MẶC KHẢI VỀ THÁNH THỂ *** BÀI II: PHỤNG VỤ THIÊN GIỚI *** PHẦN I: BÀI 45-55 *** Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
01 Tháng Sáu 2021
MẶC KHẢI VỀ THÁNH THỂ
BÀI II: PHỤNG VỤ THIÊN GIỚI
PHẦN II: BÀI 45-55
@@@@@_BÀI 45_@@@@@
Các Thánh Giáo Phụ làm chứng về Phụng Vụ Thiên Giới.
- Các Giáo Phụ Hy Lạp.
Giáo Phụ Théodorê Môpxuê : “Chúa Kitô, bởi phục sinh và lên trời đã thi hành thánh vụ tư tế trên cung thánh thiên giới” (Homél. Cat. 12.3 – In Heb. 7.3), đó là “một hiến tế trong nơi trường sinh” (16.15.15), Người là thừa tác viên, là Thượng tế thiên giới “đang cử hành phụng tự ở đó để kéo chúng ta đến cùng Thiên Chúa như đã hứa” (15.16 – xem In Joan.2. 79 – xem Hom. Cat. XII.4 – In Heb. 6.20 – 7.3).
Thánh Gioan Kim khẩu, khi chú giải thư Do Thái, đã đem tất cả lễ vật, hiến tế, tư tế là Chúa Kitô lên thiên quốc : "Của lễ, hiến tế, và tư tế của ta ở trên trời." (Hom. XI,). “Hiến tế Chúa Kitô chỉ hoàn hảo khi ở thiên giới.” (Hom. XVII).
Thánh Cyrillô thành Giêrusalem gọi "hiến tế ấy là hiến tế thiên giới và ban sự sống" (In Malach. 830).
Thánh Hêdêkiô thành Giêrusalem cũng thấy máu thập giá như đang được Chúa Giêsu, Vị Thượng Tế, đem vào Cung Cực Thánh bởi việc phục sinh và lên trời. (In Lev. 10.16-18).
Thánh Ephrem coi Chúa Kitô là Của Lễ dâng hiến trên trời (Hymn. Disp. XVIII.12).
- Các Giáo Phụ La Tinh
cũng có những ý tưởng tương tự :
Thánh Ambrôxiô nói : "Theo thư Do Thái, Vị Thượng tế buộc phải dâng một cái gì, và chiếu lề luật, ông phải đi vào Cung thánh tay bưng chén máu súc vật. Nhưng vì Thiên Chúa đã không còn nhận của lễ máu bò máu dê, nên vị Thượng tế này (Chúa Kitô) phải đi vào Cung Cực Thánh trên trời với chính máu mình, ở đó Người vào để nên của hiến dâng đời đời đền tội ta" (De fide XI.87.– xem Epist. 44. 18-19 – De officiis I. 48, 238)
Thánh Augutinô nhìn thấy trong hiến tế tử nạn thập giá: "Của Lễ rất đích thực" (Verissimum) (De Trinit. IV, c.13, n.17) và Của Lễ ấy đã được hiến dâng trên Cung Cực Thánh trên trời (In Ps. 130. 4). "Chính Người tự dâng hiến mình, Người là Vị Tư Tế, là Của Lễ, Người đã vào Cung Cực Thánh một lần thôi và từ nay không còn chết nữa..." (In Ps. 130.4 ; In Ps. 26.2, 10 ; 64, 6 ; 109.18).
Đức Giáo Hoàng Lêô Cả cũng nói : Thư Do Thái 8.1-2 đã quả quyết chức vụ Thượng Tế Thiên Giới. (Sermo 68.3)
*
* *
ÁP DỤNG
VÀO THÁNH LỄ TRÊN BÀN THỜ
Mọi lời và mọi sự trong Thánh Kinh đều hướng về Chúa Giêsu (Lc 24.27,44; Ga 5.46) là nhân vật trung tâm của lịch sử cứu độ loài người. Và Chúa Giêsu thì hướng về chóp đỉnh của đời mình là cuộc Tử nạn và phục sinh (Lc 12.50; Ga 12.27). Trong bữa Tiệc Ly, chính Chúa Giêsu tỏ cho biết Người tế lễ mình bằng việc chịu Tử nạn :
"Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy." (Lc 22.19-20)
"Chén này là Giao Ước mới, lập bằng Máu Thầy, Máu đổ ra vì anh em." (Lc 22.19-20)
"Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội." (Mt 26.26-27)
Như đã biết, cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu trên thập giá dưới đất (I), lại được Thiên Chúa coi là đang dâng tế lễ lên Cha ở trên trời (II), nhưng có điều là : Hiến Tế ấy bởi sự chấp nhận thần hóa không hề qua đi của Chúa Cha hằng hữu thì được tồn tại muôn đời, bởi đó có thể được tái hiện trong Thánh Lễ trên Bàn thờ trần gian (III).
Tựu chung, chỉ có một hiến tế duy nhất, song trong ba hình thức : (xem hình minh họa dưới đây)
(I) hiến tế xảy ra dưới đất tại Đồi Canvê, trong lịch sử,
(II) hiến tế ấy được coi là đang dâng trên thiên giới,
(III) ngày nay mỗi ngày, trong Thánh lễ trên bàn thờ của Hội Thánh, hiến tế ấy ‘được tái hiện’ [1] dưới hình bánh và hình rượu.
Với con mắt đức tin, ta có thể thấy trong Thánh lễ, dưới hình bánh hình rượu (III), ẩn tàng thực tại của hiến tế trên thập giá ở Đồi Canvê (I), và được coi là đang dâng trên thiên giới trước Thánh Nhan Chúa Cha (II).
Thánh lễ trên bàn thờ của Hội Thánh bây giờ chỉ khác hiến tế trên thập giá ngày xưa ở chỗ không còn đổ máu, không còn đinh sắt, mũ gai v.v..., vì theo lời Đức Giáo Chủ Lêô Cả "những gì hữu hình nơi Chúa Cứu chuộc chúng ta thì đã được chuyển vào các nhiệm tích", [2] nghĩa là tất cả những gì hữu hình mắt thấy, tai nghe (lý hình, mũ gai, đinh sắt v.v...) của hiến tế máu đổ thịt rơi ở Đồi Canvê ngày xưa, thì nay không còn thấy nữa, vì đã ẩn dưới Bí Tích nhiệm mầu của hình bánh hình rượu. [3]
@@@@@_BÀI 46_@@@@@
Công đồng Vatican II cũng trong văn kiện Phụng vụ thánh trưng dẫn trên kia, ở số 7, đã khẳng định rằng khi chúng ta cử hành Thánh Lễ trên bàn thờ, chính Chúa Giêsu đang dâng mình tế lễ ; và chính Chúa Giêsu hiện diện trong hình bánh hình rượu làm lễ vật :
"Chúa Kitô hằng hiện diện trong Giáo hội, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện thực sự trong Hy Lễ (= Thánh Lễ) không những trong con người của vị thừa tác viên (= linh mục làm lễ), vì như xưa chính Người đã tự dâng mình trên thập giá, thì nay chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục ; mà còn nhất là Người hiện diện thực sự dưới hai hình bánh và rượu Thánh Thể…"
Nói rằng “Chúa Kitô
- a) hiện diện trong con người của vị thừa tác viên tức linh mục cử hành lễ, và
- b) hiện diện thực sự dưới hai hình bánh rượu” là rất đúng :
vì mỗi khi vị linh mục thừa tác viên, vâng lệnh truyền của Chúa Giêsu dạy trong bữa Tiệc Ly mà lặp lại công thức Truyền phép: "Này là mình Thầy bị nộp vì các con, vậy các con hãy nhận lấy mà ăn; Này là chén máu Thầy, Máu Giao Ước mới và vĩnh cửu, đổ ra cho các con và muôn người được tha tội, vậy các con hãy nhận lấy mà uống. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy", thì hiến tế trên thập giá xưa được tái hiện trên bàn thờ : thân mình bị nộp chịu chết của Chúa Giêsu ẩn dưới hình bánh, Máu Người đổ ra ẩn dưới hình rượu (điểm b).
Và (điểm a) phép lạ bánh và rượu biến thành Mình và Máu Chúa Kitô xảy ra được, là vì “lời truyền phép" ấy không phải của linh mục, linh mục chỉ là một người phàm sao dám nói lời toàn năng thần diệu ấy, mà là của Chúa Kitô Thượng tế hiện diện trong ngài và nói bởi miệng ngài (“nhờ tác vụ của linh mục” theo lời Công Đồng).
- Mà nếu đó là Chúa Kitô nói, thì khi ấy Người đang ở đâu ?
Thưa : Từ sau phục sinh và Thăng thiên, Người đang ở trên trời, ngự bên hữu Chúa Cha (Dt 8.1).
- Người nói lời ấy để làm gì ?
Thưa : Để qua công thức Truyền Phép mà linh mục thừa tác viên đọc, Chúa Cha nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần [4] “làm tái hiện” nơi Thánh Lễ trên bàn thờ, tế lễ của Chúa Giêsu xưa trên thập giá, được coi như đang dâng trên thiên giới lên Chúa Cha, theo như lời Công Đồng dạy : "Như xưa chính Người đã tự dâng mình trên thập giá, thì nay chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục".
Lời Công Đồng nói đó có nghĩa là :
1) Như xưa Người đã tự dâng mình (làm lễ tế) trên thập giá, đó là việc làm trong quá khứ...
2) "Nay chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục". Câu này được hiểu theo hai cách :
Một : "Nay chính Người cũng dâng mình " là hiện tại, cũng đang dâng mình tế lễ. Dâng ở đâu ? Thưa : "Ở trên trời", vì sau Tử nạn và Phục sinh Người đã lên trời và nay đang ở trên đó.
Tại sao có thể nói về việc hiến tế thập giá xảy ra trong quá khứ lại là : “Nay Người đang dâng trên trời ?” Là bởi vì, như đã biết, hiến tế thập giá xưa, tuy dâng tại Đồi Can-vê, song Thiên Chúa lại coi là đang dâng trên trời ; lại nữa, hiến tế ấy một khi đã được Chúa Cha chấp nhận – một sự chấp nhận và thần hóa vĩnh viễn tồn tại không bao giờ qua đi – thì hiến tế ấy liền trở thành vĩnh viễn không qua đi, bởi vậy có thể nói : trước mắt Thiên Chúa, coi như Chúa Giêsu nay vẫn đang dâng mình tế lễ.
Hai : "(Cũng dâng mình) nhờ thừa tác vụ của các linh mục", câu này cho phép hiểu là Chúa Giêsu cũng đang dâng mình trong Thánh Lễ dưới trần, bằng cách nhờ thừa tác vụ của các linh mục – đang sống ở dưới đất – để dâng. Các ngài chỉ là người thay mặt Chúa Giêsu (in persona Christi), Chúa Giêsu mới là vị Thượng Tế dâng tế Lễ.
Tóm lại, tế lễ Chúa Giêsu đã tự dâng mình trên thập giá ngày xưa trên Đồi Canvê, thì trước mắt Thiên Chúa tế lễ này lại được coi là đang cử hành trên trời trước Thánh Nhan Chúa Cha, và một khi đã được Chúa Cha chấp nhận – một sự chấp nhận và thần hóa vĩnh viễn tồn tại không bao giờ qua đi – thì tế lễ ấy tức khắc trở thành vĩnh viễn không qua đi ; nhờ đó Chúa Cha, bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, sẽ làm tái hiện trong Thánh Lễ bàn thờ của Hội Thánh, cho chúng ta đang còn sống trong thân xác ở trần gian được tham dự.
Thật vậy, chúng ta hiện đang sống trong thân xác trên trần gian, đâu đã có mặt trên thiên giới để dự hiến tế trên đó ? Cũng đâu có thể trở lui về 2000 năm trước để có mặt ở đồi Canvê mà dự hiến tế thập giá ? Cho nên Thiên Chúa, Đấng Khôn ngoan và quyền phép vô cùng, đã làm tái hiện hiến tế ấy trong Thánh Lễ trên bàn thờ cho ta có thể tham dự.
Thế nhưng, qua các chứng từ của thánh Thư Do Thái, mà ta đã học trên kia, thì lại vui sướng mà la lên rằng : “Khi vào nhà thờ tham dự Thánh Lễ trên trần gian là chúng con, theo mắt đức tin, được Chúa Giêsu Thượng tế dẫn vào Cõi Trời cùng Người hiệp dâng tế lễ ấy lên Chúa Cha.”
***
“Tái hiện” hay “Tái diễn”
Sở dĩ chúng ta dùng chữ “tái hiện” chứ không dùng chữ “tái diễn” (= diễn lại) là vì như ta đã bàn giải trên kia rằng : tế lễ của Chúa Giêsu trên thập giá, một khi đã được Chúa Cha chấp nhận – một sự chấp nhận vĩnh viễn không bao giờ qua đi – thì tế lễ ấy được tồn tại đời đời.
Chính vì tế lễ của Người tồn tại đời đời, cho nên Chúa Giêsu mới có thể truyền: "Hãy làm việc (tế lễ) này mà nhớ đến Thầy", hay nói nôm na là Người truyền cho linh mục “thừa tác viên” đọc công thức Truyền Phép Người đã lập mà ‘làm tái hiện’ hiến tế ấy trong Thánh Lễ.
Bởi vì cái gì không tồn tại thì không tài nào làm cho nó “tái hiện” được !
Ví dụ một cảnh tai nạn tử vong thương tâm xảy ra hôm qua, hôm nay người ta đã dọn dẹp sạch sẽ để xe cộ lưu thông, cho nên nó không còn tồn tại. Có một khách qua đường hôm qua đã nhìn thấy cảnh rất thương tâm ấy, đầy xúc động, ông mới đem viết thành một kịch bản, và kịch bản này, ông ta cho “diễn lại” nhờ các diễn viên là những người khác, chứ không thể làm “tái hiện” với chính những đương sự của tai nạn hôm qua, bởi vì một lẽ đơn giản là tai nạn hôm qua không còn tồn tại, và những đương sự của tai nạn thì đều đã chết.
Trái lại, tế lễ của Chúa Giêsu trên thập giá vì đã được vĩnh tồn hóa, không qua đi, cho nên quyền năng của Thiên Chúa có thể làm “tái hiện” trong Thánh Lễ, và ở đây chính Chúa Giêsu dâng mình, vì Người là đương sự chứ không phải diễn viên, đã hiến tế mình trên thập giá ở Đồi Canvê, nhưng đã phục sinh và đang sống : “Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn muôn đời.”(Kh 1.18)…
Thông điệp “Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể” của Đức Giáo Trưởng Gioan Phaolô II, 17-4-2003, số 11 đã viết : “Bí tích Thánh Thể không chỉ là việc khơi gợi lại biến cố (Tử Nạn) đó, nhưng còn làm tái hiện (hay hiện tại hóa) biến cố ấy dưới dạng bí tích. Đó là hy tế thập giá được tiếp tục trong thời gian… Khi Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể… biến cố trung tâm này của Ơn Cứu Độ thực sự trở nên hiện tại và như vậy “công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện”… Vì thế mọi tín hữu đều có thể tham dự vào và nếm được những hoa quả của hy tế ấy một cách vô tận… như thể chúng ta đã có mặt lúc bấy giờ trên Đồi Canvê”.
Lấy một ví dụ phụ thêm để giúp chúng ta hiểu việc “tái hiện”, đó là những cuộc hiện ra của Đức Mẹ : Nếu Mẹ đã qua đời 2000 năm trước và không còn sống, không còn tồn tại nữa, thì Mẹ đã không thể hiện ra khắp nơi như vậy. Chính vì Mẹ đang sống trên Thiên Đàng, tức là vẫn tồn tại, với trọn vẹn cả linh hồn lẫn thân xác, cho nên Mẹ có thể hiện ra trên trần gian này.
--o0o--
@@@@@_BÀI 47_@@@@@
THỰC TẬP
Học rồi, bây giờ chúng ta thực tập sống Thánh Lễ.
Xin vui lòng nhắm mắt lại vài phút và hãy tưởng tượng:
Ta đang đi vào nhà thờ của giáo xứ dự Thánh Lễ, nhưng tưởng tượng như được Chúa Giêsu ra đón, và mở cửa Thiên Đàng cho ta được vào theo Người (Dt 9.11.24; 10.19, 22), và Người dẫn chúng ta ra trước tôn Nhan Thiên Chúa Cha. Chính Thánh kinh đã loan báo cho ta điều ấy :
“Anh em đã tới núi Xi-on, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng (là các Thánh Cựu Ước hay Tử đạo ?) của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện. Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giê-su và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu A-ben.” (Dt 12.22-24).
Đến lúc linh mục dâng Mình và Máu thánh Chúa Giêsu lên, ta đừng coi đó là vị linh mục, nhưng chính Chúa Giêsu Thượng Tế đang hiện thân nơi ngài mà dâng mình tế lễ trước Nhan thánh Chúa Cha (Dt 8.1-5). Và lúc ấy, nhớ lại lời Công Đồng Vatican II dạy : "Phụng vụ trần gian là nơi chúng ta tham dự bằng cảm nếm trước phụng vụ trên trời, được cử hành trong thánh đô Giêrusalem (thiên quốc)”, thì ta sẽ sung sướng được biết là chúng ta đang được cùng Chúa Giêsu hiệp dâng tế lễ thần thánh đó lên trước Nhan Thánh Chúa Cha trên trời.
Đang dâng Lễ phụng thờ ở trần gian, mà kỳ thực lại chính là đang dâng trên Thiên đàng !!
Hiểu biết là một chuyện, còn phải làm thế nào để cảm nghiệm được mình đang dâng tế lễ trước tôn nhan Chúa Cha ?
Thử tạm làm thế này : Bây giờ không bảo nhắm mắt nữa, mà mở mắt ra, nhìn vượt trên linh mục chủ tế mà hướng lên trên cao, và tưởng tượng thấy Chúa Cha như đang giơ hai tay ra, chờ đón của lễ của ta hợp cùng Chúa Giêsu dâng cho Người, và Người đang sẵn sàng đổ muôn phúc lành xuống cho chúng ta !
Phải tập cho đến khi có được cái cảm tưởng ấy !
Chưa cảm thấy là chưa đạt !
Cảm được như thế mới thấy hạnh phúc khi đi dâng Thánh Lễ ! Thánh Lễ sẽ trở nên một điều kỳ diệu, một hồng ân, một điểm sáng chói trong ngày sống của chúng ta.
Chúng ta có thể quên hết tất cả những gì chúng ta đã học về Thánh Lễ từ trước tới nay, nếu đạt được cái cảm nhận này, thế là đủ.
Cũng xin đừng ngại ngùng, đừng mặc cảm, vì thấy mình tội lỗi bất xứng, làm sao dám coi mình xứng đáng ra trước Nhan Thánh Chúa Cha trên trời mà dâng của lễ, Người là Đấng chí thánh và vô cùng uy linh, đến nỗi trước nhan Người các Thiên thần còn phải cúp cánh, che mặt, cúi đầu, run sợ ? (xem Is 6.1tt).
Chắc chắn ta vô cùng bất xứng và không bao giờ xứng đáng. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa đã cho phép chúng ta được nên xứng đáng. Lời nguyện của Thánh Lễ sau lúc dâng Mình Máu thánh Chúa là bằng chứng :
“Vì thế, lạy Cha, khi kính nhớ Con Cha đã chịu chết và sống lại, chúng con dâng lên Cha Bánh Trường Sinh và Chén Cứu Độ để tạ ơn Cha,… vì Cha đã thương cho chúng con được xứng đáng hầu cận trước nhan Cha và phụng sự Cha”.
---------------------------------------
Nên nhớ : Khi trên đây, mời làm một việc tưởng tượng… thì đừng lầm chuyện Tế Lễ Trên Thiên Giới mà ta vào tham dự là chuyện tưởng tượng. Không phải thế ! Mời làm một việc tưởng tượng chỉ vì đây là Mầu Nhiệm thần linh, thiêng liêng, cao siêu, nên ta dùng trí tưởng tượng để nâng đỡ đức tin, để giúp ta dễ sống Mầu Nhiệm ấy.
Tại sao ta khó tưởng tượng việc tham dự Thánh Lễ ở nhà thờ là ta hiệp dâng tế lễ cùng Chúa Giêsu trên trời ? Bởi vì ta quen nghĩ “trời” theo nghĩa địa lý, là khoảng không gian trên cao chín tầng mây xanh, còn ta thì đang ở dưới đất này xa xôi cách trở diệu vợi…. Hãy tập nghĩ về Thiên giới, Cõi Trời theo nghĩa thần học (như đã học ở trên kia, 192tt): là Cõi thần linh của Thiên Chúa, ai tin thì được vào, chứ không phải trèo lên đâu cả, và Chúa Cha vốn là Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, Người ở đâu là trời ở đó. Trong Thánh Lễ, Người có mặt (để đón nhận tế lế Chúa Giêsu dâng lên nhờ tay linh mục), vậy là Trời ở đây rồi.
--------------------------------------
Những điều cản trở cái cảm nhận hạnh phúc ấy :
Nhưng cần cảnh giác về vài điều có sức phá tan niềm vui sướng hạnh phúc nói trên mà chúng ta đang nỗ lực tác tạo, đó là :
- a) Sau khi học ở đây những điều rất hay, rất tốt đẹp, rồi về trong giáo xứ định đem ra thi hành, thì các thói quen giữ đạo từ bao đời ở đó chẳng hạn như đọc kinh liên tu bất tận, khiến ta không cầm trí và trấn tĩnh tâm hồn được. Kết cục là bao nhiêu điều học được ở trong lớp Thánh Kinh hầu như tan biến thành mây khói …!
- b) Một điều nữa : Trong bản kinh Thánh Lễ hiện nay, hầu hết mọi chỗ đều xưng “Chúa”, chứ không xưng “Cha”, xin trích vài ví dụ : Lời nguyện nhập lễ : “Lạy Chúa rất nhân từ v.v...”; rồi lời nguyện tiến lễ cũng vậy: “Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng…”; v.v…Nghe xưng “Chúa”, thấy nó chung chung, xa xôi, lạt lẽo. Bởi vậy, muốn dễ cảm nhận sự thân mật, vui sướng được dâng lễ trước nhan Chúa Cha, thì khi nghe xưng “Chúa”, chúng ta phải thầm hiểu là “Cha”. Ta đừng sợ làm thế là sai, vì có bằng chứng rõ ràng trong Thánh Lễ : Đây, khi linh mục cầm đĩa có Mình Thánh và Chén có Máu Thánh nâng lên và đọc: Chính nhờ Người, với Người, và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha Toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. - Amen.
- c) Còn một điều nữa, mà lại là điều rất thâm sâu, vì nó không phải là một điều gì ở ngoài, mà ở trong chính chúng ta, và đã ăn sâu vào tâm khảm của chúng ta, nó càng trở thành vật cản làm ta khó cảm nhận hạnh phúc được dâng Thánh Lễ lên Chúa Cha trên trời. Đó là : dường như trong đời sống đạo, chúng ta ít cảm thấy thân thiết, gần gũi mấy với Chúa Cha, đang khi chúng ta thường thân thiết với Mẹ Maria hơn.
Nguyên nhân sự lợt lạt đó từ đâu ?
Ta thử cứu xét các nguyên nhân ấy :
- Một phần, do cách dạy giáo lý từ trước đến nay, nhấn mạnh quá nhiều đến tội lỗi, đến tòa phán xét và sự trừng phạt của Thiên Chúa, khiến ta đâm sợ hãi Chúa. Đây là lời thú nhận của một phụ nữ Công giáo đạo đức :
“Khi tôi còn (nhỏ) học giáo lý, người ta trình bày cho tôi thấy Thiên Chúa Cha có bộ râu dài, luôn luôn xem xét những gì tôi làm xấu, mà rầy la tôi. Đó là một tội của các linh mục - xin lỗi vì tôi phải nói như thế. Không có linh mục nào nói tôi phải coi Thiên Chúa là Cha, khi đến nhà thờ là để nói những điều tôi muốn nói với Người... Trước kia, tôi sợ Chúa, tôi nghĩ Người không thương yêu chúng tôi. Nhưng nay, (Đức Mẹ đã dạy cho tôi biết Chúa Giêsu và qua Chúa Giêsu tôi được hiểu biết Chúa Cha, nhờ đó mà) tôi nhận thấy Người là Cha thật, rất tốt và yêu thương tôi, sửa dạy tôi khi tôi lầm lỡ... Tôi cảm nhận điều ấy rất mạnh mẽ...”
(Trích : Mẹ Đến Lần cuối, số 82, trang 89).
- Phần khác, theo lẽ thường trong cuộc sống, chúng ta cảm thấy thân mật với mẹ hơn cha, vì người mẹ là người đã gần gũi và lo lắng nuôi nấng chúng ta từ trứng nước, còn người cha thường phải ra bên ngoài đi làm, lo kiếm tiền nuôi gia đình, nên xa cách con cái.
- Thêm vào đó, theo nét văn hóa VN, người cha là “nghiêm đường” tức là cha nghiêm khắc, vì là cột trụ gia đình, là người cầm cân nảy mực, lo điều khiển cho đâu vào đấy trong trật tự, định đoạt mọi sự và ít tỏ lộ tình cảm.
- Chưa kể là có những người mẹ còn “giới thiệu” ông bố như một người xử phạt, đánh đòn. Nhiều lần ta nghe có những bà mẹ đe con: “Chốc nữa ba mày về, tao sẽ mách ba mày đánh cho mày một trận!” Vì bất lực không bảo được con cái, người mẹ vô tình đã làm cho người cha thành một “ông kẹ” khiến con cái sợ hãi hơn là gần gũi yêu thương.
-Ngay cả trong âm nhạc và thi ca, tình mẹ vẫn được nhắc nhở, ca tụng nhiều, còn tình cha rất họa hiếm.
Qua tất cả những điều nói trên, chúng ta thấy tình cha trong gia đình không thân thiết cho bằng tình mẹ, mà khổ nỗi điều đó lại ảnh hưởng rất sâu đậm trên lòng đạo chúng ta, khiến ta thân thiết với Đức Mẹ nhiều hơn, còn trong tâm trí ta hình ảnh Chúa Cha khá mờ nhạt và xa xôi. Do đó, khi đi dâng Thánh Lễ, ta khó cảm nếm được niềm vui sướng và hạnh phúc khi dâng tế lễ lên Chúa Cha chúng ta.
@@@@@_BÀI 48_@@@@@
Để bổ khuyết cho tình trạng đó, trước hết chúng ta nên biết đời sống đạo có 2 chiều kích :
- Chiều kích Hướng thượng : Hướng lên Thiên Chúa Cha, (cả Ba Ngôi Thiên Chúa), chúng ta chiêm ngắm, thờ lạy, ca tụng, ngợi khen, tạ ơn, tin tưởng, yêu mến, gắn bó với Người.
- Chiều kích Hướng hạ : Hướng xuống chúng ta. Chúng ta lo thi hành Lời Chúa, làm việc đạo đức, cầu xin và lãnh nhận các ơn phúc xuống cho mình…
Đến với Thánh Lễ, chúng ta trước tiên phải tập cho quen “hướng thượng”, nghĩa là hướng lên Thiên Chúa, để hân hoan ca tụng, ngợi khen Chúa Cha đã yêu thương và ban cho chúng ta mọi sự : không kể vũ trụ mênh mông bao la, thiên nhiên tươi đẹp với bao sự kỳ diệu, rồi ban lương thực và mọi sự cần thiết cho đời sống thể xác, nhất là mọi điều thiết yếu cho đời sống linh hồn, đặc biệt chẳng tiếc ban cả Con Một, truyền cho Người hiến thân hy sinh chịu chết để cứu độ ta, và sau đó còn trở thành Thần Lương nuôi sống và giúp sức cho ta đi trọn con đường lữ thứ về tới quê trời (Pl 3.20), nơi hạnh phúc muôn đời.
Ta phải chú tâm đến chiều kích “hướng thượng” này, không chỉ để làm vui lòng Thiên Chúa, mà còn hình như là điều cần phải có khi tiếp xúc với Thiên Chúa !
- Đúng vậy, khi dạy cho chúng ta kinh Lạy Cha, chẳng phải Đức Giêsu đã làm như thế sao ? Ba lời nguyện đầu là “hướng thượng” lên Thiên Chúa :
“Nguyện ước cho Danh Cha cả sáng,
Nước Cha trị đến,
Ý Cha thể hiện…”
Sau đó những lời cầu xin mới “hướng hạ” xuống chúng ta: cầu xin cho những nhu cầu phần hồn cũng như phần xác của ta: Lương thực hằng ngày; tha tội nợ, gìn giữ khỏi sa các chước cám dỗ và khỏi mọi sự dữ…
- Hãy xem trên Thiên Đàng kìa ! Phận sự chính của các Thiên thần là chiêm ngắm, thờ phượng, ca ngợi Thiên Chúa : “Thầy nói cho anh em biết : các thiên thần … ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 18.10)
- Ở dưới thế này, các dòng khổ tu, như Biển đức, Châu Sơn hay Dòng Kín v.v…, cũng ra sức bắt chước trên trời : chuyên lo việc đọc kinh, cầu nguyện, thờ lạy, ca tụng Thiên Chúa, không đi rao giảng, không làm việc tông đồ, hay việc từ thiện bác ái, mở nhà thương, viện tế bần v.v… Thế mà Hội Thánh lại coi những Dòng đó là ưu tuyển và có giá trị cao hơn các Dòng hoạt động khác. Dòng Kín còn được xem là Trái Tim của Hội Thánh. Các nam nữ tu sĩ ấy đêm ngày cầu nguyện, khẩn nài Thiên Chúa ban phúc lành hỗ trợ cho hoạt động của Hội Thánh bên ngoài. Nhờ những hy sinh âm thầm và lời cầu nguyện tha thiết dâng lên Thiên Chúa đó, mà các linh mục hoạt động ngoài đời mới có thể chu toàn nhiệm vụ Thiên Chúa đã giao phó.
Vậy vấn đề là : Làm sao thay đổi được não trạng lợt lạt với Chúa Cha nói trên của số đông người Công giáo VN ?
Quả thật rất khó nếu chỉ dựa vào sức loài người, song chúng ta biết rằng : “Nơi loài người, điều đó không thể được, nhưng nơi Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được.” (Mt 19.26).
Vậy, chúng ta phải làm gì đây ?
Phải quay trở về với Thánh kinh, để qua đó Đức Giêsu dạy ta được hiểu biết Chúa Cha. Chẳng phải Người đã tuyên bố :
“Cha Tôi đã giao phó mọi sự cho Tôi. Và không ai biết rõ người Con, ngoại trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, ngoại trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” (Mt 11.27). Vì “người Con này ở trong cung lòng Chúa Cha (từ thuở đời đời nên dò thấu hết mọi sự của Cha) và đã tỏ bày cho chúng ta biết” (Ga 1.18).
Như thế, muốn biết rõ Chúa Cha thì phải nhờ Chúa Con mặc khải hay bày tỏ ra cho mà thôi !
Vậy, chúng ta hãy thành tâm van xin Chúa Giêsu mặc khải cho ta biết Chúa Cha và tình yêu của Người.
Hai môn đệ trên đường về làng Emmau, đang buồn rầu thất vọng vì Thầy Thánh của họ bị giết, thế mà nhờ cái gì mà lòng họ lại bừng cháy lên tràn trề vui mừng và hy vọng như thể từ cõi chết mà sống lại vậy ?
- Nhờ Chúa Giêsu giảng giải Thánh Kinh cho họ nghe:
“Họ mới bảo nhau : "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Thánh Kinh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" (Lc 24.32)
Đến lượt chúng ta cũng sẽ xảy ra như vậy, nếu chúng ta đón nghe lời Thánh kinh.
Vậy đây ta hãy nghe :
Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3.16)
Thế mới biết câu Thiên Chúa yêu thế gian “đến nỗi” thật là thấm thía hết sức, nó nói lên mức độ Tình Yêu cao cả, vĩ đại, thâm sâu, siêu phàm, vô lường vô hạn của Chúa Cha đối với nhân loại, yêu thương “đến nỗi” thí ban Con Một yêu dấu của mình chịu chết thập giá “để ai tin (nơi Người) thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời”. Chúng ta cần cầu nguyện mới có thể cảm nhận được Tình Yêu cao vời ấy, bởi nó vượt trên trí hiểu của ta (Ep 3.19), nó đi ngược với những gì ta thường quen sống, vì ở đời chẳng ai làm như thế cả.
Phần đông chúng ta ai cũng đã có gia đình, có con có cháu. Giả như chúng ta có đứa con trai một, độc nhất, rất mực thương yêu, cưng chiều, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, có ai trong chúng ta đã bằng lòng hy sinh nó cho một đứa bạn khác của nó được sống không ? Không bao giờ !
Thánh kinh cũng biết thế nên đã nói :
“Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng.” (Rm 8.7).
Họa hoằn cũng có người chết thay cho người đức cao, quyền trọng. Trong lịch sử VN, có chuyện ông Lê Lai liều mình cứu vua : Lúc ấy quân địch vây ngặt quá, ông Lê Lai mới xin vua Lê Lợi cho mình liều chết để cứu vua, bằng cách ông mặc áo mão của vua, rồi thúc ngựa xông ra, quân địch tưởng đó là vua Lê Lợi, kéo toàn quân đuổi theo, và giết chết ông vua giả, đang khi đó, ở đàng này vua thật trốn thoát.
Chết thay cho một ông vua như vậy kể cũng đáng. Còn chết cho người ác, người xấu lại là chuyện khác ! Hãy thử tưởng tượng xem : có một tên tướng cướp độc ác dữ tợn, đốt làng phá xóm, giết người cướp của, hãm hiếp phụ nữ, nay bị án tử hình đích đáng. Có ai trong chúng ta thấy nó tội nghiệp, nên bắt con mình chết thay cho tên khốn nạn đáng ghét ấy không? Không đời nào ! Ngàn lần không !
Ấy đấy, chúng ta chính là những kẻ khốn nạn đáng gớm ghét đó ! Thế mà Thiên Chúa đã sai Con Một Người chết khổ hình nhục nhã trên thập giá để cứu chúng ta khỏi chết đời đời! Thánh Kinh quả quyết rõ ràng :
“Quả vậy, ngay khi chúng ta … còn là hạng người vô đạo, … ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi thì … Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta !”… khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người… Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” nói sao cho cùng. (Rm 5.6-8,10).
Có vẻ như Chúa Cha thương nhân loại khốn nạn hơn Con yêu quí của mình. Thánh kinh không nói, chúng ta sẽ không tin :
“Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta”, thì hỏi còn gì mà Chúa Cha lại tiếc không ban cho ta nữa ? (Rm 8.32).
@@@@@_BÀI 49_@@@@@
Đừng tưởng Đức Giêsu, là Con Thiên Chúa, thì chịu đau khổ và chết coi như không “nhẹ như lông hồng”. Đau khổ và chết – và nhất là cái chết đau đớn khủng khiếp bởi khổ hình đóng đinh thập tự giá – ai mà chẳng sợ ! Đức Giêsu cũng là người thật, theo lẽ tự nhiên Người cũng sợ, cũng muốn trốn tránh, cho nên :
“Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết….”
“Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này…”(Mt 26.39)
Nhưng không thể được.
“(Chỉ vì) Thiên Chúa muốn đưa muôn vàn con cái (là loài người khốn nạn chúng ta) đến vinh quang (trên trời), nên Người đã làm một việc thích đáng, là (truyền) cho Đấng khơi nguồn ơn cứu độ cho họ (tức Đức Giê-su) trải qua nhiều đau khổ (và cả cái chết nữa) mà trở nên thập toàn.” (Dt 2.10)
Vì có nên thập toàn thì mới trở nên nguồn ơn cứu độ nhân loại được, vì thế :
“Dẫu là Con Thiên Chúa, (Chúa Cha vẫn muốn) Người phải trải qua nhiều đau khổ (và cả cái chết nữa) mà học cho biết vâng phục; và khi đã (nhờ vâng phục tuyệt đối đó mà đạt) tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai vâng phục Người” (Dt 5.8-9).
Trước tấm tình yêu thương vô bến bờ đó của Chúa Cha, chúng ta buồn vì mình tội lỗi, quá khô khan nguội lạnh, không biết nói thế nào để tạ ơn cho xứng ! Chớ gì ta có được miệng lưỡi các thiên thần Sêraphim, có trái tim của Mẹ Maria để sốt mến dâng lời ca ngợi và cảm tạ Chúa Cha hết lòng, hết sức, hết tâm hồn…
Thương ta đến nỗi hy sinh Con Một mình như thế, Thiên Chúa Cha mong muốn điều gì ?
Thưa : Chúa không mong muốn điều gì cho bản thân, rốt cuộc cũng chỉ là để chúng ta được tha thứ và làm hòa với Người mà được sống :
“Nếu ngay khi chúng ta còn (là kẻ) thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho (truyền cho) Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.” (Rm 5.10).
Chữ “phương chi” rất quan trọng. Khi chúng ta còn mắc tội lỗi, Chúa vẫn yêu thương ta đến như thế, phương chi nay ta đã ăn năn, đã được tha tội, và trở về với Chúa thì Chúa còn yêu thương ta gấp bội đến thế nào. Tại sao vẫn còn sợ ?
Chính vì không học Thánh Kinh, nên chúng ta không hiểu lòng Chúa, mới luôn cảm thấy sợ hãi, sợ Oai nghi Chúa vì thấy mình hèn hạ, sợ bị phạt vì thấy mình tội lỗi ! Mắc phải tâm trạng đó là do một lối dạy đạo hồi trước đây (và có lẽ bây giờ vẫn còn tàn dư), quá nhấn mạnh cách thiên lệch trên vai trò Thiên Chúa là Đấng phán xét, một vị Thiên Chúa khắc nghiệt chỉ thấy ta toàn là tội lỗi, đáng phải sa hỏa ngục… ; hay ít ra làm cho chúng ta luôn có cảm tưởng Thiên Chúa là như ông bố gia trưởng, nghiêm nghị, độc đoán, hằng để mắt dò xét mọi hành vi cử chỉ xem chúng ta có đi ngay thẳng đúng đường đúng lối không mà nghiêm minh trừng phạt.
Và theo tâm lý, khi đã sợ hãi thì tất nhiên lạnh nhạt xa cách, không yêu Chúa và cũng chẳng hiểu gì về Tình yêu khoan dung nhân thứ của Người. Tất cả cũng chỉ vì không biết những gì Chúa Giêsu, Phát ngôn viên tối hậu của Thiên Chúa (Ga 1.18), đã mặc khải ra cho ta biết tình thương hải hà vô bến bờ của Người (Ep 2.4,7; 1Ga 3.1) cách riêng qua dụ ngôn bất hủ “Người Cha nhân hậu” (Lc 15.11-32) ! Cho dù ta quên hết mọi chân lý của đạo, chỉ cần nhớ dụ ngôn này, là đã nắm được toát yếu tất cả Tin Mừng mà Chúa Giêsu muốn loan báo về Chúa Cha :
“Người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
“Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng ; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.
“Bấy giờ người con nói rằng : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa...’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’” (Lc 15.11-24)
Đứa con trai bất hiếu, đòi chia phần gia tài ngay khi cha còn sống, rồi ẵm số tiền ấy đi hoang, ăn chơi đàng điếm, tài sản tiêu tùng, rách rưới, đói khát, mang tấm thân tàn tạ trở về… Vừa nhìn thấy con, ông mừng quá, tình thương con làm ông xóa bỏ mọi lỗi lầm, quên hết tội lỗi của nó : “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.” Ông ôm hôn, thay vì trừng phạt. Ông đã dùng cái hôn mà tỏ lòng tha thứ tội lỗi của đứa con.
Giả sử đứa con còn ngỡ ngàng, sợ hãi không dám tin vào tình cha yêu thương tha thứ, thì những cử chỉ sau đây sẽ làm nó tâm phục khẩu phục : “Người cha liền bảo các đầy tớ rằng : ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu !” Đó là những việc tái lập lại địa vị và quyền lợi của đứa con trong gia đình, dù nó đã xưng thú là bất xứng : “Con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa.” Chưa hết, ông còn sai đầy tớ làm thịt con bê béo để mở tiệc ăn mừng ! “Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” Niềm vui mừng lan tới cả Thiên đàng : “Vậy, Tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế,… giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.” (Lc 15.4,10)
Vậy đó, ngay khi ta đang còn là những người tội lỗi, Chúa Cha vẫn yêu thương chúng ta, phương chi bây giờ ta đã được hòa giải với Người ! Mời đọc lại câu Thánh kinh ấy: “Bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta (đó là) Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.” (Rm 5.8-9).
- Vậy thì thử hỏi :
“Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn ? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính ?
“Ai sẽ kết án họ ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta ?” (Rm 8.33-34)
@@@@@_BÀI 50_@@@@@
Nói đến chuyện sợ, thì trong gia đình con cái sợ ai nhất, sợ cha hay sợ mẹ ? Sợ cha ! Tại sao ? Vì người cha là người cầm cân nảy mực, có phận sự lèo lái, hướng dẫn gia đình, cho nên con cái đứa nào làm sự gì lầm lỗi, không đi đúng đường đúng lối đã vạch ra, là sợ người cha la mắng hay trừng phạt. Còn người mẹ thì cưu mang, sinh đẻ, ôm ẵm và cho con bú mớm nên một lòng thương con, và không mấy để ý đến lỗi lầm của con, chỉ lo cho nó được an lành, mạnh khỏe và hạnh phúc là bà an lòng.
Chỉ vì ta thường coi Chúa Cha giống như người cha thế gian nghiêm nghị, khó tính, cho nên ta sợ và không dám gần gũi, không thấy thân thương Người. Biết vậy, nên để giúp ta bớt mặc cảm, bớt sợ hãi, Thiên Chúa mặc khải cho ta biết Người cũng là một người mẹ. Khẳng định đây không phải là một cách nói bóng bảy : song là thật sự như vậy, bởi vì nên nhớ Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, vô hình vô tượng, (không có thể xác nên) không có giới tính như ta, nói nôm na, Thiên Chúa không là nam hay là nữ ! Vậy Thiên Chúa là cha, mà cũng là mẹ. Chỉ có điều truyền thống Thánh kinh, vốn là của người Do Thái, một dân tộc theo phụ hệ, nên coi Người là Cha thì tiện lợi và phù hợp hơn.
Vậy Đấng đã dựng nên loài người, và cách riêng khi dựng nên người phụ nữ, đã tạo nên trái tim bà mẹ, và đổ tình yêu Người vào trái tim bà để bà yêu thương con cái, chẳng lẽ Người lại không yêu thương ta như mẹ thương yêu con mình sao ? Xem này :
“Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó,
nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng.
Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng.
Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ,
nâng lên áp vào má
Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.” (Hs 11.3-4)
Dân Israen không hiểu được tình Chúa như vậy, vì họ quá đau khổ : sau khi bị cường quốc xâm lăng tàn phá làm nước mất nhà tan, triệt hạ Đền thờ, giết người không thương tiếc, ai còn sống sót thì bị đưa đi lưu đày biệt xứ, trong hoàn cảnh vô vọng ấy, họ thấy mình như chết khô không còn hy vọng hồi sinh và phục hưng xứ sở, cho nên họ than vãn:
“ĐỨC CHÚA đã bỏ tôi,
Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi !”
Qua miệng tiên tri Isaia, Thiên Chúa trả lời:
“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?
Cho dù nó có quên đi nữa,
thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.”
(Is 59.14-15)
Những người mẹ quên con, bỏ con là chuyện hi hữu ít khi xảy ra vì ngược với bản năng làm mẹ. Người ta thường nói : Mọi tình yêu ở đời đều có lúc tàn tạ, chỉ có tình mẹ là không bao giờ. Thế mà Thiên Chúa nói : cho dù có những bà mẹ tồi tệ đến như vậy, thì Thiên Chúa không bao giờ cư xử với con dân của Người như thế. Người là mẹ còn hơn người mẹ :
“Cho dù nó có quên đi nữa,
thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ!”
Người ví mình như mẹ hiền nâng niu, vỗ về những đứa con thơ :
“Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ,
được bồng ẵm bên sườn, nâng niu trên đầu gối.
Như mẹ hiền an ủi con thơ,
Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy….” (Is 66.12-13)
Đọc những câu Thánh kinh tuyệt vời ấy, chẳng ai không thấy lòng mình xúc động, hơn nữa nếu chúng ta cầu nguyện, sẽ có thể cảm nhận thấm thía Tình Yêu sâu thẳm ấy, bởi nó vượt trên trí hiểu của ta. Nhất là hãy khiêm nhường hạ mình xuống như kẻ bé mọn, ta mới thấu hiểu được những mầu nhiệm cao cả đó, vì Chúa Giêsu có nói :
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11.25-26).
Thật vậy, Tình Yêu Thiên Chúa là một Mầu Nhiệm cao sâu, mênh mông, bao la như trùng dương vô bến vô bờ…chúng ta không thể dùng trí loài người mà luận bàn được. Duy chỉ nhờ cầu nguyện, Lời Chúa sẽ đốt cháy lòng ta như đã cháy bừng trong lòng hai môn đệ đi làng Emmau kể trên kia (x. Lc 24.32).
Chớ gì đến lượt mỗi người chúng ta, khi được biết tình yêu của Cha Hằng Hữu ngỏ với chúng ta là con cái Người, là tình yêu thật bao la vô bến vô bờ… thì trong trái tim chúng ta cũng bừng cháy ngọn lửa yêu mến Người. Tình yêu đáp trả tình yêu !
Khi đón nhận những điều mặc khải về Chúa Cha nói trên, về những gì Chúa Cha đã làm cho ta, và về Tình Yêu vô biên và vô điều kiện của Người, chúng ta không được nghĩ rằng những điều cao cả lớn lao đó là do tưởng tượng của những người đạo đức, chứ không có thật. Vì nhìn vào mình, nhìn chung quanh thấy loài người hèn hạ, xấu xa quá, đâu đâu cũng đầy gian ác, chúng ta tự hỏi mình là gì mà Chúa phải bận tâm đến như vậy ?
Thánh kinh trả lời : Loài người chúng ta là con thật của Thiên Chúa ; và Người là Cha thật của ta !
“Anh em đã lãnh nhận… Thần Khí làm cho anh em nên con cái, nhờ đó chúng ta được kêu lên : “Áp-ba ! Cha ơi !” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.”(Rm 8.15-16)
“Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.” (1 Ga 3.1)
Thánh kinh bảo : “Thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”, nghĩa là chúng ta là con thật của Thiên Chúa : ở đời, ai có máu huyết của người cha thì là con ruột của ông ấy, đó là một sự thật, anh ta muốn chối cũng không được và muốn thay đổi cũng không xong; thì đây cũng vậy, một khi chúng ta tin và chịu Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được tái sinh bởi Thần khí và trở nên Thần khí (Ga 3.6), mang trong mình Thần khí ví như “máu huyết thần linh của Thiên Chúa”, mà Thư Thánh Phêrô nói đó là : “được thông phần bản tính Thiên Chúa” đấy (2 Pr 1.4). Mà hễ ai có giọt máu của bố, kẻ ấy là con ruột của bố nó, cũng vậy, có trong mình bản tính Thiên Chúa thì ta là con (ruột) Thiên Chúa vậy !
Chưa hết, cũng bởi được là con thật của Thiên Chúa, mà Chúa Cha hứa cho ta được thừa kế gia nghiệp Nước Trời:
“Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô.” (Rm 8.17) ;
và sẽ sau này được vinh hiển sáng láng chói lòa nên giống như Chúa Giêsu, Con Một Người, trong hạnh phúc muôn đời vĩnh cửu trên Thiên Đàng :
“Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.” (1 Ga 3.2)
Hy vọng rằng sau khi được Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta về Chúa Cha và tình yêu của Người qua những câu Thánh Kinh huy hoàng trên đây, và một khi đã nhờ suy niệm và cầu nguyện chúng ta được hiểu biết Chúa Cha và cảm nghiệm được phần nào Tình yêu thắm thiết của Người, chúng ta không còn thấy xa lạ, lợt lạt với Cha trên Trời nữa, trái lại hết sức phấn khởi và tràn trề hy vọng, cách riêng khi đến nhà thờ, ta sẽ hân hoan vui mừng cùng Thượng tế Giêsu hiệp dâng Tế Lễ lên Cha.
Nhớ lại trước kia, không được học Thánh Kinh, ta đi dự lễ, như thể đi làm một bổn phận con nhà đạo, Thánh Lễ lúc đó có khi chỉ là một thứ tập tục tôn giáo mà mình phải bó buộc đi dự ; trong lễ, thấy ông cha lúc giơ tay lúc cúi đầu, và đọc những lời kinh mình cùng với mọi người thưa lại cách thuộc lòng và chán ngán, chờ cho mau xong là chuồn lẹ …! Nếu khá hơn, biết nói là đi dâng Thánh Lễ thì cũng chỉ biết dâng lên một Thiên Chúa nào đó, mơ hồ, xa xôi …
Nhưng nay, ta lấy làm vinh dự khôn sánh, khi nhờ học Thánh Kinh mà biết được hạnh phúc vào nhà thờ dự Thánh Lễ ở trần thế, là tham dự tế lễ thiên giới vô cùng cao trọng của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa Cha trên trời, giữa muôn vàn thần thánh, để mưu cầu ơn cứu độ cho chúng ta và cả nhân loại.
Nếu hiện thời ai còn chưa cảm nghiệm được hạnh phúc ấy, thì hãy gia tăng cầu nguyện và suy niệm để xin được ơn ấy, đồng thời cũng thực tập như trên đây hướng dẫn. Khi đã được, ta sẽ thấy mỗi lần đi dự Thánh Lễ là một lần vui sướng hạnh phúc vô cùng. Đời sống ta sẽ từ từ biến đổi càng ngày càng nên tốt lành, thánh thiện hơn, gia đình sẽ bình an hòa thuận, những thử thách, những gian nan không còn làm ta khổ sở, trái lại sẽ thấy cuộc đời ta khởi sắc….
-- o0o –
@@@@@_BÀI 51_@@@@@
G - THÁNH LỄ LÀ MỘT TẾ LỄ CẦU ĐẢO
Cầu đảo là “cầu” Thiên Chúa tha tội và “đảo” các hình phạt thành phúc lành cho nhân loại. Mà Thánh Kinh quả quyết : "Máu không đổ thì tội không được tha" (Dt 9.22), vì thế hiến tế của Chúa Kitô cũng phải đổ máu ra để mưu cầu ơn tha tội cho nhân loại, nhờ đó họ được tha các hình phạt và còn được mọi phúc lành:
“Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người (đã đổ ra sẽ) thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc (đưa tới sự) chết." (Dt 9.14).
Tẩy sạch lương tâm không chỉ của những Kitô hữu chúng ta mà thôi, mà còn của toàn thể nhân loại :
“Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ
đền bù tội lỗi chúng ta,
không những tội lỗi chúng ta mà thôi,
nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.” (1 Ga 2.1-2)
- Thắc mắc : Tại sao máu phải đổ ra, tội mới được tha?
Thư Do thái khẳng định :
Máu có sức thanh tẩy
9 18 "Giao ước thứ nhất cũng đã khai sáng bằng máu. 19 Quả thế, sau khi ông Mô-sê công bố cho toàn dân mọi điều răn như đã ghi chép trong Sách Luật, thì ông lấy máu các con bê, con dê hoà lẫn với nước, rồi dùng len đỏ thắm và cành hương thảo mà rảy trên chính cuốn Sách Luật cũng như trên toàn dân và 20 nói: Đây là máu giao ước, Thiên Chúa đã truyền cho anh em tuân giữ.
21 Rồi, cũng theo cách thức đó, ông rảy máu vào lều thánh và mọi đồ phụng tự. 22 Chiếu theo Lề Luật, hầu hết mọi sự đều được thanh tẩy bằng máu. Không có máu đổ ra, thì không có ơn tha thứ.
23 Vậy, nếu các hình ảnh mô phỏng những thực tại trên trời còn cần phải được thanh tẩy (bằng máu) như thế, thì chính những thực tại trên trời đó lại càng phải được thanh tẩy bằng (máu của) những hy lễ cao trọng hơn biết mấy." (Dt 9.18-23)
Giải thích :
Phải đổ máu ra mới thanh tẩy được nhơ uế, tội lỗi. Thư Do Thái minh chứng bằng một việc so sánh : Cựu Ước chỉ là hình bóng của thực tại trên trời sau này, mà còn phải dùng máu (súc vật) mà thanh tẩy mọi vật, mọi người như vậy, huống chi những thực tại trên trời – do Chúa Giêsu mang lại trong thời Tân Ước – lại càng cần được thanh tẩy hơn biết mấy bởi máu của lế tế cao trọng hơn, tức là tế lễ của Chúa Kitô !
Ở đây có hai ý tưởng cần giải thích :
1) Phải đổ máu mà thanh tẩy ô uế và tội lỗi.
2) Tế lễ đổ máu của Chúa Giêsu thì cao trọng và hữu hiệu hơn cả, chẳng có tế lễ nào sánh kịp.
Về ý tưởng 1) : Phải đổ máu để thanh tẩy tội lỗi, tại sao?
Để trả lời, xin nhớ lại truyền thống hiến tế cổ truyền : Loài người thuở xưa muốn làm thần linh nguôi giận tha mạng, tức là được tha thứ và được ơn nghĩa với thần linh thì họ làm thế nào ? Họ đã sáng chế ra việc hiến tế qua đó họ sát tế con vật – mà sát tế là phải đổ máu ra - rồi hỏa thiêu tế vật mà dâng lên cho thần linh (xem lại tr.170tt). Họ không thể đổ máu mình ra, thì họ lấy những sự vật hay những con vật quí giá nhất, thân thiết nhất đổ máu ra thay thế cho họ. Mạng sống đổi lấy mạng sống : được thần linh bảo toàn mạng sống cho mình, tha mạng cho mình, thì phải dâng mạng sống nếu không của mình thì của một vật thay thế. Thần linh chấp nhận hiến tế, ngửi lấy hương thơm của lễ do làn khói bốc lên, và nguôi giận, thi ân giáng phúc xuống cho họ.
Hiến tế trên thập giá của Chúa Giêsu cũng vậy, Người phải bị sát tế, bị giết đổ máu ra làm của lễ đền tội dâng lên Thiên Chúa, để Thiên Chúa nguôi giận, mà tha mạng cho nhân loại chúng ta đáng phải chết vì đã phạm tội.
Về ý tưởng 2) : Hy lễ đổ máu của Chúa Giêsu cao trọng hơn và có hiệu lực hơn tế lễ bằng máu loài vật của Cựu Ước:
13 "Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch 14 thì máu của Đức Ki-tô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người (đổ ra sẽ) thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc (đưa tới sự) chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống." (Dt 9.13-14)
Giải thích :
“Những kẻ nhiễm uế” là ai ? Là dân chúng mắc tội, kể cả các tư tế Lêvít, ngay cả những đồ vật như lều thánh, bàn thờ và mọi đồ phụng tự v.v… một khi bị nhiễm uế (Ds 19.2-12), tất cả đều phải được thanh tẩy bằng máu (Lv 8.15,24-30; 9.15-18; 12.7-9; 16.19). Vậy, nếu máu những con vật bị sát tế :
-đem rảy lên các đồ vật còn làm cho đồ vật này được hiến thánh để xứng đáng được dùng trong việc thờ phượng Thiên Chúa ;
-và đem rảy trên mình những con người nhiễm uế cũng làm cho thân xác họ hết ô uế, nên trong sạch, được thánh hóa, để có thể ra trước mặt Thiên Chúa Chí thánh mà thi hành việc tế tự tại đền thờ,
-phương chi “Máu của Đức Ki-tô”, Con Một Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa (Ga 1.1), đã đổ ra trên thập giá “càng hiệu lực hơn biết mấy”, không chỉ thánh hóa hay tẩy sạch thân xác mà còn “thanh tẩy lương tâm” chúng ta “khỏi những việc (đưa tới sự) chết”! (Ep 2.1)
Một khi lương tâm đã được tẩy sạch, tức là được tha thứ tội lỗi, con người mới “xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống”, và lãnh các phúc lành của Người, vì không có gì nhơ bẩn mà có thể ra đứng trước Nhan Thánh Thiên Chúa được, huống chi còn hòng phụng thờ Người và hưởng phúc lành của Người !
Nhờ đâu máu Đức Giêsu có hiệu lực cao hơn như thế?
Thánh Thư giải đáp : đó là vì hiến tế của Chúa không như tế lễ của loài người,
Thứ nhất : hiến tế của loài người là vì họ tự ý dâng lên, và với tâm tình vụ lợi, mong được ban phúc, che chở, hộ phù v.v…, còn Chúa Giêsu là “nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy” mà dâng, Thánh Thần là tình yêu tinh tuyền, không mưu tư lợi, chỉ mưu cầu ơn cứu rỗi cho người thế.
Thứ hai : loài người chỉ dâng lên những đồ vật hoặc súc vật là vật ngoài thân, còn “Đức Ki-tô đã tự hiến tế chính thân mình như lễ vật vẹn toàn (hoàn toàn tinh sạch, thánh thiện) dâng lên Thiên Chúa”
Thứ ba : của lễ không là một vật gì của thế gian này, mà là chính thân mình Con Một Thiên Chúa hằng sống, và cũng là Thiên Chúa, hẳn có giá trị vô cùng vô tận, đến nỗi có thể nói : chỉ cần một giọt máu hay mồ hôi Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đổ ra mà thôi, thì cũng có sức cứu không phải một thế giới mà muôn ngàn thế giới nữa.
@@@@@_BÀI 52_@@@@@
Do Tế Lễ của Đức Ki-tô hữu hiệu,
cho nên chỉ dâng một lần là đủ đền tội và vĩnh viễn thánh hóa nhân loại, đánh bại các kẻ thù.
12 Còn Đức Ki-tô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời.13 Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân.14 Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo.
15 Điều đó cả Thánh Thần cũng làm chứng cho chúng ta thấy. Quả thật, … Đức Chúa phán : … Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc gian ác của chúng nữa. 18 Mà nơi nào đã được tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa" (Dt 10.12-18).
Giải thích :
Bằng chứng về tế lễ Đức Giêsu chỉ dâng một lần duy nhất đã đủ “để vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo”, đó là “Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời”, hiểu như là Người được nghỉ ngơi, không bao giờ còn phải dâng đi dâng lại nữa [5] : “Nơi nào đã được tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa". Không chỉ từng đó, Người còn đánh bại các kẻ thù của Nước Chúa, và chờ đợi ngày chúng phục xuống làm bệ chân Người.
***
Sau khi học biết những điều trên, chúng ta mới thấy :
Nếu không có tế lễ đổ máu, việc cầu đảo sẽ thất bại !
Ngày xưa, khi ông Abraham nghe Thiên Chúa đến báo thành Sôđôm sẽ bị tru diệt vì tội lỗi lớn lao thấu trời, ông đã sấp mình xuống để “cầu đảo”, van xin Thiên Chúa – (hiện hình thành một người đi cùng với hai thiên sứ đến thăm ông) (xem hình) – “đảo” trừng phạt thành tha thứ cho thành, nếu tìm được trong đó có những người lành, vì chẳng lẽ Thiên Chúa là Đấng chí công lại phạt người lành phải chết chung với kẻ ác ? Nhưng phải có bao nhiêu người lành để có thể vì họ mà Thiên Chúa dung tha cho cả thành ? 50 ư ? Tìm không được, ông xin bớt xuống 40, rồi 30, 20... và cuối cùng giá chót là chỉ cần 10 người lành mà cũng không có. Thế là Sôđôm đã bị hủy diệt bởi động đất, bởi lửa diêm sinh thiêu đốt. (St 18.16 - 19.25)
Chỉ cần tìm được 10 người công chính ngay lành, thì cả ngàn vạn con người trong thành sẽ được tha khỏi bị hủy diệt ! Vậy thử hỏi ai ngay lành, công chính và thánh thiện hơn Chúa Giêsu Con Một Thiên Chúa, và được nhìn nhận là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1.24; Lc 4.34; Ga 6.69) ? Không cần 10 người, 100 người hay cả chục vạn người công chính, duy chỉ một mình Chúa Giêsu Đấng Công Chính, là đủ thay thế cho tất cả, và đặc biệt nhất là Người còn dâng mình làm "lễ vật hy sinh hương thơm ngạt ngào dâng lên (đẹp lòng) Thiên Chúa" (Ep 5.2), cho nên có dư sức cứu cả thế giới và cả ngàn thế giới khỏi bị hủy diệt (1 Ga 2.1-2) !
Ông Abraham ngày xưa cầu đảo cho dân thành Sôđôm khỏi bị hủy diệt, song thất bại vì không tìm đủ số 10 người công chính, ngày nay nếu không có Chúa Giêsu – Đấng duy nhất Công chính và thánh thiện – và không có Thánh Lễ, nơi Chúa Giêsu tế lễ đổ Máu mình ra : “Đây là chén Máu Thầy, máu Giao Ước mới và vĩnh cửu, đổ ra cho các con và muôn người được tha tội”, tha tội không những cho chúng ta mà còn cho cả thế gian (1 Ga 2.1-2), thì việc cầu đảo cho thế giới cũng sẽ nếm mùi thất bại.
Ước gì mỗi người Công giáo có được niềm tin vào giá trị vô biên của Thánh Lễ trên bàn thờ, mà ra sức dự Thánh Lễ để “cầu đảo” cho nhân loại được cứu rỗi và được bình an thái hòa... Đúng vậy, trước một thế giới đang trượt dốc suy vong, mà phần không nhỏ là tại lỗi làm gương xấu và chểnh mảng lơ là của Kitô hữu chúng ta, thì ngoài những việc đạo đức truyền thống thường quen như cầu nguyện, lần hạt, hy sinh hãm mình, đền tội v.v.., chúng ta sẽ nhờ cách riêng đến Thánh Lễ để làm Lễ Tế Cầu Đảo !
Danh từ ‘cầu đảo’ nói đây lấy từ phong tục cầu đảo của các dân tộc Á Đông cách riêng. Thường thấy ngày xưa, khi họ gặp những tai kiếp, đại nạn như hạn hán mất mùa, ôn dịch, chiến tranh v.v..., họ thường lập đàn cầu đảo. Họ sẽ mời một đạo sĩ, một cao tăng hay một người đức độ cao cả trong dân làm thày tế lễ, giết trâu bò làm của lễ dâng lên cho Trời, rồi thày tế lế lễ cầm gươm xua trừ tà khí, hô phong hoán vũ ...
Đang khi ấy, dân chúng sẽ tụ họp lại trên đám đất quanh “tế đàn”, sám hối, ăn chay, nằm đất, đêm ngày van vái kêu xin Trời đổi vận bĩ của họ trở thành bình an thái hòa, cho dân đuợc sống ấm no hạnh phúc.
Đã thấy nhiều lần, những việc cầu đảo của họ đã động thấu lòng Trời và Trời nhậm lời đã ban cho họ được như ý.
Trong Cựu Ước cũng thấy có việc “cầu đảo” :
Nghe tin một đạo quân thù địch đông đảo đến vây đánh, Vua Giô- sa-phát hoảng sợ. Vua kêu gọi toàn thể người Giuđa ăn chay, và tập họp toàn dân lại kêu cầu cùng Chúa. Toàn thể dân Giu-đa, kể cả đàn bà con trẻ, đều đứng trước nhan ĐỨC CHÚA. Chính Vua cũng đứng giữa cộng đoàn trong Đền Thờ lớn tiếng cầu nguyện : “Lạy Yavê Thiên Chúa, Chúa nắm trong tay uy quyền và sức mạnh...Chúa đã ban cho dòng dõi Abraham đất này, và trên đất này đã xây một Thánh điện kính Danh Ngài... Nếu chẳng may chúng con gặp chinh chiến, bị trừng phạt, gặp dịch tễ hoặc đói kém, thì chúng con đứng trước Đền thờ này đây, trước Nhan Ngài...trong cơn cùng khốn, chúng con kêu lên Ngài, để được Ngài lắng nghe và cứu giúp chúng con. Chúng con chỉ biết ngước mắt nhìn lên Ngài.”
Thần Khí Yavê đáp xuống trên một người trong dân và nói tiên tri rằng Thiên Chúa đã nhậm lời, ông nói :”Các ngươi đừng sợ... vì cuộc chiến này không phải là của các ngươi nhưng là của Thiên Chúa. Trong cuộc chiến này, các ngươi không phải chiến đấu... cứ đứng mà xem Thiên Chúa, Đấng ở với các ngươi, sẽ giải thoát các ngươi như thế nào !”
Nghe vậy Vua và cả toàn dân sấp mình xuống trước mặt Chúa mà thờ lạy.
Sáng mai dân xếp thành hàng trận và đi vào sa mạc đối đầu với địch quân. Thấy dân đi như thế, Vua đứng ra và nói : “Toàn dân hãy nghe ta, Đức Yavê là Thiên Chúa chúng ta, cứ tin tưởng vào Người, các ngươi sẽ tồn tại, cứ tin lời các tiên tri của Người, các ngươi sẽ chiến thắng !” Vua còn cắt đặt những người mặc phẩm phục thánh, vừa đi trước quân binh vừa ca hát ngợi khen Chúa : “Hãy ngợi khen Chúa, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn giữ trọn tình thương.” Khi họ cất tiếng reo mừng và ca ngợi thì Thiên Chúa gieo rắc những mâu thuẫn đối nghịch vào giữa hàng ngũ quân địch, khiến chúng đâm ra tự sát hại lẫn nhau. Khi tới một nơi cao để có thể nhìn xuống sa mạc được, quân binh Giuđa thấy đám địch quân bây giờ chỉ còn là một bãi tha ma đầy tử thi nằm la liệt trên mặt đất, không một tên nào sống sót.
(Lược trích Sách Sử biên niên, quyển II, 20.1-24 ; cũng xem Sách 1 Vua 8.22-53).
@@@@@_BÀI 53_@@@@@
Kitô hữu chúng ta ngày nay cũng có “tế đàn” là bàn thờ để dâng Thánh Lễ lên mà “cầu đảo”, nghĩa là dâng Tế Lễ của Chúa Kitô lên Thiên Chúa Cha, ta ‘cầu’ xin Người thương xót ‘đảo’ án phạt thế giới đáng phải chịu do tội lỗi mình, trở thành ơn tha thứ, cứu độ và bình an. Và người đứng ra đại diện chúng ta làm thầy tế lễ mà cầu đảo, không còn phải là một người nào, cho dù là một ông vua như vua Giô-sa-phát nữa, mà là chính Thượng tế Giêsu, là Chúa và là Đầu chúng ta ! Vì thế, trên thế giới này chẳng có gì hữu hiệu hơn Tế Lễ của Người để cầu đảo.
Qua những phương thế truyền thông, báo đài, Tivi, mạng điện toán v.v… chúng ta hằng ngày đã thấy quả thật thế giới chúng ta ngày nay tội lỗi tràn ngập như thác lũ, đáng bị Thiên Chúa trừng phạt, giống như ngày xưa khi Thiên Chúa xóa sổ loài người bằng trận lụt Đại Hồng thủy :
“ĐỨC CHÚA thấy rằng trên mặt đất sự gian ác của con người quả là nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu. ĐỨC CHÚA hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng. ĐỨC CHÚA phán : “Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã tạo dựng, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, Ta hối hận vì đã làm ra chúng.” (St 6.5-7).
Hãy đảo mắt nhìn xem : Nơi cá nhân và trong gia đình thì người nào cũng ích kỷ, chỉ chạy theo sở thích dục vọng, đam mê riêng mình, vợ chồng thì tranh chấp, cãi cọ, bạo hành, rồi thêm những tệ nạn đồng tính luyến ái, ly dị, phá thai, gia đình đổ vỡ, con cái hỗn láo, không vâng lời cha mẹ, bỏ nhà đi bụi đời, nghiện ngập xì ke ma túy; vào băng đảng xã hội đen; còn ngoài xã hội thì bê bối, đầy dẫy tham nhũng, tranh giành, gian dối, lừa đảo, hận thù, bạo lực, khủng bố, chiến tranh v.v…và v.v…
Thật là một cảnh tượng vô cùng nguy ngập, vì ngày nào mà mức tội lỗi lên thấu tới trời, liệu ta có tránh được sự trừng phạt của Thiên Chúa không ? Hay cũng sẽ bị tiêu diệt như Sôđôm và Gômôra ngày xưa (St 18.-19.) ?
Đây không hề là một chuyện tưởng tượng ra để hù dọa !
Đây thực tế là một tình thế đen tối và nguy ngập, vậy còn cần Hiến Tế cầu đảo của Chúa Giêsu hơn bao giờ hết, như lời Thư thứ nhất của Thánh Gioan viết :
"Nếu ai (trót) phạm tội thì (này) chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước Thánh Nhan Chúa Cha : đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công chính. Chính Người là của lễ đền tội vì tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội lỗi của cả thế gian nữa" (1 Ga 2.1-2).
Của Lễ đền tội của Người, tuy dâng trên thập giá ngày xưa trên đồi Canvê, song vẫn luôn tác động cứu rỗi thế giới, bởi đâu ? Bởi vì Của Lễ Đền Tội ấy vẫn luôn còn tồn tại, do sự chấp nhận và thần hóa một lần là vĩnh viễn không bao giờ qua đi của Thiên Chúa (như ta đã học biết, 167tt; 176tt; 198tt), và Thư Do Thái đã xác quyết :
"Đức Giêsu Kitô, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên chức vụ tư tế (cùng với hiến tế) của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để cầu bầu cho họ." (Dt 7.24-25)
Theo những gì chúng ta đã học biết, có thể diễn tả ý nghĩa của đoạn thư ấy như sau : Nay ở trên trời Chúa Giêsu vẫn hằng sống cho nên chức vụ tư tế của Người vẫn còn tồn tại, mà có chức vụ là để thi hành việc tế lễ, vậy trên trời Chúa Giêsu vẫn đang thi hành tế lễ cứu độ ấy, đồng thời ở dưới đất thì, nhờ thừa tác vụ của linh mục, Người cũng đang dâng mình tế lễ cứu độ ấy trong Thánh Lễ hằng ngày trên bàn thờ.
Các dân tộc ngoại giáo lập đàn cầu đảo chỉ là một việc khẩn xin cầu may, mong nhờ lòng Trời xót thương, nhưng không có gì cũng như không có ai bảo đảm sẽ được nhậm lời. Còn chúng ta thì đã có sự bảo đảm là lời hứa chắc chắn tha thứ của Thiên Chúa :
“Nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm mà tuân giữ mọi quy tắc của Ta, cùng thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết. Mọi tội phản nghịch nó phạm, người ta sẽ không còn nhớ đến; nó sẽ được sống vì đã thi hành lẽ công minh. Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng - Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao ?” (Ed 18.21-23; 33.16)
“Ta lấy mạng sống Ta mà thề -sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng- Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống. Hãy trở lại, hãy từ bỏ đường lối xấu xa của các ngươi mà trở lại. Sao các ngươi lại muốn chết, hỡi nhà Ít-ra-en ?” (Ed 33.11)
“Chúa kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải (để được sống).” (2 Pr 3.9)
Nhất là chính Thiên Chúa còn ký kết giao ước tha tội bằng máu Chúa Giêsu :
"Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em" (Lc 22.19-20), "và cho muôn người được tha tội." (Mt 26.28).
SUY NGHĨ VÀ THỰC HÀNH
Nếu nhân loại không có cách chi để cầu đảo, hay có lập đàn cầu đảo thì cũng chỉ là cầu may, phần chúng ta đã có Thánh Lễ với bảo đảm bởi lời hứa của Thiên Chúa sẽ nhậm lời, vậy khi đi dâng Thánh Lễ, với ý thức Thánh Lễ có giá trị cầu đảo cho toàn thế giới vô cùng hữu hiệu như vậy, ta hãy dâng Thánh Lễ để “cầu” xin Thiên Chúa “đảo” các hình phạt đáng phải chịu vì tội lỗi thành tha thứ và bình an cho thế giới, cách riêng cho nước VN chúng ta!
Chúng ta thường nghe người ta khuyên cầu nguyện bằng cách đọc kinh này, kinh kia, ví dụ “Giêsu, Maria, Giuse lòng con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn”, là cứu được các linh hồn. Nếu một kinh nhỏ bé như thế còn có sức cứu linh hồn, phương chi cầu nguyện bằng chính Thánh Lễ, ở đó chính Máu Thánh Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, đã đổ ra làm của tế lễ để tha tội, để cứu rỗi (1 Ga 2.1-2) và nay lại tái hiện trên bàn thờ, thì càng có sức tha tội và cứu độ và ban bình an hơn vô cùng biết bao !
Dám mạnh miệng nói rằng, sở dĩ Thiên Chúa còn chưa trừng phạt tội lỗi tràn trề của nhân loại chúng ta ngày nay, là bởi vì khắp nơi trên thế giới, hằng ngày cả ngàn vạn Thánh Lễ dâng Mình Máu Chúa Giêsu, làm tế lễ cầu đảo, khẩn xin Thiên Chúa nhớ đến Giao Ước tha tội Người đã long trọng ký kết trong Máu Đức Giêsu Con Cực Thánh Chúa mà thề rằng : "Này là Giao Ước mới, lập bằng máu Thầy, (máu) đổ ra vì anh em" và "cho muôn người được tha tội". (Lc 22.20; Mt 26.28)
Qua câu đó, như thể Chúa Cha phán rằng :
“Khi nào Ta thấy Máu Con Ta, đã đổ ra trên thập giá ngày xưa, được dâng lên lại trong Thánh Lễ – vì trong Máu đó, qua lời của Con Ta, Ta đã cam kết tha thứ tội lỗi cho muôn người – thì Ta sẽ đổi cơn thịnh nộ của Ta định trừng phạt tội lỗi loài người, trở thành tha thứ và phúc lành.”
Thực hành cụ thể :
Dựa vào lời Thiên Chúa cam kết tha tội trong Máu Chúa Giêsu trên đây, thì khi đi dự Thánh Lễ, đến chỗ Linh mục chủ tế dâng chén Máu Thánh Chúa lên, chúng ta hãy thầm thĩ cầu xin :
"Vâng lệnh Chúa Giêsu truyền, chúng con dâng chén Máu Người lên Cha, xin Cha nhớ đến Giao ước tha tội Cha đã ký kết trong Máu này mà thương xót tha thứ tội lỗi cho nhân loại chúng con."
Tích truyện
Chính vì tin vào giá trị cầu đảo cứu độ của Thánh Lễ mà Thánh Louis, vị hoàng đế nước Pháp, một vị hoàng đế tốt lành thánh thiện, một người rất siêng năng làm việc, ngài đam mê hoạt động hơn bất cứ một người đàn ông nào trong xứ sở của ngài, vậy mà ngài vẫn tìm thời giờ để dự hai ba Thánh Lễ mỗi ngày. Mấy người cận thần của ngài nói: “Hoàng thượng đã đóng thuế quá nhiều cho những Thánh Lễ.” Ngài trả lời: “Nếu ta dành thời giờ săn đuổi những thú vui, tham dự những bữa tiệc linh đình với bạn bè, coi hát mỗi ngày, có thể các người than phiền rằng ta đã dành thời giờ quá nhiều cho những thú vui đó. Nhưng này các bạn tốt của ta ơi, các người quên rằng ta dự Thánh Lễ mỗi ngày không phải chỉ để cầu nguyện cho bản thân ta, mà còn cầu cho cả đất nước của ta, vì ngoài những Thánh Lễ ra, ta không còn cách nào khác tốt hơn để làm việc đó.” [6]
***
@@@@@_BÀI 54_@@@@@
Biết vậy, song vấn đề là :
Làm thế nào để nhân loại nhận được ơn phúc tha tội và bình an của máu đổ ra từ Hiến Tế Chúa Giêsu ?
Vì họ hiện thời là những người chẳng biết chút gì về Chúa, hay có khi đã từ bỏ Chúa, chống nghịch Chúa, và còn đang sống trong bóng tối tăm lầm lạc và ngụp lặn trong tội lỗi... Nhờ phương thế nào đem ơn phúc ấy đến với họ ?
Xin trả lời : Nhờ Kitô hữu, làm trung gian môi giới ![7]
Thánh Kinh dùng một cụm từ sau đây chỉ về nhiệm vụ cao cả đó :
"Chúa Kitô đã rửa chúng ta sạch tội lỗi bởi máu Người, và làm cho chúng ta thành một vương quốc các tư tế cho Thiên Chúa và là Cha" (Kh 1.5-6).
Theo đó, hiến tế đổ máu của Chúa Kitô đã :
- tẩy sạch tội lỗi chúng ta.
- Đoạn còn làm chúng ta trở thành một vương quốc các tư tế cho Thiên Chúa.
Vương quốc các tư tế nghĩa là gì ?
Muốn hiểu, ta hãy trở lại thời Cựu Ước. Thấy nói ở đó : Thiên Chúa chọn dân Israen làm một Dân tư tế :
"Vậy bây giờ, nếu các ngươi quyết nghe tiếng Ta mà giữ Giao ước của Ta, thì các ngươi sẽ là sở hữu của Ta giữa các dân hết thảy..., các ngươi sẽ làm một vương quốc tư tế cho Ta..." (Xh 19.5-6).
Ngôn sứ Isaia cũng nhắc nhớ chức vị ấy của họ:
"Còn anh em, anh em sẽ được gọi là "tư tế của ĐỨC CHÚA", người ta sẽ gọi anh em là "người phụng sự Thiên Chúa chúng ta." (Is 61.6)
Khi nói họ "là tư tế" như thế, Thiên Chúa không bảo mọi người dân Israen già trẻ, lớn bé, nam nữ đều làm thầy tế lễ, bước lên bàn thờ dâng tiến lễ vật và cử hành các nghi thức phụng tự... Nếu thế, Thiên Chúa đã chẳng cần chọn một chi tộc riêng là chi tộc Lêvi để làm việc ấy (Đnl 10.8; 21.5). Ý nghĩa câu đó thật ra là thế này: ở giữa các dân tộc trên thế gian không biết Thiên Chúa và hầu hết đều đang lầm lạc mà thờ ngẫu tượng, thờ các thần giả trá mà họ tưởng tượng và bày đặt ra..., dân Israen sẽ là :
1) đại diện thay thế họ mà thờ phượng Thiên Chúa, và
2) làm trung gian môi giới cho nhân loại ngoại đạo được biết Thiên Chúa thật,
nhờ rao truyền những lời Thiên Chúa mặc khải, nhờ cầu nguyện, hy sinh, nhờ những tế lễ của họ dâng lên mà cầu xin v.v...
Bằng mấy bài ca về “Người Tôi Trung” trong sách ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã chỉ định dân Israen là kẻ đóng vai trò trung gian môi giới ấy :
“Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ,
là người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến,
Ta cho thần khí Ta ngự trên người ;
người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.
[…] Người không yếu hèn, không chịu phục,
cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu.
Dân các hải đảo xa xăm đều mong được người chỉ bảo.
(Is 42.1,4)
“Này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,
để ngươi đem ơn cứu độ của Ta
đến tận cùng cõi đất.” (Is 49.6)
Nhưng dân Israen cũ đã bất trung và bất lực trước nhiệm vụ cao cả ấy, vì thế đến thời Tân Ước, Thiên Chúa "sẽ cất các đặc ân cao quí kia khỏi họ mà trao cho một dân khác..." là Hội thánh Kitô giáo thay thế họ (x. Mt 21.33-43), và Chúa Kitô vốn là ngôn sứ, là Vua và là Thượng tế, sẽ là Đầu, là Thủ Lãnh dân mới này, và chính Người làm Hội Thánh (tức là Kitô hữu chúng ta) thành dân tộc tư tế :
"Đức Giê-su Ki-tô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ... Người đã yêu mến chúng ta và (với tư cách là Thượng tế) lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người (Kh 1.5-6 ; 5.10 ; 20.6).
Thánh Phêrô cũng bảo các tín hữu : "Anh em ... là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để (làm ngôn sứ) loan truyền những kỳ công của Người" (1 Pr 2.9).
Như thế đã rõ, Kitô hữu chúng ta có nhiệm vụ :
1) làm đại diện cho mọi dân tộc trên thế gian mà tôn thờ Thiên Chúa, và
2) làm môi giới giúp họ nhận biết Thiên Chúa,
để họ được ơn tha tội, khỏi bị án phạt, được cứu rỗi, được thờ phượng Người.
Thế mà chúng ta thấy gì ?
Thấy thế giới ngày nay tội lỗi tràn ngập, xem ra càng ngày càng lìa xa và chối bỏ Thiên Chúa !
Vì đâu ?
Nhiều khi chúng ta cứ đổ tại Thiên Chúa không ra tay cứu độ. Nhưng nghĩ kỹ mới thấy là phần Thiên Chúa, chẳng có gì có thể làm mà Người đã không làm, và phải nói là ngay cả những điều loài người không thể tưởng tượng ra được, thì Người cũng đã nghĩ ra và làm để cứu độ nhân loại:
Thật thế, Thiên Chúa đã sai Con Một xuống thế làm người, chịu chết để đền tội nhân loại, và trở nên Bánh thiêng để nuôi linh hồn của họ ; Người còn ban Thánh Thần để họ được sống ! Ban Đức Maria, Thân Mẫu Chúa Giêsu, làm Mẹ thiêng liêng cho họ, để Mẹ thương yêu, săn sóc và dạy dỗ họ!
Còn phần chúng ta, biết mình đã được Thiên Chúa chọn làm “vương quốc tư tế”, với nhiệm vụ nêu trên kia, là truyền cho thế giới niềm tin và niềm hy vọng của mình, đem ơn cứu độ đến cho họ, vậy xin hỏi : chúng ta đã chu toàn nhiệm vụ ấy chưa ? Như dân Israen xưa, chúng ta cũng được Thiên Chúa phán bảo chúng ta “là người tôi trung”, “được Chúa ban cho Thần khí”, “để làm sáng tỏ công lý trước muôn dân, trên địa cầu." (Is 42.1,4). vậy ta đã làm sáng tỏ công lý Chúa trên địa cầu chưa ?
Đã làm ánh sáng muôn dân, để đem ơn cứu độ của Chúa đến tận cùng cõi đất chưa (Is 49.6) ?
Là “hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người.”(1 Pr 2.9), ta đã loan truyền chưa ?
Xét mình mới thấy thế giới suy vong là phần lớn tại lỗi chúng ta, đã không thi hành nhiệm vụ của mình là vương quốc tư tế. Chúng ta phải đấm ngực xin Chúa tha thứ “những điều thiếu sót” đó, như ta vẫn thường đọc trong kinh thú tội trước Thánh Lễ. Nhận đó là “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”, vì ta đã quá thụ động và ù lỳ, chỉ biết giữ đạo chứ không biết truyền đạo !
Chúng ta có biết rằng khi chúng ta giữ đạo thụ động và co cụm lại như thế, là đạo của ta giống như một cái ao tù, mà trong ao tù, thì chẳng có gì là tươi tốt, thơm tho, sống động, vì chứa toàn nước đọng hôi hám, dơ bẩn … vì không được làn nước trong lành chảy qua làm cho sạch và bồi dưỡng chất sống mới.
Chúng ta hãy quì xuống van vái Chúa Thánh Thần xin Ngài hiện xuống, như xưa trên các Tông đồ (Cv 2.1tt), ban mãnh lực của cuồng phong thúc đẩy chúng ta hăng say ra đi, và ban lưỡi lửa rực cháy, mở miệng chúng ta (“Ephata”) để biết nói về Chúa cho người chưa biết Chúa, rao truyền Tin Mừng của Chúa [8]; mở lòng chúng ta để cầu nguyện, hy sinh hãm mình, ăn chay, nêu gương sáng, làm việc từ thiện…, và nhất là tham dự Thánh Lễ để kéo ơn cứu độ và bình an xuống cho nhân loại !
***
@@@@@_BÀI 55_@@@@@
THAM DỰ THÁNH LỄ
TRONG NIỀM HÂN HOAN, HẠNH PHÚC
Suy gẫm tất cả những điều trên, chỉ có mục đích giúp ta khi đi dâng Thánh Lễ, được hân hoan sung sướng và lấy làm vinh dự vô cùng, vì dù đang ở cõi trần mà lại được tham dự Tế Lễ của Chúa Giêsu Thượng tế, đang cử hành trên thiên giới trước Thánh Nhan Uy linh của Thiên Chúa Cha. Đồng thời, dù chỉ là con người phàm hèn bất xứng, mà cũng có thể dâng Tế Lễ vô cùng cao trọng ấy lên Chúa Cha, để “cầu đảo” cho cả nhân loại được tha tội, được cứu rỗi và được bình an do quyền lực của tế lễ ấy chứ không do tài cán gì của ta…
Còn một điểm cuối cùng chúng ta không được quên để việc tham dự Thánh Lễ được trọn vẹn, đó là :
Cùng dâng mình làm của Tế Lễ với Chúa Kitô
Tham dự Thánh Lễ, chúng ta không chỉ tham dự một cách bàng quan như người xem một tấn kịch, dửng dưng đứng ngoài cuộc, song là cùng dâng mình chúng ta làm của lễ hợp với của lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu.
Sự dâng mình đây không phải là một hành vi đạo đức, như ta thường được khuyên bảo thực hành trong đời sống đạo: nào dâng mình cho Chúa; cho Thánh Tâm Chúa; tận hiến cho Đức Mẹ hay cho Trái Tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ, v.v… Đấy là những sự dâng mình tự nguyện, dâng cũng được mà không dâng cũng không sao.
Đây không phải vậy. Chỉ vì chúng ta là chi thể của Chúa Kitô Thượng tế, gắn chặt không thể tách rời với Người là Đầu, cho nên Đầu làm gì, thân mình và chi thể cũng làm theo như thế. Đầu, với tư cách là Thượng tế, đang dâng mình làm của lễ trong Thánh Lễ, chúng ta là chi thể Người, cũng cùng dâng mình làm của lễ. Không thể là khách bàng quan dửng dưng đứng ngoài cuộc. Đi dự Thánh Lễ mà dửng dưng, đứng ngoài cuộc : đó là dấu ta đã tách lìa khỏi Chúa Kitô là Đầu của chúng ta ! Chi thể tách khỏi đầu thì chết, không có sự sống, Sự sống của linh hồn. Hèn chi bao nhiêu năm đi dự Thánh Lễ, mà cuộc đời của nhiều người chẳng có chút chi thay đổi, vẫn nguyên si con người cũ với các tính mê nết xấu và tội lỗi !
Thánh tiến sĩ Augutinô đã vạch ra cho ta thấy rõ mầu nhiệm hiệp dâng tế lễ ấy, đại ý như sau :
"Khi Chúa hy sinh mình trên thập giá... chúng ta cũng hiện diện trong Người nữa. Tại sao thế ? Hãy nghĩ mà xem : Cái gì bị đóng đinh vào thập giá, nếu chẳng phải là cái (thân xác) Chúa đã nhận lấy từ (loài người) chúng ta ? Vì Người (vốn là Thiên Chúa bất tử và thiêng liêng vô hình) không có gì nơi Người để có thể chết cho chúng ta được sống, nếu không có thân xác phải chết mà Người lấy từ (loài người) chúng ta (để có thể chịu đóng đinh mà cứu chuộc chúng ta.) Vì thế Ngôi Lời đã mặc xác phàm (Ga 1.14). Để nhờ mặc lấy thân xác ấy, Đấng bất tử đã có thể chịu chết mà ban sự sống thần linh mà Người có, cho chúng ta là những kẻ không có sự sống thần linh nơi mình và sẽ phải chết." (Bài Kinh Sách, Mùa Chay, tuần II, thứ ba ; và Thứ hai Tuần thánh)
Tóm lại, Chúa Giêsu đã gắn bó chúng ta như Đầu với thân thể không thể tách lìa, cho nên khi Người dâng mình tế lễ trước Thánh Nhan Chúa Cha, thì cũng mang chúng ta trong Người mà cùng dâng. Đây chỉ là hậu kết của đạo lý “Thân thể mầu nhiệm”, mà có lần chúng ta đã nói đến (xem tr.219tt).
Chỉ có điều khi Chúa Giêsu dâng mình tế lễ thì Người chết thật, còn chúng ta khi dâng thân mình tế lễ cùng với Người thì chúng ta không phải chết, mà vẫn sống ! Chính vì thế Thánh Phaolô nói : "(Nhân) vì lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta, tôi khuyên anh em hãy hiến dâng thân mình anh em làm của lễ sống, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người" (Rm 12.1).
Thánh Giáo phụ Phêrô Kim Ngôn giảng giải : “Thánh Phaolô xin chúng ta, nói đúng hơn là qua Thánh Phaolô chính Thiên Chúa xin chúng ta […] Vậy (Thiên Chúa qua) Thánh Phaolô xin điều gì ?... “Xin anh em hiến dâng thân mình anh em làm của lễ sống”. Qua việc xin như thế, thánh Tông đồ đưa anh em đến chóp đỉnh của chức tư tế! […] Ôi kỳ lạ thay chức tư tế của người Kitô hữu ! Vì họ vừa là lễ vật vừa là tư tế : (Là lễ vật), họ không cần đi tìm lễ vật nơi đâu khác ngoài chính mình họ, họ mang theo với mình và trong mình cái mà họ phải dâng lên Thiên Chúa làm của lễ.
“(Thế rồi trong cuộc tế lễ này) lễ vật vẫn còn, vị tư tế cũng vẫn còn, bởi vì ở đây lễ vật (thân mình chúng ta) bị hiến tế mà vẫn còn sống, và vị tư tế (là chúng ta) cũng không chết vì còn phải cử hành việc tế lễ. […] (Hóa ra) Thiên Chúa muốn lòng tin chứ không đòi cái chết, Người khao khát lời cầu nguyện chứ không khát máu, Người vui thích được hòa giải bởi thành tâm chứ không bởi giết chóc.” (Bài Kinh sách, mùa P.s., Tuần IV, thứ ba)
Khi đi dâng Thánh Lễ, chúng ta được vinh dự đem thân mình ta làm của lễ sống hợp với tế lễ thân mình Chúa Giêsu mà dâng lên trước Thánh Nhan Chúa Cha, mục đích là để làm gì ?
Để cùng Chúa Giêsu tôn thờ, yêu mến và cảm tạ Thiên Chúa Cha, và cầu xin cho nhân loại được cứu rỗi.
Chỉ có điều khi đi nhà thờ dâng Thánh Lễ chúng ta có ý thức được việc đó không?
Tạ ơn Chúa vì có nhiều người trong chúng ta đã nhận thức được sự cao sang của Thánh Lễ, nhưng buồn thay lại có rất nhiều người tới dự Thánh Lễ một cách miễn cưỡng. Vì không được hiểu sự vĩ đại của Thánh Lễ, do đó đã không cử hành Bí Tích Thánh Thể đúng như lòng Chúa muốn. Nếu biết được ơn ích nào, quà tặng nào mình nhận được từ Bí tích ấy, chắc chắn chúng ta sẽ chuẩn bị mình cho Bí Tích ấy cách cẩn thận hơn, và mỗi lần đến dâng Thánh Lễ là đến với một sự háo hức, đến với niềm vui. Thánh Lễ sẽ trở nên một điều không thể thiếu trong đời sống của ta.
Nếu tham dự Thánh Lễ với ý thức như thế, lòng tin và lòng sốt sắng của ta được tăng thêm gấp bội, và nhờ đó ta lãnh được muôn hồng ân lớn lao, cao quí từ Thánh Lễ cực trọng ấy.
Nếu hiểu được Thánh Lễ như thế, từ nay chúng ta sẽ thấy trên trần gian này chẳng có gì cao trọng hơn Thánh Lễ, chẳng có gì ích lợi hơn Thánh Lễ. [9] Bởi vậy, nhất quyết sẽ không vì cớ gì, lý do gì... mà bỏ không tham dự Thánh Lễ, nhất là Thánh Lễ Chúa nhật!
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài soi sáng tâm trí con cho con được hiểu biết ý nghĩa sâu thẳm về mầu nhiệm Hy Lễ Nước Trời.
Xin cho tâm hồn con được ánh lửa yêu mến của Chúa để cảm nghiệm được tình Chúa yêu con vô bờ bến như thế nào. Xin Chúa mở đôi mắt linh hồn con để khi tham dự Thánh Lễ, con nhận ra được vị Thượng Tế đời đời vẫn còn phải đau đớn lấy Máu mình mà chuộc tội thế gian đang cần Ơn Cứu Rỗi.
"Biết lấy gì cảm mến, biết lấy chi báo đền hồng ân Chúa cao vời Chúa đã làm cho con."
Xin cho con cảm nhận được Tình Yêu siêu phàm bao la hơn vũ trụ, Lòng Xót Thương vĩ đại hơn cả tội lỗi của trần gian, Lòng Khoan Dung ngất cao hơn núi cả, sông ngàn…để cùng với giọt lệ ăn năn con quì bên chân Chúa, ngậm ngùi cho tình con bé nhỏ phàm hèn.
Xin xót thương con ! Lạy Thiên Chúa của con !
Tình con nhỏ bé nhưng ước ao được là một giọt ủi an bao cay đắng, một giọt đền bù bao lộng ngôn phạm thượng, bao giả điếc làm ngơ, bao bạc tình bội nghĩa, bao gian dối lọc lừa, bao hận thù ghen tị, bao ngoan cố bất tuân…trên nhân trần nhuốm bụi.
Xin cho con sống Thánh Lễ, để cuộc đời thôi nhỏ nhoi. Xin cho con sống Tình Yêu, để yêu thương là lẽ sống trong đời, để con được ở trong Tình Yêu ấy vì có Lời nói với con rằng : "Thiên Chúa là Tình Yêu". Amen.
--- o0 V 0o ---
LỜI NGUYỆN
DÂNG HIẾN
CHÚA GIÊSU
VÀ BẢN THÂN
(Đọc trước khi bắt đầu Thánh Lễ)
Lạy Chúa Cha Chí Thánh, chúng con xin hiệp với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria mà dâng lên Cha Của Lễ Tinh Tuyền, Thánh Thiện, duy nhất đẹp lòng Cha, là:
Mình Thánh Máu Thánh Chúa Giêsu
tử nạn trên thập giá
và nay tái hiện trong Thánh Lễ bàn thờ.
Cùng với Của Lễ cao trọng ấy, xin dâng bản thân và cuộc đời hèn mọn của chúng con, để bày tỏ lòng tôn thờ, yêu mến và cảm tạ Cha.
Cúi xin Cha vui lòng chấp nhận,
và xin Cha đoái nhìn đến Tế Lễ cực trọng này mà ban ơn hối cải cho người vô tín và tội lỗi.
…Y
[1] Nói rằng : “Ngày nay mỗi ngày, trong Thánh Lễ trên bàn thờ của Hội Thánh, hiến tế được tái hiện" là có ý nhắc nhớ : Thánh Lễ cũng là lễ tế của Hội Thánh dâng lên nữa. Các bản kinh Thánh Lễ đã nêu rõ, chỉ lấy một ví dụ: “Lạy Cha, xin thánh hóa và chấp nhận Của Lễ này là biểu hiệu lễ tế thiêng liêng của Hội Thánh…” (Sách Lễ Rôma, Lời nguyện tiến lễ, Mùa thường niên, Tuần XVIII).
Chính Chúa Giêsu đã truyền cho Hội Thánh phải dâng như thế, khi Người nói : “Anh em hãy làm việc này / để tưởng nhớ đến Thầy”, tức là 1) Hãy tái hiện lễ tế của Chúa, 2) mà tưởng nhớ đến công cuộc Tử nạn cứu độ của Người. Dạy làm như thế, chỉ vì Chúa biết loài người có tính mau quên, mà quên thì ơn cứu độ không tác động nữa, nên phải lặp lại mỗi ngày để tế lễ của Chúa được tái hiện và ơn cứu độ trực tiếp tác động ngay trong hiện tại.
Nên biết : Thông điệp “Đấng Trung gian của nhân loại” (Mediator humani generis) đã sử dụng danh từ “tái hiện” này.
[2] Bài giảng lễ Thăng Thiên, đăng trong Bài Kinh sách, Chúa Nhật VI mùa Phục sinh, thứ Sáu.
[3] Trên thập giá xưa chỉ có thiên tính bị ẩn giấu, nay trong Bí tích Thánh Thể cả thiên tính và nhân tính đều được giấu ẩn trước mắt xác thịt của ta.
[4] Trước khi đọc lời Truyền phép, linh mục đọc lời cầu xin Chúa Cha dùng quyền năng Chúa Thánh Thần mà biến hóa bánh và rượu thành Mình Máu thánh Chúa Giêsu, tức là làm tái hiện hiến tế của Người trên bàn thờ : “Lạy Cha, Cha thật là Đấng Thánh và là nguồn mọi sự thánh thiện, vì thế chúng con nài xin Cha dùng ơn Thánh Thần Cha mà thánh hóa những của lễ này, để trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, Chúa chúng con” (Kinh nguyện Thánh Thể II).
[5] Về điểm này, có người thắc mắc : Đây nói rằng “không bao giờ còn phải dâng đi dâng lại nữa”, vậy thì tại sao Hội Thánh Công giáo lại cứ dâng đi dâng lại Thánh lễ mỗi ngày? Xin trả lời : Khi Hội Thánh Công giáo dâng Thánh lễ hằng ngày trên bàn thờ, không phải dâng đi dâng lại những tế lễ nào khác, mà chỉ làm “tái hiện” (hay “hiện tại hóa”) tế lễ duy nhất chỉ dâng một lần của Chúa Giêsu, (điều này, chúng ta cũng đã nói rồi). Ở đây, từ “tái hiện” rất là chính xác!
[6] Trích bài The wonders of mass, của cha O’Sullivan, bản dịch của Thuận Hà : Những sự kỳ diệu của Thánh Lễ Misa.
[7] Đúng ra phải nói là nhờ phương thế các Bí tích. Nhưng các Bí tích cũng phải có người mới phân phát ra được ! Đó là Hội Thánh, là các Kitô hữu dù ở các cấp bậc khác nhau : cách riêng Giám mục, linh mục.
[8] Mời xem tr.405tt, mục THỰC TẬP LÀM CHỨNG VÀ TRUYỀN GIÁO, có hiến một vài phương thế giúp vào việc này.
[9] Cũng xin giới thiệu một tập sách nhỏ (24 trang) có thể giúp tham dự Thánh Lễ thêm sốt sắng : "MẶC KHẢI THÁNH LỄ, theo lời Chúa Giêsu và Mẹ Maria giải thích cho chị Catalina Rives", do NN LÂN chuyển ngữ từ bản tiếng Anh. Tập sách nhỏ này đã được VietCatholic phổ biến khá rộng rãi. Cũng thấy đăng trong www.thanhlinh.net