News Filters

7 ĐIỀU XẢY RA KHI LÀM DẤU THÁNH GIÁ

03 Tháng Hai 2021

7 ĐIỀU XẢY RA KHI LÀM DẤU THÁNH GIÁ

Làm Dấu Thánh Giá có vẻ như là một hành động thật đơn giản. Việc ấy mất chưa đầy một phút là làm xong. Và, là người Công Giáo, chúng ta thường xuyên làm việc này đến mức hoàn toàn quá dễ dàng coi đó là điều hiển nhiên chẳng cần phải nhiều suy nghĩ.

Nhưng, trên thực tế, chính những điều đơn sơ đó lại có tác động lớn nhất đến cuộc sống của chúng ta. Cũng chính những việc đơn sơ đó có thể tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta hoặc làm cho chúng ta yếu đi khi chúng ta phải đối phó với những điều phức tạp hơn trong đời sống. Hệ luận đầu tiên (có thể tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta) là sự thật của Dấu Thánh Giá.

Tháng 09 năm 1984, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có bài giảng cho những người Công Giáo Gia-nã-đại. Để cử hành tôn kính trọng thể ngày Đại Lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Kitô, Ngài đã nói Thánh Giá có ý nghĩa gì đối với tất cả mọi người chúng ta : “Thánh Giá chứa đựng Mầu Nhiệm Cứu Độ trong chính mình, bởi vì, trong Thánh Giá, Tình Yêu được nâng cao,” và sau đó, Đức Thánh Cha phát biểu với đám đông người nghe Ngài giảng : “Đây là việc nâng Tình Yêu lên cao đến mức tột điểm trong lịch sử thế gian : trong Tình Yêu Thánh Giá được nâng cao và đồng thời Thánh Giá được nâng lên cao nhờ Tình Yêu. Và từ đỉnh cao của Thập Giá, tình yêu ngự xuống với chúng ta.”

Bất cứ lúc nào chúng ta làm Dấu Thánh Giá, tức là chúng ta làm chứng cho ơn cứu độ tìm thấy được trong tình yêu đó. Nhưng lại có nhiều điều mà hầu hết chúng ta đều không biết về Á Bí Tích này. Dưới đây chỉ là bảy đặc tính của Dấu Thánh Giá mà các bạn có thể chưa biết đến.

1- Dấu Thánh Giá quan trọng kể từ thời Giáo Hội tiên khởi.

Dấu Thánh Giá đã được thực hiện trước và sau khi cầu nguyện, vào đầu và cuối Thánh Lễ, kể từ thời Giáo Hội tiên khởi. Không những thế, vào thế kỷ thứ 4, Thánh Cyril thành Giê-ru-sa-lem lặp lại điều mà các Giáo Phụ – gồm có Thánh Terullian – nói về tầm quan trọng của việc làm Dấu Thánh Giá trong mọi sự, kể cả trong những phần việc của đời sống chúng ta xem ra là trần tục.

Trong những bài Huấn Giáo, Thánh Nhân đã nói một cách mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc chủ ý làm Dấu Thánh Giá mỗi ngày. Thánh Nhân viết : “Lúc ấy chúng ta đừng xấu hổ khi tuyên xưng Đấng Chịu Đóng Đinh. Chớ gì Thánh Giá là dấu chứng nhận chúng ta, bằng ngón tay vạch rõ trên trán và trong mọi thứ : trên tấm bánh lương thực chúng ta ăn và trên ly trên cốc chúng ta uống; trong những lúc chúng ta đến và trong những lúc chúng ta đi ra ngoài; trước khi chúng ta nằm xuống ngủ và khi chúng ta thức dậy; khi chúng ta đi xa và khi chúng ta nghỉ ngơi.”

2- Ban đầu, Dấu Thánh Giá được làm từ trên xuống và từ phải sang trái.

Vào khoảng những năm 400, Dấu Thánh Giá đã được thiết lập cách chính thức để thực hiện. Nhưng trong lúc đó, cách làm Dấu Thánh Giá mà các Nghi Thức Đông Phương và Chính Thống Giáo vẫn còn tuân theo cách thức khác với cử điệu mà Công Giáo tại Giáo Hội Tây Phương dùng làm Dấu Thánh Giá. Vào khoảng những năm 1100, Dấu Thánh Giá được làm với ngón cái và những ngón tay khác chụm lại với nhau một cách rành mạch tượng trưng cho hai khía cạnh quan trọng bất ngờ của đức tin chúng ta. Dấu Thánh Giá kiên định trước sau như một đức tin của chúng ta nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, bác bỏ niềm tin của những người dị giáo tin rằng Chúa Giêsu không phải vừa là Thiên Chúa và vừa là người. Vị trí của các ngón tay cái, ngón trỏ và ngón giữa đại diện cho chữ Hy Lạp viết tắt IXC (Iesus Chritus Soter – Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế).

Và Dấu Thánh Giá được làm từ trên xuống và từ vai phải sang vai trái. Vào khoảng đầu những năm 1200, Đức Giáo Hoàng Innocent III đã giải thích tại sao. Ngài nói : “Đây là cách làm Dấu Thánh Giá : từ trên xuống và từ phải sang trái, bởi vì Đức Kitô từ Trời mà xuống đất, và từ dân Do Thái (phải) mà Người đã chuyển sang Dân Ngoại (trái).”

3- Hiện nay Dấu Thánh Giá được làm từ trên xuống và từ trái sang phải.

Từ khoảng đầu những năm 1200 trở đi, cách làm Dấu Thánh Giá chính thức đã thay đổi nơi người Công Giáo thuộc Giáo Hội Tây Phương. Cho dù việc làm Dấu Thánh Giá nhắc nhở chúng ta Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ chúng ta, chúng ta không còn chụm các ngón tay và ngón tay cái một cách rành mạch  tạo thành chữ Hy Lạp viết tắt IXC (Iesus Chritus Soter – Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế). Thay vào đó, giờ đây chúng ta dùng bàn tay duỗi thẳng các ngón để làm Dấu, vì chúng ta đang ban phúc cho chính mình (tâm trí, thể xác và linh hồn). Cho dù chúng ta mở bàn tay, chúng ta vẫn khẳng định niềm tin của chúng ta nơi Ba Ngôi Thiên Chúa khi chúng ta đọc : “Nhân Danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen.”

Sự khác biệt đặc thù khác đối với những người Công Giáo thuộc Giáo Hội Tây Phương là giờ đây chúng ta làm Dấu từ trái sang phải. Đức Giáo Hoàng Innocent III cũng trưng tài tiệu dẫn chứng sự thay đổi này đã xảy ra như thế nào – do các Niên Trưởng (Tư Tế, Linh Mục trong thời giáo hội sơ khai) trong tuyền thống ban đầu – và sự thay đổi này tượng trưng cho điều gì. Ngài viết : “Tuy nhiên, những người khác làm Dấu Thánh Giá từ trái sang phải, bởi vì từ sự khốn khó (trái) chúng ta phải vượt sang vinh quang (phải), như Chúa Kitô đã vượt qua cái chết để đi đến sự sống, và từ Âm Phủ vượt lên Thiên Đàng. [Một số Niên Trưởng] đã làm Dấu Thánh giá theo cách này để các vị ấy và mọi người sẽ tự làm Dấu theo cùng một cách. Anh chị em có thể dễ dàng kiểm lại điều này – đó là hình ảnh Linh Mục đối diện với giáo dân để Ban Phép Lành – khi chúng tôi làm Dấu Thánh Giá trên mọi người, đó là từ trái sang phải…”

4- Dấu Thánh Giá được thực hiện có mục đích.

Mặc dù thực tế là người Công Giáo thuộc Giáo Hội Tây Phương làm Dấu Thánh Giá theo cách khác với những người Công Giáo thuộc Nghi Lễ Đông Phương và Giáo Hội Chính Thống Giáo, chúng ta phải hiệp nhất trong sự thánh thiện của hành động này. Chúng ta phải để cho hành động thánh thiện này làm sâu thêm sự dấn thân đối với đức tin của chúng ta. Chúng ta cũng phải dâng tình yêu và lòng biết ơn của chúng ta cho Thiên Chúa Ba Ngôi khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá.

Năm 2016, Linh Mục William Saunders đã viết về Dấu Thánh Giá trong tờ Arlington Catholic Herald : “Bất kể người ta làm Dấu Thánh Giá một cách máy móc như thế nào, cử điệu phải được thực hiện một cách có ý thức và thành kính.” Cha Saunders còn viết : “Mỗi một người đều phải lưu tâm đến Thiên Chúa Ba Ngôi, là tín điều trọng tâm làm cho người Kitô hữu là Kitô hữu. Ngoài ra, mỗi một người phải nhớ rằng Thánh Giá là dấu chỉ cho ơn cứu độ chúng ta : Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa thật đã trở nên người thật, đã dâng của lễ hoàn hảo cho chúng ta được cứu chuộc khỏi tội lỗi trên bàn thờ Thập Tự Giá. Hành động đơn sơ nhưng sâu sắc này làm cho mỗi người lưu tâm đến tình yêu cả thể của Thiên Chúa dành cho chúng ta, một tình yêu mạnh hơn cái chết và hứa hẹn cuộc sống đời đời. Dấu Thánh Giá phải được thực hiện với mục đích và chính xác, không được làm vội vàng và cẩu thả.”

5- Dấu Thánh Giá chuẩn bị tinh thần chúng ta đón nhận các Mầu Nhiệm Đức Tin

Năm 2008, nhân dịp Kỷ Niệm năm thứ 150 Đức Trinh Nữ Maria hiện ra tại Lộ Đức, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI ngỏ lời với nhiều người hành hương đến Thánh Địa nơi Đức Mẹ Maria lần đầu tiên hiện ra với Thánh Nữ Béc-na-đét. Trong bài giảng, Đức Giáo Hoàng nói về Dấu Thánh Giá là phần quan trọng như thế nào trong những cuộc hiện ra nhằm thay đổi đời sống con người.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI phát biểu : “Đây là Mầu Nhiệm trọng đại mà Đức Mẹ Maria giao phó cho chúng ta sáng hôm nay, mời gọi chúng ta hướng về Con của Mẹ. Trong thực tế, điều quan trọng là trong lần hiện ra đầu tiên với Thánh Nữ Béc-na-đét, Đức Mẹ Maria bắt đầu cuộc gặp gỡ bằng Dấu Thánh Giá. Không chỉ là một dấu chỉ đơn thuần, Dấu Thánh Giá là một sự khởi đầu bước vào Mầu Nhiệm Đức Tin mà Thánh Nữ Béc-na-đét nhận được từ Đức Mẹ Maria. Dấu Thánh Giá hầu như là một sự tổng hợp đức tin, vì Dấu Thánh Giá nói cho chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết dường nào; Dấu Thánh Giá cho chúng ta biết rằng có một tình yêu trên thế gian này mạnh mẽ hơn cái chết, mạnh mẽ hơn sự yếu đuối và tội lỗi của chúng ta. Sức mạnh của tình yêu mạnh mẽ hơn sự dữ đang đe dọa chúng ta. Đó chính là mầu nhiệm phổ quát tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người mà Đức Mẹ Maria đã đến để mạc khải ở đây, tại Lộ Đức này.”

6- Dấu Thánh Giá liên kết với Phép Rửa củachúng ta.

Đối với chúng ta là những người được sinh ra và lớn lên trong đức tin Công Giáo, một trong những lần đầu tiên chúng ta gặp Dấu Thánh Giá là lúc chúng ta ở vào một trong những sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời chúng ta. Chúng ta cảm nhận được ơn phúc khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.

Khi bắt đầu nghi thức Rửa Tội, Dấu Thánh Giá được làm trên đầu và gần trái tim chúng ta. Việc ấy biểu thị chúng ta sẽ thuộc về Đức Kitô. Đó cũng là dấu chỉ ơn cứu chuộc Chúa Giêsu ban cho chúng ta khi hiến mạng sống của Người để cứu chuộc chúng ta.

Sau đó, khi còn trẻ thơ cũng như khi đã trưởng thành, chúng ta được nhắc nhở về Phép Rửa Tội chúng ta qua Dấu Thánh Giá. Trong hầu hết các nhà thờ Công Giáo, Giếng Rửa Tội chứa đầy Nước Thánh được đặt gần các lối ra vào nhà thờ. Chúng ta dùng Nước Thánh để làm Dấu Thánh Giá, sau khi vào trong nhà thờ, chúng ta một lần nữa dâng mình cho Chúa Giêsu một cách đặc biệt. Và khi chúng ta dọn mình thờ phượng Thiên Chúa. Sau đó, khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá trước khi ra khỏi nhà thờ, chúng ta chuẩn bị bản thân mình đem Lời Chúa và Thánh Thể mà chúng ta đã lãnh nhận ra cho thế giới.

7- Dấu Thánh Giá chuẩn bị chúng ta đón nhận Lời Chúa.

Chúng ta làm Dấu Thánh Giá ở phần đầu Thánh Lễ và khi kết thúc Thánh Lễ, chúng ta cũng làm Dấu Thánh Giá trước và sau khi cầu nguyện, sau khi Rước Mình Thánh Chúa. Ngoài ra, chúng ta phải làm Dấu Thánh Giá một cách hoàn toàn khác trước khi Đức Giám Mục, Linh Mục hay Phó Tế công bố Tin Mừng. Trong phần đó, đòi hỏi mỗi người phải dùng ngón cái và ngón trỏ (bắt chéo nhau) để làm thành một Thánh Giá nhỏ. Sau đó, chúng ta dùng Thánh Giá nhỏ đó để vạch các Dấu Thánh Giá be bé trên trán, trên môi và trên trái tim chúng ta.

Làm Dấu Thánh Giá theo cách đó thực sự là một lời cầu nguyện không thành văn. Với Dấu ấy, chúng ta cầu xin Thiên Chúa thường xuyên khắc ghi sứ điệp Tin Mừng vào tâm trí chúng ta, môi miệng chúng ta và trái tim chúng ta. Thật là cách thức tuyệt vời để xin Thiên Chúa soi sáng và thánh hóa tư tưởng, lời lẽ và linh hồn chúng ta bằng Lời Chúa, để chúng ta có thể sống thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa.

Tuy việc làm Dấu Thánh Giá là một hành động đơn sơ, nhưng cũng là một hành động sâu sắc có thể tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta bằng việc củng cố đức tin của chúng ta. Suy gẫm một số phương diện của Á Bí Tích này là điều thật tuyệt vời. Nhưng, trên hết, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và lập lại lời cam kết đối với đức tin của chúng ta khi nhớ lại tình yêu hiến tế cách lạ lùng và vô hạn hiện diện trong “Danh Cha, và Con và Thánh Thần” được nâng lên và tuôn đổ xuống từ Thánh Giá.

(Jn. M. Vương Tế Ngôn dịch theo Mysticpost.com)

back to top
Filters