PHỎNG VẤN ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC HENRYK HOSER NHÂN DỊP KỶ NIỆM NĂM THỨ 40 ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI MỄ DU
02 Tháng Tám 2021
PHỎNG VẤN ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC HENRYK HOSER NHÂN DỊP KỶ NIỆM NĂM THỨ 40 ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI MỄ DU
Ngày 25-06-2021
Cha Łukasz Gołaś, SAC : Con xin chào Đức Tổng Giám Mục, Đức Cha Henryk Hoser nhân ngày quan trọng này, ngày Kỷ Niệm năm thứ 40 Đức Mẹ hiện ra tại Mễ Du, 24-25 tháng 06. Đây là ngày kỷ niệm rất quan trọng, nó là một thời điểm quan trọng ở Mễ Du là nơi đến của những người hành hương, nhưng con nghĩ đó cũng là điều quan trọng trên toàn thế giới.
Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser : Chẳng có gì phải nghi ngờ, đây là một ngày Lễ Kỷ Niệm tuyệt vời cho tất cả những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến Mễ Du với số người rất đông, vì thế niềm vui này cũng mở rộng ra trên bình diện quốc tế. Tôi muốn thu hút sự chú ý của Cha là con số 40 có một ý nghĩa Kinh Thánh, nó là thời điểm một sự thể gì đó quan trong xảy ra. Thật vậy, có sự thể nào đó đã xảy ra ở nơi này, vẫn tiếp diễn và đang phát triển hơn nữa.
Tôi có thể nói rằng mọi sự đã bắt đầu với lời chứng của 6 đứa trẻ, cả nam và nữ, đang trong độ tuổi thanh thiếu niên, họ cho biết là đã nhìn thấy Đức Mẹ ở trên quả đồi mà ngày nay gọi là Đồi Hiện Ra. Đức Mẹ tự giới thiệu mình là Nữ Vương Hòa Bình, mời gọi chúng ta hoán cải, sám hối tội lỗi, sống hòa hợp với Thiên Chúa và lan tỏa bình an ra thế giới. Mới thoạt đầu, các thị nhân gặp gỡ nhau như là một nhóm người, sau đó, theo thời gian trôi qua, họ có những trải nghiệm và những cuộc gặp gỡ Đức Mẹ riêng rẽ khác nhau, như họ gọi, một số trải nghiệm có liên quan đến họ. Đó là chủ đề căn bản, trong lúc mà Giáo Hội chưa công nhận những cuộc hiện ra như thế. Những cuộc hiện ra này có đặc tính hoàn toàn khác với những cuộc hiện ra “cổ điển” đã diễn ra tại Lộ Đức hay tại Fatima. Đây là một trong những lý do Giáo Hội không vội vàng đưa ra phán quyết của mình. Các Sứ Điệp của Đức Mẹ chẳng có gì mới mẻ, Mẹ mời gọi chúng ta luôn hoán cải, cầu nguyện, ăn chay, sám hối, sống các Bí Tích, ngõ hầu chúng ta tìm thấy Chúa Giêsu Kitô trong đời sống của mình. Khi Đức Mẹ nói về những người vô tín, Đức Mẹ không dùng từ ngữ đó, mà chỉ nói đó là những người chưa được biết đến tình yêu của Thiên Chúa.
Như thế, hiện tượng Mễ Du đã bắt đầu cách nay 40 năm. Linh đạo và địa điểm này lần đầu tiên được khám phá ra bởi người dân sinh sống ở đây tại Bosnia-Herzegovina, Croatia và sau đó linh đạo này mở rộng ra phần còn lại của thế giới. Trước khi xảy ra trận đại dịch hiện nay đã khoảng 2 triệu người đến Mễ Du, đây là một địa điểm rất nổi tiếng thu hút nhiều khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới. Nó là một nơi rất quan trọng đối với vùng Đông Nam Ban-căng, giống như Częstochowa là địa điểm nổi tiếng ở đất nước Ba Lan. Người ta đến Mễ Du để xưng tội, họ đến đây nhân những ngày lễ lớn. Ngay cả trong thời gian xảy ra trận đại dịch, những người hành hương ở địa phương đã có mặt trong các Thánh Lễ và trong những ngày mừng lễ. Nhờ có tất cả những điều này mà Mễ Du tỏa ra bầu khí đặc biệt và độc đáo.
Đã 40 năm qua, đó là 40 năm trưởng thành và lớn dậy. Đó là 3 thời kỳ khác nhau :
Thời kỳ đầu tiên là thời nước Nam Tư cũ, thời kỳ chế độ cộng sản cai trị. Cách này hay cách khác có thể so sánh thời kỳ này với thời kỳ xảy ra sự kiện Fatima, vì chế độ cai trị này đã bách hại các thị nhân và các Linh Mục chăm sóc các thị nhân. Vào thời đó, có Linh Mục đã bị kết án hai năm tù chỉ vì Linh Mục đó đã bảo vệ, đã bênh vực Mễ Du và từ chối tuyên bố rằng tất cả đều là dối trá, mà khẳng định đó là sự thật. Vì thế, đây thời kỳ khá khó khăn, tương tự như Fatima, ở đó cảnh sát công an và các ban ngành của nhà nước được sự chỉ đạo của Tam Điểm đã hành hạ các trẻ mục đồng, trong khi ở Mễ Du đây sự ngược đãi bách hại do những người cộng sản khởi xướng.
Thời kỳ thứ hai là thời kỳ chiến tranh. Chiến tranh xảy ra ngay tại Mễ Du, tuy thế mà nơi đây vẫn yên bình. Mễ Du là nguồn sức mạnh cho tất cả mọi người và là nguồn trợ giúp về vật chất, bởi vì viện trợ nhân đạo đã đến từ sự trỡ giúp về mặt vật chất đó, phần lớn là từ nước Ý. Viện trợ này đã được trao cho những nơi cần được viện trợ nhất.
Sau chiến tranh, một nhà nước non trẻ của Bosnia-Herzegovina đã phát triển nhờ Hiệp Định Hòa Bình Dayton, đây là nhà nước được tạo thành từ 3 thực thể tôn giáo : người Hồi Giáo (chiếm đa số), người Chính Thống Giáo và người Công Giáo La Mã ở phía nam đất nước.
Bối cảnh địa lý của Mễ Du là như thế, trong khi đó, Mễ Du lại mời gọi Hòa Bình, Thống Nhất.
Bất luận thế nào, nơi này khiêm tốn giản dị về mặt kiến trúc, nó khiêm tốn hơn Lộ Đức hoặc Fatima, nếu chúng ta tính đến lúc các cuộc hiện ra ở những nơi đó. Ở Mễ Du đây chúng ta có một địa thế hình tam giác đơn, ở một góc tam giác chúng ta có ngôi nhà thờ giáo xứ, góc thứ hai là Đồi Hiện Ra và góc thứ ba là Núi Thánh Giá là nơi đã dựng lên cây Thánh Giá cao 8 mét vào năm 1933 nhân dịp Năm Thánh Kỷ Niệm 1900 năm Cuộc Khổ Nạn của Chúa chúng ta.
Do trận đại dịch, số người hành hương đã giảm, nhưng họ vẫn tiếp tục đến, tất nhiên là từ những quốc gia lân cận. Con số người hành hương hiện nay đang gia tăng và trong dịp Kỷ Niệm năm thứ 40 Đức Mẹ hiện ra này, nhiều người hành hương đã đến đây, trên ít nhất là 50 chuyến xe buýt từ Ba Lan, 30 chuyến xe buýt từ U-crai-na, như thế là người hành hương đã lại trở lại nơi này.
Điều đặc trưng của Mễ Du là tấm lòng khao khát được trở lại lần nữa của những người đã một lần đến đây sẽ tiếp tục quay trở lại. Thật vậy, có nhiều người đang quay trở lại đây vài lần. Tôi có biết một người ở Tổng Giáo Phận Vác-sa-va đã đến đây ít nhất một lần mỗi tháng. Đây là hiện tượng chân thực đối với tôi. Đối với tôi, đó là cách diễn đạt hiện tượng Mễ Du thích hợp nhất. Tại sao thế ? Trước hết, vì các cuộc hiện ra của Đức Mẹ vẫn chưa được công nhận, sau đó bởi vì Mễ Du chưa có một quy chế chính thức nào, đây chỉ là một giáo xứ chứ không hơn. Mễ Du không có quy chế của một Đền Thánh, thậm chí không phải là điểm đến hành hương, nhưng trên thực tế (de facto) nơi này đã được Giáo Hội công nhận tuy chưa chính thức. Nhờ Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, chúng ta có những sắc lệnh mang lại cho Mễ Du hình ảnh hợp pháp nhất định, vị Kinh Lược Sứ Tông Tòa với vai trò đặc biệt đối với giáo xứ Mễ Du đã được bổ nhiệm, sau đó là quyết định xóa bỏ tất cả các hạn chế về tổ chức các chuyến hành hương và cho phép các Đức Giám Mục và các Đức Hồng Y được phép đến đây, tất cả các vị ấy kể cả các Linh Mục có thể chính thức tổ chức hành hương và cử hành Phụng Vụ ở nơi này.
Vì vậy, trên thực tế, chúng ta đã có những yếu tố hoạt động và cho phép những người hành hương đến đây một cách dễ dàng hơn, tuy nhiên, việc đến đây của họ bây giờ hơi khác một chút. Năm nay chúng tôi cũng đang lập kế hoạch tổ chức Đại Hội Giới Trẻ sẽ khiêm tốn giản dị hơn trước. Một số các vị Giám Mục không thể đến với Đại Hội Giới Trẻ năm nay vì nhiều lý do khác nhau, nhưng vẫn có một số vị Giám Mục vẫn tiếp tục đến, và tôi cần biểu lộ lòng tri ân đối với cộng đoàn Phan Sinh tại địa phương này. Vai trò của họ cũng giống như vai trò của các Giáo Phụ Pauline ở Częstochowa, nhờ họ và nhờ sự kiên trì của họ, Mễ Du vẫn còn đang lớn mạnh và phát triển.
Cha Łukasz Gołaś, SAC – Hỏi : Thưa Đức Tổng Giám Mục, trong những ngày này, ngày 24 và 25 tháng Sáu, sẽ có nhiều người đến Mễ Du. Đức Cha có thông điệp nào không cho tất cả những người đến đây và tham dự ngày Lễ Kỷ Niệm trọng đại này ?
Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser – Đáp : Điều đầu tiên Đức Mẹ đã nói ở Mễ Du – là lời mời gọi sám hối, hoán cải, bình an và khám phá ra Chúa Giêsu Kitô trong đời sống chúng ta. Phương diện thứ hai rất quan trọng là các hoạt động của Mễ Du là một đời sống theo các Bí Tích. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta thường thiếu thốn các Bí Tích. Chúng ta có thể nói đời sống của chúng ta quá thuộc về chủ nghĩa nhân văn chứ không quá thuộc về tôn giáo, nhất là về mặt đức tin và tính chất Công Giáo. Nơi này nhắc nhở chúng ta sự tương giao giữa con người với Thiên Chúa quan trọng như thế nào. Chúng ta có những mối quan hệ theo chiều ngang khác biệt với người khác, những mối quan hệ đang được phát triển nhiều hơn hoặc có lẽ không quá nhiều, còn mối quan hệ với Thiên Chúa lại thật hờ hững rất nhiều. Mối quan hệ với Thiên Chúa được tạo nên từ sự tiếp xúc ngay lập tức giữa Thiên Chúa với con người, được biểu lộ trong việc cầu nguyện hàng ngày và trong lối sống thích hợp. Chúng ta cần phải làm chứng nhân trong nền văn hóa Kitô Hữu, trong hành vi, trong luân lý xã hội và cá nhân chúng ta. Điều này đã được nhấn mạnh trong thời các Tông Đồ. Tôi nghĩ những yếu tố này đang hiện diện rất nhiều trong Sứ Điệp Mễ Du và người ta luôn vui vẻ trở lại với đời sống hàng ngày của họ và mang trong lòng những hoa trái mà họ nhận được trong quá trình hành hương.
(Jn. M. Mai Thy Sơn dịch theo Medjugorje.hr)