PHẦN IV: ĐỨC MẸ LÀM TA LỚN LÊN NHỜ CÔNG-NGHIỆP *** Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
27 Tháng Năm 2021
PHẦN IV
ĐỨC MẸ LÀM TA LỚN LÊN NHỜ CÔNG-NGHIỆP
I- CÔNG NGHIỆP LÀM TA LỚN LÊN.
II- ĐỨC MẸ THỰC HIỆN ƠN THIÊN-TRIỆU LÀM NGƯỜI TÍN HỮU.
III- ĐẤNG ĐẦY ƠN SỦNG.
IV- ĐỨC MẸ BAN PHÁT SỰ SỐNG VÀ CÁC ƠN SỦNG ẤY.
V- ĐỨC MẸ GIÚP TA THỰC-HIỆN ƠN THIÊN-TRIỆU LÀM KITÔ HỮU.
VI- ĐỨC MẸ DẠY TA LÀM VIỆC.
VII- ĐỨC MẸ DẠY TA YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC-VỤ NGƯỜI ĐỒNG LOẠI.
VIII- KẾT HỢP VỚI ĐỨC MẸ TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY BỞI TINH-THẦN VÂNG PHỤC.
-I-
CÔNG NGHIỆP LÀM TA LỚN LÊN
Đời sống ta có thể lớn rất nhanh nhờ lập công nghiệp. Nơi ta, ơn sủng Thiên Chúa là căn nguyên sự tăng trưởng. Hồi ở dưới thế, Chúa Giêsu đã lớn lên về phần Nhân tính thể xác, Ngài cũng muốn lớn lên một cách thiêng liêng như thế trong ta, các chi thể của Ngài, để đạt tới tuổi thành nhân. “Sống theo sự thật và trong lòng mến, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô là Đầu…[…] cho đến khi chúng ta hết thảy đạt thấu sự duy nhất trong kính tin và am tường về Con Thiên Chúa , mà nên người thành toàn, đạt tới tầm vóc xứng với sự viên mãn của Đức Kitô.” (Ep. 4.15,13).
Chính bởi lòng mến khiến ta làm những việc có công nghiệp mà ta lớn lên. Đức mến biến hóa mọi sự, dù các việc tầm thường nhất. Người tín hữu chỉ cần sống kết hợp với Chúa Kitô, thi hành ý Ngài, để đời sống họ trở nên hết sức quan trọng, và các hành động họ có một giá trị khôn lường. Các hoạt động của họ dù tầm thường mấy, dù dễ dàng, dù nhỏ mọn mấy, mà làm vì lòng mến, cũng trở nên những việc siêu nhiên: làm vinh danh Thiên-Chúa, và kéo Người đến ở với họ.
Người ta ít khi nghĩ đến sự dễ dàng làm tăng ơn sủng và đem Chúa Ba Ngôi ngự xuống hồn mà người tín hữu có thể làm. Ơn sủng luôn tăng do các hành vi có công nghiệp. Nếu lòng mến khiến bạn làm một việc có cường độ vượt quá thói quen thường, công nghiệp của bạn đã tăng thêm, đã được gấp bội lên và vượt các công nghiệp đã có trước. Chúa Ba Ngôi lại đổ tràn thêm trong bạn sự sống Thiên-Chúa. Để được thế, đôi khi chỉ cần một hành vi khiêm tốn, chẳng hạn như một sự nâng lòng trí lên đơn sơ tầm thường nhưng thấm nhuần lòng mến cũng đủ.
Khi nghĩ đến sự hoàn thiện mà mỗi người chúng ta có thể đạt tới, điều đó không khỏi làm chúng ta ngỡ ngàng. Ơn sủng là một sự cao cả biết bao, và mạnh mẽ chừng nào! Trung tín với ơn sủng - có thể nói - đó là làm cho Chúa mở tung lòng đại độ. Bạn trung thành với một ơn sủng, thì ơn này kéo đến một ơn khác, lớn mạnh hơn, hiệu nghiệm hơn. Thiên Chúa lại ban mình tràn trề xuống trên bạn. Thế là lòng mến cứ lôi cuốn bạn.
-II-
ĐỨC MẸ THỰC-HIỆN ƠN THIÊN-TRIỆU LÀM KITÔ-HỮU
Chúng ta hãy nhìn lên Đức Mẹ: Người đã sống đời sống như chúng ta. Khi sống, Người đã lập được những công nghiệp để được những ơn vô biên. Người có những ơn ấy, là để ban cho ta.
Các con đường ta phải đi, Người đã đi. Người đã có những niềm vui, cũng như đã có những đau buồn. Người cũng đã trải qua các trạng thái của đời Chúa Giêsu. Người đã sống các mầu nhiệm của Giêsu và đã cộng tác vào đó: và lãnh được tất cả các hoa trái do đó một cách sung mãn. Thế nghĩa là tất cả mọi ơn của đời Chúa Giêsu, như ta vừa trình bày, đều có trong Mẹ và tràn ra từ Mẹ để đến với ta, và làm cho hồn ta được vào trong sự sống của Chúa Kitô.
Là Kitô hữu là phải nên giống Chúa Kitô, nên hình ảnh Ngài. Đức Maria đã được dựng nên theo hình ảnh Chúa Giêsu, không tạo vật nào họa lại các hoàn thiện của Ngài bằng Đức Mẹ. Mọi ơn, mọi đặc sủng, mọi nhân đức của Đức Mẹ là lấy từ Ngài. Hơn thế, Đức Mẹ còn diễn bày lại trong đời mình các cách sống và hành động của Đức Giêsu.
Mẹ đã thực hiện tới độ hoàn bị sự giống Chúa Giêsu mà ta cũng phải họa lại, nếu muốn thực hiện ơn thiên triệu làm Kitô hữu của mình. Bạn có muốn biết Giêsu đã thờ phụng, đã cầu nguyện thế nào, Ngài đã đối xử thế nào với người lân cận, với kẻ tội lỗi, muốn biết lòng nhân từ, sự hạ mình, lòng lân tuất, sự thân mật của Ngài với bạn hữu, và lòng yêu thương quảng đại của Ngài thế nào… để noi gương: bạn hãy nhìn vào Đ.Maria. Tất cả những sự ấy đều có trong Người: Người họa lại, Người tỏ bày ra và đặt thêm vào đó sự dịu dàng của tấm lòng Mẹ.
-III-
ĐẤNG ĐẦY ƠN SỦNG
Thiên sứ ngày Truyền tin đã chào: “Bà đầy ơn phúc”(Lc 1.28). Sự thánh-thiện của Đức Mẹ lúc đó đã vô hạn. Ngay từ giây phút đầu đời, cùng với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Thiên Chúa đã ban cho Người được đầy tràn mọi ơn: mọi ơn sủng của đời sống Thiên-Chúa, Đức Mẹ đã nhận được cả. Hết thảy ơn huệ của đời sống thần linh Người được đầy tràn bằng tất cả khả năng thu tích của bản thân Người. Khả năng ấy vượt hẳn tất cả những gì ta có thể tưởng-tượng, vì Thiên Chúa có ý gồm tóm trong Mẹ Người tất cả những gì Người sẽ làm cho các con cái Người, cốt làm cho Mẹ Người thành quả tim của sự sống Hội-Thánh. Đức Mẹ có một lượng ơn thánh khôn lường.
Mà ơn sủng ấy còn tăng thêm mãi. Chúng ta ai cũng rõ, các thánh cũng còn có lúc khựng lại, còn có khi sa ngã. Các ngài đem những xu hướng tư riêng trà trộn vào tác động của Thiên-Chúa. Thiên Chúa không thể làm hết những gì Người muốn, dù trong các thánh.
Nhưng Đ.Maria hoàn toàn hiến mình trọn vẹn cho ơn thánh. Không bao giờ có một lỗi, một khiếm khuyết nào đến cản trở đà tiến. Kết hợp với ý muốn Thiên-Chúa, ý muốn của Người thẳng tiến cách mạnh mẽ không sức nào ngăn cản được.
Ngay từ lúc hoài thai trong dạ bà thánh Anna, Người đã đi đến Thiên Chúa với một tình yêu dứt khoát. Người hoàn toàn hướng về Thiên-Chúa. Mọi hành vi của đời Người đều được điều khiển bởi lòng mến to tát, cứ tăng tiến mãi sau mỗi ơn sủng Người nhận được.
Người không ngừng tiến trên đường thánh thiện vì Người luôn tiến trên đường tình mến. Trí tưởng tượng nhân-loại yếu ớt không thể theo dõi tất cả những tiến bộ của Người. Các tiến bộ tăng lên từng giờ. Người không bỏ qua một thúc giục nào của Chúa Thánh Thần. Ơn sủng tỏa tràn trên Người như ở trên Thiên đàng. Hằng giây phút Đức mến trung tín của Người lôi cuốn Ba Ngôi đến với mình, và Ba Ngôi lại thông tỏa mình tràn trề thêm nữa. Quả thật đây là một đời sống không ngừng được tràn ngập sự sống Thiên-Chúa.
Các công nghiệp mới ấy, Đức Maria lãnh được cách riêng mỗi khi các mầu nhiệm Chúa Kitô diễn ra. Một ví-dụ: Chúng ta hãy xem điều gì xảy ra nơi Đ.Maria lúc Người cưu mang Giêsu trong dạ? Một trao đổi yêu thương độc nhất vô nhị giữa hai Mẹ Con. Một sự kết hợp trong máu thịt chung của Mẹ và Con.
Đ.Maria hiến phần tinh tuyền nhất của máu thịt Người để tạo thành thân xác cho Giêsu. Người dâng cho Chúa máu mà Ngài sẽ đổ ra sau này để cứu trần gian, Người nắn đúc nên quả tim và tạo nên cái Nhân tính thể xác cho Giêsu, mà từ đó nguồn ơn sủng vô tận sẽ tuôn trào xuống trên nhân loại.
Người dâng hiến các sự đó với một lòng âu yếm khôn tả, với một tình yêu bừng ánh sáng của Chúa Giêsu, Đấng soi sáng cho Người biết cái kết cuộc sau này của mầu nhiệm ấy. Chúa Giêsu đáp lại lòng Mẹ một cách chỉ có thể là Thiên Chúa mới làm được.
Những điều xảy ra nơi tâm hồn Đ.Maria nhắc cho ta một phần nào đến những điều các nhà thần học nói cho ta về đời sống thân mật của Ba Ngôi Cực Thánh, về sự trao đổi vĩnh hằng, về ánh sáng và tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, về sự “đồng ở trong nhau”[1] làm cho Thiên Chúa hạnh phúc.
Cũng giống vậy, giữa Giêsu và Mẹ Ngài, có một sự trao đổi kỳ diệu về tình âu yếm mà chỉ mình Thiên Chúa hiểu thấu. Biết bao ơn sủng tuôn tràn vào lòng Đ.Maria bởi những tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên như thế với Đấng Chủ nhân mọi ơn sủng! Dây liên hệ ấy độc nhất và cũng trọn hảo biết bao! Chỉ nguyên sự hiện diện của Ngôi Lời mặc xác phàm trong lòng Mẹ cũng đã là nguyên nhân liên tục của ơn sủng. Rồi các tâm trạng hoàn hảo của Đ.Maria lại càng góp phần làm cho sự tuôn trào kia thêm dồi dào và không bao giờ cùng.
Sự đụng chạm thân mật của Ngôi Lời với Nhân tính mà Ngài mặc lấy đòi hỏi một đụng chạm thiêng liêng khác, thân mật hơn, bởi ơn sủng. Thật vậy, “Chúa chúng ta khi kết hiệp với thân xác, là vì có ý định muốn kết hiệp cách chặt chẽ hơn bằng tinh thần… Nếu thế thì lạy Nữ Trinh siêu việt, con nhận thức thấy một điều cao trọng về Mẹ đến nỗi không những con không thể nói lên được, mà ngay trí con cũng còn phải lao lung để hiểu cho thấu. Vì sự kết hiệp của Mẹ với thân xác Chúa Giêsu lúc Mẹ thụ thai Ngài trong dạ, chặt chẽ đến nỗi không thể tưởng có gì chặt chẽ hơn. Nhưng nếu không có sự kết hiệp tinh thần đi đôi với sự kết hiệp thân xác, Chúa Giêsu sẽ như hụt mất cái gì Ngài muốn có, và Ngài như thể chịu bức bách khổ sở trong Mẹ.
“Vậy để làm hài lòng Ngài, Mẹ phải kết hiệp bằng tinh thần với Ngài, cũng chặt chẽ như Mẹ đụng chạm tới Ngài bởi những dây liên hệ tự nhiên bằng huyết nhục. Và vì sự kết hiệp này là do ơn sủng thực hiện, người ta còn có thể nghĩ gì và nói gì được nữa? Người ta phải ngừng suy nghĩ ở chỗ nào để khỏi phạm đến sự cao cả ấy? Và khi ta đã góp nhặt hết mọi ơn huệ có trong các tạo vật, đem hợp lại thì có thể sánh bằng sự sung mãn của Mẹ được chưa?” [2]
Đức Hồng Y Bê-ruyn-lơ viết “Chúa Giêsu lôi kéo Mẹ về mình, chiếm lấy cho mình. Và hai trái tim Giêsu và Maria vốn gần gũi và gắn bó theo tính tự nhiên, lại càng thêm gắn bó mật thiết hơn biết chừng nào bởi ân sủng. Và Hai Đấng sống Đấng này trong Đấng kia vậy.”[3]
Như thế, suốt cả cuộc đời, Đ.Maria thông phần vào các mầu nhiệm của Thánh Tử Người. Bởi các mầu nhiệm ấy, Thiên Chúa bộc lộ dần dần các ý định bí nhiệm của Người trên thế giới. Đ.Maria là người tâm phúc, được Thiên Chúa bộc lộ cho biết. Hơn thế, Mẹ còn giữ một vị trí trong các mầu nhiệm ấy, theo tư cách là cộng tác viên của Đấng Cứu Chuộc. Đức Mẹ đã cộng tác thật vào, và Thiên Chúa soi sáng cho Người trong việc cộng tác ấy. Tất cả các điều đó đã làm công nghiệp Người tăng lên. Người hành động trong ánh sáng và tình yêu.
Bạn hãy thử nghĩ đến công phúc của Người khi đứng dưới chân thập giá. Lòng đồng thương cảm của Người là một việc tình yêu: Yêu Thiên-Chúa, yêu nhân loại. Vì yêu, Người đã phó giao Con của Người. Như thế, công phúc Người lớn lao biết chừng nào! Còn có ơn nào mà Người không nhận lãnh được trong giờ ấy, để bởi tấm lòng hiền mẫu đau thương, Người đã trở nên Mẹ thật của tất cả các con cái Thiên-Chúa!
Bạn hãy thêm vào đó sự tăng trưởng bởi sự phát triển của đời sống thường nhật. Không bao giờ có một tỳ vết, một sa sẩy, không bao giờ có ngưng trệ trong sự phát triển ơn sủng vô hạn kia. Luôn luôn là tiến bộ không ngừng. Mỗi hành động của Đức Mẹ là một tăng trưởng. Bởi tình yêu thúc đẩy, Thiên Chúa ban tràn đầy ánh sáng cho Đ.Maria, đến mức chẳng còn giới hạn nào nữa ngoài cái khả năng lãnh nhận luôn mãi tăng lên của Mẹ. “Người gieo giống đi ra gieo hạt” (Mt 13.3) tung vãi hạt giống từng phút từng giây, Đ.Maria ngoan ngoãn và sốt mến nhặt lấy tất cả; Người giữ lấy tất cả chờ một mùa gặt bội thu.
Đức Hồng-Y Bê-ruyn-lơ nói: “Năm tháng trôi, ơn sủng tăng mãi, và trong trật tự ơn sủng thuộc riêng về Mẹ, mỗi ngày Người đi vào đó một cách kỳ diệu bởi được Thiên Chúa phú ban ơn cách đặc biệt và bởi cộng tác hoàn hảo của Mẹ.
“Đó là một sự hòa hợp thánh thiêng giữa Thần khí Thiên Chúa và thần trí của Đ.Maria. Từng chập từng chập, Thiên Chúa tuôn đổ ơn sủng mới vào hồn Mẹ và hồn Mẹ ứng đáp lại không ngừng và với tất cả sức lực mình. Sự ứng đáp và sự hòa điệu hoàn hảo đó nâng Mẹ lên tới mức tràn “đầy ơn sủng”(x. Lc 1.28), và các ơn sủng ấy, dù đã rất lớn lao nơi linh hồn Mẹ hằng tiến bước trong đường lối Thiên-Chúa, nhưng vẫn là những bậc cấp nâng Người lên cao hơn nữa trong sự đón nhận các ơn sủng mới:
“Một linh hồn họa hiếm như thế, siêu phàm và diệu huyền như thế, tuy còn sống dưới đất mà làm ngây ngất cả trời cao, và cũng sẽ làm ngây ngất người trần nếu bóng tối của trần gian không che lấp một nhân vật họa hiếm như thế.”[4]
Tình yêu làm cho đời Đức Mẹ nên đẹp đẽ. Trong các hành động của Người, Người đặt vào đó biết bao ánh sáng và tình yêu, nên chúng vượt lên trên các công việc khó khăn nhất của các đại thánh. Thánh Phan-xi-cô đơ San nói ví: “Tiếng hót của chim họa mi được huấn luyện nghe du dương vượt xa tiếng hót của con Kim-oanh dù được tập luyện mấy đi nữa.” [5]
Mỗi giây phút, lòng yêu mến nóng nảy của Mẹ nhận được ơn sủng, và trọn vẹn dấn thân vào đó, thực hành cách hoàn hảo và làm tăng bội lên không cùng. Cha Fa-be nói: “Ngày này sang ngày khác, năm này đến năm khác, như một bộ máy kỳ diệu có một sức mạnh không cản nổi và một tốc độ mắt không thấy được, tác động của sự ứng đáp với ơn sủng và của việc thánh hóa cứ tiếp diễn, cứ nhân bội lên chỉ trong một thời gian vắn vỏi mà vượt hẳn con số mà con người có thể đếm kể.”[6]
“Song, vì tình yêu Thiên Chúa ngự trị trong lòng Mẹ không gặp vật cản nào, nó cứ mỗi ngày mỗi tăng không ngừng bởi hoạt động, và tự phát triển lên mãi, đến nỗi, do sức lan tỏa như thế, nó đã đạt một sự hoàn hảo mà trần gian này không còn khả năng giữ lại được. Vì vậy, nguyên do sự chết của Đ.Maria chẳng là gì khác mà chính là cái sức mãnh liệt của tình yêu Người…Tình yêu đã làm Đ.Maria sống, tình yêu cũng đã làm Người chết.”[7]
-IV-
ĐỨC MẸ PHÂN PHÁT SỰ SỐNG VÀ CÁC ƠN SỦNG ẤY
Đ.Maria là Mẹ, mà vinh quang của một bà mẹ là sức sinh sản phong phú. Nếu Thiên Chúa đã làm cho Mẹ nên cao cả đến thế và có khả năng chứa tất cả các kho tàng sự sống và ân sủng (mà ta vừa xem trên), cốt là để phân phát đi. Là bể chứa mọi ơn Thiên-Chúa, Mẹ trở thành máng thông ơn. Các phúc lành mà Người đã nhận được, phải truyền xuống trên tạo thành thiêng liêng của Thiên-Chúa. Thiên Chúa ở trong Mẹ như nguồn mạch sự sống cho các chi thể Chúa Kitô. Đ.Maria đã nhận được nhiều như thế là để cho đi.
Vả lại chính tình yêu cũng thúc đẩy Mẹ. Qui luật của tình yêu, nhất là tình mẫu tử, là cho đi. Đ.Maria đầy tràn sự sống và phúc lạc, còn chúng ta ở trong nghèo nàn thiếu thốn. Làm sao có thể tưởng tượng một người mẹ thật, sống trong hạnh phúc mà lại không có lòng nóng nảy làm cho con cái được hạnh phúc?
Thực ra, sự sống sung mãn Thiên Chúa đi qua Mẹ để Mẹ đem ban phát cho chúng ta. Với chúng ta, Đức Mẹ chỉ là tình yêu, tình yêu tặng hiến.
-V-
ĐỨC MẸ GIÚP TA THỰC HIỆN ƠN THIÊN -TRIỆU LÀM KITÔ HỮU
Hạnh-phúc chỉ đến với ta khi ta sống trọn vẹn ơn thiên-triệu siêu nhiên của mình. Thánh Phaolô viết: “Chúc tụng Thiên Chúa Cha Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng đã kén chọn chúng ta từ trước tạo thành vũ-trụ, để ta nên thánh và tinh sạch trong tình yêu.” (Ep 1.4). Thiên Chúa đã nghĩ đến ta từ thuở đời đời, và trong tình thương, đã định cho ta một mức hoàn thiện phải đạt tới. Người muốn ta trở nên giống Con của Người. “Những kẻ Người đã nhìn đến từ trước, Người đã tiền định họ nên giống hình ảnh Con của Người” (Rm 8.29). Đó là ơn thiên triệu của ta: nên giống Chúa Kitô, nên “hình ảnh Chúa Kitô”, sống như Chúa Kitô.
Mỗi người trong chúng ta phải họa lại sự giống Chúa Giêsu ấy tới mức nào? Chỉ mình Thiên Chúa biết. Đức Mẹ cũng được biết cái bí mật huyền nhiệm của sự tiền định đời đời của ta. Người biết ơn kêu gọi của từng người chúng ta. Người biết tôi đây phải trở nên gì. Lòng yêu thương từ mẫu của Người đã làm Người phải bồi hồi khi nghĩ đến tương lai siêu nhiên của tôi. Người thực là vị hướng đạo, sự cứu giúp và sức mạnh của tôi trong việc thực hiện ơn thiên triệu ấy.
Đời sống thiêng liêng là một đời sống mỗi ngày mỗi được hun đúc nên, có những tăng tiến, có những ngạc nhiên, có thử thách, có lưỡng lự, có thụt lùi, có sa sẩy. Người Mẹ ơn sủng của Thiên Chúa là Đấng hướng dẫn việc tăng trưởng ấy: Người đem vào công việc đó sự dịu hiền, sự trợ giúp đầy âu yếm, các săn sóc tế nhị, tất cả tấm lòng mẹ luôn thương cảm.
Tiên vàn, Người ra sức gây nơi ta cái chí hướng tới Thiên-Chúa, Người gợi lên trong ta một ước ao sự sống Thiên-Chúa. Lòng ao ước là bệ phóng cho mọi sự tăng trưởng. Người nhớ đến Chúa Giêsu Con của Người: “đang đứng” dưới dãy trụ lang đền thờ,“và hô to lên” cho dân chúng nghe: “Ai khát hãy đến với Ta mà uống” (Ga 7.37.). Người tín hữu khao khát tìm Thiên-Chúa, sớm muộn sẽ gặp. Chúa Giêsu đã nói với thánh An-gê-la Phô-li-nhô: “Nếu ai muốn cảm thấy Ta trong tâm trí họ, Ta sẽ không khước từ. Nếu ai muốn xem thấy Ta, Ta sẽ rất vui lòng tỏ mình cho họ. Nếu ai muốn chuyện vãn với Ta. Ta rất vui mừng nói chuyện với họ.”
Kinh nghiệm còn đó đủ để cho ta biết: ai sống với Đức Mẹ, đều thấy lòng mình được kích thích bởi một niềm hy vọng lớn lao sẽ thực hiện được ơn kêu gọi làm Kitô hữu của mình. Thánh Phaolô đã nguyện chúc: “Cho chúng ta được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức mến, để cùng toàn thể các thánh, chúng ta đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài, rộng, cao, sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy chúng ta sẽ được đầy tràn tất cả sự sung mãn của Thiên Chúa”(Ep 3.17-19). Đó là chúc cho chúng ta trước hết được có một tấm lòng ao ước “sự sung mãn của Thiên-Chúa”, và được có lòng khao khát kết hiệp sâu xa với Chúa Kitô.
Mà “Sự sung mãn” ấy, người Mẹ của ơn sủng đã chiếm được cho ta, và Người có thể làm cho hồn ta có khả năng nhận lãnh sự ấy. Sứ mệnh làm Mẹ của Người là làm ta nên chi thể Chúa Kitô. Chính vì thế mà Người “sẽ tỏ Chúa Giêsu” cho bạn ngay từ đời này, chứ không chỉ “đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu Con lòng Mẹ”, và cứ như thế mỗi ngày trong suốt đời bạn, và Người sẽ dạy bạn tìm Chúa trong các bổn phận của bậc sống, trong công việc của bạn, trong các đau khổ của bạn và trong các chi thể khác của Nhiệm Thể.
~~~///~~~
-VI-
ĐỨC MẸ DẠY TA LÀM VIỆC
Chúa Giêsu phán: “Con Người đến không để được hầu hạ, song để phục vụ” (Mt 20.28). Mẹ của Ngài cũng nghĩ như vậy. Đời sống của Mẹ là cuộc đời làm lụng ít khi ngơi.
Người làm gì? Làm những việc người phụ nữ Na-da-rét đương thời vẫn thường làm.[8] Chúng ta hãy nhìn xem họ trong những căn nhà nghèo nàn tồi tàn, có khi đào trong vách đá vôi, bên sườn đồi... Săn sóc một gia đình làm thợ mộc nghèo[9], dọn bữa ăn, xay lúa mạch, nhào bột, nướng bánh, và giặt giũ, quét dọn; để có nước sinh hoạt, thì đi múc ở chiếc giếng độc nhất của làng, đổ vào trong chiếc vò, và theo thói tục xứ Ga-li-lê, đội lên đầu đem về: đó là công việc hàng ngày của “Đấng được chúc phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1.42).
Đôi tay từ mẫu bồng bế Giêsu Hài-Nhi, cũng là đôi tay cần cù làm công việc đều đều hàng ngày của gia đình. Nhưng Người đặt tất cả tấm lòng vào việc đó, vì biết thánh ý Chúa muốn vậy. Người chu toàn với lòng khiêm nhường và đầy tình mến. Vì vậy, việc phục vụ khiêm tốn của Mẹ là một việc thờ phượng.
Làm lụng nhọc mệt, đối với Người đó chỉ là một bổn phận phải làm. Đó là một cách tuyệt hảo để hạ mình, không những trước thánh ý Chúa, Đấng đã muốn con người phải làm lụng đổ mồ hôi đổi lấy miếng ăn (x. St 3.17-19), mà còn trước đích thân Thiên-Chúa, Đấng đã ban cho Mẹ bao hồng ân quý trọng.
Vả chăng, vì là Mẹ của Đấng Chuộc tội, nên Người muốn giống như Con mình, Mẹ tận tụy trong công việc vất vả khi làm những việc của đám người nghèo thường làm, như thể để đền tội, tuy Mẹ là Đấng Vô nhiễm, không dính dấp tội tình.
Lao động là một mầu nhiệm đau đớn cho dòng giống loài người: bởi tội nguyên tổ, việc làm đã trở thành một hình phạt, hình phạt cay cực (x. St. 3.17-19). Nhưng làm việc cũng là mầu nhiệm hoan lạc: “Cha Ta hằng làm việc, và Ta, Ta cũng làm việc” lời Chúa Giêsu nói (Ga 5.17). Chúng ta hãy nghĩ đến việc làm ấy của Chúa khi làm việc của ta. Chính cũng phần nào nhờ làm việc, mà ta cộng tác vào công cuộc thánh hóa thế giới của Thiên-Chúa.
Khi Thiên Chúa đặt loài người trên mặt đất, việc tạo dựng đã hoàn tất, song còn lại phần ta là phải tổ chức, hoàn thành nó, và hướng nó về Thiên-Chúa, làm nó ca lên lời chúc vinh-quang Thiên-Chúa. Thật thế, tạo thành không phải là một cảnh để nhìn, cho bằng một công trình của Thiên Chúa cần được kiện toàn, chính Thánh Phaolô đã cho biết điều đó: “Tạo thành đang nóng nảy trông đợi sự tỏ hiện vinh quang của các con cái Thiên-Chúa… Tạo thành…mang hy vọng sẽ được tự do khỏi cảnh làm tôi mục nát …” (Rm. 8.19-21)
Nhưng, làm việc như thế nào?
Đức Mẹ mời ta bắt tay vào làm việc: công việc sẽ trở nên một hành vi tôn giáo thờ phượng, bằng cách khiêm tốn nhìn nhận các quyền tối cao của Thiên-Chúa, và đồng thời là việc phục vụ đồng loại. Lẽ công bằng đòi ta, các kẻ tội lỗi, phải xả thân, hợp với Chúa Kitô, trong việc phụng sự Đấng đã yêu dấu ta quá đỗi. Lẽ công bằng cũng đòi các phần chi thể của Chúa Kitô tận tụy hy-sinh cho nhau: việc làm của người Kitô hữu là một sự trao đổi những việc phục vụ.
Rồi chúng ta hãy nhớ đến Na-da-rét. Khi Đ.Giêsu và Đ.Maria làm việc, không phải là dịp tổn hại cho đời sống bên trong đâu. Công việc hai Ngài làm không giảm sự chiêm ngắm. Chúa Giêsu có thể nói luôn luôn “Ta ở trong Cha Ta” (Ga 14.10) dù khi đó Ngài làm việc trong xưởng thợ của thánh Giuse, hay đi rao giảng trên những con đường xứ Ga-li-lê.
Đức Mẹ cũng luôn sống trong chiêm ngắm và trong tình yêu Thiên-Chúa. Đó là bề sâu thường xuyên của đời sống nội tâm của Người. Mọi hoạt động bên ngoài đều tựa trên đó, và tất cả các mầu nhiệm của Người cũng triển nở ra trên đó. Đó cũng là điều Thánh Phaolô khuyên ta làm: “Phàm điều gì anh em làm, ngôn hành bất luận, hãy làm vì danh Chúa Giêsu, và nhờ Ngài hãy cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Col 3.17).
Việc làm của các linh hồn kết hiệp với Thiên Chúa mưu ích cho vinh quang Thiên Chúa và cho phần rỗi nhân loại hơn việc làm của những tín hữu bình thường, vì do đức mến là động lực khiến họ làm. Hoạt động của họ không còn làm tổn hại cho đời sống nội tâm; công việc họ đã trở nên việc tình yêu. Ngay cả những công việc thu hút tâm trí, nếu do Thiên Chúa muốn, cũng không làm giảm sự kết hợp của họ với Chúa.
Bà đáng kính Ma-ri-a Anh-ca-na-xi-ông nói với các chị em nữ tu: “Khi Thần khí Chúa làm chủ tâm trí chị em, và khi Ngài đã chiếm lấy cõi thâm sâu của tâm hồn chị em để giữ chị em chặt chẽ kết hiệp thân mật và thực tại với Thiên Chúa bằng một cái nhìn trìu mến, thì tất cả các bận rộn của chị em sẽ không còn có thể làm chị em xao lãng khỏi cuộc giao tiếp thân mật thánh thiêng ấy.”
Bà còn nói thêm: “Tôi nói: “cõi thâm sâu của tâm hồn” vì theo sự bên ngoài, ta không thể toan tính công việc thế tạm của đời này mà không phải để trí vào để có phán đoán và lý trí vừa đủ. Trong trạng thái kết hợp và giao tiếp thân mật với Thiên Chúa ở phần thâm sâu nhất của linh hồn, thật ra người ta không thể mất sự hiện diện của Người.”[10]
Thường xảy ra là, trong khi làm những công việc nặng nhọc, có khi người ta không còn cảm thấy được lòng mến, và khi ấy chỉ có phần thâm sâu nhất của ý chí có thể biểu lộ lòng mến mà thôi. Trong tình trạng ấy, người tôi tớ Thiên Chúa vẫn không thôi làm việc trong tình yêu, mà “ai ở trong tình yêu, là ở trong Thiên-Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy.” (1 Ga 4.16)
-VII-
ĐỨC MẸ DẠY TA YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC-VỤ NGƯỜI ĐỒNG LOẠI
Đức yêu người là nhân đức siêu nhiên và hướng thần, nghĩa là một trong các nhân đức cao cả có liên quan trực tiếp với Thiên-Chúa. Thánh Tô-ma viết: “Tình yêu của ta đối với đồng loại cùng một loại với tình yêu ta yêu Thiên-Chúa” (x. Mt 22.37-39). Vì thế, ta không được tự do hoặc yêu hay không yêu người đồng loại. Chúa Giêsu đã làm thành một huấn lệnh tuyệt-đối: “Huấn lệnh Thầy truyền là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu anh em” (Ga 13.34). Lòng bác ái huynh đệ là dấu riêng của người tín hữu. “Nơi điều này mà người ta sẽ biết anh em là môn đệ Thầy, ấy là nếu anh em yêu thương nhau.”(Ga 13.35)
Chúa Cha hằng hữu đã phán với thánh nữ Ca-ta-ri-na thành Siên-na: “Khi linh hồn yêu mến Ta, cũng yêu người đồng loại, nếu không, tình yêu ấy không chân thật, vì lòng yêu Ta và yêu người đồng loại có tầm quan trọng như nhau. Linh hồn càng yêu mến Ta, càng yêu thương người đồng loại”. Tình yêu Chúa và tình yêu người đồng loại liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi Thánh Phaolô nói được rằng : “Ai yêu người đồng loại đã giữ trọn luật” (Rom 13.8) và thánh Gioan viết: “Chúng ta biết chúng ta đã được chuyển từ cõi chết sang sự sống vì chúng ta yêu thương anh em. Ai không yêu thương, kẻ ấy ở trong sự chết.” (1 Ga 3.14).
Việc phục vụ anh em đồng loại là hoa trái trực tiếp của kết hợp với Thiên-Chúa. Đặc tính của sự thiện là thông truyền ra:
- Nơi Thiên Chúa, ngay từ khi Người hiện hữu, Thiên Chúa Cha, Đấng Thiện hảo tuyệt đối, đã ban mình cho Con để sinh ra Con[11]; rồi Chúa Cha và Chúa Con yêu mến nhau mà xuất ra Ngôi Ba[12] là Chúa Thánh Thần. Cuối cùng sự Thiện Hảo tuyệt đối ấy đã tràn lan ra ngoài mà tạo dựng nên muôn loài muôn vật.
- Nơi các Thiên Thần, đó là qui luật chi phối sự soi sáng lẫn nhau: các Thiên thần thuộc phẩm trật cao hơn chiếm hữu được Thiên Chúa nhiều hơn, nên càng nóng nảy thông ban ánh sáng mình có cho các Thiên thần ở phẩm trật kém hơn.
- Nơi các thánh cũng vậy: Càng hiểu và yêu Thiên-Chúa, các ngài càng mong ngóng thông truyền cho anh em mình ánh sáng và tình yêu mình có.
- Nơi nhân loại chúng ta, khi một người nào thông phần vào sự Thiện ấy của Thiên Chúa, họ sẽ cảm thấy ước muốn thông truyền mình cho kẻ khác. Họ càng có sự thiện ấy ngần nào, càng muốn thông truyền sự thiện đó ra ngần ấy. Thiên Chúa càng ở trong họ chừng nào, họ càng được thúc đẩy trao ban Thiên Chúa ra chừng ấy.
Như thế, căn cứ vào sự nhiệt thành phục vụ tha nhân, người ta có đủ lẽ chính đáng mà phê phán về tâm trạng của một linh hồn. Thánh nữ Ca-ta-ri-na thành Siên-na cầu nguyện: “Ôi sự sống lại của chúng Con! Ba Ngôi quyền phép và hằng hữu, xin hãy làm cho linh hồn con bùng vỡ ra! Hỡi Đấng cứu chuộc! Sự sống lại của chúng con! Ba Ngôi hằng hữu, Chúa là Lửa cháy luôn mãi, không bao giờ tàn lụi, Đấng không thể sút giảm, dù thông truyền mình cho toàn cả thế gian… Con nguyện xin Chúa hãy lay động hồn con và đốt lên trong hồn con lửa nóng nảy lo cho phần rỗi người thế.”
Đức Maria có lòng thương yêu nóng nảy vô bờ bến đối với người đồng loại. Tình yêu người đồng loại ấy trào ra như từ tình yêu Thiên Chúa của Người. Chúa Giêsu nguyện cùng Chúa Cha: “Con cầu xin cho chúng… vì chúng thuộc về Cha” (Ga 17.9). Khi Đức Mẹ chiêm ngắm tình yêu khôn tả của Thiên Chúa đối với các linh hồn: Chúa Cha gọi họ đến hưởng phúc muôn đời, sau khi đã tạo dựng họ và ban cho bao ân huệ huy hoàng; Chúa Con nhập thể xuống làm người vì họ, chấp nhận sống lam lũ khổ cực và đau đớn, lặn lội đi tìm họ, cuối cùng chịu chết để đền tội cho họ, và làm cho họ được sống; Chúa Thánh Thần, Thánh Thần tình yêu và chân lý, luôn hành động để làm cho họ nên trong sạch, thánh thiện, vinh hiển - Khi Đức Mẹ chiêm ngắm “tình thương yêu quá to tát ấy”, Người cũng cảm thấy ngập tràn tình thương vô bờ bến đối với các linh hồn, là con cái Chúa Cha, chi thể Chúa Con, đền thờ Chúa Thánh Thần; hơn nữa, cũng lại là con cái của Mẹ. Mẹ cũng có thể thầm nói trong lòng như Chúa Giêsu: “Ta hy-sinh mạng sống vì đàn chiên của Ta” (Ga 10.15).
Suốt đời, Đức Mẹ sống để phục vụ ta. Trọn đời Người, Người đã cầu nguyện cho ta. Đã hẳn, kinh nguyện Người trước tiên là việc thờ lạy Thiên-Chúa, là lời tạ ân. Song ngay sau đó, kinh nguyện ấy là lời khẩn cầu cho ta. Người biết bởi lời cầu ấy, Người làm cho Thiên Chúa được vui mừng: Người làm cho sự sống thần linh ở nơi mình có cơ hội tuôn trào, vì Thiên Chúa đợi lời cầu nguyện ấy để tuôn đổ ơn huệ xuống. Đức Mẹ là Đấng phụ tá lòng thương xót Thiên Chúa vậy!
Đức Mẹ nói với Thiên sứ Ga-bri-en: Tôi là nữ tỳ của Thiên-Chúa; Người cũng có thể thêm rằng Người là nô tỳ của nhân loại. Chính vì chúng ta mà Người đã sống. Trong các mầu nhiệm cao cả của đời Đức Mẹ, việc phục vụ nhân loại chiếm một chỗ lớn. Ai chẳng biết, lời đáp ưng thuận của Đ.Maria để cho Chúa Ngôi Hai nhập thể là một hành vi bác ái vô biên đối với nhân loại.
Này: Chính lòng bác ái ấy đã đưa Người – một cô gái 15-16 tuổi, thân gái dậm trường [13]– đến nhà bà E-li-da-bét.
Lòng bác ái và sự quan tâm đến nhu cầu của người khác của Người, đã khiến Con của Người làm phép lạ thứ nhất tại Cana mà sớm tỏ mình ra cho trần gian (x. Ga 2.1-11).
Chính lòng yêu thương các linh hồn đã làm Người phải chịu thống khổ ở núi Sọ.
Lửa nhiệt thành lớn lao ấy được nhen lên ở chỗ nào? Để hiểu nguồn gốc của lòng yêu thương các linh hồn, của lòng nhiệt thành làm việc tông đồ, ta phải tìm đến những tâm tình đã diễn ra nơi lòng Đ.Maria, trước tiên lúc Chúa Nhập Thể:
Trong thư gửi tín hữu Híp-ri, Thánh Phaolô đã viết: “Lúc vào trần gian Chúa Kitô nói: Cha không muốn các hy lễ và hiến tế, song Cha đã tạo cho con một thân thể. Cha cũng chẳng ưng lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Vì vậy, con nói: “Này con đây… con đến để làm theo ý muốn Cha”… Chính do cái ý muốn đó mà chúng ta được thánh hóa nhờ việc Chúa Giêsu Kitô dâng hiến thân mình Ngài, dâng chỉ một lần hoàn tất.” (Hr. 10, 5-9).
Vì biết việc hiến tế đó làm vinh hiển cho Thiên Chúa Cha nên Đấng Lời đã Nhập-Thể để thi hành: “Vâng lạy Cha, chính vì Giờ ấy[14] mà con đã đến … Lạy Cha, xin hãy tôn vinh Danh Cha” (Ga. 12.27t.)
Lâu sau, Đức Mẹ nghe thấy Thánh tử của Mẹ nói với các Tông đồ lời lạ lùng này, như tiếng dội lại của câu “Này Con đến” mà Ngài thốt lên trong dạ Mẹ ngày xưa: “Chính vì lẽ này mà Cha Thầy yêu mến Thầy, ấy là vì Thầy thí mạng sống vì anh em” (Ga 10.17). Thiên Chúa muốn cứu nhân loại bằng cái chết của Con của Người, và bởi vì Chúa Giêsu chấp nhận thực thi ý muốn ấy mà Chúa Cha yêu Ngài.
Hết thảy những tâm tư nói trên của Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã phản chiếu lại cách trung thực trong những tâm tình của mình. Đức Mẹ hoàn toàn một lòng như Con. Mẹ kết hợp các tâm tình của mình với các tâm tư của Con cách hết sức mật thiết, đến nỗi có thể nói Mẹ cũng đã thốt lên lời “Này con đến” như Đức Giêsu, biểu lộ ý Người muốn dâng Con mình chịu chết vì ta.
Toàn cả ơn sủng lớn lao được làm Mẹ của Nhiệm-thể lôi kéo Người dâng lễ hy sinh ấy, vì Người muốn thông truyền sự sống Thiên Chúa ra chung quanh, làm vinh danh Thiên Chúa bằng cách gầy tạo nên những chi thể của Chúa Kitô. Xem như thế, bạn đã hiểu được lòng nhiệt thành của Mẹ Maria đối với phần rỗi nhân loại mãnh liệt đến chừng nào.
Chiếu theo đó, việc tông đồ, cũng như việc phục vụ người đồng loại, trước tiên hệ tại việc hiến tế thông ban sự sống Thiên-Chúa. Điều ấy cho ta hiểu rằng: phục vụ người đồng loại, cách riêng bằng việc tông đồ, không phải là chuyện hoạt động nhiều, nhưng trước hết là ở việc cầu nguyện và hy sinh. Tinh thần hy sinh là tinh thần của các tông đồ chân chính: chỉ là tông đồ những ai hy sinh mình vì lòng mến Chúa Kitô. Chính vì thế, Đức Mẹ là Nữ-Vương các Tông-Đồ.
-VIII-
KẾT-HỢP VỚI ĐỨC MẸ TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY BỞI TINH THẦN VÂNG PHỤC
Chúa Giêsu có nói một lời tóm tắt toàn cả đời Ngài, đó là lời Ngài nói lên khi vào trần gian: “Này con đến, lạy Chúa, để làm theo ý Chúa”(Hr 10.7). Đ.Maria cũng nói một lời tóm tắt toàn cả đời Người, đó là lời Người nói với vị Thiên-thần truyền tin: “Này tôi là nữ tỳ Chúa, xin hãy thành sự nơi tôi như lời sứ thần truyền.”(Lc 1.38)
Cả hai Đấng đã sống theo lời đã thốt ra buổi đầu của sứ mệnh, đó là tiếng kêu mạnh mẽ của lòng khiêm tốn, diễn tả trạng thái căn bản của hồn hai Đấng. Hai Đấng đã vâng phục, và Thánh Kinh lấy lời nói về Đức Giêsu ở Ph. 2.8 để nhấn mạnh thêm: vâng phục “cho đến chết và chết trên thập giá.” Tất cả tình mến thảo hiếu của hai Đấng đối với Chúa Cha đã được diễn tả và hoàn tất trong sự vâng phục đầy yêu mến vô hạn ấy.
Đức Mẹ mời gọi chúng ta đạt tới tinh thần vâng phục ấy, nó là bằng chứng tột bực của tình yêu. Chúa Giêsu xác nhận: “Ai có và giữ các huấn lệnh của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14.21).
Tất cả chúng ta đều phải có lòng yêu mến!
Song cái gì có thể bảo đảm là mình đang yêu? Vài người nhạy cảm tưởng đã tiến bộ rất xa trên đường lên đỉnh trọn lành, vì họ mau nước mắt, mau miệng thề hứa… Cũng có những tâm hồn minh chứng tình yêu của mình bằng việc đền tội, bằng những khóc lóc thống hối, bằng những việc sùng kính đạo đức, hay bằng việc lãnh nhận các Bí tích v.v… Như thế không phải là sai, song lời dạy của Chúa Giêsu đã giúp ta tránh khỏi tính bấp bênh của những tình cảm: tình yêu chân thật là ở trong vâng phục.
Sự vâng phục ấy dẫn đến sự kết hợp với Thiên-Chúa: “Kẻ ấy sẽ được Cha Ta yêu mến” (Ga 14.21). Sự vâng phục Thiên Chúa làm cho ta gắn kết với Người. Tình mến được sống thực, được chứng tỏ và trung thành sẽ làm nẩy nở một sự tin cậy lẫn nhau, một sự thuộc về nhau mật thiết. Người tín hữu vâng phục và yêu mến thánh ý Thiên-Chúa, và suy phục các quyền lợi của Người, thì theo lời Thánh Phaolô, họ chỉ còn là “một thần khí với Chúa” (1 Cor 6.17), đến nỗi “tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2.20). Thiên Chúa là chất sống của họ, và theo lời thánh Vi-xen-tê Phaolô: “Linh hồn thi hành ý muốn Thiên Chúa được thông hiệp triền miên với Người.”
Chúa Giêsu đã phán một lời lạ lùng về đức vâng phục, lúc Thân Mẫu Ngài đến và muốn gặp Ngài: “Ai làm theo ý Cha Ta, người ấy là anh, là chị và là Mẹ Ta” (Mt 12.50). Người ấy là Mẹ Ta là vì: “Bởi đức tin, người ấy thụ thai Ngôi Lời cách thiêng liêng, sinh Ngài ra, nuôi dưỡng Ngài bằng sự thực hành việc lành, nơi mình và nơi người đồng loại”, Thánh Bê-đa đã giảng giải như thế. Nhiệm vụ cao cả của người tín hữu là: Sinh Thiên Chúa ra.
Người ta có thể đoán được công phúc của linh-hồn sống trong tinh thần vâng phục ấy là bao nhiêu. Các việc dù nhỏ nhặt nhất cũng đều thánh thiện. Từ đó cuộc đời họ không còn là đời tầm thường và vô nghĩa nữa; đức vâng phục đã biến hóa tất cả nên xứng với Thiên-Chúa.
Cũng vì thế, cuộc đời khiêm nhường của Đ.Maria đã làm vinh hiển biết bao cho Thiên-Chúa. Khi tuân theo ý Chúa, người tín hữu không bao giờ còn cô độc nữa, họ có thể nói cùng với Chúa Giêsu: “Cha Ta, Đấng sai Ta, không để Ta một mình nhưng Người hằng ở với Ta (Ga 16.32) “và trong Ta, Người làm mọi việc của Người.” (Ga 14.10)
Đời Đức Mẹ là một tiếng “Vâng” hoàn hảo và bền bỉ đáp lại ý muốn Thiên-Chúa, một tiếng “Vâng” trọn vẹn trao phó Mẹ cho Thiên-Chúa: Vì thế Chúa Cha có thể nhờ Mẹ hoàn thành mầu nhiệm lớn lao của mình.
Cũng bởi đức vâng phục mà Đức Mẹ dẫn đưa ta tới chỗ thực hiện ơn thiên triệu làm người Kitô hữu. Chẳng phải thánh Phaolô đã viết: “Thánh ý của Thiên Chúa là muốn anh em nên thánh”sao?”(1Tx 4.3). Chúa Ba Ngôi hằng hành động không ngừng để thực hiện ý muốn ấy. Bạn thử nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu do tâm hồn ta thuận theo ý Thiên-Chúa, mà Người được toàn quyền thực hiện tới cùng nguyện vọng của Người? Biết bao ơn sủng phong phú sẽ đổ xuống tràn trề cho ta, ngày mà sự vâng phục của ta đáp lại tình yêu thương của Ngài. Phần Đức Mẹ cũng được vui mừng khôn xiết khi thấy các ý định cao cả của Thiên Chúa được thể hiện: tức là Chúa Kitô được thành hình trong các thánh.
TTXTT
[1] “Circumincession” (“tương tại”)
[2] Bossuet, 1er Sermon pr. Nativité. B.V. Marie, 2è point.
[3] Bérulle, Migne, Oeuvres, p.494.
[4] Bérulle, Vie de Jésus, ch. V.
[5] Traité de l’amour de Dieu 1.XI, ch.5.
[6] Faber. Au pied de la Croix ch. VIII.
[7] Bossuet, Sermon sur Assomption. t.IV. pp 412-424.Leburcq.
[8] Thời Đức Mẹ sống cách đây hơn 2000 năm, còn nghèo nàn lạc hậu lắm.
[9] Một bằng chứng: Khi Maria và Giuse dâng Hài Nhi Giêsu lên đền thờ, lễ vật dâng lên Thiên Chúa theo luật truyền, hai ông bà chỉ có khả năng dâng được “một cặp chim gáy hay hai bồ câu tơ” (Lc 2.24)
[10] Lettre 99.
[11] Thần học gọi là “nhiệm sinh”, sinh cách mầu nhiệm.
[12] Thần học gôi là “nhiệm xuất” hay “nhiệm xuy.”
[13] Con đường dài hơn 100 Kilô mét, trên con đường gồ ghề sỏi đá, bằng phương tiện di chuyển thô sơ cách đây hơn 2000 năm!
[14] Giờ chết đền tội cho nhân loại được sống.