ĐÂU CÓ HẠNH PHÚC THẬT?_BÀI 1 *** Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
24 Tháng Sáu 2021
Lm. Phê-rô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
ĐÂU CÓ HẠNH PHÚC THẬT?
2018
ĐÔI LỜI THIẾT NGHĨA
THÂN GỬI BẠN ĐỌC
Thưa bạn đọc thân mến,
Tiếng “đồng bào” mà chúng ta thường dùng đúng nghĩa ra là “anh em ruột thịt”, con của một Cha chung sinh thành nuôi dưỡng, còn loài người là chỗ cốt nhục với nhau, “Tứ hải giai huynh đệ” nên phải thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau.
Vì chúng tôi tin chắc như vậy nên tìm cách để giúp bạn đọc nhận ra vị Cha chung ấy và tìm con đường dẫn đến đó.
Cuốn sách nhỏ này là để phục vụ công việc ấy, mời bạn cầm lấy và đọc đi đọc lại, để hiểu những điều sách dạy. Vì những điều dạy trong sách này không phải bởi người ta, mà là bởi Trời, vì trích ra từ Sách Lời Chúa Trời phán dạy, chúng tôi chỉ ghi chép tóm tắt lại.
Những điều Trời dạy là Chân lý. Và Trời dạy bạn chân lý chỉ vì thương yêu bạn, muốn cho bạn được hạnh phúc.
Một người anh em của bạn
MỤC THỨ NHẤT
CHÚNG TA, AI CŨNG MUỐN ĐƯỢC HẠNH PHÚC
Ai cũng muốn được hạnh phúc. Hạnh phúc là mục đích của đời sống. Con người không thể sống nếu không có hạnh phúc. Cả cuộc đời là một chuỗi ngày nỗ lực đi tìm hạnh phúc.
Vì thế, cần nhất là phải biết hạnh phúc thật là ở đâu? Và con đường nào hay phương thế nào đưa đến hạnh phúc đó?
Phần đông người ta đi tìm nơi vật chất: tiền bạc, của cải, ăn ngon mặc đẹp, khoái lạc, quyền chức, tiếng tăm, danh vọng v.v… Nhưng vì con người không chỉ có thể xác, mà còn có cái “tâm”, “tâm hồn” hay “tâm linh”, mà không một thứ vật chất nào có thể làm thỏa mãn, cho dù tiền tài, lạc thú, danh vọng, chức quyền, khoa học, ngay cả tình yêu hay tình bạn, v.v… Những cái đó chỉ làm vui thỏa bên ngoài ít lâu, không bao giờ làm cho mãn nguyện hoàn toàn, và cho đi có làm thỏa mãn thì cũng chẳng bền, vì “đời người như bóng câu phi qua cửa sổ”, chết là mất hết.
Vì thế, ta chỉ được hạnh phúc khi:
- Được thỏa mãn hết các nguyện vọng chính đáng của tâm hồn và thể xác.
- Vượt thắng mọi đau khổ;
- Đạt mọi sự tốt lành, làm cho ta hoàn toàn sung sướng;
- Và phải cứ như thế mãi mãi, không hề mất hay suy giảm, vì nếu nó có thể mất hay suy giảm, thì lòng ta đâm áy náy không yên, mà hễ có lo lắng, áy náy thì đâu còn hạnh phúc nữa…
Tất cả những điều tốt đẹp nói trên chỉ có thể tìm thấy ở Đạo thật.
Vì thế:
Việc tìm Đạo thật là một vấn đề trọng đại nhất và trọng đại vô cùng của đời sống mỗi người.
Và…
Tìm được Đạo thật, là một Phúc lớn!
Phải, phúc lớn và ơn to tát vô cùng mà “Ông Trời” hay Thượng Đế Đấng Chí Tôn muốn dành cho bạn. Vì sao? Vì Đạo thật đem đến cho bạn Hạnh phúc thật, Hạnh phúc không chỉ cho tâm hồn, không chỉ cho cuộc đời trần gian này, mà còn là hạnh phúc muôn đời muôn kiếp trên chốn trường sinh bất diệt…
Do đó:
Chọn đúng Đạo thật được coi là khôn, chọn sai, bị coi là dại!
Trong dân gian của chúng ta có truyện “Thằng Bờm có cái quạt mo, Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu. Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu…” và phú ông đưa ra bao nhiêu vật lớn lao quý giá khác, Bờm cũng không chịu đổi, đến lúc cuối cùng phú ông đưa ra “nắm xôi, thì Bờm cười”. Bờm chịu đổi.
Bà con lối xóm chê thằng Bờm là ngu, thằng Bờm là dại… vì không biết 3 bò 9 trâu đáng giá ngàn lần hơn nắm xôi. Nhưng thật ra thằng Bờm rất khôn, nó thấy nắm xôi mới là “thật”, còn những bò, trâu gì gì đi nữa chỉ là “ảo”, là giả, ông phú hộ già đời lão luyện đưa ra nhằm đánh lừa nó.
Thì về vấn đề đạo cũng vậy, trước đây, vì bạn chưa hiểu giá trị của Đạo thật, nên không để ý, nên không chọn. Khi bạn được chỉ dẫn mà biết rõ Đạo thật là giá trị và tốt lành vô cùng, chắc bạn sẽ vui lòng đón nhận ngay.
Nếu chọn không đúng, hậu quả là thế nào?
Là họa khốn cho đời mình không chỉ ở trần gian ngắn ngủi này, mà còn kéo dài vô cùng vô tận ở đời sau. Và họa khốn không những cho cá nhân mình, mà cho cả dòng tộc con cái cháu chắt mình nữa. Khốn không phải một trăm năm, mà là khốn mãi mãi muôn ngàn vạn kiếp...
Vì thế, phải coi trọng việc đi tìm Đạo thật
Nếu việc tìm được Đạo thật hay không là phúc hay họa đến vận mạng muôn đời của ta và con cháu ta như thế, nên ta không thể coi thường việc tìm và hiểu đạo, không thể đành lòng chỉ biết lơ mơ, qua quít.
Truyện kể rằng: Có một thanh niên kia, tầm sư để học đạo. Sau nhiều khổ công, cậu tìm được một vị cao thâm đắc đạo. Nghe cậu trình bày ước muốn xong, ông lẳng lặng đưa cậu ta tới một khúc sông rồi nắm lấy cậu, dìm xuống nước. Sặc sụa một hồi, mới được cho ngoi lên.
Tức tối cậu ta lên tiếng trách:
- Tôi đến đây xin học đạo, thầy không muốn dạy thì thôi cớ sao lại định giết tôi?
Lúc ấy vị tôn sư mới ôn tồn nói:
- Khi nãy chìm dưới nước ngộp thở, nhà ngươi mong gì? Phải chăng mong được một hớp khí? Vậy muốn học đạo, ngươi cũng phải khao khát như khao khát một hớp khí để khỏi chết ngạt vậy.
Đấy, tìm Đạo thật, bạn cũng phải khao khát như vậy. Không đành chỉ biết sơ sài! Nếu không đủ tài lực để khảo cứu sâu rộng được, thì ít nhất chẳng nên tiếc việc bỏ ra một ít thời giờ đọc tập sách nhỏ bạn đang cầm trên tay đây. Bạn chỉ cần mỗi ngày dành mươi lăm phút, đọc một đoạn, rồi ngẫm nghĩ, để mà tìm được Đạo thật tức là tìm được hạnh phúc quý báu vô cùng cho mình, bạn nghĩ xem có đáng không?
Ngoài việc đem thành tâm để khảo cứu và tìm hiểu Đạo thật, bạn cũng nên để tâm kêu cầu “Ông Trời” hay Thượng Đế, Đấng Chí Tôn soi sáng chỉ dẫn cho. Không cần dùng công thức nào, bạn cứ tự nhiên mà nguyện xin trong tâm hồn đã đủ, điều cần là xin đi xin lại, để tỏ ra bạn quý ơn trời bể ấy thì sau rồi mới đáng lãnh nhận.
Chắc bạn sẽ hỏi:
TÌM ĐẠO THẬT Ở ĐÂU?
Vì trên đời này có lắm đạo khác nhau và có khi còn ngược nhau, tất không có thể là Đạo thật tất cả. Chẳng phải ta thường nói “Sự thật chỉ có một”, nếu đạo này là Đạo thật thì các đạo kia là đạo không thật.
Xưa, từ cội nguồn chỉ có một đạo mà thôi là Đạo Chúa truyền, như lời thầy Mạnh Tử nói:
“Đạo gốc chỉ có một không hai”
Nhưng vì dần dần loài người sinh sản đông đúc, mỗi người tản lạc đi mỗi nơi, tha phương cầu thực, nên người ta quên đạo gốc đi. Nhưng bởi vì trong lòng vẫn nung nấu tiềm tàng nỗi khát vọng Thượng Đế, khiến người ta lập thêm nhiều đạo với mong ước họa may mò mẫm mà tìm được Ngài.[i]
- Nhưng dĩ nhiên các đạo mà do người trần lập ra thì không thể là đạo thật. Vì tôn giáo có nhiều điều cao siêu, huyền bí, siêu việt, tâm trí người trần tục có giới hạn nên không thể thấu triệt, dễ mắc sai lầm. Lại vốn là “nhân vô thập toàn” dù có bộ óc siêu đẳng và tâm hồn thánh thiện đạo đức thâm sâu đến đâu đi chăng nữa, thì nói đúng điều này sẽ lại khiếm khuyết điều kia….
- Rồi đạo nào pha những sự dị đoan, thờ mặt trời, mặt trăng, thờ thần sông, thần núi, thần lửa, thần voi, thần rắn…, thờ cây đa bình vôi, v.v… như thế là tôn các vật vô tri giác hay cầm thú lên thành thần mà thờ: thì đạo ấy cũng không thể là Đạo thật.
- Đạo nào thờ tạo vật ngang hàng với Đấng Tạo hóa, không là Đạo thật.
- Đạo nào tôn thờ một người phàm như Chúa tể, tin người ấy có sức cứu độ những kẻ thờ bái, cũng không thể là Đạo thật.
Và v.v…
*
Căn cứ theo những tiêu chuẩn trên đây thì: Chỉ Đạo Chúa mới là Đạo thật.
Vì sao nói được như thế?
Thưa: Vì…
- a) Đạo này thờ Thiên Chúa là Chủ tể càn khôn, đã tạo dựng nên trời đất và muôn loài muôn vật kể cả loài người. Ngài là “Ông tổ” của tất cả, “Ông tổ” trên cả tổ tiên ông bà của ta. Tất cả những vật, những người nêu trên, không trừ ai, đều là thụ tạo do Ngài dựng nên, vì thế Đạo Chúa không thờ họ, mà chỉ thờ Đấng dựng nên họ. Thờ thọ tạo, thì chẳng khác gì thờ đầy tớ mà bỏ ông chủ.
- b) Đạo thờ Thiên Chúa là “Đạo gốc xuất từ trời”, “xuất ư Thiên”, do Thiên Chúa lập ra Đạo để dạy chính lộ cho loài người đi theo không lạc lối, vì chỉ mình Thiên Chúa mới cho biết phải sống thế nào mà đến được với Ngài. Bởi vậy khi nào có ai theo Đạo Chúa, người ta thường nói: “Trở lại đạo”, nghĩa là bỏ đàng lạc mà trở về nẻo chính.
- c) Chỉ Đạo Chúa mới đưa người ta tới hạnh phúc thật! Vì sao?
Một là vì Thiên Chúa chính là Hạnh phúc tuyệt đỉnh, không có ai hay thần thánh nào so sánh được với Ngài [ii]. Bởi Ngài vốn là Đấng Trọn Tốt Trọn Lành, Toàn Chân, Toàn Thiện, Toàn Mỹ…
Hai là vì Đạo Chúa thỏa mãn nhu cầu của trí khôn ta muốn biết những điều quan trọng và cần ích tuyệt đối của đời sống con người:
- Về thân phận ta: Bởi đâu mà có ta?
- Về mục đích cuộc đời ta: Ta sống trên đời để làm gì?
- Phải sống thế nào cho được hạnh phúc thật?
- Vận mạng ta sau khi chết: Sau cái chết có sự gì? Và ta sẽ ra sao?
- Vũ trụ hiện nay từ đâu mà có, và có để làm gì?
- Tương quan của ta với các người đồng loại, với mọi loài mọi vật, với thiên nhiên, với môi trường, v.v…
Qua những điều đó, Đạo Chúa dạy cho ta biết sống cuộc đời trần gian này thế nào, để sau cuộc đời dương thế này, ta được về trời ở cùng Thiên Chúa, tức là về cõi Thiên Đàng, ở đấy được hoàn toàn thỏa mãn mọi ước vọng chính đáng của mình và sung sướng hạnh phúc vô cùng vô tận…[iii]
*
Chúng tôi đã nghiên cứu, đã sống và cũng đã nghiệm thấy Đạo Chúa là Đạo thật, đã đưa chúng tôi tới hạnh phúc thật, giải quyết hết sức thỏa đáng mọi vấn đề quan trọng và cần ích của đời người nêu trên kia, cho nên chúng tôi xin giới thiệu Đạo Chúa, chính tông là Đạo Công giáo, cho bạn.
---™'˜---
[i] Sách Công vụ các Tông đồ, chương 17 câu 27
à(Từ đây về sau, chỉ viết vắn tắt :
“Sách Công vụ”, ch., c. v.v…)
[ii] Sách tiên tri Isaia, ch. 40, c.18,25; ch.46, c.5
[iii] Sách Khải Huyền, ch 21 câu 4-5