News Filters

LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM THANH BẦN

30 Tháng Mười 2020

 

LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM THANH BẦN

 

1.- Mê Lợi lộc gồm có tội ghen tị và tội hà tiện tham lam. Mê của cải người (tội ghen tị) và mê của cải mình (tội hà tiện tham lam) được biến đổi nhờ lời khấn khó nghèo. Đức thanh bần Phúc Âm giúp con người biến đổi tất cả những gì bắt nguồn từ đam mê của con mắt (Tông Huấn Hồng ân cứu chuộc, số 9). 

                        KHÓ NGHÈO    ≠     MÊ LỢI LỘC (Ghen tị, Hà tiện)

                               Yêu người    ≠     Mê của cải người (Ghen tị).

                           Thanh thoát     ≠   Mê của cải mình (Hà tiện, tham lam).

2.- Lời khuyên Phúc Âm thanh bần nhằm noi gương Đức Ki-tô, Đấng vốn giàu có đã trở nên nghèo khó vì chúng ta (x. Giáo Luật 600) . Lời khuyên thanh bần đòi hỏi các Tu sĩ một cuộc sống nghèo trong thực tế và trong tinh thần, chịu khó lao động, thanh đạm và thanh thoát đối với của cải vật chất (x. Huấn thị Những yếu tố cốt yếu về đời tu 20) .

3.- Lời khuyên thanh bần còn bao hàm sự lệ thuộc và sự hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản : Các Tu sĩ từ bỏ quyền sử dụng cũng như quyền tự do định đoạt tài sản của mình, tuỳ thuộc vào Bề Trên chính thức trong Hội Dòng để có những của cải vật chất mình cần, các Tu sĩ để các tặng vật và thu nhập làm tài sản chung của cả cộng đoàn, chấp nhận một nếp sống giản dị và tham dự vào nếp sống đó (x. Huấn thị Những yếu tố cốt yếu về đời tu 16). 

4.- “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Các Tu sĩ sống nghèo khó trong tinh thần khi họ sống khiêm nhường trong tâm hồn, và sống từ bỏ mình (x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 2546). Đức Ki-tô, Đấng nghèo khó nhất trong cái chết của Người trên thập giá, đồng thời cũng là Đấng làm cho chúng ta  được nên giàu sang vô tận nhờ sự sung mãn của cuộc sống mới, qua sự phục sinh (x. Tông Huấn  Hồng ân cứu chuộc 12).

5.- Chúng ta biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì chúng ta, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng ta trở nên giàu có (x. 2 Cr 8,9). Người là Thầy và là người phát ngôn về sự khó nghèo làm cho các Tu sĩ nên giàu sang. Sự giầu sang vô tận này, khi được ban tặng cho linh hồn họ ngang qua mầu nhiệm ân sủng, thì tạo nên trong chính các Tu sĩ, chính nhờ sự nghèo khó, một nguồn mạch làm cho người khác được nên giàu sang, không thể sánh ví được với những gì do của cải vật chất sinh ra (x. Tông Huấn  Hồng ân cứu chuộc 12).

6.- Các Tu sĩ hãy lưu ý điều khiển tâm tình của mình cho đúng đắn, để việc sử dụng các của cải trần gian và lòng quyến luyến sự giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Phúc Âm, không cản trở các Tu sĩ theo đuổi đức ái trọn hảo (x. Hiến chế Tín lý về Giáo Hội 42). Các Tu sĩ cũng cần biết rằng phải sống khó nghèo theo gương Đức Ki-tô trong việc sử dụng những của cải đời  này vốn cần thiết cho nếp sống hằng ngày. Trong đời sống hằng ngày, cả đời sống bên ngoài nữa, các Tu sĩ phải nêu lên những bằng chứng của sự khó nghèo đích thực (x. Tông Huấn Chứng tá Phúc Âm 16).

7.- Sống lời khấn thanh bần trong việc tuân phục tuyệt đối thánh ý Chúa là biết dùng của cải đúng ý Chúa muốn, và tín thác vào tình yêu Thiên Chúa quan phòng khi sống giây phút hiện tại với tất cả niềm vui trong việc “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những điều khác, Người sẽ thêm cho. Vậy, các Tu sĩ đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt  6,33-34).

8.- Các Tu sĩ sống đức thanh bần là chấp nhận đời sống lao nhọc cần cù, bằng những hành động cụ thể và khiêm tốn, khước từ tư hữu và sẵn sàng từ bỏ để được tự do hơn trong sứ vụ của họ. Các Tu sĩ hãy biết thán phục và trân trọng những công trình sáng tạo cũng như đồ dùng họ đang sử dụng: hòa mình với Cộng đoàn trong mức sống ; thành thực muốn để mọi sự làm của chung và lãnh nhận tùy theo mức cần thiết (x. Huấn thị Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các Hội dòng 14). Các Tu sĩ làm việc để mưu sinh cho chính mình, mưu sinh cho anh chị em của mình, và để giúp đỡ những người nghèo, đó là bổn phận của họ. Nhưng những hoạt động của các Tu sĩ không được trái với ơn kêu gọi của Hội Dòng của họ, cũng không thể cho phép họ thường xuyên làm những công việc thay thế nhiệm vụ riêng biệt của Hội Dòng (x. Tông Huấn Chứng tá Phúc Âm 20).

 

Tu viện Philip Phan Văn Minh, ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Tu sĩ Giuse Maria Trương Văn Trung, XV.

Người Sáng Lập

Hội Dòng Sức Sống Chúa Kitô

back to top
Filters