3 NHÂN ĐỨC CHÚNG TA CÓ THỂ HỌC HỎI ĐƯỢC KHI LẦN HẠT MÂN CÔI
12 Tháng Mười Một 2020
3 NHÂN ĐỨC CHÚNG TA CÓ THỂ HỌC HỎI ĐƯỢC KHI LẦN HẠT MÂN CÔI – HÃY HỌC HỎI NHỮNG NHÂN ĐỨC ĐÓ NGÀY NAY
Ngày 14-10-2020
KINH MÂN CÔI CÓ THỂ DẠY CHO CHÚNG TA CÁC NHÂN ĐỨC VÂNG LỜI, KHIÊM NHƯỜNG VÀ TỪ BỎ
Nguồn : Aleteia.org
Kinh Mân Côi chủ yếu là một phương pháp cầu nguyện đưa chúng ta đến gần với Thiên Chúa hơn, nó cũng còn có thể được gọi là “nhà thuyết giáo” dạy chúng ta các nhân đức cần noi theo. Trong tác phẩm “Hướng dẫn đọc Kinh Mân Côi cho các Linh Mục và Giáo Dân”, Cha John Proctor giải thích Kinh Mân Côi “là một nhà thuyết giáo cũng là một người thầy” như thế nào : “Với tư cách là một người thầy, Kinh Mân Côi cho người đọc biết điều gì cần phải tin; với tư cách là một nhà thuyết giáo, Kinh Mân Côi cho người đọc biết điều gì cần phải làm… Kinh Mân Côi dẫn dắt con người biết được cuộc đời của Đức Kitô, và sau đó hướng dẫn con người đi theo đường lối của Người, thực hành các nhân đức của Người, bắt chước cuộc sống của Người giữa nhân loại.”
Kinh Mân Côi không chỉ dạy bảo chúng ta nhân đức qua việc suy gẫm cuộc đời Chúa Giêsu Kitô, mà còn qua đời sống của Đức Trinh Nữ Maria : “Kinh Mân Côi tiết lộ cho chúng ta, để khích lệ chúng ta, Đức Mẹ Maria như là khuôn mẫu của mọi nhân đức.”
Đặc biệt, Cha Proctor đưa ra 3 nhân đức mà tất cả chúng ta có thể học hỏi được qua việc lần hạt Mân Côi.
1/ NHÂN ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG
Qua các mầu nhiệm Mân Côi, sự khiêm nhường được đề cao và thấm vào từng chục kinh.
“Khiêm nhường là nền tảng của tòa nhà tâm linh của chúng ta, nếu thiếu nó, như một ngôi đền thờ xây trên những tảng đá lởm chởm không đều, tất sẽ bị đổ. Các bạn tìm được sự khiêm nhường trong mọi một chục kinh. Nhập Thể là mầu nhiệm khiêm nhường sâu sắc nhất – Đấng Tối Cao trở thành Kẻ Thấp Hèn nhất, Đấng Cao Trọng nhất trở thành Kẻ Kém Cỏi nhất, Đấng Thượng Trí trở thành Kẻ Thơ Ngây, Thiên Chúa Toàn Năng trở thành Bé Sơ Sinh yếu đuối… Trong các Sự Thương, tất cả đều là sự khiêm nhường – từ Vườn Cây Dầu cho đến Núi Sọ, một hành động kéo dài và liền lạc của lòng khiêm nhường và sự sỉ nhục thâm sâu nhất. Ngay cả trong vinh thắng được tưởng nhớ trong các mầu nhiệm Vui (5 Sự Vui), các bạn suy gẫm về sự tôn vinh Lòng Khiêm Nhường. Đức Mẹ Maria cũng tỏ cho chúng ta suốt cuộc đời của Mẹ như là “người nữ tỳ hèn mọn của Đức Chúa.””
2/ NHÂN ĐỨC VÂNG LỜI
Một nhân đức mà chúng ta khó học được là vâng lời, nhân đức này cũng được đề cao trong toàn bộ Kinh Mân Côi.
Mặt khác, vâng lời là nhân đức song sinh với nhân đức khiêm nhường, được sinh ra cùng một ngày và cùng một mẹ, cùng lớn lên với nhân đức khiêm nhường, gặt hái được hoặc mất mát đi cùng với nhân đức khiêm nhường, chết đi hay cùng sống với nhân đức khiêm nhường – nhân đức vâng lời đối với các mầu nhiệm Mân Côi, là sợi chỉ để dệt thành tấm vải. Chúa đến – tại sao ? “Để con sẽ thực thi Thánh Ý Người, ôi lạy Thiên Chúa của con.” – “Đừng theo ý Con, nhưng để ý Cha được thực hiện” là khẩu hiệu của đời sống thiêng liêng trên mặt đất.
3/ NHÂN ĐỨC TỪ BỎ
Một nhân đức khác được nêu bật trong toàn bộ Kinh Mân Côi là nhân đức từ bỏ, không dính bén với các sự thế gian.
Từ bỏ và khó nghèo trong tâm hồn. Chúa Giêsu nói : “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó”, nhưng trước khi Người rao giảng bằng lời, Người đã rao giảng mối phúc ấy bằng gương sống của Người. Chuồng bò, người mẹ nghèo nàn, người cha nuôi là người thợ, căn nhà nghèo nàn ở miền quê, các môn đệ là những người dân thường, trần trụi trên Thập Giá, được táng trong ngôi mộ vay mượn của người khác. Chắc chắn tất cả mọi điều này, đã thu phục được trái tim của Thánh Phan-xi-cô, có nghĩa là đồng tình và trung thành với “Đức Bà Nghèo Khó”.
(Jn. M. Vũ Sơn Bảo dịch theo Mystic Post)