung tâm. Ngoài ra cũng có thể đặt thêm một ảnh tượng Đức Mẹ, thánh Giuse hay thánh Bổn mạng của gia đình. Phải liệu sao cho các ảnh tượng có cùng kích cỡ tương xứng với bàn thờ.

2.- Bàn kính Tổ tiên:

Gần đây, Hội thánh cho phép các Gia đình tín hữu được lập thêm bàn Kính Tổ tiên. Trên Bàn này có trưng bày di ảnh của ông bà cha mẹ và những người thân trong gia đình đã qua đời, để con cháu dễ tưởng nhớ cầu nguyện cho các ngài mỗi khi đọc kinh tối gia đình hay trong lễ nghi cưới hỏi. Mỗi gia đình Công giáo Việt Nam nên lập một bàn thờ Kính Tổ tiên, nhưng tránh để người ngòai phê bình về đức tin lệch lạc qua cách xếp đặt bàn kính nhớ này. Nên lập bàn Kính Tổ tiên bên cạnh và thấp hơn bàn thờ Chúa. Các ngày Tết ngày giỗ nên tổ chức đọc kinh trước bàn thờ Chúa và bàn kinh Tổ tiên . Cũng có thể đốt một cây nhang cháy cả ngày trên bàn này cho ấm cúng. Hành vi nói trên nhằm giáo dục con cháu tưởng nhớ biết ơn các bậc tiền nhân, và từ đó biết ơn chính Thiên Chúa là nguồn gốc muôn loài muôn vật, đặc biệt là loài người chúng ta.

Nên trưng bày đèn nến và hoa trái trên bàn Kính Tổ tiên, nhưng không được nổi hơn bàn thờ Chúa. Khi cúng lễ, cần nhắc cho mọi người trong gia đình ý thức rằng: Giáo lý Công giáo dạy người quá cố không thể hưởng dùng các thức ăn vật chất, biểu lộ lòng thành kính của con cháu đối với Ông bà Tổ tiên mà thôi. Các ngài chỉ mong con cháu làm nhiều việc lành phúc dức để cầu nguyện cho các ngài như: Viếng nhà thờ lãnh ơn đại xá, xin lễ, đọc kinh giỗ, làm các việc bác ái từ thiện, chia sẻ cơm áo cho người nghèo… Nhờ đó linh hồn các ngài sẽ được Chúa chiếu soi và gia tăng lòng mến. Chính nhờ lòng mến Chúa mà các ngài sẽ được thanh luyện khỏi tội lỗi và sớm được hưởng thánh nhan Thiên Chúa. Khi cầu nguyện cho các linh hồn tiên nhân, con cháu cũng được các ngài cầu cùng Chúa ban muôn ơn lành hồn xác cho mình theo tín điều “các thánh cùng thông công”.

Lễ Gia tiên thường do gia trưởng chủ lễ. Khi cha mẹ vắng mặt thì con trai hay con dâu trưởng sẽ chủ sự cầu nguyện và lễ bái hương.

3.- Làm phép ảnh tượng:

Các tín hữu nên chọn mua những ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ và các Thánh vừa mỹ thuật vừa giúp nâng tâm hồn lên khi cầu nguyện. Phải nhờ Linh mục làm phép các tượng ảnh mới mua để dùng vào việc thờ kính. Khi làm phép cần mở ảnh tượng để Linh mục thẩm định vẻ đẹp và đạo đức của ảnh tượng. Chỉ những ảnh tượng thanh thóat giúp nâng tâm hồn lên và phù hợp với truyền thống Công giáo mới được làm phép. Nghi thức Làm Phép Tượng Ảnh gồm một lời cầu xin Thiên Chúa chấp nhận tượng ảnh này trở thành biểu tượng của Chúa Giêsu, Đức Mẹ hay các Thánh. Cuối cùng, Linh mục rảy nước thánh xin Chúa thánh hóa các tượng ảnh để dùng thờ phượng Chúa và kính nhớ Đức Mẹ và các thánh.

4.- Số ảnh tượng trên bàn thờ:

Bàn thờ trong gia đình phải liệu sao cho đơn giản hài hòa. Chỉ cần một tượng Chúa tử nạn, Phục Sinh hay làm Vua cũng đủ để làm việc thờ phượng. Vì điều thứ nhất trong 10 điều răn dạy ta chỉ được tôn thờ một mình Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Đấng Hằng Hữu (x Ga 8,58), là hình ảnh của Chúa Cha (x Ga 14,9), nên ta phải tôn thờ Thiên Chúa qua hình ảnh Chúa Giêsu. Luật phụng vụ dạy rằng: Trên bàn thờ không nên đặt nhiều tượng ảnh, cũng không được đặt quá một tượng ảnh của cùng một vị Thánh.

5.- Cách xếp đặt ảnh tượng:

Cách thức xếp đặt ảnh tượng của Chúa, Đức Mẹ và các thánh trên bàn thờ phản ảnh đức tin của gia trưởng và các thành viên trong gia đình. Phải liệu sao để tượng của Chúa Giêsu ở vị trí trung tâm vì Người là đối tượng để tôn thờ. Còn Đức Mẹ và các thánh chỉ là người phàm, là “tôi tớ hèn mọn” của Thiên Chúa (x Lc 1,37.48), được đặt trên bàn thờ không phải để tôn thờ, nhưng để kính nhớ và học tập nhân đức thánh thiện của các ngài. Chẳng hạn:

Trong hang đá Belem, ngòai Hài Nhi Giêsu nằm trong nôi, còn có Đức Maria và thánh Giuse bên cạnh con như Tin mừng Máttkêu ghi nhận: “Các đạo sĩ đã vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhữ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt  2,11) hay trên núi Sọ ngòai Chúa Giêsu còn có Đức Mẹ và các thánh như Tin mừng Gioan tường thưật: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng:”Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ:”Đây là mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình” (Ga 19,25-27).

6.- Vai trò của Đức Mẹ và các Thánh:

Xưa trong tiệc cưới Cana, chính Đức Mẹ đã cầu bầu cùng Chúa Giêsu cho đôi tân hôn, và Chúa Giêsu nghe lời Đức Mẹ bầu cử đã làm phép lạ biến nước lã thành rượu nho để giúp đôi tân hôn, dù chưa tới Giờ hành động của Người như Tin mừng Gioan viết: “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Đức Giêsu đáp: “Thưa Bà, chuyện đó can gì đến Bà và Con? Giờ của Con chưa đến. Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (x Ga 2,1-5). Cuối cùng, chính nhờ lời cầu bầu của Đức Maria và nhờ biết xin vâng lời Chúa của gia nhân mà đôi tân hôn đã được hưởng phép lạ “biến nước thành rượu” của Chúa Giêsu (x Ga 2,11).

Trong thánh lễ, Hội thánh cầu cùng Thiên Chúa ba Ngôi: “Xin Chúa thương xót chúng con”. Nhưng trong kinh Kính mừng Hội thánh lại dạy các tín hữu cầu với Đức Mẹ: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội…”.

Trong kinh cầu Đức Bà hay kinh cầu các thánh, các tín hữu đáp “Thương xót chúng con” khi nghe câu xướng Thánh Danh Chúa Ba Ngôi và Chúa Giêsu, nhưng lại thưa: “Cầu cho chúng con” khi nghe các câu xướng danh Đức Mẹ và các Thánh.

Sau khi Chúa về trời. Đức Mẹ đã hiệp cùng Hội thánh sơ khai trong nhà tiệc ly để xin Chúa Thánh Thần hiện xuống (x CV 1,14), thì nay Hội thánh cũng luôn hiệp thông với Đức Mẹ và các Thánh khi dâng lời cầu nguyện với Thiên Chúa và Chúa Giêsu.

PHỤ LỤC I

THÔNG CÁO CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
VỀ VIỆC TÔN KÍNH TỔ TIÊN

 

Ngày 20/10/1964, Tòa Thánh qua Bộ Truyền Giáo đã chấp thuận đề nghị của Hàng Giám Mục Việt Nam xin áp dụng huấn thị Plane compertum est (8/12/1939), về việc tôn kính tổ tiên cho giáo dân Việt Nam.

1)Nhiều hành vi cử chỉ xưa kia tại Việt Nam có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngòai và vì tâm tình, tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo Hội Công Giáo chẳng những không ngăn cấm, mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng những cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ và tùy theo trường hợp.

Vì thế những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hòan cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ giỗ…) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.

2)Trái lại, vì có nhiệm vụ bảo vệ đức tin Công giáo được tinh tuyền, Giáo Hội không thể chấp nhận cho người tín hữu có những hành vi cử chỉ, hoặc tự nó, hoặc do hòan cảnh có tính cách tôn giáo trái với giáo lý mình dạy.

Vì thế, các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý Công giáo (như bất cứ lễ nghi nào biểu lộ lòng phục tùng và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo nào như là đối với Thiên Chúa), hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ở những nơi dành riêng cho việc tế tự… thì giáo hữu không được thi hành và tham dự. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện một cách thụ động như đã ấn định trong giáo luật, khỏan 1258 (GL 1917).

3)Đối với những việc mà không rõ là thế tục hay tôn giáo, thì phải dựa theo nguyên tắc này, là nếu những hành vi đó, theo dư luận dân chúng địa phương không coi như sự tuyên xưng tín ngưỡng của một tôn giáo ngòai Kitô giáo, mà chỉ biểu lộ một tâm tình tự nhiên, thì được coi như không trái với đức tin Công giáo, nên được thi hành và tham dự. Trong trường hợp chưa hết nghi nan, thì có thể hành động theo tiếng lương tâm lúc ấy. Nếu cần, thì phải giải thích chủ ý của mình một cách khéo léo, hợp cảnh hợp thời. Sự tham dự cũng chỉ được có tính cách thụ động.

Đó là những nguyên tắc chung, giáo hữu cần phải dựa vào mà xét đóan theo lương tâm và hòan cảnh. Trong trường hợp hồ nghi, mọi người liên hệ không được theo ý riêng mình, mà sẽ phán đóan theo chỉ thị của Tòa Thánh, và bàn hỏi với các giáo sĩ thành thạo.

Yêu cầu quý cha phổ biến rộng rãi và giải thích tường tận thông cáo này không những trong các nhà thờ mà cả mỗi khi có dịp, không những cho anh em giáo hữu mà cả cho người ngòai Công Giáo. Các vị phụ trách Công Giáo Tiến Hành cũng phải lấy thông cáo này làm đề tài học tập cho các hội đòan trong các buổi họp và các khóa huấn luyện.

Làm tại Đà Lạt, ngày 14 tháng 6 năm 1965

(Trích Linh Mục Nguyệt San số 43, tháng 7-1965, trang 489-492).

 

PHỤ LỤC II

THÔNG CÁO CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

VỀ LỄ NGHI TÔN KÍNH ÔNG BÀ TỔ TIÊN

 

Nhằm cụ thể hóa những gì được thực hiện phù hợp với tinh thần hội nhập văn hóa của quê hương đất nước. Bảy Giám Mục đã chấp thuận và cho thi hành quyết nghị của Ủy Ban Giám Mục về Truyến Bá Phúc Âm ngày 19 tháng 4 năm 1972 như sau:

1.- Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan như hồn bạch.

2.- Việc đốt nhang hương đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính nên được phép làm.

3.- Ngày giỗ cũng là ngày “kỵ nhật” được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là lọai bỏ những gì là dị đoan như đốt vàng mã, và giảm thiểu cùng canh cải những lễ vật nhằm biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn ông bà, như dâng hoa trái, hương đèn.

4.- Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với ông bà.

5.- Trong tang lễ được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất, cũng như Giáo Hội đã từng cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.

6.- Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hòang, quen gọi là phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải là mê tín như đối vơi các “yêu thần tà thần”.

Nha Trang ngày 12-14 tháng 11 năm 1974

Bảy Giám Mục tham dự Đại Hội tòan quốc kỳ VII về Truyền Bá Phúc Âm

 

 

back to top
Filters