News Filters

CHỨNG TÁ ĐỜI SỐNG QUA VIỆC BỔN PHẬN (TỰ HUẤN LUYỆN)

30 Tháng Mười 2020

CHỨNG TÁ ĐỜI SỐNG QUA QUA VIỆC BỔN PHẬN

(TỰ HUẤN LUYỆN)

I.- ANH CHỊ EM ĐƯỢC HUẤN LUYỆN và BỔN PHẬN TỰ HUẤN LUYỆN

1.- Nếu mỗi Anh Chị Em  chấp nhận việc huấn luyện như một trách nhiệm bản thân, thì việc huấn luyện không những là một yếu tố giúp tăng trưởng cá nhân, mà còn là phúc lành cho cộng đoàn, và một nguồn năng lực phong phú cho hoạt động tông đồ nữa (x. Huấn thị Những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Giáo Hội về đời tu số  46).

2.- Việc huấn luyện Anh Chị Em  nhằm giúp Anh Chị Em  trở nên những Con Người XV, những Con Người Sức Sống Chúa Kitô (Christ Vitalitas), những Con Người Lời Chúa Kitô (Christ Verbum), những Con Người Sự Sống Chúa Kitô (Christ Vita), những Con Người Sức Mạnh Chúa Kitô (Christ Vires). Những Con Người ở lại trong sự sống lại và sự sống của Chúa Ki-tô (x. Ga 11,25). Những Con Người mặc lấy Chúa Ki-tô Phục Sinh (x. Rm 13,14), và Chúa Ki-tô Phục Sinh sống trong Anh Chị Em  (x. Gl 2,20). Đối với Anh Chị Em  mặc lấy Đức Ki-tô trong sự khó nghèo, tình yêu, và sự vâng phục của Người phải là mục tiêu chính yếu của đời mình (x. Huấn thị Những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Giáo Hội về đời tu số  45).

3.- Anh Chị Em  giữ luật từng cộng đoàn trong Cộng Đồng XV đòi một truyền thụ đích thực hơn là giáo huấn lý trí và rèn luyện ý chí, truyền thụ ấy nhằm Ki-tô hoá toàn diện con người Anh Chị Em  từ tận thâm tâm theo tám mối phúc thật của Phúc Âm. Thay vì Anh Chị Em  nhìn những quy luật dưới khía cạnh bắt buộc, thì một lương tâm sáng suốt sẽ nhận định ra theo những lợi ích mà những quy luật mang lại và bảo đảm cho đời sống thiêng liêng sung mãn hơn.  (x. Tông Huấn Chứng tá Phúc Âm số  36).

4.- Việc huấn luyện toàn diện phải bao trùm mọi lãnh vực của đời sống Ki-tô hữu và đời sống thánh hiến. Do đó, phải chuẩn bị nhân bản, văn hoá, thiêng liêng và mục vụ, sao cho các yếu tố đó được hội nhập hài hoà với nhau (x. Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến số  65).

5.- Việc huấn luyện phải thấm nhập sâu xa chính con người, phải bao trùm toàn diện con người, sao cho toàn bộ cách ăn ở, trong những lúc quan trọng và trong những lúc bình thường của cuộc sống, cho thấy người đó vui sướng thuộc về Chúa cách trọn vẹn. Việc huấn luyện phải bao trùm toàn diện con người trong mọi khía cạnh nhân cách của người đó, trong cách ăn ở cũng như trong các ý hướng. Vì nó nhằm biến cải toàn bộ con người, nên nhiệm vụ đào tạo không bao giờ chấm dứt (x. Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến số  65).

6.- Việc huấn luyện hệ tại ở việc Anh Chị Em  trở thành môn đệ Đức Ki-tô mỗi ngày một hơn, bằng sự kết hợp với Người và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô. Điều đó có nghĩa là càng ngày càng phải thấm nhuần tâm tình của Đức Ki-tô, mỗi ngày một tham dự sâu hơn vào cuộc hiến dâng của Người cho Chúa Cha và phục vụ Anh Chị Em  Người trong đại gia đình nhân loại (x. Huấn thị Những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Giáo Hội về đời tu số  45).

7.- Việc huấn luyện là quy trình sống đưa Anh Chị Em  tới chỗ hoán cải, trở về với Ngôi Lời Thiên Chúa từ trong thâm tâm, và đồng thời Anh Chị Em  học được nghệ thuật nhận ra dấu chỉ của Thiên Chúa giữa các thực tại trần thế (x. Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến số  68). Tiến trình đó đòi hỏi một sự hoán cải đích thực. “Mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô ” đòi phải từ bỏ mình và bỏ tính ích kỷ (x. Huấn thị Những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Giáo Hội về đời tu số  45).

 

II.- BỔN PHẬN THEO ĐỨC HỒNG Y PHANXICO XAVIER NGUYỄN VĂN THUẬN

Trong sách “Đường Hy Vọng” Đức Hồng Y Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận có viết một số câu về bổn phận rất hay. Anh Chị Em trong Cộng đồng XV rất nên đọc để ý thức sâu sắc về Thánh Ý Chúa qua bổn phận của Anh Chị Em.

1.- Bổn phận là ý Chúa trong giây phút hiện tại (Sách Đường Hy Vọng số 17).

2.- Thánh hóa bổn phận của con. Thánh hóa người khác nhờ bổn phận con. Thánh hóa chính mình con trong bổn phận (Sách Đường Hy Vọng số 119).

3.- Nếu ai cũng thánh hóa trong bổn phận, thì tâm hồn mới, gia đình mới, thế giới mới (Sách Đường Hy Vọng số 20).

4.- Một vị thánh ngoài bổn phận là thánh ở xa xa thường hay "làm phép lạ" sái nơi, sái giờ. Đến gần thì gây lộn xộn, và hoang mang khó sống (Sách Đường Hy Vọng số 21).

5.- Thế giới không đổi mới, vì người ta quan niệm sự thánh thiện ngoài bổn phận (Sách Đường Hy Vọng số 23).

6.- Thợ nên thánh ở công xưởng, lính nên thánh ở bộ đội, bệnh nhân nên thánh ở bệnh viện, học sinh nên thánh ở học đường, nông phu nên thánh ở ruộng rẫy, linh mục nên thánh trong mục vụ, công chức nên thánh ở công sở. Mỗi bước tiến là một bước hy sinh trong bổn phận (Sách Đường Hy Vọng số 24).

7.- Các thánh không nên thánh vì nói tiên tri hay làm phép lạ. Các ngài đâu làm gì lạ! Họ chỉ chu toàn bổn phận (Sách Đường Hy Vọng số 25).

8.- Sống bổn phận hiện tại không phải là thụ động, nhưng: là liên lỉ canh tân, là quyết định chọn hay chối Chúa, là tìm nước Chúa, là tin ở tình yêu vô bờ của Chúa, là hành động với tất cả hăng say, là thể hiện mến Chúa yêu người, "ngay trong giây phút này." (Sách Đường Hy Vọng số 26).

9.- Bổn phận là giấy vào nước Trời: "Ai thực hiện ý Cha Ta trên trời, sẽ vào nước trời." (Sách Đường Hy Vọng số 27).

10.- Chấp nhận thánh ý Chúa; vâng theo thánh ý Chúa; yêu mến thánh ý Chúa. Con chọn hạng nào? (Sách Đường Hy Vọng số 28).

11.- Nếu Chúa muốn con chịu sỉ nhục vì bổn phận, chính lúc ấy Chúa cho con vinh hiển vì Thánh giá Chúa (Sách Đường Hy Vọng số 29).

12.- Chỉ cần làm bổn phận trong giây phút hiện tại là nên thánh. Một khám phá, một mặc khải đem bình an và phấn khởi cho tâm hồn con (Sách Đường Hy Vọng số 31).

13.- thương thuyết đòi điều kiện trong bổn phận, vì không theo ý Chúa, vì theo ý Chúa có giới hạn mà tâm hồn con khắc khoải, bất an (Sách Đường Hy Vọng số 34).

14.- Không gắn bó với ý Chúa từng giây phút, con sẽ bỏ dở đường hy vọng, vì con cho bổn phận bình lặng, vô danh và đồng điệu quá! (Sách Đường Hy Vọng số 35).

15.- Trong cuộc sống hàng ngày, Chúa ban cho ta hạnh phúc tham dự mâu nhiệm cứu rỗi. Đối với mỗi người, con đường thánh giá đi theo con đường bổn phận (Sách Đường Hy Vọng số 38).

 

Tu Viện Philip Phan Văn Minh, ngày 01 tháng 02 năm 2018

Tu Sĩ Giuse-Maria Trương Văn Trung, XV.

Người Sáng Lập Cộng Đồng XV

back to top
Filters