PHẦN V : ĐỨC MẸ LÀM TA PHÁT TRIỂN BỞI VIỆC CẦU NGUYỆN *** Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
27 Tháng Năm 2021
PHẦN V
ĐỨC MẸ LÀM TA PHÁT TRIỂN BỞI VIỆC
CẦU NGUYỆN
I- ĐỨC MẸ CHUẨN BỊ TA CẦU NGUYỆN.
II- ĐỨC MẸ DẠY TA CẦU NGUYỆN TRONG
VUI MỪNG.
III- ĐỨC MẸ DẠY TA CẦU NGUYỆN TRONG
LÒNG TIN.
-I-
ĐỨC MẸ CHUẨN BỊ TA CẦU NGUYỆN
1.- Lòng Đạo-Đức Của Chúa Kitô và Mẹ Ngài
Chúa Giêsu nói với phụ nữ xứ Sa-ma-ri: “Giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế.” (Ga 4.23). Chúa Giêsu đã xuống thế để đào tạo và kết nạp những người thờ phượng trong thần khí và sự thật ấy, những kẻ sẽ dâng lên Thiên Chúa sự thờ phượng hoàn hảo, mà Cha trên trời mong đợi từ ngày sáng tạo vũ-trụ.
Thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật nghĩa là gì? Nghĩa là nhờ Thần khí linh động, đem trí khôn và ý chí nhân loại của ta đáp lại cách hoàn toàn những đòi hỏi của quyền lợi vô cùng của Thiên-Chúa. Và là tôn kính Thiên Chúa đúng như sự thật Người đã mặc khải ra cho ta, là hạ mình thẳm sâu khiêm cung trước đức hoàn thiện của Người, là ngưỡng mộ, là ca tụng và vui sướng về hạnh phúc Người, và hiến thân trong hoan lạc để thi hành ý muốn của Người. Nói tóm, đó là sự tôn kính hoàn toàn bởi suy phục và tình yêu.
Chúa Giêsu đã thờ phượng như thế. Đời sống nội tâm của Ngài là một việc thờ phượng liên lỉ. Trong Ngài có một sức kéo Ngài hạ mình trước Chúa Cha, khiến cho Ngài đến như ra hư không, vì Ngài – xét theo phần xác – cũng là tạo vật, vậy là hư vô. Theo tư cách là con người, Đức Giêsu nhận từ lòng rộng rãi Thiên Chúa tất cả sự toàn thiện của mình. “Mọi sự Cha đã ban cho Con đều do Cha tất cả.”(Ga 17.7). Tràn đầy bỡ ngỡ trước bao đặc ân nhận được trong Nhân tính, nên Ngài thấy cần phải biết ơn luôn mãi không ngừng về sự phong phú tràn trề nhận được từ quyền tối thượng của Thiên Chúa: “Cũng như Chúa Cha có sự sống trong mình, thì Người cũng ban cho Con được có sự sống trong mình như vậy” (Ga 5.26).
Đức Giêsu vui sướng được ca ngợi và tuyên xưng sự toàn thiện vô biên của Thiên Chúa, được thỏa nguyện và toại trí trong đó. Toàn thân Đức Giêsu đắm mình trong sự phượng thờ liên lỉ ấy, vốn không chỉ là nhìn nhận với tình mến yêu các quyền lợi vô cùng của Thiên Chúa, nhưng còn là vui vẻ từ bỏ quyền lợi mình: “Là phận của một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải khư khư giữ lấy cho bằng được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa, song Ngài đã hủy mình ra không khi lãnh lấy thân phận tôi đòi trở thành giống hẳn người ta” (Ph 2.6-7); và có một nhu cầu thúc bách Ngài tận tụy mưu sự vinh hiển cho Thiên-Chúa: “Con đã tôn vinh Cha dưới đất, đã chu toàn công việc Cha giao phó cho Con làm.” (Ga 17.4)
Không tạo vật nào đã hạ mình hơn Ngài trước oai nghi Thiên-Chúa. Không tạo vật nào đã tràn ngập tôn kính hơn Ngài trước sự toàn thiện của Thiên-Chúa, và không tạo vật nào cảm thấy một mong muốn mạnh mẽ hơn được hy sinh mình để làm vinh hiển Thiên-Chúa.
Vì thế, ngay khi còn trong lòng Mẹ, Ngài đã thốt lên: “Lạy Cha, này con đến để thi hành ý Cha” (Hr 10.7), Ngài đã khiêm nhường đến mức ấy, ngay cả trước mặt người trần. Lẽ công bình đòi vậy, cũng như tình yêu đòi. Ngài sống cuộc đời, không phải như một người được hầu hạ, nhưng như kẻ hầu hạ: “Hỡi tính kiêu ngạo, hãy tan vỡ trước cảnh ấy! Giêsu, con bác thợ mộc, và sau đó cũng là thợ mộc, mọi người đều biết Ngài làm việc ấy và chẳng thấy ai nói đến việc làm nào khác của Ngài”[1].
Sau Đức Giêsu, tạo vật đầu tiên đã đáp lại hoàn toàn các ước muốn của Thiên Chúa là Đ.Maria: Đức Mẹ đã là người thờ phượng hoàn hảo, bởi kết hợp với sự thờ phượng của Con của Người, với đời sống Ngài, với hiến tế của Ngài, và bởi hiến thân hy sinh cùng với Ngài để thiết lập Thống trị Thiên Chúa trên trần gian,
Đức Mẹ đã theo Ngài trong các mầu nhiệm của Ngài, vì là Mẹ Ngài, và là Người cộng tác với Con mình trong việc cứu chuộc. Mà trong mỗi một mầu nhiệm đó, công việc chung đầu tiên của Hai Đấng là tìm làm vinh hiển cho Thiên-Chúa, là vâng phục và thờ lạy. Cùng một nhu cầu thờ phượng và hạ mình đã làm hai Đấng trở nên thấp hèn trước Thiên-Chúa.
Đức Mẹ hạ mình khiêm nhường là để tạ ơn, theo lời Người nói với bà chị họ: “Chúa đã đoái nhìn thân phận mọn hèn của nữ tỳ Người”(Lc 1.48). Đức Mẹ thấy Thiên Chúa cao cả cúi mình trên yếu đuối mọn hèn của Mẹ, để làm Mẹ nên kiệt tác của Chúa, để làm Mẹ thành Mẹ của Con Chúa, và đã ban tràn đầy ơn sủng và đức thanh khiết cho Mẹ. Nhưng tất cả các cái đó, là ơn huệ ban dưng không của tình yêu. Như Chúa Giêsu đã nói lên khi còn trong lòng Mẹ: “Này con đến”, Mẹ cũng nói sau Ngài: “Này tôi là nữ tỳ Chúa” (Lc 1.38) diễn tả trạng thái tâm hồn thường xuyên hạ mình và biết ơn của Mẹ.
Như Giêsu, Mẹ sẽ phó mình cho thánh ý Chúa. Cùng với Giêsu, Người sẽ hiến thân, sẽ đau khổ, và sẽ cầu nguyện như Ngài. Mẹ cũng đắm mình thẳm sâu trong vực sâu khiêm nhường, như thành ra hư không trước Đấng – tuy đã đổ tràn xuống trên Người những ơn sủng – nhưng vẫn luôn mãi là Đức Chúa.
Do đó, Người chấp nhận vâng phục, nhất là sự vâng phục làm Người phải hạ mình, để nhờ sự hạ mình ấy, dâng lên Oai Nghi Thiên Chúa sự tôn kính liên lỉ. Mẹ muốn kết hợp với lòng đạo đức của Con mình: đó là một nhu cầu của tình mẫu tử. Khi Người được biết Con của mình là một tế vật[2] sẽ dâng tiến để làm vinh hiển Cha của Ngài: Mẹ cũng theo Con vào trong sự hy sinh ấy.
Chúa Giêsu đến trong trần gian, không phải như Con Thiên Chúa sáng láng vinh hiển, nhưng như tế vật đền tội nhân loại. Đ.Maria kết hợp với tâm trạng hạ mình ấy và “nhận làm một người Mẹ khiêm nhường hạ mình của một người Con hạ mình khiêm nhường”[3].
- Đ.Maria kết hợp ta với lòng đạo đức ấy của Con của Người. Tâm hồn nào chịu ảnh hưởng của Mẹ, được Mẹ cảm hứng cho biết yêu đức khiêm nhường, thì sẽ nhờ đó trổ sinh sự thờ phượng trong thần khí và sự thật, trong chân thật và tình yêu. Không có đức khiêm nhường căn bản ấy, lòng đạo đức sẽ là gì, nếu chẳng phải là một ảo tưởng?
Thiên Chúa yêu ta vô bờ bến, Người lợi dụng tất cả mọi cơ hội để tỏ cho ta thấy tình âu yếm của Người. Nhưng Người là Thiên-Chúa, Đấng vĩ đại vô biên, trước nhan Người, mọi tạo vật chỉ là hư vô: “Này các quốc gia như thể giọt nước bám miệng thùng, khác nào hạt cát dính bàn cân… Mọi nước chỉ là không không trước mặt Người, Người coi chúng chỉ là hư vô trống rỗng” (Is 40.15,17), nên lẽ công bằng đầu tiên đòi ta, vốn cũng chỉ là một tạo vật, phải thờ lạy Người. Người tín hữu tốt lành nào, dù chỉ hiểu sơ về Thiên Chúa thôi, họ cũng cảm thấy nhu cầu thúc bách phải thờ lạy và phủ phục mà nói cùng với Chúa Giêsu: “Lạy Cha Chí thánh” (Ga 17.11), và cùng với Hội Thánh mà tung hô: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời, là Chúa Cha Toàn năng!”[4]
Sự thờ lạy khiêm cung và đáng mến ấy là chóp đỉnh của phụng tự Kitô giáo. Trên trời, theo sách Khải huyền, sự thờ phượng ấy chiếm ưu thế, trên đó các thánh hằng phủ phục và đặt các triều thiên của các ngài lên bệ trước ngai rồng của Thiên Chúa (x. Kh 4.10). Việc thờ lạy đó là sự rung động của tình yêu trước Đấng vô biên, là hoa trái của ánh sáng thần linh. Thánh An-gê-la Phô-li-nhô nói: “Đó là ánh sáng của đức khiêm-nhường sinh ra tình yêu. Nhìn thấy hư vô của mình, thấy Thiên Chúa cúi xuống trên hư vô ấy, và lòng dạ Thiên Chúa siết chặt cái hư vô ấy, linh hồn liền cháy bừng lửa mến, được biến đổi và cúi mình thờ lạy.”
2.- Sự Thanh Khiết Nội Tâm
Sách “Gương phước”, ch.III, viết: “Khó tìm được tâm hồn chiêm niệm, vì ít người biết dứt mình hoàn toàn khỏi mọi tạo vật và các sự mau hư nát. Một trở ngại lớn cho sự chiêm niệm là người ta hay dừng lại ở những gì bên ngoài, những gì thuộc cảm giác, và ít lo hãm dẹp tính xác thịt hoàn toàn.” Nếu ta muốn sống đời Kitô hữu, ta cần phải tránh các thú vui tiêu khiển chơi bời trần tục, tránh đọc các sách vở hão huyền, những cuộc chuyện trò vô ích và quá kéo dài, những chuyện trò không vì lý do bác ái hay lễ độ đòi hỏi, chúng chỉ tổ làm cho lòng trí ta không còn chăm chú về Thiên Chúa, nhưng chứa đầy những ý nghĩ và hình ảnh trần tục…
- a) Thinh Lặng
Chúng ta rất cần giữ thinh lặng. Người ta ít nghe thấy chuyện trò trong nhà Na-da-rét. Thánh Gioan thánh giá nói: “Chuyện trò với người ta quá mức cần thiết, và lẽ phải không đòi hỏi, không bao giờ làm ích cho ai cả, dù người ấy thánh thiện đến đâu đi nữa.”
Xin nghe một đoạn “tự thuật” của một đấng thánh để thấy sự thinh lặng được quí trọng đến thế nào. Thánh Grê-gô-ri-ô Giáo Hoàng tự thuật: “Khi ở Đan viện, tôi có thể vừa giữ miệng lưỡi không nói lời vô ích, vừa hầu như liên lỉ cầm trí lo việc cầu nguyện. Nhưng một khi đã ghé vai mang gánh nặng mục vụ, thì tôi bị chi phối về nhiều chuyện nên không thể dễ dàng hồi tâm cầm lòng cầm trí được. [….]
“Vì địa vị bó buộc, tôi phải tiếp xúc với người đời, nên đôi khi tôi lơi lỏng trong việc giữ miệng lưỡi. Bởi nếu tôi luôn tự kiềm chế mình một cách nghiêm ngặt, thì tôi biết sẽ làm những kẻ yếu đuối xa lánh tôi, và chẳng bao giờ tôi lôi kéo được họ đến điều tôi mong ước (chẳng hạn: là họ ăn năn hối cải hay từ bỏ những việc xấu…), cho nên tôi thường phải kiên nhẫn nghe cả những chuyện vô ích của họ. Thế nhưng, vì bản thân cũng yếu đuối, nên dần dần tôi bị lôi cuốn vào những chuyện vô ích, và bắt đầu thích nói những điều mà trước kia tôi chỉ nghe một cách miễn cưỡng; nơi mà trước kia tôi sợ ngã xuống, thì nay tôi lại khoái nhào vào …” [5]
Giữ được thinh lặng bên ngoài chưa đủ. Sự trầm tĩnh bên trong cần hơn nhiều. Yên lặng bên ngoài ích gì, nếu bên trong rộn ràng những tiếng ồn ào? Thiên Chúa không ngừng tự thông ban mình cho chúng ta; Chúa Thánh Thần cũng không ngừng thông truyền những soi sáng siêu nhiên, như thể những mặc khải riêng tư soi chiếu mỗi ngày cho ơn kêu gọi của ta; những ánh sáng cho trí khôn, những sức lực cho ý chí. Linh hồn trầm tĩnh (= giữ được sự thinh lặng bên trong bên ngoài) sẽ nhận được những soi sáng thúc giục ấy.
Linh hồn đã đến gần sự thánh thiện, khi sự trầm tĩnh đã làm cho hồn có đủ tinh tế mà đón nhận, và đủ nhanh nhẹn để làm theo những soi sáng kia. Chỉ vì trong lòng luôn xao lãng, mà một số linh hồn không biết ơn thiên triệu đặc biệt của mình, còn nói gì đến việc thực hiện. Tác giả Thánh vịnh 109 nói: “Tôi luôn giữ chặt linh hồn trong tay, nên tôi không bao giờ quên luật Chúa.”
Đức Mẹ giữ thinh lặng bên ngoài, trầm tĩnh bên trong. Đời Người phần nhiều là một thinh lặng kéo dài. Người chăm chú nhìn Con mình với lòng ngưỡng mộ. Người nghe Con nói, và suy gẫm những mầu nhiệm mà Người chứng kiến. Thánh sử Luca nói cho ta về “những điều Người hằng suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2.19,51), về các mầu nhiệm của Con của Người: trong những cuộc suy niệm trong lòng ấy, Mẹ cứ khám phá càng ngày càng hơn sứ mệnh của Người và của Con mình, cả những ý nghĩ và ý muốn của Thiên Chúa về phần rỗi nhân loại.
- b) Từ Bỏ Mình
Để chuẩn bị chúng ta cầu nguyện, Đức Mẹ gây trong ta lòng ham thích sự trong sạch nội tâm, làm ta tiến gần tới sự thanh sạch vẹn toàn, là ơn huệ riêng của Mẹ. Sự từ bỏ mình chính là cái chuẩn bị chúng ta tới đó. Chúa Giêsu phán dạy: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình.” (Mt 16.24; Mc 8.34; Lc 9.23). Càng tiến gần tới Thiên-Chúa, người ta càng thấm thía ý nghĩa thâm sâu của lời nói đó của Chúa Giêsu.
Phải từ bỏ mình, nói đơn giản hơn, phải quên mình đi, chỉ tìm Thiên Chúa thôi, để đạt tới mức có thể nói được như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi.” (Gal. 2.20)
Để tới được đó, phải làm gì ?
Nói chung chung, phải “đơn giản hóa” cuộc sống mình:
- Trong tâm trí: chỉ nhìn các biến cố, nhìn mọi người trong ánh sáng của Thiên-Chúa.
- Trong ý chí: chỉ nhắm một mục đích là ra sức thi hành ý muốn Thiên-Chúa.
– Trong lòng: tạo cho mình “những tâm tư như đã có trong Chúa Kitô” (Ph 2.5).
– Trong các tình cảm nội tâm: khước từ những điều viển vông do trí tưởng tượng bày đặt ra, làm sức mạnh tâm hồn bị phân tán; khước từ những lo lắng về tương lai; những nhớ nhung kỷ niệm đời quá khứ.
- Trong đời sống thường nhật: khước từ những ham thích và lòng yêu chuộng sự an lạc vui thú; thắng tính hay nhờm chán của mình; hãm mình trong việc ăn uống, trong việc may mặc, sắm đồ đạc trong nhà; không tìm kiếm những thỏa mãn tư riêng, vì “những ai thuộc về Chúa Kitô đã đóng đinh xác thịt vào thập giá.” (Gal 5.24)
- Trong cách cư xử bên ngoài: Nghe theo các thúc giục của ơn thánh, không quanh co, không mưu mô lươn lẹo ở những chỗ mà bổn phận của bậc sống và đức bác ái đòi hỏi; chu toàn bổn phận với lòng can đảm, và phú thác mọi sự trong tay Thiên Chúa quan phòng.
Linh hồn ấy cố thực hiện lời Chúa Kitô: “Hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự Công chính Người” (Mt 6.33). Khuynh hướng sâu xa nhất của linh hồn là uốn mình theo các thúc giục của Thiên-Chúa, và giữ mình luôn luôn tiếp xúc với Người. Linh hồn ước mong chớ gì có thể nói được như Thánh Phaolô: “Vì (yêu) Chúa, tôi đành mất hết, để được Ngài, Đức Kitô, Chúa tôi, và để được thuộc về Ngài.” (Ph 3.8-9). Tất nhiên, Thiên Chúa không trì hoãn ban mình cho linh-hồn sống theo gương Đức Mẹ mà từ bỏ mình.
Chúa Giêsu nói với Thánh nữ Ca-ta-ri-na Siên-na: “Con hãy nghĩ đến Ta, Ta sẽ nghĩ đến con”. Linh hồn hãy quên mình đi, và hãy đơn sơ hiến mình cho Chúa: Thiên Chúa sẽ làm những cái còn lại, tác động tẩy luyện của Người sẽ hành động trong tâm hồn ấy và sự sống thần linh sẽ xâm chiếm họ.
-II-
ĐỨC MẸ DẠY TA CẦU NGUYỆN TRONG
VUI MỪNG
1.- Niềm vui của Đ.Maria
Những mầu nhiệm thời thơ ấu của Đức Giêsu, dù có những việc đau đớn chiếm một chỗ khá lớn, nhưng vẫn đầy tràn những niềm vui mãnh liệt. Làm sao có thể tả được sự xúc động vui sướng của Mẹ Maria lúc Người thấy Giêsu lần đầu tiên trong hang Bê-lem. Khi cưu mang Giêsu trong dạ, Mẹ luôn tôn kính Giêsu trong âm thầm. Bây giờ thấy Ngài, Con của Mẹ và là “Con Đấng Tối cao” (Lc 1.32), Đấng từ thiên giới xuống với Mẹ, vì thế Đ.Maria đã đặt bao yêu đương và tôn kính trong cái nhìn Con lần đầu tiên ấy! Toàn thân Mẹ trút cả vào cái nhìn ấy, cái nhìn khiêm tốn, âu yếm và trong sáng biết bao, trong cái nhìn đó Đ.Maria biết rằng Người đang chiêm ngắm nơi Con của Người, bộ mặt nhân thế của Thiên-Chúa!
Nhưng than ôi! Mẹ đã thấy Ngài ở trong một tình trạng như thế nào! Bất lực như mọi trẻ khác, bần cùng hơn mọi trẻ khác. Nhưng Mẹ biết ơn cái bất lực, cái bần cùng đã khiến cho Mẹ phải luôn đến trợ giúp Ngài trong cuộc sống, và bày tỏ tình yêu thương của Mẹ ra bằng muôn nghìn cách, như mọi người mẹ làm cho con thơ của họ.
Hạnh-phúc của Mẹ là ân cần chu toàn mọi việc của một người mẹ. Mẹ bồng ẵm Ngài trong tay, quấn tã cho Ngài, mỉm cười với Ngài, vuốt ve Ngài một cách yêu thương đầy tôn kính. Vui sướng biết bao cho Đức Trinh Nữ được sống trong tình yêu khiêm cung song đầy âu yếm và nhiệt nồng, luôn ứa tràn lên trong Người!
Hài Nhi đó là Người của Thiên-Chúa, Mẹ tôn kính, là Con của Mẹ, Mẹ yêu thương.
Giêsu đáp lại tình Mẹ bằng tất cả sự phong phú huy hoàng của Trời cao. Giữa Giêsu và Mẹ Ngài có một giao tiếp về âu yếm, thương yêu và sự sống, một sự hiến ban cho nhau liên lỉ. Tất cả những gì Giêsu vui lòng ban cho Mẹ Ngài, Đ.Maria đều có khả năng lĩnh nhận và đáp lại. Người là “hiện thân của khả năng lĩnh nhận Giêsu, đầy tràn Giêsu”.
Người hoàn toàn là Mẹ, qui hướng về Giêsu, đã được tạo ra để thuộc về Giêsu và làm thỏa lòng Giêsu. “Trái tim của Đấng này chỉ sống, chỉ đập nhịp bởi Trái tim Đấng kia. Hai trái tim gần gũi nhau và thần thánh biết bao, sống cùng với nhau một đời cao cả đến nỗi chẳng có gì có thể cản trở hai trái tim ấy không thuộc về nhau, và chẳng có gì ngăn cản trái tim này không ở trong trái tim kia…” Và Đức Hồng Y Bê-ruyn-lơ còn nói thêm: “Đó là một bí nhiệm của trái tim, miệng lưỡi không thể diễn tả những dịu dàng và âu yếm ấy ra được.”[6]
Sự thân mật ấy là một nguồn hoan lạc vô biên cho Đ.Maria. Đ.Maria sung sướng vì được sống trong tình trạng ấy với Giêsu: được thuộc về Ngài hoàn toàn trọn vẹn, được lãnh bao ơn sủng làm cho Giêsu có thể dâng Mẹ lên Chúa Cha như một tặng vật kỳ diệu. Mẹ còn được liên kết mật thiết với Giêsu trong công cuộc của Ngài, và được làm vinh hiển cho Thiên Chúa trong một tế lể chung (với con Mẹ).
Và cứ như thế trong suốt cả đời phục vụ Giêsu. Mẹ không ngớt lấy tình thương và săn sóc mà ấp ủ thân mình Con Mẹ. Không bao giờ ngừng dâng Ngài lên Thiên Chúa. Đó là cử chỉ đầu tiên sau khi sinh Ngài ra ở Bê-Lem, và Mẹ tiếp tục dâng lại luôn, cách riêng ngày dâng Ngài vào Đền Thờ, khi được nghe những lời tiên báo bi thảm của cụ già tiên tri Si-mê-ong về vận mạng của Ngài, nhất là khi đứng bên Ngài bị đóng đinh thập giá trên núi Sọ.
Ở dưới mái nhà Nadarét, Mẹ và Giêsu sống bên nhau, cầu nguyện cùng nhau, làm việc bên nhau. Nếu sứ vụ Rao giảng đã đem lại sự chia ly, đó chỉ là chia ly bên ngoài, trong lòng, Đ.Maria kết hợp với Con luôn, theo dõi Con trong bước đường sứ vụ; nhất là Mẹ thờ lạy những lần Ngài biểu lộ thần tính ra và các môn đệ nam nữ của Ngài kể lại cho Mẹ, chẳng hạn lần Ngài quát bảo sóng gió yên lặng (Mc 39-41); lần Ngài đi trên nước biển (Mc 6.48-51); v.v... Nói tóm, mỗi hành vi của Con là một nguồn mạch yêu thương cho trái tim hiền mẫu của Người.
Hơn nữa, chẳng phải Người là nữ cộng tác viên trong công cuộc cứu chuộc hay sao? Trong các Mầu nhiệm của Chúa Giêsu, Mẹ dự một nửa phần với Ngài. Chức vụ làm Mẹ của Người khiến cho tất cả đều trở nên chung với Con mình.
2.- Các Nỗi Vui Của Ta.
Những đoạn ta vừa xem về đời của Đ.Maria, đem lại cho đời sống thiêng liêng của ta nhiều bài học.
Thường thường Chúa hay ban cho những người khởi sự sống đời thiêng liêng được tràn ngập vui mừng. Phải chăng đó là phần thưởng cho sự trở lại của họ? Hay đó là sự chuẩn bị những thử thách sắp tới? Cả hai ý ấy đều đúng. Bà thánh Têrêsa Mẹ nói: “Tôi xác tín rằng các ơn đó có mục đích củng cố sự yếu đuối của chúng ta và làm ta có thể chịu đựng theo gương Giêsu các nỗi đau khổ lớn lao”[7]. Dầu sao đó cũng là những ơn huệ của lòng nhân hậu Thiên-Chúa, và nếu ta lĩnh nhận cho nên, sẽ sinh ra nhiều hiệu quả quý báu.
Thường thường, các ân huệ ấy làm ta dứt bỏ quyến luyến các sự vật chất, ban cho ta can đảm phụng sự Thiên-Chúa, lôi kéo ta tới Người như tới nguồn phúc lạc chân thật. Đôi khi, đó là những cảm giác ngọt ngào tràn vào tâm hồn khi người ta ở trước nhà chầu, hay sau lúc đọc một đoạn Tin Mừng, hoặc sau lúc suy ngắm, … đó là điều mà Thánh Tô-ma nói: “Một thứ khoái lạc thiêng liêng đi kèm theo các việc nhân đức hoàn hảo”, ví dụ sau một hành vi tận tâm tận tụy, hay sau khi thắng một cơn cám dỗ. Đôi lần khác, cảm thấy một tâm tình yêu mến Thiên Chúa mãnh liệt, một sự yên tĩnh sâu xa, một sự bằng an của linh hồn yên nghỉ trong tình thân hữu với Thiên-Chúa.
Những nỗi vui sướng ấy rất khác các lạc thú giác quan, chúng là niềm hoan lạc cho tâm hồn, chúng mạnh mẽ giúp ta liên kết cách hoàn toàn với Chúa Kitô. Chúng là một nguồn ánh sáng: Biết bao người trong chúng ta, trong những giờ phút phúc lộc ấy, đã bắt đầu hiểu sự cao cả của Thiên Chúa và lòng nhân hậu của Người là thế nào, hiểu tội lỗi độc địa dường bao, và đã tràn trụa nước mắt khóc sự khốn nạn của mình trong quá khứ. Đồng thời ý chí cũng được tăng thêm sức mạnh mới.
Người tín hữu sẽ nếm được sự êm dịu ngọt ngào của Thiên Chúa và tình thương xót của Người. Khi sống trong ước ao các sự tốt lành vĩnh cửu, người tín hữu thấy mình nở tươi phơi phới. Thánh Bru-nô, tuy có tính điền đạm và hiền hậu, thế mà đôi khi cũng chạy khắp đồi núi miền Sác-trơ, miệng hô lớn: “Ôi Chúa thật tốt lành! Ôi Chúa thật tốt lành!”
3.- Đức Mẹ Dạy Ta Lãnh Nhận
Các Nỗi Vui Ấy
Điều quan trọng là phải lãnh nhận các ân-huệ ấy với những tâm trạng đúng đắn. Thánh Têrêsa Mẹ nhắc nhở: “Nếu có ai đó lại tưởng rằng ý định của Thiên Chúa là chỉ nhằm làm cho người ấy nếm những sự vuốt ve mơn trớn của Người, thì thật là lầm to”.[8] Do đó Đức Mẹ sẽ chỉ cho ta biết làm thế nào lãnh các ơn huệ Thiên Chúa ban: lãnh với lòng tạ ơn và khiêm nhường. Mẹ nêu gương trước: “Hồn tôi tán dương Chúa, tâm trí tôi nhảy mừng Thiên-Chúa, Đấng Cứu Chuộc tôi, vì Người đã ghé mắt nhìn phận hèn của nữ tỳ Người” (Lc 1.46-48).
Không gì nguy hại cho bằng một ý tưởng kiêu ngạo. Chớ gì các nỗi vui kia đừng che mắt không cho ta nhìn thấy các nết xấu của mình. Thiên Chúa nhân từ với ta: vì Người cúi xuống nhìn thấy cảnh khốn nạn của ta. Nhưng đáng buồn, khi người ta vui sướng, thường hay tưởng mình khá: ví dụ linh hồn nhận được ơn soi sáng về Thiên-Chúa, nhưng hồn đó lại tưởng rằng đã đẹp lòng Chúa hơn, đang khi mới chỉ lãnh lấy một của bố thí.
Không phải cứ có những tâm-tình hăng say nồng nàn là bằng chứng hồn có giá trước mặt Thiên Chúa, đúng hơn chỉ khi có lòng dốc quyết phụng-sự Thiên Chúa với bất cứ giá nào. Rất thường xảy ra là khi Thiên Chúa ban cho ta sự yên ủi, là vì nhận thấy nỗi yếu hèn của ta, và Người cư xử với ta như đứa con nít. Buổi đầu đời sống thiêng-liêng, Người chấp nhận ta trong tình trạng rất kém cỏi, với những khuynh-hướng không hoàn-bị, và Người tìm cách chinh-phục ta, bằng cách bộc lộ cho ta thấy hạnh phúc của đời sống thiêng liêng cốt cho ta thấy nhàm chán mọi thú vui phàm trần khác. Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng ước ao các sự dưới đất, nhưng các sự trên trời” (Col 3.2). Hãy làm cho lòng đạo đức của bạn nên siêu nhiên, không cần có những than thở não nùng trong cầu nguyện, nhưng cần có những việc đầy nghị lực, những hành vi từ thâm tâm.
Đàng khác, hãy giữ thinh lặng về các ơn huệ Thiên Chúa ban. Đem kể ra, quả là một sự bất cẩn to tát ! Hãy xem Đ.Maria giữ bí mật của Thiên Chúa như thế nào. Thiên thần Ga-bri-en báo Người sẽ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Đ.Maria không hé môi nói điều đó với ai, mọi người chung quanh không hề biết, nên họ vẫn nói: Giêsu là con bác thợ mộc Giuse. “Giữ kín bí mật của Vua Cả là điều thậm phải,” Kinh Thánh bảo thế. Đức Trinh Nữ yêu quí việc giữ thinh lặng những điều mà chỉ mình Thiên Chúa thấu suốt, còn phần Mẹ, “Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng các điều Mẹ đã thấy và đã nghe” (x. Lc 2.19).
4.- Đức Mẹ Liên Kết Ta Vào Niềm Hoan Lạc của Chúa Giêsu Và Của Mẹ
- a) Hoan-Lạc Được Thờ Lạy Chúa
Thiên Chúa đã tạo dựng các con cái Người là để họ được vui sướng. Chúa Giêsu muốn chúng ta sống trong vui mừng; trước ngày chịu chết, Ngài đã nguyện xin Cha Ngài: “Lạy Cha Thánh, con xin cho sự vui mừng của Con được trọn vẹn nơi mình chúng.” (Ga 17.13)
Hoan-lạc của Giêsu, hoan-lạc cao siêu của Ngài vượt lên trên hết mọi sự: do hằng chiêm ngắm Cha Ngài, nhìn thấy sự hoàn thiện của Cha. Thiên Chúa là Đấng tự hữu, là Hữu Thể thiết yếu, là Thiện-Hảo, Toàn-Ái, Toàn-Mỹ, và Thuần-Khiết tuyệt đối! Linh hồn Chúa Giêsu chiêm ngắm Cha trong chính yếu tính Người, không màn che. Niềm hoan lạc của việc chiêm ngắm ấy là tuyệt đỉnh của đời sống nội tâm Ngài. Đó là “niềm hoan-lạc trọn vẹn” (x. Ga 15.11), hoan-lạc không có gì có thể làm thuyên giảm, ngay cả cuộc tử-nạn đáng ghê sợ kia, một niềm hoan lạc bất khả xâm phạm.
Đó cũng chính là niềm hoan lạc của Đ.Maria. Và cũng phải là niềm hoan-lạc của ta nữa. Hội-Thánh hằng mời gọi ta thông phần; hằng bảo ta ngợi khen Chúa, thờ lạy Chúa, tôn-vinh Chúa, tạ ơn Chúa. Vì sao? “Tất cả vì vinh-quang cao cả Chúa” [9], nghĩa là vì Người vô cùng hạnh phúc.
Ta hãy ngợi khen sự Hoàn-thiện vô cùng của Thiên-Chúa, ngợi khen hạnh-phúc Người, ngợi khen Người trong tình yêu của Người, tình yêu mà Người tự yêu chính mình, ngợi khen Người trong Con của Người, trong Thánh Thần Người, và trong tình yêu Người yêu các tạo vật.
- b) Hoan-Lạc Được Tôn-Vinh Chúa
Niềm hoan-lạc cũng sẽ đến với ta, như đã đến với Đức Mẹ, do sự chiêm ngắm Chúa Giêsu. Nhất là ta hãy hân hoan vì việc Nhập thể của Ngôi Lời đã tôn vinh Thiên Chúa đến tuyệt mức. Chớ gì lời ngợi khen ta dâng lên được tỏa ra thành lời tạ ân việc Ngôi Lời Nhập Thể cũng là để Ngài trở nên anh em của ta (x. Hr 2.11); đồng thời cũng thành những lời đầy kinh ngạc trước sự cao cả vô cùng của Ngài, vốn là phận một vị Thiên Chúa, thế mà đã hạ mình xuống thấp hèn đến nỗi: “đã hủy mình ra không” (Ph 2.7),…lại còn hạ mình “vâng phục cho đến chết… trên thập giá” (2.8), bởi “Ngài yêu thương tôi, nên đã phú mình chịu chết vì tôi” (Gal 2.20).
Như thế, Chúa Giêsu là người thờ phượng hoàn-hảo của Chúa Cha, và Ngài đã truyền dạy cho ta sự thờ phượng trong thần khí và sự thật ấy.
Vui sướng biết bao cho Đ.Maria, khi sống bên cạnh Con mình, nhờ đó được biết: mỗi một cử chỉ nhỏ nhặt của Giêsu cũng làm cho Thiên Chúa được tôn vinh vô hạn. Và Đ.Maria đã đem tất cả tấm lòng mà hòa mình với sự tôn vinh ấy.
Ta hãy hợp lòng với những ý nghĩ của hai Đấng. Không gì nâng cao tâm-hồn lên bằng lòng đạo-đức ấy. Đó là một trong những hình-thức khả-ái và gây phúc lộc nhất của tình yêu. Khi bận tâm mưu cầu vinh quang cho Thiên Chúa như thế, ta tỏ ra thuộc về Gia-đình Thiên Chúa thật sự. Cha Sác-lơ đơ Phu-Cô viết câu này lúc ở trong sa mạc: “Chúa Giêsu vui sướng: thế là đủ cho tôi rồi”.
- c) Hoan Lạc Được Tạ Ơn Chúa
Ta hãy hân hoan và tạ ơn vì được thuộc về Thiên-Chúa, được kết hợp với Thiên Chúa trong ơn sủng. Ngay cả trong những đau đớn ghê sợ nhất, Đức Mẹ vẫn giữ một niềm hoan lạc không giảm sút, chỉ vì Người thuộc về Thiên-Chúa, Người không chút nào dính dấp với tội lỗi, và lòng mến ngự trị trong Người. Mà ở đâu có lòng mến, ở đấy có hoan lạc. Thánh Ca-ta-ri-na thành Siê-na ca tụng: “Lạy Thiên Chúa hằng hữu, Chúa là một đại dương tĩnh lặng trong đó các linh hồn sống và được nuôi dưỡng. Họ tìm được ở đó sự yên nghỉ bởi kết hợp với tình yêu”.
Nghĩ đến sự hiện diện của Thiên Chúa hẳn phải gây nên trong ta biết bao niềm vui sướng. Mỗi một lần tăng ơn sủng là một lần thông hiệp với Thiên-Chúa, một giao tiếp mới với Thiên-Chúa. Đối diện với nó, ý nghĩ về sự đau khổ sẽ chẳng còn đáng sợ. Khi một trong bảy gươm nhọn đâm thâu tim Đ.Maria, ý nghĩ về các ơn sủng vô biên bởi đó Mẹ sẽ được, và Thiên Chúa sẽ được thêm vinh hiển, làm cho đau khổ trở thành vui mừng trong linh hồn Mẹ và làm tăng lòng mến.
Chúa Giêsu vui sướng vô hạn khi Ngài nghĩ đến cuộc tử nạn và các đau khổ kinh khủng của Ngài sẽ đem lại vinh quang cho Thiên-Chúa. “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!”(Lc 12.50). Đến khi “đạt tới giờ Tử nạn”, Ngài thốt lên:“Lạy Cha, xin hãy tôn vinh danh Cha!” (Ga 12.27-28).
Cuộc khổ nạn của Ngài là sự toàn thắng của tình yêu Ngài, của lòng biết ơn của Ngài. Thật vậy, Nhân tính Ngài đã nhận được tất cả mọi sự từ Chúa Cha; rồi vinh hiển vô biên do việc nhân tính Ngài được kết hiệp với Ngôi Hai Thiên Chúa (ngôi hiệp): Ngài làm gì để đáp ân? Vì vậy, Ngài đã phú mình chịu khổ nạn, và Ngài đã đi “đến tận cùng” bởi lòng yêu mến Chúa Cha: “Để cho thế gian biết Thầy yêu mến Cha Thầy, ta hãy đứng dậy đi khỏi đây!”[10] (Ga 14.31). Một cách nào đó, chịu đau khổ làm nhẹ lòng Ngài, cho phép tình yêu của Ngài trả món nợ riêng và món nợ của nhân loại.
Các yên ủi Thiên Chúa ban cho ta phải gây trong ta những tâm tình như có nơi Chúa Giêsu. Nơi Chúa Kitô, tình yêu đã thúc đẩy Ngài tế hiến mình. Nơi người tín hữu cũng vậy: tình yêu thúc đẩy ta vui lòng chịu “đau khổ và bị khinh chê”, Thánh Gioan thánh giá bảo thế.
Có nhiều khi, thấy dễ làm những việc chúc tụng, tạ ơn, khâm phục…, khi khác lại khó. Lời nguyện chúc tụng, tạ ơn không phải luôn luôn được các xúc cảm giác quan thúc đẩy. Có những ngày, tâm tình ta có ở trong lòng mà không thể lên tới môi miệng. Lúc ấy ta hãy nhớ: lòng trung thành là bằng chứng thật của tình yêu. Thay vì dâng lên những tâm tình bâng quơ mơ hồ, bạn hãy dâng các công việc, các đau khổ của bạn.
Nhất là bạn hãy dâng Chúa Giêsu lên, như Đức Mẹ xưa thường làm. Trong đền thờ, Người đã dâng Con với một tình yêu và lòng vô vị kỷ sâu xa, tự dâng chính mình cùng với Con của mình, và trở nên của lễ hy-sinh cùng với Con mình. Bạn hãy dâng lên Chúa Cha, nhờ Đ.Maria, lời chúc tụng của Giêsu, sự thờ phượng, các công việc và đau khổ của Ngài, dâng máu Ngài, dâng tình yêu độc nhất của Ngài!
Bạn hãy kết hợp với tâm tình hiện thời của Chúa Kitô trên trời, nơi Ngài đang chủ sự một phụng vụ thiên giới trước ngai Thiên Chúa (x. Hr 8.1-3). “Chớ gì nhờ Ngài chúng ta dâng lên Thiên Chúa một hiến tế ngợi khen không ngừng.”(Hr 13.15). Chúng ta chẳng là gì, được nắn lên từ bụi đất (St 2.7). Các công việc của ta không đáng giá bao lăm. Nhưng Chúa Kitô cho phép ta, nhờ Ngài và máu Ngài, vì có giá trị vô cùng, Ngài đã đổ ra, mà dâng lên Thiên Chúa Cha: “Lạy Chúa, đây Con Chúa, Đấng là hạnh phúc đời đời của Chúa. Con xin dâng Ngài lên Chúa, để biểu lộ sự thờ phượng của chúng con, lời chúc tụng và tạ ơn của chúng con. “Chính nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Cha là Thiên Chúa Toàn năng trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.[11]
Khó có thể đo được ích lợi của lời nguyện ngợi khen và dâng hiến ấy. Niềm vui hồn cảm thấy trong việc đó làm tình yêu thêm lớn mạnh. Tình yêu vui thỏa sẽ mau biến thành tình yêu đồng thuận. Thánh nữ Ma-ga-ri-ta Maria kêu lên: “Lạy Chúa, hãy dạy con những điều Chúa muốn cho con nói cùng Chúa”. Chúa Giêsu đáp: “Không gì khác câu này: Lạy Chúa, là Đấng độc nhất và là tất cả cho con. Chúa là tất cả cho con, và con tất cả là của Chúa”.
Biết đặt Thiên Chúa lên trước hết trong kinh-nguyện: đó là một ơn cao trọng. Các thánh đã cầu nguyện theo cách ấy. Phần ta, ta thường hay nghĩ đến mình trước. Các thánh bắt đầu bằng thờ lạy, khâm phục và chúc tụng. Kinh nguyện của các ngài chỉ là một lời ca, một sự nâng tâm hồn lên Thiên Chúa oai nghi. Các ngài cảm thấy nhu cầu phải tán dương Thiên-Chúa.
Lời nguyện ngợi khen làm cho ta sống trong tình yêu. Bạn hãy làm nhiều việc tình yêu: “Hãy ở lại trong lòng yêu mến của Thầy” (Ga 15.9). Hãy thưa với Chúa rằng : Bạn yêu mến Ngài. Nói điều ấy trong mọi dịp, lúc được ơn, lúc chịu thử thách, lúc vui như lúc buồn. Hãy yêu Ngài bằng lời ngợi khen Ngài, thờ lạy và vâng phục, và bằng cách tận hiến mình không dè sẻn vâng theo ý Ngài.
-III-
ĐỨC MẸ DẠY TA CẦU NGUYỆN TRONG
LÒNG TIN
- CHÚA GIÊSU RA ĐI
Các mầu nhiệm vui chỉ chiếm một phần của đời Chúa Giêsu và Đ.Maria. Đời sống nội tâm là một cuộc chiến đấu gay go ở thung lũng đẫm lệ này. Phải biết sẵn sàng chờ đợi đau khổ xảy đến. Có thể sau một lần nguyện ngắm trong hoan lạc, ở đó Thiên Chúa trao ban mình cách rõ ràng, sẽ đến một thời gian cực nhọc, Thiên Chúa hình như rời xa. Chúa Giêsu giữ thinh lặng và bỏ đi. Thời gian này đáng sợ thật.
Cuộc đời Đức Mẹ hiến cho ta một ví dụ. Người đã trải qua những ngày giờ có thể nói là hấp hối thật sự, khi Giêsu hồi 12 tuổi nán lại trong đền thờ mà không báo trước. Giêsu đi rồi! Đi mà không nói một lời! Ngài không nói gì, và đã lìa bỏ Mẹ. Mẹ thấy như không còn hiểu được Con mình nữa. Đây là nỗi đau khổ cay cực nhất của Mẹ, mối sầu não trong tâm can của Mẹ. Tại sao Con của Mẹ lại bỏ Mẹ? Hay Trời cao đã lấy Ngài lại? Đây phải chăng là lưỡi giáo đâm thâu lòng mà cụ già Si-mê-ong đã báo hôm nào?
Đến khi Mẹ tìm thấy Giêsu, câu trả lời của Ngài có vẻ cứng cỏi: “Thì tại sao tìm Con? Lại không biết Con phải ở nơi nhà Cha Con sao?”(Lc 2.49). Mẹ không hiểu, cũng không nói gì, nhưng Mẹ đã lâm vào cơn não nùng ghê sợ, và trải nghiệm một thử thách bí nhiệm. Phải chăng bị Thiên Chúa và chính Con mình ruồng rẫy?
Chúng ta cũng cần có những cuộc thử thách tương tự. Ta đến với Thiên Chúa là bằng đức tin. Do đó không nên trông mong sẽ cứ luôn luôn được cảm thấy Giêsu sống động trong mọi việc đạo-đức của ta, trông mong sẽ sung sướng nếm cảm được Ngài trong lúc rước lễ, và mong ơn sủng sẽ cứ tiếp-tục nâng đỡ ta một cách cảm thấy được rõ ràng.
Đến lượt ta một ngày kia cũng thấy Giêsu bỏ đi. Và trong cuộc sống ta mọi sự sẽ thay đổi: Thân-mật với Thiên Chúa biến đâu mất; kinh nguyện làm ta mệt mỏi; rước lễ xem ra không mang lại sự gì. Nhà chầu như vắng bóng. Chán ghét làm việc đền tội. Trước đây, hăm hở đeo đuổi các sự trên trời, nay chẳng còn ao ước gì ngay cả chính Thiên-Chúa. Mọi sự đều kéo ta đi xuống. Những ngày trước, biết bao hăng-hái chạy đến cùng Thiên-Chúa, lòng bừng bừng lửa mến, ngày nay, ta kéo lê, lòng lạnh ngắt. Từ trái tim vô cảm của ta, không xuất ra được một việc yêu mến nào nữa!
Nhưng thời gian khổ sở ấy lại có tính quyết định trong đời sống thiêng-liêng. Linh hồn đang ở một khúc quặt quan trọng. Cần phải giữ tâm hồn mình kết-hợp với Đức Trinh Nữ Maria. Nhưng đừng quên rằng: nơi Đ.Maria, khi Giêsu rời xa Mẹ, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp-tục công việc thánh hoá Mẹ, và ba ngày khắc khoải kia đã làm Mẹ tiến một bước rất xa. Nơi ta, có khi cũng xảy ra như thế.
Nhưng cũng phải nhớ, điều người ta thường gọi là khô-khan nguội lạnh thiêng-liêng có thể là một hình phạt do lòng thương xót Thiên-Chúa. Vì có lẽ ta đã đánh mất Chúa Giêsu bởi lỗi mình. Nơi các người lành thánh, đôi khi Chúa Giêsu cho họ có cảm giác mất Chúa là để giúp cho họ được nên hoàn thiện hơn, còn nơi người tội lỗi, mất Chúa vì đã xua đuổi Ngài. Có những người mất Chúa vì tình yêu họ đối với Ngài tuy chưa tắt hẳn, song đã nguội lạnh và thoi thóp.
Vậy trước hết, phải hạ mình khiêm nhường và vấn tâm: Chúa Giêsu bỏ đi, biết đâu chẳng vì kiêu-ngạo của bạn, vì tự mãn của bạn, vì bạn hèn nhát trong việc đền tội, vì bạn hay xao-lãng, vì bạn tìm những an-ủi phàm trần và các tình bạn giác cảm, hay vì bạn đã từ chối ơn sủng? Khó xét cho rõ đâu là căn-nguyên của việc Chúa Giêsu lìa xa bạn: hầu như luôn tại lỗi ta.
Thiên Chúa muốn chiếm trọn trái tim ta. Vì thế những hình phạt mà lòng thương xót giáng xuống tính trễ nải nguội lạnh của ta lại là một dấu của lòng yêu thương lớn lao của Thiên Chúa đối với hồn ta, và là một dấu của việc Người kêu gọi ta nên thánh.
Ông O-ri-gê-nê viết: “Hãy học ở Đ.Maria cách tìm Chúa Giêsu”. Trong tình trạng ấy, không nên sống rỗi rãi, hoặc cam chịu để Thiên Chúa vắng mặt. Đức Mẹ đã hết sức nóng nảy tìm Chúa Giêsu, Người đã tìm cho đến lúc thấy lại.
Nhưng chính Chúa mà ta phải tìm. Đáng buồn biết mấy, nếu trong những lúc ấy ta lại thiếu nhã nhặn, quay sang tìm yên ủi nơi các tạo vật. Chỉ có một niềm an ủi: đó là tìm thấy Chúa lại. Ta hãy tìm Ngài nơi nào có Ngài: ở trong thống-hối, trong các việc bác-ái, trong kinh nguyện, trong Lời Chúa, và trong Thánh Thể. Bạn đừng tìm Ngài ở nơi không có Ngài: trong lạc-thú dù vô tội. Và rất hiếm khi tìm được Ngài nơi các bạn bè.
Hãy sẵn-sàng tìm kiếm Ngài lâu ngày dài tháng, nếu Ngài muốn thế, và khi tìm thấy Ngài lại, thì đừng muốn có lại những yên-ủi mà Ngài đã ban trước kia hồi đầu đời thiêng-liêng của bạn. Các yên-ủi dù là của Thiên-Chúa, cũng không phải là Thiên-Chúa. Bạn hãy ước-ao trước hết sự sống Thiên-Chúa.
2.- CẦU NGUYỆN, NGUYỆN NGẮM TRONG LÒNG TIN
Có khi sự khô khan là một thử thách. Có khi Thiên Chúa lìa xa linh-hồn để tập cho linh-hồn dứt lòng quyến luyến, tập cho hồn đức khiêm-nhường chân thật hơn, và đức trông cậy. Ngài muốn tách hồn rời khỏi những gì là cảm-giác, khỏi những gì nuôi lòng tự-ái. Ngay cả các ơn huệ Thiên Chúa ban cho bạn lúc ban đầu đời sống thiêng liêng, cũng cần sự thanh luyện ấy, vì tính tự-nhiên đã trà-trộn vào rồi; và những gì Thiên Chúa ban cho cách thánh-thiện, ta đã lãnh nhận với một lòng không trong sạch hoặc nhiều hoặc ít.[12]
Thử thách đó là một điều không thể tránh khỏi. Nhất thiết các linh-hồn sốt sắng phải trải qua sự tẩy luyện ấy, vì trong sự giao-tiếp của ta với Thiên Chúa cần phải thay thế hoạt động tự nhiên bằng hoạt động siêu nhiên, nghĩa là phát triển chức năng của các nhân đức hướng thần: Tin, cậy, mến.
Trong những lúc có vẻ như mù mịt đen tối ấy, ta hãy cố tập quen nhìn thấy Giêsu trong đức tin: vì không nghe thấy gì, không cảm thấy gì, không hy vọng có được một tiếng đáp lại. Để thúc đẩy ta cầu nguyện lúc đó, chỉ có đức tin, đức tin biết chắc rằng Thiên-Chúa, vị Thiên Chúa thinh lặng, vẫn ở đó, đáng thờ lạy và đáng mến.
Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng đã chịu thử thách ấy một thời gian lâu dài. Chị thánh nhớ đến Đ.Maria và nói: “Chưa bao giờ tôi được hiểu thấu nỗi đau đớn xót xa của Đức Nữ Đồng Trinh và Thánh Giuse đến thế, khi hai Đấng rảo tìm thánh trẻ Giêsu qua các nẻo đường Giê-ru-sa-lem. Tôi lúc đó cũng đang ở trong một sa mạc ghê sợ.”[13]
Cầu nguyện hay nguyện ngắm lúc ấy thật là một cực hình. Tinh thần ra bất lực, như bị bại liệt. Trước khi cầu nguyện, ta cầm trí, các bài sách đạo đức làm ta cảm động, và lôi kéo ta tới Thiên-Chúa. Ta nghĩ: đây đúng là lúc cầu nguyện. Thế rồi ta gắng cầu nguyện, nhưng mọi sự đều đã tan biến. Những cái đã lượm lặt trong những lúc đọc sách trước đây cũng đã đi đâu hết. Thế mới rõ sự chiêm ngắm không do sức hoạt động của trí khôn làm được, song do lòng thanh sạch, sự thoát khỏi dây dưa với ngũ quan, và do lòng yêu mến mà được.
Đôi khi, sự thử thách còn trở nên nặng nề hơn. Các chân lý ta đã suy ngắm trong vui mừng, nay ta không hiểu nữa. Đức tin như đã tàn lụi. Thánh nữ Tê-rê-xa nói tiếp: “Lúc đó đức tin cũng như các nhân đức khác như lịm tắt và như chìm trong giấc ngủ. Không phải là đức tin đã chết, bởi vì ta vẫn tin những điều Hội-Thánh dạy. Nhưng hình như chỉ miệng lưỡi thốt ra các công thức đức tin thôi. Đang khi trái tim ta se thắt lại, bị tê liệt đi cách kỳ lạ. Trong trạng thái đó, cái mà linh hồn còn giữ được về sự hiểu biết Thiên Chúa thì giống như một âm thanh mơ hồ, nghe thấy từ xa. Khi linh hồn nghe nói về Thiên Chúa, nó vẫn chấp thuận sự đó như là một điều nó đã tin nhận do Hội-Thánh dạy, nhưng chẳng còn nhớ đến những gì linh hồn đã cảm thấy trong mình. Trái tim ra như khô héo. Chúa ôi, con vào thánh đường Chúa để chiêm ngưỡng quyền lực và vinh quang Chúa: nhưng con chỉ thấy mình như lạc trong sa mạc không lối đi, không nước uống”.
Lửa lòng đã tắt. Kinh nguyện gây chán ngán, mệt mỏi. Tuy vậy, linh hồn ấy vẫn chịu khó ra công cầu nguyện. Nhưng lời nguyện thì khô khan, quanh quẩn chung qui có mấy câu này:
-Lạy Chúa, Chúa là đấng Thánh, con thờ lạy Chúa…
-Lạy Chúa, con tin Chúa là tình yêu vô biên, con muốn yêu mến Chúa, xin giúp yêu mến Chúa…
-Lạy Chúa, con tin Chúa đang hiện diện nơi đây, con muốn phụng sự Chúa, tôn vinh Chúa, song không biết làm thế nào.
-Xin Chúa hãy nhận con vào hầu việc Chúa,
-Xin tẩy sạch con khỏi mọi tội lỗi, và xin hãy định về con thể nào tùy ý Chúa.
Nhưng kỳ thật khi ấy, ý chí của linh hồn đã thuộc về Thiên-Chúa. Linh hồn không cảm thấy sự an ủi âu yếm như xưa, nhưng không ngờ đã đạt được một tình yêu bình thản siêu vời, có thể chịu đựng hết mọi sự vì Thiên-Chúa.
3.- NOI GƯƠNG ĐỨC MẸ
Ở đây, ta phải học đòi bắt chước các tâm-trạng của Đức Mẹ, cách riêng lòng nhẫn-nhục. Ta hãy xem: Không kể ba ngày Chúa Giêsu lìa xa ở đền thờ, Ngài còn sẽ lìa xa Mẹ để thi hành sứ vụ rao giảng. Và có một hôm Mẹ đến để tìm gặp Ngài, người ta nói: “Có Mẹ Ngài hỏi Ngài ngoài kia.” Đáp lại Ngài nói: “Ai là Mẹ Ta? Đó là kẻ thi-hành ý Thiên Chúa.” (Mc 3.32-35). Câu nói ấy bề ngoài có vẻ cứng cỏi đối với lòng người mẹ! [14] Mỗi lần Chúa Giêsu nói trước công chúng về Mẹ Ngài [15]- người Mẹ mà Ngài yêu dấu khôn xiết - thì làm đau-đớn cho trái tim thể-xác của Mẹ. Nhưng xem ra Chúa muốn, một cách nào, làm tan biến sự âu-yếm tình cảm, tuy vô cùng tinh-khiết của Mẹ, để hướng nó đến tình yêu hoàn-toàn siêu nhiên.
Là Đấng Hợp Công Cứu Chuộc, nên Người phải nên giống Đấng Cứu Chuộc: tình-yêu của Người cũng phải nhận sự chia lìa. Theo gương Mẹ, ta phải tập cho quen với sự vắng mặt của Giêsu đối với cảm-giác ta, cho quen với những sự cứng cỏi bề ngoài của Ngài, và tập quen sống trong đức-tin. Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng nói: “Tôi cảm ơn Chúa Giêsu vì đã để tôi bước đi trong đêm tối. Tôi vẫn sống trong bình an sâu thẳm. Tôi sẵn lòng chấp nhận bước đi suốt đời tu trì của tôi trong cái hầm tăm tối Ngài đã đem tôi vào. Tôi chỉ ước-ao cái tối tăm ấy đem lại ánh sáng cho kẻ tội lỗi”. Sau khi đã sống lâu năm trong tình cảnh ấy, thánh nữ đã nói lúc gần chết: “Tôi không ân-hận vì đã hiến thân cho tình yêu”.
Ta cần giữ sự bình an. Than vãn vì phải gặp cơn khô-khan, như thế không phải là dấu tốt cho linh hồn. Trong những lúc ấy, đức tin là nơi nương náu độc nhất, vả lại có ich hơn hết. “Dù được ơn chiêm niệm về các điều siêu-nhiên cao-trọng cũng không giúp ta lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa cho bằng một hành vi đức tin sống động dù nhỏ bé, và một việc đức cậy dâng lên trong cảnh tối-tăm hoàn toàn của linh hồn.”[16]
Vậy ta hãy tìm Chúa trong đức tin, với lòng khao khát bền bỉ. Dù tinh-thần ra như tê-liệt, trái tim ra như lạnh cứng, bạn hãy còn lòng khát vọng thâm sâu của đức-tin, nó vẫn luôn hướng về Thiên-Chúa; bạn vẫn còn có nỗi đau buồn vì không được yêu thương Đấng vô cùng đáng mến…như bạn muốn. Bạn vẫn có thể luôn luôn ao ước phụng-sự Người, yêu mến Người: ao-ước đó đã là phụng sự và yêu mến rồi.
4.- CẦU NGUYỆN TRONG TĂM TỐI
Nhưng ngay cả sự cầu-nguyện trong đức tin ấy cũng cần được tẩy luyện. Ở đây, cũng phải dõi theo gương Đức Mẹ. Chẳng phải Người là Mẹ của một đứa trẻ nghèo khó, của một kẻ không ai biết đến, của một kẻ bị lưu-đày, bị vu-oan, bị kết án chết sao? Còn nói chi đến nỗi thảm sầu của núi Sọ: Mẹ trèo lên đó, quanh Người cả một lũ đông đang gào thét nỗi căm hờn, còn Thánh tử của Mẹ đang đau-đớn khủng khiếp.
Sao vậy? Đám người ấy hình như không muốn được cứu rỗi. Thất bại toàn diện! Ngay cả các Tông-đồ cũng đã chạy trốn. Thần lực Chúa đã bị lu mờ hay sao?
Linh hồn muốn theo chân Mẹ, Mẹ sẽ kéo họ vào trong vực thẳm thảm sầu của Người, vào trong thảm sầu của Chúa Kitô. Linh hồn ấy sẽ rơi vào một tình trạng kỳ lạ. Sẽ phải chịu những giao động trong thâm tâm làm cho hồn bấn loạn, bị các bối rối dày vò, rơi vào những cơn não nùng khắc khoải. Cả trong lúc cầu nguyện, ma quỷ cũng dùng các cám dỗ dễ sợ để tấn công. Và rốt cuộc linh hồn đâm ra tưởng rằng đã bỏ mất Thiên-Chúa, đang đi theo con đường sai quấy và sẽ bị trầm luân.
Trước đây, linh hồn đã phải chịu nhiều nỗi đau khổ lớn lao từ bên ngoài đến: người đời chê trách, bách hại; bệnh tật làm hao mòn tàn tạ. Mọi sự đều làm hồn chán nản. Nhưng lúc ấy hồn đã quay về Thiên Chúa và nói: “Lạy Chúa, tất cả mọi sự con chịu vì Chúa”, câu nói ấy làm cho hồn được khuây khỏa.
Còn bây giờ, hồn cũng quay về Thiên-Chúa, nhưng Người không còn đó nữa. Thiên Chúa tinh tuyền thánh thiện đã chán ghét hồn rồi sao? Chính linh hồn cũng thấy chán ghét mình.
Tình cảnh đó nhắc đến cơn hấp hối của Chúa Giêsu trên thập giá: Ngài đã nhận gánh vác lấy tội lỗi ta vào thân xác của mình[17] (x. 1 Pr 2.24), đến nỗi Thánh Kinh nói: “Đấng không hề biết tội, thì vì ta, Thiên Chúa đã cho làm thành sự tội” (2 Cor 5.21); và “đã nên đồ chúc dữ vì ta, bởi đã có lời (Kinh Thánh) viết: Là đồ chúc dữ, phàm ai bị treo trên cây gỗ” (Gal 3.13). Trong tình trạng ấy, Ngài cảm thấy như thế Chúa Cha ruồng bỏ Ngài: “Lạy Thiên-Chúa, Lạy Thiên Chúa con, sao Chúa bỏ rơi con?”(Mc 15.34)
Đ.Maria bước theo chân Con mình vì vai trò từ mẫu thiêng liêng của Mẹ, và không muốn nhân nhượng hơn cho mình, tuy Người là đấng Tinh Tuyền chẳng dính bợn nhơ tội lỗi, vì thế có thể nói một cách nào Người cũng đã nhận lấy cho mình các tội lỗi của con cái mà đền thay.
Và đối với chúng ta, Mẹ cũng không muốn nhân nhượng hơn cho chúng ta: Mẹ, Đấng vô cùng Tinh khiết, đã cúi xuống nhìn linh hồn được Người lôi cuốn: Người tìm tòi trong những nơi sâu kín nhất của hồn ấy. Quả thật cái nhìn đó là một ánh sáng soi thấu hết mọi ngõ ngách ẩn kín và làm lộ ra những bí mật ít ai được biết. Thế mà linh hồn vẫn tưởng mình trong sạch lắm. Tưởng đã yêu mến Thiên Chúa nhiều!
Nhưng khi Đức Mẹ, Đấng vô cùng Tinh khiết, mở mắt cho linh hồn thấy các dơ nhớp của mình, là để hồn cảm thấy không còn dám quay nhìn về Thiên-Chúa! Thì chính lúc ấy, hồn chỉ còn bám víu vào lòng thương xót của Chúa duy nhất có thể tẩy rửa hồn được! Thế là linh hồn gằng sức cầu nguyện, kêu gọi lòng thương xót và tình yêu của Chúa; rồi cam kết muốn yêu Chúa.
Vậy mà buồn thay! Người ở đâu, vị Thiên Chúa mà vì Người linh hồn bị tả tơi thế này? Người chẳng đáp lời. Hay Người đã chán ngán linh hồn này sao? Nhưng chẳng phải chính vì Người mà hồn phải chịu biết bao đau khổ! Chính Người là Đấng hồn ao ước.
Sự yên ủi và cái làm cho đau khổ nên đẹp và nên thánh thiêng cũng đã biến mất. Phải đau khổ không chút hứng khởi, không chút thích thú, trong cô đơn. Hồn còn đi đến mức tự hỏi không biết ngay cả sự đau khổ mình đang chịu có xúc phạm đến Thiên Chúa hay không?
Không thể nói hết nỗi đau-đớn của hồn trong cơn sầu thảm này. Thánh Gioan thánh giá nói: “Cực hình lớn lao của tâm hồn là tưởng rằng Thiên Chúa căm ghét và bỏ rơi, vì thế mới đem vứt linh hồn vào trong tối tăm cơ cực.”[18]
Đức Mẹ nói với thánh nữ Vê-rô-ni-ca: “Con hãy nghe biết về sự tử đạo của con sẽ xảy ra như thế nào: Con sẽ yêu mến, tuy vẫn tưởng thật rằng không biết yêu mến là gì. Con sẽ yêu mến đến thống khổ, mà vẫn đinh ninh rằng đã phản-bội tình yêu. Người ta nói với con về tình yêu, con sẽ tưởng là nghe tiếng lạ. Và nỗi thống-khổ của con lại là không sao hiểu và diễn tả nỗi thống khổ của mình.”[19]
Đức Mẹ muốn đạt được điều gì qua những tình huống khốn khổ đó? Mẹ muốn thanh tẩy chi thể ấy của Chúa Kitô, đem họ đến sự lột bỏ tuyệt đối, bằng cách cất khỏi họ tất cả những gì yên ủi và nâng đỡ họ. Yêu đau khổ, yêu thập giá và muốn cứu vớt thế gian với Chúa Kitô là điều tốt: nhưng nếu tự mãn trong ý tưởng ấy là đảo lộn trật tự. Không còn đau khổ nữa, vì bị con sâu kia đục khoét.
Mẹ muốn cho người tín hữu nếm được sự hư vô của mọi vật, và để họ đâm chán ngán về chính mình, “đó là điều tốt”, thánh Gioan thánh giá bảo thế, lúc ấy, đức khiêm nhường đến, đức khiêm nhường chân thật, xác tín, làm cho ơn sủng được triển-nở hoàn toàn. “Linh-hồn lúc đó đã bị hạ mình nhiều và được thuần thục bởi các khó khăn, các cám dỗ, các khổ não đủ mọi thứ do Thiên Chúa dùng để tập luyện linh hồn thành hiền hậu hơn, nên dễ chịu hơn trong liên lạc với Chúa, với chính mình và với đồng loại”[20].
Hóa ra là chính Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong hồn, như trên kia đã nói về Đức Maria vào những ngày Khổ nạn của Chúa Giêsu, những ngày đã gây đau đớn khủng khiếp cho Mẹ nhưng đồng thời thánh hóa Mẹ khôn lường. Cũng vậy, một kết-hợp thâm sâu nối kết Chúa Giêsu với linh hồn đã thông phần vào mầu nhiệm Khổ nạn của Ngài.
Thánh nữ An-gê-la Phô-li-nhô đã trải qua kinh nghiệm những ngày giờ đau-đớn ấy: “Không thể ngợi khen Thiên-Chúa. Không thể cầu-nguyện. Trong tôi không còn nhận thấy một điều gì thánh cả ngoài cái ý chí tuyệt đối không muốn phạm tội… Sau cùng Thiên Chúa đã đoái thương, và tôi đã được nghe lời này: “Hỡi con Ta, con yêu dấu, tình yêu của Thiên Chúa ngự xuống trên con.” – “Nhưng linh-hồn tôi kêu lên: Làm sao mà con tin vào Chúa được từ đáy vực sâu của con, khi con thấy mình bị vứt bỏ?” Người đáp: “Con càng tưởng bị vứt bỏ, càng được Thiên Chúa yêu và càng gắn bó với Người… Con nên biết: trong tình-trạng đó Thiên Chúa và con càng thân mật hơn bao giờ hết.”[21]
e§f
[1] Bossuet
[2] Qua những trao đổi giữa hai Mẹ-Con trong những năm tháng sống chung dưới một mái nhà; ngoài ra còn qua những lời tiên tri nói về vận mạng Ngài (chẳng hạn Is 50.6; 53.2-10) mà Mẹ được nghe trong những ngày Sa-bát tại hội đường, v.v…
[3] Bérulle, Vie de Jésus, p.502, Migne
[4] Kinh Vinh Danh.
[5] Trích Bài đọc 2, lễ thánh Grê-gô-ri-ô Cả Giáo Hoàng, ngày 3 tháng 9.
[6] Bérulle, Migne p.1002.
[7] Trích “Château intérieur”
[8] Chateau intérieur.
[9] Kinh Vinh Danh Thiên Chúa trong Thánh Lễ.
[10] Để đi chịu chết.
[11] Đây là lời “Vinh tụng ca” của Thánh lễ, kết thúc phần hiến tế trước khi bước sang phần Hiệp lễ (rước lễ).
[12] Theo lời cha Ô-li-ê.
[13] Truyện một linh hồn, ch. V.
[14] Thánh Au-gu-ti-nô giải thích cho hiểu đúng lời có vẻ từ rẫy Mẹ mình của Chúa Giêsu: Ngài đâu có ruồng bỏ Mẹ, Ngài biết rằng Mẹ Maria không những là “Mẹ đẻ ra Chúa”, mả còn là “Mẹ của Chúa bởi đã thi hành ý Chúa hơn ai hết”. Đúng vậy. “Đ.Maria đã chẳng thi hành ý Thiên Chúa sao? Người đã tin lời Chúa (qua lời Thiên Thần truyền tin) mà thụ thai!…Người đã thi hành hoàn toàn ý Chúa Cha…” (Bài giảng Kinh, lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ, ngày 21 tháng 11.).
[15] Một người đàn bà cất tiếng khen ngợi Ngài : “Phúc thay lòng dạ cưu mang ông và vú ông đã bú!” Nhưng Ngài nói : “Phải hơn, phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa và noi giữ.” (Lc 11.27-28)
[16] Thánh Gioan thánh giá: “Những lời khuyên thiêng liêng”.
[17] Chúa Giêsu không hề có tội nào, đây là điều Kinh Thánh luôn khẳng định rõ ràng (1 Pr 2.22; x. Ga 8.46), song Ngài nhận lấy tội lỗi của nhân loại vào trong thân mình Ngài, làm như của Ngài để diệt trừ tội lỗi bởi cái chết trên thập giá (1 Pr 2.24; xem thêm Rm 8.3-4)
[18] Saint Jean de la Croix: Nuit obscure, liv II, ch.VI.
[19] Désiré des Planches: Le journal de Sainte Véronique Guiliani. p.75, Paris, 1931.
[20] Saint Jean de la Croix: Nuit obscure l. I, CXIII.
[21] Visions et Révélations ch.I, Hello.