News Filters

PHẦN VII ĐỨC MẸ DẪN TA TỚI HOÀN THIỆN *** Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR

27 Tháng Năm 2021

PHẦN VII

ĐỨC MẸ DẪN TA TỚI HOÀN THIỆN

 

I-    THIÊN CHÚA KÊU GỌI TA NÊN THÁNH.

II-   TA KÊU GỌI ĐẾN TÌNH MẸ MARIA.

III- ĐỂ VINH-HIỂN BA NGÔI THIÊN-CHÚA.

 

 

-I-

THIÊN CHÚA KÊU GỌI TA NÊN THÁNH

“Thiên Chúa đã kén chọn ta trong Đức Kitô, ngay từ trước tạo thiên lập địa, để ta nên thánh và vô phương trách cứ trước mặt Người. Bởi lòng yêu mến, và chiếu theo nhã ý của Thánh chỉ Người, Người đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô, để ngợi khen vinh quang của ân sủng Người” (Ep. 1.4-6).

Đó là ơn thiên triệu của ta. Thiên Chúa kêu gọi ta thông phần sự thánh thiện của Người bởi ơn nghĩa tử, tức là làm con Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Theo lời thánh Phaolô, thì đó là “Mầu nhiệm lớn lao”(Ep 5.32),“kế hoạch của mầu nhiệm giấu kín trong Thiên Chúa trong các thời trước” (Rm 16.25; 1 Cor 2.7; Co 1.26).

Bởi đức tin, chúng ta được biết bí nhiệm của đời sống nội giới thâm sâu của Thiên-Chúa: Chúa Cha có một người Con, bằng Ngài, cả hai Đấng kết hiệp với nhau trong một liên kết yêu đương vô hạn từ đó “nhiệm xuất” Thánh Thần… Hạnh phúc của Cha là có một người Con, “là sự chói sáng của vinh quang Người” theo lời thánh Phaolô nói  (Hr 1.3).

Nhưng, kìa Thiên Chúa trải rộng chức làm Cha của Người : Người thông chia hạnh phúc của Người cho các tạo vật, cách riêng loài người, được kéo từ hư vô ra, và bởi lòng nhân hậu, Người nâng họ lên tới Người, và nhận họ làm nghĩa tử của Người (x. Rm 8.15) và Người làm Cha của họ, khiến họ được phép kêu lên với Người: “Abba! Cha ơi! (Rm 8.15). Được nhận làm nghĩa tử, đó là ơn huệ tuyệt vời khôn sánh: Người nhận ta làm con-nghĩa tử trong Con chí ái của Người, và đã là con thì cũng được thừa kế (x. Rm 8.17) được chung hưởng gia tài vương quốc với Ngài vì đã được “Người chuyển ta vào vương quyền của Con chí ái Người” (Col 1.13). Ôi! Tình yêu Thiên Chúa kỳ diệu biết bao! “Anh em hãy xem - Thánh Gioan Tông đồ kêu lên - Chúa Cha yêu thương anh em đến chừng nào, Người gọi anh em là con cái Người.” (1Ga 3.1)  

Nhưng như thế Thiên Chúa chưa lấy làm đủ, có một điều mà từ thuở đời đời, Chúa Cha đã nhìn thấy, với một sự vui thỏa vô hạn, đó là khi Ngôi Lời Nhập thể, Nhân tính Đức Giêsu được kết hợp với Ngôi Lời,[1] việc này sẽ làm triển nở sự thánh thiện và tình yêu, không chỉ trong Chúa Kitô Cứu Thế, mà còn trong mỗi người mà Chúa Cứu Thế sẽ kết hiệp với mình: Đấng Lời Nhập thể sống đời thờ phượng và yêu mến trong mình Ngài và cả trong các nghĩa tử nữa.

Xem như thế thì cụ thể sự thánh thiện cốt ở tại sự trở nên con cái Thiên Chúa trong Chúa Kitô: “Những ai Thiên Chúa đã nhìn đến từ trước, Người cũng đã tiền định cho nên giống hình ảnh Con của Người”(Rm 8.29).

Tóm lại, Ngôi Lời đã xuống thế làm người để “chúng ta được chịu lấy ơn nghĩa tử” (Gal 4.5) tức là thông phần ơn làm Con Thiên Chúa của Ngài. Ngài thông truyền cho ta sự sống của Chúa Cha và cho ta gia nhập vào gia đình Thiên Chúa. Ngài sống đời sống làm Con trước mặt ta, để ta bắt chước. Tất cả cố gắng của ta là phải kết hiệp với Chúa Giêsu để nhờ Ngài thông phần vào đời sống làm Con của Ngài. Không còn phương thế nào khác để đến cùng Thiên-Chúa: “Không ai đến với Cha mà không nhờ Ta”. (Ga 14.6).

 

-II-

TA KÊU GỌI ĐẾN TÌNH MẪU TỬ

CỦA MẸ MARIA.

Vì việc nên thánh là việc phải trở nên và sống đời làm con cái Thiên Chúa, do đó chúng ta hãy kêu gọi đến Đ.Maria, Mẹ của Người “Con đầu lòng” (Lc 2.7). Chức vụ vương giả của Người là tình mẫu tử. Là Ái nữ Chúa Cha, Thân Mẫu Đấng Lời, Hiền thê Chúa Thánh Thần, Người lại chẳng có đủ mọi sự cần thiết để đem ta vào trong gia đình Thiên Chúa hay sao? Người chẳng là Nữ Hoàng của Vương Quốc Ơn sủng sao?

Chúng ta xin Người trải rộng tình Mẫu tử của Người tới ta: Người đã nắn đúc nên Đầu của Thân thể mầu nhiệm, xin Người cũng nắn đúc cả các chi thể. Việc Nhập thể đã khởi sự trong lòng Người, xin Người hãy làm phát triển ra như Thiên Chúa mong đợi. Xin Người hãy trông nom sức tăng trưởng của các chi thể Chúa Kitô, như Người đã chăm nom sự tăng trưởng của Đầu. Xin Người tiếp tục làm Mẹ Chúa Kitô trong ta.

Các con cái – là chi thể Đức Kitô – mà Người đã thụ thai lúc Người Thụ thai Đầu là Ngôi Hai Nhập thể; và đã sinh họ ra trên núi Sọ, bây giờ phải đem họ tới sự hoàn thiện của đời họ như lời thánh Phaolô nói: “tới trạng thái con người trưởng thành, đạt tầm vóc thành nhân của Chúa Kitô.”(Ep 4.13). Tất cả những gì Thiên Chúa muốn thấy có ở nơi ta, Đức Mẹ đều thực hiện được. Tình mẫu tử của Người tương ứng với tình Phụ tử của Chúa Cha. Vì vậy tất cả mọi hy vọng nên thánh của ta đều nương tựa trên tình mẫu tử của Người.

 

-III-

ĐỨC MẸ KẾT HỢP TA VỚI MẦU NHIỆM  CHÚA KITÔ

Các Mầu nhiệm Chúa Kitô không còn kéo dài trong thời gian lịch sử, nhưng mãnh lực của các mầu nhiệm ấy vẫn tồn tại. Thư Híp-ri cho biết: “Chúa Kitô hôm qua, hôm nay vẫn là một, và sẽ như thế mãi cho đến muôn đời” (Hr 13.8). Chúa Kitô hôm qua là nói về Chúa hồi xuống thế làm người, hồi ấy Ngài sống như thế nào, thì hôm nay, sau khi phục sinh và được được tôn lên “làm Chúa” ngang hàng với Chúa Cha (x. Ph 2.9-11), được lên “ngự bên hữu Người” (x. Cv 2.33; Hr 10.12), và “có ở trong Ngài – trong thân xác  Ngài – tất cả viên mãn của Thần tính Thiên Chúa” (Col 2,9), thì Ngài “vẫn là một”, nghĩa là y nguyên không thay đổi, không vì được tôn vinh mà trở nên vô cảm, xa cách; hồi trước Ngài sống yêu thương, gần gũi, hòa đồng, ban ơn giáng phúc, thương xót, cứu độ [2], thì nay trong vinh quang Ngài vẫn như thế.

 “Ngài đã yêu Hội Thánh và đã phó nộp mình đi (chịu chết) vì Hội Thánh” là “để thánh hóa Hội Thánh” (Ep 5.25). Ngài đã làm việc đó lúc sinh thời bởi các mầu nhiệm của Nhân tính Ngài, hiện thời Ngài cũng còn làm những mầu nhiệm ấy[3] , là những thực tại vĩnh cửu, không bao giờ qua đi, luôn hoạt động thánh hóa.

Đức Hồng Y Bê-ruyn-lơ nói: “Mãnh lực của chúng sẽ không qua đi, cũng như tình yêu khiến Ngài thực hiện chúng cũng sẽ không bao giờ qua đi. [….] Tất cả đều luôn luôn sống động, luôn luôn hiện thời và hiện tại trước mặt Thiên Chúa.

“Đến nỗi, nếu cần hay nếu đó là đẹp ý Thiên Chúa, Cha Ngài, Đức Giêsu không ngần ngại chịu đau khổ một lần nữa, thực hiện lại công cuộc ấy, các hành động ấy, các mầu nhiệm ấy. Điều này khiến ta phải coi các điều và các mầu nhiệm của Chúa Giêsu không như những chuyện quá khứ và đã lịm tắt, nhưng vẫn sống động và hiện tại, và hơn nữa còn tồn tại muôn đời, từ đó ta có cơ nhận được những hoa trái quí báu và vĩnh tồn.”[4]

Người ta không thể nói hết được sự ích lợi cho linh hồn, khi giữ mình kết hợp một cách ý thức với các mầu nhiệm của Chúa Giêsu : chúng là những máng mà ơn sủng sử dụng để thông sự sống cho trần gian.

Cách riêng đó chính là ơn đặc biệt của phép Mân côi. Thật thế, Phép Mân côi là phương thế Đức Mẹ dùng để kết hợp ta với các mầu nhiệm luôn hiện tại ấy của Thánh Tử Người, và với hoạt động ban sự sống của Nhân tính Ngài, bằng cách Mẹ dạy ta đang khi lần những chục Kinh Kính Mừng thì không được để tâm trí suy nghĩ những chuyện lông bông, dông dài, nhưng dẫn dắt nó suy ngắm những mầu nhiệm của đời Chúa Giêsu Con của Mẹ! [5]

Đem ta vào sống trong lãnh vực phúc lộc của các mầu nhiệm Chúa Kitô, điều đó không khó đối với Mẹ. Các mầu nhiệm ấy đã hoàn thành trước mặt Mẹ, hơn nữa với sự cộng tác của Mẹ, Mẹ đã dự phần cách tích cực vào đó: Các mầu nhiệm ấy đã nên các sự kiện của tiểu sử đời Mẹ, đồng thời của sứ mệnh làm Mẹ của Người. Người đã nhận thức cách rõ ràng cái kế hoạch tuyệt diệu của các mầu nhiệm đó và liên hệ của mỗi mầu nhiệm với sự thánh hóa các con cái Người. Người hiểu rõ sự phong phú của chúng, bởi vì chính Mẹ đã được tràn đầy.

Làm sao hình dung được sự kết hiệp của Đ.Maria và Giêsu trong các mầu nhiệm ấy ? Thiên Chúa đã làm một tác động kỳ diệu khôn tả nơi Mẹ, khiến người ta không khỏi nhớ đến mầu nhiệm của đời sống thân mật trong Chúa Ba Ngôi. Đ.H.Y Bê-ruyn-lơ nói : “Chúa Giêsu kéo Mẹ về hiệp nhất với Ngài, kéo Người ra ngoài con người Mẹ và ra ngoài các hành động nội tâm, để sống động trong Ngài và mang lấy những ước vọng thánh thiện của Ngài bằng một một ấn tượng nhẹ nhàng, cao thượng, mạnh mẽ làm cho Mẹ ngây ngất trong Con mình, Maria trong Giêsu.”

Tất cả đời sống Mẹ là chiêm ngắm Đấng đã Nhập Thể làm người. “Nét đặc biệt nơi Đức Trinh Nữ Maria là chăm chú đến đời sống nội tâm và thiêng liêng của Thánh Tử Người, và trở nên khả năng tinh ròng đón nhận Giêsu, tràn đầy Giêsu”[6]

Đức Mẹ đem ta vào trong thế giới các mầu nhiệm ấy bởi đức tin.

Chỉ có thể tiếp xúc sống động với Chúa Giêsu nhờ đức tin, vì đức tin vốn là việc mở trí khôn đón nhận các sự giàu có tàng ẩn trong Chúa Kitô. Tiếp xúc ấy hoàn tất trong đức mến. Kinh Thánh cho biết: Chúa Cha yêu các Tông Đồ vì họ tin và yêu Chúa Giêsu: “Chúa Cha yêu anh em, vì anh em yêu Thầy và tin vào Thầy” (Ga 16.27). Lòng tin ấy kéo ơn sủng xuống và “làm vọt lên trong tâm hồn ta nguồn mạch nước hằng sống” (Ga 4.14), như lúc đầu tiên, cũng bởi đức tin, ta nhận được ơn làm nghĩa tử Thiên Chúa.

Mà Đức Mẹ lại đã được Hội Thánh tặng danh hiệu “Nữ Trinh trung tín”, Đức Trinh Nữ đầy lòng tin. Tin vào lời Thiên thần thông báo cho Người một mầu nhiệm chưa từng nghe, đã đưa Người vào trong mầu nhiệm Chúa Kitô, “mầu nhiệm mà, theo Thánh Phaolô, Thiên Chúa đã giấu kín từ bao nhiêu đời” (Rm 16.25; 1Cor 2.7).

Các bí mật lạ lùng như thế về Nhập Thể, về thân thế và sự nghiệp của Giêsu Con của Mẹ, về Thân Thể mầu nhiệm… Mẹ đã nhận được từ đâu, nếu chẳng phải trước tiên bởi đã được gói ghém trong lời truyền tin của Thiên thần, sứ giả Thiên Chúa ? Và Mẹ đã tin hết lòng, cách vững vàng, khiến cho bà Ê-li-da-bét chị họ Người đã chúc khen: “Phúc cho em vì đã tin…” (Lc 1.45). [7]

Và sau này, Người còn được biết bởi nghe các mục đồng ở Bê-lem thuật lại lời các Thiên Thần, rồi bởi lời ông già Si-mê-ong, và các lời tuyên bố của Chúa Giêsu, (trong thời Ngài ra đi Rao giảng công khai), do các tông đồ và môn đệ nam nữ của Chúa thuật lại, v.v… Và Người chấp nhận tất cả trong lòng tin vững vàng … Như thế, Người đã được gia nhập vào việc thực hiện những ý định cao cả, vĩ đại nhất của Thiên Chúa.

Tất cả tình yêu Người đối với Con dựa trên nền tảng lòng tin vững vàng đó. Ngay cả khi Thiên Chúa để Người phải trải qua những thử thách ghê sợ. Chỉ cần nghĩ đến lúc Người đứng dưới chân thập giá, trên đó người Con vô cùng yêu dấu của Người bị đóng đinh. Đâu rồi những lời tốt đẹp của Thiên Thần truyền tin nói với Mẹ: Nào Con của bà sẽ làm lớn…, nào Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai Đavít, Ngài sẽ làm vua  trên nhà Gia-cóp cho đến đời đời và vương quyền của Ngài vô cùng vô tận… (x. Lc 1.32-33). Chẳng thấy gì hết, và Giêsu Con của Mẹ đang bị đóng định thập giá và hấp hối sắp chết. Mà chết là hết! Thế mà Đ.Maria vẫn đứng vững: “Stabat”! Vẫn vững một niềm tin không lay chuyển.

Thánh Phaolô viết thư chúc cho các giáo hữu:“Chớ gì Chúa Kitô ngự trong lòng anh em bởi đức tin, và anh em được đâm rễ sâu, được đặt nền móng trong đức mến” (Ep. 3.27). Đức tin ấy, đức mến ấy liên kết ta với Chúa Kitô, và làm cho các mầu nhiệm mà Ngài đã sống vì chúng ta, trở nên mầu nhiệm của ta. Chúng ta diễn lại trong ta những mầu nhiệm của Chúa Kitô : “Đóng đinh thập giá cùng Ngài, mai táng cùng với Ngài và được sống lại cùng với Ngài” (x. Rm 6.3-4). Khi sống lại những mầu nhiệm Chúa Kitô, ta “được nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa”(Rm 8.29).

“Ôi Chúa Giêsu, đang sống trong Đ.Maria, xin đến và sống trong các tôi tớ Chúa, trong tinh thần của sự thánh thiện Chúa, trong sung mãn của quyền lực Chúa, trong sự hoàn hảo của đường lối Chúa, trong sự chân thật của các nhân đức Chúa, trong sự thông hiệp với  các mầu nhiệm của Chúa đã thống trị trên các lực lượng địch thù, trong Thánh Thần Chúa, để làm vinh hiển cho Chúa Cha.”[8].

ت×

 

-IV-

ĐỨC MẸ  KẾT HIỆP TA VỚI HIẾN TẾ  CỦA CHÚA KITÔ  

 Đức Giêsu đã sống với hình ảnh cây thập giá trước mắt. Ngài luôn tiến dần tới Núi Sọ. Là Vị Cứu Thế, ý tưởng cuộc hiến tế của Ngài không rời Ngài giây phút nào. Nếu người ta muốn hiểu cuộc đời Ngài, phải nhìn ngắm trong ánh sáng cuộc Tử nạn Ngài. Ngay từ lúc bước vào trần gian, Ngài thưa cùng Thiên Chúa : “Hiến tế hay lễ vật Chúa đã chẳng màng, nhưng Người đã nắn nên thân xác cho con… Vậy, này con đến để thi hành ý muốn Người !” (Hr 10.5-7).

Hiến tế thân mình Ngài đó, đã được dâng lên trước hết trong cung lòng Đ.Maria, sẽ tiếp tục dâng trong 30 năm, cho đến ngày kết thúc trên thập giá khi Chúa Giêsu thốt lên: “Mọi sự đã hoàn tất !”(Ga 19.30)

Còn Đức Maria? Như Đức Giêsu, Người sống cũng là để hiến mình cho thập giá. Ơn làm Thánh Mẫu Thiên Chúa của Người đòi hỏi sự ấy, tình yêu độc nhất của Người cũng đòi hỏi như vậy. Vì Người là Mẹ Thiên Chúa, Người nhận được một ơn lạ thường, vượt xa muôn trùng hết thảy các ơn huệ các con cái Thiên Chúa đã nhận được : một ơn làm Người nên bà con thân thích với Thiên Chúa, làm Người “bước vào cương giới của Thiên Chúa” như lời Đức Hồng Y Ca-dê-ta-nô nói. Ở đó, Đức Mẹ tìm thấy thập giá của mình, Người sẽ giống Đấng Cứu chuộc cách khắng khít hết sức. Mẹ là nữ-nghĩa-tử đầu tiên của Thiên Chúa, ơn ấy nắn đúc Người rập theo khuôn mẫu Chúa Giêsu, cách riêng trong xu hướng về thập giá.

Và cũng bởi Người đứng đầu sổ trong tình yêu, cho nên Thánh An-bê-tô Cả nói : “Khi tình yêu lớn lao vô bờ bến thì đau khổ cũng không bến bờ.”[9] Ri-Sa đơ Xanh Lô-răng cũng nói “Không có tình yêu nào sánh kịp tình yêu Đ.Maria cho nên cũng không đau khổ nào sánh được với đau khổ của Người.”[10]

 Sự tử đạo của Người là vì quá yêu.

Chúa Giêsu cho Mẹ chung dự vào bí mật đáng sợ của Ngài. Không thể nào nghĩ được rằng khi Giêsu sống trong viễn ảnh đau đớn của Núi Sọ, còn Đ.Maria bên cạnh Ngài lại sống một đời bình yên thanh thản. Tình yêu liên kết hai Đấng đòi buộc cả hai cũng phải kết hợp trong đau khổ. Chính vì tình yêu mà Giêsu đã liên kết Maria với vận mạng đau khổ của Ngài. Hiến tế và khổ nạn của Ngài là chóp đỉnh của đời Ngài : tình yêu cũng muốn Ngài đem Mẹ theo đến đó. Đức Maria là Mẹ Ngài, nếu bị tách lìa khỏi đau khổ của Con, Mẹ sẽ chẳng còn khác gì một dụng cụ không hơn không kém?

Giả sử nếu Chúa Giêsu không đi bước trước và cho Đ.Maria tham dự vào hiến tế của Ngài, Mẹ Maria cũng sẽ xin điều đó, với lòng mong ước khiêm tốn và nồng nhiệt đến nỗi tình yêu Người sẽ đạt được. Nếu Đ.Maria có lòng mong ước theo Chúa Giêsu khắp mọi nơi, thì Người ước mong nhất là theo Giêsu đến nơi Ngài phải chịu đau khổ. Mẹ muốn uống cùng một chén đắng mà Chúa Giêsu Con của Mẹ nói là Ngài phải uống (x. Mt 20.22-23).

Đối với Người, ơn huệ cao cả nhất Giêsu ban cho Người là được cùng khổ đau. Sự đồng khổ đau ấy cho phép Mẹ đau khổ cùng với Chúa, tế lễ mình với Ngài, tôn vinh Thiên Chúa, và thi hành chức làm Mẹ đối với nhân loại. Vả lại, như thánh Au-gu-ti-nô cho hiểu, thì Mẹ chẳng phải là căn nguyên cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu hay sao, khi Người ban cho Con của Người Nhân tính để Ngài có thể chịu đau khổ và chết? Không có Nhân tính ấy, Ngài không thể đau khổ và chết, vì Ngài vốn là Đấng Bất Tử!

Nếu người ta muốn hiểu đời Đức Mẹ, phải nhìn trong ánh sáng thập giá, như nhìn đời Chúa Giêsu vậy. Ngay từ lúc Chúa Nhập thể, Mẹ đã được soi sáng về ý nghĩa thâm sâu của các lời tiên tri về Ngài, và sau đó, vì được ông già Si-mê-ong báo trước, nên Mẹ sống trong ý tưởng cuộc hiến tế lớn lao sẽ thực hiện sau này. Sau mấy lời của cụ già thánh thiện kia, Mẹ biết Mẹ sẽ sống đời mình với một tế vật để chuẩn bị đến ngày đem tế sát.

Từ đó, Mẹ thấy luôn luôn trước mắt cuộc Tử nạn. Mọi sự đều nhắc nhở Người đến đó. Chính Người đã nói với Thánh nữ Bơ-ri-gi-ta : “Mỗi lần Mẹ nhìn thấy Con Mẹ, mỗi lần quấn tã cho Ngài, nhìn chân tay Ngài, là mỗi lần tâm hồn Mẹ lại như bị một lưỡi gươm mới xuyên qua, Mẹ thấy Ngài như bị đóng đinh ngay từ lúc ấy rồi.”[11] Chính Chúa cũng tỏ cho bà thánh Tê-rê-sa hay : “Khi con thấy Mẹ Ta bồng bế Ta trong cánh tay, đừng tưởng nỗi vui sướng của Người xóa nhòa mọi cực lòng cay đắng. Từ khi Người nghe những lời của ông già Si-mê-ong, Chúa Cha đã chiếu soi cho Người thấy rõ ràng những gì Ta sẽ phải chịu sau này.”[12]

“Ôi Mẹ đã phải chịu một cuộc Tử nạn lâu dài biết bao - Ru-per-tô đơ Đoi-sơ kêu lên - chỉ vì Mẹ đã luôn nhìn thấy trước Con Mẹ sẽ phải chịu những cực hình thế nào!”[13] Tác giả ấy còn đặt vào môi miệng Đức Mẹ những lời này : “Con đừng chỉ cảm thương Mẹ lúc Mẹ nhìn Con Mẹ chết. Lưỡi gươm cụ già Si-mê-ong báo trước đã đâm xé lòng Mẹ liên miên suốt cả cuộc đời. Khi bồng Con Mẹ trên tay, khi Mẹ cho bú, Mẹ đã thấy sự chết của Ngài. Mẹ đã phải chịu một cực hình lâu dài biết chừng nào!”[14]. “Ô không ! Hỡi Nữ Vương hiền hậu của con - thánh An-xen-mô kêu lên - con không tin là Mẹ có thể sống một giây phút trong nỗi đau đớn dày vò ghê sợ ấy nếu Thánh Thần sự sống không nâng đỡ Mẹ.”[15]

Khi ngày giờ của cuộc hiến tế cao cả ấy đến, Đức Mẹ lên thành Giêrusalem. Mẹ cũng đã có thể nói như Con của Mẹ: “Ta phải bị dìm mình vào trong bể đau khổ, và Ta những bồn chồn khắc khoải cho đến khi nó được hoàn tất!” (Lc 12.50). Người biết hiến tế của Con sẽ thiết lập Nước Thiên Chúa, máu Ngài đổ ra sẽ trổ sinh các con cái cho Thiên Chúa. Người biết Con của Người là “hạt giống gieo xuống đất (là lòng dạ Người) nếu không chết đi sẽ trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, sẽ trổ sinh nhiều hoa trái” (Ga 12.24). Người nhìn thấy tất cả những kẻ được tiền định sẽ sinh ra bởi hiến tế Núi Sọ, đàn con cái đông đúc mà sự đau khổ sẽ sinh ra cho Thiên Chúa. Tình yêu của Người thúc giục. Và khi ngày ấy đã tới, Người có mặt tại Núi Sọ.

Một tình yêu vô biên đã lôi kéo Người tới đứng bên thập giá, đứng vững trước nỗi đau đớn, vì Người đã làm chủ được nó. Người đem tất cả tâm trí và linh hồn thông phần vào các cực hình của Con. Người trọn vẹn kết hợp với Con, như thể đồng hóa với Con, đến mức Người muốn chung với Con chấp nhận cùng một thánh ý Thiên Chúa, và ra sức thi hành với một sự tận tụy tuyệt đối. Người hi sinh Con cho ta. Chính ở đấy là lúc Người ban Giêsu. Như Chúa Cha, Người yêu ta đến nỗi ban Con Một cho ta (x. Ga 3.16).

CẦN PHẢI KẾT HIỆP VỚI HIẾN TẾ ẤY

Điều tuyệt đối cần thiết là chúng ta phải kết hiệp với hiến tế Chúa Kitô. Vì hiến tế ấy vốn là “căn nguyên phần rỗi đời đời của ta” (x. Hr 5.9), nó chỉ hoàn toàn hiệu nghiệm cho ta nếu ta lấy hết tư tưởng, tâm hồn và hành động mà dự phần hoạt động vào đó.

Bởi kết hợp với cuộc Tử Nạn Chúa, ta có thể thực hiện ơn thiên triệu làm Ki-tô hữu, vì sao? Vì mọi ơn sủng đều từ thập giá trào ra, trên thập giá đó Chúa Giêsu chịu chết để thánh hóa ta: “Chúa Kitô đã yêu mến Hội Thánh và phú nộp mình đi để tác thánh Hội Thánh…, ngõ hầu đem đến cho mình Hội Thánh không tỳ ố, vết nhăn, hay chút gì như thế, nhưng thánh thiện và tinh tuyền.” (Ep. 5.25-27). Mà được thánh hóa, tức là thực hiện ơn thiên triệu là Kitô hữu!

Điều đó làm ta hiểu tại sao Đức Mẹ dẫn ta đến chân thập giá: vì từ đó nguồn mạch thánh thiện trào ra. Những ai kết hiệp với sự hiến tế của Chúa Kitô đều được thánh hóa, như lời Kinh Thánh làm chứng : “Bởi một dâng hiến độc nhất, Đức Giêsu Kitô đã làm cho các kẻ tiền định được thành toàn luôn mãi.” (Hr. 10.14).

Ta có hai phương thế chính để kết hiệp với hiến tế Đức Kitô : A) kết hiệp nhờ phụng vụ, và

  1. B) bởi nhận chịu đau khổ trong cuộc sống hằng ngày.

A/ KẾT HIỆP VỚI HIẾN TẾ ẤY

     NHỜ PHỤNG VỤ

Bàn thờ làm “tái hiện” tế lễ Núi Sọ. Để các ơn sủng do sự chết của Ngài được ban cho mọi người, mọi thời cho đến tận thế, Chúa Giêsu thiết lập một nghi thức khi Ngài nói: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22.19; 1 Cor 11.24) và mỗi khi cử hành nghi thức ấy, thì hiến tế của Ngài được lặp lại (“tái hiện”) trong Thánh lễ bàn thờ luôn mãi cho đến tận thế…[16] Nếu không làm thế, loài người sẽ mau quên, hiến tế của Ngài sẽ chỉ còn là một kỷ niệm xa mờ, nhân loại sẽ không còn nhận được ơn cứu rỗi từ thập giá.

Nhưng để có thể lặp lại (tái hiện) thì tế lễ thập giá nhất thiết phải tồn tại, mà được tồn tại là do điều gì?

Thưa: Do việc Chúa Cha chấp nhận và thần hóa nó.

Chúng ta đều biết rằng nơi Thiên Chúa hằng hữu, không có gì, không có hành động nào là tạm bợ mau qua như nơi trần gian chúng ta, vậy thì việc Chúa Cha chấp nhận và thần hóa tế lễ của Chúa Giêsu, nhất thiết hành động đó làm tế lễ ấy thành trường tồn vĩnh cửu. Vĩnh cửu như Thiên Chúa là vĩnh cửu.

Bởi vậy, tế lễ thập giá tuy chỉ diễn ra một lần duy nhất trên Núi Sọ, trong lịch sử cách đây hơn hai ngàn năm, nhưng do việc chấp nhận và thần hóa vĩnh cửu không bao giờ qua đi của Chúa Cha, nên nó tồn tại vĩnh cửu. Và cũng vì nó tồn tại vĩnh cửu không bao giờ qua đi, nên nó mới có thể tái hiện trong Thánh Lễ bàn thờ, nhờ cử hành nghi thức Chúa Giêsu đã truyền làm. 

Hơn nữa, tế lễ ấy vĩnh cửu còn vì tuy xảy ra trên Núi sọ, song trước mắt Thiên Chúa nó đang diễn ra trên trời.Quả thế, Đức Kitô đã… vào chính thiên đàng… không phải để dâng đi dâng lại việc hiến tế chính mình nhiều lần, nhưng chỉ một lần (Hr 9.24-26) (thì đã đủ vì hiến tế tồn tại vĩnh viễn)”… “Bởi việc hiến tế độc nhất ấy, Ngài đã làm cho những kẻ được tác thánh nên thành toàn mãi mãi.”(Hr 10.14)

Dù cử hành trên trời hay trên bàn thờ Hội Thánh dưới đất thì cũng chỉ là một tế lễ độc nhất. Dưới đất, linh mục thừa tác viên đại diện Chúa Kitô[17] cử hành tế lễ; trên trời Chúa Kitô là Thượng tế và dâng lễ vật: "Chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả, Ngài đã lên ngự bên hữu ngai Đấng oai nghi trên các tầng trời. 2 Chủ tế trong một Thánh Điện,… chính Thiên Chúa dựng lên …. 3 Phàm đã là Thượng tế thì được thiết lập để tiến dâng lễ vật và hi sinh ; vì thế, nhất thiết vị này cũng phải có cái gì để tiến dâng” (Hr 8.1-3).[18]

Khi ta Hiệp lễ (= Rước lễ), Chúa Kitô đến trong ta cũng với tư cách là Thượng tế. Tất cả những việc của vị Thượng tế đời đời ấy: thờ phượng, đền tội và khẩn nguyện của Ngài… trở thành của ta, nếu ta kết hợp và lấy làm của mình: “Chính nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, mọi vinh quang và danh dự đều dâng về Cha trong hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, cho đến muôn muôn đời!”[19] Trong ta, Ngài thờ phượng, tạ ơn, đền tội, cầu nguyện. Và Ngài làm cho việc thờ phượng của ta được hoàn hảo, việc tạ ơn được đầy đủ, và làm chảy tràn ơn tha thứ và ơn sủng Thiên Chúa xuống.

Lúc Hiệp lễ, Chúa Kitô cũng đến trong ta như tế vật trong trạng thái bị tế sát: “Và tôi (Thánh Gioan) đã thấy ở giữa ngai và bốn Sinh Vật, giữa các Lão công, Chiên Con đứng (trông) như thể đã bị tế sát…” (Kh 5.6). Ngài đến như tế vật, với sự thánh thiện của Đức Kitô-Tế vật, vì trong hiến tế, tế vật được tách riêng để thánh hiến cho Thiên Chúa, không được đụng chạm với phàm tục.

Vậy sự thánh thiện ấy của Chúa Kitô trên thập giá – nơi mà vì tình yêu Cha Ngài, và “vì yêu mến ta, đã phó nộp mình vì ta, làm lễ vật hy sinh hương thơm ngào ngạt dâng lên Thiên Chúa”(Ep 5.2) – sự thánh thiện ấy, phụng vụ cho ta thông phần.

Một nguồn ơn dồi dào biết bao chảy ra cho người tín hữu biết tham dự Thánh Lễ cách xứng đáng!

Họ dâng lên Thiên Chúa sự trọng kính tôn thờ hoàn hảo nhất của đời con thảo, họ được múc trực tiếp nơi nguồn ơn sủng, họ tăng cường đời sống nội tâm bởi tiếp xúc với sự chết Chúa Kitô, dần dần họ trở nên của lễ tiến dâng hằng ngày cùng với của lễ Chúa Giêsu trên bàn thờ. Ơn thiên triệu làm người Kitô hữu nhờ thế được thực hiện.

Nhưng làm sao ta có thể tham dự vào hiến tế cách xứng đáng, nếu không kêu gọi đến Mẹ của vị Thượng tế đồng thời là Tế vật thánh ? Đức Mẹ đã thông phần rất mật thiết vào chức tư tế của Con của Người lúc Ngài Nhập Thể, nên Người hẳn cũng đã được liên kết trong việc thi hành chức tư tế ấy lúc Ngài tế lễ mình trên Thập giá.

Vậy như Đức Mẹ đã có mặt ở Núi Sọ, Người cũng có mặt ở Thánh Lễ là Núi sọ tái hiện. Đứng bên thập giá, Người phụ tá vào việc dâng mình của Con chí thánh lên Chúa Cha; ở bàn thờ, Người cũng phụ giúp Hội Thánh dâng hiến mình cùng với vị Thủ Lãnh, khi Hội Thánh lặp lại hiến tế của Ngài.

Ta hãy dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha bởi tay Đức Mẹ. Nhưng Chúa Giêsu không muốn một mình Ngài được dâng lên. Thánh Lễ, hiến tế của Chúa Kitô, cũng là hiến tế của các chi thể Ngài, hiến tế của Hội Thánh. Thánh Lễ thiết yếu bao hàm cả sự dâng hiến của các chi thể Chúa Kitô, được cùng tế sát với Ngài trong cùng một hiến tế và với những tâm tình phó thác và suy phục hoàn toàn y như của Ngài. Khi vị linh mục, đại diện Chúa Kitô, dâng của lễ lên Thiên Chúa, Ngài cũng dâng linh hồn, thân xác, cả đời sống ta, như lời Thánh Phaolô khuyên dạy:“Hãy hiến dâng thân mình anh em làm lễ vật sống (x. Rm 12.1) [20], thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa.”(Rm 12.1)

Ta hãy xin Đ.Maria đào tạo ta nên những đầy tớ đầy tinh thần phụng vụ như thế, và biết khai thác những kho tàng vô tận của phụng vụ, nhất là của Thánh Lễ, để làm vinh hiển cho Thiên Chúa. Giá trị riêng của Thánh Lễ thì vô hạn, nhưng các tôi tớ Chúa phải dâng nó theo như Thiên Chúa muốn. Trong thời Hội Thánh sơ khai, lúc Đức Mẹ còn sống, Người đem đến cho các tế hiến do các Tông đồ cử hành, một hiệu lực mà ta có thể suy đoán được là lớn lao chừng nào, làm Hội Thánh tăng trưởng trong thời phúc lộc ấy. Chính các thánh trong Giáo Hội làm cho máu Chúa Kitô trên bàn thờ trở nên tiếng kêu tha thiết lên trước nhan thánh Chúa Cha: “Anh em đã tới cùng vị Trung gian Giao Ước mới là Đức Giêsu và được máu của Ngài rảy xuống, máu đó kêu lên còn mạnh hơn cả máu A-ben.” (Hr 12.24)

***

 

  1. B) KẾT HIỆP VỚI HIẾN TẾ ẤY

TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY

Sự kết hiệp tư tưởng, tâm hồn và kinh nguyện với hiến tế của Chúa Kitô nhờ phụng vụ nói trên, phải được bổ túc bằng sự kết hiệp các việc làm của đời sống hằng ngày của ta với hiến tế ấy. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Rôma: “Anh em không biết rằng chúng ta tất cả được rửa trong Đức Kitô, là được dìm vào trong cái chết của Ngài sao ? Bởi phép Rửa, ta đã được mai táng cùng với Ngài vào trong sự chết…” (Rm 6.3). “Con người cũ của ta đã bị đóng đinh cùng Ngài” (2C 5.15). Thánh Phaolô đã sống kinh nghiệm đó: “Tôi đã bị đóng đinh cùng với Đức Kitô” (Gal 2.19).

Những lời trên đây mặc một tính cách nghiêm nghị lạ thường. Chúng phải hướng dẫn cả đời sống ta. Phép Rửa đã làm ta giống Chúa Cứu Thế, đã làm ta thông phần cái chết của Ngài (dìm vào trong cái chết của Ngài), ơn ấy không lẻ loi đơn độc, nhưng là một hạt giống phải nảy mầm và sinh hoa trái. Mỗi người tín hữu phải họa lại cuộc Tử nạn, và như lời Thánh Phaolô nói: “phải bị đóng đinh vào thập giá” (Gal 2.19). “Cả anh em nữa, vì đã được Rửa, hãy tự kể mình như đã chết cho tội và đang sống cho Thiên Chúa, nhờ bởi Đức Giêsu Kitô” (Rm 6.3). Bị đóng đinh là chết, chết cho tội, nghĩa là từ nay không còn làm những việc xấu xa, tội lỗi nữa; và đang sống cho Thiên Chúa nghĩa là tất cả mọi tư tưởng, tâm tình và hành vi nay đều chiếu theo lời Chúa dạy mà sống…

Chúa Kitô đã gồm tóm tất cả những điều nói trên bằng lời cảnh báo này: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình và vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.”(Mt 16.24)

Ta hãy yêu thập giá dưới mọi hình thức: lao động, thử thách, bệnh hoạn, tủi nhục, và còn gì nữa…? Tất cả những gì Quan Phòng Chúa gửi đến, để làm ta mau giống Chúa Kitô. Còn phải thêm vào đó tất cả những việc hãm mình và thống hối tự nguyện, đó chẳng là điều ta đã cam kết khi chịu phép Rửa, và không được đem một miễn chuẩn nào vào đó sao ?

Khi kết hiệp với hiến tế Chúa Kitô, không gì giúp ích và khích lệ cho ta bằng nghĩ đến Mẹ là Đấng đã chịu đau khổ vô ngần vì ta. Người đau khổ suốt cuộc đời. Luật hi sinh bao phủ lấy Người. Hay nói cách khác, Mẹ đã sống lời Chúa Giêsu cảnh báo trên đây: “Từ bỏ mình, vác khổ giá.” Sự đau khổ của Người luôn tăng lên chứ không giảm bớt, vì nơi các kẻ được tiền định, đau khổ và yêu mến luôn luôn đi đôi. Mẹ đã đau khổ trong thể xác, nhưng nhất là trong trái tim và linh hồn. Tử đạo của Người ở trong nội tâm trước hết.

Sẽ có những ngày bạn phải đau đớn trong thân xác, đôi khi cách nặng nề. Lúc đó phải nhớ: ta là chi thể Chúa Kitô, và ơn thiên triệu của ta là phải tiếp tục sống cuộc Khổ nạn của Chúa chúng ta. Trước ta, Đức Mẹ đã bước đi trên con đường hoàng vương của thập giá. Ta hãy nhớ đến cuộc chạy trốn và lưu đày bên Ai Cập, đến những nỗi nghèo nàn, và bị bỏ rơi của Người.

Sau Đức Mẹ, một môn đệ của Chúa Kitô cũng đã kể lại: “Chúng tôi bị ép dồn mọi mặt,…lâm bĩ,…bị bắt bớ,… bị quật ngã… Mọi thời và khắp nơi, chúng tôi mang trong thân mình cuộc Khổ nạn của Đức Giêsu… Vì tuy sống đó, nhưng luôn luôn chúng tôi bị phó nộp cho án chết…” (2 Cor 4.8-11).    

Phần chúng ta, dù tình cảnh ta thế nào, cùng cực và vô phương cứu chữa đến đâu chăng nữa, ta hãy nhìn thẳng phía trước mặt: ta sẽ luôn thấy Chúa và Đức Mẹ vác thập giá như ta, và có khi những thập giá khác nặng nề hơn thế nữa.

Đau khổ của tâm hồn đáng sợ hơn, nhưng cũng làm ích hơn. Những chia ly xé lòng và âu sầu đến hấp hối, những đau khổ đó sâu xa không biết đâu là bến bờ. Đó chính là lúc ta phải nhìn lên Đ.Maria. Mẹ chịu đau đớn trong lòng nhiều hơn ngoài thân xác. Sự kết hiệp sâu xa với Con của Người càng làm tăng đau đớn lên cách phi thường. Có lẽ Người sẽ đau đớn ít nếu đã yêu mến ít. Người đau đớn một mình. Đấng có thể an ủi Người, Đấng độc nhất hiểu nỗi đau đớn của Người, Đức Giêsu, lại là nguyên nhân chính của cơn hấp hối của Người. Người phải đau khổ mà không được thông cảm, và đó là điều đáng sợ nhất.

Người dạy ta biết đau khổ với Giêsu. Thánh Phaolô nói : “Tôi bị đóng đinh vào thập giá với Chúa Kitô” (Gal 2.19). Nơi Đ.Maria, điều đó càng thật hơn biết bao! Được liên kết vào công cuộc cứu chuộc, tư cách làm Mẹ của Người đã đem Người đi sâu vào trong công cuộc đó hơn ai hết. Nói rằng Người thông cảm với các đau khổ của Con của Người là chưa nói gì cả. Phải nói : Người hòa mình vào đau khổ ấy, Người dìm sâu vào trong đau khổ ấy, lấy đau khổ ấy làm của mình. Có thể nói: chỉ có một cuộc Tử nạn mà Con và Mẹ cùng chịu! Đức Mẹ nói với Thánh nữ Bơ-ri-gi-ta : “Trong cuộc Tử nạn của Chúa, đau khổ của Ngài là của Mẹ, vì tâm hồn Ngài là tâm hồn của Mẹ.”[21]

Như trong việc Nhập Thể, Mẹ đã phú thác thân thể mình cho Thiên Chúa để Đấng Lời nhận lấy bản tính nhân loại trong dạ Người, thì ở Núi Sọ Người phú thác không chút dè sẻn cả thân xác, tâm hồn và linh hồn để chịu cuộc Tử đạo cứu rỗi ta cùng với Con của Người. Đ.Maria là một người Mẹ đau khổ. Người đau khổ để hợp với Con lập Nước Thiên Chúa trên trần.

Người đã nghĩ đến ta: Mẹ Chúa Giêsu song cũng là Mẹ của anh em Chúa, Mẹ đầy thương xót, Nữ trạng sư của kẻ tội lỗi. Vì thế không thấy một dấu vết giận dữ nào nơi Người. Con của Người phú mình cho Công lý Thiên Chúa, song lại kêu gọi ơn tha thứ xuống trên kẻ đóng đinh Ngài (x. Lc 23.34), thì Mẹ cũng làm như vậy : những lý hình của Con lại chính là các con cái của Mẹ.

Xét như thế, bạn đã thấu hiểu được nỗi đau đớn mãnh liệt của Người chưa ? Chúa Giêsu, Người Con do máu thịt trinh trong của Người tạo nên, bị giết bởi chính những kẻ Mẹ đã thụ thai trong lòng, đồng thời với việc Mẹ thụ thai Đầu của họ, với một niềm âu yếm khôn tả. Thánh Kinh nói : “Con đừng quên những tiếng rên siết của mẹ con” (Huấn ca 7.27).

Đức Mẹ muốn kết hiệp ta với cuộc Tử nạn của Thánh Tử Người. Ta đã là một phần của cuộc Tử nạn ấy, vì trong việc giết Chúa Kitô, ta không chỉ là khách bàng quan, nhưng là đồng lõa, nói cho đúng, là lý hình. Bởi tội ta, Chúa Kitô phải chết, và Đ.Maria phải chịu một cuộc Tử đạo ghê sợ như thế.

Đức Mẹ muốn rằng ngày nay, ta cũng còn dự vào cuộc Khổ nạn, song là bởi lòng yêu mến, và như Thánh Phaolô nói : “để bù đắp trong thân xác tôi những gì còn thiếu trong các đau khổ của Chúa Kitô phải chịu.” (Col 1.24). Ta cũng vậy, ta phải có lòng đồng thương cảm nỗi đau đớn của Chúa Cứu chuộc, đồng thương cảm bởi kết hiệp lòng tin và lòng mến, bởi đau khổ và việc thống hối. Đó là điều kiện của phần rỗi ta: “(Chúng ta) là kẻ thừa kế, thừa kế của Thiên Chúa, đồng thừa kế với Chúa Kitô, miễn là chúng ta cùng cam chịu đau khổ với Ngài” (Rm 8.17).

Cần phải tiếp tục công việc cứu thế của Chúa Kitô. Hội Thánh sống bằng hiến tế của Ngài, tế hiến ấy được tái hiện mỗi ngày trên bàn thờ, và được tiếp tục trong các chi thể đang chịu đau đớn của Chúa Giêsu. Sự đau khổ của các tín hữu cần thiết cho phần rỗi nhân loại : đau khổ đó là nguồn sự sống, vì đau khổ đền tội, chuộc tội, thánh hóa.

Khi Thiên Chúa ban cho ta cái vinh dự được chịu đau khổ, ta hãy vui mừng. Chúa Giêsu phó mình cho ta trong mọi mầu nhiệm của Ngài, song không đâu bằng trong mầu nhiệm thập giá. Có những trao đổi yêu thương chỉ diễn ra trong đau khổ : “Anh em đã được phúc – vì Chúa Kitô – chẳng những là tin vào Ngài mà còn được đau khổ vì Ngài.” (Ph 1.29).

Đức Mẹ dạy ta chịu đau khổ trong thinh lặng, trong âm thầm. Thinh lặng là bầu khí của đau khổ. Trên núi Sọ, không nghe thấy tiếng nói chuyện. Người ta mất những gì có sức thánh hóa nhất của đau khổ, khi than van, khi kể lể nỗi đau buồn và khi tìm những sự an ủi. Bạn từng phung phí ơn quí báu đó.

Sự kết hiệp đó của linh hồn với Thiên Chúa, Bạn có hiểu không ? Ai sống trong tinh thần hi sinh, người đó không chỉ theo Chúa Giêsu, hơn thế còn vào tận trung tâm mầu nhiệm của Ngài. Người đó có thể nói như thánh Phaolô : “Tôi sống nhưng không phải tôi mà chính Chúa Giêsu sống trong tôi.” (Gal 2.20).

Chúa phán cùng thánh nữ An-gê-la Phô-li-nhô : “Ai yêu mến và bước theo con đường Ta đã đi, con đường đau khổ, người ấy là con cái đích thật của Ta. Những ai để mắt tâm hồn nhìn vào cuộc Tử nạn và cái chết của Ta, nhìn vào cái chết chứ không nhìn đi đâu cả, cái chết đã nên sự sống và phần rỗi cho trần gian, những kẻ ấy là con cái chân chính của Ta. Các kẻ khác không được như thế.”[22]

Ta hãy cầu xin với Đức Mẹ ban cho ta tinh thần hy sinh ấy, và được tế lễ mình với Con của Mẹ : “Mẹ ơi, xin hãy ghi sâu vào lòng con, những thương tích của Chúa bị đóng đinh.”[23]

 

RTUTR

 

-V-

ĐỂ VINH HIỂN BA NGÔI THIÊN-CHÚA

Điều cốt yếu của đời sống nội tâm là: lòng tôn kính Chúa Ba Ngôi. Một điều tuyệt đối cần thiết cho lòng đạo đức là phải nuôi dưỡng những tâm tình đặc biệt đối với mỗi Ngôi Thiên Chúa:

-Tình yêu con cái đối với Cha, Đấng đã ban cho ta Con một Người;

-Lòng tin cậy tuyệt đối nơi Đấng Lời, Đấng Cứu Chuộc và vị Trung Gian phổ quát của ta;

-Phó thác mình cho Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong hồn ta, là Vị hướng đạo, là Thầy ta, là Đấng lo liệu mọi sự cho đời thiêng liêng của ta.

Hạnh phúc của Thiên Chúa là ở sự kết hợp huyền diệu khôn tả của Thiên Chúa với chính mình Người trong ba ngôi vị. Sự kết hợp vô cùng gắn bó của Cha với Con làm một với Thánh Thần, cái vận hành yêu thương làm cho sự duy nhất của Ba Đấng nên hoàn thành, làm cho hạnh-phúc Ba Đấng đạt mức tột đỉnh, và làm cho Thiên Chúa tìm thấy trọn vẹn phúc lạc trong mình, trong bản tính mình và trong kết hiệp của Ba Ngôi.

Thiên Chúa là Đấng Thánh bởi vì sự hoàn thiện của bản tính Người đã tách Người ra khỏi những gì không phải là Người. Cũng vậy, Đức Mẹ là Đấng thánh thiện. Tên riêng bất khả thông truyền của Mẹ là: “Rất Thánh Nữ Đồng Trinh”. Người thánh thiện vì Người đồng trinh, mà Đức trinh khiết vốn là sự toàn vẹn, không phân chia với ai hay với bất cứ sự gì, không hề bao giờ tìm một liên kết nào khác ngoài Thiên-Chúa, Người sống trong Thiên-Chúa, toàn thân nhất nhất quy hướng và thuộc trọn về Thiên-Chúa. Suốt một cuộc đời, luôn giữ mình trong trắng, từ tư tưởng, tâm tình, tình cảm, hành động và cả thân xác, không hề dính bén đến dơ nhớp xấu xa. Thật đáng khâm phục.

Ta hãy nghe thánh Cy-pri-a-nô, Giám mục, tử đạo ca ngợi các trinh nữ đang sống trong Hội Thánh: “Họ là đóa hoa của thân cây là Hội Thánh, là vẻ mỹ miều và là trang sức duyên dáng do Chúa Thánh Thần ban, là niềm vui sống động, là công trình toàn hảo và bất hoại đáng ca ngợi và tôn vinh, là hình ảnh của Thiên Chúa, phản ảnh sự thánh thiện của Chúa, là thành phần sáng giá nhất trong đoàn chiên của Chúa Kitô… Họ đã được hưởng vinh quang phục sinh ngay ở đời này…, họ được ngang hàng với các Thiên thần của Thiên Chúa….” [24]

Nếu các trinh nữ mà còn đáng được ca ngợi như thế, thì ta sẽ nói sao về Đức Mẹ là “Rất Thánh Nữ Đồng Trinh”? Nơi Mẹ không chỉ thể hiện những điều nói về các trinh nữ, mà còn phải nói rằng ngay cả nơi các Thánh nữ đồng trinh, có thánh nữ nào có một tình yêu Chúa đến mức vô biên vô hạn như Đức Mẹ? Thêm vào đó Chúa Th.Thần còn tô điểm Mẹ với bao nhiên nhân đức đến mức tuyệt đỉnh…Như thế mới làm cho Mẹ xứng đáng trở nên Cung điện cho Chúa Ngôi Hai cực thánh, siêu thánh ngự xuống làm người trong lòng Mẹ!

Phần chúng ta, nên thánh chỉ có thể là noi gương sự thánh thiện của Thiên-Chúa: Liên kết với Thiên Chúa bằng trí khôn, ý chí và các hành động bên ngoài để sao chỉ còn là “một thần khí” với Người, theo lời Phaolô nói (1 Cor 6.17): Tức là đem tất cả mọi sự về duy nhất, chỉ cần có Thiên Chúa mà thôi.

Ai sẽ làm cho ta lên tới đỉnh đó của đời sống? Vẫn chính là Đức Mẹ.

-Bởi đức trinh khiết, Người là nữ tử yêu dấu duy nhất của Chúa Cha: Người sẽ đem ta vào trong hành động Thiên Chúa nhận ta làm nghĩa tử, nhờ đó ta trở nên con cái.

-Bởi chức Thánh Mẫu Thiên Chúa, Người là Mẹ của Con Một Thiên Chúa: Người sẽ làm ta được nên anh em của “Con Đầu lòng của Người” (Lc 2.7).

-Bởi chức làm Mẹ nhân loại, Người là Hiền-thê của Chúa Thánh Thần: nhờ Mẹ, ta được tháp nhập vào Nhiệm thể, và các ân sủng của công cuộc Cứu Chuộc sẽ chảy tràn từ Người sang ta.

1/ ĐỨC MẸ KẾT HIỆP TA VỚI CHÚA CHA

Đ.Maria là ái nữ đặc tuyển siêu đẳng của Chúa Cha. Tất cả các vẻ đẹp Thiên Chúa có thể gom lại mà ban cho một thụ tạo, Người đã ban cho Đ.Maria. Người đã muốn rằng tất cả sự phong phú của tự nhiên và ơn sủng sẽ được kết tụ nơi một tạo vật, một tạo vật không hơn không kém: đó là Mẹ của Con của Người.

Maria đã lãnh được nhiều ơn huệ hơn tất cả thiên thần và nhân loại hợp lại. Tất cả những gì huy hoàng mà Chúa Cha đã gom góp trong việc tạo thành các thiên thần; tất cả những gì là sự sống và đức độ mà Người đã đặt vào việc tạo dựng nhân loại, Người đã gom lại - và còn đã đưa lên vượt bực - trong công trình tạo dựng người Mẹ cho Con của Người. Chỉ duy mình Đ.Maria là “Đấng đầy ơn sủng” (Lc 1.28). Câu đó nói lên tất cả. Trong Đ.Maria, bạn có thể nhìn thấy quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa hơn là trong tất cả mọi tạo vật. Đ.Maria là gương phản chiếu Đấng vô hình, trong mức độ khả năng của một tạo vật có thể thực hiện được.

Phụng vụ nói cho ta biết: việc Nhập Thể của Ngôi Lời có mục đích làm ta đạt tới tình yêu Chúa Cha là Đấng vô hình, nhờ sự hiểu biết Chúa Con đã trở nên hữu hình vì mặc xác phàm. Thiên Chúa không nên “ở trong ánh sáng vô phương đạt đáo” siêu việt tuyệt đối nữa (1 Tm 6.16): Đấng là sự sống của ta, ánh sáng của ta, phải trở nên vừa tầm với nhân loại. Vậy, Người đã tỏ mình ra trong Ngôi Lời Nhập thể trước tiên, sau đó trong Đ.Maria:

a/ trong Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập thể, Người là “Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta”; còn…

b/ trong Đ.Maria, là hình-ảnh-mẫu lý tưởng của một tạo vật được kết hiệp với Thiên-Chúa phải là như thế nào.

Như vậy, ta có thể biết, trong Giêsu, Thiên Chúa là gì đối với ta, còn trong Maria, biết Người mong muốn ta phải là gì đối với Người.

Việc tạo dựng Đức Nữ Trinh trong vinh quang của sự trinh khiết và ơn sủng đã khiến cho Người trở thành đối tượng độc nhất làm Chúa Cha vui thỏa rồi. Nhưng khi Đ.Maria sinh Đấng Lời, tình thân mật của hai Ngài còn đạt mức độ thâm sâu khôn tả. Lời nói ở đây trở nên bất lực.

Dầu vậy, Đ.G.M. Bốt-su-ê cũng bập bẹ đôi lời: “Để lập một liên kết vĩnh cửu với Mẹ, Chúa Cha đã muốn rằng Mẹ làm Mẹ của Con Một Người và Người là Cha của Con của Mẹ. Ôi kỳ diệu lạ lùng! Ôi vực thẳm tình yêu! Trí khôn nào lại không lạc lõng khi chiêm ngắm những sự vui thỏa không thể hiểu thấu mà Người có đối với Mẹ, từ lúc Mẹ đụng chạm tới Người một cách quá sức gần gũi bởi Người Con chung ấy, vốn là cái gút vô hình thắt chặt Giao-ước thánh giữa Mẹ với Thiên Chúa, bảo chứng của những luyến ái mà hai Đấng trao tặng cho nhau cách vô vàn thương mến.

– “Người Con chung của Chúng ta !” thế là Thiên Chúa Cha và Maria gặp nhau trong Trung Tâm tình yêu chung là Giêsu, Con Một của Hai Đấng. Hai Đấng nói với nhau trong sự kết hợp không có lời nào diễn tả được : “Cái gì của Ta cũng là của Mình”.

“Hai Đấng thánh thiêng ấy: Chúa Cha ở trên trời và người Mẹ ở dưới thế nay liên kết với nhau, trong cùng một mối dây kết hiệp thánh thiện là một Ngôi Vị Thần Linh, Người Con chung độc nhất, từ hai Đấng mà phát sinh ra, và là mối dây bất khả phân ly đã kết buộc hai Đấng lại với nhau cho đến đời đời.”[25]

Duy chỉ sự kết hiệp giữa Ba Ngôi Thiên Chúa mới vượt trên sự kết hiệp giữa Chúa Cha và Đức Trinh Nữ.

Điều tuyệt vời là Sự kết hiệp ấy của hai Đấng còn nới rộng ra: Chức thân mẫu của Đức Maria cũng vươn ra xa bằng chức Thân phụ của Thiên-Chúa. Là Mẹ của Chúa Con theo phần xác, Người trở nên Mẹ các con cái nghĩa tử của Thiên Chúa. Thiên Chúa có nhiều con cái, song nhờ bởi Đức Mẹ: Nếu ơn sủng đem đến cho Chúa Cha các con cái, chẳng phải là nhờ bởi Đức Maria mà Chúa mới có sao? Thật thế, để gầy tạo nên Nhiệm-thể cho Chúa Kitô, và cũng là một đoàn con cái cho Thiên Chúa, phải có lời “Xin vâng” của Đ.Maria trước đã, cho phép Ngôi Hai là Đầu của họ Nhập Thể làm người!

Và hiệu quả được thấy rõ là: Chính nhờ Đức Maria, Mẹ chúng ta trên bình diện ân sủng, mà ta học biết hành động theo tư cách con cái Thiên-Chúa. Đó là nền tảng của địa vị siêu nhiên của ta. Vì thế, các hành động của ta: như sống, cầu nguyện, làm việc, đau khổ như con cái Thiên Chúa v.v… cũng phải chiếu theo nền tảng đó mà làm. “Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng…” (Ep 5.8). “Anh em hãy cầu nguyện thế này: Lạy Cha chúng con ở trên trời…”(Mt 6.9); “Anh em hãy noi gương Thiên Chúa như những người con yêu dấu” (Ep 5.1).

Chúa Cha ôm choàng trong cùng một tình yêu Con một của Người và các nghĩa tử của Người. Kinh Thánh làm chứng :“Ai yêu mến Thầy, thì được Cha Thầy yêu mến.” (Ga 14.21); “Cha yêu anh em vì anh em đã yêu Thầy, và tin Thầy đã xuất từ Thiên Chúa.”(Ga 16.27). Tình yêu đời đời của Chúa Cha đối với Con Một của Người chảy tràn xuống các nghĩa tử. Điều này được Chúa Giêsu bảo đảm cho ta: “Phần Con, Con đã ban cho chúng vinh quang Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một: Con trong chúng, và Cha trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một, ngõ hầu thế gian biết là Cha đã sai Con, và đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con” (Ga 17.22-23).

Bổn phận thiết yếu của Kitô hữu là làm con Thiên-Chúa. Để chu toàn, ta hãy kêu cầu đến tình Mẫu tử của Đ.Maria. Sứ mệnh cao cả nhất của Người là đào tạo những con cái Thiên-Chúa. Hạnh phúc lớn lao nhất ta có thể hiến cho Người là để cho Người sinh ta ra trong đời sống ơn sủng. Ước mong chớ chi Người ban cho ta có tâm tình con thảo để yêu mến Chúa Cha và để chuyện trò với Người như con với Cha.

~~///~~

 

2/ ĐỨC MẸ KẾT HIỆP TA VỚI ĐẤNG LỜI

Ai có thể nói lên được sự kết hiệp của Đ.Maria với Chúa Giêsu là thế nào? Chỉ mình Thiên Chúa có  thể thấu hiểu. Lúc Chúa Nhập Thể, Đ.Maria hiến dâng phần trong sạch nhất của máu mình để tác tạo thân thể cho Đấng Lời. Kèm với sự hiến dâng ấy, là cả một khối tình mến của Mẹ! Con Thiên Chúa đáp lại bằng một tình yêu lớn lao hơn nữa! Ngài ban cho Mẹ một ơn sủng vô biên: Sự sống thần linh của Ngài: Ngài hoàn toàn là của Mẹ.

Với một tình ưu ái độc nhất vô nhị, Chúa Ba Ngôi đã hun đúc nên trái tim của Đức Trinh Nữ, để Người làm Mẹ Đấng Lời Nhập Thể, và để Người có thể yêu mến vị Thiên-Chúa-làm-người như đáng phải được yêu mến. Sự kết hợp giữa hai Đấng càng ngày càng tăng tiến trong suốt cả đời sống dương thế của Mẹ. Kết hợp ấy như thế nào, Bạn chỉ cần nghĩ đến những năm tháng hai Đấng sống chung dưới một mái nhà ở Na-da-rét, lúc làm việc, trong khó khăn nghèo túng cùng chung chịu đựng, và trong cùng một nguyện vọng vô biên cứu độ nhân loại.

Chắc chắn đã có những trao đổi kỳ diệu giữa hai Đấng: Chúa Giêsu đem cho Mẹ biết bao ơn ánh sáng, chẳng hạn những soi sáng liên lỉ tăng lên dần dần về các mầu nhiệm Thiên Chúa, ngõ hầu Mẹ chu toàn sứ mệnh mình. Để đáp lại các ơn của Ngài một cách hoàn hảo, Mẹ Maria hiến cho Giêsu sự một sự ngoan ngoãn dễ dạy tột bậc để làm theo mọi ơn soi sáng, và một tình yêu dịu dàng nồng ấm.

Bạn hãy nghĩ đến sự kết hợp của Hai Đấng trên núi Sọ, lúc Hai Đấng cùng chung một ý muốn dâng hiến tế vô cùng cao trọng cho phần rỗi nhân loại. Hai Đấng đã nên một.

Đ.H.Y Bê-ruyn-lơ nói “Lạy Đ.Maria, nói về Mẹ, tức là cũng nói về Giêsu. Nói về tâm trạng của Mẹ, chúng con nghĩ trước tiên đến những tâm trạng Mẹ có lúc Ngài đầu thai. Mẹ thuộc về Ngài, Mẹ sống bởi Ngài, vì Ngài.

“Như các Ngôi Thiên Chúa chỉ tồn tại trong bản thể, trong hiện hữu mình[26] bởi tương quan với nhau, thì Mẹ một cách nào cũng vậy, Mẹ chỉ tồn tại trong giới ơn sủng vì tương quan với Giêsu: Mẹ sống bởi ơn của Ngài trước khi Ngài nhận nơi Mẹ Nhân tính để làm người. Mẹ hoàn toàn thấm nhuần bởi tinh thần Ngài, và các ơn sủng, các sự cao sang của Mẹ là của Ngài, hỡi Thánh Nữ Đồng Trinh, hỡi Đấng rất thánh và cũng là một người chị em trong nhân loại: rất thánh bởi ơn sủng và nhân loại bởi bản tính.”

Tâm hồn ta sẽ như bị choáng ngợp khi nghĩ đến đời sống nội tâm của Đức Mẹ, luôn nhìn ngắm Giêsu với trọn cả tình yêu của người Mẹ và với đức tin sâu xa của Người nữ tỳ.

Các hành động của Chúa Giêsu, các lời nói của Ngài, tất cả, đối với Đ.Maria, đều như những mặc khải mới. Mỗi cử chỉ của Giêsu đều như gợi lên trong Đ.Maria những rung cảm âm thầm, sâu sắc, phát sinh những việc yêu mến hoàn hảo.

Xem như thế, ta mới hiểu được là sự kết hợp khôn tả ấy giữa Đức Mẹ và người Con chí ái đã cho Đức Mẹ quyền và khả năng kết hiệp ta với Chúa Giêsu. Kết hiệp với Chúa Giêsu là điều mà thánh Phaolô bảo đó là cùng đích của đời sống thiêng liêng của ta: “Đối với tôi, sống là chính Chúa Kitô” (Ph 1.21).

Ai sẽ ban Chúa Kitô cho ta? Chúa Cha. Song Người ban bởi tay Đ.Maria.

Đức Mẹ tỏ Chúa Giêsu cho ta, dạy ta chiêm ngắm Ngài. Chẳng phải chính Người cũng đã dành cả đời để chiêm ngắm Chúa sao?

Phụng vụ cũng luôn luôn mời ta nguyện xin Đức Mẹ tỏ Con của Người ra cho ta:

“Xin Mẹ hãy tỏ Chúa Giêsu ra cho chúng con, Chúa Giêsu con đầy phúc của lòng Mẹ”[27]

Khi được hiểu biết Chúa Giêsu, hiểu tình yêu Ngài đã biểu lộ ra cho ta, tình yêu đã làm Ngài nên anh em của ta, sự ấy phải là khởi điểm của tình mến của ta đáp lại, như lời Thánh Tông-Đồ nói: “Tình yêu thúc bách ta” (2 Cor 5.14). Thúc bách ta nên giống như Giêsu, đau khổ như Giêsu, tiếp tục công việc Ngài trong Hội-Thánh. Tất cả đời sống Kitô hữu là gì, nếu không phải là tiếp tục đời sống Chúa Giêsu bởi thực hành những nhân đức như Ngài?

Chúa Kitô trải rộng sự sống Ngài tới tôi bởi ơn sủng. Tôi nghĩ đó là sự sống của tôi, thực ra chính là sự sống của Ngài: “Tôi sống, song không còn phải tôi, chính Chúa Kitô sống nơi tôi”(Gal 2.20). Tất cả qui về vinh quang Thiên Chúa: “Tất cả mọi sự thuộc về anh em, anh em thuộc về Chúa Kitô, và Chúa Kitô thuộc về Thiên-Chúa” (1 Cor 3.23).

3/ ĐỨC MẸ KẾT HỢP TA VỚI CHÚA

THÁNH THẦN

Thiên sứ Ga-bri-en cất lời chào: “Bà đầy ơn phúc”, tất cả ơn sủng một tạo vật có thể nhận lãnh, Đức Mẹ đã nhận với tất cả khả năng chấp chứa của bản thân mình. Thiên Chúa không từ chối Đ.Maria một ơn huệ gì. Chúa Ba Ngôi đã tạo dựng một linh hồn có khả năng chấp nhận hết mọi ơn huệ của Người, và Người tìm thấy trong linh hồn đó niềm hoan lạc độc nhất và một đối tượng lớn làm vinh quang cho Người.

Ngay sau đó, Thiên sứ đề cập đến sứ điệp chính. Thiên sứ nói với Đ.Maria: “Thánh Thần sẽ đến trên Bà”. Thật ra, Ngài đã đến thánh-hóa Đ.Maria lần đầu tiên, khi Người được tạo dựng, được đầu thai không nhiễm tội tổ. Có thể nói Chúa Thánh Thần đã chiếm lấy Đ.Maria ngay từ giây phút Người được tạo dựng, đã tuôn xuống Người tràn trề sự sống Thiên-Chúa, để chuẩn bị Người đón tiếp Ngôi Lời.

Chính quyền năng Ngài tác động cho Maria thụ thai: Ngài gầy tạo trong Maria thân thể của Ngôi Lời. Thiên sứ báo:“Thánh Thần sẽ đến trên Bà, và Quyền năng Đấng Tối Cao trên bà rợp bóng, bởi thế mà trẻ sắp sinh ra sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên-Chúa.” (Lc 1.35)

Từ đó, mọi sự đều sẽ diễn ra như thế cả. Chúa Thánh Thần tiếp tục gầy tạo Thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô và Ngài thực hiện nhờ Đ.Maria. Công cuộc đào luyện các thánh là chung của hai Đấng.

Điều đó cho thấy sự kết hợp của Đức Mẹ với Chúa Thánh Thần khắng khít dường nào! Thánh Thần cho Mẹ biết ơn thiên triệu của mỗi chi thể Chúa Kitô, cấp bậc vinh quang mà người ấy sẽ được, các nguy hiểm sẽ gặp, các ơn người ấy cần. Tất cả chương trình Thiên Chúa tiền định về người ấy, Mẹ đều được biết rõ và Mẹ thể hiện. Đó là dấu Chúa Thánh Thần bộc lộ cho Mẹ biết tình trạng của Nhiệm thể và trao cho Mẹ nhiệm vụ làm cho Nhiệm Thể tăng tiến. Quả là một sự kết hợp chặt chẽ biết bao trong việc cộng tác luôn hiện tại giữa Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ để đào tạo Nhiệm thể Chúa Kitô !

Hai Đấng tạo nên Chúa Kitô trong Hội-Thánh, tạo nên Chúa Kitô trong tôi. Ở đâu Giêsu sinh ra, thì cũng như lần sinh ra đầu hết: bởi phép Chúa Thánh Thần và bởi lòng Đ.Maria.

Đức Mẹ kéo Chúa Thánh Thần xuống cho ta: Thánh Gri-nhông đờ Mông-Pho nói một câu rất hay: “Khi Thánh Thần thấy Đ.Maria trong linh hồn nào, Ngài liền bay đến và ngự vào đó trọn vẹn. Ngài sẽ ban mình cách dư tràn cho hồn ấy, tùy hồn đã nhường chỗ chừng nào cho Bạn dấu yêu của Ngài. Một trong những lý do lớn khiến bây giờ Thánh Thần không còn làm những kỳ công hiển hách trong các linh hồn, là tại Ngài không còn tìm thấy ở họ sự kết hiệp mật thiết với Hiền Thê trung tín và bất khả phân ly của Ngài.”

Bởi sự hiện diện hoạt động của Thánh Thần, ta được nhập vào gia đình Thiên-Chúa. Ngài bày tỏ cho ta thấy Chúa Giêsu như Tin Mừng chỉ cho biết.[28] Thánh Phaolô nói rõ ràng:Mầu nhiệm (Đức Kitô) này, trong các thế hệ trước, chưa hề được thông tri cho con cái loài người, nhưng nay Thiên Chúa đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người.” (Ep 3.5).

Ngài ban cho ta tâm tình con thảo: “Anh em đã nhận lãnh Thần khí của hàng nghĩa tử, nhờ đó chúng ta kêu lên: Abba! Cha ơi!” (Rm. 8.15). Ngài chính là Thần khí của Chúa Giêsu: “Bởi vì anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí Con của Người đến trong lòng anh em” (Gal 4.6). Thần Khí ấy hoạt động nơi ta, điều khiển hoạt động của ta như đã điều khiển hoạt động nhân loại của Chúa Giêsu, và như vẫn điều khiển hoạt động của Hội-Thánh. Vì có lời thánh Phaolô dạy: “Phàm ai được Thần khí hướng dẫn, thì họ (mới) là con cái Thiên-Chúa” (Rm 8.14).

Lúc đó ta mới được biết cầu nguyện theo tư cách con cái: “Thần Khí trợ giúp tình cảnh yếu hèn của ta, vì cầu xin thế nào cho phải, ta nào có biết. Song chính Thần Khí chuyển cầu cho ta bằng những tiếng rên siết khôn tả.” (Rm.8.26).

 

oo{v{oo

 

 

 

PHẦN KẾT

 

PHÓ THÁC CHO ĐỨC MẸ

Sau những điều suy niệm trên, kết luận tất nhiên là phải phó thác mình cho Đ.Maria. Ta biết Người yêu thương ta. Ta biết quyền lực Người. Người có ánh sáng để dẫn-dắt ta, có ơn sủng, có lòng nhân hậu. Vậy ta hãy tin cậy nơi Mẹ, hy vọng nơi Mẹ, hãy để tình yêu từ mẫu Người làm mọi sự cho ta.

Phó thác, tức là tự hiến mình trước hết. Nhưng còn hơn thế, từ bỏ mình, quên mình, hiến thân không dè sẻn. Thật ra, theo đúng lý ta chỉ phó mình cho một mình Thiên Chúa mà thôi, vì duy nhất chỉ Thánh ý của Chúa Cha mới cai quản vũ-trụ, và cách riêng thế giới siêu nhiên. Song sự phó thác của ta cho Thiên Chúa sẽ đạt tới hoàn hảo nhờ bởi phó thác cho Đức Mẹ. Chẳng phải Người đã được tham dự chặt chẽ vào việc cai quản thế giới siêu nhiên đó sao?

Quyền chức Nữ Vương đầy tình từ mẫu của Người là một Vương quyền thực sự và hoạt động: Người đào tạo nên các thánh!

Thiên Chúa đã có ý định về đời sống thiêng liêng của tôi, đời sống của tôi trong Chúa Kitô, song Người ủy thác việc thực hiện trong tay Đức Mẹ: Đức Mẹ nắm giữ đầu mối của các biến cố mà Quan Phòng Thiên Chúa sử dụng để làm tôi thành một chi thể Chúa Kitô, một kẻ được tuyển chọn.

Về phần tôi, chỉ có việc: “Tin vào tình yêu mà Thiên Chúa có đối với ta” như lời thánh Gioan nói (1 Ga 4.16), và ta đem áp dụng vào Đức Mẹ : tin vào tình yêu mà Đức Mẹ có đối với ta, và trông cậy, rồi để mặc Người hành động.

Ta hãy ký thác cho Đ.Maria tất cả những gì thuộc về ta, thân xác và linh hồn, cảm giác, trí tưởng, trí hiểu, ý muốn tự do, các hành động và các công phúc của ta. Ký thác tất cả các sự đó cho quyền lực của Người. Để Người điều khiển các tư tưởng và ước muốn ta, để Người cai quản hoạt động ta. Ta hãy thật sự thuộc trọn về Người để được hoàn toàn thuộc về Thiên-Chúa.

Các tác giả đạo đức thường quen nói: muốn thực hành sự phó thác cho Đức Mẹ, điều đơn giản nhất là sống với Người, bởi Người và trong Người.

  1. Sống với Đ.Mẹ không khó khi ta yêu Người. Bởi những trực giác bén nhậy của đức tin, ta thông hiệp với Mẹ ta và gương mẫu ta. Cầu nguyện, làm việc, đau khổ với Người, cái đó biến đổi đời sống ta. Đó là kết tập với Đấng rất mực tinh tuyền, là cộng tác không ngơi với Người. Sự hoàn thiện ta phải đạt tới, Người đã đạt tới trước ta. Dù ta đi đâu, dù con đường ta đi hiểm trở đến mấy, dù thập giá nào ta phải vác: hãy nhìn về trước: Sẽ thấy Đức Mẹ ở đó.

Bạn là người được hạnh phúc phụng sự Thiên Chúa từ lâu, hãy nhìn lên Mẹ: Người thật là vẻ huy hoàng của Thiên-Chúa, là biểu hiện của vẻ đẹp Thiên Chúa. Vẻ cao sang mà Chúa muốn làm sáng chói lên trong các chi thể Chúa Kitô: nào là đức khiêm-nhường, đức trong sạch, đức tin, đức mến, tất cả đều sống động trong Đức Trinh Nữ biết bao khiêm nhường, song cũng biết bao cao cả, biết bao dịu dàng song không mất đi nét uy hùng.

Còn các bạn là người tội lỗi, yếu đuối trong đức tin, nhơ uế và kiêu ngạo trong lối sống, cả các bạn nữa cũng hãy sống với Đức Mẹ: Người giàu lòng thương cảm thấm tình nhân đạo biết mấy, dễ xúc cảm trước nỗi đau khổ biết bao! Dù khốn nạn thế nào, và chính vì các bạn là kẻ khốn nạn, hãy nhìn về Mẹ của mình.

Người luôn ở cùng ta bằng tình yêu bao bọc, ở với ta bởi ơn sủng Người phân phát cho; ở với ta bởi lời chuyển cầu là sức mạnh của ta; ở với ta bởi các gương sáng thúc giục ta, ở với ta ngay khi ta không nghĩ đến Người, song Người luôn nghĩ đến ta như mẹ hằng nghĩ đến con, trong lúc vui cũng như lúc buồn: “Bây giờ và trong giờ lâm tử” như ta hằng cầu xin. Đó là một sự hội hiệp trong tình yêu và sức ảnh hưởng. Ta có thể nói lên nỗi mừng như bà E-li-da-bét: “Bởi đâu mà tôi được Mẹ Chúa tới với tôi?”(Lc 1.43)

  1. Sống nhờ Đức Mẹ: Vì Người là vị môi giới, là “Cửa thiên đàng luôn rộng mở” [29], cửa ơn thánh. Chúa Kitô đến với ta qua Người. Cũng qua Người, ta đến với Chúa Kitô. Người trợ giúp lời cầu của tôi. Sự lớn lao cao trọng của Thiên Chúa đè nặng trên tôi, Người làm cho êm dịu lại. “Là gương chiếu dọi sự công chính và thánh thiện Thiên-Chúa”, Người làm cho sự hoàn thiện được dễ đạt tới hơn. Nhờ Người, hy vọng nên thánh và thiên đàng trở nên dễ dàng hơn. Cái gì thiếu trong hành động và sự thờ phượng của ta, Người bù đắp bởi công nghiệp của Con của Người và của Người. Ta dâng lời cầu nguyện và làm việc nhờ Người, như nhờ Con của Người. Người hình như nói với ta: “Và chính Mẹ, Mẹ cũng cầu nguyện”. Lời cầu nguyện nghèo nàn của ta thốt ra từ một tấm lòng khô khan nguội lạnh, may mắn gặp được lời cầu của Đ.Maria nhận lấy, được bao bọc với tình yêu, coi như của Người: Lời cầu ấy đã nên lời cầu vừa của Mẹ vừa của con cái, lời cầu ấy tỏa lên ngai tòa Thiên-Chúa.
  2. Sống bởi Đức Mẹ, tức là quên mình, bỏ mình… Một trong các cản trở chính của đời sống thiêng liêng là quá lo lắng về mình, làm ta quên đi những ý muốn của Thiên-Chúa, ngăn cản không cho thấy rõ những ý định của Chúa Quan Phòng. Từ bỏ cái tinh thần vị kỷ ấy để đem mình sống phù hợp với các cách nhìn của Đức Mẹ, thế là được gia nhập vào trong việc chu toàn các ý định của Thiên-Chúa.

Cần có một thinh lặng nội tâm làm ta luôn chú ý, cần có tinh thần khiêm nhường khiến ta nên ngoan ngoãn và mềm mại uốn mình theo sự điều khiển của Thiên-Chúa. Người ta không thể đoán biết được những linh hồn ấy tiến nhanh đến chừng nào, vì họ đã nhờ bởi quên mình mà trở nên dễ nghe theo những sự thúc giục của Đức Mẹ; và người ta cũng không thể hiểu sự bình an sâu thẳm chừng nào mà họ được hưởng !

Nhờ phó thác cho Đức Mẹ, họ đã rũ bỏ được thói quyết đoán theo ý riêng trong việc điều khiển đời mình, thế tức là thoát khỏi những ảo tưởng do cảm giác và kiêu-ngạo gây nên. Giờ đây Đức Mẹ điều khiển nhẹ nhàng song mạnh mẽ các cố gắng, các lời cầu nguyện và các tư-tưởng của họ. Người thật là “Nữ Hoàng” thống trị với vẻ oai nghi đầy tình mẫu tử, nhưng rất mạnh mẽ. Linh hồn được đi sâu vào trong tình thân mật của Thiên-Chúa.

đ. Sống trong Đ.Mẹ, dưới ảnh hưởng liên lỉ của Người, trong tùy thuộc và liên-kết với Người đến mức chỉ còn “một tấm lòng, một linh hồn” (Cv 4.32). Các ý nguyện của Người là của ta. Cầu nguyện như Người, trong cùng một tinh thần khiêm cung và thờ lạy; kết hợp với lòng đạo đức của Người, với tình yêu của Người. Như thánh Gri-nhông đờ Mông-Pho nói: trở nên “những bản sao sống động của Đ.Maria”: Hẳn đây là một quà tặng lớn lao của ơn sủng, khi ta đạt đến tình thân mật ấy với Mẹ Thiên-Chúa. Quả thật đó là phương thế trực tiếp nhất để sống trong Chúa Kitô.

Chính trong Đức Mẹ mà ta sẽ gặp được sự sống của Chúa Kitô dọn ban cho ta. Cha Ô-li-ê nói: “Tôi nài xin anh em năng trở vào sống trong nội tâm thánh thiêng của Đ.Maria, là Đấng Thiên Chúa đã lập làm môi giới của ơn thánh thiêng là Thánh tử Người mà Người  ban cho Hội-Thánh. Chính ở trong cung thánh ấy anh em học được những việc thờ lạy, chúc tụng và yêu mến Thiên Chúa ngàn lần uy nghiêm hơn những gì mà chẳng bao giờ tạo-vật sẽ có thể dâng lên Thiên Chúa…

“Chính vì thế, tôi khẩn khoản nài xin anh em hãy vào trong cung thánh linh thiêng đó luôn mãi, bởi vì nhờ kết hợp với Đức Thánh Trinh Nữ, anh em sẽ tiến bộ mau hơn, làm sáng danh Thiên-Chúa, ích lợi cho Hội-Thánh và cho chính mình anh em hơn là bởi tất cả các thực hành khác mà anh em có thể sử dụng”.

Đức Hồng-Y Bê-ruyn-lơ cầu nguyện: “Lạy thánh Nữ Đồng Trinh, Mẹ Thiên-Chúa, Nữ Vương nhân loại và các thiên-thần, kỳ công tuyệt diệu của trời đất, con tôn kính Mẹ với tất cả tài sức mà con có thể có được theo ý Thiên-Chúa; mà con phải làm vì những sự cao cả của Mẹ; mà Chúa Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa, Chúa chúng con, đã muốn Mẹ phải được tôn kính trên trời như dưới đất.

“Con dâng Mẹ linh hồn con, đời sống con, con muốn thuộc về Mẹ trọn đời, và dâng lên Mẹ niềm trọng kính đặc biệt và sự lệ thuộc bây giờ và mãi mãi đời đời. Hỡi Mẹ của ơn phúc và lòng thương xót, con chọn Mẹ làm Mẹ của hồn con, để làm vinh dự cho  việc Thiên Chúa đã vui lòng chọn Mẹ làm Mẹ Người.

“Hỡi Nữ Vương các Thiên-thần và nhân loại, con chấp nhận Mẹ và nhìn nhận Mẹ là Nữ Vương của con để làm vinh dự sự tùy thuộc mà Con Thiên-Chúa, Đấng Cứu Chuộc và Thiên Chúa con, đã muốn có đối với Mẹ như Mẹ của mình. Và với tư cách ấy, con xin trao cho Mẹ quyền trên linh hồn và đời sống con, tất cả quyền mà con có thể trao cho Mẹ theo ý Chúa.

“Ôi Trinh-Nữ rất thánh, hãy coi con như là vật thuộc về Mẹ, và bởi lòng nhân hậu của Mẹ, hãy đối xử với con như bầy tôi phục vụ quyền lực Mẹ và như kẻ được Mẹ tỏ lòng thương xót.

“Ôi nguồn sự sống và ơn phúc, nơi nương náu cho kẻ tội lỗi, con chạy đến cùng Mẹ để được giải thoát khỏi tội lỗi, được gìn giữ khỏi chết đời đời. Chớ gì con được ở dưới sự bảo trợ của Mẹ, được chung phần vào các đặc ân của Mẹ; và chớ gì, nhờ bởi các sự cao trọng, các đặc ân của Mẹ, và bởi quyền con là kẻ thuộc về Mẹ, con đạt được những gì con không đáng đạt được bởi các tội lỗi xúc phạm của con. Và chớ gì giờ sau hết đời con, giờ định đoạt số phận đời đời của con, được đặt trong tay Mẹ, để làm vinh dự cho giây phút hạnh phúc lúc Thiên Chúa Nhập thể làm người và đã lập Mẹ làm Mẹ Thiên-Chúa.

“Ôi Đức Nữ Trinh và cũng là Mẹ! Ôi đền thờ thánh thiêng của Thiên-Chúa! Ôi kỳ công tuyệt diệu của trời đất! Ôi Mẹ của Thiên Chúa con! Con thuộc về Mẹ không những theo danh nghĩa chung của các sự cao trọng của Mẹ, nhưng còn muốn thuộc về Mẹ theo danh nghĩa riêng của việc con chọn Mẹ và bởi con thật lòng muốn vậy.

“Con xin hiến dâng mình con cho Mẹ và cho Con Một của Mẹ, Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con; và con muốn không bỏ qua ngày nào mà không dâng lên Ngài và lên Mẹ, một việc trọng kính gì đặc biệt, và một vài bằng chứng của sự tùy thuộc và làm tôi tớ của con, và con mong ước được chết và sống trong tình trạng ấy cho đến muôn đời.”

šš{››

 

PHỤ CHƯƠNG

GIẢI NGHĨA MẤY DANH-TỪ ĐẶC-BIỆT

DÙNG TRONG CUỐN SÁCH NÀY

 

Chủ-tế: Đấng chủ sự, là vai chính trong việc tế-lễ, hiến-tế.

Công nghiệp có tính cách xứng hợp và tình thân: là công-nghiệp hay công trạng lập được do lời cầu-nguyện, hy-sinh, tình mến của các người thiết nghĩa với Chúa. Đối lại: Công-nghiệp theo công-bình: là công-nghiệp do chính công việc làm gây ra hay đáng được.

Của lễ toàn thiêu: Lễ vật người ta dâng cho Chúa phải đem đốt trọn vẹn để hương thơm dâng lên Thiên Chúa.

Đặc sủng: Ơn huệ đặc biệt, thường chỉ về các ơn lạ Chúa Thánh Thần ban, như nói tiếng lạ, ơn tiên tri, ơn làm phép lạ, v.v…

Đối thần hay hướng thần: có nghĩa là trực tiếp đối hay hướng thẳng tới Thiên-Chúa; thường nói: đức đối (hay hướng) thần là nhân đức trực tiếp có Chúa làm đích: như tin, cậy, mến.

Đồng thừa kế: là thừa kế cùng với Chúa Giêsu Kitô, vì ta được là con Thiên Chúa như Chúa Giêsu thì cũng được thừa kế gia tài Nước Trời với Ngài.

Đức thiên phú: Nhân-đức Thiên Chúa ban trực tiếp vào hồn ta, khi hồn có ơn nghĩa thánh, chứ không do ta tập tành mà có.

E-và mới: Chỉ về Đức Mẹ, người Mẹ ban sự sống mới của Thiên Chúa cho nhân loại. Đối nghịch với   E-và cũ là người đem cái chết đến cho dòng dõi nhân loại bởi làm trái lệnh Thiên Chúa.

Hiện sủng: Cũng thường gọi là ơn trợ giúp kịp thời. Ơn Thiên Chúa giúp ta mỗi khi cần để sống xứng đáng con Chúa, tránh tội v.v…

Hiền thê: hay là Bạn trăm năm. Thường dùng nói về người được Chúa yêu và âu yếm tha thiết, nhất là Đức Mẹ và Hội-Thánh.

Hòm bia Giao-Ước: Trong Cựu Ước, Hòm đựng hai bia đá ghi lề luật Thiên Chúa truyền cho ông Mô-sê. Đó là dấu chỉ giao ước Chúa ký kết với dân của Người là dân Hip-ri (Do-thái).

Khiếm khuyết: những cái sơ sẩy, thiếu sót chưa được hoàn thiện trong hồn ta.

Kitô hữu: Người tín hữu của Chúa Kitô, ai tin vào Chúa Kitô đều là Kitô hữu.

Nghĩa tử: Con nuôi. Theo thần học, ta chỉ là con nuôi nhờ được “thông phần” sự sống của Thiên Chúa, chỉ Chúa Giêsu mới là Con thật, hoàn toàn đồng tính, đồng phép với Chúa Cha. Theo Kinh Thánh (x. Ga 3.5-6), ta được tái sinh bởi Thánh Thấn, nên ta thực sự là con Thiên Chúa (x. 1 Ga 3.1) do đó chữ “nghĩa tử” là còn non nghĩa, nhưng vì không có danh từ nào khác, đành phải dùng.

Ngôi Lời hay Đấng Lời: Theo Thánh Kinh (cách riêng Tin Mừng Gioan) và thần học, thì đây là tên gọi Ngôi Hai Thiên-Chúa. Gọi là Lời vì Ngôi Hai là ý tưởng, là Lời Thiên Chúa nói cho chúng ta.

Nhân tính: là tính loài người gồm có xác và hồn mà Chúa Ngôi Hai đảm nhận lấy khi xuống thế. Như vậy, Chúa Kitô có hai tính, Thần tính (Ngài là Thiên Chúa) và nhân tính, Ngài cũng là người thật.

Nhập thể: thường gọi cách bình dân là Chúa xuống thế làm người, hay mặc xác thịt.

Nhiệm thể: thường gọi là Thân Thể Mầu nhiệm của Chúa Kitô. Ta được ơn nghĩa Chúa, nên được kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô như chi thể liên kết với Đầu, thành một thân thể. Song thân thể này vì họp thành bởi ơn thánh và lòng tin cậy mến, nên gọi là Thân thể mầu nhiệm. Cũng gọi là Kitô bí nhiệm, huyền nhiệm, Kitô toàn phần, hay toàn thể.

Nhiệm sinh: Danh từ thần học chuyên môn chỉ sự phát xuất bí nhiệm của Ngôi Hai từ Chúa Cha.

Ơn thiên triệu: thường cũng gọi là ơn kêu gọi.

Phổ quát: Chung, bao quát.

Sách Giảng viên : Một sách trong bộ Kinh Thánh Cựu-ước, sưu tập các châm ngôn thực tế của đời sống để dạy cách sống ở đời.

Sách Nhã ca: (hoặc Diễm ca): xưa thường gọi là sách Ca đệ nhất, là một trong các sách của Bộ Kinh Thánh Cựu-ước. Sách tả bằng những hình ảnh cụ thể, thực tế để tượng trưng mối tình của Thiên Chúa đối với dân Người, và áp dụng rộng ra là đối với mỗi tâm hồn thiết nghĩa với Chúa.

Sách Châm ngôn: Sách của Bộ Kinh Thánh Cựu-ước, gồm những lời dạy về cách sống ở đời cho người tín đồ của Thiên Chúa

Sung mãn: tràn trề, đầy dẫy.

Tái hiện: là hiện diện lại y nguyên như trước. Nói về việc tế-hiến của Chúa Giêsu trên núi Sọ, được hiện diện lại dưới hình bánh rượu trên bàn thờ bởi lời truyền phép của vị Thầy cả Chủ tế.

Tế hiến: là việc dâng hiến một của lễ lên để tôn thờ Thiên-Chúa. Đối với Chúa Giêsu, đó là việc tế-lễ Chúa dâng mình chịu chết trên thập giá, và hàng ngày còn tái hiện lại (hay tái diễn) trên bàn thờ Hội-Thánh. Theo nghĩa rộng, đó là tất cả những gì chúng ta dâng lên Chúa trong tinh thần hy-sinh, để thờ phụng và tôn vinh Chúa: đời sống, thân xác, tâm hồn, đau khổ, vui mừng, việc làm…

Tế sát: việc giết lễ vật để dâng lên Thiên Chúa, (thường là nói về một vật sống, như một con chiên, cừu).

Thần hóa: làm cho nên giống bản tính của Thiên-Chúa.

Thần tính: bản tính của Thiên-Chúa. Còn nhân tính là bản tính của loài người.

Thần vị: Một bản vị thần linh (personne divine).

Thánh vụ: công việc thánh, thường nói về việc phụng tự, và công việc thánh hóa của Giáo hội, của các Linh mục.

Thị kiến: Chúa cho xem thấy trong trí cách lạ lùng những cảnh bí nhiệm thiêng liêng.

Thông hòa hơi thiêng: cách nói bình dân, còn theo danh từ thần học chuyên môn là: “Nhiệm xuy”. Theo thần học Công giáo thì Chúa Cha và Chúa Con yêu mến nhau, Tình yêu trao đổi giữa hai Đấng phát xuất ra Ngôi thứ Ba là Thánh Thần, như khí hơi thiêng hai đấng yêu nhau mà thở ra.

Thiện hảo: Sự thiện, sự tốt.

Tiền định: ý định bí nhiệm của quan phòng Thiên Chúa về vận mệnh của mỗi người.

Trung gian: đứng ở giữa để làm môi giới, giảng hòa hay bầu cử. Cũng có người nói là Trung Bảo.

Tư tế: Một người được kén chọn để thay mặt dân lo việc phụng tự, cách riêng việc tế hiến. Thường cũng gọi là Thầy cả, linh mục.

 

ÈWÇ
MỤC LỤC

 

Lời giới thiệu                                                          3

NHẬP ĐỀ

        ĐỨC MẸ BAN CHÚA GIÊSU CHO TA ..... 5

PHẦN I :

ĐỨC MẸ SINH TA TRONG ƠN THÁNH ....... 7

I.- ĐỨC MẸ VÀ SỰ TIỀN ĐỊNH VỀ PHẦN RỖI     TA                       8

II.- ĐỨC MẸ LẬP CÔNG ĐỂ BAN ƠN THÁNH CHO TA         10

    . Ngày Truyền Tin .......................................... 12

    . Dâng Chúa trong Đền thờ ............................. 19

    . Núi Sọ                                                            21

    III.- ĐỨC MẸ LÀ MẸ TÔI.............................. 27

    IV.- ĐỨC MẸ LÀ MẸ HỘI THÁNH............... 28

    V.- TRONG DẠ MẸ MARIA.......................... 31

PHẦN II :

ĐỨC MẸ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG TA 33

    I.- ĐỜI SỐNG TA PHẢI PHÁT TRIỂN.......... 34

    II.- ĐỨC MẸ, ĐẤNG ĐẦU TIÊN THỪA HÀNH

          BAN ƠN THÁNH..................................... 35

   III.- ĐỨC MARIA CHUYỂN CẦU CHO TA.. 39

    . Lời cầu sáng suốt của người Mẹ.........................

    . Lời cầu của lòng Mẹ yêu thương.................... 42

    . Lời cầu rất quyền thế..................................... 44

    IV.- ĐỨC MẸ HÀNH ĐỘNG TRÊN TA ....... 48

    V.- ĐỨC MẸ HIỆN DIỆN TRONG ĐỜI

       SỐNG TA........................................................ .... 51

PHẦN III :

ĐỨC MẸ LÀM TA LỚN LÊN NHỜ CÁC

BÍ TÍCH         .................................................... 55

    I.- ĐỨC MẸ ĐỨNG Ở ĐẦU NGUỒN BÍ TÍCH 57

    II.- ĐỨC MẸ DỌN LÒNG TA LÃNH BÍ TÍCH 62

  1. a) Đức khiêm nhường và tinh thần khó nghèo 64       b) Đức mến        66
  2. c) Khao khát Thiên Chúa.............................. 68

    III.- TIẾN ĐẾN BÀN THỜ VỚI ĐỨC MẸ...... 72

 PHẦN IV :

ĐỨC MẸ LÀM TA LỚN LÊN NHỜ CÔNG  NGHIỆP                                   77

    I.- CÔNG NGHIỆP LÀM TA LỚN LÊN......... 78

   II.- ĐỨC MẸ THỰC HIỆN ƠN THIÊN TRIỆU

       LÀM NGƯỜI TÍN HỮU ............................. 79

    III.- ĐẤNG ĐẦY ÂN SỦNG........................... 80

    IV.- ĐỨC MẸ BAN PHÁT SỰ SỐNG

        VÀ CÁC ƠN SỦNG ẤY............................. 87

V.- ĐỨC MẸ GIÚP TA THỰC HIỆN ƠN                    THIÊN TRIỆU LÀM KITÔ HỮU   88

    VI.- ĐỨC MẸ DẠY TA LÀM VIỆC............... 91

    VII.- ĐỨC MẸ DẠY TA YÊU THƯƠNG

                             VÀ PHỤC VỤ ĐỒNG LOẠI. 95

    VIII.- KẾT HIỆP VỚI ĐỨC MẸ TRONG

         ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY BỞI TINH         THẦN VÂNG PHỤC  101

PHẦN V :

ĐỨC MẸ LÀM TA PHÁT TRIỂN BỞI

               VIỆC CẦU NGUYỆN...................... 105     I.- ĐỨC MẸ CHUẨN BỊ TA CẦU NGUYỆN- 106

         1) Lòng đạo đức của Chúa Kitô và Mẹ Ngài

         2) Sự thanh khiết nội tâm......................... 111

           a – Thinh lặng

           b – Từ bỏ mình...................................... 113

    II.- ĐỨC MẸ DẠY TA CẦU NGUYỆN

          TRONG VUI MỪNG.............................. 116

        1) Niềm vui của Đức Maria

        2) Các nỗi vui của ta.................................. 118

        3) Đức Mẹ dạy ta nhận lãnh các nỗi vui ấy 120

        4) Đức Mẹ liên kết ta vào niềm hoan lạc

           của Giêsu và của Mẹ.............................. 122

           a – Hoan lạc được thờ lạy Chúa

           b – Hoan lạc được tôn vinh Chúa .......... 123

           c – Hoan lạc được tạ ơn Chúa................ 124

    III.- ĐỨC MẸ DẠY TA CẦU NGUYỆN

           TRONG LÒNG TIN............................... 128

           1) Chúa Giêsu ra đi

           2) Cầu nguyện, nguyện ngắm

               trong lòng tin ..................................... 132

           3) Noi gương Đức Mẹ............................. 135

           4) Cầu nguyện trong tăm tối ................. 137

PHẦN VI :

ĐỨC MẸ BẢO VỆ ĐỜI SỐNG THIÊNG           LIÊNG CỦA TA        142

     I.- CHỐNG LẠI MA QUỶ........................... 143

    II.- CHỐNG LẠI CÁC TẠO VẬT................. 146

    III.- CHỐNG LẠI CHÍNH MÌNH TA............ 152

    IV.- MẸ ĐẦY XÓT THƯƠNG..................... 157

PHẦN VII :

ĐỨC MẸ ĐƯA TA TỚI HOÀN THIỆN........ 163

    I.- THIÊN CHÚA KÊU GỌI TA

           NÊN THÁNH........................................ 164

   II.- TA KÊU GỌI TỚI TÌNH MẪU TỬ CỦA MẸ  MARIA 166

    III.- ĐỨC MẸ KẾT HIỆP TA VỚI MẦU NHIỆM CHÚA KITÔ 167

    IV.- ĐỨC MẸ KẾT HIỆP TA VỚI HIẾN TẾ

          CỦA CHÚA KITÔ.................................. 173

           -Cần phải kết hiệp với hiến tế ấy........... 178

  1. A) Kết hiệp với hiến tế ấy nhờ phụng vụ 179
  2. B) Kết hiệp với hiến tế ấy trong đời

                sống thường nhật.............................. 184

    V.- ĐỂ VINH HIỂN BA NGÔI THIÊN CHÚA 190

           1) Đức Mẹ kết hiệp ta với Chúa Cha...... 193

           2) Đức Mẹ kết hiệp ta với Đấng Lời ...... 197

           3) Đức Mẹ kết hiệp ta với Chúa Thánh

               Thần    ............................................... 200

PHẦN KẾT : PHÓ THÁC CHO ĐỨC MẸ....... 204

            a/ Sống với Đ.Maria .............................. 205

           b/ Sống nhờ Đ.Maria ............................. 206

           c/ Sống bởi Đ.Maria  ............................. 207

           đ/ Sống trong Đ.Maria .......................... 208

PHỤ CHƯƠNG. Giải nghĩa mấy danh từ đặc biệt 211

MỤC LỤC                                                               .... 216

 

                                   

 

    

Mẹ Trong Đời Tôi

Bản chuyển ngữ của

Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn, CSsR.

In lần thứ nhất, tại nhà in Phan Thanh Giản,

21, Võ Tánh, Saigon.

 

***

 

 

[1]  Danh từ thần học gọi việc đó là “Ngôi hiệp”, còn ta gọi việc ấy một cách bình dân là Ngôi Lời mặc xác phàm.

[2]   Mời đọc các sách Tin Mừng trong đó thuật lại từng chi tiết.

[3]  Một bằng chứng: Tế hiến Thập giá xưa diễn ra trên Núi Sọ, nay vẫn được làm tái hiện (hay nói cách bình dân), vẫn được dâng lại trong Thánh Lễ bàn thờ mọi ngày, để tiếp tục ban ơn tha tội cho nhân loại … - Dưới đây trang 179tt sẽ bàn rộng rãi.

[4] Bérulle, Oevvres, Migne, tr.1052.

[5]   Mời tìm đọc quyển “Cách lần hạt theo Thánh Kinh “, lm. H.M.Tuấn, DCCT, Nhà Hưu Dưỡng, 38 Kỳ Đồng, P.9, Q.3, Tp.HCM.

[6] Bérulle, Oeuvres, tr. 497, 501.

[7]  Karl Rahner, nhà thần học quốc tế danh tiếng đã viết một cuốn sách với tít đề “MARIA, KẺ ĐÃ TIN”. Thư viện Đại Chủng viện Bùi Chu.

[8] Mr Olier.

[9] St Albert le Grand, Super Missus, 9,78.

[10] Richard de st Laurent, In Cant. ch.XXVI.

[11] Révélations, liv. VI, ch.57.

[12] Éditons des Carmélites de Paris, t.II, p.247.

[13] Rupert, Jn. Cant. lib. III.

[14] Như cước chú trên. --- Những đoạn mô tả các đau khổ triền

miên của Đức Mẹ như thế này, … gây cho ta cảm giác đời Mẹ chìm ngập trong khổ đau…Mô tả như thể chỉ cốt kích thích ta thêm yêu mến và biết ơn Mẹ vì đã chịu bao nhiêu đau đớn vì ta. Giống như các bà mẹ trần gian, khi muốn làm cho con cái biết ơn, thì kể ra những nỗi đau đớn của các bà: nào là mang nặng, đẻ đau, những năm tháng nhọc nhằn cho con bú mớm; nào là bao chăm chút săn sóc từng giây phút lúc con còn thơ bé, bao ngày mất ăn mất ngủ xanh xao hao gầy lo lắng bên cạnh giường con bị bệnh, v.v…

Vậy để cho quân bằng, xin cũng hãy đọc những đoạn trong sách này mô tả các nỗi vui mừng hân hoan của Mẹ, chẳng hạn như những trang 114tt diễn tả “Niềm vui của Đ.Maria.” Và cũng đừng quên rằng, xét theo đời sống bình thường, Mẹ Maria là người đàn bà hạnh phúc nhất trần gian. Hạnh phúc của người phụ nữ là ở chỗ nào? Nếu chẳng phải là có một gia đình êm ấm, một người chồng yêu thương, tận tụy, bao bọc che chở, những đứa con ngoan hiền hiếu thảo? Vậy thử hỏi người chồng nào sánh bằng Thánh cả Giuse? Người con nào sánh bằng Chúa Giêsu?

[15] St Anselme, De Excellent. Vir., ch V.

[16]   Căn cứ theo lời Đức Giêsu truyền, Hội Thánh còn hiểu là  Ngài thiết lập chức linh mục để cử hành  nghi thức đó.

[17]  Chữ đại diện còn non nghĩa. Tiếng La tinh chính xác là “in persona Christi”, hàm ý vị linh mục lúc ấy là Chúa Giêsu, Ngài dùng cử chỉ, lời nói v.v… của linh mục mà dâng lễ.

[18]    Để hiểu rõ hơn và đầy đủ hơn, mời đọc : MẶC KHẢI VỀ THÁNH THỂ theo Gioan 6., H.M.Tuấn biên soạn.

[19]  Lời xưng tụng tôn vinh kết thúc phần hiến tế của Thánh lễ.

[20]   Thánh thư nói lễ vật sống, là vì thông thường, trong Cựu Ước tế lễ vật gì lên Thiên Chúa thì phải sát tế (giết) rồi hỏa thiêu nó thành khói hương thơm bay lên Thiên Chúa; đằng này khi ta dâng mình làm lễ vật thì Chúa không đòi ta phải bị giết, ta vẫn sống, chỉ vì Chúa muốn tấm lòng tin yêu của ta, chứ không muốn lấy mạng sống ta.

[21] Révélation, liv.III, ch.XXXV.

[22] Vie et révélations, ch. XXXIII.

[23] Ca Tiếp liên “ Stabat Mater”.  

[24] Trích sách Kinh Hội Thánh, Phần chung “Kính các thánh trinh nữ”, Bài đọc 2.

[25] Bérulle.

[26] Danh từ thần học chuyên môn là: “Lập hữu”.

[27] Ca vãn: Ave Maris Stella.- và Kinh: Lạy Nữ vương.

[28] - Mt 22.43: Đức Giêsu hỏi  họ: Đức Kitô là con của ai? – Thưa: Con của Vua Đa-vít! - Ngài nói với họ: Vậy làm sao Đa-vít được Thần khí linh ứng cho  thì lại gọi Ngài là Chúa?  

    - Ga 15.26: Thần khí sự thật từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta.

    - Ga 16.13-14: Thần khí sự thật … sẽ làm Ta được vinh hiển.

[29]  Ca vãn “Alma Redemptoris Mater” (Lạy Rất thánh Đức Mẹ Chúa Cứu Chuộc)

back to top
Filters