PHẦN VI ĐỨC MẸ BẢO-VỆ ĐỜI SỐNG THIÊNG-LIÊNG CỦA TA *** Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
27 Tháng Năm 2021
PHẦN VI
ĐỨC MẸ BẢO-VỆ
ĐỜI SỐNG THIÊNG-LIÊNG CỦA TA
I- CHỐNG LẠI MA QUỶ.
II- CHỐNG LẠI CÁC TẠO VẬT.
III- CHỐNG LẠI CHÍNH MÌNH.
IV- MẸ ĐẦY THƯƠNG XÓT.
-I-
CHỐNG LẠI MA QUỶ
Cám dỗ là một việc chung cho mọi người. Đây là một luật bí mật mà không ai trong chúng ta mong thoát được. Còn phải nói chắc rằng các linh hồn được kêu gọi nên hoàn thiện, bị cám dỗ dữ dội hơn: vì được Thiên Chúa yêu hơn, họ càng chọc cơn ghen tức gay gắt hơn của kẻ thù nhân loại. Hơn nữa vì được nên mạnh mẽ hơn bởi các ơn sủng chọn lọc, họ có cơ may giựt thoát khỏi tay ma quỷ nhiều tín đồ của nó. Trái lại, các linh hồn được kén chọn mà sa ngã thì là một sự mất mát lớn cho Nước Thiên-Chúa, chỉ chừng đó thôi cũng hiểu được tại sao ma quỉ ra sức tấn công họ nhiều và mạnh mẽ đến thế.
Đức Mẹ bảo vệ các con cái của Người.
Là Đấng vô nhiễm nguyên tội, Người chẳng là Đại thù của Satan sao? Người đã được ủy nhiệm đạp rập đầu nó (x. St 3.15). Đức trong sạch tuyệt đối của Người làm Người chê ghét không thể tả được những gì dẫn đến tội. Là Mẹ Chúa Giêsu, Người muốn bảo vệ Ngài trong ta. Khi ma quỷ tấn công đời sống siêu nhiên của ta, tựu trung là tấn công chính Chúa Giêsu. Chính sự sống của Chúa Kitô trong ta mà nó muốn dập tắt.
Bạn đã hiểu vì sao Mẹ Chúa Giêsu quặn lòng đau đớn và hối hả binh vực danh dự của Con của Người đến thế! Vì đây thật là chuyện liên can đến danh dự Thiên Chúa trong ta. Vì ta là con cái Thiên-Chúa, là kẻ đồng thừa kế với Chúa Kitô (x. Rm 8.16-17), là đền thờ Chúa Thánh Thần (1 Cor 6.19). Cái thực tại sống động ấy khiến ma quỷ lồng lộn căm hờn. Tựu trung, chính Chúa Kitô trong ta mà nó bách hại, và nó muốn đóng đinh Ngài lại lần nữa. Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Nếu thế gian – do ma quỷ xúi giục – ghét các con, thì hãy biết rằng: nó ghét Thầy trước hết.”(Ga 15.18)
Thế mà lại hóa may, vì đó lại là nguồn sức mạnh của ta: ta nhảy vào cuộc chiến của Chúa Kitô, nên tất cả những gì thuộc về Chúa Kitô sẽ đến với ta để bảo vệ ta! Trước hết là Đức Trinh Nữ Maria, Người coi những gì người ta làm cho các chi thể của Thánh Tử Người như làm cho chính Thánh Tử của Người vậy.
Tại sao Mầu nhiệm Nhập Thể luôn mãi không thôi là một lý do loài người và ma quỷ gây hấn với nhau? Tại vì Chúa Nhập thể xuống mặc xác loài người là để có thể đau khổ và chết đền tội cho họ, và như thế là giựt thoát họ khỏi tay ma quỉ! Ma quỉ đâu có chịu để yên, chúng ra sức tấn công loài người để giành giật lại. Cuộc tranh đấu kinh hoàng ấy, Đức Mẹ cũng trực tiếp can dự vào.
Đức Mẹ không sinh ta ra trong đau khổ ghê gớm để rồi bỏ mặc ta rơi vào tay địch thù Thiên Chúa đâu. Người hiến cho ta ơn sủng như một sức lực kháng chiến, sức lực tích cực hoạt động và không bao giờ cạn, mà Người làm cho cân sức với các cơn cám dỗ và các sự yếu đuối của ta.
Chúng ta đều biết rằng với ơn sủng ấy, khi là chỗ nương náu, khi lại là mãnh lực, thì không sức lực nào có đủ khả năng giựt linh hồn lìa khỏi Thiên-Chúa: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương sức quỷ, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rom. 8.35-39).
Đức Mẹ chẳng có các thiên thần giúp việc Người sao? Ngôn sứ Ê-li-da nói với đầy tớ của ông đang run sợ vì toán người đuổi bắt: “Đừng sợ, vì những người ở với ta thì đông hơn những người ở với chúng. Và vị ngôn sứ cầu xin: “Lạy ĐỨC CHÚA, xin mở mắt cho nó thấy !” ĐỨC CHÚA mở mắt người đầy tớ của ông và nó thấy ở núi Ca-mê-lô hiện ra nhan nhản những ngựa lửa, những xe lửa vây quanh ông Ê-li-da” (2 V 6.16-17). Đức Mẹ cũng đem thiên quốc đến trợ giúp chúng ta như vậy. Người là Nữ Vương các Thiên Thần: đây không chỉ là một tước hiệu suông đâu. Việc Đức Mẹ cai quản các con cái Người ở dưới trần gian, thường là nhờ các Thiên-thần, nhất là khi họ phải chiến-đấu chống ma quỷ.
Vì ơn sủng là nguồn niềm vui, nên Đức Mẹ giúp chúng ta chống lại cám dỗ bằng sự vui mừng. Tinh thần hoan-lạc là một sức rất mạnh chống cám dỗ. Vì nói cho cùng, hoan-lạc chính là tình yêu, là tâm-hồn nẩy nở khi chiếm được Thiên Chúa làm của mình. Vua Đavít nói: “Lạy Chúa, ai nhìn đến Chúa, kẻ ấy tràn đầy hoan-lạc”. Thành ra phương thế giản tiện nhất để thắng cám dỗ: không phải là ta bồn chồn náo động, không là tìm hiểu về các mưu mẹo của kẻ cám dỗ, nhưng là đem tất cả ý chí ta gắn bó với Đấng đang sống trong ta, Người là Đấng muốn cứu vớt sự sống Người đã thông truyền cho ta còn hơn cả chính ta. “Trong Chúa Kitô, anh em hãy sống, đâm rễ sâu, xây dựng trên Ngài, vững vàng trong đức tin.” (Col 2.6-7).
Cám dỗ bây giờ trở nên nguồn hoan lạc. Đó là một cuộc giao chiến đã thắng lợi để Nước Chúa hiển trị. Và bạn nhận được niềm vui chiến thắng. Vì thế, thánh Gia-cô-bê nói: “Khi anh em gặp thử thách cám dỗ, hãy coi đó là một nỗi vui mừng”.(Gc 1.2)
-II-
CHỐNG LẠI CÁC TẠO VẬT
Nhiều khi, các tạo-vật cũng gây cản trở cho đời sống đạo của ta. Không ít lần, chúng chống đối lại việc thi-hành thánh ý Thiên Chúa, lúc thì vô tình, lúc có ý.
Đức Mẹ đã đau khổ vì chúng nhiều lắm. Đời Mẹ đầy dẫy những chống đối của tạo vật: Sự vô cảm của dân thành Bê-Lem đã buộc Người phải sinh Chúa Giêsu trong một chiếc hang; sự căm giận của vua Hê-rô-đê đã khiến Người phải bồng Hài nhi chạy trốn trong sự khiếp sợ; các người đồng hương ở Na-da-rét muốn đẩy Con của Người xuống vực sâu; các người Biệt-phái, các thủ lĩnh của dân, và còn biết bao kẻ khác đã làm Mẹ phải trải qua những giờ phút hãi hùng đau đớn khi họ chống nghịch Con của Người cho đến phải chết.
Vậy Đức Mẹ hẳn biết rõ sự chống đối của tạo-vật với công việc của Thiên Chúa là thế nào. Bạn hãy nghĩ đến việc người ta không tiếp nhận Con của Mẹ; đến sự thống-khổ dày xé trái tim Người, khi Mẹ thấy Đấng từ trời đã xuống làm người vì yêu thương, thế mà chẳng những bị dân Ngài không nhìn nhận, nhưng còn bị giận ghét, và đuổi đánh với một lòng căm ghét không thể tưởng tượng được.
Đức Mẹ đáp lại thế nào? Luôn vẫn chỉ có một cách: đáp lại bằng tình từ mẫu của Người, Người yêu những kẻ ấy, những kẻ ghét Giêsu. Người ước ao chịu hết mọi hình khổ để cất cơn giận ghét ấy khỏi lòng họ, và tỏ Giêsu ra cho họ. Và chính cũng vì muốn cứu rỗi họ mà Người đã phú Con của Người chịu chết trên núi Sọ.
Đó là một bài học về lòng yêu thương. Đức Mẹ dạy ta một bài rất khó: biết chịu đau-khổ bởi người đồng loại. Khi sự đau khổ trực tiếp đến từ Thiên-Chúa, bình thường chúng ta chấp nhận khá dễ-dàng: Hội-Thánh vẫn thường nhắc cho ta phải vác thập giá với Chúa Kitô, và vác cách kiên-nhẫn. Nhưng khi thập giá do tay người đồng loại mang đến thì khó vác hơn nhiều. Ta không thích có người đồng-loại ở giữa Thiên Chúa và ta. Các đòn đánh của Thiên-Chúa, ta nhận, nhưng không nhận những đòn của Thiên Chúa song do loài người đánh.
Hiếm có người tín hữu đủ đức tin, và nhất là có đủ khiêm-nhường để nhận thấy bàn tay Thiên Chúa nơi tay người đồng-loại.
Trong những nỗi bất hạnh tự người đời trực tiếp làm cho ta, thì ngay cả những người có lòng đạo-đức nhất cũng thường chỉ thấy đó là sự bộc lộ của một người xấu tính, của những kẻ ghen tương thấp hèn, của những nghi kỵ vô căn cớ, của bội bạc và ngay cả của lòng độc ác.
Mấy ai biết nhìn thấy ở đó đức công-bình và tình yêu của Thiên Chúa dùng tạo vật để mưu ích cho con cái Người? Chính ở đấy mà người ta có thể thấy được trong các tôi tá Thiên Chúa ai là người có đức khiêm-nhường đích-thực, quả là vì nỗi ghê-tởm phải chịu đau khổ bởi người đồng-loại đã quá ăn sâu vào lòng, nên chỉ những ai có lòng khiêm nhường mới chấp nhận. Phải đã gần bậc thánh thiện lắm mới có thể hiểu được người đồng-loại thay mặt Thiên Chúa để thanh luyện linh hồn ta.
Đôi khi thử thách còn trở nên cay cực hơn. Không chỉ các địch thù Thiên Chúa cản đường ta tiến, mà cả các người tử tế cũng chống lại bạn: nào những chia rẽ cay cực, những hiểu lầm, những bình phẩm khắc nghiệt các hành vi của bạn, hay công khai trách mắng; lòng nhiệt thành của bạn bị rêu rao là độc hại; các dự án của bạn bị vùi dập vì coi là nguy hiểm. Thánh Phê-rô An-can-ta-ra nói với thánh Tê-rê-xa: “Một trong những nỗi cực lòng lớn lao nhất ở nơi lưu đày là bị các người tử tế phản kháng”.
Đã có lần người ta thấy năm thần học gia, được ủy nhiệm khảo sát các sách vở của bà thánh Tê-rê-xa Mẹ, sau đó cả năm vị tuyên bố: Những gì bà viết đều do ma quỷ mà ra! Các ông ấy đã dìm thánh nữ vào trong cơn khắc khoải khổ não ghê sợ ! Sách của thánh Gri-nhông đờ Mông-pho, vị tông đồ Cả của Đ.Maria, cũng đã bị nhiều Giám-mục lên án cấm chỉ lưu hành! Thánh An-phong-sô Li-gô-ri bị đuổi khỏi Dòng Chúa Cứu Thế chính ngài sáng lập! Bạn đừng tưởng các thử thách ấy hiếm xảy ra. Biết bao linh-mục, tu sĩ, tín-hữu, sau khi đã đem hết lòng hết sức tổ chức một công việc, đã bị gạt sang bên, vì bị coi như đã lạc mất trí hướng của công việc ấy? Còn biết bao vị tông-đồ khác nữa cũng hàng ngày bị gièm pha về các hảo ý của các ngài!
Ngước nhìn lên Đức Mẹ, các ngài đã được yên lòng. Đức Mẹ cũng đã trải qua con đường ấy. Chẳng phải Người cũng đã là Mẹ của một người không được nhìn nhận, một người bị vu cáo, bị truy nã bởi các nhà thông-thái đương thời, bởi các Thượng-tế sao? Tệ nhất là chính Người Con yêu dấu của Mẹ cũng đã lìa bỏ Mẹ khi Ngài lên 12 tuổi; và khi Ngài 30 tuổi đã đối xử với Mẹ với vẻ bề ngoài lãnh-đạm đấy ư:“Ai là mẹ Ta? Kẻ nào làm theo ý Thiên-Chúa!”
Qua những biến cố đó, Đức Giêsu muốn luyện cho Mẹ Ngài đạt chóp đỉnh của sự dứt bỏ mình thành nghèo khó thiêng-liêng. Chính Ngài cũng đã là một kẻ nghèo đến tuyệt mức. Cái nghèo về vật chất của Ngài đã lớn, nhưng tinh thần nghèo khó còn lớn hơn. Lúc sống, Ngài dứt bỏ mọi sự, khi chết bị các môn đệ bỏ rơi; bị dân Ngài từ rẫy; bị ố danh bởi một bản kết án tử công khai; không còn quyền năng, hoàn toàn bất lực, và cũng không còn hình dạng con người nữa vì các khổ hình đã làm tan nát hết.
Ngài cũng muốn sống như thế trong Nhiệm-thể của Ngài. Các chi thể của Ngài phải sống tám mối Phúc: có tinh thần nghèo khó, hiền từ, thương xót, vui lòng bị bách hại, phó thác cho quan phòng, dứt bỏ mọi sự, ngay cả sự sống. Thánh Phaolô viết: “Của cải như mảy may không có, nhưng họ lại được mọi sự làm sở hữu” (2 Cor 6.10). Chính các người không dính bén, các người có tinh thần nghèo khó ấy“đã chiếm được Nước Thiên-Chúa.” (Mt 5.3)
Những chống đối do các tạo vật gây ra đều được Thiên Chúa cho phép xảy ra để thanh tẩy lòng nhiệt thành và lòng mến của con cái. Ta dễ có xu-hướng trà trộn các mối bận tâm về mình vào trong ước nguyện làm vinh-hiển Thiên Chúa. Các chống đối của tạo vật sẽ giúp ta thánh hóa mình.
Các tạo vật còn bắt người tôi tớ Thiên Chúa chịu một đau khổ lớn lao hơn nữa. Đó có lẽ là một đau khổ ghê sợ nhất mà Đức Mẹ đã phải trải qua. Mẹ bắt đầu chịu ngay từ ngày dâng Chúa Hài nhi trong Đền thờ: Người dâng Con cho Thiên Chúa để mưu phần rỗi cho nhân loại, đinh ninh sẽ có những người chạy đến với vị Cứu Thế! Nhưng ông Si-mê-ong lại báo: “Này Con Bà có mệnh làm cớ cho nhiều kẻ phải bổ nhào.” (Lc 2.34). Giêsu đẹp đẽ và đáng yêu như vậy mà lại là cớ cho người ta bổ nhào ư? Ngài đến để cứu, song lại không được tiếp đón: “Ngài đến nơi nhà của Ngài, song người nhà đã không tiếp nhận.” (Ga 1.11).
Ôi! Điều đó làm cho trái tim từ mẫu của Mẹ kinh ngạc đau đớn chừng nào! Kinh ngạc ấy kéo dài suốt đời Mẹ. Các tư tế Do Thái không chấp nhận ông Kitô này…, dân chúng bị họ xách động và lừa dối a dua theo họ… Cả đến tên gian phi kia mà Mẹ đã cầu nguyện cho, phút cuối cùng không thống hối, cũng đã chết trong khi thốt ra những lời lộng ngôn, chết bên thập giá cứu rỗi, cạnh Đấng Cứu Thế, và bị hư mất! Giêsu chịu khổ nạn vô ích sao ?
Rồi đến lượt các vị tông đồ, ai nói được nỗi sầu muộn của các ngài trước lòng chai đá của người thế ? Các tôi tớ của Thiên Chúa cứ cương quyết rao giảng tình yêu của Chúa Cứu Chuộc, bởi lòng khao khát cứu các linh hồn thúc đẩy, các ngài hiến trọn đời mình vào việc ấy; các vị chiêm niệm thì cầu thay nguyện giúp; các vị khổ tu thì hy sinh tế lễ mình. Nhưng có những ngày, các ngài chỉ nhìn thấy từng đoàn lũ đông vô kể các kẻ vô tín và những kẻ đã được Rửa tội bị vực sâu hỏa ngục thu hút… Chẳng lẽ việc tông đồ, lời cầu nguyện hóa ra vô ích sao ?
Tuy vậy các ngài không hối tiếc, Đức Mẹ cũng vậy khi đứng bên thập giá, không hối tiếc nỗi thống khổ, nỗi sầu não, hay một giọt máu đào! Vì Mẹ nhìn thấy ở đó yếu tố nhất định sẽ làm vinh hiển Thiên Chúa và thánh hóa các linh hồn.
Đức Mẹ tìm kiếm sự gì? Người mong muốn chúng ta hoàn toàn phú thác mình cho Thiên Chúa, và biết nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi sự và yêu mến Người khắp nơi, cách riêng nơi người đồng loại; hết lòng phục vụ Ý muốn tối thượng của Người,“Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh,” Thánh Phaolô bảo thế (1 Thx 4.3). Mà Mẹ là Đấng cộng tác với Thiên Chúa trong việc đào tạo các thánh, nên Người thuyết phục tôi tin chắc rằng: khi Thiên Chúa muốn tôi phải bị hạ nhục, bị phản đối bởi người đời, là một ý muốn do tình yêu của Chúa Cha đề xuất.
-III-
CHỐNG LẠI CHÍNH MÌNH TA
Than ôi, ma quỷ và các tạo vật không phải là địch thù nguy hiểm nhất của đời sống đạo của ta. Mà là chính ta, vì là kẻ tội lỗi, hướng chiều về đàng tội.
Về điểm này, có thể nói lòng nhân hậu của Đức Mẹ càng tỏ ra mạnh mẽ hơn.
Thiên Chúa ghét tội không thể nói cho cùng. Chỉ cần nhớ đến cơn hấp-hối của Chúa Giêsu đủ hiểu. Đức Maria cũng hiểu tội một cách thiêng-liêng cực kỳ sâu sắc. Lòng tin lớn lao của Người tỏ cho Người thấy sự ghê tởm của nó. Ơn vô nhiễm nguyên tội và sự thánh thiện của Người không đội trời chung với tội một cách tuyệt đối. Trong ngày Khổ Nạn của Chúa Giêsu, tình mẫu tử siêu việt của Người đã dìm Người vào trong vực sâu đau đớn không thể nói nên lời.
Người nhìn thấy gì? Một bên, Con của Người mà tình yêu Chúa Cha và tình yêu nhân-loại đã khiến Ngài hiến thân hy sinh chịu đau khổ và chết ngõ hầu hủy diệt tội lỗi, và đem họ vào trong Vương quốc tình yêu (x. Col 1.13), và dâng lại cho Chúa Cha một Hội-Thánh được tẩy sạch mọi tỳ ố, thánh thiện xinh đẹp như một vị hôn thê (x. Ep 5.25-27).
Bên kia là chúng ta, những anh em của Chúa Kitô, con cái của Mẹ, là những kẻ – theo lời ông già Si-mê-ong báo trước – phơi bày ra ánh sáng ý nghĩ sâu kín nhất của tâm hồn, và từ chối không chịu nhận máu Ngài cứu chuộc, đang khi Chúa Giêsu chết để cứu họ. Thế là Đức Mẹ đã nhìn thấy trước, trong số con cái yêu dấu của Người, có cả những kẻ bị hư mất. Đó là kẻ tội lỗi cứng lòng đến nỗi đứng lên chống lại thập giá và cố gắng làm cho Chúa Cứu Thế đau khổ vô ích.
Tôi không tin người ta có thể hiểu nỗi đau đớn đến chừng nào trong lòng của Đức Maria trên Núi Sọ. Trước tình yêu vô hạn của Chúa, Mẹ như bị đè nặng dưới khối tội lỗi gớm ghiếc và khổng lồ của toàn thế giới, khối tội sừng sững đứng trước nhan Thiên Chúa để xỉ nhục Người và như muốn tấn công Người, và thực tế hôm đó đã đi đến chỗ vùi dập được người Con của Thiên Chúa trong cơn hấp hối não nùng ghê gớm đến nỗi Ngài chết trong tiếng kêu than bí-nhiệm: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Người từ bỏ con?”.
Song, tình yêu của Mẹ không ngã lòng thối chí. Người là Mẹ. Người kết hợp đến cùng với cuộc Tử Nạn của Con, và cùng Con, Người đi xuống tận đáy vực thẳm. Người đi đến cùng tột của đau đớn và tình yêu. Là Mẹ, Người sẽ liều thử điều bất khả thi, để cứu rỗi các con cái mà Người sinh ra ngày hôm đó, dù họ từ khước tình yêu vô biên của Chúa.
Chính ở dưới chân thập giá, mà Người đã nên Bà Mẹ đầy thương xót cho hết thảy chúng ta, và Người đã đạt được sức mạnh khủng khiếp chống lại tội lỗi. Chớ gì ta cảm nghiệm được sức mạnh ấy! Lòng ghét tội sâu xa là một trong những ơn đầu tiên Đức Mẹ xin cho những ai phó mình chịu ảnh hưởng từ mẫu của Người.
“Nếu Thiên Chúa cho ta chọn cho mình một trong những ơn huệ cao cả và phi thường mà Người đã ban cho các thánh của Người, thiết tưởng ta không thể làm gì tốt cho bằng xin cho được lòng gớm ghét tội mạnh mẽ, sâu sắc như vài vị thánh đã được. Đó là một ân huệ làm nguồn gốc cho tất cả sự hoàn thiện sau này và gây một sức mạnh siêu nhiên để sống trung thành đến chết trong ơn nghĩa.
“Đó là ơn vừa chắc chắn nhất, vừa hiệu nghiệm nhất trong các ơn đặc biệt. Mà chính lòng tôn kính các sự đau đớn của Đức Mẹ sẽ là một trợ lực đặc biệt, giúp ta vừa để được thói quen có lòng gớm ghét tội, vừa được hưởng lòng gớm ghét ấy như một ơn huệ. Nỗi thảm sầu mà tội gây ra cho trái tim người Mẹ tinh tuyền… làm cho lòng ta ghê sợ, thương hại, tức tối và hối hận.”[1]
Để giúp ta sống tâm tình nói trên, Đức Mẹ tỏ cho ta thấy Con của Người. Đó là sứ mệnh của Người. Người tỏ cho thấy Chiên Thiên-Chúa, Người Con đền tội cho ta bằng một cuộc đời hạ mình, lam lũ vất vả, bị khinh chê, nhận chịu“tủi hổ nhuốc nha”,“con người đau khổ”.Và chịu tất cả những sự ấy đều vì tội ta: “Ngài đã bị đâm vì các tội lỗi ta, bị nghiền nát vì các tội ác ta” (Is 53.3-5)
Thánh nữ An-gê-la Phô-li-nhô thuật lại chuyện người xin Đức Mẹ điều làm vui lòng Chúa hơn cả. Đức Mẹ nhận lời. Thánh nữ nói: “Tôi đã được lòng cảm thương Chúa Giêsu và Mẹ Maria cách sâu sắc hơn trước. Tất cả những gì to tát nhất tôi đã làm đều ra nhỏ bé trước mắt tôi, tôi cảm thấy ao ước đền tạ tội lỗi cách mãnh liệt hơn nữa. Lòng tôi chìm ngập trong cuộc Tử Nạn của Chúa Kitô, và cũng nhờ cuộc Tử Nạn ấy, tôi có hy vọng được cứu rỗi.”
Chúa Cứu Chuộc hiện ra với thánh nữ, dưới hình bị đóng đinh, và giơ ra cho xem các vết thương, các vết đòn đánh, các đau đớn ghê gớm của Ngài. “Ngài nói: Vì con, chính vì con mà Ta chịu đau đớn.” Ngay lúc đó tôi thấy hiện ra trong ký ức tất cả các tội lỗi tôi; tôi hiểu kẻ đánh đòn Chúa là tôi. Tôi hiểu tôi phải chịu đau đớn như thế nào. Phần Ngài, Ngài tiếp tục nói và cho tôi xem cuộc Tử Nạn của Ngài: “Con sẽ làm gì để bù lại cho Ta?” Tôi khóc thảm thiết đến nỗi tôi thấy giọt nước mắt đốt cháy da thịt tôi”[2]
Nhớ đến các tội của ta, rồi nhớ đến lòng thương xót của Đấng đã tha tội cho ta, điều ấy phải duy trì trong ta một nỗi đau đớn liên lỉ. Vì Chúa Giêsu đã mặc lấy hình hài tội lỗi (Rm 8.3), Ngài phải sống tủi hổ trước mặt Chúa Cha đến nỗi trên thập giá Ngài đã kêu lên: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Người bỏ rơi con?” Đời sống của Đ.Maria, Mẹ Đấng hạ mình sống tủi nhục, cũng đã trôi qua trong đền bồi và đau đớn. Các thánh cũng cảm nghiệm mãnh liệt nỗi đau đớn ấy. Thánh Vi-xen-tê Fê-ri-ê trước khi vào các thành thị rao giảng Tin Mừng cùng làm nhiều phép lạ, đã sấp mình trong bụi đất, và khóc lóc cầu khẩn Thiên Chúa đừng phạt thành ấy vì kẻ tội lỗi là ngài đang sắp bước vào.
Một điều quan trọng cho đời sống thiêng liêng của ta là việc duy trì sự đau khổ liên lỉ vì thấy mình đã phạm tội. Các bước tiến sau này cũng tùy ở đó.
Dĩ nhiên, không phải ta cứ luôn nghĩ đền từng tội đã phạm trước đây, đức khôn ngoan dạy ta quên đi. Nhưng chỉ cần nhớ ta là kẻ có tội. Việc phạm tội, dù chỉ một lần, cũng đủ để dìm ta vào tủi hổ. Tinh thần vườn Ghết-sê-ma-ni phải luôn sống nơi ta. Ta hãy nghĩ đến án phạt mà Ngôi Lời đã bằng lòng để cho Nhân tính vô cùng thanh sạch của Ngài phải gánh chịu, chỉ vì Nhân tính ấy đã mang lấy các tội lỗi của nhân loại và đã phú mình chịu chết nhục nhã thảm khốc trên thập giá! (x. 1 Pr 2.22-24). Văn sĩ Et-nét Si-ka-ri viết: “Trong mọi công việc tôi làm, tôi đều khóc lâu dài trước nhan Thầy Chí Thánh mà tôi đã đóng đinh trong bao năm tháng”.
Ta hãy xin Mẹ Maria ban cho ta ơn được cảm nhận sự tủi hổ thánh thiện ấy trước mặt Thiên-Chúa, vì Người có nói: “Ta là Mẹ tình yêu và sự kính sợ”. Ở Lộ Đức, Mẹ kêu gọi: “Hãy đền tội, đền tội!” Ở La Sa-lét, Mẹ hiện ra với đôi mắt tràn lệ, khóc lóc vì những sự khốn nạn của ta.
Đáp lại, Người sẽ dẫn đưa ta vào trong sự khiêm nhường, trong cầu nguyện thành tâm và tạo nên trong hồn ta nhu cầu liên lỉ đền tạ, yêu mến và tán dương Thiên Chúa.”
-IV-
MẸ ĐẦY THƯƠNG XÓT
Từ ngàn đời, các tín-hữu luôn vẫn tặng Đức Mẹ tước hiệu ấy để biểu-lộ một trong những đức-tính thiết yếu của tình thương từ-mẫu Người. Lòng thương xót là sự cảm thương các nỗi cùng cực của kẻ khác. Thánh kinh chép: “Chúng ta có một vị Thượng-tế đầy thương xót và trung-tín để đền tội của dân. Bởi Ngài đã chịu đau đớn và thử thách, Ngài có sức để cứu vớt những ai bị thử-thách” (Hr 2.17-18). Cũng có thể nói một cách nào như thế về Mẹ vị Thượng-tế. Người Mẹ đã chịu “đau-đớn và thử-thách” cùng Ngài, và lòng Mẹ hằng luôn muốn làm nhẹ gánh sầu khổ của ta.
Nơi Thiên-Chúa, lòng thương xót biểu lộ quyền lực và lòng nhân-hậu của Người ra một cách rực-rỡ, đến nỗi phụng vụ Hội Thánh vui mừng dâng lên lời ca tụng này: “Lạy Thiên Chúa, khi Người nhẫn nại và thương xót chính là lúc Người tỏ bày quyền năng vĩ đại hơn khi nào hết”[3]. Qua đó mới thấy tại sao Đức Mẹ cũng có lòng thương xót đến thế: Mẹ thương xót ta, là tôn vinh Thiên-Chúa, Đấng giàu lòng thương xót vô biên vô hạn.
Thánh Au-gu-ti-nô nói cho ta hay, hoán cải một người tội lỗi nên công chính là việc làm vinh-hiển cho Thiên Chúa hơn là tạo dựng trời đất: “Sự tốt lành của ơn sủng có giá-trị hơn cả vũ-trụ”. Vì vậy, một trong những nhiệm-vụ chính của chức làm Mẹ của Đ.Maria là làm cho kẻ tội nhân ăn năn hối cải.
Mẹ biểu lộ lòng thương xót khi ban cho ta Chúa Cứu thế, đào tạo Nhân tính của Ngài để nhờ đó Ngài cứu-chuộc ta. Chúa Cứu Chuộc là của báu lớn lao Đức Mẹ ban cho ta. Thánh An-xen-mô cầu nguyện: “Lạy Nữ Vương rất nhân từ, trong những cơn hãi hùng đeo đuổi con, trong nỗi hãi sợ làm con héo hắt, con sẽ chẳng kêu cầu sốt-sắng đến vị trung-gian nào bằng kêu cầu Đấng đã cưu mang trong lòng chính sự giao hòa của thế giới? Có lời chuyển cầu nào sẽ xin được Chúa ban ơn tha bổng cho kẻ tội ác như con đây cách dễ-dàng hơn lời cầu-nguyện của Đấng đã lấy sữa mình nuôi vị Chúa phục-thù mọi tội ác và cũng là Đấng ban ơn tha-thứ đầy lòng thương xót?”
Đức Mẹ đã được tạo nên vì các kẻ tội lỗi! Ri-sa đơ Xanh Vích-to viết: “Người đã nên Mẹ Thiên Chúa với mục đích là để thương xót” [4], từ lòng Người một suối tràn trề thương xót không bao giờ vơi cạn đổ xuống trên các kẻ tội lỗi. Chẳng có người tín hữu nào mà chẳng cảm thấy thấm thía điều đó. Ở gần Mẹ, người khốn nạn nhất, chỉ cần họ có một chút ý muốn thoát ra khỏi đống bùn nhơ, cũng đều cảm thấy ứa tràn lên trong họ niềm trông cậy, sự an lành, như thể họ đang ngồi bên lòng người mẹ đẻ của họ. Chúa Kitô đã ban Mẹ cho ta để ta được ơn tha thứ.
Trong những ngày sa ngã thảm hại nhất, ta vẫn có thể tiếp tục nguyện xin: “Xin Mẹ cầu cho chúng con, là kẻ tội lỗi khốn nạn”. Dù đã chìm xuống vực sâu thẳm đến mức nào, tưởng nhớ đến Đức Mẹ vẫn là một cái phao cấp cứu mà các kẻ khốn nạn bám lấy.
Hội-Thánh tặng Đức Mẹ tước hiệu: “Gương công-chính”, gương phản chiếu sự thánh thiện của Thiên-Chúa, nhưng cũng xưng tụng Mẹ là “Nơi nương náu cho tội nhân”. Tình thương từ mẫu của Người khiến Người nghiêng mình xuống với họ, Người nhìn thấy máu Con của Người trên họ, Người muốn sát nhập họ vào Chúa Giêsu. Lòng thương xót của Người bao bọc tất cả các chi thể của Chúa Kitô: các người công-chính thì vì đã kết hợp với Ngài; còn các kẻ tội lỗi là để họ được kết hợp với Ngài.
Chỉ cần nhớ đến núi Sọ là ta hiểu được lòng thương xót vô biên của Mẹ. Ở đó Người phải chịu nỗi cực hình ghê sợ dường nào! Tình yêu đã tận hiến Mẹ cho Chúa Giêsu, cũng phó giao Mẹ cho các tên lý hình, Người là Mẹ của hai bên. Tất cả những kẻ bắt bớ Chúa Giêsu, đám dân đang gào thét đòi Ngài phải chết, đang chửi rủa và đóng đinh Ngài, cũng là con cái Mẹ! Người đã thụ thai họ là chi thể lúc thụ thai Đầu là Ngôi Lời nhập thể, đã sinh họ ra trong đau khổ trên Núi Sọ. Người yêu họ với tấm lòng mẹ, một người Mẹ yêu luôn mãi.
ĐGM Gay nói: “Trong tâm hồn Mẹ, tuy đau đớn hơn bị đóng đinh, không thể nào tìm thấy chút dấu vết cơn tức giận, một bóng mờ của giận dữ. Người không nại đến Công lý của Thiên-Chúa, không cầu mong Thiên Chúa phục thù. Nếu Mẹ kêu cầu đến Công lý là để giáng xuống trên Mẹ. Mẹ thấy hết mọi sự, nhưng chỉ nhìn đến một điều: Chúa Giêsu - Con yêu của Mẹ - hiện giờ đang phó mình cho Công lý Thiên Chúa đáng chúc tụng, phó mình với sự hiền từ của một “Chiên con”. Và Mẹ phó mình cùng với Ngài và như Ngài cho Công lý để đền tội cho nhân loại.
“Mẹ không hề thấy cần, không hề có ý nghĩ, hay bị cám dỗ mong ước một hình phạt nào cho các kẻ làm điều ác, dù họ là thế nào, những điều ác làm nguyên nhân, làm cơ hội và hoàn cảnh xung quanh cuộc tế lễ thập giá của Thánh Tử Mẹ. Điều đó không thuộc chức vụ Mẹ, không có trong tính tình Mẹ.
“Mọi nơi, mọi lúc, nhưng nhất là ở núi Sọ, Mẹ là người “Phụ nữ”, là Mẹ, là Nữ-Trinh nhân hậu, nữ Trạng sư của kẻ tội lỗi, là Mẹ đầy thương xót.”[5]
Lòng thương xót lớn lao đến đỗi ấy, trên trời Đức Mẹ có đến tuyệt mức hoàn hảo. Chính lòng thương xót ấy đã xui khiến Người liên lỉ cầu nguyện. Thánh Bê-na-đô nói: “Ai có thể đo được chiều dài, rộng, cao, sâu của lòng thương xót Mẹ, hỡi Nữ-Trinh đáng chúc tụng? Bởi chiều dài, Mẹ sẽ cứu giúp đến tận giờ sau hết những ai kêu cầu. Bởi chiều rộng, lòng thương xót ấy lấp đầy mặt đất. Chiều cao của nó lên thấu Thành đô Thiên-quốc để đền bù những mất mát. Chiều sâu của nó xuống tới đáy vực thẳm để hoàn lại tự do cho những kẻ ngồi trong bóng tối sự chết, vì nhờ Mẹ Thiên-đàng được đông đủ, hỏa ngục nên trống vắng, các hoang tàn của Giê-ru-sa-lem thiên giới được tu bổ, đời sống đạo được hoàn trả cho những kẻ khốn nạn mà trong họ tội lỗi đã hủy diệt.”[6]
Đức Mẹ nói với Thánh nữ Bơ-ri-gi-ta: “Ta là Nữ Vương Thiên đàng và là Mẹ tình thương xót. Ta là niềm hoan lạc cho người công chính, là cửa qua đó đưa người tội lỗi vào cùng Thiên-Chúa. Không ai, khi còn sống trong dương gian, dù họ bị chúc dữ đến thế nào, mà lại không được Mẹ thương xót.”[7]
Thánh nữ thuật lại lần kia, người thấy Mẹ Thiên Chúa cầu xin cùng Chúa Con các ơn huệ cho một tên cướp còn giữ đôi chút sợ hãi sự phán xét của Thiên-Chúa. Chúa trả lời: “Chúc khen Mẹ, hỡi Mẹ rất đáng mến, lời Mẹ dịu ngọt như rượu ngon nhất cho Con. Lời Mẹ làm vui lòng Con hơn hết những gì có thể nghĩ tưởng được… Chúc khen miệng Mẹ, môi Mẹ, đã phát ra tình thương xót với các kẻ tội lỗi khốn nạn. Người ta đã gọi Mẹ là Mẹ tình thương xót thật không sai. Mẹ thật là thế: vì Mẹ không khinh chê một nỗi khốn cực nào, và Mẹ đã khéo uốn lòng Con về sự thương xót. Mẹ hãy xin những gì Mẹ muốn: lòng thương người và lời cầu của Mẹ sẽ không bao giờ bị từ chối.” [8].
“Vì vậy - Huy-gơ đơ Xanh Vích-to nói - tôi tin rằng trên trời Mẹ thi hành luôn mãi chức vụ thương xót đối với nhân loại trước Thánh nhan Chúa Cha và Chúa Con”.
ÈYÇ
[1] Cha Faber, Au pied de la Croix. p.77.
[2] Ste Angèle de foligno. Visions et Révélations p.49.
[3] Lời nguyện Chúa Nhật 26 Thường niên.
[4] Richard de Saint-Victor, In Cant., c.39.
[5] Mgr. Gay, Confer. Aux mères Chrétiennes, 41 è conf.
[6] Saint Bernard: De Assumpt. Sermo 4.
[7] Révélations, lib.VI, ch VI.
[8] Révélations, lib.VI.cap XXIII.